Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

13/05/201319:38(Xem: 7556)
Phần 2



Những Nét Văn Hóa Của Ðạo Phật

Trung Tâm Văn Hóa – Chùa Việt Nam

TT. Thích Phụng Sơn

---o0o---

Phần 2

7.Thiền Và Võ Ðạo

Theo lịch sử Thiền Tông, vào năm 520 Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) vị tổ thứ 28 của thiền Ấn Ðộ và là vị sơ tổ của Thiền Ðông Ðộ đã vượt biển đến Trung Hoa. Cuộc hải trình kéo dài ba năm và lúc đó Ngài đã 80 tuổi. Lúc cập bến miền nam Trung Hoa, Ngài đã giảng về yếu lý thiền Tông cho Lương Vũ Ðế. Vì nhà vua không nắm được ý chỉ thiền, Bồ Ðề Ðạt Ma bèn rời khỏi nước ngụy, vân du đến đỉnh Thiếu Thất của ngọn Tùng Sơn, ngồi quay mặt vào vách chín năm. Sau đó Thiền Tông Trung Hoa đã khai hoa kết trái.


09netv16

Về phương diện võ học, tương truyền Bồ Ðề Ðạt Ma, dù tuổi đã ngoài bát tuần, đã dạy võ công cho đệ tử ở chùa Thiếu Lâm về nội công và ngoại công. Nhờ đó có thể họ trở nên mạnh mẽ hơn, tinh thần tỉnh thức hơn sau những giờ tham thiền bất động. Nhiều sách võ thuật được cho là của Bồ Ðề Ðạt Ma biên soạn như quyển Dịch Cân Kinh cùng các tác phẩm về nội công tâm pháp. Và cũng theo truyền thuyết, nhờ có sự phối hợp giữa Thiền và võ công nên phái Thiếu Lâm một thời được đề cao là Võ Lâm Bắc Ðẩu. Tiếp đến đời nhà Tống, Trương Tam Phong một vị lào sư hào kiệt, xuất thân từ Thiếu Lâm Tự, sáng chế ra Thái cực Quyền, chú trọng nhiều đến sự điều hòa hơi thở và để cho các luồng chân khí trong cơ thể lưu chuyển tự nhiên, trở thành trưởng môn phái Võ Ðang. Dù các câu chuyện võ thuật Trung Hoa nói trên nhuốm màu thần bí, trên thực tế thiền đã nâng cao ngành võ lên hàng đạo, Võ Ðạo.

Vào thế kỷ thứ 13, có sự trùng hợp đặc biệt là Thiền Tông đã hưng thạnh ở Việt Nam và Nhật Bản khi hai quốc gia nhỏ bé này đánh tan đạo quân xâm lăng hung mạnh của đế quốc Mông Cổ. Ðế quốc này đã chinh phục và cai trị một giải đất mênh mông chạy dài từ Á sang Âu, có một đạo quân sức mạnh vô địch và rất tàn bạo.

Nhật Bản, nhờ vị trí bao bọc bốn bề bởi đại dương, nên ngoài yếu tố can trường và chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, những cơn bão lớn mà người Nhật tôn xưng là Thần Phong (Kamikaze) đã làm cho chiến thuyền Mông Cổ tan nát khi tiến đến bờ biển Nhật Bản để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ ồ ạt. Nhờ đó mà cán cân lực lượng đã bị lệch hẳn và số quân Mông Cổ còn lại nếm mùi thảm hại trước các chiến sĩ can trường xứ Phù Tang.

Ở Việt Nam, quân đội Mông Cổ có nhiều lợi điểm hơn vì họ có thể xử dụng chiến thuật cố hửu với kỵ binh và bộ binh. Với đạo quân bách chiến bách thắng họ đã tràn xuống chiếm thủ đô Thăng Long. Nhưng ba lần xâm lăng, ba lần họ đã gặp phải một lực lượng đối kháng mãnh liệt, với sự điều động uyển chuyển và với sự hợp nhất ý chí quyết tâm bảo vệ xứ sở từ vua quan đến quân dân. Do đó, ba lần xâm chiếm Việt Nam, ba lần quân Mông Cổ thảm bại đến nỗi thái tử Mông Cổ Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để cho bộ hạ kéo chạy trốn mới thoát nạn. Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị đại tướng trực tiếp điều động các đạo quân chiến đấu. Ngài là một vị dũng tướng đầy thao lược nhưng cũng đầy lòng hỷ xả của một thiền gia: không để tâm thù hận riêng tư (sự xích mích giữa hai gia đình của thân sinh Hưng Ðdạo Vương và vua Trần Thái Tông do sự vụng về của Trần Thử Ðộ gây ra) đặt sự an nguy và tồn vong của quốc gia xã tắc cùng tôn trọng hạnh phúc của người dân trên mọi hận thù cá nhân nhỏ bé. Nhân cách và tài năng siêu việt của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phản ảnh qua cách xử thế tiếp vật khi an cũng như lúc nguy của Ngài. Các tác phẩm về chiến thuật, chiến lược, bài hịch tướng sĩ, các bài văn thơ cũng như cách sống lúc còn nắm giữ binh quyền hay những năm tuổi già sống cuộc đời một bậc trưởng lão đạt đạo nơi chốn điền trang, phản chiếu hình ảnh của một người chín mùi nếp sống giải thoát, dù lúc còn đang xông pha trước làn tên mũi đạn hay lúc an cư chốn điền trang.

Nhưng trên hết, người đã biết cổ động sự nức lòng kháng giặc, sự đoàn kết keo sơn, sự nổ lực xả thân cho đất nước của các tướng lãnh, binh sĩ và dân chúng khắp nơi là vua Trần Nhân Tông. Sứ Thần Ngô Sĩ Liên đã ca tụng nhà vua như sau:

“Vua được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần tuý, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên Ðồng Tử, ở vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cán đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi năm năm, xuất gia tám năm, thọ 51 tuổi, băng ở Am Ngọa Vân núi Yên Tử. Hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước thực là vua hiền của đời Trần.”

Từ nhỏ vua đã có ý nhường ngôi cho em mà đi tu nhưng chuyện đi trốn bất thành. Sau đó, tuy ngồi trên ngôi báu trị vì trăm họ nhưng không lúc nào xao lãng chuyện tu học. Nhà vua thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy. Tuệ Trung là một vị thiền sư cư sĩ, anh cả của Ðức Trần Hưng Ðạo, Tuệ Trung Thượng Sĩ được vua Trần Thánh Tông ký thác con là vua Nhân Tông cho ông dạy dỗ. Về mặt tinh thần, ông cũng là người hỗ trợ thượng Hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông trong việc chống quân Mông Cổ xâm lăng.

Sau khi đã làm xong nhiệm vụ của một ông vua thời chiến, một người lãnh đạo thương yêu trăm họ thời thái bình thịnh trị, một người cha nhân từ và sáng suốt đối với con cái, một người con hiếu thảo với cha mẹ (Mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã kính phục: “Nhân Tông trên thờ Từ Cung tỏ ra hiếu đạo, dưới dùng người hiền lập ra võ công, nếu không phải là bậc nhân minh anh vũ thì sao được như thế”), cuối cùng đã rời bỏ cung vàng điện ngọc, sống cuộc đời của một thiền sư khổ hạnh, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Ðầu Ðà, đi chân đất, ăn mỗi ngày một bữa, nỗ lực tu tập để thâm nhập chân lý không thể nắm bắt được bằng khái niệm, bằng chữ nghĩa.

Ðối chiếu với lịch sử các triều đại những dân tộc khác, dân tộc Việt Nam có thể tự hào chưa có một ông vua nào có được lòng thương yêu dân chúng tràn đầy, sự dũng mãnh và sáng suốt vô cùng, và cuối cùng, qua con đường thiền đạo tu tập, đã chứng nghiệm sở đắc tâm linh cao vút. Với đầy đủ lòng thương yêu rộng lớn và sự hiểu biết chân thật nên nhà vua, trong đời sống đạo hạnh gương mẫu của nhà sư, đã không nài khó nhọc đi khắp nơi trong nước chỉnh đốn lại các phong tục tập quán. Sách Tam Tổ Thực Lục ghi năm 1304 Trúc Lâm Thiền Sư “Ði khắp mọi nơi thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý làm mười điều thiện.”

Ngoài ra, Ngài còn nhìn xa hơn trong việc thực hiện hạnh phúc cho dân tộc và thịnh vượng quốc gia nên đích thân Ngài đi sang thăm vua Chiêm Thành là Chế Mân. Ðể kết tình hòa hiếu giữa hai dân tộc Chiêm Việt đã nhiều lần tranh chấp nhau, Ngài hứa gả con gái mình là Ngọc Hân Công Chúa cho vua Chiêm Thành, một vị vua anh hùng của dân tộc Chiêm. Tiếc thay, sau khi Ngài qua đời, những diễn biến bên trong triều đình Chiêm và Việt đã đưa đến những cuộc chiến tranh làm cho hai dân tộc suy yếu và nhà Trần kiệt quệ dần.

Trong những năm cuối đời ngài, Thiền Sư Trúc Lâm đã dồn nỗ lực đào tạo một thế hệ xuất sắc về đức và trí đễ nối tiếp dòng thiền Trúc Lâm. Sách Tam Tổ Thực Lục kể lại những ngày cuối của ông vua thiền sư nàỵ

“Năm Mậu Thân (1308) ngày 1 tháng 11, đúng nửa đêm (trên ngọn núi Ngọa Vân), Ðiều Ngự (Trúc Lâm) hỏi: “Bây giờ là giờ gì?” Bảo Sát (Ðệ tử của ngài) thưa: “Giờ Tý”. Ðiều Ngự đưa tay ra hiệu mở cửa sổ để nhìn ra ngoài, nói: “Ðến giờ ta đi rồi vậy.”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu bây giờ?”. Ðiều Ngự nói:

“Mọi pháp đều không sinh

Mọi pháp đều không diệt

Nếu hiểu được như thế

Chân lý thường hiện tiền

Chẳng đi cũng chẳng lại”

(Nhất Hạnh dịch)

Nói khác đi, mọi hiện tượng kể cả đời sống của con người đều do nhiều thứ hợp lại. Khi thuận duyên thì những thứ riêng biệt kết lại thành một sự vật nào đó. Khi hết duyên thì các yếu tố kết hợp đó chia lìa. Như thế, không có cái gì sanh ra mà chẳng có cái gì bị diệt đi. Khi chúng ta quay về với tâm chân thật thì thấy rõ, kinh nghiệm rõ ràng về trạng thái bất sanh bất diệt, chẳng đến chẳng đi đó.

I. Hỗn Tục Hòa Quang

Thân sống trong cuộc đời nhưng lòng lúc nào cũng chan hòa ánh sáng đó là điều vua Nhân Tông thường dạy bảo cho đám môn sinh vì chính mình đã thực hiện được điều ấy. Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng ta “Cư trần lạc đạo”: Vui đạo giữa trần thế.

Vui đạo giữa trần thế là sống an vui trong chính hoàn cảnh mình đang sinh sống. Một thầy tu, một cư sĩ, một ông vua, một người dân, một người cha, một người mẹ, con cái, công tư chức, công nhân, chủ nhân, binh sĩ, sĩ quan, v.v… đều đang sống trong cuộc đời và cùng đóng góp vào trong sự duy trì và phát triển đời sống chung. Mỗi người tuy có những sinh hoạt, suy nghĩ, vị trí xã hội, hoàn cảnh cá nhân và gia đình khác nhau nhưng ai cũng muốn sống tràn đầy an vui. Niềm an vui đó vốn có sẵn trong ta mà ta không biết đến. Khi chúng ta để lòng mình thoải mái, buông xả mọi sự trách móc giận hờn, để cho tình thương yêu tự nhiên chỗi dậy thì lòng ta lập tức sạch trong, tâm ta lập tức rỗng lặng rộng lớn bao la, trí óc ta lập tức tươi mát linh động. Chỉ cần buông xả các ý tưởng mình là sang hay hèn, giỏi hay dở, cao quý hay hèn kém, tốt hay xấu, chỉ cần để lòng mình thoải mái an ổn trong sự thấy biết yên lặng chói sáng khi những ý tưởng đối nghịch, những xúc cảm khuấy đảo chổi dậy thì tâm ta chỉ là một khối tươi mát rỗng lặng bao la, linh động vô cùng. Những ý tửng như ưa ghét, thân thù, khơi dậy những vui buồn, sướng khổ như những đám mây bay qua bầu trời rộng lớn rồi tan biến vào vũ trụ mênh mông.

Tâm rỗng lặng rộng lớn đó là tâm không “tạp niệm”, là trạng thái vô ngã hay là vô tâm mà Ngài Lục Tổ Huệ Năng gọi là tâm vô niệm, mà kinh Kim Cang nói đó là cái tâm không dính mắc vào cái gì cả. Trong cái tâm bao la rỗng lặng ấy, tùy người, tùy lúc mà các trạng thái tâm linh xuất hiện. Trong lòng ông thầy tu thì tràn đầy tình thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật, suối nguồn của dòng hạnh phúc kỳ diệu ngất ngây không chủ thể đối tượng. Nơi một người cầm quyền, một người công chức là sự sáng suốt, ngay thẳng, thành thật và lòng mong muốn đem lại sự vui vẽ và tốt đẹp cho đời sống người dân. Nơi một vị tướng lãnh, sĩ quan, quân nhân là sự dũng cảm, sự không sợ hãi, lòng xem thường gian khổ, sinh hoạt thoải mái trong các hoàn cảnh khó khăn và hy sinh cho sự an vui của đồng bào. Nơi một người chồng là lòng thương mến vợ con, nơi người con là lòng hiếu thảo với cha mẹ, v.v…

Như thế, cái “vô tâm” ấy vốn không có thể nhìn thấy hay cảm nhận được như luôn luôn tràn đầy nơi mỗi chúng ta từng giây phút, rỗng lặng và an nhiên tự tại nhưng chứa đựng mọi thứ mà chẳng chút dính mắc, yên tĩnh trầm lặng nhưng chiếu sáng linh động và uyển chuyển vô cùng. Ðó chính là Phật tánh, con người chân thật bất diệt của chúng ta.

II. Tâm Bất Ðộng

Trong Võ Ðạo, tâm không dính mắc ấy là điều các chiến sĩ luôn luôn mong đạt đến. Khi an trú trong tâm rỗng lặng hay ở trong trạng thái “Vô tâm” thì các ý tưởng (Tạp niệm) như muốn chiến thắng - sợ thất bại, sống-chết, ưa-ghét, tự tôn-tự ti không còn khuấy nhiễu nữa. Ðó là trạng thái mà thiền gọi là Tâm Bất Ðộng hay Trí Bất Ðộng. Chúng ta hãy nghe thiền sư Trạch Am (Takuan 1573-1645) dạy cho đệ tử là kiếm sư Yasyu Tajima-no-Kami, một bậc thầy dạy kiếm cho các vị tướng quân (Shogun) Nhật Bản về kiếm đạo:

“Ðiều hệ trọng nhất trong nghệ thuật đấu kiếm là phải có một thái độ gọi là “trí bất động”. Trí đó được thành tựu bằng trực giác sau nhiều huyên tập thực sự. “Bất động” không có nghĩa là cứng đơ, nặng trịch và vô hồn như gỗ như đá. Bất động là trình độ cao nhất của động với một tâm điểm không hề giao động. Rồi tâm mới đạt được cao đìểm mẫn tiệp tuyệt đối sẵn sàng hướng sự chú tâm của nó vào bất cứ nơi nào cần thiết - hướng sang trái, sang phải, hướng tới mọi chiều hướng tùy sở thích. Khi sự chú tâm của con bị lôi cuốn và bị điều động bởi ngọn kiếm tấn công của địch thủ, con mất cơ hội đầu tiên để tạo ra vận động kế tiếp cho chính mình. Con lưỡng lự, suy nghĩ, và một phút đắn đo diễn ra, địch thủ đã sẵn sàng đánh con ngã gục. Ðừng để cho y có dịp may nào như thế. Con phải theo dõi sự vận động của ngọn kiếm trong tay địch thủ, giữ tâm trí thong dong theo sự phản kích của chính nó, đừng để tâm niệm đắn đo chen vào. Con chuyển động khi đối phương chuyển động, và do thế mà khuất phục được y.

“Ðiều đó - điều mà người ta có thể gọi là tâm trạng không tạp niệm – là yếu tố sinh tử nhất trong nghệ thuật đấu kiếm cũng như trong Thiền. Nếu có một chút gián tạp giữa hai hành vi dù chỉ cách nhau bằng một sợi lông, đấy là tạp niệm. Khi hai bàn tay cùng vỗ, tiếng trổi lên ngay không chút lưỡng lự. Tiếng không đợi suy nghĩ đã rồi mới phát. Ở đây không trung gian, vận động này nối tiếp với vận động khác không bị gián đoạn bởi tâm niệm cố ý.”

“Nếu con bị giao động và đắn đo rằng phải làm gì khi đối phương sắp hạ con, thì con đã chừa dịp cho y, nghĩa là một dịp may cho một đòn sinh tử. Cứ thủ theo thế công đừng khoảnh khắc gián đoạn, công và thủ không rời nhau gang tấc. Tính cách trực khởi của hành động đó nơi con, nhất định cuối cùng sẽ hạ được đối thủ. Cũng như xuôi dòng nước mà đẩy con thuyền nhẹ trôi đi; trong thiền, cũng như trong thuật đấu kiếm, tâm không do dự, không gián đoạn, không gián tạp, được đánh giá cao.”

09netv17

“Trong Thiền, người ta thường ưa nói tới một làn chớp hay những đóm lửa lòe lên từ hai viên đá mồi lửa. Nếu hiểu sự kiện đó có nghĩa là mau lẹ, thế là đã hiểu lầm nghiêm trọng. Quan niệm này muốn nói tới tính cách trực khởi của hành động, một dòng vận động không gián đoạn của sinh lực. Hễ lúc nào có gián đoạn, xao lãng, chắc chắn con mất thế thượng phong. Ðiều đó đương nhiên không có nghĩa rằng phải hành sự một cách nhanh nhẹn hết sức. Nếu có ý muốn như thế, tức là đã có gián đoạn, xao lãng, chắc chắn con mất thế thượng phong. Ðiều đó đương nhiên không có nghĩa rằng con phải hành sự nhanh nhẹn hết sức. Nếu có ý muốn như thế, tức là có gián đoạn, xao lãng. Khi có người hỏi: “Thực tại cứu cánh là gì?” bậc thầy trả lời tức khắc không đắn đo: “Một cành mai”, hay “Cây bách trước sân”. Ðó là bất động, nhưng động tùy ứng với những gì hiện diện trước nó. Gương trí huệ phải chiếu chúng từng khoảnh khắc cái này nối tiếp cái kia, tất cả an nhiên không rối loạn. Tay kiếm khách phải bồi dưỡng điều này.” (Tuệ Sỹ dịch)

III. Chiến Thắng Mà Không Nói Ðến Võ Công

Vua Trần Thái Tông đã oanh liệt lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống quân mông cổ. Tuy vậy, ngài chỉ chú trọng đến Phật học và thực hành quán chiếu trong đời sống hàng ngày. Các tác phẫm của ngài phản ảnh đời sống tâm linh trong sáng đó gồm có những quyển như Thiền Lâm Chuyết Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập và Tăng Già Toái Sự. Những tác phẩm này gồm có những bài kệ tụng, những thiền ngữ, những phần vấn đáp giữa Trúc Lâm và môn đệ học thiền, cùng những bài thơ tỏa ra tinh thần giải thoát. Có điểm đặc biệt là ngài không đả động gì đến chuyện võ công hiển hách cũng như sự ứng dụng tinh thần thiền vào việc chiến đấu, dù ngài đã lãnh đạo và chiến thắng những cuộc ngoại xâm một cách rực rỡ. Ðiều ấy thật khác xa với một số các vị thiền sư Nhật Bản khi hướng dẫn môn đệ là những chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc trong đó có Bắc Diều Thời Tông (Hojo Tokimune), vị tướng quan đã điều động cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lăng, oanh liệt chiến thắng đạo quân hung dữ này khi họ đổ bộ lên bờ biển phía tây nước Nhật vào thế kỷ thứ mười ba. Do đó, khi nói đến thiền và vũ thuật, chúng ta nên tìm hiểu sự phát triển thiền tại nước này.

Khi nói về Thiền Tông, người Tây Phương nghĩ ngay đến Nhật Bản vì khi Thiền Tông bị tiêu mòn sinh khí ở Trung Hoa, Ðại Hàn và Việt Nam thì Thiền Tông đã phát triển ở Nhật Bản và ảnh hưởng sâu rộng đến các sinh hoạt vũ thuật, văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc và kịch nghệ. Có một điểm đặc biệt là Thiền Tông là một hệ phái Phật giáo, dù theo tông phái nào, người tín đồ Phật giáo cũng tránh xa sự tranh chấp và chiến đấu, tại sao tại Nhật Bản cũng như Việt Nam thời nhà Trần, thiền được giới chiến sĩ - mà ở Nhật gọi là giai cấp võ sĩ đạo – ưa chuộng?

Các chiến sĩ có nhu cầu học thiền vì hai lý do: Thiền chủ trương luôn sống trong hiện tại. Cái hiện tại đó không phải là sự trống rỗng lạnh lùng mà tràn đầy sự tỉnh thức chiếu diệu. Trong sự tỉnh thức chiếu sáng ấy lòng ta thấy an ổn, tự tại và thoải mái. Người sống với hiện tại tràn đầy như thế thì không ngoái cổ nhìn lại quá khứ để hối tiếc cũng không mơ tưởng tương lai để mong chờ. Thực tại tối thượng luôn luôn là bây giờ và nơi đây trong từng giây từng phút tràn đầy niềm trong sáng tĩnh lặng. Tâm giác ngộ rỗng lặng và bất động, nhưng uyển chuyển và bén nhạy vô cùng.

Lý do thứ hai là về phương diện lý thuyết và kinh nghiệm thật sự tâm linh, thiền không phân biệt sống và chết thành hai trạng thái đối nghịch: Khi tâm bất động, ở vào trạng thái định, thì mọi sự phân biệt đều tự chúng tan biến cho nên mọi sự sợ hãi đều tự chúng tiêu trừ.

Do đó khi ứng dụng thiền vào đời sống hàng ngày, người chiến sĩ khi tuốt gươm ra trận thì không còn ngoái cổ lại, không còn bị phân tâm khi đối diện với sự sống chết, chỉ còn một con đường tiến tới như một vị thiền sư kiếm sĩ Cung Bổn Vũ Tàng (Miyamoto Mushashi) đã nói:

“Dưới lưỡi kiếm đưa cao

Dù gặp địa ngục

Hãy tiến bước

Cực lạc là đây”

Cực lạc lúc nào cũng bây giờ và nơi đây.

Ðó là một điều cần thiết cho người chiến sĩ khi họ cần có một chỗ nương tựa tinh thần và thiền cho họ điều ấy cũng như cung ứng cho họ một triết lý giản dị cho đời sống vào sanh ra tử, luôn luôn phải đối diện với những bất trắc, tận trung với cấp trên, coi thường sự đau khổ cá nhân, bình thản trước mọi biến chuyển của cuộc đời… Thiền không những cống hiến cho họ một triết lý giản dị về ý nghĩa cuộc sống mà còn giúp cho họ một phương pháp huấn luyện tâm linh để thâm nhập vào thể tánh của niềm an bình tịch lặng và sự bất động của tâm trước mọi biến động trong thời buổi chiến tranh. Những vị thiền sư lớn tuổi, trưởng thành rong đời sống tâm linh và đạo hạnh, xa lánh chuyện công danh lại là chốn nương tựa tâm linh của những chiến sĩ trẻ trung gan dạ, đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống hào hung nhưng cũng mong manh như những cánh hoa Anh Ðào rực rỡ mùa xuân.

Phương pháp hành thiền thì thật giản dị, trực tiếp, không nương tựa vào ngôn tự, chỉ trông cậy vào nỗ lực chính mình để nguồn tâm tự nó yên tĩnh và chiếu sáng, cái ngã nhỏ bé với các bệnh hoạn của nó tự tan biến đi. Lúc đó ta nắm đưọc thực tại trong đội tay trần: nắm bắt cái không thể nắm bắt được qua sự buông xả tuyệt đối. Thiền sinh chỉ nghe lời hướng dẫn của vị thầy, không cần nghiên cứu sách vỡ, tầm chương trích cú, sao lục kinh điển. Những lời hướng dẫn của bậc thầy cho môn đệ thì rất linh động, tùy theo tâm trạng, nỗ lực, mức độ tỉnh thức của mỗi nguời mà chỉ dẫn một cách trực tiếp và giản dị. Những cuộc hỏi đáp giữa thầy trò là Lưu Ðàm, nói trôi chảy tự nhiên như giòng sông trong sáng thảnh thơi để giúp họ đạt được trạng thái chiếu sáng trong tĩnh lặng hay Mặc Chiếu.

Thiền sinh không còn chỗ nào để bám víu vào vì tất cả các khái niệm đều bị đập tan và chỉ còn cách là trông cậy vào nỗ lực không ngừng nghĩ nơi chính bản thân mình. Khi thâm nhập vào thể tánh uyên nguyên, khi uống được ngụm nước đầu nguồn của dòng suối tâm linh thì thiền sinh trực tiếp kinh nghiệm, sống với sự rỗng lặng, chói sáng, linh động, uyển chuyển mà trưóc đây chỉ nghe nói bằng danh từ. Thật đúng như lời Bồ Ðề Ðạt Ma, vị sơ tổ Thiền Tông Trung Hoa đã nói về thiền:

“Truyền riêng ngoài giáo

Không dùng chữ nghĩa

Chỉ thẳng tâm người

Thấy tánh thành Phật.”


09netv18Truyền riêng ngoài giáo là một nét đặc biệt của thiền: Không xử dụng những kinh điển để giúp người thấy được chỗ tâm yếu. Người chiến sĩ vốn không thích nhiều về lý thuyết mà chú trọng việc rèn luyện võ công. Khi lâm trận, tâm thức của họ chẳng khác gì một thiền gia: Chỉ có sự chú tâm tuyệt đối vào hiện tại, không ngoái cổ nhìn lại phía sau. Nếu có chút phân tâm ha mối nghi ngại nào thì tinh thần sẽ bị chao động ngay.

Những chiến sĩ tài ba thường là những người có ý chí sắt đá, coi thường chuyện sống chết, lòng không bận bịu chuyện danh lợi, tâm luôn luôn bình thản. Họ sống cuộc đời nhiều lúc như kẻ khắc kỷ: Tự tại trong sự dũng mãnh, đơn giản và thanh tịnh. Do đó, ở Nhật Bản thường có câu truyền tụng: “Hoàng gia theo Thiên Thai tông, giới quý tộc theo Chân Ngôn tông, chiến sĩ thực hành Thiền Thiên Thai và Chân Ngôn Tông chú trọng rất nhiều đến các nghi lễ. Tịnh Ðộ tông thì rất giản dị về phương diện lý thuyết lẫn thực hành để được cứu rỗi, còn Thiền tông thì thích hợp với giới chiến sĩ can trường, những kẻ vào sanh ra tử.

Vì tướng quân Nhật Bản đầu tiên của dòng họ Bắc Ðiều (Hojo) học thiền là Bắc Diều Thời Lại (Hojo Tokijori, 1227-1263). Ông ta đã cung thỉnh các vị thiền sư Trung Hoa đời nhà Tống sang dạy đạo và tự mình tham cứu chuyên cần. Khi Thời Lại qua đòi thì con là Bắc Ðiều Thời Tông (Hojo Tokimune, 1251-1258) kế nhiệm chức vụ Tướng Quân. Vị Tướng Quân này đã lập đại chiến công với quốc gia khi ông điều động quân sĩ đánh bại cuộc xâm lăng của đại quân Mông Cổ. Nếu không có cuộc chiến thắng này, lịch sử Nhật Bản đã xoay chuyển theo đường lối khác.

Bắc Ðiều Thời Tông tượng trưng cho tinh thần can đảm, bất khuất của người chiến sĩ Nhật Bản xuyên qua lịch sử của dân tộc này. Quân đội của ông đã lặng lẽ dàn quân trên bờ biển phía tây nước Nhật chờ đợi đại quân Mông Cổ đổ bộ từ các chiến thuyền to lớn. Sự chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ Nhật Bản cộng thêm cơn bảo Thần Phong (Kamikaze) làm tan rả các chiến thuyền xâm lăng, đã làm cho ý đồ quân Mông Cổ tiêu tan thành mây khói. Sau cuộc chiến thắng đó, tướng quân Thời Tông lại chỉnh đốn binh bị, tổ chức lại nguồn máy hành chánh cho hữu hiệu hơn. Ðiều đặc biệt nơi Thời Tông là tuy bận việc quân quốc rất nhiều, nhưng ông ta lại rất chuyên cần học đạo với các vị thiền sư từ Trung Hoa sang.

Trong một buổi tham vấn với ngài Phật Quang Quốc Sư, vị thầy của mình, Thời Tông đã tìm đến tận đầu nguồn.

Thời Tông hỏi: “Kẻ thù xấu xa nhất của ta là sự hèn nhát, làm sao con thoát được nó?”

Quốc Sư trả lời: “Hãy cắt cội nguồn sự hèn nhát đó.”

Thời Tông: “Nó đến tự nơi nào?”

Quốc Sư: “Nó đến từ Thời Tông.”

Thời Tông: “Con ghét sự hèn nhát nhất, làm thế nào lại đến từ con được?”

Quốc Sư: “Hãy quan sát cảm giác chính mình khi nắm được cái tôi tên là Thời Tông. Chúng ta sẽ gặp nhau lại khi con thực hiện được điều ấy.”

Thời Tông: “Làm sao thực hiện được điều này?

Quốc Sư: “Hãy chận đứng mọi ý tưởng.”

Thời Tông: “Làm sao gạt ý tưởng ra khỏi tâm được?”

Quốc Sư: “Hãy ngồi tĩnh tọa, nhìn vào chốn phát xuất ra các ý tưởng mà con gọi là Thời Tông.”

Thiền đã làm cho nhân cách Thòi Tông chiếu sáng hay nói ngược lại, nhân cách Thời Tôn chiếu sáng nguồn Thiền.

Dĩ nhiên, ngoài sự can trường, Thời Tông còn là một bình gia xuất sắc, đã chuẫn bị kỹ lưỡng vấn đề chiến thuật, chiến lược như điều quân, tiếp vận, vận động tinh thần chiến đấu quân sĩ, nghiên cứu cách hành binh của đối phương, v.v… Ông ta cũng là một nhà hành chánh tài ba và hữu hiệu. Cuộc đời của hai vị Tướng quân dòng Bắc Ðiều đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà quý tộc, chiến sĩ cũng như người dân Nhật Bản. Thiền Tông từ đó lan tràn đến Tây Kinh (Kyoto) là nơi ngự trị của Thiên Hoàng Nhật Bản. Vua và các nhà quý tộc cũng thành tâm học thiền.

Khi Thời Tông qua đời, Phật Quang Quốc Sư đã đọc một bài ai điếu:

“Trong lúc sinh tiền, Tướng Quân Thời Trung đã thực hành mười điều tốt đẹp như mười hạnh nguyện của vị Bồ Tát: Là một người con chí hiếu đối với cha mẹ, một tôi trung của Hoàng Ðế, một vị tướng quân lo lắng chăm sóc cho hạnh phúc người dân, một người đã nỗ lực học thiền và đã đạt được chân lý tối thượng, đã thay mặt vua vỗ an trăm họ, đã đánh tan đạo quân Mông Cổ xâm lăng mà lòng chẳng chút tự kiêu, đã xây dụng ngôi đại tự để tế tự các vong linh của những chiến sĩ (đã bo mình trong cuộc chiến, không phân biệt Nhật hay Mông.), đã tỏ sự tôn kính thầy tổ, và trước khi qua đời đã bình thản khoác chiếc áo của hành giả tu thiền và viết một bài kệ từ biệt với tinh thần sáng suốt vô cùng…” (Zen and Japanese Culture)

Thiền đã thay đổi sâu xa đời sống của người chiến sĩ, khi dòng suối tâm linh họ khai mở, họ khoác lên người chiếc áo mới tinh của sự vô chấp và nhân cách họ hoàn toàn thay đổi vì họ thấy rõ ý nghĩa thật sự của đời sống. Từ đó tinh thần võ sĩ đạo của người chiến sĩ khác hẳn với tính hiếu sát cuồng nộ hay hung bạo mà vô trách nhiệm. Người chiến sĩ luôn luôn có những đức tính quý báu: Trung thành, hy sinh, trang trọng, hòa ái, không câu chấp hay cuồng tín, dũng mãnh mà nghiêm túc.

IV. Vô Chiêu

Người học kiếm cũng như kẻ học thiền, ban đầu còn bở ngỡ vì chưa biết được kỹ thuật luyện tập và cách thức chiến đấu, không khác gì người học thiền trong lúc đầu luôn luôn bị các ý tưởng và cảm xúc làm cho điên đảo. Dần dần, cả hai đều nỗ lực thực hành. Khi người chiến sĩ đạt được kiến thức, kỹ thuật và khả năng chiến đấu cao thì ông ta như kẻ học thiền đã biết cách đối trị các ý tưởng, các điều ham muốn quấy nhiễu tâm mình. Nhưng nếu cả hai chưa khai mở được sự hiểu biết chân thật thì họ chỉ là những kẻ còn chạy mãi ở vòng ngoài. Cuối cùng, người chiến sĩ cũng như kẻ học thiền đến được bờ cõi của Tâm-Bất Ðộng: Không còn dấu vết của tâm chấp trước, nỗ lực tìm cầu, ham muốn hay phân biệt hai thế giới đối nghịch bên ngoài và bên trong.

Các vị kiếm sư hiểu rõ tâm lý người đệ tử và thường họ giải thích như sau: Lúc đầu người môn sinh chưa biết cách cầm kiếm cho đúng và xử dụng thanh kiếm. Khi bị tấn công thì đưa kiếm lên đỡ chứ không theo chiêu thức nào cả. Dần dần, qua nhiều năm tháng tập luyện, anh ta biết thế công và thế thủ, nhưng mỗi lần đưa kiếm lên hay hạ kiếm xuống anh ta điều hành động theo sự suy nghĩ. Như thế, mỗi lần ra chiêu là tinh thần anh ta ngưng lại nơi một chủ đích và điều đó làm tâm anh ta ngưng trệ dù trong một thời gian rất ngắn ngủi. Mỗi lần tâm ngưng trệ như thế thì ý tưởng xuất hiện làm cho anh ta có thể phân tâm, sợ hải, lo lắng tạo cho anh hồi hộp bất an. Sau nhiều năm chuyên cần luyện them thì thân và tâm người kiếm sĩ dần dần trở thành một khối và trạng thái vô tâm xuất hiện: Anh không còn chú tâm đến kỹ thuật, ý muốn chiến thắng hay chứng tỏ mình là hơn kẻ khác. Người kiếm sĩ đã hiểu được Kiếm Ðạo, an nhiên tự tại, không còn bị thế sự ràng buộc. Thanh kiếm của họ giờ đây trở thành “Vô Tâm Kiếm”, và kỹ thuật chiến đấu giờ đây trở thành “Kiếm Vô Sở Trụ Tâm Pháp”. Do đó mà Hariya Sekiun chưởng môn kiếm phái chủ trương vô hành, vô chiêu thức, tâm vô trụ xứ, đã giải thích cặn kẻ tinh yếu của kiếm pháp:

“Thể tánh uyên nguyên nơi chúng ta ở trạng thái tinh túy nhất khi chúng ta là đứa trẻ thơ, khi còn được bồng trên tay và bú sữa mẹ. Khi còn bé thì chúng ta hòa hợp với thiên nhiên, vậy thì khi trưởng thành chúng ta cũng có thể để cho thiên nhiên tự do hoạt động nơi chúng ta mà không cần can dự vào. Nhưng bất hạnh thay, khi vừa bắt đầu khôn lớn là chúng ta bị nhồi sọ bởi đủ mọi lý thuyết. Do sự khái niệm hóa mà các giác quan của chúng ta đã chuyển cho chúng ta hình ảnh của một thế giới bên ngoài sai lạc. Khi nhìn một ngọn núi, chúng ta không nhìn thấy ngọn núi như chính ngọn núi, chúng ta không thấy ngọn núi đó đúng với hình ảnh thật sự của nó. Chúng ta thêm vào đó đủ mọi ý tưởng, đôi lúc hoàn toàn có tính cách trí thức, nhưng phần nhiều chứa đựng các xúc động kèm theo. Khi tư tưởng và tình cảm bao phủ ngọn núi, ngọn núi biến thành quỷ quái. Ðó là do sự nhồi sọ hay do những kiến thức ta thu lượm được qua các sinh hoạt cá nhân, chính trị, xã hội, kinh tế hoặc tôn giáo. Hình ảnh đó biến thành hình ảnh kỳ dị, sai lạc, méo mó. Thay vì sống trong một thế giới tự hiển bày chân tính một cách tự nhiên, chúng ta lại sống trong một thế giới gỉa tạo bởi sự vò nắn của ý tưởng. Ðiều đáng tội là chúng ta không ý thức được sự kiện hiển nhiên như vậy.”

Ông ta lại nhấn mạnh đến điểm quan yếu như sau:

“Nếu một kiếm sĩ muốn biết cái thế giới méo mó đó ảnh hưởng đến các hoạt động của ông ta ra sao, ông ta chỉ việc quan sát chính mình trong khi chiến đấu. Ông ta sẽ thấy tất cả những hoạt động của mình đi ngược lại với nguyên tắc “Kiếm Vô Sở Trụ” vì tâm không linh động đưọc như trẻ thơ. Theo phương thức đó, những chiêu thức xử dụng không nhanh mà cũng chẳng chậm, cứ để tự nhiên cho cái tánh uyên nguyên tự nhiên hành động tùy theo hoàn cảnh luôn luôn chuyển biến. Người kiếm khách không muốn tỏ lòng gan dạ hay cảm thấy lo lắng. Ông ta không có ý nghĩ về một địch thủ đang ở trước mặt hay mình đang gặp một địch thủ. Ông ta hành động tự nhiên như trong công việc bình thường hàng ngày như việc ông ta ăn điểm tâm. Ông ta ca6`m kiếm như cầm đôi đũa gắp thức ăn bỏ vào miệng rồi bỏ đũa xuống. Việc xử dụng kiếm cũng giản dị, không đòi hỏi nỗ lực nào khác hơn là cầm đôi đũa ăn điểm tâm… Do đó, ông ta được tự do hoàn toàn, không chút sợ hãi, không chút lo lắng, không chút bất an, không cần tỏ ra can trường” (Zen and the Japanese Culture)

Do đó, khi tinh thần võ sĩ đạo tan biến vào nguồn thiền thì tâm người chiến sĩ trở thành an nhiên bất động, vững vàng như ngọn núi lớn, thư thái tự nhiên và uyển chuyển linh động. Họ bình thản trước mọi biến động vì tâm và cảnh chẳng còn là hai thực thể đối nghịch khi đạt được trạng thái vô tâm như trong một công án thiền:

“Tây không cầm cán mai,

Ði bộ lưng trâu ngồi

Qua cầu trên bến nước

Cầu trôi nước chẳng trôi.”

Thiền Ðạo, Hoa Ðạo, Trà Ðạo, Thi Ðạo… cũng đều dựa theo những nguyên lý vô hành, vô tâm, tâm vô trú xứ như trên. Khi đạt được tâm yếu ấy và nắm bắt chân lý tối thượng trong đôi tay trống rỗng thì các vị thiền sư, hoa sư, trà sư, thi sư, vũ sư, kiếm sư không còn quan tâm đến giáo lý, kinh điển, kỹ thuật, nguyên tắc, vì chính cuộc sống của họ thể hiện chân lý tự thân. Người chưng hoa, kẻ pha trà, người vẽ tranh, kẻ làm thơ ung dung hành động một cách tự nhiên, dung dị để tạo ra vẻ đẹp, nét linh động, sự uyển chuyển tinh khôi như chính thiên nhiên tự phơi bày đưòng nét. Do đó, ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bổn, Ðại Hàn thời trước, nhiều chiến sĩ, ngoài việc trau dồi vũ thuật, họ còn là những người tận tụy học thiền. Với tâm thức chói sáng trong niềm an bình tĩnh lặng, họ thưởng thúc nghệ thuật uống trà, chưng hoa, làm thơ…Tâm hồn họ chín mùi dần trong Ðạo và hướng về niềm an lạc bên trong.

V. Võ Ðạo không Hướng Ðến Chiến Thắng

Học võ để tấn công hay để tự vệ đều hướng về sự chiến thắng. Tuy nhiên, đối với những người chín mùi trong võ đạo thì lòng mong ước chiến thắng kẻ khác cũng tan biến. Người đã chín mùi trong Ðạo – võ đạo, hoa đạo, thi đạo, trà đạo, thiền đạo, Phật đạo, v.v… thì cái tôi (ngã) không còn có mặt. Các ý tưởng thắng bại, khen chê, hay dở, quý tiện, cao thấp, cùng các tâm tư thương ghét, thân thù, thích chán, yêu giận không còn vướng bận lòng họ. Tâm họ buông xả thoải mái nên các ý tưởng đối nghịch, các tâm tư xung đột tự chúng quay về trạng thái an ổn bao la. Trong tâm rộng lớn đó, tình thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật tràn đầy. Họ sống trong niềm an vui chân thật tỏa sáng. Những bậc võ sư chín mùi trong ánh sáng giải thoát thường nhấn mạnh đến tình thương yêu và sự hòa hợp hơn là giao tranh và khắc phục địch thủ vì họ không còn thấy ai là địch thủ nữa.

Ngài Morihei Ueshiba, vị tổ sư sáng lập Hiệp Khí Ðạo (Aikido) đã dạy đệ tử:

“Con phải nhớ rằng trong tình yêu không có sự tranh chấp, trong tình yêu không có kẻ thù. Một tâm hồn chứa chấp sự phân biệt không còn thích hợp với tình yêu… Hãy coi chiến thắng là sự chiến thắng trên chính tâm hồn bất hòa điệu của con… Tinh thần phục vụ cho nền hòa bình thế giới là cần thiết trong Hiệp Khí Ðạo chứ không phải là tinh thần đầy ấp sự tranh chấp, chỉ muốn học kỹ thuật để đánh ngã kẻ đối đầu.” (Trần Văn Quang dịch)

Lời nói đó làm cho chúng ta liên tưởng đến lời Ðức Phật: “Chiến thắng một vạn quân không bằng tự chiến thắng lấy mình” cùng lời dạy của Ngài về sự thực hành Phật Ðạo để đóa hoa tình thương và sự thông minh tươi mát nở rộ đưa chúng ta về chốn an vui kỳ diệu đầu nguồn.

Kẻ đã an ngự nơi vũ trụ bao la của tự tâm thanh tịnh thì tâm lúc nào cũng tỏa sáng và bén nhạy trong niềm tĩnh lặng bao la. Do đó, các vị võ sư sau những giờ phút dốc lòng dạy dỗ cho đám môn sinh ưu tú và đạo đức để truyền lại cho họ tinh hoa của võ đạo, họ tìm đến nhừng nơi thanh vắng, thưởng thức nghệ thuật uống trà trong cô đơn tĩnh lặng, bên cạnh một bình hoa đơn giản, thanh nhã điểm vài đóa hoa tươi mát mong manh. Cũng có thể trong lúc xuất thần, họ cầm chiếc bút lông viết một bài thơ Hài Cú (HaiKu, thể thơ rất ngắn gồm 17 vận) như:

“Một lữ khách cô đơn

Xin gọi tên tôi là thế

Cơn mưa thu này.”

Ba Tiêu (Tuệ Sỹ dịch)

Cũng có thể, họ chẳng vào trà thất, không cầm lấy bút lông, không ngắm bức cổ họa hay những đóa hoa mong manh tươi mát trong tiếng nước sôi reo nhẹ mơ hồ như tiếng gió ngàn khơi vọng lại. họ chỉ bước những bước nhẹ nhàng như mây trôi, với tâm thức rỗng lặng và trong sáng, hướng về một thiền đường, để tất cả áo giáp bên ngoài và khoát lên người một chiếc áo tràng đơn giản. Họ khoan thai ngồi lên chiếc tọa cụ để trên tấm bồ đoàn, và trong sự tĩnh mịch mênh mông của buổi chiều thu, họ nhiếp tâm để rồi tan biến vào cái một bao la của vũ trụ vô cùng.

Tài Liệu Tham Khảo

·Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Thích Nhất Hạnh

·Thiền luận (D.S. Suzuki), Tuệ Sỹ dịch

·Zen and the Japanese Culture, D.T. Suzuki

·Aikido, Kisshomaru Ueshiba, Trần Văn Quang dịch, Võ Ðạo số 1



--- o0o ---


Vi tính: Chân Diệu Lan

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2012(Xem: 10822)
Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, sau khi nhận lễ phẩmcúng dường, chư Tăng thường chúc phúc cho Phật tử bằng bốn pháp: sống lâu,sắc đẹp, an vui và sức mạnh(1). Theo cách hiểu truyền thống thì sốnglâulà sự đạt thành Tứ thần túc; sắc đẹplà sự nghiêm trì giớiluật; an vuilà thành tựu Tứ thiềnvà sức mạnhlàthành tựu Ngũ lực... Theo Kinh Tăng Chi, muốn gia tăng tuổi thọ, sống lâu thì phải: làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời...
19/11/2011(Xem: 3683)
Nietzsche Và Đạo Phật
03/10/2011(Xem: 8843)
Tại sao ông quá quan tâm? [cười] Không, một cách nghiêm chỉnh, tôi cảm thấy rằng người Hoa Kỳ quan tâm bởi vì họ cởi mở. Họ có một nền giáo dục đã dạy họ tìm kiếm cho chính họ tại sao mọi thứ là như thế, trong một cung cách như thế. Những người cởi mở có khuynh hướng quan tâm đến Đạo Phật bởi vì Đức Phật khuyến khích họ khảo sát mọi vật - Ngài không chỉ ra lệnh họ tin tưởng.
01/08/2011(Xem: 4477)
Tuổi trẻ thế hệ Tiền Chiến (trước 1945) đi ghe chèo, xe ngựa. Tuổi trẻ thế hệ 1950 đi ghe máy đuôi tôm, xe đạp. Tuổi trẻ thời 1960 đi đò máy dầu cặn, xe mô tô 2 bánh. Tuổi trẻ thời 1980 đi tàu thủy, ô tô. Tuổi trẻ thời nay đi tàu cao tốc, máy bay. Đấy là một bức tranh khá sống động minh họa cho tốc độ chuyển biến của quá trình phát triển khoa học kỹ thuật. Trong đó, tuổi trẻ là lực lượng nhiệt tình và năng nỗ nhất.
30/04/2011(Xem: 8360)
"Văn hóa Tịnh độ" được thiết lập theo các quy chuẩn, giá trị vật chất và tinh thần nhất định. Thứ nhất, đây là cảnh giới không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc...
24/03/2011(Xem: 9189)
Đức Phật thuyết Pháp, chư tăng gìn giữ pháp Phật để vĩnh viễn lưu truyền làm đạo lý tế độ quần sanh. Vì thế, Phật, Pháp và Tăng là ba món báu của chúng sanh...
11/02/2011(Xem: 33728)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
09/02/2011(Xem: 3276)
Cuộc sống giản đơn sẽ tháo bỏ cho chúng ta những gông cùm trách nhiệm do chính chúng ta tự đeo vào cổ, giúp chung ta có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu...
03/02/2011(Xem: 3195)
Khi nào con người trở về với chính mình thì khi đó cái đẹp "tính nhân bản" hội tụ. Và cũng chính nơi mình, "tính nhân bản" tỏa sáng muôn đời.
01/02/2011(Xem: 3851)
"Đêm Trước Một Cành Mai" là một bài thơ thường được nhắc nhở tới mỗi khi người ta nói đến dòng văn học Thiền. Đó là một bài thơ có vẻ như dễ hiểu và có tính chỉ thẳng (trực chỉ)...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]