Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Biết chăm sóc chính ta, người muốn bảo vệ môi trường

04/07/201220:14(Xem: 9499)
Chương 7: Biết chăm sóc chính ta, người muốn bảo vệ môi trường
HƯỚNG ĐI CỦA ĐẠO BỤT
CHO HÒA BÌNH VÀ MÔI SINH
Thích Nhất Hạnh

Phần 2: Tình thương bằng hành động

Chương 7
Biết chăm sóc chính ta, người muốn bảo vệ môi trường


Có một người học trò hỏi tôi:“Con phải làm gì trước quá nhiều vấn đề cấp bách hiện nay?” Tôi trả lời: “Con chỉ cần làm một thứ thôi nhưng làm cho sâu sắc và cẩn trọng thì con sẽ làm được tất cả.”

Có nhiều người ý thức được đất Mẹ đang đau khổ và trái tim họ chứa đầy thương cảm. Họ biết việc gì cần phải làm, và họ tham gia vào chính trị, làm những công tác xã hội, bảo vệ môi trường, với hy vọng có thể thay đổi được tình thế. Nhưng sau một thời gian làm việc căng thẳng, họ bắt đầu nản chí bởi vì họ thiếu sức mạnh giúp họ duy trì sự năng động. Sức mạnh đó không phải chỉ là trí năng mà thôi bởi vì nó vẫn chưa đủ để nuôi dưỡng ta trong đời sống phụng sự tình thương. Ta cần một sức mạnh lớn hơn, sức mạnh đó không phải là quyền hành, tiền bạc hay vũ khí, sức mạnh đó chính là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Khi ta có đủ tuệ giác, ta không còn loay hoay trong những tình huống khó khăn nữa, ta đã biết cách để đi ra khỏi những tình huống ấy một cách dễ dàng. Khi ta thay đổi được lối sống hằng ngày của ta, thay đổi cách ta tư duy, nói năng, hành động, ta sẽ thay đổi được thế giới. Ta cần phải sống như thế nào mà mỗi phút giây ta đều có mặt thật sâu sắc với ý thức tương tức luôn sáng tỏ. Không có bình an và hạnh phúc, làm sao ta có thể chăm sóc cho chính ta, cho mọi loài quanh ta và cho hành tinh này. Cho nên muốn chăm sóc môi trường cho có hiệu quả, trước tiên ta phải biết chăm sóc chính ta, vì ta là người muốn bảo vệ môi trường.

Bụt đã dạy rất nhiều về tính tương quan, tương duyên giữa ta và đất Mẹ. Một trong những kinh sâu sắc nhất là kinh Kim Cương, được trình bày dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Bụt và thầy Tu Bồ Đề (Subhuti), một vị đệ tử lớn của Bụt. Kinh Kim Cương là một kinh rất xưa đã đề cập đến vấn đề môi sinh một cách sâu sắc. Kinh bắt đầu bằng câu hỏi của thầy Tu Bồ Đề: “Nếu người con trai và con gái nhà lành nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao để điều phục được tâm mình?”

Ý câu này muốn hỏi là «Nếu con muốn đem hết cả tấm lòng để bảo vệ sự sống thì con phải sử dụng những phương pháp và những nguyên tắc nào?”

Đức Bụt trả lời: “Ta phải đưa tất cả các loài chúng sanh đến Niết Bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát. Giải thoát cho tất cả chúng sanh mà kỳ thực ta không thấy có một chúng sanh nào được giải thoát cả. Nếu chúng ta còn kẹt vào ý niệm ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả thì ta không phải là một vị Bồ Tát đích thực”.

Ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả là bốn ý niệm ngăn cản ta, không cho ta thấy được thực tại.

Đời sống là một cái gì toàn vẹn, ta không thể chia cắt nó ra từng mảnh nhỏ và gọi cái này hay cái kia là ngã. Cái ta gọi là ngã, thực ra được làm bằng những yếu tố không-phải-là-ngã. Khi nhìn vào một bông hoa, ta có thể nghĩ rằng nó khác với những yếu tố không phải là hoa. Nhưng khi nhìn sâu, ta thấy trong bông hoa có mặt mọi thứ trong vũ trụ. Nếu không có những yếu tố không phải là hoa như mặt trời, mây nước, đất đai, người làm vườn, khoáng vật, sức nóng, dòng sông và tâm thức, thì làm sao bông hoa có thể tồn tại được. Cho nên Bụt dạy là không có cái ngã. Ta phải lấy đi sự phân biệt giữa ngã và vô ngã. Không có tuệ giác này, khó mà ta có thể bảo vệ được môi trường cho đúng cách.

Khái niệm thứ hai mà kinh Kim Cương khuyên ta nên buông bỏ là khái niệm về nhân – về con người. Điều này cũng đơn giản thôi. Khi nhìn vào con người, ta thấy có tổ tiên loài người, có cả tổ tiên động vật, thực vật và khoáng vật. Ta thấy rằng con người được làm bằng những yếu tố không phải con người. Ta thường có óc phân biệt con người và những loài không phải con người. Ta thường cho rằng con người là quan trọng hơn, cao cả hơn những loài sinh vật khác. Nhưng thật ra, con người được làm bằng những yếu tố không phải con người, cho nên muốn bảo vệ con người, ta cũng phải bảo vệ tất cả những yếu tố khác không-phải-con-người. Đó là giải pháp duy nhất, không còn cách nào khác. Nếu ta nghĩ rằng Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài và Ngài tạo ra những thứ khác để cho con người sử dụng, thì rõ ràng là chúng ta đang kỳ thị và cho con người quan trọng hơn những loài khác. Nếu ta hiểu được con người không có ngã thì ta sẽ thấy là khi ta chăm sóc cho môi trường, tức là những yếu tố không phải con người, tức là ta đang chăm sóc cho con người. Ta cần phải tôn trọng và bảo vệ các loài khác để ta còn có cơ hội sống sót. Muốn cho con người thật sự được khỏe mạnh và hạnh phúc, ta phải biết cách chăm sóc cho các loài khác và chăm sóc cho môi trường.

Tôi biết có nhiều nhà sinh thái học không có hạnh phúc trong gia đình. Họ làm việc cật lực để cải thiện môi trường nhưng một phần là để trốn tránh nỗi khổ đau của họ trong đời sống gia đình. Nếu người đó không có hạnh phúc thì làm sao người đó biết cách giúp cho môi trường? Khi ta tìm cách bảo vệ những yếu tố không phải con người tức là ta đang bảo vệ con người và bảo vệ con người là bảo vệ những yếu tố không phải con người.

Khái niệm thứ ba mà ta cần phá vỡ là khái niệm về chúng sanh. Ta vẫn nghĩ rằng ta là những sinh vật khác với các vật vô tri giác. Nhưng theo lý tương tức thì chúng sanh được làm bởi những yếu tố không phải chúng sanh. Nhìn vào bản thân mình, ta sẽ thấy có cả khoáng vật và nhiều yếu tố không- phải- chúng-sanh khác. Như vậy thì tại sao ta lại phân biệt ta và những cái mà ta gọi là vô tri giác? Để bảo vệ tất cả các chúng sanh, ta phải bảo vệ cả đất đá, sông hồ và đại dương. Trước khi trái bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima thì trong những công viên có rất nhiều chiếc ghế đá xinh đẹp. Khi người Nhật xây dựng lại thành phố Hiroshima, họ có cảm tưởng như là những chiếc ghế đá này đã chết. Cho nên họ khiêng chúng đi chôn cất và đem về những chiếc ghế đá sống động hơn. Thật ra không phải những chiếc ghế đá ấy không còn sống, bởi vì các nguyên tử vẫn luôn luôn chuyển động. Các điện tử chuyển động gần bằng tốc độ của ánh sáng. Theo lời Bụt dạy, nguyên tử và sỏi đá cũng có ý thức. Cho nên chúng ta phải lấy đi sự phân biệt giữa chúng sanh và không phải chúng sanh.

Khái niệm cuối cùng là thọ giả. Ta vẫn tin rằng đời sống của ta có một khởi điểm nào đó, và trước giờ khởi điểm đó thì ta không có hiện hữu. Cái lối phân biệt giữa cái hiện hữu và không hiện hữu như thế là không đúng sự thật. Cái sống được làm bằng cái chết và cái chết được làm bằng cái sống. Ta phải biết chấp nhận cái chết để cho sự sống có mặt. Các tế bào trong cơ thể ta chết đi mỗi ngày nhưng ta không bao giờ tổ chức đám tang cho chúng. Một tế bào chết đi là để cho một tế bào khác được sinh ra. Sống và chết là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Ta phải học cách chết cho bình an để các loài khác có thể tiếp tục sống bình an. Biết thiền tập sâu sắc sẽ giúp ta không sợ hãi, không giận hờn, không tuyệt vọng. Đó là sức mạnh mà ta cần để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Có đức vô úy thì dù vấn đề có lớn mấy đi nữa, ta cũng không sờn lòng. Ta sẽ biết đi từng bước chậm rãi mà vững chắc.

Nếu những người làm công tác bảo vệ môi trường biết nhìn sâu vào bốn khái niệm ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả, họ sẽ biết phải sống như thế nào và hành động ra sao để có được năng lượng và tuệ giác của một vị Bồ Tát trên con đường phụng sự.

Cuộc đời chung quanh ta có rất nhiều khổ đau, ta phải biết tiếp xúc với khổ đau để nuôi lớn lòng từ bi. Để có đủ sự vững chãi, ta phải biết ôm ấp những yếu tố tích cực. Khi ta thấy có những người biết sống chánh niệm, biết mỉm cười và cư xử với nhau bằng tình thương thì ta có niềm tin cho tương lai. Khi ta biết tập thở, đi đứng, làm việc, nghỉ ngơi có chánh niệm thì ta trở thành một nhân tố tích cực trong xã hội, ta gây được niềm tin nơi những người chung quanh. Bằng cách đó ta giúp ta cũng như giúp thế hệ trẻ không rơi vào tuyệt vọng. Ta phải sống đời sống hằng ngày như thế nào để chứng tỏ rằng ta có quyền hy vọng ở tương lai.

Nếu ta muốn hoàn chỉnh lại hệ thống sinh thái hiện nay, ta cần cùng nhau đóng góp công sức của mình trong tình thương yêu và tôn kính lẫn nhau, thương yêu và tôn kính tổ tiên và các thế hệ tương lai.

Nếu ta cứ tiếp tục giận dữ vì những bất công xã hội và dùng nguồn năng lượng đó làm động lực chính cho hành động phản kháng của ta thì ta chỉ gây thêm tan vỡ mà sau này ta có thể hối tiếc. Theo đạo Bụt, từ bi là nguồn năng lượng duy nhất hữu ích và an toàn. Có từ bi, ta có được năng lượng của tuệ giác, là một thứ năng lượng sáng suốt. Chỉ có cảm giác về từ bi thôi thì không đủ, ta phải học hỏi và biểu lộ lòng từ bi của mình. Có hiểu mới có thương. Được hiểu biết thương yêu hướng dẫn, ta sẽ biết cách hành xử đúng đắn, đem lợi lạc đến cho mọi người.

Ta dùng từ ‘đạo Bụt nhập thế’ là để khôi phục lại ý nghĩa đích thực của Đạo Bụt. Đạo Bụt nhập thế là đạo Bụt áp dụng trong đời sống hàng ngày. Nếu không nhập thế thì không thể gọi là đạo Bụt. Ta thực tập đạo Bụt không phải chỉ ở tu viện, ở thiền đường, hay ở Phật Học Viện, ta thực tập đạo Bụt ở khắp nơi, trong mọi tình huống của đời sống. Đạo Bụt nhập thế giúp ta có chánh niệm trong mọi sinh hoạt của đời sống hàng ngày.

Ta rất cần mang đạo Bụt vào đời sống xã hội, nhất là khi đất nước ta đang có chiến tranh và nhiều bất công. Trong chiến tranh Việt Nam, ta càng thấy rõ là đạo Bụt nên đi vào cuộc đời để người dân học hỏi và thực tập từ bi, hiểu biết trong đời sống hằng ngày. Khi làng mạc của ta bị đạn bom tàn phá, dân làng phải chạy nạn, ta không thể ngồi yên trong chùa để tọa thiền. Dù chùa của ta may mắn không bị trúng bom, ta vẫn nghe tiếng la khóc của trẻ em bị thương, tiếng rên rỉ của những người không còn nhà cửa. Trước bao đau thương của những người đồng loại, làm sao ta có thể tiếp tục ngồi yên trong thiền đường mỗi sáng mỗi chiều mỗi tối? Cho nên ta phải tìm cách đưa sự thực tập vào đời sống hằng ngày để ta có thể đi ra ngoài giúp đời mà vẫn duy trì được sự thực tập. Bởi vì trong khi giúp mọi người vơi bớt khổ đau, ta cũng cần phải nuôi dưỡng mình bằng sự thực tập ngồi thiền, đi thiền trong chánh niệm để có đủ sức phụng sự lâu dài. Cho nên khi ta tình nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi sinh, ta phải biết cách giữ gìn sự thực tập của mình, phải tiếp tục thực tập chánh niệm trong khi đi đứng, nói năng, làm việc. Có như thế ta mới không để mình rơi vào tuyệt vọng hay cơn bực tức khi phải đối diện với tình trạng hiện nay của thế giới, với những con người vô tâm, không ngần ngại vơ vét hết tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ta chỉ cần thực tập sống một đời sống đơn giản để làm gương cho người khác. Thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu giúp ta chuyển hóa chính mình và mọi người trong xã hội, nuôi lớn ý thức cộng đồng để cùng nhau khôi phục lại sinh lực của nền văn minh cũng như của hành tinh chúng ta.

Muốn thực tập ái ngữ cho thành công, ta phải biết cách xử lý những cảm xúc của mình khi chúng phát khởi. Mỗi khi một tâm hành như giận hờn, tuyệt vọng hay đau buồn phát khởi, ta phải có khả năng đối phó với nó. Điều đó không có nghĩa là ta phải tìm cách đè nén hay xua đuổi nó. Giận dữ hay tuyệt vọng là một phần của ta. Ta không nên tìm cách chống lại, cũng không nên đè nén. Khi ta chống lại hay đè nén là ta đang sử dụng bạo lực với chính mình. Ta chỉ cần trở về với hơi thở chánh niệm là ta khôi phục lại năng lượng để có mặt và tiếp xúc với những gì đang xảy ra. Với năng lượng chánh niệm, ta có thể nhận diện và ôm ấp nỗi buồn, cơn giận hay niềm tuyệt vọng của mình với tất cả thương yêu.

Trong khi làm công việc xã hội giúp người vơi bớt khổ đau, nếu ta không làm bằng chánh niệm thì ta không biết áp dụng đạo Bụt vào cuộc đời. Những người làm công việc xã hội thường rất dễ dàng đánh mất mình trong giận hờn, tuyệt vọng. Nếu ta biết áp dụng đạo Bụt vào cuộc đời, ta sẽ biết cách chăm sóc bảo vệ bản thân mình trong khi làm việc độ sinh. Đạo Bụt nhập thế là đạo Bụt dạy ta biết giữ gìn chánh niệm trong mọi công việc hàng ngày.

Thực tập chánh niệm giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra. Khi nhìn sâu vào khổ đau, ta thấy được gốc rễ của khổ đau, và ta muốn thực tập để chuyển hóa. Ta hành động vì ta có hiểu và thương, chứ không phải vì sợ hãi hay giận dữ. Ta không cần phải lên án hay trách móc ai cả. Những người đang tự hủy diệt mình, hay đang hủy diệt xã hội và hành tinh này, nhiều khi không phải do họ cố tình làm như thế mà chính vì họ quá cô đơn, quá nhiều khổ đau trong lòng, nên họ phải làm một cái gì đó để chạy trốn. Họ cần được ta giúp đỡ thương yêu hơn là bị trừng phạt, và nếu ai cũng ý thức được như vậy thì họ mới hy vọng được cứu thoát.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/09/2010(Xem: 3890)
Trong cuộc tấn công khủng khiếp, hồi 9 giờ sáng thứ ba 11 tháng 9 năm 2001 một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boing đang trên đường bay hướng về thành phố New York và thủ đô Washington. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Trung Tâm Thương mại Thế giới ở New York – mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút.
10/09/2010(Xem: 59888)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
04/09/2010(Xem: 5129)
Chúng tôi rất vui mường cảm thấy đặc biệt vinh dự được nói chuyện với một nhóm những người thật sự cống hiến cho những vấn đề môi trường nói chung và đặc biệt cho những vấn đề môi trường của Tây Tạng nói riêng. Chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm kích sâu xa đến Nghị sĩ Bob Brown.
04/09/2010(Xem: 5507)
Chúng tôi vô cùng vui mừng và cảm thấy vinh dự to lớn để hiện diện với quý vị ở đây. Căn bản tin tưởng của tôi là mục tiêu của đời sống của chúng ta là hạnh phúc, và hạnh phúc tùy thuộc trên nền tảng của chính nó. Chúng tôi tin tưởng nền tảng căn bản, hay nguyên nhân của hạnh phúc và mãn nguyện, là sự phát triển vật chất và tâm linh.
04/09/2010(Xem: 5345)
Hội nghị này về sinh thái học thật cực kỳ đáng giá. Chúng tôi nhận thức tính cấp bách trên vấn đề bảo tồn sự cân bằng của môi trường, và tin tưởng rằng nếu chúng ta xao lãng, toàn thể thế giới sẽ khổ đau. Do bởi sự giàu có vật chất và kết quả của những vấn đề môi trường được thấy ở Phương Tây, những ai đấy đã nói rằng chúng ta cần thu xếp lối sống hiện đại lại.
04/09/2010(Xem: 6475)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 4368)
Chúng tôi nghĩ là quý vị đến đây với một mong đợi nào đấy, nhưng thật sự chúng tôi chẳng có gì cống hiến đến quý vị. Một cách đơn giản, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ một vài kinh nghiệm và quan điểm của chúng tôi. Quý vị thấy đấy, chăm sóc hành tinh không có gì đặc biệt, không có gì thiêng liêng, và không có gì thánh thiện. Nó là những gì giống như săn sóc ngôi nhà của chính chúng ta. Chúng ta không có một hành tinh hay một căn nhà nào khác ngoại trừ ngôi nhà này, hay trái đất này.
03/09/2010(Xem: 3334)
Tây Tạng không nên được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân và sự đổ tháo chất thải hạt nhân. Người Tây Tạng có một sự tôn trọng hết sức đến tất cả mọi hình thức của sự sống. Cảm giác cố hữu này đã được để cao bởi niềm tin nơi Phật Giáo của chúng tôi. Trước khi bị xâm lược và chiếm đóng, Tây Tạng là một khu bảo tồn hoang dã tươi mát, xinh đẹp, không ô nhiễm trong một môi trường thiên nhiên đặc biệt.
03/09/2010(Xem: 6036)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
03/09/2010(Xem: 3907)
Nếu có một phạm trù nào mà cả giáo dục và truyền thông cùng có một trách nhiệm đặc biệt, chúng tôi tin tưởng, đấy là môi trường tự nhiên của chúng ta. Trách nhiệm này phải hành động với câu hỏi đúng hay sai ít hơn là với câu hỏi về sinh tồn. Thế giới tự nhiên là ngôi nhà của chúng ta. Nó không cần phải thiêng liêng hay thánh thiện. Nó chỉ đơn giản là nơi chúng ta sinh sống.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]