Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nền tảng Lịch Sử và Lý Thuyết

31/03/201107:52(Xem: 4283)
Nền tảng Lịch Sử và Lý Thuyết

CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999

NỀN TẢNG LỊCH SỬ
VÀ LÝ THUYẾT

Cuốn sách này chứa đựng tiểu sử của mười sáu hậu thân liên tiếp nhau của Lạt ma Gyalwa Karmapa Tây Tạng, người cầm đầu phái Phật giáo Karma Kagyu. Hoạt động và lời dạy của dòng hóa thân vĩ đại này là quan trọng nhất trong lịch sử Kim Cương thừa Phật giáo cho đến ngày nay.

Vị Karmapa hiện tại, Rangjung Rigpe Dorje (1923-) là vị thứ mười sáu của dòng phái bắt đầu với vị Karmapa thứ nhất, Dusum Khyenpa (1110-1193). Các Lạt ma Gyalwa Karmapa tiếp tục hiện thân và hướng dẫn sự truyền thừa của phái Karma Kagyu về thông điệp của Phật Thích Ca. Các vị đã biểu lộ sự nắm vững giáo pháp một cách khác nhau như là học giả, thiền giả, nghệ sĩ và thi sĩ và cuộc đời của các vị là những kiểu mẫu không tì vết của sự từ bỏ, đại bi và cái thấy của trí huệ.

Trong ngôn ngữ tâm linh, những Lạt ma Karmapa hiện thân cho hoạt động (Skt: karma, TT: phrin-las)(1) của Phật tánh, và như thế đã được Phật Thích Ca Mâu Ni tiên tri trong Kinh Samadhiraja. Thêm nữa, hoạt động của các vị Karmapa cũng đã được vị mahaguru Ấn thế kỷ thứ tám là Padmasam-bhava tiên tri.

Quan niệm về dòng truyền thừa

Quan niệm về dòng phái có ý nghĩa lớn để hiểu lịch sử của các vị Gyalwa Karmapa. Giáo huấn của đức Phật đã được giữ gìn suốt 2500 năm trong nhiều dòng phái. Đức Phật đã ban nhiều giáo huấn khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau cho các đệ tử, chúng sau đó được chuyên biệt hóa trong các giáo trình chỉ dạy riêng biệt. Từ các nhóm tín đồ ban đầu nổi lên mười tám phái Tiểu thừa. Về sau, truyền thống Đại thừa của Trung Quán và Duy Thức nở rộ như là kết quả của sự khai nguồn của hai bậc thầy tối thượng là Long Thọ và Vô Trước. Tiếp theo, từ thế kỷ thứ năm trở đi, những dòng khác nhau của Kim Cương thừa hay “Mật thừa” nổi lên. Bởi thế, khi Phật pháp được truyền vào Tây Tạng, các phái Tây Tạng phát triển rộng trên nền tảng của khuôn khổ đã có trước này.

Một dòng phái hay “truyền thống của pháp” có vài đặc điểm, gồm một chủ đề tâm linh hay một quan điểm như là Đại Ấn của Kagyu. Quan kiến này phù hợp với các thực hành đặc biệt và các thần tượng trưng. Hơn nữa, giáo huấn riêng biệt này được bảo tồn bởi và xuyên qua một dọc các bậc thầy thành tựu, các vị hiện thân cho tính cách hiện thực của giáo huấn. Các dòng phái chính ở Tây Tạng có một mức độ tổ chức tương đối hợp lý, với nhiều chùa, tu viện, trường học và các trung tâm thiền định ở đó người học trò tu hành với một loạt nghiên cứu gồm triết học, thiền định, nghi thức, nghệ thuật và chiêm tinh.

Cùng với dòng truyền thừa từ thầy đến trò, cũng có dòng các Tulku hay “hậu thân của thầy.” Các bậc thầy tái sanh là các hành giả cao cấp, các vị đã vượt khỏi cái lưới của bản ngã, tuy nhiên trở lại trong các đời kế tiếp nhau để thực hiện lời nguyện là làm việc vì chúng sanh. Vị Karmapa thứ hai, Karma Pakshi là vị Tulku Tây Tạng đầu tiên được công nhận. Dầu cho các vị thầy tái sanh cũng được công nhận ở Ấn Độ, ở Tây Tạng sự hiện diện của các truyền thống phát triển với ảnh hưởng văn hóa và xã hội lớn lao làm cho các Tulku được công nhận và kéo dài liên tục trong một lối mà Ấn không thể có. Trong các dòng phái Tây Tạng, các vị thầy tái sanh được xem như hạt ngọc của truyền thống và thường là các bậc thầy trưởng, các yogi và các học giả.

Trong ngàn năm lịch sử Phật pháp ở Tây Tạng, bốn truyền thống chính là Nyingma, Sakya, Gelug và Kagyu đã phát triển. Nhiều dòng nhỏ và tiểu phái cũng khởi sanh, hầu hết đều không còn như một học phái độc lập.

Truyền thống Kagyu

Dòng phái Karma Kagyu là phái lớn nhất trong bốn nhánh nguyên thủy lớn của truyền thống Dakpo Kagyu, đây là tên được đặt cho hệ thống các dòng giáo pháp truyền từ Gampopa (1079-1153), vị học giả uyên thâm và bậc thầy tâm linh mà cuộc đời đã được đức Thích Ca Mâu Ni tiên tri. Đức Phật nói rằng một trong các đệ tử của ngài, một vị tăng y sĩ tên là Kumara, trong đời tương lai cũng sẽ là một vị tăng y sĩ, nơi một xứ phía bắc gần dòng sông Lohita và sẽ lập nên một trường phái thiền định. Gampopa một y sĩ giỏi nghề, trước tiên là một vị tăng Kadampa, nhận được giáo huấn từ Jayondag, Jayulwa, Geshe Nyugrumpa, Shawo Ganpa và Geshe Chakregongkhapa. Ngài học về tiệm đạo (TT : lam-rim) của Atisa và giáo huấn của Dromtonpa. Ngài trở thành vị chưởng môn của dòng Kadampa và viết cuốn Sự trang hoàng ngọc ngà của giải thoát và các luận giải về giáo lý Kadampa. Về sau, ngài nhận giáo pháp Kagyu về Đại Ấn và “Sáu Yoga của Naropa” từ Milarepa. Sau đó ngài được mệnh danh là “hai dòng trở thành một.” Gampopa tổ chức các dòng này thành một khối hữu cơ, lấy tên mình là Dakpo Lharje (y sĩ từ vùng Dakpo) đặt tên cho trường phái, như thế được biết đến như là Dakpo Kagyu. Sau khi ngài tịch, “bốn chánh và tám phụ” (dòng) gồm tất cả truyền thống Dakpo Kagyu, khởi sanh.

Danh từ Kagyu (TT: bka-brgyud) xuất phát từ một câu dài có nghĩa là “các dòng của bốn vị được ủy nhiệm.” Các dòng này là: 1/ dòng về Guhyasamaja, Catuhpitha và các yoga về “huyễn thân” và “chuyển thức” truyền xuống từ Phật Pháp Thân Vajradhara, Indrabhuti, Yogini, Visukalpa, Saraha, Nagarjuna và Tilopa. 2/ dòng về Mahamaya (đại huyễn) và “yoga giấc mộng” truyền xuống từ Phật Pháp Thân Vajradhara, Jnana Dakini, Kukuripa, Caryapa và Tilopa. 3/ dòng về Cakra-samvara và các tantra “mẹ” khác và yoga “quang minh” truyền xuống từ Phật Pháp Thân Vajradhara, Vajrapani, Dombipa, Vinasavajra, Lavapa và Tilopa; và cuối cùng là 4/ dòng về Hevajra và yoga “nội hỏa” truyền xuống từ Phật Pháp Thân Vajradhara, Vajrapani, Kamadevavajra, Padmavajra, Dakini Kalpa Bhadre và Tilopa. Danh từ Kagyu thường dịch giản dị là “khẩu truyền” nhưng đây chỉ là một cách dịch theo chữ, gốc chữ và nghĩa chữ. Danh từ này có khi được diễn là Kargyu (TT : dkar-bryud) do thói quen phái Drukpa Kagyu mặc y phục vải trắng (TT: dkar) của các yogi truyền thống.

Vị thầy chính của Gampopa là yogi nổi tiếng và nhà thơ : Milarepa, đã nhận sự truyền thừa từ Marpa dịch giả, học trò của Naropa và Maitripa. Như thế, ngài trở thành chưởng môn phái Kagyu. Dòng truyền trực tiếp của Dakpo Kagyu là như sau :

Phật Pháp Thân Vajradhara
Tilopa
Naropa
Marpa Lotsawa
Milarepa
Gampopa

Dòng truyền gián tiếp rõ ràng liên quan đến Đại Ấn được diễn tả như sau :

Phật Pháp Thân Vajradhara
Ratnamati
Saraha
Nagarjuna Các thành tựu giả Ấn Độ
Savaripa
Maitripa
Marpa Lotsawa
Milarepa
Gampopa

Bốn dòng chánh của Dakpo Kagyu nảy sanh với các đệ tử hay từ cháu của Gampopa là Dakpo Gomtsul (1116-1169) : 1/ Kamtshang hay Karma Kagyu được lập ra bởi Karmapa Dusum Khyenpa (1110-1193), ngài học với Gampopa. 2/ Tsalpa Kagyu lập ra bởi Zhang Yudrakpa Tsondru Drakpa (1123-1193), một đệ tử của Dakpo Gomtsul. 3/ Baram Kagyu lập ra bởi Baram Darma Wangchuk, một đệ tử của Gampopa. 4/ Phagmo Drupa Kagyu lập ra bởi đệ tử của Gampopa là Phagmo Dru Dorje Gyalpo (1110-1170) Phái Phagmo Drupa Kagyu sanh ra “tám dòng phụ” là : Drigung, Taglung, Trophu, Drukpa, Mart-shang, Yelpa, Shugseb và Yamzang.

Dòng Drukpa, Drigung và Taglung còn tồn tại đến ngày nay, với Drukpa là lớn nhất, tiếp theo là Drigung.

Các dòng phái khác

Phái Karma Kagyu không thể xem là cô lập với các truyền thống Phật giáo khác của Tây Tạng, trên chúng nó có một ảnh hưởng đáng kể và ngược lại từ chúng, nó cũng nhận được nhiều giáo huấn. Truyền thống đầu tiên của Tây Tạng là Nyingma hay “Cổ Phái,” phát khởi từ công việc truyền giáo của các vị thầy thế kỷ thứ tám là Guru Padmasambhava, vua Trisong Detsun và Bồ tát Santarakshita. Các phái Nyingmapa ban đầu gồm cả hành giả tu sĩ lẫn cư sĩ, họ theo giáo lý kinh và mantra của thời kỳ dịch thuật ban đầu. Then chốt giáo huấn của Nyingma là Maha Ati hay là “Đại Toàn Thiện,” được truyền vào Tây Tạng thế kỷ thứ tám bởi học giả và thiền giả Vimalamitra. Giáo huấn Maha Ati chỉ thẳng Trí Huệ Toàn Thiện tự nhiên, và nó có thể xem là giáo huấn tối thượng của Phật đạo. Tantra chính của Nyingma là Guhyagarbha hay “Mật Yếu.” Có ba dòng có thể phân biệt trong trường phái Nyingma: “dòng gián tiếp” hay “khẩu truyền,” “dòng trực tiếp” các kho tàng pháp bảo hay “bản văn được cất dấu” và dòng “thị kiến sâu xa.” Các vị thầy vĩ đại nhất của truyền thống Nyingma gồm bậc toàn giác Longchen Rabjampa (1308-1363), Jigme Lingpa (1729-1797) và Ju Mipham (1848-1914). Các vị trưởng phái hiện giờ của trường phái Nyingma là Minling Trichen và Dudjom Jigdral Yeshe Dorje.

Những trường phái về sau này ở Tây Tạng đều thuộc về thời kỳ “tân dịch thuật,” bắt đầu trong thế kỷ thứ mười khi Rinchen Zangpo (958-1051) và các học giả khác tìm ra cách dịch kinh điển mới, nhấn mạnh sự chính xác của ngữ nguyên thay vì lối dịch tự do của trường phái dịch thuật cũ. Truyền thống Sakya và Kagyu, cả hai khởi phát từ thế kỷ thứ mười một, đều đặt căn cứ trên giáo trình tantric mới.

Tu viện Sakya, về sau trở thành bản địa chính của phái Sakyapa, được xây năm 1073 bởi Konchog Gyalpo thuộc dòng họ Khon. Dòng họ có ảnh hưởng lớn này trước kia thuộc về phái Nyingmapa, nhưng Konchog Gyalpo học các tantra mới với Drogmi Lotsawa và pháp sư Ấn Độ Gayadhara. Truyền thống Sakya được định hình bởi người con của Konchog Gyalpo là Sachen Kunga Nyingpo (1092-1158) và bốn trong “năm đại sư” là Sonam Tsemo (1142-1182), Jetsun Drakpa Gyaltsen (1147-1216), Sakya Pandita (1182-1251) và Chogyal Phakpa (1235-1280). Trường phái Sakya là đặc thù trong giáo huấn kết hợp giữa sutra (kinh) và mantra về lam dre (TT: lam.’bras) hay giáo trình “Đạo và Quả,” được phát triển bởi thành tựu giả Ấn Độ là Virupa. Tantra chính của phái Sakya là Hevajra và các thần chính là Hevajra và Vajrayogini. Ba tiểu phái xuất hiện là: Sakyapa, Ngorpa và Tsharpa, tuy nhiên chúng chỉ khác nhau về nghi lễ. Trưởng phái hiện thời của truyền thống Sakya là đức Sakya Tridzin (1945-), một hóa thân của đức Văn Thù Sư Lợi, vị đại Bồ tát của trí huệ.

Phái Kadam cũng bắt đầu trong thế kỷ thứ mười một nhưng nó không còn tồn tại như một trường phái độc lập, giáo huấn của nó đã bị thu hút vào các trường phái khác. Phái Kadam phát triển từ hoạt động và giáo huấn của vị thầy Ấn Độ Atisa Dipankara Srijnana (979-1053) ngài sống mười hai năm cuối cùng của đời ngài ở Tây Tạng. Atisa rất nhấn mạnh đến tiệm đạo, con đường tiệm tiến của cả hai thứ kinh và tantra như tiền đề căn bản cho sự tiến bộ tâm linh thực sự. Với vài đệ tử thượng căn ngài truyền giáo lý đặc biệt sâu xa “chuyển hóa tư tưởng” (TT : blo-sbyong).

Chính đệ tử của ngài là Dromton đã thực sự tổ chức phái Kadam như một trường phái. Các vị Kadampa thường xiển dương triết học Prasangika Madhyamika (Trung Quán phái Prasangika) về Tánh Không như sự phủ định của mọi xác quyết.

Phái Gelug được lập nên bởi đại pháp sư Tây Tạng Tsong-khapa Lozang Dragpa (1367-1419). Thời trẻ, Tsongkhapa học với các vị thầy của tất cả các dòng phái chính và biểu lộ những tính cách hoành tráng học giả. Ngài quy tụ nhiều đệ tử và từ họ có ra phái Gelug. Mối quan tâm chính của phái Gelug là sự kiên định vào giới luật và con đường tiệm tiến đến giác ngộ thừa hưởng từ Atisa. Sự nhấn mạnh này trên giáo huấn của Atisa khiến cho phái Gelug đôi khi được xem như một phái Kadam mới. Quan điểm triết học riêng là Trung Quán Pra-sangika như giải thích bởi Tsongkhapa. Về Tantra, họ nhấn mạnh đến các tantra Guhyasamaja, Vajrabhairava và Cakra-samvara. Truyền thống Gelugpa được trang hoàng bằng công trình của nhiều học giả sáng chói như Khedrupje (1385-1438) và Konchog Jigme Wangpo (1728-1781). Trưởng phái hiện nay là đức Ling Rinpoche, thầy dạy của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn, Tenzin Gyatso (1935-), hiện thân của lòng Đại Bi của đức Quán Thế Âm.

Thêm vào các dòng chính này là sự đóng góp của nhiều dòng phụ cho Phật pháp ở Tây Tạng. Những phụ phái quan trọng là Shijay và Chod Yul của vị thành tựu Ấn Độ là Dampa Sangye và đệ tử, nữ thiền giả nổi tiếng Machig Labdronma (1055-1145) ; dòng Urgyen Nyendrup của thành tựu giả Urgyenpa Rinchen Pal (1230-1309), dòng này rất ảnh hưởng đối với phái Drugpa và Kamtshang Kagyu và sau đó hòa vào hai phái này ; và phái Shangpa, thành lập bởi Khyungpo Naljor (990-1140) người kế thừa Đại Ấn từ các dakini, Niguma (phối ngẫu của Naropa) và Sukhasiddhi.

Một trong những phái gây nhiều tranh luận nhất là trường phái Jonang thành lập bởi triết gia uyên bác Dolpopa Sherab Gyaltshan (1292-1361). Truyền thốmg Jonang chủ trương giáo lý Pháp không. Quan điểm này xuất phát từ Utta-ratantra của Maitreya, xác định rằng thực tại rốt ráo, trống rỗng mọi tỳ vết, mọi bôi nhọ, thì thực hữu. Các nhà Jonangpa sau đó bị nhiều học giả Prasangika công kích, đặc biệt là các nhà phái Gelugpa trong khoảng thời gian đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm (1615-1680) và từ đó không còn hiện hữu như một phái độc lập. Tuy nhiên, giáo lý của họ còn duy trì và truyền bá bởi vài khuôn mặt trong phái Kagyu, Nyingma và Sakya, như là Karmapa Rangjung Dorje, Longchenpa và Sakya Chokden.

Dòng phái các vị Karmapa

Trường phái Karma Kagyu có một lịch sử lâu dài và rực rỡ, nó là phái Kagyu tối cao dưới sự lãnh đạo của các vị Gyalwa Karmapa. Nó trải rộng từ Ladakh đến Trung Hoa, và giờ đây ở Tây phương. Dòng Mũ Đen của các vị Karmapa được nâng đỡ và duy trì bởi ba dòng tái sanh chính của phái : Mũ Đỏ Shamar, Situ và Gyaltshap Tulku. Thêm vào đó, nhiều học giả khác, các thiền giả yogi và các nhà thấu thị đã góp phần vào sự rực rỡ của truyền thống. Đáng nhớ giữa những vị này là các tulku Jamgon Kongtrul và Pawo.

Truyền thống Kamtshang Kagyu được lập nên bởi vị Karmapa thứ nhất, Dusum Khyenpa, được truyền thừa dòng Kagyu từ Gampopa. Sau khi đạt đến giác ngộ, ngài được các vị kiệt xuất đương thời xem là “Con Người của Hoạt Động của Phật” (Karma-pa) được tiên tri bởi đức Phật trong kinh Sama-dhiraja và cũng là hiện thân của đức Quán Thế Âm, hình thái Đại Bi của Phật tánh. Dusum Khyenpa về sau lập ra ba trung tâm chính của phái Karma Kagyu ở Todlung Tsurphu gần Lhasa, Karma Gon ở tỉnh Kham và Kampo Nenang cũng ở Kham, và như thế tổ chức Karma Kagyu như một trường phái riêng biệt.

Chính trong thời ngài Karmapa thứ hai, Karma Pakshi (1204-1283) mà sự truyền rộng phái Kamtshang bắt đầu. Nổi tiếng là một thành tựu giả, Karma Pakshi được mời đến Mông Cổ bởi hoàng tử Kublai, nơi đây ngài trở thành guru của Mongka Khan, và sau đó, dầu cho không phải không có những vấn đề lúc ban đầu, là guru của người kế vị là Kublai Khan. Khi ở Trung Hoa, trong một vài dịp Karma Pakshi đã biểu lộ các năng lực thần thông để phụ trợ cho công việc hoằng pháp. Sự biểu lộ của hoạt động thần thông của Karma Pakshi và các vị Karmapa khác là phương tiện hiển xuất của tự do tối hậu của giác ngộ. Vượt khỏi những giới hạn của nhận thức nhị nguyên, hoạt động từ giác ngộ mặc lấy hình thức của thần thông. Bản chất của thần thông bên ngoài phát xuất từ sự đáp ứng tuyệt đối tự nhiên đối với nhu cầu của chúng sanh và hoàn cảnh đặc biệt gặp phải.

Vị Karmapa thứ ba, Rangjung Dorje (1284-1339), ngài là một bậc thầy hoàn hảo cả lý thuyết lẫn thực hành, là đặc biệt quan trọng do chỗ ngài đã dung hợp hai dòng vốn riêng rẽ trước kia là Đại Ấn của Kagyu và Maha Ati (Đại Toàn Thiện) của Nyingma. Ngài nhận giáo huấn “tự tính bổn nguyên” của Đại Toàn Thiện từ Rigdzin Kumararaja (1266-1343), vị này cũng là thầy của Longchenpa. Thêm vào đó, Rangjung Dorje soạn ra luận văn cực kỳ quan trọng và gây ảnh hưởng Zabmo Nangdon, đề cập đến những giáo huấn tinh tế của tantra yoga tối thượng.

Giống như hai vị tiền bối và các vị tiếp nối mình cho đến vị Karmapa thứ mười, Karmapa thứ năm Dezhin Shegpa (1384-1415) là guru của vua Trung Hoa. Trong một buổi lễ đặc biệt do ngài cử hành, vua Yung Lo thấy hình của vương miện kim cương đen trên đầu ngài. Vương miện kim cương là biểu tượng của đức đại bi của Bồ tát Quán Thế Âm, luôn luôn hiện diện trên đầu của mọi hậu thân Karmapa. Vị Karmapa đầu tiên, Dusum Khyenpa, đã được các dakini cúng dường vương miện trong giây phút ngài giác ngộ. Hình thể tâm linh của vương miện được nói là dệt bằng tóc của một trăm ngàn dakini. Khi, bằng sự kính ngưỡng với Dezhin Shegpa, Yung Lo thấy được vương miện kim cương, vua quyết định phải làm một bản sao, trang hoàng bằng ngọc quý và vàng, để cho mọi người có thể phát tâm khi thấy thực chất tính tâm linh của Karmapa. Khi nhận phiên bản này, Dezhin Shegpa đã làm một buổi lễ trong ấy ngài đội vương miện kim cương hiện thân của lòng bi mẫn của đức Quán Âm. Các vị Karmapa nối tiếp đều theo tục lệ và lễ nghi này, nó có sức mạnh truyền thông nguồn mạch đạo lực không cùng của dòng Karmapa, và đã trở thành một trong những mô thức thiêng liêng và đặc biệt nhất trong hoạt động của các vị Karmapa.

Vị Karmapa thứ tám, Mikyo Dorje (1507-1554) là một học giả sáng chói và là một tác giả sung mãn. Ngài tạo ra hơn ba mươi luận văn, gồm công trình tâm lý học a tỳ đạt ma, triết học Trung Quán, Bát nhã ba la mật, luật bộ, Nhân minh học, Đại Ấn, tantra, văn phạm Sanskrit, nghệ thuật và thơ ca.

Trong đời vị Karmapa thứ mười, Choying Dorje (1604-1674) dòng Karma Kagyu bị kéo vào chính trị một cách không tránh khỏi(2) bởi vì mối ác cảm đối với phái Gelugpa do ảnh hưởng của các “ủng hộ viên” cư sĩ như là Desi Karma Tenkyong, vua của tỉnh Tsang.

Vị Karmapa thứ mười bốn, Thegchog Dorje (1798-1868) có một vai trò chính yếu trong sự phục hưng tôn giáo và văn hóa thế kỷ thứ mười chín cùng với phong trào Rime (không biên giới). Các đệ tử của ngài gồm có ba khuôn mặt chính của Rime : Chogyur Dechen Lingpa (1829-1870) Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) và Jamgon Kongtrul Lodro Thaye (1811-1899).

Vị Karmapa hiện tại, Rangjung Rigpe Dorje (1923-) là vị thứ mười sáu của dòng. Ngài đã thống lãnh trường phái Karma Kagyu qua giai đoạn này của sự thay đổi lớn lao cho chính trường phái lẫn cho cả Tây Tạng. Được huấn luyện bởi các vị thầy lãnh đạo phái Kagyu và các truyền thống khác, ngài đã biểu hiện những tính cách phi thường của Đại Bi và Trí Huệ tự nhiên của các vị Gyalwa Karmapa. Sau cuộc phế bỏ văn hóa Phật giáo ở Tây Tạng năm 1959, ngài đem các đệ tử lưu vong qua Sikkim ở đó ngài lập một bổn tự mới ở Rumtek. Ngài đã cố gắng không ngừng để duy trì ngọn đèn chánh pháp Kagyu và trong những năm gần đây đã hai lần viếng thăm Tây phương theo lời mời của các đệ tử truyền giáo ở ngoài. Được khơi nguồn cảm hứng bởi sự việc này mà ngày nay truyền thống Karma Kagyu đã hiện diện trên khắp thế giới.

Giáo huấn của truyền thống Karma Kagyu

Chủ đề chính của giáo huấn Kagyu là Mahamudra (Đại Ấn), sự chứng ngộ bản chất thật sự của tâm và sự chiếu diệu của nó trong Trí Huệ và Đại Bi. Nó là nền tảng, con đường và mục đích của tâm linh. Dingo Khyentse Rinpoche ví dụ Đại Ấn với một vị vua đóng khuôn dấu của mình lên tài liệu và như thế là dấu hiệu sự xác nhận của mình. Tương tự, hành giả Đại Ấn chứng ngộ rằng Phật tánh là thực tại nền tảng của mọi hiện tượng, và bất cứ cái gì khởi lên đều được đóng dấu (Skt : mudra) bằng tánh viên mãn đồng khởi (Skt : sahaja) bổn nguyên.

Giáo huấn và phương pháp của con đường tâm linh Kagyu thoát thai từ sự kết hợp của Gampopa giữa “tiệm đạo” phái Kadam và tantra của các đại thành tựu giả. Nền tảng triết lý của nó là Uttaratantra của Maitreya và luận giải về sách ấy của Vô Trước. Chủ đề Đại Ấn gồm trọn mọi đa thù bề ngoài của các nguyên tắc và thực hành này.

Ở trong sanh tử luân hồi, Phật tánh chỉ hiện hữu như một tiềm năng ẩn bị che mờ bởi vô minh và phiền não nhiễm ô. Con đường tâm linh là sự giải phóng Phật tánh này và mục đích là sự viên mãn của nó như là Pháp thân. Như Gampopa nói trong Sự trang hoàng ngọc ngà của giải thoát : Cái nguyên do chính là Phật tánh. Con đường chuyển hóa này có ba cấp bậc chính hay ba thừa : Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Đại Ấn là cực điểm hay vương miện của con đường.

Tiểu thừa

Điểm bắt đầu của con đường tâm linh là Tiểu thừa. Tiểu thừa nhắm vào sự mê lầm thấm khắp các mặt của kinh nghiệm chúng ta, do vì bám chấp vào vọng tưởng về một bản ngã thường còn và độc lập. Sự nhận biết này phát xuất từ lời tuyên bố của đức Phật về Tứ Đế : 1/ Khổ. 2/ Nguyên nhân của khổ : chấp ngã. 3/ Giải thoát. 4/ Nguyên nhân của giải thoát, tức là con đường tám lối (Bát chánh đạo). Giáo huấn này cung cấp sự chẩn đoán căn bệnh của chúng ta, nguyên nhân bệnh và phương pháp để lành bệnh. Bằng cách áp dụng sự chính xác đơn giản và phẩm cách của Tiểu thừa trong thiền định và cuộc sống hằng ngày, hành giả phát triển một sự hiểu biết nó xem thực tại là vô thường, khổ và vô ngã. Từ hiểu biết đó, dẫn đến một sự từ bỏ tự nhiên, không giả tạo. Đây là quan niệm then chốt của con đường Tiểu thừa.

Trong truyền thống Kagyu, một số lời dạy được biết như “bốn tưởng niệm xoay tâm về với Pháp” được dùng như phương tiện đặc biệt hữu hiệu để thực hiện Tứ Đế. Bốn tưởng niệm là : 1/ đời người đáng quý 2/ cái chết và sự vô thường 3/ nhân và quả 4/ lỗi lầm của sanh tử. Chúng được kế tục từ truyền thống của Atisa và được Gampopa và các bậc thầy Kagyu nối tiếp nhau nghiên cứu.

Tưởng niệm thứ nhất là sự suy nghĩ về tình trạng độc nhất tích cực của cuộc đời quý giá với sự tự do và khả năng của nó. Trong các loại đời sống, đời con người là cực kỳ hiếm vì tương đối được tự do hơn, ít bị giới hạn, ràng buộc. Hơn nữa, đời người trở nên quý giá qua sự tiếp xúc với Phật pháp. Một cơ may như thế tạo thành sự quý giá cho đời người, là nền tảng độc nhất cho nỗ lực tâm linh.

Tưởng niệm thứ hai là nghĩ về sự vô thường của mọi hiện tượng. Như đức Phật đã nói : “cuối cùng của mọi gặp gỡ là chia lìa.” Bản ngã rút ra ý nghĩa về sự an toàn của nó từ ý niệm thường còn của riêng nó, từ những mối tương giao và sở hữu của nó. Thực hiện vô thường trong thiền định và cuộc sống hằng ngày cắt đứt sự lười biếng và tự thỏa mãn của cái tâm loạn thần và chuẩn bị cho hành giả tiến bộ trên đường đạo.

Thứ ba là suy nghĩ về nhân và quả. Hành động quá khứ của thân khẩu ý đem đến những kết quả hiện tại. Tình thế hiện tại cung cấp cho một số lựa chọn để hành động, từ đó tương lai được phát triển. Tổng quát, hành động được chia thành ba phạm trù : thiện, bất thiện và vô ký, chúng sẽ có kết quả tương ứng thiện, bất thiện, vô ký trong tình huống và hoàn cảnh sẽ đến. Tưởng niệm thứ ba này giúp cho hành giả biết trách nhiệm về mọi mặt của đời mình và triển khai một tâm rộng mở thích hợp cho phát triển tâm linh.

Thứ tư là tưởng niệm về các lỗi lầm hiểm nguy của sanh tử luân hồi. Mọi chúng sanh đều bị nhốt trong lưới khổ đau. Sanh tử là thù nghịch, hấp dẫn và làm thất vọng nhưng trong nó không có sự thỏa mãn tối hậu hay sự an toàn cho bản ngã. Hiểu biết điều này đem lại một sự chuyển hướng khỏi sanh tử và mong mỏi con đường giải thoát, biểu hiện là Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng.

Đại thừa

Sự thực hành Tiểu thừa đưa tới sự xa lìa khỏi sự trụ bám vào bản ngã, một sự rỗng rang và khoáng đạt tự nhiên phát triển. Đây là bình minh của con đường Đại thừa. Ý niệm then chốt của nó là Bodhicitta, Bồ đề tâm, sự kết hợp của Trí Huệ và Đại Bi khởi từ tính trùm khắp của Phật tánh. Trí huệ cốt ở thâm nhập trực tiếp vào Tánh Không của ngã và pháp. Đại bi cốt ở sự đáp ứng với nhu cầu của người khác.

Truyền thống Kagyu có nhiều giáo huấn cho cả Bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối. Đặc biệt nó thừa hưởng các giáo huấn về Bồ đề tâm tương đối từ trường phái Kadam, như là “bảy bậc chuyển hóa tư tưởng” nổi tiếng qua đó người ta phát triển sự vô bố úy của Bồ đề tâm khi đổi phận mình để lấy phận người.

Thực hành Bồ đề tâm tối hậu là sự thiền định về Tánh Không, trong đó hành giả thấy tánh Không như hư không của thực tại, vượt ngoài mọi đối đãi có không. Từ giáo huấn Trung Quán của pháp sư Long Thọ và giáo huấn của các thành tựu giả, Gampopa đem lại nhiều giáo huấn về thiền định Bồ đề tâm tối hậu. Ngài mệnh danh sự tiếp cận này là truyền thống kinh điển của Mahamudra.

Sự gợi hứng toàn năng của Bồ đề tâm lan khắp mọi phương diện của đời sống như là hoạt động của sáu ba la mật : cho, đạo đức, nhẫn nhục, quyết chí, thiền định và trí huệ.

Kim cương thừa

Kim Cương thừa hay là “thừa tantra” là mức độ cao nhất của con đường Phật. Trong các thừa thấp, hành giả theo một con đường dẫn đến giác ngộ ở tương lai. Tuy nhiên, trong Kim Cương thừa hành giả xem chính mục đích như là con đường. Sự rộng mở của Đại thừa làm nảy sanh một tri kiến Kim Cương thừa về vũ trụ như là trò chơi biến hóa của các năng lực Phật kết bện nhau, bởi thế, ở mức độ tantra, thân, miệng và tâm chuyển hóa thành thân, miệng và tâm của Phật. Ý niệm then chốt của Kim Cương thừa là samaya, nó là sự ủy thác của hành giả cho tính thanh tịnh hoàn toàn của quan kiến Kim Cương thừa.

Trong Kim Cương thừa, Phật tánh biểu lộ trực tiếp trong ba cội gốc : vị guru, hóa thần (devata, TT : yi-dam), dakini và hộ pháp (dharmapala). Ba cội gốc ấy là ba phương diện của Tam Bảo. Bậc guru là cội gốc của sự gia trì (adhisthana) và ngài là người vén mở sự hiện diện của Phật trong tâm chúng ta. Hóa thần (Devata) là cội gốc của sự thành tựu (siddhi), vì Phật tánh biểu hiện trong vô số hình thức để làm lợi lạc cho mọi tính cách, xu hướng khác nhau. Bởi thế nhà yogi làm các thực hành tâm linh về chư thần, họ là hiện thân cho sự chuyển hóa thành giác ngộ của xu hướng riêng của thiền giả. Các dakini (người du hành trên trời) và hộ pháp cùng gồm trong cội gốc của hoạt động (Skt : karma). Các dakini hiện thân cho năng lực nữ tính của giác ngộ như trong những tình huống để hướng dẫn và lập lại quân bình cho nhà yogi. Các hộ pháp, cả hai phương diện nam và nữ, hoạt động trong cùng một cách thức để giữ gìn sự phát triển tâm linh của yogi và giữ gìn các ban phước thu thập được của các dòng phái Phật pháp khác nhau.

Trong truyền thống Kagyu, vị guru chính là Gyalwa Karmapa, ngài không tách lìa với Vajradhara. Hóa thần chính yếu là Vajravarahi, mẹ của tất cả chư Phật, và hộ pháp chính là Mahakala Kim-Cương-áo-choàng-đen và Mahakali, Bà Hoàng Tự Sanh.

Thực hành tantra chuyển hóa thân khẩu tâm thành ba thân của Phật tánh, Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân. Các tantra gồm các thực hành liên hệ đến mỗi một của ba phương diện này. Thực hành thuộc về thân gồm lễ lạy, dâng cúng, thiền đi bộ và các tư thế ngồi thiền. Thực hành về khẩu gồm thần chú và lễ nghi tụng niệm. Thực hành về tâm gồm quán tưởng trong đó tri kiến nhị nguyên chủ thể và khách thể được thanh tịnh hóa bằng sự tạo ra hóa thần và thế giới chung quanh của thần. Phương diện khác của Kagyu là thiền định vô tướng, tức là thiền định Đại Ấn.

Trong trường phái Kagyu, Gelug và Sakya, chúng đều thuộc về truyền thống “tantra mới”, có bốn cấp của tantra, trong khi trong “truyền thống cũ” có sáu cấp. Bốn bực thứ tự là kriya, upa, yoga và anuttarayoga. Các giáo trình khác nhau của tantra, luận giải và tu tập được ấn định cho một cái thích ứng trong bốn cấp, về phương diện mức độ năng lực tâm linh của chúng.

Kriya tantra là cấp đầu tiên của Kim Cương thừa, trong ấy sự nhấn mạnh nằm ở sự trong sạch bên ngoài và gây sợ của năng lực Phật. Nhà Yogi liên hệ với hóa thần như người giúp việc với chủ và chú ý nhiều đến hoạt động lễ nghi và sự thanh tịnh. Quán Thế Âm là một kiểu mẫu của hóa thần Kriya tantra.

Bậc thứ hai của tantra là upa hay carya. Ở đây nhà yogi cảm nhận năng lực Phật ở bên ngoài lẫn bên trong. Điều này được so sánh với sự liên hệ giữa hai người bạn. Ít nhấn mạnh đến hoạt động nghi thức trong mức độ này. Một ví dụ của hóa thần thuộc về upa tantra là Tỳ Lô Giá Na.

Yoga tantra là cực điểm của kriya và upa tantra. Ở đây nhà yogin đồng thể với năng lực Phật, bởi thế ông thiền định về chính ông như đồng nhất với hóa thần. Hoạt động nghi lễ chỉ nhấn mạnh ít. Giáo trình Sarvavid (TT : kun-rig) là một ví dụ của yoga tantra.

Bậc cao nhất của tantra là anuttarayoga, vô thượng du già, nó khác một cách căn bản với ba bực thấp ở chỗ nhấn mạnh đến bản tính vô thượng, toàn khắp của năng lực Phật. Anuttara chia làm hai bậc : giai đoạn “phát triển” (TT : bskye-rim) và giai đoạn “viên mãn” (TT : rdzogs-rim). Trong giai đoạn phát triển, nhà yogi đồng hóa chính mình và quang cảnh xung quanh mình với hình thể linh thiêng của hóa thần và cõi giới của hóa thần. Giai đoạn viên mãn hoàn thiện cuộc chuyển hóa và chính nó cũng có hai phương diện, một dựa trên hình tướng và một dựa trên vô tướng. Phương diện hình tướng là yoga về kinh mạch (nadi) ; hơi thở, khí (prana) và chủng tử (bindu). Phương diện vô tướng là thiền định về sự đồng khởi của quang minh và Tánh Không của trí huệ tự nhiên.

Trong truyền thống Kagyu các vị hóa thần thuộc về anuttara là Vajravarahi và nhóm năm thần : Cakrasamvara, Vajrabhairava, Hevajra, Mahamaya và Guhyasamaja. Năm
vị này tạo thành mạn đà la Heruka ngũ phần của vô thượng du già. Vajravarahi vừa là mẹ vừa là phối ngẫu của tất cả Heruka.

Đại Ấn

Đại Ấn vừa là cực điểm của Kim Cương thừa vừa là sợi dây chạy xuyên suốt con đường tâm linh của Kagyu. Dầu về căn bản nó thoát ngoài mọi sự đóng khung, nhưng người ta có thể xem nó có ba phương diện : kiến (TT : lta-ba), thiền (TT : bsgom-pa) và hành (TT : Spyod-pa). Tuy nhiên ba phạm trù này chỉ là các phân biệt bên ngoài, vì thực ra chúng nảy sanh từ sự nguyên thể của Đại Ấn.

Kiến: Bản tính chân thật của tâm là sự hòa hợp nguyên thủy của Quang Minh và Tánh Không. Như thế, nó không sanh và không diệt. Tuy nhiên, do sự sanh khởi của vô minh, cái thanh tịnh tự nhiên bị che ám và hình thái của sanh tử với năm nhiễm ô, năm uẩn của nó hiện khởi. Tuy thế, thực tại nền tảng của sanh tử và Niết Bàn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của sự thanh tịnh bản nhiên của tâm, có tên là Phật tánh. Như vị đại thành tựu giả Saraha nói trong sách Dân Doha : “Tâm là chủng tử độc nhất của mọi sự. Từ nó mà thế giới biến chuyển và Niết Bàn sanh khởi.”

Trong bản tánh rỗng rang của cái kiến này, bất cứ cái gì khởi ra đều tự nó là giải thoát, bởi vì bất cứ gì sanh khởi đều được đóng dấu ấn bởi “sự đồng khởi.” Tính nhị nguyên bề ngoài của chủ thể và đối tượng được hòa giải trong bản tánh không sanh không diệt của tâm. Pháp tánh của tâm là trung đạo của hai cực đoan là xác nhận và phủ nhận, có và không. Như Tipola tuyên bố : “tâm Đại Ấn không trụ ở đâu cả.” Mọi hiện tượng sanh ra và biến mất trong không gian của tâm, tự nó là trống không muôn thuở.

Thiền: Trái tim của Đại Ấn là kinh nghiệm không có nỗ lực, không gia thêm vọng tưởng của tâm. Khi sự che mờ như các đám mây tan biến, Pháp thân vô sanh vô diệt hiện bày. Karmapa Rangjung Dorje nói :

Nền tảng của sự tịnh hóa là Minh và Không đồng khởi.
Người tịnh hóa vajra yoga của Đại Ấn.

Cái được tịnh hóa là vọng tưởng và nhiễm ô sát na.

Nguyện quả thanh tịnh của Pháp thân vô nhiễm được chứng thấy.

Sự chứng ngộ tối hậu này thường đạt được, trừ người đặc biệt thiện căn, như là kết quả của sự tu hành vừa cả hai thứ, bình thường (TT : thun-mong) và đặc biệt (TT : thun-mong-ma-yin-pa) của Đại Ấn.

Như mọi giáo trình chỉ dạy, để bắt đầu tu hành Đại Ấn, nhà yogi phải nhận cái lễ truyền pháp (TT : dbang) thích hợp, truyền bản văn (TT : lung) và giáo huấn (TT : khrid) từ vị guru. Đặc biệt hành giả phải nhận được lễ truyền pháp thứ tư tức là lễ truyền pháp “trí giác” trong đó sự gặp gỡ của hai tâm Thầy và trò xảy ra và bản tánh của tâm được chỉ bày, khai thị rõ ràng.

Sự chuẩn bị cho cả hai thứ Đại Ấn bình thường và đặc biệt là sự thực hành bốn pháp tiên khởi. Bốn pháp tiên khởi là : 1/ Quy y và Bồ đề tâm hòa hợp với lễ lạy. 2/ Thiền định và trì chú về Vajrasattva. 3/ Dâng cúng mạn đà la. 4/ Guru yoga. Bằng sự hoàn tất mỗi thứ một trăm ngàn lần, hành giả đã chín cho sự thực hành chính.

Trong Karma Kagyu, các guru yoga, đặc biệt là với Karmapa thứ tám Mikyo Dorje và Karmapa thứ hai Karma Pakshi, được cử hành để nhận sự gia trì của dòng Karmapa.

Thực hành bình thường Đại Ấn thực ra là thiền định vô tướng. Trong mức độ đầu của Chỉ, hành giả trụ trong sự nhất tâm không cố gắng. Khi giai đoạn Chỉ này hoàn thành, vị guru nhập môn cho học trò về bản tánh của tự tâm học trò (TT : ngo-bo-sprod-pa). Quán khởi lên, trong đó bản tánh của trí giác được hiển bày như là tánh bất nhị của Quang Minh và Tánh Không. Tư tưởng là thân thể của chính Pháp Thân. Đây là sự thành tựu tối hậu của Đại Ấn.

Thực hành đặc biệt Đại Ấn gồm có các thiền định của “giai đoạn phát triển” như là Vajrayogini và Cakrasamvara và các thiền định của “giai đoạn viên mãn” tiếp theo như là “Sáu giáo pháp của Naropa” : nội hỏa, huyễn thân, giấc mộng, quang minh, chuyển thức, và trung ấm. Sự thành tựu các pháp này dẫn đến sự hòa hợp của “Đại Lạc và Tánh Không,” từ đó sự thành tựu Đại Ấn phát triển một cách tự nhiên.

Hành : Tính đặc biệt của hành Đại Ấn là sự không cố gắng, không ra sức. Vì nó có từ Tánh Không và Đại Bi trọn vẹn của Kiến và Thiền, nó cũng vượt khỏi ý niệm về một kỹ luật được đặt định. Từ đó, nhà yogi mahamudra có thể một đôi khi xử sự theo một đường lối bề ngoài có vẻ gây chấn động. Loại hành động này được xem như một thái độ của nhà yogi điên cuồng (TT : smyon-pa). Saraha nói :

Nếu tôi giống như một con heo
Thèm muốn vũng lầy thế gian

Hãy nói cho tôi biết có lỗi lầm nào

Chứa trong một tâm vô nhiễm.

Sự thực hành Chod (TT : gchod : cắt đứt bản ngã) là hòa hợp với hành của yogi Kagyu. Nó nhấn mạnh sự rỗng rang trực tiếp của tâm đối với cả hai thứ chướng ngại bên trong lẫn bên ngoài. Chod nhập vào truyền thống Kagyu từ dòng tu của yogini thế kỷ thứ mười một Machig Labdronma, và được phổ biến bởi dòng các vị Karmapa, đặc biệt là vị thứ ba Rangjung Dorje và Surmang Trungpa Kunga Namgyal.

Khi nghiên cứu các tiểu sử này về các vị Gyalwa Karmapa, điều chính yếu là hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng. Chúng không chỉ là sự tường thuật lịch sử mà còn là các giáo lý tâm linh. Đặc biệt chúng là các ghi lại về sự giải thoát của dòng Karmapa. Tánh cách đa diện của chúng phản ánh bản tánh đa diện tương ứng của chính Phật pháp, gồm cả ba thừa với sự đa thù của các chỉ dạy tâm linh.

Những mặt của các tiểu sử liên hệ đến lịch sử thực sự của dòng Karmapa cùng với gương mẫu của các vị như là những người học trò thành tựu và là những hành giả có thể được xem như mặt Tiểu thừa của chúng. Trong Tiểu thừa, người học trò đặt nền tảng trên những chân lý căn bản của giáo pháp, và như thế xây dựng một căn cứ cho sự tiến bộ tâm linh.

Tất cả các vị Gyalwa Karmapa đều biểu lộ một sự trì chí lớn lao trong thiền định và trong nghiên cứu có tính cách học giả. Vị Karmapa đầu tiên, Dusum Khyenpa khi ẩn tu thiền định, đã không hề duỗi tay cho khô mồ hôi.

Những khuôn mẫu đặc biệt của các tiểu sử liên quan với hoạt động bi mẫn của các Karmapa có thể được xem như mặt Đại thừa của chúng. Trong Đại thừa, người học trò tỏa ra sự ấm áp và rỗng rang do sự vắng mặt của sự nhấn mạnh vào bản ngã. Như các tiểu sử chỉ ra, mỗi vị Karmapa đều làm việc không ngừng cho chúng sanh bằng chỉ dạy, chữa bệnh và củng cố chính dòng phái Karma Kagyu. Hoạt động thương người này không chỉ giới hạn cho các hành giả mà còn trải rộng đến người dân thường của Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ… Giống như các vị Karmapa khác, Mikyo Dorje không thường ở tại trung tâm chính Tsurphu, mà du hành khắp Tây Tạng với lều trại tu hành và ban cho các giáo huấn và giúp đỡ mọi người đến xin hỏi. Khi du hành, Mikyo Dorje tạo nhiều luận văn trong đó ngài biểu lộ sự thấu hiểu sâu xa về Pháp. Cái chết của ngài như là kết quả của một sự tẩy sạch một bệnh dịch cùi, mà sau đó ngài đã mắc phải cho chính mình.

Các mặt Kim Cương thừa của các tiểu sử có thể được nhìn thấy như các tường thuật về thị kiến và phép lạ. Trong Kim Cương thừa, người thực hành kinh nghiệm và hành động từ chỗ năng lực thanh tịnh bản nguyên của chính giác ngộ. Vì mạng lưới của ý niệm hóa đã hoàn toàn được vượt khỏi, đó chính là mức độ của thị kiến và hoạt động thần lực. Như chúng ta thấy từ các tiểu sử, các Gyalwa Karmapa nối tiếp nhau đã khám phá lại tính tâm linh tự nhiên của các vị xuyên qua các kinh nghiệm thị kiến. Hơn nữa, mỗi vị đều liên lạc mật thiết với các hóa thần đặc biệt qua đó các vị nhận được thị kiến gợi ý. Một ví dụ nổi tiếng của tiến trình này là thị kiến của vị Karmapa thứ ba, Rangjung Dorje, trong đó ngài thấy rằng bực thầy Ati yoga thế kỷ thứ tám đi vào trong trán ngài. Như là kết quả của điều đó, Rangjung Dorje đã kết hợp hai dòng Ati yoga và Mahamudra làm một.

Trong phần lịch sử này sự rõ ràng và thông tuệ ẩn tàng của các tiểu sử đã được nhấn mạnh. Trong sự giới thiệu Phật giáo với Tây phương, hai thái cực là sự thải bỏ một cách kiêu căng, hoặc sự ngây thơ do quá cảm xúc đến thường làm mờ bản chất thực sự của vấn đề. Trái lại, ở đây là một tường thuật trong sáng và sâu xa về cuộc đời của các vị Gyalwa Karmapa, do một đại diện của truyền thống Karma Kagyu là Tulku Karma Thinley thứ tư.
Karma Thinley Rinpoche sanh ở Nangchen xứ Kham năm 1931 và được công nhận vào năm hai tuổi rưỡi bởi vị Sakya Tridzin là Dakshul Thinle Rinchen như là tulku của Beru Shaiyak Lama Kunrik. Thời gian ấy ngài nhận tất cả các biểu hiệu và danh xưng cho đẳng cấp và thẩm quyền của ngài. Sau đó ngài được đức Karmapa thứ mười sáu công nhận là vị Karma Thinleypa thứ tư. Rinpoche học với nhiều vị thầy lãnh đạo lúc đương thời gồm Zechen Kongtrul Rinpoche và Dingo Khyentse Rinpoche và Ling Rinpoche. Thêm vào chức vụ như là một bậc thầy của hai trường phái Kagyu và Sakya, Rinpoche còn học rộng hai truyền thống Nyingma và Gelug. Năm 1974, Đức Gyalwa Karmapa chỉ định ngài là một “Chúa Công của Pháp” của dòng Karma Kagyu. Như là một học giả lãnh đạo và một đệ tử thân cận của Đức Karmapa, Rinpoche là người thích hợp độc nhất để soạn ra cuốn lịch sử dòng các vị Karmapa này.

Các tiểu sử được kết tập theo cách truyền thống từ các bản văn lịch sử khác nhau của Tây Tạng và từ truyền thống khẩu truyền. Ý nghĩa của chúng lại được soi sáng bằng sự thông hiểu của Rinpoche về một lịch sử thiêng liêng như vậy. Xuyên suốt là ý định phản ánh khuôn mẫu tâm linh được phát hiện qua các cuộc đời của Karmapa, trong khi đem lại một phác họa lịch sử sắc nét của dòng phái.

David Stott
Đại diện tinh thần

của Karma Thinley Rinpoche

ở các trung tâm giáo pháp Anh Quốc

Manchester, Anh

Tháng 10 năm 1978.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]