Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

13/05/201319:38(Xem: 9981)
Phần 1



Những Nét Văn Hóa Của Ðạo Phật

Trung Tâm Văn Hóa – Chùa Việt Nam

TT. Thích Phụng Sơn

---o0o---

Phần 1

3. Ðức Phật Và Giáo Lý Giải Thoát

09netv1

Ðức Phật đản sinh vào 566 năm trước Tây Lịch và nhập Niết Bàn vào năm 468 trước Tây Lịch. Nước Ấn Ðộ lúc bây giờ theo Bà La Môn Giáo (Brahmanism) chủ trương Thần Phạm Thiên (Brahman, còn dược gọi là Ðại Ngã hay Thượng Ðế) là ngưồn gốc của mọi sự vật. Mỗi sinh thể, như con người, đều có một Tiểu Ngã (Atman). Ðại Ngã và Tiểu Ngã là cùng bản tánh. Tiểu Ngã tu tập để trở thành trong sạch hầu trở về với Ðại Ngã (Brahnan), tùy theo mức độ tâm linh mà mỗi người khi sinh ra thuộc vào các giai cấp khác nhau: giai cấp Bà La Môn, quý tộc hay võ tướng, thương gia hay cùng đinh. Trên nguyên tắc, xã hội Ấn Ðộ chia con người ra thành bốn giai cấp. Trên thực tế, mỗi giai cấp lại phân chia thành hàng chục giai cấp nhỏ hơn. Sự liên hệ mật thiết của những người khác giai cấp với nhau, tạo nên sự ích kỷ, áp bức, kỳ thị của các nhóm giai cấp trên đối với các giai cấp bị xem là thấp kém. Sự ác độc của sự kỳ thị sai lầm này tại Ấn Ðộ được chính thức ghi thành luật lệ sau này như nếu một người thuộc giai cấp hạ tiện tình cờ nghe lời tụng đọc các thánh thư Bà La Môn giáo thì người đó bị đổ chì nóng chảy vào tai để trừng phạt. 

Trong hoàn cảnh bế tắc của hệ thống tư tưởng và tổ chức xã hội cứng ngắc ấy, có nhiều chủ trương phải tìm lối thoát khỏi sự nhàm chán của đời sống bằng cách tận hưởng các dục lạc. Có kẻ khác lại cho cuộc sống trên thế gian này thật là vô vọng, ghê tởm đời sống của cả thân xác mình, tìm cách tu khổ hạnh, ép xác hay hành hạ thân xác để mong sau khi chết có thể được sinh về chốn thiên đàng an vui. Ðó là hai chủ trương cực đoan trong nhiều chủ trương khác nhau lúc bấy giờ.

I.Trí Tuệ Hay Sự Thấy Biết Chân Thật

Ðức Phật thấy rõ hoàn cảnh xã hội và tâm linh bế tắc đó. Ngài muốn tìm lời giải đáp chân thật không dựa trên sự suy luận, cảm xúc hay niềm tin không căn cứ. Do đó, sau sáu năm tu tập trong rừng và bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội bồ đề, Ngài đã đại ngộ, nhìn thấu rõ mọi sự vật (vạn pháp) trong vũ trụ như sau: 

_Sự thấy biết mọi sự kiện trong vũ trụ và đời sống con người một cách chân thật (như thực tri kiến) xuất hiện tự nhiên khi ta không còn dính mắc với các ý tưởng đối nghịch, mâu thuẩn làm khơi dậy lòng ham muốn, giận dữ, thù hận, v.v.. đưa đến xáo trộn và khổ đau.

_Chủ trương tận hưởng dục lạc hay sống đời khổ hạnh, hành hạ thân xác mình, chỉ là hai cực đoan của sự trốn chạy cuộc sống. Sống là sống hạnh phúc vì hạnh phúc vốn là tánh tự nhiên, chân thật hay là Phật tánh có sẵn nơi mỗi chúng ta. Khi ta sống tỉnh thức với sự chú tâm tự nhiên, với sự thấy biết trực tiếp không lựa chọn (trực thức vô trạch) mọi sự kiện, thì mọi sự vật đều hiện ra một cách chân thật, trong sáng, tràn đầỵ Các sự xáo trộn, mâu thuẩn, xung đột do sự thấy biết sai lầm tan biến. Tâm ta quay về với sự trong sáng tự nhiên của nó, với niềm hạnh phúc bao la tràn đầy. 

Thực hành lối sống an lành và hạnh phúc đó là sống Trung Ðạo, đi ở giữa, tránh hai cái cực đoan sai lầm nói trên. Ðó cũng chính là sống đời giải thoát hay giác ngộ.

_Do đó, con người không cần phải hy sinh cho một ước mơ được sung sướng trong thiên đàng mai sau mà quên đi cuộc sống hiện tại, nhưng cũng không đắm mình vào khoái lạc vật chất để tìm kiếm sự thỏa mãn dục lạc mãi không ngừng. Sự khổ hạnh, ép xác để mong lên thiên đàng cùng sự hưởng thụ vật chất theo chủ nghĩa khoái lạc đều làm cho tâm trí mê mờ và thân xác mệt mõi. Người thực hành đạo giác ngộ sống hạnh phúc nơi Trung Ðạo, tức là ở giữa hai cái cực đoan sai lầm của chủ trương khổ hạnh hoặc hưởng lạc nói trên và sống an vui thoải mái với sự hiểu biết chân thật trong đời sống hàng ngàỵ 

_Sự hiểu biết chân thật đó không qua lý luận viễn vông mà qua kinh nghiệm tâm linh: tánh tự nhiên của mỗi chúng ta là chân tâm hay Phật tánh. Tánh ấy vốn không có bắt đầu và tận cùng (bất sanh bất diệt), rộng lớn bao la, trong sáng an vui, tràn đầy tình thương yêu (từ bi) và sự hiểu biết chân thật (trí huệ). Chân tâm hay Phật tánh nơi mỗi chúng ta luôn luôn rỗng lặng, tinh sạch, trong sáng, linh động, tràn đầy đồng thời rộng lớn bao la nên không có một cái gì gọi là Tiểu Ngã (Atman), một cái tôi nhỏ bé cần phải thanh lọc dần dần trở về với Ðại Ngã (Brahman hay là Thượng Ðế) 

_Sống đời an vui giác ngộ ngay trong cuộc đời này là chúng ta sống với tâm hiểu biết chân thật: thấy biết rõ ràng mọi thứ, mọi hiện tượng nhưng tâm buông xả, không dính mắc vào các ý tưởng phân biệt như hay dở, tốt xấu, làm khơi dậy các tình cảm như vui buồn, thương ghét, thân thù thì tâm luôn luôn tĩnh lặng. Cái tôi (ngã) mà lâu nay ta luôn luôn bảo vệ, đề cao chẳng qua là sự tiếp nối không ngừng của các ý tưởng và cảm xúc đó. Các ý tưởng và cảm xúc giờ đây lắng dịu thì cái tôi nhỏ bé (ngã) cũng tan biến nên ta trực nhận cái tôi ấy (ngã) vốn rỗng lặng (không) hay vô ngã. Các ý tưởng và cảm xúc thường là các đám mây che mờ chân tâm, Phật tánh luôn luôn tỏa sáng nơi ta. Mây tan đi thì mặt trời chiếu sáng, sự mê mờ (vô minh) tan đi thì chân tâm, Phật tánh, niềm hạnh phúc trong sáng bao la tràn đầy nơi ta. 

_Tánh cách vô ngã hiện hữu nơi mọi sự vật. Mọi sự vật hiện hữu do nhiều thứ họp lại. Chúng ta có thể lấy ví dụ như một chiếc xe hơi do sự kết hợp của sườn, mui, máy, bình xăng, dây điện, cảng xe, việc làm người thợ, dự án của kỹ sư, quyết định sản xuất của các chủ hảng, các vật liệu do các hảng khác cung cấp, v.v… Chiếc xe có mặt là do nhiều thứ trên hợp lại mà thành. Nó không tự có mặt và không có cá tánh riêng biệt. Nếu các yếu tố hợp lại thành chiếc xe thay đổi thì nó thay đổi theo. Như mỗi năm hảng sản xuất thay đổi hình dáng, máy móc, mầu sơn để hấp dẫn khách hàng thì mỗi năm xe (cùng một hiệu) đổi mới liên tục. Cùng một hiệu xe như Mercedes, Ford hay Toyota Celica nhưng tùy theo các yếu tố hợp lại thành chiếc xe theo năm sản xuất, chúng hoàn toàn khác nhau về màu sắc, hình dáng, máy móc, sự bền bĩ. Cùng một tên gọi nhưng chúng hoàn toàn khác nhau về phẫm chất cũng như hình dáng. Tuy nhiên, chúng ta có thói quen thường gán cho (hay yên chí) là mọi sự vật có tánh riêng biệt và không thay đổi trong khi mọi sự vật đều thay đổi. Sự thay đổi không ngừng đó gọi là vô thường. 

_Sự thay đổi đó xảy ra từng giây phút một. Lấy lại ví dụ chiếc xe, như khi nói đến chiếc xe của ta thì ta có một hình ảnh cố định về chiếc xe ấỵ Kể từ khi mua xe cho đến nay, ta đã thay các bánh xe mới, bộ thắng mới, bình điện mới, bình lọc dầu mới, ống lọc xăng mới, nước sơn không còn bóng như trước và khung xe đã bắt đầu có chỗ rỉ sét. 

Các bộ phận kết hợp thành chiếc xe (sinh), chiếc xe tồn tại một thời gian (trụ), chiếc xe biến đổi, hư hao (dị), và cuối cùng nó bị tan rã (diệt). Chiếc xe phế thải được kéo vào nghĩa địa xe, người cần các bộ phận đến mua xe về ráp lại vào xe khác. Cuối cùng người ta ép dẹp phần còn lại, chuyển đến các nhà nấu thép, đúc thành các bộ phận xe mới và ráp thành chiếc xe khác. 

_Tính cách sinh diệt, diệt sinh đó là tính cách vô thường của mọi sự vật. Vô thường là các sự vật không tồn tại mãi mãi và luôn luôn biến đổi. Chiếc xe đạp tồn tại độ 10 năm, xe hơi trên 20 chục năm, con người dưới 100 năm, mặt trời độ 10 tỷ năm. Từ một vật thật nhỏ như tế bào trong cơ thể đến một vật lớn như mặt trời luôn luôn chuyển biến qua bốn giai đoạn nhiều vật kết hợp lại thành (sinh), tồn tại một thời gian (trụ), biến đổi và hư hao (dị) cuối cùng là tan rã (diệt), và rồi lại kết hợp để thành các sự vật khác mãi mãi không ngừng. Tính cách vô thường ấy diễn ra mọi nơi mọi chốn, bên trong và bên ngoài chúng ta. 

_Khi đã hiểu rõ tính cách vô thường, vô ngã của các sự vật, chúng ta không còn sợ hãi trước các sự thay đổi, chuyển biến và lòng chúng ta trở nên thoải mái, tâm chúng ta trở nên tỉnh thức hơn trong mối tương quan với người và vật. Ta không nhìn sự vật hay con người theo thói quen máy móc mà ta đã có sẵn ý nghĩ hay hình ảnh về người hay vật đó. Thói quen ấy ngăn cản ta tiếp xúc với thực tại, những gì đang thực sự có mặt trong đời sống. 

Trong mỗi giây phút, mỗi cành lá, đám mây, chiếc hoa, cánh bướm, giòng sông, điệu nhạc, người đàn ông, đàn bà, trẻ em, cục đá, chiếc xe đều hiện hữu hoàn toàn, như thế ấỵ Tất cả đều không dính dáng gì đến các ý tưởng khen chê, phê phán cùng các cảm xúc dấy lên từ sự phê phán ấy làm ta vui, buồn, thương, ghét. Nếu có dịp nhìn sâu vào lòng mình (quán chiếu nội tâm) thì chúng ta sẽ thấy các ý tưởng và các tâm tư lập đi lập lại mãi theo thói quen như sau: điều gì ta nghĩ là hay, tốt thì ta ưa thích, ca ngợi, điều gì ta cho là dở, xấu thì ta ghét bỏ, thù hận hay phỉ báng. Có điều, cái mà ta cho là tốt hay xấu ấy lại thay đổi không ngừng. Hôm nay ta nghĩ nó là tốt thì ngày mai ta có thể chê là xấu, hôm nay ta cho là đúng ngày mai thành ra sai. Do đó mà các vui, buồn, thương, ghét, thân, thù luôn luôn chỗi dậy như các luồn sống mãi mãi nối tiếp trên mặt biển, làm ta chịu nhiều áp lực do sự xung đột bên trong và sự đụng chạm bên ngoài. 

“Thể mọi pháp đều không.

Không sanh cũng không diệt.”

Mỗi sự vật đều có mặt tròn đầy

trong sự rỗng lặng trong ánh sáng của nó.

_Nếu ta thực hành sự tỉnh thức, sự thấy biết chân thật thì tâm tự buông xả, không để mình dính mắc vào các ý tưởng đối nghịch, các phê phán, các phân biệt luôn luôn kéo đến thì tâm ta an dịu dần như biển không còn gió thổi thì trở nên yên tĩnh. Ðó là sự tỉnh thức đã có mặt nơi ta. Với tâm tỉnh thức ấy ta nhìn mọi sự vật thì chúng đều hiện rõ tánh chân thật của mình: trong sáng, rỗng lặng, tươi mát tràn đầy. Ðó là tánh chân thật tự nhiên, tánh rỗng lặng hay là tánh không của vạn pháp. Thấy biết như thế gọi là sự thấy biết chân thật hay trí tuệ. Như thế, khi tâm ta thanh tịnh thì mọi sự vật (vạn pháp) trở nên thanh tịnh. Khi ta khởi lên sự phân biệt ưa ghét thì lập tức ta phân chia mọi thứ thành hai phía đối ngịch: thân thù, cao thấp, quý tiện, sang hèn, thân sơ, từ đó nổi lên các cảm xúc thương yêu - thù hận, thích thú - sợ hải, thân tình - xa lạ, sung sướng - khổ đau, ưa muốn - ghét bỏ … 

_Sự phân biệt ấy là một thói quen do ta bị điều kiện hóa (conditioned) từ lúc chúng ta sinh ra cho đến nay, làm chúng ta phản ứng như một người máy, một máy đìện toán (computer) đã được qui định cách giải quyết các vấn đề (program) theo một lề lối nhất định. Sự lập đi lập lại các thương ghét, vui buồn ấy dần dần trở thành một thói quen mà ta nhầm tưởng đó là con người thật sự của mình. Sự tỉnh thức, sự chú tâm thoải mái tự nhiên đưa tâm ta trở về với sự tươi mát, linh động, rỗng lặng, tinh sạch, rộng lớn tự nhiên của nó. Từ đó ta nhìn thấy rõ ràng mọi sự vật, thoát ra khỏi mọi sự lôi kéo, ràng buộc, mê hoặc của các ý tưởng, cảm xúc nơi ta hay những người quanh ta. Chúng ta thoát ra được thói quen phản ứng theo điều kiện quy định như cái máy điện tử nói trên. 

_Sống tỉnh thức như thế thì sự hiểu biết chân thật (trí tuệ) tự hiển bày, tự biểu lộ (manifest). Tâm ta tự nó quay về với sự an ổn, thoải mái, trong sáng, rộng lớn, và rỗng lặng của chính nó. Từ chốn ấy, tình thương yêu bao la, nồng ấm (từ bi) bừng dậy. Mọi sự vật trở thành linh động, tươi sáng, yên ổn, tươi mát, khi ta nhìn chúng với con mắt thương yêu: hoa lá rực rỡ, cảnh vật vui tươi, mây trời trong sáng, người vật nhộn nhịp. 

Khi tình thưong yêu bừng dậy thì nguồn hạnh phúc chảy tụ lại thành biển lớn, đưa ta đến chốn an lạc vô cùng. 

Từ đó ta kinh nghiệm được, hiểu biết được một cách cụ thể và trực tiếp là sự hiểu biết chân thật (trí tuệ), tình thương yêu rộng lớn (từ bi) và nguồn hạnh phúc trong sáng, bao la là ba khía cạnh của chân tâm, Phật tánh. Hể một thứ xuất hiện thì hai thứ kia cũng xuất hiện như một bó đuốc lớn cháy rực rỡ không thể tách lìa thành ba ngọn lửa khác nhau. 

Như mặt trời tỏa ra ánh sáng cùng khắp, ánh sáng ấy cũng là năng lượng có sự ấm áp. Ta không thể tách rời ánh sáng và sự ấm áp đó được. Cũng như thế, tình thương yêu bao la, sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc nồng ấm vốn là một, không thể tách lìa. Một thứ có mặt thì hai thứ kia cũng có mặt. 

_Khi tâm quay về với tánh tự nhiên rộng lớn an lạc của nó thì ta trực nhận, thấy biết một cách rõ ràng, cụ thể và chân thật: khổ đau không có thật. Khổ đau là một xa xí phẩm không cần thiết cho đời ta. Khổ đau chẳng khác gì các cay đắng ta thêm vào đời sống ta mà vì mê mờ (vô minh) ta thấy quá buồn chán và tẻ nhạt. 

_Tình thương yêu nồng ấm, trong sáng, bao la (Từ Bi) luôn luôn tỏa sáng rực rỡ nơi ta. Do đó, ta làm các điều tốt đẹp cho đời: giúp đỡ người bị nạn, đói khổ, chăm sóc những kẻ không may. Ðó cũng là sự hiểu biết chân thật (Trí Tuệ), hay biết rõ ràng mọi sự vật vốn vô thường, vô ngã, nên thấy rõ mỗi sự vật đều hiện hữu một cách chân thật tràn đầy, trong sáng và rỗng lặng. Từ bi và trí tuệ cũng chính là suối nguồn hạnh phúc nồng ấm bao la (chân lạc) luôn luôn tỏa đầy, chiếu sáng và có mặt nơi ta. 

09netv2

_Tình thương yêu rộng lớn, sự thấy biết chân thật và nguồn hạnh phúc trong sáng tràn đầy là tánh tự nhiên có sẳn nơi chúng ta, đó là tánh chân thật tự nó hiện hữu, đó là chân tâm, là Phật tánh, mãi mãi có mặt (chân thường), không chút đổi thay từ giây phút này qua giây phút khác (chân ngã) không có gì làm cho nó trở thành nhơ bẩn, sức mẻ hay mê mờ (chân tánh). Tánh chân thật tự nhiên đó là nguồn an vui kỳ diệu, thâm sâu, tươi mát, linh động, tràn đầy, bất tận (chân lạc). Vì ta vô tình lãng quên nên không nhận biết, không sống với niềm an lạc kỳ diệu có sẳn nơi ta mà thôi.

4. Thiền Và Hoa Ðạo 

Hoa đã xuất hiện hàng triệu năm trước khi có loài người, tô điểm cho cảnh vật với muôn màu sắc. Và cũng từ lâu hoa có mặt trong cuộc sống loài người: hoa ngoài đồng nội, hoa chưng trên bàn, hoa dâng cúng nơi bàn thờ, hoa ngoài nghĩa trang khi ta thăm viếng người quá cố … Khi vui lúc buồn, khi yêu lúc giận, ăn uống tiệc tùng, lễ lạc tiếp đón, lúc sống cũng như khi qua đời, chúng ta lúc nào cũng thấy mình gắn liền với các đóa hoa tươi thắm. 

Tuy vậy, đã biết bao lần chúng ta hững hờ quên lãng, không nhìn thấy vẻ rực rỡ hay sự tinh khiết của đóa hoa chưng trong nhà hay vừa hé nở ở ngoài vườn. Cuộc sống quanh ta chứa rất nhiều sự kỳ diệu: một đoá hoa hồng trong ánh sáng ban mai rực rỡ, bãi lau sậy im lặng soi mình trên mặt nước hồ thu, những bong tuyết trắng xoá nhẹ nhàng phủ lên cảnh vật. Và nếu chúng ta có tí thì giờ ngắm nhìn thì ta có thể hạ bút viết bài thơ Hài Cú như một vị thiền sư trong ngày tuyết đổ ngập trời: 

“Hàng vạn hạt tuyết rơi

Nhưng mỗi hạt tuyết

Ðều có nơi an trú.”

(Trúc Thiên dịch) 

Hàng muôn triệu cánh hoa với dáng vóc, màu sắc, hương thơm, thời gian hiện hữu khác nhau đã xuất hiện nơi chốn đồng bằng, trong rừng rậm, ven sông, trên những cành cây cao hay nơi mặt ao hồ. Mỗi cành hoa hiện hữu tự nó đầy đủ, thoải mái, an nhiên, tự tại, tỏa ánh sáng những màu sắc kỳ diệu. Ðó là Pháp Giới, thế giới chân thật mà kinh Hoa Nghiêm đã mô tả: hàng muôn triệu thứ hiện hữu trong vũ trụ bao la mà mỗi loại, dù nhỏ như hạt nguyên tử hay lớn hơn như giải Ngân Hà gồm triệu triệu ngôi sao đều sinh động, chuyển biến qua các giai đoạn sinh (nhiều thứ hợp lại thành ra một vật), trụ (tồn tại và phát triển), dị, (chuyển biến, hư hoại), rồi cuối cùng đi đến diệt (tan rả) để rồi kết hợp lại mà thành vật khác, mãi mãi không ngừng. Muôn triệu thứ cùng hiện hữu bên nhau như một chiếc lưới vĩ đại mà mỗi thứ là một viên ngọc chói sáng lấp lánh, phản chiếu ánh sáng và hình ảnh của tất cả viên ngọc khác. Muôn triệu thứ trong vũ trụ luôn luôn ảnh hưởng lẫn nhau, tác động lẫn nhau, phản chiếu lẫn nhau, trộn lẫn vào nhau mà đồng thời vẫn riêng biệt, vẫn an nhiên tự tại, vẫn hiện hữu tràn đầy riêng biệt giữa muôn sự ồn ào, náo nhiệt, chuyển biến, đổi thay mà kinh Hoa Nghiêm gọi là sự vô ngại Pháp Giới. 

I.Lịch Sử Chưng Hoa 

Nhân loại từ lâu đã dùng hoa trong các cuộc lễ lạc để tăng phần long trọng. Trong Phật Giáo, lịch sử chưng hoa khởi đầu bởi các vị Thánh Tăng. Những bậc đệ tử của Ðức Phật, khi nhìn thấy những cánh hoa rơi rụng trong cơn bão tố, động lòng trắc ẩn, đi góp nhặt chúng lại và bỏ vào chậu nước để hoa sống được lâu hơn. Sau đó, các vị tăng sĩ thường dâng hoa cúng Phật vào các lễ tiết vì hoa vốn tinh khiết, đẹp đẽ, trong sáng, tự tại, rực rỡ như tâm của những người giác ngộ. 

“Ðạo vốn không nhan sắc

Mà ngày thêm gấm hoa

Trong ba ngàn cõi ấy

Ðâu chẳng phải là nhà”

Thiền Sư Viên Chiếu

(Thiền Sư Nhất Hạnh dịch)

09netv3

Đóa hoa tâm mầu nhiệm của mỗi chúng ta

Thật ra, dâng hoa cúng dường đã xảy ra ngay khi Ðức Phật còn tại thế. Ðức Phật nhận một cánh hoa dâng cho ngài và đưa lên trước mặt đại chúng. Mọi người đều im lặng duy chỉ có Ngài Ca Diếp, vị đại đệ tử của Ðức Phật mỉm cười. Ðức Phật thấy rõ tâm Ngài Ca Diếp chỉ tràn đầy niềm thanh tịnh, an vui, đầy tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, nên Ngài xác nhận cái thấy biết của Ngài Ca Diếp: “Ta có pháp môn vi diệu không thể dùng lời mà diễn tả được. Nay ta trao cho ông Ca Diếp”. Cái vi diệu mà Ðức Phật trao cho Ngài Ca Diếp vốn đã sẵn có nơi ông và nơi mỗi chúng ta và sự tích nói trên được gọi là “Niêm hoa vi tiếu”: Ðức Phật đưa một cành hoa lên và ông Ca Diếp mỉm cười. 

Các chùa chiền ở Việt Nam, Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản… đã có tập quán chưng hoa trên bàn Phật cả ngàn năm nay. Nghệ thuật chưng hoa và chế tạo các bình hoa phát triển cao độ vào thời kỳ nhà Ðường và nhà Tống ở Trung Hoa. Sau đó, người Mông Cổ chiếm nước này và lập nên nhà Nguyên. Nhiều hoa trái của nền văn minh Trung Hoa bị tiêu diệt tại nước này nhưng được bảo tồn và phát triển tại Nhật Bản. 

09netv4

Chùa Hokkakudo, chốn xuất phát Hoa Đạo

Vào thế kỷ thứ bảy, Thánh Ðức Thái Tử, nhiếp chánh cho Suy Cổ Thiên Hoàng, cử một phái bộ ngoại giao Nhật Bản sang Trung Hoa. Trưởng phái bộ ngoại giao này là Ono-no Komoto đến Trung Hoa học được rất nhiều kiến thức về đồ sành, đồ sứ, đồ đồng và các bộ môn nghệ thuật cùng Thiền (Zen) Phật Giáo. Thiền Phật giáo sau này được người dân Nhật đón tiếp nồng hậu và phát triển nhanh chóng nhờ các vị đại sư Thiền Tông Trung Hoa đến Nhật bản giảng dạy và tổ chức tu tập, sau đó được nhiều thiền sư Nhật Bản đã tô điểm thêm cho hợp với truyền thống địa phương. 

Người dân Nhật vốn ưa thích thiên nhiên, đắm mình trong sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ. Phật Giáo, qua giáo lý về sự đồng nhất giữa bản thể vũ trụ và tự tánh con người (Phật tánh), nhất là kinh nghiệm từ sự tu tập của Thiền Tông giúp họ trực tiếp sống với sự mầu nhiệm của Phật tánh, của tâm giải thoát với niềm an vui trong sáng bao la vốn có sẵn nơi mỗi chúng ta.

II. Ðoá Hoa Mầu Nhiệm

Mổi con người là một đóa hoa có hương thơm, màu sắc, dáng vóc, tâm tư, ước muốn, nhận biết riêng biệt nhưng luôn hòa mình với hàng triệu triệu đời sống khác trên quả đất nàỵ Thế giới rộng lớn chuyển động như một bản hòa tấu với những vận chuyển, sản xuất, tiêu thụ qua muôn ngàn hình thái như xe cộ, nhà cửa, ăn uống, nghỉ ngơi, du lịch, chiến tranh, xây dựng, tàn phá, thương yêu, giết chóc … Không một lúc nào trên quả đất này không có hàng triệu người đang làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách, phá hoại hay xây dựng. Nếu nhìn quả đất từ xa khi nửa phần quả đất từ từ chìm vào bóng tối thì ánh đèn trong nhà và ngoài đường tỏa sáng hết lớp này đến lớp khác theo sự vần xoay của mặt địa cầu hướng về phương đông, cảnh vật lại tràn ngập trong ánh sáng ban mai, sự sống chổi dậy ồn ào náo nhiệt. Và cùng với muôn loài đón mừng bình minh, hàng triệu triệu đóa hoa đón nhận nguồn sống từ ánh thái dương. 

Chúng ta thích ngắm đóa hoa vì nó tỏa ra sự mầu nhiệu của dòng sống: Mọi đóa hoa tự nó vốn thanh tịnh, rỗng lặng, tỏa chiếu, trong sáng và tươi mát. Dù đóa hoa ấy mọc riêng rẽ trên cánh đồng cỏ xanh, trong một khu rừng rậm rạp hay trên một cánh đồng hoa rực rỡ. Trong đám nhân loại hàng tỷ người hiện nay, đời sống của mỗi chúng ta cũng vậy: tự nó là trong sáng, an vui, rộng lớn, thoải mái, tươi mát, tràn đầy tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, tràn đầy nguồn hạnh phúc trong lành. Niềm an vui đó tự nó hiện hữu, không có bắt đầu và tận cùng như vũ trụ bao la quanh ta. Như một đóa tươi thắm trong một khóm hoa dày đặc, mỗi người chúng ta hiện hữu tràn đầy, riêng biệt, tự tại dù đang hòa lẫn với muôn ngàn đời sống khác trong một xã hội luôn luôn biến đổi. 

Chưng một bình hoa với tâm tĩnh lặng, với lòng an vui giúp cho chúng ta tiếp xúc được, sống với sự mầu nhiệm của cuộc đời. Sự mầu nhiệm của cuộc đời chính là sự mầu nhiệm nơi tâm ta: Một thế giới rộng lớn, an vui, trong sáng, rực rỡ kỳ diệu, nồng ấm và hạnh phúc vô cùng: 

“Một đóa hoa mai vừa nở

Cả thế giới bừng dậy

Một tiếng nhạc ngân lên

Rung chuyển cõi ba ngàn

Một cánh hạc vỗ nhẹ

Kết hợp không thời gian

Nơi khuôn mặt nghìn đời

Nụ cười thoáng hiện

Một thân thể nhỏ bé

Tràn ngập không thời gian.” 

Sự mầu nhiệm an vui, rộng lớn, trong sáng vốn luôn luôn hiện hữu nơi mỗi chúng ta, đã giúp cho ta buông xả cái tôi nhỏ bé để trở thành một với vũ trụ bao la, trầm lặng, bất biến, nhưng đồng thời luôn luôn chuyển động, muôn màu muôn sắc, linh động và thay đổi. Phật Giáo chú trọng đến niềm an vui nội tâm. Khi tâm an bình thì tự nó thành trong sáng như tấm gương rộng lớn phản chiếu mọi hoa lá, cỏ cây, người và vật. Tâm trong sáng, an vui đó được gọi là đất sạch (Tịnh Ðộ). Chốn tịnh độ ấy được mô tả đầy cả hương hoa rực rỡ, chim thú kỳ diệu, cảnh vật trang nghiêm. Các bộ kinh lớn của Phật Giáo như Diệu Pháp Liên hoa, Hoa Nghiêm cũng lấy tên loài hoa quý như hoa sen (Liên Hoa) và Tràng Hoa Ðẹp (Hoa Nghiêm) để chỉ cho cái tâm mầu nhiệm, an vui, rộng lớn, thanh tịnh có sẳn nơi mỗi chúng ta.

III. Dâng Hoa Cúng Phật

Phật Giáo ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của dân Nhật Bản. Nhiều chùa chiền được xây dựng và trở thành các trung tâm tôn giáo và nghệ thuật. Những cuộc chiến tranh và nội loạn làm mai một các ngành nghệ thuật ở Trung Hoa. Các ngành nghệ thuật ấy được tiếp đón, nuôi dưỡng và phát triển ở Nhật Bản, trong đó có nghệ thuật chưng hoa.

Trong các cuộc lễ ở chùa, người ta thường dâng hoa cúng Phật. Ban đầu bình hoa được cắm theo nguyên tắc cân xứng: Nhiều cành hoa có độ dài bằng nhau, cùng màu sắc và ở vị trí đối xứng nhau … Một nhánh hoa màu vàng bên phải thì có một nhánh hoa màu vàng bên trái, một nhánh hoa màu đỏ phía trước thì có một nhánh hoa màu đỏ phía sau. Cách cắm hoa này hiện vẫn còn thông dụng tại nhiều nơi. 

Sau đó, các vị thầy chưng hoa nhận thấy lối chưng hoa đối xứng như thế không phản ảnh vẽ đẹp tự nhiên. Nét đẹp của vạn vật biểu lộ một cách tự nhiên và không theo một sự cân xứng giả tạo. Từ đó nghệ thuật chưng hoa tiến một bước dài để trở thành Hoa Ðạo cùng với Thiền Phật Giáo, Trà Ðạo, Võ Ðạo tạo thành nền tảng vững chắc của nền văn hoá Nhật Bản. 

Từ các cuộc lễ theo truyền thống dâng hoa cúng Phật, nghệ thuật chưng hoa dần dần phát triển và trở thành một bộ môn nghệ thuật của giới qưý tộc rồi lan truyền đến dân gian. Cuộc triển lãm các bình hoa để công chúng thưởng ngoạn được tổ chức đầu tiên vào năm 1425. Từ năm 1445, các cuộc chưng bày được tổ chức có quy củ hơn để những người trong nghành chuyên môn này có thể học hỏi lẫn nhau. 

Vào lúc bấy giờ, cách dạy chưng hoa có tính cách cha truyền con nối, mỗi dòng họ giữ bí mật về nguyên tắc và kinh nghiệm trong ngành, cách giữ hoa lâu tàn, sự phối hợp màu sắc. Họ chỉ được truyền lại cho con cái và một số học trò thân tín. Sự thay đổi nói trên, tổ chức triển lãm quy mô các bình hoa thuộc nhiều trường phái khác nhau, đã đem lại sinh khí cho Hoa Ðạo. Từ đó thêm nhiều trường phái chưng hoa được khai sinh và tiếp tục phát triển. Vào giữa thế kỷ 17, đã có đến hơn một trăm trường phái chưng hoa. Ðến nay con số này lên đến cả ngàn. Tuy vậy, tất cả trường phái trên đều quy về một trong hai phái chính: Trường phái Hình Thức và trường phái Tự Nhiên. 

Trường phái Hình Thức chú trọng nhiều đến vẻ đẹp của các đường nét sáng tạo. Họ chú trọng đến các nguyên tắc về sự phối hợp lý tưởng các đường nét như trong các bức tranh cổ vẽ núi đồi, cây cảnh, dòng sông, đường mòn lên dốc núi, ao hồ cùng các đám mây lơ lững. Trường phái tự nhiên thì ngược lại, cắm một bình hoa theo hình ảnh của những cành hoa mọc ngoài thiên nhiên, nghệ thuật sẽ làm gia tăng vẻ đẹp và sự hòa hợp của hoa lá. Trên thực tế, hầu như mọi trường phái đều xử dụng hai nguyên tắc chính trên trong các lối chưng khác nhau.

IV. Bức Tranh Xưa Và Bình Hoa Ðẹp 

Khi nhìn vào một bức cổ họa, chúng ta thường thấy ở giữa là một hòn núi lớn, mây che mờ ảo (tượng trưng cho Ðạo hay cho Chân Tâm, Phật Tánh luôn luôn hiện hữu), hai bên là hai ngọn núi đông và tây. Dưới đó là một ngọn núi nhỏ hơn với đường nét rõ rệt. Bên sườn núi là một ngọn thác đổ xuống. Dưới đó là đồi, thung lũng, khu rừng nhỏ trong đó thấp thoáng là ngôi chùa của vị thiền sư hay căn lều của vị ẩn sĩ. Vùng gần nhất (cận ảnh) thường vẽ các cành lá hay các bụi hoa mọc trên phiến đá cùng các ngôi nhà rải rác phía xa và một dòng sông uốn khúc. Trường phái hình thức đã phối hợp chín nét chính nơi bức cổ họa đó như sau: 

09netv5

09netv6

Bức cổ họa

Nếu nhìn bức tranh xưa và hình bình hoa này chúng ta thấy:

1. Ngọn núi lớn nhất

2. Hai ngọn núi đông và tây.

3. Ngọn núi gần nhất trong

4. Dòng thác chảy

5. Ngọn đồi

6. Khu rừng trong đó thấp thoáng một thiền thất hay ngôi chùa

7. Một con sông

8. Một con đường đất

9. Vùng gần nhất (cận ảnh) của bức tranh có các tảng đá cùng hình ảnh các căn nhà rải rác

Bình hoa

1. Một cành cây, lá hay hoa, đẹp và lớn nhất

2. Hai nhánh cây, bên phải và trái

3. Một đóa hoa thật đẹp

4. Các chiếc lá, một cành cong

6. Một chùm hoa nhỏ hay lá có màu sắc

7. Một cành dài uyển chuyển

8.Chùm hoa nhỏ, hay lá hướng về phía trước

Cách chưng hoa trên rất trang trọng và nặng về hình thức, thích hợp cho các trang thờ và các buổi lễ lạc. Chưng một bình hoa như thế đòi hỏi rất nhiều công phu cũng như khả năng của người chưng hoa. 

Nhiều trường dạy chưng hoa chú trọng nhiều đến sự giản dị, tự nhiên và tính cách sáng tạo của nghệ thuật nàỵ Các hoa lá chưng trong bình phô bày nét đẹp thiên nhiên biểu lộ trong dòng sống trôi chảy. Ðó là nét đẹp của sát na hiện hữu, của bây giờ và nơi đây trong dòng thời gian vô tận và không gian vô cùng.

Nét đẹp của bình hoa do sự phối hợp các đường nét của cành lá, các đoá hoa, dáng dấp và màu sắc của mọi cánh hoa dù nhỏ hay lớn, “quý” hay “tiện”, với những ý nghĩa mà con người gắn cho mỗi loại, cùng với sự hòa hợp màu sắc và hình dáng của bình hoa. Sự quân bình của toàn thể các yếu tố ấy cộng với nơi bình hoa được chưng bày tạo nên một cảm tưởng có sự chuyển động, có sự biến chuyển của hai cực âm dương sinh động, đổi thay đồng thời vẫn im lìm và bất động. Nét đẹp ấy tạo nên một ấn tượng và đưa đến một cảm xúc riêng biệt trong lòng người thưởng ngoạn, chẳng khác gì khi mỗi người chúng ta đọc bài thơ Hài Cú chỉ gồm vài chữ mà thấy được sự mênh mang của vũ trụ: 

“Một cành cây trụi lá

Một con quạ đậu trên cành

Chiều thu sang. 

Ba Tiêu

(Tuệ Sỹ dịch)

V. Ba Cành Chính Của Bình Hoa 

Khi chưng một bình hoa, chúng ta lựa ba cành chính và những cành phụ. Khi lựa những loại hoa hợp với sở thích, chúng ta xem độ cong của nhánh hoa diễn tả phương hướng, sức mạnh của cành, các chiếc lá và màu sắc của mỗi đóa hoa. 

09netv7

Một bình sanh hoa

Một bình hoa có đưọc sự thăng bằng và sinh động nhờ các yếu tố hòa hợp. Trong thế giới mê vọng mọi thứ đều phân chia thành hai trạng thái đối nghịch như mạnh yếu, cao thấp, già trẻ, sống chết, … mà Ðông Phương đã dùng hai điễm Âm Dương trong hình thái cực để tượng trưng cho hai sức mạnh đối nghịch ấỵ Âm và Dương là hai sức mạnh chống đối nhau nhưng lại thu hút, hấp dẩn lẫn nhau tạo nên một trong các sức mạnh làm chuyển động bộ máy vũ trụ. 

Trong nghệ thuật chưng hoa khái niệm âm dương được chú trọng đến nhiều. Khi chưng một bình hoa con người đã thuận theo sự chuyển biến của âm (Ðất) và Dương (Trời) để bày tỏ niềm hy vọng, sự sống hướng về tương lai. 

Trong một bình hoa thường có ba cành chính là Thiên (Dương), Ðịa (Âm) và Nhân (con người), thuận theo âm Dương mà trở về với niềm an vui tự nhiên. Mỗi cành hoa có chiều cao, độ lớn, sức mạnh và hướng mọc khác nhau, luôn luôn diễn tả sự hòa hợp trong sự chuyển biến không ngừng. 

Nguyên tắc ba điểm chính ấy bắt nguồn từ giáo lý Phật Giáo nói về Tam Thân: Ba thân là Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân của chư Phật tuy ba nhưng lại là một. Pháp Thân là thân rộng lớn khắp giáp vũ trụ, không bị ngăn ngại. Báo thân là thân tướng đẹp đẽ, cực kỳ an vui. Ứng thân là thân hóa hiện thành con người sống nơi cõi thế gian nàỵ Ba Thân này vốn là một, luôn luôn hòa hợp và cùng hiện hữu nơi một vị Phật. Còn mỗi chúng sanh như chúng ta khi sống tỉnh thức thì kinh nghiệm được chúng ta vừa là con người nhỏ bé, vừa là vũ trụ bao la, vừa đang sống nơi chốn trần ai đầy não loạn mà lại vừa có thể hưởng được nguồn hạnh phúc trong sáng vô biên ngay chính trong cuộc đời nàỵ 

Nói một cách giản dị hơn, khi tâm ta ở trạng thái buông xả, thoải mái thì các ý tưởng, các cảm xúc vui buồn dần dần lắng dịu. Cái tôi (ngã) chỉ là sự tiếp nối liên tục của các ý tưởng và tâm tư cũng dần dần lắng dịu và tan biến. Khi bức tường tự ngã (cái tôi) tan biến thì ta và vũ trụ không còn bị chia cách mà trở thành cái Một bao la. Lúc đó ta trực tiếp có kinh nghiệm về Pháp Thân rộng lớn vô cùng của chính mình: tỏa chiếu trong yên tĩnh và bao trùm mọi chốn. Trong chốn không gian rộng lớn ấy tình thương yêu tràn dâng và sự hiểu biết chân thật hiển bày, đưa ta về vói nguồn hạnh phúc tràn đầỵ Nguồn an vui hạnh phúc ấy không nương tựa, không lệ thuộc vào gì cả, nó chính là con suối trong mát hiện hữu ngay từ đầu nguồn. Ðó chính là Báo Thân tự hiển lộ noi ta. Nhưng chúng ta vẫn dẫm chân trên mặt đất đầy bụi bặm này mà làm các công việc hàng ngày: nấu cơm, rửa chén, chùi nhà, làm việc, học hành, chăm sóc gia đình, phát triển nghề nghiệp. Chúng ta hiện hữu trong cuộc sống rất bình thường và giản dị này dưới nhiều hình thái khác nhau: con cái, cha mẹ, anh em, bạn bè, đàn ông, đàn bà, công tư chức … Nhưng dù trong hình tướng nào, trong Ứng Thân nào ta cũng có thể kinh nghiệm trực tiếp tánh rỗng lặng rộng lớn vô biên và niềm an lạc vô cùng. Nói một cách khác, Phật tính có trong mỗi người chúng ta. Phật tính ấy biểu lộ, bày bỏ trong trạng thái tâm linh cao vút tuyệt vời, an vui sâu thẳm qua mọi sinh hoạt tôn nghiêm hay thế tục. Ba cành hoa Thiên, Ðịa và Nhân biễu lộ sự hòa hợp tuyệt đối đó. Và khi chúng ta quay về với sự tĩnh lặng bên trong khi chưng một bình hoa thì điều kỳ diệu có cơ duyên xuất hiện. 

09netv8

Ba cành hoa cắm không cân xứng nơi bình hoa biểu lộ sự hợp nhất của mọi sự đối nghịch trong vũ trụ và nơi mỗi chúng ta: vừa là rỗng rang tuyệt đối mà lại vừa tràn đầy vô cùng, vừa là đầy sức sống vừa là buông xả không dính mắc, vừa là chuyển động mà lại là yên tĩnh, hay nói theo tinh thần Bát Nhã, màu sắc hòa hợp, hình dáng xinh tươi của mỗi đóa hoa, mỗi cành lá, hiện hữu rực rỡ trong cái vắng lặng bao la. 

Khi chưng một bình hoa, chúng ta tham dự vào sự sáng tạo tuyệt đối và sự hũy diệt tuyệt đối. Các cánh hoa, cành lá, bình hoa, nước nuôi hoa được sắp xếp, phối hợp để tạo thành một vẻ đẹp toàn thể, bày tỏ nguồn sống của vũ trụ nơi hoa lá mong manh. Nét đẹp của Ba Ngàn Thế Giới ngưng đọng nơi một bình hoa bé nhỏ. Một bình hoa nhỏ bé ấy là vũ trụ mênh mông. Ðồng thời khi để tâm vào sự sáng tạo ấy, ta chỉ thuận theo những nguyên tắc tự nhiên của vũ trụ chuyển biến mà sắp xếp cây cành, không còn để ý đến cái tôi (ngã) nhỏ bé của mình nữa. Các ý tưởng khen chê, ưa ghét, phê phán quấy nhiễu tâm ta hàng ngày cũng tự chúng tan biến đi. Khi ta hoàn toàn chú tâm vào việc chưng bình hoa thì cái tôi nhỏ bé với những mâu thuẩn, xung đột, khổ đau hàng ngày của nó bỗng nhiên tan biến, để ta nhập vào vũ trụ mênh mông của thể tánh, cái rỗng lặng nồng ấm bao la của dòng suối trong mát đầu nguồn. Ðó là sự hũy diệt toàn diện của tâm mê mờ để niềm an vui vô cùng (Phật Tánh) tự nó xuất hiện.

5. Thiền Và Trà Ðạo 

Khi nghe nói đến Trà Ðạo, có lẽ chúng ta muốn biết ngay Trà Ðạo là gì. Lợi Hưu (Rikyu, 1522 – 1591), người đã đưa nghệ thuật uống trà trở thành Trà Ðạo, trả lời rất giản dị: “Trà Ðạo là cách làm cho ta hết khát”. 

Chúng ta khát nước khi uống nước không đủ, và chúng ta thường khao khát niềm an vui và muốn hòa nhập với sự sâu thẳm của tánh tự nhiên sẵn có nơi mình. Tánh đó vốn rộng lớn bao la, trong sạch vô cùng, an vui vô hạn và tĩnh lặng nhiệm mầu. Chúng ta gọi tánh ấy là tánh chân thật, tâm chân thật (chân tánh hay chân tâm) hay Phật tánh. 

Trà Ðạo là nghệ thuật pha và uống trà, đưa ta tiếp xúc thẳng với cội nguồn tâm linh ấỵ Nguyên tắc của Trà Ðạo nằm sẳn trong nguyên tắc sống thiền: hoà hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng. Thiền cũng chỉ là một tông phái của Phật giáo nên các nguyên tắc trên vốn là sự bất khả phân giữa hiện tượng bên ngoài và thế giới bên trong. Sự hoà hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng của trà thất, của trà chủ (người mời) và trà khách (người được mời) vốn là sự hợp nhất của tâm và cảnh, của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong nơi mỗi chúng ta. 

09netv9

Tô Ðông Pha, một thi sĩ nổi tiếng và cũng là một chất tinh khiết và giống như một người có đức hạnh cao quý, trà không sợ bị hư hỏng. Các vị tăng sĩ Trung Hoa trước đây đã thực hành nghi thức uống trà trước tượng của vị tổ Bồ Ðề Ðạt Ma theo những cung cách trang trọng, biểu lộ trạng thái an bình, rỗng lặng nhưng linh động của tâm uyên nguyên, tâm ban đầu nơi mỗi chúng ta vốn luôn luôn tinh sạch và tỏa chiếu sự thấy biết chân thật. Nghi thức nào cùng với nền văn minh đời nhà Tống bị hũy hoại nặng nề khi nguời Mông Cổ xâm chiếm và cai trị Trung Hoa. Nhiều hoa trái của nền văn minh đó đã đuợc chuyển sang Nhật Bản, được nuôi dưỡng và đơm hoa. 

Ở các thiền viện Lâm Tế (Rinzai), thiền trà được diễn ra một cách nhanh chóng và lặng lẽ. Buổi sáng sớm, các thiền sinh thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, vệ sinh cá nhân rồi vào thiền đường. Thiền sinh phụ trách pha trà (trà giả) đã sẵn sàng với các chén trà đã lau sạch bóng cùng ấm trà nóng. Thiền sinh bưng khay trà đến trước mỗi hai thiền sinh cúi đầu chào. Hai thiền sinh chắp tay xá đáp lễ và mỗi người lấy cái chén nhỏ, tách trà để trước mặt mình. Sau khi mọi người đều có chén, thiền sinh phụ trách mời trà đem bình trà đến giữa mỗi hai người, trịnh trọng cúi chào và châm trà. Khi mọi người đã có trà trong chén, một tiếng báo hiệu vang lên, mọi người để tâm vào hơi thở nhẹ nhàng thoải mái, nâng chén trà lên và uống trà hoàn toàn trong tĩnh lặng. 

Các thiền đưòng Tào Ðộng (Soto) không uống trà vào mỗi buổi sáng như trên mà chỉ vào các dịp đặc biệt trong tháng. Vị thiền sư mời tất cả thiền sinh uống một tách trà quý do một cư sĩ biếu ngài. Trong những dịp ấy, vị thầy thường ân cần nhắc nhở môn sinh nổ lực tu hành tinh tấn để xâm nhập vào cái kỳ diệu của tâm giải thoát. Ðiều này làm chúng ta nhớ lại truyện các vị vua Nhật Bản ban trà cho quý vị tăng sĩ như vào năm 729, Thánh Vũ Thiên Hoàng ban trà cho một trăm vị tăng tại cung Nại Lương. Ðời sống tu hành của các vị tăng ni và trà liên hệ với nhau rất mật thiết về lượng cũng như về phẩm vậỵ 

Thiền trà nói trên là cách uống trà trong thiền đường, cùng phát triển theo dòng thiền đốn ngộ do ngài Huệ Năng chủ xướng. Ðến thế kỷ thứ mười lăm, người Nhật đã tạo ra một nghi thức uống trà đặc biệt ở bên ngoài thiền viện mà chúng ta thấy còn tồn tại cho đến nay. Tuy cách thức có khác nhau, nhưng cũng phản ảnh sự hòa hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng của Trà Ðạo. 

I. Vài Nét Lịch Sử 

Trà đã được dùng ở Việt Nam và Trung Hoa từ lâu. Ðến thế kỷ thứ bảy, vói nền văn minh hưng thịnh của nhà đường, uống trà trở thành một nghệ thuật như đánh đàn (cầm), chơi cờ (kỳ), làm thơ (thi) và vẽ tranh (họa). Vào thời kỳ này, nguời ta xử dụng 24 trà cụ, các đồ dùng để pha trà. Sau này Lục Vũ, tác giả quyên Trà Kinh đã mô tả các trà cụ đó, và người ta thấy tương tự như những thứ được xử dụng trong trà đạo của Nhật Bản hiện naỵ 

Trà Kinh nói rất rõ về lịch sử của trà, các trà cụ, cách pha và uống trà. Ngày nay các thứ sau đây được dùng cho việc pha trà: một lò đun nước, ấm nấu nước bằng kim loại, chum đựng nước tinh khiết, bình đựng nước thừa, chén trà, muỗng tre, bót tre đánh bột trà hay trà tiển, khăn lụa để lau bình trà, khăn trắng lau chén trà cùng một số các trà cụ khác. 

Trà thất, phòng uống trà, được xây cất theo đường nét lý tưởng truyền lại từ thế kỷ thứ 16 là một gian nhà tranh đơn giản. Ðúng hơn, đó là một túp lều với một cửa vào rất thấp. Các trà khách thường phải để tất cả các áo giáp, cung kiếm bên ngoài và cúi mình lết vào trong trà thất. Tất cả mọi người trong trà thất đều bình đẳng như nhau. Trà chủ - dù là một nhà quý tộc hay một lãnh chúa – khiêm tốn làm công việc pha trà đãi khách. Cung cách vái chào tân khách, lau chùi các trà cụ, cách đưa tay mở vại nước, múc nước đổ vào bình, cầm chiếc muỗng tre có cán dài múc nước sôi chế vào chén trà, đánh bột trà cho tan vào nước, bưng chén mời khách, v.v… sẽ phơi bày trạng thái tâm thức của trà chủ. 

Trà Ðạo không phải chỉ là cách pha trà và uống trà. Trà Ðạo là sống trọn vẹn với sự tỉnh thức, trọn vẹn với thế giới hiện tại: Bây giờ và nơi đây. Chủ và khách cúi chào nhau, bưng chén trà hay trà cụ với các ngón tay không được tách rời, lúc uống trà phải từ tốn và chú tâm. Mỗi động tác là một hành vi tuyệt đối, không thiếu không thừa, chính xác nhưng khả ái, có chủ đích rõ rệt nhưng tự do tuyệt đối. Khi múc nước lạnh, trà chủ múc nước ở phía giữa lu vì chất cặn nằm phía đáy lu. Trái lại, khi múc nước sôi, phải múc ở phía dưới nồi vì chất không tinh khiết nổi lên trên. Mỗi trà cụ là một cái tuyệt đối, vượt lên giá cả, tánh chất tốt xấu của các vật liệu làm ra chúng. 

09netv10

Trà đạo bắt nguồn từ thiền, cho nên khách và chủ đều biểu lộ tâm trong sáng và linh động, không vướng mắc vào các ý tưởng hay tâm tư thường ngày (tạp niệm). Ðó là trạng thái thân và tâm tỉnh thức và buông xả, là ở trong trạng thái tự do tuyệt đối, với các hoạt động thoải mái, đúng mức một cách tự nhiên, là từng nét đẹp tiếp tục xuất hiện ngưng đọng trong giây phút vĩnh cửu của thời gian trôi chảy không ngừng. Sự hoà hợp giữa chủ và khách, tâm và vật, không gian và thời gian, vũ trụ bao la và chén trà nhỏ bé, thời gian vô tận và thoáng chốc trôi nhanh, giữa tĩnh và động, màu sắc và sự rỗng lặng mênh mông đã được sự cảm nhận đầy đủ nơi đây. Ðể gia tăng sự hòa hợp và chuẩn bị tâm thức cho người uống trà, các ngành nghệ thuật về vườn cảnh, kiến trúc, hội họa, chưng hoa, ẩm thực, đồ sứ cùng cung cách (quy định cho chủ và khách) được phối hợp tối đa.

II. Trà Chủ Chuẩn Bị 

Người chủ buổi thưởng trà có thể chọn chủ đề như đầu thu và chọn các trà cụ cho thích hợp với khách mời. Ông ta chọn một bức tranh thủy mạc là vật trang hoàng chính để tạo phong vị cho trà thất. Bình hoa chưng thường diễn tả mùa nhưng không được có màu sắc rực rỡ hay thơm nồng vì như thế sẽ làm mất đi sự tĩnh mịch và hòa hợp cần thiết. 

Nói đến hoa trong Trà Ðạo chúng ta không thể nào quên câu chuyện khán hoa Triêu Nhan. Thái Cáp (Taiko) là vị tướng quân thuộc dòng họ Tú Cát, kẻ vừa mới lên cầm quyền, thay mặt Thiên Hoàng trị vì trăm họ, một hôm nghe vườn của Lợi Hưu đang nở rộ những đóa hoa Triêu Nhan nên muốn đến xem hoa. Ðây là loại hoa màu trắng, dáng như chiếc chuông nhỏ, sớm nở tối tàn, đẹp và mong manh. Lợi Hưu mời vị tướng quân này đến dùng trà buổi sáng. Ðó là điều ông ta mong muốn vì ông thích ngắm vườn hoa nổi tiếng nàỵ Khi đi quanh vườn ông chỉ thấy toàn là lá xanh, chẳng có một đóa hoa nào cả. Ông ta bước đến trà thất với lòng bực bội vì không được toại nguyện. Khi vừa vào trà thất, nhìn lên, ông ta thấy một đóa Triệu Nhan duy nhất trong một chiếc bình quý bằng đồng đời nhà Tống. 

Hãy thấy mọi vật là vật duy nhất trên đời. Ðó là thông điệp của thiền. Vì trà nhân đã giúp cho vị tướng quân bắt gặp điều: “Trên trời, dưới trời, chỉ mình ta là tôn quý” ấy, hay nói theo nhà thơ William Blake trong bài Auguries Of Innocence: 

“Thấy vũ trụ trong một hạt cát

Và thiên đường nơi một đóa hoa dại

Cầm vô biên nơi lòng bàn tay

Và vĩnh cữu trong một giờ ngắn ngủi.”

Trước khi vào trà thất, khách sẽ đi qua khu vườn được quét dọn sạch sẽ. Ðó là một loại “vườn thiền”: hoa lá có màu sắc trang nhã, các tảng đá được phối trí hòa diện với những hòn đá nhỏ mà phần lớn chôn dưới đất theo nhóm ba, năm, bảy, hay chín viên đá nằm rất vững vàng (Vì những tảng đá này được chôn hai phần ba phía dưới mặt đất, một phần ba lộ thiên), hàng rào tre cùng chiếc cổng cổ kính. Tất cả đều tỏa ra nét khiêm cung, trang nhã và an bình. Tất cả đều có một sự tự nhiên, hòa hợp, chẳng chút phô trương vì đó là tinh thần của Trà Ðạo. 

Chúng ta thường nghe kể vị trà sư Lợi Hưu sai con mình quét vườn cho thật sạch để đón khách uống trà. Mỗi lần nghe con trình vườn đã quét dọn xong, ông ta ra nhìn rồi lắc đầu bảo chưa được. Sau nhiều lần quét dọn đến lúc vườn sạch bóng mà cha mình vẫn chưa chịu, người con hỏi ông ta chưa vừa ý chỗ nào, vị trà sư lặng lẽ đến dưới một cành cây với lá đang chuyển vàng, đưa tay lay nhẹ và các chiếc lá vàng rơi xuống trên mảnh vườn rêu xanh. 

“Vài chiếc lá vàng lặng lẽ

Trên thảm rêu xanh

Mùa thu đến.”

Các vị khách tinh tế nhìn thấy rõ lòng hiếu khách, niềm kính trọng của người chủ và nhất là bắt gặp được cái tâm rỗng lặng phổ vào mọi sự vật hiện hữu quanh đâỵ Họ thưởng thức nét đẹp tự nhiên của vườn thiền, nét đơn giản nhưng hàm xúc của bức tranh vẽ bằng mực tàu trên giấy bồi, bình hoa đơn sơ, giản dị và trang nhã và các trà cụ xử dụng được lau chùi tinh sạch. 

Khi chủ và khách đã an vị, tâm họ lắng đọng trong chốn an bình tĩnh lặng. Các giác quan của họ trở nên bén nhậy trong sự thoải mái và nhận biết rõ ràng những dáng dấp, màu sắc, âm thanh, mùi vị và xúc chạm. Ngũ quan họ hợp nhất trong cái tâm rỗng lặng bao la: tiếng nước sôi reo nhẹ như tiếng gió rì rào qua kẻ lá, bình hoa đơn sơ hiện dần nét đẹp kỳ diệu, khói trầm thơm phảng phất cái mơ hồ, vị trà đắng chuyển dần thành cái ngọt ngào sâu đậm. Trong trà thất đơn sơ, tâm của chủ và khách cùng tiếp xúc với cái bình dị tinh sạch tỏa ra từ các vật nhỏ bé ở trước mặt họ. Mọi thứ đều giản dị, chân thật và cùng biểu lộ cái vô cùng.

Uống trà như thế chẳng khác gì tham dự một lễ nghe trang trọng tại một thiền viện. Ðó là một kinh nghiệm tâm linh phong phú trong khung cảnh đơn giản gần như nghèo nàn. Trên thực tế, người ta đã nhận rõ viên ngọc quý báu nơi mình chiếu sáng trong tịch lặng, viên ngọc quý mà Ðức Phật Thích Ca trong kinh Pháp Hoa nhắc nhỏ chúng ta đừng bao giờ quên xử dụng để luôn luôn sống với nguồn hạnh phúc tỏa rộng đến vô biên. 

Ðó là điều mà vị trà sư người Hoa Kỳ đã tìm được Ông Gary Charles Calwallader đến Nhật Bổn vào năm 1975 trong chương trình trao đổi sinh viên ngành lịch sử nghệ thuật sau khi tốt nghiệp cao học ngôn ngữ và văn hóa Nhật tại đại học Austin, Texas. Sau đó ông học Trà Ðạo năm năm tại trung tâm Trà Ðạo Urasenke Chanoyou. Trường phái chính tại Nhật truyền thừa qua 15 vị tổ kể từ ngày các vị tu sĩ Nhật Bản sang Trung Hoa học ngành này và truyền bá lại cho những người trong nước vào thế kỷ thứ 15. Ông Cawallader bày tỏ lý do ông ưa thích như sau: “Triết lý của Trà Ðạo hấp dẫn tôi trước khi tôi biết về sự thực hành trà đạo. Rồi tôi lại thấy sự thực hành thật là thích thú vì Trà Ðạo đặt nền tảng trên bốn nguyên tắc của Thiền: Hòa, Kính, Tịnh và An: Hòa Hợp, Kính Trọng, Thanh Tịnh và An Bình. Sống với tâm hòa hợp, kính trọng, trong sáng và an bình là sống với chân tâm hay tâm giải thoát vậỵ 

III. Sức Mạnh Của Chén Trà

Các trường phái chưng hoa hiện nay cố gắng phát triển các kỹ thuật chưng hoa hướng đến sự giản dị vì đời sống con nguời càng lúc càng bận bịu ở sở cũng như ở nhà. Các trường phái Trà Ðạo cũng nhận thấy điều ấỵ Nếu muốn cho Trà Ðạo tồn tại và phổ biến ở nhiều quốc gia, người ta cố gắng chú trọng những điều chính, bỏ bớt những thứ không cần thiết khác. Do đó, khi Trà Ðạo đến với các nước Tây Phương, chúng ta thấy họ giảm thiểu các nghi lễ, bỏ bớt bữa ăn kéo dài cùng các lời nói xã giao, chú trọng đến sự pha trà, uống trà và dùng bánh ngọt và nói chuyện thân mật. 

Trong nhiều thế kỷ qua ở Nhật Bản Trà Ðạo ảnh hưởng đến mọi ngành sinh hoạt. Người Tây Phương thường nói “bão tố trong một chén trà” khi phẩm bình về những lời bàn luận, những cuộc đàm luận sôi nổi nhưng phù phiếm quanh những ly cà phê hay những chén trà vào những lúc trà dư tửu hậu. Cách uống trà trang trọng, thoải mái quả thật đã tạo nên những cơn bão tố không phải trong chén trà mà trong đời sống người dân Trung Hoa và Nhật Bản. Nói khác đi, trà nhân là những người đã tạo ra những cơn bão ngầm cố sức mạnh làm thay đổi toàn diện những sinh hoạt của giới quý tộc cũng như bình dân thời trước. 

Trà thất, túp liều tranh đon giản, phát xuất từ ý của kinh Duy Ma (Vimalakirti Sutra). Ngài Duy Ma đón tiếp Ngài Xá Lợi Phất trong một căn nhà nhỏ bé. Ngài Xá Lợi Phất lo ngại căn nhà nhỏ bé này không đủ chỗ ngồi cho các Bồ tát và hàng Ðại đệ tử đến viếng ngài Duy Ma. Ngài Duy Ma thi triển thần thông và trong chớp mắt nơi nhỏ bé ấy biến thành chốn rộng lớn vô biên: Khi tâm quay về với tánh rỗng lặng tự nhiên thì ta thấy trong mọi sự vật dù nhỏ như hạt bụi, đều chứa đựng cái vô cùng. Ðó là chủ ý của những buổi uống trà trong tĩnh lặng. 

09netv11

Thuật chưng hoa, cách làm đồ gốm, cách nấu và dọn những thức ăn, cách ăn mặt trang nhã, cách chào hỏi và biểu lộ sự kính trọng lẫn nhau, nghệ thuật kiến trúc, trang trí trong nhà và tạo lập vườn cảnh, cách tiếp xúc với đời sống tâm linh, và ngay cả trong lãnh vực chính trị, cách làm cho nền hoà bình kéo dài qua sự quân bình giữa quân sự và hành chánh, đâu đâu người ta cũng thấy ảnh hưởng của trà nhân. 

IV. Thay Ðổi Trong Cái Không Thay Ðổi. 

Thế giới hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với thời trước nhưng nhiều người Âu Mỹ đã thích thú uống trà theo cung cách Trà Ðạo. Muốn cho nghệ thuật thưởng trà này được phổ biến rộng rải, có lẽ chúng ta cần bước thêm một bước nữa. 

Trong những năm qua, một sự cập nhật hoá mạnh nhất về uống trà trong tỉnh thức là do một thiền sư Việt Nam chủ xướng trong các khoá tu thiền: thiền sư Nhất Hạnh. Trong các khóa tu, các thiền sinh thường tổ chức thiền trà theo một số nghi thức giản dị và dễ dàng: chuẩn bị pha trà, dâng trà lên bàn tổ, uống trà trong tĩnh lặng, sau đó sinh hoạt văn nghệ trong thoải mái. Khi uống trà trong tỉnh thức thì trà có hương vị thiền hay hương vị giải thoát. Giải thoát là tâm ta ở trong trạng thái ung dung, nhàn hạ, tươi mát, linh động, bén nhạy và thấy biết tất cả nhưng không bị bất cứ một thứ gì trói buộc. Như thế, tu tập siêng năng để uống một tách trà cho có hương vị thiền, hay nói khác đi, để sống một cuộc đời đầy an vui hạnh phúc vì đạo Phật chú trọng vào cuộc sống hiện tại, đến sự thoải mái của mỗi hơi thở ra và vào, đến sự cảm nhận, thấy biết tất cả những gì đang xảy ra quanh ta một cách chân thật và đầy đủ. 

Vị thiền sư Việt Nam dạy cách uống trà này cho hàng ngàn môn sinh khắp Mỹ Châu, Á Châu, Âu Châu và Úc Châu. Hương trà của ngài đã theo gió bay qua biển Thái Bình Dương đến với xứ Phù Tang Tam Ðảo, làm cho một người Hoa Kỳ tu tập trên mười hai năm tại thiền viện Tào Ðộng Nhật Bản, nữ thiền sư Ðại Viên Bennage đã quyết định sang Làng Hồng tu tập một thời gian trước khi mở thiền viện thu nhận môn sinh ở Hoa Kỳ vì: “Cách hay đẹp mà thiền sư Nhất Hạnh dạy Ðạo cho những người Tây Phương bằng tiếng Anh”. Thêm một hạt giống trà đã biến thành cây trà quý tỏa hương thơm dịu. 

Thiền sư Nhất Hạnh khuyến khích áp dụng thiền trà ở nhà để vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em có thể hưởng những phút giây thân mật, đầm ấm của hạnh phúc gia đình trong niềm vui an lành, thoải mái và cởi mở. Tu tập để đoá hoa hạnh phúc nở tươi mát dưới mái ấm gia đình. 

Với Thiền Trà như trên, Trà Ðạo đã bước một bước khá mạnh mẽ vậỵ 

.Tài Liệu Tham Khảo 

_Le Livre du Thé, Okakura Kakuzo, Paul Derain, Lyon, 1958

_Urasenke Newsletter, Konnichian, Kyoto, 1988 & 1989.

_Trà Kinh, Vũ Thế Ngọc

_Các lời giải thích và thực hành thuật pha và uống trà tại các buổi trình bày Trà Ðạo. Những bài Pháp Thoại trong những khóa tu thiền.

6. Thiền Và Vườn Cảnh 

Thiền là nghệ thuật sống với niềm an vui sâu thẳm của tánh trong sáng rộng lớn, tự nhiên vốn sẳn có nơi mỗi chúng ta. Vườn thiền là khung cảnh tạo dựng lên bằng cây, cỏ, đá, rêu phối hợp với cảnh trí thiên nhiên để giúp chúng ta tiếp xúc với sự sâu thẳm nội tâm ấy. Vườn đó cũng được gọi là vườn đông phương. 

Vườn đông phương và vườn tây phương khác nhau rõ rệt: Một bên trồng thật nhiều bông hoa rực rỡ, một bên chú trọng đến nét trầm lặng, cô liêu, trống vắng, sâu thẳm và an bình. Sự khác nhau căn bản đó bắt nguồn từ hai nền văn hóa khác biệt. Ðông phương xem đời sống là một toàn thể, con người sống hòa hợp và thoải mái với thiên nhiên.. Tây phương chú trọng đến việc chinh phục và chế ngự thiên nhiên. Ðông phương qua ảnh hưởng của Phật giáo, nhất là Thiền tông thấy rõ nét thiên thu trong những giây phút ngắn ngủi nối tiếp bất tận, thấy rõ chính nơi thế giới thường ngày chúng ta đang sống vốn là Thực Tại, vốn là sự Chân Thật, vốn là Chốn Thiên Ðàng, là Cảnh Thiên Thu Bất Biến trong sự biến chuyển không ngừng. Vườn đông phương đưa ta vào thế giới trầm lặng, sâu thẳm, bí mật của những gì ở phía bên kia thuộc vùng vô thức, vườn tây phương khích động thị giác chúng ta với những nét rực rỡ muôn màu muôn sắc của chốn bên này, của vùng ý thức. Vườn đông phương vương vấn nơi tâm thức chúng ta, theo chúng ta về đến tận nhà sau khi chúng ta rời khỏi chốn ấy từ lâu. Ngược lại, vườn tây phương biến mất khi chúng ta bước ra khỏi cổng, khi mắt ta không còn đối diện với hoa lá muôn màu muôn vẽ.

I. Hoa Chưa Nở, Bụi Chưa Dấy 

Trong bài tựa của thiền thư Bích Nham Lục, thiền sư Viên Ngộ đã viết: “Một mảy bụi dấy lên là đại địa trọn thâu. Một đóa hoa nở là thế giới lừng dậy. Thế nhưng khi bụi chưa lên, hoa chưa nở thì mắt dính vào đâu?” 

Khi hoa chưa nở thì chúng ta thấy cái gì? Ðó chính là điểm ách yếu của Thiền Tông và cũng của các vườn đông phương. Những khu vườn xanh thẳm hun hút và trầm lặng: Khi hoa chưa nở thì mắt dính vào đâu? 

Tâm là cái mà chúng ta nghe, thấy, biết, phân biệt hay dỡ, đúng sai, là cái mà chúng ta cảm nhận sự vui, buồn, thương ghét khi đối diện với cái chúng ta ưa hay ghét. Vào một vườn tây phương chúng ta thích thú với những đóa hồng trắng, tím, vàng, hoàng phấn to và tươi mát, với những đoá uất kim hương xuất hiện cùng với mùa xuân tô đậm nền cỏ xanh với những khối mầu vàng hay đỏ rực rỡ. Chúng ta thấy bông hoa tràn đầy màu sắc, chúng ta nhìn bầu trời cao rộng, chúng ta nghe tiếng chim hót líu lo. Qua cái thấy, nghe, biết mà chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh và những nét đẹp của hoa lá trong khu vườn giúp chúng ta quên đi giây phút hiện tại trên quả đất này, giúp chúng ta vui sướng qua những rung cảm của giác quan, giúp chúng ta biết được phần nào chốn thiên đàng mà chúng ta mong mỏi, hy vọng hay ước ao sẽ đến khi rời bỏ quả đất đầy phiền não và đấu tranh nàỵ 

Vườn đông phương thì ngược lại, không trồng nhiều hoa, không có những cảnh rực rỡ thu hút chúng ta để chúng ta quên mình đi, đánh mất mình đi trong nét đẹp của dáng dấp và màu sắc bao quanh. Vườn đông phương có một chiều sâu thăm thẳm, đó là một thế giới rộng lớn bao la trong một khu vực bé nhỏ. Vào một khu vườn tây phương, chúng ta quên mất sự có mặt của mình. Ở trong một khu vườn đông phương, chúng ta thấy rõ, biết rõ sự hiện hữu của mình trong vũ trụ trống vắng, tinh sạch, bình an và bao la. Sự thấy biết đó, ý thức về sự có mặt của mình đó không phải do mình đối diện với cảnh bên ngoài, đối diện với những hình dáng, mầu sắc, âm thanh mà do sự hòa tan của mình vào ngoại giới và trở thành một với cái vô cùng như thiền sư Tuệ Trung diễn tả: 

“Di Ðà vốn thật pháp thân ta

Nam Bắc Ðông Tây khắp chói lòa

Trăng thu ngự giữa trời cao rộng

Ðêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.”

(Nhất Hạnh dịch)

09netv13

Thiền cho ta thấy rõ, sống một cách chân thật với vũ trụ bao la của tâm linh, nhìn thấy tính cách rỗng lặng, tràn đầy, tỏa chiếu của mọi sự vật, nhìn thấy cái vô biên trong một hạt cát và sống trong thời gian vĩnh cữu của những giây phút lăn trôi không ngưng nghỉ. Ðiều ấy được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm: 

“Phật tử trụ ở đây

Trong một hạt bụi nhỏ

Thấy vô lượng quốc độ đạo tràng

Chúng sinh và các kiếp.

Trong một hạt bụi như thế

Trong hết thảy hạt bụi cũng thế

Tất cả đều chứa đủ

Thảy đều không ngại nhau. 

Trong mỗi hạt bụi

Thấy đủ đại dương quốc độ

Chúng sinh, kiếp như vi trần

Lẫn lộn mà không ngại nhau.

Phật tử trụ ở nơi đây

Quán hết thảy các pháp

Chúng sinh, quốc độ và thời gian

Không sinh khởi và không thực hữu.

Quán sát lý bình đẳng

Nơi chúng sanh nơi pháp

Như Lai, quốc độ và nguyện

Và thời gian thảy đều bình đẳng.”

(Tuệ Sỹ dịch)

II. Cái Có Là Cái Không 

Lời Kinh Bát Nhã nói về sự thấy biết rõ ràng chân thật khi chúng ta buông xả mọi thứ ràng buộc, mọi sự bám vúi vào những ý tưởng so đo, những cảm xúc vốn cứ cột chặt lòng mình. Khi lòng mình thoãi mái, tâm mình an bình, trí mình tươi mát, linh động, bén nhạy thì vạn vật hiện ra một cách chân thật: Chúng hiện hữu, có mặt tràn đầy với những hình dáng và màu sắc nhưng rỗng lặng, yên tĩnh và riêng biệt tuyệt đối. Khi đi vào một khu vườn tây phương chúng ta chỉ thấy cái đó, cái hữu bao quanh mình bốn phía. Khi đi vào khu vườn đông phương cái không hiển bày làm ta tiếp xúc được với không gian không bờ mé và thời gian vĩnh cữu: 

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Kìa xem bóng nguyệt dòng sông

Ai hay không có, có không là gì.

(Nhất Hạnh dịch) 

Dĩ nhiên, khu vườn đông phương không phải chỉ là cái trống rỗng không có gì cả. Trong đó cũng có cây cỏ, hoa lá, những tảng đá, những ao hồ hay những con suối, những mô đất cao cùng những bãi cát trắng hay vàng có những đường chạy song song như những đợt sóng biển nối tiếp chạy đến những hoang đảo cô liêu.

09netv14

Kim Các Tự cô tịch vào mùa đông 

Theo quyển Vườn Nhật Bản, người ta phân ra làm bốn loại vườn chúng ta thường thấy ở các chùa chiền, nơi thiền viện hay những tư gia: Vườn có ao đồi, vườn đá cát và vườn có các bậc đá xếp thành lối đi và vườn ngoạn cảnh. 

Vườn ao đồi là những khu vườn rộng người ta đắp những đồi đất tượng trưng cho núi và đào những chiếc ao hay hồ tượng trưng cho biển. Những cây cối trồng nơi đây được tỉa cắt cẩn thận để chúng đừng lớn quá và luôn luôn hòa hợp với khung cảnh xung quanh, tạo thành một cảnh đồi núi hùng vĩ với những cây tùng, cây bách ghi dấu thời gian đang lặng lẽ trôi qua. Khu vườn là một vũ trụ mênh mông trong một khu đất giới hạn về không gian lẫn thời gian. 

Vưòn đá cát là những vườn khô, không cây cỏ, chỉ có cát và đá. Vườn mà không có cây cối, hoa lá, chỉ những tảng đá rêu phong cùng bãi cát trắng cùng bức tường tạo thành một vũ trụ riêng biệt. Ở nhiều thiền viện, những vườn đá cát được tạo nên để giúp chúng ta nhìn thấy cái trống vắng của thế giới bên trong cũng như bên ngoài, cái bao la trên một vùng nhỏ bé. Trên khu đất hình chữ nhật, người ta trãi cát. Các hòn đá được sắp xếp theo quy luật tương xứng và liên hệ hỗ tương để biểu lộ sự hòa hợp tự nhiên. Các hòn đá này rải rác nhiều nơi trên thảm cát. Những tảng đá lớn là chính, những hòn nhỏ hơn được thêm vào theo các con số 1, 3, 5, 7, 9, 11, 13, 15. Các hòn đá được sắp xếp gần nhau theo số lẻ để tạo nét hòa hợp tự nhiên. Có lúc hai tảng đá nằm kế cận thì một lớn (Chủ) và một nhỏ (Bạn) đối xứng và hỗ trợ cho nhau. 

Những vườn đá thường do các vị tu sĩ Phật giáo thực hiện vào các thế kỹ trước đây và những vườn này bày tỏ chất thiền một cách cụ thể nhất qua hình thù và màu sắc. Những tảng đá tuy được sắp xếp theo một quy luật nào đó, với những hình thù và khối lượng khác nhau để tạo ra sự hòa hợp và cân đối nhưng đó không phải là mục đích chính của tác giả. Các ngôi chùa và các thiền viện đều tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh nói về sự rốt ráo của tâm giải thoát: 

“…sắc tức là không

Không tức là sắc …” 

Các hình thù, màu sắc, khối lượng là không. Không ở đây không phải là cái trống vắng của một cái gì đã có trước rồi nay lại biến đi. Không cũng không là ngược lại với có hay là sự trống rỗng. Không ở đây là tính chân thật của vạn pháp, của mọi sự vật: Là cái rỗng lặng trong cái tràn đầy, là cái tĩnh lặng của cái sống động, là cái bất động trong sự chuyển động náo nhiệt, là cái thiên thu bất biến trong cái chuyển biến liên tục, là cái thường hằng vĩnh cữu trong cái vô thường của dòng thời gian lăn trôi. 

Nếu chúng ta đứng yên nhìn vườn đá, chúng ta sẽ thấy đá cát tự chúng biểu lộ tánh chân thật tự nhiên của mình, không liên quan gì đến những điều ta gán thêm cho chúng về ý nghĩa của cách sắp xếp, về giá trị thẩm mỹ, về những lời trầm trồ khen ngợi hay chê bai: 

“Thể các pháp đều không

Không sanh cũng không diệt

Không nhơ cũng không sạch

Không thêm cũng không bớt

Cho nên trong tánh không

Không có sắc…”

Bát Nhã Tâm Kinh 

Tánh không hay tánh chân thật, còn được gọi là Phật tánh, đều có ở mọi thứ. Khi tâm trong sáng và tỉnh thức thì ta thấy rõ điều kỳ diệu ấỵ Cái biết về tánh không đó không nằm nơi chữ nghĩa mà phát xuất từ trực giác. Không do lời giảng giải hay so sánh mà do sự hay biết trực tiếp khi nhìn thấy sự vật trước mắt. Và đó là sức hấp dẩn của loại vườn đá cát. 

Tuy thế, xin đừng bận tâm về cái sắc sắc không không (Có có không không) nói trên vì chúng ta đến đây để mà ngắm nhìn một khu vườn tức là một sự vật hiện rõ ràng trước mắt. Chúng ta hãy thưởng ngoạn những nét đặc thù của các viên đá lớn nhỏ rải rác trên thảm cát trắng. Thật ra, đó không phải là cát mà là những hạt sỏi nhỏ màu vàng nhạt dưới ánh mặt trời chuyển thành màu trắng mà ở xa ta thấy như là thảm cát. “Thảm cát” là biển lớn trên đó thiền sinh thường dùng cào tre để kéo những đường cong hay thẳng tượng trưng cho sóng biển chạy mãi đến vô biên. Có nhiều loại sóng biển khác nhau tùy theo biển bình lặng hay bảo tố, các nét vạch lên cát có đường nét khác nhau để diển tả thời tiết khác nhau trên vùng biển lớn. Chúng ta không đi vào những vườn đá cát mà chỉ đứng hay ngồi ở bên ngoài mà ngắm nhìn ở những góc độ khác nhau. Và như nhìn vào vũ trụ, mỗi lần nhìn vườn đá cát là mỗi lần chúng ta thấy điều mới mẻ xuất hiện. Tại sao thế? À! Ðó là sự kỳ diệu của chân tâm, Phật tánh nơi mỗi chúng ta và cũng là tài hoa của nhà nghệ sĩ tạo dựng khung cảnh nàỵ Chúng ta hãy nghe vị Tam Tổ Tăng Xán của Thiền tông giải thích về điều ấy: 

“Tâm là tâm của cảnh

Cảnh là cảnh của tâm

Ví biết hai chẳng dứt

Rồi cũng chỉ một không 

Một không, hai mà một

Bao gồm hết muôn sai

Chẳng thấy trong thấy đục

Lấy gì mà lệch sai”

(Trúc Thiên dịch) 

09netv15

Loại vưòn thứ ba là khu vườn với những bậc đá đưa đến trà thất. Trà thất là căn lều nhỏ bé chỉ đủ chổ cho hai hoặc ba người ngồi uống trà trong tỉnh thức mà chúng ta thường gọi là trà đạo. Ðến trà thất như vượt qua những ngọn đồi để đến vùng yên tĩnh. Con đường lên đồi thường có những bậc cấp quanh co. Những phiến đá bằng, không đều cạnh thường được sắp xếp để tạo nên ấn tượng của cuộc hành trình đặc biệt ấy. Khi chúng ta bước qua cổng, chân đặt trên những phiến đá trên vùng rêu xanh mà cây cỏ đều tỏa nét u tịch, an bình và hòa hợp tự nhiên lòng mình bỗng dịu lại trong niềm an bình trống vắng như một chiếc lá vàng đang êm đềm yên nghỉ trên phiến rêu xanh. 

Loại vườn thứ tư là vườn mà chúng ta đi vào để ngoạn cảnh. Các loại vườn trước đây người ta chú tâm đến nét tĩnh, loại vườn này lại chú trọng tính cách động: chúng ta dạo quanh vườn, khi ở cạnh hồ, lúc ở dốc núi, khi dưới tàng cây, lúc trên chiếc cầu. Mỗi nơi ta nhìn đều bày tỏ, biểu lộ cái Riêng Biệt trong cái Toàn Thể cũng như biểu lộ cái Toàn Thể trong cái Riêng Biệt. Ðiều kỳ diệu nhất là chúng ta không tách lìa, không ở ngoài những thứ ấy: Chúng ta vừa là cái Riêng Biệt chuyển động trong cái Toàn Thể bao la bất động. 

Ðạo là cái rộng lớn bao la, yên tĩnh tuyệt vời, an vui kỳ diệu. Sống đạo là trở thành, là biết rõ, là an trú trong niềm hạnh phúc bao la sâu thẳm của kiếp nhân sinh tuy ngắn ngủi trong thời gian và nhỏ bé trong không gian nhưng vốn rộng lớn vô biên và mãi mãi không cùng. Ðó chính là niềm bí mật luôn luôn mời gọi, luôn luôn thì thầm, luôn luôn thúc bách chúng ta hãy khám phá những gì mình đang có mà chưa biết đến. 

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, chúng ta đang có niềm an vui rộng lớn vô cùng để an hưởng. Xin hãy tặng cho mình điều quý báu ấy. Xin hãy khoan thai bước đến vườn thiền, hãy để lòng an bình và trí buông xả, bước những bước đi trong tỉnh thức để cảm nhận được gió mát đang chổi dậy, để nhận ra những đóa hoa sen đang nở ra trong chốn bình thản và rộng lớn vô biên: 

“Ý về muôn vạn nẻo

Thiền lộ tâm an nhiên

Từng bước gió mát dạy

Từng bước hoa sen nở.” 

(Thiền Sư Nhất Hạnh)

Tài Liệu Tham Khảo

_Thiền Luận của D.T. Suzuki do Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch.

_Japanese Garden, Brooklyn Botanic Garden Record, third printing: 1988.

_Các bài thi kệ của thiền sư Nhất Hạnh.

_Các tài liệu về vườn thiền của Trung Hoa và Nhật Bổn cùng các cuộc ngắm cảnh các vườn tại Hoa Kỳ và Nhật Bản.

_Tín Tâm Minh do Trúc Thiên dịch cùng với các bài thơ thiền.



--- o0o ---


Vi tính: Chân Diệu Lan

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/01/2016(Xem: 13943)
Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái. Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát. Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.
24/06/2015(Xem: 31316)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
15/06/2015(Xem: 23788)
Yếu chỉ tu tập & hành đạo. Tác giả Thích Thái Hòa
15/05/2015(Xem: 26320)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 22548)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 30678)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
05/01/2015(Xem: 21559)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
05/01/2015(Xem: 19050)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
22/11/2014(Xem: 28733)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
15/11/2014(Xem: 20752)
Nên lưu ý đến một cách phân biệt tinh tế về thứ tự xuất hiện của hai kiến giải sai lầm trên. Đầu tiên là kiến giải chấp vào tự ngã của các nhóm thân tâm, và từ cơ sở này lại xuất phát kiến giải chấp vào tự ngã của cá nhân. Trong trường hợp nhận thức được Tính không thì người ta sẽ nhận ra Tính không của nhân ngã trước; bởi vì nó dễ được nhận ra hơn. Sau đó thì Tính không của pháp ngã được xác định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]