Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Trước mặt Thầy: vấn đáp

27/01/201109:51(Xem: 3961)
Chương 12: Trước mặt Thầy: vấn đáp

DIPA MA

Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

Phần III: Di huấn của Dipa Ma

Chương 12: Trước mặt Thầy: vấn đáp

Các câu hỏi và lời giải đáp sau đây được ghi chép lại trong các cuộc phỏng vấn với Dipa Ma tại Ấn độ vào những năm của thập niên 1970 và tại Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society) vào những năm của thập niên 1980.

-- Tôi phải tập Thiền Minh Sát (Vipassana) như thế nào?

-- Ngồi thẳng lưng. Nhắm mắt lại và theo dõi sự phồng lên và sự xẹp xuống của bụng, trong khi bạn đang thở. Hãy cảm nhận hơi thở. Khi theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, hãy tự hỏi, "Hơi thở chạm vào chỗ nào?"Phải đặt tâm ý vào chỗ chạm đó mà thôi. Bạn chẳng phải làm gì với hơi thở, mà chỉ cảm thấy nơi hơi thở chạm. Nếu hơi thở nặng nề, cứ để nó nặng nề. Nếu hơi thở ngắn, cứ dể nó ngắn. Nếu nó tế nhị, cứ để nó tế nhị. Chỉ cần cảm nhận nó thôi.

Khi tâm ý bạn đi vẩn vơ, hãy để ý đến việc đó và tự nói với bạn, "Suy nghĩ", rồi trở lại với sự phồng lên và xẹp xuống của hơi thở. Nếu bạn cảm thấy có một cảm giác ở chỗ nào khác, thí dụ như nhức ở chơn, thì liền đưa tâm ý bạn đến chỗ nhức và ghi nhận, "Nhức". Khi cơn nhức bớt dần hoặc hết nhức, thì bạn lại quay lại theo dõi chỗ chạm của hơi thở. Nếu có sự xao động đến, ghi nhận rằng "Xao động".

Nếu bạn nghe một tiếng động, hãy tự nói với bạn, "Nghe, Nghe", rồi cũng trở lại với cảm giác về hơi thở. Nếu nhớ đến việc gì, thì hãy ghi nhận "Nhớ". Bất cứ việc gì bạn thấy, bất cứ sự gì đến trong tâm, chỉ cần biết đến sự việc đó. Nếu bạn thấy có hình ảnh hay ánh sáng, chỉ cần ghi nhận "Thấy" hoặc "Ánh sáng". Chẳng cần giữ chúng lại, hay bắt chúng ở lại. Chỉ cần quan sát chúng mà thôi.

Trong Thiền Minh sát bạn phải quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của hơi thở và các hiện tượng khởi lên trong tâm và trên thân. Do đó, có việc dời tâm đi từ các cảm giác đã nhận, cảm giác thích thú, hay đau đớn, đến các ý tưởng khác nữa. Bất cứ có điều gì đang xảy ra, cũng đều được ghi nhận, rồi điều ấy qua đi, và có điều khác lại đến. Theo cách đó, sự tu tập Thiền Minh sát là một phương pháp quan sát. Tất cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; tâm ý là căn thứ sáu) sẽ khởi lên. Bạn chỉ cần quan sát khi chúng khởi lên, rồi chúng lại qua đi, thì bạn liền trở về với cảm giác nơi hơi thở. Bất cứ điều gì bạn thấy, bất cứ điều gì khởi lên trong tâm, bạn chỉ cần biết rõ nó, ý thức được nó, mà thôi.

-- Mục đích của Thiền Minh sát là gì?

-- Mục đích của Thiền Minh sát là để diệt trừ Mười Kết sử; các kết sử nầy là những nút thắt gút, hay là chướng ngại trong tâm bạn. Từ từ, từ từ, do sự quán sát mỗi phút giây với sự tỉnh thức, bạn sẽ cởi mở hết các nút thắt buộc đó ra. Mười Kết sử đó là: ngã kiến (ý kiến sai lầm cho rằng có cái "ta" riêng biệt, cái tự ngã), nghi ngờ, giới cấm thủ (tuân theo các nghi lễ ngoại đạo và dị đoan), tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, kiêu mạn, trạo cử và vô minh.

Vào mỗi giai đoạn của sự giác ngộ, chầm chậm và từng cái một, các kết sử lần lượt tiêu mất, cho đến quả vị của giai đoạn thứ tư, bậc A la hán, thì tất cả mười kết sử mới tận diệt. Các kết sử có liên hệ đến sự tái sanh, cũng giống như chất dầu làm cháy ngọn đèn. Các kết sử cũng như là chất dầu trong tâm của bạn. Khi dầu cạn lần lần, ánh sáng ở ngọn đèn cũng lu mờ lần lần. Sau cùng khi dầu cạn hết thì ánh sáng cũng tắt mất. Một khi các kết sử được tận diệt, vòng tái sanh luân hồi cũng chấm dứt. Vào thời điểm nầy, bạn có thể hiểu được rằng sự sanh ra và tái sanh đang nằm trong tay của bạn.

-- Tôi phải làm gì khi bị ngủ gục trong lúc ngồi thiền?

-- Ngủ gục chẳng hại gì cả. Các thiền giả cũng ngủ như thế, gọi là "thiền miên"(giấc ngủ thiền). Điều đó thường xảy ra. Đừng lo ngại về điều đó. Khi tôi mới bắt đầu thiền quán, tôi thường khóc luôn, bởi vì tôi muốn nỗ lực theo đúng các lời chỉ dạy một cách thật nhiệt tâm, nhưng tôi chẳng thể làm được, bởi tôi buồn ngủ quá. Tôi cũng chẳng đứng thẳng lên và đi thiền hành cho đàng hoàng, vì tôi buồn ngủ quá. Trước kia, trong năm năm, tôi đã cố gắng để ngủ mà chẳng ngủ được. Và nay, ở đây, tôi đang cố gắng để tập thiền, thì sự buồn ngủ lại cản trở tôi. Tôi đã tận dụng tất cả năng lực của tôi để xua đuổi cơn buồn ngủ, nhưng tôi chẳng thể làm được thế. Rồi một hôm, đùng một cái, tôi đạt đến trạng thái mà sự buồn ngủ biến đi đâu mất; và rồi cơn buồn ngủ cũng chẳng đến với tôi, ngay cả khi tôi ngồi thiền hằng mấy giờ.

-- Có phải nghiệp (karma) giống như sổ kết toán được cất giữ lại hay không? Nếu phải, thì cất nó ở đâu?

-- Mỗi người đều có một bánh xe nghiệp (nghiệp luân). Nghiệp đó nằm ngay trong tay của bạn; chẳng ai khác cất giữ nó cả. Mỗi khi bạn hành động, nghiệp được gom cất lại. Nghiệp trôi theo dòng ý thức. Ngày bạn sanh ra, nghiệp cùng đến với bạn. Những kẻ khác chỉ có thể trỏ đường đi cho bạn, chớ họ chẳng thể sửa đổi nghiệp của chính bạn. Chẳng một ai có thể lấy nghiệp của người khác. Chính bạn, bạn phải làm việc đó. Bởi do nghiệp mà có người tu tập tiến bộ nhanh, có người tiến bộ chậm. Vài kẻ bị đau nhức nhiều, có người thì không.

-- Nếu chẳng có linh hồn, thì ai thấy, nghe, và biết?

-- Trí huệ.

-- Phải làm gì khi năng lực và cố gắng xưống thấp?

-- Đôi khi năng lực xuống thấp, có lúc nó lại lên cao. Đôi khi sự cố gắng tụt xuống, có lúc nó lại trồi lên cao. Nhưng bạn chỉ cần ghi nhận trong tâm bạn rằng "năng lực thấp, cố gắng thấp". Nếu bạn ghi nhận nó khi nó đang thấp, tự nó tự nhiên điều chỉnh lại. Biết rõ mức "năng lực thấp", "năng lực cao" cho đến khi nào một năng lực trung bình hiện thấy ra. Điều nầy cần được làm một cách êm thắm, từ từ, và dịu dàng. Năng lực và cố gắng được điều chỉnh đúng mức khi ta ghi nhận chúng. Ta chẳng nên trở thành nạn nhơn của các năng lực.

-- Bà làm cách nào để thương mà đồng thời chẳng luyến ái?

-- Một thí dụ thật giản dị là nước. Chẳng luyến ái có nghĩa là bạn trôi trên mặt nước. Bạn chẳng lặn sạu dưới nước. Bạn thả mình trôi theo dòng mà chẳng chìm sâu xuống đáy nước.

-- Có đúng chăng, thiền giả phải ăn chay?

-- Vấn đề ăn chay hay ăn mặn chẳng quan trọng. Điều quan trọng là tâm ý bên trong. Ngay cả khi bạn ăn chay với một tâm trạng ô nhiễm vì tham, sân hay si, thì bữa ăn chay của bạn trở thành ăn mặn. Đó là lời Đức Phật đã dạy. Nếu tâm ý bạn thoát khỏi tham, sân, thì bữa ăn mặn cũng hoá ra bạn đang ăn chay. Đối với mỗi hành động -- thân, miệng, ý -- Đức Phật đặt nặng nơi ý định.

-- Đôi khi tôi cảm thấy quá chán nản và muốn tự sát.

-- Sự chán nản đến mức suy nhược và ý muốn tự sát là những căn bịnh tâm thần. Đôi khi nó lại xảy ra cả cho những thiền giả đã tu chứng thật cao nữa. Nên tập phát triển cho có được một viễn ảnh thật thực tiễn. Một mặt, bạn phải biết rõ hậu quả của việc tự sát: đó là một hành động chẳng cứu giúp bạn được gì trong nhiều kiếp sống liên tiếp; và mặt khác, hãy ráng nhớ, mạng sống con người là điều quí báu nhứt. Đừng phung phí nó. Bạn nên gắng tập Thiền Minh sát và vui tươi lên.

-- Trí năng có quan trọng lắm trong sự tiến bộ thiền quán không?

-- Không. Tôi chẳng có chút trí năng nào cả. Và trước kia, tôi chẳng hề biết đến thiền quán hay là các trạng thái của tâm thức. Tôi chỉ có lòng tin thành khẩn nơi đạo pháp. Tôi cảm thấy chắc có điều gì dành cho tôi ở đấy. Với lòng tin ấy, tôi bắt đầu tu tập.

-- Sự tỉnh thức có ích lợi gì?

-- Để tôi kể cho các bạn nghe một thí dụ. Nếu tôi bảo bạn, có một số châu báu được chôn dấu tại một nơi nào đó và tôi dục bạn đi lấy về, bạn sẽ rời nhà lên đường để đi đến đó. Dọc đường, bạn gặp một cuộc đánh lộn, bạn dừng lại xem một lát. Nhưng sau đó, bạn lại tiếp tục lên đường. Rồi bạn lại thấy một đám cưới đi ngang qua, kèn trống vang lên, bạn lại dừng bên đường để ngắm. Lát sau, bạn lại đi tiếp. Có thể bạn thấy một cuộc đua xe trên công lộ, bạn cũng đứng lại xem, một lát sau mới đi tiếp. Nếu bạn chẳng có tỉnh thức, bạn chẳng thể đi tới nơi chốn dấu châu báu mà tôi đã bảo đến lấy. Nhưng khi có sự tỉnh thức ở đấy rồi thì mặc dầu có những sự ngừng nghỉ hay cản trở, bạn chẳng hề lạc mất lối, và tiếp tục đi tới mãi. Sự tỉnh thức giúp bạn đạt tới mục tiêu.

-- Các sự chuyển hoá quan trọng trong đời bà đã xảy ra trong khi tu tập ráo riết hay là ngay trong cuộc sống hằng ngày theo đường lối thiền quán?

-- Các sự chuyển hoá lớn xảy ra trong khi tu tập ráo riết. Rồi sau đấy, tôi vun bồi các sự thay đổi đó ngay trong đời sống hằng ngày. Các sự biến đổi ngày càng thâm sâu hơn, theo phương cách đó.

-- Các ưu phiền và sầu não của bà từ từ mất dạng hay đã nhanh chóng tiêu trừ như là một thành quả của sự giác ngộ?

Lần lần tôi có thể cảm thấy chúng từ từ ra đi mất. Rồi sau đấy với sự thực tập thiền quán nhiều hơn, tôi phát triển được chút ít trí huệ, thì toàn bộ ưu não đều tiêu tán.

-- Ai có thể dạy thiền quán được?

-- Cần có hai điều về việc giảng dạy Giáo pháp. Một là kiến thức và sự sáng trí. Còn điều kia là sự chứng đắc được đạo quả thứ nhứt hay đạo quả thứ nhì trong sự giác ngộ. (Sau đây là lời của Jack Kornfield đã nói rộng ra, dựa theo câu trả lời của Dipa Ma). Các ba la mật (đức tánh toàn thiện) cần có đủ, để xứng làm một vị thầy dạy thiền, rất khác với các ba la mật cần có để tu tập thiền định. Cả hai loại khả năng rất khác nhau về căn bản. Vài người có tiềm năng rất rộng trong việc thiền quán và đời sống tâm linh, trong khi những kẻ khác lại có khả năng rất tế nhị để truyền thông và giảng dạy. Hai hạng người đó đâu phải bó buộc là cùng một hạng như nhau. Tuy nhiên để giảng dạy, điều đáng mong ước là họ có đủ cả hai đức tánh: kinh nghiệm tốt và thâm sâu về đời sống tâm linh và khả năng trao truyền các kinh nghiệm đó cho người khác.

-- Điều gì tốt nhứt cần làm khi các dục vọng quá mạnh?

-- Hãy quán tưởng và chiếu soi mạnh và trực tiếp vào các dục vọng. Hãy biết rằng chúng rất mạnh. Hãy cố gắng tìm hiểu chúng cho rõ ràng... Nhờ xuyên qua sự hiểu biết về các điều ham muốn của các giác quan khi các ham muốn đó vừa khởi lên, bạn có thể khắc phục được chúng. Bạn có thể sống trong cõi dục giới mà vẫn là một người Phật tử thuần thành, bởi vì bạn có thể đồng thời "xuất thế gian"được, với ý nghĩa là bạn chẳng để bị lôi kéo hay bị ràng buộc.

-- Sự hiểu biết căn bản của bà về đời sống có thay đổi chăng?

-- Lối tôi nhìn đời đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, tôi bám níu vào mọi sự việc; tôi rất chiếm hữu, tôi đòi muốn muôn vật. Nhưng nay, tôi như đang trôi bồng bềnh, chẳng bị vướng bận gì. Tôi đang sống ở đây, nhưng tôi chẳng ham muốn vật gì, tôi chẳng mong chiếm hữu bất cứ vật gì. Tôi đang sống, thế thôi. Thế là đủ rồi.

-- Tôi phải tập tâm từ bi như thế nào?

-- (Các đoạn sau đây là sự kết hợp giữa những lời dạy của Dipa Ma đã được ghi âm, với các hồi tưởng của Michelle Levey về lời Dipa Ma đã dạy. Michelle Levey đã thực tập thiền quán về tâm từ bi trong hơn hai mươi năm. Các bạn có thể chọn, hoặc dùng suốt thời thiền toạ để quán về tâm từ bi, hoặc khởi đầu hay chấm dứt thời khoá với tâm từ bi. Sau cùng, năm giai đoạn, được kể ra sau đây, có thể phối hợp tập chung trong một thời khoá; nhưng khi mới bắt đầu tập, tưởng nên mỗi lần chỉ chiếu soi kỹ vào một giai đoạn mà thôi).

a) Giai đoạn một.

Giai đoạn đầu là phải thương ngay chính mình, là bạn thân với chính mình. Bắt đầu rải tâm từ bi đến cho mình. Bạn có thể dùng các câu nguyện sau đây, hay các tâm ảnh, để soi đường cho bạn trong việc làm phát khởi và hướng dẫn tâm từ bi của bạn:

Nguyện tôi chẳng có kẻ thù.
Nguyện tôi chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện tôi chẳng âu lo
Nguyện thời thời tôi được thân an tâm lạc.

"Kẻ thù" có nghĩa là kẻ thù bên ngoài mà mình cũng làm kẻ thù cho chính mình nữa. Kẻ thù có thể thấy ở cảnh giới các cảm thọ, từ một chút bực bội cho đến sự sân hận mãnh liệt hoặc đối với mình hay đối với kẻ khác. Trong khi thầm niệm các câu trên, hãy nhìn vào trong tâm bạn thấy thật rõ ràng hình ảnh của chính bạn. Nếu chẳng thể dùng tâm nhãn như thế, thì cố nhớ lại bóng dáng bạn khi bạn soi gương. Nếu nhớ lại chẳng được hết, thì bạn cứ nhìn thẳng vào một bức ảnh còn mới của bạn cho đến khi nào bạn có thể thấy rõ bạn bằng mắt tâm.

Lập lại các câu trên theo thứ tự. Nếu tâm đi vẩn vơ và đang quên mất một câu nào, thì nhẩm đọc lại ngay từ câu đầu. Đem tâm quay về với mỗi câu nhiều lần như thế sẽ khiến cho định lực của bạn càng thâm sâu.

Điều quan trọng là bạn phải bỏ rơi nghĩa chữ và cảm tưởng của bạn dính sau các chữ ấy, mà vẫn để trọn lời nguyện trong câu hướng dẫn bạn, cắm sâu bạn vào sự thực tập mà đi tới. Hãy nuôi dưỡng trong tâm trí cảm giác an lạc cùng hình ảnh của bạn và miên mật niệm các câu nguyện trong bao lâu mà thời khoá cho phép.

Khi việc thực tập đã khá sâu, khi bạn cảm thấy bạn thật tình yêu chính bạn, khi bạn có thể lưu giữ vững trong tâm bạn hình ảnh rõ ràng của chính bạn, thời bấy giờ, nếu bạn muốn, hãy chuyển sang giai đoạn thứ hai, về cách rải tâm từ bi đến cho một người bạn lành.

b) Giai đoạn hai.

Dùng các câu nguyện cũ như trước, hướng tâm từ bi đến một người bạn lành hay đến vị thầy đã tỏ ra thân ái với bạn. Cũng như khi bạn đã rải tâm từ bi đến cho chính bạn, hãy nhìn lâu thật rõ hình ảnh của người thân trong tâm bạn và rải tâm từ bi đến cho người ấy:

Nguyện cầu bạn chẳng có kẻ thù.
Nguyện cầu bạn chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện cầu bạn chẳng âu lo.
Nguyện cầu thời thời bạn được thân an tâm lạc.

Khi bạn cảm thấy rằng bạn thương người thân ấy cũng như bạn thương chính bạn vậy, hoặc khi bạn có lưu giữ tâm ảnh của người thân nơi tâm bạn thật lâu và thật rõ cùng với những câu cầu nguyện, thời nếu bạn muốn, bạn có thể chuyển sang giai đoạn thứ ba.

c) Giai đoạn ba.

Nhóm người kế tiếp để rải tâm từ bi được gọi là những người đang đau khổ -- bất cứ ai hoặc nhóm nào đang khổ sở. Trước đây, bạn lưu giữ vững trong tâm hình ảnh của mỗi một người, thì nay bạn hãy mở rộng nhãn quan để chiếu soi đến một nhóm đông người. Bắt đầu nhìn tâm ảnh của một nhóm người đang đau khổ. Rải tâm từ bi đến các người đó như bạn đã rải cho chính bạn và cho người thân:

Nguyện cầu các bạn chẳng có kẻ thù.
Nguyện cầu các bạn chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện cầu các bạn chẳng âu lo.
Nguyện cầu thời thời các bạn được thân an tâm lạc.

Nếu có những hình ảnh của các nhóm khác tự động khởi lên trong tâm bạn, ví dụ như những bịnh nhơn trong nhà thương, hoặc các nạn nhơn chiến tranh, thời cũng tốt vậy, bạn cứ hướng tâm từ bi đến với họ, làm như thế là thiền quán theo một đường lối linh động với một dòng các hình ảnh di động. Hãy tiếp tục niệm những câu nguyện trong khi cố gắng chú tâm càng nhiều đến các cảm giác về từ bi ẩn sau các chữ.

Từ trên căn bản biết thương chính mình, bạn nhận ra rằng sự tự mình thương yêu mình chính là căn bản và chất nhiên liệu để nới rộng tình thương đến người khác. Vừa thương mình, bạn thương luôn người thân như thương chính bạn. Rồi bạn thương đến những người đang đau khổ, như bạn đã thương người thân của bạn, và thương người nầy cũng như bạn đã thương chính bạn. Với sự tập luyện miên mật, tất cả mọi nhóm đều được hoà hợp lại thành một nhóm duy nhứt.

d) Giai đoạn bốn.

Trong giai đoạn thứ tư nầy, tâm từ bi và tâm bình đẳng được hoà chung nhau lại. Việc thực tập là lưu giữ trong tâm một ý nghĩa thật rộng rãi về mọi chúng sanh và rải tâm từ bi một cách đồng đều đến cho họ -- các bằng hữu, các người đau khổ, các người mà bạn dửng dưng, các ngưòi gây khó khăn cho bạn, và tất cả chúng sanh khắp nơi.

Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng có kẻ thù.
Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng âu lo.
Nguyện cầu mọi chúng sanh thời thời được thân an tâm lạc

Muốn được như thế, hãy khiến tâm của bạn trở thành tâm từ bi, bằng cách chú ý và quan tâm nhứt về tình cảm của mình đối với sự từ bi. Các chữ, các câu nguyện, mà bạn dùng đã nhiều lần đến nay, chỉ là những mốc chỉ đường cho bạn hướng về các tình cảm đó. Hãy để tâm trí bạn trở nên từ bi và an trú nơi đấy với sự bình đẳng chẳng cho nghiêng riêng về một hướng nào cả.

c) Giai đoạn năm.

Giai đoạn cao điểm nhứt của sự quán chiếu tâm từ bi là phối hợp tất cả các giai đoạn lại, rồi chiếu rọi trong một lúc đến mỗi giai đoạn riêng biệt, vào suốt thời gian dành cho việc quán chiếu. Thực tập theo đường lối đó, sự quán tưởng trở nên như một buổi hoà tấu của tâm từ bi trong đó bạn khởi lên với chính bạn, rồi mở rộng ra, mở rộng thêm ra, mở rông mãi thêm ra, cho đến khi nào tâm bạn thật sự an trú trong bình đẳng tâm vô lượng và vô biên.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]