Đức Đại lão Hòa Thượng Somdet Chuang-Quyền Tăng thống Phật giáo Thái Lan
- Tỏa sáng Giá trị Đạo đức Nhân văn vào Cộng đồng Xã hội
(Senior Thai Buddhist Monk Ven. Somdet Chuang Dies Aged 96)
Đức Quyền Tăng thống Vương quốc Phật giáo Thái Lan, Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn, bậc trưởng lão của phái Maha Nikaya, bậc phẩm đức cao trọng vọng, làu thông tam tạng thánh điển Phật giáo, bậc thạch trụ tòng lâm Phật giáo Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng Tăng già Tối cao (Mahathera Samakhom - Cơ quan Quản lý Phật giáo Thái Lan), Trụ trì ngôi cổ tự Hoàng gia Paknam Phasi Charoen đã thanh thản trút hơi thở vào lúc 05 giờ 48 phút sáng hôm thứ Năm, ngày 9 tháng 12 năm 2021 (6/11/Tân Sửu), trụ thế 96 xuân. Pháp lạp 76 Hạ.
Đức Quyền Tăng thống Vương quốc Phật giáo Thái Lan, Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn, tôn hiệu Somdet Chuang, vị Giáo phẩm trong Hội đồng Trưởng lão Tăng già có uy tín nhất trong 08 ứng viên cho ngôi vị Tăng thống đời thứ 20 Phật giáo Thái Lan, trong vị trí lãnh đạo hơn 300.000 vị tăng sĩ ở Vương quốc chùa tháp này.
Hòa thượng Tiến sĩ Dhammapiya, Tổng Thư ký của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế IBC (trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ), đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng:
"Chúng tôi vô cùng kính tiếc và xúc động khi nhận được tin Trưởng lão Hòa thượng Somdet Phramaharatchamangkhlachan (Chuang Varapunyo) viên tịch.
Ngài là một vị cao tăng Phật giáo uyên thâm, đã không biết mệt mõi bởi sự truyền bá Phật pháp không những ở Thái Lan mà còn phổ cập trên toàn thế giới. Sự từ giã trần gian của Ngài khiến cho cộng đồng Phật giáo mất đi một nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại, một người có thể dẫn dắt mọi người trên con đường thực hành giáo lý từ bi trí tuệ đạo Phật".
Thay mặt tất cả các thành viên Liên đoàn Phật giáo Quốc tế IBC và bản thân tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến môn nhân pháp quyến bản tự Wat Paknam và Phật giáo đồ Thái Lan.
Kính nguyện Trưởng lão Hòa thượng an trú cõi Niết bàn vô tung bất diệt:
Aniccā vata saṅkhārā,
Uppādavayadhammino,
Uppajjitvā nirujjhanti,
Tesaṃ vūpasamo sukho”
“Các pháp hữu vi đều vô thường nhỉ!
Vì có sinh, diệt, trạng thái tự nhiên,
Sau khi đã sinh, đều phải bị diệt,
Niết Bàn tịch diệt pháp hữu vi ấy,
Mới thật sự có an lạc tuyệt đối”.
Tiểu sử
Đức Đại lão Hòa thượng Somdet Chuang-Quyền Tăng thống Phật giáo Thái Lan
(1925-2021)
Đức Trưởng lão Hòa thượng Somdet Chuang thế danh Chuang Sutprasert, sinh ngày 26 tháng 8 năm 1925, dưới thời trị vì của Đức Quốc vương Rama VI, tại tỉnh Samut Prakan, gần Bangkok. Ngài là người con thứ hai trong bốn anh chị em, phụ thân là cụ ông Ming (đã về cõi Phật) và mẫu thân là cụ bà Sampao Sudprasert.
Phúc duyên nhiều đời, đất Bồ đề được vun xới, vườn thiền thêm Bát nhã đơm bông, 14 tuổi thiếu niên Ngài phát tâm xuất gia tại quê nhà Samutprakan, một tỉnh ở miền Trung của Thái Lan, khi những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo đong đưa.
Vào ngày 1 tháng 5 năm 1939, ngài thọ giới Sa di tại chùa Sangkha Racha, quận Lat Krabang, thủ đô Bangkok và thọ giới cụ túc vào ngày 11 tháng 5 năm 1945 tại tại giới đàn chùa Phatthasima Paknam, Phasi Charoen, Bangkok, Ngài được sự dạy dỗ của Trưởng lão Thiền sư Luang Pu Sodh Candasaro (1885–1959).
Sau khi Ngài xuất gia, Trưởng lão Thiền sư Luang Pu Sodh Candasaro đã nhìn thấy tiềm năng của Ngài, Trưởng lão cho Ngài tiếp tục học tiếng Pali và làm Thư ký riêng cho Đức Trưởng lão Hòa thượng Somdet Plot, người nổi tiếng nghiêm trì giới luật, tại ngôi già lam cổ tự Wat Benchamabophit Dusitvanaram (Chùa Cẩm Thạch), quận Dusit, thủ đô Bangkok. Ngài đã học hỏi về việc quản lý cơ sở tự viện Phật giáo và lãnh đạo tăng chúng từ Đức Trưởng lão này. Sau khi hoàn thành khóa học tiếng Pali, Trưởng lão Thiền sư Luang Pu Sodh Candasaro đã mời gọi Ngài trở về ngôi già lam Paknam Phasi Charoen để chung lo Phật sự.
Ngài dành cả cuộc đời tu tập thiền định và nghiên cứu Tam tạng Thánh điển Pali.
Ngày 2 tháng 7 năm 1965, Ngài được bổ nhiệm trụ trì ngôi già lam Paknam Phasi Charoen, cơ sở tự viện lớn nhất ở Bangkok.
Ngài đã thành lập Quỹ Luang Phor Sod Wat Pak Nam để hoằng dương chính pháp, và Thiền pháp Dhammakaya được hồi sinh bởi Luang Pho Sod Wat Pak Nam khoảng thế kỷ trước.
Ngày 20 tháng 8 năm 2013, Ngài được suy tôn ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Tăng già Tối cao (Mahathera Samakhom - Cơ quan Quản lý Phật giáo Thái Lan).
Ngày 20 tháng 1 năm 2014, Ngài đã được sự tín nhiệm của Hoàng gia, tăng đoàn Phật giáo và đã được suy tôn ngôi vị Quyền Tăng Thống Phật giáo Thái Lan.
Năm 2017 Ngài được Đức Quốc vương Rama IV đã ưu ái cho trụ trì ngôi Wat Rạbopit (วัดราชบพิธสถิตมหาสีมารามราชวรวิหาร) tọa lạc ở phía Nam của Wat Suthat, thuộc quận Phra Nakhon, Bangkok.
Được biết Ngài hiếm khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Tuy nhiên, Ngài đã thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với xã hội Thái Lan.
Năm 2014, Ngài đã yêu cầu Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tăng cường hơn nữa trong việc hỗ trợ Phật sự cho chư Tăng Phật giáo ở miền Nam, những người đang hứng chịu thiệt thòi bởi cuộc nổi dậy tại địa phương. Ngài đã thúc đẩy giá trị đạo đức nhân văn xã hội Thái Lan, yêu cầu các phương tiện truyền thông, báo đài phát thanh truyền hình nhắc nhở người xem, tôn trọng đạo lý làm người qua năm giới nhà Phật, Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống; Giới Thứ Hai: Hạnh Phúc Chân Thật; Giới Thứ Ba: Tình Thương Đích Thực; Giới Thứ Tư: Ái Ngữ và Lắng Nghe; Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng và Trị Liệu, trong các chương trình phát sóng truyền hình vào năm 2016 vào dịp Lễ thiêng liêng Magha Puja hay còn gọi là Sangha Day (Ngày Tăng đoàn). Đây là một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo Nguyên thủy và được tổ chức tại nhiều quốc gia, phổ biến nhất là ở Thái Lan, Campuchia và Lào. Ngày Magha Puja còn được gọi là Fourfold Assembly Day (Ngày Tứ hợp).
Kể từ khi Ngài được bổ nhiệm làm trụ trì ngôi già lam cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen (วัด ปากน้ำ ภาษีเจริญ), các hoạt động tại bản tự ngày càng mở rộng, năm 1969, Đức Quốc vương Bhumibol Adulyadej (Tại vị: 1946-2016) đã dâng y Kathina tại đây.
Những thập niên 1990-2000, ngôi già lam cổ tự của Ngài đã thu hút từ 200 đến 400 tu sĩ xuất gia đến nương với Ngài để tu học Phật pháp.
Ngài đã từng là Chưởng quản giám sát Tăng sự cơ sở tự viện Phật giáo ở khu vực Đông Bắc, Nam và Bắc Thái Lan. Sau đó, Ngài đã trở thành Chưởng quản giám sát tăng sự khu vực miền Bắc, và giám sát công việc hoằng pháp ở nước ngoài (ธรรม ทูต, thammatut, Pali: Dhammaduta), cũng như chuyên nghiên cứu tam tạng Thánh điển Phật giáo Pali. Hơn thế nữa, Ngài đã góp phần đáng kể vào việc biên soạn Thánh điển Phật giáo (Tipitaka Pali), đặc biệt để kỷ niệm khánh tuế lục tuần, sinh nhật Đức Đức Quốc vương Bhumibol Aduladej. Để ghi nhận công đức Phật sự, Ngài đã nhận được các bằng Danh dự của Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), Đại học Thammasart và Đại học Sripatum ở Thái Lan.
Ngài đã nhận được các danh xưng kính trọng của Hoàng gia Thái Lan như Phrasrivisuddhimoli (năm 1956), Phraratchavethi (năm 1962), Phrathepwarawethi (năm 1967), Phra Thamthirarathmahamuni (năm 1973) Phrathampanyabodi (năm 1987) và Phra Maha Ratchamangalacharn (vào năm 1995). Sự kính trọng cuối cùng của Ngài, được sự tín nhiệm của Hoàng gia, Tăng đoàn Phật giáo Thái Lan đã tôn vinh vào hàng giáo phẩm Thành viên Hội đồng Tăng già Tối cao Phật giáo Thái Lan. Ngài đã chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Trưởng lão kể từ năm 2005, và sau đó Ngài được suy tôn ngôi vị Quyền Tăng thống Phật giáo Thái Lan.
Những Phật sự tại ngôi già lam Paknam Phasi Charoen, chùa đã thúc đẩy giáo dục Phật giáo ở Thái Lan. Nơi đây có Viện nghiên cứu Phật học Pali nổi tiếng, được Tăng đoàn dùng để in ấn tài liệu cho các kỳ thi quốc gia. Tại đây, Học viện Phật giáo dạy tiếng Pali này đã được Trưởng lão Thiền sư Luang Phor Sodh xây dựng năm 1939 và có đến hàng nghìn vị tăng sinh học tại đây.
Năm 2011, Tại Wat Paknam vẫn giữ cương vị hàng đầu trong các nghiên cứu tam tạng Thánh điển Pali. Với tư cách là người quản lý điều hành Học viện Phật giáo, Ngài đã nỗ lực nâng cao trình độ học tiếng Pali ở Thái Lan, đặc biệt là Ngài quan tâm đến các tỉnh thành trong cả nước. Ngài đã miêu tả tiếng Pali là nguyên thủy của Phật giáo, cần được gìn giữ và phát huy. Tại Wat Paknam cũng đã thiết lập các sáng kiến cho Tăng đoàn Phật giáo Thái Lan trong việc chống mù chữ ở Thái Lan, thông qua việc tăng cường giáo dục tiếng Thái.
Ngài cũng đã có nhiều đóng góp cho Phutthamonthon, một công viên quốc gia được sử dụng làm trung tâm Phật giáo.
Vào năm 2000, Ngài đã đã xây dựng một khu phức hợp trong đó với các bản kinh Phật chạm khắc đá cẩm thạch, và kiến tạo một Bảo tháp tôn trí thờ Xá lợi Phật và một Thư viện Phật học. Ngoài ra, Ngài đã lên kế hoạch thay thế pho tượng Phật tại công viên đã xuống cấp. Pho tượng mới được thay thế cao 145 mét (476 ft). Trong quá trình xây dựng, đã tham khảo các pho tượng Phật ở Nhật Bản, Hiệp hội Phật tử Thái lan đã tranh thủ giúp đỡ trong việc gây quỹ. Dự án được khởi công vào năm 2012, nhằm kỷ niệm 2560 kể từ ngày Đức Phật thành đạo (theo kỷ nguyên Phật giáo). Dự án cũng được quảng bá như một cách giúp Thái Lan trở thành một trong những trung tâm Phật giáo tầm cỡ quốc tế.
Nơi Ngài trụ trì, chùa Wat Paknam Bhasicharoen rất thu hút du khách thập phương hành hương chiêm bái, hấp dẫn bởi nhấn mạnh việc tu tập thiền định, cung cấp nơi ăn chốn ở miễn phí, nghiên cứu Phật giáo và thế tục miễn phí, cũng như trợ cấp mỗi tháng 800 baht. Từ năm 1993, ngôi già lam cổ tự này có cộng đồng Phật tử lớn nhất tại thủ đô Bangkok.
Hoằng pháp lợi sinh
Nhiều đề tài chia sẻ pháp thoại của Ngài đã được đăng trên báo. Ngài thường chia sẻ về các chủ đề như sống hòa hợp, lòng biết ơn và chánh niệm. Đối với những người xuất gia, Ngài nhấn mạnh việc nghiêm trì giới luật, với sự lan tỏa giá trị đạo đức nhân văn, ngôi già lam cổ tự Phật giáo trở nên thu hút đối với công chúng.
Với tư cách là bậc mô phạm trì luật tinh nghiêm, người quản giám Tăng đoàn, Ngài đã được ghi nhận là người giải quyết các vấn đề về sự thống nhất trong Tăng đoàn. Ngài đã lên tiếng kêu gọi các vị Tăng sĩ sống tiêu cực, ham thích thụ hưởng vật chất xa hoa, hãy nghiêm túc trong bổn phận của một vị tu sĩ Phật giáo. Trong các vấn đề kỷ luật khác, Ngài đã nỗ lực trong việc kêu gọi chấn chỉnh các vấn đề sinh hoạt trong cộng đồng cơ sở tự viện, chẳng hạn như lệch lạc trong giáo điển Phật giáo, thiếu nghiêm túc đối trong đời sống của người xuất gia, thiếu kiến thức về giới luật.
Sau cuộc Đảo chính ngày 22 tháng 5 năm 2014, Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Prayut Chan-o-cha, Tổng tư lệnh của Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA), Đại tướng Prayut Chan-o-cha đã tham khảo ý kiến của Ngài với tư cách là Quyền Tăng thống Phật giáo Thái Lan, đây là một phong tục dành cho các Thủ tướng mới. Ngài nhấn mạnh việc khôi phục và quản lý môi trường tốt hơn, thúc đẩy sự thống nhất và trung thực với xã hội, thông qua việc giữ gìn Năm điều căn bản đạo đức của người tại gia (Ngũ giới). Ba tháng sau, nữ Cư sĩ Yingluck Shinawatra, Cựu thủ tướng Thái Lan đã đến thỉnh vấn Ngài, Ngài khuyên bà nên kiên nhẫn và chịu đựng, không nên để hoàn cảnh bên ngoài làm ảnh hưởng quá nhiều.
Năm 2014, Ngài bắt đầu quảng bá năm điều căn bản đạo đức của người Phật tử tại gia (Ngũ giới), thông qua một chương trình toàn quốc, "Những làng gìn giữ và phát huy đạo đức nhân văn qua Năm giới" (หมู่บ้าน รักษา ศีล ๕ , muban raksa sin ha). Trong chương trình này, được tổ chức với sự hợp tác của Văn phòng Phật giáo Quốc gia, các làng được khuyến khích đồng ý tuân thủ Năm giới một cách nhất trí. Những ngôi làng có một trong hai cư dân sẽ nhận được một dấu hiệu để thông báo ý định của họ với khách quan bên ngoài. Các cuộc đánh giá được tổ chức theo từng khu vực hành chính của các cơ sở tự viện Phật giáo và giải thưởng được trao cho các làng gương mẫu, có đến 80% dân làng tham gia.
Các học đường từ Trung học, Cao đẳng, Đại học, chính quyền địa phương, Tăng đoàn và các doanh nghiệp tư nhân, các công ty, xí nghiệp tư nhân đều nhiệt tình hưởng ứng phong trào và tham gia vào việc quảng bá, thực hành Năm giới. Các chương trình tôn vinh giá trị nhân văn đạo đức tương tự đã được tổ chức ở Vương quốc Phật giáo Thái Lan từ năm 1978, nhưng chưa từng được quy mô như Ngài đã tổ chức. Chương trình tôn vinh giá trị nhân văn đạo đức đã truyền cảm hứng cho một số sáng kiến, ví dụ, khuyến khích Năm giới đối với các tù nhân trong các trại giam, khuyến khích tu học Phật pháp. Các nhà tổ chức của chương trình đã tuyên bố rằng, tội phạm đã giảm rất nhiều ở các khu vực đã tham gia chương trình quý báu này.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Matichon, thầy Luang Phi Pae, thị giả của Ngài nói rằng, tất cả các giáo lý đạo Phật, đối với Phật tử tại gia, nhiều nhất là Ngài đã khuyến khích giữ Năm giới.
Năm 2017, Văn phòng Quốc gia Phật giáo Thái lan tuyên bố rằng đã có hơn 60% dân số Thái Lan đồng tình ủng hộ và lên tới 39 triệu người tham gia Các chương trình tôn vinh giá trị nhân văn đạo đức.
Tính đến năm 2019, Các chương trình tôn vinh giá trị nhân văn đạo đức vẫn đang điều hành bởi Hội đồng Tăng già Phật giáo Thái Lan, và các giải thưởng vẫn tiếp tục trao cho các làng có tấm gương tiêu biểu, và các thành phố gương mẫu.
Phúc lợi Từ thiện Xã hội
Dưới sự giám sát điều hành của Ngài, tại ngôi già lam cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen đã thành lập Quỹ Luang Por Wat Paknam, nhằm mục đích gây phúc lợi từ thiện cho các dự án văn hóa giáo dục, kiến thiết và từ thiện. Được sự dẫn dắt của Ngài, nền tảng này cũng đã hỗ trợ cho người xuất gia. Hơn nữa, việc này đã giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt năm 2011 ở Thái Lan, và Ngài đã trực tiếp chỉ đạo và đồng tham gia công tác từ thiện cho các khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất năm 2015 tại Nepal, với sự hợp tác của tổ chức the organization Hands 4 Nepal.
Bản tự của Ngài đã tổ chức một số hoạt động nhằm thúc đẩy và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng. Kể từ những thập niên 1973, bản tự của Ngài đã tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo theo chu kỳ 3 tháng một lần, với sự hợp tác của Hội Chữ Thập Đỏ và Trung tâm Hiến máu nhân đạo Quốc gia Thái Lan. Ý tưởng được phát triển bởi Cư sĩ Phrakhru Chai Kittisaro, trợ lý của Ngài. Dự án này được nhiều người biết đến bằng cách thuyết phục người dân khắp cả nước tham gia hiến máu nhân đạo.
Ngôi cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen nơi Ngài trụ trì đã nhận được ba giải thượng cho những người đóng góp trong việc hiến máu nhân đạo, từ Công chúa Soamsavali, người vợ thứ nhất của đương kim quốc vương Rama X và Công chúa Sirindhorn (người sau này là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ).
Từ năm 2005 trở đi, mọi người có thể đăng ký hiến ghép mô tạng, xương và mắt. Cư sĩ Phra Khru Chai đã miêu tả các khoản quyên góp là một hình thức cao hơn của việc thực hành hảo tâm (tiếng Pali: upapārami). Tính đến tháng 6 năm 2014, các đợt hiến máu nhân đạo vẫn được tổ chức thường xuyên. Bản tự của Ngài vẫn tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho cộng đồng địa phương.
Năm 2013, các nhà hoạch định chính sách địa phương đã phát triển kế hoạch xây dựng một bệnh viện ở Do Muang, Bangkok, mang tên "Bệnh viện Luang Por Wat Paknam". Bệnh viện được xây dựng trên tài sản của ngôi cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen. Tính đến tháng 9 năm 2015, khu vực này vẫn đang được cho thuê và các cuộc đàm phán với người thuê đang được tiến hành.
Hoạt động Phật giáo Quốc tế
Theo lời Ngài thuật lại rằng, các hoạt động Phật giáo quốc tế, Ngài "tiếp tục công việc của vị trụ trì tiền nhiệm". Trước đây, vị tiền nhiệm trụ trì cũng đã truyền trao giới pháp cho một số các vị tu sĩ Phật giáo đến từ Vương quốc Anh và duy trì mối quan hệ với chư tôn đức tăng già và Phật tử Nhật Bản, đặc biệt là truyền thống Tịnh độ Chân tông. Đến thời của Ngài trụ trì, bản tự đã truyền trao giới pháp cho những người mang quốc tịch khác ngoài Thái Lan, cả chư tăng và Phật tử tại gia.
Ngài đã thành lập bảy chi nhánh của ngôi cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen tại Thái Lan và các quốc gia khác như Hoa Kỳ, New York, Los Angeles, Michigan và Philadelphia; ở New Zealand, Ấn Độ và Nhật Bản. Từ năm 1984 về sau, một số ngôi già lam tự viện được thành lập, trong số đó tiền thân là một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Các cơ sở tự viện này thu hút người Thái, Lào và Campuchia. Các trung tâm Phật giáo quốc tế chủ yếu đều nhấn mạnh việc tu tập thiền định.
Tại Nhật Bản, Ngài đã kiến tạo ngôi già lam Wat Paknam Japan, mang kiến trúc truyền thống Thái Lan, 32.000 mét vuông (7,9 mẫu Anh) với sảnh Ubosot kiểu Thái cổ điển.
Trong trận động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, và trận động đất ở Kumamoto năm 2016, ngôi chùa của Ngài đã cung cấp nơi trú ẩn và viện trợ, một trung tâm y tế được thành lập trong khuôn viên chùa với các nhân viên y tế từ Thái Lan. Hơn thế nữa, ngôi cổ tự của Ngài tại Thái Lan, cũng đã yêu cầu Tăng đoàn Phật giáo Thái Lan trên toàn quốc, cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Nhật Bản thông qua ngôi chùa của Ngài Wat Paknam Japan tại Nhật Bản. Trung tâm của Ngài có mối quan hệ tốt đẹp với Tổ chức Shinnyo-En, Nhật Bản, và đã thực hiện các chương trình phúc lợi từ thiện với phong trào, chẳng hạn như viện trợ cho các nạn nhân của trận lũ lụt ở miền nam Thái Lan. Để ghi nhận tầm quan trọng trong việc phát huy giá trị nhân văn từ thiện xã hội, ngôi chùa của Ngài Wat Paknam Japan tại Nhật Bản đã được bình chọn là một trong bảy ngôi chùa điểm đến thân thiện của tỉnh Chiba, theo báo Thái Lan.
Ngôi chùa của Ngài đã quyên góp đáng kể cho một số ngôi chùa Thái Lan ở nước ngoài, và từ những năm 2015 trở đị đã tổ chức các kỳ thi học tiếng Pali tại Hoa Kỳ.
Ngãi cũng đã thiết lập các sáng kiến trong hợp tác với các cơ sở tự viện Phật giáo Sri Lanka, bao gồm một chương trình truyền traog giới pháp cho chư tăng và Phật tử người Sri Lanka tại Thái Lan và việc xây dựng các đài tưởng niệm tại một số địa điểm có ý nghĩa lịch sử ở Sri Lanka. Để ghi nhận sự cống hiến của Ngài với tình hữu nghị Linh Sơn cốt nhục giữa các quốc gia Phật giáo, Ngài đã nhận được các danh hiệu tôn kính từ Hội đồng Tăng già các quốc gia Phật giáo Sri lanka, Bangladesh và Myanmar.
Kiến trúc xây dựng
Kể từ khi nhận nhiệm vụ trụ trì ngôi cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen, Ngài đã tích cực tu bổ các công trình xây dựng tại khu phức hợp của chùa, vốn không chuyên môn trong thời gian vị tiền nhiệm trụ trì.
Năm 2004, Ngài đã có sáng kiến khởi công kiến tạo một Đại Bảo tháp trong khuôn viên chùa, mang tên "Maharatchamongkhon" (มหา รัช มงคล). Tên của Đại Bảo tháp với ý nghĩa 'một vùng đất phúc hạnh, vĩ đại', dùng để chỉ Vương quốc Phật giáo Thái Lan dưới thời trị vì của Hoàng gia, nơi Đại Bảo tháp đã được cung hiến. Nó cũng đề cập đến danh dự của Ngài. Đại Bảo tháp cao 80 mét (260ft) khối đa diện bởi các mặt bên mười hai mặt với 5 tầng, trong đó có một bảo tháp đường kính khác cao 8 mét, một tầng tôn trí thờ Xá Lợi, tượng Phật và chư vị cao tăng tôn kính trong đó có Thiền Sư Luang Phor Sodh (Một trong những vị Thánh Tăng của Thái Lan). Năm 2012, sau khi Đại bảo tháp hoàn thành, ngôi cổ tự Wat Paknam Bhasicharoen đã trở thành một điểm thu hút đông đảo khách quốc tế du lịch.
Vào tháng 3 năm 2017, để tôn vinh Trưởng lão Thiền sư Luang Pu Sodh Candasaro (1884-1959), người đã dày công giảng dạy Thiền định Phật giáo, giúp phát triển ngôi cổ tự trở thành một trung tâm Thiền định Phật giáo nổi tiếng, và Hoàng gia Thái Lan. Ngài bắt đầu xây Pho tượng Phật Phra Buddha Dhammakāya Thepmongkhon khổng lồ với tư thế ngồi thiền trang nghiêm trên bệ tòa sen, được đúc bằng đồng và thếp vàng, pho tượng Phật cao bằng ngôi nhà 20 tầng, cao 69 mét (226 ft) và rộng 40 mét (130 ft). Người phát ngôn của chùa cho biết, chất liệu để chế tác pho tượng Phật được làm bằng đồng nguyên chất, khiến pho tượng trở thành loại hình mẫu đầu tiên trên thế giới.
Một đời xả kỷ vị tha, cống hiến cho đạo pháp dân tộc, tỏa sáng giá trị nhân văn đạo đức vào cộng đồng xã hội, qua khuyến khích công dân thực hành năm điều căn bản đạo đức làm người, Năm giới nhà Phật. Dù cho thế sự thăng trầm của vận nước và hưng vong của đạo Pháp; Ngài vẫn bình thản trong chánh niệm để giúp người dân chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.
Gần một trăm năm hòa mình cùng thiên hạ, sớm hôm tối lửa tắt đèn, sống chết có nhau, những ánh mắt nụ cười hiền hòa, từ bi tâm của Ngài rãi khắp muôn nơi, trí tuệ của Ngài tỏa chiếu đã xua tan biết bao những tham vọng quyền thế, tranh danh đoạt lợi trong vô minh não phiền.
Ta bà quả mãn, hóa viên ký tất, Ngài thanh thản trút hơi thở, xả báo thân, nhập Pháp thân thanh tịnh vào lúc 05 giờ 48 phút sáng hôm thứ Năm, ngày 9 tháng 12 năm 2021 (6/11/Tân Sửu), trụ thế 96 xuân. Pháp lạp 76 Hạ.
Thích Vân Phong
(Tham khảo từ nguồn Wat Paknam Bhasicharoen)