Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Luân hồi

26/02/201115:33(Xem: 2928)
01. Luân hồi

THANH TỊNH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

01. Luân hồi

Con người càng được kính trọng càng được khen ngợi thì bản ngã càng có cơ hội phát triển nhiều. Mà chạy theo bản ngã là chạy theo sinh tử luân hồi.

Khi từ bi và trí tuệ được phát triển trọn vẹn thì con người sẽ không còn phân biệt nữa vì bắt đầu từ thời điểm ấy từ bi là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi và họ sẽ thấy rõ ràng tất cả bản thể Chân Như của vạn pháp. Hình tướng bề ngoài tuy khác nhau nhưng Thể Tánh bên trong chỉ là một. Đó chính là :”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” vậy.

Điều qua trọng nhất con người cần phải biết là tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật vì ai ai cũng đều có sẵn Phật tính trong mình, chỉ vì mê lầm không thấy rõ tính chất cao quý thiêng liêng nơi mình mà chúng sinh mới bị mê đắm vào vòng đau khổ luân hồi.

Nguyên nhân của tất cả sự khổ đau bắt đầu từ bản ngã vì nó vốn có khuynh hướng phân biệt thân sơ, tốt xấu, giàu nghèo, ta và người…và từ đó nẩy sinh các tham vọng, ái dục, đố kỵ, tranh chấp đẩy con người lún sâu vào vòng sinh tử khổ đau.

Con người nên quay vào bên trong để lắng nghe tiếng gọi của Chân Tâm mà sống với tự tánh thanh tịnh thì không bị lôi cuốn của thế gian. Một người chết đuối không thể cứu một người khác cũng đang chết đuối. Một việc làm cao đẹp chỉ có nghĩa khi nó được làm bởi một cái tâm vị tha chân thật.

Làm sao biết rằng việc làm của mình là hoàn toàn vô vị lợi? Chỉ khi nào làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có chúng sinh được cứu độ, không thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt đó mới là vô ngã.

Đức Phật thuyết pháp cho 5 vị đệ tử đầu tiên lại vườn Lộc Uyển

Con người đều là những giọt nước trong đại dương của sự sống, tuy là một thành phần nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được toàn thể sự sống của đại dương. Chúng ta có thể mang những thể xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau và thâu nhập học hỏi những kinh nghiệm khác nhau nhưng chúng ta đều là thành phần của một sự sống vĩ đại, của một Chân Như Đại Thể.

Khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, con người không còn ao ước sự giải thoát cho chính mình vì họ thấy mình và chúng sinh là một không hề khác nhau và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được?

Lời Mở Đầu.

Đã là con người sống trong thế gian nầy thì ai ai cũng ước mơ cho mình được giàu sang sung sướng, công danh thành đạt và sức khỏe dồi dào để sống cho đến trăm tuổi bạc đầu. Nhưng đâu phải giấc mơ nào cũng thành sự thật đâu? Nếu chúng ta may mắn được giàu sang phú quý thì lại không thông minh đĩnh đạt, còn kẻ thông minh trí tuệ thì lại phải sống thanh bần và người sống thọ thì nay đau mai yếu khó được yên vui. Vậy tất cả sự giàu sang, danh vọng và sống trường thọ có thật sự đem đến những hạnh phúc chân thật cho con người không?

Hay là càng giàu thì con người càng có nhiều cơ hội để tạo nghiệp, địa vị càng cao thì dễ dàng gây cảnh đau thương cho người khác và thọ mạng càng lâu thì càng dễ gây khổ cho nhiều người. Nhưng trong thế gian nầy không phải không có người giàu sang với tâm hồn cao thượng, hay không có kẻ nắm quyền cao thế trọng mà có lương tâm bởi vì họ đã đạt được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh có nghĩa là người có tâm hồn trong sáng, cuộc sống của họ không chạy theo bản ngã và nội tâm không bị kích động bởi tham lam, giận hờn và si mê.

Người biết xả kỷ vị tha thì lúc nào cũng an vui tự tại vì đối với họ tiền tài danh vọng cũng chỉ như bóng trăng dưới nước hay hoa đóm trên không mà thôi. Khi mê chúng ta cho cuộc đời là thật, là chắc chắn, là bền vững ngàn năm đến khi mất mới biết đời chỉ là ảo mộng. Thân thì mất, tiền tài danh vọng cũng chẳng còn, chẳng đem theo được vì thế cho dù con người có tiền rừng bạc biển, danh vọng cao sang thì đến lúc chết cũng trở về với cái Không mà thôi. Còn cái Có mà họ chắc chắn sẽ mang theo chỉ là cái nghiệp để thọ lãnh cảnh khổ cho đời sau.

Chỉ có tâm thanh tịnh mới tác tạo một tâm hồn trong sáng để làm việc thiện, tránh xa việc ác và dĩ nhiên không còn tạo nghiệp. Không tạo nghiệp là không còn khổ, không còn luân hồi sanh tử và đây chính là hạnh phúc viên mãn mãi mãi cho ngày sau. Đạo Phật không chủ trương dạy con người làm giàu hay đạt công hầu khanh tướng vì đây chỉ là những hạnh phúc tạm bợ, giả dối để gánh chịu những cái khổ về sau, mà đạo Phật chỉ hướng dẫn con người tránh xa mọi ô nhiễm và biết kiềm chế ái dục để tâm được thanh tịnh. Vì thế người Phật tử luôn lấy câu:”tri túc thiểu dục” làm nền tảng cho cuộc sống của mình. Tâm thanh tịnh tức là chơn tâm, là Phật tánh, là hạnh phúc vĩnh hằng trong mỗi chúng ta.

Hưởng thọ phước báu nhân gian như bắn tên lên trời, khi hết đà sẽ rơi xuống đất, không bền không chắc, nay có mai không. Cái chân thật mà con người nên tựa vào là sống trong nhân thế mà không hề rời tự tánh và đi vào chốn bụi trần mà không hề rời Niết bàn. Bồ tát đến thế gian cứu độ chúng sinh là nhờ vào nguyện lực, còn phàm phu thọ báo trong thế gian là do nghiệp lực. Bồ Tát tuy sống trong quần chúng, nhưng không bị sinh tử trói buộc và phiền não thiêu đốt.

Phần thứ hai của sách nầy, chúng tôi vừa soạn lại tiểu sử mười vị đại đệ tử của Đức Phật. Thiển nghĩ trong thời mạt pháp nầy, nếu có thể hình dung lại cuộc sống của những vị Thánh Tăng để chúng ta có cảm tưởng như đang sống trong thời Đức phật còn tại thế cách nay trên 2500 năm về trước ngỏ hầu giúp chúng ta học hỏi, nghiền ngẫm và tư duy về tất cả những phương cách tu tập khác nhau để đạt được tâm thanh tịnh và đoạn trừ phiền não. Họ là những tấm gương sáng chói cho chúng ta noi theo để đạt đến đạo quả Bồ-đề.

Nói về đạo thì không có đạo nào cao siêu bằng đạo Phật, còn nói về lý thì không có lý nào uyên thâm bằng giáo lý Phật. Vì thế cốt tủy của đạo Phật là khuyên bảo con người nên làm lành, hướng thiện, lìa xa tội lỗi và tu tập để tâm mình được hoàn toàn thanh tịnh. Do đó một người Phật tử chân chính là người chẳng những thấm nhuần giáo lý Đức Phật, mà phải dùng triết lý mầu nhiệm nầy để sống với mọi người với tấm lòng từ bi vô ngã và chắc chắn sẽ mang lại an vui tự tại cho chính mình và cho tất cả mọi người.

Căn nhà giác ngộ có tới tám vạn bốn ngàn cánh cửa để vào. Căn cơ của chúng sinh thì cao thấp khác nhau vì vậy chúng sinh muốn tu theo pháp môn nào cũng đều là chánh đạo cả. Muốn tu theo thiền thì phải đoạn cho được mọi phiền não, sám hối cho hết tất cả nghiệp căn mới mong đốn ngộ. Nhưng chứng ngộ ở đây chỉ là Lý còn Sự thì phải tu mới thành. Nếu không thì khó lòng mà đạt được Minh Tâm Kiến Tánh, tức là cảnh vô sanh vô diệt. Còn pháp môn Tịnh Độ thì chỉ cần niệm Phật A Di Đà, giữ tâm thanh tịnh, đừng tạo nên nghiệp mới thì sẽ được vãng sanh vào cõi Tây Phương Cực Lạc. Nhất tâm là đối với tán tâm mà nói bởi vì nếu miệng niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà trong tâm lại vọng tưởng đủ thứ, đó chính là tán tâm niệm Phật.

Còn nếu niệm Phật đạt đến tâm và miệng tương ưng, không có vọng tưởng tạp loạn, chỉ có danh hiệu Phật không gián đoạn, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm thì đạt đến trình độ công phu Nhất Tâm Bất Loạn. Lúc chết họ sẽ được Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát hay Chư Thánh đến tiếp dẫn. Thêm nữa, người tu theo Pháp môn Tịnh Độ được mang cả nghiệp cũ vào cõi Thánh nên được gọi là đối nghiệp vãng sanh. Trong thời mạt Pháp, Đức Phật dạy rằng niệm Phật là pháp môn thù thắng trong tất cả các pháp môn. Xin nhắc lại, từ vô lượng kiếp về trước, có một kiếp Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Thích Ca đồng tu với nhau. Lúc ấy vua Vô Trách Nhiệm, tức là tiền thân Phật A Di Đà kết bạn rất thân với vị đại thần tên là Bảo Hải, tức là tiền thân Phật Thích Ca. Khi ấy có Phật Bảo Tạng ra đời để hóa độ chúng sinh thì hai vị cùng đến chỗ Phật Bảo Tạng mà phát Bồ Đề Tâm.Vua Vô Trách Nhiệm phát nguyện rằng:”Tôi

nguyện tu pháp chứng để ứng hóa về cõi Tịnh Độ, chẳng nguyện về cõi Uế Độ. Nếu tôi chứng được bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì tôi nguyện độ chúng sinh trong cõi Tịnh Độ không có một điều khổ não, nếu chẳng được như vậy, tôi thề chẳng thành Phật”. Còn đại thần Bảo Hải thì nguyện ứng hóa về cõi Uế Độ, tức là thế giới Ta Bà nầy để hóa độ chúng sinh.

Sau bao nhiêu kiếp tinh tấn tu hành, cả hai nay đã thành Phật. Ngày nay nhân tròn quả mãn, phần tự giác đã xong, Phật Thích Ca đã dùng Phật nhãn mà xem xét cõi tịnh độ của Phật A Di Đà để độ chúng sinh trong cõi Ta bà đang gánh chịu bao nhiêu điều thống khổ được vãng sanh về cõi Thánh. Đây chính là con đường Liễu Sanh Thoát Tử, chuyển phàm đạt Thánh vậy.

Chúng tôi kính nguyện tất cả chúng sinh Bồ- đề tâm luôn luôn tăng trưởng, chánh tín chánh kiến chưa sinh sẽ sinh và nếu đã sinh thì càng kiên cố bất thoái cho đến ngày viên thành Phật đạo.

Xin hồi hướng và cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho quý vị và gia đình được vô lượng an lạc, vô lượng phước báu trong ánh từ quang của chư Phật.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kinh điển Phật giáo là những bảo vật vô giá và chính là kim chỉ nam cho kẻ tu hành, nhưng muốn giải thoát giác ngộ con người không thể hoàn toàn sống trong dĩ vãng hay thế giới của kinh điển được. Con người cần đọc kinh để tìm hiểu những ý nghĩa huyền diệu nhưng cũng cần cần phải xét suy những gì hợp với sự thật và gạt bỏ đi những gì rườm rà phiền phức. Nói như thế có nghĩa là chúng ta tôn trọng Chân Lý mà Đức Phật đã chỉ dạy trong tinh thần chứ không phải trong sách vở hay kinh điển. Đọc quá nhiều kinh sách cũng là một chướng ngại cho sự tu hành vì tu là tìm sự giải thoát chứ không phải bị trói buộc trong những dòng chữ trong kinh.

Trước khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tìm đạo, nhân dịp dạo chơi bốn cửa thành thì Ngài thấy những cảnh khổ như sanh, già, bệnh, chết. Từ đó trong tâm của Thái tử nẩy sanh ra ba thắc mắc:

1) Con người chúng ta từ đâu đến đây?

2) Sau khi chết thì chúng ta sẽ đi về đâu?

3) Cuộc đời nầy đầy dẫy khổ đau do đó nếu muốn thoát khổ và ra khỏi vòng sanh tử thì phải làm sao?

Vì những thắc mắc đó mà Ngài không yên tâm sống trong cảnh cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh mà quyết chí xuất gia cầu đạo, xả phú cầu bần để cố tìm cho ra chân lý. Sau gần 11 năm tu hành khổ hạnh đến khi thân thể khô cằn chỉ còn xương bọc lấy da và một ngày nọ vì quá kiệt sức Ngài ngã quỵ bên dòng sông Ni Liên. Lúc ấy có một thôn nữ tên là Sujata đến cúng dường một bát cháo sữa và sức khỏe Thái tử dần dần hồi phục. Thái tử bèn tắm gội ở dòng sông Ni Liên, vượt qua sông lớn đến núi Bát La Cấp Bồ-đề tức là núi Tiền Chánh Giác và dạo xem phong cảnh ở đây. Ngài rất hài lòng cảnh trí an tĩnh của núi nầy và có ý định chọn nơi đây để thành Chánh Giác. Khi Thái tử từ triền núi phía đông bắc lên trên đỉnh núi, mặt đất bỗng chấn động làm núi rừng rung chuyển. Sơn thần lo sợ thưa với Thái tử:

Quả núi nầy không có phước để Ngài tu thành Chánh giác. Nếu Ngài ở lại đây, nhập Kim Cương định, sẽ sinh ra động đất thì núi nầy thế nào cũng bị sụp đổ.

Sau đó Thái tử từ phía tây nam đi xuống, dừng lại nơi lưng chừng núi, nhìn xuống vực sâu thấy có một ngôi thạch thất. Ngài bèn vào trong ngôi thạch thất, ngồi Kiết già thì mặt đất lại chuyển động làm quả núi rung chuyển. Khi đó có vị Hộ pháp thiên thần là Tịnh Cư Thiên, một trong Tứ Thiên vương, từ trên không nói vọng xuống:

Chỗ nầy cũng không phải nơi Như Lai tu thành Chánh giác. Ngài phải đi khoảng mười lăm dặm về hướng tây nam, không xa nơi Ngài tu khổ hạnh khi trước, có một cây Tất Bạt La, bên dưới có một tòa kim cương, chư Phật quá khứ và tương lai đều thành Chánh giác tại đó cả. Như Lai nên đi đến đó.

Thái tử bèn đi đến cây Tất Bạt La, trong lòng thầm nghĩ nên dùng cỏ để trải tòa. Trời Đế Thích thấu biết liền biến thành một người cắt cỏ, gánh một gánh cỏ đến. Thái tử bèn hỏi:

Cỏ ông gánh đấy có cho tôi mượn được không?

Thái tử nhận cỏ và lót ngồi dưới cội cây Tát Bạt La. Ngài ngồi suốt 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Tất Bạt La và trở thành đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đây Thái tử Tất Đạt Đa không còn nữa mà trở thành Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và cây Tất Bạt La được gọi là cây Bồ-đề tức là cây giác ngộ. Khi Phật Đà còn tại thế, cây ấy cao mấy mươi thước, bị chặt phá bao nhiêu lần nên ngày nay cây Bồ-đề là cây cháu, cây chít chớ không còn là cây mà ngày xưa Đức Phật ngồi trên đó. Mỗi năm đến ngày Đức Phật nhập diệt, cây Bồ-đề rụng hết lá, nhưng sau đó lá xanh lại nhanh chóng phục hồi như trước.

Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng bốn trăm năm tức là vào năm 264 trước Công nguyên, vua A Dục mới lên ngôi. Vì tin theo tà đạo và muốn phá hoại di tích Phật giáo, đích thân nhà vua thống lãnh quân đội đến chặt phá cây Bồ-đề. Cây bị đào bật gốc, chặt đứt từng đoạn rồi đem đi vất cách xa chỗ ấy mấy mươi bước rồi hạ lệnh cho những người Bà La Môn thờ lửa đốt rụi để tế trời. Khi ngọn lửa còn đang phừng cháy, đột nhiên nẩy sinh ra hai gốc cây Bồ-đề trong ngọn lửa, tàng lá sum sê, xanh tốt rất mực nên người sau gọi là cây Bồ-đề tro.

Vua A Dục thấy chuyện kỳ lạ, thành tâm hối hận, dùng sữa thơm rửa sạch các rễ cây còn sót lại và đến sáng hôm sau cây Bồ-đề phục sinh như cũ. Nhà vua thấy linh dị như thế, trong lòng phát sinh tâm kính ngưỡng nên đích thân nhà vua cúng dường trọng lễ. Vương phi xưa nay tín ngưỡng ngoại đạo, lén sai đầy tớ nhân lúc trời tối quá nửa đêm đến chặt cây. Sáng hôm sau, vua A Dục thấy cây bị tàn tạ, đau đớn trong lòng, dùng sữa thơm tưới rửa thì chưa đến một ngày cành lá lại phục hồi như trước. Từ đấy vua A Dục lại càng tôn sùng tin tưởng liền cho xây tường bao bằng đá, cao trên mười thước để bảo vệ cho cây mà vẫn còn cho đến ngày nay.

Vào cuối thế kỷ thứ sáu, vua nước Cao Đạt là Sasànka có nghĩa là mặt trăng cũng tín ngưỡng ngoại đạo nên đố kỵ phá hoại Phật pháp. Nhà vua ra lệnh chặt bỏ cây Bồ-đề, đem vất xuống sông và cho đào cả rễ cây mà đốt. Sau đó dùng mật đường mía tươi tưới lên cho tuyệt mầm. Mấy tháng sau vua Mãn Trụ (Pàrnavarma) là cháu vua A Dục nghe tin ấy thì than thở:

Ngày của Trí tuệ đã ẩn tàng rồi, chỉ còn lại mỗi cây Bồ-đề ấy mà nay cũng bị tàn phá nốt thì chúng sinh còn gì để nương tựa?

Nhà vua nằm lăn ra đất rất đau thương rồi dùng sữa của mấy ngàn con bò mà tưới cho cây. Qua một đêm cây lại nẩy mầm lớn lên cao đến hơn mười thước. Nhà vua lại sợ có người lại phá hoại nên cho xây tường bằng vách đá xanh cao để bảo vệ mà hiện nay vẫn còn là một di tích ở Bồ-đề đạo tràng.

Từ lúc khai thiên lập địa, ở trong tam thiên đại thiên thế giới và ở ngay trung tâm của Bồ-đề đạo tràng có một tòa Kim Cương mà bên dưới đụng tới Kim luân và bên trên đụng tới mặt đất do Kim Cương cấu thành với chu vi khoảng một trăm bước. Thời Hiền kiếp thiên Phật tức là một ngàn vị Phật xuất thế độ sanh đều tọa thiền nơi ấy mà nhập được Kim Cương định nên mới gọi là Kim Cương tòa.

Phía bắc cây Bồ-đề, có một khu đất, là nơi Phật Đà tản bộ. Sau khi thành Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật ngồi tĩnh tọa tại tòa Kim Cương nhập định bảy ngày. Lúc đó có Long vương muốn hộ vệ Như Lai nên lấy thân mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng, rồi hóa thành nhiều đầu lâu để bảo vệ cho Ngài. Kế đó có ngôi tịnh xá xây dựng trên một tảng đá lớn. Trong tịnh xá có một Phật tượng, mắt nhìn lên trên cao bởi vì ngày xưa sau khi thành Phật, Ngài đứng tại đó trải qua bảy ngày nhìn chăm chăm cây Bồ-đề, dẫu một khắc cũng không rời.

Đó là Như Lai báo đáp ơn trọng của cây Bồ-đề và cũng là lúc Ngài suy nghĩ lời của một Đại Phạn Thiên vương khuyên nên chuyển bánh xe Pháp. Sau khi thành đạo thì có hai vị thương gia tên là Đề Vị (Tapussa) và Ba Lợi (Bhallika) lấy thức ăn đi đường của mình gồm cháo mạch và mật ong dâng lên Phật Đà. Thọ dụng bửa ăn xong, Đức Phật đang tính tìm vật chi để đựng thức ăn thì bốn vị Thiên Vương từ bốn phương hiện đến, mỗi người đem theo một bình bát bằng vàng, chuẩn bị hiến cho Thế Tôn. Đức Phật không chịu nhận vì người xuất gia không xử dụng vật dụng ấy. Tứ Thiên vương lại dâng các loại bình bát bằng bạc rồi mã não, lưu ly…đều bị Thế Tôn từ chối. Bốn vị Thiên vương mỗi người trở về tiên cung lấy loại bình bát bằng đá, sắc xanh hồng dâng lên. Thế Tôn nhận cả bốn bát bằng đá, rồi nhập chung lại thành một, nên bình bát của Phật có bốn cái dấu.

Phía đông cây Bô-đề có ngôi Manh Long thất. Trong nhà có con rồng kiếp trước phạm nhiều tội nên khi ra đời đã bị mù cả hai con mắt gọi là con rồng mù. Khi Thái tử sắp thành Chánh Giác có đi ngang qua Manh Long thất, thốt nhiên mắt rồng trở nên sáng ra liền bạch với Thái tử:

Thầy sắp sửa thành Chánh Giác vì đôi mắt tôi mù đã lâu lắm rồi, khi nào Phật ra đời thì mắt tôi liền sáng. Bửa nay, thầy đi qua, hai con mắt của tôi sáng ra nhìn thấy hết mọi thứ cho nên tôi biết thầy sắp thành Phật.

Trong đêm lịch sử mùng tám tháng chạp cách đây trên 2500 năm thì Ngài đã thành đạo sau khi chứng được tam minh và lục đại thần thông. Tam minh đó là:

1)Túc Mạng Minh: Túc là đời trước, mạng là sinh mạng còn minh là sáng suốt. Do đó túc mạng minh là sáng suốt để thấu hiểu rõ ràng những đời trước của mình. Đây là lời giải đáp câu hỏi thứ nhất là con người chúng ta từ đâu mà đến? Đức Phật đã thấy rõ vô số tiền kiếp của mình như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài là ai? Tên gì? Và sống ở đâu? Từ đó vô số kiếp hiện ra trước mắt Ngài, một kiếp qua đi thì kiếp khác lại đến. Vì sự trực tiếp nhớ về đời quá khứ của chính mình nên về sau đệ tử của Phật gom góp tất cả các đời quá khứ để làm thành kinh Bổn Sự cho Đức Phật.

2)Thiên Nhãn Minh: là con mắt sáng suốt thấy rõ ràng những gì rất xa một cách tường tận. Ngài đã thấy sự sanh tử của chúng sanh dựa trên cái nghiệp mà chính họ đã tạo ra. Sự thấy biết của Ngài như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Đức Phật thấy rằng con người chết rồi không phải là hết mà phải theo nghiệp để thọ sanh trong Lục đạo Luân hồi. Đây là câu trả lời cho nghi vấn thứ hai là sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu.

3)Lậu Tận Minh: Lậu là rơi rớt, tận là chấm dứt, là hết. Do đó lậu tận minh là biết tường tận để không còn rơi rớt vào trong lục đạo luân hồi. Đức Phật đã thấy nguyên nhân nào chúng sinh có sanh tử và phương cách nào chấm dứt sự sanh tử nầy để không còn rơi rớt, trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Đây chính là chân lý Tứ Diệu Đế. Con người không còn sanh tử tức là vĩnh viễn không còn đau khổ và đây là câu trả lời cho nghi vấn thứ ba.

Ngoài tam minh thì Đức Phật còn chứng cả lục đại thần thông, đó là:

1) Thiên nhãn thông: có nhãn lực nhìn thấy khắp muôn loài cùng sự sanh hóa trong thế gian bao la rộng lớn.

2) Thiên nhĩ thông: có nhĩ lực để nghe khắp mọi nơi bao gồm loài người và loài vật.

3) Tha tâm thông: có tâm lực biết được tâm nguyện sở cầu của kẻ khác.

4) Túc mạng thông: có trí lực hiểu biết các đời trước của mình.

5) Thần túc thông: có thần lực để bay cao hay độn thổ.

6) Lậu tận thông: có trí tuệ thông suốt ba đời để không còn đau khổ, phiền não và sanh tử luân hồi.

Mặc dầu Đức Phật đạt được lục đại thần thông, nhưng trong suốt 49 năm hoằng pháp thì Ngài lúc nào cũng khuyên đệ tử chỉ dùng chánh pháp mà hành đạo chớ không nên lạm dụng thần thông, bởi vì khi thần thông hết thì lòng tin con người cũng tan biến theo, còn chánh pháp là chân lý tối thượng để giúp con người đến chỗ giác ngộ ngỏ hầu giải thoát cho họ ra khỏi mọi phiền não khổ đau. Một ngày nọ Đức Phật muốn vượt qua sông Hằng, lúc đó có một ông ngoại đạo đến khoe rằng:

Tôi có thể đi trên mặt nước để qua sông.

Đức Phật hỏi:

Ông tu luyện bao lâu mới đạt được như vậy?

Ông ngoại đạo đáp:

Phải cần tu luyện đến 50 năm mới thành được.

Phật dạy:

Ông dùng đến 50 năm tu luyện để đi qua sông, còn ta chỉ cần có ba đồng để trả tiền đò thì cũng qua được sông mà thôi.

Vì thế nếu dùng 50 năm của ông ngoại đạo kia để làm việc lợi ích cho chúng sanh và tu tâm thanh tịnh thì tốt biết bao. Thêm nữa, thần thông cũng không thắng nỗi nghiệp lực do đó khi nghiệp quả đã đến thì thần thông cũng trở thành vô nghĩa mà thôi.

Ý nghĩa của Luân Hồi?

Khi Đức Phật chứng được thiên nhãn minh thì Ngài thấy sự sinh tử của chúng sinh xoay vần trong lục đạo là do chính cái nghiệp của họ dẫn dắt. Chúng ta là phàm phu thì không thấy cái nghiệp của mình được, nhưng đối với mắt Thánh thì họ thấy rất rõ ràng. Trong lục đạo có ba đường lành là cõi người, cõi A tu la và cõi trời còn ba đường dữ là súc sanh, địa ngục và ngạ quỷ. Thân, khẩu, ý của chúng ta đã tạo ra mười cái nghiệp, đó là sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, tham, sân, si. Tùy theo khả năng tu hành mà chúng sanh sẽ thọ sanh vào cảnh giới thích hợp với nghiệp căn của họ.

Do đó nếu chúng sinh muốn trở lại làm người thì chỉ cần thọ tam quy và trì ngũ giới là đủ. Còn nếu chúng sinh siêng năng bố thí nhưng chưa diệt nổi lòng sân thì sẽ sanh lên cõi thần, tức là A tu la. Sau cùng nếu chúng sinh tu đủ thập thiện nghiệp thì chắc chắn sẽ sinh lên cõi trời để hưởng phước lạc. Ngược lại nếu chúng sinh phạm mười điều ác thì phải đọa thẳng vào địa ngục, còn nếu ai nặng về tham lam, bỏn xẻn thì sẽ sinh vào loài quỷ đói. Loài ngạ quỷ nầy sống lang thang trong cõi thế gian với chúng ta, tuy tuổi thọ rất lâu nhưng phải chịu đói khát nên kiếp ngạ quỷ thật là khổ sở. Về phần súc sanh thì nặng về si mê, quên mất nhân tính nên phải chịu làm thân súc vật để trả nợ.

Còn địa ngục ở đâu?

Theo kinh Phật thì địa là chỗ còn ngục là hình phạt đau khổ. Do đó chúng sanh nào khi sanh tiền tạo quá nhiều nghiệp ác thì sau khi chết phải thọ sanh vào chỗ chịu những hình phạt đau khổ thì đó gọi là địa ngục. Không có chuyện quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa tới dẫn thần thức đi mà chính là nghiệp lực sẽ dẫn dắt thần thức vào chỗ dữ. Chẳng hạn ngày xưa lúc chúng ta có quyền thế thường hay đánh đập hành hạ kẻ khác thì khi sắp chết chúng ta nhớ lại những người đó, thấy họ đánh đập mình, rượt đuổi mình nên ta cố chạy và dĩ nhiên là chúng ta chạy vào đường dữ để thọ cảnh khổ. Đó chính là gây nhân nào thì gặt quả nấy mà thôi.

Có người oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra cho khổ, hoặc cha mẹ không ra gì để mình bây giờ phải thua sút với bạn bè. Nhưng họ đau khổ là vì chính họ phải thọ nhận quả báo đời trước vì đã tạo ra nghiệp xấu cho nên nghiệp lực mới dẫn họ tái sinh vào gia đình tương ứng như thế mà thôi. Có người lại oán trời trách đất là anh thì làm cái gì cũng thành còn tôi đụng tới cái gì thì hư cái đó. Thật ra chẳng có gì khó hiểu cả bởi vì trong thế gian nầy nếu có kẻ giàu sang phú quý hiện tại là vì kiếp trước họ biết tu bố thí nên kiếp nầy họ tính toán việc gì cũng thành do đó họ phát giàu còn anh không chịu bố thí mà còn tham lam bỏn xẻn thì kiếp nầy tính đâu trật đó vì vậy anh phải nghèo chớ không phải trời thương hay Phật đọa gì cả. Luật nhân quả công bằng là nếu anh muốn người ta thương mình thì đừng hất hủi ai cả. Thêm nữa, nếu chúng ta sinh ra trong gia đình giàu sang, quyền thế thì đó là quả báo để hưởng phước, còn khi chúng ta sinh ra mà cha mất, mẹ nghèo thì đây chính là quả báo để trả nợ. Phật dạy tu là chuyển nghiệp vì thế nếu trong cuộc sống nầy mình được hưởng phước lợi thì phải ráng tu đừng cho tuột xuống, còn nếu cuộc sống nầy gặp nhiều khó khăn, bất lợi thì phải tu nhiều hơn để chuyển những nghiệp xấu thành thiện nghiệp thì cuộc sống sẽ khá hơn cho kiếp nầy và kiếp sau. Tại sao? Giáo lý nhà Phật có ba loại nghiệp báo là:

1) Hiện báo nghiệp: chúng ta tạo nghiệp tốt hay xấu trong đời nầy thì phải chịu quả báo lành hay dữ ngay trong đời nầy. Vì thế cổ nhân có câu: Quả báo nhãn tiền là đây vậy.

2) Sanh báo nghiệp: chúng ta tạo nghiệp trong kiếp nầy thì đến kiếp sau quả báo mới đến. Chẳng hạn như chúng ta rộng tâm bố thí thì kiếp sau sẽ được giàu sang.

3) Hậu báo nghiệp: nếu nghiệp chưa được trả xong ở kiếp hiện tại hay kiếp kế tiếp thì sẽ được phát khởi ở bất cứ một kiếp nào về sau khi hội đủ nhân duyên.

Có người thắc mắc là làm sao biết được có luân hồi?

Nên nhớ rằng thuyết luân hồi do Phật tu mà chứng để dạy cho chúng sinh. Không thấy được luân hồi không phải là nó không có mà vì chúng ta chưa đủ trí tuệ như Phật để thông hiểu. Chẳng hạn như ngày xưa, tôn giả Mục Kiền Kiên sau khi chứng quả A La Hán và đang kinh hành bên bờ sông Hằng thì thấy rất nhiều loài ngạ quỷ đầu rất to, bụng lại nhỏ xíu và thân thể ghê gớm lắm. Ngài về thuật lại cho Phật nghe thì Phật nói rằng:” Ta cũng thường thấy chúng, nhưng nói ra mà không ai biết nên ta không nói”. Vì vậy nếu tu chứng như Phật thì chúng ta sẽ thấy như Phật chớ không chỉ riêng có Phật mới thấy được Luân hồi mà thôi.

Trên thế giới trong vòng mấy mươi năm qua, vấn đề trẻ em nhớ lại tiền kiếp của chúng đã được xem như là vấn đề của khoa học cận đại chớ không còn là chuyện mê tín huyền hoặc hay là chỉ dành riêng cho Phật giáo mà thôi.

Bác sĩ Ian Stevenson thuộc đại học Virginia, Hoa Kỳ là tác giả cuốn “Hai mươi trường hợp về luân hồi” đã bỏ ra một thời gian rất dài để nghiên cứu về các trường hợp thuộc hiện tượng luân hồi tái sanh từ các trẻ em. Bác sĩ Stevenson lưu ý một sự kiện thật quan trọng là những dấu vết bẩm sinh trên cơ thể của các cháu bé đó vì khi nhớ lại tiền kiếp của chúng thì thường thường có sự liên hệ lạ lùng giữa sự kiện xảy ra với dấu bẩm sinh hay dị tật mà chúng đã mang trên cơ thể. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tin rằng “Có sự sống sau khi chết “ và chính ông cũng tuyên bố thêm “ Không có lý do để coi thuyết Luân hồi là mê tín, ngược lại nó đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc”.

Một trường hợp điển hình đã xảy ra tại Miến Điện. Một em bé đã kể lại tiền kiếp của mình như sau: Lúc đó em là một quân nhân Nhật bản và đã bị giết chết trong một trận đánh vào thời đệ nhị thế chiến năm 1944. Điều kỳ lạ là em bé nầy rất thích uống trà đậm và ăn thức ăn có nhiều cá, rau và rong biển. Đây là thức ăn và thức uống thường ngày của người Nhật mặc dầu hiện giờ em là người Miến Điện mà người Miến lại không thích uống trà đậm.

Thông thường, những vị Lạt Ma Tây Tạng khi còn bé thường kể về tiền kiếp của mình. Chẳng hạn như vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay có tên là Tenzin Gyatso sinh năm 1935 là tái sinh của vị Lạt Ma thứ 13 có tên là Thubten Gyatso sinh năm 1876 và qua đời năm 1933. Mấy lúc gần đây báo chí thế giới có loan tin về em bé Tenzin Osel Rinpoche sanh năm 1985 trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Madrid, nước Tây Ban Nha. Tuy em mới lên 6 tuổi nhưng đã có đạo hạnh và trí tuệ như những vị đại sư Tây Tạng. Lúc lên 5 tuổi, em có thể ngồi thiền suốt hai giờ mà không nhúc nhích. Khi em kể qua về tiền kiếp của mình thì được kiểm chứng và xác nhận đúng với tiểu sử của Lạt Ma Tây Tạng Thubten Yeshe. Lạt Ma Yeshe di cư đến Mỹ từ năm 1959 và chết ở Los Angeles năm 1984 vì chứng suy tim trầm trọng đã đe dọa mạng sống ngài trên mười hai năm trời. Ngài chết ngày 3 tháng 3 năm 1984 và ngày 12 tháng 2 năm 1985 thì một bé trai được sinh ra vào một gia đình người Tây Ban Nha. Lúc sinh tiền thầy Yeshe đã từng nói ngài có nhiều nhân duyên với cặp vợ chồng nầy vì họ sống và làm việc tại trung tâm nhập thất Osel Ling do chính ngài thành lập ở Tây Ban Nha. Khi được bốn tháng thì em bé đã được thầy Zopa Rinpoche, đệ tử thầy Yeshe, công nhận em chính là tái sinh của thầy mình. Em bé nầy được một nhà sư Tây Ban Nha bảo trợ nuôi dạy và cho xuất gia. Tuy tuổi rất trẻ, nhưng em thuộc rất nhiều kinh Phật, có khả năng thuyết pháp lưu loát và cầu nguyện cho những vị cao tăng.

Nhiều người hy vọng em sẽ trở thành một Lạt Ma uyên bác kỳ tuyệt của thế kỷ 21 nầy. Lạt Ma Yeshe là tác giả cuốn:”Introduction to Tantra”

(Đưa vào Mật Tông) rất nổi tiếng.

Câu chuyện khác xảy ra tại hai ngôi làng ở miền nam Ấn Độ. Gia đình nọ vừa mới sinh một đứa bé và họ đặt tên là Sanjay. Đứa bé nầy mới lọt lòng mẹ mà đã có dị tật đó là các ngón ở bàn tay mặt bị cụt. Theo sự chẩn đoán của các y sĩ tại nhà hộ sinh thì đó là dấu vết bẩm sinh. Nhưng đối với bác sĩ Stevenson thì đây là trường hợp đáng lưu ý vì trong trường hợp của đứa bé nầy thì các ngón ở bàn tay mặt không phải ngắn mà có hình tướng như bị cắt ngang nên đầu các ngón tay cụt rút lại giống như vết sẹo. Sau đó đứa bé đã nói với người mẹ một câu làm cho mọi người vô cùng ngạc nhiên: “bàn tay mặt của con ngày trước đã bị cái máy quay nghiền nát các ngón tay. Lúc đó con ở tại ngôi làng cách xa làng nầy khoảng 8 cây số. Cha mẹ và anh con lúc đó hiện nay vẫn còn sống.” Thế rồi, đứa bé đòi mẹ dẫn mình tới căn nhà ở ngôi làng đó. Đến nơi họ mới biết ngày xưa nơi gia đình nầy có một đứa con trai chết vì bị máy cắt đứt các ngón tay. Về sau, Sanjay kể lại như sau:

Lúc tôi đến thì đang có đám cưới trong làng, anh tôi cũng tới dự. Tôi biết ba má và anh tôi, nhưng họ không biết tôi. Khi họ nghe chuyện tôi nói rằng tôi là con và em trong gia đình họ thì nhiều người vừa cười vừa nói như đùa:”Này, cháu bé hãy nói đi, tại sao mấy ngón tay cháu lại bị đứt vậy?”. Còn người mẹ tiền kiếp của tôi thì nói:” Nếu là con của mẹ thì hãy chỉ cho mọi người cái máy ở đâu? Cái máy đã cắt mấy ngón tay con đó.” Sau đó tôi dẫn mọi người đi chỉ chỗ cái máy và lúc đó trong khi mọi người còn ngạc nhiên thì tôi vẫn quả quyết tôi chính là con của người mẹ kiếp trước của tôi đây. Tôi kể tiếp, người cha tiền kiếp thường uống rượu. Một buổi chiều, ba tôi về nhà và quay máy, lúc ấy tôi đang loay hoay bên cái máy và rồi bàn tay mặt bị cuốn vào bánh xe. Tôi thét lớn và ba tôi cố gắng kéo tay tôi ra. Thế rồi các ngón tay đứt lìa. Nghe tôi hét mọi người chạy lại và họ mang tôi đến bệnh viện. Mẹ tôi vừa khóc vừa bế tôi lên chiếc xe bò…và sau đó tôi thiếp đi…vì đường đến bệnh viện quá xa nên tôi đã chết sau đó.

Cuộc hội ngộ thật là lạ lùng, đứa bé đã thốt lên một câu như người lớn:” Tôi đã chết một lần và tôi lại sinh ra lần nữa và ở đây”. Bác sĩ hỏi bà mẹ tiền kiếp: “Nếu quả thật cháu bé nầy là con của bà, cho dù là kiếp trước thì bà tính sao?. Người đàn bà trả lời:”Dĩ nhiên là tôi vui vẻ chấp nhận cháu là con tôi. Cháu đã muốn tôi làm mẹ thì tôi quyết định cháu là con tôi”. Riêng đối với người mẹ mới sinh ra cháu bé thì tình cảnh thật vô cùng nan giải. Bà vừa khóc vừa nắm tay đứa bé mà nói:” Con là con của mẹ, Sanjay à”. Thế là sau cùng đứa bé là con chung của hai gia đình. Hiện tại đứa bé đã là một thanh niên mạnh khỏe vui vẻ hòa đồng giữa hai nhà.

Một trường hợp khác là một cô gái Miến Điện ( nay đã có gia đình), lúc sinh ra bàn tay mặt có các ngón bị cụt gần sát bàn tay. Đây cũng là một trường hợp có dấu vết bẩm sinh. Cô ta nhớ lại tiền kiếp của mình và đây là một câu chuyện thật lạ lùng. Tiền kiếp của cô là người đàn ông và người đàn ông nầy đã tạo nhiều đau khổ cho người vợ khiến người vợ phải tự vận. Vì quá sức căm hận, bà mẹ vợ đã thuê một tay giết mướn. Tên nầy dùng một thanh kiếm để chém người đàn ông nầy khi ông ta đang đi xe đạp. Lúc đó vì quá sợ, anh vừa đưa tay ra đỡ vừa kêu cứu: “Trời ơi, đừng giết tôi”. Nhưng tên giêt mướn đã đưa một đường kiếm cắt đứt các ngón tay người đàn ông và đâm chết ông ta. Bác sĩ Stevenson đã đưa ra bức ảnh trong một buổi thuyết trình tại đại học Virginia, Hoa Kỳ cho thấy rõ bàn tay cô gái với các ngón tay bị cụt. Đó chính là dấu tích còn lại của kiếp trước của cô, lúc ấy cô là người đàn ông.

Trong những trường hợp khác, nếu một người bắt gặp hình ảnh hay lời nói ở một giai đoạn quá khứ mà chúng ta gọi là kiếp trước thì nó có tác dụng mạnh để giúp cho họ đó có khả năng lớn lao mà biết được về tiền kiếp của mình. Một trường hợp có thật khác khi một người kỹ sư Hoa Kỳ tên là Frank M. Balk đã nằm mộng và nghe một câu nói văng vẳng bên tai rằng ông ta có một người cha tiền kiếp hiện đang sống tại Việt Nam, hãy mau đi tìm gặp cha. Cuối cùng, viên kỹ sư này đã đến Việt Nam và đã gặp người cha tiền kiếp của mình tại ngôi chùa Hải Đức ở Nha Trang.

Diễn tiến của câu chuyện có thật này như sau: Nguyên viên kỹ sư Mỹ này nằm mộng 3 đêm liên tiếp thấy một người đàn bà mặc áo trắng đến gần bảo rằng:” Ông có người cha tiền kiếp hiện đang là một nhà sư, trụ trì tại một ngôi chùa ở Việt Nam. Vậy hãy tìm cách để gặp cha”. Hai lần nằm mộng trước, viên kỹ sư Mỹ này không tin vì cứ nghĩ đó chỉ là mộng mị mà thôi. Nhưng lần thứ ba vẫn nằm mơ như thế nên ông ta bắt đầu ngạc nhiên, nghi ngờ và suy nghĩ không hiểu nguyên nhân nào đã tạo nên giấc mộng lạ lùng vậy. Cuối cùng, viên kỹ sư Mỹ quyết định đi Việt Nam để tìm hiểu sự thật về giấc mộng kỳ quái của mình. Lúc bấy giờ là năm 1958, viên kỹ sư có tên là Frank M. Balk từ Mỹ xin tham gia vào đoàn Chí Nguyện của Hoa Kỳ qua giúp đỡ Việt Nam. Mỗi lần hoàn tất công tác, được nghỉ ngơi là ông ta tìm đến những ngôi chùa ở Việt Nam để tìm hiểu và xem thử có được gặp người cha tiền kiếp của mình đúng như giấc mộng đã báo cho biết không? Một hôm, tình cờ ông đến một ngôi chùa ở Nha Trang có tên là Hải Đức vì ngôi chùa này nằm trên một ngọn đồi lớn, rất dễ thấy. Vào chùa và đến trước điện thờ Phật, ông ta thấy một vị Sư già đang ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật. Điểm đặc biệt là gương mặt của vị sư này lại giống mặt mình như đúc. Bất giác, viên kỹ sư Mỹ nhẹ nhàng bước tới bên cạnh nhà sư và quỳ xuống chờ đợi.

Sau buổi kinh, viên kỹ sư này đã kể lại giấc mộng kỳ lạ và ý định muốn đi tìm sự thật của mình cho vị sư nghe, qua sự thông dịch của nhiều sư trẻ của Phật học viện. Vị sư già, tức sư Phước Huệ, nghe xong rất lấy làm cảm động, vội nắm tay viên kỹ sư Mỹ như đang nắm tay một đứa con lưu lạc từ kiếp trước trở về. Cuộc hội diện ly kỳ nầy đã xảy ra vào đúng 4giờ 30 chiều ngày 27 tháng 4 năm 1958. Sau đó, viên kỹ sư này đã nhận cái áo tràng tự tay sư Phước Huệ trao và đứng bên người cha tiền kiếp để chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Điều kỳ lạ mà ai cũng thấy là tuy một trẻ một già, nhưng nét mặt hai người lại giống nhau như hai giọt nước. Bức hình nầy hiện còn được treo thờ tại chùa Bảo Đức, Nha Trang.

Sau cùng, có câu chuyện sau đây chứng minh cho sự kiện đôi khi mỗi người trong chúng ta lại có cảm tình với một nơi mà ta chưa bao giờ tới. Câu chuyện thật do chính Derek Klinger, một giáo viên người Anh dạy học tại trường trung học ở Waterford kể lại. Lúc ông còn bé thì ông đã có cảm tình với nước Đức, nhưng ông cũng không hiểu tại sao. Khi lớn lên thì ý nghĩ ấy càng tăng trong tâm trí của ông. Thế rồi, nhân một lần nghỉ hè, ông quyết định du lịch sang nước Đức, lúc ấy ông vừa 32 tuổi. Tại Đức, ông đã đi nhiều nơi và điều kỳ lạ là có nơi khi ông đến thì ông có cảm tưởng như là đã đến đó từ trước.

Khi nhìn cảnh trí nơi ấy thì đối với ông có vẻ rất quen thuộc. Hôm gần quay về Anh quốc, ông tìm tới một tiệm đồ cổ với hy vọng sẽ tìm được vài món quà làm kỷ niệm. Tiệm đồ cổ nầy rất nổi tiếng ở Munich vì có đủ thứ. Tại đây ông đã trầm ngâm trước một tấm ảnh chụp rất xưa mà nước thuốc đã ngã sang màu nâu vàng. Tấm ảnh chụp 14 người lính hải quân Đức. Nhưng đối với ông lại vô cùng kỳ lạ vì làm ông nhớ lại quá khứ xa xôi vào khoảng thời gian mà ông là một trong 14 người lính đó. Dần dần ông nhớ lại tên từng người trong tấm ảnh. Ông đứng ngẩn ngơ nhìn chăm chăm bức hình và ông nhớ lại đó là năm 1942. Ông cùng 13 đồng đội đang ở trong một chiếc tàu ngầm và lúc bấy giờ có một cuộc hải chiến dữ dội trong vùng. Một chiến hạm Anh đã phóng ngư lôi trúng ngay vào bụng chiếc tàu ngầm làm cho nổ tung khiến ông cùng với 13 đồng đội bị tử thương.

Ông Derek vội vã mua ngay tấm hình và tức tốc hỏi nhân viên cảnh sát Đức địa điểm của văn khố chiến tranh, rồi tìm đến để hỏi về trường hợp chiếc tàu ngầm. Chuyên viên văn khố xác nhận rằng:”Chiếc tàu ngầm này có 14 người. Đó là tàu ngầm chữ U của Đức bị hải quân Anh đánh chìm ở Bắc Hải và trước khi tàu chìm trung tâm hành quân thuộc Bộ Hải Quân có nhận điện kêu cứu”. Sau cùng ông nói:” Tôi thấy rõ hình ảnh lúc đó trong hình. Đó là hình ảnh của tôi ở tiền kiếp. Khi đó tôi là quân nhân Đức, giờ đây tôi là một giáo viên người Anh. Có điều dễ hiểu là từ nhỏ tôi đã có cảm tình với nước Đức và trong lần du lịch sang Đức có rất nhiều nơi tự nhiên tôi thấy rất quen thuộc. Khi xưa thì tôi có phần ngạc nhiên, nhưng nay thì tôi đã biết rõ vì sao”.

Vậy luân hồi tái sinh chính là một kết quả rõ ràng chứng minh sự hiện hữu vĩnh hằng của Luật Nghiệp Báo trên thế gian nầy.

Hiện nay vấn đề luân hồi tái sanh không còn giới hạn trong lãnh vực tôn giáo mà đang bành trướng dần vào lãnh vực khoa học. Nhà bác học Albert Einstein khi được hỏi về vấn đề nầy đã trả lời như sau:” Càng ngày con người càng tin vào luật nhân quả luân hồi và ngay cả khoa học cũng đang tiến dần vào việc xác nhận sự kiện nầy là có cơ sở. Riêng tôi, tôi tin vào luật luân hồi nhân quả.”

Mặc dầu chúng ta thấy khoa học ngày nay tiến rất xa so với quá khứ, nhưng sự thấu hiểu của khoa học về các nguyên lý sinh tồn của vũ trụ vẫn còn quá giới hạn do đó tất cả sự khám phá của khoa học vẫn chưa đủ khả năng để chứng minh về sự hình thành của luật Nghiệp Báo, cái mà đã chi phối tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người cũng như vũ trụ. Thật vậy, khoa học ngày nay có thể lần mò quan sát các hiện tượng hình thức hữu hình của Nhân quả trong khi Nhân quả của nghiệp thì vô hình và ảnh hưởng qua nhiều kiếp luân hồi nên không thể quan sát bằng mắt thường được. Nếu mọi người đều tin vào Luật Nhân quả Nghiệp Báo thì thế giới nầy sẽ biến thành thiên đàng rực rỡ vì con người sẽ biết thương yêu nhau hơn. Cái ác sẽ bị đẩy lui vì con người sẽ không bao giờ đi tìm hạnh phúc cho chính mình một cách ích kỷ, hẹp hòi và độc ác mà họ sẽ đi tìm hạnh phúc bằng cách đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác trước.

Luật Nghiệp Báo sẽ đem lại sự công bình và tâm bình yên cho tất cả chúng sinh bởi vì trong thâm tâm của mỗi người ai cũng cảm thấy kẻ ác đáng bị trừng phạt còn người thiện sẽ được tưởng thưởng cho dù cuộc đời có bất công và con người luôn thiên vị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567