Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đạo Phật Nguyên Thủy và Đạo Phật Đại Thừa

03/10/201010:02(Xem: 7204)
Đạo Phật Nguyên Thủy và Đạo Phật Đại Thừa

phat thanh dao

'


Đạo Phật Nguyên Thủy và Đạo Phật Đại Thừa

Tác giả:Hòa thượng W. Rahula
Tỳ kheo Thiện Minh dịch


Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy.

Đức Phật đản sanh vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Ngài thành đạo năm 35 tuổi, 45 năm thuyết pháp độ đời và ngài nhập Níp-bàn năm 80 tuổi. Chắc chắn ngài là một con người có nhiều năng lực nhất, ngày đêm thuyết pháp dạy đạo cho chúng sanh, và Ngài chỉ ngủ có hai giờ đồng hồ trong một ngày.

Đức Phật thuyết pháp giảng đạo cho mọi tầng lớp: vua chúa, hoàng tử, bà-la-môn, thương gia, những người cùng đinh, trí thức, và thường dân lao động. Giáo pháp của Ngài đáp ứng mọi nhu cầu tâm linh của từng người. Những gì Ngài thuyết giảng được gọi là Phật ngôn. Thời điểm đó không có chỗ nào gọi là Trưởng lão bộ (Theravàda) hay Đại thừa (Mahàyana).

Sau khi Ngài thành lập giáo hội Tỳ Kheo tăng và Tỳ Kheo ni, Đức Phật đưa ra những nguyên tắc giáo điều giới luật để bảo vệ giáo đoàn được gọi là Luật (Vinaya). Những lời giảng dạy của Ngài bao gồm trong những bài thuyết pháp cho chư Tăng Ni và Thiện nam Tín nữ được gọi là Pháp (Dhamma).

Hội Nghị Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất

Sau ba tháng Thế Tôn viên tịch, những đại đệ tử của ngài triệu tập một đại hội ở thành Ràjagaha (Vương xá). Trưởng lão Kassapa (Ca-diếp) trụ trì đại hội này. Có hai vị rất quan trọng trong đại hội này, các ngài thiên về hai lãnh vực khác nhau - hai vị này trùng tuyên lại Pháp và Luật (Dhamma và Vinaya): ngài Ananda (A-nan-đa) là vị đệ tử hầu cận Đức Phật trong suốt 25 năm, ngài có trí nhớ siêu việt, có thể đọc lại những điều Đức Phật đã thuyết giảng; và ngài Upali (Ưu-ba-ly) đọc lại tất cả những giới luật Đức Phật đã ban hành.

Trong đại hội kết tập lần thứ nhất, chỉ có hai phần Pháp và Luật được trùng tuyên lại. Mặc dù không có quan điểm khác nhau về Pháp (không có đề cập đến Vi Diệu Pháp - Abhidhamma) nhưng chỉ có thảo luận một ít vấn đề về giới luật. Trước khi Thế tôn viên tịch, Ngài có bảo Đại Đức Ananda rằng nếu Tăng già muốn sửa đổi một ít giới luật nhỏ, thì các vị có thể sửa đổi. Nhưng lúc đó ngài Ananda quá u sầu vì Thế Tôn sắp viên tịch mà đối với Ananda thì điều đó không thể có được, nên ngài không có hỏi bậc Đạo sư giới nào là giới nhỏ. Những thành viên của hội nghị không đồng ý về điều giới luật nào là giới nhỏ, cuối cùng trưởng lão Kassapa quyết định rằng không có giới luật nào Thế Tôn đưa ra phải thay đổi, và ngài cũng không có giới thiệu thêm giới luật mới nào. Như vậy không có lý do chính đáng nào để thay đổi giới luật. Tuy nhiên trưởng lão Kassapa nhắc nhở một điều: "Nếu chúng ta thay đổi giới luật, dư luận quần chúng sẽ nói rằng đệ tử Sa Môn Gotama thay đổi giới luật trước khi Ngài hỏa táng."

Trong đại hội, giáo pháp được phân chia thành những phần khác nhau và mỗi phần được ấn định cho một vị trưởng lão và đệ tử của vị đó để ghi nhớ. Sau đó giáo pháp được truyền khẩu từ vị thầy đến đệ tử. Giáo pháp được đọc tụng hằng ngày do bởi những hội chúng thường xuyên kiểm chứng với nhau để bảo đảm rằng không có sự thiếu sót hoặc thêm bớt nào cả. Những nhà sử học công nhận rằng truyền thống khẩu truyền thì đáng tin cậy hơn một bản báo cáo do một người viết về một sự kiện xảy ra sau nhiều năm.

Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai

Một trăm năm sau, đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức để thảo luận một số vấn đề giới luật. Sau ba tháng Thế Tôn viên tịch không có sự thay đổi về mặt giới luật bởi vì trong suốt thời gian đó không có sự thay đổi về mặt kinh tế, chính trị và xã hội diễn ra. Nhưng 100 năm sau, một số chư tỳ kheo thấy nhu cầu cần để thay đổi những giới luật nhỏ. Những thầy tỳ kheo chính thống bảo rằng không có điều giới luật gì cần phải thay đổi trong khi những người khác cứ nhất định sữa đổi một số ít giới luật. Cuối cùng một số thầy tỳ kheo rời bỏ đại hội và thành lập Đại chúng bộ (Mahasanghika). Mặc dù gọi là Đại chúng bộ nhưng không có nghĩa là Đại thừa (Mahayana). Và trong đại hội kết tập lần thứ hai, chỉ có thảo luận những vấn đề liên quan với giới luật và không thấy nói đến sự tranh luận về giáo pháp.

Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba

Thế kỷ thứ ba trước công nguyên, thời hoàng đế Asoka, đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức để thảo luận quan điểm khác nhau giữa những vị tỳ kheo khác phái. Trong đại hội kỳ này, sự khác nhau không còn hạn chế về mặt giới luật mà còn liên quan với giáo pháp. Cuối đại hội, chủ tọa là ngài Moggaliputta Tissa (Mộc-liên Tu-đế) biên soạn một quyển sách được gọi là Những Điểm Dị Biệt (Kathavatthu) để bác bỏ luận thuyết hoang tưởng, sai lầm của một số bộ phái. Giáo pháp được đại hội đồng ý và chấp thuận, gọi là giáo thuyết Trưởng lão (Theravada). Tạng Vi Diệu Pháp được kết tập trong đại hội này.

Sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba, con trai vua Asoka, ngài Mahinda, mang Tam Tạng đến Tích Lan cùng với các Chú Giải đã được đại hội thứ ba trùng tuyên lại. Những kinh điển mang đến Tích Lan được bảo quản cho đến ngày hôm nay mà không có mất mát một trang nào. Kinh điển được viết bằng tiếng Pàli, dựa vào ngôn ngữ Ma-kiệt-đà (Magadhi) do Đức Phật thuyết giảng. Không có điều gì gọi là Đại thừa ở thời điểm đó.

Sự Xuất Hiện Của Đại Thừa (Mahayana)

Giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên, hai thuật ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharma pundarika sutra).

Khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ "đại thừa" dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Ngài Long Mãng (Nagarjuna) phát huy triết học đại thừa về tánh Không và trong một bản kinh nhỏ được người ta gọi là Trung luận thuyết (Madhyamika-karika, còn gọi là Trung quán luận) chứng minh rằng vạn pháp đều rỗng không. Khoảng thế kỷ thứ IV, Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu ) sáng tác một số tác phẩm về kinh điển Đại thừa. Sau thế kỷ thứ I sau công nguyên, những nhà Đại thừa bắt đầu tạo một lập trường rõ ràng, và từ đó, họ đưa vào các danh xưng "đại thừa" và "tiểu thừa".

Chúng ta không nên nhầm lẫn Tiểu thừa với Trưởng lão bộ (Theravada) bởi vì những danh từ này không đồng nghĩa nhau. Phật giáo Trưởng lão bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỉ thứ III trước công nguyên, khi đó không có danh từ Đại thừa nào cả. Bộ phái Tiểu thừa chỉ phát triển ở Ấn độ và hiện hữu hoàn toàn độc lập, không phải hình thức của đạo Phật hiện có ở Tích Lan. Ngày nay, bộ phái Tiểu thừa không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Do đó, năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB), khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ "tiểu thừa" phải được xóa bỏ vì nó không có liên quan gì với đạo Phật hiện diện ngày nay ở Tích lan, Thái lan, Miến điện, Campuchia, Lào v.v... Trên đây là tóm lược về lịch sử đạo Phật Nguyên thủy, Đại thừa và Tiểu thừa.

Đạo Phật Đại Thừa Và Đạo Phật Nguyên Thủy

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì?

Tôi nghiên cứu đạo Phật Đại thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa về mặt giáo lý căn bản. ·

Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là bậc đạo sư.

Tứ Thánh Đế trong cả hai trường phái đều giống nhau.

Bát Chánh Đạo trong cả hai trường phái thì cũng tương tự.

Lý Duyên Khởi trong cả hai trường phái đều giống nhau.

Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế gian này.

Cả hai đều chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam vô lậu học (Giới, Định, Huệ) , không có bất kỳ sự khác biệt nào.

Đây là những giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật và cả hai trường phái đều công nhận.

Cũng có một số ít điểm khác nhau. Hiển nhiên là quan điểm về Bồ tát. Nhiều người nói rằng Đại thừa là quả vị Bồ tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Nguyên thủy thì đưa đến quả vị A La Hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác cũng là những vị A La Hán. Kinh điển Đại thừa không bao giờ sử dụng La Hán thừa. Họ sử dụng ba thuật ngữ: Bồ tát thừa, Duyên giác thừa và Thinh văn thừa. Theo truyền thống Nguyên thủy, ba quả vị này được gọi là ba quả Giác (Bodhi).

Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỉ bởi vì dạy con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỉ có thể giác ngộ được? Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba Giác, và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Bồ tát là một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.

Ba Hạng Phật

Có ba hạng Phật: Chánh đẳng chánh giác (sammasambuddha), Độc giác (paccekabuddha), và Thinh văn giác (savakabuddha). Việc chứng đắc Níp-bàn giữa ba vị thì giống nhau. Chỉ có sự khác nhau là Chánh đẳng chánh giác có nhiều uy đức và phẩm chất hơn hai vị kia.

Có người nghĩ rằng tánh Không do ngài Long Mãng nói thì hoàn toàn là giáo lý Đại thừa. Thật ra, ngài căn cứ vào tư tưởng Vô Ngã và Lý Duyên Khởi, đã có sẵn trong kinh tạng Pàli. Một lần đại đức Ananda hỏi Đức Phật, "Người ta nói về chữ Không, vậy Không là gì? " Đức Phật trả lời, "Này Ananda, không có bản ngã cũng không có bất cứ điều gì liên quan với bản ngã trên đời này. Do đó, thế gian là vô ngã." Tư tưởng này do ngài Long Mãng đưa ra khi ông viết quyển sách "Madhyamika-karika" (Trung quán luận) nổi tiếng của mình. Trong Phật giáo Đại thừa, bên cạnh tư tưởng tánh Không còn có ý niệm "Tàng thức" vốn đã có nguồn gốc trong kinh tạng nguyên thủy. Những người Đại thừa chỉ khai triển thêm các khái niệm này để tạo dựng nền triết học và tâm lý học sâu thẳm./.

(Nguyên tác: "Theravada - Mahayana Buddhism", Gems of Buddhist Wisdom, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur, Malaysia, 1996)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]