Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Mười bài học để sống đời

27/01/201109:51(Xem: 4188)
Chương 11: Mười bài học để sống đời

DIPA MA

Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

Phần III: Di huấn của Dipa Ma

Chương 11: Mười bài học để sống đời

Tiểu sử của Dipa Ma là một truyện thần kỳ kiễu mẫu của những người đang đi tìm con Đường giải thoát. Các giai đoạn được mô tả -- dấn bước, phát nguyện, đối đầu và khắc phục các khó khăn, tìm ra được sự giải thoát, và chia xẻ các sự khám phá của mình với người khác trên thế gian -- đi song hành chặt chẽ với các giai đoạn mà chính Đức Phật đã trải qua con đường chuyển hoá.

Sau khi đại giác ngộ dưới cội cây bồ đề, Đức Phật đã tuyên lên Bốn Chơn Lý Nhiệm Mầu: thứ nhứt, có sự khổ và khổ là dấu ấn tín đóng lên tất cả mọi hiện hữu bị điều kiện hoá; thứ hai, nguyên nhân của khổ là sự luyến ái; thứ ba, có thể tận diệt khổ được; và thứ tư, có con đường, được Ngài kể ra rõ tất cả chi tiết, tránh xa được sự khổ và dẫn đến mục tiêu hằng ôm ấp là sự giải thoát. Sự tu tập theo Phật đạo, nói cách thật tóm tắt và giản dị, là sự chấm dứt đau khổ cho chúng ta và cho tất cả chúng sanh.

Chính sự thầm hứa nguyện -- rằng đau khổ của chính tôi sẽ chấm dứt -- trước đã thúc dục tôi tìm đến sự tu tập thiền quán. Và chính tấm gương cuộc đời của Dipa Ma đã đem lại cho tôi lòng tự tín để dấn bước lên con đường tu tập. Là một người đàn bà, một người mẹ, một người nội trợ, Dipa Ma đã chỉ rõ con đường Thánh đạo của Đức Phật đang mở rộng cho tất cả mọi người, và mục tiêu vĩ đại được giải thoát ngay trong cuộc đời nầy.

Những đoạn sau đây là những bài học tôi đã rút ra từ các lời giảng căn bản của Dipa Ma. Nguyện cầu các bài học đó sẽ giúp ích cho bạn, trên con đường giải thoát.

Bài Một: Chọn một cách thực tập thiền quán và đeo theo cách ấy mãi.

"Nếu bạn muốn có tiến bộ về thiền quán, phải kiên trì giữ theo một kỹ thuật duy nhứt mãi."

Đối với những người mới bắt đầu theo con đường tu tập tâm linh, Dipa Ma khư khư bảo phải trung thành tuân theo một kỹ thuật về thiền quán đã chọn. Đừng bỏ cuộc, và đừng nhảy từ kỹ thuật nầy sang kỹ thuật khác. Hãy chọn một kỹ thuật hợp với bạn và theo đuổi mãi cho đến khi bạn thấy được "bờ ranh", tức là tại nơi điểm mà các khó khăn bắt đầu nổi dậy.

Lỗi thông thường của nhiều người Tây phương đang theo con đường tâm linh là xem các khó khăn như một bài toán nan giải đối với một sự thực tập nào đó. Thế rồi, khi tình trạng trở nên ngặt nghèo, thì liền chạy quanh để tìm thuốc chữa. Đứng từ đỉnh núi nầy (nơi đang gặp khó khăn) trông sang núi nọ, thì thấy các kỹ thuật khác bao giờ cũng tốt hơn ở đây. "Có lẽ ta nên tu tập theo lối "ca ngâm" Tây tạng,.. hoặc theo lối "nhảy múa" Sufi (phái mật tông Hồi giáo tu khổ hạnh)". Thật ra, các sự khó khăn gặp phải, thường thường là một triệu chứng đáng tin cậy rằng sự thực tập đang được trôi chảy.

Hãy suy nghĩ thật chín chắn, cặn kẽ, về lời khuyên của Dipa Ma. Nên cứ đeo đuổi mãi một lối tu tập mà bạn đã chọn, xuyên qua khó khăn và ngờ vực, xuyên qua cảm hứng cùng trì trệ, xuyên các thăng trầm chẳng thể tránh được. Nếu bạn giữ vững lòng trung thành với sự thực tập bạn đã nguyện chọn, xuyên qua thời kỳ đen tối, ánh bình minh trí huệ sẽ lố dạng.

Bài Hai: Phải ngồi thiền mỗi ngày.

"Phải tập ngay bây giờ. Đừng tưởng bạn sẽ làm nhiều hơn về sau."

Dipa Ma kiên quyết tuyên bố rằng, nếu bạn muốn được an lạc, bạn phải tu tập đều đặn. Bà nhấn mạnh là các thiền sanh phải tìm ra thời giờ để tu tập mỗi ngày, ngay cả khi chỉ có được năm phút thôi. Nếu cả điều đó mà cũng chẳng thể có được, thì bà lại nói, " Ít nhứt là khi lên giường đi ngủ, bạn chỉ cần theo dõi một hơi thở vào và một hơi thở ra, trước khi bạn nhắm mắt ngủ."

Ngoài việc tọa thiền chánh thức, ngồi trên toạ cụ, Dipa Ma còn thúc dục các thiền sanh của bà phải dùng tất cả mọi thời, mọi lúc trong cuộc sống để tập thiền quán. Nhiều thiền sanh rất bận rộn, thấy rất khó mà để riêng ra một chút thời giờ nào cả. Dipak Chowdhury thưa với Dipa Ma rằng, chẳng thể nào thực tập được hết, vì thời biểu công tác của ông thật đầy ăm ấp, ở ngân hàng nơi ông làm việc. Ông bảo rằng, ông phải làm toán cả ngày, phần vụ của ông lại đòi hỏi ông phải di chuyển tới lui luôn, thật là bận rộn và lăng xăng, làm sao mà nghĩ đến thiền quán được. Nhưng Dipa Ma chẳng muốn nghe như thế, bà cứ bảo, "Nếu bạn bận rộn đấy, cứ lấy ngay sự bận rộn đó để thiền quán." Bà dạy tiếp, "Khi bạn đang làm toán, hãy nhận biết rằng bạn đang làm toán. Thiền quán chính là nhận biết rõ việc mình đang làm. Nếu bạn đang vội vã đi vào sở làm, thì bạn hãy nhận biết là bạn đang vội vã. Khi bạn đang ăn, đang mang giầy, mang vớ, đang mặc quần áo, bạn phải giữ chánh niệm trong khi làm các việc đó. Đấy là cả một sự thiền quán đó. Ngay cả khi bạn đang cắt móng tay, cũng nên để tâm trí vào việc cắt móng tay đó nữa: nhận biết rõ là bạn đang cắt móng tay."

Đối với Dipa Ma, sự tỉnh thức chẳng phải là điều mà bà cố tạo nên, mà sự tỉnh thức chính là bà, bà đang như thế ấy -- trong tất cả mọi thời, mọi lúc. Thái độ tốt nhứt để tập thiền, theo ý bà, là lòng tin cậy và thiện chí. Khi tâm trí bạn đi vẩn vơ, chỉ cần bắt đầu tập lại lần nữa. Dipa Ma bảo rõ rằng, chẳng có điều gì hỏng khi gặp nhiều lúc thiếu tỉnh thức. "Sự thiếu tỉnh thức thường xảy ra cho mọi người. Đó chẳng phải là một vấn đề khó khăn thường trực." Ngay khi ta đã mất cả nỗ lực và quyết tâm, bà khuyên ta chỉ cần nên nhận biết rõ tâm trạng đó và rồi chuyển ngay sang một hình thức tu tập khác -- đi thiền hành, theo dõi và ghi nhận các hoạt động thông thường, hoặc là ngồi toạ thiền -- trong đó sự quyết tâm đang hiện diện

Bài Ba: Xử dụng mọi trường hợp.

"Mỗi người chúng ta đều có năng lực vĩ đại. Hãy dùng năng lực đó để tự cứu mình và giúp đỡ kẻ khác."

Đức Phật Thích ca đã rời vợ và con để lên đường tìm sự giác ngộ. Nhưng Dipa Ma, vì hoàn cảnh bó buộc, đã tự tìm ra con đường giải thoát cho mình, ngay trong khung cảnh gia đình, làm mẹ và nội trợ. Thông điệp của bà gởi đến cho tất cả phụ nữ ở khắp nơi là, "Bạn chẳng cần phải rời khỏi gia đình bạn mới có thể đạt đến được các chứng đắc nội tâm và trí huệ cao tột. Bạn có thể vừa là vợ, là mẹ, lại vừa theo đuổi con đường đạo pháp được."

Mặc dầu ngay tự buổi đầu bà nghĩ là bà phải lìa con gái bà để đi đến tu viện và tu tập trong sự độc cư, nhưng về sau, Dipa hiểu ra được rằng, bà có thể mang cả gia đình trên vai mà dấn bước vào con đường đạo pháp. Đường lối của bà là một sự hội nhập triệt để -- tất cả, kể luôn cái bồn nước rửa chén trong bếp.

"Trên thế gian nầy, chẳng có bất cứ sự vật gì mà ta nên bám níu lấy," Dipa Ma dạy, "nhưng ta có thể tìm lấy chỗ hữu dụng của mọi sự vật trên thế gian. Cuộc sống chẳng phải là để chối bỏ đi. Đời sống có mặt ở đó. Và trong bao lâu mà đời sống vẫn còn đấy và chúng ta còn ở đây, chúng ta có thể đem nó ra xử dụng một cách thật tốt đẹp nhứt."

Dipa Ma chẳng hề mê luyến một vị sư phụ đặc biệt nào, hoặc một điạ điểm nào, hay một lối sống nào cả. Toàn thể thế giới là tu viện của bà. Sharon Kreider còn nhớ rằng, "Vào tuổi đôi mươi đầy lý tưởng mộng mơ của tôi -- khi tôi muốn tin rằng nếu tôi chịu ngồi đủ lâu bên cạnh vị thầy giỏi, thì mọi việc sẽ được vừa ý -- bà chỉ cho tôi thấy rằng đó là chuyện phải tỉnh giác càng nhiều hơn nữa. Bà là một tấm gương sáng cho cả thế giới, làm thế nào mới trở nên một bà mẹ thật sự. Làm một bà mẹ thật sư là cảm được sức sống mãnh liệt. Làm một bà mẹ thật sự là mở rộng vòng tay ra đón nhận tất cả những gì tìm đến, với sự tỉnh giác, và nhận mọi hoàn cảnh như vị thầy của mình.

Bài Bốn: Tập nhẫn nhục.

"Nhẫn nhục là đức tánh quan trong nhứt để phát triển tỉnh giác và định lực."

Nhẫn nhục được tôi luyện bằng cách luôn luôn đối đầu với "bờ ranh"(dịch gượng chữ the edge). Nếu bạn kiên trì theo cách tu tập thiền định, chẳng thể nào bạn tránh khỏi được những lúc mà các sự khó khăn nổi lên. Trong những trạng huống đầy thách thức nhứt, chỉ cần giản dị biết mình có mặt ở đấy, có thể đây là điều duy nhứt có thể làm được -- và như thế kể cũng đã đủ rồi.

Kate Wheeler kể lại một thí dụ nhẫn nhục như thế trong đời của Dipa Ma: "Bà đã nhìn thấy rõ tâm bà trải qua mọi sự thống khổ và bà đã đủ năng lực để ngồi thiền cho nó trôi qua. Sau đó, khi bà xuất ra khỏi cảnh lửa đỏ đó, thì có một cái gì rất quyết tâm đáng sợ trong ánh mắt bà nhìn vào bạn, bởi vì bà đã tự thấy rõ bà. Chẳng có chỗ nào để che giấu. Bà nêu gương cho bạn thấy, chẳng phải chỉ cần ngồi yên (toạ thiền) đấy mà nghĩ tưởng đến lúc chứng đắc được sự giải thoát. Bạn cần phải nắm vững các sự thật nầy và ghi vào trong tâm bạn ở mức độ nào thâm sâu nhứt."

Dipa, con gái của bà, thuật lại đức tánh kiên nhẫn của mẹ như sau: "Một ngày trước hôm mẹ tôi mất, thằng Rishi bấy giờ được mười một tuổi, giở chướng ngỗ nghịch lên, khi tôi sửa soạn sắp đi làm. Tôi giận lắm, và định quất cho nó một trận. Nó chạy núp vào mẹ tôi. Bà chẳng để tôi được đụng vào mình nó. Tôi bực tức và hét to lên, "Má chẳng thấy nó làm cho con tức muốn chết hay sao, con phải đánh phạt nó!" Mẹ tôi dịu dàng, nhỏ nhẹ, bảo tôi, "Nầy Dipa con, con là con gái của mẹ, con cũng đã có lần rất kỳ khôi với mẹ. Nhưng mẹ đâu có liệng con ra khỏi nhà vì đã ngỗ nghich với mẹ." Rồi với giọng chẫm rãi, mẹ tôi giảng về thái độ âu yếm, ân cần và kiên nhẫn. Đó là một bài học mà tôi nhớ mãi."

Sự nhẫn nhục cần được thực tập suốt đời mình, cần được phát huy và tinh luyện qua thời gian. Theo Dipa Ma, sự nhẫn nhục rất cần thiết cho sự trưởng thành của tâm trí và do đó là một đức tánh quan trọng nhứt cần được vun bồi.

Bài Năm: Hãy giải thoát tâm của bạn.

"Tâm của bạn còn đầy vọng tưởng"

Dipa Ma chẳng có nói rằng trong tâm có đầy các câu chuyện, mà bà bảo rằng tâm chẳng là gì kháchơn là những câu chuyện. Chúng là những bi hài kịch riêng tư của mỗi người đã tạo nên và gìn giữ mãi một ý nghĩa về tự ngã, "một lý lịch cá nhơn": chúng ta là ai, chúng ta làm gì, những gì chúng ta làm được và làm chẳng nổi. Nếu chúng ta còn chưa ý thức được việc đó, thì những chuỗi dài vô tận của những tư tưởng như thế sẽ lôi kéo chúng ta mãi và hạn chế cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, các vọng tưởng đó đều chẳng có thực chất.

Dipa Ma thường thách đố sự tin tưởng của các học viên của bà vào các mẩu chuyện của họ, sự luyến ái vào chúng. Khi có ai đó nói rằng, "Tôi chẳng thể làm nổi việc đó", bà liền hỏi ngược lại, "Bạn có chắc như thế không?", hay "Ai bảo thế?", hoặc "Tại sao lại không chớ?". Bà luôn khuyến khích các học viên nên quán sát các mẩu chuyện tư, các vọng tưởng đó, để nhận ra sự rỗng tuếch của chúng, để rồi vượt thoát qua khỏi những hạn chế mà chúng đã áp đặt lên họ. "Hãy dẹp bỏ việc suy nghĩ đi", bà thường thúc dục, "Thiền quán đâu phải là suy tưởng."

Đồng thời, Dipa Ma dạy rằng, tâm trí chẳng phải là một kẻ thù mà mình cần gạt bỏ đi. Đúng ra là, nhờ bằng vào tiến trình tỏ ra thân thiện với tâm trí, nhờ được tìm hiểu, biết rõ thêm và được chấp nhận thì tâm trí sẽ hết trở nên một vấn đề khó. Dipa Ma biết rõ sự giải thoát theo sau tiến trình đó, và bà luôn sống trong tâm trạng tỉnh thức vô niệm.

Trong một cuộc phỏng vấn tập thể, Jack Kornfield đã ngây thơ hỏi: "Bên trong tâm trí bà, giống như thế nào vậy?" Dipa Ma mỉm cười, mắt nhắm lại, và lặng lẽ đáp: "Trong tâm tôi, có ba việc: định lực, từ bi và an lạc."

Jack, còn chưa chắc đã nghe rõ đúng, hỏi thêm, "Chẳng còn gì khác nữa sao?". Dipa Ma đáp lại, "Vâng, chỉ bấy nhiêu thôi"

Trong phòng im phăng phắc. Rồi có một vài tiếng thở dài và nhiều nụ cười lặng lẽ, theo sau lời ấp úng nho nhỏ vừa đủ nghe của Jack: "Thật là tuyệt vời!"

Bài Sáu: Hãy dập tắt ngọn lửa tình cảm.

"Sân hận là ngọn lửa".

Khi có người đến thăm Dipa Ma, chẳng kể là ai đó, chẳng kể đến tâm trạng đang nung nấu của khách, chẳng kể đến hoàn cảnh nào của họ, bà đều đối xử với mỗi người bằng tấm lòng từ bi hoàn toàn chấp nhận.

Chúng ta có thể nào cống hiến sự chấp nhận đó đối với các tình cảm đang khởi lên trong tâm chúng ta chăng? Chúng ta có thể nào xem các trạng thái tình cảm của chúng ta như là tân khách để được đón tiếp ân cần chăng? Chúng ta có thể nào giản dị để cho sự giận hờn và các tình cảm khác khởi lên trong tâm chúng ta và trôi qua đi mà chẳng phản ứng theo nhiều cung cách thường gây ra thương tổn chăng?

"Trong đời sống hằng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra chẳng vừa ý mình," Dipa Ma nói, "Đôi khi, tôi thể nghiệm một sự bực bội, nhưng tâm tôi lại vẫn mát mẻ. Bực bội đến rồi lại qua đi. Tâm tôi chẳng bị khuấy rối vì bực bội. Sân hận là ngọn lửa. Nhưng tôi chẳng cảm thấy nóng chút nào. Nó đến rồi nó tắt lịm đi". Tôi rất phấn khởi trước tấm gương của Dipa Ma, nhưng tôi thường tự hỏi, còn có một vài trường hợp mà sự tức giận dường như cũng thích hợp chăng? Trong một vài hoàn cảnh đặc biệt nào đó, sự sân hận có đáng được xem ít nhứt là chánh đáng chăng? Đối với Dipa Ma, câu trả lời giản dị cho sự thắc mắc đó là không, sự sân hận chẳng bao giờ tự biện minh chánh đáng được. Và bà đã tìm ra được cách để lèo lái con thuyền đời bà lướt sóng gió mà chẳng vướng bận giận hờn.

Sylvia Boorstein, một nữ thiền sư đã tiếp đón Dipa Ma đến ở trong gia đình bà, vào năm 1980, có nói rằng, chồng bà ta đã có một lần thách thức Dipa Ma về điểm đó. "Dipa Ma đang nói về tầm quan trọng của việc duy trì tâm bình đẳng và tịch tĩnh và vô sân; và chồng tôi mới hỏi bà, "Bà có thể làm đúng như thế chăng? Nếu có người bằng cách nào đó gây hiểm nguy cho cháu Rishi, hăm doạ cháu, bà sẽ phản ứng ra sao?" Dipa Ma bình tĩnh đáp: "Dĩ nhiên, tôi sẽ ngăn người ấy lại, nhưng chẳng có chút tức giận nào."

Bài Bảy: Hãy cứ vui hưởng lạc thú ở dọc đường.

"Tôi rất vui sướng. Nếu bạn đến tập thiền, bạn cũng sẽ vui sướng."

Jack Engler hỏi Dipa Ma, chỗ nào vui thích trong Phật giáo. "Mọi điều đều có vẻ quá u buồn", ông ta nói, "Phải dẹp bỏ đam mê, phải diệt trừ giận hờn, phải quét sạch ham muốn. Trông như một cuộc sống buồn bã, xám xịt. Còn ở đâu là mật ngọt?"

Dipa Ma bật cười to: "Ồ, bạn còn chẳng hiểu! Đời sống bình thường ngày qua ngày cứ diễn ra giống nhau buồn tẻ lắm. Mọi việc chúng ta kinh nghiệm qua đều được nhìn dưới cùng một màu kiếng. Một khi tham lam, hờn giận và si mê đã được bỏ đi rồi, trong mọi thời, nhìn lại mọi sự vật ta thấy chúng tươi tắn và mới mẻ hơn. Mỗi phút giây là một khoảnh khắc mới. Đời sống tẻ nhạt trước kia, nay ngày ngày, mọi lúc đều mang đầy ý nhị và thú vị".

Eric Kolvig nhắc lại trong một buổi phỏng vấn tập thể hôm đó, tánh thích đùa bỡn của Dipa Ma được lộ ra dưới một hình ảnh khó mà quên được. Thằng cháu ngoại của bà đang bực tức giận dữ việc gì trong nhà bếp. Nó hét to lên như cho cả thế giới phải biết đến, trong một cung cách thường thấy nơi các "đấng độc tài" hai tuổi. Bà gọi nó đến bên chiếc ghế nệm dài, đặt nó nằm úp trên đùi bà và dỗ dành nói bằng cách đấm nhè nhẹ lên lưng nó để vuốt cơn ấm ức của nó, một lối chúc lành rất hợp với tuổi nó. Có một chiếc xe cam nhông bằng plastic, hai màu xanh, vàng, đang nằm lăn lóc giữa hai bà cháu. Với một vẻ thanh thản sâu xa chưa bao giờ rời khỏi gương mặt bà, bà cúi xuống lượm chiếc xe lên, lật ngược lại, úp ngay... lên trên đầu bà, rồi tiếp tục giảng pháp ngay tại điểm mà bà đang khai triển. Bà giữ món đồ chơi ấy trên đầu bà, suốt thời gian của cuộc phỏng vấn.

Hình ảnh đó khiến tôi luôn luôn nhớ đến bà: vuốt ve lưng đứa bé khóc nhè đang nằm trên đùi và tiếp tục thuyết giảng đạo pháp với chiếc căm nhông plastic màu xanh vàng úp ngược trên đầu mình. Dipa Ma là một chiến sĩ tâm linh vĩ đại nhứt mà tôi được biết đến. Trên đầu bà, chiếc xe plastic trở thành chiếc mũ sắt quí phái của người chiến sĩ. Tôi nói như thế chỉ có nửa phần diễu cợt mà thôi."

Bài Tám: Giản dị hoá.

"Hãy sống cuộc đời bình dị. Một đời sống giản dị bao giờ cũng tốt cho mọi sự. Quá nhiều xa hoa làm chướng ngại cho sự tu tập."

Dẫu rằng Dipa Ma và gia đình bà sống trong hai căn phòng nhỏ hẹp, nhưng hầu hết các tân khách đến thăm thấy hai căn phòng ấy vẫn rộng rãi và chói chan ánh sáng. Một học viên đã nhận xét rằng, trong khi chúng ta ở Tây phương nghĩ rằng cần có thật nhiều khoảng không gian vật lý, còn Dipa Ma thì lại có thật rộng khoảng không gian tâm linh.

Về mọi phương diện, Dipa Ma sống trong sự giản dị đến mức tối đa. Bà ít chịu giao tế hội hè bè bạn. Bà chẳng hề tham gia vào các cuộc nói chuyện chẳng cần thiết. Bà chẳng chịu dự vào các mối quan tâm của người khác, nhứt là các việc than phiền. Kim chỉ nam của bà và cho các học viên của bà là sống sống ngay thật và chẳng bao giờ quở trách kẻ khác.

Thường thường Dipa Ma giản dị nghỉ ngơi trong im lặng. Bà thường bảo: "Mỗi khi tôi có được thời gian riêng một mình, tôi thường quay tâm hướng vào bên trong". Bà chẳng bao giờ dành thời giờ cho một việc mà bà nghĩ chẳng cần thiết cho đời bà. Cũng như trong khi thiền quán, chúng ta chỉ chú tâm mỗi lần đến một việc thôi, Dipa Ma khi làm việc chi thì làm cho xong hoàn toàn việc ấy, chẳng hề nghĩ tới việc kế tiếp. "Tư tưởng về dĩ vãng, và tương lai", bà bảo, "làm hư mất thời giờ của các bạn". Bất cứ làm việc gì, bà hoàn toàn sống trong hiện tại với việc ấy, rất khoan thai, rất tĩnh lặng, và rất bình dị.

Bài Chín: Vun bồi tinh thần chúc phước lành.

"Nếu bạn chúc lành cho người chung quanh bạn, bạn sẽ được thêm sự chú tâm vào mọi phút giây."

Dipa Ma khiến cho đời bà trở thành một sự cầu chúc phước lành liên tục. Bà chúc phước lành đến mọi người. Bà chúc lành họ, từ đỉnh đầu xuống ngón chơn, thổi nhẹ hơi vào họ, tụng đọc kinh bên tai họ, vuốt tóc họ.

Dipa Ma khuyến khích một học viên vừa là phi công hàng không, nên rải tâm từ bi và chúc phước lành đến các hành khách và bạn đồng nghiệp, khi anh nầy đang lái phi cơ. Bà nói điều nầy sẽ làm cho anh phi công trở nên tỉnh táo hơn, đồng thời khiến mọi người cũng được vui sướng.

Sự cầu chúc phước lành của bà, tuy nhiên, chẳng phải chỉ dành riêng cho con người. Trước khi bước lên máy bay, bà cũng chúc phước cho chiếc phi cơ. Ngồi xe hơi cũng là cơ hội để bà chúc lành chẳng những cho chiếc xe mà còn cả cho tài xế và các người đã bơm xăng cho xe.

Thực hành sự chúc phước cả ngày như thế có thể khiến cho sự tầm thường trở thành điều đặc biệt. Đó là một lối tiếp thọ ân sủng phút nầy sang phút khác. Đó là một lối nói lời tạ ân, chẳng phải chỉ vào lúc trước bữa ăn, mà còn trọn cả ngày, đối với mọi việc mình làm.

Bài Mười: Một hành trình theo vòng tròn.

"Thiền quán thành toàn nhơn cách con người."

Vị thầy và cũng là bạn của tôi là Matthew Flickstein, có một lần nói với tôi rằng: "Chị Amy nầy, chị biết không, chị chẳng bước tới gần chơn lý hơn chút nào so với lúc chị bắt đầu tập thiền quán, mười tám năm về trước."

Sự sửng sốt hoảng hốt của tôi thật rất hiển nhiên.

"Chị chẳng đến gần chơn lý hơn", ông nói tiếp, "bởi vì chị chính là chơn lý".

Các người Phật tử thường nói một cách ẩn dụ "rời khỏi thế gian" và "trở lại thế gian" (xuất thế và nhập thế), nhưng sự thật thì chẳng lìa thế gian cũng chẳng có quay về với thế gian. Chúng ta chẳng thể lìa hay trở lại với bản thể của chúng ta, với cái chơn lý căn để của thân mạng chúng ta, bởi vì bản thể đó ở ngay tại đây, nhưng chỉ bị che mờ bởi một màn mỏng của sự si mê. Bạn chẳng cần phải khám phá tìm ra nó, đúng lý là bạn phải để nó hiển lộ ra, vẹt khỏi lớp mây mờ đang bao quanh bạn. Nhìn thẳng vào bản thể chơn thật của bạn có nghĩa là nhận định được rõ ràng rằng bạn được liên kết thật chặt chẽ với mọi người chung quanh bạn, với mọi sanh vật đang có mạng sống, rằng bạn, thật vậy, có trách nhiệm trong mọi việc đang xảy ra trên thế gian nầy.

Sự đẹp đẽ của hành trình tâm linh là con đường đạo pháp đó đã đưa chúng ta, một cách chẳng hề đổi thay, đến nơi vòng quanh trở lại điểm khởi hành. Khi Dipa Ma đau khổ về sự hiếm hoi chẳng sanh đẻ của mình, chồng bà đã đề nghi một cách rất đúng đắn là bà nên xem tất cả mọi đứa trẻ như con của chính bà. Nhưng trong những ngày khó khăn buồn thảm đó mà bà phải cam chịu trước khi gặp được các lời giáo huấn đã chuyển hoá cả đời bà, bà đã chìm đắm trong ưu sầu vì những gì mà bà đã thiếu mất và luôn luôn tìm cách "lấp vào lỗ hổng". Tuy nhiên vào giai đoạn cuối cùng của cuộc đời bà, Dipa Ma đã thật sự trở thành bà mẹ của tất cả. Để lấp vào "lỗ hổng" đó, quả tim bà đã giản dị mở rộng ra thừa tiếp mọi người.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]