Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Thức tỉnh

27/01/201109:51(Xem: 4127)
Chương 2: Thức tỉnh

DIPA MA

Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

PHẦN I: CUỘC ĐỜI LY KỲ

CHƯƠNG 2: THỨC TỈNH

“Còn mang theo được gì khi tôi chết?”

Trong vòng mười năm, Dipa Ma đã mất hai con, chồng và sức khỏe của Bà. Chỉ ngoài bốn mươi tuổi, Bà trở thành góa phụ phải một mình nuôi dạy đứa con gái bảy tuổi. Cha mẹ đã qua đời, quê hương Ấn thì xa diệu vợi và Bà đang chìm ngập trong nỗi sầu lo bối rối.

“Tôi cũng chẳng biết phải làm gì, đi đâu, hay sống bằng cách nào đây?” Bà than thở. “Tôi chẳng có chút gì để gọi là của tôi, chẳng có ai để gọi là người thân.” Tháng tháng trôi qua, và Bà chỉ biết cầm bức ảnh của Rijani để trên đùi mà than, mà khóc. Mấy năm kế tiếp theo, sức khỏe Bà càng ngày càng suy giảm. Hoàn cảnh thật nghiêm trọng khiến Bà nghĩ, hy vọng cuối cùng của Bà để sống sót là phải thực tập thiền. Bà ngao ngán ngắm cảnh ngộ trớ trêu của mình. Khi còn trẻ, đầy đủ sức khỏe, sốt sắng ham muốn hành thiền, thì lại bị ngăn cản. Giò đây, với

trách nhiệm nuôi dạy con thơ và sức khỏe đã mỏi mòn, đang tuyệt vọng đối đầu với cái chết, Bà cảm thấy chẳng còn lối thoát nào hơn là mang trái tim rạn vỡ đi vào cõi chết, trừ phi Bà làm được một chút gì để thay đổi được tâm trạng của Bà.

Bà tự hỏi, “Tôi mang theo được gì khi tôi chết?” Bà nhìn đến của hồi môn, mấy chiếc áo san bằng lụa, vòng vàng nữ trang, và cả đứa con gái thân yêu. “Tôi có yêu con tôi cho lắm đi nữa, tôi cũng không thể nào mang nó theo tôi được... Thôi thì, cứ đến trung tâm thiền tập đi. Biết đâu đến đó, tôi tìm ra được chút gì tôi có thể mang theo, khi tôi chết.”

Ngay trong phút mà cuộc đời đã tuột xuống đến mức thấp nhất, Đức Phật đã hiện ra trong giấc mộng của Bà. Trong ánh hào quang rực rỡ, Ngài đã dịu dàng ngâm lên bài Kệ trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), trước đây đã được Ngài nói lên để an ủi một người cha vừa mất đứa con trai:

Luyến ái sanh sầu muộn,

Trìu mến sanh lo sợ.

Ai cắt đứt dây luyến ái

Không sầu, sao có sợ?

Khi Dipa Ma tỉnh giấc, Bà cảm thấy tâm an tịnh và trong sáng. Bà biết ngay, mình phải học tập thiền, cho dầu tình trạng sức khỏe ra sao đi chăng nữa. Bà hiểu rõ lời Đức Phật dạy: muốn an tịnh thật sự, Bà phải thực tập cho đến khi nào cắt đứt mọi luyến ái ràng buộc và lo âu. Mặc dầu cả đời sống theo các lễ nghi Phật giáo, Bà chỉ biết rất ít về những gì việc tu tập thiền đòi hỏi. Trực giác Bà đã đẩy đưa Bà theo con đường xưa hứa hẹn sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Khác với phương pháp thiền chỉ (Samatha)theo đó sự chú tâm được an trú trên một đối tượng duy nhất, Thiền Minh Sát (Vipassana)lại soi chiếu vào bản chất đổi thay liên tục của đối tượng. “Minh Sát” nghĩa là soi thấy thật rõ ràng về ba đặc tính của đối tượng: vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Đức Phật dạy rằng. xuyên qua thiền quán, ta có thể phá vỡ các ảo tưởng đã hạn chế cuộc đời của chúng ta. Giải thoát, hoặc giác ngộ, căn cứ theo Giáo Pháp của Đức Phật, nằm trong kinh nghiệm về bản chất thật sự của đời sống.

Dipa Ma sắp xếp mọi việc để đi đến Trung Tâm Thiền Kamayut ở Rangoon. Tất cả những gì chồng Bà để lại tài sản, nữ trang, và các vật dụng khác – Bà giao cho người láng giềng trước cửa, “Xin làm ơn vui lòng nhận hết tất cả những gì tôi có đây, và dùng đó để nuôi dưỡng con tôi, Dipa”. Bà chẳng hy vọng sẽ trở về lại. Nếu thế nào Bà cũng sắp đi vào cõi chết, Bà tự nhủ, sao lại chẳng đi tới chết tại trung tâm thiền tập?

Khóa thiền đầu tiên của Dipa Ma không được như mong muốn. Vừa đến trung tâm. Bà được chỉ cho một căn phòng và dặn qua các điều căn bản về thực tập, rồi bảo bốn giờ chiều ngày hôm sau phải đến trình pháp tại đại sảnh của thiền đường. Bà bắt đầu thực tập ngay từ sáng sớm, trước chú tâm vào hơi thở, kế đến các cảm giác, ý nghĩ, và các tình cảm khởi lên trên thân và trong tâm Bà. Ngày giờ lặng lẽ trôi qua, đinh lực của Bà từ từ lắng sâu. Chiều hôm đó Bà đi bộ đến đại sảnh của thiền đường để gặp thiền sư. Thình lình Bà ngừng lại, không thể nào bước tới. Bà không biết chắc tại sao, Bà chỉ biết mình không cách gì dở chân lên được. Bà đứng khựng đó, bối rối nhưng chẳng quá hoảng hốt lo âu, trong vài phút. Cuối cùng, Bà nhìn xuống và thấy một con chó to lớn đang ngoạm chặt chân Bà. Định lực của Bà mới đó đã thâm sâu, ngay từ những giờ đầu tiên vừa thực tập, đến độ Bà chẳng còn cảm giác.

Bật ra khỏi cơn thiền định, Dipa Ma cất tiếng kêu cứu và cố vùng vẫy kéo chân ra. Con chó vẫn không chịu nhả, sau cùng mấy vị sư đến mới đàn áp được chó và đuổi nó đi. Mặc dầu được trấn an là con chó không điên, nhưng Dipa Ma lại sợ chết - trớ trêu thay, trước đó chính Bà cũng muốn đến để chết ở trung tâm thiền tập! - nên tìm đến bịnh viện để được chích ngừa chó dại. Đi nhà trường và trở về như thế có nghĩa là Bà phải mất phần ăn, vì theo truyền thống tại các tu viện Nam Tông, bữa ăn chỉ được cung cấp một lần mỗi ngày và phải dùng trước giờ Ngọ. Không bao lâu, Dipa Ma kiệt sức, các vị sư khuyên Bà nên trở về nhà để hồi phục sức khỏe lại.

Ở nhà đứa con gái nhỏ của Bà bấn loạn lên vì mẹ bỏ đi đột ngột, bây giờ không chịu rời mẹ lấy một bước. Dipa Ma nghĩ cơ hội duy nhất để được giác ngộ đã qua mất rồi. Bà thường tức tưởi khóc, khóc cho sự thất bại ê chề.

Tuy nhiên, Bà không chịu bỏ cuộc việc tu tập. Được chỉ dạy các điều căn bản sơ lược trong một ngày ngắn ngủi. Bà kiên nhẫn hành thiền trong nhiều năm, ngay tại nhà, mỗi khi Bà tìm được thời giờ rảnh. Bà tin tưởng chắc chắn rằng rồi đây sẽ có một cơ hội khác để đi an cư lần nữa. Cơ hội đó đến với Dipa Ma khi Bà hay tin có một người bạn trong gia đình và là một vị giáo thọ, pháp hiệu là Anagarika Munindra, đang ngụ tại một trung tâm thiền tập ở gần đấy. (Anagarika có nghĩa là xuất gia, rời bỏ gia đình đi tu). Bà liền thỉnh Sư đến nhà và trong khi Sư dùng trà, Bà thuật lại kinh nghiệm thiền tập vừa qua. Munindra khuyến khích Bà nên đến thiền viện Thathana Yeiktha, nơi mà Sư đang thiền tập tích cực, dưới sự giám thủ của Đại Lão Hòa thượng Mahasi, vị thiền sư và học giả lỗi lạc nhất ở Miến Điện vào thời bấy giờ. Như thế, Dipa Ma được duyên may hiếm có đến thọ giáo với một bậc thầy vĩ đại có sự hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ của một người bạn trong gia đình. Đồng thời vào độ ấy, em của Bà là Hema cùng gia đình vừa mới sang định cư ở Miến Điện, thành ra Dipa có thể về ở với dì dượng, cùng anh chị em họ trong khi Bà đến thiền viện.

Dipa Ma tham dự kỳ thiền này với một tâm trạng khác hẳn - ít hối hả vụt chạc hơn, nhiều chuẩn bị và trầm tĩnh hơn. Mặc dầu từ ngày Rijani mất Bà bị bịnh mất ngủ, nhưng nay Bà khó giữ sao cho khỏi ngủ gục. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, Bà đã đắc được một trạng thái định lực sâu, rồi nhu cầu ngủ nghỉ và ăn uống cũng không còn. Munindra lo ngại cho định lực của Bà mất thăng bằng, nên khuyên Bà phải tham dự các thời pháp hàng tuần của Ngài Mahasi, dù Bà chẳng hiểu tiếng Miến Điện. Bà đâu muốn đi, nhưng Munindra cứ khuyên mãi, nên để làm vừa lòng Sư, Bà phải đến đó.

Trên đường đến nghe pháp, Dipa Ma thấy tim đập loạn động, tay chân yếu ớt, nên phải bò lên cầu thang vào chánh điện. Bà chẳng hiểu tí nào về bài pháp, nhưng cứ tiếp tục ngồi hành thiền. Sau thời pháp, Dipa Ma không thể đứng lên nổi. Dán chặt vào chỗ ngồi, thân Bà trở nên cứng ngắt, bất động dưới ảnh hưởng của sức định thâm sâu.

Trong những ngày sau đó, công phu thực tập của Dipa Ma tiến bộ vượt bực, khi Bà nhanh chóng vượt qua trình tự phát triển về tuệ Minh Sát trước khi chứng ngộ, đã được mô tả rõ trong Giáo Pháp của truyền thống Theravada (Phật giáo nguyên thủy). Bà thể nghiệm một ánh sáng chói lọi, tiếp theo cảm giác mọi sự vật chung quanh Bà đang từ từ tan vở.

Thân Bà, sàn gổ, mọi vật, đều rạn nứt từng mảnh, bể nát và trống rỗng. Điều đó đã đưa đến một sự đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần, với một cảm giác bị nung đốt và co rút nhức buốt làm toàn thân như sắp bị nổ tung.

Rồi một điều kỳ lạ xảy đến. Trong giây phút bình thường - vào ban ngày, Bà đang ngồi trên sàn nhà thực tập cùng với một nhóm thiền sinh - một sự chuyển tiếp tức khắc vô cùng an tịnh và vi tế, xem như chẳng có gì xảy ra cả. Giây phút sáng chói đó, sau này Bà Dipa Ma chỉ nói, “Tôi cũng chẳng biết nữa”, vậy mà cả cuộc đời còn lại của Bà đã được chuyển hóa một cách thật sâu xa kỳ diệu.

Sau ba thập niên đi tìm sự giải thoát, vào tuổi đã năm mươi ba chỉ qua sáu ngày thực tập, Dipa Ma đã đạt đến nấc thang đầu của sự chứng ngộ. (Như đã diễn tả trong Thanh Tịnh Đạo, truyền thống Theravada công nhận có bốn giai đoạn giác ngộ. Mỗi giai đoạn là một tiến trình thanh lọc tâm được hành giả tự nhận biết rõ ràng). Gần như tức khắc liền sau đó, huyết áp của Bà trở lại mức bình thường và các hồi tim đập mạnh cũng giảm xuống. Trước đây Bà không thể bước lên cầu thang giảng đường của thiền viện, bây giờ leo lên chẳng chút mệt nhọc, và Bà cất bước với bất cứ nhịp độ nào.

Dipa Ma tiếp tục thực tập ở thiền viện ThathanaYeiktha thêm hai tháng nữa, rồi trở về nhà ở Rangoon. Vài tuần lễ sau, Bà đi đi lại lại thiền viện trong suốt một năm. Vào khóa thiền kế đó, Bà lại đạt thêm một thân chứng mới, chỉ sau năm ngày thực tập. Con đường đưa tới tuệ giác này cũng giống như lần trước ngoại trừ sự đau đớn lại gia tăng hơn. Sau khi đạt đến mức chứng ngộ thứ hai, tình trạng thể chất và tâm linh lại thay đổi hơn nữa; nơi Bà, sự xaođộng bất an giảm hẳn, còn tiềm năng chịu đựng lại gia tăng hơn.

Những ai trước kia được biết Dipa Ma đều kinh ngạc trước mọi thay đổi nhanh chóng của Bà. Rất nhanh, từ một thiếu phụ bịnh hoạn, nhu nhược, sầu não, Bà đã biến thành một người đàn bà tráng kiện, tự lập và rạng rỡ. Dipa Ma nói với các người chung quanh: “Các bạn đã biết tôi dạo trước ra sao. Tôi đã gục ngã não nề trước cái chết của chồng con, trước bịnh hoạn. Tôi đã đau khổ thái quá đến nỗi không cất nổi bước chân đi cho đàng hoàng. Nhưng bây giờ đây các bạn thấy không? Tất cả bịnh tật đều biến mất. Tôi tươi tắn, chẳng còn gì vướng bận trong tâm, không sầu lo, không hiềm hận. Tôi hoàn toàn an lạc. Nếu các bạn tới tập thiền, các bạn cũng sẽ an lạc. Chỉ cần làm đúng các lời chỉ dẫn thôi”.

Phấn khởi noi gương Dipa Ma, các bạn hữu cùng gia đình họ đều đến trung tâm thực tập. Những người đến đầu tiên là em Bà, Hema và bạn thân là Khui Ma. Bà Hema mặc dầu có tám con, năm người còn ở chung trong gia đình, vẫn tìm đủ thời giờ đi thực tập với chị trong gần một năm. Sau đó, Dipa và các con của Hema cũng đến gia nhập. Một cảnh tượng cảm động đáng ghi nhớ là hai thế hệ phụ nữ trung niên và thiếu nữ vào tuổi cập kê cùng ngồi tập thiền bên cạnh các vị sư khắc khổ mặc áo cà sa màu vàng. Các thiền viện trưởng chẳng đủ chỗ trú cho các nữ thiền sinh, và họ phải chen chúc nhau trong những căn phòng nhỏ hẹp xây cất tận góc cuối của thiền viện. Con gái bà Hema, Daw Than Myint kể lại, họ phải len qua các bụi rậm trên đồi cao để có thể đi đến nơi trình pháp với thiền sư Munindra.

Trong những ngày trường nghỉ lễ, Dipa Ma và Hema có khi được đến sáu đứa con bên cạnh họ. Dầu không khí thân mật như trong gia đình, kỷ luật lại nghiêm khắc. “Cả một gia đình chúng tôi ăn cơm trong im lặng”, Daw Than Myint nhắc lại, “Và chẳng ai nhìn nhau. Thật là hết sức đặc biệt!” Trong năm thực tập “phi thường” đó, tất cả sáu đứa con của thị tộc Barua, bốn gái hai trai, đã thành tựu ít nhất mức chứng ngộ đầu tiên. Việc cô Dipa nhiệt thành tập thiền là một phần thưởng quí giá cho mẹ, Dipa Ma. Bà muốn trao cho con một tặng phẩm có giá trị lâu dài, một “tặng phẩm vô giá”. Bà nhắc đi, nhắc lại mãi với Dipa rằng thiền tập cống hiến con đường duy nhất đi đến bình an.

Em của Dipa Ma là Hema cũng rất thâm hậu trong thiền tập và đã tiến bộ song song với Dipa Ma. Daw Than Myint đã kể lại hiệu lực mạnh mẽ của thiền tập đã đến với mẹ cô, như sau:

Khi tôi vừa về đến nhà sau kỳ nghỉ hè ở đại học, không thấy mẹ ra đón tôi. Thật là khác thường, bởi vì bà chẳng hề vắng nhà lâu như thế. Anh chị tôi cho tôi hay mẹ đang ở trung tâm tập thiền. Khi tôi đến trung tâm, tôi thấy mẹ tôi đang ngồi gần thiền sư Munindra, bà rất an tịnh, điềm nhiên và có vẻ không nhận ra tôi đang đi đến. Tôi rất xúc động. Tôi cũng muốn được xa vắng như thế. Tôi quyết định, nếu tập thiền mà thay đổi được mẹ tôi như thế, thì thiền phảicó năng lực mạnh lắm và tôi cũng cần phải thực tập. Dĩ nhiên, sau này tôi mới hiểu ra dược là thiền không phải cốt chỉ để điềm nhiên và xa vắng.

Nhưng, đâu phải tất cả mọi người trong gia đình đều nỗng nhiệt với sự thay đổi của Hema:

Cha tôi rất bất mãn vì mẹ tôi chẳng nhúng tay vào việc nội trợ, bà chỉ ngồi, ngồi và ngồi, cho nên cha tôi dọa sẽ mách với Đại Lão Hòa thượng Mahasi. Mẹ tôi bảo: "Tốt!”. Khi cha tôi đến trình với Hòa thượng Ngài thuyết phục cha tôi nên bắt đầu việc thiền tập của chính ông. Chẳng bao lâu, cha tôi cũng được được tuệ giác, rồi ông chẳng hề phiền hà việc mẹ tôi ngồi nhiều quá nữa.

Đến năm 1965, Dipa Ma được thu hút theo một chiều hướng mới của việc thực tập thiền. Biết trước thiền sư Munindra sắp trở về Ấn Độ, Đại Lão Hòa thượng Mahasi bảo đệ tử rằng, trước khi quay về với “mảnh đất của thần thông”, sư cũng nên biết đôi chút về các năng lực tâm linh này. Ngài muốn truyền thọ cho Munindra các phép thần thông, nhưng Munindra quá bận bịu với việc giảng dạy không đủ thời giờ để tập luyện. Thay vì thế, Munindra quyết định huấn luyện các người khác để có thể phần nào chứng minh rằng thần thông là điều có thật. Nhằm vào mục tiêu này, ông chọn các đệ tử tiến bộ nhất của ông, Dipa Ma và gia đình Bà, và huấn luyện họ theo phương pháp được rút thẳng từ trong sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).Munindra biết rõ thần thông chẳng những phi luân lý mà còn có tiềm năng cám dỗ nữa. Nguy cơ lạm dụng rất lớn, trừ phi căn bản đạo đức của người đệ tử được đảm bảo. Dipa Ma được tuyển chọn, chẳng những vì định lực thâm hậu mà còn là vì đức độ toàn bích của Bà nữa.

Dipa Ma, Hema và ba người con gái của họ được mời làm quen với các môn: phân tán vật chất, phân thân, nấu nướng không cần lửa, tha tâm thông, du hành cõi trời và địa ngục, vượt thời gian, túc mạng thông, và nhiều môn khác nữa. Trong hàng các đệ tử của Munindra về thần thông, Dipa Ma là hành giả thâm hậu nhất mà cũng lại hay hí lộng nhất. Bà thường hững hờ đến trình pháp với Munindra bằng cách đi xuyên qua tường, hoặc giữa khoảng không khí loảng. Bà học cách sử dụng theo ý mình muốn mọi khả năng về tâm trí và chế phục được tất cả năm loại thần thông (Xem Chương 9)

Từ năm 1966, sau khi Munindra đã rời về Ấn Độ, Dipa Ma trở thành vị thiền sư mà rất nhiều người tìm đến để được hướng dẫn và Bà bắt đầu giảng dạy tại Rangoon. Bà rất hân hoan cống hiến sự an lạc đến cho những người khác, sự an lạc mà chính Bà đã tìm thấy và Bà đã thuyết phục được nhiều thân bằng quyến thuộc cùng Bà thực tập thiền định.

Đệ tử chính thức của Dipa Ma là người láng giềng với Bà, tên là Malati Barua, một góa phụ phải nuôi dưỡng một mình sáu đứa con. Trường họp của Malati là một thách thức kỳ thú: bà ta rất nhiệt tâm muốn tập thiền, nhưng chẳng thể rời nhà đi đến thiền đường. Dipa Ma tin rằng giác ngộ có thể xảy ra ở bất cứ môi trường nào, đã nghĩ một phương cách cho người đệ tử mới của mình có thể thực tập ngay tại nhà Bà bảo Malati hãy bền bỉ và cương quyết ghi nhận cái cảm giác khởi lên khi đứa hài nhi nút vào núm vú mình, trong mỗi lần cho con bú mớm, với một sự tỉnh thức toàn vẹn. Sự ghi nhận đó kéo dài hàng giờ mỗi ngày, và đúng như Dipa Ma đã kỳ vọng, Malati đã đạt đến giai đoạn đầu giác ngộ mà chẳng cần ra khỏi nhà.

Như thế, Dipa Ma đã bắt đầu sự nghiệp hướng dẫn các bà nội trợ đi đến trí huệ, ngay giữa đòi sống bận rộn của họ trong gia đình.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]