Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dipa Ma - Cuộc Đời Và Di Huấn

27/01/201109:47(Xem: 9343)
Dipa Ma - Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch
dipama_thiennhut


---o0o---

Mục lục

Lời Giới Thiệu

Lời Tựa

Lời Mở Đầu: Tìm Gặp Dipa Ma

Phần I: CUỘC ĐỜI LY KỲ

Chương 1: Sanh trong đạo Phật

Chương 2: Thức tỉnh

Chương 3: An lạc chẳng lung lay

Phần II: CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA

Chương 4: Tận sức và vượt qua

Chương 5: Thâu suốt các vọng tưởng

Chương 6: Giải thoát sâu xa nhất

Chương 7: Bạn sống trong đời thường ra sao?

Chương 8: Tình thương đảnh lễ tình thương

Chương 9: Thần thông tự tại

Chương 10: Thích nữ vô úy

Phần III: DI HUẤN CỦA DIPA MA

Chương 11: Mười bài học để sống đời

Chương 12: Trước Mặt Thầy: vấn đáp

Chương 13: Di Huấn Vẫn Tiếp Tục

Lời Kết

Những người đã cộng tác

Vài nét về nữ tác giả

Thiện Nhựt xin thưa vài lời

Phụ lục: Giác ngộ

Thân kính tặng các bà Mẹ Việt Nam

Thiện Nhựt

Kính dâng Hoà Thượng Kim Triệu Khippapanno, vị Thầy từ bi khả kính thường nhắc nhở chúng con về gương sáng Dipa Ma

Lời Giới Thiệu

Có đôi khi trong cuộc đời, ta gặp được một người thật khác thường mà chỉ bằng con nguời bình thường của chính họ đã làm thay đổi hẳn cách sống của ta. Dipa Ma chính là mẫu người đó. Tôi được nghe nói về Bà lần đầu khi theo học Thiền với sư phụ Anagarika Munindra tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) bên Ấn Độ vào năm 1967. Sư phụ tôi đã rèn luyện Bà Dipa Ma ở Miến Điện khi thầy còn hành thiền và giảng dạy trong chín năm trước đó. Thầy thường kể lại, Bà là một thiền giả được nhiều sự chứng đắc khác thường, mà quí vị sẽ đọc thấy trong tập sách này. Điều mà sư phụ tôi không nói thành lời nhưng lại nổi bật hẳn trong lần gặp gỡ đầu tiên là phong cách đặc biệt của Bà đã làm cảm động bất cứ ai được tiếp xúc Bà. Đó là sự hài hòa của một vẻ bình an thanh tịnh nhất với một tình thương luôn tràn đầy. Sự tĩnh lặng và tình thương đó rất khác lạ với những gì tôi đã kinh nghiệm qua. Cả hai đức tánh đó chẳng phải là cái bản ngã, và chúng không đòi hỏi gì, cũng không cần đến bất cứ gì đền đáp lại. Thật giản dị, trong sự vắng bóng của tự ngã, tình thương và an hòa là những gì còn lưu lại đó.

Dipa Ma làm khơi dậy được trong ta những nỗ lực tốt đẹp nhất chẳng phải bằng những quy luật mà chính vì Bà là nguồn cảm hứng. Bà chỉ cho thấy nhưng gì có thể làm được, bằng cách hãy là những gì có thể được - và điều đó đã nâng bổng lên tảng chướng ngại đang chận ngang các nguyện vọng của chúng ta. Bà đặt niềm tin tưởng chẳng hề lay chuyển nơi khả năng của mỗi ai đang bước trên con đường đạo pháp. Lòng tin cậy đó được trang trải cùng với phương cách biết tùy thuận vào bất cứ cảnh huống nào của chúng ra đang sống kèm theo sự kiên trì nhắc nhở ta luôn phải đào sâu hiểu biết qua công phuthực tập liên tục.

Mặc dầu Dipa Ma chỉ sang Tây phương có hai chuyến, nhưng ảnh hưởng Dipa Ma đối với nền Phật học ở Mỹ Châu thật là sâu xa. Bà là vị nữ thiền sư đầu tiên và hoàn toàn thành mãn theo truyền thống Theravada (Phật Giáo Nguyên Thủy) đã đến giảng dạy trên đất nước này. Dù có tín tâm thật thâm sâu đối với truyền thống, Bà vẫn tin tưởng mãnh hệt rằng các thành tựu về tâm linh của nữ phái (kể cả các bà nội trợ) có thể bằng, hay lắm khi còn viên mãn hơn phía nam giới luôn chiếm đa số trong hàng giáo phẩm. Trong ý hướng đó, Dipa Ma đã trở nên con người mẫu dũng mãnh làm gương sáng cho phụ nữ và cả nam giới nữa. Ảnh hưởng của Bà đối với thật nhiều hành giả vẫn còn âm vang trong cộng đồng đạo pháp

Tôi rất hoan hỉ và biết ơn đối với Amy Schmidt đã cho ra đời quyển sách tuyệt vời này.

Đây là một cơ hội quí báu cho nhiều người trong chúng tôi được nhắc nhở lại những mẩu chuyện, những cuộc gặp gỡ với Dipa Ma và là duyên lành cho những người khác được biết đến Dipa Ma lần đầu.

Joseph Goldstem

Hội Thiền Minh Sát

(Insight Meditation Society)

Tháng Ba năm 2002

Lời Tựa

Di pa Ma, trong ký ức tôi, không chỉ là thầy của tôi mà còn là một phụ nữ, một người mẹ, và một bà ngoại. Tôi nhớ Bà ngồi đó trên sàn căn nhà ở Barre, nơi Bà và gia đình tá túc trong thời gian viếng thăm Insigh Meditation Society. Bà chơi đùa cùng bé Rishi - cháu ngoại của Bà, vui cười với cậu rồi liền đứng dậy đến bên thiền sinh để hướng dẫn họ. Sau đó có thể Bà giặt tay quần áo và đem phơi. Cũng có thể bà đi thiền hành rồi trở về nhà ngồi thiền. Lúc ấy bé Rishi đang chạy quanh phòng, và con gái Bà - Dipa Barua - bận bịu nấu nướng. Còn Dipa Ma, Bà ngồi đấy, ngay giữa những náo động xôn xao kia, an nhiên hành thiền. Khi có một ai ngồi xuống trước mặt Bà, Bà khoan thai mở mắt và tưới mát họ với tia nhìn ngập tràn yêu thương ân phước của Bà. Cứ như vậy, Dipa Ma đã giảng dạy hướng dẫn chúng ta, với nhiệt tâm ân cần, với vẻ binh dị, và với lòng từ bi vô lượng của Bà.

Đã rất nhiều lần tôi nghe tiếng Bà thì thầm bên tai, khuyến khích thúc giục rồi vươn lên, khai triển tất cả khả năng tôi có thể có được, nhất là những khả năng của tâm từ ái và bi mẫn. Bà là tấm gương tuyệt vời nhất về lòng từ bi đã được nẩy mầm giữa đau thương thống khổ của cuộc đời và từ đó thực chứng và thăng hoa, khiến những dấu ấn hệ trọng nhất của một thời khổ đau đã qua không còn là đau khổ nữa. Mỗi khi lòng tôi ngần ngại lo âu vì sắp phải phơi bày tâm tư với một ai, tôi lại thấy hình ảnh của Bà vừa ra khỏi thiền định giữa căn phòng ồn náo, dịu dàng chúc phúc người đối diện. Tôi nghe tiếng Bà khích lệ tôi. Và rồi ngập tràn trong ân phước của Bà, tôi vượt lên trên mọi nỗi lo âu sợ hãi và tìm được trong tôi những hạt giống từ tâm, qua hình ảnh của Bà, vì Bà chính là hiện thân huyền diệu của tâm từ ái.

Sharon Salzberg

Lời Mở Đầu

Tìm Gặp Dipa Ma

Rất lâu trước khi tôi chưa được nghe nói đến tên Bà, thì Dipa Ma đã kêu gọi tôi rồi.

Khi tôi lên mười chín tuổi, có ai đó đã trao cho tôi quyển Tất Đạt Ta (Siddhartha) của Herman Hesse. Tôi đã đọc bốn lần và gạch dưới hầu hết mỗi câu. Quyển sách đã đem cho tôi niềm hy vọng. Sách nói - và tôi mong mỏi gần như tuyệt vọng điều đó là sự thật - rằng có một con đường để vượt ra khỏi sự khổ đau, rằng giải thoát ngay trong kiếp sống này là chuyện có thể thực hiện được

Tôi đã bắt đầu thực tập Thiền Chỉ, nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy con đường đi vào Giáo Pháp (Dharma), hay là Phật Pháp, mãi cho đến năm năm về sau. Tại phía sau ngõ hẻm một tiệm cà phê hiệu Allegro, ở tiểu bang Seattle, tôi nhìn thấy tờ cáo thị của một nhóm học pháp, dán trên bản thông báo của họ. Tò mò, tôi liền ghé vào Có ai đó đã chỉ dẫn tôi cách tọa thiền.

Ngay lúc đó, tôi cảm nhận rằng tôi đang tìm gặp được một chút gì sâu xa, đầy ý nghĩa, trong sự thực tập này, khiến tôi biết ngay là tôi cần phải ở nán lại. Một vị sư từ Thái Lan đến viếng nhóm bạn đạo và giảng về sự giác ngộ. Vị ấy nói mục tiêu của việc tham thiền là sự giác ngộ mà không gì có thể mô tả được, vượt khỏi thân và tâm, vượt khỏi mọi sự khổ đau. Điều làm tôi băn khoăn chính là những gì vị sư ấy còn chưa diễn đạt được bằng lời: một vẻ im lặng kỳ bí bao trùm bởi vị ấy nói, một sự an tĩnh sâu xa trong đôi mắt người. Đêm ấy, đi bộ dưới trời mưa về nhà tôi bị một cảm giác mạnh mẽ bắt tôi đứng dừng lại. Dưới cơn mưa tầm tã xối xả trên mặt tôi giữa màn đêm tăm tối, tôi phát nguyện, sẽ dành trọn cuộc đời của tôi, để tìm cho được sự giác ngộ. Cho dù phải trải qua bao lâu, cho phải gánh chịu những gì, tôi quyết chẳng dừng lại cho đến khi tôi thể nghiệm được sự an tĩnh đó cho chính tôi.

Thỉnh thoảng có nhiều vị sư Phật giáo đến viếng nhóm chúng tôi: một vị đã được truyền giới ở Miến Điện (nay là Myanmar), nhiều vị theo truyền thống Thái Lan. Các vị đã đến đây bao giờ cũng là nam tu sĩ cả, lúc nào cũng nói về các bậc đại sư của họ, cũng lại thuộc nam giới. “Vậy chớ, trong tông phái, các phụ nữ ở đâu rồi?”, tôi lấy làm lạ tự hỏi. “Còn tôi tìm nữ bổn sư ở đâu?”

Hi vọng tìm học thêm về nữ giới trong Phật giáo, tôi bắt đầu tìm tòi trong các kinh, sách Phật, điều đó lại càng làm cho tôi nản lòng. Chẳng những kinh sách ít nói tới các nữ tu, mà các bản cổ văn còn lại thường để lộ một cái nhìn xem nhẹ phụ nữ chúng tôi. Rồi cũng như bao người đàn bà vào thời đại đó, tôi liền xếp lại các quan niệm về vai trò kiểu mẫu của nữ Phật tử, và chỉ biết lăn mình vào sự thực tập của chính mình thôi.

Sau năm năm cố gắng chẳng ngừng, tôi bắt đầu cảm thấy cần phải có những khóa tu tích cực dài ngày. Nhiều bạn hữu mách cho tôi về khóa thiền ba tháng mùa Thu hàng năm tại Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society)ở Barre, tiểu bang Massachusetts. Tôi xin ghi tên tham dự và được thâu nhận. Ba tháng tịnh khẩu nhiều bạn tôi nghĩ, có lẽ tôi đã khùng rồi! Đó là năm 1989.

Trung tâm thiền quán do thiền sư Sharon Salzberg, Joseph Goldstein, Jack Kornfield và các người khác thành lập, được các cánh đồng và khu rừng nhỏ bao quanh. Ngôi nhà chính nguy nga, kiến trúc theo xưa bằng gạch, vốn là tư dinh của vị Thống Đốc được xây vào năm 1911 .

Sau khi rộn ràng mở mấy thùng hành lý ra và đến gặp người bạn Thụy Sĩ ở cùng phòng xong tôi được hướng dẫn đi thăm viếng nhà ngang dãy dọc, nơi mà tôi sẽ an trú và thực tập thiền trong những chín mươi ngày sắp đến. Thoáng nhìn quang cảnh, tôi nhận thấy nhiều tượng Phật và hình ảnh các vị thiền sư, những tượng ảnh đầy ý nghĩa khích lệ tâm linh được an vị trong các trang thờ ở góc tường. Tất cả đều là hình ảnh của nam giới.

Rồi bỗng nhiên, tôi nhận ra nơi góc tường của thư viện bức ảnh của một người đàn bà Ấn Độ mặc y phục trắng, ngồi giữa sân cỏ xanh mùa hạ, trông như một vầng mây bạc. Bà mang kiếng cận gọng dầy bị hư dán miếng băng keo nhỏ. Xuyên qua đôi kiếng trắng tỏa ra một luồng nhãn quang thật hết súc an tịnh và từ bi mà tôi chưa hề bao giờ được nhìn thấy. Chẳng thấy ghi tên bên dưới bức ảnh, nhưng tôi biết ngay là tôi đang chiêm ngưỡng một bực thầy, một người, phải, đã đạt giải thoát cùng sự an tịnh thâm sâu trong nội tâm. Tôi băn khoăn chẳng biết rồi đây các thiền sư của tôi sẽ nói về Bà hay không: tôi tự hỏi có thể nào Bà sẽ làm bổn sư cho mình chăng?

Tôi không phải chờ đợi lâu câu giải đáp. Chỉ sau vài ngày đầu khóa thiền, các thầy dạy bắt đầu nói đến người phụ nữ trong tấm hình. Khuê danh Bà là Nani Bala Barua nhưng mọi người đều gọi Bà là Dipa Ma (“Má của Dipa”), Bà vừa mới từ trần hai tuần lễ trước. Mỗi người trong năm vị thiền sư ở đây đều biết Bà với tư cách cá nhân và thương yêu Bà rất sâu đậm. Hai vị đã là đệ tử của Bà trong gần hai mươi năm. Nỗi đau buồn khi Bà mất vẫn còn nau náu trong tâm họ.

Tôi thật bàng hoàng khi biết chẳng bao giờ gặp được người phụ nữ đó nữa. Nhưng đồng thời lại bừng sáng nơi tâm tôi ý nghĩ này: xuyên qua các mẩu chuyện tôi đang nghe được và qua nguồn xúc cảm nơi các thiền sư đã trao truyền đến tôi, Dipa Ma hiện đang trở thành vị bổn sư của tôi.

Tôi cảm thấy có một sự liên hệ thân thuộc cùng Bà, với những điểm giống nhau giữa hai cuộc đời của Bà và của tôi. Đời Bà đã trải qua nhiều nỗi khổ đau cay đắng, mới mười hai tuổi đã phải rời gia đình về nhà chồng, theo phong tục tảo hôn của Ấn Độ. Đời tôi cũng bị hoàn toàn xáo trộn một cách đột ngột vào năm mười hai tuổi: một buổi sáng, tôi thức giấc để khám phá ra mẹ tôi, người mà tôi trìu mến thiết tha nhất vừa tự tử hụt đêm qua. Mặc dầu mẹ tôi chẳng thành công trong việc tự sát mãi cho đến nhiều năm về sau, nhưng biến cố đó đã gây bao ảnh hưởng thật tai hại cho tôi. Giống như Dipa Ma, tuổi niên thiếu của tôi đã chấm dứt thình lình trong một đêm. Nhiều biến cố khác trong tuổi đôi mươi của tôi cũng mường tượng với những sự mất mát và tranh đấu mà Dipa Ma đã trải qua, trước khi người tìm ra đường lối tu tập thiền định.

Khi còn thơ ấu, tôi rất thích các câu chuyện của những người Mỹ gốc Phi Châu mặc dầu gặp bất hạnh nhưng đã vượt qua khỏi các sự thống khổ của họ để vươn lên thành những lãnh tụ và những đạo sư vĩ đại. Mahalia Jackson, Martin Luther Kinh, Malcolm X, Paul Robeson, Marian Anderson, Frederick Douglass, Rosa Park đều là những nam, nữ thần tượng của tôi. Tôi muốn biết bằng cách nào mà Dipa Ma, một người nội trợ tầm thường, đã khắc phục được mọi khó khăn tự bản thân đã vượt bao ràng buộc khắt khe của chế độ phụ hệ trong nền văn hóa Á Đông, để rồi dấn bước vào con đường thiền tập và giảng dạy lại cho nhiều người khác, theo phong cách rất khác lạ với thời đại của Bà. Mặc dầu Bà chẳng hề tự xem mình là lãnh tụ đấu tranh cho nữ phái, hay cho một thiểu số nào, Dipa Ma cũng gợi lên cho tôi nhớ đến các thần tượng hồi tôi còn bé, với tấm gương can đảm dũng mãnh của Bà trước nghịch cảnh.

Tôi khao khát được theo gót chân Bà. Tôi muốn biết tất cả về Bà. Tôi đến gặp Joseph Goldstein khi mãn khóa ba tháng và hỏi ông hay một vị thiền sư nào khác, có ý định viết về đời Bà Dipa Ma không. Không, ông đáp, và cũng không biết ai có ý định đó. Thật tình, ông không có thời giờ để làm việc này. Rồi, với một giọng nhiệt tình cố hữu ông nói tiếp: “Bạn nên làm việc đó đi”

Ngày lại ngày, tôi nghiền ngẫm đề nghị do Joseph gợi lên. Làm sao mà tôi có thể viết về một người mà tôi chưa hề gặp gỡ? Nhiều bạn hữu chỉ cho thấy rằng, hằng triệu người học giáo pháp của Đức Phật từ hơn hai mươi lăm thế kỷ, chỉ có một nhóm nhỏ người đã được thân cận với Ngài.

Điều đó cũng đúng với Chúa Jésus, với Mohamed, và cả với các vị lãnh đạo tâm linh khác nữa. Các mẩu chuyện về các Ngài, chính là những bản văn sống động của các Ngài.

Và như thế là tôi bắt đầu công cuộc sưu tầm về Dipa Ma qua các trần thuật của những ai đã biết Bà. Trong tám năm, tôi đã kết tập những mẩu chuyện về Bà từ các đệ tử của Bà tại Mỹ quốc, tại Ấn Độ và Myanmar (Miến Điện).Mỗi một bước đi trong hành trình, mỗi chuyến gặp gỡ, mỗi phút chia tay, mỗi lời trò chuyện, mỗi khi nhắc nhở kỷ niệm, tất cả đều đượm nồng tình thương: tình thương đối với Dipa Ma, tình thương về pháp đạo, tình thương về cuộc sống quí báu này.

Đúc Phật có mô tả Giáo Pháp như “khéo đẹp ở đoạn đầu, khéo đẹp ở đoạn giữa, và khéo đẹp ở đoạn chót.” Khi tôi được người khác kể lại các mẩu chuyện, lời giảng dạy của Dipa Ma càng lộ ra vẻ khéo đẹp ở lần này và ở nhiều lần khác nữa. Ngay cả sau khi mất, Bà vẫn còn sống mãi trong lòng người. Có lắm đệ tử bảo rằng họ vẫn còn được chính Bà dẫn dắt cho trong việc tu tập của họ. Vài người mặc dầu chưa hề được gặp gỡ Bà lần nào, thuật lại rằng họ đã được Bà giúp đỡ trong thiền tâm của họ, hay đã thấy Bà đến viếng họ trong giấc mơ. Đôi người nói đã lắng nghe được tiếng của Bà; có kẻ bảo họ cảm được sự hiện diện của Bà. Tôi xem các điều huyền diệu này như là những món quà của sự ân sủng. Cho dầu chúng ta đang cảm thấy quá bơ vơ lạc lỏng nơi nội tâm chúng ta, hoặc cho dầu tình trạng thế giới có tuyệt vọng đến đâu đi nữa, cho dầu chúng ta đang ở bất cứ đâu, cho dầu chúng ta có biết đến hay chẳng biết đến, luôn luôn chúng ta đều được ngập tràn ân phước.

Mong sao các mẩu chuyện sau đây sẽ dẫn dắt bạn trong chuyến hành trình tâm linh của bạn!

Mong sao tất cả mọi chúng sinh đều được giải thoát!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com