Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một cuộc phỏng vấn với Ngài Pháp Vương Karmapa thứ 17 Thaye Dorje

16/04/201211:14(Xem: 4506)
Một cuộc phỏng vấn với Ngài Pháp Vương Karmapa thứ 17 Thaye Dorje

Một cuộc phỏng vấn với Ngài Pháp Vương Karmapa thứ 17 Thaye Dorje

Từ website Tuần báo tin tức của Ấn Độ, thực hiện bởi Vijaya Pushkarna/ Lumbini – 10/12/2001

phongvan17thKarmapaThayeDorjeViệc học của Ngài hiện nay ra sao ạ?

Đức Karmapa: Thậm chí từ trước khi tôi được thừa nhận là một Karmapa, tôi đã được dạy về Phật giáo và triết học. Giờ đây tôi học những điều đó một cách chi tiết hơn rất nhiều, đặc biệt là những lễ nghi của Karma Kagyu. Tôi không đến một trường học chính quy nào. Tôi bắt đầu học tiếng Anh khi tôi đến Ấn Độ (từ Tây Tạng). Ý nghĩ duy nhất của tôi là để chuẩn bị cho vai trò của mình là một Karmapa. Tôi cũng học một chút tiếng Pháp và những ngôn ngữ phương Tây khác, và rồi cuối cùng tôi không cần một phiên dịch nào cả. Bên cạnh đó tôi cũng học các môn như lịch sử, địa lý, khoa học và toán học.

Ngài có nhớ những bạn bè cùng lứa với mình không?

Đức Karmapa: Có. Có nhiều lúc tôi nhớ họ. Nhưng tôi có một trách nhiệm lớn hơn. Cách mà tôi được giáo dục, đó là có rất ít thời gian để nghỉ giải lao. Tôi có rất nhiều thứ cần phải đọc.

Ngài đọc những loại sách nào?

Đức Karmapa: Tôi đọc tất cả các loại sách bao gồm cả hoạt hình và truyện khoa học viễn tưởng. Tôi thích xem phim trên vô tuyến khi có thời gian.

Chương trình TV nào Ngài thích nhất?

Đức Karmapa: Tôi đã rất thích xem Chiến tranh giữa các vì sao.

Điều gì cuốn hút người phương Tây đến với Phật giáo?

Đức Karmapa: Họ sống gấp gáp và đang tìm kiếm sự an bình trong tâm hồn. Họ hướng về Phật giáo để làm tâm hồn dịu lại. Bằng cách thực hành pháp dưới truyền thống Karma Kagyu, họ tìm thấy bình yên. Thiền định giúp họ có cái nhìn rõ ràng hơn đối với cuộc sống.

Vấn đề lớn nhất mà con người phải đối mặt hiện nay là gì?

Đức Karmapa: Con người đang phải chịu nhiều đau khổ trên khắp thế giới. Có quá nhiều bạo lực, mỗi ngày trôi qua điều đó càng nhiều thêm.

Phật giáo hướng đến điều đó như thế nào?

Đức Karmapa: Những người thực hành Phật Pháp biết cách để nhắm đến điều đó. Nhưng cách mà mọi thứ diễn ra, ta nên thực hành pháp chăm chỉ hơn. Điều này tốt cho cơ thể và tâm hồn của ta. Thiền định sẽ cho bạn một lực đẩy mạnh mẽ. Phật giáo có những sự khác biệt ở các quốc gia. Những người thực hành Phật pháp ở những nơi khác nhau sẽ hiểu nó theo những cách khác nhau. Và mỗi người sẽ lấy từ đó những gì mình muốn, và hiểu bằng một cách phù hợp với mỗi người.

Tất cả những thứ đó có phải thật sự là những giáo pháp nguyên bản của Đức Phật không?

Đức Karmapa: Đúng, giáo Pháp và đích đến đều giống nhau. Chỉ có những con đường là khác nhau.

Một ngày bình thường của Ngài như thế nào?

Đức Karmapa: Tôi dậy lúc 6.30 sáng và bắt đầu một ngày bằng việc thiền định. Từ 8 đến 11 giờ, đó là thời gian để đọc kinh tiếng Tạng, triết học, Pháp, những lời dạy của Phật và những môn như toán học, lịch sử và địa lý.

Đức Simpa Dorje từ Varanasi dạy tôi Pháp, triết học và lịch sử của Phật giáo. Tôi phải luyện viết và học cách giảng Pháp nữa. Tôi gặp gỡ những người đến thăm từ 11 đến 13 giờ và ăn trưa. Từ 13 đến 15 giờ, tôi làm bài tập về nhà, và ngồi thiền trong một giờ. Tôi nghỉ giải lao 1 tiếng rưỡi từ 5 giờ chiều, sau đó tôi làm lễ puja ngắn. Trước khi đi ngủ tôi lại ngồi thiền.

Khi nào Ngài có thời gian dành cho TV và phim?

Đức Karmapa: Bất cứ khi nào tôi có thời gian rảnh rỗi, phần lớn là cuối tuần.

Ngài có giữ liên lạc với gia đình không?

Đức Karmapa: Có. Họ sống ở Ấn Độ. Tôi gặp họ khi tôi ở Delhi. Khi tôi gặp họ, tôi là con trai của họ, không phải là Karmapa.

Ngài có đi nhiều không?

Đức Karmapa: Có. Tôi đã từng đến Đài Loan, Singapore, Malaysia, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Tôi thích du lịch, nhưng bây giờ tôi phải hoàn thành việc học của mình.

Ngài có thông điệp gì với Phật tử không ạ?

Đức Karmapa: Hãy tiếp tục sự thực hành của mình, theo những lời Phật dạy và làm nhiều việc thiện.

Nguồn: http://www.dhagpo-kagyu.org/anglais/science-esprit/themes_supplement/general/interview_k17_1.htm

Việt dịch: Quỳnh Anh – Nhóm Thuận Duyên.


Một cuộc phỏng vấn với Pháp Vương Karmapa thứ mười bảy Thaye Dorje

Menlo Park, California, USA, tháng 9/2003

Đạo Phật ngày nay: Thật là một niềm vinh hạnh lớn cho chúng con được tiếp chuyện Ngài trong chính chuyến thăm đầu tiên này của Ngài đến Hoa Kỳ. Ấn tượng của Ngài đối với nước Mỹ và người Mỹ ra sao?

Đức Karmapa: Ở Mỹ mọi thứ đều rất lớn… Tôi đã thấy những đại lộ lớn, xe hơi lớn, và cả những người cao lớn nữa (cười). Nhưng nói chung, mọi người đều có một tâm hồn mở, đó là điều rất quan trọng trong Phật pháp. Từ khi tôi còn rất nhỏ, ở Tây Tạng, tôi đã luôn luôn muốn đi du lịch. Cơ hội được nhìn thấy nhiều nơi khác luôn làm tôi rất hứng thú. Khi tôi đến châu Âu, hay bất kì nơi nào khác, đó là những trải nghiệm học hỏi của tôi, và ở đây cũng vậy. Mặc dù tôi đã ở một chỗ trong hai tháng rồi, nhưng tôi vẫn học được rất nhiều. Và tất cả những điều đó đều là những trải nghiệm tuyệt vời.

Những điểm cốt lõi của Phật giáo là gì?

Đức Karmapa: Phật giáo không phải là tôn giáo hay một môn triết học. Điều làm Phật giáo trở nên đặc biệt, và khác với tất cả những tôn giáo khác, là một sự thật rằng đây là phương pháp giúp ta có thể kết nối được với bản thể của mình. Dựa trên những phương pháp của Phật giáo, ta có thể nhận ra bản thể của vạn vật. Người ta có thể nói rằng mình nhận ra bản chất tâm của anh ta, vì tâm ta tạo nên thế giới luân hồi này. Vì lý do đó, cái tâm là rất quan trọng, nhưng mặt khác, người ta có thể nói một cách đơn giản là “bản thể của mọi vật”. Bất kỳ điều gì ta nhìn thấy, cảm thấy hay sáng tạo nên, đạo Phật hiểu được bản chất của chúng. Phật giáo chỉ là một phương pháp. Nó không dựa trên những điều mà ai đó nói hoặc dựa vào số mệnh; nó có nền tảng là sự thật. Khi sử dụng phương pháp này, chúng ta tiến gần hơn đến sự thật, chúng ta không chỉ dùng giáo pháp mà còn tất cả những tài nguyên khác, tất cả những tri thức mà ta có thể tích lũy được từ thế giới này mà không bám chấp vào bất kỳ điều gì trong đó.

Bồ đề tâm (tâm Bồ tát) khớp với điều gì?

Đức Karmapa: Đối với chúng ta, những hành giả Karma Kagyu, những người theo con đường Đại thừa và Kim Cương thừa, bồ đề tâm rất quan trọng. Bồ đề tâm làm mọi thứ trở nên rất khác biệt. Tất cả mọi điều ta làm, dù chúng ta vẫn nghĩ về bản thân mình, nhưng ta nên chú ý đến việc làm lợi lạc cho những người khác. Điều này rất quan trọng trong Phật giáo Mật thừa.

Cả Đại thừa và Kim cương thừa đều cần đến Bồ đề tâm.

Con đường Đại thừa mở rộng và sáng rõ hơn, nhưng nó dùng nhiều sách vở và theo đó là những sự hướng dẫn.

Kim Cương thừa dùng nhiều phương tiện trực tiếp hơn, điều đó nguy hiểm và đầy cám dỗ. Chúng ta đi thẳng đến giai đoạn cuối cùng, và từ đó cố gắng nhìn lại và thấy tại sao ta lại đến được đó.

Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa sẽ làm việc đầu tiên là gieo một hạt giống, sau đó tưới nước và thêm một ít đất, và sau đó nó sẽ ra quả. Hai phương pháp này sử dụng một cách tiếp cận có hệ thống. Trong Kim Cương thừa, chúng ta cố gắng kết hợp việc gieo hạt với quả của chính nó. Ta cố gắng mang chúng lại gần nhau hơn và sử dụng những cách hoàn toàn có thể để hái quả ngay trong vài ngày.

Vậy là ta đạt được mục đích như là một điểm bắt đầu.

Đức Karmapa: Đúng vậy. Đó là cách ta sử dụng những phương tiện thiện xảo nhất.

Điều đó giống như dùng thêm phân bón và sử dụng kỹ thuật di truyền học.

Đức Karmapa: (cười)

Ngài có thể giải thích rõ hơn về Bồ đề tâm?

Đức Karmapa: Boddhicittalà một từ tiếng Phạn. Ở Tây Tạng chúng tôi sử dụng thuật ngữ monpa sem khyedjukpa sem khyed. Semcó nghĩa là tâm và khyedcó nghĩa là phát ra, để phát Bồ đề tâm cả trong tâm tưởng và trong thực tế. Monpa sem khyedlà sự thực hành phát tâm bồ đề trong tâm tưởng, và jukpa sem khyedlà tâm bồ đề thực hành.

Điều đầu tiên là người ta phải thấy được cõi luân hồi này là đau khổ, và sau đó thấy được những chúng sinh hữu tình đang bị đắm chìm trong đau khổ đó. Dựa vào nền tảng của sự hiểu ấy, ta phát triển một nguyện để xóa bỏ đau khổ và thay vào đó là mang đến hạnh phúc. Ở Tây Tạng chúng tôi gọi đó là jampanyinje. Jampanghĩa là mang đến hạnh phúc, và nyinjelà mang đi đau khổ. Điều này khá cơ bản và đơn giản. Tôi nghĩ rằng thuật ngữ Tiếng Anh của nó là “yêu thương” (jampa) và “từ bi” (nyinje).

Để mang lại hạnh phúc lâu dài không có nghĩa là làm các công việc từ thiện mà chính là việc dạy giáo Pháp và giúp chúng sinh hiểu được ý nghĩa của Pháp, làm thế nào để dùng và để thực hành Pháp. Bồ đề tâm trong tâm và trong thực hành đều rất cần thiết.

Bồ đề tâm rất quan trọng khi nó trở thành hành động thuộc về Pháp. Chúng ta giúp đỡ những người khác cũng như giúp chính mình. Bằng việc làm lợi lạc cho người khác chúng ta tích lũy được nhiều trí tuệ, và bằng việc giúp chính bản thân mình chúng ta sẽ trở nên có khả năng giúp người khác nhiều hơn. Cả hai cách đó đều rất hữu ích.

Bồ đề tâm trong thực hành chính xác là điều gì?

Đức Karmapa: Mong muốn hoặc bồ đề tâm có chủ ý là một nguyện gắn bó để đạt được trạng thái của giác ngộ, trong khi đó bồ đề tâm tích cực là sự gắn bó thực sự với con đường giác ngộ. Bồ đề tâm tích cực là dũng khí. Điều đó không phải là chỉ ước muốn và để nó bay đi, mà phải là đưa nó vào hành động, nắm trong tay từng hoàn cảnh và đưa vào thực hành. Bồ đề tâm tích cực bao gồm Sáu Ba la mật.

Ví dụ, khi Ngài giảng pháp hoặc truyền quán đỉnh, hoặc có ai đó xây dựng một Thiền tự Phật giáo, đó là Bồ đề tâm tích cực?

Đức Karmapa: Bồ đề tâm tích cực là sự kết hợp của cả chủ ý và hành động. Nếu không có sự chủ định, chúng ta có thể làm được gì? Khi xây dựng một tự viện, giảng pháp hay quán đỉnh, hoặc thậm chí khi ngồi thiền, ta cần có chủ đích để giúp những người khác, có phải như vậy không?

Ngài là người đứng đầu dòng truyền thừa Karma Kagyu. Dòng truyền thừa Karma Kagyu là gì?

Đức Karmapa: Katrong tiếng Tây Tạng có nghĩa là tất cả những sự chỉ dẫn, và gyucó nghĩa là sự truyền giao được chuyển lại từ những bậc thượng sư giác ngộ đời trước đến đời sau. Sự trao truyền trong sạch, tinh khiết và không lỗi lầm. Dòng truyền thừa Karma Kagyu bắt nguồn từ Ngài Tilopa và Ngài Naropa. Ngài Tilopa đã nhận được sự trao truyền trực tiếp từ Đức Kim Cương Trì và từ những bậc thầy giác ngộ trên khắp bốn phương Ấn Độ. Sự trao truyền ấy đi qua các Ngài Marpa, Milarepa và đến Ngài Gampopa. Ngài Gampopa đã truyền pháp cho ba đệ tử chính của Ngài, đặc biệt là Ngài Karmapa đầu tiên Dusum Kyenpa. Họ đã từng gọi Ngài Karmapa đầu tiên là “Khampa Use”. Khampalà một vùng ở phía đông Ấn Độ, và Usecó nghĩa là tóc bạc.

Dòng Kamtsang Kagyu của chúng tôi bắt đầu từ Ngài Karmapa đầu tiên. Pháp thực hành chính của dòng là Sáu Pháp Du già của Naropa và Đại thủ ấn. Đại thủ ấn (Mahamudra) là thuật ngữ tiếng Phạn chúng tôi sử dụng trong dòng Kagyu. Trong tiếng Tây Tạng đó là Chag Gya Chenpo, và đó là những giáo pháp đặc biệt của dòng truyền thừa của chúng tôi trong việc thiền định thẳng trên bản thể của tâm. Tất nhiên có những thuật ngữ khác để chỉ Đại thủ ấn trong dòng Nyingmapa và Gelugpa, như là Tawa Chenpo, Uma ChenpoDzogpa Chenpo.

Đâu là sự khác biệt giữa Đại thủ ấn (Mahamudra) và Đại toàn thiện (Dzogchen)?

Đức Karmapa: Đây chỉ là hai phương cách khác nhau. Có những cách tiếp cận khác nhau dành cho những người khác nhau, chỉ cần cách đó phù hợp với họ. Điều cuối cùng, vấn đề không phải ở chỗ ta dùng con đường nào để đạt được chứng ngộ. Kết quả luôn luôn là giống nhau. Điều đó giống như khi nói, “Giờ tôi sẽ đi đến Frankfurt, và tôi có thể đến đó bằng máy bay của hãng Lufthansa hoặc hãng United”

Ở Trung tâm hành pháp Kim Cương này, pháp thực hành chính là Guru Yoga của Ngài Karmapa thứ mười sáu. Ngài có thể giải thích về sự lợi lạc của pháp thực hành này?

Đức Karmapa: Đầu tiên chúng ta cần hiểu ý nghĩa của Guru Yoga. Guru Yoga là sự thực hành với chính bậc thầy của mình. Bình thường, người ta có thể quán tưởng một vị bản tôn hiền hòa hoặc phẫn nộ, nhưng lý do để thực tập Guru Yoga đó là, bậc thầy cũng là con người, như chúng ta. Bằng cách đó, chúng ta có thể dễ dàng hơn để có mối liên kết với bậc thượng sư, chúng ta có thể có sự liên hệ tốt hơn và mạnh mẽ hơn. Trong thực tế, nếu không có bậc thầy, ta không bao giờ biết đến Pháp. Bậc thượng sư là người dẫn đường tốt nhất, con đường tốt nhất. Cả việc thực hành bản tôn và Guru Yoga đều rất cần thiết, nhưng lý do Guru Yoga trở nên quan trọng như vậy là bởi vì nếu không có bậc thầy thì chúng ta thậm chí còn không biết đến các vị bản tôn. Bậc thượng sư là người đã cho ta thấy mọi thứ. Chúng ta học mọi phẩm hạnh của Người và sử dụng chúng để đạt được đến mức độ tương đương của sự chứng ngộ.

Khi chúng ta nghĩ về một bậc thượng sư, vị ấy cũng là con người như chúng ta, ta có thể dễ dàng có mối liên kết với bậc thầy và đạt được điều gì đó. Vì vậy khi ta thực hành Guru Yoga, sự gia trì mà ta nhận được thậm chí sẽ còn lớn hơn, đơn giản bởi vì tâm chúng ta rộng mở hơn. Mặt khác, chúng ta có thể thực hành Guru Yoga với một tảng đá. Điều đó là giống nhau. Nhưng với một bậc thầy chúng ta cảm thấy tin tưởng hơn.

Một mặt khác, chúng ta không nên nghĩ rằng bậc thượng sư chỉ là một con người, nhưng phải quán đến những phẩm hạnh của Ngài. Những phẩm hạnh ấy là Ba ngôi báu, và bậc thượng sư có cả ba điều đó. Giống như Đức Phật, vị ấy không chỉ đơn giản là một người bình thường mà còn là người đã chỉ cho ta con đường đi đến giải thoát. Thứ hai, Ngài sở hữu và biết về Pháp, và thứ ba, Ngài là người giúp đỡ ta trên con đường của mình, và đó là Tăng đoàn. Nếu bạn nghĩ rằng Guru Yoga chỉ đơn thuần là thực hành trên phần thân của bậc thượng sư, thì đó sẽ là cội nguồn của đau khổ luân hồi. Thân người không có gì là bền vững; nó chỉ gồm thịt và xương.

Thông qua Guru Yoga, bậc thầy sẽ cho ta khả năng để hiểu được trạng thái cuối cùng, miếng ghép cuối cùng làm cho mọi thứ trong sáng rõ ràng như pha lê. Bậc thượng sư có khả năng đó.

Pháp thực hành Guru Yoga dường như là một pháp thực hành thuận tiện hơn nhiều cho cuộc sống ngày nay, hơn là, ví dụ, Sáu pháp du già của Naropa?

Đức Karmapa: Mỗi phần của sự tập Phật pháp đều cần thiết. Bất kỳ phần thực hành nào mà bạn làm đều quan trọng và tất cả chúng đều rất hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy tin tưởng hơn, và phần nào phù hợp hơn với bạn, bạn sẽ đạt được kết quả nhanh hơn. Đó là vấn đề pháp nào là phù hợp nhất với mỗi cá nhân, với hoàn cảnh, với thời gian của người đó, và cả phù hợp về văn hóa.

Chúng ta có thể đạt được sự chứng ngộ của những bậc thượng sư vĩ đại mà không cần quá trình nhập thất lâu dài và những pháp thực hành như Sáu pháp du già của Naropa không?

Đức Karmapa: Khi ta nói về Sáu pháp du già của Naropa, chúng ta nghĩ đến rất nhiều điều mình phải làm, và điều đó giống như một gánh nặng to lớn. Và sau đó ta nghe thấy rằng người ta chỉ cần đơn giản là thực hành Guru Yoga, cũng có thể đạt được kết quả tương tự. Người ta nói, “À, Guru Yoga rất ngắn, và tôi có thể làm được”. Nhưng dần dần ta sẽ hiểu được những tính chất đặc biệt của phương pháp Sáu pháp du già của Naropa, ví dụ phép Phowa [Chuyển di thần thức: ND], rằng nếu không thực hành pháp này ta không thể đi sâu vào trong cũng như không thể thật sự chứng ngộ được sự thật trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Do đó có những lúc ta muốn thực hành Sáu pháp du già; điều này sẽ trở thành một điều cần thiết. Thông qua pháp Guru Yoga, ta sẽ tiến đến gần hơn và nhận được những phần nhỏ của Sáu pháp du già. Ta sẽ được nếm trải một phần của pháp ấy nhưng không phải là trải nghiệm hoàn toàn.

Ngài có thể nói một vài điều về sức mạnh của chú không? Những lợi lạc khi sử dụng câu chú Karmapa Chenno?

Đức Karmapa: Chúng tôi sử dụng câu chú Karmapa Chennotrong phần tu tập Guru Yoga với Ngài Karmapa thứ mười sáu để tiến gần đến với mức độ chứng ngộ của Ngài. Trong tiếng Tây Tạng, Karmanghĩa là hoạt động, Palà người thể hiện những việc làm đó. Karmapa chỉ đơn giản là con người của hành động. Vì vậy, kể cả câu chú cũng là một dạng của Guru Yoga.

Chỉ đọc một câu chú cũng là Guru Yoga?

Đức Karmapa: Nếu chỉ nói như vậy thì có thể không chính xác lắm, nhưng hãy nghĩ đến ý nghĩa của điều đó. Khi ta nhắc lại câu chú, ta tiến gần hơn đến bản thể của Karmapa, ta cầu thỉnh thân, khẩu, ý của Ngài. Những chữ này chứa đựng bản thể của Ngài trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Ta có thể nói một cách đơn giản rằng Karmapa, hay tất cả những vị thượng sư mà ta thực hành Guru Yoga với Ngài, đều là hiện thân của Tam Bảo.

Khi tụng câu chú sáu âm của Ngài Chenrezig (Bồ Tát Quan Âm), Om Mani Peme Hung, ta mở rộng tâm hồn của mình đối với những phẩm hạnh vĩnh cửu của Ngài. Khi Ngài có lời nguyện Bồ tát và bắt đầu những hạnh nguyện ấy, Ngài đã có những lời nguyện rất mạnh mẽ rằng tất cả những ai trì tụng câu chú sẽ nhận được ân phước gia trì của Ngài. Với câu chú Karmapa Chenno cũng như vậy.

Mỗi vị Karmapa đều tuyên bố bản thân mình là Karmapa, và Ngài đã làm điều tương tự khi Ngài còn là một đứa trẻ?

Đức Karmapa: Đúng vậy, tôi nghĩ hồi đó tôi còn rất nhỏ .

Ngài có thể nói rằng đó là một niềm tin vững chắc không?

Đức Karmapa: Có, và tôi có một cảm giác mạnh mẽ rằng tôi có thể làm được một điều gì đó tốt lành, đơn giản rằng, tôi có thể thực hiện những Pháp sự và có thể chấp nhận những thách thức của việc giảng dạy giáo lý. Tôi có một niềm tin tưởng lớn lao. Vào thời điểm đó, tôi còn rất nhỏ và tôi không biết chính xác rằng cảm giác đó có nghĩa là gì. Điều đó rất kỳ lạ, và tôi chỉ bắt đầu hiểu được nó khi tôi sáu hay bảy tuổi. Thông qua sự thực hành, giờ tôi có thể nói rằng tôi có thể thực hiện được bất kỳ điều gì mà Ngài Karmapa đời trước đã làm, và tôi có khả năng để làm điều đó. Đó là những gì tôi cảm thấy. Bằng cách đó, vâng, tôi có thể nói rằng tôi là Karmapa. Karmapa chỉ đơn giản có nghĩa là người của hành động.

Ngài rất tự tin rằng mình có thể đảm đương được nhiệm vụ của Karmapa?

Đức Karmapa: Đúng, mặt khác tôi chỉ là một trong những người được mọi người xác nhận là Karmapa. Việc chỉ nói rằng “Tôi là Karmapa” là không đủ. Để công nhận là Karmapa, người ra cần phải chứng minh. Điều đó mất rất nhiều công sức và thiền định cường độ cao về phía người có trách nhiệm đi tìm Ngài.

Trong trường hợp này là Ngài Shamar Rinpoche?

Đức Karmapa: Đúng vậy, đó là Shamar Rinpoche với sự giúp đỡ của những vị thầy khác.

Giờ Ngài đang ở trong môi trường hoàn toàn khác biệt so với Tây Tạng. Ngài có nhớ nơi mình đã lớn lên không? Ngài có cảm giác về việc mình có thể sẽ quay lại nơi đó không?

Đức Karmapa: Ai biết được, tôi có thể sẽ ung dung quay trở lại nơi ấy vào một ngày nào đó. Tôi đã dành phần lớn tuổi thơ của mình ở Lhasa, nhưng tôi không nhớ nơi đó nhiều như thế này. Điều mà tôi nhớ là sự yên tĩnh ở miền đông Tây Tạng, những đồng cỏ, những dãy núi và thiên nhiên.

Ngài có nghĩ rằng Phật giáo ở Tây Tạng đang suy tàn?

Đức Karmapa: Không hoàn toàn. Rất nhiều vị thầy vẫn đang ở đó, và có rất nhiều người đang làm Pháp sự. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, giáo lý bắt nguồn từ Ấn Độ, và sau đó được mang đến Tây Tạng, sau đó là Trung Quốc, châu Âu và nhiều nơi nữa. Ở Ấn Độ, vẫn còn nhiều vết tích của Phật giáo còn lại. Đó chắc chắn là một nền tảng vững chắc của Tây Tạng. Vào thời điểm nào đó, Phật giáo ở đây có thể sẽ lại trở nên hưng thịnh .

Cha của Ngài là một bậc thượng sư của Nyingma. Ngài có thể chia sẻ rằng ông đã có ảnh hưởng thế nào đến Ngài khi Ngài là một đứa trẻ?

Đức Karmapa: Cha tôi có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Tôi nghĩ rằng tôi có ông ấy như một người cha, và cũng là một người mẹ, đã cho tôi cách tiếp cận dễ dàng hơn đối với Pháp. Đặc biệt bởi vì cha tôi là một thượng sư của Nyingma, một Rinpoche, trí tuệ về Pháp của ông rất uyên thâm. Tôi đã học được nhiều hơn và nhanh hơn những đứa trẻ bình thường.

Ông ấy có dạy Ngài thiền định không?

Đức Karmapa: Không, không hẳn là thiền định. Ông ấy đã dạy tôi cách viết và cách đọc. Hồi đó tôi không có một gia sư nào. Tôi không đến trường bởi cha mẹ tôi nghĩ việc đó là không an toàn. Từ khi tôi còn rất nhỏ, bằng cách này hay cách khác họ đã biết được phần nào về việc tôi là ai. Vậy nên cha tôi và bác tôi đã dạy tôi mọi thứ.

Ngài đã chọn cách học tập ở nhà?

Đức Karmapa: Đúng, tôi đã rất may mắn. Thời điểm tôi rời Tây Tạng, tôi đã biết khá nhiều thứ. Tất nhiên, tôi không có máy vi tính, nhưng tôi đã nhớ rất nhiều bài đọc.

Hiện tại ai là giảng sư chính của Ngài, và Ngài có thể nói đôi điều về những vị ấy được không?

Đức Karmapa: Mỗi vị thầy đều có riêng những phẩm hạnh đặc biệt, và tôi là người rất may mắn khi có được rất nhiều bậc thầy chỉ dạy. Tôi đã nhận được sự gia trì của các Ngài Shamar Rinpoche, Chobje Rinpoche, Ludhing Khenchen Rinpoche, Beru Khyentse Rinpoche, Khen Trinley Paljur Thri Rinpoche, và Ngài Peba Tulku. Ngài Topga Rinpoche, Sempa Dorje và Khenpo Chodrak đã dạy tôi triết học Phật giáo. Thỉnh thoảng tôi dành vài tháng để nhập thất thiền định. Điều đó là khá quan trọng bởi chỉ có kiến thức là không đủ, mà ta cần phải có trải nghiệm về nó.

Ngài đã tiếp nhận giáo dục của phương Tây từ đâu?

Đức Karmapa: Tôi không đến bất kỳ một trường học nào, nhưng tôi đã học được rất nhiều từ những thầy giáo người Anh của tôi trước đây. Tôi học tiếng Anh từ một vài người, trong đó có Mark Tschelischeff, một người Mỹ, Lucy, một cô gái ở Đại sứ quán New Zealand ở New Delhi, giáo sư Sprigg, một người Scot với giọng Anh, và Shona và Stewart Jarvis từ nước Úc.

Giờ đây, người ta có thể học được rất nhiều thứ với sự trợ giúp từ những công nghệ hiện đại như Internet. Dù tôi đã học được khá nhiều, nhưng đó vẫn là chưa đủ. Tôi phải học nữa, tri thức trên thế giới này là không có giới hạn. Đó là một quá trình đang diễn ra, và không có kết thúc nào cả.

Ngài có thể nói về lễ quán đỉnh gần đây nhất về Mật điển của Ngài Marpa mà Ngài đã nhận được từ Ludhing Khenchen Rinpoche không? Tại sao những Mật điển này được coi là quý giá đến như vậy?

Đức Karmapa: Shamar Rinpoche có đề nghị Ludhing Khenchen Rinpoche một vài lần về việc tiếp tục những quán đỉnh này, nhưng rất khó để tìm được thời gian để làm việc đó ở Ấn Độ bởi Ngài Ludhing Khenchen Rinpoche đã có rất nhiều Pháp sự ở đó. Khi Ngài có thời gian đến Seattle, chúng tôi đã nghĩ rằng đây thật là cơ hội hoàn hảo để nhận những quán đỉnh quan trọng này ở đây, ở nước Mỹ. Đó là những giáo lý ẩn giấu, đã không được giảng dạy trong dòng truyền thừa của chúng tôi trong hai thế kỷ. May mắn thay, những giáo lý đó đã được thực hành trong dòng Sakya, và đây đúng là một cơ hội vàng để lấy lại. Tôi đã nhận được hai mươi hai pháp quán đỉnh trong số đó, còn lại một vài pháp mà do thời gian chúng tôi chưa thể giải quyết được. Chỉ riêng việc truyền 22 pháp này đã tốn nhiều năng lượng của Rinpoche. Ngài đã phải thực hành mỗi ngày sáu giờ để chuẩn bị cho mỗi phần quán đỉnh, và hai giờ nữa để truyền pháp. Những quán đỉnh dài hơn thì mất hai ngày.

Tại sao việc tiếp tục những Mật điển này lại quan trọng như vậy?

Đức Karmapa: Việc bảo tồn được số lượng lớn những phương pháp đa dạng là rất quan trọng. Chúng đều có bản chất giống nhau nhưng có những tính chất khác nhau. Để truyền quán đỉnh này cho cộng đồng, ta phải nhận được khẩu truyền và truyền Pháp, và đạt được những chứng ngộ nhất định. Luôn luôn phải có những người có thời gian để thực hành, chứng thực và truyền tiếp nó.

Ngài có nghĩ rằng ngày nay có những đệ tử có thể có khả năng thực hành những Mật điển đó không?

Đức Karmapa: Tôi sẽ nói là có, mọi người đều có thể làm được điều đó. Chúng ta phải sử dụng điều đó, chứ không chỉ là giữ gìn nó cho tương lai.

Nhưng thực tế, điều đó là có thể không?

Đức Karmapa: Mỗi người phải có thời điểm và thời gian để làm được việc đó. Điều đó cũng giống như khi ta nói mọi người đều có Phật tính. Ví dụ, có rất nhiều loại quả trong vườn, nhưng ta chỉ có thể ăn được khi chúng chín. Nếu ta ăn trước, chúng sẽ rất đắng và khó mà tiêu hóa được.

Vậy điều này phụ thuộc vào cá nhân mỗi hành giả, dù người ấy có sẵn sàng cho điều đó hay không?

Đức Karmapa: Đúng vậy, kể cả khi người đệ tử chưa sẵn sàng, nhưng người thầy sẽ cố gắng tạo nên những điều kiện tích cực cho họ để thực hành Pháp. Đó là lý do tại sao chúng ta có những trung tâm thực hành Pháp.

Là Ngài Karmapa thứ 17, Ngài nghĩ thế nào về những Pháp sự của mình?

Đức Karmapa: Phía trước vẫn còn là con đường dài, và có rất nhiều khó khăn. Tôi đang đi bước đầu tiên, và tôi nghĩ rằng việc này sẽ rất thú vị.

Việc thực hiện nghi lễ Mũ Đen có quan trọng đối với Ngài Karmapa không?

Đức Karmapa: Điều đó là quan trọng. Đó là truyền thống được gìn giữ từ Ngài Karmapa thứ mười sáu, nhưng chỉ là truyền thống, không hơn. Đối với tôi điều đó không quan trọng lắm. Chúng ta có thể tổ chức lễ đó, nhưng nếu chúng ta không làm, thì cũng không phải là sự khác biệt lớn.

Ta nói rằng Mũ Đen là biểu tượng của những hoạt động của Karmapa, và đó là sự thật ở thời điểm đó. Hiện tại, khi chọn đúng thời điểm, kể cả một chiếc mũ bóng chày cũng có thể khai sáng được cho ai đó. Nó giống như một cái tay nắm để mở cửa.

Có rất nhiều kiểu thực hành trong dòng truyền thừa Kagyu, điều này đôi khi dẫn đến sự phân chia trong Tăng đoàn. Là người đứng đầu của dòng truyền thừa, Ngài có nghĩ vai trò của mình là người hợp nhất và thống nhất các nhóm, hay sẽ đón nhận sự phân chia các nhóm và những hành giả ấy và coi đó là một điều tự nhiên?

Đức Karmapa: Việc có một số ranh giới nhỏ là một điều tự nhiên. Vào thời điểm Đức Phật nói giáo Pháp, chỉ có một cách hiểu những giáo lý ấy của Ngài. Khi Ngài viên tịch, ngày càng nhiều phương pháp mới xuất hiện. Những cách khác nhau của sự tu tập là rất tốt nếu chúng có hiệu quả và hữu dụng với mọi người. Tuy nhiên, nếu những sự chia cắt xuất hiện và những khó khăn đến, ta nên giải quyết chúng. Và cũng nên đòi hỏi việc đổi mới cách dạy. Ý tưởng này không phải là mang đến một điều gì mới, mà dùng những cách diễn đạt khác trong khi vẫn giữ gìn bản chất của chúng.

Điều gì làm phương cách Kim Cương thừa trở thành duy nhất?

Đức Karmapa: Tôi có thể nói rằng đây không phải là một câu hỏi thích đáng. Bạn cũng có thể tìm thấy những điều độc đáo ở tất cả những phương pháp thực hành Phật pháp khác nữa.

Kim Cương thừa là một phương pháp rất hiện đại, đặc biệt hiệu quả cho người phương Tây, và chúng tôi đã nhìn thấy những kết quả tốt ở đó. Ví dụ, ở châu Âu có rất nhiều hành giả, rất nhiều trung tâm, và nhiều người không chỉ đi theo mà còn rất hiểu, điều đó là quan trọng nhất. Bằng cách đó, Kim Cương thừa trở nên rất hữu ích trong thời hiện đại này. Nó có thể phù hợp hơn với cách sống của phương Tây, vậy nên bằng cách đó nó trở nên độc đáo.

Sự phát triển ở châu Âu phụ thuộc phần lớn vào những hoạt động của Lama Ole Nydahl. Ngài nghĩ rằng tại sao Ngài ấy lại có khả năng đạt được những thành tựu như vậy?

Đức Karmapa: Tôi nghĩ rằng Ngài ấy là một tấm gương tốt cho tất cả mọi người. Bạn có thể thấy rằng một cá nhân có thể thành tựu đến mức nào. Trước khi Ngài ấy trở thành Phật tử, đã từng rất ngông cuồng. Nhưng một khi đã chạm được vào bản tính Phật của mình, ta thậm chí có thể dời được cả núi.

Tôi có thể hỏi Ngài một câu hỏi riêng tư không? Ngài có thấy khó khăn khi lúc nào cũng là tâm điểm chú ý của mọi người không?

Đức Karmapa: Bằng cách nào đó tôi đã trở nên quen với việc ấy. (cười) Đôi khi nó có thể hơi bất tiện, nhưng trong văn hóa ở một số nơi, đó là cách để thể hiện sự kính trọng, và nó được thực hiện với ý nghĩa tốt đẹp nhất. Ở Mỹ hoặc Bắc Âu, việc này dễ dàng và thoải mái hơn.

Cách nào là cách tốt nhất để gọi Ngài? Những đệ tử của Ngài có nên gọi Ngài là Pháp Vương không?

Đức Karmapa: Tôi không phiền vì nếu người ta dùng bất kỳ tên nào. Karmapa cũng tốt, tên đó đơn giản. Tôi nghĩ rằng tôi thích một cái tên hơn là một danh hiệu.

Thế còn việc đỉnh lễ trước một bậc thượng sư?

Đức Karmapa: Đỉnh lễ là một cách chào đón tùy vào từng hoàn cảnh. Ở châu Á, đó là một phần của văn hóa. Ở phương Tây, đôi khi việc đó trông hơi bất tiện và ta có thể bỏ qua. Đối với bản thân tôi, mỗi khi tôi nhận được quán đỉnh, đỉnh lễ là việc phải làm. Trong đúng hoàn cảnh, đó là dấu hiệu của lòng thành kính. Ta không nên làm việc đó mà không có lý do. Làm bất kỳ điều gì trong Phật pháp, chúng ta cũng nên làm với một sự hiểu biết đúng đắn.

Ngài nghĩ thế nào về tương lai của dòng truyền thừa Karma Kagyu?

Đức Karmapa: Tương lai rất tốt đẹp. (mỉm cười) Trong dòng truyền thừa của chúng tôi, có rất nhiều người có hứng thú với Pháp, họ không chỉ đơn giản là đi theo mà còn có sự hiểu biết trí tuệ. Đó là nền tảng tốt cho sự phát triển xa hơn.

Xin cảm ơn Ngài rất nhiều.

Nguồn: http://www.dhagpo-kagyu.org/anglais/science-esprit/themes_supplement/general/interview_k17-usa_1.htm

Việt dịch: Quỳnh Anh – Nhóm Thuận Duyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]