Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trần Nhân Tông: Nước Phật Xuân Không Cùng

09/10/201120:16(Xem: 4609)
Trần Nhân Tông: Nước Phật Xuân Không Cùng
Tran Nhan Tong
TRẦN NHÂN TÔNG:

NƯỚC PHẬT XUÂN KHÔNG CÙNG
Nguyễn Thế Đăng

“ Lúc này ngài lại đi khắp các ngọn núi.

Bảo Sát thưa rằng, ‘Tôn đức tuổi đã cao mà cứ xông pha sương tuyết thì mạng mạch Phật giáo sẽ thế nào ?’

Thượng hoàng đáp : ‘Thời ta đã đến, vì thế ta muốn làm kế lâu dài mà thôi’.

Ngày mồng 5 tháng mười, gia đồng của Công chúa Thiên Thụy lên núi tâu : ‘ Công chúa Thiên Thụy mệt nặng, xin gặp Điều Ngự để chết’. Vua nghe xong, trầm ngâm nói: ‘Cũng là thời tiết thôi’.

Rồi chống gậy xuống núi, chỉ có một người đi theo với ngài… Ngày 15 tháng mười, sau khi dặn dò xong xuôi, ngài lại quay về núi. Ngủ đêm ở chùa Báo Ân của Siêu Loại.

Tờ mờ sáng ngài đi đến chùa thôn Cổ Châu và tự tay đề lên vách bài kệ:

Số đời một hơi lặng
Tình trần hai biển trăng
Cung ma chi sá kể
Nước Phật xuân không cùng
(Thế số nhất tức mặc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thắng xuân)”

Đây là bài thơ cuối cùng của vua, vì sau đó ngày 18 ngài lên núi Ngọa Vân, đến ngày 1 tháng 11 thì an nhiên ra đi.

Điều trước tiên chúng ta ghi nhận là không có một vị vua nào, không có một thiền sư nào của Việt Nam mà những ngày cuối cùng, những giờ phút cuối cùng được sử sách ghi lại một cách chi tiết như ông. Có phải đời ông gắn bó quá nhiều với lịch sử nên lịch sử cũng công bằng mà không sơ sài giản lược với ông ?

Bài thơ cuối cùng. Đó là những lời nói cuối cùng ở đỉnh cao nhất của một cuộc đời của mình, đang sắp sửa nhảy vào vực thẳm ngăn cách đời này với đời khác, hay vực thẳm ngăn cách đời này với cái Vô Hạn. Thế nên, ít ra, nó phải nói lên tâm thức mình khi ở đỉnh cao nhất của đời mình. Huống gì, việc cố tình viết lên vách chùa, đây là một gửi gắm, một thông điệp cho những đời sau.

Ở đây chỉ là một cố gắng nghiên cứu, học hỏi, bắt chước, để sống là theo ngài. Để làm được việc đó, chúng ta cố gắng tìm ra những gì là thực chất, là nội dung và động cơ của đời ngài. Có lẽ đó là cái ngài muốn để lại cho đời sau, chứ không phải lịch sử của cuộc đời ngài và thời đại ngài, dù chúng có vinh quang đến mấy, vì lịch sử thì không thể nào được lập lại.

Thế số nhất tức mặc. Số đời là một hơi thở tịch lặng. Một cuộc đời với nhiều biến cố, vừa là một nhà vua, một nhà chiến lược, một nhà chính trị, một nhà quân sự ngoại giao, lại có trách nhiệm như một quốc sư, việc gì của ông cũng để lại dấu ấn lớn trong lịch sử, thế mà cuộc đời ấy với ông chỉ là một hơi thở. Hơn nữa, một hơi thở im lặng, một hơi thở tịch diệt. Một hơi thở của thiền định, của chánh định.

Một cái tâm với nhiều hoạt động như vậy mà vẫn tịch diệt. Với nhiều cái sanh ra như vậy mà vẫn vô sanh. Sống với nhiều sự việc như vậy mà vẫn là vô sự. Tâm vô sự bởi vì tâm sanh tử đã “nhàn”, đã “mõi”, đã “lão”, chỉ còn tánh Không ngự trị, chỉ còn một chánh định của tánh Không:

Ai buộc mà đi cầu giải thoát
Chẳng phàm đâu phải kiếm thần tiên
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng lão
Y cũ am mây một sập thiền
(Sơn phòng mạn hướng)

Có thể nào nhiều việc, rất nhiều việc mà nơi mỗi công việc đều là một giải thoát? Do đó là người vô sự. Điều này Kinh Kim Cươngtrong hệ thống Bát Nhã, một kinh chính yếu của truyền thống Phật giáo Việt Nam đã chỉ ra.Thiền tông cũng chỉ ra. Ông là một thiền sư, lại là người mở đầu một dòng Thiền, ông hẳn phải thân chứng cái tâm Không vô sự đó, cái tâm kim cương không ô nhiễm đó.

Một cái tâm đã đạt đến cái bản tánh của nó là tánh Không thì ‘Phướn cũng chẳng động, gió cũng chẳng động”, như lời của Lục Tổ Huệ Năng nói trong phẩm Tựa của Pháp Bảo Đàn Kinh.

Còn đây là lời của ông về những việc làm của mình:

Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi
Quách nhiên bất thức, tai ngu nghe ắt còn vang

(Cư Trần Lạc Đạo Phú, hội thứ 9 ).

Bài kệ trong phần chú thích của Cư Trần Lạc Đạo Phú có thể tóm tắt “tâm địa”của ông, “một hơi thở lặng” của ông, “một sập thiền”của ông:

Tất cả muôn pháp
Đều từ tâm sanh
Tâm không chỗ sanh
Pháp không chỗ trụ.
Nếu đạt tâm địa
Ứng dụng vô ngại
Không gặp thượng căn
Thận trọng chớ nói.

Chính vì “đạt tâm địa, tâm không chỗ sanh.Pháp không chỗ trụ” mà cuộc đời ông chỉ là sự “ứng dụng vô ngại” của tâm ấy. Cuộc đời ông là sự khai triển của tự do vô ngại của tánh Không vào trong thời cuộc ông đang sống. Sự bất biến tùy duyên ấy là một hơi thở tịch lặng, một hơi thở tịch lặng của tánh Không.

Thời tình lưỡng hải ngân.Tình trần hai biển trăng. Lưỡng hải ngân, theo chú thích trong Thơ Văn Lý Trần của Viện Văn Học, 1989, là hai con mắt. Các dịch giả khác đều dịch với ý là hai con mắt. Ở đây dịch”hai biển ngân” là “hai biển trăng”.

Thế và thời điêu để chỉ đời, trần gian.Nhưng thế ám chỉ không gian nhiều hơn.Thời thì chỉ thời gian nhiều hơn.

Tình trần hai biển trăng.Cuộc đời, thế thời lên xuống trôi qua. Với biết bao biến cố, nhưng tất cả được nhìn bằng đôi mắt đầy ánh sáng, hai biển trăng.

Đôi mắt đầy ánh sáng là đôi mắt của “tính sáng”. “Tính sáng” được nói đến trong 3 hội đầu trong Cư Trần Lạc Đạo Phú gồm 10 hội. Bảy hội sau không còn dùng hai chữ tính sáng, nhưng dù dùng những chữ khác thì vẫn cùng một nghĩa: huệ nhật, tính thức, tính sáng soi, vô tâm, lòng trong sạch, lòng minh kính, lửa giác ngộ, thánh trí, Bồ đề thêm sáng…..Nhờ đôi mắt của tính sáng, đôi mắt là tính sáng ấy mà tình trần trở nên thanh tịnh, trở nên giải thoát khỏi nhân duyên sanh diệt:

Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên.
Dồi cho vằng vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
(Hội 6)

Nhờ đôi mắt tính sáng này mà thấy, mà quán thấy lời dạy trong bài kệ chấm dứtKinh Kim Cương:”Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt, ảnh; như sương cũng như chớp; hãy nên quán như thế”.

Ông ở trong tính sáng ấy nên ông thấy:

Cốc hay thân huyễn
Chẳng khác phù vân
Vạn sự giai không
Tựa dường bọt biển.
(Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca).

Tính sáng này là ánh sáng căn bản, ánh sáng bổn nguyên, là Tịnh Quang (Clear Light, Skt:abhasvara, TT: od- gsal) của Phật giáo Ấn Độ - Tây Tạng như hiện nay chúng ta thấy. Quả thật, Phật giáo dù ở đâu, dù có thể chẵng hề tiếp xúc liên lạc với nhau, dù có những phương tiện tu hành khác nhau vẫn luôn luôn đi đến một thực tại tối hậu, đi chung một hướng, một đại đạo, một Phật đạo vậy.

Chính nhờ đôi mắt hai biển trăng này, đôi mắt của tính sáng này mà nhìn “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai” (Kinh Kim Cương).Chính đôi mắt hai biển trăng này mà thấy Nước Phật: “ Nước Phật xuân không cùng”.

Ma cung hồn quản thậm.Phật quốc bất thắng xuân.Cung ma chi sá kể, cung ma chẳng ‘nhằm nhò’ gì, cung ma không còn nữa. Còn nước Phật thì xuân không cùng, xuân khôn xiết, xuân ‘hết sảy’ .Sanh tử (cung ma) không còn bóng dáng, tất cả chỉ một vị Niết Bàn.

Đây là kết quả tất nhiên của hai câu đầu. Thế giới, với người ngộ đạo, đã được lộn trái trở lại: sanh tử lộn ngược thành Niết Bàn. Đời sống có ý nghĩa là không tịch. Đời sống là sự biểu hiện của tính sáng. Đời sống tự nó là giải thoát, là Niết Bàn.

Chúng ta cần lưu ý đều này nữa.“Nước Phật”ở đây không chỉ có nghĩa là Niết Bàn thanh tịnh tịch diệt mà ông tự chứng, mà đó còn là nước Đại Việt mà ông trực tiếp lãnh đạo và trang nghiêm. Nước Phật đây là một nước Đại Việt được Phật hóa từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong như hai câu thơ khi ông chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, trở lại Thăng Long:

Xã tắc hai lần phiền ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Chúng ta thấy câu đầu “Số đời một hơi thở lặng” nói đến sự tịch diệt của tâm và do đó của tất cả các pháp. Đấy là nghĩa Tịch của tâm.Câu hai nói đến”tính sáng soi” của tâm và của tất cả các pháp.Đấy là nghĩa Chiếu của tâm.Tâm gồm hai phương diện Tịch và Chiếu.Tâm là Tịch Chiếu.

Tâm gồm hai phương diện Tịch và Chiếu, dùng những chữ tương đương là Chỉ và Quán, hay Định và Huệ (xem phẩmĐịnh Huệtrong Pháp Bảo Đàn Kinh). Thiền là sự việc Tịch Chiếu đồng thời, Chỉ Quán đồng thời,Định Huệ đồng thời. Và vì Tịch Chiếu đồng thời, Chỉ Quán đồng thời, nên Thiền tương ưng với bản tâm vốn Tịch Chiếu viên mãn, vốn Chỉ Quán viên mãn, vốn Định Huệ viên mãn. Quả của Thiền là cái tâm Tịch Chiếu viên mãn này:

Cái Tịch Chiếu vốn tự nhiên của bản tâm cũng tức là cái Chân Không Diệu Hữu của Đại thừa.

Tịch là phương diện bên trong.Chiếu là phương diện bên ngoài. Kết hợp và nâng cấp cả hai cho đến viên mãn hợp nhất là con đường Đại thừa:

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm”
(Hội thứ 6)
“Dựng cầu đò, dồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Săn hỹ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”
(Hội thứ 8)

Con đường Bồ tát gồm hai sự tích tập:tích tập trí huệ (nội) và tich tập phước đức (ngoại). Cũng chính nhờ tích tập trí huệ mà đắc Pháp thân; và tích tập phước đức mà có Báo thân và Hóa thân. Con đường Bồ tát là con đường đầy đủ cả “nội và ngoại”, đầy đủ huệ và phước:

Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc (biết)”

(Hội thứ 8)

Chúng ta thấy Trần Nhân Tông là người “Phúc tuệ gồm no”. Con đường Điều Ngự Giác Hoàng đã đi là con đường Bồ tát hạnh. Ngài đã phụng sự không mệt mỏi cho xã hội, cho quốc gia dân tộc và cho chúng sanh cho đến hơi thở cuối cùng.

Sự phụng sự không mệt mỏi đó y cứ trên nền tảng trí huệ, trên nền tảng Thiền:

Biết vậy!
Miễn được lòng rồi
Chẳng còn phép khác
Gìn tính sáng, tính mới hầu an,
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương,
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.
(Hội 2)
Vậy mới hay
Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa
Nhân quên gốc nên ta tìm Bụt
Nếu biết rồi chỉn Bụt là ta.
(Hội 5)

Chúng ta cần học tập, sống theo Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Chúng ta cần kế thừa Thiền của Trần Nhân Tông.Thiền ấy đặt hai chân lên cuộc đời cụ thể này bằng Bồ tát hạnh. Bởi vì có đi trên con đường Thiền với Bồ tát hạnh, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình và đóng góp phần mình làm cho xã hội sống được một đời sống có ý nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2013(Xem: 7473)
Hồi nhỏ ba tôi đưa tôi lên qui y với Hoà thượng Đôn Hậu tại chùa Thiên Mụ (1956), nhưng sau lớn lên học Đại học, vào Đoàn Sinh viên Phật tử (1963), tôi lại tham gia "tranh đấu Phật giáo" tại chùa Từ Đàm (1963-1966). Hoà thượng Thích Thiện Siêu là một trong những vị lãnh đạo của tôi lúc ấy.
17/08/2013(Xem: 12177)
Hòa thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhỏ, Ngài theo học Nho, luôn tỏ ra là một Nho sinh xuất sắc.
16/08/2013(Xem: 9483)
Tôi không có duyên may thân cận Sư. Chỉ qua những phật sự chung của giáo hội, được diện kiến Sư trong các buổi họp, hoặc đại hội. Cảm nhận sự hiện diện của Sư nơi đám đông, là người lặng lẽ nhất trong những người lặng lẽ. Ngồi nơi ghế cao mà thu mình lại như chưa hề ngồi đó. Đôi lần phát biểu thì ngôn ngữ cô đọng, kiệm lời, như chưa hề lên tiếng.
16/08/2013(Xem: 12449)
Thượng Tọa thế danh Ngô Đình Thung, pháp danh Trừng Lộc, pháp tự Chơn Kiến, pháp hiệu Ấn Minh. Sinh ngày 20 tháng 06 năm 1948 (Mậu Tý) ) tại làng Đại Điền Đông, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ, ông Ngô Ký, pháp danh Trừng Phong, thân mẫu, bà Huỳnh Thị Khằng, pháp danh Trừng Tằng, song thân của Ngài đều đã mãn phần.
16/08/2013(Xem: 9915)
Chốn Tòng Lâm Phật Giáo VN vừa chứng kiến cảnh trạng bi thiết vì một cội tùng cửu thập tuế đã ngã bóng về Tây : Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, nhập niết bàn !
14/08/2013(Xem: 9600)
Sau khi đọc lại hai bức thư của Ôn gởi cho con, một đề ngày 9/6/1994, viết trên một mảnh giấy học trò, ngang 10cm, dài 15cm. Và một với đầu đề: PL. 2547. Nha Trang, ngày 19/11 Giáp Thân, viết trên hai mặt của một tờ giấy học trò, được cắt xén vuông vức, trong đó có đoạn: “… nhận được cuốn Từng Giọt Nắng Hồng cách nay bốn ngày. Tôi đọc 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, vừa xong lúc 12 giờ trưa hôm nay. Tôi quyết định in nó để cúng dường Ôn Trí Thủ.”
14/08/2013(Xem: 9270)
Những ai đã được Ôn Già Lam dưỡng dục tại ba Phật Học Viên: Báo Quốc Huế, Hải Đức Nha Trang, và Quảng Hương Già Lam Sài Gòn thì khó mà bộc bạch hết tâm tư tình cảm của mình về ân đức sâu dày của Người.
14/08/2013(Xem: 9030)
Năm 1973, một buổi sáng đẹp trời, khoảng 9 giờ, anh em đi học hết, tôi và anh Bình, tức Giải Đàm, ở nhà hè nhau cưa một gốc mít khô đứng lù lù trước mé hàng rào chùa Già Lam. Gốc mít thì bự, cái cưa thì dài, lại yếu và lụt, nên hai chàng lực sĩ “lỗ cốt” hì hà hì hục cả giờ mà chỉ cưa được giáp vòng gốc cây với độ sâu một lưỡi cưa.
14/08/2013(Xem: 10288)
Hơn nửa thế kỷ qua nếp sống đạo hạnh sáng ngời của Ôn đã gắn liền với sinh mệnh của Tăng Ni và tín đồ Phật tử, đặc biệt là Tăng chúng ở các Phật học viện Báo Quốc Huế, Hải Đức Nha Trang và Quảng Hương Già Lam Sài Gòn. Ôn đã yêu thương dưỡng dục chúng Tăng như cha mẹ thương yêu lo lắng cho con. Những ai may mắn được gần gũi Ôn, dù nhìn ở góc độ nào cũng nhận ra điều đó.
13/08/2013(Xem: 8283)
Hồi còn ở Già Lam, có lẽ tôi là người duy nhất cạo tóc cho Ôn. Đôi lúc bận Phật sự, Ôn phải cạo tóc lúc bảy giờ tối để kịp sám hối, hoặc bốn giờ khuya để kịp bố tát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]