Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Làm thế nào để Phật giáo cùng xã hội phát triển

11/04/201100:49(Xem: 11031)
5. Làm thế nào để Phật giáo cùng xã hội phát triển

ĐẠO PHẬT XƯA VÀ NAY

Thích Hạnh Bình

PHẦN 1

ĐẠO PHẬT XƯA VÀ NAY

5. Làm thế nào để Phật giáo cùng xã hội phát triển

5.1 Người lãnh đạo và tổ chức Giáo hội

Theo tôi, một trong những vấn đề then chốt để đưa Phật giáo phát triển, phải nói đến hai việc quan trọng là người lãnh đạo và cách tổ chức. Đề cập đến vấn đề Giáo hội, tôi đứng trên lập trường của một người con Phật, lấy việc phụng sự đạo pháp làm mục đích.

Nói đến vấn đề tổ chức của Giáo hội, trước hết là nói đến những người lãnh đạo, là những người lèo lái con thuyền của Giáo hội, quyết định vận mệnh thịnh hay suy của giáo hội. Do vậy, người lãnh đạo Giáo hội, ngoài những yếu tố tiêu chuẩn để lựa chọn, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến góc độ năng lực, tức là người có khả năng nhìn xa thấy rộng, có bổn phận và trách nhiệm đối với việc thịnh suy của đạo pháp, xem sự thịnh suy của đạo pháp như là sự đói no, nóng lạnh của chính mình. Có như vậy, người lãnh đạo mới có khả năng lãnh đạo giáo hội, chủ động hoạch định xu hướng phát triển, thúc đẩy và sắp xếp những công việc của Giáo hội.

Để cho công việc của Giáo hội được thành tựu, Giáo hội cần chú ý đến vấn đề tổ chức. Nói đến vấn đề tổ chức là nói đến bộ máy điều hành và hoạt động của Giáo hội. Sự hình thành ban ngành là nói đến những mặt hoạt động cụ thể và chuyên môn, nhằm thực thi và hoàn thành những công việc mà Giáo hội đã đề ra, tránh trường hợp xưa bày nay vẽ, việc thừa người thiếu, cần chú trọng tính hiệu quả. Từ đó, Giáo hội mới thành lập những ban ngành cụ thể và hợp lý, người nào việc nấy, tránh trường hợp nhiều chức nhiều quyền, mỗi người mỗi việc, để đảm đương gánh vác công việc của Giáo hội.

5.2. Giáo dục và đào tạo

Có thể nói giáo dục và đào tạo là ngành mang tính quyết định cho sự phát triển của Giáo hội. Nhân sự của giáo hội làm việc có hiệu quả hay không, phần lớn đều tùy thuộc vào khả năng chuyên môn của người đó. Thông thường, nói đến tri thức là nói đến vấn đề giáo dục và đào tạo. Một kinh nghiệm trong thực tế cho thấy, đời sống nông thôn có thu nhập thấp hơn và khổ hơn so với người dân sống ở thành thị; đời sống của người có trình độ học vấn thấp, thường có đời sống kinh tế khó khăn hơn so với người có trình độ cao. Vì sao như vậy? Có lẽ lý do chủ yếu chính là sự chênh lệch về sự hiểu biết, tức là kiến thức chuyên môn; kiến thức chuyên môn non kém là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả xấu. Do vậy, muốn Phật giáo phát triển, chúng ta không thể không để ý đến vấn đề giáo dục và đào tạo.

Dẫu rằng, Phật giáo là một tôn giáo lấy sự giác ngộ và giải thoát làm mục đích, nhưng sự tồn tại của Phật giáo không thể tách khỏi cuộc sống của xã hội, nhất là Phật giáo Đại thừa đề cao vai trò Bồ tát hạnh, lấy tinh thần độ sinh làm sự nghiệp. Nếu như đây là quan niệm đúng thì sự tồn vong của Phật pháp luôn luôn gắn liền với xã hội. Như vậy, người làm công tác truyền giáo không thể không tìm hiểu cách suy tư, tập quán, lòng mơ ước của con người và xu hướng phát triển của xã hội hôm nay. Nếu công việc tìm hiểu này chưa hoàn thiện mà chúng ta đặt vấn đề độ sinh, vấn đề hoằng dương Phật pháp là việc làm hết sức mơ hồ, điều đó chẳng khác nào chúng ta muốn tạo ra một sản phẩm để bán nhưng không suy nghĩ đến đối tượng tiêu thụ sản phẩm là ai, như vậy là việc làm hết sức nguy hiểm.

Hơn nữa, ý nghĩa sự giác ngộ và giải thoát của đạo Phật không thể tách rời đời sống thực tế của thế gian. Tách rời cuộc sống thực tế này để tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát cũng là mơ hồ, giác ngộ là giác ngộ một điều gì đó ở thế gian; giải thoát là vứt bỏ một loại phiền não khổ đau nào đó khi chưa có sự giác ngộ. Đó chính là ý nghĩa của câu kệ:

Phật tại thế gian,

bất ly thế gian giác,

ly thế mích Bồ đề,

du như cầu thố giác.

Như vậy, Phật giáo là một tôn giáo của con người, lấy con người làm đối tượng để giáo dục. Xuất phát từ ý nghĩa này, gợi ý cho chúng ta hiểu rằng sự suy nghĩ và hành động của đạo Phật không thể tách rời cách suy tư và hành động của con người. Như vậy, Phật giáo cần sớm được hình thành và phát triển giáo dục, nó là nhu cầu hết sức cần thiết và thực tế. Hơn nữa, Phật giáo là một tôn giáo lớn của xã hội Việt Nam, được đại đa số người dân tin theo, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến con người và xã hội đó. Do vậy, những người làm công tác tôn giáo - Phật giáo không thể không được đào tạo. Người không được đào tạo mà làm công tác tôn giáo, lại lãnh đạo xã hội là việc làm hết sức nguy hiểm, không những cho bản thân cho Phật giáo mà còn ảnh hưởng xấu đến xã hội, do vậy người lãnh đạo phải có kiến thức chuyên môn phục vụ con người và xã hội. Trong ý nghĩa này, kiến thức chuyên môn của người truyền giáo là kiến thức của người vừa có trình độ chuyên môn về Phật học vừa có kiến thức chuyên môn về xã hội. Kiến thức Phật học giúp cho người làm công việc hoằng pháp không làm lệch tinh thần giáo dục của đạo Phật; kiến thức xã hội là kiến thức giúp cho người làm công tác truyền giáo hình thành những phương thức truyền giáo thích nghi và đáp ứng nhu cầu cho con người và xã hội. Đó mới là sự kiện toàn tinh thần ‘khế lý và khế cơ’ của đạo Phật.

Như chúng ta đã biết, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại của khoa học kỹ thuật, với nền giáo dục tiến bộ hoàn toàn khác so với xã hội xa xưa. Ở xã hội ngày nay, nhất là xã hội của những nước Tây phương, chúng ta không thể muốn nói gì thì cứ nói điều ấy, không thể bảo người khác chấp nhận và tin theo những điều vô lý của mình, ngay cả đó là người con, người cháu trong gia đình của mình. Ngược lại, con người của thời đại ngày nay, chỉ biết chấp nhận và làm theo những gì hợp lý, thực tế và hữu ích. Tính hợp lý thực tế và hữu ích vốn là gia tài sẵn có trong đạo Phật. Gia tài đó ở đâu? xin trả lời rằng, nó tiềm tàng ẩn chứa trong mọi kinh điển Phật giáo, không giới hạn ở Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền, Đại thừa hay Tiểu thừa.

Khai thác gia tài quí giá đó không phải là chuyện một sớm một chiều, không phải chỉ cạo đầu mặc áo cà sa, hay sống lâu trong nhà chùa là được mà cần phải được đào tạo và học tập nghiêm túc, mới có thể giới thiệu đúng về đạo Phật. Có thể thời gian qua, con người không chú ý hoặc cố tình quên đi những điểm này, nhưng trong xã hội ngày nay, nó là nhu cầu chính đáng của con người, chúng ta có trách nhiệm làm sống dậy bản chất vốn có trong đạo Phật.

Như vậy, muốn tồn tại và phát triển ở xã hội ngày nay, Phật giáo cần chú ý đến vấn đề giáo dục và đào tạo đội ngũ tri thức, có kiến thức chuyên môn về Phật học. Ngoài ngành Phật học, Phật giáo cần phải đào tạo những người có chuyên ngành khác như âm nhạc, kiến trúc, hội họa, sử học̣...v.v… Quá trình hoằng dương Phật pháp trong quá khứ để lại cho chúng ta những kinh nghiệm đáng quí, qua những kinh nghiệm đó, chúng ta chỉ cần biết phân tích tổng hợp và chọn lọc, chắc chắn nó sẽ cho chúng ta hình thức sinh hoạt sống động và hấp dẫn cho con người và xã hội ngày nay, đồng thời chính nó là yếu tố hình thành lòng quả cảm, không ngần ngại trước những áp lực giữa những quan niệm cũ và mới. Ví dụ, những hình thức lễ nhạc được lưu truyền trong Phật giáo, nếu tôi nói không sai lầm, nó vốn là những lễ nhạc của thế gian được người dân yêu thích. Phật giáo lợi dụng thị hiếu của con người, đã vay mượn nó làm phương tiện truyền tải Phật pháp, bằng cách thay vào đó bằng những lời Phật pháp, và được chính thức tán tụng trong những ngày lễ và thậm chí được xem nó như là một phương pháp tu tập trong đạo Phật Đại thừa, nó đã trở thành công cụ truyền giáo đắc lực và có hiệu quả trong việc hoằng dương Phật pháp trong quá khứ. Thế nhưng, khi loại âm nhạc này không đủ sức hấp dẫn ở thế hệ của thời đại ngày nay tại sao chúng ta lại vẫn khư khư chấp nhận và cho rằng chỉ có như thế mới là ‘truyền thống văn hóa của đạo Phật’, ngoài ra đều không thể chấp nhận, đôi khi còn có thái độ kỳ thị? Vậy thì thử hỏi truyền thống văn hóa của đạo Phật là gì, phải chăng là những hình thức không còn sức sống? Nếu nó là cái không còn sức sống thì tại sao chúng ta bắt nó phải sống? Làm như vậy có ngược lại với giáo lý ‘duyên khởi’ và ‘vô thường’ của đức Phật chăng? Nếu như, chúng ta lấy mục đích hoằng dương Phật pháp là đem sự ích lợi đến cho mọi người, mọi tầng lớp xã hội, chúng ta thử nghĩ cách suy nghĩ và việc làm như vậy có công bằng và hợp lý chăng? Có phù hợp với tinh thần khế lý và khế cơ của đức Phật chăng? Nếu vậy, chúng ta cần phải tái tạo một loại âm nhạc mới, tạo sự hấp dẫn cho giới trẻ, làm phương tiện để cho giới trẻ gần gũi với Phật pháp hơn. Sự gần gũi của giới trẻ là cơ hội tốt nhất để cho Phật giáo giới thiệu cho các em một đời sống hướng thiện. Đồng thời, lời của bản nhạc với nội dung khuyên con người từ bỏ những hành vi bất thiện làm việc thiện, tôi tin chắc rằng lời nhạc này nó sẽ là vị thầy vô hình vô tướng cho các em, hướng dẫn các em vào đạo Phật, là cơ hội để các em trở thành con người tốt trong xã hội.

Vấn đề mà hôm nay chúng ta đưa ra thảo luận, tưởng chừng như là vấn đề mới, nhưng thật ra nó là vấn đề rất cũ, đã được các vị tổ sư, các vị tiền bối trước đây đã nghĩ và đã làm. Kết quả của việc làm đó là sự thành tựu về khía cạnh truyền bá, đưa chánh pháp vào cuộc sống của con người. Đây chính là tinh thần của Phật giáo Đại thừa, là tinh thần cải cách, bất chấp và vượt qua những chê bai và bất đồng chính kiến, để vươn tới mục đích vì lợi ích, vì lợi lạc cho số đông, cho con người và xã hội. Muốn làm được như vậy, Phật giáo cần phải có những người chuyên về âm nhạc, có nghĩa là phải đào tạo con người chuyên môn về lãnh vực này. Cũng vậy, về mặt kiến trúc xây dựng, hội hoạ, hành chánh, nghiên cứu và các chuyên ngành khác cũng cần có những người chuyên môn. Có thể nói, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, để đưa Phật giáo phát triển cùng với xã hội.

Qua những điều nêu trên ta nhận thức một điều quan trọng rằng, nhu cầu hình thành hệ thống giáo dục Phật giáo là một việc làm hết sức cấp bách và thực tế, nó không những giải quyết những vấn đề khó khăn của Giáo hội, và còn có nhiều lợi ích cho xã hội.

Nói đến sự giáo dục là nói đến cơ sở giáo dục của Phật giáo, tức là nhu cầu thành lập trường Đại học Phật giáo. Nếu như chúng ta cho rằng, hơn một nửa dân số người Việt Nam theo đạo Phật thì vấn đề thành lập trường Đại học Phật giáo là nhu cầu hết sức thích đáng và cần thiết, đó không phải là nhu cầu của một cá nhân nào mà là nhu cầu của đại đa số người dân, trong đó có Phật giáo. Nếu chúng ta cho rằng, nền văn hóa truyền thống của dân dộc Việt Nam gắn liền với nền văn hóa Phật giáo thì vấn đề hình thành một trường Đại học cho Phật giáo không phải là vấn đề cá nhân của Phật giáo mà là quyền lợi chung của dân tộc. Nếu như chúng ta cho rằng, Phật giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển luôn luôn gắn liền với quyền lợi của dân tộc, thế thì tại sao Phật giáo không thành lập trường Đại học để cho những người Phật tử nghiên cứu về điểm tốt đẹp và nêu cao tinh thần này? Vậy thì Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam còn suy nghĩ và đợi chờ gì nữa, không nhanh chóng thực hiện ý tưởng tốt đẹp đó?

Theo tôi, sự ra đời của trường Đại học Phật giáo giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại mang tích tiêu cực trong Phật giáo và ngay cả trong lòng xã hội. Thứ nhất, bản thân Phật giáo làm chủ được công việc đào tạo những ngành chuyên môn, liên hệ mật thiết đến những mặt hoạt động của Phật giáo nói riêng và ngành tôn giáo học nói chung, nó sẽ cung ứng cho Giáo hội và xã hội những người làm việc chuyên môn về tôn giáo. Thứ hai, Đại học Phật giáo là nơi tập hợp những người tri thức, các chuyên gia trong các lãnh vực, thảo luận những vấn đề liên quan đến Phật pháp, Phật giáo Việt Nam và những vấn đề liên quan đến văn hóa dân tộc. Thứ ba, trường Đại học Phật giáo là nơi giao lưu về mặt học thuật giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế. Thứ tư, nó sẽ là nơi đưa ra những ý kiến tích cực, góp phần xây dựng xã hội trong việc ngăn chận những vấn đề tệ nạn xã hội. Thứ năm Đại học Phật giáo là trường Đại học dân lập, do vậy, ngoài mặt giáo dục, nó cũng được xem như là một cơ sở kinh tế tự túc của Giáo hội, nguồn tài chính thu được sẽ trang trải cho những hoạt động mang tính chiến lược định hướng cho giáo hội. Ngoài ra, nó còn có những mặt hữu ích khác như là tạo ra việc làm cho người dân.

Nói chung, việc xây dựng một trường Đại học Phật giáo ở trên mảnh đất Việt Nam là nhu cầu cần thiết và hết sức thích đáng, không chỉ là nhu cầu riêng cho Phật giáo mà cho cả dân tộc Việt Nam. Hiện nay nó không phải là niềm ước mơ riêng của giới Phật giáo trong nước mà ngay cả người Việt đang sinh sống ở hải ngoại

5.3. Vấn đề phiên dịch và biên tập bộ Đại tạng kinh Việt Nam

Ý tưởng về việc phiên dịch và biên tập bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam có từ rất sớm, không những chỉ có Giáo hội, ngay cả những tổ chức cá nhân cũng đã nghĩ và đang tiến hành thực hiện công việc này, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Theo tôi được biết, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đã hình thành một bộ phận gọi là Ban phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, ban này có trách nhiệm biên tập và phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, nhưng trên thực tế cho đến nay Ban này chỉ dừng ở việc in lại những bản kinh Nam truyền do Hòa thượng Minh Châu dịch, và những bản Kinh A hàm của Hòa thượng Thiện Siêu và Thanh Từ dịch trước đây, cho đến nay Viện đã xuất bản được tất cả 35 tập, nội dung và hình thức biên tập có nhiều vấn đề cần được thảo luận. Ngoài ra, tổ chức cá nhân của Thượng tọa Tịnh Hạnh ở Taiwan cũng đang tiến hành phiên dịch và in ấn, nội dung phiên dịch và sự biên tập như thế nào, chúng ta còn đang chờ đợi.

Theo tôi, công việc phiên dịch và biên tập bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam là công việc hết sức quan trọng và cần thiết của Phật giáo Việt Nam, vì nó không những là nguồn tư liệu cần thiết cho người Việt chúng ta nghiên cứu, nó còn là bộ mặt của Phật giáo Việt Nam . Nếu như Phật giáo Việt Nam có bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, tôi tin rằng, những công trình nghiên cứu Phật học của nước nhà sẽ khởi sắc. Ngoài ra, nó còn là cơ sở cho bất cứ người Việt nào muốn tìm hiểu đạo Phật đều có thể đọc và hiểu được lời Phật dạy.

Trên thực tế cho thấy, mặt dù đạo Phật được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhưng thành quả nghiên cứu về Phật học của người Việt so với thế giới còn quá khiêm tốn. Sự giới hạn này, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là Phật giáo Việt Nam chưa có bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt. Sự thiếu sót này đã kéo theo một số vấn đề khác, như là vấn đề giáo dục và nghiên cứu….chắc chắn nó có ảnh hưởng rất lớn trong lãnh vực giáo dục và đào tạo. Quả là sự giới hạn nếu chúng ta chỉ dựa vào một số tác phẩm đã dịch để hiểu về Phật giáo, nếu không muốn nói là sẽ rơi vào phiến diện. Như vậy, muốn tạo thành phong trào học Phật cho người Việt được lên cao, được phong phú và đa dạng hóa, điều trước tiên là Phật giáo Việt Nam cần phải có Bộ Đại Tạng kinh bằng tiếng Việt.

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng việc chuyển dịch bộ “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” sang Việt ngữ là một công trình lớn của Phật giáo, nó không giống như việc chuyển dịch cuốn tiểu thuyết mà là một công trình chuyển dịch khoa học, mang nặng sắc thái của học thuật. Do vậy, việc phiên dịch và biên tập bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam phải là những chuyên gia về Hán học và Phật học. Thiếu một trong hai yếu tố này, thành quả của công trình dịch thuật sẽ rơi vào khuyết tật, vì người biết chữ Hán không đồng nghĩa là người đó giỏi về Phật học. Cũng vậy, người có khả năng nghiên cứu Phật học, nhưng không xử lý được nguồn tư liệu bằng chữ Hán sẽ bị giới hạn về mặt nhận thức, vì 3 tạng kinh điển Phật giáo (Pali, Tây Tạng và Hán Tạng), bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán có thể nói là bộ Đại Tạng Kinh phong phú nhất, chứa đựng khá nhiều các nguồn tư liệu Phật học khác nhau của Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Do vậy, người làm công tác chuyển dịch cần phải am tường quan điểm tư tưởng của các bộ phái Phật giáo ở Ấn Độ. Khi chuyển dịch cần phải trung thành giữ nguyên khái niệm của mỗi bộ phái sử dụng, không nên lấy khái niệm tư tưởng của bộ phái này chuyển dịch thành khái niệm tư tưởng của bộ phái khác. Do vậy muốn làm được công việc này, người làm công tác chuyển địch cần trang bị kiến thức lịch sử tư tưởng Phật học Ấn Độ, nếu không sẽ vấp phải sai lầm. Liên quan đến vấn đề này, ở đây tôi xin đưa ra một điển hình cụ thể. Có một lần tôi cho sinh viên (người Taiwan) làm bài kiểm tra bằng cách phân tích ý nghĩa của một bài kinh trong “Trung A Hàm”, kết quả lần kiểm tra này, tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy kết quả làm bài kiểm tra không tốt. Tôi phát hiện có hai điểm mà sinh viên sai lầm: Thứ nhất là họ lấy tư tưởng của Phật giáo Đại thừa để phân tích và lý giải tư tưởng “Kinh A Hàm’. Trên thực tế hai hệ tư tưởng này hoàn toàn khác nhau, nếu chúng ta không muốn nói đối lập nhau, không thể lấy hệ thống tư tưởng này để lý giải cho hệ tư tưởng kia. Thứ hai là sinh viên làm công việc chấm (.) phẩy (,) phân đoạn sai, từ đó dẫn đến trường hợp không nắm được ý kinh. Ở đây chúng ta thử đặt vấn đề: Tại sao người Hoa đọc bản kinh bằng chữ Hán lại không hiểu? Theo tôi câu trả lời thích đáng nhất là sinh viên không am hiểu tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, vì Phật học Ấn Độ có nhiều trường phái, nhưng sinh viên chỉ biết tư tưởng Phật giáo Đại thừa, cho nên họ đã lấy tư tưởng của Phật giáo Đại thừa phân tích các nguồn tư liệu của Kinh điển A Hàm, do vậy dẫn đến trường hợp sai lầm này. Qua đó, gợi ý cho chúng ta hiểu rõ thêm vấn đề phiên dịch, ngoài việc biết chữ Hán, người dịch cần có kiến thức chuyên môn về Phật học, không thể biết chữ Hán là chúng ta dịch được kinh điển Phật điển của Phật giáo, nhất là phần luận (A Tỳ Đàm), một điển hình cụ thể là tác phẩm “Tam Di Để Bộ Luận” là một bộ luận của phái Độc tử bộ mà người Nhật khi biên tập tác phẩm này do không nắm rõ nội dung tư tưởng của luận, đã chấm câu sai, cho nên luận này trở nên khó hiểu, có lẽ đó là lý do dẫn đến ít người nghiên cứu bộ luận này. Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ điển hình mang tính gợi ý cho chúng ta hiểu thêm về vấn đề phiên dịch Đại Tạng kinh.

Thế thì công việc phiên dịch kinh điển chữ Hán sang Việt ngữ như thế nào để có được kết quả tốt nhất? Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, trước tiên Giáo hội cần có kế hoạch đào tạo người chuyên môn, không phải chỉ đơn giản chỉ học chữ Hán mà còn phải đào tạo chuyên ngành Phật học, nhất là lãnh vực Phật học Ấn Độ. Cách tốt nhất là gởi người đi du học ngành Phật học ở những nước sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Trung Quốc. Nếu chúng ta không có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị và sắp xếp công việc mà cứ làm theo cách truyền thống, tôi ngại rằng, kết quả của công trình phiên dịch và biên tập sẽ không như ý muốn. Công việc vừa qua của Ban phiên dịch thuộc Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đã cho chúng ta kinh nghiệm đáng lưu ý. Trên đây là một vài ý kiến cá nhân đối với công việc phiên dịch và biên tập bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/02/2016(Xem: 5806)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
26/01/2016(Xem: 11904)
Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái. Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát. Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.
09/12/2015(Xem: 6968)
Theo đa số các nhà nghiên cứu, thực trạng nóng lên toàn cầu (global warming) hoặc biến đổi khí hậu toàn cầu (global climate change) là có thật và ngày càng gia tăng một cách trầm trọng. Nguyên nhân chính là sự gia tăng quá nhanh trong việc thải khí cạc-bon đi-ô-xít (carbon dioxide) trong vòng 30 năm qua do đốt nhiên liệu hóa thạch, fossil fuels (Cox, P. M., et al., 2000), cũng như những hoá chất khác không phải do hoá học hữu cơ (Hansen, J., et al., 2000), và vì nhu cầu sinh hoạt của con người từ sự nhả khói và khí độc của các hãng xưởng công nghệ lớn nhỏ, xe ô-tô cho đến nạn phá rừng, các trại chăn nuôi súc vật đến chất liệu phế thải của các nhà máy thuỷ điện, v.v...
26/09/2015(Xem: 6676)
Cây bạch đàn là cây cao và có cành lá xum xuê nhất khu vực này. Tiếng chim kêu hót vang lừng mỗi sáng là từ trên những cành cao của cây này. Xa hơn, ở đầu đường, có hai cây cau dừa (cây cọ — palm tree), cao hơn cây bạch đàn nhiều, nhưng chim không làm tổ trên ấy (không hiểu vì sao; có lẽ vì cây quá cao, hoặc ở đó có nhiều tranh chấp, hiểm nguy hơn). Nơi cây bạch đàn, có ít nhất vài tổ chim, khác loại. Đúng là “đất lành chim đậu.” Có lần nghe tiếng quạ kêu bất thường, tưởng là quạ đến đuổi phá các loài chim khác, nào ngờ quạ bị chim đuổi. Rõ ràng là hai con chim trắng, thân nhỏ, lại rượt đuổi mấy con quạ đen to gấp ba lần. Không chỉ đuổi khỏi cây bạch đàn, mà đuổi thật xa, tít trên không trung, nhào lộn ngoạn mục, đuổi khỏi khu vực, đuổi khuất tận dãy phố bên kia đường. Thế mới biết, quạ tuy thân to lớn, bộ dạng dữ dằn, tiếng kêu rùng rợn ma quái so với các loài chim hiền lành khác, mà khi lâm trận thì lại không có chút dũng khí hay tinh thần chiến đấu nào. Quạ chỉ giỏi tấn công nhữn
24/06/2015(Xem: 26374)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
18/06/2015(Xem: 13793)
Có khoảng năm trăm triệu Phật tử trên thế giới, đạo Phật được coi là tôn giáo lớn đứng thứ tư của hành tinh. Với hai tông phái chính: Theravada (Phật giáo Nguyên thủy) và Mahayana (Phật giáo Đại thừa) cùng nhiều môn phái khác, đạo Phật có một điểm chung là sự giác ngộ, là tinh thần được tự do. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đạo Phật là tôn giáo của hòa bình. Con đường của đạo Phật là quá trình nhận biết đau khổ, nguyên nhân khổ đau và kết thúc nó với đích cuối cùng là được giải thoát.
15/06/2015(Xem: 19651)
Yếu chỉ tu tập & hành đạo. Tác giả Thích Thái Hòa
15/05/2015(Xem: 22310)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 18089)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 24372)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567