Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Truyền Thừa của tông phái Thiên Thai: Từ TQ Sang VN

02/07/201122:07(Xem: 9648)
Sự Truyền Thừa của tông phái Thiên Thai: Từ TQ Sang VN
tri-khai-dai-su



Sự Truyền Thừa
của tông phái Thiên Thai: Từ TQ Sang VN




Dẫn Nhập:

Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật tồn tại đến ngày nay là do sự truyền thừa từ đức Phật đến chư tổ. Tổ lại truyền cho tổ, ‘Tổ tổ tương truyền’ tiếp diễn từ đời nầy sang đời khác. Sự truyền thừa được thể hiện qua hai phương diện giáo lý và thật hành. Về phần giáo lý thì mỗi tông phái đều sáng lập giáo nghĩa, tông chỉ riêng biệt và đều lấy kinh điển của Phật làm nền tảng. Về phần thật hành hay phần sự có khác biệt là tùy theo giáo nghĩa và tư tưởng của mỗi tông. Mỗi tông phái đều truyền bá và xiển dương pháp môn của mình trong tông môn và quần chúng Phật tử.

Mỗi tông phái của đạo Phật được ví như mỗi loại hoa của vườn hoa Phật pháp. Mỗi loại hoa có nét đẹp và hương thơm riêng biệt, để khoe sắc hương, nhưng tất cả đều ở trong vườn tịnh của Phật pháp. Cũng như vậy, mỗi tông phái đều là của đạo Phật và đều cùng mang một vị, đó là vị ‘giải thoát’.

Trong phần sưu tập về tông phái Thiên thai, chúng tôi chia thành hai giai đoạn chính. Đó là sự sáng lập tông phái ở Trung Quốc, sau nhiều thế kỷ chính thức được truyền thừa sang Việt Nam. Phần trình bày có tính cách giới hạn và sơ lược về khía cạnh lịch sử của chư tổ sáng lập tông Thiên thai ở Trung Quốc, Việt Nam. Đây là hai giai đoạn quan trọng đánh dấu lịch sử truyền thừa của hai nước nói trên. Hy vọng tài liệu nầy đóng góp một phần nào về nguồn gốc tông phái Thiên thai. 

Sơ lược cuộc đời ngài Trí Khải Đại Sư (538-597), tổ khai sáng tông Thiên Thai ở Trung Quốc.

Ngài Trí Khải (Chih-I) sinh trưởng ở Hoa Dung (Hua-jung) thuộc Kinh Châu (Ching-chou), nay thuộc tỉnh Hồ Nam (Hunan). Họ hàng của Ngài di cư vào phía Nam Trung quốc khi triều đại nhà Tây Tấn ( Western Tsin, 265-316) sụp đổ và mất ngôi. Tiểu sử thân phụ của ngài là Trần Khởi Tổ (Ch’en Ch’i-tsu) không được chép lại, nhưng qua phần tiểu sử của người anh lớn là Trần Châm (Ch’en Chen), thì ông Trần Khởi Tổ là bạn và là người thừa nhận quyền chỉ huy quân đội từ Hoàng tử Tiêu Đạt (Hsiao I). Vị hoàng tử nầy chính là con của Lương Võ Đế, một vị vua rất sùng bái đạo Phật. Tiêu Đạt là vị hoàng tử được thanh danh là sáng suốt và có khả năng thống lãnh các tiểu bang thời loạn lạc ở Trung quốc. Sau khi lên ngôi vua, Tiêu Đạt lấy hiệu là Lương Nguyên Đế (Liang Yuan-ti, 552-554), chọn Kinh Châu làm kinh đô. Vua đã phong chức cho Trần Khởi Tổ làm ‘Ích Vương hầu’. Một thời gian sau, vua Lương Nguyên Đế đã tử trận trong nội chiến loạn lạc, điều nầy kết thúc thời gian trị vì của ông ta. Trong hoàn cảnh bấy giờ, nhiều yếu tố đã xảy ra, trong đó có phần liên quan tới sự xuất gia của ngài Trí Khải.

Ngài Trí Khải sinh trưởng trong thời cuộc loạn lạc bởi chiến tranh giữa nhà Lương và phe phiến loạn. Sự thất thủ ở Kinh Châu đã cướp đi mạng sống của vua Lương Nguyên Đế cũng như thân mẫu của ngài Trí Khải. Từ đó, ngài Trí Khải và anh lớn là Trần Châm sống trong cảnh mồ côi. Đây chính là thời gian để cảm nhận được sự vô thường trong cuộc sống, đặc biệt là qua cái chết của thân mẫu. Cuối cùng, ngài Trí Khải quyết định từ giả người anh trai để gia nhập tu viện Phật giáo. Ý muốn nầy, ngài đã mong mỏi khi còn rất trẻ, nhưng không được sự đồng ý của thân mẫu. Trần Châm khuyên can việc xuất gia của ngài Trí Khải vì làm như vậy sẽ gây thêm đau buồn, chia rẽ giữa hai người, nhất là đang trong hoàn cảnh mồ côi. Nhưng ngài Trí Khải khẳng định, dù cho thời đại huy hoàng của vua Lương Nguyên Đế và thân mẫu tồn tại ở Kinh Châu, thì ngài cũng không lưu luyến và không màng đến những dục lạc của thế gian.

Sau khi trực tiếp kinh nghiệm sự sinh tử của con người vốn là vô thường, ngài Trí Khải càng vững bước tiến vào con đường tu Phật. Vào năm 555, khi tròn mười bảy tuổi, ngài đã xuất gia làm Sa-di và tu học dưới sự giảng dạy của vị tu sĩ với pháp hiệu là Pháp Tự (Fa-hsu), tại chùa Quả Nguyện (Kuo-yuan) ở Tương Châu (Hsiang-chou). Sự xuất gia của ngài được bảo trợ của vị tướng trung thành của Kinh Châu tên Vương Lâm (Wang Lin). Cũng nên nhắc lại, trong thời cuộc chiến tranh ở Trung Quốc, khi xuất gia cần có sự bảo trợ về phương diện hành chánh của thân nhân và cũng phải trải qua cuộc khảo sát để được chính thức thừa nhận là tu sĩ.

Một thời gian sau, ngài Trí Khải lại lên phương bắc tu học kinh điển Phương đẳng Đại thừa dưới sự hướng dẫn của pháp sư Huệ Khoáng (Hui-K’uang). Trong thời gian nầy, Ngài an cư, cấm túc ở núi Thái Hiền (Ta-hsien) và học cặn kẽ các bộ Pháp Hoa (Lotus), Vô Lượng Nghĩa Kinh (Wu Liang I Ching) và Phổ Hiền Quán Kinh (P’u-hsien Kuan Ching). Đây là thời gian ngài Trí Khải đại sư đã chuyển tiếp từ giáo lý Phương đẳng hay Quyền giáo đại thừa đến Thượng căn Đại thừa1, đặt biệt là sự liên kết với bộ Kinh Pháp Hoa (Lotus sutra). Ngài Trí Khải rất khao khát tìm hiểu và học hỏi kinh điển Đại thừa Phật giáo, đặt biệt là ngài chú trọng vào kinh Pháp Hoa. Đây chính là duyên khởi lập tông vào thời gian sau.

Năm 560, Trí Khải đại sư từ giả ngài Huệ Khoáng và tiếp tục lên đường tầm sư để trau dồi đạo pháp. Vào thời điểm trên, ở núi Đại Tô (Ta-Su) tỉnh Quảng Châu, có ngài Huệ Tư (Hui ssu) là vị tu sĩ đắc đạo và là một học giả của Phật giáo, rất nổi tiếng trong vùng. Khu vực nầy nằm giữa biên giới tranh chấp của nhà Trần (Ch’en) và Bắc Chu (Ch’I) 2 . Nơi nầy rất khó khăn cho những ai muốn sống một cuộc sống yên bình, tĩnh mịch. Tuy nhiên, ngài Trí Khải vẫn tìm đến núi Đại Tô cầu pháp với thiền sư Huệ Tư.

Khi thiền sư Huệ Tư thấy ngài Trí Khải liền nói “Lúc đức Phật còn tại thế, ông và ta đồng dự hội Pháp Hoa. Do túc duyên ấy nên nay ông tìm đến ta”3. Trong thời gian bảy năm, thiền sư Huệ Tư đã dạy ngài Trí Khải các pháp như, ‘Nhất tâm tam quán’, ‘Tứ an lạc hạnh’ (ssu an lo hsing), Pháp hoa tam muội (Fa hua san mei). Pháp môn ‘Nhất tâm tam quán’ được khởi xướng từ ngài Huệ Văn (Hui Ven), căn cứ vào bộ Trung Luận (Madyamika) của Long thọ Bồ tát (Nagarjuna Bodhisattva) và kinh Pháp hoa (Lotus sutra) mà lập ra. Ba pháp quán là Không quán, Giả quán và Trung quán 4. Sau đó, ba pháp quán truyền tới thiền sư Huệ Tư, rồi tới ngài Trí Khải.

Trí Khải đại sư siêng năng, ròng rã tu tập Pháp hoa tam muội. Ngài hành khổ hạnh và nghiêm khắc buộc mình trong cuộc sống xuất gia tu hành. Một hôm, khi đọc tụng đến phẩm Dược vương Bồ Tát  bổn nguyện (Sarvasattavapriyadarcana boddhisattva) trong kinh Pháp Hoa, đề cập đến hạnh bố thí của Bồ tát qua câu “Thị chơn tinh tấn thị danh chơn pháp cúng dường Như Lai”, ngài thấu được nghĩa lý và chứng đắc Pháp hoa Tam muội 5. Bấy giờ, thân và tâm ngài rỗng rang, vắng lặng và đi vào sự yên tịnh. Ngài nhận biết được Pháp hoa giống như ánh sáng chiếu vào bóng tối, thấu rõ thật tướng của tất cả pháp giống như ngọn gió thổi xuyên qua một khoảng không gian thật lớn, không bị cản trở bởi một vật gì. Trí Khải đại sư đem sự chứng đắc của mình kể lại cho thầy là Huệ tư, liền được ấn chứng.

Huệ tư thiền sư liền chỉ dẫn tất cả những gì mà ngài biết cho Trí Khải đại sư. Khi có dịp chép lại kinh Bát nhã và Pháp hoa để in chữ vàng, ngài Huệ tư giảng qua một lần, sau đó để cho ngài Trí Khải giảng giải tiếp theo. Đa phần để ngài Trí Khải trình bày cặn kẽ, tỉ mỉ và đích xác nghĩa lý của Kinh. Huệ tư thiền sư cũng tham dự các buổi giảng của ngài Trí Khải và đã nhận xét “Bây giờ có thể là thời điểm pháp được truyền trao cho Pháp thần (Bồ tát) thì Pháp vương không còn gì để làm”6. Huệ tư thiền sư từ lâu đã có ý định chuyển tu viện tới Nam nhạc (Nam yueh) nhưng bất đắc dĩ ở lại vì cộng đồng ở núi Đại tô không thể thiếu vắng vị lãnh đạo. Sau bảy năm (567) Huệ tư thiền sư phó chúc và khuyên ngài Trí Khải dẫn dắt Tăng chúng tới thủ đô của nhà Trần (Ch’en) ở Kim Lăng cư trú. Còn ngài thì chuyển tới trú ngụ tại một ngọn núi ở Nam nhạc. Cho nên dân chúng gọi ngài là Nam nhạc Huệ tư ((Nam yueh Hui ssu, 515- 577). Hoàng đế nhà Trần ban danh hiệu là cho ngài là Tư đại thiền sư.

Tám năm lãnh chúng trú ngụ tại chùa Ngoã quan (Wa kuan) ở Kim Lăng, Trí Khải đại sư miệt mài gắn bó trong công việc hoằng pháp. Ngài đã giảng dạy Phật pháp ở nhiều nơi cho quần chúng Phật tử, đặc biệt là pháp môn Thiên Thai thiền quán. Ngoài ra ngài lập nhiều bộ luận, phán giáo điển và đặt nền tảng giáo nghĩa cho hệ thống tông Thiên Thai. Danh tiếng ngài từ đó đồn đi khắp nơi.

Nhận thấy môi trường thành thị không phải là nơi thích hợp để phát triển Phật giáo và đào tạo Tăng chúng vì phần nhiều chỉ có số lượng mà phẩm chất quá thấp. Cho nên vào tháng 9 âm lịch năm 575 ngài dẫn Tăng chúng rời Kim Lăng, trú ngụ ở núi Thiên Thai tỉnh Chiết giang, tông phái nầy chính thức được hình thành. Sự ra đi nầy là điều mất mác lớn cho Phật giáo ở kinh đô Kim Lăng. 

Khi tới núi Thiên Thai ngài Trí Khải quyết định ẩn cư trọn đời ở nơi đây. Đại sư xây chùa, thành lập cộng đồng Thiên Thai và hướng dẫn đại chúng tu học. Năm 577, con trai của Hoàng đế Trần Tuyên Đế là Trần Hoàng Tử (Ch’en Hsuan ti) đã sắc lịnh một tỉnh địa phương ở Chiết Giang (Checkiang) rút một phần thuế hàng năm để đóng góp cho sự sinh hoạt của đạo tràng Thiên Thai. Ngôi chùa đầu tiên ở núi được xây dựng hoàn tất vào năm 578, Vua ban hiệu là Tu Thiền Tự (Hsiu ch’an ssu). Trong năm 581, ngài Trí Khải thuyết phục đa số làng làm nghề chài lưới, bắt chim đổi sang các nghề khác. Điều nầy giúp cho dân chúng giảm nghiệp sát sanh, là một trong những giới quan trọng của người Phật tử. Ngài còn dâng biểu sớ lên triều đình để ban hành đạo luật ngăn cấm việc câu cá, bắt chim bừa bải không theo quy định. Để tích cực hơn khi thọ giới luật của Phật, ngài còn cho đào sông ngòi, rạch hồ, xung quanh ngọn núi  Thiên Thai để tiện bề phóng sanh. Những việc làm ấy được triều đình tán thán và dân chúng chấp thuận. Mọi người qui ngưỡng và kính phục những công việc khó làm nhưng mang nhiều lợi ích về phương diện tâm linh.

Trong năm 581, ngài thâu nhận một vị đệ tử và chuyển đổi pháp hiệu thành Phổ Minh (P’u ming). Đặt biệt, ngài Phổ Minh là vị đệ tử có số tuổi lớn hơn thầy của mình. Ngài theo Trí Giả đại sư lên núi Thiên Thai và ở lại đây cho đến khi tịch, thọ 85 tuổi. Năm kế tiếp, ngài  Trí Khải thâu nhận một vị đệ tử khác, đặt pháp hiệu là Quán Đảnh Chương An (Kuan ting, 561-632). Ngài Chương An được chọn làm thị giả và là người ghi lại các bài thuyết pháp của Trí Khải đại sư trong suốt cuộc hành trình hoằng pháp vào những giai đoạn kế. Ngài Chương An cũng là vị kế thừa tông môn, trở thành Nhị Tổ của Thiên Thai, sau khi Trí Giả đại sư viên tịch.

Trong thời gian mười năm ở Thiên Thai, ngài Trí Khải dồn mọi nỗ lực vào việc soạn thảo kinh sách. Vào thời gian sau, khi có dịp xuống núi, ngài đã dùng bài nầy đem ra thuyết giảng cho quần chúng Phật tử. Sau đó, các bài viết ấy được in ấn xuất bản trở thành những bộ luận xuất sắc của Phật giáo. 

Trong năm 585, vị Hoàng đế nhà Trần đã chính tay viết ba lá thư và triệu hai quan chức của triều tới núi để mời ngài Trí Khải về Kim Lăng nhưng đều bị từ chối. Sau đó Hoàng đế lại viết một lá thư nữa giao cho một vị Tăng ở nội thành đảm trách việc giao thơ thỉnh cầu. Nội dung của lá thư nầy có phần trách móc ngài Trí Giả không đáp thư lại, nhưng phần khác cũng bày tỏ sự tín tâm, sùng đạo của của cả  đình triều. Cũng như mấy lần trên, ngài Trí Khải khước từ với lý do sức khỏe. Ngài cũng bày tỏ sự ưa thích cuộc sống tu hành ở núi rừng hơn thành thị. Cuối cùng, Trần Hoàng Tử lại gởi một lá thư nhân danh Hoàng đế và triều đình sắc lịnh ngài trở về Kim Lăng. Không thể trái lệnh triều đình, cho nên trong một phần của lá thư hồi âm Trí Giả đại sư đã viết như sau:

Nguyện vọng của tôi chưa được thực hiện hoàn toàn, nhưng tôi sẽ chấp nhận mọi hậu quả của những công việc ấy. Tại sao tôi phải làm một người nào đó bị liên lụy. Nghiệp lực thì như nước, nó chảy xuống từ dốc cao và dấu lặng dưới độ sâu. Cho nên, tôi sẽ theo nghiệp lực mà tuân theo sắc lệnh. Tôi không thể thực hiện những điều chỉ để toại nguyện riêng cho nguyện vọng của mình. 7

Năm 585, Trí Khải đại sư lại trở về thủ đô Kim Lăng (Chin- Ling). Trú ngụ tại Chùa Linh Diệu thuyết giảng các bộ kinh Bát Nhã, Nhân Vương, Pháp Hoa, Đại Trí Độ Luận. Đến năm 589 khi nhà Tùy (Sui) xâm chiếm thủ đô và đa phần miền Nam Trung Quốc, ngài Trí Khải đi tới Lô Sơn (Lu-shan) và các vùng lân cận để trú ngụ cho đến năm 591. Đầu năm 591, đời nhà Tuỳ, Tấn Vương Dương Quảng (Yang kuang) là Hoàng tử thứ hai của Hoàng Đế Văn Đế (Wen ti) thỉnh ngài đến Dương Châu truyền Bồ tát giới.  Năm 592, Trí Khải đại sư trở về quê hương là Kinh Châu và tỉnh Nam Nhạc để bày tỏ sự tôn kính với vị thầy quá cố là Huệ Tư. Hai năm kế, Đại sư lại soạn thảo thêm hai bộ kinh được coi là xuất sắc nhất đó là Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Fa hua hsuan I, 593) và Ma Ha Chỉ Quán (Mo ho chih kuan, 594).

Nhận lời thỉnh của Hoàng đế nhà Tùy vào năm 595, ngài trở lại Kim Lăng tiếp tục công việc soạn thảo kinh sách và trở về núi Thiên Thai cùng năm. Cuối năm 597, trong chuyến đi đến Dương Châu, căn bịnh của Trí Khải đại sư ngày thêm trầm trọng. Ngài viết thư báo cho chúng đệ tử và Hoàng Tử Dương Quảng rằng sinh tử đã kề cận, cơ duyên đã mãn cho nên cấp tốc trở về tu viện ở núi Thiên Thai chờ ngày tịch. Ngài đã sắp sếp với Dương Quảng để trùng tu và xây dựng các ngôi chùa mà ngài chưa có thời gian để hoàn tất. Ngài cũng căn dặn đại chúng đệ tử đem tro cốt của Ngài chôn cất ở tại núi. Ngày 24 tháng 11 năm 597 tức năm Khai Hoàng thứ 17, đời nhà Tùy, Đại sư lần lượt xướng tụng các Kinh Tịnh Độ, ban lời khuyến tấn đại chúng tu học. Vị đệ tử Trí Linh (Chih Lang) hỏi thầy đã chứng được bậc nào và sẽ sanh về đâu? Đại chúng nên nương tựa vào nơi nào sau khi thầy tịch? Đại sư trả lời với đại chúng đệ tử rằng, nên cân nhắc thêm vào sự tu hành của bản thân hơn là hỏi sự chứng ngộ của người khác. Đại sư nói:

Nếu ta không bận việc của chúng thì sẽ chứng được Lục Căn Thanh Tịnh. Nhưng vì tổn mình mà đem lại lợi cho người nên chỉ chứng được Ngũ Phẩm. Thầy và các bạn cùng Đức Quán Thế Âm đồng đến rước ta…Các người phải lấy Thinh Văn giới làm thầy, bốn pháp thiền định mà ta thường dạy cho các người làm kim chỉ nam. Ta dạy các người phải thải đi nghiệp chướng nặng. Ta dạy các người chinh phục tam độc [tham, sân, si] và kiểm soát thân tứ đại [đất, nước, gió và lửa]…Nếu các người truyền bá sự tu hành của ánh sáng Phật Pháp thì là bạn đồng hành của ta. Nếu các người không làm được mà ngược lại truyền bá sự thực hành của Ma Vương thì không phải là môn đệ của ta. 8       

Sau đó Ngài ngồi kiết già nhập thiền định mà tịch. Đại chúng thương nhớ để tang Đại sư mười ngày rồi mới đem thân đi thiêu. Tro cốt của Trí Giả Đại sư được chôn cất dưới chân một tượng Phật bằng đá ở trên núi. Trí Khải đại sư thọ 60 tuổi, 40 hạ lạp. Sau khi ngài viên tịch, Tấn vương Dương Quảng theo bức họa đồ của ngài để lại mà cho xây chùa ở dưới chân núi. Năm 605, ông lên ngôi Hoàng Đế và ban hiệu chùa là Quốc Thanh, hiện nay vẫn tồn tại ở chân núi Thiên Thai.  

Trong thời gian tại tiền hành đạo, Trí Khải đại sư xây được ba mươi sáu cảnh chùa, đúc 800, 000 tượng Phật đồng và độ trên chục ngàn Tăng sĩ. Sự hoằng hóa rộng lớn của ngài có sức ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ. Từ dân chúng cho đến quan chức, vua, chúa đều qui ngưỡng, kính trọng. Chính vì thế, các đời vua ở Trung Quốc đều ban danh hiệu cho ngài như Trí Giả (Tấn Vương, năm 591), Pháp Không Bảo Giác Tôn Giả (vua Thế Tông, đời Hậu Chu), Linh Huệ đại sư (vua Ninh Tông, đời Nam Tống, 1197). Tuy nhiên danh hiệu Trí Giả hay là Thiên Thai Trí Giả vẫn thường đề cập cho tới nay.

Ngài thâu nhận 49 vị đệ tử xuất gia có pháp hiệu như ngài Chương An Quán Đảnh, Trí Quả, Trí Tảo, Đại Chí, Pháp Sán...v.v. Đệ tử tại gia theo tu học và trợ giúp đắc lực cho ngài Trí Khải trong công việc hoằng pháp có 17 vị. Các vị nầy gồm Hoàng Đế, Hoàng tộc, Quan chức của hai triều Đại Trần và Tùy, trong đó có người anh ruột là Trần Châm và một các số các vị khác. Ngoài ra, cư sĩ tại gia quy y cả mấy ngàn người.

Qua nhiều thế kỷ, tông phái được các cao Tăng đời sau truyền bá, lan rộng đến các nước khác. Vào thế kỷ thứ 9, năm 803 có ngài Tối trừng Truyền giáo từ Nhật sang Trung Quốc thọ giới với ngài Hưng Đạo Đạo Thúy, tức tổ truyền thừa thứ 7 tông Thiên Thai (bắt đầu từ ngài Trí Giả là Sơ tổ). Sau đó ngài Tối Trừng Truyền giáo trở về Nhựt thành lập tông Thiên Đài (Tendai) ở núi Tỷ Vệ, Nhật bản . Tông phái nầy phát triển và thịnh hành ở Nhật bản.

Ở Ấn Độ, Bồ Tát Long Thọ ( Boddhisattva Nagarjuna) được coi là một vị Phật sống thì ngài Trí Khải được coi là ‘Tiểu Thích Ca’ ở phương Đông. Long Thọ Bồ Tát đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng và thành lập Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ vào khoảng thế kỷ thứ 2. Ngài chính tay chép lại những bộ kinh quan trọng của Đại thừa Phật giáo như kinh Pháp Hoa, kinh Đại Phương Quảng Phật. Hai bộ Kinh nầy, biệt truyền qua nhiều thế kỷ, sau khi Phật diệt độ. Ngoài ra, Long thọ Bồ Tát căn cứ trên kinh điển của đức Phật mà luận giải giáo nghĩa mấu chốt của Đại thừa như bộ Tam luận gồm có Trung Luận (Madhyamika sastra), Đại Trí Độ luận (Mahaprajnaparamita sastra), Thập nhị Môn luận (Dvadasadvara sastra), Quảng bách luận (Sata) và nhiều bộ luận khác.

Cũng như thế, Trí Khải đại sư được coi là vị sư lỗi lạc nhất ở Trung Quốc. Ngài tiếp tục công việc của Long Thọ Bồ tát bằng cách phát triển và giải bày cặn kẽ các bộ luận trên, trong đó có bộ Ma ha chỉ quán (chưa dịch sang Việt văn trọn bộ) là xuất sắc hơn hết, ngoài ra còn rất nhiều bộ kinh-luận-giải khác như Pháp Hoa Sớ, Kim Cang Bát Nhã Sớ, Duy Ma Kinh Sớ, Quán Tâm Luận…v.v. Ngoài ra, Ngài hệ thống hóa lại giáo điển của Phật, chia thành 5 thời, 8 loại giáo hóa và dung nạp lại tư tưởng của đức Phật thành 4 loại 9. Đây là sự phán giáo tổng hợp tiêu biểu nhất của kinh điển Phật giáo từ trước đến nay. Trí Giả đại sư đặt biệt hệ thống hóa tinh thần giáo học của Long thọ Bồ tát và căn cứ theo Kinh Pháp Hoa mà sáng lập ra giáo nghĩa cho tông Thiên

Thai. Tên của tông phái được đặt theo tên ngọn núi mà ngài Trí Giả chọn là nơi thường trú ở tỉnh Chiết Giang. Trí Giả đại sư là một đại nhà tư tưởng và triết học đã xây dựng một nền tảng giáo lý Phật giáo vững chắc qua việc hệ thống hóa lại kinh điển của Phật. Cả hai vị, Long Thọ Bồ Tát và Thiên Thai Trí Giả được các hàng hậu Tăng, học giả Đông và Tây phương ngưỡng mộ và kính phục. 

Sự truyền thừa chính thức của tông phái Thiên Thai sang Việt Nam là vào đầu thế kỷ 20, bắt nguồn từ các vị tu theo đạo Minh Sư ở Sài Gòn. Phái đoàn đạo Minh Sư chia làm hai đợt đón tàu vượt biển sang Trung Quốc thọ giới với tổ sư Hiển Kỳ ở chùa Thanh Sơn. Sau đó, các vị nầy trở về quê hương hoằng truyền giáo nghĩa, thành lập tông phái với danh xưng là Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông. Sự hình thành của tông được phát triển ở các tỉnh miền Tây Việt Nam vào giữa thập niên 30 và tồn tại mạnh mẽ cho đến ngày nay. Trong số các vị tổ sư được truyền thừa, Ngài Liễu Thiền là vị tiêu biểu và được tôn vinh làm sơ Tổ tông Thiên Thai ở Việt Nam.

Sang Trung Hoa Thọ Giới:

Ông Trần Quốc Lượng sanh quán tại xã Cần Giuộc chợ Lớn (nay thuộc thành phố Sài Gòn) tu theo đạo Minh Sư (tu tiên) vào thời còn niên thiếu. Sau nầy ông sang chùa Thanh Sơn, Trung Hoa học đạo với các cụ Lão Sư cùng môn phái mà lần lần liễu đạo. Các vị nầy giao quyền thừa kế trụ trì và chức trưởng tông môn cho ông lão Lượng. Vì nhận thấy cách tu theo đạo Minh sư chỉ đạt đến quả vị tiên, sanh lên trời thừa hưởng phước báu nhưng khi phước hết thì phải đoạ lạc lại trong sáu cõi luân hồi 1. Cho nên ông Lão Lượng đã chuyển sang đọc kinh điển Phật Giáo và nhận thấy sự cứu cánh, giải thoát nhân sinh ra khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi là một điều giác ngộ tuyệt đối. Ông Lão Lượng đã hồi đầu đến cầu xin quy y thọ giới với tổ Đế Nhàn ở Hoan Tôn, được ban cho Pháp danh là Nhiên Công, pháp hiệu là thượng Hiển hạ Kỳ, chính thức được truyền thừa trở thành tổ thứ 20 của tông Thiên Thai. Cũng nên nhắc lại, ngài Tam Trác Đế Nhàn là đời tổ thứ 47 theo bài kệ truyền thừa từ Sơ Tổ Trí Giả Đại Sư, nhưng sau đến ngài Bá Tòng Chơn Giác là đời thứ 24 của Tông Thiên Thai lại tiếp tục sáng tác một bài kệ có 64 chữ. Tính theo bài kệ của ngài Bá Tòng thì ngài Đế Nhàn là tổ thứ 19. Chúng tôi xin đề cập đến những bài kệ nầy trong phần sau trong bài viết nầy. Trong số 7 vị đệ tử của Tổ Đế Nhàn, duy nhứt có ngài Hiển Kỳ là người Việt Nam.

Nhớ lại các vị tu theo đạo Minh Sư ở Việt Nam, tổ Hiền Kỳ đã báo tin cho những người còn lại sang Trung Hoa theo ngài quy y lãnh thọ giới pháp của Phật. Trong một bức thơ có nội dung kêu gọi như sau: “Tôi nay bỏ Tiên về Phật, các vị cố gắng và tìm phương tiện sang đây để được lãnh thọ giới pháp của Phật” 2.

Vào năm 1928, chuyến đi sang Trung Hoa đầu tiên của nhóm người tu đạo Minh Sư gồm có ba vị Lão Sư và một Bà Thoại. Danh xưng Lão Sư, Bà Thoại là phẩm vị của người tu tiên khi đạt đến một trình độ nào đó, theo lối tu hành của tông phái nên được điểm đạo. Các vị nầy được Tổ Hiển Kỳ xuống tóc đặt pháp danh và pháp hiệu như sau: Ông Lão Hai ở Vĩnh Long pháp danh Tu Tất pháp hiệu Liễu Đàn; Ông Lão Sư ở Phú Xuân pháp danh Tu Thành pháp hiệu Liễu Học và bà Thoại Tám ở Phú Xuân (Nhà Bè) pháp danh Tu Hảo pháp hiệu Liễu Tướng. Ngoài ra còn một vị trẻ tuổi là đệ tử của một Lão Ông theo tháp tùng nhưng không thọ giới trong đợt nầy. Ngày xưa bên Trung Quốc, Đại Giới Đàn được tổ chức rất quy mô và long trọng, có thể nói là một mùa Đại Giới Đàn vì thời gian tổ chức xuyên xuốt nhiều tuần, có lúc kéo dài đến ba tháng. Trong mùa Đại Giới Đàn, ban tổ chức thường mở các lớp rèn luyện các tuyển sinh về giới luật, oai nghi và giáo lý nhà Phật cũng như các nghi lễ trong khi thọ giới để thí sinh được hưởng đầy đủ các đức tính của người xuất gia, tu học theo Phật. Ngoài ra, để tỏ lòng tôn trọng giới pháp của Phật và các vị tôn chứng truyền giới, tuyển sinh thường đến tận nơi trụ xứ của từng người mà cầu thỉnh các vị ấy về làm giới sư. Đại Giới Đàn nầy do Tổ Hiển Kỳ làm Đàn Đầu Hòa Thượng, ngài Kỷ Tu làm Yết Ma A Xà Lê và ngài Phạt Khả làm Giáo Thọ A Xà Lê. Đại Giới Đàn kéo dài 15 ngày.   

Đợt sang Trung Hoa thọ giới lần thứ hai vào năm 1933. Chuyến đi nầy cũng có ba Lão Ông và vị đệ tử trẻ tuổi đợt trước. Đợt nầy cũng vất vả không kém gì kỳ trước, chiếc tàu vượt đại dương lênh đênh trên biển cả 4 ngày đêm rồi cập bến tàu Hồng Kông an toàn. Sau đó họ được đưa lên đất liền nghỉ đêm tại một quán trọ và sáng ngày hôm sau thì tiếp tục đón tàu đi đến chân núi Thanh Sơn, kế đến là leo núi mới đến cửa chùa Thanh Sơn. Sau ba ngày nghỉ ngơi và tham quan các nơi trong chùa, ba Ông Lão làm lễ thỉnh giới  nơi Tổ Hiển Kỳ và được tổ chấp nhận. Đại Giới Đàn kỳ nầy cũng được tổ chức long trọng không kém gì đợt trước, kéo dài 7 ngày đêm mới hoàn mãn. Tổ Hiển Kỳ làm Đàn Đầu Hòa Thượng, ngài Tâm Sự làm Yết Ma A Xà Lê, ngài Phật Thọ làm Giáo Thọ A Xà Lê. Chư Tăng trong chùa làm bảy vị tôn chứng và dẫn lễ. Như đã đề cập ở phần trước, tuyển sinh được dạy cách đắp y, ăn bát, tọa cụ, nghi lễ trong khi thọ giới thật tỉ mỉ, chu đáo. Sau đó lại được truyền Tam Quy Ngũ Giới, mười giới Sa di, Tỳ Kheo và Bồ Tát Giới. Ba Ông Lão có pháp danh và pháp hiệu như sau: Ông Lão Hai ở chợ Trạm pháp danh Tu Trì pháp hiệu Liễu Thiền, Ông Lão Năm ở Đức Hòa pháp danh Tu Tịnh pháp hiệu Liễu Lạc, Ông Lão Mười ở Cần Giuộc pháp danh Tu Quán pháp hiệu Liễu Chứng. Còn vị trẻ tuổi đệ tử của Ông Lão Mười chưa đủ 20 tuổi nên chỉ thọ Sa di giới với Pháp danh Tu Nhiên pháp hiệu Liễu Tức. Vị nầy đã ở lại bên Trung Hoa với Tổ sau chuyến nầy và thọ giới Tỳ Kheo vào năm 1935 ở núi Phụng Hoàng, chùa Bửu Liên. Đại Giới Đàn nầy do ngài Kỷ Tu làm Đàn Đầu Hoà Thượng, Tổ Hiển Kỳ làm Yết Ma A Xà Lê, Ngài Phạt Khả làm Giáo Thọ A Xà Lê. Đại Giới Đàn kéo dài 21 ngày mới hoàn mãn. Hòa Thượng Liễu Tức ở lại với Tổ cho đến khi Tổ lâm bịnh viên tịch vào năm 1936 thì mới trở về Việt Nam cùng sư cô Liễu Chứng là cháu ruột của Tổ Hiển Kỳ.

Sơ lược Cuộc Đời Ngài Thích Liễu Thiền (1885- 1956), Sơ Tổ Truyền Thừa Tông Thiên Thai ở Việt Nam.

Ngài Thích Liễu Thiền sinh quán ở làng Mỹ Lệ (chợ Trạm), huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Được tận hưởng sự giáo dục dục từ gia đình vốn theo đạo Minh Sư, nên từ khi còn nhỏ ngài đã theo các danh nho trong làng học chữ và đạo đức. Bản tính vốn thông minh, siêng năng cho nên ngài đã học thông các bộ kinh như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Minh Tâm của Nho giáo. Đối với các bậc thầy, ngài luôn tôn trọng cung kính, còn đối với bạn bè cùng trang lứa thì khiêm nhường. Chính vì thế ngài được các thầy nho chú ý khen ngợi, bạn bè thì thương mến khâm phục. Đối với bổn phận làm con, thì ngài hiếu thuận, giúp đỡ san sớt cho cha mẹ nhiều công việc nặng nhọc trong gia đình. Chính từ những đức tính đạo đức căn bản mà ngài đã có được và theo sự tôi luyện từ thưở nhỏ nên sau nầy khi xuất gia ngài trở thành một bậc pháp khí nổi bậc của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông nói riêng.

Nguyên nhân xuất gia của những bậc rường cột của Phật giáo thường có nhiều điểm đặt biệt, khác thường. Cũng như thế sự xuất gia của ngài Liễu Thiễn bắt nguồn từ một trận bão lũ lụt ở các tỉnh miền Tây Việt Nam vào năm 1904. Như nhiều người khác, gia đình ngài phải dọn lên sinh sống trên thuyền bè trong thời gian lũ lụt. Như thường lệ, ngài phụ giúp cha mẹ bằng cách bơi xuồng đi kiếm củi nấu cơm, thì bỗng thấy một xác người chết đã chương sình to lớn trôi về phía xuồng. Xác chết nầy cũng lại bị tôm cá tranh nhau tách rỉa từng miếng thịt. Quang cảnh ấy ghi lại trong tâm trí ngài một cách sâu sắc mà hễ sau nầy nhìn thấy cá thịt là ngài không còn dám đụng tới. Từ đó về sau ngài ăn chay trường và lập ý xuất gia học đạo.

Ngài Liễu Thiền được một người bạn học từ nhỏ tên là Tư Nên giới thiệu cho một Ông Lão Tiễn (tức Lão Lê ở chợ Trạm), chùa Vĩnh Nguyên. Từ đó ngài xuất gia, ở chùa tuy không cạo tóc mà đoạn trừ ân ái, ăn chay trường giữ giới sát, tu nhân tích đức, luyện khí dụng công theo lối tu Minh Sư. Sau hơn 20 năm công phu, khổ hạnh khi công hạnh được nhuần nhuyễn thì ngài được điểm đạo trở thành Ông Lão.

Tháng Giêng năm 1933, ngài cùng các vị trong tông môn sang Trung Quốc thọ giới của Phật do Tổ Hiển Kỳ truyền giới. Ngài cùng các bạn lữ được ban pháp danh đều có chữ Tu đứng đầu và chữ Liễu cho pháp hiệu, chính thức nối truyền pháp tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21 sang Việt Nam. Bài kệ pháp danh và pháp hiệu của Ngài Bá Tòng đặt tiếp theo Tổ Trí Giả Đại Sư mà sau nầy chư Tổ y theo mà đặt cho các đệ tử như sau:

Bài kệ pháp danh

 

Chơn truyền chánh thọ

Nhứt thừa đốn quán

Niệm khởi TỊCH NHIÊN

Như thị trí đức

Nhân duyên sanh pháp

Đẳng danh vi hữu

Thanh tịnh phổ biến

Quả huệ đại dụng

Linh nhạc tâm tông

Ấn định cổ kim

TU TÁNH LÃNG CHIẾU

Bổn thể huyền diệu

Lý sự tức không

Trung đạo viên dung

Cảm thông ứng thường

Thật tướng vĩnh phương



Bài kệ pháp hiệu/pháp tự

Đạo giáo diễn dịch

Lập định chỉ yếu

Công thành ĐẾ HIỂN

Vạn tượng hải hiện

Sơ môn ngộ nhập

Kỷ tha ích lợi

Nguyên thâm lưu viễn

Bá thiên chi thế

Tổ đạo đức hoằng

Năng sở dẫn đồng

LIỄU ĐẠT TẮC AN

Thục phân nhị tam

Hóa pháp toại hành

Cứu cực chương minh

Trường diễn kỳ cương

Hằng tác châu thuyền




Theo lời chỉ định của Tổ Hiển Kỳ phái đoàn thọ giới quay về Việt Nam để hoằng truyền tông phái. Trong năm 1933, ngài Liễu Thiền phải lo chu tất cho hai đám tang, một là của Ông Lão Tiễn, vị thầy đầu tiên và kế đến là song thân của Ngài để tròn bổn phận hiếu hạnh với tổ tiên cha mẹ và thầy bạn. Ba tháng sau, ngài nhậm chức trụ trì chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, đây là do sự thỉnh cầu của ông Cả Tiệm. Chùa Tôn Thạnh được khai sáng bởi Tổ Viên Ngộ năm 1807, là ngôi chùa cổ kính được liệt kê vào danh tích văn hóa lịch sử của tỉnh Long An. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời gian lánh nạn chiến tranh đã vào chùa ở một thời gian, ông cảm kích nét thiền vị của thiền môn và sáng tác bài thơ về chùa Tôn Thạnh:

Ngài Liễu Thiền đã sửa sang lại ngôi chùa, chỉnh đốn tông môn, truyền bá tông chỉ Thiên Thai. Năm 1934, sau khi hoàn tất tu bổ chùa Tôn Thạnh, ngài Liễu Thiền đã cung thỉnh chư Hòa Thượng, chư Tôn Đức Tăng quang lâm khai mở Đại Giới Đàn và Khóa An Cư trong ba tháng cấm túc. Đây là Đại Giới Đàn được tổ chức long trọng nhất ở tỉnh Long An, có tới 300 Tăng, Ni và cư sĩ thọ Tỳ Kheo, Bồ Tát Giới và Tam Quy Ngũ Giới trong kỳ nầy. Ngài có thông lệ khai Đại Giới Đàn vào ngày vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm lịch. Song song đó, hằng năm ngài tổ chức các khóa an cư trong ba tháng ở chùa Tôn Thạnh hoặc ở các chùa khác trong tông môn để giảng dạy kinh luật cho đại chúng am tường mà tu học đúng theo lời dạy của Phật. Nhiều người ngưỡng mộ đức hạnh của ngài đã quy đầu xuất gia trở thành những bậc tu sĩ rường cột cho Phật Giáo Việt Nam. Đệ tử Tăng của ngài gồm có 20 vị và đệ tử Ni có 6 vị được mang pháp hiệu bắt đầu với chữ Đạt như Đạt Nhơn, Đạt Hương, Đạt Đức, Đạt Chánh…v.v, trụ trì các chùa có chữ đầu là Pháp như chùa Pháp Quang, Pháp Giới, Pháp Tánh…v.v

Ngoài sứ mạng hoằng pháp trong tông môn, ngài cùng chung với các vị tôn túc tham gia phong trào trấn hưng Phật giáo bằng cách khai mở các trường Hương và Phật học để đào tạo Tăng tài. Mến mộ giới đức tu hành của ngài chư tôn đức cung thỉnh ngài vào ngôi vị thiền chủ hoặc chứng minh sư ở các trường như: Liên Hải Phật Học Đường, Hội Phật Học Nam Việt, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Việt Nam, Phật Học Đường Nam Việt. Khi mở Giới Đàn thì ngài cũng được cung thỉnh vào ngôi vị Tam Sư để truyền trao giới pháp cho giới tử. Ngoài ra, ngài còn là một cộng tác viên viết những bài pháp ngắn cho tờ báo Phật giáo có tên là Quán Âm. Về sự tu hành của bản thân ngài cũng rất mực nghiêm khắc, hằng ngày tụng kinh Pháp Hoa và Kim Cang 3 thời. Ngoài ra ngài ngày ăn không quá Ngọ, không uống sữa bò và không đi xe kéo bằng ngựa nhưng ngược lại chịu đi bộ trên đoạn đường dài tới cả 20 cây số.
  
Kể từ ngày Ngài Liễu Thiền khai hóa chùa Tôn Thạnh, tông phái mỗi ngày một hưng thạnh, chùa chiền mở rộng ở các tỉnh miền Tây Việt Nam. Đại chúng xuất gia và tại gia theo ngài tu học rất đông. Việc đào tạo Tăng, Ni trong các khóa an cư có hiệu quả rất đáng kể. Sự thành lập Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông cũng được khởi ý từ Ngài, do đó ngài cho xây chùa Tổ Bồ Đề làm trụ xứ chính thức, là chỗ quy ngưỡng cho tín đồ của tông phái. Chùa Tôn Thạnh từ khi có ngài về trụ trì, gia công đạo pháp nên ngôi già lam trở thành thánh địa cho chư Tăng Ni, Phật tử trong vùng tu học để tiến đến đạo giải thoát. Hai vị Hòa Thượng Thích Trí Tịnh và Thích Thiện Hòa là bạn đồng lữ, tâm giao thân mật với ngài. Năm nào các ngài cũng về chùa Tôn Thạnh tịnh tu, nghiên cứu kinh điển, hoặc bàn trợ giúp Phật sự với ngài Liễu Thiền. 

Mặc dù đã lớn tuổi ngài vẫn cố gắng trùng tu các ngôi chùa trong tông môn trong đó có Vĩnh Nguyên là chùa của vị thầy đầu tiên của ngài sáng lập. Năm 1956, cảm thấy sức khỏe yếu dần, duyên phần đời người đã hết ngài lần lượt đi một vòng thăm viếng các ngôi chùa, sau đó thì nhóm bịnh nặng và tịnh vào ngày 21 tháng 4, thọ 72 tuổi với 23 hạ lạp Tỳ Kheo. Nhục thân của ngài Liễu Thiền được an táng trong một tháp ở Tổ Đình Bồ Đề.

Năm 1973, Đại Hội Khoáng Đại kỳ I của Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông được thành lập. Đại hội nầy đã củng cố và liên kết các chùa chiền, Tăng Ni trong môn phái thành một tông Thiên Thai thống nhất theo như ý nguyện của các vị tôn túc đi trước đã dày công soi sáng truyền đạt, đặt biệt là tiền đồ của sư cụ Liễu Thiền. Chính vì thế, Đại Hội Khoáng Đại Đầu tiên được tổ chức và tôn vinh vị tông trưởng cho tông phái là Hòa Thượng Thích Đạt Hương. Ngoài ra Ban Trị Sự Trung Ương bao gồm 15 vị cũng được thành lập. Ngoài việc phát triển Phật sự trong tông phái, Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông đã tham gia tích cực trong công cuộc hoằng pháp của tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và các trường Phật Học miền Nam. Công việc giáo dục, văn hóa như bảo trợ Tăng, Ni và học sinh nghèo học đại học cũng được sự chú trọng của tông phái. Về phương diện từ thiện xã hội thì tông phái tham gia tích cực việc cứu trợ các đồng bào bị nạn lũ lụt ở Việt Nam…v.v. Theo thống kê vào thời gian Đại Hội Khoáng Đại thứ nhứt, tổng Tăng số trong tông môn có tất cả là 512 vị, có khoảng 300 vị Ni và hơn 200 vị Tăng. Về phần khai hóa tự viện gồm có 72 chùa trên toàn quốc.

Vào thời điểm hiện tại (2006) chắc chắn những con số và tài liệu sẽ có phần khác biệt sau thời gian trải qua là hơn 30 năm kể từ ngày thành lập Đại Hội Kỳ I. Chúng tôi mong mỏi khi có điều kiện thuận lợi sẽ truy cứu thêm tài liệu của tông phái bên nhà để phần sưu tập nầy được cập nhật. Cốt ý là mong sao cho hàng hậu học chúng ta tường tận nguồn gốc tông môn của mình khi định cư ở một quốc gia khác. 


 

Phần chú thích:

 

  1. Đức Phật giảng thời Phương đẳng trong 8 năm chuyển từ Tiểu thừa sang Đại thừa hay dùng từ khác là Quyền giáo đại thừa. Hai mươi hai năm tiếp Phật thuyết kinh Bát nhã và tám năm sau cùng thuyết kinh Pháp hoa và Niết bàn cho bậc Thượng căn Đại thừa.
  2. Miền nam Trung Quốc thời bấy giờ  được chia làm hai miền. Miền Nam được thống trị bởi bốn triều đại, Tống, Tề, Lương và Trần (317-588). Miền Bắc cũng được thống trị bởi bốn triều đại, Ngụy, Tề, Chu và Tuỳ. Đến đời nhà Tuỳ vua Văn Đế Dương Kiên (589- 619) thống nhất hai miền trở lại một nước Trung Quốc. 
  3. HT Thích Trí Tịnh (1953). Đường về cực lạc. Trang 215
  4. Không quán: xét mọi sự vật đều không có thật tánh, thật tướng. Mọi pháp vốn không. Giả quán: Mọi sự vật vốn vô thường, giả hợp. Trung quán: Pháp quán nầy dung hợp cả hai  pháp quán phi không và phi giả tức là Trung. Quán các pháp vừa là không vừa là giả. Quán như vậy mới thấy được cùng một lần hai phía cạnh. 
  5. Pháp hoa Tam muội: Diệu đế dung hợp tam đế. Sự sáng tỏ phân minh trước mắt, màn vô minh che ngăn lý trung đạo bị phá tan. Trạng thái nầy gọi là Pháp hoa Tam muội và là tên gọi khác của 16 Tam muội được đề cập trong kinh Pháp hoa, phẩm Diệu Âm Bồ tát.
  6. Hurvitz, L (1959). Chih- I (538-597). An introduction to the Life and Ideas of a Chinese Buddhist Monk. Phd Thesis. ColumbiaUniversity. p 116
  7. Hurvitz, L (1959). Chih- I (538-597). An introduction to the Life and Ideas of a Chinese Buddhist Monk. Phd Thesis. Columbia University. p 141
  8. Hurvitz, L (1959). Chih- I (538-597). An introduction to the Life and Ideas of a Chinese Buddhist Monk. Phd Thesis. Columbia University. p 186
  9. Tám giáo: 4 giáo hoá nghi; Đốn, Tiệm,Bí mật và Bất định . 4 giáo hoá pháp; Tạng, Thông, Biệt và Viên.

 





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]