Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 09: Luận điểm về Tịnh độ của Thiên Thai Trí Khải và Thường hành tam-muội

21/11/201216:20(Xem: 5763)
Chương 09: Luận điểm về Tịnh độ của Thiên Thai Trí Khải và Thường hành tam-muội

LỊCH SỬ GIÁO LÍ TỊNH ĐỘ TRUNG QUỐC

Tác giả: Vọng Nguyệt Tín Hanh- Hán dịch: Thích Ấn Hải
Hiệu đính: Định Huệ- Việt dịch: Giới Niệm


CHƯƠNG IX: LUẬN ĐIỂM VỀ TỊNH ĐỘ CỦA THIÊN THAI TRÍ KHẢI VÀ THƯỜNG HÀNH TAM-MUỘI

Tiết 1: Sự tích và trứ tác của Trí Khải

Ngài Trí Khải, người huyện Hoa Dung, Kinh Châu (huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam). Ngài sinh vào niên hiệu Đại Đồng thứ tư (538TL), thời Lương. Năm 18 tuổi, ngài xuất gia với ngài Pháp Tự, chùa Quả Nguyện ở Tương Châu (huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam). Thiên Gia nguyên niên, thời Trần (560TL), ngài lên núi Đại Tô, Quang Châu (huyện Thương Thành, tỉnh Hà Nam), yết kiến ngài Huệ Tư, nhập đạo tràng Phổ Hiền, ngộ nhập được Pháp Hoa tam-muội. Về sau, ngài đến Kim Lăng giảng kinh Pháp hoa và luận Đại trí độ.

Niên hiệu Thái Kiến thứ 7 (575TL), ngài vào núi Thiên Thai (Thai Châu, tỉnh Chiết Giang), xây dựng chùa Tu Thiền. Đến niên hiệu Chí Đức thứ 3 (585TL), ngài vâng mệnh đến Kim Lăng, giảng luận Đại trí độ và các kinh Nhân vương bát-nhã v.v…rồi ngài đến các vùng Lô sơn v.v… Niên hiệu Khai Hoàng thứ 13 (593TL), thời Tùy, ở chùa Ngọc Tuyền, huyện Đương Dương (huyện Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc), ngài giảng Pháp hoa huyền nghĩa, năm sau ngài nói Ma-ha chỉ quán , sau đó ngài trở về núi Thiên Thai. Tháng 11, niên hiệu Khai Hoàng thứ 17 (597TL), ngài thị tịch được an táng ở phía đông núi Thạch Thành, hưởng thọ 60 tuổi. Ngài là sơ tổ của tông Thiên Thai ở Trung Quốc, người bấy giờ gọi ngài là Trí Giả đại sư hoặc Thiên Thai đại sư. Học phong của ngài lấy kinh Pháp hoa làm tông, lập giáo tướng ngũ thời, bát giáo, rộng nói yếu nghĩa khai quyền hiển thật. Ngài y cứ vào Trung luận v.v… mà đề xướng thuyết nhất tâm tam quán. Ngài không chỉ cổ xúy yếu chỉ quán tâm, mà còn tin sâu Di-đà, tu pháp Bát-chu thường hành tam-muội.

Trí Giả đại sư biệt truyện ghi: Khi sắp lâm chung, nằm nghiêng bên phải, xoay mặt về phía Tây, chuyên tâm xưng niệm Di-đà, Bát-nhã, Quán Âm. Sau cùng, xướng hai bộ kinh Pháp hoa và Vô Lượng Thọ, nghe kinh Vô Lượng Thọ xong, ngài tán rằng: “Bốn mươi tám nguyện trang nghiêm tịnh độ, ao hoa, cây báu dễ đến mà lại không có người đến. Tướng địa ngục hiện, nếu người hối cải thì còn có thể vãng sinh, huống là người tu trì giới, định, tuệ? Vì thế công sức hành đạo thật sự không luống uổng. Phạm âm thanh tướng thật không dối gạt người”. Lại nói rằng: “Các thầy bạn của tôi theo hầu Quán Âm đều đến nghinh đón tôi”. Điều này có thể biết lòng tin tịnh độ sâu sắc cầu sinh Tây phương của ngài .

Ngài trứ tác rất nhiều sách, và đều do đệ tử ngài là Quán Đảnh ghi chép lại như: Pháp hoa kinh huyền nghĩa 20 quyển, Pháp hoa văn cú 20 quyển, Ma-ha chỉ quán 20 quyển, Kim quang minh kinh huyền nghĩa 2 quyển, Kim quang minh kinh văn cú 6 quyển, Duy-ma kinh huyền sớ 6 quyển, Duy-ma kinh lược sớ 10 quyển, Bồ-tát giới nghĩa sớ 2 quyển, Tứ giáo nghĩa 12 quyển v.v… Ngoài ra, các bộ 1 quyển như: Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh sớ, A-di-đà kinh nghĩa sớ, Tịnh Độ thập nghi luận, Ngũ phương tiện niệm Phật môn v.v… tương truyền đều do ngài soạn thuật, nhưng các sách này, chúng tôi thiết nghĩ đều do người đời sau làm giả rồi mượn tên của ngài.

Trong đây, Quán kinh sớ, theo Thai châu lục của ngài Tối Trừng ghi thì Quán kinh sớ do đại sư Trí Giả trứ tác. Lại nữa, ngài Pháp Thông thời Đường viết bộ Thích quán Vô Lượng Thọ Phật kinh ký 1 quyển, ngài Tri Lễ thời Tống viết bộ Diệu tông sao 6 quyển. Cả hai bộ này đều giải thích văn nghĩa của Quán kinh sớ. Tông cảnh lục của ngài Diên Thọ thời Tống, Cực Lạc cửu phẩm vãng sinh nghĩa của Lương Nguyên ở Nhật Bản v.v… cũng có dẫn dụng. Điều này có thể thấy từ xưa đến nay Quán kinh sớ rất được thịnh hành. Thế nhưng, trong Vãng sinh yếu tập ký quyển 8 của ngài Lương Trung nghi Vãng sinh yếu tập chưa dẫn dụng sách này và chỉ trích văn cú trong đó tương tợ như Quán kinh sớ của Tịnh Ảnh Huệ Viễn nhưng không có giải thích. Giữa niên hiệu Trinh Hưởng, Đại Dã Sơn Nhật Nghiêu đưa ra bảy vấn nạn, chỉ ra đó là ngụy tác của người đời sau. Vào niên hiệu Hưởng Bảo, Minh Lũng Sơn Nhật Đế lại nêu ra bảy điểm nghi ngờ và nhận định Quán kinh sớ chẳng phải do ngài Trí Giả trứ tác. Tác giả cũng từng nghiên cứu thông suốt văn nghĩa của sách này, xác nhận đó chính là tác phẩm của người đời sau làm giả rồi mượn tên của ngài Điều này đã được trình bày rõ trong cuốn Nghiên cứu về giáo lý Tịnh Độ, nay chỉ nói sơ lược.

Lại nữa, về A-di-đà kinh nghĩa sớ, ban đầu thấy trong Thai châu lục của ngài Tối Trừng có ghi là A-di-đà kinh nghĩa sớ do đại sư Trí Giả trứ tác, về sau trong A-di-đà kinh nghĩa sớ của ngài Trí Viên thời Tống có ghi: “Bấy giờ, có Di-đà kinh sớ từ nước Nhật truyền đến, nói thuyết của ngài Trí Giả là không đúng, vì văn từ quê mùa, nghĩa lý sơ sài, thiết nghĩ là do người Nhật làm giả rồi mượn tên của ngài”. Sơn gia giáo điển chí trong Phật tổ thống kỷ quyển 25 có ghi: Sách này tuy đã từng được nhập tạng, nhưng các ngài Cô Sơn, Tịnh Giác cho rằng là văn vay mượn, chỉ có pháp sư Thần Chiếu đã từng dùng sớ này để giảng kinh ở viện Thiên Thai Pháp Luân. Sách hiện còn chỉ là sách lược giải kinh bản mà thôi, e rằng sách ấy chẳng phải do ngài Trí Khải trứ tác. Nhưng Thai châu lục đã có ghi tên sách, điều đó có thể biết sách này được lưu hành vào thời Đường, chẳng phải sách do của người Nhật làm giả rồi mượn tên của ngài.

Lại nữa, về Tịnh độ thập nghi luận còn gọi là A-di-đà quyết thập nghi, trong Niệm Phật tam-muội bảo vương luận của ngài Phi Tích thời Đường và Thích quán kinh ký của ngài Pháp Thông đều dẫn dụng văn trong Tịnh độ thập nghi luận, trong Thai châu lục của ngài Tối Trừng cũng có nêu tên luận này (không có tên tác giả). Nhưng trong sách này không chỉ dẫn dụng Tân thích tạp tập luận và Tây Vức ký của ngài Huyền Trang, mà xem ra văn nghĩa của Tịnh độ thập nghi luận thì cũng thấy rõ luận này chẳng phải chân tác của ngài Trí Giả. Điều này đã được trình bày rõ trong cuốn Nghiên cứu về giáo lý Tịnh Độ.

Về Ngũ phương tiện niệm Phật môn, theo Nhập Đường cầu pháp mục lục của ngài Viên Nhân có ghi là sách này do ngài Trí Khải trứ tác và trong Phật tổ thống kỷ quyển 25 cũng có nêu là sách này do ngài Trí Khải soạn thuật. Nhưng sách này dẫn dụng kinh Đại bảo tích do ngài Bồ-đề-lưu-chí dịch vào thời Đường, lập luận trong sách này cũng không hợp với học thuyết của ngài Trí Khải, có thể thấy sách này cũng chẳng phải do chính ngài soạn. Đây là tác phẩm giả mượn tên của ngài có liên quan đến tịnh độ mà thôi, chính là vì ngài Trí Giả cầu sinh Tây phương, ý muốn mượn danh tiếng của ngài để phù trợ sự hoằng truyền tịnh độ.

Tiết 2: Phân loại tịnh độ và phán định tịnh độ Di-đà

Ngài Trí Khải cũng có phân loại tịnh độ, Duy-ma kinh lược sớ quyển 1 v.v…đem chỗ cư trú của phàm thánh trong mười pháp giới phân làm 4 loại: Phàm thánh đồng cư độ, Phương tiện hữu dư độ, Thật báo vô chướng ngại độ và Thường tịch quang độ.

- Phàm thánh đồng cư độ còn gọi là cõi Nhiễm tịnh, cũng tức cõi nằm trong giới nội, có hai loại là phàm cư và thánh cư. Cõi phàm cư thì có sự sai khác giữa chúng sinh thiện, chúng sinh ác, chỗ của trời người và bốn ác thú cư trú. Cõi thánh cư thì có sự phân biệt Thật thánh và Quyền thánh; nhị thừa và bồ-tát địa tiền sinh ở cõi giới nội thì gọi là Thật thánh; bồ-tát địa thượng và Như Lai vì để giáo hóa người có duyên mà ứng sinh vào giới nội thì gọi là Quyền thánh. Người ở cõi đồng cư có tịnh độ và uế độ, như thế giới Ta-bà đầy dẫy sự nhơ nhớp nên gọi là uế độ; thế giới Tây phương An Dưỡng trang nghiêm thanh tịnh, không có bốn đường ác nên được gọi là tịnh độ.

- Phương tiện hữu dư độ là cõi giới ngoại, tức là chỗ nhị thừa và bồ-tát chứng phương tiện đạo cư trú. Các bậc thánh nhân này đã tu phương tiện đạo của hai pháp quán Không và Giả, dứt trừ thông hoặc, xả bỏ thân phân đoạn, sinh ở giới ngoại cho nên gọi là phương tiện. Nếu chưa đoạn được biệt hoặc vô minh thì còn chịu biến dịch sinh tử cho nên gọi chỗ các ngài cư trú là cõi hữu dư. Kinh Pháp hoa có ghi: “Ta ở cõi khác làm Phật, còn có tên khác, người này tuy nghĩ rằng Ta đã diệt độ nhưng Ta ở cõi kia cầu trí tuệ Phật”. Lại nữa, luận Đại trí độ có ghi: “Hàng nhị thừa nhập diệt, tuy không sinh trong ba cõi nhưng ở giới ngoại có tịnh độ, họ ở đó thụ thân pháp tính”, đây chính là chỉ cho cõi này.

- Thật báo vô chướng ngại độ còn gọi là Quả báo độ, tức là thế giới Liên Hoa Tạng chỗ bồ-tát pháp thân cư trú. Bồ-tát này quán nhất thật đế, phát chân vô lậu, đắc quả báo chân thật, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hết vô minh, thấm nhuần nghiệp vô lậu, thụ báo thân pháp tính, cho nên gọi là Thật báo. Cõi này sắc tâm vô ngại, một thế giới nhiếp tất cả thế giới, tất cả thế giới cũng đều nhiếp tất cả thế giới, trùng trùng vô tận như các hạt châu của mạng lưới Nhân-đà-la, cho nên gọi là cõi Vô chướng ngại. Kinh Nhân vương bát-nhã có ghi: “Tam hiền, thập thánh trụ quả báo”. Luận Đại trí độ có ghi: “Pháp tính thân Phật thuyết pháp cho pháp thân bồ-tát nghe, cõi đó không có danh từ Thanh văn, Bích-chi-phật”. Thế giới Nhân-đà-la võng được nói trong kinh Hoa nghiêm và thế giới Hoa Vương được nói trong luận Nhiếp đại thừa, cũng đều chỉ cho cõi này.

- Thường tịch quang độ còn gọi là Pháp tính độ tức là Diệu giác cực trí sở chiếu lý pháp giới như như, gọi đó là cõi. Bởi vì chân như Phật tính chẳng phải thân cũng chẳng phải độ, nay tạm thời dựa vào bên trí tính thì gọi là thân, dựa vào bên pháp tính thì gọi là độ. Lại nữa Thường nghĩa là pháp thân, Tịch nghĩa là giải thoát, Quang nghĩa là bát-nhã. Điều này có thể thấy là dựa vào tam đức mật tạng của Như Lai mà nói. Kinh Nhân vương bát-nhã có nói: “Chỉ có Phật ở tịnh độ”; kinh Duy-ma nói: “Tâm tịnh thì Phật độ tịnh”; kinh Phổ Hiền quán nói: “Thích-ca Mâu-ni còn được gọi là Tì-lô-giá-na biến khắp mọi nơi, chỗ của Phật cư trú gọi là Thường tịch quang; tất cả cũng đều chỉ cho cõi này.

Đây là ngài Trí Khải nói rộng về bốn cõi, ba cõi đầu là do tự nghiệp của chúng sinh cảm ứng, còn Thường tịch quang độ chỉ có Đức Phật mới được. Hai độ Phàm thánh đồng cư và Phương tiện hữu dư là chỗ Ứng thân Phật hóa hiện nên gọi là Ứng độ. Thật báo độ là chỗ báo thân Phật hóa hiện nên gọi là Ứng độ, cũng gọi là Báo độ. Thường tịch quang độ là chỗ pháp thân Phật cư trú nên gọi Chân tịnh độ, chẳng phải Ứng độ, cũng chẳng phải Báo độ.

Luận điểm về tịnh độ của ngài Trí Khải, cơ bản không khác với thuyết của ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn. Ngài Trí Khải phân biệt bốn độ, chúng sinh, Phật đều có cõi của họ, hoàn toàn đồng với thuyết của ngài Huệ Viễn đã nói. Bốn độ này đem so với các độ trong thuyết của ngài Huệ Viễn thì Phàm thánh đồng cư độ tương đương với Sự tịnh độ; Phương tiện hữu dư độ tương đương với Tướng tịnh độ; hai độThật báo và Tịch quang tương đương với Chân tịnh độ. Ngài Trí Khải lấy Phàm thánh đồng cư độ thông với hai cõi Tịnh và Uế; cõi Uế chỉ rộng ra là chỗ cư trú của chúng sinh trong sáu đường, khác xa với Sự tịnh độ của ngài Huệ Viễn theo sự tướng trang nghiêm tráng lệ mà lập ra. Nhưng trong Sự tịnh độ, ngài Huệ Viễn cho rằng chư thiên ở cõi Sắc, cõi Dục nhờ thiện căn hữu lậu mà sinh Uế độ, cho nên có thể nói trong Sự tịnh độ cũng bao hàm cả Uế độ. Lại nữa, nhờ thiện căn xuất thế mà được sinh về tịnh độ Di-đà, đây chính là cõi mà ngài Trí Khải đã nói là tịnh độ đồng cư, cho nên tông chỉ của hai thuyết có chung quan điểm. Phương tiện hữu dư độ chỉ cho chỗ cư trú của hàng A-la-hán v.v… phù hợp với cõi do thiện căn của hàng nhị thừa tự lợi mà được ở trong Tướng tịnh độ. Trong Tướng tịnh độ, ngài Huệ Viễn lập riêng cõi do thiện căn của các bồ-tát hóa tha mà được, phù hợp trượng thất của Duy-ma, còn ngài Trí Khải thì cho rằng đây chính là cõi nhất thời biến hiện nên lược bỏ. Thật báo độ tương đương hợp với Ly vọng độ, Tịch quang độ tương đương với Thuần tịnh độ trong Chân tịnh độ của ngài Huệ Viễn. Ngài Trí Khải giáo hóa ở Giang Nam, ngài Huệ Viễn cũng tham gia giảng thuyết ở đây, hai ngài phải chăng có qua lại với nhau, tuy không biết rõ nhưng ngài Trí Khải kém ngài Huệ Viễn 15 tuổi, vả lại thuyết của ngài Trí Khải phần nhiều là do môn nhân của ngài ghi chép lại, thuyết bốn độ này có lẽ là dựa vào thuyết của ngài Huệ Viễn, sửa đổi nhiều ít mà thành chăng!

Liên quan đến thân, độ của Phật Di-đà, ngài Trí Khải cho rằng Phật A-di-đà là ứng thân, cõi của Phật là Phàm thánh đồng cư độ. Duy-ma kinh lược sớ quyển 1 có ghi: “Cõi của Phật Vô Lượng Thọ tuy có quả báo thù thắng khó thể tỉ dụ nhưng cũng có nhiễm tịnh, phàm thánh đồng cư. Vì sao? Vì cõi này tuy không có bốn thú mà có trời người. Lại nữa, Quán kinh nói: “Người phạm trọng tội, nếu lúc mạng chung thành tâm sám hối, nhất tâm niệm Phật thì chuyển đổi được nghiệp chướng, liền được vãng sinh”. Vì thế, tuy hạng phàm phu đầy dẫy phiền não, cấu nhiễm nhưng nhờ trong tâm giữ chắc nguyện lực nên cũng được cư trú, phàm phu đầy dãy phiền não này cũng được sinh về tịnh độ, nên gọi cõi ấy là Phàm thánh đồng cư độ. Lại nữa, Pháp hoa văn cú quyển 9, Kim quang minh kinh văn cú quyển 2 v.v… luận về thọ lượng ba thân của Phật, pháp thân vô lượng phi lượng, báo thân kim cang trở về trước là hữu lượng, báo thân kim cang trở về sau là vô lượng, ứng thân tùy duyên là hữu lượng, ứng dụng không dứt là vô lượng. Lại nữa, Phật Di-đà tuy gọi là Vô Lượng Thọ nhưng kinh Quán Âm thụ ký ghi: “Sau khi Đức Phật ấy nhập diệt, Quán Âm bổ xứ thành Phật”. Thọ mạng của Phật thật ra có lượng, cho nên Đức Phật kia là ứng thân. Đây cũng hoàn toàn đồng với thuyết của ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn.

Tiết 3: Thuyết Thường hành tam-muội

Ngài Trí Khải đối với sinh nhân của tịnh độ Di-đà dường như không có sự giảng giải nào khác, nhưng theo Quán kinh thì lấy ba phước, mười sáu pháp quán làm nghiệp vãng sinh, cũng không khó tưởng tượng. Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh sớ có ghi: “Kinh này dùng quán tâm làm tông, dùng thật tướng làm thể. Người muốn vãng sinh Cực Lạc cần phải tu mười sáu pháp diệu quán; muốn thấy Di-đà Thế Tôn phải thực hành ba loại tịnh nghiệp”. Sách này tuy chẳng phải của ngài Trí Khải soạn, nhưng ý nó bao trùm luôn cả ý trên.

Lại nữa, Duy-ma kinh lược sớ quyển 1 ghi: “Tịnh độ phàm phu thật sinh là cõi không có bốn thú, chỉ vì còn kiến hoặc, tư hoặc tưới tẩm thiện hữu lậu nên sinh vào trời người”. Gọi Tịnh độ Di-đà này không có bốn ác thú, phàm phu sinh chỉ vì kiến hoặc, tư hoặc tưới tẩm thiện hữu lậu nên được sinh làm trời người trong cõi ấy. Chủ yếu là theo nghĩa của nhuận sinh hoặc mà nói.

Ngài Trí Khải ở trong Ma-ha chỉ quán còn dùng phương pháp chỉ quán tiến tu, nói bốn pháp tam-muội. Trong đó, y theo kinh Bát-chu tam-muội, gọi xướng niệm Di-đà là Thường hành tam-muội. Tuy chưa trực tiếp nói đây là nhân của hạnh tịnh độ, nhưng có thể biết người đắc tam-muội này cũng có thể vãng sinh. Ma-ha chỉ quán quyển 2 nói pháp Thường hành tam-muội: Người tu tam-muội này, trước phải trang nghiêm đạo tràng, chuẩn bị các đồ cúng dường, tắm rửa thân thể đúng pháp, thay đổi y phục, chuyên tâm hành đạo, lấy chín mươi ngày làm một kỳ hạn, tức là trong chín mươi ngày thân thường bước đi không ngừng nghỉ; miệng thường xướng danh hiệu Phật A-di-đà không ngừng nghỉ, hoặc vừa xướng vừa niệm, hoặc trước niệm sau xướng, hoặc trước xướng sau niệm, niệm xướng nối tiếp nhau không nghỉ. Trong từng bước từng bước, từng tiếng từng tiếng, từng niệm từng niệm chỉ giữ danh hiệu Phật A-di-đà. Ý luôn nghĩ đến Phật A-di-đà đang ngồi thuyết pháp cho bồ-tát nghe nơi gác báu, trong ao sen ở cõi Tây phương. Lại nữa, niệm ba mươi hai tướng của Đức Phật kia, theo chiều nghịch từ tướng bánh xe nghìn căm dưới chân, quán niệm lần cho đến vô kiến đỉnh tướng ở đỉnh đầu. Cũng có thể theo chiều thuận từ vô kiến đỉnh tướng ở đỉnh đầu đến tướng bánh xe nghìn căm dưới chân, cứ quán niệm ba mươi hai tướng của Đức Phật lặp đi lặp lại theo hai chiều thuận nghịch như vậy. Lại nữa, có thể ngay lúc ấy chăm chú quán tức Không, tức Giả, tức Trung.

Bởi vì pháp Bát-chu tam-muội thấy Phật, trước đây ngài Huệ Viễn ở Lô sơn đã chọn pháp này để áp dụng, các thành viên của Bạch Liên xã đều thực tu pháp này, pháp này chủ yếu lưu hành ở phương Nam, ngài Trí Khải e rằng cũng chịu ảnh hưởng của ngài Huệ Viễn ở Lô sơn, nên lấy pháp Bát-chu tam-muội thấy Phật làm một trong bốn loại tam-muội chăng! Sau này các ngài Thiện Đạo, Huệ Nhật, Thừa Viễn, Pháp Chiếu cũng đều tu pháp này, nên pháp này trở thành một dòng lớn trong giáo lý của tông Tịnh Độ ở Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567