Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kundala Kesa.

09/04/201311:48(Xem: 3678)
Kundala Kesa.


Kundala Kesa (Cô Gái Tóc Quăn) 
Người Phụ Nữ có chồng là tên trộm

Tác giả: Piyadassi Mahathera
Dịch giả: Phạm Kim Khánh

--- o0o ---

Kundalakesa (Tóc Quăn) (1), cũng có tên là Bhadda, là con gái duy nhất của một thương gia giàu có tại Rajagaha (Vương Xá). Nàng xinh đẹp vô cùng, được cha mẹ hết sức tâng tiu và cẩn mật phòng ngừa không để vướng mắc trong những cuộc tình duyên bất hạnh.

Vào lúc bấy giờ, trong thành phố có một chàng thanh niên bị bắt về tội trộm cắp. Lính tuân lịnh vua, trói hai tay phạm nhân lại phía sau lưng và dẫn ra pháp trường, trên đường đi mỗi khi đến một ngã tư thì dùng roi quất. 

Mặc dầu chàng ta chỉ là một tên trộm tham tàn nhưng mặt mày đẹp đẽ và trông dễ mến. Vào lúc ấy Bhadda đang ở trên tầng lầu cao nhất của ngôi nhà sang trọng như đền đài. Nghe tiếng la ó vang rền của đám đông ở phía dưới, nàng tò mò nhìn xuống xuyên qua bức rèm thưa, thấy tên trộm đẹp trai. Trước duyên dáng quyến rũ của tên trộm trai trẻ xinh đẹp nàng đem lòng thương và đắm đuối say mê. Tình yêu và lòng ham muốn đạt cho được chàng trai trẻ quá mạnh đến đổi nàng đi ngay vào phòng, nằm phịch trên giường và từ chối không ăn uống gì cả.

Cha mẹ cô thấy vậy thì lấy làm lo lắng, hỏi thăm vì sao có thái độ lạ lùng bất thường như vậy, cô trả lời: ‘Nếu con có thể có được chàng trai mà lính vua dẫn đi trên đường ngày hôm nay, con sẽ tiếp tục sống; nếu không, ắt con chết.’

Ông cha thất vọng nói: ‘Này con, không nên làm như vậy. Con sẽ có bạn trăm năm xứng đáng hơn là người như vậy, chồng của con phải là một người trong gia đình sang cả, giàu có, môn đăng hộ đối với chúng ta.’

‘Con sẽ không có ai khác,’ người con gái khóc than rên rỉ. ‘Đời chỉ đáng sống nếu con có được người ấy.’

Thấy không thể làm dịu nỗi niềm đau khổ của con, vì tình thương quá sâu đậm đối với người con gái duy nhất, ông cha đành tìm cách lo lót với lính và những nhân viên có nhiệm vụ canh gác tên trộm, vận động để họ thả chàng ra và tráo vào đó một người vô tội, rồi dẫn đến pháp trường hành quyết. Nhưng vua thì vẫn đinh ninh rằng chính thật sự tên trộm bị xử tử.

Hai ông bà làm đám cưới gả con gái duy nhất của mình cho tên trộm ấy. Bhadda rất yêu thương chồng. Nàng chăm lo trang sức vòng vàng đẹp đẽ và tự tay mình chu toàn mọi nhu cầu của chồng. Nhưng tên trộm tham lam lại để ý thèm muốn những món đồ trang sức quý giá và manh tâm định giết vợ để cướp của.

Ngày kia Bhadda thấy chồng buồn bực biếng ăn thì hỏi: ‘Này anh yêu quý, có chi làm buồn phiền anh không, cha mẹ có giận anh không?’ Người chồng đáp: ‘Không đâu, không có việc ấy đâu.’ ‘Vậy chớ có vấn đề gì?’ Bhadda hỏi thêm để tìm hiểu.

Tên trộm giải thích, ‘Câu chuyện ấy là như thế này, vào hôm mà tôi bị dẫn ra ‘Vực Sâu của Những Tên Trộm’ để hành quyết thì tôi có van vái, xin chư thiên ở cái hố sâu ấy cứu mạng, và nguyện nếu được như nguyện sẽ đem lễ vật đến cùng dường các Ngài. Nhờ oai lực của chư vị ấy, tôi đã khỏi chết mà còn được cưới nàng làm vợ.’

Rồi anh ta than, ‘Tôi đang lo nghĩ, giờ đây phải làm thế nào trả lễ để giữ tròn lời nguyện?’

Cô Bhadda trấn an chồng, ‘Này anh yêu quý, không nên lo ngại, hãy bình tĩnh, tôi sẽ lo chuyện ấy.’ Rồi nàng tận tâm sắm sửa đầy đủ lễ vật rồi nói với chồng: ‘Đâu đó đã tươm tất, chúng ta hãy cùng đi.’ Ông chồng muốn nàng trang sức sang trọng với những món nữ trang quý giá nhất. Nàng chiều ý, làm theo như chồng muốn, và cả hai cùng với đoàn tùy tùng tiến về hướng vực sâu. 

Khi đến chân núi, với dụng ý làm cho vợ phải hoàn toàn chịu quyền điều khiển của mình, tên trộm ra lịnh cho tất cả gia đinh hãy trở về nhà, và anh ta nắm tay Bhaddha, hai người trèo lên tận đỉnh núi. Một bên của hòn núi là vực sâu thăm thẳm, và đây là nơi mà người ta hành quyết các tên trộm bằng cách quăng xuống vực. Vì lẽ ấy có tên là ‘Vực Sâu của các Tên Trộm.’

Khi đến đỉnh núi, Bhadda nhắc chồng dâng lễ vật cúng chư thiên. Anh chồng lặng im, đứng không nhúc nhích. Cô vợ khẩn cầu: ‘Này ông chồng yêu quý của tôi, tại sao anh không nói gì hết vậy?’ Anh chồng đáp: ‘Tôi đến đây không phải để tế lễ dâng cúng chi hết. Tôi chỉ phỉnh gạt nàng, chỉ muốn giết nàng để giựt cướp vòng vàng và các đồ trang sức của nàng.’

Kinh hoàng lo sợ và khủng khiếp hãi hùng trước cái chết lủng lẳng trước mắt, nàng nhỏ nhẹ nói: ‘Này anh yêu quý của em, vòng vàng, các đồ trang sức của em và luôn cả em nữa, đều là của anh. Em chỉ là phận tôi đòi, là người nô lệ, chỉ nương tựa nơi anh. Tại sao anh lại nói vậy?’ Tên trộm chỉ một mực nói: ‘Ta sẽ giết ngươi’. Rồi nàng nói: ‘Xin chàng lột hết vòng vàng trang sức rồi cất giữ, và tha mạng cho tôi. Giết tôi mà có lợi ích gì?’

‘Nếu ta tha cho ngươi khỏi chết, ngươi sẽ về thuật lại tự sự cho cha mẹ, và ông bà sẽ giết ta. Thôi, chớ nên than van, không còn cách nào khác đâu, ta quyết định sẽ giết ngươi. Hãy cởi áo choàng ra và lột hết đồ trang sức, bộc vào đó!’, tên trộm ra lịnh một cách tàn nhẫn.

Cô Bhadda không tỏ ra kinh sợ. Không hoảng hốt và bối rối, nàng trầm tĩnh nghĩ thầm: ‘Được rồi, ta sẽ có phương kế để đối phó với tên gian manh này,’ và nói với tên trộm: ‘Này chàng, từ ngày, do lời khẩn cầu của tôi, cha mẹ tôi cứu chàng ra khỏi hoàn cảnh nguy ngập từ trong tay của lính nhà vua, lúc nào tôi cũng hết lòng trông nom chăm sóc chàng một cách trung tín và nhiệt thành. Đây là lần cuối cùng mà tôi có thể gặp chàng.’ Và trong khi nhỏ nhẹ van lơn than vãn như vậy, nàng choàng tay ôm phía trước ngực tên trộm, làm như muốn vói tay kia ôm phía sau, rồi thình lình một tay nắm vai, tay kia ôm eo ếch, thừa lúc tên trộm sơ ý, cô đẩy luôn xuống hố.

Chư thiên ngự trên đồi núi nghi nhận hành vi và phương kế xảo diệu của Cô Gái Tóc Quăn đồng thanh tán dương và hoan hỷ tuyên ngôn:

‘Không phải lúc nào người nam cũng khôn ngoan sáng suốt, hàng phụ nữ cũng vậy, cũng sáng suốt khi họ cần nhanh trí.’

Đức Phật dạy rằng ái dục, bất cứ loại nào và bất luận dưới hình thức nào - dầu là tham ái tài sản hay vòng vàng, hoặc tham ái nhục dục ngũ trần và tình dục - luôn luôn dẫn đến tình trạng suy đồi cùng tột của con người. Lòng tham vàng vòng quá độ đã đưa tên trộm đến cái chết vô cùng thê thảm. Và tính khát khao thèm muốn thỏa mãn nhục dục đã dẫn Bhadda đến một số phận cũng gần như vậy. Chỉ có cách duy nhất là quẳng đi mọi gông cùm xiềng xích của tham ái mà người minh mẫn sáng suốt và bậc trí tuệ có thể vạch con đường của mình hướng về Niết Bàn; và càng sớm ý thức được điều này, càng sớm có thể thành tựu mục tiêu, và những người sớm thức tỉnh như Bhadda quả thật vô cùng hữu phúc.

Khi ấy Bhadda nghiền ngẫm sâu xa về câu chuyện vừa xảy diễn và suy tư: ‘Nếu ta trở về nhà, sẽ bị cha mẹ hạch hỏi. Và nói rằng vì chàng kia muốn giết ta để cướp vòng vàng trang sức nên ta đã làm cho hắn mất mạng, thì sẽ không ai tin lời. Dầu sao ta đã chán ở nhà và không bao giờ còn muốn trở lại đó nữa.’ Nghĩ vậy, Bhadda vứt đi tất cả vòng vàng trang sức và xin gia nhập vào Giáo Hội Niganthas (Jains), các bà mặc áo dài trắng. 

Vì pháp nguyện của cô là thực hành những pháp môn cực kỳ kham khổ, họ nhổ tóc cô với cái lược làm bằng cây kè. Nhưng rồi tóc mọc trở lại quăn rí thành những lọn xoắn nhỏ. Do đó, người ta gọi cô là ‘Kundalakesa’ có nghĩa là tóc quăn.

Cô học thông suốt tất cả những gi thầy dạy, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, tìm đến những vị thầy khác có kiến thức thâm sâu hơn, tu học vững vàng giáo huấn của những vị này và trỏ nên cao kiến và tài năng. 

Dầu sao, khi cảm thấy rằng trong những cuộc tranh luận không ai có thể sánh bằng mình, cô đi đó đây, tay cầm cành trâm. Khi có người đến mở cuộc tranh luận và nàng nêu lên những câu hỏi thì không ai dám tranh tài với nàng. Họ ra đi và than rằng: ‘Vị tu nữ với cành trâm lại đến.’

Cô có thói quen cặm cành trâm của mình trên gò trước một cổng làng hay cổng ra vào của một thị trấn, rồi thách đố: ‘Bất cứ ai có khả năng tranh tài biện luận với tôi, xin hãy nhổ cành trâm này lên và giậm chân trên đó.’ Không ai dám đến gần cành trâm. Không ai có thể thắng nàng trong một cuộc tranh luận. Sau một tuần cành trâm vẫn còn đó, cô nhổ lên và đi nơi khác. Khi cành này héo thì bẻ một cành tươi khác.

Ngày nọ cô Bhaddha đến thành Savatthi (Xá Vệ), đặt cành trâm trước cổng thành, và để đó đi trì bình. Vào lúc bấy giờ Đức Bổn Sư đang ngự tại Tịnh Xá Jeta (Kỳ Viên). 

Một trong những vị đại đệ tử của Ngài, Đức Trưởng Lão Sariputta, vị Thủ Lãnh Giáo Pháp - Dhamma Senapati, như người ta thường tôn Ngài - nhìn thấy cành trâm, hỏi trẻ con nơi ấy tại sao có ai cặm nhánh cây trâm trước cổng thành như vậy. Mấy em nhỏ giải thích lý do. Nghe vậy, Ngài Sariputta bảo các em: ‘Nếu vậy các con hãy nhổ cành trâm lên và giậm chân trên đó,’ và các em làm y, vừa la ó và đá cát bụi văng tung theo cách trẻ con. Khi cô nữ tu sĩ tóc quăn trở về hỏi trẻ nhỏ ai giậm chân trên cành trâm. Biết được rằng vị Trưởng Lão bảo trẻ con làm vậy, cô bạch với Đức Sariputta: ‘Bạch Thầy (Bhante), Thầy có bảo trẻ con giậm chân lên cành trâm của tôi không?’ Đức Sariputta đáp: ‘Đúng vậy, chính bần tăng bảo.’ ‘Nếu vậy, chúng ta hãy tranh luận,’ cô tu nữ đề nghị. Vị Trưởng Lão đồng ý. Cô nêu lên tất cả những câu hỏi của cô và được Ngài Sariputta giải đáp thỏa đáng.

Đến lúc không còn câu nào để hỏi nữa, cô lặng thinh. Chừng đó vị Trưởng Lão nói: ‘Cô đã nêu lên rất nhiều câu hỏi và bần tăng đã giải đáp tất cả, giờ đây bần tăng xin hỏi lại chỉ một câu thôi.’ Cô gái thưa: ‘Bạch Thầy, xin Thầy hỏi. Ngài Sariputta hỏi: ‘Ngày cô nữ tu sĩ, Một là gì? (2)’. Cô tu nữ hoàn toàn lúng túng và bối rối nói: ‘Bạch Thầy, con không biết.’ 

Rồi Ngài dạy nàng Giáo Pháp, và cô mê mệt lắng nghe. Khi Ngài dứt lời, cô tu nữ tóc quăn quỳ xuống chân, khấu đầu đảnh lễ và xin quy y với Ngài. Đại Đức Sariputta khuyên nên về chùa quy y với Đức Bổn Sư, và Ngài giao nàng lại cho chư ni trong Ni Bộ. Sau đó nàng gia nhập vào Giáo Hội chư Tỳ Khưu Ni. Nhờ tinh tấn hành thiền - thiền vắng lặng và minh sát (samatha - vipassana) bà chứng đắc đạo quả A La Hán, tầng thánh cuối cùng, với bốn patisambhida (3), tri kiến phân tách.

Chư tăng hôm ấy tụ hội tại giảng đường, thảo luận về diễn biến này: ‘Kundalakesa đã chiến đấu trong một trận thư hùng dữ dội với tên trộm. Vậy mà được xuất gia, và chỉ có nghe một ít Giáo Pháp, đã đắc Quả A La Hán.’ Lúc ấy, Đức Phật bước vào giảng đường, nghe chư tăng bàn thảo như vậy thì nói: ‘Này chư tỳ khưu, chớ nên đo lường Giáo Pháp mà Như Lai truyền dạy, nói rằng ‘ít’ hay ‘nhiều’. Một câu đúng theo Giáo Pháp còn quý giá hơn nhiều cả khối chữ vô nghĩa lý. Khắc phục những tên trộm khác không phải là chiến đấu, nhưng người chiến thắng những tên trộm bên trong mình, tức những ô nhiễm của mình, mới rõ ràng là chiến thắng vẻ vang.’ Lại nữa Đức Phật dạy:

‘Ta có thể nói cả trăm câu - mà chỉ tổng hợp những chữ vô nghĩa lý. Nhưng chỉ giản dị một câu mà người nghe trở nên an lạc và thanh bình thì còn hơn tất cả’.

‘Dầu khắc phục và chiến thắng ở chiến trường

Hằng ngàn người, cả ngàn lần,

Tuy nhiên, tực khắc phục và tự chiến thắng mình

Là chiến thắng vẻ vang nhất.’ (4).

Chú thích:

(1). Cũng được gọi là Kundalakesi, Dhammapada Attahakatha (chú giải), Quyển II, trang 217.

(2). Câu trả lời là: ‘Tất cả chúng sanh đều sống nhờ vật thực’. Để có thêm chi tiết, xem The Book of Protection, Piyadassi Thera, Kandy: BPS, trang 25.

(3). Sự hiểu biết có tánh cách phân tích về: i. ý nghĩa (attha), ii. kinh điển (dhamma), iii. ngữ nguyên (nirutti) và iv. thông hiểu rõ ràng ba điểm trên.

(4). Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 102-103.

Trích theo quyển ‘Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện’, do Phạm Kim Khánh dịch, Sài Gòn, Việt Nam, 1996. (Nguyên tác: ‘The Spectrum of Buddhism’ của tác giả Piyadassi Mahathera).


-- o0o --


Vi tính : Diệu Anh Quỳnh Trâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 3657)
Vào lúc hoàng hôn, vầng thái dương dần dần đắm chìm xuống chân trời ở Phương Tây. Ánh sáng của mặt trăng rằm từ từ ló dạng ở Phương Đông. Ngày đã chấm dứt, và màn đêm bắt đầu phủ xuống. Vào lúc bấy giờ vị đạo sĩ ẩn dật tên Upagupta, đệ tử của Đức Phật, rời xa liêu cốc của mình, an nghỉ bên cạnh một con đường đầy cát bụi, dưới vòm trời mịt mờ u tịch, gần vách thành của thị trấn Mathura, Ấn Độ
08/04/2013(Xem: 3481)
Ngày nay, người phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số nước ta, cũng như trên thế giới. Chẳng những đông về số lượng, người phụ nữ còn giữ nhiều vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc gia hoặc quốc tế. Có thể nói song song với nhịp tiến hóa của nhân loại, người phụ nữ ngày nay đã thăng hoa tri thức và tài năng trong nhiều lãnh vực khác nhau.
08/04/2013(Xem: 3222)
Phật giáo được du nhập vào Hàn Quốc đến nay hơn 1.600 năm, nhưng lịch sử của Phật giáo Hàn Quốc lại không có nhiều ghi nhận về hoạt động của Ni giới. Thật ra ở Hàn Quốc, Ni giới đã có công lớn trong việc truyền bá Phật pháp ở những giai đoạn đầu của lịch sử. Qua các thời đại Tam kinh (37 trước Tây lịch - 668 sau Tây lịch), Silla Thống nhất (668-935), Goryeo (còn gọi Goh Ryur hoặc Koryo, 918-1392), Joreon (còn gọi Joh Surn hoặc Choson 1392-1910) và thời hiện đại ngày nay, Phật giáo tiếp tục được duy trì và phát triển. Tùy địa phương khác nhau mà vị trí, vai trò và sự biểu hiện của Ni giới trong Phật giáo cũng đa dạng tùy duyên.
08/04/2013(Xem: 3324)
Giới học giả đã bỏ ra không ít thời gian và giấy mực để bàn về chuyện bình đẳng hay không bình đẳng giữa Tăng và Ni với những giới luật chênh lệch từ thời đức Phật. Nhận thấy đây là vấn đề hay nên tôi cũng thường lưu tâm khi có những ý kiến mới ...
08/04/2013(Xem: 3749)
Khi Đức Phật Siddhattha Gotarna (Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm) thị hiện ở Ấn Độ cách nay hơn 2,500 năm về trước, người phụ nữ có một địa vị rất thấp kém và đê hèn trong xã hội Ấn Độ. Vào thời bấy giờ, trong phần còn lại của thế giới văn minh, trải dài từ Trung Hoa đến Hy Lạp, vị trí của người phụ nữ vẫn khiêm nhường và hạ cấp. Ngày nay, cùng khắp nơi ai ai cũng nhìn nhận rằng Đức Phật là người đã sáng lập một tôn giáo được truyền bá sâu rộng trên thế gian, phổ cập đến những hang cùng hóc hẻm của quả địa cầu, đã ban truyền một triết lý huy hoàng và vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng loài người.
08/04/2013(Xem: 4771)
Ngôi tự viện nằm phía Đông thành Savatthi là do bà Visakha, vị nữ thí chủ nhiệt thành của Đức Phật, dâng cúng. Bà được Đức Phật ngợi khen là đứng hàng đầu các bà tín nữ. Nhưng hơn nữa, câu chuyện sau đây của bà Visakha và những lời dạy bảo của ông cha bà cho thấy rằng vào thời bấy giờ người ta đối xử rất nghiêm khắc đối với hàng phụ nữ. Mặc dầu thái độ gắt gao đối với nữ giới và mặc dầu cuộc sống của người phụ nữ có rất nhiều giới hạn, nhờ đức tin dũng mãnh nơi Giáo Huấn của Đức Phật, bà Visakha đã có khả năng vượt lên trên những giới hạn ấy.
08/04/2013(Xem: 7240)
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
08/04/2013(Xem: 15238)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
01/04/2013(Xem: 6166)
“ Đức Phật dạy chư tỳ kheo có bổn phận suy xét hằng ngày 4 điều: Ân đức Phật, rãi tâm từ, niệm sự chết và quán bất tịnh!”. Hành giả cần phải: Hành 14 giờ chính thức mỗi ngày bằng thiền, trong tư thế ngồi và đi ...
02/08/2012(Xem: 13689)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567