Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nửa thế kỷ vẫn một màu tang cho Huế

18/03/201820:29(Xem: 6537)
Nửa thế kỷ vẫn một màu tang cho Huế
NỬA THẾ KỶ, VẪN MỘT MÀU TANG CHO HUẾ.
Tác giả: Diệu Trang

 

(Lắng lòng viết về đêm thắp nến 50 năm tưởng niệm và cầu nguyện cho nạn nhân biến cố Mậu Thân-Huế 1968-2018, tổ chức tại TTVHPGPV ngày 10.03.2018)
Một thời máu lửa đạn bom
Quê hương tang tóc, hồn hoang tru gào
Từng trang sử, đẫm lệ trào
Ngày im tiếng súng nghẹn ngào gọi nhau!
 
(Một Thời-Tâm Không Vĩnh Hữu)

Chớp mắt nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ năm 1968. Biến cố Mậu Thân vào mùa Xuân năm ấy đã trở thành một trong những trang sử Việt Nam đẫm lệ, xót xa, và bi thương nhất. Cuộc chiến tang thương bằng súng đạn ấy đã kết thúc, nhưng một cuộc chiến khác đã mở ra và kéo dài suốt 50 năm qua vẫn chưa ngừng, mà vũ khí chính là những ngòi bút dùng để tranh cãi, phân trần, phẫn nộ, đổ lỗi, buộc tội nhau, bảo vệ “chính nghĩa” của mình bằng cách chối bỏ tội lỗi cho một cuộc chiến sai lầm năm cũ. Ai thắng? ai bại? được gì? ngoài những thảm cảnh: chiến sĩ trận vong, dân lành vô tội đều lần lượt ngã xuống như bom rơi đạn lạc, thôn xóm, làng mạc tan nát, chùa chiền, nhà thờ, trường học sụp đổ tan hoang, vạn vật cỏ cây tả tơi loang hồng màu máu thịt, người sống ngơ ngác tìm nơi ẩn náu hoặc chạy loạn tìm nhau, người lớn cụ già trẻ nhỏ hớt hãi với gương mặt và tấm thân lấm lem máu bùn. Tiếng khóc than, oán hờn, thét gào, cầu cứu, rên rỉ. Máu đổ thịt rơi. Mặt đất yên lành bỗng trở thành những hố bom rồi chính từ nơi đó mọc lên những nấm mồ hoang tập thể. Quê hương tang tóc từ đó...

Nhưng rồi, ngày im tiếng súng lại nghẹn ngào gọi nhau. Ai gọi ai mà lại nghẹn ngào? Có phải người còn sống gọi tên người đã khuất? Không rõ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng ở nơi phương ngoại này, mỗi lần Tết đến, đồng bào lại kêu gọi nhau cùng về để tang chung, để tưởng niệm và cầu nguyện cho những nạn nhân trong biến cố Mậu Thân 1968, mà “không hề muốn khơi lại đống tro tàn trong quá khứ, hay hận thù năm cũ, mà trong buổi lễ hôm nay, mong tất cả vận dụng từ bi tâm, tình thương, hướng về đồng bào nạn nhân, chiến sĩ đã nằm xuống trong cuộc chiến Mậu Thân, nguyện tất cả rũ sạch oan khiên để sinh về lạc cảnh”. Đó cũng là mục đích chính duy nhất mà TT Tâm Hoà đã phát biểu trước khi khai mạc đêm thắp nến tưởng niệm 50 năm biến cố Mậu Thân 1968-2018.

ThapNen_MauThan

chao co

Chư Tôn Đức cùng quý Hội Đoàn, quý đồng hương trong đêm thắp nến


Cùng đồng tình với mục đích và tinh thần từ bi đó, khoảng hơn 300 đồng bào đã tề tựu về hội trường TTVHPG Chùa Pháp Vân để cùng nhau thắp lên những ngọn nến ấm áp của tình thương yêu, của trái tim từ bi trải rộng vượt thời gian nửa thế kỷ, vượt cả không gian về nơi đất mẹ quê cha...
Tiếng nhạc Đăng Đàn Cung trỗi lên cùng lúc 2 thanh niên Phật tử với lư trầm trên tay cung thỉnh tăng đoàn gồm 9 vị Thượng Toạ quang lâm chứng minh buổi lễ tiến dần lên trước bàn thờ tươm tất với hoa và nến. Trước mặt bài vị tưởng niệm những chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn trong biến cố Tết Mậu Thân là một hình ảnh thân thương hình chữ S nổi lên bằng những ngọn nến trắng, nằm cạnh là 2 hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được che chắn giữa các dãy đoá sen hồng. Phía trên cao lễ đài là một bàn thờ Phật trang nghiêm giản dị.

Bắt đầu đêm thắp nến vẫn là các nghi lễ trang nghiêm như: lễ chào quốc kỳ Canada, lễ chào quốc kỳ VNCH, phút mặc niệm, giới thiệu thành phần tham dự bao gồm: chư tôn đức, toàn thể quý hội đoàn người Việt quốc gia, thân hào nhân sĩ, cơ quan truyền thông báo chí, cùng toàn thể quý đồng hương, đồng bào Phật tử, trong đó khách mời đặc biệt là tác giả của hồi ký Dải Khăn Sô Cho Huế - nhà văn Nhã Ca, và phu quân là nhà thơ Trần Dạ Từ đến từ California.

ThapNen_MauThan

Nhà văn Nhã Ca chụp ảnh lưu niệm trước giờ cử hành nghi lễ

NhaCa

(nhà văn Nhã Ca và  nhà thơ Trần Dạ Từ trong đêm thắp nến)



Sau phần lời ngỏ chào mừng của trưởng BTC - TT Thích Tâm Hoà đã khẳng định lại mục đích chính của buổi lễ như người viết đã thưa ở phần đầu, TT tuyên bố khai mạc đêm thắp nến được bắt đầu.

Một vài hình ảnh biểu trưng cho đời sống và sinh hoạt của người dân Huế được trình chiếu trên màn ảnh rộng. Trong số đó có chiếc cầu Tràng-Tiền. Trong không gian tối mịt mờ, hình ảnh và âm thanh nhắc lại những kỷ niệm thời thanh bình và gợi nhớ niềm kiêu hãnh về một cố đô Huế, nhưng cũng không thể không nhắc đến nỗi hụt hẫng khi chiếc cầu lỡ nhịp.

“Nếu Dải Khăn Sô Cho Huế là một tác phẩm văn chương ghi lại rõ nét nhất, sâu sắc nhất và bi thương nhất về biến cố Mậu Thân thì trong lãnh vực âm nhạc không có tác phẩm nào diễn tả nỗi đau khổ của người dân Huế hay và xúc động bằng nhạc phẩm Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy.
Ngoài vai trò là phương tiện đi lại giữa hai miền tả ngạn và hữu ngạn sông Hương chảy ngang thành phố Huế, cầu Tràng-Tiền còn là biểu tượng thân yêu đã trải qua hằng trăm năm với những mưa nắng buồn vui của người dân cố đô, nơi nối kết những hẹn hò ngây thơ, nơi đưa bác nông dân qua những mẫu ruộng sâu, nơi chị và mẹ gánh gồng với buổi chợ khuya, nơi các em sớm chiều tan học, nơi ghi dấu những kỷ niệm của mỗi một người con xứ Huế. Một tấm lòng nối dài bốn trăm mét với sáu nhịp tim kiêu hãnh của xứ thần kinh. Rồi một ngày bom đạn tràn vào phá nát một nhịp, đứt đoạn chia lìa. Mẹ khóc con, vợ khóc chồng, những nhịp tim xứ Huế gãy theo cây cầu oan khiên.”

Đoạn phim ngắn ấy đưa người dân tha phương ngược dòng thời gian và không gian. Mọi nguời chưa kịp nguôi ngoai nỗi nhớ về một thời quá khứ, thì một giọng nam ca sĩ Minh Trí cất cao lời nhạc phẩm Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Cảm xúc nối dài cảm xúc. Ban nghi lễ thắp nến là các nữ Phật tử trong những tà áo dài màu tang trắng bắt đầu tiến về phía bàn thờ bài vị thắp lên từng ngọn nến của yêu thương, hy vọng và từ bi. Sáu mươi bốn tỉnh thành chạy dài dọc bờ Thái Bình Dương lần lượt được thắp sáng lên. Này là đảo Trường Sa. Này là đảo Hoàng Sa. Đây mũi Cà Mau. Đây Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông. Đây Huế-chốn thần kinh. Đây Hà Nội phố. Hương trầm xông ướp hào khí anh hùng trên từng mảnh đất quê Cha. Ánh nến soi sáng từng trang sử đẫm huyết lệ trên đất Mẹ.  Ánh sáng mỗi lúc một lung linh hơn trên suốt chiều dài cong hình chữ S. Sáng rực một dãy sơn hà. Nơi nào trên bản đồ đất nước Việt Nam cũng có những trang sử bi hùng để bất kỳ người con Việt nào cũng phải tự hào mỗi khi nhìn lại. Giang sơn gấm vóc cha ông đã gìn giữ bằng xương máu. Vậy mà thời bình hôm nay đây, mỗi tấc đất đều có nguy cơ mất vào tay ngoại bang, dân tộc khắp mọi miền vẫn còn nhiều lầm than thống khổ. Bắc-Trung-Nam, mảnh đất nào, con dân xứ nào cũng đều đáng được yêu thương cả. Nhưng yêu thương hôm nay, giờ khắc này, tất cả đã dành trọn cho xứ Huế, những người dân Cố-Đô và những oan hồn vất vưởng suốt nửa thế kỷ qua trong biến cố Tết năm nào... 

Đồng lúc đó từ phía những dãy ghế dưới hội trường, ban thắp nến do GĐPTPV đảm trách cũng bắt đầu chuẩn bị hàng trăm ngọn nến truyền cho đồng bào tự lúc nào. Mỗi ngọn nến được đặt giữa lòng một đoá hoa sen, mà mỗi người trân trọng đón nhận trong hai tay cúi nhìn tưởng niệm. Từ bi bắt đầu lan toả khắp hội trường. Hoa nến lung linh, tình người ấm áp, soi lối bao hồn hoang oan khiên năm cũ tìm về chốn an lành.

ThapNen_MauThan

Các thiếu nữ thắp nến trên bản đồ Việt Nam


Với hoa nến trên tay, Quý Thầy từng bước tiến lên lễ đài, cung kính quỳ trước bàn Phật. Hội chúng lặng yên, đứng trang nghiêm gửi lòng theo từng lời cầu nguyện của TT Tâm Hoà. Tưởng chừng như mỗi linh hồn cũng đang lay động theo từng lời, từng ý niệm thành khẩn, thống thiết, bi ai, tràn đầy lòng từ bi của trưởng tử dòng họ Thích: “Ngưỡng lạy mười phương Chư Phật, Ngưỡng lạy Hồn thiêng sông núi, anh linh chư vị tiền nhân bốn nghìn năm của Dòng giống Lạc Hồng. Ngưỡng lạy các đấng thiêng liêng hộ trì cho sự bình an, phước lạc của nhân thế,
Hôm nay, chúng con tề tựu nơi đây, muôn người một lòng, thắp hương tưởng niệm bao nạn nhân đã nằm xuống trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, đặc biệt là tại thành phố Huế, nơi mà “máu chảy thành sông, lệ tuôn thành suối” cho những cái chết oan nghiệt, khuất tất:
Còn nhớ năm xưa khi Tết đến,
Tưng bừng hoa pháo rợp giang san
Thánh đường, chùa chiền, dâng hương nến
Đầu năm hái lộc khấn an khang

Bất chợt năm ấy súng thay pháo
Rền vang khắp trời đạn thay hoa
Dáo dác dắt nhau đêm chạy loạn
Tử thi vương vãi quanh thôn nhà
Mẹ ôm xác con, con níu mẹ
Vợ chồng tay nắm chết bên nhau
Ngơ ngác cha già không biết hướng
Lạc đạn ngã xuống giữa đêm sâu.
Khói lửa mịt mùng vây thôn xóm
Cõng mẹ ra đường biết đi đâu
Hớt hải chạy qua rồi chạy lại
Đạn xuyên lưng mẹ thấu tim đau!
Xuân về sao đành gây ác báo
Người già khóc thảm, trẻ kêu thương
Máu ai loang dài trên xác pháo
Ai oán trào dâng đêm bất tường.
Đầu năm chưa cất lời chúc tụng
Đã vùi thây xuống đất lạnh hoang
Ngút ngàn oan khiên che núi Ngự
Mịt mờ nghiệp báo ngập sông Hương…
Hởi ôi!  Những đâu lòng dạ sân si cho ngọn lửa bừng bừng thiêu đốt. 
Những đâu cuồng vọng gian tham, cho sóng dữ ngàn cơn vùi dập. 
Chiến tranh bom đạn, máu đổ thịt rơi. 
Chế độ mà chi, cho dân sinh lầm than điêu đứng! 
Chủ nghĩa mà chi, làm non sông chìm trong khổ hận!  
Cuồng vọng của một số người, mà vạn dân phải đau đớn. 
Xin Phật từ bi, soi sáng đường đi cho con dân nước Việt ngày nay thoát khỏi cảnh cơ hàn, ra khỏi vòng áp bức. Để tình huynh đệ bao la thay ngục tù của oan khiên thù hận. Cho quyền sống tự do thay xiềng xích của nô lệ cường quyền, cho giang sơn nguyên vẹn nối liền một dải xanh tươi, Cho không ai phải ngậm hờn đau đớn, vì nỗi nước nhục, nhà tan., 
Năm mươi năm tên mòn bia đá
Niềm thống hận ắt đã nguôi ngoai
‘Vành khăn sô trắng’ sầu năm ấy
Đã theo mây về cuối chân trời.
Thôi hãy giữ cõi lòng thanh thản
Sử xanh còn lưu dấu đời sau 
Oan khiên kia một lần giũ sạch
Nhẹ nhàng ra khỏi chốn khổ đau.
Thân như huyễn gửi theo gió bụi
Tâm thanh tịnh nương đấng linh thiêng
Nguyện mười phương hướng tâm hộ niệm
Thác sinh về cảnh giới an nhiên.
Ngưỡng bạch đức Thế Tôn, Chúng con đang sống ở phương ngoại, ngoài chốn nhiễu nhương, nhưng không khỏi đau lòng mỗi khi nghĩ đến. Không biết làm gì khác hơn là góp phần cầu nguyện. Vì vậy, với lòng thành muôn người như một cùng hướng về quê hương, trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, chúng con xin: 
Thắp ngọn nến này, cầu nguyện cho tất cả những chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn trong cuộc chiến dịp Tết Mậu Thân, đặc biệt là tại thành phố Huế, cách đây đúng nửa thế kỷ được rũ sạch oan khiên, sanh về tịnh cảnh. ”


Hoa nến Từ Bi được quý Thầy đặt trên bàn Phật trước khi hồi toạ. Thêm một nhạc phẩm khác là Chuyện Một Đêm của nhạc sĩ Anh Bằng do nữ Phật tử Nguyên Phượng trình bày. Lời bài hát xót xa vang giữa không gian mờ tối làm tái hiện cái đêm kinh hoàng năm đó khi giặc tràn về xóm nhỏ. Trong khi nhạc phẩm làm mọi người lặng chìm trong nỗi mất mát loạn ly năm xưa thì các thiện nguyện viên trong ban nghi lễ lặng lẽ, trật tự thu gom nến lại từ tay đồng bào rồi mang tôn trí lên 2 chiếc bàn đã được đặt sẵn ở hai bên tả hữu của bản đồ hình chữ S đang sáng rực (đến đây người viết mới thấy Ban Tổ Chức khéo sắp xếp một cách tài tình để buổi lễ được diễn ra liên tục đầy xúc cảm theo chương trình, nhưng hoàn toàn không có một giây phút gián đoạn của thời gian chết). Thoáng nghĩ, tả-hữu, phải-trái, đúng-sai, Nam-Bắc, không còn quan trọng nữa. Trước đó vài mươi phút, mỗi một ngọn nến lẻ loi là mỗi linh hồn lay lắt nỗi oan khiên, mà giờ đây sau khi được cầu nguyện, đã được đặt gần nhau, hy vọng rằng những linh hồn ấy không còn thấy bơ vơ lạc lõng nữa, mà đã yên lòng vì có nơi chốn để về. Hơn Ba trăm đoá hoa nến được tụ họp lại làm sáng lên một góc phía lễ đài. Tất cả hướng mắt về nơi ấy, lòng cũng ấm áp theo khoảng sáng tỏa rộng vàng vọt lung lay. Từng ngọn nến cảm thông, từng cánh hoa chia sẻ được truyền về một cõi và hương trầm thì bãng lãng quanh đây đã tạo nên sự đoàn kết mạnh mẽ hơn gấp mấy trăm lần, đủ sức từ bi chuyển hoá hận thù thành lòng yêu thương vô hạn.


ThapNen_MauThan

Giáo sư Lê Khắc Ngọc Quỳnh giới thiệu về nhà Văn Nhã Ca

Tiếng hát ngưng như nhắc nhở mọi người thôi thổn thức để bước vào phần thuyết trình của nhà văn Nhã-Ca. Phần nầy MC chương trình đặc biệt kính mời cô Y-La, Lê Khắc Ngọc Quỳnh-cựu Giáo Sư Đồng khánh Huế, giới thiệu đôi nét về nhà văn Nhã Ca. Cả hai là đôi bạn thâm giao và cũng đều là những người con xứ Huế. Mở đầu Cô Quỳnh đọc bốn câu thơ do chính cô sáng tác rất cảm động:

 “Vết thương ngày ấy vẫn còn đây
Huế Mậu Thân xót xa lòng này
Quê tôi vẫn một màu tang trắng
Năm mươi năm rồi, chưa hết đắng cay!”

Bốn câu thơ nói lên niềm cảm xúc bùi ngùi về nỗi đau chung cho Huế rồi đến niềm thương nhớ riêng về Thầy bạn và những người thân thuộc đã bị bức tử hoặc bị thảm sát trong dịp Tết Mậu Thân. Cô còn bày tỏ thêm: “Những tưởng thời gian có thể làm vơi bớt nỗi đau ngày nào, nhưng đã năm mươi năm mà mỗi lần Tết đến, lòng lại trĩu nặng và u hoài, nhớ về vết thương Mậu Thân, năm 1968 cho cả Việt Nam và cho con dân Huế”. Sau vài phút ngắn bồi hồi, cô đã nhường lời cho nhà văn Nhã Ca, một chứng nhân lịch sử, và cũng là tác giả của hồi ký Dải Khăn Sô Cho Huế, và cũng vì tác phẩm này mà cô đã bị tù trong hai năm về tội “biệt kích văn hoá”. Nếu ai đã từng đọc qua tác phẩm này, thì sẽ thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, sẽ cảm nghe được như chính mình cũng cùng đoàn người cố vượt thoát đạn bom để thấy sự mong manh giữa sống và chết.


ThapNen_MauThan

Nhà văn Nhã Ca nói chuyện trong đêm thắp nến


Nhưng Nhã-Ca hôm nay đứng trước mọi người trong đêm thắp nến không phải là Nhã-Ca của những tập truyện, tập thơ hay tiểu thuyết, mà Nhã-Ca hiện diện nơi này chỉ đơn thuần là một người con của Phật. Không lời oán hận, cô Nhã-Ca đã súc tích kể về những gì mắt thấy tai nghe trong những ngày chạy loạn. Cô cũng nhắc nhiều về những kỷ niệm gắn bó trong những ngôi chùa ở Huế, cùng với Bổn sư (Cố HT. Thích Trí Thủ) và chư vị Tôn Túc mà cô đã gắn bó từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, rồi chạy loạn, vào tù. Mỗi giai đoạn cuộc sống cô kể về mỗi vị Tôn Túc hành đạo ở Huế vào thời ấy, giúp thế hệ chúng con biết nhiều hơn về sức nhẫn nhục của những bậc cao tăng đã vì đất nước mà hy sinh theo cách riêng của bậc trưởng tử Như Lai. Tinh thần Bi-Trí-Dũng dấn thân vào đời khổ nạn cũng giống như hạnh nguyện của những vị Bồ tát. Phật Giáo không đứng ngoài lề khổ ách của dân tộc. Chính vì lẽ đó mà đêm nay đây, cho dù quý Thầy đang hành đạo nơi hải ngoại, hay đồng bào bận bịu với chuyện áo cơm, nhưng vẫn chung một lòng trong khả năng có thể, thắp lên những ngọn nến tưởng niệm đồng bào nạn nhân, đồng thời nhớ nghĩ về dân tộc, về non sông hơn bốn ngàn năm văn hiến. Cám ơn cô Nhã-Ca đã mạnh mẽ nhắn gửi chung rằng: “Không để cho lịch sử tiếp tục bị đánh tráo, không để con cháu thế hệ mai sau đọc và học những điều gian dối về cha anh của họ.” 

Cảm xúc u hoài bao trùm trong suốt phần chính của buổi lễ nhưng, phần cuối chương trình là phần mang lại sự phấn chấn cho đồng bào với sự góp mặt của Hội Cựu Quân Nhân quân lực VNCH. Tự hào trong bộ quân phục, trang nghiêm đội ngũ hợp ca bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ làm sống lại hào khí một thời để tiếp sức cho lý tưởng hôm nay, nuôi dưỡng niềm hy vọng vào tương lai và làm gương sáng cho thế hệ mai sau...

“Trong chiến tranh, cái khủng khiếp nhất hiện thân, nhưng cùng lúc những gì đẹp đẽ nhất trong con người cũng bùng trỗi dậy. Sự can đảm, lòng nhân ái, và sự hy sinh, v.v... Biết bao nhiêu anh hùng chiến sĩ trong quân lực VNCH đã anh dũng hy sinh để chiếm lại cố đô từ tay giặc Cộng trong Tết Mậu Thân 1968. Chúng ta hãy sống lại những giờ khắc xúc động khi nhìn thấy lá cờ VNCH ngạo nghễ tung bay và dựng lên trên kỳ đài giữa Phu Văn Lâu đại nội. Dù tha hương trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta vẫn ngạo nghễ tiến bước, tiếp tục đấu tranh cho công bằng lẽ phải, cho thế hệ tiếp nối và cảm nhận dòng máu Văn Lang vẫn chảy trong lòng người con Việt dù đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.”
Buổi thắp nến hoàn mãn, mọi người như còn lưu luyến cái không khí ấm áp đầy tình người không nỡ tạm biệt nhau. Nhìn lại hoa nến vẫn lung linh, có chút gì không rõ còn đọng lại...


ThapNen_MauThan



Thời chiến có những đau thương của máu lệ, mất mát, chia lìa, ly loạn. Nhưng thời bình đâu đã hết cảnh khổ nạn đắng cay. Do đó, mỗi khi nghĩ về đồng bào quốc nội, người tha hương phương ngoại vẫn muốn làm điều gì đó thiết thực hơn. Ít ra, thắp lên ngọn nến đêm nay cũng hàm nghĩa thắp lên trong tâm mỗi người một tình thương bao la rộng lớn của Từ Bi Tâm. Mong tất cả mang ánh sáng từ tâm ấy soi rọi an ủi quá khứ, đồng thời gửi hy vọng cho tương lai quê hương không còn dấu vết của hận thù, dân tộc thôi hết lầm than, thống khổ. Không ai muốn nuôi mãi những hận thù dù rằng nỗi xót đau vẫn còn đó. Bởi lẽ, người con Phật luôn cố gắng hiểu và thực hành theo lời Phật dạy: 
“Hận thù diệt hận thù. 
Đời này không thể có. 
Từ bi diệt hận thù. 
Là định luật thiên thu”. KPC


Năm mươi năm đã lặng lẽ trôi qua, rồi nửa thế kỷ nữa cũng sẽ bình thản đến. Nhưng thời gian không thể nhuộm thêm hay làm nhạt đi màu trắng của dải khăn tang đang chít trên đầu Huế và người dân Cố-Đô... Nguyện cầu cho nỗi oan khiên kéo dài nửa thế kỷ qua nhẹ dần theo năm tháng...


Nam Mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

Toronto, tháng 3.2018
Diệu Trang.



Phụ lục:
Dải Khăn Sô Cho Huế là Hồi ký (1969) 14 kì của Nhã Ca. In lần đầu tại Sài Gòn 1969, giải thưởng văn học nghệ thuật quốc gia 1970, tái bản năm 2008 tại Mỹ. Năm 2015, Dải Khăn Sô Cho Huế đã được giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror của Đại học Texas A&M University chuyển ngữ sang tiếng Anh, mang tên Mourning Headband for Hue.

Tóm tắt một cách ngắn gọn về nội dung Giải khăn sô cho Huế (Mourning Headband for Hue), Tiến Sĩ Olga Dror viết:
“Việt Nam, Tháng Giêng, 1968. Trong khi cư dân Huế sửa soạn mừng Tết, khởi đầu của năm Âm lịch, Nhã Ca về thành phố để chịu tang thân phụ. Thình lình, chiến tranh bùng nổ, trùm lấp và đổi thay tất cả. Sau một tháng chiến trận, thành phố đẹp đẽ bị tàn phá và hàng ngàn người chết. ‘Dải Khăn Sô Cho Huế’ kể lại những chuyện đã xẩy ra trong cuộc Tổng công kích dữ dội của miền Bắc Việt Nam và đây là câu chuyện không màu mè về cuộc chiến, những kinh nghiệm từ các thường dân bị dìm trong bạo lực.”







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]