Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại Sư Thông Ân- Hữu Đức, Tổ Khai Sơn Sắc Tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự, Núi Tà Cú – Nam Phan Thiết, Tỉnh Bình Thận.

03/05/202208:52(Xem: 6908)
Đại Sư Thông Ân- Hữu Đức, Tổ Khai Sơn Sắc Tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự, Núi Tà Cú – Nam Phan Thiết, Tỉnh Bình Thận.

 to huu duc

 

Tiểu sử
Tổ Sư THÔNG ÂN - HỮU ĐỨC và Sự Truyền Thừa Pháp Phái. 
Tổ Khai Sơn Sắc Tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự,
Núi Tà Cú – Nam Phan Thiết, Tỉnh Bình Thận.

Bài do Phật tử Diệu Danh diễn đọc

 

 

 

            Cách thành phố Nam Phan Thiết 28 km, tại thị trấn Thuận Nam, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Có một ngọn núi thiêng được gọi theo tiếng của người dân tộc địa phương là Tà Cú (Tàkou). Ngọn núi sừng sững, uy nghiêm, nằm cuối miền Trung nước Việt, có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển.

          Phong cảnh nơi đây thật hữu tình và thơ mộng, có nhiều kỳ hoa dị thảo và nhiều loại thú hoang dã sống chung nhau. (Theo điều tra khảo sát của Viện quy hoạch lâm nghiệp thì có đến 178 loài động vật, và 77 loại thảo dược quý hiếm).

          Núi trải dài hai mặt, hướng bắc là quốc lộ Một A và tuyến đường sắt song song nối liền ba miền Nam - Trung - Bắc. Hướng nam nhìn ra biển Đông còn gọi là Thái bình dương rộng lớn bao la, với bờ biển cát trắng trải dài hun hút. Đá núi đủ hình nhiều dạng được bao phủ bởi các loại cây rừng lâu năm, tạo cho Tà Cú một vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ.

          Khí hậu Tà Cú quanh năm trong lành mát mẻ, nhiệt độ trung bình khoảng 20 đến 28 độ C. Đứng trên đỉnh núi cao, khách có thể nhìn thấy những đám mây bình bồng, lặng lẽ trôi đi trong không khí dịu mát của mùa Thu. Với nhiều cánh hoa gạo và bằng lăng tươi nở của mùa hè. Với hoa lan rừng, hoa mai, hoa sứ thơm dịu của mùa Xuân. Và những lá vàng úa rụng, lìa cành phất phơ trong gió lộng của mùa Đông sương phủ ngập tràn.

          Điều đó cũng đủ làm cho con người quên đi những xáo trộn buồn phiền giữa cuộc sống đời thường, hướng về cõi bồng lai tiên cảnh, thanh tịnh, tịch liêu. Hoặc ngồi bên ngôi Đại tự, nghe tiếng chuông chùa ngân vang, đủ cảm thấy cõi lòng nhẹ nhàng, thanh thoát, một cảm giác lâng lâng tuyệt diệu.

          Nơi đây vào cuối thế kỷ 19 có một vị Đại sĩ ẩn mình tu tịnh, Vì lòng Từ  bi cứu thế độ đời và uy danh đến tận Kinh đô Huế. Vị đó chính là Tổ sư họ Trần, Pháp danh Thông Ân, Pháp hiệu Hữu Đức. Ngài sanh vào giờ Tý, ngày mùng 8 tháng 2 năm Nhâm Thân, (1812). Thời Vua Gia Long lên ngôi năm thứ 11, Ngài chào đời tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, nay là huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất thân trong một gia đình vọng tộc. Thân phụ Trần Thái Công và thân mẫu Nguyễn Thị Từ, cả hai đều là bậc hiền đức.

          Năm lên mười tuổi Ngài được song thân cho học Nho giáo trong làng, nên Ngài sớm am tường thi lễ, kính trên nhường dưới và hết lòng hiếu thảo với mẹ cha. Tuy nhiên, sống dưới mái ấm gia đình đủ đầy sự yêu thương đùm bọc, những tưởng cuộc đời Ngài êm xuôi như nước chảy qua cầu. Và một tương lai rạng rỡ sẽ mang đến cho người con trai yêu quý ở độ tuổi thanh xuân, tràn đầy niềm hạnh phúc. Nhưng không ngờ song thân lần lượt quy tiên, để lại cho Ngài bao nỗi buồn thương luyến tiếc.



chua linh son truong tho-1
Sắc tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự ngày nay
  
chua linh son truong tho-3
Thánh tượng Tổ sư THÔNG ÂN (1812–1887)


          Cảm nhận lẽ sanh tử vô thường, năm lên mười bảy tuổi (1828), sau khi cư tang báo hiếu tròn lễ Đại tường, Ngài quyết chí rời khỏi làng quê, giã từ nơi chôn nhao cắt rốn của mình, trương buồm lên thuyền vượt biển vào nam, tầm sư học đạo. Suốt bốn ngày đêm, thuyền cập bến Phan Thiết, phủ Bình Thuận xưa, Ngài tìm đến chùa Bửu Lâm, làng Phước Hưng, xin quy y và xuất gia với Đại sư Phổ Biện hiệu Trí Chất và được thầy ban cho Pháp danh Thông Ân,  dòng kệ của Thiền sư Trí Bản–Đột Không, thuộc Tông Lâm Tế đời thứ 25, từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam vào thế kỷ 17, 18.

          Suốt hơn 10 năm theo thầy học đạo và được truyền dạy về thảo dược chữa bệnh độ đời. Sư Thông Ân còn lãnh thọ Mật pháp Quán đãnh và gia trì Ngũ Bộ Thần Chú.

          Năm 28 tuổi (1839), Ngài bèn đến làng Kim Thạnh, thuộc xứ Bàu Trâm, (nay thuộc xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) nơi có gộp đá de ra như mái nhà, nằm bên bờ biển gần mũi Khe Gà (Kê Gà) ở phía Nam Phan thiết. Ngài ẩn tu nơi đó, vừa Thiền - Mật song hành, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho bá tánh. Đồ chúng quy ngưỡng rất đông, cảm mến ân đức và sự tu hành nghiêm tịnh của Ngài, cho nên Phật tử địa phương tạo dựng chốn này thành ngôi chùa Kim Quang, cung thỉnh Ngài làm trú trì, (chùa Kim Quang đã bị tàn phá trong chiến tranh, hiện nay chỉ còn lại gộp đá nơi Tổ tu hành thuở xưa và nền gạch vôi trơ vơ của ngôi chùa cũ).

          Đến niên hiệu Thiệu Trị, khoảng năm 1841-1847, nhân có Thiền sư Bảo Tạng, Thế danh Lê Chi, Pháp danh Hải Bình (1818- 1862) người cùng quê Phú yên với Ngài và nhỏ hơn Ngài 6 tuổi, là đệ tử truyền nhân của Hòa thượng Sơn nhân Tánh Thông - Giác Ngộ, (1784 -1842/1849), vị khai sơn chùa Bát Nhã tọa lạc trên đỉnh Long Sơn, Phú Yên. Thiền sư Bảo Tạng cùng sư huynh là Bảo Thanh và sư đệ Bảo Chân xuống núi vân du về phương nam. Trên bước đường hoằng hóa, Thiền sư Bảo Tạng nổi danh hơn hai huynh đệ của mình. Sư ghé mở đạo, khai sơn chùa Trà Cang (Trà Bang) và Chùa Linh Sơn núi Cà Đú ở Phan Rang. Chùa Linh Sơn ở Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận và năm 1845 khai kiến chùa Cổ Thạch ở Long Hương, rồi vào Phan Thiết.

          Ngài Thông Ân nghe Thiền sư đến xứ Bàu Trâm, liền thỉnh Sư về chùa Kim Quang xin truyền Cụ túc Tỳ khưu và Bồ tát giới cho Ngài, được ban Pháp hiệu là Hữu Đức vào năm 1847. Lúc ấy Thiền sư Bảo Tạng 30 tuổi và Ngài Hữu Đức 36 tuổi. Sau đó thầy trò chia tay. Ngài Thông Ân rời Bàu Trâm đến xứ Bàu Siêu, dân làng nghe được liền kéo đến tấp nập cầu xin trị bệnh và lập chùa Kỳ Viên cho Ngài trú trì.

         
Trải qua ba mươi năm hành đạo, cứu dân độ thế, danh tiếng của Ngài vang xa. Ngài thường dùng công năng của Chuẩn Đề Đà La Ni cứu dân làng thoát khỏi những thiên tai dịch bệnh. Bận rộn với công việc tiếp xúc bên ngoài quá nhiều mà không có thì giờ trưởng dưỡng nội lực. Phần thì tuổi đời chồng chất, mái tóc đã pha sương, mà tâm nguyện tỏ ngộ chưa thành.

          Do đó, năm đáo tuế 61 tuổi (1872), Ngài lặng lẽ băng ngàn lên núi Tà Cú. Nơi đây rừng thiêng, thú dữ, không một bóng người. Ngài vẹt gai góc đi từ sườn núi mạn Bắc, xa xa có dãy Trường Sơn và Quốc lộ Một. Đến Đá bàn hạ rồi tiếp tục lên Đá bàn thượng về sau gọi là Miếu Đá Ông Địa, Ngài tạm dừng chân làm nơi tĩnh tâm. Nhưng chẳng bao lâu, khe suối tại đây vào mùa nắng cạn khô, nước bị nhiễm độc, không thể sử dụng được nữa.

          Ngài tiếp tục lần bước qua những vách đá cheo leo, vòng lên sơn đỉnh cao hơn 400 mét, nơi mặt núi hướng ra biển cả, có nhiều tảng đá to chồng chất lên nhau, dưới những lớp mây trắng phủ sương mờ, bốn bề chim kêu vượn hú. Cuối cùng, Ngài chọn được một cái hang nhỏ hẹp vừa một người chui lọt. Bước xuống hơn ba mét, có một khoảng trống bằng phẳng là thạch bàn khá rộng và kín đáo, làm chỗ cho Ngài che mưa đụt nắng. Bên dưới lại có mạch nước ngầm chảy quanh năm trong vắt và nhiều ngách rẽ sâu hun hút. Trên miệng hang là những gốc cây to xanh mát, vừa tĩnh lặng, vừa u huyền. Thật là chốn am mây thánh cảnh cho Ngài dễ chuyên sâu vào thiền định.

          Chính nơi này Ngài đã ngộ đạo, về sau gọi là hang Tổ. Cọp beo thú dữ đến gần nhìn thấy Ngài tĩnh tọa, chúng cũng tránh xa. Tại đây Ngài trải qua bao năm tháng hạ thủ công phu, nóng lạnh dãi dầu, nắng mưa chẳng quản. Mặc cho muỗi mòng cắn đốt, quần áo cũ rách, thiếu thốn phương tiện, râu tóc để dài, quên cả thời gian. Ngài phát nguyện sống đời ẩn dật,  không bao giờ xuống núi.

          Ở thạch thất, Ngài uống nước suối, hái rau rừng, lượm những trái cây ăn được và làm bạn với cỏ cây, chim muông, cầm thú. Kết nghĩa với gió mát trăng thanh, lòng chẳng nhiễm thế duyên trần tục. Đức Từ bi của Ngài đã cảm hóa khắp muôn loài, từng bày khỉ vượn đến thân gần và luôn luôn có một con cọp trắng theo chân hầu hạ. Rất nhiều lần đồ chúng nhớ thương tìm kiếm, nhưng không biết Ngài ở đâu?

          Mãi đến bảy năm sau, dân làng và Phật tử nhờ người đi rừng phát hiện, chỉ đường lên núi mới gặp được Ngài. Họ bèn cất cho Ngài một thảo am nhỏ để tu phía dưới khoảng đất trống, bây giờ gọi là chùa Tổ.

          Năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng thái hậu Từ Dũ lâm bệnh nặng, khiến đôi mắt lệnh bà bị mù, các ngự y đành bó tay. Quan Thủ hiến Bình Thuận nghe danh Tổ, bèn viết sớ tâu vua xin rước Ngài về Kinh đô Huế giúp trị bệnh cho lệnh bà. Nhưng Ngài từ chối, chỉ gởi câu Linh chú Phật Mẫu Chuẫn Đề do Ngài viết trên chín tờ giấy bản khổ nhỏ, rồi dùng gia trì lực, cùng vài vị thuốc núi, rồi chỉ cách sử dụng, cho sứ thần mang về dâng lên vua. Nhờ đó bệnh Hoàng thái hậu được bình phục.

          Vua Tự Đức cảm niệm công đức tu hành của Ngài, mới ban tặng sắc chỉ bốn chữ Nho viết lớn: Linh Sơn Trường Thọ ( 靈 山長 壽 ), phía dưới đề Pháp húy của Ngài là Thông Ân Đại Hòa Thượng ( 通 恩 大 和 尚) và dâng cúng một ít tịnh tài để xây thành ngôi chùa nhỏ bằng gạch ngói trát vôi cho bá tánh nương về tu học.

          Từ đó Ngài thu nhận đệ tử xuất gia, có tôn hiệu là Tổ sư khai sơn "Sắc Tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự". Thế rồi, Hồng trần cõi tạm, duyên trần mãn. Tịnh độ nguồn chơn, Phật độ về. Vào buổi sáng ngày mùng 5 tháng 10 năm Đinh Hợi (1887), Ngài có chút bệnh, sau khi dặn dò đệ tử lớn là Tâm Tố, hiệu Viên Minh kế thừa mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai, cùng với các đệ tử khác như Tâm Hiền–Viên Huệ, Tâm Sơn–Thanh Minh và Tâm Luật… Ngài cho họp đồ chúng chỉ dạy một vài điều cần thiết, rồi sau đó thu thần ngồi kiết già an nhiên thị tịch. Trụ thế 76 tuổi, xuất gia 53 năm. Cọp trắng cũng buồn rầu, nhịn ăn, rống lên thảm thiết và nằm chết bên tháp mộ của Ngài mấy ngày sau đó.

          Theo lời HT Thích Hưng Từ biên soạn trong cuốn Tiểu sử Tổ sư Thông Ân và Chư Hậu Tổ, trước khi Tổ Hữu Đức sắp tịch, có một nữ đệ tử là Sư cô Thái Thị Tràng không rõ Pháp danh, nhờ chuyên tâm niệm Phật, khắc kỷ tu thân, đã có linh cảm biết Sư phụ sắp tịch nên tự chất củi thiêu mình thoát hóa trước Tổ.

          Năm 1890, đệ tử thứ của Ngài là Sư Tâm Hiền, hiệu Viên Huệ (1846-1924) sau khi tròn phận cư tang thầy, để tỏ lòng hiếu kính, muốn báo ân Tôn sư giáo dưỡng, bèn lập một thảo am phía bên kia khe nước, về hướng Đông, phát nguyện nhập thất, tu theo mật hạnh của Ngài và sau này trở thành chùa Long Đoàn. Sư thị tịch vào ngày 11 tháng Chạp năm Giáp Tý (1924). Trụ thế 79 tuổi. Chùa Long Đoàn đã được trùng tu qua các năm 1932, 1938 và 1960. 

          Niên hiệu Thành Thái, nhằm ngày 30 tháng chạp năm Quý Tỵ (1929) y theo phép trà tỳ của Tổ, Sư Tâm Tố trú trì chùa trên, chọn giữa khuya khi đồ chúng đã xuống núi, Ngài nổi lửa tự thiêu thoát hoá. Đệ tử Ngài là Sư Nguyên Tiền, hiệu Minh Tước kế nhiệm trú trì cùng với Sư Nguyên Chấn, hiệu Thiện Hòa và Sư Tịnh Hạnh.

          Trước khi Sư Nguyên Tiền- Minh Tước viên tịch, Sư  có  thu nhận một người đệ tử là Sư Quảng Thành, hiệu Thiện Thắng họ Đỗ, quê biển đảo Phú Quý, nhiệt tâm cầu đạo lên núi tu hành từ nhỏ và được kế vị tông phong. Sư là người có công đứng ra trùng tu Tổ đình lần thứ nhất. Những công trình kiến trúc bằng đá chẻ làm tường chánh điện, nhà Đông-Tây lợp ngói và khai thông con đường mới từ chùa Tổ xuống chân núi khoảng hai cây số.

          Ngày nay đi lại dễ dàng là phần công sức rất lớn của Ngài. Ngài cũng là người đem linh ảnh của Tổ sư Thông Ân về biển đảo Phú Quý tạo nhiều chùa, mở mang Phật giáo, về sau Hòa thượng Tường Vân cùng quê Phú Quý nguyên trụ trì Tòng Lâm Vạn Thiện, Phan Thiết cũng nối tiếp sự nghiệp này. Hòa thượng Quảng Thành hành đạo tại chùa núi 60 năm, Ngài viên tịch ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn 1940. Trụ thế ngoài 70 tuổi. Tăng lạp 42.

          Kế vị trụ trì là HT Thích Vĩnh Thọ huý Tục Châu (1908-1982), thế danh Đào Bạch Cẩn, nguyên quán Bình Định, vốn xuất gia tại quê nhà có Pháp húy là Nguyên Châu, sau đó vào Nam, nghe danh đức Tổ sư Khai sơn bèn lên núi xin cầu Pháp với ngài Quảng Thành đổi lại thành Tục Châu. Khi Bổn sư viên tịch, HT Tục Châu kế vị và cùng sư đệ Tục Huệ làm giám tự.

          Trong chiến tranh kháng Pháp, tai họa ập đến cửa Thiền. Sư Tục Huệ bị lính Lê Dương sát hại cùng vài người Phật tử khác tại chùa. Lúc này HT Vĩnh Thọ do đường xa cách trở tận Phú Yên, không làm sao vào Nam được. Khi Hiệp định Genève năm 1954 ngừng bắn, đất nước chia đôi. Hòa thượng mới về lại Tổ đình và bắt đầu dọn dẹp những đống đổ nát hoang tàn, phác thảo một số chương trình trùng hưng, kiến tạo ngôi Phạm vũ, làm nơi quy ngưỡng cho thập phương bá tánh nương về tu học. Trong đó phải kể đến công trình xây lại Tháp Tổ, tái thiết ngôi Chánh điện và lập cảnh Tịnh độ đạo tràng. Ngài xuôi ngược trong nhiều năm liền, từ các làng quê đến những tỉnh thành khắp miền Trung và Nam bộ để hóa duyên cho Pháp sự này.

          Trước hết, HT thực hiện các tượng Tam Thánh: Chính giữa đức Phật A Di Đà cao 7m, bên trái là Bồ tát Quán Thế Âm và bên phải là Đại Thế Chí, mỗi tượng cao 6,5m được đúc tạc vào năm 1958-1960. Sau đó ngài tôn tạo tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49 mét (1962- 1966) cao 7m cách hang Tổ khoảng 50m. Do Kỹ sư Trương Đình Ý, Pd Quảng Lưu thiết kế xây dựng.

          Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ sanh năm Mậu Thân (1908) viên tịch tại núi Tà Cú ngày 14 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1982), trụ thế 75 tuổi, Tăng lạp 55. Người thừa kế là Ni trưởng Thích nữ Ba-La húy Bổn Vị, và Sư tỷ Bổn Đại có công vận động thập phương bá tánh xây dựng lại ngôi Chánh điện, Tổ đường, nhà Đông nhà Tây và Bảo tháp bằng xi măng cốt thép rất kiên cố, tạo dáng cổ kính, uy nghiêm, tú lệ. Hiện nay là thắng cảnh du lịch sinh thái và tâm linh của tỉnh nhà Bình Thuận.

          Như đã giới thiệu phần trên, Linh sơn Long Đoàn Tự (chùa dưới) do Sư Tâm Hiền khai sáng, truyền cho Sư Nguyên Phát, hiệu Vĩnh Nguyện kế thừa, ngày giỗ là mùng 8 tháng Ba. Kế tiếp là HT Quảng Nhơn hiệu Ấn Tâm trú trì. Ngài nhận thấy dòng kệ truyền thừa này có chữ Tục (續) nghĩa là kế tục, nối tiếp. Ngài cho rằng phát âm không được tao nhã, nên sửa lại thành chữ Thục (俶) nghĩa là tốt đẹp. Vì thế các đệ tử xuất gia của HT ở chùa dưới đều mang Pháp húy chữ Thục, như Thục Nghiêm – Vĩnh Nguyện, Thục Nhơn–Minh Quả, Thục Quán–Minh Chiếu, Thục Thọ–Minh Nhựt, Thục Dũng–Minh Thiện, Thục Thành–Chánh Kiến v.v… thuộc đời thứ 44. HT cũng có đệ tử ni là Ni sư Thục Hương tự Như Phương hiệu Nhựt Nguyện, trú trì chùa Vô Ưu quận 11, Sài Gòn và nhiều đệ tử cầu pháp, bây giờ còn lại là Thích Minh Quý hiện trú trì Chùa Phước Trí, Liên Hương, Phan Rí và Thích Minh Chính trú trì chùa Linh Bửu xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

          HT Thích Ấn Tâm (Quảng Nhơn) sanh năm Nhâm Tý (1912), viên tịch tại núi Tà Cú ngày mùng 6 tháng 7 năm Bính Tý (1996). Trụ thế 85 tuổi. Tăng lạp 52.

          Do đó núi Tà Cú phía Nam nhìn ra mặt biển có hai chùa: Sắc tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự là chùa Tổ ở trên và Linh sơn Long Đoàn Tự bên dưới. (Ngoài ra mặt núi phía Bắc về Quốc lộ Một A, cũng có các chùa như Diên Thọ Tự còn gọi là chùa núi Hố Dầu do Hòa thượng Hành Thiện, hiệu Phước Nhàn, dòng Chúc Thánh khai sáng, chùa giữa là Long Thọ Tự do một Ni sư thành lập, bây giờ là sư cô Chúc Đức trú trì, và chùa dưới là An Thọ Tự.)

         

          Tôi (Thích Giác Nguyên) được hạnh duyên có Pháp danh Thục Nghiêm từ chùa Linh sơn Long Đoàn, và Pháp hiệu Vĩnh Nguyện nơi Tổ đình Linh sơn Trường Thọ trong dòng Pháp phái của chư Tổ. Nhận thấy có các nguồn tư liệu viết ra chưa được chính xác. Nhất là về niên đại của Tổ sư Thông Ân có liên hệ đến Tổ Bảo Tạng. Lại còn nhầm lẫn cho rằng Tổ Bảo Tạng lên núi Tà Cú ẩn tu rồi được tôn là Tổ khai sơn mà nhà sử học Nguyễn Hiền Đức không rõ dựa vào đâu để viết ra. Không biết ông có nhầm lẫn Tổ Bảo Tạng từng ghé Phan Rang hóa đạo và khai sơn chùa Linh Sơn núi Cà Đú hay không? Nếu vậy thì chuyện Tổ Thông Ân cứu bệnh Hoàng thái hậu Từ Dũ mẹ của vua Tự Đức được bình phục và nhà vua ban sắc chỉ phong cho Tổ là Linh Sơn Trường Thọ chả lẽ không có thật sao?

          Hơn nữa Tổ Thông Ân không có dừng chân hoặc tu tại chùa Hang Cổ Thạch bao giờ cả. Vì ngài từ Phú Yên xuôi buồm theo gió mùa thẳng đến bến Phan Thiết tầm sư học đạo. Và cũng không rõ Ngài có đặt chân đến biển đảo Phú Quý hành đạo hay không? Sự kiện Tổ Bảo Tạng sanh năm Mậu Dần (1818) tại Tuy An, Phú Yên nhỏ hơn tổ Thông Ân-Hữu Đức đến 6 tuổi, không biết Ngài xuất gia năm nào với Hòa thượng Sơn Nhân–Giác Ngộ? Nhưng theo tiểu sử và phổ hệ Tổ đình Thiền Lâm, Tháp Chàm, Phan Rang, trên trang mạng tuechung.net, chủ biên Thích Hạnh Bình viết:

Tổ đình Thiền Lâm tọa lạc tại thôn Đắc Nhơn, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10 cây số. Khai sơn Tổ đình là Tổ sư LIỄU MINH hiệu ĐỨC TẠNG đời thứ 37 thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông. Sau Tổ khai sơn – Liễu Minh, còn có các vị nối tiếp trú trì như:

Tổ sư Khánh Sơn bảo hiệu Thiên Đồng; 
 Tổ sư Bảo Hương bảo hiệu Tại Toại; 
 Tổ sư Tế Xuân bảo hiệu An Thái;
Tổ sư Tế Dương bảo hiệu Đức Thạnh;
Tổ sư Tế Điền bảo hiệu Như Bổn; 
Tổ sư Đại Nhân bảo hiệu Từ Hàng; 
Tổ sư Hải Bình bảo hiệu Bảo Tạng; 
Tổ sư Quãng Huy bảo hiệu Từ Khánh; 
Tổ sư Huệ Lâm bảo hiệu Dược Vương; 
Tổ sư Trừng Lâm bảo hiệu Chơn Hương; 
Tổ sư Tâm Đạt bảo hiệu Bảo Quang…

Qua dòng lịch sử truyền thừa cho thấy, sau Tổ khai sơn (Liễu Minh – Đức Tạng) ở khoảng giữa năm Nhâm Tý 1825, chùa Thiền Lâm đã đón nhận một bậc danh Tăng thạch trụ, đó là Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng, thuộc thế hệ 40 của dòng Thiền Lâm Tế. Tổ sư Hải Bình- Bảo Tạng là đời thứ 7 chính thức thừa kế ngôi vị trú trì chùa Thiền Lâm.”

          Như vậy khoảng giữa năm Nhâm tý 1825, Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng mới có 7 tuổi, không biết đã xuất gia hay chưa? Nếu đã xuất gia thì chỉ là Khu ô Sa di thì làm sao mà ngài từ Phú Yên đến chùa Thiền Lâm đã được đón nhận như một bậc danh Tăng thạch trụ (?) Và cũng Thích Hạnh Bình viết:

"Ngài cảm khái trước ngôi chùa đã đến giai đoạn hư hoại và xuống cấp, nên ngài đã cho tái thiết đại trùng tu ngôi cổ tự Thiền Lâm lần thứ nhất vào năm 1854. (Lúc đó ngài 29 hoặc 30 tuổi). Ngoài việc trùng tu ra, Tổ sư còn khai sơn một số chùa ở các nơi như: chùa Linh Sơn ở núi Cà Đú – Ninh Thuận, chùa Trà Cang - Ninh Thuận, chùa Linh Sơn ở Vĩnh Hảo, Tuy Phong–Bình Thuận, chùa Cổ Thạch ở Tuy Phong–Bình Thuận."

          Nếu Ngài đã ở chùa Thiền Lâm lâu năm như vậy thì làm sao có thì giờ xuôi Nam mở đạo và thành lập rất nhiều chùa dọc theo ven biển tại Bình Thuận? Rồi sau đó về Phước Hải, Bà Rịa Vũng Tàu Ngài kiến tạo các chùa như Long An, Bửu An, Long Hưng.... Hoặc trùng hưng chùa Bửu Long ở xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa nay là huyện Long Đất), và Chùa Long Quang (Bà Rịa, Vũng Tàu) vì hai chùa này từ xưa đến nay vẫn làm lễ giỗ Tổ vào ngày 25 tháng 5, đúng ngày Thiền sư Bảo Tạng viên tịch. Như thế Ngài không có thời gian để ẩn tu tại núi Tà Cú. Hơn nữa, từ bờ biển Phước Hải, đi vào đất liền khoảng 2 km, Thiền sư Bảo Tạng còn kiến lập “Châu Viên Sơn Tự” trên núi Châu Viên và chùa Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân thuộc xã Phước Hải, huyện Long Đất, Bà Rịa. Ngài cũng từng về lại Phú Yên thăm chùa xưa cảnh cũ. Cho đến cuối đời, Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng có thể viên tịch tại chùa Ngọc Tuyền, nằm bên cạnh căn cứ chiến khu Minh Đạm.

          Chúng tôi có đến viếng tháp Tổ vào năm 1997, nhận thấy dưới chân tháp bị bom dội xuống tạo thành một cái hố khá sâu rộng và một mảnh bom cắt đứt trên phần đỉnh tháp, nhưng không làm tháp bị sụp đổ, hoặc hư hoại. Thật là mầu nhiệm! Trên tấm bia bằng đá xanh bị sứt bể vài chỗ, phần chính giữa bia ghi: “Từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập thế, húy Hải Bình, thượng Bảo hạ Tạng, Hòa thượng chi Giác linh.” (Giác linh Hòa thượng Hải Bình - Bảo Tạng đời thứ 40, phái Lâm Tế chánh tông.) Hàng bên phải ghi: “Sanh ư Mậu Dần...” (sanh năm Mậu Dần bị mất mấy chữ kế). Hàng bên trái ghi: “Tử ư Nhâm Tuất niên, ngũ ngoạt, nhị thập ngũ nhật, Dần thời nhi chung” (mất giờ Dần, ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tuất 1862).

          Như vậy Ngài trụ thế 44 hoặc 45 tuổi. Đọc đoạn này chúng ta phải nên duyệt xét lại vấn đề một cách nghiêm túc. Không khéo có lỗi với chư Tổ về việc sao chép biên soạn lịch sử quá cẩu thả.

          Lại nữa, có thuyết cho rằng Tổ Thông Ân buổi đầu vào Phan Thiết tầm sư học đạo, Ngài xuất phát từ dòng kệ Lâm Tế – Liễu Quán mà Sư phụ hiệu Trí Chất có Pháp danh là Tánh Thiệt (?), đã ban truyền Tam quy Ngũ giới cho Ngài với Pháp danh Hải Ấn. Như vậy Ngài đồng đời với Thiền sư Bảo Tạng có Pháp danh Hải Bình. Không lâu sau đó Đại sư Trí Chất thị tịch, thì Ngài Hải Ấn xuất gia với Hòa thượng Phổ Quang, không biết có phải trú trì chùa Phật Quang Phan Thiết hay không? Từ đó Pháp danh Ngài được đổi lại thành Thông Ân (通恩) theo dòng Lâm Tế của Thiền sư Trí Bản – Đột Không (智板–突空禅师) từ Trung Quốc. Chúng tôi đang sưu tầm tư liệu này, rất mong chư huynh đệ bổ túc cho.

          Tuy nhiên theo sử liệu khác mà Nguyễn Hiền Đức ghi là Ngài Hữu Đức chỉ xuất gia và thọ Sa di với Hòa thượng Phổ Biên – Trí Chất, nên có Pháp húy Thông Ân. Hơn mười năm sau đó, Sư phụ Trí Chất thị tịch, nhân dịp Ngài Hải Bình – Bảo Tạng thuộc dòng Lâm Tế–Liễu Quán vào Nam mở đạo, có ghé qua Phan Thiết, đến xứ Bàu Trâm, ngài Thông Ân mời Thiền sư Bảo Tạng về chùa Kim Quang truyền Cụ túc Tỳ Khưu và Bồ Tát giới cho Ngài và được ban Pháp hiệu là Hữu Đức.

          Ngược dòng lịch sử, chúng ta thử tìm hiểu thêm về Thiền sư Trí Bản – Đột Không (1381–1449), người đã xuất kệ truyền thừa riêng Thiền phái mà chúng ta đang thọ lãnh. Không rõ tên họ Ngài là gì ? Chỉ biết Ngài thuộc đời thứ 25, dòng Lâm tế Chánh tông, hệ Đoan Kiều (断 桥 系) phái Dương Kỳ (杨 歧 派) là cháu được truyền pháp đời thứ 6 của Tánh Kim– Bích Phong lão Thiền sư. Tông Lâm Tế truyền xuống đến Ngài Bích Phong được 19 đời, nhân duyên Lão Thiền sư ngộ đạo từ núi Ngũ Đài, (臨 濟下十九世性金–碧峰 老禅师 悟道因缘五台山), là đệ tử thứ 3 của Minh Ngộ –Vô Tế Thiền sư (明 悟–旡 际禅 师), và là Pháp tử của Thiên Phong–Cảnh Tú Thiền sư (千 峰 镜 秀 禅 师.)


 
chua linh son truong tho-4
Tượng Phật Nhập Niết Bàn dài 49 mét do HT Tục Châu - Vĩnh Thọ tôn tạo năm 1962
 
nui tra cu
Tây phương Tam thánh cao 7 mét và 6 m 50  do HT Vĩnh Thọ tôn tạo năm 1958 -1960
 
 
chua long doan 
Linh sơn Long Đoàn Tự (Chùa dưới)


          Điều cần biết là các vị Thiền sư dòng Lâm Tế bên Trung Quốc thường xuất kệ tạo lập chi phái riêng (*). Do đó hậu thế khó phân định được đâu là Lâm Tế Chánh Tông, đâu là Lâm Tế Thứ Tông. Nhiều khi các vị tính theo thế hệ các đời truyền lưu rồi  phân ra giai cấp nào sư ông, sư thúc, sư bá, sư anh, sư em, sư con, sư cháu…. Mặc dù các vị xuất gia hay tại gia có tuổi đời và tuổi đạo lại nhỏ hơn, nhưng vai vế lớn hơn, khiến họ sanh tâm ngã mạn về cách xưng hô đối với các vị Thiền sư đã ngộ đạo thuộc thế hệ sau.

          Hơn nữa, Tổ sư Thiền đã mất dấu từ vài trăm năm qua, các vị tiền bối tiên sư nghiêng về ứng phú đạo tràng, hoặc chuyên tu mật giáo, tịnh độ hoặc làm giảng sư thuyết giáo  không còn thuần túy là hành giả Thiền tông, nhưng vẫn mang hệ thống truyền thừa pháp phái. Do vậy các Liệt Tổ Việt Nam ta trong phong trào chấn hưng Phật giáo của những năm thập niên 1930, một số vị như HT Thiện Hoa, HT Thiện Hoà ...đã hủy bỏ tính truyền thống của các sơn môn pháp phái. Chỉ y cứ Luật tạng mà ứng dụng việc ban Pháp danh không theo dòng truyền thừa nữa. Như người nam xuất gia cho chữ Minh, nữ cho chữ Như hoặc Diệu. Ai xuất gia thọ giới trước thì ngồi trước, ai thọ giới sau ngồi sau. Cứ tính theo tuổi đạo, không phân biệt già trẻ lớn bé, vai vế tông phong.

 

          Vào triều đại nhà Minh, năm 1436, Thiền sư Trí Bản đến Kiềm Dương (黔阳) thấy Chùa Thiền Phổ Minh (普明禅寺) trên núi Long Tiêu (龙标山) đã đổ nát hoang tàn trong chiến tranh. Ngài bèn vận động cho xây lại chốn Tổ trang nghiêm và về trú trì tại đó. Đồng thời Sư xuất kệ xiễn dương Tông chỉ gồm 16 chữ:

 

          智 慧 清 淨  Trí huệ thanh tịnh

          道 德 圓 明  Đạo  đức viên minh

          真 如 性 海  Chân như tánh hải

          寂 照 普 通  Tịch chiếu phổ thông .

 

 Về sau chùa Phổ Đà (普陀寺) trên núi Nga Mi, Ngũ Đài (五薹峨嵋) không rõ vị Thiền sư nào đã thêm 32 chữ nữa:

         

  心源廣润   Tâm nguyên quảng tục   
本觉昌 隆 Bổn giác xư ơng long   
能仁圣 果 Năng nh ơn thánh quả                                                
常演宽竑   Thường diễn khoan hoằng                                                    
惟 传法印 Duy truyền pháp ấn                                                     
证悟会融       Chứng ngộ hội dung                                                             
坚持 戒定 Kiên trì Giới định                                                               
永继祖宗” Vĩnh kế Tổ tông”

Tạm dịch:

Trí tuệ sạch trong, đạo đức sáng tròn,
Biển tánh Chơn như, lặng chiếu khắp cùng.
 Nguồn tâm rộng tiếp, gốc Giác hanh thông.
Siêng trồng quả thánh, thường bày Không môn.
Chỉ truyền pháp Ấn, Chứng ngộ hội dung . 
Gắng gìn Giới Định, nối mãi Tổ tông.

 Trích trong Trung Hoa Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư (中华佛教百科全书). Theo “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược” của TT Mật Thể cho là bài kệ này của Ngài Trí Thắng- Bích Dung cùng đời thứ 25 nhưng không đúng. Hệ phái này vẫn truyền thừa và phát triển rất mạnh ở miền Nam Trung Quốc.

          Hư Vân lão đại sư và Nguyệt Khê pháp sư chùa Vạn Phật ở Sa Điền cũng là bậc Cao Tăng xuất từ dòng kệ này. Nhất là các Tổ đình lớn như Kim Đỉnh Hoa Tạng Tự (金顶华藏寺), Cửu Lão Động Tiên Phong Tự (九老洞仙峰寺), Hồng Thung Bình Thiên Phật Thiền Viện (洪 椿坪千佛禅院,) Quảng Phúc Tự (广福寺), Ngưu Tâm Tự (牛心寺), Lôi Âm Tự (雷音寺), Đại Bình Tịnh Độ Thiền Viện (大坪净土禅院) v.v…  Từ miền Nam Trung Quốc truyền qua Đại Việt nước ta, khắp các tỉnh miền Bắc, Phật giáo Đàng ngoài đều theo dòng kệ truyền thừa này, như Tổ đình Bút Tháp, Tổ đình Phật Tích, Yên Tử , Quỳnh Lâm, hoặc các phái Long Động, Liên Tôn, Nguyệt Quang v.v… Điển hình là hai vị Thiền sư Minh Hành và Minh Lương đời thứ 32 rất có công trong việc trùng hưng Phật Pháp.

          Thiền sư Pháp danh Minh Hành, hiệu Tại Tại, Ngài họ Hà, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh (Trung Quốc). Vào năm Long Đức thứ 5 (1633), Ngài theo Đại sư Phổ Giác tức Chuyết Công đến hành hóa tại Kinh đô Thăng Long, Hà Nội. Năm Phúc Thái thứ 2 (Giáp Thân) tức năm 1644, Ngài được thiền sư Chuyết Công truyền y bát kế thế trú trì chùa Ninh Phúc (Bút Tháp). Thiền sư Minh Hành viên tịch ngày 25 tháng 3 năm Vĩnh Thọ thứ 2 (Kỷ Hợi 1659), trụ thế 64 tuổi. Ngài cũng có nhiều đệ tử nối pháp xây tháp phụng thờ tại chùa Bút Tháp, còn gọi Ninh Phúc Tự (寧福寺) ở Bắc Ninh; chùa Hoa Yên ở Quảng Ninh và chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa.

            Thiền sư Minh Lương truyền xuống đệ tử là Chơn Hiền– Liễu Nhất đời 33, trụ trì chùa Hoa Yên. Kế đến là Thiền sư Chơn Nguyên (1698) cũng đời thứ 33 truyền xuống các đệ tử: Như Tùy, Như Hiện và Như Trừng –Lân Giác đời 34.

            Thiền sư Như TrừngLân Giác có các đệ tử là Tánh Ngạn, Tánh Tuyền, Tánh Uyên, Tánh Hoạt… đời thứ 35.

            Về Phật giáo đàng trong, có một số Thiền sư truyền thừa theo dòng kệ trên như sau:

            Đời 35: Tánh ĐềĐạo Nguyên, trú trì chùa Thập Tháp–Di Đà, Tánh Ban–Giám Huyền, Tánh Giác –Thiện Trì (chùa Linh Phong, Bình Định.) 
   Đời 36: Hải Kiến– Đức Sơn (chùa Long Khánh, Quy Nhơn.) Hải PhướcHoài Tông (chùa Thiên Phước, Tuy Phước. BĐ.) Hải Tạng – Tâm Chơn…. 
Đời 37: Tịch Thọ, Tịch Niệm–Kim Tiên (chùa Phước Hải).   
Đời 38: Chiếu Quán –Thường Trung (chùa Phật Quang, Phan Thiết) 
Đời 39: Phổ Biện–Trí Chất (chùa Bửu Lâm, Phan Thiết)
Đời 40: Thông Ân–Hữu Đức (chùa Linh Sơn Trường Thọ, Núi Cú B.Thuận)
Đời 41: Tâm Tố–Viên Minh, Tâm Sơn–Thanh Minh, Tâm Hiền– Thanh Huệ, Tâm Luật….( chùa Linh Sơn Trường Thọ, Núi Cú Bình Thuận.)   Đời 42: Nguyên Lý–Trung Nghĩa. (chùa Linh Sơn Trường Thọ BT.)
Đời 43: Quảng Thành–Thiện Thắng…(Chùa Linh Sơn Trường Thọ BT.) 
Đời 44: Tục Châu- Vỉnh Thọ, Tục Huệ, (Chùa Linh Sơn Trường Thọ BT.)
Đời 45: Bổn Đại, Bổn Viên tịch, Bổn Vị, Bổn Điền ở Úc, Bổn Đạt ở Canada… 
Đời 46: Giác Cao
            Chùa Long Đoàn ( chùa dưới ) từ Tổ Tâm Hiền-Thanh Huệ  đời 41 khai sơn, truyền xuống

Đời 42: HT  Nguyên Phát.  Đời 43: HT Quảng Nhơn hiệu Ấn Tâm . 
Đời 44: Các thầy: Thục Nhơn–Minh Quả, Thục Quán–Minh Chiếu, Thục Nghiêm–Vĩnh Nguyện, Thục Thọ–Minh Nhựt, Thục Dũng–Minh Thiện, Thục Hương–Như Phương, Thục Thành–Chánh Kiến.

Hiện nay Sơn môn Bổ Đà ở Bắc Giang đã truyền đến chữ Tục đời thứ 44, chữ Bổn đời thứ 45, cũng giống như chùa Linh Sơn Trường Thọ núi Tà Cú, Bình Thuận.

             Tóm lại, Thiền phái Lâm Tế Chánh Tông do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền     ( 臨濟義玄) là Tông chủ, không rõ năm sanh, chỉ biết Ngài tịch khoảng 866-867. Dòng Thiền của Ngài được truyền xuống tới Thiền sư Trí Bản - Đột Không đời thứ 25. Sau đó Sư Trí Bản xuất kệ 16 chữ và chùa Phổ Đà núi Nga Mi Ngũ Đài nối thêm 32 chữ nữa như đã dẫn.      Trước sau 48 chữ và tổng cộng cả thảy là 72 đời, đã được các vị Tổ sư truyền vào Bình Thuận rất sớm, mà điển hình là Tổ Thông Ân đời thứ 40.

            Thiền sư Bảo Tạng thuộc dòng Lâm Tế – Liễu Quán trên đường hoằng hóa đến xứ Bàu Trâm, nam Phan Thiết, Ngài chỉ ghé qua và truyền Cụ túc giới cho Tổ Thông Ân, vì Phật pháp nơi này đã có rồi, nên Ngài xuôi Nam theo bờ biển đến Phước Hải, Long Hải, Bà Rịa, Vũng Tàu, chứ không có việc lên núi Tà Cú ẩn tu. Cũng không có mở đạo tại Biển đảo Phú Quý.

            Nay tôi dựa theo cuốn Tiểu sử Tổ Thông Ân, Khai Sơn Linh Sơn Trường Thọ Tự và chư Hậu Tổ của  HT Thích Hưng Từ, viện chủ chùa Pháp Hội, Bình Tuy nay là huyện Hàm Tân, Bình Thuận biên soạn vào đầu thập niên 1960. Tôi xin bổ túc thêm những tư liệu đã sưu tầm trên các trang mạng Phật Giáo Hoa-Việt. Cũng như dựa vào lời kể mà tôi đã ghi nhớ từ hai vị ân sư lúc sanh tiền là HT Thích Ấn Tâm và HT Thích Vĩnh Thọ, góp phần soạn lại phần tiểu sử này để tưởng niệm ân sâu giáo dưỡng, nhưng vẫn chưa được hài lòng.

            Ngưỡng mong Chư tôn Thiền đức và các vị thiện hữu tri thức bổ chính những điều còn thiếu sót. Xin chân thành bái tạ. California - Hoa Kỳ, lễ Tạ Ơn năm 2014 Thành kính Tưởng niệm Húy nhật Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Thông Ân mùng 5 tháng 10 Âm lịch.

 

Thích Giác Nguyên huý Thục Nghiêm kính ghi 

_______________


(*) Xin chú thích tư liệu nguyên bản Hán văn từ Phật Giáo Trung Quốc của dòng Thiền Lâm Tế có hàng chục Thiền sư xuất kệ tách riêng chi phái cho mình, đã có phần lượt bớt như sau:

To Huu_DucTo Huu_Duc-2
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/07/2022(Xem: 3464)
Gần đây trên trang nhà Quảng Đức xuất hiện một tuyển tập thơ Bồ Đề gồm nhiều bài thơ tự cảnh tỉnh mình với bút hiệu Chiêu Đề, Thôi kệ, Tát Bà Ha từ HT Thích Đồng Bổn … khiến người viết có chút thắc mắc vì chỉ mới vài năm trước đây mỗi khi muốn tìm tiểu sử một nhân vật Phật Giáo VN nào trong thế kỷ 20 ( danh tăng) tôi thường tìm kiếm trên mạng để rồi download PDF mà tìm hiểu thêm và đã biết đến tiểu sử của Ngài qua mục tác giả của Trang nhà Quảng Đức, theo đó tôi được ghi lại như sau:
29/06/2022(Xem: 7070)
Hơi Thở, Đường Dẫn Đến Chánh Niệm (Bài viết của TT Nguyên Tạng tưởng niệm Sư Ông Làng Mai, do Ca Nhạc Sĩ Thùy Linh diễn đọc)
27/06/2022(Xem: 3628)
Thông báo về Lễ Bách Nhật và Lễ Nhập Bảo Tháp HT Thích Đỗng Tuyên tại Tu Viện Quảng Hương, Già Lam, Sài Gòn (28/6/2022)
25/06/2022(Xem: 5889)
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, thế danh là Nguyễn văn Đồng, sanh năm Kỹ tỵ ( 1928 ) tại thành phố Cần Thơ, miền Nam Việt Nam. Thân phụ là ông Nguyễn văn Ngô, một nhà nho và cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc . Thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Hương, Tỳ kheo ni Như Quả, thọ giới Cụ Túc năm 1968 tại đại giới đàn chùa Từ Nghiêm.. Gia đình có hai anh em, người em trai thế danh là Nguyễn Thanh Vân hiện cư ngụ tại Sàigòn
07/05/2022(Xem: 5527)
Đến ngày mùng 8 tháng 12 năm 1986, ngày lễ Đức Phật thành đạo thì Thầy được chính thức xuất gia tại Thiền viện Thường Chiếu. Hòa Thượng Bổn Sư là thượng Thanh hạ Từ cho pháp danh là Thích Tuệ Hải.
02/05/2022(Xem: 6375)
Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc, thế danh Chế Thị Gi, sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thuở nhỏ, Ni trưởng vừa học trường làng vừa theo học Hán - Nôm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Phước, chùa Phước Ân. Bào tỷ của Ni trưởng tân viên tịch là cố Trưởng lão Ni Như Hoa, người đã hướng dẫn em gái mình đến tổ đình Kim Huê đảnh lễ ngài Luật sư Thích Chánh Quả cầu xin xuất gia tu học Phật pháp và được Hòa thượng bổn sư ban pháp danh Giác Ngọc.
26/04/2022(Xem: 4702)
Hòa thượng tu tập theo pháp môn trì danh niệm Phật, thường là mật niệm và thường hành trì thần chú Chuẩn đề. Khiêm cung và hỷ xả là một trong những hạnh mà Hòa thượng thực hành rất miên mật, nên trong ứng xử hàng ngày Hòa thượng thường thể hiện tâm kính trên nhường dưới, vì vậy mà rất được mọi thành phần từ Tăng sĩ đến xã hội phần nhiều đều thương quý.
22/04/2022(Xem: 4422)
Thiệp Thỉnh Lễ Đại Tường Hòa Thượng Thích Quảng Thanh (ngày 8-9/6/2022) tại Cali, Hoa Kỳ
21/04/2022(Xem: 3602)
Hồng Trần Chốn Cũ Dạo Chơi, Bấy Nhiêu Cuộc Lữ, Nụ Cười Thong Dong. Đến Đi Như Hạt Sắc Không, Nhẹ Buông Hơi Thở, Hoá Trông Vô Thường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]