Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

HT Thích Như Vạn (1930-1980)

02/03/201222:44(Xem: 5495)
HT Thích Như Vạn (1930-1980)

HT Thich Nhu Van

Hòa Thượng
THÍCH NHƯ VẠN
( 1930 – 1980 )
Trụ Trì Chùa Phước Lâm – Hội An
 

Hòa thượng thế danh Trần Văn Chín, sinh năm Canh Ngọ (1930) tại làng Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hoàng pháp danh Chơn Tấn và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chung (khi Ngài viên tịch thì song thân vẫn còn tại thế).

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nên Ngài sớm có ý chí thoát tục tu đạo. Lúc lên 12 tuổi, Ngài đến chùa Phổ Khánh trong làng và tỏ ra quyến luyến không muốn về. Nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên Ngài phải trở về nhà lo bổn phận môn đăng định tỉnh.

Năm Canh Dần (1950), khi vừa tròn 20 tuổi, thuận duyên đầy đủ nên Ngài đến chùa Chúc Thánh lạy Hòa thượng Thiện Quả làm thầy, được Hòa thượng thu nhận làm đệ tử với pháp danh Như Vạn.

Sau một thời gian hành điệu hầu hạ Bổn sư, thấy Ngài có căn duyên nên vào năm Tân Mẹo (1951), Hòa thượng Thiện Quả gởi Ngài vào tòng học tại Phật Học Đường Nam Việt dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Thiện Hòa và Hòa thượng Thích Trí Hữu. Đồng học khóa này có các vị như Hòa thượng Thích Chơn Phát, Hòa thượng Thích Chơn Điền, Hòa thượng Thích Như Huệ v.v…

 

Năm Nhâm Thìn (1952), Ngài thọ giới Sa Di với Hòa thượng Khánh Anh và được Bổn sư ban pháp tự là Giải Thọ.

Năm Ất Mùi (1955), Ngài thọ Cụ Túc giới tại giới đàn chùa Ấn Quang do Hòa thượng Thích Thiện Hòa tổ chức. Đàn giới này đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Khiết-Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Việt Nam làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau khi đắc giới, Ngài được Bổn sư phú pháp với hiệu là Trí Phước. Như vậy, Hòa thượng chính thức dự vào hàng Tăng Bảo khi vừa tròn 25 tuổi, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế và thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh.

Năm Kỷ Hợi (1959), sau khi tốt nghiệp tại Ấn Quang, Hòa thượng được Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng và tông môn thỉnh cử làm trụ trì tổ đình Phước Lâm thay thế cho Hòa thượng Thích Trí Giác đảm đương Phật sự quan trọng khác. Từ đây, Ngài bắt đầu cuộc đời “Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự” cho đến hơi thở cuối cùng.

Năm Canh Tý (1960), Ngài đảm nhận chức vị giảng sư do Hòa thượng Thích Thiện Minh bổ nhiệm với văn thư đề ngày 19.8.1960. Từ đây, Ngài cùng với quý Ngài trong Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo tại các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn. Từ hải đảo Cù Lao xa tít cho đến vùng núi đồi hiểm trở Đèo Le, Hòn Kẽm Đá Dừng v.v.. đều lưu dấu những bước chân hoằng pháp không biết mỏi mệt của Ngài. Với vóc người gầy ốm, tánh tình cởi mở hiền hòa chân thật, với những mẫu chuyện đạo đơn giản nhưng thực tế, Ngài đã đến với mọi tầng lớp nhân dân với tâm tha thiết độ sanh không phân biệt. Từ đó, như có một làn gió đạo tươi mát thổi vào làm bừng dậy sức sống của Phật giáo Quảng Nam. Nhưng một đống lửa lại bùng ra, đống lửa 1963: cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trước nạn kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Tại Quảng Nam, một Uỷ Ban Tranh Đấu được thành lập và Hòa thượng được bầu làm Ủy Viên Đặc trách các huyện thị. Trong cuộc tranh đấu này, Ngài đã tuyệt thực liên tục trước Tòa Hành Chánh Quảng Nam. Trong thân xác của con người nhỏ bé này lại chứa đựng một tinh thần vô úy kiên định khiến cho đối phương phải nể phục.

“Qua cơn bỉ cực đến hồi Thái lai”, câu nói của người xưa quả thật là chuẩn xác. Bao nhiêu hy sinh cay đắng chịu đựng của Tăng Ni cả nước đã làm cho triều Ngô lung lay và Dân tộc đã gạt dòng họ độc tài này sang bên lề lịch sử. Với cuộc cách mạng 1.11.1963, Phật giáo đã thoát khỏi nạn kỳ thị tôn giáo và đỉnh cao của sự đoàn kết hòa hợp ấy là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời vào đầu năm 1964.

Năm Giáp Thìn (1964), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam được thành lập và Ngài được bầu giữ chức vụ Đặc Ủy Cư Sĩ kiêm Chánh Đại Diện GHPGVNTN quận Hiếu Nhơn. Đồng thời cũng trong năm này, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Thích Như Huệ được Viện Hóa Đạo chính thức bổ nhiệm làm Giảng sư tỉnh Giáo hội Quảng Nam.

Năm Ất Tỵ (1965), Ngài phát tâm đảm nhiệm làm đốc công xây dựng Trường Bồ Đề Quảng Nam (nay là trường Nguyễn Duy Hiệu-Hội An). Cũng trong năm này, Ngài được cung thỉnh làm Đệ tứ tôn chứng tại giới đàn Sa Di chùa Long Tuyền-Quảng Nam.

Năm Bính Ngọ (1966), Ngài lại dấn thân trong phong trào đấu tranh chống Thiệu-Kỳ bảo vệ hiến chương Phật Giáo. Kết thúc cuộc đấu tranh ấy là Ngài và Hòa thượng Thích Long Trí, bị bắt giam tại Nha an ninh quân đội Sài Gòn cho đến cuối năm mới được trả tự do.

 Năm Đinh Mùi (1967), Ngài đứng ra đại trùng tu tổ đình Phước Lâm. Trong lần trùng tu này, Ngài muốn đảm bảo tuổi thọ của ngôi chánh điện nên đã cho đúc toàn bộ cột trính bằng xi măng cốt thép. Tuy nhiên, Ngài vẫn giữ được nét hài hòa cổ kính của ngôi danh lam xứ Quảng có gần 300 năm lịch sử. Trong năm này, Ngài lại được chư sơn thỉnh cử vào ngôi vị Đệ tứ tôn chứng tại giới đàn Sa Di chùa Long Tuyền-Hội An.

Năm Mậu Thân (1968), trong đại hội GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam, Ngài lại được Tăng Ni Phật tử tín nhiệm giao cho trọng trách Đặc ủy Cư Sĩ kiêm Hoằng Pháp. Với những trách nhiệm nặng nề như vậy, nhưng với tình thương vô hạn, Ngài đứng ra xây dựng trường Bồ Đề Xuân Mỹ để con em Phật tử có điều kiện học tập (trường này nay đã giao cho nhà nước quản lý). Trong năm này, Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma A-xà-lê truyền giới Sa Di tại giới đàn chùa Long Tuyền-Quảng Nam.

Năm Canh Tuất (1970), Ngài được cung thỉnh làm Tả Giám Đàn cho đại giới đàn Vĩnh Gia do Hòa thượng Thích Giác Nhiên-đệ nhị Tăng thống GHPGVNTN làm Đàn đầu.

Năm Tân Hợi (1971), Phật Học Viện Quảng Nam được thành lập tại chùa Long Tuyền, Ngài được Ban Giám Đốc mời giữ chức vụ Phó Giám Viện kiêm chủ nhiệm bộ môn Hán Văn.

Năm Giáp Dần (1974), Ngài được cung thỉnh làm Đệ Tứ Tọa Chúng Tăng Già cho giới đàn chùa Long Tuyền do Hòa thượng Thích Tôn Bảo làm Đàn đầu.

Năm Ất Mẹo (1975), đất nước hoàn toàn thống nhất, Phật giáo và Dân tộc bước sang một giai đoạn mới. Với khả năng công tác cộng với kinh nghiệm dồi dào trong cả hai lãnh vực Đạo-Đời, Ngài được mời đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại Diện GHPGVNTN thị xã Hội An. Đồng thời, Ngài tùy duyên tham gia giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy Ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã Hội An và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

Đảm đang nhiều trọng trách trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, với trăm công ngàn việc nhưng Ngài vẫn không sao lãng trong việc duy trì tu bổ chốn tổ. Mùa hè năm Kỷ Mùi (1979), cuộc trùng tu Đông đường được tiến hành và hoàn tất trong niềm kinh ngạc và sung sướng của Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà. Trong giai đoạn “Gạo châu củi quế” này mà Hòa thượng làm được Phật sự như vậy thì quả thật là bất khả tư nghì.

Sau những năm đất nước mới thống nhất, đời sống nhân dân còn nhiều lo âu vất vả, Ngài lại dấn thân cùng với Tăng chúng tham gia nông thiền. Mùa lại đến mùa, hết đồng cạn đến đồng sâu, ra đi sau thời công phu sáng, trở về lúc gióng U Minh nhưng Ngài vẫn hoan hỷ lạc quan.

Chư Tổ đã từng dạy: “Nhất thực tam xang mỗi niệm nông phu chi khổ”. Cái khổ của nhà nông mà Hòa thượng đã thâm nhập nắng lửa mưa dầm, chân bùn tay lấm và chính trong cái cảnh lam lũ mà vinh quang này, vào lúc 2 giờ chiều ngày 24 tháng 3 năm Canh Thân (08-5-1980), một tai nạn giông tố đã cướp đi một tài năng của Phật giáo xứ Quảng trong khi Ngài vừa được 51 tuổi.

Tang lễ của Ngài được GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam Đà nẵng cử hành trọng thể và nhục thân được an trí trong bảo tháp bên trái khuôn viên tổ đình Phước Lâm.

Trong suốt 30 năm tu học và hành đạo, Hòa thượng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Với tinh thần vị tha trong giao tiếp, hăng hái trong công việc, vô úy trước bạo quyền, tận tụy với trách nhiệm của người thầy, Ngài đã để lại nhiều hình ảnh cao đẹp trong lòng Tăng Ni Phật tử xứ Quảng. Ngài đã được Tăng tín đồ gọi là một trong Tứ Trụ [1] của Phật giáo Quảng Nam thời cận đại.



Bị chú:

[1]. Trong các mùa pháp nạn 1963-1966, Phật giáo Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của bốn vị Tăng ưu tú mà Tăng Ni Phật tử thường gọi là “Quảng Nam Tứ Trụ”. Đó là cố Hòa thượng Thích Như Vạn, cố Hòa thượng Thích Long Trí, Hòa thượng Thích Chơn Phát (hiện đương trụ trì chùa Long Tuyền-Hội An), Hòa thượng Thích Như Huệ (hiện là viện chủ chùa Pháp Hoa-Nam Úc ). Cả bốn vị đều có năng lực và cùng nhau cộng tác làm cho Phật giáo Quảng Nam một thời hưng thịnh. Cuộc đời tu học và hành đạo của các Ngài đã trở thành những huyền thoại đi cùng với lịch sử truyền bá Phật giáo tại xứ Quảng thân yêu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2023(Xem: 3950)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
29/10/2023(Xem: 11241)
Như quý vị đã biết, trước bệnh tình nguy ngập của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chúng tôi, những pháp lữ và những người học trò trực tiếp hay gián tiếp thọ nhận sự giáo huấn của Người, đã cố gắng trong một thời gian rất ngắn để thực hiện tập Kỷ Yếu này. Do hạn chế về thời gian, Kỷ Yếu chỉ là một tuyển tập đơn sơ gồm những sáng tác văn thơ, nhạc, họa, của chư Tôn Đức và văn thi hữu nhằm biểu lộ niềm tri ân đối với bậc Thầy lãnh đạo nòng cốt còn lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một học giả Phật học uyên thâm hiếm có của Phật giáo Việt Nam. Và cũng chính từ giới hạn đó, chúng tôi đã không kịp nhận được đầy đủ bài vở của chư Tôn Đức, văn thi hữu cùng quý Phật tử có lòng quý kính gửi dâng Hòa thượng Tuệ Sỹ.
27/10/2023(Xem: 2630)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
12/10/2023(Xem: 2810)
Sinh thời, Thầy có chí nguyện chuyên tu thiền định. Khởi đầu là phát tâm nhập thất tịnh tu tại núi rừng Vạn Giã, Khánh Hòa vào năm 1972. Những năm về sau, dù bộn bề Phật sự nhưng Thầy vẫn an nhiên với pháp hành thiền và các pháp tu tương hỗ khác. Trong phương châm giáo dục mà Thầy đã đề xuất, gồm Học lý – Quán chiếu – Tổ chức cũng phần nào biểu lộ chủ trương cân đối giữa pháp học và pháp hành. Thân mang bệnh duyên, sở tật thường đeo đẳng, nhưng nhờ tu tập tinh cần, Thầy đã vượt lên nỗi đau thân thể để chu toàn Phật sự.
18/09/2023(Xem: 3297)
Niềm vui sống đời dâng hiến (vần thơ kính mừng khánh tuế lần thứ 69 Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn, 18/9/2023), Có thể… chính lối sống mình, làm thức tỉnh ? Bao người thoát ra giấc ngủ mê lầm Tự tin độc lập hơn với bản thân Vì cuộc đời không hề có những định luật, Cũng như giá trị một người không đo lường bằng tiêu chuẩn thiết lập !
04/08/2023(Xem: 3689)
Giáo lý Thượng Thừa (bài giảng của HT Thích Thanh Từ)
04/08/2023(Xem: 5846)
36- Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]