Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Tận sức và Vượt qua

27/01/201109:51(Xem: 4008)
Chương 4: Tận sức và Vượt qua

DIPA MA

Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

Phần II:
Con đường chuyển hoá

Chương 4: Tận sức và Vượt qua

"Bạn có thể làm được bất cứ điều gì bạn muốn làm."

Như cuộc đời của Dipa Ma là một thí dụ điển hình, con đường đạo pháp là một hành trình của sự chuyển hoá nơi đó mọi tin tưởng hằng tưng tiu trong tâm và mọi hạn chế tự mình áp đặt cho mình được đem ra thách thức tại mỗi khúc quanh. Nhiệm vụ của vị Thầy là thúc đẩy các đệ tử vượt khỏi lằn ranh của điều mà họ tưởng là còn có thể làm được, để triệt tiêu hết mọi quan niệm về "Ta chẳng làm nổi". Bởi vì, cái "Ta" chẳng làm nổi" đó, và cái điều "chẳng làm nổi" đó, chúng là gì, nếu chẳng phải chỉ là một sản phẩm của tâm tư tạo dựng nên? Dipa Ma đã nhìn thấy, qua sự phát triển các năng lực của chính bà, rõ ràng rằng, chẳng có giới hạn nào ngăn cản tâm trí chẳng làm được. Đôi khi bà tỏ ra phẫn nộ trong lời bà giảng dạy hay đề nghị, và lắm khi bà rất trầm tĩnh nhưng cũng khăng khăng nghiêm khắc nhắc nhở. Bà muốn đưa các học viên của bà đến tận bờ ranh, rồi thúc dục họ hãy vượt qua khỏi. Bà cũng dạy rằng "vượt qua khỏi" có nghĩa chỉ là thiện chí đơn giản muốn tự tỏ lộ mình ra, là cứ để cho mọi sự việc tự chúng tháo gỡ ra, rồi tự tan vỡ lấy, và cứ từ điểm ấy mà tiếp tục đi tới mãi.

Con đường chuyển hoá tuy nhiên, còn đòi hỏi nhiều hơn nữa ngoài sức cố gắng vượt lên trên các sự hạn chế của mình. Nó cũng cần đến sự thăng bằng giữa nỗ lực, ý đồ và năng lực của chúng ta. Dipa Ma thường nói, "Nếu bạn thực tập để tìm một kết quả, thì đó cũng là một trở ngại." Ý muốn được giải thoát dù sao cũng vẫn là một ý muốn -- một trong các chướng ngại quan trọng trên con đường đạo pháp. Trong một giai đoạn, sự sốt sắng rất hữu ích trên đường đạo, và đẩy ta tiến lên; nhưng đến một giai đoạn khác, chính cái việc tiện lợi ấy lại trở thành một chướng ngại, điều mà chúng ta cần nhận cho rõ đúng lúc. Giữ theo đúng những gì đang xảy ra mà chẳng bỏ cuộc -- đôi khi đó là tất cả những gì có thể làm được.

Một vị thiền sư cương nghị của Miến điện, U Pandita, đã khuyến cáo các đệ tử Tây phương của ông, trong số có cả tôi nữa, "Phải thực tập Thiền chẳng kể chi đến thân, mạng." Thiền sư Howard Cohn có nhận xét là đường lối của Dipa Ma có đôi chút khác biệt nhưng đầy ý nghĩa: "Phải thực tập Thiền chẳng kể chi đến thân, mạng, và với cả tấm chơn tình trong tâm." Dipa Ma đã hoàn mãn một hình thức nỗ lực chín chắn, một hình thức có đủ hùng mạnh và dịu dàng, vừa nam tính lại vừa nữ tính. Thực tập Thiền còn yêu cầu nhiều hơn một sự hăng say như kiễu võ sĩ đạo. Nó đòi hỏi nơi ta tâm từ bi và lòng thương yêu. (...)

Thiền sư Steven Smith nhận xét: "Nơi Dipa Ma có một đức tánh kỳ diệu về nỗ lực. Mọi sự việc đều là một cuộc phiêu lưu; thực tập cho đến nửa đêm cũng là một cuộc phiêu lưu. Nơi bà, thể hiện, thật rõ ràng, động cơ thúc đẩy việc thực tập Thiền đã khởi phát từ sự nhiệm mầu của mỗi phút giây."

Thiền sanh Sharon Kreider cũng phụ hoạ theo ý hướng đó: "Bà dạy chúng tôi rằng, chánh niệm trong sự tỉnh giác chẳng phải là điều mà ta cố tranh đấu để có được; nó có sẵn đấy, hiện diện ở mọi thời. Đâu phải tôi cần chụp nắm lấy nó, sự tỉnh thức chỉ giản dị có mặt cùng với những gì đang xảy ra, nó khởi lên vào mọi lúc."

Đối với đa số các thiền sanh Tây phương, mối thách thức to lớn nhứt chính là sự quân bình giữa nỗ lực, dịu dàng, hoà ái, với lòng từ bi chịu chấp nhận.

Thực tập trong mọi thời. - Khi Dipa Ma hỏi về sự thực tập của tôi, tôi đáp, tôi ngồi thiền buổi sáng và buổi tối mỗi ngày, thời gian còn lại tôi đến sở làm việc. Bà mới hỏi: "Còn hai ngày cuối tuần thì anh làm gì?" Tôi chẳng nhớ đã trả lời bà ra sao, nhưng bà nói tiếp: "Có những hai ngày. Anh phải nên thực tập suốt cả trọn ngày, thứ bảy và chúa nhựt." Rồi bà giảng cho tôi một bài học làm thế nào mà tận dụng thời giờ của tôi. Tôi chẳng thể nào quên bài học nầy: phải thực tập trong mọi thời. --Bob Ray.

Đừng có lười biếng. - Lần cuối cùng tôi gặp Dipa Ma trước khi bà mất, bà bảo tôi phải ngồi thiền trong hai ngày. Bà chẳng muốn nói là một thời tĩnh tâm trong hai ngày, mà là phải toạ thiền suốt hai ngày dài! Tôi phá lên cười; hình như đó là một điều hoàn toàn chẳng thể làm được. Nhưng với một giọng từ bi vô lượng, bà bảo tôi: "Đừng có lười biếng!" -- Joseph Goldstein

Giới hạn của chúng ta đến đâu?- Khi Dipa Ma đến giảng dạy ở Hội Thiền Minh sát trong ba tháng an cư năm 1984, trong giảng sư đoàn, Joseph và Sharon thành một nhóm, còn Dipa Ma và tôi một nhóm khác. Chúng tôi ngồi nghe thiền sanh trình pháp suốt buổi sáng, dùng cơm trưa xong, thì Dipa Ma trở về nhà bà bên kia đường; còn tôi thì quay về phòng riêng để nghỉ ngơi trước khi giảng dạy tiếp vào buổi xế.

Vừa đến lúc tôi sắp ngả lưng đánh giấc ngủ trưa thoải mái, tôi nhìn xuyên khung cửa sổ và thấy Dipa Ma đang đi thiền hành bên ngoài. Năm ấy, bà đang bịnh, và trời bên ngoài rất lạnh. Bà chỉ mặc chiếc áo sari vải trắng, đều đều bước đi tới, rồi bước quay lại, dưới màn tuyết trắng. Và người trong cảnh đó là một bà lão với bịnh trạng đau tim.

Tôi cứ nhìn qua cửa sổ, và tôi cứ nhìn Dipa Ma, rồi tôi lại nhìn đến chiếc giường của tôi, lại quay ra nhìn Dipa Ma... Tôi cảm thấy tôi phải chấp nhận giới hạn của mình. Tôi biết tôi chẳng thể bước ra ngoài đi thiền hành vào giờ nầy, nhưng tôi thấy được sự khác biệt và rất khen ngợi. Lòng chí thành kiên cố của bà để hoàn mãn, để được giải thoát hoàn toàn, đã đem lại uy lực mãnh liệt cho bà, nhưng lại là một uy lực rất ư dễ mến. Bà chẳng bao giờ ngừng nghỉ cả. Điều đó, cùng với sự nhận thấy ra hành động của bà chẳng phải do chán ghét hay do luyến ái thúc đẩy, làm lóa trí ta. Tôi đã thấy biết hết tất cả điều nầy, và rồi tôi lại bước lên giường nghỉ trưa! -- Michele McDonald Smith

Chỉ có ý tưởng mình mới hạn chế mình.- Năm 1974, tôi ghé Calcutta để từ giả Dipa Ma. Tôi nói với bà: "Tôi trở về Mỹ một thời gian ngắn để bồi bổ sức khoẻ và kiếm chút tiền nong, rồi sẽ trở qua đây."

Bà lắc đầu và quả quyết: "Không, khi chị về Mỹ rồi chị sẽ giảng dạy về Thiền với Joseph".

Tôi đáp: "Không, tôi chẳng dạy đâu", và bà bảo: "Ừ, chị sẽ dạy", rồi tôi nói: "Không, tôi chẳng dạy".

Sau cùng, bà nhìn thẳng vào mắt và tuyên bố: "Ta có thể làm bất cứ điều ta muốn làm. Chỉ có ý tưởng rằng ta chẳng làm nổi mới hạn chế khả năng của ta." Bà nói thêm: "Chị nên dạy, vì chị đã thật sự thấu hiểu sự đau khổ."

Đó là lời chúc phước lớn lao bà đã gởi cho tôi về Mỹ. Đã hai mươi tám năm qua rồi. Và bà nói đúng. -- Sharon Salzberg

Bạn có đủ thời giờ. - "Nếu bạn là một người nội trợ, bạn có đủ thời giờ", Dipa Ma bảo tôi như thế. "Sáng sớm, bạn tập thiền trong hai giờ. Tới khuya, bạn cũng tập thêm hai giờ nữa. Hãy học cách chỉ ngủ mỗi đêm bốn giờ thôi. Chẳng cần phải ngủ nghỉ hơn bốn tiếng.". Tôi ngồi thiền đôi khi cho đến nửa đêm, hoặc thức giấc vào hai hay ba giờ sáng để thực tập. Ma dạy chúng tôi rằng phải giữ sức khoẻ để có thể tiếp tục tu tập. Bà bảo giữ đúng năm giới mỗi ngày sẽ giúp ta có đầy đủ sức khoẻ. -- Pritimoyee Barua

Hãy làm gì bạn có thể làm.- Tôi hỏi Nani (Dipa Ma), "Tôi nghe nói bà dạy Thiền Minh sát (Vipassana). Thiền là gì vậy?

Bà cắt nghĩa cho tôi thế nào là Thiền Minh sát, rồi nói: "Trước đây, tôi cũng như chị, đau khổ rất nhiều. Tôi tin rằng chị có thể bước đi theo con đường đó để tự giải thoát mình."

Tôi bảo bà, "Tôi còn biết bao nhiêu sự lo lắng cho mẹ tôi, cho con trai tôi, tôi còn phải dọn dẹp nhà cửa trong gia đình, và coi sóc việc buôn bán ngoài lò bánh mì nữa. Còn có thể nào cho tôi thực tập Thiền Minh sát được hay sao?"

-- Ai bảo thế? Khi chị đang nghĩ tới con chị hay mẹ chị, chị hãy đến với họ trong chánh niệm. Khi chi đang lo việc bếp núc, chị biết chị đang làm việc đó. Là một con người, chị đâu thể giải quyết được hết tất cả mọi vấn đề của chị. Những việc chị đang phải đối đầu và chịu đau khổ, chị hãy mang sự tỉnh thức đến với chúng.

-- Nhưng mà giữa lò bánh mì và gia đình của tôi, tôi chẳng thấy có được nổi năm phút để tập Thiền. -- Nếu chị dàn xếp để có được năm phút mỗi ngày, thì cứ tập ngay đi. Thật là quan trọng phải làm ngay những gì mình có thể làm được, chẳng kể đến ít nhiều.

-- Tôi biết tôi chẳng thể nào dành riêng được năm phút. Chẳng thể được mà.

Nani liền hỏi tôi rằng, ngay giờ đây, tại chỗ nầy, tôi có thể ngồi xuống tập Thiền cùng bà trong năm phút không? Thế là tôi ngồi thiền cùng bà trong năm phút. Bà vẫn chỉ cho tôi các điều căn bản về thiền tập, mặc dầu tôi nói tôi chẳng có thời giờ.

Dầu sao đi nữa, tôi cũng tìm được năm phút rỗi rảnh mỗi ngày, và tôi tuân theo các lời bà dạy bảo. Tôi tập trong năm phút mỗi ngày, rồi lâu hơn, cứ lâu hơn nữa. TậpThiền trở nên ưu tiên số một của tôi. Tôi thực tập ngay những lúc nào có thể được. Rồi tôi tìm được thời gian càng ngày càng dài hơn để thực tập. Chẳng bao lâu, tôi toạ thiền nhiều giờ một ngày, đến khuya, đôi khi cả đêm sau khi làm xong mọi việc. Tôi đã tìm thấy được năng lực và thời gian mà tôi chẳng ngờ là tôi đã có. -- Sudipti Barua

Đẩy lên nấc cao hơn. - Hầu như mỗi lần tôi từ giả Dipa Ma sau hơn mấy giờ tiếp xúc, bà đều khích lệ tôi nên thực tập miên mật thêm hơn. Bà luôn luôn cố đẩy tôi vươn lên nấc thang cao kế tiếp. "Tôi hi vọng anh sẽ nhớ ngồi trong X giờ," hoặc "Tôi hi vọng anh sẽ cố gắng làm việc X đó." Có vài lần bà dùng đến từ ngữ: "Tôi kỳ vọng anh sẽ... " Bà hằng nói với một giọng thật là dịu dàng, chẳng bao giờ đượm vẻ quá khẩn thiết, nhưng bên dưới lại có cả một sự quyết tâm chơn thành muốn điều đó. -- Steven Schwartz

Mãi luôn thơ thới. - Trong thời kỳ an cư hai tháng của tôi với Dipa Ma, tại các buổi trình pháp thường lệ của tôi, bà luôn luôn đặt trọng tâm vào những điểm cần phải cố gắng thêm trong việc thực tập của tôi. Thí dụ như các cảm xúc đặc biệt nào vẫn còn mạnh mẽ? Trong buổi ngồi thiền, hay trong lúc nào đang ngồi, sức chú tâm lại trở nên yếu ớt? Tôi đã làm được gì đối với sự ngầy ngật vào lúc hết ngày? Chẳng phải bà chẳng tán thành sự vui say về các thắng điểm trong việc thực tập, nhưng bà luôn luôn muốn thảo luận về những gì đã chướng ngại sự miên mật của việc thực tập.

Điều làm ta thán phục Dipa Ma là tình trạng an nhiên liên tục của bà. Chẳng kể là bà đang ăn trưa, đi dạo hay chơi đùa với đứa cháu ngoại còn nhỏ, bà đều làm với sự chú tâm vừa mạnh mẽ lại vừa thơ thới.

Tôi nhớ ngay đến phương thức hướng dẫn thực tậpThiền của Dipa Ma khi chúng tôi vừa có một con rùa hoang được cưng nuôi trong sân thiền đường. Hàng rào dầu rào kín đến đâu cũng chẳng là chướng ngại cho con thú chậm chạp và kiên trì nầy. Để theo dấu nó, chúng tôi đã dán lên cái mai của nó một miếng băng keo có ghi số điện thoại của chúng tôi. Vài ngày sau khi nó biến đi đâu mất, thì điện thoại lại vang lên và chúng tôi sửng sốt trước các dặm đường xa xôi khi chạy xe đến chỗ để mang nó trở lại. Khi chúng tôi vừa thả nó ra ngoài sân, chơn nó vừa đụng đất thì nó đã khởi lên chuyến du hành khác nữa.

Cũng cùng thế ấy với Dipa Ma -- ta có thể trông thấy rõ một sự liên tục sâu xa cộng với vẻ nhàn nhã. Bà đã dạy tôi nếp phong nhã chính là sự tiết kiệm đúng mức: chẳng quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. --Katrina Schneider

Bạn có thật sự làm điều ấy chăng?- Bà thường hay hỏi: "Bạn đã ngồi trong bao lâu? Sự tỉnh thức của bạn được như thế nào? Bạn đã giác tỉnh đến mức nào trong đời bạn?" Căn bản mà nói, câu hỏi của bà là: "Bạn có thật sự làm điều ấy không, hay là bạn chỉ nghĩ về điều ấy?" Thật là một tư tưỏng vĩ đại: "Sống trong sự tỉnh thức!" nhưng bạn có thật sự đang sống như thế ấy không? -- Jack Kornfield

Pháp (Dharma) ở khắp nơi.- Khi khoá an cư chấm dứt, tôi nói với Dipa Ma rằng, thật là khó khăn cho tôi, vì tôi ở tại một nơi xa vắng trong nước, chẳng có một tăng đoàn (Sangha, Tăng già, một cộng đồng các vị tì kheo) nào ở gần. Tôi hỏi bà cách tu tập làm sao khi chẳng có Tăng già. Bà đáp: "Phật pháp ở khắp nơi. Bạn ở nơi nào, cũng thế thôi." -- Michele McDonald-Smith

Sự tinh tấn toàn bích.- Món quá cao quí nhứt mà Dipa Ma đã hiến tặng tôi là chỉ cho tôi thấy những gì tôi có thể làm được và luôn luôn sống với điều ấy. Sự tinh tấn nơi bà thật là toàn bích. Những bực với khả năng tinh tấn đó chẳng hề cảm thấy chán nãn thoái tâm khi việc làm phải kéo dài thật lâu, hay khi gặp phải khó khăn trở ngại cách mấy đi nữa. Tháng vắn năm dài nào có xá chi, bởi vì sức can đảm nhẫn nại trong lồng ngực vẫn sẵn sàng có mặt đó. Bà đã đem lại cho tôi ý nghĩa: với chánh tinh tấn, mọi sự việc đều có thể thành tựu được. -- Joseph Goldstein

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]