Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại Sư Đạo An (314-385)

12/03/201417:51(Xem: 11205)
Đại Sư Đạo An (314-385)

thien su 2


Đại Sư ĐẠO AN

(314-385)



Nguyên tác Hán văn của cư sĩ Hồng Tu Bình
cư sĩ Hạnh Cơ dịch


Năm thứ ba niên hiệu Thái-nguyên (378) đời vua Hiếu-vũ đế thời Đông-Tấn, vua nước Tiền-Tần là Phù Kiên, đã kéo binh tấn công thành Tương-dương; năm sau, khi vừa chiếm được thành này, ông liền tuyên bố với mọi người: “Trẫm đem mười vạn quân đánh chiếm Tương-dương, chỉ lấy được một người rưỡi!”Chữ “một người”ở trong câu nói ấy là chỉ cho người mà Phù Kiên rất mực tôn sùng, là vị danh tăng từng có ảnh hưởng sâu rộng một thời trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc: đó là đại sư THÍCH ĐẠO AN.

1. XUẤT GIA TU ĐẠO, TÀI NĂNG VƯỢT BẬC

Đại sư Đạo An họ Vệ, sinh vào năm thứ 3 niên hiệu Kiến-hưng (314)1đời vua Mẫn đế thời Tây-Tấn, tại huyện Phù-liễu, quận Thường-sơn (nay là vùng Tây-Bắc huyện Kí, tỉnh Hà-bắc), trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời.

Tuổi thơ ấu của cậu bé Đạo An gặp đúng vào thời kì chiến loạn ở cuối thời Tây-Tấn, song thân đều mất sớm, phải nhờ người anh bên ngoại họ Khổng nuôi nấng. Cậu bé thiên tư thông minh dĩnh ngộ, 7 tuổi bắt đầu học các kinh sách Nho gia, sách nào cậu cũng đọc qua hai lần là thuộc lòng, khắp làng xóm đều khen ngợi.

Năm lên 12 tuổi, cậu vào chùa xuất gia làm chú tiểu, nhưng vì “hình mạo quá xấu” nên bị sư phụ coi thường, cho đi làm ruộng suốt 3 năm. Trong thời gian ấy, chú chỉ biết làm lụng vất vả, không hề được học hành kinh kệ. Tính chú thận trọng từng li từng tí, chịu đựng lao khổ, không một lời than oán; chẳng những thế, chú còn giữ gìn thanh qui cửa Phật một cách nghiêm chỉnh, và nỗ lực tu hành. Làm ruộng được vài năm, chú mới đến trước sư phụ xin cho học kinh Phật. Sư phụ bèn trao cho chú quyển kinh Trưởng Giả Biện Ý, dài khoảng 5.000 chữ. Đó là một quyển kinh tiểu thừa, chủ yếu nêu lên giáo nghĩa nhân quả thiện ác báo ứng của Phật giáo, và dạy người đời phải hết lòng hiếu thuận trung trinh. Chú mang quyển kinh ra ruộng, lúc nghỉ ngơi thì đem ra đọc; và đến chiều tối thì chú mang quyển kinh về chùa trả lại cho sư phụ, để xin mượn một quyển kinh khác. Sư phụ liền quở: “Quyển kinh thầy đã đưa cho, chưa học mà lại mượn quyển khác, là sao?”Đạo An thưa: “Bạch Thầy! Quyển kinh Thầy đưa cho, con học hết rồi! Con có thể đọc thuộc lòng được.” Sư phụ nghe lời ấy thì có chút kinh dị, nhưng không tin gì lắm; tuy vậy, ngài vẫn đưa cho chú một quyển kinh khác, đó là kinh Thành Cụ Quang Minh Định Ý, dài ngót một vạn chữ, thuộc về thiền đại thừa. Đại ý kinh ấy nói, có một pháp định ý gọi là “thành cụ quang minh”, nếu người nào nghe được mà kiên trì tu tập, từ một đến bảy ngày, sẽ được công đức phước lành vô lượng. Cũng giống như hôm qua, sáng sớm hôm nay chú Đạo An ra ruộng, mang theo quyển kinh; tối về chùa, lại trả quyển kinh cho sư phụ. Chú đọc thuộc lòng quyển kinh cho sư phụ nghe. Ngài vừa nghe vừa dò theo kinh văn, hoàn toàn không sai, không sót một chữ nào! Tài trí và đức cần mẫn của chú đã làm kinh động lòng người. Cuối cùng chú đã được sư phụ quí trọng; và từ đó, đối với chú, ngài đã có cái nhìn khác hẳn. Năm chú 20 tuổi, sư phụ truyền giới cụ túc2cho chú; và cho phép chú được tự do rời chùa để du phương cầu học. Từ đó, thầy Đạo An mới bắt đầu bước vào nếp sống chính thức của cuộc đời tăng lữ.

Lúc bấy giờ, phương Bắc đang do chính quyền nhà Hậu-Triệu cai trị, và đang hồi cường thạnh. –Nhà Hậu-Triệu do Thạch Lặc của dân tộc Yết, một trong nhóm năm dân tộc Hồ (Ngũ Hồ), kiến lập.– Sau khi vua Thạch Lặc chết, con là Thạch Hoằng đã bị Thạch Hổ phế bỏ để tự lập làm vua, rồi dời đô sang đất Nghiệp (nay là vùng đất ở phía Tây-Nam huyện Lâm-chương, tỉnh Hà-bắc). Không lâu sau đó, khoảng năm 335, thầy Đạo An du học tới kinh thành Nghiệp, và chính tại nơi đây, thầy đã được gặp vị cao tăng trứ danh đang lãnh đạo tinh thần cho chính quyền Hậu-Triệu, đó là ngài Phật Đồ Trừng.

Đại sư Phật Đồ Trừng (232-348) vốn họ Bạch, người Tây-vực (có thuyết nói họ Thấp, người Thiên-trúc), xuất gia từ thuở nhỏ, tụng kinh đến vài trăm vạn lời, hiểu rõ nghĩa kinh. Ngài có kiến thức uyên bác, lại có chút ít tài ảo thuật (gần như làm trò xiệc ngày nay). Năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh-gia (năm 310) đời vua Hoài đế thời Tây-Tấn, ngài đến Lạc-dương, sau nhờ dùng đạo thuật thần chú mà được Thạch Lặc, Thạch Hổ sùng tín, thường tham gia nghị bàn việc quân chính đại sự, được tôn xưng là “đại hòa thượng”. Mỗi khi có việc trọng đại, Thạch Lặc đều đến thỉnh giáo ngài trước tiên. Thạch Hổ sau khi lên ngôi, lại càng kính trọng, xưng ngài là “quốc chi đại bảo” (món báu lớn của quốc gia), bất cứ việc gì cũng thỉnh ý ngài trước rồi sau mới thi hành. Trong lúc đem hết lòng phục vụ cho chính quyền Thạch Lặc, đại sư Phật Đồ Trừng cũng đồng thời đem tâm từ bi của Phật giáo, đem giáo lí răn cấm giết hại để cảm hóa, khuyên can cái tánh tàn bạo của Thạch Lặc và Thạch Hổ, không giết hại bừa bãi dân lành vô tội. Khi Thạch Hổ cầm quyền, có lúc đến thỉnh giáo đại sư “thế nào là Phật pháp”, ngài trả lời: “Phật pháp không giết hại.”, và khuyên ông ta “không làm chuyện bạo ngược, không giết người vô tội”.Thạch Hổ vốn là kẻ khát máu, tuy nhiên, dù không thể sửa đổi tánh nết hoàn toàn, cũng nhờ nghe lời dạy của ngài mà làm được nhiều việc ích lợi. Có thuyết nói, phàm các tàn binh bại trận đáng bị giết hết, nhưng nhờ ông ta thay đổi tánh tình mà mười phần cũng giảm bớt được tới tám, chín phần. Cùng lúc ấy, đại sư Phật Đồ Trừng cũng nương vào lòng sùng tín và sự giúp đỡ của họ Thạch mà ra sức truyền bá Phật giáo trên phần lớn địa khu do nhà Hậu-Triệu chiếm lãnh, làm cho Phật giáo lan rộng nhanh chóng ở phương Bắc. Thạch Hổ đã hết sức dùng Phật giáo để thực hiện mục đích chính trị của ông. Ông từng nói rõ với mọi người: “Ta sinh ra ở vùng biên địa, thuận ý trời, ứng lòng người mà vào làm vua đất Hoa-hạ. Về phương diện tế tự thì phải tuân theo tập tục truyền thống, nhưng Phật đã là bậc thần thánh của Nhung tộc thì ta phải dốc lòng tin tưởng phụng thờ.”Vì lẽ đó, ông đã hạ chiếu thơ cho phép dân chúng của tất cả mọi sắc tộc đều được xuất gia làm tăng, phá bỏ các qui định đã có trước đó từ các thời Hán, Ngụy, là “người Hán không được xuất gia”. Người ta cho rằng, đó là lần đầu tiên trong lịch sử Trung-quốc, phía chính quyền đã chính thức ban hành quyết định chấp thuận cho người Hán được phép xuất gia. Do sự đề xướng và ủng hộ của nhà cầm quyền, Phật Đồ Trừng và các đệ tử của ngài, trước sau đã kiến tạo 893 ngôi chùa, đạt đến con số cao nhất kể từ khi Phật giáo được truyền vào Trung-quốc đến giờ. Đệ tử của đại sư Phật Đồ Trừng rất đông, trước sau có hơn vạn người, số thường thân cận bên mình cũng có đến vài trăm. Trong số đệ tử ấy, nhiều người đã có công thúc đẩy làm cho Phật giáo được truyền bá và phát triển rộng lớn ở Trung-quốc về sau này, ngài ĐẠO AN là một trong số các vị ấy.

Thầy Đạo An đi du phương cầu học đến đất Nghiệp, gặp được ngài Phật Đồ Trừng. Lúc đó Đạo An mới hơn 20 tuổi, mà ngài Phật Đồ Trừng thì đã hơn 100 tuổi! Hai người gặp nhau, tuy tuổi tác quá chênh lệch, nhưng đàm luận thì mười phần hợp ý. Hai vị đàm đạo trọn cả một ngày, và ngài Phật Đồ Trừng đã hoàn toàn quí trọng cái tinh thần cầu học cũng như trí thông minh cùng tài hoa của thầy Đạo An. Đương thời, rất nhiều người trông thấy thầy da dẻ nám đen, tướng mạo khó coi, thì tỏ vẻ khinh thị. Ngài Phật Đồ Trừng liền khuyên những người ấy rằng: “Quí thầy không nên coi thường thầy ấy. Trình độ của quí thầy ở đây, không ai sánh bằng thầy ấy đâu!”Từ đó, thầy Đạo An thờ ngài Phật Đồ Trừng làm thầy, trọn đời chân thành cung kính. Năm 348 ngài Phật Đồ Trừng viên tịch; trong suốt thời gian hơn 10 năm đó, thầy luôn ở sát bên ngài để tu học, kinh điển tiểu thừa là chủ yếu, ngoài ra còn học các kinh Bát Nhãcủa đại thừa. Về phương diện lí luận Phật giáo, so ra, thầy đã đặt được một nền tảng vững chắc, vượt trội hẳn mọi người. Mỗi lần ngài Phật Đồ Trừng giảng kinh, thầy đều được phép thay ngài giảng lại lần thứ hai. Nhiều người đối với sự việc này rất lấy làm bất mãn, đều bảo nhau, đợi lần sau có cơ hội, nhất định phải gây khó để cho anh chàng nhóc con đen đúa này phải bẽ mặt mới được. Thế là, lần tới, khi thầy vâng lời ngài Phật Đồ Trừng giảng bài lại, họ bèn đua nhau đưa ra nhiều nghi vấn khó khăn, nhưng thầy không cần phải phí nhiều khí lực, đã giải đáp thỏa đáng mọi nghi vấn, giải quyết hết các vấn đề khó khăn, hoàn toàn bẻ gẫy nhuệ khí của họ, làm cho họ phải thán phục, lại bảo nhau rằng: “Ông đạo đen làm cho cả chúng đều kinh sợ!” Hòa thượng đen Đạo An tướng mạo không giống ai, mà đã làm cho mọi người đều qui phục.

2. DẬP VÙI TRÔI DẠT,
HOẰNG PHÁP KHÔNG NGỪNG

Năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh-hòa (349) thời Đông-Tấn (tức 2 năm sau ngày ngài Phật Đồ Trừng viên tịch), Thạch Hổ chết; và chẳng bao lâu thì nội loạn xảy ra trong dòng họ Thạch, đám quí tộc của các dân tộc thiểu số trong nước Hậu-Triệu hưng binh tự lập, rồi chém giết thôn tính nhau. Thầy Đạo An thấy rõ là “vận nước sắp nguy”, bèn rời đất Nghiệp đi đến vùng núi Hoạch-trạch (nay là huyện Dương-thành, tỉnh Sơn-tây) để tránh loạn. Từ đó thầy bắt đầu cuộc sống trôi dạt đến hơn 10 năm.

Ban đầu, Đạo An xa hẳn mọi người, sống một mình trong chốn thâm u của vùng núi Hoạch-trạch, kiên trì tham cứu Phật điển, đối với Phật giáo vẫn một dạ chí thành. Nhưng vì luôn luôn sống trong hoàn cảnh vắng thầy thiếu bạn để cùng nghiên cứu Phật lí, nên thỉnh thoảng thầy cũng phát lời cảm thán. Về sau có quí thầy Trúc Pháp Tế, Chi Đàm Giảng v.v... từ xa tìm đến, khiến cho trên đường tu học, Đạo An có được thầy giỏi bạn tốt. Được quí vị ấy giúp đỡ và cổ lệ, thầy Đạo An đã đem các thiền kinh tiểu thừa do ngài An Thế Cao dịch vào cuối thời nhà Hán, như Ấm Trì Nhập, Đại Thập Nhị MônTu Hành Đạo Địa, nghiên cứu học tập kĩ càng, rồi đem hết tâm lực mà viết tựa, chú thích cẩn thận.

Vào khoảng năm thứ 7 niên hiệu Vĩnh-hòa (351) thời Đông-Tấn, thầy Đạo An đã cùng với bạn đồng học là thầy Trúc Pháp Thải, đi lên miền Bắc, đến núi Phi-long thuộc quận Nhạn-môn (nay là vùng đất Tây-Nam huyện Hồn-nguyên, tỉnh Sơn-tây). Tại đây thầy gặp lại thầy Thích Tăng Quang, vốn là bạn cũ từ thời hai người còn là sa di. Hai người cùng nhau đọc sách, suy tư, nghiên cứu Phật điển, rất lấy làm tương đắc. Vào thời kì đó, trong việc thâm cứu Phật lí, thầy Đạo An đã có kiến giải mới, khác với chư vị tiền bối. Từ thời Hán, Ngụy, chư tăng Trung-quốc đọc và giảng Phật điển, thường dùng phương pháp “cách nghĩa”, tức là sử dụng những từ ngữ, khái niệm nguyên có của Trung-quốc, đặc biệt là những thuật ngữ Lão Trang, để gượng gạo giải thích nghĩa lí trong Phật pháp, cốt ý là giúp cho các nhân sĩ Trung-hoa lí giải và tiếp nhận Phật giáo một cách dễ dàng. Đến nay, thầy Đạo An và bạn đồng học là Trúc Pháp Nhã, cũng như người cùng thời là Khang Pháp Lãng v.v..., trong nhóm những vị ấy, phương pháp “cách nghĩa” này dần dần được san định để cho cách thức được thống nhất. Nguyên lai, thầy Đạo An cũng chuyên dùng phương pháp “cách nghĩa” này để giải thích Phật pháp, nhưng trong quá trình nghiên cứu nghĩa lí Phật pháp cùng với thầy Tăng Quang, thầy dần dần có được kiến giải mới. Theo nhận thức mới của thầy, dùng phương pháp “cách nghĩa” để lí giải Phật pháp, sẽ có tính hạn cuộc nhất định, rất dễ phát sinh hiểu lầm. Thầy đã nói với thầy Tăng Quang: “Lối cách nghĩa cũ của người trước, đối với lí lẽ có nhiều sai trái.”Như thế là thầy đã không đồng ý với phương pháp cách nghĩa. Nhưng thầy Tăng Quang thì vẫn chủ trương giữ phép cũ, vì cho rằng, cách nghĩa là phương pháp mà các bậc tiền bối đã đạt và sáng lập, không thể bảo là sai trái. Điều đó cho thấy, tinh thần của thầy Đạo An không giống với người đương thời. Đương nhiên, sự xuất hiện của phép cách nghĩa, cũng như sự vận dụng nó, đã có tính lịch sử nhất định và tất nhiên của nó. Phật giáo khi mới truyền vào Trung-quốc, đối với mọi người, so ra nó còn quá mới mẻ; không những thế, giáo nghĩa của nó lại vô cùng cao sâu khó hiểu. Cho nên, việc dùng sách Nho, sách Đạo, và các sách vở thông tục khác mà người Trung-hoa đã từng quen thuộc, đem so sánh và phối hợp với sách Phật, đã trở thành cái nhu cầu bức thiết cho sự phát triển Phật giáo ở buổi ban đầu đó. Chính vì vậy mà dù cho trên chủ quan Đạo An có phản đối phép cách nghĩa, nhưng trên thực tế thầy cũng vẫn chưa thể thoát khỏi hẳn phương pháp ấy. Không những thỉnh thoảng tự thân thầy vẫn sử dụng huyền học của Lão Trang để thuyết giảng Phật pháp, mà thầy có lúc còn đặc biệt cho phép vị cao đồ của thầy là sư Thích Tuệ Viễn, khi giảng giải kinh Phật, có thể dẫn dụng nghĩa lí trong sách Trang Tửđể gợi ý thính chúng. Nhưng, thầy Đạo An, thông qua việc tự mình để toàn tâm lực nghiên cứu kĩ càng mà tìm thấy được chỗ khiếm khuyết của phép “cách nghĩa”, hết sức muốn án chiếu ngay bản nghĩa của Phật giáo để lí giải Phật giáo, điều đó đã biểu hiện rõ ràng thầy là một Phật giáo đồ có học phong nghiêm cẩn, tín ngưỡng kiền thành. Tư tưởng đó của thầy cũng đã thúc đẩy Phật giáo dần dần thoát li sự y phụ vào các tư tưởng truyền thống để đi trên con đường phát triển tương đối độc lập hơn.

Khoảng trước sau năm thứ 10 niện hiệu Vĩnh-hòa (354) thời Đông-Tấn, thầy Đạo An lại rời Sơn-tây, đi đến vùng núi Thái-hành, Hằng-sơn thuộc tỉnh Hà-bắc, xây dựng chùa tháp, truyền bá Phật giáo. Người ta nói rằng, tại nơi đó, số người xin xuất gia theo thầy Đạo An, và số người được thầy giáo hóa, đông bằng nửa dân số tỉnh Hà-bắc. Sự kiện này, về một phương diện, nó phản ảnh cái sự thật của xã hội đương thời, là trong hoàn cảnh loạn lạc khổ đau, người ta đã tấp nập đến với tôn giáo để tìm một nơi nương tựa cho tâm hồn, mong có được chút an ủi cho tinh thần; về một phương diện khác, nó cũng chứng tỏ rằng, thầy Đạo An đương thời đã có thanh danh rất lớn, có ảnh hưởng rất mạnh đối với xã hội. Vào lúc đó, đại bộ phận đất Hà-bắc đang do nhà Tiền-Yên thống trị. Thái thú Lư của huyện Vũ-ấp hâm mộ thanh danh của thầy Đạo An, đã nhiều lần sai sứ đi thỉnh thầy đến dinh để truyền pháp; thầy từ chối không được, phải đáp ứng lời mời, đến dinh phủ giảng pháp. Quả là “Danh và thật đã phù hợp, cả đạo tục đều hân hoan ngưỡng mộ!”

Năm 45 tuổi (357), thầy Đạo An lại trở về đô thành Nghiệp, trú tại chùa Thọ-đô. Bấy giờ thầy đã trở thành một vị lãnh tụ Phật giáo, số đồ chúng thường xuyên thân cận bên mình có đến mấy trăm người. Bất cứ đến chỗ nào thầy cũng luôn luôn tuyên dương Phật pháp để giáo hóa người. Vài năm sau đó thầy lại di chuyển về hướng Tây, đến núi Khiên-khẩu (phía Tây-Bắc đô thành Nghiệp). Lúc bấy giờ, chiến loạn ở phương Bắc chưa chấm dứt, lại bị thiên tai, nước khô, nạn châu chấu liên tiếp mấy năm. Dân đen trăm họ ở trong vùng nước sôi lửa bỏng đó, đã hô hào nhau cùng nổi dậy để tìm sinh lộ. Vì mục đích bảo hộ và hoằng hóa giáo pháp, thầy Đạo An đã dẫn đồ chúng sang địa phận tỉnh Hà-nam, vào chốn rừng núi ẩn cư, ăn rau cỏ đỡ đói, tu học không gián đoạn, và thầy vẫn giảng dạy không ngừng nghỉ. Khoảng trước sau năm thứ ba niên hiệu Hưng-ninh (365) thời Đông-Tấn, vì lánh vùng chiến loạn, thầy Đạo An lại dẫn đồ chúng xuôi Nam, ý muốn đến thành Tương-dương, thuộc vùng thống trị của nhà Đông-Tấn.

Trên đường xuôi Nam, khi đến thành Tân-giã, thầy Đạo An bảo đồ chúng: Nay gặp phải năm mất mùa, nếu muốn làm Phật sự, tất phải nhờ vào sự ủng hộ của nhà cầm quyền. “Không nương cậy vua chúa, Phật sự khó thành tựu.”Đó là câu nói nổi tiếng của thầy. Đồng thời thầy cũng nhấn mạnh: Sự nghiệp Phật giáo muốn được hưng thịnh, cũng cần vào sự nỗ lực truyền bá rộng rãi của mọi người tại các địa phương. Do đó, thầy đã quyết định phân phối các đệ tử đến các địa phương để hoằng pháp. Thầy đã phái thầy Trúc Pháp Thải và hơn 40 thầy khác xuống vùng Giang-đông, lập cơ sở hoằng pháp tại Dương-châu; theo thầy nói, đó là vùng đất “có nhiều quân tử, người ta ưa chuộng phong lưu”. Thầy Trúc Pháp Thải về sau giảng kinh tại Kiến-nghiệp (nay là Nam-kinh), không những các bậc vương hầu công khanh qui tụ, mà cả Tấn đế cũng thân hành đến nghe pháp. Đệ tử của thầy Trúc Pháp Thải là Trúc Đạo Sinh, cũng tại Kiến-nghiệp, đã mạnh mẽ đề xướng giáo nghĩa Phật tánh niết bàn, lại càng làm cho Phật pháp ở vùng Giang-nam đại thịnh. Thầy Đạo An lại phái thầy Pháp Hòa cùng nhiều thầy khác đi đến đất Thục; theo thầy, đó là nơi “sông núi rất tốt cho sự tu hành”. Sự hưng thịnh của Phật giáo ở đất Thục cũng có mối quan hệ lớn lao với phái đoàn hoằng hóa đệ tử của thầy Đạo An. Còn thầy Đạo An thì tự mình hướng dẫn quí thầy như Tuệ Viễn v.v... bốn năm trăm vị, đi thẳng đến thành Tương-dương.

Từ khoảng năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh-hòa (349) thời Đông-Tấn rời đất Nghiệp ra đi, đến năm thứ 3 niên hiệu Hưng-ninh (365) thời Đông-Tấn đến được thành Tương-dương, trong khoảng thời gian mười mấy năm đó, vì tình hình chiến loạn, thầy Đạo An phải đi lánh nạn từ Hà-bắc, sang Sơn-tây, đến Hà-nam. Hồi ở tại Hà-bắc, trước sau thầy cũng đã dời chỗ ở đến 9 lần, phiêu bạc trôi nổi, cực khổ biết chừng nào! Nhưng không vì thế mà thầy ẩn tích giữ mình, trái lại, tuy ở trong hoàn cảnh gian nan, thỉ chung thầy vẫn giữ nếp tu học, vẫn hoạt động truyền giáo không gián đoạn. Thầy lấy việc hoằng pháp làm nhiệm vụ của mình; và trong gian khổ đã nỗ lực tiến hành nhiệm vụ ấy một cách trác tuyệt. Thầy đã biết lợi dụng tình thế để chỉ đạo cho các đệ tử chia nhau đi các nơi hoằng hóa, làm lợi ích cho đời, khiến cho Phật giáo ngày càng trải rộng. Tinh thần đó của thầy đã tác động mạnh mẽ trên công tác truyền bá Phật giáo ở Trung-quốc. Phật giáo truyền vào Trung-quốc từ thời Hán, đến thời Ngụy, thời Tấn thì hưng thịnh, ngoại trừ nhiều nguyên nhân đến từ điều kiện xã hội và phong thái học thuật, có thể nói, sự hưng thịnh ấy đã không tách rời cái nỗ lực không mỏi mệt của chư vị thầy trò đại sư Đạo An.

Do những hoạt động chủ yếu của ngài Đạo An trong thời kì còn trú ở phương Bắc này, chúng ta thấy, vì chịu ảnh hưởng sâu đậm cái phong cách coi trọng thiền định của Phật giáo phương Bắc, đối với thiền học tiểu thừa do đại sư An Thế Cao truyền vào, ngài Đạo An đã có dụng tâm đặc biệt, không những chú thích kinh và viết tựa, mà còn hết mực tôn sùng, lại nỗ lực hành trì, tu tập thiền quán; chỉ vì sách vở ngày nay thiếu thốn, nên đối riêng về phương diện thiền quán của ngài Đạo An, không có cách nào khảo sát tường tận. Cùng lúc với việc nghiên tập thiền quán, ngài Đạo An cũng bắt đầu lưu tâm đến Bát Nhã học của đại thừa. Con đường học thuật của ngài là từ Thiền học mà dần dần chuyển sang Bát Nhã học, hoạch định được cái đặc điểm cơ bản cho toàn thể tư tưởng Phật học của ngài.

3. CHỈNH LÍ KINH ĐIỂN, XIỂN DƯƠNG GIÁO NGHĨA,

CHẾ ĐỊNH TĂNG QUI, SÁNG LẬP TÔNG PHÁI


Ngài Đạo An ở tại Tương-dương 15 năm. Đây là thời kì trọng yếu nhất trong hoạt động phụng sự Phật pháp của ngài. Lợi dụng giai đoạn có cuộc sống tương đối ổn định này, ngài tập trung tinh thần và sức lực để hoằng truyền giáo pháp; trong công cuộc phát triển Phật giáo Trung-quốc, ngài đã cống hiến những thành quả lớn lao ở các phương diện như chỉnh lí kinh điển, xiển dương giáo pháp, xác lập qui chế tăng đoàn, v.v...

Tương-dương thuộc Kinh-châu, là một thị trấn trọng yếu của nhà Đông-Tấn, là yếu lộ giao thông giữa các vùng Nam, Bắc; và cũng là nơi qui tụ của đông đảo văn nhân học sĩ cùng nhân sĩ danh tiếng. Tại đây, ngài Đạo An giảng kinh thuyết pháp, đã được khắp đạo tục hoan nghinh, ủng hộ. Các nhân vật quyền quí như thứ sử Kinh-châu Hoàn Hoát và trấn thủ Tương-dương Chu Tự, đều thường xuyên tới lui với ngài. Đúng như người ta nói: “Học sĩ bốn phương đều đến với ngài.”Các nhà hào phú ở địa phương thì đem tiền của cúng dường ngài để xây chùa, dựng tháp, đúc tượng. Vua nước Tiền-Tần là Phù Kiên cũng sai sứ đem tượng Phật thếp vàng cao 7 thước, tượng Phật ngồi bằng vàng, tượng Phật Di Lặc kết bằng châu ngọc, và các tượng thêu bằng những sợi tơ vàng, sang cúng dường ngài. Mỗi lần giảng kinh thuyết pháp, hay cử hành pháp hội, ngài chưng bày tượng Phật la liệt, bài trí tràng phan, “châu ngọc sáng ngời, hương hoa ngào ngạt”, tín đồ không ai là không tỏ lòng kính ngưỡng.

Lúc bấy giờ ở trong thành Tương-dương có vị danh sĩ tên Tập Tạc Xỉ, vốn thuộc một dòng họ giàu có, nhiều đời là hương hào. Ông lúc thiếu thời đã có chí khí, học rộng nghe nhiều, lấy văn bút để xưng danh với đời, lại biện luận sắc bén trội hơn mọi người, tài năng phủ trùm thiên hạ đương thời. Ông nghe danh ngài Đạo An đã lâu, nên trước khi ngài dẫn đồ chúng đến Tương-dương, ông đã từng gửi thư giao thiệp với ngài. Trong bức thư đó, ông đã hết lời tán thán đạo đức và học vấn của ngài, cùng biểu lộ tấm lòng kính ngưỡng của riêng ông và của chung các giới đạo tục thành Tương-dương đối với ngài, rất mong mỏi chờ đợi ngài đến. Khi ngài Đạo An đến Tương-dương, Tập Tạc Xỉ đến xin tham kiến ngay. Vừa ngồi xong, ông tự báo danh tánh: “Bốn biển Tập Tạc Xỉ”; ngài cũng đáp lại ngay: “Đầy trời Thích Đạo An”. Câu đối đáp ấy đã nổi danh đương thời. Có tài liệu còn ghi chép rằng: Khi ông Tập Tạc Xỉ đến tham kiến ngài Đạo An, gặp lúc ngài đang cùng tăng chúng bưng bát dùng cơm. Thấy ông, toàn chúng đều để bát xuống, chỉnh lại y áo để biểu thị sự cung kính; chỉ riêng ngài Đạo An vẫn tiếp tục ăn cơm. Tập Tạc Xỉ giận lắm, nói lớn: “Bốn biển Tập Tạc Xỉ, có việc nên đến gặp ngài.”Ngài Đạo An liền ứng lời đáp: “Đầy trời Thích Đạo An, không rảnh nên chưa tiếp kiến.”Tập Tạc Xỉ càng giận hơn, nói: “Cái đầu có màu của cái bát; cái bát không có tóc của cái đầu.”Ngài đáp lại: “Cái mặt có màu của cái muỗng; cái muỗng không có núng đồng tiền của cái mặt.”Tập Tạc Xỉ lại nói: “Chim đại-bàng từ Nam đến, các loài chim đều xếp cánh; có vật gì làm đông cứng con cú-mèo mà cứ cúi đầu ăn thịt khô.” Ngài trả lời: “Làn gió nhẹ thoảng vào hang tối, làm sao lay động được khúc cây to; con cọp mạnh đang ăn ngon, không biết có con ruồi bay đến.” Tới đây thì Tập Tạc Xỉ không còn lời gì để đối đáp nữa. Nếu xét từ lòng kính trọng của Tập Tạc Xỉ đối với ngài Đạo An, thì sự kiện được ghi chép ở trên không chắc chắn có thể tin tưởng được; nhưng ít ra nó cũng phản ảnh cho người sau thấy cái khả năng suy nghĩ nhanh lẹ, ứng đối mẫn tiệp, cũng như trình độ học vấn sâu rộng, phong cách cao khiết của ngài Đạo An, thật đáng tán thưởng biết chừng nào! Sau ngày tham kiến ngài Đạo An không lâu, ông Tập Tạc Xỉ đã đến yết kiến nhà chính trị hiển quí lúc bấy giờ là Tạ An, để suy tiến ngài Đạo An. Ông đã hết lời khen ngợi ngài là bậc trí thức uyên bác, đạo phong nghiêm cẩn; lại “không dùng trò ảo thuật biến hóa để đánh lừa tai mắt người đời; không dùng uy mạnh thế lớn để sửa trị những lầm lỗi của kẻ tiểu nhân, mà thầy trò nghiêm túc, tự kính trọng nhau.” Một nhân vật như thế, thật từ trước tới nay ông chưa hề thấy! Xét trong lời khen ngợi đó của ông Tập Tạc Xỉ đối với ngài Đạo An, có thể thấy, ngài Đạo An đã không giống với sư phụ Phật Đồ Trừng trong việc dùng ảo thuật biến hóa để làm phương tiện hấp dẫn đồ chúng và hoằng truyền giáo pháp. Ngài đã không dựa vào các trò ảo thuật để mê hoặc quần chúng, cũng không cậy quyền thế để áp chế người, mà hoàn toàn bằng vào học vấn, đạo đức của chính mình, dùng cách tự răn mình để giáo hóa người. Ngài đã quản lí một tăng đoàn đến mấy trăm người luôn sống trong ôn hòa trật tự, chứng tỏ ngài là một bậc mô phạm, phong độ trên hẳn mọi người.

Lúc bấy giờ, trong vùng Giang-đông có vị danh sĩ tên Sí Siêu, nghe danh tiếng ngài Đạo An, bèn cho người đem ngàn hộc gạo đến cúng dường, lại viết thư từng xấp, thăm hỏi rất ân cần. Vua Hiếu-vũ đế của nhà Đông-Tấn cũng phái người đến vấn an, đồng thời hạ chiếu chỉ: “Cấp bổng lộc đồng với các vương công.”Từ đó có thể thấy, ngài Đạo An trong thời gian ở Tương-dương, hoàn cảnh sống rất được an định, có nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hoằng hóa Phật pháp.

Về phương diện nghiên cứu Phật học và xiển dương Phật lí, ngài Đạo An, do chịu ảnh hưởng trọng nghĩa lícủa Phật giáo Nam-phương, đồng thời tiếp hợp cái phong thái ưa chuộng huyền họctừ trong triều đình cho đến ngoài dân giã của nhà Đông-Tấn, mà trọng tâm tư tưởng của ngài bắt đầu chuyển hướng từ Thiền học sang Bát Nhã học.Trong 15 năm ở Tương-dương, mỗi năm ngài giảng hai lần kinh Phóng Quang Bát Nhã, không năm nào thiếu. Để nắm vững ý nghĩa về tánh khôngcủa Bát Nhã một cách chuẩn xác, ngài đã cố gắng thu thập tất cả các bản dịch khác nhau một cách cẩn thậ n, đối chiếu và nghiên cứu; sau đó thì theo văn mà giảng giải sơ lược, từng soạn thành tác phẩm Hiệp Phóng Quang Quang Tán Tùy Lược Giải, nhưng rất tiếc đã bị thất truyền, nay chỉ còn lại một bài “Tựa”, trong đó cho thấy rõ cái tâm đắc của ngài trong phương diện nghiên cứu này. Ngài cũng đã sáng lập một chủ thuyết được gọi là “bản vô tông”của Bát Nhã học, – trên thực tế nó là một học phái – đã hình thành một học phái sớm nhất, hơn hẳn các học phái trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc.

Đồng thời với việc nghiên cứu, diễn giảng tư tưởng Bát Nhã, ngài Đạo An còn đem hết tâm lực để thu góp, tập hợp, và chỉnh lí điển tịch Phật giáo, cùng biên tập mục lục kinh điển. Phật giáo truyền vào Trung-quốc từ đời Hán, đến thời ngài Đạo An, các kinh điển được dịch đã đạt một số lượng lớn; lại còn một số kinh có nhiều bản dịch khác nhau, trong đó, các bản dịch không đề tên dịch giả, không ghi năm dịch, cũng không phải là ít; rồi lại còn có những bản được gọi là “ngụy kinh”, do người Trung-hoa biên soạn. Trước ngài Đạo An cũng đã có người từng chỉnh lí các kinh điển lưu hành đương thời, biên soạn mục lục, nhưng chưa được hoàn bị lắm; như, có người thì chỉ soạn mục lục dịch phẩm của một đời hay của một người, có người thì chỉ liệt kê tên kinh mà không ghi chú niên đại. Ngài Đạo An, trên cơ sở thu thập rộng rãi, duyệt xét các kinh điển lưu hành đương thời, là người đầu tiên đã hệ thống và chỉnh lí toàn diện, tổng tập danh mục, nêu lên những người đương thời, cùng nghiêm cẩn biện biệt chân ngụy, phê bình phân định mới cũ. Những kinh điển nào, trước khi được thu vào danh mục, nhất định phải được tự thân ngài duyệt đọc; điều đó đã đủ cho thấy sức cần lao và tính nghiêm cẩn trong quá trình nghiên cứu của ngài. Nguyên bản bộ Kinh Lục của ngài Đạo An tuy đã bị mất rất sớm, nhưng nội dung của nó vẫn còn được giữ nguyên trong bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập(là bộ Kinh Lụcxưa nhất hiện còn ngày nay) do ngài Tăng Hựu biên tập vào đời Lương.

Theo bước phát triển của Phật giáo, đất Hán tăng ni càng ngày càng đông, dần dần bèn hình thành những đoàn thể tăng sĩ, hoặc dựa vào một vị sư dịch kinh nào đó làm trung tâm, hay lấy một tự viện nào đó làm cơ sở hoằng pháp. Như thế, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của xã hội Trung-quốc mà chế định giới qui cho phù hợp với trạng huống phát triển của Phật giáo Trung-quốc, để ước thúc tăng đoàn, làm cho các sinh hoạt của tăng ni từng bước được qui củ hóa. Vào thời ngài Đạo An, đất Hán tuy đã có giới luật, nhưng thật không hoàn bị; ngài đã từng cảm thán về sự bất toàn của giới luật truyền vào. Lúc ngài Đạo An ở Tương-dương, tăng ni có đến mấy trăm vị. Để cho sinh hoạt có điều độ, ngài đã tham chiếu giới luật hiện có lúc ấy, chế định “qui phạm”(các phép tắc chuẩn mực) cho tăng ni, chủ yếu có 3 điều: 1) Nghi thức và phương pháp giảng kinh thuyết pháp; 2) Các qui định về giờ giấc ăn ngủ và thời khóa tu tập trong sáu thời (sáng sớm, giữa trưa, buổi chiều, đầu hôm, nửa đêm, buổi khuya) mỗi ngày; 3) Cử hành nghi thức thuyết giới sám hối mỗi nửa tháng một lần, và các qui định liên quan đến lễ bố tát sám hối cử hành vào ngày mãn hạ an cư. Các qui củ cho tăng ni do ngài Đạo An chế định, đã có ảnh hưởng lớn lao, các tự viện trong thiên hạ vào thời đó đều theo đó mà thi hành. Vì vậy, ngài được coi là người thứ nhất trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc đã định lập thanh qui tự viện.

Vào những năm cuối đời của ngài Đạo An, các loại giới bản tấp nập truyền vào Trung-quốc; cho đến khi ngài Cưu Ma La Thập sang, quảng bá Luật tạng, thì từ đó tăng ni đã có nghi phạm để tuân thủ, không cần phải thi hành những điều do ngài Đạo An chế định nữa. Qui phạm tăng ni do ngài Đạo An định lập được thi hành cho đến lúc nào thì sử sách không ghi chép, nhưng việc ngài đặt một cái HỌ chung cho tăng ni, thì từ hơn ngàn năm nay, trước sau vẫn được Phật giáo Trung-quốc chấp hành. Từ ngài Đạo An trở về trước, các sa môn ở Trung-quốc đều lấy họ theo vị thầy của mình. Các sư từ Thiên-trúc sang thì lấy họ “Trúc”; từ nước Nhục-chi sang thì lấy họ “Chi”; từ nước An-tức sang thì lấy họ “An”; và đệ tử của ngài nào thì theo họ của ngài ấy. Do đó, họ của các sa môn lúc bấy giờ không đồng nhất. Ngài Đạo An đề xướng: “Cái gốc của đại sư, không ai tôn quí bằng đức Thích Ca, cho nên hãy lấy họ THÍCH làm họ mình.”Về sau, khi có được kinh Tăng Nhất A Hàm, trong kinh có nói: “Sông ở bốn phương khi đã chảy vào biển cả thì không con sông nào còn giữ tên của mình; trăm họ khi đã làm sa môn thì đều xưng mình là dòng giống Phật.”, thì từ đó, Phật giáo đồ lấy chữ “THÍCH” làm họ, đã vĩnh viễn trở thành định thức, tới nay vẫn không thay đổi.

Khi ở tại Tương-dương, ngài Đạo An còn có một hoạt động trọng yếu khác nữa, đó là ngài cùng với các đệ tử như Pháp Ngộ v.v..., thường đứng trước tượng đức Di Lặc lập thệ nguyện sinh về cung trời Đâu-suất. Theo giáo lí đạo Phật, Di Lặc là vị Bồ-tát từng được đức Phật thọ kí sẽ thành Phật ở nhân gian kế tiếp sau đức Phật Thích Ca Mâu Ni; cho nên cũng được gọi là “đức Phật vị lai”. Ngài nguyên là đệ tử Phật, trước khi Phật nhập diệt, sinh lên nội viện cõi trời Đâu-suất, trải qua 4.000 tuổi (một ngày đêm ở cõi trời Đâu-suất tương đương với 400 năm ở nhân gian), sẽ hạ sinh ở nhân gian, rộng truyền Phật pháp. Chúng sinh nếu được sinh lên cõi trời Đâu-suất, đã hưởng thọ mọi điều vui sướng ở cõi trời, mà trong tương lai lại còn có thể được theo dức Di Lặc, hạ sinh vào nhân gian để tu học Phật pháp, cuối cùng đạt đến chỗ giải thoát. Theo kinh Phật nói, quốc độ trong tương lai khi đức Di Lặc thành Phật, thật là tốt đẹp, không thể dùng lời để nói, con người sống lâu đến 84.000 tuổi, vàng bạc châu báu trải khắp mặt đất, trên cây tự nhiên sinh ra y phục mềm mại, trong đất tự nhiên sinh ra gạo thơm; thậm chí, “bất luận nam nữ, khi ý muốn đại tiện tiểu tiện, thì đất tự nhiên nứt ra, sau khi việc xong thì đất khép lại như cũ”. Ngài Đạo An thệ nguyện vãng sinh lên cõi trời Đâu-suất, đã phản ảnh cái lí tưởng tôn giáo của một Phật giáo đồ, mà cũng phản ảnh một cách khúc chiết lòng khao khát một đời sống tốt đẹp, của dân chúng trăm họ đang sống một cuộc sống đầy khổ nạn trong cái xã hội loạn động bất an của thời đại Nam-Bắc-triều. Từ sau thời Đông-Tấn, tín ngưỡng “vãng sinh về tịnh độ Đâu-suất của đức Di Lặc”, đã truyền bá mau lẹ tại Trung-quốc. Từ các đời Tùy, Đường về sau, nhiều phong trào “nông dân khởi nghĩa” thường lấy câu “Di Lặc Xuất Thế” để hiệu triệu dân chúng. Sự kiện đó nói lên sự thịnh hành của loại tín ngưỡng này vào lúc đó. Có điều đáng nói, là tín ngưỡng “tịnh độ Tây-phương”lại càng ảnh hưởng lớn lao hơn nữa trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc; nó có sức hấp dẫn lớn, khiến cho rất nhiều người thệ nguyện vãng sinh về Tây-phương, nơi đó viễn li thế gian, chứ không phải vẫn ở trong vòng ba cõi3, sáu đường4như tịnh độ Đâu-suất. Người muốn vãng sinh về tịnh độ Tây-phương, tất yếu phải nhàm chán và muốn xa lìa cái khổ sinh tử của thế gian, nhưng vãng sinh về tịnh độ Đâu-suất thì không nhàm chán sinh tử mà vui thích sinh lên cõi trời. Nhìn từ khía cạnh này, nó cho thấy ngài Đạo An không phải là một người tiêu cực, yếm thế một cách cực đoan. Ngoài ra, Phật giáo nói tới việc đức Di Lặc được Phật thọ kí, lưu trú vì thế gian để giải quyết mọi nghi nan, có thể cũng đã ảnh hưởng đến ngài Đạo An; do đó có thể thấy được niềm tin tôn giáo của ngài là phải hoằng pháp độ người.

4. DỊCH KINH TRUYỀN GIÁO,
ĐẾN CHẾT MỚI THÔI


Trong thời gian ngài Đạo An ở tại Tương-dương, thì ở phương Bắc, các nước Tần, Yên lo đánh nhau, không rảnh để mưu đồ tiến xuống phương Nam; nhân đó mà cả một vùng Tương-dương tương đối được an định. Ngài Đạo An đã lợi dụng cái khoảng thời gian này để giảng kinh thuyết pháp, chỉnh lí kinh điển, biên soạn mục lục, chế định tăng qui, đem lại nhiều thành quả nổi bật, thanh danh ngày càng tăng cao. Vua Phù Kiên của nước Tiền-Tần nghe danh ngài, thường nói với mọi người: “Ở Tương-dương có ngài Thích Đạo An. Đó là một nhân tài phi thường. Ta phải tìm cách đưa ngài về đây để làm việc với ta.” Năm thứ 3 niên hiệu Thái-nguyên (378) đời vua Hiếu-vũ đế thời Đông-Tấn, vua Phù Kiên sai tướng Phù Phi dẫn quân tấn công thành Tương-dương, ngài Đạo An bị quan trấn thủ thành Tương-dương lúc bấy giờ là Chu Tự quản thúc, không để cho rời khỏi thành. Bởi vậy, ngài lại theo kế sách ở Tân-giã ngày trước, phân tán đồ chúng đệ tử đi về các địa phương hoằng pháp. Năm sau, Phù Phi hạ được thành Tương-dương, đem cả ngài Đạo An và ông Tập Tạc Xỉ đưa về Trường-an. Từ đây, ngài Đạo An bắt đầu giai đoạn sau cùng của cuộc đời ngài: Giai đoạn dịch kinh hoằng pháp ở Trường-an.


Ở tại kinh thành Trường-an, ngài Đạo An được mời trú tại chùa Ngũ-trùng, tăng chúng có đến mấy ngàn người. Ngài được vua Phù Kiên, tất cả quan viên và văn nhân trong nước Tiền-Tần sùng kính, đãi ngộ trọng hậu. Có một lần nọ, nhà vua đi du ngoạn ở Đông-uyển, mời ngài cùng ngồi chung một xe. Quan thượng thư tả bộc xạ Quyền Dực cho rằng, nhà vua sắp xếp như thế là không thỏa đáng, liền tâu rằng: “Thiên tử ngồi xe đi du ngoạn thì nên cho quan thị trung theo xe hầu hạ. Đạo An là kẻ thấp hèn, hình mạo xấu xa, sao có thể để cho ông ấy ngồi chung xa giá thần thánh của bệ hạ?”Vua Phù Kiên tức thì nổi giận, bảo Quyền Dực: “Đạo đức của pháp sư Đạo An khiến cho người ta tôn kính không ai bằng. Dù trẫm có đem cả thiên hạ mà so sánh với ngài, cũng không có gì đáng kể. Ngài ngồi chung xe với trẫm, hoàn toàn không phải là trẫm ban cho ngài sự vinh diệu, mà trái lại, ngài đã làm cho trẫm được hiển hách!”Nói xong, nhà vua đã ban lệnh bảo Quyền Dực đích thân đỡ ngài Đạo An lên xe ngồi chung với ông. Qua sự việc này có thể thấy rõ lòng kính trọng của vua Phù Kiên đối với ngài Đạo An. Đương nhiên, Phù Kiên xử sự như thế là có mục đích chính trị. Ông muốn nhờ vào ngài Đạo An, dùng Phật giáo để bảo vệ và củng cố quyền thống trị của mình.

Ngài Đạo An không những tinh thục Phật điển, mà còn bác thông ngoại điển, rất giỏi văn chương, các quan liêu quí tộc tử đệ ở Trường-an, mỗi khi làm thơ phú, đều đến nhờ ngài phẩm bình mới cảm thấy vinh diệu. Lúc bấy giờ tại huyện Lam-điền có một cái đỉnh lớn, dung tích chứa được đến 27 hộc lúa, một mặt bên của cái đỉnh có bài minh viết theo lối chữ “triện”, không ai đọc được. Ngài Đạo An được mời đến xem. Xem xong, ngài bảo mọi người, đó là loại chữ triện cổ, ý nói là cái đỉnh này do vua Lỗ Tương công đúc. Ngài bèn chép lại bài minh ấy theo lối chữ “lệ”. Lại một lần khác, có một người mang một cái hộc bằng đồng, hình dáng kì dị, đem ra chợ bán. Vua Phù Kiên hỏi ngài Đạo An về cái hộc ấy, ngài nói, đó là cái hộc được chế tạo vào thời đại nhà Hán, lúc Vương Mãng xưng đế, kiến lập triều đại mới. Trong một thời gian, những câu chuyện về nghe nhiều biết rộng của ngài Đạo An được đồn đãi khắp cả kinh thành. Vua Phù Kiên ban sắc lệnh cho tất cả học sĩ trong triều ngoài nội, ai có điều gì nghi nan, đều nên đến xin ngài Đạo An chỉ dạy. Dân chúng trong thành Trường-an lúc đó từng lưu truyền câu nói rằng: “Học mà không nhờ sư Đạo An chỉ dạy, thì nghĩa lí khó khăn không rõ được.”

Ngài Đạo An, thân tuy ở tại Trường-an, nhưng tâm vẫn hướng về triều đình Đông-Tấn. Vua Phù Kiên, vào năm cuối đời, đã chuẩn bị binh mã, có ý Nam tiến để đánh Đông-Tấn. Lúc ấy tình thế nhà Đông-Tấn đã đến lúc nguy cấp, ngài Đạo An bèn uyển chuyển lựa lời can gián Phù Kiên, khuyên nhà vua hãy bỏ ý định hoặc tạm hoãn lại mưu đồ diệt nhà Tấn. Trong tâm khảm ngài Đạo An, từ trước đến giờ ngài vẫn có cái nhìn không được cởi mở lắm đối với việc các giống người Hồ xâm nhập chiếm cứ, kiến lập chính quyền, làm chủ Hoa-hạ; đó là điểm ngài không giống với sư phụ ngài là đại sư Phật Đồ Trừng.

Hoạt động Phật sự chủ yếu của ngài Đạo An tại Trường-an là tổ chức đạo tràng dịch kinhcho chư tăng Trung-quốc cũng như ngoại quốc. Theo sử liệu ghi chép, ngài từng thỉnh các vị sa môn ngoại quốc như Tăng Già Đề Bà, Đàm Ma Nan Đề, và Tăng Già Bạt Trừng, cùng dịch kinh trên trăm quyển, hơn trăm vạn chữ. Các kinh đã dịch, tuy bộ phận bao quát là kinh điển đại thừa, nhưng vẫn lấy kinh điển tiểu thừa của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ làm chủ yếu. Phụ giúp ngài Đạo An để tổ chức và cũng trực tiếp tham dự công tác dịch kinh, có các sư Triệu Chính, Trúc Phật Niệm và Pháp Hòa. Ngài Đạo An còn cùng với sư Pháp Hòa, đối với việc dịch kinh, rất cẩn thận trong việc xét định âm tự, khảo sát rõ ràng ý nghĩa câu văn, để bảo đảm cho bản dịch có đầy đủ chất lượng.

Trong quá trình chủ trì đạo tràng phiên dịch, ngài Đạo An còn đem những kinh nghiệm cũng như những khó khăn từng gặp trong việc dịch kinh, cẩn thận đúc kết lại; từ đó ngài đã đề ra hai thuyết nổi tiếng, đó là thuyết “5 điều không theo sát nguyên bản”và thuyết “3 điều không dễ dàng”. “5 điều không theo sát nguyên bản”là chỉ cho trong lúc dịch kinh có 5 trường hợp cần phải cải biến cách thức diễn đạt của kinh văn nguyên bản. 5 trường hợp đó là: 1) Dùng cách đảo trang để dịch câu nguyên văn, cho phù hợp với tập quán ngữ pháp Hán văn; 2) Dùng cách tu sức thích đáng để dịch câu nguyên văn chất phác, cho phù hợp với cái học phong hiếu văn chương của người Trung-quốc; 3) Tỉnh lược một cách thích đáng đối với nguyên văn trùng phức rắc rối; 4) Cắt bỏ những câu tụng văn ở trong nguyên bản có tính cách đúc kết mà lại lặp đi lặp lại; 5) Không dịch toàn cả đoạn văn lặp đi lặp lại đoạn văn trước ở trong nguyên bản.“3 điều không dễ dàng”là chỉ cho 3 trường hợp không dễ dàng phiên dịch, đó là: 1) Không dễ gì đem đồ vật thời cổ đại phiên dịch cho thích hợp với thời hiện kim; 2) Không dễ gì đem lời của thánh nhân dịch ra cho kẻ phàm phu ngu muội đủ sức tiếp nhận am hiểu; 3) Người dịch bình thường hiện thời không dễ gì am hiểu tường tận thâm ý của Phật trước đây cả ngàn năm.Những điều do ngài Đạo An đúc kết trên đây đã có ảnh hưởng lớn đối với công việc phiên dịch kinh điển về sau này.

Đồng thời với việc tổ chức dịch kinh, ngài Đạo An cũng tận lực nghiên cứu và tuyên dương Kinh Bát Nhã. Cũng giống như hồi còn ở Tương-dương, từ khi đến Trường-an, ngài vẫn giữ lệ mỗi năm giảng Kinh Phóng Quang Bát Nhã hai lần. Thuyết “5 điều không theo sát nguyên bản và 3 điều không dễ dàng” do ngài đề xuất, chính là do ngài đã đúc kết được qua quá trình phiên dịch và nghiên cứu kinh Bát Nhã.

Ở Trường-an, trên thực tế, ngài Đạo An đứng ở cương vị lãnh tụ của giới Phật giáo, cho nên, việc ngài chủ trì công tác phiên dịch Phật điển, so với việc dịch kinh tản mác trong dân gian trước đó, có chỗ bất đồng. Ở một cấp độ nhất định, ngài được triều đình bảo hộ và đài thọ, cho nên, đem so sánh cả về qui mô lẫn chất lượng của công trình dịch kinh, trong thời ngài đã tiến bộ và phát triển hơn trong quá khứ rất nhiều. Bản thân ngài Đạo An cũng đã đổ rất nhiều tâm huyết vào trong sự nghiệp dịch kinh ấy. Vào năm cuối đời ngài, vua Phù Kiên không nghe lời ngài can gián, đã kéo trọng binh Nam tiến, bị đại bại trong cuộc chiến ở Phì-thủy. Từ đó thế lực nước Tần trở nên suy yếu, rồi không lâu sau, có người tộc Tiên-ti là Mộ-dung Xung (sau này kiến lập nước Tây-Yên), dẫn quân uy bức Trường-an. Trong tình hình quân địch đã đánh đến ngoài thành, trong thành thì binh dân rối loạn, mà ngài Đạo An, bấy giờ tuổi đã trên 70, vẫn làm việc không nghỉ, vẫn dịch kinh chuyên cần. Mãi đến đêm hôm trước ngày lâm chung, ngài vẫn cần cù chăm chỉ, đã dịch kinh lại còn viết tựa cho kinh. Năm thứ 10 niên hiệu Thái-nguyên (385) thời Tấn, ngày Mồng Tám tháng Hai, không bệnh tật gì, ngài an nhiên viên tịch, thế thọ 72 tuổi. Ngài đã tham dự phiên dịch hoàn tất kinh Tăng Nhất A Hàmtrong năm này; và soạn bài tựa cho kinh ấy cũng trong năm ấy. Đối với sự nghiệp dịch kinh này, có thể nói, ngài Đạo An đã dịch kinh “đến chết mới thôi!”

5. TÔNG SƯ MỘT ĐỜI,
ẢNH HƯỞNG SÂU XA

Đại sư Đạo An là nhà Phật học uyên bác nhất của Trung-quốc trong thời đại Đông-Tấn, cũng là nhà truyền giáo và tổ chức có ảnh hưởng nhất, đồng thời là nhân vật lãnh tụ của giới Phật giáo đương thời. Một đời ngài hoạt động phụng sự Phật giáo, xiển dương giáo nghĩa của Phật pháp, đã gây nên tầm ảnh hưởng to lớn và sâu xa trong tiến trình phát triển của Phật giáo Trung-quốc.

Trước hết, trên phương diện tổ chức dịch kinh, chỉnh lí và giới thiệu kinh điển Phật giáo, ngài Đạo An đã có những cống hiến trọng yếu. Trong giai đoạn cuối đời ở tại Trường-an, ngài chủ trì công việc dịch kinh, và đã dịch cả thảy chừng 14 bộ kinh, gồm 183 quyển, hơn trăm vạn chữ; và trên cơ sở khảo cứu, phẩm bình ưu khuyết trong các dịch phẩm của tiền nhân, kết hợp với sự thể hội của riêng mình, ngài đã có những đúc kết đối với công trình phiên dịch Phật điển. Ngài cũng cần mẫn trong việc chú thích kinh điển, viết các bài tựa; trong phần hành này, trước sau ngài đã trước tác hơn 60 chủng loại, ngày nay hiện còn hơn 20 chủng loại, nội dung bao hàm rộng rãi các lãnh vực như lí luận Phật giáo đại tiểu thừa, tu thiền, luật nghi v.v... Phật Kinh Mục Lụcdo ngài biên soạn, không những đã khơi nguồn cho môn học về mục lục kinh điển, là bộ sách đã cung cấp những sử liệu về dịch kinh đáng tin cậy nhất để nghiên cứu lịch sử dịch kinh của Phật giáo Trung-quốc; mà nó còn mang lại sự thuận tiện to lớn cho người sau qua việc cung cấp những kinh nghiệm hữu ích để kế tục sự nghiệp chỉnh lí điển tịch Phật giáo.

Thứ nữa, ngài Đạo An tận lực hoằng dương Phật pháp, tích cực bồi dưỡng đệ tử, đã gây nên cái tác dụng thúc đẩy mãnh liệt đối với tiến trình phát triển của Phật giáo Trung-quốc. Khác với một số các vị cao tăng đương thời chỉ thích an nhàn tự tại, ẩn mình trong chốn núi rừng, tự vui với triết lí nhân sinh vũ trụ, ngài Đạo An trước sau cứ một mực chú mục đến việc truyền bá Phật pháp và giáo hóa đồ chúng. Tại Hà-bắc, Tương-dương và Trường-an, nơi nào ngài cũng có hàng trăm hàng ngàn đệ tử, hình thành một tăng đoàn Phật giáo lớn nhất tại Trung-quốc đương thời. Những vị đệ tử trứ danh nhất của ngài có Tuệ Viễn, Đàm Dực, Đạo Lập, Pháp Ngộ, Tăng Duệ, v.v... Trong số các vị đệ tử này, sư Tuệ Viễn về sau sẽ thừa kế ngài trong cương vị lãnh tụ của giới Phật giáo. Ngài Đạo An trước sau đã hai lần phân tán đồ chúng với mục đích mở rộng ảnh hưởng cùng khu vực truyền bá. Ở cả hai vùng Nam, Bắc của sông Trường-giang, nơi nào cũng lưu lại dấu chân chư vị đệ tử của ngài. Từ thời đại Đông-Tấn trở về sau, Phật giáo từ lưu vực sông Hoàng-hà truyền rộng cho đến lưu vực sông Trường-giang, rồi tiếp đến truyền rộng rãi cho đến các địa phương khác trong toàn quốc, sự nghiệp đó đã gắn liền với ngài Đạo An cùng các đệ tử của ngài. Ngài Đạo An chế định qui phạm tăng ni, hiến chương Phật pháp, thống nhất họ cho sa môn, những sự kiện đó cũng đã gây nên tác dụng nhất định cho bước phát triển của Phật giáo.

Sau cùng, đối với nền giáo học Phật giáo, ngài Đạo An đã tập đại thành môn lí luận Phật giáo ở Trung-quốc đương thời, cũng như đã sáng lập học phái Bản Vô (hoặc gọi là tông Bản Vô), đã tác động đến tiến trình Trung-quốc-hóa môn Lí Luận Phật Giáo. Phật giáo truyền vào Trung-quốc từ đời Hán, chủ yếu có đại sư An Thế Cao dịch và giới thiệu Thiền học tiểu thừa, và đại sư Chi Lâu Ca Sấm dịch và giới thiệu Bát Nhã học đại thừa; đó là hai hệ thống lớn. Thiền học tiểu thừa so ra rất chú trọng việc tu tập thiền định, trong đó, nhiều phương pháp có chỗ tương tợ như cách hít vào thở ra do các phương sĩ Đạo gia đương thời đề xướng. Nhân đó, loại thiền tập này đã dựa vào các phương thuật thần tiên của đạo Hoàng Lão đang thịnh hành trong xã hội ở khoảng Hán - Ngụy mà được lưu hành. Trong thời kì Ngụy - Tấn, Lão Trang thịnh hành, phong khí huyền hoặc hưng phát. Trọng tâm của Bát Nhã học là “tất cả đều không”. Môn học này đã thông qua giáo nghĩa “giả có vốn không” (tánh không)để thuyết minh lí “không”, cùng với cách luận không nói có của môn huyền học Lão Trang, có vẻ như tương đồng, cho nên “thuận gió dễ đi”, hưng khởi phồn thịnh. Ngài Đạo An đối với các loại lí luận học Phật giáo do Ấn-độ truyền nhập, đều gồm thu, dung nạp hết. Nhưng một đời ngài đối với Bát Nhã học, đã nghiên cứu tận lực, tinh cần nhất, thông hiểu sâu xa nhất, và cũng đạt thành quả lớn lao nhất; thứ đến, trên phương diện nghiên tập Thiền học, ngài cũng có sự thể hội đặc biệt độc đáo của riêng mình. Ngài đã dung hợp hai hệ tư tưởng lớn Thiền và Bát Nhã, làm nên một tập đại thành của hai hệ tư tưởng ấy vào thời bấy giờ. Bát Nhã học trong thời Ngụy - Tấn đã chịu ảnh hưởng của huyền học Lão Trang, mà hình thành cái gọi là “6 nhà 7 tông”5; và “Bản Vô tông”của ngài Đạo An đã là một phái có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở trong đó. “Bản vô”là một khái niệm về giáo nghĩa “tánh không”mà giới Phật học thời Hán - Ngụy thường dùng để biểu thị cho Bát Nhã học. Bản Vô tông của ngài Đạo An là dùng chữ “bản vô”để xiển dương giáo nghĩa “không”của Kinh Bát Nhã, cho rằng, “Trước khi tạo hóa đã không có gì, rỗng không chính là khởi thỉ của mọi hình thái, cho nên nói là bản vô.”Bản vô được coi là bản nguyên cuối cùng của vũ trụ nhân sinh. Đồng thời cũng cho rằng, người nếu thông qua tu tập thiền pháp mà “giữ tâm ở bản vô”, thì có thể tiêu diệt tất cả vọng tưởng tạp niệm, chân thật thể nhập được trí tuệ bát nhã, từ đó mà đạt đến cảnh giới lí tưởng của Phật giáo, hoàn toàn tịch tĩnh, vô dục, vô ngôn, vô vi. Do điểm này có thể thấy cái đặc điểm tư tưởng của ngài Đạo An, là đã từ Thiền quán để đạt đến Bát Nhã, và lấy Bát Nhã để liễu giải Thiền quán.Sự quán thông của ngài Đạo An đối với hai hệ tư tưởng lớn Bát Nhã và Thiền Học, không những biểu hiện cái học thức uyên bác, cái tầm nhìn mở rộng của ngài, mà nó còn nói lên cái óc suy cứu độc lập, cái tinh thần dám làm mớicủa ngài. Bản Vô tôngcủa ngài xuất hiện, báo hiệu rằng cái giai đoạn mà Phật giáo Trung-quốc bị Phật giáo ngoại lai “ăn sống nuốt tươi, gán ghép gượng gạo”đã thực sự kết thúc, để bắt đầu cho một thời kì mới của tiếp thu, tiêu hóa, dung hợp, quán thông, và phát huy sáng tạo.

Ảnh hưởng của học thức, đạo phong, đức độ, công tích và địa vị của bậc tông sư một đời đại Thích Đạo An, xưa nay vẫn được các giới Phật giáo và học thuật bình phẩm cao độ. Trước khi đến Trung-quốc, pháp sư Cưu Ma La Thập đã từng nghe danh Đạo An, và gọi ngài là vị “thánh nhân ở phương Đông”.Sau khi ngài Đạo An viên tịch, người đương thời từng truy tán ngài rằng: “Đại sư Đạo An, kiến thức sâu rộng, thực chất dồi dào, giỏi nhiều lĩnh vực, khả năng chuyên môn, lại càng vượt trội; tiếng trùm Khiên-lũng, danh vang Hoài-hà, thân tuy hóa cỏ, người vẫn còn đây.” Quả thật như vậy đó!

Chú thích:

1. Có thuyết nói ngài sinh vào năm thứ 6 niên hiệu Vĩnh-gia (312) đời vua Hoài đế thời Tây-Tấn.

2. Về con số giới điều của giới cụ túc, có nhiều chỗ nói khác nhau. Theo bộ Tứ Phần Luậtmà Phật giáo Trung-quốc thường y cứ, giới Tì kheo có 250 điều; giới Tì kheo ni có 348 điều. Người xuất gia y theo các qui định của giới pháp mà thọ trì giới cụ túc này, mới chính thức có được cái tư cách của một vị tăng. Lệ chung trong Phật giáo nói rằng: Người chưa đủ 20 tuổi thì không được thọ trì giới cụ túc.

3. Ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc; đó là sự phân loại của Phật giáo đối với thế giới thế tục.

4. Sáu đường là Trời, Người, A-tu-la, Súc-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục. Phật giáo cho rằng, tất cả chúng sinh trước khi được “giải thoát”, đều căn cứ vào các hành vi thiện ác của đời trước mà luân hồi trong 6 đường đó.

5. Sáu nhà bảy tông: là từ gọi chung cho học phái Bát Nhã Phật giáo ở thời đại Đông-Tấn.





facebook-1

***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]