NHÀ VĂN LEO TOLSTOY VÀ ĐẠO PHẬT
Thời gian gần đây, có nhiều độc giả thắc mắc về mối liên hệ giữa Đạo Phật và nhà văn Nga Leo Tolstoy. Vì họ phát hiện trong sách truyện của ông có nhiều quan điểm rất tương đồng với giáo lý nhà Phật. Trong bài viết này, dù chưa đầy đủ lắm, nhưng hy vọng nó sẽ cung cấp cho độc giả một ít khám phá mới về mối liên hệ ấy.
Leo Tolstoy (1828-1910) là một bá tước, nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng người Nga nổi tiếng và được kính trọng trên khắp thế giới qua tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình (War and Peace), và học thuyết mang chính tên ông - Học thuyết Tolstoy. Ông ra đời vào ngày 28 tháng 8 năm 1828 trong một gia đình quý tộc lâu đời tại điền trang Yasnaya Polyana, tỉnh Tula, Liên Xô (cũ).
Ông mồ côi cha lẫn mẹ từ lúc lên bảy. Ở tuổi 16, ông bắt đầu học ngành luật và ngôn ngữ phương Đông tại Đại học Kazan. Năm 1847, bất mãn với lối giáo dục bằng cấp tại nơi này, ông đã bỏ ngang việc học và trở lại quê nhà để quản lý trang trại gia đình với 300 nông nô và sống một cuộc đời xa hoa quý tộc.
Năm 1851, theo lời khuyên của người anh ruột, ông gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu ở Caucasus và chỉ một năm sau được tuyển vào trung đoàn pháo binh. Tại nơi đóng quân này đã để lại trong ông nhiều ấn tượng đẹp đẽ và chính nó đã thúc đẩy ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình qua tác phẩm đầu tay '' Câu chuyện hôm qua'' (An Account of yesterday, xb 1851), tiếp đó ông lại cho ra một loạt sách hồi ký văn học về đời mình: Thời thơ ấu (Childhood, xuất bản 1852), Thời thiếu niên (Boyhood, xb 1854) và Thời Thanh niên (Youth, xb 1857). Nhà văn chiến sĩ này viết rất khỏe, ông viết mọi lúc mọi nơi, từ đó đến suốt sáu mươi năm hoạt động văn học, dường như không có ngày nào mà ông không viết. Sau khi giải ngũ (năm 1856), ông bắt đầu đi một vòng du lịch sang các nước Pháp, Thụy Sỹ, Ý và Đức. Ông đã viết nhiều truyện ngắn cho chuyến đi này. Sau khi trở lại quê hương, ông mở trường dạy cho trẻ em nghèo ở làng Yasnaya Polyana. Trong chuyến du lịch Châu Âu lần hai (1860-61) ông nghiên cứu ngành giáo dục của họ, rồi cho xuất bản tạp chí giáo dục và nhiều loại sách giáo khoa. Năm 1862, ông kết hôn với Sonya A. Bers, một phụ nữ xinh đẹp và có học, nhỏ hơn ông 16 tuổi, hai người đã sống rất hạnh phúc và có với nhau 15 người con.
Leo Tolstoy luôn quan tâm và giúp đỡ những nghèo khổ cũng như tìm cách cải thiện đời sống của họ. Ông đưa ra triết lý rằng con người đừng cố gắng tỏ ra khôn ngoan hơn cuộc sống và tự nhiên. Lý thuyết này được thể hiện trong bộ tiểu thuyết anh hùng ca hiện đại trong lịch sử văn học Nga "Chiến Tranh và Hòa Bình" (Voyni i mir /War and Peace, viết và xb trong khoảng 1865-69), được xem là một tác phẩm vĩ đại và đồ sộ nhất của văn học thế giới. Bộ sách đã nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (bản tiếng Việt do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch và Lá Bối xuất bản lần đầu tiên năm1969, 4 tập, 2936 trang).
LEO TOLSTOY VÀ ĐẠO PHẬT:
Sau cuộc khủng hoảng tinh thần cá nhân vào cuối thập niên 1870, Tolstoy đã cống hiến hết thời giờ của mình cho văn học và nhu cầu tâm linh của mình. Những năm cuối đời, ông sống một cuộc sống thanh bần, giản dị và thoát tục như một Thầy tu. Ông đã để lại toàn bộ gia sản cho vợ con, và cùng với người con út thực hiện một chuyến đi vô định, nhưng vài ngày sau đó, ông bị cảm lạnh và qua đời tại một nhà ga nhỏ ở Astapovo, thọ thế 82 tuổi. Ông đã để lại cho đời 160 tác phẩm các loại. Toàn bộ trong số này đều đề cập đến đạo đức xã hội, triết học, tôn giáo, nhất là triết thuyết duy tâm về vấn đề sinh tử luân hồi, về tình thương yêu đồng loại... Tất cả đều gần gũi và phản ánh đúng với tâm tư và nguyện vọng của hàng vạn con tim trên hành tinh này.
Nhà văn Tolstoy vốn xuất thân từ một gia đình quý tộc và theo Chính Thống giáo. Nhưng ông là người có tư tưởng phóng khoáng, thích nghiên cứu nhiều tôn giáo khác nhau để có lợi cho đời sống tâm linh cũng như làm giàu có thêm vốn liếng trong lĩnh vực viết văn của mình. Đặc biệt ông quan tâm và nghiên cứu giáo lý Đạo Phật trong một thời gian dài và kết quả là giáo lý này đã ít nhiều ảnh hưởng đến quan niệm nhân sinh quan của ông.
Trong thư viện riêng của ông, với hơn 20 ngàn cuốn sách đủ các thể loại và chủ đề, người ta tìm thấy rất nhiều kinh sách Phật giáo và triết học Ấn. Điển hình trong các số đó như: Kinh Phật (Buddhist Sacred Text) của Friendrich Max Mueller (1823-1900); Đức Phật, cuộc đời, lời dạy và giáo đoàn của Ngài (Buddha, His life, His Teachings & His Order, xb 1881) của Hermann Odenberg; Lời dạy của Phật ( the Gospel of Buddha của Paul Carus, xb tại Mỹ 1896); Niết bàn, câu chuyện triết học Phật Giáo (Nirvana: A story of Buddhist Philosophy, của Paul Carus, xb tại Chicago 1896), quyển này được ông Boulanger dịch sang tiếng Nga và ấn hành tại Mát-xcơ-va năm 1901); Cuộc đời và lời dạy của Phật (The Life and Teachings of Gautama Buddha, xb 1878) của nhà Phật học người Anh, Rhys Davids; Ánh Sáng Á Châu (The light of Asia, xb 1879) của thi sĩ Edwin Arnold; Lời dạy của Phật (The Word of the Buddha, của Tỳ kheo người Đức, Nyanatiloka, xb tại Miến Điện 1907), đặc biệt trong số này có quyển "Phật giáo: Nghiên cứu và tài liệu" (Buddhism: Studies and Materials, xb tại St.Petersburg, Nga, năm 1887), tác giả là một nhà Phật học người Nga, Ivan P. Minayev và một số Kinh Tiểu Thừa (Hinayana sutras) bằng tiếng Nga cũng do đạo hữu này chuyển ngữ và in tại Mát-xcơ-va vào năm 1888. Người ta cũng tìm thấy nhiều đoạn trích chép tay của Tolstoy khi đọc qua những quyển kinh hệ Nikaya này.
Qua những tài liệu trên cho thấy rằng Tolstoy đã biết đến Phật giáo từ đầu thập niên tám mươi của thế kỷ thứ 19. Như vậy là ông biết và nghiên cứu đạo Phật qua tài liệu và sách báo của hầu hết các nhà nghiên cứu Phật học Tây phương. Đặc biệt là các kinh sách Phật giáo theo hệ tư tưởng Nam Truyền.
Điều đó cho thấy rằng quan điểm của ông về tôn giáo và sự hiểu biết của ông chính yếu về Phật Giáo chỉ giới hạn trong khuôn khổ của giáo lý hệ Nikaya. Điều này đã thể hiện qua tác phẩm Lời Thú Tội (Ispoved / A confession, xb 1882), bộc lộ nỗi khổ tâm, dằn vặt trước những cảnh bất công trên đường ông đi tìm chân lý cho người nông nô nghèo khổ. Trong tác phẩm này ông đã viết về Phật Giáo một cách trực tiếp hơn những cuốn sách khác. Đặc biệt ông nhắc lại sự kiện xuất trần vô tiền khoáng hậu của Thái tử Tất Đạt Đa, Người đã nhận ra được cái hư ảo của tiến trình sanh, già, bệnh và chết của kiếp người nên đã mạnh dạn từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lý. Tolstoy kết luận rằng: '' Thích Ca Mâu Ni đã nhận ra được cái chân tướng không chắc thật của cuộc đời và Ngài đã khẳng định rằng cuộc đời là một bể khổ cần phải được thoát ly. Ngài đã minh chứng cho tất cả thấy rằng chính nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của bản thân mà Ngài đã thoát ra khỏi cảnh khổ đau của vòng sinh tử luân hồi, chứng thành đạo quả và không bao giờ trở lại trạng thái khổ đau ấy nữa. Nhiều nguồn tài liệu của Ấn Độ đã đề cập đến sự kiện này''.
Trong quyển ''Những gì tôi tin tưởng'' (What I believe, xb 1883) Tolstoy đã nhấn mạnh rằng cái cốt lõi của Đạo Phật là giúp cho con người nhận ra cuộc sống luôn ở trong vòng khổ đau và cần phải được giải thoát. Trong tác phẩm ''Rồi chúng ta phải làm gì?'' (What Then Must We Can Do? xb 1886), trong phần ông đề cập đến những nhà tư tưởng lớn, Tolstoy đã tôn vinh Đức Thích Ca Mâu Ni là một nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Hai bản dịch Kinh Pháp Hoa: Tiếng Anh, The Lotus of the True Law (do đạo hữu H.Kern dịch và in năm 1884) và tiếng Pháp, Le Lotus de la Bonne Loi (do ông Eugene Burnouf dịch và in 1840) không tìm thấy trong thư viện của ông. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, rất có thể ông đã biết đến sự hiện hữu của hai bản Kinh Đại thừa này ở Châu Âu. Bởi vì trong thư viện của ông có một quyển khác viết bằng tiếng Anh là "Lượm lặt từ những bài nghiên cứu Phật giáo: Hành Động và Tâm linh ở miền Viễn Đông'' (Gleanings in Buddhafields Studies of Hand and Soul in the Far East, xb 1897), quyển sách không được hoàn hảo, vì bị mất một số trang. Nhưng ngay đầu chương bốn ta đã thấy có một đoạn trích lấy từ Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát của Kinh Pháp Hoa, được in nghiêng: "Tôi rất kính trọng các bạn, không dám khinh mạn và xem thường các bạn. Vì sao? Vì các bạn đang thực hành đạo Bồ tát và sẽ được thành Phật'' (I deeply revere you. I dare not slight and contemn you. Wherefore? Because you all walk in the Bodhisattva-way and are to become Buddha). Qua đây, ta thấy rằng, chắc chắn Tolstoy đã từng biết qua tư tưởng của Kinh Pháp Hoa, một bộ Kinh được xem là vua trong các thứ kinh (the king of all sutras) của hệ tư tưởng Đại Thừa Phật giáo.
Trên tinh thần đó, sự tương đồng giữa những quan điểm về nhân sinh quan của nhà văn Nga vĩ đại này và Kinh Pháp Hoa là điều không thể tránh khỏi, vì quan niệm chính của Tolstoy khi viết văn là ''Vương quốc của Thượng Đế luôn ở bên trong bạn'' (God's kingdom is within you). Tolstoy cố gắng chuyển đạt thông điệp rằng sự hạnh phúc đích thực của con người chỉ tùy thuộc vào cái tiềm lực bên trong họ mà thôi, ngoài ra không gì khác, điều này đã được Đức Thích Ca tuyên bố từ trước trong Kinh Pháp Hoa: Mọi người đều có tánh Phật và sẽ thành Phật''.
Sống an vui, không bạo động, thương yêu và giúp đỡ mọi người ngay cả những kẻ đối đầu với mình là những nguyên tắc cơ bản và đóng vai trò chính trong triết thuyết đạo đức nhân sinh của Leo Tolstoy. Ông cũng cho rằng mục đích của con người là muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau là điểm tối quan trọng cho đời sống con người. Nếu có một bản phân tích và so sánh rõ ràng giữa Giáo lý nhà Phật và quan điểm nhân sinh quan của Leo Tolstoy vào những năm cuối đời, nhất là qua các vở kịch sau cùng của ông: Sức mạnh của bóng tối (The Power of Darkness, 1887), Đạo quả của Giác Ngộ (The Fruits of Enlightenment, 1889), Thây ma sống (The Living Corpse, 1910), chắc chắn sẽ cho chúng ta nhiều điều lý thú, cũng như giúp ta biết rõ hơn về mối liên hệ giữa Leo Tolstoy và Phật giáo.
Tổng hợp theo các tài liệu:
- Echoes of Lotus Sutra in Tolstoy's Philosophy/ Dharma Work/ Japan/10-1998
- Russia & the former Soviet Union/ Cambridge Press /Australia/ 1990.
- The Macmillillan Dictionary of Biography/ Barry Tones/ Australia/ 1989
do TT Thích Nguyên Tạng biên soạn từ năm 1990