Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III

11/02/201110:57(Xem: 4187)
Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III

Dalailamathethird
 Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III ra đời vào năm 1543 ở làng Khangsar thuộc thung lũng Tolung cách Lhasa không xa lắm. Cha của Ngài, Depa Namgyal và mẹ, Paldzom Butri là một gia đình quý tộc có quan hệ tốt với dòng dõi Phagmotru và chùa Sakya. Cũng như hai vị Đạt-lai Lạt-ma trước, những dấu hiệu kỳ lạ đã xảy ra trong lúc Ngài đản sanh. Theo tiểu sử viết về Ngài, lúc vừa chào đời, hài nhi đã bắt đầu tụng đại thần chú của Tây Tạng “Om mani padme hum”. Sau khi biết nói bập bẹ, cậu bé thường nói về tiền thân của mình với những thông tin thật chính xác, thậm chí còn tuyên bố rằng mình chính là Gendun Gyatso (vị Đạt-lai Lạt-ma thứ II). Những dấu hiệu này đã gây sự chú ý cho phái đoàn tìm kiếm tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II.

Phái đoàn tìm kiếm đã tham khảo lời tiên tri của thần Nechung, một trong những vị Hộ Thần chủ yếu của Tây Tạng. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II đã thiết lập mối quan hệ rất đặc biệt đối với vị thần này và tất cả các hậu thân sau này của Ngài cũng tiếp tục duy trì mối quan hệ đặc biệt ấy. Ngài Sungrad Gyatso, dẫn đầu phái đoàn tìm kiếm của Drepung và từng là chánh thư ký‎ của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II, cũng đã tham khảo những dấu hiệu trong hồ Nữ Thần huyền bí. Cuối cùng, chỉ có thung lũng Tolung là địa điểm cần được xem xét. Sau những tiến trình tìm kiếm theo đúng nghi thức, cậu bé, lúc ấy được bốn tuổi, đã nhanh chóng được xác nhận là tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II. Ngài Sungrab Gyatso đã đứng ra sắp xếp lo liệu mọi việc cho sự tấn phong và việc học hành của Ngài.

Được đưa vào ở Dredung, Ngài đã chứng tỏ mình là một học trò thông minh xuất chúng và sớm phát triển những khả năng đặc biệt dưới sự dạy dỗ của Panchen Sonam Drakpa - người đã trao truyền ngũ giới cho Ngài. Ngài được đặt Pháp danh là Sonam Gyatso. Năm lên mười tuổi, Ngài chính thức đăng quang tại Drepung và bốn năm sau đó lại đăng quang một lần nữa tại Sera. Suốt thời gian ấy, Ngài được học hành dưới sự hướng dẫn của nhiều bậc Thầy lỗi lạc. Bên cạnh đó, Ngài còn làm chủ trì cho toàn bộ Đại Lễ Hội Cầu Nguyện.

Khi còn rất bé, Sonam Gyatso đã hành hương đến chùa Chokhor Gyal. Đây là chuyến hành hương mà tất cả các vị Đạt-lai Lạt-ma đều phải thi hành trong cuộc đời của mình với mục đích cho sự thực hiện thiền định Mật tông. Cả hàng nghìn người xếp hàng bên lề đường để đón nhận sự ban phúc của Ngài. Ngài cũng đã viếng thăm rất nhiều ngôi chùa trên suốt lộ trình của mình. Kể từ đó, Ngài phải chia thời gian ra để quản lý giữa hai chùa Chokhor Gyal và Drepung; đồng thời Ngài còn thuyết giảng nhiều nơi ở phương xa. Để đáp lại nhiều lời thỉnh cầu, Ngài đã phải đến những vùng xa xôi của dân du mục ở tận phía Bắc Tây Tạng; rồi lại đến miền Nam, nơi mà Ngài đã khước từ chức vụ Viện trưởng của Tashi Lhunpo và chỉ nhận cương vị như một người đại diện mà thôi; rồi lại đến trung tâm Tây Tạng để thuyết giảng.Tuy nhiên, Ngài vẫn duy trì và gia tăng lịch trình thiền định nghiêm khắc hàng ngày và nhập thất định kỳ của mình. Dù những Phật sự chiếm hầu hết thời gian của Ngài; tuy vậy, Ngài vẫn trước tác hơn bốn mươi tác phẩm. Với lòng nhiệt huyết vì sự truyền bá giáo pháp, Ngài đã rất thành công trong công cuộc củng cố và truyền bá giáo lý của ngài Tsongkhapa trên khắp đất nước Tây Tạng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III được chọn làm thầy giáo riêng cho vua Nedong - một trong những người thống trị hùng mạnh nhất của dòng dõi Phagmotru, ông băng hà vào năm 1564. Sự qua đời của nhà vua khiến cho vận mệnh của phái Gelugpa, phái đã từng được sự ủng hộ của dòng dõi Phagmotru, trở nên sa sút vì áp lực của những người ủng hộ phái Karma Kagyud. Sonam Gyatso thường đóng vai trò là người hòa giải trong những mối xung đột ấy. Vào năm 1573, Ngài sáng lập chùa Namgyal, một ngôi chùa dành riêng cho tất cả các Đạt-lai Lạt-ma, tọa lạc trên ngọn đồi Potala ngay bên ngoài Lhasa, nhưng nó lại bị tiếp quản bởi Tsang, người ủng hộ cho lực lượng phái Kagyud. Năm 1574, Tsang xâm chiếm trung tâm Tây Tạng và nắm trọn quyền lực. Trong bối cảnh ấy, một Thái tử đầy quyền uy của Mông Cổ, Altan Khan, người đã từng chiến thắng trong cuộc tấn công vùng biên giới của Trung Quốc, mời Ngài đến thăm đất nước Mông Cổ.

Vào triều đại của Kublai Khan và Sakya Phagpa, người Mông Cổ đã từng đón nhận niềm tin Phật giáo; nhưng sau sự thất bại của triều đại Yuan, họ đã trở về với lối tín ngưỡng Pháp sư cũ của họ. Mãi đến thời kỳ này, Altan Khan mới trở lại nghiên cứu và biết được sức mạnh của giới Giáo sĩ ở châu Á và nhớ đến quá khứ lịch sử huy hoàng của khối liên minh Kublai-Sakya, nên đã mời ngài Sonam Gyatso đến Mông Cổ. Sự kiện này đã được người dân Trung Quốc đặc biệt hoan nghinh. Trong nhiều năm qua, họ đã vô cùng lúng túng trước những lực lượng tấn công của Mông Cổ. Vì vậy, họ có thể thấy được những lợi thế ủng hộ những nỗ lực của các Đạo sư Tây Tạng khiến cho Mông Cổ phải từ bỏ tín ngưỡng của mình để theo Phật giáo, điều đó sẽ làm giảm tinh thần chiến đấu của người Mông Cổ, làm suy yếu một cách có hiệu qủa về mối đe dọa quân sự của họ.

Thận trọng trước những ý định của Mông Cổ, Sonam Gyatso từ chối lời mời của thái tử Altan Khan và thay vào đó là gởi người đại diện đến. Năm 1576, Altan Khan gởi lời thỉnh cầu thứ hai cùng với một phái đoàn lớn đến để thuyết phục. Đến thời điểm này, Sonam Gyatso mới đầy đủ cơ duyên để truyền bá Phật giáo trên khắp đất nước Mông Cổ. Sonam Gyatso đã bắt đầu thực hành lời tiên đoán mà Ngài (đức Đạt-lai Lạt-ma II) đã nói vào khoảng cuối đời trước của mình rằng Ngài “sẽ trở lại để làm việc với những người ở phía Nam”. Công việc này sẽ tác động nhiều đến sự hiểu biết của thế giới bởi lẽ nó chinh phục được những cuộc tấn công của quân đội Mông cổ đã phá phách rất nhiều ở châu Á và thậm chí cả một số vùng của châu Âu.

Do tiếng tăm của mình, Ngài được các nhân vật quan trọng tầm cỡ trong xã hội cũng như các bậc lãnh đạo Giáo hội đưa tiễn Ngài lên đường. Cả một đoàn người đông đúc cùng tháp tùng với Ngài qua nhiều dặm đường cách Lhasa thật xa trước khi họ nghẹn ngào rơi lệ, bịn rịn, miễn cưỡng chia tay Ngài. Đoàn tùy tùng của Ngài đã lên đường với một tốc độ rất chậm, cuộc hành trình kéo dài đến hơn cả năm trời. Nguyên do chính là vì trên lộ trình có rất nhiều chùa chiền và các gia đình quý tộc thỉnh cầu Ngài dừng lại để ban phước lành và thuyết giảng giáo lý cho họ. Chuyện kể rằng, dọc đường, để chế ngự những dòng nước chảy xiết khiến đoàn tùy tùng của Ngài khó có thể vượt qua được, Ngài đã làm cho dòng thác phải đảo ngược dòng. Và từ một tảng đá rất lớn, Ngài đã rút ra một chiếc vỏ ốc xà cừ có trôn xoáy (vật biểu lộ như một điềm báo trước về một dấu hiệu rất hy hữu, may mắn và có triển vọng tốt đẹp). Do những hiện tượng ấy, tiếng tăm của Ngài đã trở nên lừng lẫy ở Mông Cổ trước cả khi Ngài đặt chân đến đó, đồng thời điều đó cũng chứng tỏ rằng “Ngài và tôn giáo của Ngài có những năng lượng được coi là hết sức quan trọng”. Cuối cùng một đoàn người hùng hậu mang theo vô số quà tặng của Thái tử Altan Khan đã ra nghinh đón trước và cùng tháp tùng với phái đoàn của Ngài đi đến doanh trại của Altan Khan.

Trong cuộc nói chuyện đầu tiên của mình khi vừa đặt chân đến Mông Cổ và vùng biên giới Trung Quốc, Sonam Gyatso đã công bố những điều luật mới cho miền đất này, chẳng hạn như: phải tuân giữ các giới luật của đức Phật, cấm những sự hiến máu của tất cả các loài vật; không được buộc những người góa phụ phải hy sinh để thủ tiết; không được trả thù hay chống báng Tăng sĩ… Vị thần Mông Cổ Ongghon được thay thế bằng vị thần bảo hộ Trí tuệ Mahakala, một hiện thân của đức Quán Thế Âm. Người Mông Cổ cũng phải hạn chế những việc cướp phá và các cuộc tấn công xâm lấn Trung Quốc và Tây Tạng. Nói chung, người dân ở đây được khuyến khích nên kết hợp những lời dạy của đức Phật vào cách sống của họ. Sau đó, Altan Khan đã tuyên bố rằng những giới cấm ấy được xem như những điều luật của quốc gia, sự kiện này đã trở nên rất hữu ích cho nền hòa bình của nhân dân Trung Quốc và Tây Tạng.

Sau đó, Altan Khan trao tặng cho Sonam Gyatso tước hiệu “Tale” (Dalai), nghĩa là “biển”, “đại dương”, tương đương với ý nghĩa phần thứ hai tên Tây Tạng của Ngài là Gyatso. Nghĩa bóng của từ này hàm ý là “Biển Tuệ” hay “Trí tuệ như Đại dương”. Kết hợp thành từ “Dalai Lama” hay “bậc Đạo Sư (trí tuệ như) đại dương”; bậc “Đại Đạo Sư”. Danh hiệu này cũng được áp dụng cho những vị tiền thân của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III (nghĩa là vị thứ I và thứ II) và cho tất cả các tái sinh của Ngài tiếp theo sau này. Về phía mình, Sonam Gyatso cũng ban tặng danh hiệu “Đạo Vương Nghiêm Tịnh” cho Altan khan. Chuyện kể rằng, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III đã tiết lộ, Altan Khan chính là tái sinh của Kublai Khan và Ngài (Sonam Gyatso) chính là tái sinh của Phagpa, bậc Đại Đạo sư lỗi lạc của phái Sakya; do đó mối quan hệ trong tiền kiếp giữa bậc đại Đạo sư và nhà vua bảo trợ này đang được phục hồi lại.

Để củng cố các nghi thức Phật giáo, Sonam Gyatso đã kiến lập ngôi chùa Tekchen Chokhor, tiếp theo sau đó nhiều ngôi chùa khác được xây dựng. Ngài cũng sắp đặt cho Lama Yonten Gyatso (người có cùng tên với đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV sau này, do vậy độc giả không nên nhầm lẫn!) ở lại đó với tư cách là người đại diện của Ngài, vị này cũng đã tiếp tục trở thành một trong những bậc xuất chúng của Phật giáo Mông Cổ. Một thời gian sau đó, Yonten Gyatso rất được tín nhiệm vì đã có công cứu Altan Khan từ cõi chết được mạnh khỏe trở lại, do đó củng cố được niềm tin Phật pháp của người Mông Cổ. Altan Khan sắp xếp và cung thỉnh Sonam Gyatso đến viếng thăm cung điện Hoàng gia và mời Ngài tham dự một cuộc hẹn gặp gỡ để xúc tiến mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Sonam Gyatso đã thực hiện điều đó; tuy nhiên, Ngài chỉ thuyết giảng ở miền Tây Trung Quốc, sau đó các quan chức chính quyền đã phiên dịch rộng rãi ra cho tất cả dân chúng.

Vài năm kế tiếp, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III tiếp tục du hành đến các tỉnh Amdo, Kham ở miền Đông Tây Tạng và đã xây dựng chùa chiền, truyền bá giáo pháp‎ ở đó. Đặc biệt, Ngài được sự trợ giúp nhiệt tình của vua xứ Litang, người mà trước kia đã từng bảo trợ cho phái Karmapa và kiến lập một ngôi chùa tại đó. Ngài cũng xây ngôi chùa Kumbum tại nơi ngài Tsongkhapa chào đời. Kumbum sau này phát triển thành trụ sở đầu tiên của phái Gelugpa ở miền Đông Tây Tạng. Những chuyến đi này đã làm nổi bật một cách đáng kể về thanh thế của đức Đạt-lai Lạt-ma trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp của phái Gelugpa trên những xứ sở này, nơi mà đã từng chịu ảnh hưởng rất lớn từ phái Nyingmapa và đạo Bon.

Vào năm 1585, nhận lời mời của Dhuring Khan - người nối ngôi của Altan Khan - Sonam Gyatso đã trở lại Mông Cổ. Trong thời gian ở đó, Ngài đã được yêu cầu làm người hòa giải mối bất hòa về biên giới giữa Mông Cổ và Trung Quốc, có lẽ đây là lần đầu tiên vị Đạt-lai Lạt-ma đã hành xử toàn quyền về chính trị. Ngài cũng nhận được lời mời của Hoàng gia Trung Quốc nhưng Ngài đã từ chối và hứa là sẽ đến vào dịp sau. Năm 1588, Ngài trở về miền Đông Bắc Tây Tạng và ngã bệnh, cảm thấy sắp đến lúc ra đi, Ngài đã truyền những di huấn cho các đệ tử và nói rằng Ngài sẽ sớm trở lại trong một thân hình khác. Cũng giống như các tiền thân của mình, Ngài ngồi thiền nhập định và dần dần thâu thần viên tịch. Tro cốt của Ngài được đưa về Lhasa và được bảo quản phụng thờ ở Drepung.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III là một người có năng lực tâm linh phi thường. Ngài đã lập nên sự nghiệp như một học giả lỗi lạc, một giáo sư, một nhà quản lý đầy tài năng ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp của mình. Kết hợp các truyền thồng của Nyingmapa và Gelugpa, Ngài duy trì sự thiền định và nhập thất như một tấm gương mẫu mực cho đệ tử của mình. Công việc của Ngài ở Mông Cổ và miền Đông Tây Tạng đã đẩy mạnh được phong trào Phật giáo nói chung và truyền thống Gelugpa nói riêng. Những hoạt động này liên quan đến nền hòa bình của Tây Tạng và Trung Quốc nên Trung Quốc đã sớm có mối liên hệ với Tây Tạng. Tuy nhiên, di sản lớn nhất của Ngài là đã hóa độ được người Mông Cổ đến với Phật giáo. Kể từ đó, Mông Cổ vẫn luôn duy trì là một quốc gia rất tận tụy đối với vấn đề tâm linh cho đến tận bây giờ.

Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.

Nguồn: Tập San Pháp Luân 23

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]