- Dẫn Nhập
- Nền tảng Lịch Sử và Lý Thuyết
- 01. Karmapa Dusum Khyenpa
- 02. Karmapa Karma Pakshi
- 03. Karmapa Rangjung Dorje
- 04. Karmapa Rolpe Dorje
- 05. Karmapa Dezhin Shegpa
- 06. Karmapa Thongwa Donden
- 07. Karmapa Chodrag Gyaltsho
- 08. Karmapa Mikyo Dorje
- 09. Karmapa Wangchuk Dorje
- 10. Karmapa Choying Dorje
- 11. Karmapa Yeshe Dorje
- 12. Karmapa Changchub Dorje
- 13. Karmapa Dudul Dorje
- 14. Karmapa Thegchog Dorje
- 15. Karmapa Khakhyab Dorje
- 16. Karmapa Rangjung Rigpe Dorje
- Chú thích
- Phụ Lục (A)
- Phụ Lục (B)
- Phụ Lục (C)
- Phụ Lục (D)
- Phụ Lục (E)
- Phụ Lục (F)
- Phụ Lục (G)
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999
Karmapa Rangjung Rigpe Dorje
(1923-)
Karmapa thứ mười sáu, RANGJUNG RIGPE DORJE, sanh tại Denkhok vùng Dege xứ Kham gần sông Yangtse ngày trăng tròn tháng 6 năm con Chuột Mộc (1923). Ngài sanh trong một gia đình quý tộc họ Athub. Tên cha ngài là Tsewang Norbu và tên mẹ là Kakzang Choden. Sự sanh của vị đại Bồ tát trong gia đình Athub đã được tiên tri trước bởi Dzok Chen Tulku là Chokyi Dorje, trụ trì chùa Dzok Chen nổi tiếng của phái Nyingma. Theo lời khuyên của vị này, bà mẹ sanh đứa bé gần hang động của Padmasambhava, gọi là lâu đài Trời Sư Tử.
Trước khi được sanh ra, đứa bé hoàn toàn biến mất trong một ngày tròn và rồi trở lại vào ngày hôm sau. Vào đêm ngài sanh ra, bầu không khí đầy những điềm lành, mà bất kỳ ai ở địa phương cũng cảm thấy.
Sau đó không lâu, Situ Padma Wangchuk Gyalpo mở bức thư báo trước của Karmapa, và tìm thấy trong đó một diễn tả chi tiết về ngôi nhà nơi cha mẹ Rangjung Rigpe Dorje ở. Một đoàn tìm kiếm được gởi đến và đứa bé được nhanh chóng công nhận là hậu thân vị Karmapa mười sáu.
Khi ngài bảy tuổi, ngài được Situ Rinpoche và Jamgon Kontrul ở Palpung thọ giới Sa di. Năm sau, vương miện Kim Cương và y của Karmapa được đem từ Tsurphu đến Kham cho ngài. Situ Rinpoche mời ngài đến thăm tu viện Palpung.
Trên đường đi, đoàn của ngài gặp hoàng tử Dege là Tsewang Dudul, ông này mời ngài đến lâu đài mình. Lâu đài này tên là Dege Lhundrup Teng, được xây dựng bởi vị thánh Nyingma thế kỷ thứ mười lăm là Thangtong Gyalpo, gần Dege Gonchen, tự viện chính của dòng Sakya Ngorpa. Khi ở Dege, ngài đến thăm và ban phước cho máy in khổng lồ của tu viện. Sau đó, đoàn đến Palpung, được tiếp đãi trọng thể. Bốn ngày sau, ngài được Situ Rinpoche làm lễ lên ngôi trong chánh điện của chùa.
Ngày 23 tháng 4 năm con Cừu Kim, ngài và Situ Rin-poche, cùng với lều trại gồm một ngàn người, gọi là garchen của Karmapa, lên đường đi Tsurphu. Dọc đường, Rangjung Rigpe Dorje cử hành buổi lễ “Vương miện Kim Cương” lần đầu tiên trong đời ở Gyina Gompa xứ Nangchen. Sau sự kiện tốt lành này, đoàn đi thăm Nyenchen Thanglha, một nơi chốn được xem là thần lực của truyền thống Karma Kagyu. Đến Tsurphu, ngài được Palpung Kontrul Rinpoche, Pawo Rinpoche và Gyaltshap Rinpoche tiếp đón.
Sau đó ngài viếng thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba ở Lhasa, từ đức Đạt Lai, ngài nhận lễ cạo tóc. Trong buổi lễ, đức Đạt Lai Thubten Gyatsho thấy vương miện Kim Cương được dệt từ tóc của một trăm ngàn Dakini, trên đầu của Rang-jung Rigpe Dorje. Trở về Tsurphu, Karmapa được Situ Rinpoche và Drukchen Rinpoche, Mipham Chokyi Wangpo, trưởng phái Drukpa Kagyu làm lễ “ngai vàng” lần thứ hai.
Bốn năm sau đó, ngài học với Beru Khyentse Rinpoche và Bo Kangkar đại pháp sư, vị này được tuyên dương như là vị đại học giả Kamtshang Kagyu cuối cùng của thời đại. Kang-kar Rinpoche đã nhớ toàn bộ nội dung của Tam Tạng, trong số đệ tử có nhà học giả uyên bác đương thời phái Sakya là Dezhung Rinpoche và nhà dịch giả kiệt xuất Garma C. C. Chang (tức Chang Cheng Chi, người viết cuốn Thiền Đạo tu tập). Khi học với Kangkar Rinpoche, Karmapa kể lại chuyện các đời trước cho vị guru của mình nghe.
Năm 1937, ngài và các thân cận lên đường đi Dege xứ Kham để thăm Situ Rinpoche. Trong cuộc hành trình, nhiều điềm lành xảy ra chứng tỏ thần lực cảm ứng của Karmapa. Ngài được mời đến thăm lâu đài vua Nangchen và tu viện Tsechu Gompa phái Durkpa Kagyu được nhà vua đỡ đầu. Ngài cũng thăm Kaycha Gompa, một tu viện phái Drukpa Kagyu ở Nangchen gồm năm trăm ni, ngôi chùa ni lớn nhất Tây Tạng.
Ở vùng Drong Tup có một hồ nhỏ, nơi người ta nói rằng ngài đã để lại dấu chân trên mặt nước, ai cũng có thể thấy, dầu vào mùa đông nước đã đóng băng. Ở chùa Riwa Parma, khi Karmapa cử hành lễ Padmasambhava hung nộ, lửa bốc cháy từ các bánh cúng Torma.
Sau đó, ngài thăm tu viện của vị thầy thế kỷ mười chín là Chogyur Lingpa, vị Terton vĩ đại cuối cùng. Ở đây, Lạt ma Samten Gyaltsho yêu cầu ngài chấm dứt cho một nạn hạn hán. Rangjung Rigpe Dorje xin một ít nước mà ngài dùng để tắm. Khi ngài tắm, trời bắt đầu mưa và một dòng nước vọt lên từ chỗ thùng nước tắm.
Khi đến tu viện Palpung ngài được Situ Rinpoche tiếp đón. Sau đó, Situpa dạy cho học trò mình các công trình thâm sâu của Kongtrul Lodro Thaye, bộ Kagyu Ngagdzod, chứa đựng những giáo huấn Mật thừa cao cấp của Marpa Lotsawa và bộ Dam Ngagdzod chứa những giáo huấn cao cấp của tám tông nguyên thủy của Tây Tạng. Khi đến thăm tu viện Palpung, Karmapa và Situ Rinpoche để lại dấu chân trên đá. Khi ra khỏi tu viện, con chó và con ngựa của ngài cũng để lại những dấu chân rõ ràng trên đá.
Sau một thời gian ngắn ẩn tu thiền định, ngài và Situ Rinpoche nhận một lời mời viếng thăm Trung Hoa của tướng Chang Kai Shek. Tuy nhiên, Karmapa không nhận lời một cách cá nhân, thay vào đó, chọn gởi Beru Khyentse Rinpoche như là đại diện.
Ở tu viện Dzongzar của Khyentse Chokyi Lodro, vị đại học giả Rime, ngài cử hành lễ vương miện Kim Cương. Khyentse Rinpoche nhìn thấy hình thể tâm linh của chiếc vương miện, trôi nổi trên đầu Karmapa khoảng 18 inch. Lại nữa, ngài thấy Karmapa trong hình dáng của Dusum Khyenpa. Khi trở về Palpung, Rigpe Dorje nhận các lễ truyền pháp, các văn bản và giáo huấn toàn bộ của phái Sakya.
Tháng 9 năm con Rồng Kim (1940), Karmapa bắt đầu du hành trở lại Tsurphu. Trên đường về, viếng chùa Benchen, ngay khi ngài đến, tượng con ngựa trên đó hộ pháp Zhingchong ngồi bắt đầu hý lên. Sau chuyến đi dài mười một tháng, Rigpe Dorje và đoàn tùy tùng đến Tsurphu. Trong ba năm tiếp theo, Karmapa đi vào một cuộc tu hành kịch liệt, trong khi các việc xây dựng mới tiếp tục tiến triển ở tu viện. Năm 1944, ngài làm một chuyến hành hương, trước hết đến tu viện Samye và rồi đến Lhodrak, quê hương của Marpa Lotsawa. Cùng năm, ngài được vị vua thứ hai Jigme Wangchuk mời đến thăm Bhutan.
Trong khi ở lại đó, ngài cử hành vài lần lễ vương miện Kim Cương và ban cho nhiều cuộc truyền thọ pháp.
Năm sau, Situ Rinpoche đã già đến Tsurphu để ban thêm giáo huấn cho đứa con tinh thần của mình. Rigpo Dorje hai mươi mốt tuổi nhận Đại giới từ Situpa. Thêm vào đó, vị guru của ngài dạy ngài toàn tập Gyachen Kadzod của Kongtrul Lodro Thaye và Chigshe Kuntrol. Từ Urgyen Rinpoche, ngài nhận toàn bộ các lễ truyền pháp và các kinh văn của Terton Chogyur Lingpa.
Tháng 4 năm con Heo Hỏa (1947) Karmapa du hành đến miền tây Tây Tạng và từ đó đến Ấn Độ và Sikkim. Ở Nepal, ngài cử hành lễ vương miện Kim Cương và ban phước cho dân chúng. Rồi ngài đến Lumbini, nơi đản sanh của Phật Thích Ca. Ngài cũng đến Vananasi, nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu và Bodhgaya, nơi Phật giác ngộ. Theo lời mời của Maharaja xứ Sikkim là Tashi Namgyal, Karmapa viếng Gangtok ở đó ngài làm lễ vương miện đen và ban nhiều lễ truyền pháp.
Rồi ngài đến Rewalsar ở Ấn Độ, là nơi được cúng cho Padmasambhava. Nhiều con rắn màu trắng xuất hiện trên mặt hồ và điều này được xem là những điềm rất tốt lành. Trong cuộc du hành dài trở về Tsurphu, ngài đi ngang qua vùng núi Kailasa và hồ Manasarowar. Cuối cùng đoàn trở về đến Tsurphu trong tháng 11 năm con Chuột Thổ (1948).
Rigpe Dorje mời Jamgon Kontrul của chùa Palpung đến Tsurphu để trao thêm các giáo huấn. Kongtrul Rinpoche trao cho ngài Rinchen Terdzod và giáo huấn Đại Ấn và Sáu Yoga của Naropa. Khi hoàn thành việc học, Rigpe Dorje nhận sự trao truyền kinh văn của dòng phái từ Kongtrul Rinpoche và Situ Rinpoche. Để tán dương sự thấu triệt của Karmapa về Đại Ấn, Palpung Kongtrul làm một bài thơ trong đó tán dương ngài là một vị chưởng môn toàn thiện của dòng Đại Ấn. Trong thời gian này, một dịch đậu mùa bùng nổ đã được chặn đứng, là kết quả của nghi lễ trừ tà Vajrakilaya do Karmapa cử hành.
Trong những năm đầu của thập niên năm mươi, Karmapa tiến hành việc dạy pháp và bổn phận quản trị ở cả Tsurphu và các vùng khác của xứ sở. Năm 1953, ngài ban các lễ truyền pháp và kinh văn của Dechen Chogyur Lingpa cho Mindrol Ling Chong Rinpoche, trụ trì chùa Mindrol Ling và là Lạt ma trưởng của truyền thống Nyingma.
Năm 1954, chính quyền Trung Hoa ở Bắc Kinh mời Đức Đại Lạt Ma thứ mười bốn, và các trưởng phái của các truyền thống khác nhau của Tây Tạng cùng với các chức sắc thăm Bắc Kinh và một vài vùng khác của Trung Hoa. Đức Karmapa nhận lời mời và cùng với tăng đoàn của mình, đến Bắc Kinh. Ở đấy, Karmapa nhận được một thị kiến truyền cho từ Maha-kala chỉ ra nơi chốn tái sanh của Situ Rinpoche. Ngài có thể gởi một lá thư đến Palpung diễn tả chi tiết chỗ Situ tái sanh. Trên đường về, Karmapa chính thức đưa lên ngôi vị ngài Situpa mới này ở Palpung. Ngài cũng du hành khẩn trương khắp xứ Kham như là vị đại sứ riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cố gắng phục hồi sự an bình cho dân chúng đang càng ngày càng rối loạn. Nhiều Lạt ma và tu sĩ đến chỗ ngài đi qua để nhận truyền pháp và được xuất gia.
Sau khi trở về Tsurphu, Karmapa trông coi việc xây dựng một chỗ ở giành cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài mời đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm viếng. Đức Đạt Lai Lạt Ma và đoàn tùy tùng được đón tiếp rất trọng thể và được mời ban lễ truyền pháp Quán Thế Âm ngàn tay. Đáp lại đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu ngài Karmapa cử hành lễ Vương miện Kim Cương. Trong cuộc viếng thăm, ngài đưa đức Đạt Lai Lạt Ma đi xem sự giàu có các thánh tích và xá lợi được tập trung ở Tsurphu. Một nghi lễ vũ điệu Padmasambhava được tiến hành để tôn vinh Ngài.
Cùng năm ấy 1955, xung đột nghiêm trọng xảy ra ở xứ Dege và các quận Nangchen xứ Kham. Karmapa thăm Chamdo, cố gắng đem lại hòa bình giữa người Kham và lực lượng Trung Hoa. Cả hai bên hứa giữ năm năm hưu chiến.
Năm 1956, đức Karmapa thăm Druk Dechen Chokhor Ling, ngôi chùa chính của phái Drukpa Kagyu. Ngài ban cho các lời chỉ dạy và cử hành lễ tẩy tịnh. Từ đây, ngài du hành đến Sikkim, gặp lại nhà Vua Tashi Namgyal. Năm 1956 được thế giới cử hành như là 2500 năm đức Phật nhập Niết Bàn, vì thế Karmapa và đoàn tùy tùng mở rộng cuộc du hành đến Ấn Độ và Nepal, ở đó đoàn hành hương tất cả thánh địa. Từ Nepal, ngài trở lại Ấn và các hang động Ajanta, chứa nhiều công trình điêu khắc Phật giáo của thời đại Gupta. Ở Kalim-pong, Karmapa gặp gỡ vị công chúa Azhi Wangmo xứ Bhutan, bà xây cho ngài một tu viện ở miền đông Bhutan. Lúc này, ngài được mời thăm tu viện Rumtek ở Sikkim, nó được xây nên trong đời các Karmapa thứ chín. Tuy nhiên, ngài từ chối, nói rằng ngài sẽ đến đấy trong tương lai, khi cần thiết.
Khi ngài trở về Tsurphu đầu năm 1957, những xung đột nghiêm trọng lại xảy ra ở Kham. Một dòng người tỵ nạn đổ về miền trung Tây Tạng. Trong số người tỵ nạn này có nhiều vị Lạt ma phái Kagyu như Sangye Nyenpa Rinpoche thứ chín, Situ Rinpoche, Talep Rinpoche và các đệ tử đến Tsurphu. Trong thời gian này, Karmapa công nhận hậu thân Gyaltshap thứ mười hai là Palpung Kongtrul Rinpoche mới, và Bongsar Khyentse Rinpoche. Từ Zechen Kontrul, Karmapa nhận sự trao truyền kinh văn và giáo huấn về Longchen Dzodun, công trình bảy bộ thâm nghĩa của Longchenpa, trình bày về Maha Ati.
Xung đột khốc liệt lan từ Kham đến trung Tây Tạng. Karmapa gởi Situ Rinpoche, Sangye Nyenpa Rinpoche và thiền sư đáng kính Kalu Rinpoche đến Bhutan. Palpung Jamgon Kongtrul trẻ tuổi được gởi đến Kalimpong Ấn Độ ở cùng với gia đình thương gia giàu có của mình. Tuy nhiên, chính ngài lại không quyết định bỏ đi trong lúc này, nói rằng ngài sẽ đến Bhutan nếu tình hình suy sụp. Ý định của ngài là ở lại Tsurphu cho đến phút chót để giúp đỡ người tỵ nạn.
Các cuộc xung đột giữa quân đội Trung Quốc và kháng chiến quân Khampa bây giờ lan khắp Tây Tạng. Nhìn từ mọi phía, nền văn hóa Phật giáo xa xưa của Tây Tạng sắp lịm tắt như một ngọn đèn. Thấy rõ phải từ giã Tây Tạng lúc này, để giúp đỡ sự bảo tồn Phật pháp, ngài thông báo cho đức Đạt Lai Lạt Ma về kế hoạch của mình. Sau đó, giữa đêm mồng 4 tháng 2 năm con Heo Thổ (1959), Karmapa cải trang thành thường dân cùng với một đoàn một trăm sáu mươi người, rời bỏ Tsurphu, mang theo xá lợi và các thánh vật nhẹ cân. Đoàøn gồm các Lạt ma tái sanh, các tu sĩ và thường dân. Đi với Karmapa có Shamar Rinpoche thứ mười ba, Gyaltshap Rinpoche thứ mười hai, thiền sư Drupon Tenzin Rinpoche, Dabtrul Rinpoche, Khandro Chenno vị phối ngẫu thánh của Karmapa Khakhyab Dorje, và các người khác gồm tổng thư ký của ngài, Dorje Lopon Topga Rinpoche và tác giả cuốn sách này.
Con đường trốn thoát của đoàn vượt qua Hy Mã Lạp Sơn để đến Bhutan. Tuy nhiên, lương thực dự trữ chỉ đủ cho hai tuần lễ. Đoàn của ngài Karmapa đi xuyên qua miền nam Tây Tạng và dân địa phương đem cho nhiều cứu trợ cho đoàn tỵ nạn. Dọc đường, có các cuộc viếng thăm chớp nhoáng nhà ở của Marpa Lotsawa ở Lhodrak và điện thờ Milarepa, tháp cao chín tầng nổi tiếng hướng về Marpa Lotsawa, nơi đây ngài ban cho sự nhập môn Milarepa và các thực hành tu tập.
Khi đoàn đến cửa ngõ đầy tuyết cuối cùng là Mon La Gar Chung (độ cao 19,855 feet), đánh dấu biên giới Tây Tạng-Bhutan, Karmapa thúc dục mọi người phải vượt qua cửa ngõ này nội ngày hôm ấy. Đoàn đã tiêu xài sức lực cuối cùng để vượt qua Bhutan và được hỗ trợ bởi các hướng đạo địa phương. Suốt đêm hôm sau, có một cơn bão tuyết lớn, đóng mọi cửa ngõ trong hai, ba ngày. Thật vậy, quân đội đã rượt đuổi sát nút các người tỵ nạn, và nếu họ không làm như Karmapa đã chỉ thị thì họ đã bị bắt.
Hai mươi mốt ngày sau khi rời bỏ Tsurphu, Karmapa và đoàn đến quận Bumthang của Bhutan, mảnh đất được nói là đã in dấu chân của một trăm ngàn dakini. Ngài đã được đón tiếp vô cùng ấm cúng thân mật bởi công chúa Bhutan và tỳ kheo ni Azhi Wangmo và các người khác. Kalu Rinpoche cùng với các tu sĩ đệ tử, đến thăm Karmapa ở Tashi Chodzong. Situ Rinpoche cũng thế. Sau khi đã viếng vua Jigme Dorge Wangchuk ở Thimphu, thủ đô Bhutan, Karmapa quyết định di chuyển vào Ấn Độ.
Ở Baxa, biên giới Bhutan và Ấn Độ, ngài gặp vị thủ tướng Sikkim là Banya Sahib Tashi Dadul, vị này chuyển lời của nhà vua mời ngài ở lại Sikkim. Karmapa quyết định nhận lời mời, và ngày 25 tháng 4 năm con Heo Thổ (1959) đoàn đến Gangtok, thủ đô của Sikkim. Karmapa được chào đón nồng nhiệt bởi hoàng gia và dân chúng, và được hỏi ngài muốn trú ngụ chỗ nào. Ngài trả lời rằng như những người dân Tây Tạng tỵ nạn, họ hy vọng một ngày nào đó có thể trở lại Tây Tạng, bởi thế, chỗ ở của họ chỉ có thể là tạm thời. Tuy nhiên, vì Karmapa thứ chín là Wangchuk Dorje đã cho xây dựng tu viện Rumtek, nên ngài, vị Karmapa thứ mười sáu, muốn thiết lập chốn lưu vong ở đó.
Sau khi đến Rumtek, Karmapa cử hành lễ lên ngôi vị cho Palpung Kongtrul Rinpoche và ban nhiều lễ truyền pháp cho Rinpoche này. Mùa đông năm ấy (59-60) Rigpe Dorje viếng thăm Ấn Độ, nơi đây trước tiên ngài gặp đức Đạt Lai Lạt Ma ở Benares và sau đó là Pandit Nehru, bấy giờ là Thủ tướng, người rất thiện cảm với cả Phật giáo và hoàn cảnh của dân tỵ nạn Tây Tạng. Vào mùa hè, Karmapa ban cho nhiều lễ truyền pháp cho một số đông người quy tụ đến để được nhìn thấy ngài. Một số tiền lớn được trao cho Karmapa từ chính phủ Sikkim và Ấn Độ để giúp dựng một tu viện mới, ở trên một khoảng đất bảy mươi hecta gần tu viện của Rumtek. Quang cảnh được chọn có nhiều dấu hiệu tốt lành : bảy ngọn đồi đối diện, bảy dòng suối chảy qua, một ngọn núi phía sau, dãy núi tuyết ở phía trước và một dòng sông phía dưới, xoay vòng theo hình dạng của một vỏ ốc tù và. Nhiệt tình lớn lao cho công trình của các đệ tử của Karmapa khiến cho sự xây dựng hoàn tất trong bốn năm.
Trong thời gian này, ngài công nhận vị Drukchen Rinpoche mới, Drukpa Yongdzin Rinpoche, Dzigar Choktor Rinpoche, hai vị Tulku phái Sangye Nyenpa (một vị sanh ở Hoa Kỳ), Surmang Garwang Rinpoche, Drongram Jatrul, hậu thân mới Dzok Chen Ponlop và Drupon Tulku Chogyur Lingpa.
Đến hôm nay, Đức Karmapa đã xuất gia cho hơn ba ngàn tu sĩ và công nhận hàng trăm vị Tulku. Ngài cũng cho phát hành một bản in mới về Dege Kanjur, bộ bách khoa căn bản của giáo lý Đức Phật. Trong sự hợp tác các giáo phái và đồng đạo, ngài đã cung cấp một trăm bảy mươi lượt cho việc xây dựng của bốn phái Phật giáo Tây Tạng và các đại diện của tín ngưỡng Bonpo. Ngài đã đi vòng quanh thế giới hai lần. Các Lạt ma phái Karma Kagyu của ngài đã thiết lập các trung tâm Phật pháp ở Tây phương, và ngài đã đi một vòng thăm viếng và ban pháp.
Đây là một liệt kê chính xác về cuộc đời của mười sáu vị Karmapa. Để có những liệt kê chi tiết hơn, người ta có thể tham khảo các sử liệu gốc và các tiểu sử. Tuy nhiên, phân tích rốt ráo thì mọi sử liệu đều giới hạn. Bản tánh vô sanh của các Karmapa, sự thấu biết quá khứ, hiện tại và vị lai, sự thấu đạt hoàn toàn giáo pháp, và sự tỏa sáng một cách không chút nỗ lực của sức mạnh Giải thoát của Đại Bi, các cái ấy hoàn toàn siêu việt khỏi mạng lưới của ý niệm.
Dịch trong mùa gặt lúa
Xuân 1986.