Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một góc nhìn Về Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi thăm bệnh Cư sĩ Duy-ma-cật

06/02/201805:40(Xem: 5685)
Một góc nhìn Về Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi thăm bệnh Cư sĩ Duy-ma-cật


duy ma cat
 Một góc nhìn
Về Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi thăm bệnh Cư sĩ Duy-ma-cật
Thích Thái Hòa

Phẩm đi thăm bệnh Cư sĩ Duy-ma-cật của Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi ở Kinh Duy-ma-cật, bản dịch của Chi Khiêm là Chư pháp ngôn phẩm. Bản dịch của La Thập Văn-thù-sư-lợi-vấn-tật phẩm. Bản dịch Huyền Tráng là Vấn tật phẩm.

Ở kinh này, Cư sĩ Duy-ma-cật là tiêu biểu cho hàng Bồ tát tại gia và ngài Văn-thù-sư-lợi là tiêu biểu cho hàng Bồ tát xuất gia, ấy là những vị tu tập Bồ tát đạo đã có tuệ giác thẩm thấu được lý tính tuyệt đối của Chân Như, vượt lên trên mọi ý niệm ngã và pháp, nên Bồ tát tại gia hay xuất gia không còn có lằn mức, mọi ý niệm nhị nguyên hoàn toàn bặt dấu.

Các Thánh đệ tử Thanh văn, đức Phật sai đi thăm bệnh Cư sĩ Duy-ma-cật, ở thành Tỳ-da-li, nhưng tất cả đều từ chối, ngay cả hàng Bồ tát như Di Lặc, Quang Nghiêm, Trì Thế và Thiện Đức cũng vậy, ai cũng nêu lên lý do để từ chối việc đi thăm bệnh vị Cư sĩ này. Vì sao? Vì thần lực, khả năng chứng nghiệm và biện tài của vị Cư sĩ này đối với con đường Phật đi, đối với việc Phật làm, không những vượt khỏi giới hạn tri thức thường nghiệm và mọi tư duy quy ước của thế tục, mà còn vượt hẳn những bậc Thánh trí, tâm còn bám lấy sở đắc ở nơi “hóa thành” hay hàng Bồ tát tu tập còn kẹt vào “ngã không – pháp hữu”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy ngài Văn-thù-sư-lợi đi đến nhà Cư sĩ Duy-ma-cật thăm bệnh, khi ngài Văn-thù-sư-lợi đến, thấy căn nhà trống không, không có gì cả, chỉ có một mình Duy-ma-cật nằm trên giường bệnh.

Cư sĩ Duy-ma-cật nói: “Xin chào ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài bằng tướng không đến mà đến; bằng tướng không thấy mà thấy”.

Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi đáp: “Hỡi Cư sĩ Duy-ma-cật, thật đúng như vậy! Nếu đã đến, thì không còn đến nữa; nếu đã đi, thì không còn đi nữa. Vì sao? Vì đến, không từ đâu đến; vì đi không từ đâu đi. Cái có thể bị thấy, thì không thể nào thấy được nữa”.

“Nhưng thôi, hãy gác việc ấy qua một bên. Này Cư sĩ, bệnh có kham nổi không? Trị liệu có giảm mà không tăng phải không? Đức Thế Tôn, ân cần hỏi thăm Cư sĩ nhiều lắm”.

“Này Cư sĩ! Bệnh tình khởi lên từ nguyên nhân nào, thời gian bệnh bao lâu rồi và làm sao hết bệnh?”.

Cư sĩ Duy-ma-cật trả lời: “Từ si và hữu ái mà bệnh tôi sinh khởi; do hết thảy chúng sinh bệnh, nên tôi bệnh; Nếu khi nào chúng sinh hết bệnh, thì bệnh tôi mới hết. Vì sao? Bởi Bồ tát, vì chúng sinh mà vào ở trong sinh tử. Có sinh tử là có bệnh. Nếu chúng sinh thoát ly sự thống khổ của bệnh, thì bệnh Bồ tát mới hết…”. (La Thập, tr 544b, Đại Chính 14).

Qua sự đối thoại giữa hai vị Bồ tát tại gia và xuất gia này, cho ta thấy rằng, nội dung của chương này, minh họa lý tính tuyệt đối của chân như mà tuệ giác tu học của Bồ tát cần phải thăng tiến để đạt đến chỗ toàn hảo. Sự toàn hảo của lý tính và sự tướng mà Bồ tát thăng tiến và đạt được là bất nhị. Bất nhị, vì sự và lý của bồ tát chứng nghiệm ngay nơi tự tâm thanh tịnh vốn viên dung vô ngại. Lý tính không trở ngại sự tướng và sự tướng không trở ngại lý tính, đó là con đường hành hoạt bất nhị của Bồ tát Thượng thừa, sống giữa đời bụi bặm với chúng sinh để giáo hóa chúng sinh mà không hề bị chúng sinh tục hóa.

Vì vậy, chương này minh họa cả người bệnh và người thăm bệnh đều là không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn, bởi vì họ là những vị Đại sĩ tu tập Bồ tát đạo đã vượt qua mọi ý tưởng phân biệt nhị nguyên; vượt ra khỏi mọi bến bờ chấp thủ ngã và pháp, đạt đến trí và bi bất nhị, lý và sự không hai.

Ở đây, Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi là biểu tượng cho đại trí. Đại sĩ Duy-ma-cật là biểu tượng cho đại bi.

Đại trí của Văn-thù-sư-lợi là để thẩm thấu và thẩm định Tịnh độ bất sinh diệt của chư Phật ngay nơi tâm bất sinh diệt của hết thảy chúng sinh và Đại bi của Duy-ma-cật có tác dụng sống cùng và sống với chúng sinh trong mọi hoàn cảnh, để làm cho thế giới Tịnh độ bất sinh diệt của chư Phật, nở ra ngay trong thế giới nhiễm ô sinh diệt của chúng sinh.

Ấy, lại là điều không thể nghĩ bàn của kinh Duy-ma-cật và cũng là điều không thể nghĩ bàn của chương này. Và ấy, cũng là điều không thể nghĩ bàn của hai Đại sĩ, người bệnh không có bệnh gì cho riêng mình, nên bệnh mà không có bệnh gì cả; người thăm bệnh không thăm bệnh cho riêng mình, nên thăm bệnh mà chẳng có ai bệnh để thăm và cũng chẳng có cái ta nào đi thăm bệnh cả!

Tự tính nơi hết thảy chúng sinh vốn thanh tịnh. Ai là người có khả năng sống với tính ấy, thì tịnh độ hiện tiền, an lạc tự có. Nếu không, thì mọi ngôn ngữ phô diễn chỉ là sóng nắng trưa hè, mà nạn nhân là những chú ngựa khát nước săn đuổi rượt tìm, ngã lăn ra chết giữa đám bụi phủ sương mờ chất ngất trùng điệp!

 


 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]