- 01_Đại Sư Tuệ/Huệ Viễn ( 334-416) Sơ Tổ Tông Tịnh Độ
- 02_Đại Sư Thiện Đạo, Tổ Thứ 2 Tông Tịnh Độ ( 613-681)
- 03_Đại Sư Thừa Viễn (712-802) Tổ Thứ 3 Tông Tịnh Độ
- 04_Đại Sư Pháp Chiếu (747-821) Tổ Thứ Tư Tông Tịnh Độ (747-821)
- 05_Đại Sư Thiếu Khang, Tổ Thứ Năm Tông Tịnh Độ
- 06_Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975), Tổ Thứ 6 Tịnh Độ Tông
- 08_Đại sư Châu Hoằng-Liên Trì (1532-1612), Tổ Thứ 08 Tịnh Độ Tông
- 09_Đại Sư Ngẫu Ích Trí Húc (1599-1655), Tổ Thứ Chín Của Tịnh Độ Tông
- 10_Đại sư Hành Sách-Triệt Lưu (1628-1682), Tổ Thứ 10 Tịnh Độ Tông
- 11_Tỉnh Am Đại Sư, Tổ Thứ Mười Một Của Tịnh Độ Tông (1686-1734)
- 12_Đại Sư Tế Tỉnh-Triệt Ngộ (1741-1810), Tổ thứ 12 của Tịnh Độ Tông
- 13_Đại Sư Ấn Quang (1861-1940), Tổ Thứ mười ba Của Tịnh Độ Tông
Tổ Thứ Mười Hai Tông Tịnh Độ
( 1741-1810)
Đại sư Triệt Ngộ ( 1741-1810), Cao Tăng nỗi tiếng vào thời nhà Thanh, Tổ 12 của tông Tịnh Độ ở Trung Quốc. Đại sư họ Mã, tên Tế Tỉnh,
hiệu Mộng Đông, quê ở huyện Phong Nhuận, tỉnh Kinh Đông ( Nay là huyện Phong Nhuận, tỉnh Hà Bắc). Thuở nhỏ thông minh, kinh sử điển tịch đều xem qua hết, giỏi thơ, từ, phú, được người đời tôn sùng. Năm 22 tuổi, Đại sư trải qua cơn bạo bịnh, hiểu được sắc thân tạm bợ, không thể tránh khỏi sanh già bịnh chết, việc đời thật vô thường không nên ỷ lại. Từ đó sư quyết tâm xuất gia tu hành. Mùa Đông, niên hiệu Càn Long thứ 33 (1768), sư tham vấn Đại Đức Tuý Như Thuần chùa Quảng Thông ở Kinh Đô, nhân vì sư là bậc thượng căn, trí tuệ sắc bén, được xem là bậc pháp khí thiền môn, đắc tâm ấn truyền pháp, thành truyền nhân đời thứ 36 tông Lâm Tế, sau đốc suất chúng tham thiền, khích lệ hàng hậu học, bốn mươi năm nhanh như một ngày, danh tiếng lan truyền khắp bốn phương, tông phong mạnh mẽ.
Pháp sư lãnh chúng tham thiền bốn mươi năm ròng rã không mỏi mệt. Mặc dù, sư công phu xuất chúng, nhưng có nhiều bịnh duyên, nhờ đó liễu ngộ, nương sức lực của mình, một đời e rằng khó đạt được lợi ích chân thật. Sư xem kinh điển thấy kinh chép: “Niệm Phật được lành bịnh”. Sau sư phát hiện chư Đại Bồ tát như: Văn Thù, Phổ Hiền đều tu pháp môn Tịnh Độ. Chư vị Tổ sư Trí Giả, Vĩnh Minh, Liên Trì cũng tu Pháp môn Tịnh Độ. Bấy giờ, Đại sư quyết tâm quy tâm Tịnh Độ, từ đó trở thành hành giả Tịnh Độ thuần thành.
Đại sư gôm Thiền về Tịnh, chuộng niệm Phật, để làm việc này, Đại sư dốc toàn trí tuệ sáng suốt, do hiểu biết sâu sắc cốt tuỷ và sự khó dễ của cả hai Pháp môn Thiền và Tịnh. Đại sư nói: “ Thái Thủ Toà và Chỉ Y Đạo Nhân của thiền tông, họ đều có công phu ngồi hoặc đứng tịch, nhưng chưa rõ đại pháp, vẫn không được giải thoát triệt để, nói vậy chứng tỏ tham thiền quả thật rất khó! Nhưng những công phu đạt được như vậy không dễ. Nếu dụng công tinh tấn và thời gian như vậy mà chuyển qua chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ thì nhất định được thượng phẩm thượng sanh.
Đại sư nói kệ nêu rõ:
“ Tự thương thân làm thái bình tăng
Liễu sanh thoát tử mất chưa từng
Chỉ mong tên gắn đài sen diệu
Chẳng cần cao phẩm thượng truyền đăng”.
Ngài nói: Ta không cần làm Tổ sư lưu danh thiên cổ, chỉ cần đạt vãng sanh Tịnh Độ là được.
Theo Đại sư tin có thế giới Cực Lạc và Phật A Di Đà, nhưng không thường tưởng đi đến, tinh tấn niệm Phật không giải đãi, chỉ niệm Phật mà hoàn toàn không tưởng thế giới Cực Lạc, thậm chí không tin có Phật A Di Đà, không cho là có Tịnh Độ. Nếu tín nguyện không kiên định, dù tinh tấn tu hành, tâm còn trở lại lưu luyến thế giới Ta Bà, vậy cũng cho là không có Tịnh Độ. Tâm tưởng thích tu hành, hàng căn cơ bậc hạ sanh lên được cõi trời hoặc thành Đại Pháp sư, hoặc sanh vào nhà đại phú quý, chuyển nữ thành nam, không thể gọi là có Tịnh Độ.
Đại sư nói: “ Thật vì sanh tử, phát tâm Bồ đề, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Chúng ta tu tập Tịnh nghiệp cần tin sâu nguyện thiết, với tất cả tà thuyết không bị dao động, với tất cả cảnh duyên không biến đổi. Như Tổ sư Đạt Ma và Phật Thích Ca khuyên chúng ta buông niệm Phật xuống, chúng ta không cải đổi, huống là tà thuyết hư vọng của ma vương ngoại đạo? Chúng ta không nên giao động. Thế mới gọi là tin sâu. Giả sử vòng sắt nóng đỏ ở trên đỉnh đầu, cũng không vì cái khổ đó mà đánh mất hoặc thoái lui nguyện vãng sanh. Ví như năm dục thắng diệu của chuyển luân thánh vương ở trước mắt, cũng không vì thú vui đó mà đánh mất hoặc thoái lui nguyện vãng sanh. Huống là cảnh thuận nghịch nho nhỏ ở thế gian? Càng không thể làm thay đổi chúng ta. Như vậy gọi là nguyện thiết.
Đại sư tha thiết đề cập đến tâm vui thích Tịnh Độ, nhàm chán Ta Bà, tinh tấn dõng mãnh với lòng thành kính phi thường. Đại sư có viết bài kệ nỗi tiếng:
“Nói đến Liên Bang lệ chảy dài
Diêm Phù cõi khổ thật bi ai!
Thế gian, xuất thế tư duy khắp
Không niệm Di Đà thì niệm ai?”
Chỉ có Phật A Di Đà là người để chúng ta nương tựa trọn đời, thế giới Cực Lạc mới là quê xưa vốn có của chúng ta. Cho nên, Đại sư dốc lòng niệm Phật, ngàn trâu không kéo nỗi, một ngày sư niệm mười vạn tiếng danh hiệu Phật, tự thân nghiêm khắc, mỗi ngày gặp khách đốt một nén hương, niệm Phật cho đến khi hương tàn mới thôi.
Sau đó, Triệt Ngộ Đại sư đến trụ trì chùa Giác Sanh 8 năm, cùng đại chúng tinh tấn niệm Phật, để tự thân đạt được Thiền Tịnh, hành các pháp phương tiện, giáo hóa chúng sanh, sư mở điện niệm Phật rộng khắp để người học dụng công học đạo. Người học xa gần nghe đạo phong của sư mà đến thọ học. Người tu học theo pháp môn Tịnh Độ nhiều không thể đếm hết, tông phong Tịnh Độ phát triển mạnh mẽ. Người đời khen sư là hàng bậc nhất của pháp Tịnh Độ trong thời hiện đại.
Niên hiệu Gia Khánh thứ 15 (Canh Ngọ, 1810), Đại sư dự biết ngày giờ viên tịch, nên sư khuyên mọi người niệm Phật, giao việc cho đệ tử. Lúc lâm chung hương thơm đầy hư không, tướng Tịnh Độ hiện ra, Phật, Bồ tát tiếp dẫn. Chúng đệ tử lưu luyến, mong sư trụ thế. Đại sư nói: “ Sống gởi thác về, hiện tại ta được giải thoát, sao các ngươi níu kéo lại?” Bấy giờ, trong tiếng niệm Phật của mọi người, Đại sư chấp tay nói: “Niệm một tiếng hồng danh Phật, thấy một phần tướng hảo”. Sư an tường thị tịch tại chùa Tư Phước núi Hồng Loa. Trụ thế: 70 tuổi, Tăng lạp: 43 năm. Các tác phẩm do sư trước tác:” Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục”, “Thị Thiền Giáo Luật”, “ Niệm Phật Già Đà”lưu thông ở đời.
Trích dịch từ Tịnh Tông Thập Nhị Tổ Triệt Ngộ Đại Sư Lược Truyện
Sài Thành, 2:30 sáng, 19-10-2024
Thích Chúc Hiền ( Kính lược dịch)
淨宗十二祖徹悟大師略傳
徹悟大師(公元1741~1810年),清代著名高僧,
大師俗姓馬,名際醒,號夢東,京東豐潤人(今河北省豐潤縣境內)
法師領眾參禪,十四年孜孜不倦。雖然功夫出眾,但是病緣太多,
大師能攝禪歸淨,崇尚念佛,做此明智之舉,
大師在偈中表明:「自憐身作太平僧,了生脫死卻未曾,
大師深信有極樂世界和阿彌陀佛,而且非常想去,精進不懈的念佛。
大師說:「真為生死,發菩提心,以深信願,持佛名號」。
就像赤熱的鐵輪旋轉在頭頂上,不因為這樣的苦而退失往生的願;
大師欣厭心切,精進勇猛,非常虔誠。有著名的偈子寫到:「
後來,徹悟大師前往覺生寺任住持,歷時八年之久,
嘉慶十五年,大師預知時至,鼓勵大家好好念佛,並交代後事。
Đại Sư Tế Tỉnh-Triệt Ngộ (1741-1810)
Tổ thứ 12 của Tịnh Độ Tông
Tế Tỉnh đại sư, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường, người đời Thanh, con nhà họ Mã ở huyện Phong Nhuận.
Thuở bé, Ngài đã thông thuộc kinh sử. Sau khi xuất gia, lại đi tham học các nơi, rộng suốt cả hai tông Tánh, Tướng. Chỗ tâm đắc nhất của Ngài là chỉ thú Thập Thừa Tam Quán của kinh Pháp Hoa. Kế đó, Ngài lại tham phỏng với Tụy Như Thuần thiền sư ở Quảng Thông, tỏ ngộ thấu suốt, được truyền tâm ấn. Sau Thuần công về an dưỡng ở chùa Vạn Thọ, Đại sư kế nhiệm tại Quảng Thông, sách tiến hàng hậu lai, tông phong rất thạnh.
Bình nhật, Đại sư thường bảo: “Ngài Vĩnh Minh nguyên là bậc tông trượng trong Thiền môn mà còn quy tâm về Tịnh độ, huống nay là thời mạt pháp, chúng ta há chẳng tuân theo?”. Do đó, Ngài chuyên tu Tịnh nghiệp, chủ trương Liên tông. Mỗi ngày, hạn thời giờ dạy chúng hoặc tiếp khách nội một cây hương. Ngoài ra, chỉ chuyên lễ sám niệm Phật mà thôi.
Không bao lâu, Đại sư sang trụ trì chùa Giác Sinh, kế đó lại lui về ngụ chùa Tư Phước ở Hồng Loa Sơn. Tăng chúng các nơi mến đức nương về ngày càng đông, khiến chỗ ấy trở thành đại Tòng lâm. Đại sư vì pháp lợi sinh lòng không chán mỏi, tất cả đều dùng Tịnh độ làm chỗ quy thú. Mỗi khi giảng đến ân cứu khổ ban vui của Như Lai, thường lệ rơi theo tiếng. Thính chúng ngồi nghe đều cảm động sa nước mắt. Trong hai quyển Ngữ Lục của Ngài, lời khuyến hóa lại càng chí thiết. Đại lược như sau: “Đầu mối quan hệ trong vòng sống chết của chúng ta, duy có hai thức: Tâm lực và Nghiệp lực. Tâm lực là tâm niệm có nhiều mối, khi lâm chung đi theo mối nặng nhất; nghiệp lực ví như người mang nợ, chủ nợ mạnh lôi kéo trước tiên. Nghiệp lực tuy lớn, nhưng tâm lực lại càng lớn hơn. Bởi nghiệp không tự tánh, hoàn toàn nương nơi tâm, nên khi tâm chú trọng thì làm cho nghiệp thêm mạnh. Nếu ta dùng trọng tâm mà tu Tịnh độ, tất Tịnh nghiệp mạnh, khi lâm chung quyết định sinh về Tây Phương. Ví như cây to tường cao, nghiêng hướng về Tây, ngày kia khi đổ tất cũng hướng về Tây vậy.
Thế nào trọng tâm? Chúng ta tu Tịnh độ, lòng tin quý ở nơi sâu, chí nguyện quý ở nơi thiết. Do Tín Nguyện sâu thiết, nên tất cả tà thuyết không thể lay động, tất cả cảnh duyên không thể lay động, không thể kéo lôi. Giả sử đang khi ta niệm Phật, bỗng tổ Đạt-ma hiện ra, bảo phải bỏ Tịnh tu Thiền có thể liền giác ngộ, thì cũng từ tạ không dám tuân lời. Hay dù đức Thích-ca hiện thân, bảo có pháp môn khác hơn Tịnh độ, dạy ta phải bỏ niệm Phật để tu môn kia, ta cũng đảnh lễ mà từ khước. Giữ vững như vậy, mới gọi là lòng tin sâu sắc.
Về phần nguyện, ví như có vòng sắt nóng đỏ xoay vần trên đầu, ta cũng không vì sự khổ ấy mà thối thất chí vãng sinh. Lại như có cảnh dục lạc mầu nhiệm nhất của Chuyển Luân Vương hiện đến, ta cũng không vì sự vui sướng đó mà quên tạm niệm cầu về Cực Lạc. Gặp những cảnh duyên nghịch thuận cùng cực như thế, mà vẫn không đổi lòng, mới gọi là chí nguyện tha thiết.
Lòng tin sâu, chí nguyện thiết ấy, gọi là trọng tâm. Dùng tâm này mà niệm Phật thì Tịnh nghiệp mạnh và lần lần thành thục. Khi nghiệp thanh tịnh Cực Lạc thành thục, tất duyên nhiễm Ta-bà phải dứt. Như thế, lúc lâm chung dù có muốn cảnh luân hồi hiện ra, cảnh Tịnh độ cùng đức Di-đà chẳng hiện tiền cũng không thể được. Nhưng Tín Nguyện sâu thiết ấy lúc bình thời phải rèn luyện cho thành, khi lâm chung mới khỏi lạc vào nẻo khác. Như cổ đức lúc sắp mạng chung, chư Thiên ở sáu cõi trời trổi nhạc cầm Tràng Phan, kế tiếp đến rước, mà vẫn cố từ, một lòng chờ Phật, đợi khi Phật hiện đến mới chịu đi. Lâm chung là cảnh Tứ đại sắp phân tán, chư Thiên đến rước là cảnh tốt đẹp tuyệt vời! Nếu bình thời tâm Tín Nguyện chưa được mười phần vững chắc, thì khi lâm chung gặp phải cảnh ấy, làm sao tự chủ được!”.
Có nhà tu thiền hỏi: “Tất cả các pháp, đều như mộng huyễn. Cõi Ta-bà cố nhiên vẫn huyễn, song cảnh Cực Lạc cũng lại là mộng. Như thế, niệm Phật cầu về Cực Lạc nào có ích chi được?”.
Đại sư đáp: “Không phải thế đâu! Các bậc Bồ-tát từ đệ Thất địa trở về trước, đều tu hành trong huyễn mộng. Đến như bậc Đẳng giác vẫn còn ở trong mộng lớn vô minh. Duy có Phật mới là bậc Đại Giác, hoàn toàn thức tỉnh. Đang lúc còn trong mộng, thì cảnh vui cùng khổ vẫn uyển nhiên! Như thế, cam chịu cảnh mộng khổ ở Ta-bà, sao bằng về hưởng cảnh mộng vui nơi Cực Lạc? Phương chi, mộng ở Ta-bà là từ mộng vào mộng, mộng ở Cực Lạc là từ mộng ra khỏi mê, lần lướt đến ngôi Đại Giác. Cho nên mộng cảnh tuy vẫn đồng, mà kết quả ở đôi nơi rất khác xa, vì thế phải niệm Phật cầu về Cực Lạc!”.
Niên hiệu Gia Khánh thứ 15, vào tháng Hai, Đại sư dự biết ngày lâm chung chẳng còn bao xa, bèn đi từ giã những người ngoại hộ, dặn rằng: “Duyên hư huyễn chẳng bền lâu, giờ sống thừa nên quý tiếc. Các vị hãy cố gắng niệm Phật, ngày kia sẽ cùng gặp nhau nơi cõi Liên bang!”. Đến ngày mùng 02 tháng Chạp, Đại sư cảm bệnh nhẹ. Đang chí tâm niệm Phật, bỗng thấy có vô số Tràng Phan từ phương Tây bay đến, liền nhìn môn đồ nói: “Cảnh Tịnh độ đã hiện, ta sắp về Tây Phương!”. Rồi bảo đại chúng luân phiên trợ niệm.
Sáng ngày 17, vào giờ Thân, Ngài nói với chúng rằng: “Hôm qua tôi thấy ba vị đại sĩ: Văn-thù, Quán Âm, và Thế Chí. Hiện giờ lại được đức Phật tự thân đến tiếp dẫn. Tôi đi đây!”. Đại chúng nghe nói, niệm Phật càng chí thiết, Đại sư ngồi thẳng, chắp tay hướng về Tây, bảo: “Xưng một cầu hồng danh, thấy một phần tướng hảo!”. Dứt lời, liền kiết ấn mà tịch.
Lúc ấy, tất cả chúng đều nghe mùi hương lạ ngào ngạt. Để lộ khám bảy ngày, dung sắc Đại sư tươi như sống, tóc bạc biến thành đen. Lúc Trà-tỳ, được hơn một trăm hạt Xá-lợi lóng lánh. Đại sư thọ được 70, tăng lạp 49.
HT Thích Thiền Tâm dịch