Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hóa Thù Thành Bạn

19/02/201114:57(Xem: 6788)
Hóa Thù Thành Bạn

HẠNH PHÚC KHẮP QUANH TA
Nguyên Minh

HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU

HÓA THÙ THÀNH BẠN

Đây không phải là một lời khuyên có tính triết lý hay đạo đức. Đây là một thái độ khôn ngoan và tích cực có ý nghĩa mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn là cho cả cộng đồng xã hội. Mặc dù vậy, điều đáng buồn là không phải bất cứ ai cũng có thể sớm nhận ra điều đó.

Khi chúng ta có một kẻ thù, trong ý nghĩa là những kẻ đã làm thương tổn đến ta, khuynh hướng thông thường nhất là chúng ta không mong muốn bất cứ điều tốt đẹp nào cho người ấy. Kèm theo đó, ta còn muốn làm một điều gì đó để gây thương tổn cho họ. Nhưng một thực tế hiển nhiên mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra là, cho dù những hành động của ta có làm cho kẻ thù đau khổ, điều đó cũng không mang lại bất cứ ích lợi thực tiễn nào cho bản thân ta, và tâm trạng khoái trá, hả lòng của chúng ta khi ấy quả thật là vô lý.

Và không chỉ là vô lý, nếu chúng ta suy xét kỹ vấn đề, ta sẽ thấy rõ những tính chất độc ác và hung hãn của khuynh hướng thù hận. Trong một tâm trạng bình tĩnh và sáng suốt, thường thì bạn không thể tán đồng khuynh hướng ấy.

Khi chúng ta nuôi dưỡng ý niệm trả thù, điều đó tạo ra một cái vòng luẩn quẩn tồi tệ. Khi bạn thực sự làm điều gì đó gây hại cho kẻ thù, người ấy cũng sẽ không chấp nhận bỏ qua, và vì thế mà một hành động trả miếng tất nhiên là sớm muộn gì rồi cũng sẽ xảy ra. Khi đó, bạn lại dồn mọi nỗ lực của mình vào việc... trả miếng thật đích đáng. Và cứ thế mà mọi việc tiếp diễn theo khuynh hướng ngày càng tệ hại hơn.

Khi hận thù không chỉ giữa hai cá nhân mà xảy ra giữa hai phe nhóm hoặc cộng đồng, quốc gia... sự việc sẽ càng đáng sợ hơn, bởi vì nó có thể tiếp tục truyền nối qua nhiều thế hệ. Kết quả tất yếu là cả hai phía đều sẽ chất chồng ngày càng nhiều đau khổ. Điều đáng buồn nhất là trong những trường hợp đó, các thành viên cộng đồng thường có khuynh hướng bị đầu độc bởi sự thù hận ngay từ khi vẫn còn thơ ấu. Vì thế, thật vô cùng khó khăn để bất cứ ai trong những cộng đồng này có thể thức tỉnh và thoát được ra khỏi sự thù hận.

Một số người cho rằng thù hận có công năng tạo ra sức mạnh đối kháng, và vì thế nó có lợi cho một cộng đồng trong sự cạnh tranh với những cộng đồng khác. Điều này là đúng, nhưng chỉ là một giá trị nhất thời trên bề mặt của vấn đề mà thôi. Cũng tương tự như khi một vận động viên dùng thuốc kích thích để đạt thành tích cao. Điều khác biệt ở đây là, thuốc kích thích bị xem như bất hợp pháp, còn thù hận thì chưa bị luật pháp ngăn cấm, cho dù rất nên làm như vậy. Sức mạnh có được do sự thù hận không chỉ hướng đến kẻ thù, nó còn hủy hoại ngay chính người nuôi dưỡng nó.

Sự thù hận là một trong những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ nhất. Nó như một ngọn lửa, khi bùng cháy lên sẽ có khuynh hướng thiêu đốt mọi thứ tiếp xúc với nó. Vì thế, khi chúng ta nuôi dưỡng sự thù hận, tác hại trước hết là bản thân chúng ta chứ không phải kẻ thù của ta. Bạn có thể tự mình phân tích những kinh nghiệm tự thân để thấy được tác hại của sự thù hận. Tâm trạng chúng ta trở nên nóng nảy, bồn chồn. Chúng ta không một phút nào được thanh thản, yên ổn, bởi vì sự thù hận bao giờ cũng đi kèm theo với sự căm tức, giận dữ. Dân gian thể hiện ý nghĩa này trong một so sánh giản đơn nhưng vô cùng chính xác, cụ thể: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Nói cách khác, thù hận làm chúng ta mất đi sự sáng suốt trong tâm trí, và vì thế mà dễ dàng tiếp tục sa lầy vào những khuynh hướng, quyết định sai lầm khác...

Vì thế, khi chúng ta buông bỏ sự thù hận, chúng ta giải thoát trước hết là cho bản thân mình. Sự thù hận đối nghịch và ngăn cản sự phát triển của lòng từ bi, do đó cũng ngăn cản chúng ta đạt đến một đời sống yên vui, hạnh phúc.

Xét cho cùng, khi ai đó làm thương tổn đến ta, sự thù hận không giúp ta hàn gắn hay bù đắp lại những thương tổn ấy. Nó chỉ làm được một điều duy nhất là gây thêm những thương tổn mới, cho bản thân ta và cho kẻ thù của ta. Bằng cách đó, nó lôi kéo thêm sự tiếp tay của kẻ khác để gây thương tổn cho ta càng nặng nề hơn nữa.

Hãy nhìn sự việc khi diễn tiến theo hướng ngược lại. Không mang lòng thù hận đối với kẻ đã gây thương tổn cho ta, có nghĩa là tha thứ. Sự tha thứ có công năng cảm hóa thay vì là khơi nguồn cho những ý tưởng thù hận. Người đã gây hại cho ta chắc chắn sẽ suy nghĩ lại về việc làm của mình và cảm kích trước sự tha thứ của ta. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, nếu đó là một kẻ “không biết điều”, thì ít nhất sự việc cũng sẽ trôi qua mà không gây thêm tác hại nào khác.

Về mặt bản thân chúng ta, quyết định tha thứ sẽ là một quyết định khôn ngoan nhất mà ta có được, bởi vì nó tránh cho ta việc lún sâu vào một chuỗi dài của những bất an và căng thẳng do thù hận mang đến. Những thương tổn của ta rồi cũng sẽ qua đi. Xét cho cùng, còn có biết bao nhiêu những thương tổn trong cuộc sống mà cho dù ta có muốn đem lòng thù hận cũng chẳng biết hận thù ai. Động đất, bão lụt, bệnh tật, hạn hán... mỗi năm cướp đi hàng ngàn sinh mạng trên trái đất này. Người thân của những nạn nhân ấy, nếu muốn thù hận cũng biết thù hận ai đây? Chúng ta không nên quá cố chấp, chỉ vì một thương tổn đã qua mà tiếp tục gây ra thêm nhiều thương tổn khác cho bản thân và cho người khác.

Nhưng chúng ta đôi khi cũng không thể chủ động hoàn toàn trong việc “gây thù chuốc oán” cùng ai đó. Chẳng hạn, do một sai sót vô tình hay cố ý, ta đã gây thương tổn cho ai đó. Và thay vì tha thứ, người ấy đã quyết định xem ta như một kẻ thù. Điều tốt nhất ta có thể làm trong trường hợp này là, cho dù bản thân ta bị người ấy xem như kẻ thù, ta cũng không nên đáp lại bằng sự thù hận tương tự. Thái độ này sẽ mở ra cho ta một cơ may hóa giải thù hận, thay vì là ngày càng gây thêm nhiều đau khổ cho cả đôi bên.

Nhưng một khi thù hận chưa thực sự được hóa giải thì những kẻ thù “bất đắc dĩ” như thế tất nhiên là vẫn luôn nỗ lực nhắm đến việc làm hại chúng ta. Vì thế, việc tha thứ hoặc đối xử tốt với họ trong trường hợp này không phải là việc dễ làm. Chúng ta cần có những cách nhìn sâu sắc hơn về vấn đề mới có thể chuyển hóa được những hoàn cảnh khó khăn như thế.

Một trong những cách nhìn có công năng giúp chúng ta chuyển hóa vấn đề là hãy xem những kẻ thù của chúng ta như điều kiện cần thiết để giúp ta thực hành việc phát triển lòng từ bi. Đứng từ góc độ này, họ không còn là những kẻ thù của ta nữa, mà là những người thầy, những người bạn tốt đã mang lại cho chúng ta cơ hội để thực hành lòng từ bi, sự cảm thông và kiên nhẫn.

Chúng ta nên biết rằng, cách nhìn nhận vấn đề như thế này là dựa trên những phân tích khoa học và hợp lý. Trong vô số những con người đang cùng ta sinh trưởng trên trái đất này, ta chỉ có cơ hội để tiếp xúc với một số rất ít mà thôi. Và trong số đó, những người thực sự thù hận ta, muốn làm hại ta, lại càng ít hơn, nếu không nói là rất hiếm. Chính số người hiếm hoi này mới là những người có thể giúp ta thực hành, rèn luyện lòng từ bi, sự cảm thông, tha thứ và kiên nhẫn của mình. Tất cả những đức tính tốt đó sẽ chẳng bao giờ thực sự trưởng thành trong ta nếu không có được những cơ hội hiếm hoi đối mặt với kẻ thù – không phải để ăn miếng trả miếng, mà là để yêu thương, tha thứ và cảm hóa. Xét từ góc độ này, những kẻ thù của ta rõ ràng là những bậc thầy, những người bạn tốt, và chúng ta cần biết ơn họ về điều đó.

Bạn có thể vẫn còn hoài nghi về lập luận này. Nhưng bạn hãy thử nghĩ đến trường hợp của các vận động viên cử tạ. Họ không thể tự nhiên mà có được sức mạnh hơn người làm cho chúng ta nể phục. Sức mạnh đó có được chính là nhờ qua những buổi luyện tập kiên trì với những quả tạ nặng nề trong phòng tập. Tất nhiên, việc nhấc những quả tạ mỗi ngày sẽ không dễ chịu chút nào. Họ phải gắng sức, đổ mồ hôi và mỏi mệt vì luyện tập. Nhưng bù lại, họ ngày càng khỏe mạnh hơn, có thể vượt qua những người khác nhờ vào sự kiên trì luyện tập cơ thể. Nếu không có những quả tạ nặng nề trong phòng tập, liệu họ có đạt được mục đích của mình hay chăng?

Trong ý nghĩa đó, những kẻ thù của ta là những “quả tạ” để giúp ta rèn luyện. Điều đáng nói hơn nữa là, trong phòng tập luôn sẵn có những quả tạ, còn những kẻ đối nghịch với ta thì không phải lúc nào cũng sẵn có. Vì thế, nói theo lẽ tự nhiên thì ta càng phải biết quý trọng, đánh giá cao những “cơ hội luyện tập” mà mình có được.

Lòng từ bi, sự cảm thông và đức kiên nhẫn không mang lại lợi ích cho những ai chỉ học biết suông qua lý thuyết. Chúng chỉ thực sự mang lại lợi ích cho ta thông qua việc thực hành trong đời sống hằng ngày. Và chúng ta phát triển được những đức tính ấy chính là nhờ vào sự thực hành, rèn luyện trong những trường hợp va chạm cụ thể. Bằng không, chúng ta chỉ có thể có được những tri thức về các đức tính ấy mà không bao giờ thực sự có được chúng trong tâm hồn.

Nếu bạn vào sống trong một tu viện giữa những người hòa nhã và tốt bụng để thực hành lòng từ bi, sự cảm thông và tha thứ, bạn sẽ chẳng có cơ hội nào để rèn luyện cả. Kết quả là bạn sẽ có cảm giác như mình đã có đủ những đức tính này, nhưng một khi môi trường thay đổi và bạn thực sự đối mặt với một sự thù nghịch, lăng mạ hay xúc phạm từ người khác, bạn sẽ không có khả năng để thực hành lòng từ bi, sự cảm thông và tha thứ trong những trường hợp khó khăn này. Ngược lại, nếu bạn đã từng tha thứ cho những kẻ thù của mình, có thể đối xử tốt với họ như bao nhiêu người khác, bạn có thể tin chắc rằng sự thực hành của bạn có thể mang lại cho bạn một cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Chuyển hóa sự thù hận không phải chuyện dễ dàng. Trong thực tế, đây có thể là một trong những việc khó làm nhất đối với hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, nếu bạn chịu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và sáng suốt, chắc chắn bạn cũng sẽ đồng ý rằng đó là điều tốt nhất nên làm. Và để làm được, bạn cần dành nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề, cũng như thường xuyên mang ra thực hành ngay trong cuộc sống của mình. Một khi bạn đã làm được việc khó làm, điều tất yếu là bạn sẽ nhận được phần thưởng quý giá: một cuộc sống hạnh phúc hơn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/03/2016(Xem: 11640)
Đọc sách là niềm vui của tôi từ thời còn đi học cho đến nay, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nếu sách hay, tôi chỉ cần đọc trong một hay hai ngày là xong một quyển sách 500 đến 600 trang. Nếu sách khó, cần phải nhiều thời gian hơn thì mỗi lần tôi đọc một ít. Còn thế nào là sách dở? xin trả lời ngắn gọn là: Sách ấy không hợp với năng khiếu của mình. Dĩ nhiên khi một người viết sách, họ phải đem cái hay nhất, cái đặc biệt nhất của mình để giới thiệu đến các độc giả khắp nơi, cho nên không thể nói là dở được. Cuối cùng thì dở hay hay tùy theo đối tượng cho cả người viết lẫn người đọc, là tác giả muốn gì và độc giả muốn học hỏi được gì nơi tác phẩm ấy. Tôi đọc Đại Tạng Kinh có ngày đến 200 trang nhưng vẫn không thấy chán, mặc dầu chỉ có chữ và chữ, chứ không có một hình ảnh nào phụ họa đi kèm theo cả. Nhiều khi nhìn thấy trời tối mà lo cho những trang Kinh còn lỡ dở chưa đọc xong, phải vội gấp Kinh lại, đúng là một điều đáng tiếc. Vì biết đâu ngày mai đọc tiếp sẽ không còn những đoạn văn hay tiếp
21/02/2016(Xem: 5941)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
26/01/2016(Xem: 12363)
Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái. Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát. Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.
09/12/2015(Xem: 7265)
Theo đa số các nhà nghiên cứu, thực trạng nóng lên toàn cầu (global warming) hoặc biến đổi khí hậu toàn cầu (global climate change) là có thật và ngày càng gia tăng một cách trầm trọng. Nguyên nhân chính là sự gia tăng quá nhanh trong việc thải khí cạc-bon đi-ô-xít (carbon dioxide) trong vòng 30 năm qua do đốt nhiên liệu hóa thạch, fossil fuels (Cox, P. M., et al., 2000), cũng như những hoá chất khác không phải do hoá học hữu cơ (Hansen, J., et al., 2000), và vì nhu cầu sinh hoạt của con người từ sự nhả khói và khí độc của các hãng xưởng công nghệ lớn nhỏ, xe ô-tô cho đến nạn phá rừng, các trại chăn nuôi súc vật đến chất liệu phế thải của các nhà máy thuỷ điện, v.v...
26/09/2015(Xem: 6860)
Cây bạch đàn là cây cao và có cành lá xum xuê nhất khu vực này. Tiếng chim kêu hót vang lừng mỗi sáng là từ trên những cành cao của cây này. Xa hơn, ở đầu đường, có hai cây cau dừa (cây cọ — palm tree), cao hơn cây bạch đàn nhiều, nhưng chim không làm tổ trên ấy (không hiểu vì sao; có lẽ vì cây quá cao, hoặc ở đó có nhiều tranh chấp, hiểm nguy hơn). Nơi cây bạch đàn, có ít nhất vài tổ chim, khác loại. Đúng là “đất lành chim đậu.” Có lần nghe tiếng quạ kêu bất thường, tưởng là quạ đến đuổi phá các loài chim khác, nào ngờ quạ bị chim đuổi. Rõ ràng là hai con chim trắng, thân nhỏ, lại rượt đuổi mấy con quạ đen to gấp ba lần. Không chỉ đuổi khỏi cây bạch đàn, mà đuổi thật xa, tít trên không trung, nhào lộn ngoạn mục, đuổi khỏi khu vực, đuổi khuất tận dãy phố bên kia đường. Thế mới biết, quạ tuy thân to lớn, bộ dạng dữ dằn, tiếng kêu rùng rợn ma quái so với các loài chim hiền lành khác, mà khi lâm trận thì lại không có chút dũng khí hay tinh thần chiến đấu nào. Quạ chỉ giỏi tấn công nhữn
24/06/2015(Xem: 26986)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
18/06/2015(Xem: 14264)
Có khoảng năm trăm triệu Phật tử trên thế giới, đạo Phật được coi là tôn giáo lớn đứng thứ tư của hành tinh. Với hai tông phái chính: Theravada (Phật giáo Nguyên thủy) và Mahayana (Phật giáo Đại thừa) cùng nhiều môn phái khác, đạo Phật có một điểm chung là sự giác ngộ, là tinh thần được tự do. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đạo Phật là tôn giáo của hòa bình. Con đường của đạo Phật là quá trình nhận biết đau khổ, nguyên nhân khổ đau và kết thúc nó với đích cuối cùng là được giải thoát.
15/06/2015(Xem: 20208)
Yếu chỉ tu tập & hành đạo. Tác giả Thích Thái Hòa
15/05/2015(Xem: 23006)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 18722)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567