Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường Thuật Buổi Thuyết Giảng của HT Thích Như Điển về chủ đề “ Lịch Sử Việt Nam Thời Cận Đại”

04/07/202307:53(Xem: 7455)
Tường Thuật Buổi Thuyết Giảng của HT Thích Như Điển về chủ đề “ Lịch Sử Việt Nam Thời Cận Đại”

ht nhu dien 1

TƯỜNG THUẬT BUỔI THUYẾT GIẢNG

CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂN

 

ĐỀ TÀI: LỊCH SỬ VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI

 

Ngày 22.6. 2023 trong chương trình Hoằng Pháp

 

 

Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu.

Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021 thì chúng tôi làm Chánh Thư Ký cho Hội Đồng này. Có 4 ban: ban thứ nhất là ban truyền bá giáo lý, ban này Mỹ Châu có một ban, Úc Châu có một ban, Úc Châu có một ban, Canada có một ban. Ngoài ra còn có ba ban khác là ban phiên dịch Đại Tạng Kinh do ôn Tuệ Sỹ làm chủ tịch, ban báo chí, do Thượng Tọa Nguyên Tạng ở bên Úc, Thượng Tọa Hạnh Tuệ bên Hoa Kỳ làm trưởng phó và một số anh em phụ vào đó. Còn một ban nữa là ban bảo trợ Hội Đồng Hoằng Pháp cả trong lẫn ngoài nước do Hòa Thượng Thích Tâm Hòa Canada. Hội Đồng Hoằng Pháp Âu Châu cũng nương vào đó để làm việc chung, không tách rời ra, cho nên nhiều lúc Quý Vị cũng không nắm rõ hết có thể lẫn lộn chức vụ này qua chức vụ kia.

Ngoài ra cuối năm 2021 Hòa Thượng Tuệ Sỹ cũng đã triệu tập được một phiên họp trên Zoom. Bữa nay chúng ta chỉ có năm mươi hai người trong Zoom tối nay, chứ năm 2021 có tất cả năm trăm người gồm mười tám quốc gia trên thế giới thành lập hội đồng phiên dịch Đại Tạng lâm thời, chúng tôi cũng lãnh chức vụ Chánh Thư Ký, công việc rất là bề bộn. Trong thời gian vừa qua 19.3. 2023 vừa rồi tại Hoa Kỳ đã làm lễ giới thiệu Thanh Văn Tạng, có tất cả hai mươi chín cuốn. Đó là đợt đầu của Thanh Văn Tạng phần một, rồi còn Thanh Văn Tạng phần hai, rồi tới Bồ Tát Tạng, sau tới Mật Tạng.

Nói xa một chút như vậy để mở đề lung khởi để Quý Vị có một cái nhìn khái quát, trong lúc Âu Châu chúng ta có ban Truyền Bá Giáo Lý thì Mỹ Châu, Úc Châu, Canada cũng có ban Truyền Bá Giáo Lý như vậy.

Ban Hoằng Pháp của Giáo Hội Âu Châu nằm trong Hội Đồng Hoằng Pháp của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của cả trong và ngoài nước, chúng tôi xác định lại như vậy để Quý Vị biết vị thế của mình nằm ở chỗ nào. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý của Giáo Hội Âu Châu và thầy Hạnh Tấn là thư ký của ban này. Đó là Hội Đồng Hoằng Pháp Trung Ương, còn về địa phương Thầy Hạnh Tấn là Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu.

Thầy Hạnh Tấn có đề nghị tôi rằng: Thỉnh Sư Phụ nói về đề tài Lịch Sử Việt Nam thời Cận Đại. Nếu chia lịch sử Phật Giáo Việt Nam ra làm nhiều thời đại, thời kỳ Cổ Đại, tức là thời kỳ du nhập, tiếp theo là Trung Kỳ Phật Giáo: từ thời du nhập cho đến khi phát triển. Chúng ta suy nghĩ về Cận Đại thì nên chia ra như thế nào, nếu nói một lần thôi thì không có hết, cho nên tôi giới hạn Cận Đại từ thế kỷ thứ 17 cho đến thế kỷ thứ 19, nếu mà nói hết phần này từ một tiếng đến tiếng rưỡi đồng hồ thì sẽ bắt đầu vào lúc khác từ tháng 10 đến 11 gì cũng được, tôi sẽ trở lại với Quý Vị cuối thế kỷ thứ 19, thế kỷ thứ 20 và bước qua thế kỷ 21. Nói như vậy để chúng ta có một khái niệm lịch sử thì rất lâu dài chứ không phải là một thời gian ngắn.

Suốt một chặng đường mấy ngàn năm giữ nước, và dựng nước Tổ Tiên ta cũng đã phát triển bằng nhiều phương diện khác nhau, trước tiên là lãnh thổ sau đó thì an cư xong mới lạc nghiệp. Khi ở yên rồi có sự nghiệp đàng hoàng rồi mới hướng về vấn đề tín ngưỡng, cho nên suốt một chiều dài lịch sử như vậy tôi chỉ nói tới đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh cho tới thời nhà Nguyễn, thời của chín Chúa và mười ba Vua. Phật Giáo mình đã đóng góp như thế nào trong công cuộc xây nước, dựng nước, cũng như là giữ nước trong  thời điểm này.

Như tất cả chúng ta đều biết chúa Nguyễn Hoàng, con của ông Nguyễn Kim cũng còn gọi là Chúa Tiên từ năm 1525 -1613, thời điểm Chúa trị vì phần đất bên này sông Gianh, bên kia sông Gianh vua Lê Chúa Trịnh. Bên này sông Gianh thuộc về chúa Nguyễn Hoàng cai trị. Trước khi chúa Nguyễn Hoàng đi vào Đằng Trong Chúa có lên gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lúc bấy giờ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đang đứng trước hòn non bộ có một đàn kiến tập trung tại đó đang bò làm tổ, thì Nguyễn Hoàng mới hỏi ý kiến của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về vấn đề trị nước cũng như vấn đề chính sách. Cụ Trạng Trình nguyễn Bỉnh Khiêm và được bảo rằng: " Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", tức là dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài như vậy từ ngoài Trung vô tới trong Nam thì có thể dung thân được và mười ngàn đời, ý của người xưa thường là chúc cho vua vạn tuế tức là mười ngàn năm hoặc là muôn năm.

Thật sự ra trong lịch sử của Việt Nam chúng ta chẳng có triều đại nào lâu nhất. Triều đại nhà Lý bắt đầu từ 1010 cho đến 1222, triều đại nhà Trần năm 1222 đến 1400. Trong lịch sử của chúng ta, hai triều đại lâu dài nhất là triều đại nhà Lý và nhà Trần. Đến thời nhà Lê thì cũng ngắn, triều Lê thì rất là ngắn mà Hậu Lê, Lê Lợi cũng không bằng triều đại nhà Lý và Trần. Sang tới nhà Nguyễn thì bắt đầu thứ thế kỷ thứ mười bảy cho đến thế kỷ thứ hai mươi từ năm 1603-1945 nhưng cũng bị gián đoạn bởi thời Quang Trung Nguyễn Huệ lên làm vua thì cũng hết mấy năm (1786-1792), như vậy  lịch sử của nhà Nguyễn cũng bị gián đoạn và từ khi vua Gia Long lên thống nhất sơn hà vào năm 1802 thì triều Nguyễn mới bắt đầu trở lại. Đó là 13 vua, còn trước đó thì có 9 chúa. Lúc bấy giờ khi mà chúa Nguyễn Hoàng nghe lời phủ dụ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như vậy nên Chúa bắt đầu đi về hướng Nam, đi tới Thụận Hóa tức là Huế bây giờ, đêm đó Chúa nằm thấy một bà già từ trên cõi Trời hiện xuống, bà già mách bảo rằng: "nhà Chúa muốn lập kinh đô thì đốt một tuần nhang, khi nào tuần nhang đó hết thì nơi đó có thể lập kinh đô". Chúa Nguyễn Hoàng liền sai người đốt cây nhang cùng với đoàn tùy tùng đi đến đồi Hà Khê, sau này cụ Nguyễn Đình Chiểu có diễn tả trong Lục Vân Tiên là:

Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.

Gặp đây đương lúc giữa đàng

Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không

Nhớ câu báo đức thù ân

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ai

Vân Tiên nghe nói liền cười:

 Làm ơn há dễ trông người trả ơn?

Nay đã rõ đặng nguồn cơn

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Là người dường ấy cũng phi anh hùng...

Nhưng mà còn nhiều nữa những phần trước và sau đó, đọc một đoạn như vậy. Người Việt Nam mình khi nghe như vậy cũng không biết đồi Hà Khê nằm ở đâu, mà đồi Hà Khê chính là chùa Linh Mụ kia; hay cũng gọi là chùa Thiên Mụ. Đồi Hà Khê nằm ở trong khuôn viên phía sau chùa Linh Mụ.

Tại sao gọi là Linh Mụ. "Mụ", hay "Mệ" người Huế hay gọi là  một sự cung kính, không nhất thiết phải là đàn bà, đàn ông nhiều lúc cũng gọi là Mệ.

Khi tuần nhang đã hết rồi đúng ngay vị trí đồi Hà Khê, sau này khi chúa Nguyễn ngự trị được khoảng ba năm sau, tức là năm 1603 đã cho xây chùa Linh Mụ. Bây giờ chùa Linh Mụ hay Thiên Mụ, có nghĩa là mụ già ở trên trời xuống mách bảo cho Chúa như vậy.

Nội câu chuyện này không mình cũng thấy rằng Dân Tộc và Đạo Pháp luôn dính liền với nhau, cho nên sau này quý Thầy mới dùng câu "Dân Tộc còn thì Đạo Pháp còn, Dân Tộc mất thì Đạo Pháp mất"; trong Đạo Pháp luôn luôn có hình ảnh của Dân Tộc, giống như vua Trần Nhân Tôn vừa làm vua, vừa làm Thái Thượng Hoàng, cũng vừa làm thiền sư, là vị khai sinh thiền phái Trúc Lâm của thế kỷ thứ mười ba và Vua băng hà năm 1308, bắt đầu thế kỷ thứ mười bốn. Vua cũng là Phật mà Phật cũng là Vua, cho nên khi nói đến lịch sử của Dân Tộc cũng là nói đến lịch sử của Phật Giáo, vì thế lòng mẹ của dân tộc cũng là lòng mẹ của Phật giáo.

Sau này đời chúa Nguyễn Hoàng mới nhớ ơn bà già đã mách như vậy nên cho xây một chùa gọi là chùa Linh Mụ hay Thiên Mụ, cũng như ngoài Bắc bây giờ ngay cả những vị xuất thân từ ngoài Bắc, giới trẻ gọi là chùa Trấn Quốc, nhưng cũng không hiểu tại sao gọi chùa Quán Sứ .

Mình là người Việt Nam mà thiếu sự hiểu biết về lịch sử rất là buồn! Trấn Quốc tức là Trụ tích trấn vương kỳ, câu này của thiền sư Vạn Hạnh là thầy của Lý Công Uẩn cố vấn cho nhà Lý, tức là thiền sư Vạn Hạnh chống tích trượng giữ gìn bờ cõi cho đất nước Việt Nam. Cho nên trấn là trấn giữ, quốc là quốc gia. Sơn hà, xã tắc nằm trong tay Lý Công Uẩn nhưng dưới sự cố vấn lãnh đạo của thiền sư Vạn Hạnh rất là rõ ràng. Quý Vị đi lễ chùa Trấn Quốc rất là nhiều hay chùa Thầy, chùa này chùa kia ở ngoài Bắc đa phần hỏi thì không biết, và đi chùa Hoài Nhai ở quận Ba Đình Hà Nội bây giờ có thờ một tượng ông vua nằm, quỳ xuống Đức Phật được tạc ở bên trên, đa phần Phật tử đi chùa cũng không biết tại sao lại có tượng như vậy?

Tôi nghĩ là tôi cũng không đi xa quá, vì cái đó thuộc về quá khứ rồi. Chùa Quán Sứ cũng vậy, bây giờ là cơ sở trung ương của Giáo Hội ngoài Bắc, nhưng mà tại sao là Quán Sứ cũng không ai quan tâm, không ai để ý!

Quán là chỗ, Sứ là sứ thần. Ngày xưa những sứ thần Cao Miên, những sứ thần Xiêm La tức là Thái Lan rồi những nước khác chư hầu của Việt Nam trước khi vô kinh đô Thăng Long để gặp các vua chúa triều thời nhà Lý, nhà Trần phải ở nơi này thì gọi là Quán Sứ. Sau này người ta xây khách sạn để tiếp đãi, chứ ngày xưa chùa là một đơn vị rất là đặc biệt, nơi đó có thể tiếp các vị quốc sư, thần tăng, sứ thần của các nước khác, cho nên gọi là Quán Sứ.

Thế thì tôi nhắc sơ như vậy thôi. Ngoài Bắc có rất nhiều di tích, chùa chiền luôn liên hệ với Dân Tộc, với Đạo Pháp, nhiều lúc mình cần phải nên tìm hiểu thêm .

Bắt đầu Đàng Trong thì hồi thế kỷ thứ mười ba, mười bốn chúng ta có thêm Châu Ô, châu Lý tức là Thừa Thiên, Quảng Nam bây giờ. Từ các triều đại sau đó mới bắt đầu mở mang bờ cõi cho tới Quảng Ngãi, Bình Định, rồi Phú Yên cho tới Saigon, Gia Định rồi Lục Tỉnh, thì mình thấy rằng Saigon thực sự chỉ mới hình thành được khoảng ba trăm năm, hồi xưa nó không phải là đất của Việt Nam mình đâu.

Khi mà đi vào trong Đại Tạng Kinh, tôi dịch kinh, đôi lúc thấy thật cảm động. Có vị sư tên là Phật Triết vào thế kỷ thứ tám vào năm 752 mà Thánh Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản phải cho người qua bên nước Phù Nam, Lâm Ấp để thỉnh ngài Bodhisenna, tức Bồ Đề Tiên Na cùng với Ngài Phật Triết qua làm lễ khai nhãn cúng dường chùa Todaiji tức Đông Đại Tự ở Nara vào thế kỷ thứ tám, sau này tôi có cơ hội để tìm hiểu thêm nước Phù Nam là nước nào. Vậy hỏi Quý Vị, nước Phù Nam nằm ở chỗ nào thì chắc chắn là không phải ai cũng biết hết. -Vậy thì nước Phù Nam là nước nằm từ khoảng Bình Thuận vô tới Phan Thiết, Biên Hòa, Saigon, Gia Định, Cao Miên rồi một phần Thái Lan qua tới Miến Điện luôn. Đó Quý Vị thấy một đất nước nó to lớn như vậy, có những vị Quốc Sư rất là nổi tiếng mà trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh đã nói rất là rõ. Bây giờ đã biến mất đi trên bản đồ không còn dấu tích gì hết. Đó là chưa kể tới nước Champa, rồi thì Lục Chân Lạp, Thủy Chân Lạp, đã theo bước tiến của Dân Tộc mình có mặt khắp nơi. Miền Nam Việt Nam từ sông Gianh trở vào ngày xưa là  gọi là Đàn Trong.

Dưới thời của chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến chúa Sãi cũng gọi là Chúa Bụt, hay chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ năm 1563-1635, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan 1601-1648, rồi tới chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần 1620-1687. Vị chúa thứ năm là chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái 1650-1691 các vị này chỉ đi mở mang bờ cõi chứ họ đâu biết Phật Giáo mình là như thế nào. Ngoài Bắc thì đã có thiền của Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, của Ngài Vô Ngôn Thông, Ngài Thảo Đường, Ngài Trúc Lâm Yên Tử, rồi thiền  Tào Động. Nhưng ở Đàng Ngoài thì Phật Giáo đã được hơn ngàn năm rồi, nhưng ở Đàng Trong Phật Giáo của Champa, Phù Nam, Cao Miên.

Riêng tinh thần của Phật Giáo mình; nhất là tinh thần Đại Thừa thì đi hướng như thế nào? Tức là dưới đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu 1675- 1725. Thời kỳ này rất đặc biệt có ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán, người Trung Quốc. Ngài cũng đi qua Việt Nam vào năm 1665. Quyển Hải Ngoại Kiết Sử Ngài đã viết lại sự sinh hoạt của thành phố Hội An cũng như Bình Định vào năm 1695 rất rõ ràng, bây giờ thì tôi cũng đã được dịch sang tiếng Việt. Quý Vị cũng có thể xem trên mạng về quyển Hải Ngoại Ký Sự của Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán như thế nào.

Đặc biệt chúa Nguyễn Hoàng khi vào đến Hội An thì thấy cửa biển này là một cửa biển rất đặc biệt, sầm uất cho nên ông muốn mở ra sự giao thương đối với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Hoa, nên bây giờ Quý Vị nào đi về Hội An thì thấy có chùa Cầu, chùa đó một bên có tạc tượng hai con khỉ, một bên thờ hai con chó. Tương truyền rằng chùa Cầu này làm từ năm Tuất đến năm Thân  hay từ năm Thân đến năm Tuất thì mới xong.

Có một điều quan trọng, cửa biển Hội An thịnh hành từ năm 1600-1640.

 Chữ quốc ngữ ngày xưa mình nói do giáo mục Alexandre de Rhodes khởi xướng, bây giờ ở viện ngữ học Hà Nội, người ta không phản bác điều đó nhưng người ta cho biết thêm là ngoài Giám Mục Alexandre de Rhodes (giám mục Bá Đa Lộc) không phải là người khởi xướng ra tiếng Việt đầu tiên,mà là hai giám mục người Tây Ban Nha; tức là Francisco de Pina (theo Nguyễn Phước Tương) và Giáo Sĩ Gaspar d Amaral và Antonio Barbosa. Họ đã đến cảng Hội An lên đến vùng Thanh Chiêm và họ bắt đầu nghe người Việt Nam mình nói chuyện tiếng Việt rồi mới soạn ra cuốn tự điển, bây giờ tự điển An Nam-Bồ và Bồ-An Nam. Tiếng Việt của người A Nam (ngày xưa mình gọi là A Nam chứ không phải Việt Nam).

Bây giờ hỏi Quý Vị danh từ Việt Nam, hay tên nước Việt Nam có từ lúc nào thì cũng ít người quan tâm, không biết lúc nào có tên Việt Nam, lúc nào có An Nam, lúc nào có Đại Cồ Việt, lúc nào có Văn Lang, lúc nào có Âu Lạc, cho nên cần phải thẩm định cho rất là kỹ.

Dĩ nhiên khi học lịch sử cũng có khi rất là nhàm chán, chẳng có gì đặc biệt hết, nhưng cần phải biết cho rõ. Những vị này bắt đầu khởi sự công việc làm tự điển của mình tại Hội An, sau đó giám mục Bá Đa Lộc mới phụ thêm vào và soạn chung tự điển Việt-Bồ vào năm 1651.

Năm 1640 có một sự kiện rất đặc biệt. Đó là nhà Thanh đứng lên cướp ngôi nhà Minh, bên Trung Quốc: Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đó là những triều đại từ thế kỷ thứ bảy cho đến thế kỷ thứ mười bảy. Năm 1640, sự kiện rất là quan trọng, bởi vì nhà Thanh đứng lên cướp ngôi nhà Minh, những người gọi là bài Thanh phục Minh không thích chế độ của nhà Thanh mà họ muốn dựng lại chế độ nhà Minh nên họ đã đi tị nạn, cũng giống như chúng ta đi tị nạn vào năm 1975. Lý do tại sao mình đi tị nạn thì Quý Vị có tự biết không? Rồi bài Thanh phục Minh năm 1640, nếu những người Trung Hoa mà sang Đàng Ngoài để tị nạn thì vua Lê Chúa Trịnh chắc chắn bắt gửi về trả lại cho Trung Quốc, bởi vua Lê Chúa Trịnh phụ thuộc vào Trung Hoa lúc bấy giờ, cho nên những người bài Thanh phục Minh này họ đi trên những thương thuyền, họ không ghé Hà Nội, Hải Phòng, mà họ ghé Hội An, Thị Nại ở Bình Định, xa hơn nữa thì Mạc Cửu ghé đến Hà Tiên. Những bước chân của những người đi tị nạn Trung Hoa họ đi như vậy, cũng giống như người Việt Nam bây giờ có mặt khắp nơi trên thế giới tại nhiều nơi như vậy.

Quý Vị mà chuyên về lịch sử thì nên viết lại để cho con cháu mình biết để sau này chúng biết tại sao ông bà cha mẹ mình ra đi, mà tại sao lại đến Đại Hàn? tại sao có đến Nhật? tại sao có đến Đức? tại sao có đến Nga? Tại sao  đến Mỹ? Tại sao  đến Canada? Tại sao đến Úc? v.v...như vậy rất là hay.

Lúc bấy giờ Chúa Nguyễn Phúc Chu có một chính sách là đón tiếp người tị nạn này. Bây giờ Quý Vị về Hội An sẽ thấy thành phố trong đó có nhà thờ ngũ ban: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam … rồi Minh Hương. Minh ngày xưa đọc là Minsan. Minsan tiếng Phổ Thông có nghĩa là hương thơm của người nhà Minh. Giống như mình nói bên Mỹ có Little Saigon, Saigon nhỏ để nhớ lại sự sống, sự sinh hoạt trong chế độ tự do của mình trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm thì kêu là Saigon. Tiếng Trung Quốc kêu là Sài gòn tức là Tây Cống. Cho tới thời vua Minh Mạng chữ "hương" này không xử dụng là mùi thơm nữa mà nó có nghĩa là làng; làng của người nhà Minh => Minh Hương. Chữ hương cũng có nghĩa là làng. Thí dụ như Quê Hương. Hương Cảnh, còn chữ hương là mùi thơm, người miền Trung kêu là cây hương, là cây nhang mình đốt nhang, đốt hương, hương là mùi thơm.

Khi mà người nhà Minh họ đi qua bên Việt Nam, qua Đàng Trong, Hội An, Bình Định và ở dưới Hà Tiên thì có Mạc Cửu khi đi tị nạn vào thời năm 1640 thì họ dùng chữ cùa nhà Minh là hương thơm của triều nhà Minh. Họ muốn gầy dựng lên chế độ nhà Minh, họ vọng tưởng về chế độ nhà Minh, trong thời gian này chắc chắn cũng có một số vị thiền sư đi cùng với những thương thuyền, sau đó thì Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán cũng đã đến Hội An và viết quyển Hải Ngoại Ký Sự, cho đến vào khoảng năm 1695 thì chúa Nguyễn Phúc Chu mới thỉnh ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán về bên Trung quốc thỉnh hội đồng Thập Sư; trong đó có Đàn Đầu Hòa Thượng với Yết Ma A xà lê. Yết ma a xà lê gồm hai vị và năm vị tôn chứng sư là mười vị như vậy mới gọi là một Đàn.

Cho nên Phật tử mình cũng nên biết thêm một chút, vào thời của Đức Phật còn tại thế thì Ngài không có truyền giới giống như bây giờ mình có hội đồng Tam Sư thất chứng. Đức Phật Ngài thấy những vị cư sĩ nào mà có khả năng tu tập cũng như sẽ chứng đắc được ngay trong hiện thế từ Tu Đà Hoàn, Tu A Hàm, A Na Hàm, A La Hán thì Ngài nói là Thiện Lai Tỷ Khưu. Tóc trên đầu rụng xuống rồi mới chứng được vô sanh.

Tôi đọc trong Đại Tạng Kinh thì có nhiều truyện rất là hay, mới đây tôi có đọc một câu chuyện về Kim Sắc Đồng Tử truyện gồm mười hai quyển; nhưng tôi tóm lại còn tám trang, bởi vì tôi biết Quý Vị không có nhiều thời giờ, không biết là tám trang đó có đọc hay không, Quý Vị đi làm về mệt quá mà còn thì giờ đâu để nghe một tiếng rưỡi như vậy thì thật là cố gắng, cũng buồn ngủ lắm.

Nhưng mà tôi đọc có nhiều câu chuyện rất hay và sau đó bản kinh văn số 550, rồi khi tôi đọc qua kinh văn số 551, 552 nói về Ma Đăng Già.

Ma Đăng Già đã theo Phật và chúng ta chỉ nghĩ người đó quyến rũ ngài A Nan thôi, nhưng mà có một điều rất đặc biệt là quý thầy giảng và kể chưa hết, như truyện của Vô Não, quý thầy chỉ kể có nửa truyện, chứ chưa kể hết truyện, có vô trong Đại Tạng mới thấy rằng thiếu cái gì? Cần bổ túc cái gì? Tôi bây giờ có nhiệm vụ tóm lược lại, cũng giống như bài pháp một tiếng rưỡi đồng hồ, mình chỉ tóm lược lại còn có mười câu chẳng hạn, không cần phải đọc hết, mình coi những điểm nào là điểm chính, từ đó triển khai ra.

Ma Đăng Già thương ngài A Nan, sau đó về thưa với bà mẹ để đi cùng lên gặp Đức Phật. Đức Phật mới nói rằng: "cô thương ngài A Nan thì cô về nói với mẹ cô cạo tóc đi. Bà về nhà cạo tóc cho người con gái. Mà đẹp bao nhiêu đi chăng nữa mà khi mái tóc không còn nữa thì như thiếu một cái gì đó (theo quan niệm xưa nay người ta thường nói cái răng cái tóc, là cái gốc con người). Nên khi đến đó Đức Phật mới dùng vô thường, cái khổ, cái không giảng thuyết. Giảng xong bà ngộ đạo và khi đó hết yêu ngài Anan mà yêu giáo pháp.

 Ma Đăng Già chứng A La Hán. Phần quý Thầy kể là thiếu A La Hán này. Nhưng tại sao nó như vậy? – ngày xưa, căn cơ của người ta rất là nhanh, là bén nhạy, bây giờ mình cũng nhanh nhưng nhanh theo kiểu máy móc chứ không nhanh bằng trí tuệ.

 Rồi Ương Quật Ma La cũng vậy, tức là ngài Vô  Não. Ai cũng biết chuyện Vô Não từng gặp Phật nói rằng: "Này Cồ Đàm ông hãy dừng lại". Đức Phật trả lời rằng: "chính ngươi mới là người đáng dừng lại, Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi". Khi nghe như vậy Vô Não ngộ đạo. Nhưng ngộ như thế nào thì chưa ai nói tiếp. Trong Đại Tạng Kinh mới nói tiếp như thế này; tức là Vô Não chứng A La Hán liền ngay lúc đó.

Bây giờ mình nghe pháp thấy thầy A tới cô B, nghe thấy đủ thứ thứ, mà sao thấy ngộ ngộ không mà không chứng gì hết.

Sau đó Vô Não về dưới chân Đức Phật và xuất gia. Xuất gia xong xuôi thì ông thiền định. Lúc bấy giờ vua Ba Tư Nặc dẫn binh hùng, tướng dũng dẫn tới và Vua đảnh lễ đấng Thế Tôn.

 Đức thế Tôn mới hỏi "Bệ Hạ đi đâu mà nhung y lấm bụi bặm thế?". Vua Ba Tư Nặc trả lời: "Bạch Thế Tôn, Ngài có biết là trong xứ của chúng ta có một tên sát nhân rất là ác độc, nó giết tới chín trăm chín mươi chín người rồi, bây giờ nó chờ một người thứ một ngàn để nó về nó giết mẹ nó, nên bây giờ chúng tôi đi truy sát người đó đây".

Đức Phật mới hỏi rằng: "nếu trường hợp bây giờ người đó tỉnh ngộ, sám hối, ăn năn, lo tu tỉnh thì Bệ Hạ nghĩ như thế nào?".

Vua Ba Tư Nặc mới nói rằng: "Nếu như vậy tôi cũng tha thứ cho người đó, không đi tìm giết người đó"

 Khi nói xong như vậy Đức Phật mới nói: "Thôi thì Bệ Hạ nên đi ra ngoài vườn đi dạo một chút đi rồi về"

Vua Ba Tư Nặc đi ra ngoài vườn thấy một vị A La Hán hào quang chiếu sáng rất là rực rỡ như vậy. Đầu tiên vua Ba Tư Nặc lạy xuống  ba lạy. Lạy xong rồi ông đi vô gặp Phật hỏi "Bạch Thế Tôn có một vị xuất sĩ nào mà có một đạo lực rất mạnh mẽ như vậy? ngồi dưới gốc cây hào quang chiếu tỏa rộng như vậy. Xin Thế Tôn chỉ bày cho".

 Đức Phật nói: " người đó là người mà Bệ Hạ muốn tìm".

Đó Quý Vị thấy, ngày xưa khi mà thọ giới, khi Đức Phật còn tại thế Ngài chỉ cần nói một lời, người đó nghe ngộ, tiếng Nhật gọi là Satori, bừng sáng. Bừng sáng là trí tuệ có sẵn.

Bây giờ tôi đang dịch tác phẩm thứ bảy mươi hai của Ngài Thân Loan Thánh Nhơn (Shinran Shonin) về Mạt Đăng Sao, nói về việc niệm Phật tự lực và  niệm Phật tha lực rất là đặc biệt. Tại vì ở Việt Nam có một tổ chức tên là "Phật Đà Giáo Dục", họ tìm rất nhiều thầy để dịch về những tác phẩm Tịnh Độ Tông của Shinran Shonin (Thân Loan Thánh Nhơn), nhưng ít có vị chuyên về việc này cho nên trong tương lai tôi sẽ dịch tiếng Nhật nhiều hơn. Viết thì mỗi ngày tôi viết được hai mươi trang, nhưng dịch thì tôi dịch chỉ được khoảng mười trang thôi, mấy bữa nay dịch trong sự say sưa, làm việc mà nhiều lúc quên ăn, quên giờ. Hôm nay thực sự các thầy đang tụng kinh Đại Bát Nhã trên Chánh Điện, nhưng mà tôi nói thôi bữa nay sư phụ lên Zoom nói chuyện với Phật tử một chút.

Rồi trong quyển nghiên cứu giáo đoàn Phật Giáo thời Nguyên Thủy tôi dịch bằng tiếng Nhật sang tiếng Việt ba cuốn, thầy Hạnh Tấn hồi đó dịch tiếng Việt sang tiếng Đức. Việc này kỳ vừa rồi lên đại học Hamburg tình cờ mới thấy họ cũng bảo quản ở đó và những đại học Phật Giáo Việt Nam đã xử dụng tài liệu này cho sinh viên đang tham cứu. Trong này có những gì? – Thọ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni có mười cách để thọ tức là:

Thiện Lai Tỳ Khưu, cũng như Đức Phật Ngài không có thọ Tỳ Kheo, Ngài gọi là tự chứng cho thể tánh của Tỳ Kheo, rồi tới phiên đệ tử vào thời của Đức Phật cũng xuất gia, mà làm Sa di không có ai hết ngoại trừ Ngài La Hầu La, vì còn nhỏ cho nên Đức Phật mới giao cho Ngài Xá Lợi Phất trông nom. Sau đó mới thành lập giáo đoàn đông rồi cho nên mới bắt đầu truyền tam sư thất chứng, rồi tam sư nhị chứng, tam sư ngũ chứng, tam sư hay là thọ phương trượng một thầy một trò chẳng hạn. Luật của Đức Phật đặt ra từ đó. Thời sau này đa phần xử dụng Tam Sư thất chứng cho nên chúa Nguyễn Phúc Chu mới nhờ ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán về Trung quốc thỉnh cho được hội đồng Tam Sư Thất Chứng. Lúc bấy giờ Tăng đoàn vào An Nam có ngài Nguyên Thiều, ngài Minh Đằng Tử Dung, sau này Ngài ở lại Huế để khai sơn chùa Ấn Tôn Từ Đàm và chùa nầy có từ cuối thế kỷ thứ mười bảy (Quý Vị nghe bài hát Từ Đàm Quê Hương tôi thì rõ), rồi Ngài Minh Hải Pháp Bảo, Ngài sanh 1670 và năm 1695 lên thuyền đi lúc còn trẻ, hai mươi lăm tuổi, (giống như ngày xưa mình đi du học mười tám, hai mươi tuổi). Ngài lúc đi còn trẻ như vậy mà Ngài gầy dựng lên thiền phái Chúc Thánh sau nầy rất là to lớn ở trong xã hội Việt Nam  mình.

Từ bên Trung quốc qua mà xây dựng được tinh thần Phật học như thế thì quý hóa biết dường bao. Còn miền Nam Việt Nam có hai tông phái lớn đó là Lâm Tế Chúc Thánh cũng như Lâm Tế Liễu Quán. Ngài Minh Hải ở lại Hội An và lập lên chùa Chúc Thánh ở Hội An.

Ở đây cũng nên mở ngoặc tại sao quý Ngài người Trung quốc lại chọn Hội An, chọn Bình Định? Lý do là trong những đoàn người ra đi tị nạn của Ngũ ban họ nói tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu giống như bây giờ mình đi tị nạn qua bên Mỹ mà nói tiếng Việt cho khỏe hơn là nói tiếng Anh.

Bây giờ quý vị nào ở vùng Nam Cali, Houston, đi nhà hàng, đi khách sạn, đi chợ, đi búa không cần dùng tiếng Anh, cứ nói tiếng Việt không cũng được. Quý vị này tới đầu tiên phải nói ngôn ngữ của các vị đó là tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu. Ngài Minh Hải thì xuất thân từ Phúc Kiến cho nên chắc chắn là nói tiếng Phúc Kiến, chữ viết thì vẫn là một thôi nhưng phát âm thì nó lại khác, cũng giống như người Việt Nam mình, người Bắc thì đọc giọng khác, người Trung thì đọc giọng khác, Nghệ An đọc giọng khó nghe, Quảng Nam thì còn khó hiểu hơn. Một hôm Thầy Hạnh Tuệ nói "Sư Phụ ơi, bây giờ đâu cần đi học ngoại ngữ làm chi". Tôi hỏi "sao hay quá vậy?" – "Sư Phụ bấm lên máy Sư Phụ muốn nói tiếng gì nó dịch ra tiếng đó" – "Bây giờ thầy nói tiếng Nhật nó dịch ra tiếng Anh đúng không? Tôi nói một câu máy nó dịch rất là đúng"; rồi tiếng Nga, tiếng Tàu, tiếng Đức, tiếng Anh nó dịch rất là chuẩn; nhưng khi  tới phiên tôi nói tiếng Quảng Nam nó không biết dịch cái gì hết, thí dụ: "mi đi dô trong phòng mi kéo cái thọa ra mi lấy cho tau cái bàn hình chụp cho tau mấy bô bóng". Rồi, mấy người Bắc ngồi nghe chắc không biết ông Thầy Như Điển nói cái gì, tưởng là nó tiếng Thái chứ!

Cho nên ngôn ngữ địa phương là như vậy. Tiếng Trung quốc cũng có rất là nhiều tiếng địa phương. Tiếng Việt Nam mình cũng thế, vùng nào nói quen vùng đó thôi, từ từ ở lâu mình cũng quen thôi, ý nói rằng chữ viết cũng là một, nhưng cách đọc mỗi nơi mỗi khác nhau.

Nhờ giới đàn ở chùa Thập Tháp Bình Định, chùa Di Đà ở Hội An, giới đàn ở ngoài Huế. Ba đại giới đàn này, các Ngài truyền giới xong họ lên thuyền trở lại bên Trung quốc, nhưng lúc bấy giờ bị gió lớn cho nên mới trở lại Hội An và truyền giới đàn thứ hai vào đầu thế kỷ thứ mười tám. Ngài Minh Hải ở lại, sau đó xuất một dòng kệ là:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

Đắc Chánh Luật Vi Tông/Tuyên

Tổ Đạo Giải Hành Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhân Thiên Trung.

Đó là dòng kệ bốn câu đầu cho pháp danh, bốn câu sau cho pháp tự. Chỉ có dòng kệ Chúc Thánh là lấy tên chùa của Ngài Minh Hải đặt cho dòng kệ. Bắt đầu là Minh; có nghĩa là Ngài Minh Hải đời thứ ba mươi bốn bên Trung quốc. Sau này tôi có tìm hiểu thêm tiếng Việt về hai chữ Lâm Tế. Tiếng Đức gọi là Linzai hay là Linchi. Thật sự ra nó không phải là một trường phái, học phái mà chữ Linzai Lâm Tế có nghĩa là một cái làng của Ngài Nghĩa Huyền sinh ra bên Trung quốc vào thế kỷ thứ chín. Sau Lục Tổ Huệ Năng thì chia thiền ra nhiều phái khác nhau, trong đó có phái của Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền, phái này truyền cho tới đời thứ ba mươi bốn của Ngài Minh Hải. Ngài đã sang Việt Nam .

Minh thì cho đệ tử là Thiệt, đệ tử là Thiệt thì cho là Pháp, Pháp thì cho là Toàn, Toàn thì cho là Chương. Câu kệ bên trên quý vị thấy là Như, Như thì đúng ra các vị quy y với tôi thì cho là Thị, giống như Thị Hiện Chơn Công Hoàng đang ngồi đó, Thị Chơn Ngọc Diệp chẳng hạn. Các vị từ số 1-100 thì tôi cho Thị, mà Thị thì cũng rất là khó cho, nhiều người cứ nghĩ Thị là đàn bà. Thị có nhiều ý nghĩa, Thị đây là là. Thị cũng là thấy. Thị cũng là trái thị, Thị cũng là chợ, Thị cũng là gần gũi, Thị giả.

Chữ Hán viết ra tiếng Việt thì nó có một chữ, nhiều chữ thì tiếng Việt cũng rất là giàu âm hơn là tiếng Hán hay tiếng Nhật. Ví dụ như mình nói là giang sơn hay là giang san cũng được, nhưng tiếng Nhật và tiếng Tàu chỉ có một âm thôi, thí dụ như đọc là săng, chứ không như tiếng Việt, đọc sơn gũng được, mà san cũng được. Tiếng Việt mình có nhiều cái cũng rất là giàu, ngữ nghĩa, nhưng cũng có những cái nghèo hơn ngôn ngữ khác, thí dụ như nội chữ Thị không mà có năm, bảy nghĩa lận, cho nên từ người số 1 đến 100 gọi là Thị, mà sau 101 tới 7000 thì tôi cho là Thiện hết, trong số 7000 thì bây giờ cũng lên bàn thờ ngồi khá nhiều rồi.

Năm 2003 thì bắt đầu tôi giao việc trụ trì lại cho thầy Hạnh Tấn 2003-2008, thầy Hạnh Giới 2008- 2017, thầy Hạnh Bổn 2017-2022, bây giờ tời thầy Hạnh Định 2022 cho đến bây giờ thì mấy thầy cho đệ tử là Đồng, nếu là Đồng đi xuất gia nữa sẽ cho đệ tử là Chúc. Đó là bốn câu đầu của dòng kệ

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chân Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

Bốn câu này là bốn câu cho pháp danh.

 Bốn câu sau  cho Pháp Tự

Đắc Chánh Luật Vi Tông/Tuyên

Tổ Đạo Giải Hành Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhân Thiên Trung

Minh thì Pháp tự là Đắc, thí dụ như tôi pháp danh là Như thì Pháp Tự là Giải, Tôi pháp danh là Như Điển pháp tự là Giải Minh, pháp hiệu là Trí Tâm. Một người đi tu như vậy có tất cả ba tên: tên khi mình quy y, Sư Phụ mình trao đó là pháp danh, Khi thọ Sa di hay Sa di ni thì có pháp tự và sau khi mình thọ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thầy mình hay vị Đàn Đầu Hòa Thượng cho một Pháp Hiệu nữa.

 Ở ngoài Huế Ngài Minh Hoằng Tử Dung ở lại đó lập lên chùa Ấn Tôn Từ Đàm và người Việt Nam chính thức tức là Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán, đã đắc pháp với Ngài Minh Hoằng Tử Dung và thành lập ra một tông phái khác của thiền; Đó là Thiền phái Liễu Quán, họ là những người huynh đệ với nhau đi từ bên Trung quốc qua, nhưng mà khi ở lại Việt Nam thì lập chùa và xuất ra bài kệ

Thiệt tế đại đạo

Tánh hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận......

Quý Thầy cho theo hai dòng kệ như vậy. Hai dòng kệ này mới lan tỏa ra hết cả đất nước Việt Nam mình ở miền Nam, rồi ra ngoại quốc. Miền Bắc thì đa phần theo Thiền Tào Động và không có những dòng kệ truyền. giống như Ngài Minh Hải hay là của Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán. Phần này trong sách của Thầy Như Tịnh ghi rất là rõ, nếu quý vị có thời gian thì cũng nên đọc sách này. Thiền sư Nhất Hạnh cũng có viết mà viết về Chúc Thánh thì rất là ít cho nên khi thiền sư Nhất Hạnh còn tại tiền Ngài ở viện Phật học ứng dụng Âu Châu ở Waldbröl tôi xuống tặng cho Ngài mấy quyển về Tịnh Độ cũng như mấy quyển của sư đệ Như Tịnh viết về lịch sử truyền thừa của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và đã tặng cho Ôn. Tôi nói rằng con có đọc về mấy quyển lịch sử Phật giáo của Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận một, hai, ba, nhưng về Chúc Thánh thì Ngài viết rất là ít. Có lẽ là tư liệu không có nhiều và sau này thì thầy Như Tịnh cũng bổ khuyết về vấn đề lịch sử truyền thừa của Ngài Minh Hải, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh rất là rõ ràng. Xin Ngài tham khảo thêm. Mới đây thì cũng có một hội nghị về thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An với những nhà khoa học, những nhà bác học đã triển khai tinh thần từ lúc Phật giáo mới thành lập xong, được hình thành vào cuối thế kỷ thứ mười bảy, đầu thế kỷ thứ mười tám rất là đặc biệt. Thành ra Quý Vị có thể tham khảo thêm tài liệu đó.

Rồi thời vị chúa thứ bảy là chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú  năm 1697-1738, Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát 1714-1765 thứ tám và thứ chín là Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần 1754-1777. Hôm nay nói tới chín Chúa rồi tới đầu vua Gia Long rồi sẽ nghỉ.

Chúa Trịnh Nguyễn Phúc Thuần 1754-1777, tức là nhà Nguyễn của giai đoạn đầu chỉ tới đó thôi. Vậy thì từ năm 1778- 1802 giai đoạn này của lịch sử như thế nào? – Giai đoạn này là giai đoạn Đàng Ngoài tức là vua Lê Chúa Trịnh càng ngày càng đi xuống, đất nước Việt Nam mình thì nhiều loạn lạc nổi lên, trong đó thì Bình Định có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ họ nổi lên chống lại sự cai trị của chúa Nguyễn Phúc Thuần. Lúc bấy giờ có một sự kiện đặc biệt mà Quý Vị nào có đọc quyển của tôi viết  về Vua là Phật, Phật là Vua thì mới có thể nắm rõ hết phần lịch sử chỗ này.

Thân phụ cụ Nguyễn Du là cụ Nguyễn Nghiễm làm quan cho vua Lê Chúa Trịnh, ông Nguyễn Khảm anh ruột của Nguyễn Du làm quan cho triều Tây Sơn 1786-1792. Nguyễn Du thì chống lại Tây Sơn và lại có liên hệ tới Phật giáo.

 Tôi kể một câu chuyện cho Quý Vị nghe: Nguyễn Du chống Tây Sơn sau đó khi vua Gia Long lên thống nhất sơn hà 1802-1804 đổi quốc hiệu An Nam thành Việt Nam. Quý Vị nhớ dùm, danh từ Việt Nam có từ năm 1804, tức là bây giờ hơn hai trăm năm lịch sử, trước đó thì có nhiều danh hiệu khác nhau. Thời gian này cũng là thời gian rất là đặc biệt. Quý Vị thấy theo tinh thần Khổng Mạnh hồi xưa thì trung thần bất sự nhị quân; nghĩa là tôi trung thì không thờ hai chúa mà gia đình cụ Nguyễn Du thì thờ tới hai ba Chúa. Miền Bắc (Đàng Ngoài) thì thờ vua Lê Chúa Trịnh, sau đó tới ông anh là Nguyễn Khảm rất là trung thành với triều đại của Quang Trung 1786-1792. Đây là lý do mà tại sao cụ Nguyễn Du không có ở Việt Nam mà lại sang Trung quốc để tị nạn, làm một nhà sư. Nếu mà không đi Trung quốc không làm nhà sư thì không có Đoạn Trường Tân Thanh với ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu thơ mà hậu thế bây giờ khi mình đọc lịch sử mình mới biết cái công của các cụ. Cũng nhờ bỏ cái này mà được cái kia, cũng như chúng ta học chúng ta biết rằng, trong cái được nó luôn luôn tồn tại cái mất. Trong cái mất mát nó luôn luôn tồn tại cái mầm móng của sự thay đổi tốt. Từ năm 1789-1792 các vị nhớ đây là thời gian ba năm liên tục cụ Nguyễn Du đi sang bên Trung quốc và Pháp Danh Chi Hiên mà cụ dùng tôi cũng không thấy trong sử sách nào mà nói là sư phụ, hay bổn sư của cụ Nguyễn Du là ai đã cho? cũng có thể là ông tự lấy bút hiệu của người khác làm pháp danh của mình, như trong truyện Kiều có hai câu thơ:

"Áo xanh đổi áo cà sa

Pháp danh nay lại đổi ra Trạc Tuyền"

Giờ hỏi những người hiểu biết chứ: "Nàng Kiều quy y với ai mà lấy pháp danh Trạc Tuyền? Dĩ nhiên là trong Quan Âm Các lúc bấy giờ không có thầy nào hết, chỉ có Hoạn Thư rình mò đâu đó thôi. Lúc bấy giờ Thúc Sinh đang ở trong Quan Âm Các với nàng Kiều, quýnh quá thấy Hoạn Thư ra, rồi bắt gặp, Thúc Sinh mới quy y luôn cho nàng Kiều, cho nên theo thầy Nhất Hạnh trong tác phẩm Thả Một Bè Lau, Thầy Nhất Hạnh cho rằng Thúc Sinh đã đặt chữ này do hai câu đối trên tường của Quan Âm Các mà có. Nó cũng liên hệ với Phật Giáo, liên hệ trong truyện Kiều

"Giác Duyên dầu nghĩa nhìn nhau

Tiền đường thả một bè lau rước người"

Không phải là cứu người mà là rước người. Nhưng tại sao lại Giác Duyên dầu nghĩa gì? Chuyện này thì phải đọc trong quyển tư tưởng Phật Giáo trong thi ca của Nguyễn Du của tôi viết thì quý vị sẽ hiểu thêm. Tôi nói một đoạn như vậy là nói một quyển sách chứ không phải nói vài ba câu đâu. Dù công việc rất là nhiều, nhưng cũng cần muốn tìm hiểu tại sao.

"Áo xanh đổi áo cà sa

Pháp danh nay lại đổi ra Trạc Tuyền"

Áo xanh là áo con đòi (bây giờ gọi là ô-sin) nhưng quý vị biết ô-sin là gì không?

Ô-sin là tên của một người làm công ở Nhật, chứ không phải là một người đi làm thuê mà Việt Nam mình hiểu Ô-sin là một người đi làm thuê.

Trong mười hai con giáp, không nước nào là có con mèo ngoại trừ nước Việt Nam. Quý vị thấy, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ, Trung quốc tất cả các nước này đều là con thỏ, chỉ có Việt Nam có con mèo, con mèo tự nhiên ở đâu nó lọt vô đó, thì phải tra lại lịch sử tại sao nó lại như vậy.

Như ngày xưa chúng tôi học, học xong cử nhân bốn năm, học hai năm nữa gọi là cao học, học ba năm nữa là tiến sĩ, rồi sau nữa mới là Thạc sĩ, còn bây giờ thạc sĩ là chữ của Trung quốc họ cho vào trong khoảng giữa cử nhân và tiến sĩ. Thạc sĩ ngày xưa có sau tiến sĩ, bây giờ thạc sĩ trước tiến sĩ, nên mỗi thời đại khác nhau, nhưng mình phải biết phân tích, mình phải biết nhận định cái thời đó là thời nào và tại sao nó như vậy, đó là vấn đề về ngôn ngữ. Tôi muốn nói thêm một chuyện nữa là khi mà cụ Nguyễn Du đi sang Trung quốc như vậy thì có bút hiệu là Chí Hiên, ban ngày thì lên thuyền đi chỗ này chỗ kia, ban tối thì tụng kinh Kim Cang nương theo bài thơ ở phần cuối 4 câu là:

Ngã độc kim cang thiên biến linh

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh Thạch Đài hạ,

Chung tri: vô tự thị chân kinh

Tư tưởng truyện Kiều của Nguyễn Du, ông bất bình với thời của Tây Sơn: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ mà ông đi sang Trung quốc để tị nạn, và tác phẩm truyện Kiều được tặng ở chùa Hổ Pháo ở Hàn Châu do Từ Hải trụ trì, là nhà Sư Huệ Hải sau này.  

Đường đường một đấng anh hào

Vai năm thước rộng thân mười thước cao

Say mê Kiều mà bị chết giữa giọt nước mắt của Kiều, nhưng trước đó ông là một ông thầy tu. Từ Hải là một ông thầy tu chứ không phải là giặc biến Lương Sơn của triều đình nhà Minh.

Tác phẩm truyện Kiều được tặng tại chùa Hổ Pháo Hàn Châu. Mỗi đêm như vậy là ông trì kinh Kim Cang một biến, Quý Vị là Phật tử thì  biết nếu kinh Kim Cang đọc chậm phải hai tiếng đồng hồ, tụng nhanh thì khoảng một tiếng. Tôi được cái phước là mười năm tịnh tu nhập thất ở bên Blue Mountain tại Úc; mỗi tối tôi trì một phẩm kinh Kim Cang như vậy, mỗi năm thì hai tháng và trong 10 năm chưa được một ngàn lần giống như cụ Nguyễn Du nhưng cũng dược bảy tám trăm lần, mà thật sự Kim Cang cũng chưa hiểu hết được nghĩa.

Cụ Nguyển Du là một đại văn hào của Việt Nam mình, là một đại cư sĩ của Phật giáo, nhưng mà cụ nói rằng:

 Ngã độc kim cang thiên biến linh; nghĩa là ta đọc kinh Kim Cang trên một ngàn biến rồi.

 Kỳ trung áo chỉ đa bất minh: nghĩa sâu xa nhất vẫn chưa sáng tỏ.

 Cập đáo phân kinh Thạch Đài hạ. Nay đến dưới thạch đài phân kinh, Phật đài phân kinh là gì? Thạch đài này là do Lương Chiêu Minh thái tử, tức là con vua Lương Võ Đế cho khắc những bản kinh Pháp Hoa, cũng như Đại Bát Niết Bàn lên trên đá. Ngày xưa người ta tìm những người viết chữ rất là đẹp rồi người ta khắc lên trên đá, bây giờ những tập quán này vẫn còn ở Trung quốc, ở Việt Nam. Công phu lắm và những vị viết chữ thật là đẹp, người ta phải viết lên trên giấy, in lên trên gỗ rồi người ta mới khắc chữ, có những bản kinh in lên trên gỗ, những tờ sớ, giấy đều làm như vậy rất công phu. Không phải như bây giờ mà lên trên Computer đánh sai rồi xóa bỏ được tự nhiên.

 Khi làm báo Viên Giác từ năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín cùng với Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, sau này anh Nguyên Trí Nguyễn Hòa, mấy anh em làm còn cực, phải bỏ dấu, còn thời đại này bây giờ rất là tiện.

Sau năm 1975 tôi muốn điện thoại về Việt Nam phải hẹn người ra bưu điện để điện thoại, bên này nói muốn bể loa mà bên kia cứ Allo không nghe được gì hết. Bây giờ bốn mươi, năm mươi năm sau nhấp vô máy là đâu cũng biết hết.

 Cho nên Đức Phật nói trong kinh Đại Bát Niết Bàn "Tất cả các pháp đều bất định cho nên Nhất Xiển Đề cũng bất định", Nhất Xiển Đề không tin tưởng bất cứ chuyện gì, không tin tưởng nhân quả, không tin tưởng tội phước, không tin tưởng các kiếp trước và các kiếp sau, nhưng trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói Nhất Xiển Đề cũng có khả năng thành Phật, bởi vì tất cả các pháp đều bất định, Nhất Xiển Đề cũng bất định, Ngay cả chuyện phạm tội ngũ nghịch giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hoại hợp Tăng làm thân Phật ra máu thì trong kinh nói rằng không có được thành Phật. Nhưng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm thứ mười sáu, trong kinh Đại Bát Niết Bàn quyển hai có nói thế này: "Phạm Tội Ngũ ngịch và nhứt xiển đề cũng có khả năng thành Phật".

Phật nói điều đó chứng minh trong hai kinh đó.

 Những vị Tổ Sư của Tịnh Độ Tông căn cứ vào sự tin tưởng này, nghĩa là tất cả đều có khả năng thành Phật. Mà sự thành Phật đó không phải là do mình mà do tha lực bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà chứ không phải là do tự lực của mình. Nếu mà tự lực của mình thật thì theo Ngài Shinran Shonin thì chỉ về hạ phẩm hạ sanh, tức là chỉ về biên địa, gọi là thai cung biên địa, hoặc nghi thành. Thai cung biên địa tức là mình về mình nằm trong lòng hoa sen bảy triệu năm chưa nghe được tiếng thuyết pháp của ngài Quan Âm, của Ngài Thế Chí. Những Tổ của Trung Hoa của Tịnh Độ Tông như ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Thiện Đạo. Tổ của Việt Nam chúng ta như ngài Đàm Hoằng tu theo Tịnh Độ tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ, các Ngài đều chứng minh rằng mình niệm Phật được vãng sanh đều do tha lực bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, chứ không phải do tự lực của mình niệm. Tự mình niệm thì cũng giống như tự mình lái xe vậy thôi, có lúc thì đi đúng đường, có lúc thì tuột xuống hố, nhưng mà tha lực thì tất cả mình đều có thể ở ngôi vị gọi là nhất định tụ hay là chánh định tụ. Nhất định tụ hay chánh định tụ có nghĩa là chúng sanh cũng có khả năng thành Phật và đồng đẳng với chư Phật. Tư tưởng Tịnh Độ này trong tương lai tôi sẽ đào sâu hơn nhiều nữa. Sách vở và ngay cả trong Đại Tạng Kinh bây giờ những phần viết về Tịnh Độ của Nhật Bản chỉ có tiếng Nhật thôi chứ không có tiếng Hán nữa, mà cũng không có tiếng Anh, cũng như tiếng Đức. Thôi thì tôi chuyên về phía bên tiếng Nhật tôi sẽ đi sâu vào một chút. Không biết là còn sống thêm mấy năm nữa, bây giờ bảy mươi lăm tuổi rồi, nhiều lắm là vài năm nữa thôi, tôi tự hỏi nếu còn năm năm nữa thì tôi sẽ làm cái gì? Chứ bảy mươi lăm năm nó trôi qua một cái vèo, xa nước bây giờ năm thứ năm mươi hai năm rồi, quá nhanh! Cảm ơn đất trời, cảm ơn vạn vật, cảm ơn Tam Bảo, cảm ơn vạn hữu chúng sanh mà tôi mới còn được như ngày hôm nay để nói chuyện với Quý Vị.

Nói về lịch sử là như vậy thì nói tới Lương Chiêu Minh Thái tử, thì nói tới Lương Võ Đế, nói tới Bồ Đề Đạt Ma. Cái chuyện này kéo theo chuyện kia .

Ý của cụ Nguyễn Du nói, khi mà đến chỗ các kinh Bát Nhã, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Pháp Hoa.

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ thì vô tự chính là chân kinh: Ông mới rõ ra là chân kinh chính là không có chữ nào hết.

 Trong Đại Tạng cũng có chỗ rất là hay. Phật nói cái gì cũng không hết nhưng mà tại vì sao cái nghiệp nó có? Ai dám phủ nhận nghiệp đâu. Vua A Xà Thế hỏi ngài A Nan như vậy. Bạch Tôn giả! Lúc ấy Ngài A Nan đã chứng A La Hán và có thần thông rồi. Chánh pháp Nhãn Tạng Đức Thích Ca đã truyền lại cho Ngài Maha Kasapa.  Sau đó Ngài Ca Diếp cũng đã viên tịch rồi bây giờ truyền lại cho A Nan. Riêng vua A Xà Thế cũng đắc quả thần thông. Ngày xưa ông ta là nghịch tử giết cha, nhưng sau này ông trở thành phật tử rất thuần thành, ông ta cũng giúp cho Phật Giáo phát triển cũng không phải là ít, đó là dưới thời A Nan.

A Xà Thế hỏi ngài A Nan: Bạch Tôn Giả tại sao Phật nói cái gì cũng không hết mà sao nghiệp lại có?

Ngài A Nan trả lời: Tâu Bệ Hạ nếu nằm đêm Bệ Hạ thấy một tiên nữ rất là đẹp, ở trong mộng của Bệ Hạ, nhưng tới ngày mai Bệ Hạ mở mắt ra Bệ Hạ có còn thấy được nữa không?

A Xà Thế trả lời: Bạch Tôn Giả, không thấy nữa.

Ngài A Nan hỏi: Vậy thì cái mà đẹp đó nó nằm ở đâu? Tại sao nó đi theo Bệ Hạ? - Đó là nghiệp

Cho nên cụ Nguyễn Du nói  trong truyện Kiều:

Đã mang cái nghiệp vào thân

Cũng đừng trách bởi trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh

Mười bốn câu thơ sau cùng tức là như thế này:

Ngẫm xem muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Rõ ràng tư tưởng nghiệp rất là sâu sắc và nó sẽ theo mình.

Thí dụ: mình làm Phật, tư tưởng sẽ thành Phật, mình làm A La Hán, tư tưởng sẽ thành A La Hán, làm người tư tưởng sẽ thành người, làm heo, tư tưởng sẽ thành heo, làm ngạ quỷ tư tưởng sẽ thành ngạ quỷ, làm súc sanh tư tưởng sẽ thành súc sanh. Trong kinh Đại Bảo Tích có phẩm Nhập Thai Tạng Giới, phần này rất là khó, Quý Vị có thể tham cứu thêm phần đầu thai, gá thai như thế nào, rồi thì cái nghiệp đó nó sẽ xoay chuyển con người vừa tình và thức ra sao thì cụ Nguyễn Du phải nói rằng nhờ đọc kinh Kim Cang, mặc dù không hiểu gì hết, cuối cùng hiểu ra kinh Kim Cang và Bát Nhã chỉ là một chữ không. Sau đó Ông về lại Hà Nội, lúc bấy giờ Ông mới bắt đầu viết tập sách Đoạn Trường Tân Thanh tức Kim Vân Kiều truyện tức tiếng đau xé lòng.

Trăm năm trăm cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo mà ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Rất là hay, 3254 câu, mình là người Việt Nam mà không thuộc Kiều là uổng lắm, bởi vì nó rất liên hệ với Phật Giáo của một giai đoạn lịch sử của Phật Giáo Đàn Trong, giai đoạn của Phật Pháp đang chuyển mình vào trong thi ca, trong văn chương, trong văn học, không phải là nghệ thuật không. Cũng như bây giờ người ta tìm ra Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh do kiến trúc sư người Việt Nam xây, ông ta là người Nghệ An hay Hà Tĩnh, tên là Nguyễn An thế kỷ thứ mười bốn, khi mà nhà Hồ bắt đầu suy vong thì năm 1401-1417, thời đó là thời nhà Minh qua chiếm Việt Nam mình, họ bắt đi tất cả những người tài đem về Trung Quốc, trong đó có kiến trúc sư Nguyễn An. Mình hãnh diện chứ! tổng thống Nam Hàn Lý Thưà Vãng, tổng thống của Đài Loan là Lý Kính Huy, phó thủ tướng của nước Đức, Philip Rossler và nước Mỹ chắc chắn sẽ có người làm lớn  thôi, mình đi ra đâu phải mình chỉ tìm mưu kế cho cuộc sống của mình thôi, mà còn đóng góp cho dân tộc tại đó rất nhiều phương diện như văn hóa, tôn giáo, xã hội, kinh tế v.v...

Khi mà cụ Nguyễn Du làm được điều đó, là tác phẩm này ngàn năm vẫn còn mãi, bây giờ nhiều người đã bắt đầu dịch ra tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Mỹ...

Quý Vị muốn biết cuộc đời của vua Gia Long bôn đào ở Cao Miên như thế nào phải đọc những sách viết của Huỳnh Trung Chánh. Phải đọc sách rồi từ sách mình mới "nói có sách, mách có chứng", ông đi tị nạn như thế nào? Gặp khó khăn như thế nào? Cho nên sau này khi ông về làm vua ông hay ban sắc tứ cho các chùa. Sắc tức là ban; tứ tức là cho, từ vua ban cho, ví dụ: sắc tứ Quảng Đức tự, sắc tứ Viên Giác Tự, sắc tứ Giác Viên Tự v.v.., Vua nhớ ơn những ngôi chùa bảo bọc Vua và đoàn tùy tùng.

Hoàng Tử Đảm tức vua Minh Mạng lên làm vua năm 1819 cũng sinh tại chùa, rất là đặc biệt. Nhà thờ Đức Bà ở Saigon bây giờ là nền móng của một ngôi chùa, cũng như là chùa Ba Vàng ngày xưa hay địa danh La Vang bây giờ rất là linh thiêng của người Thiên Chúa đó cũng là cơ sở của Phật Giáo mình ngày xưa. Chúng ta không có tạo hận thù. Nhưng cũng nên nói lên sự thật nầy để biết.

Lẽ ra hôm nay tôi nói về sáu mươi năm năm Bồ Tát Thích Quảng Đức, nhưng tôi sẽ nói về Phật Giáo Cận Đại, tôi muốn nói cái cũ một chút đề cho Quý Vị có một ý niệm theo dõi được dòng sử Việt. Phật Giáo luôn luôn liên hệ với dòng sử Việt thì mình sẽ nắm vững hơn.

Khi vua Gia Long chạy qua tới Thái Lan (ngày xưa kêu là Xiêm). Bây giờ tôi hỏi Phật tử, người ta thường kêu chuối Xiêm, vịt Xiêm, ớt Xiêm, dừa Xiêm . Tại sao gọi là Xiêm? Nhưng nên biết nó là Xiêm La. Xiêm La là tiếng kêu cũ của Thái Lan ngày xưa, từ ông vua Rama đệ nhất 1802. Trước 1802, thời nhà Nguyễn phục hưng và từ năm 1792-1802, mười năm đó là mười năm mà vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng từ Thái Lan về lại Cam Bốt phục dựng lại cơ đồ, đi từ Hà Tiên tiến sâu ra tới Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, Phú Xuân ra tới thủ đô Thăng Long luôn. Hồi đó thống nhất sơn hà, tức là giữa thời gian 1786-1792, vua Quang Trung chỉ làm vua trong vòng sáu năm.

 Gia Long mất mát rất nhiều, nhưng ông ta trên đoàn di cư, đi tìm lẽ sống, ông ta tìm tới Thái Lan và có những vị sư đi theo cùng và trong thời gian này thì những ngôi chùa ở Bangkok được mọc lên  để đáp ứng nhu cầu tâm linh trong đó có chùa Wat Kuson, tức là chùa Phổ Phước. Quý Vị bây giờ đi Thái Lan nếu đi Chinatown ở Bangkok; tới đó có ba ngôi chùa tiêu biểu: chùa Khánh Vân, chùa Phổ Phước, chùa Cảnh Phước. Chùa này có một chơn thân xá lợi của ngài Phổ Sái thiền sư thờ ở đó. Quý Vị nên đến đó.

 Từ vua Rama đệ nhất cho tới vua Rama đệ thập nhất bây giờ là ông vua Rama thứ mười một được  truyền từ thế kỷ thứ mười bảy, mười tám đến bây giờ thế kỷ thứ hai mươi hai rồi, chỉ có một điều rất đặc biệt đó là gì? – Những Vị sư đã đến Thái Lan họ vẫn giữ tinh thần của Đại Thừa, mặc dầu xứ sở của họ là xứ sở của Nam Tông theo Phật giáo Theravada, nhưng mà họ dung chứa bầu đoàn thê tử của vua Gia Long và những nhà sư đi theo đó, rồi bắt đầu lập chùa và hai thời kinh Lăng Nghiêm buổi sáng Di Đà, Hồng Danh buổi chiều, sám hối buổi tối hoặc là kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm  ngay cả truyền giới Tỳ Kheo hay Sa di cũng đều bằng chữ Hán Việt hết, mà Quý Vị thấy là mấy trăm năm lịch sử truyền thừa như vậy bây giờ người Việt Nam không còn có mặt ở bên Thái Lan nữa, sau này thì tôi không biết nhiều nhưng mà tất cả những ngôi chùa đó trụ trì đều là người Hoa hết, có những người Thái họ tụng kinh tiếng Việt. Công đức của những vị mở mang Phật pháp trong xã hội Thái Lan họ cũng công nhận Phật Giáo mình đã đóng góp rất nhiều trong giai đoạn lịch sử mà đất nước mình không thể ở lại được mà phải sang Thái Lan, như sau năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm chúng ta có mặt khắp nơi trên thế giới cũng giống như vậy.

Mỗi một biến thiên của lịch sử như vậy nó mở ra cho chúng ta một cái tinh thần hài hòa hơn, cởi mở hơn, biết nhiều hơn, tiếp xúc với nền văn minh của nhân loại nhiều hơn.

Sau 1975 nếu không có cả triệu người Việt Nam ở ngoại quốc viện trợ tiền bạc giúp cho thân nhân cả tỷ này qua tỷ khác trong giai đoạn cho tới năm 1986 thì Việt Nam mình đâu có thể dễ để khôi phục cho đến ngày hôm nay. Cái đó là nói riêng về phương diện kinh tế, người Việt mình đã đóng góp rất nhiều dầu là xa Quê Hương, mỗi người có một cái cách khác nhau để mà đóng góp cho sự tồn tại của Dân Tộc, sự phát triển của Dân Tộc, cũng như là mình đóng góp vào xã hội mình đang ở vậy.

 Sau đó thì vua Gia Long trở về lại đất nước khôi phục lại chế độ của nhà Nguyễn bắt đầu từ năm 1777-1802 thời gian hai mươi ba năm thì nhà Nguyễn gián đoạn bởi chín Chúa  đã cai trị và họ đã giúp cho Phật Giáo phát triển rất là nhiều; nhất là dưới đời thứ sáu của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu là một vị Chúa rất có công và ngoài ra thì chúa Nguyễn Phúc Chú có một người con gái rất là đặc biệt đó là Ngọc Vạn công chúa. Nếu Saigon, Gia Định không có Ngọc Vạn công chúa thì không có mảnh đất miền Nam trải dài cho tới Lục tỉnh chúng ta ngày nay. Lục Tỉnh sau này dĩ nhiên là của Minh Mạng, đại thần Lê Văn Duyệt khai khẩn thêm, nhưng mà cái công mà có được Saigon, Gia Định là công của Ngọc Vạn công chúa, con của chúa Nguyễn Phúc Chú. Quý Vị là người nữ Việt Nam nên hãnh diện và nhớ ơn bà Trưng, bà Triệu, Huyền Trân công chúa cũng cần phải thêm Ngọc Vạn công chúa nữa. Mà cũng không phải chỉ người nữ không, người nam cũng phải nhớ ơn anh hùng Việt nữ này, bởi vì nếu họ không có khả năng cũng như không mang thân của mình để mà đi đánh ngoại xâm như bà Trưng, bà Triệu, Huyền Trân công chúa đổi thân mình về cho chúa Mân và công chúa Ngọc Vạn phải đi làm vợ vua Miên và sau nhờ thái tử con của mình mới gầy dựng được Saigon, Gia Định, cho nên những công ơn đó mình không thể nào quên được.

Thôi thì phần tôi nói cũng gần tiếng rưỡi đồng hồ rồi, đa phần giảng pháp chỉ tiếng rưỡi thôi chứ không có nhiều hơn. Bây giờ thì trên mạng tôi thấy có sáu mươi người. Tham dự thì cũng có niềm vui nhưng chỗ khác thì chắc đang ngủ, bên Úc thì đã sáng, ở Mỹ thì cũng sáng rồi người ta đi làm việc, mình ở Âu Châu thì cũng được sáu mươi vị có mặt là tốt rồi.

 Xin cảm ơn Hòa Thượng Tâm Huệ, thứ đến là thầy Hạnh Tấn ở trong ban Hoằng pháp được quý Ôn ở trên rất là khen, mà khen nhất là Quý Vị Phật tử rất là giỏi, thức khuya để nghe quý Thầy giảng, rồi nghe pháp để mình hành trì, tôi thấy lúc nào cũng bốn mươi, năm mươi, sáu mươi số lượng như vậy rất là đáng tán dương. Tôi xin chấm dứt nơi đây. Cái này không phải là nợ nhưng mà phần tôi nói chưa hết, thành thử thầy Hạnh Tấn có thể tùy tháng mười, mười một tôi sẽ nói một lần nữa đợt thứ hai của lịch sử Phật Giáo cận hiện đại.

A Di Đà Phật, phần tôi xong.

MC Ngọc Sáng: A Di Đà Phật, con thay mặt xin kính tri ân Hòa Thượng hôm nay chúng con được nghe pháp thoại của Hòa Thượng về Phật Giáo Việt Nam thời cận đại, tuy là chưa hết tới phần cuối nhưng mà con không biết là thầy Trưởng ban có lời gì nói vơi Hòa Thượng không, con kính mời.

Thượng Tọa Hạnh Tấn: Dạ A Di Đà Phật, con kính bạch Thầy, để cho cái đề tài không quá nguội thì con xin phép chắc là mười tây tháng tám, tức là trước khánh thành của Lộc Uyển, Lộc Uyển thì mười một, mười hai, mười ba, thì con nghĩ là thời điểm đó Thầy cũng rảnh thì chắc là Thầy vào cái buổi đó.

Hòa Thượng Như Điển: Không rảnh, Thầy nghĩ vào khoảng tháng chín đi, chớ tháng tám bận lắm, tại vì tháng tám là khách khứa từ Úc, từ Mỹ qua. Bây giờ tháng chín thì có ai chưa?

TT Hạnh Tấn: dạ tháng chín thì vẫn chưa ạ

HTNhư Điển: chắc Thầy ghi vào đầu tháng chín đi

TT Hạnh Tấn: Dạ, nếu vậy mùng bảy tháng chín.

HT Như Điển: vâng, để Thầy ghi, Thầy đã cố gắng nói tiếng rưỡi đồng hồ để xong phần đó, nhưng mà Quý Vị không hỏi gì hết thì nó cũng là thiều sót, có thể là cứ ghi những câu hỏi, hoặc là góp ý chẳng hạn, chỗ nào cần thêm, cần bớt. Ngoài chuyện Giáo lý ra mình cũng nên hiểu về lịch sử cận đại. Rồi há, còn gì nữa không?

MC Ngọc Sáng: dạ thưa Mô Phật, thật ra thì chúng con cũng có rất là nhiều câu hỏi nhưng mà con thấy có lẽ là Hòa Thượng đã thấm mệt, con không biết là Hòa Thượng có cho phép chúng con một hai câu hỏi được không ạ?

HT Như Điển: Vâng, có thể một, hai câu đi

MC Ngọc Sáng: Mô Phật, kính thưa Hòa Thượng, trong thời cận đại của lịch sử Phật giáo vào thế kỷ thứ mười bảy thì có một thiền phái được khai sáng tại chùa Chúc Thánh Quảng Nam do tổ Minh Hải Pháp Bảo thiết lập đó là dòng Lâm Tế Chúc Thánh một chi nhánh của dòng Lâm Tế bắt nguồn từ chư tôn đức tăng ni Việt Nam mình xuất ra đều do dòng truyền thừa này, vì vậy mà con kính xin Hòa Thượng giới thiệu sơ về bối cảnh hình thành và sự phát triển của dòng thiền này trong thời cận đại như thế nào?

HT Như Điển: Bây giờ thì chắc như vầy, tôi sẽ đi lấy quyển sách để tôi giới thiệu Quý Vị, một phút thôi há.

Đây, tôi trở lại rồi đây, tôi cũng không biết là cái chữ mà tôi đưa lên Quý Vị có đọc được không, nó hơi khó. Cái này là "Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh Lịch Sử Hình Thành và Phát Triển". Quyển này có một ngàn bảy mươi hai trang, quyển này rất là hay, còn một quyển nữa là "Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh" của thầy Như Tịnh viết khoảng sáu trăm trang, thì trong này nó có một việc truyền thừa, dĩ nhiên là không nhớ hết do đó Quý Vị thấy một cái bản có sơ đồ, có truyền thừa cho tới bây giờ là vị nào có đệ tử kế nghiệp, rồi khi nào không có. Bây giờ tôi nói sơ một truyện truyền thừa thôi:

Khi mà Ngài Minh Hải truyền cho Ngài Thiệt Dinh thì ngài Thiệt Dinh ra mở chùa Phước Lâm, tổ đình Phước Lâm cũng vẫn ở Hội An luôn. Hội An có ba chùa, một chùa Vạn Đức, từ tổ đình Vạn Đức này ngài Minh Lượng Thành Đẳng mang Phật giáo vô Biên Hòa, khi mà tôi viết quyển chuyện tình Liên Hoa Hòa Thượng thì tôi mới tìm ra được thêm lịch sử này, chùa Đại Giác Biên Hòa cũng là một cái nhánh truyền thừa từ thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Chùa Phước Lâm Hội An, chùa này tôi đi xuất gia từ năm 1964-1966, tôi ở lại chùa này sau mới về chùa Viên Giác, nơi này rất là đặc biệt, dưới thời của ngài Tổ Vĩnh Gia, đầu thế kỷ thứ 20 thì Hòa Thượng Đệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất HT Thích Tịnh Khiết từ năm 1964-1973, Ngài Đệ Nhị Tăng Thống tức HT Thích Giác Nhiên từ năm 1973-1977 đều là những giới tử thọ giới Tỳ Kheo ở tại giới đàn ở Tổ đình  Phước Lâm này.

Quý Vị thấy đó, đầu thế kỷ thứ hai mươi Phật Giáo Huế phải vào Quảng Nam để thọ giới với các vị Tổ danh tiếng, chứng tỏ rằng Huế hồi đó Phật Giáo không phát triển mạnh bằng Phật Giáo Quảng Nam, cho nên thầy Hạnh Tuấn có nói rằng: "xứ Quảng Nam dầu không có Tăng Thống nhưng đã đào tạo ra Tăng Thống", rồi Ngài Huyền Quang đệ tứ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng là trong thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, rồi có một câu chuyện rất đặc biệt mà sử gia Trí Siêu Lê Mạnh Thát có nhắc, nói về chúng ta hay viết về chùa Minh Giác. Minh Giác là một vị thiền sư rất là đặc biệt còn gọi là Bình Mang Tảo Thị, tức là đã làm ông thầy rồi khi đất nước lâm nguy, có giặc Chiêm Thành thì Ngài Minh Giác này nguyện đi đánh giặc Chiêm Thành, và khi đánh giặc xong xuôi rồi thì trở về lại phát nguyện, sám hối làm cái lỗi mà khi ra đi ở biên thùy đánh trận thì chắc chắn về giặc giã cũng có người chết chóc cho nên Ngài phát nguyện quét chợ Hội An hai mươi năm và câu đối ở chùa Phước Lâm có ghi là::

Bình Mang tảo thị,

lưỡng độ gian nan

 xuất gia kỳ phát nguyện tu kỳ,

 Bát vật sanh thiên thành chánh giác

Tạo tượng chú chung

Nhị thung công đức

Cách cựu hảo đảnh tăng cố hảo

 Thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng ,

 tức là giai đoạn mà đi đánh giặc bình Man. Người mình cũng ghê lắm, Chiêm Thành gọi là Man; có nghĩa là  man di, mọi rợ lắm cũng giống như Trung quốc kêu mình là giặc Hồ, tức là những người không đàng hoàng. Mình kêu Chiêm Thành là man ri, mọi rợ.

Bình mang tảo thị tức là quét chợ, đánh giặc.

 Lưỡng độ gian nan: hai thời kỳ này là khó lắm không phải là chuyện đơn giản. Xuất gia kỳ phát nguyện tu kỳ: thời kỳ xuất gia, thời kỳ phát nguyện.

 Bát vật sanh thiên thành chánh giác: lời nguyện đó cao rộng, tỏa sáng ra trở thành dẫn dắt trên con đường giác ngộ.

Tạo tượng chú chung, nhị thung công đức; nghĩa là: đúc tượng, khắc chuông, hai công đức ấy đầy đủ.

Cách cựu hảo đảnh tân: bỏ cái cũ , xây dựng cái mới.

Thiên thu giấc thế vĩnh truyền đăng: ngàn năm cái ánh sáng Phật Pháp này vẫn còn, tương truyền lại mãi.

Nội chừng đó không, hai ba câu chuyện tiêu biểu như vậy để Quý Vị thấy rằng những bậc chơn Tăng, bậc chơn sư, những bậc Thầy mô phạm đa phần xuất phát từ thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh từ Quảng Nam qua tới Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

 Ngài Thị Thủy Thích Quảng Đức cũng là ở trong dòng kệ Chúc Thánh, pháp danh là Thị. Như thầy Hạnh Tấn vậy, Thiện nhưng mà là Thị, đó là dòng kệ của Chúc Thánh truyền thừa được rất là rộng, bây giờ ở ngoại quốc cũng rất là đông mà ở trong nước cũng rất là nhiều.

Rồi có thể thêm một câu hỏi nữa đi.

MC Ngọc Sáng: Không biết là cho các vị hiện đang có mặt ở đây vị nào có câu hỏi cho Hòa Thượng giải đáp không thì xin giơ tay?

MC Ngọc Sáng: dạ thưa, có thể là không có cho nên bây giờ con xin phép tạm dừng nơi đây. Kính bạch Hòa Thượng, hôm nay thì toàn thể học viên chúng con được nghe Hòa Thượng giảng về Phật Giáo Việt Nam thời Cận đại, theo dòng của lịch sử, Phật Giáo Việt Nam đang còn có mặt cho đến ngày hôm nay thì đó là nhờ sự truyền thừa từ Tổ sư và những thị giả đã của đức Thế Tôn hoằng truyền chánh pháp, đồng thời cho chúng con thấy năng lượng từ bi của những bậc cao tăng. Một lần nữa chúng con xin thay mặt ban truyền bá kính thành niệm ân của Hòa Thượng Giảng Sư, ngưỡng bái xin chư Phật gia hộ cho Hòa Thượng pháp thể khinh an, sự nghiệp viên thông, Phật đạo viên thành để tiếp tục hướng dẫn cho hàng hậu học chúng con trên con đường tu học. Mô Phật, mặc dù hôm nay Thầy có giảng cho chúng con nhưng mà chúng con cũng rất muốn được hiểu biết thêm và cũng như là thầy Chúc Toàn, thầy Chúc Hoan đều cũng lập lại, lần sau chúng con sẽ được Thầy giảng sâu sắc hơn và được dài hơn. Cảm ơn Thầy, Mô Phật

HT Như Điển: Bây giờ chúng ta niệm hồi hướng

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo

Chào Quý Vị.

Chúng con xin đảnh lễ Hòa Thượng

 

Phật tử Diệu Danh ghi lại ngày 28.6.2023 cũng là ngày sinh nhật lần thứ 75 của Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác




ht nhu dien (1)
Kính mời xem tiếp:

Tự Hào về Nền Phật Việt 

Con kính dâng Sư Ông Như Điển
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]