Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Làm Bậy! Làm Bậy!

17/03/201408:26(Xem: 19031)
21. Làm Bậy! Làm Bậy!
blank

“ Làm Bậy! Làm Bậy!”



Chiều hôm ấy, chư tăng tụ hội đầy cả giảng đường Trúc Lâm. Câu chuyện buổi sáng, chỉ sau thời gian khoảng một bữa ăn mà đức Phật đã biến vị tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka đần độn, bốn tháng không thuộc nổi một bài kệ, trở thành một bậc thánh thông tuệ, giảng pháp như nước chảy mây trôi, đôi chỗ như sấm động, như lửa cháy, như biển sôi... làm cho ai nấy cũng phải thất kinh! Ông tỳ-khưu kia lại còn du hí một thân biến ra ngàn thân nữa!

Sự kỳ lạ, hy hữu ấy được đồn thổi từ chỗ này sang chỗ khác nên chư tăng ni muốn đến gặp đức Phật để nghe thực hư câu chuyện, đồng thời thử tìm hiểu nhân quả của nó ra sao?

Khi đại chúng đang còn xì xào bàn tán thì đức Phật bước vào, giảng đường chợt xán lạn như vầng dương.

Ngồi trên pháp tòa đã được soạn sẵn, đức Phật hỏi:

- Các vị đang bàn luận với nhau về chuyện gì?

Một vị đáp:

- Về câu chuyện kỳ lạ của tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka, bạch đức Thế Tôn!

Một vị khác:

- Nghe nói, đức Thế Tôn chỉ trao cho vị tỳ-khưu kia một chiếc khăn tay; thế không biết ông ta quán tưởng kiểu gì, tu tập ra làm sao mà vừa đắc ngũ thông vừa đạt tuệ vô lậu trong nháy mắt?

Một vị khác nữa:

- Cái nhân của sự tối trí, đần độn kia chắc có nguyên do? Nó tiếp diễn như thế nào trong sanh tử? Và nhân gần, nhân xa của sự sáng trí, thông tuệ hôm nay bởi vì đâu mà có, bạch đức Đạo Sư?

Đức Phật mỉm cười, nói rằng:

- Chốt lại, thế là có hai vấn đề. Một là cái khăn tay và sự quán niệm. Hai, sự đần độn tiếp nối trong sinh tử cùng nguyên nhân của cuộc chuyển hóa, có phải chỉ có bấy nhiêu chuyện không?

- Thưa vâng! Bạch đức Tôn Sư!

Thế rồi, đức Phật kể lại mấy câu chuyện quá khứ. Chuyện về cái khăn tay, nguyên nhân của cái khăn tay; chuyện về sự đần độn được chuyển lưu trong dòng nghiệp như thế nào! Ngài nói:

- Này đại chúng tỳ-khưu! Trong một kiếp quá khứ, tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka là một vị quốc vương, đúng là một bậc minh quân! Ông ta trị vì vương quốc giàu mạnh, là người vừa có trí vừa có tâm. Hôm kia, giả trang một người dân thường, ông ta đi từ khu phố này sang khu phố khác, từ phường này sang phường khác cốt để lắng nghe dân tình, xem thử đời sống của họ, niềm vui nỗi khổ của họ ra sao. Mệt, ông dừng chân lại, lấy khăn tay lau mặt. Chợt, ông chú tâm quan sát. Cái khăn vốn trắng tinh tinh bây giờ đã lấm mồ hôi cùng với bụi bặm nên đã ngả màu vàng chệch, lấm lem, dơ dáy! Trong quá khứ, vì đã từng làm đạo sĩ trên Tuyết Sơn, nên ký ức và tri giác xa xưa đâu đó trở về, ông bần thần nghĩ ngợi: “Bụi bặm dơ uế nơi cái thân ta nó như thế này đây thì quý gì mà nâng niu nó, bảo trọng nó, quyến niệm nó? Như cái khăn đẹp đẽ, sạch sẽ này, thoáng chốc là dơ uế, xấu xí thì cái thân ta cũng vậy thôi! Các pháp do cấu tạo, kết hợp đều nằm trong định luật vô thường, thay đổi mà biến hoại cả! Ôi! Ái niệm mà làm gì? Thủ chấp mà làm gì?” Hôm đó, về triều, đức vua có trí ấy đột ngột giao ngôi vua và quyền bính cho một vị thái tử rồi lên non làm đạo sĩ; ông lấy “vô thường tưởng” (aniccasañña) làm đề mục tu hành. Cuối đời mệnh chung, nhờ cận định “vô thường tưởng” ông ta hóa sanh về thiên giới, rồi còn chuyển kiếp nhiều đời làm người, làm trời nữa!

Này đại chúng tỳ-khưu! Như Lai có sanh tử minh, biết chuyện cái khăn tay xa xưa của tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka, nên đã trao trả hình ảnh cái khăn ấy lại cho ông ta mà thôi! Sau khi đạt được “vô thường tưởng” một cách dễ dàng do kiếp trước ông ta đã từng đạt rồi, Như Lai xuất hiện đúng lúc, hướng dẫn ông ta bước qua minh sát để thấy rõ bụi tham, bụi sân, bụi si bằng một bài kệ. Chuyện còn lại thì chư tăng đều đã thấy biết rồi, có phải thế không?

Đại chúng trả lời:

- Thưa vâng! Bạch đức Đạo Sư!

Vị khác phát biểu:

- Hóa ra kiếp trước tu tập cái gì thì nó còn đó, không mất!

Một vị khác:

- Căn cơ của tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka cũng thâm hậu lắm, không đơn giản! Đâu phải ai cũng được thế đâu!

Đức Phật gật đầu, mỉm cười:

- Ừ, và cái “đần độn” của ông ta cũng “thâm hậu” tương tự thế, không kém gì!

Lúc cả đại chúng giảng đường có vẻ im lặng muốn lắng nghe thì đức Phật kể tiếp chuyện khác:

- Trong quá khứ, có một kiếp nọ, tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka xuất gia trong giáo pháp của đức Chánh Đẳng Giác Kassapa. Vốn là một vị tỳ-khưu rất giỏi giang và thông tuệ, ông có trí nhớ như thần đồng, học đâu nhớ đấy, nghe đâu ghi nhận đó như kiếm báu khắc chạm chữ vào vách đá vậy. Bên cạnh ông, có một vị tỳ-khưu tối dạ, bẩm chất đần độn, học mãi một câu kệ Pāḷi mà học hoài không thuộc. Thấy vậy, tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka đã nhạo báng, miệt thị bạn mình, đi vô châm chọc, đi ra châm chọc! Ông đã khiến cho vị tỳ-khưu tội nghiệp kia hổ thẹn quá làm cho ông ta phải hoàn tục. Do nghiệp bỉ báng chế nhạo xấu ác ấy, rất nhiều kiếp, ông ta phải bị trả quả đần độn y hệt như thế, chứ không phải chỉ riêng trong kiếp này mà thôi đâu! Nhân quả trả vay! Đôi khi một nghiệp xấu ác mà phải bị trả quả liên tục, kéo dài cả bốn trăm chín mươi chín kiếp! Hãy ghi nhớ rõ như vậy!

Mọi người lắc đầu, le lưỡi.

Có người thắc mắc:

- Thế là trải qua nhiều kiếp phải chịu trả quả đần độn tương tợ như vậy sao, bạch đức Thế Tôn?

- Phải! Đức Phật gật đầu! Tuy nhiên, may nhờ kiếp ấy, tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka có căn duyên gặp được Như Lai! Cũng do Như Lai đã từng nâng đỡ cho ông ta công danh, sự nghiệp ở đời, thì nay Như Lai lại nâng đỡ cho ông ta đạt quả vô vi giải thoát trong đạo vậy. Nhân, quả, duyên, báo trong sinh tử luân hồi nó thù thắng, vi diệu và bất khả tư nghị lắm, đại chúng không thể nắm bắt hết được đâu!

Nói thế xong, đức Phật kể tiếp:

“- Vào một thuở rất xa xưa, có một gã thanh niên tại kinh thành Bārāṇasī muốn lập công danh sự nghiệp ở đời nên khăn gói bộ hành lên tận quốc độ Gandhāra, kinh đô Takkasilā để tầm sư học các môn học nghệ.

Do sự mách bảo của mọi người, thanh niên tìm đến một vị sư trưởng thời danh (Disapāmokkha) để xin làm môn hạ.

Trong năm trăm môn sinh của vị sư trưởng, chỉ có một mình thanh niên là biết chăm lo, phục vụ “sư phụ” hơn ai hết. Chàng tận tình, siêng năng hầu hạ sư phụ bất kể ngày đêm. Nào quạt mát, xoa lưng, đấm bóp, bưng dọn thức ăn vật uống, lo nước tắm, nước rửa, nhà vệ sinh... không việc gì mà chàng không làm được, và làm là làm hết lòng.

Thấy vậy, vị sư trưởng quyết đem tất cả sở học, tài nghệ của mình truyền lại cho chàng thanh niên để đáp tạ tấm lòng của chàng. Nhưng than ôi! Trao truyền học vấn, kiến thức các công nghệ cho chàng thanh niên này, xem ra, chẳng khác gì như sương trượt trên lá sen, như nước đổ đầu vịt! Dù tận tình tới đây, chàng thanh niên chẳng tiếp thu được gì cả. Cho đến nỗi, một bài kệ bốn câu, thanh niên tụng ngày, tụng đêm cũng không thuộc! Ôi! Đần độn hoàn lại cho đần độn! Ngu dốt lại trả về cho sự ngu đốt!

Thấy thời gian thì cứ trôi qua mà việc học không có một chút tiến bộ, nói rõ là “không có một chút vốn để lận lưng”, thanh niên nản chí quá bèn có ý nghĩ, xin sư phụ bỏ học, trở lại quê nhà để làm ruộng, cuốc đất thôi!

Biết tâm tư của người đệ tử, vị sư trưởng đăm chiêu suy nghĩ: “Muốn đáp trả công lao khó nhọc trong suốt thời gian nó phục dịch mọi việc cho ta, nhưng nghĩ ra cũng đã hết cách! Vậy, có thể chăng, ta sẽ giúp nó, trao cho nó ‘bí kíp’ cuối cùng?”

Hôm kia, giữa đêm khuya không cho ai biết, vị sư trưởng lặng lẽ dẫn thanh niên vào rừng, nói rằng:

- Cái tâm con rất tốt, cái chí thú, tinh cần cũng rất tốt, nhưng có lẽ do nghiệp xưa chi phối nên kiếp này con tối dạ hơn người, học môn nào cũng không thành tựu được. Hôm nay, ta dẫn con vào đây là muốn dạy cho con một câu mật chú. Học thuộc câu mật chú này, về quê hương, sau này con có thể có được địa vị, danh vọng ở đời không thua ai đâu.

Vị sư trưởng còn dặn dò cẩn thận:

- Ngoại trừ con, ta không trao truyền cho ai câu mật chú này cả. Người xấu ác mà sử dụng câu mật chú này thì sẽ đại họa cho cuộc đời. Nhờ con chất phác, hiền thiện, ta mới trao truyền cho con đây!

Xong, ngài đọc ra câu mật chú:

“- Ghaṭesi ghaṭesi kiṃ kāraṇā ghaṭesi. Ahaṃ taṃ jānāmīti!”(1)

Sau đó, bắt thanh niên đọc theo. Đọc lui, đọc tới mãi cho đến gần sáng, sư trưởng hỏi:

- Con đã thuộc chưa?

- Dạ thuộc rồi!

- Có chắc không? Đọc lại thử coi!

Thanh niên đọc lại. Rồi sư trưởng bắt đọc đi đọc lại một trăm lần nữa. Khi biết chắc, học kiểu đó, đọc tụng như thế đó thì ngu mấy cũng phải thuộc lòng, kể cả trong giấc ngủ, hai thầy trò mới về nhà. Đến nơi, ngài còn dặn nhỏ bên tai: “Mai này về quê, buổi sáng thức dậy con phải đọc tụng trăm lần! Trước khi đi ngủ con cũng phải đọc tụng trăm lần, nhớ chưa?”

Đến ngày tiễn người học trò lên đường, sư trưởng cho tiền lộ phí rồi nói:

- Ráng ôn tập hằng ngày. Sau này con không sợ thiếu cơm thiếu áo. Hãy sống làm người cho tốt!

Thanh niên cúi đầu lạy tạ rồi từ giã.

Thuở ấy, quốc vương trị vì kinh thành Bārāṇasī là một ông vua đạo đức, hiền thiện, thường lấy năm giới, mười lành để tu tập và giáo hóa muôn dân. Từng ngày, từng ngày, ông giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý rất nghiêm cẩn, mẫu mực. Tuy nhiên, hôm kia, đức vua tự nghĩ: “Bản thân mình thì mình điều tiết, chế ngự được, nhưng khi chính sách ban hành ra, biết đâu không lầm lỗi chỗ này thì lầm lỗi chỗ khác? Ta đừng nên quá chủ quan. Biết đâu lệnh truyền một đường lại thực thi một nẻo? Biết đâu các quan đại thần bóp méo công lý do tham, do sân mà xâm hại đến miếng cơm manh áo của bao người? Vậy ta phải đích thân “vi hành” để dò xét dân tình mới được!”

Thế rồi, đức vua giả dạng thường dân, đi ra khỏi hoàng cung lặng lẽ một mình. Ông lại nghĩ tiếp: “Ban ngày thì ta đi la cà các nơi, chợ búa, quán xá để xem các cửa hàng mua bán, về các mặt hàng, về giá cả, về sức mua của dân. Có phú túc và thịnh mãn không? Có thể ghé các bến phà ven sông Gaṅgā, các đền miếu, tín ngưỡng, hội tế, những trạm xe bò, xe ngựa... để xem những sinh hoạt ấy có thanh bình, an ổn không? Rồi chiều tối, ta có thể đi thăm dò nơi các quán ăn, những hiên nhà... Tại sao vậy? Vì nơi chỗ uống ăn, sau các bữa cơm chiều tối, người ta thường rảnh rỗi, ưa nói chuyện phiếm, bàn luận việc thiên hạ, trao qua đổi lại công chuyện làm ăn, buôn bán, việc quan, việc dân, việc miếng cơm, manh áo, họ hàng, gia đình... Bao nhiêu sự thực, bao nhiêu cái được, cái không, cái tốt, cái xấu của triều đình, vua quan đều được “phản ánh” từ cửa miệng của dân chúng cả. Còn nữa, nếu ta cai trị đúng vương pháp, các quan thực thi đúng vương pháp thì cửa miệng mọi người sẽ tán thán, ca tụng ta là bậc minh quân; trái lại nếu vương pháp không đến được với dân, khắp nơi bất công, quan lại triều đình nhũng nhiễu, trấn lột, cướp bóc, hà khắc với dân thì ta sẽ bị muôn dân ta thán, nguyền rủa là hôn quân, là bạo chúa. Rồi sự thực như thế nào là ta sẽ biết ngay”.

Thế rồi, mấy ngày qua đi, lắng nghe sự phản ánh của dân chúng khắp nơi, tuy họ chưa được hạnh phúc an vui lắm như kỳ vọng của đức vua, nhưng nói chung cũng tạm thanh bình và an ổn.

Hôm kia, đức vua vi hành một miền ngoại ô để xem xét làng mạc, ruộng vườn, cây trái, hoa màu cùng với đời sống, sự thu nhập của dân quê ra sao. Ồ, hóa ra họ cũng đang còn nghèo thiếu lắm! Lúc trở về lại kinh thành thì đã trời đã khá khuya. Trên một con đường với nhà cửa san sát, nhà vua chợt thấy một việc đang diễn ra trước mắt. Ông đứng nép vào một góc tối để quan sát. Giữa một con hẻm, cạnh những vách nhà có nhiều bóng đen đang lom khom đào một đường hầm ngầm. Đây có lẽ là bọn kẻ trộm đào tường, khoét vách (ummaṅgacorā) đang làm công việc chuyên môn của mình. Khi chúng đã bò được vào trong thì đức vua dọ dẫm bước lần tới sát gần bên để nghe ngóng. Có rất nhiều tiếng động lịch kịch như di chuyển đồ vật đâu từ bên trong các ngôi nhà.

Lát sau, từ một căn nhà kế cạnh bỗng vọng ra một câu cổ ngữ, rồi câu ấy được đọc lui, đọc tới mãi:“Ghaṭesi ghaṭesi kiṃ kāraṇā ghaṭesi. Ahaṃ taṃ jānāmīti!” Câu này, bọn kẻ trộm nghe thoáng âm thì từa tựa, trài trại như là: “Làm bậy, làm bậy, có chi làm bậy! Ta biết như vậy. Ta biết như vậy!” Nhưng đối với người có học thì họ không hiểu nghĩa là gì, nhà vua cũng không hiểu, vì đấy có lẽ là mật chú!

Đây chính là ngôi nhà của người thanh niên đần độn được sư trưởng kinh thành Takkasilā thương yêu truyền thụ cho câu mật chú, và khi ấy cậu ta đang ôn tụng mỗi đêm.

Bọn kẻ trộm nghe được câu ấy, tưởng rằng chủ nhà đã biết, sợ bị vây bắt nên chúng hoảng hốt quăng vất tất cả dụng cụ đào khoét cũng như những tài vật cuỗm được, hối hả chui ra khỏi vách bỏ chạy mất dạng.

Đức vua thấy tận mắt bọn trộm sợ hãi câu mật chú, nghe tận tai câu mật chú linh nghiệm nên sáng hôm sau, ngài sai một viên quan hầu thân tín đến con đường ấy, ngôi nhà ấy, thỉnh mời người đọc câu mật chú ấy vào triều.

Nhìn khuôn mặt hiền lành, chất phác của chàng thanh niên, đức vua ân cần thăm hỏi gia cảnh, nghề nghiệp rồi sau đó mới tế nhị hỏi về câu mật chú. Thanh niên tình thật sao thì kể vậy.

Nhà vua vào chuyện:

- Hồi đêm, tại ngôi nhà kế cạnh nhà ngươi, bọn trộm đã đào tường, khoét vách lấy trộm tài sản, ngươi có biết không, có nghe không?

- Sáng ngày mới biết, tâu đại vương!

- Cái câu mật chú mà ngươi đọc, nó có nghĩa là gì vậy?

- Thưa, thần dân không biết ạ!

Nhà vua vui mừng nói:

- Ta không hiểu câu ấy có nghĩa gì, và ngươi cũng vậy, nhưng rõ ràng là nó rất linh nghiệm nên vị sư trưởng kia mới trao truyền riêng cho ngươi.

- Thưa vâng! Đúng vậy! Sư trưởng bảo, không truyền cho ai cả!

Chợt, đức vua nói xa xôi:

- Câu mật chú ấy, ngươi đọc trong nhà thì ngay cả xung quanh cũng được bảo vệ an toàn. Nếu ta đọc tụng câu mật chú ấy thì cả vương cung, triều đình này cũng sẽ được bảo vệ an toàn như thế!

Rồi ông quay qua chàng thanh niên:

- Vậy thì vì sự an toàn cho ta, ngươi có thể nào truyền lại câu mật chú ấy cho ta không?

Thanh niên gật đầu:

- Đức vua an toàn thì cả nước an toàn! Hay lắm! Thần dân sẽ truyền lại câu mật chú ấy cho bệ hạ!

Thế rồi, sau khi học thuộc câu mật chú, đức vua sai người mang một mâm đầy một ngàn đồng tiền vàng hậu tạ chàng thanh niên, với nụ cười nhân hậu, ngài nói:

- Đây là chút tấm lòng của ta, thấy ngươi biết nghĩ đến ta, tất là biết nghĩ đến sơn hà xã tắc. Vậy ngươi nhận số tiền này, sửa sang lại nhà cửa, sắm sanh mọi vật dụng cần thiết... Và để nuôi dưỡng mẹ già!

Và kể từ đó, người thanh niên đần độn được mọi người nể trọng; và đời sống dường như được đổi qua một trang sách mới, phú túc và an vui.

Riêng đức vua thì khi có câu mật chú, ngài không đi vi hành nữa, chăm lo mọi việc triều chính và mỗi ngày thường tụng đọc câu mật chú linh nghiệm.

Đức vua có một vị quan đại nguyên soái, được ông trọng dụng, cho thống lãnh toàn bộ ba quân: Mã binh, tượng binh và bộ binh. Thấy quyền hành, binh lực tất thảy đang nằm trong tay mình nên vị đại nguyên soái manh tâm soán nghịch, tạo phản. Và y chờ cơ hội ra tay.

Cho người thân tín thăm dò thì hễ cứ nửa tuần trăng là tên thợ cạo nổi tiếng ở kinh thành đi vào cung điện để cạo râu, cạo mặt cho đức vua, quan đại nguyên soái đã tìm ra kế mưu.

Hôm kia, gia đình người thợ cạo được vinh hạnh đón tiếp ngài đại nguyên soái, cũng chỉ để cạo mặt, cạo râu như mọi người. Khi xong việc, thấy xung quanh không có ai, vị đại nguyên soái nói nhỏ chuyện muốn sát hại đức vua để tiếm ngôi cho người thợ cạo nghe, rồi kết luận:

- Một, là ngươi sẽ cắt cổ vua, và ta sẽ thưởng một ngàn đồng tiền vàng để đổi đời. Hai là cả gia đình ngươi sẽ bị thảm sát một cách bí mật, ma không biết, quỷ không hay. Vậy thì lựa chọn đi!

Đứng vào thế không có đường lui, người thợ cạo hứa sẽ thực hiện theo ý của kẻ nắm quyền lực, nếu không thì chết.

Đúng kỳ, người thợ cạo vào cung điện. Đức vua đã nằm trên ghế nằm, người thợ cạo mài lại con dao, lấy nước “xà-phòng” thơm thấm ướt râu, mặt... Đang chuẩn bị xuống tay thì y chợt quay lại mài dao một lượt nữa, nghĩ thầm: “Làm sao cho nó thật bén, chỉ cần lia ngang một cái là cần cổ phải đứt lìa, sau đó thì ta dọt lẹ. Mọi việc còn lại đã có đại nguyên soái lo!”

Tên thợ cạo quay lại, đưa dao lên, thì ngay sát-na ấy, đức vua đọc câu mật chú, chỉ để ôn gẫm thôi:“Ghaṭesi ghaṭesi kiṃ kāraṇā ghaṭesi. Ahaṃ taṃ jānāmīti!”. Nhưng qua tai của tên thợ cạo thì câu ấy lại có nghĩa là:“Làm bậy, làm bậy, có chi làm bậy! Ta biết như vậy. Ta biết như vậy!” nên y kinh khiếp vô hạn, mồ hôi tuôn chảy dầm dề, run rẩy nằm sấp năm vóc, trán gõ lộp độp xuống sàn:

- Xin đại vương tha mạng! Xin đại vương tha mạng! Tất cả chỉ do đại nguyên soái đó thôi!

Đức vua tâm thông, trí nhạy, thoáng nghe là biết bên sau lời thú tội ấy là chuyện bí mật gì, ông nhổm dậy, quát lớn:

- Hay cho tên thợ cạo phản phúc! Ngươi tưởng ta không biết gì cả hay sao?

Tên thợ cạo dập đầu như tế sao:

- Dạ... dạ...

- Tội giết vua là bị trảm đầu cả họ cha, họ mẹ, ngươi có biết không?

- Dạ... dạ... mười cái đầu, hạ thần cũng không dám phạm thượng đâu. Nhưng đại nguyên soát sẽ thảm sát toàn gia...

- Hãy khai rõ ra! Ta tha cho toàn mạng!

Tên thợ cạo bèn thành khẩn kể lại đầu đuôi tự sự, rồi khóc lóc van xin đức vua tha cho tội chết.

- Thôi được rồi! Chuyện đâu để yên đấy, để ta xử tên phản nghịch rồi tính tội ngươi sau.

Rồi đức vua sai lính trói y lại.

Sau đó, tức khắc, đức vua cho gọi ngay vị quan thống lãnh đội quân cấm vệ đến cung đường, kể sơ mọi chuyện rồi cẩn thận phác họa một chiến thuật chu đáo, không có một kẽ hở, như sau:

- Ngươi và phó thống lãnh của ngươi, hãy hỏa tốc cùng với ba trăm quân binh nội thành với áo giáp và đao kiếm, đến biệt phủ đại nguyên soái. Phó thống lĩnh với hai trăm quân bao vây vòng ngoài. Ngươi, thống lĩnh, với một trăm lính tinh thông võ nghệ, đao kiếm lục soát bên trong, bắt trói tên phản nghịch và toàn gia, kể cả bất cứ ai đang ngụ trong phủ, dẫn ngay về đây. Để đề phòng có sự phản kháng, chống cự, ta sẽ lệnh cho bốn vị quan hoàng môn dẫn theo bốn tốp binh ngoại thành sẽ ứng cứu, tiếp viện ngay ở sau lưng! Công việc như lửa cháy ngang mày, giữ bí mật tuyệt đối, nghe không?

Thời gian chừng hơn một bữa ăn, viên thống lãnh cẩm y vệ cùng với toán lính đã trói ké vị quan đại nguyên soái cùng toàn gia hơn trăm người dẫn vào triều.

Đích thân viên thống lĩnh kéo lê, kéo bừa quan nguyên soái quăng vất như bó giẻ dưới chân đức vua, gần chỗ tên thợ cạo cũng đang bị trói nằm ở đấy. Y tức giận nên cất giọng như sấm nổ:

- Hãy quỳ xuống, tên súc sinh! Đúng là tham vọng ngông cuồng! Ngồi trên muôn người và chỉ dưới một người mà còn đòi giết một đức vua hiền thiện, một đấng minh quân thiên hạ!

Vị đại nguyên soái biết chuyện giết vua đã bị lộ rồi nên y miệng câm như hến.

Sau đó, đức vua cũng không nhiều lời, tuyên bố tội trạng của y cho các quan rõ rồi ra “nghị quyết” như sau:

- Niêm phong biệt phủ! Tài sản, kim ngân, châu báu, vải vóc, lúa gạo, mọi tư trang, tư dụng, vật dụng... của đại gia đình kia, bây giờ triều đình sẽ quản lý, rồi sẽ từ từ phân phát cho dân, những kẻ cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm ven ngoại ô kinh thành! Ta đã vi hành ở đấy, ta biết. Còn tên đại phản nghịch, ta tha cho tội chết; nhưng sẽ lột mũ áo, cách chức, trả về đời sống thứ dân. Trong một ngày, ta không còn muốn thấy mặt tất cả bọn họ trong kinh thành Bārāṇasī này nữa. Hãy cho họ lộ phí đi đường, đi đâu thì đi!

Rồi vua quay qua tên thợ cạo:

- Ngươi đã tình thật khai báo, lại chưa nhận một ngàn đồng tiền vàng thù lao. Tội thì có tội, nhưng ta có năm giới và mười lành nên ta cũng miễn chấp cho.

Giải quyết trọng án xong, đức vua giao phó công việc cho các quan đảm trách, buồn bã trở về nội cung.

Mấy ngày sau, khi mọi công việc đã được các quan xử lý đâu đó xong xuôi, đức vua cho thỉnh mời người thanh niên đến, ban cho nhiều châu báu, phẩm vật quý giá rồi nói rằng:

- Nhờ câu mật chú kia nên ta đã được bảo toàn sanh mạng. Nay vì muốn đền ơn, ta phong cho ngươi tước vị giáo sư, hưởng lộc đệ nhất phẩm, tặng luôn ngươi ngôi biệt phủ ở ngoại thành của tên phản nghịch đang bỏ trống. Hãy ở đấy! Hãy đọc chú để bảo vệ sự an lành cho bao người!

Từ đấy, người thanh niên có địa vị vua ban, có hư danh chứ chưa phải là thực danh, nhưng cũng giàu sang, vinh hiển đúng như lời tiên tri thuở nào của vị sư trưởng kinh thành Takkasilā”.

Kể chuyện xong, đức Phật tiết lộ:

- Tên thanh niên đần độn thuở xưa, nay là tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka đó. Vị quốc vương hiền thiện chính là Ānanda hiện nay. Vị sư trưởng kinh thành Takkasilā là tiền thân Như Lai vậy.

Rồi, đức Phật nhìn tỳ-khưu Cūḷapaṅthaka, nói tiếp:

- Do có duyên với Như Lai nên thuở trước, Như Lai giúp y làm chủ “của cải thế gian”; kiếp này, Như Lai giúp y hoạch đắc “của cải siêu thế gian” chớ có gì lạ đâu. Tuy nhiên, một phần sự thành tựu ấy, được kể là nhờ biết tinh cần, biết nỗ lực, có niệm, có giới nên ông ta đã tự xây cho mình một hòn đảo A-la-hán quả bất tử giữa dòng nước lũ sinh tử, thế thôi!


(1)Dựa theo Dhammapādatthakathā.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2017(Xem: 118969)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 15250)
Những pháp thoại trong tác phẩm này là những lời dạy tiêu biểu truyền cảm hứng phi thường mà Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã thuyết giảng tại nhiểu thời điểm. Các pháp thoại này là những gì truyền cảm hứng cho nhiều học trò của họ, như tôi, để buông xả những gì chúng ta đang làm và hiến dâng trọn đời mình đi theo các vị Lama[1]. Khi Rinpoche nói “mỗi người chúng ta cần nghỉ như vậy: tất cả chúng sanh đều vô cùng tử tế với tôi trong quá khứ, họ tử tế với tôi trong hiện tại, và họ sẽ tiếp tục tử tế với tôi trong tương lai. Họ là cánh đồng mà trong đó tôi nhận được tất cả hạnh phúc của mình—quá khứ, hiện tại và tương lai; tất cả các tài đức hoàn hảo của tôi đều xuất phát từ những chúng sanh khác. Do vậy, tôi phải chứng đạt giác ngộ. Chỉ tìm kiếm hạnh phúc miên viễn cho riêng tôi, không mang lại hạnh phúc cho những chúng sanh khác, từ bỏ những chúng sanh khác,không quan tâm đến hạnh phúc của họ, là rất ích kỉ. Do đó, tôi phải chứng đạt giác ngộ, hạnh phúc cao cả nhất, để
20/03/2017(Xem: 10689)
Thức A-lại-da không phải là linh hồn. Đạo Phật bác bỏ không có linh hồn tồn tại trong một bản thể muôn loài hữu tình chúng sanh. Thức A-lại-da, là cái biết linh diệu của muôn loài, trong đó có loài người là tối thượng hơn tất cả. Cho nên Thức A-lại-da là con người thật của con người, chứ thể xác không phải là con người thật vì sau khi xác thân con người nói riêng, muôn loài chúng sanh nói chung bị chết đi, xác thịt sẽ bị bỏ lại, rồi từ từ tan rã thành đất, cát, tro, bụi bay tứ tung trong không gian, không thể mang theo qua bên kia cõi chết. Duy chỉ còn lại một mình thức A- lại-da ra đi và tồn tại trong một bản thể nào đó bên kia cõi chết.
22/12/2016(Xem: 23709)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/12/2016(Xem: 12934)
Đức Phật xuất hiện ở đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp, độ sinh, ngài đã để lại cho chúng ta vô số pháp môn tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau, mang lại hạnh phúc an vui, giải thoát, niết bàn. Chỉ xét riêng thánh quả Dự Lưu (Tu Đà Hườn), trong kinh điển Nikaya (Pali) Thế Tôn và ngài Xá Lợi Phất chỉ ra hơn năm cách[i] khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở trường của hành giả xuất gia cũng như tại gia để chứng đắc thánh quả đầu tiên này trong bốn thánh quả. Trong những cách này, cách dễ nhất, căn bản nhất, phổ quát nhất và hợp với đại đa số chúng đệ tử nhất
30/04/2016(Xem: 15259)
Pháp Thân tiếng Sanscrit là Dharmakaya, tiếng Nhật là Hosshimbutsu, tiếng Pháp là Corps d’essence. Đó là nói về Chơn Thân, Đạo Thể, thể của Pháp Tánh. Pháp Thân của Phật có 4 Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (4 Đức Ba La Mật). Nó không mắc vào tứ khổ (Sanh, Lão, Bệnh, Tử). Nó không lớn, không nhỏ, không trắng, không đen, không có Đạo, không vô Đạo, nó tự nhiên trường tồn, không thay đổi. Dầu Phật có ra đời hay không thì nó cũng như vậy mãi.
24/04/2016(Xem: 30841)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
26/01/2016(Xem: 11911)
Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái. Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát. Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.
26/09/2015(Xem: 6677)
Cây bạch đàn là cây cao và có cành lá xum xuê nhất khu vực này. Tiếng chim kêu hót vang lừng mỗi sáng là từ trên những cành cao của cây này. Xa hơn, ở đầu đường, có hai cây cau dừa (cây cọ — palm tree), cao hơn cây bạch đàn nhiều, nhưng chim không làm tổ trên ấy (không hiểu vì sao; có lẽ vì cây quá cao, hoặc ở đó có nhiều tranh chấp, hiểm nguy hơn). Nơi cây bạch đàn, có ít nhất vài tổ chim, khác loại. Đúng là “đất lành chim đậu.” Có lần nghe tiếng quạ kêu bất thường, tưởng là quạ đến đuổi phá các loài chim khác, nào ngờ quạ bị chim đuổi. Rõ ràng là hai con chim trắng, thân nhỏ, lại rượt đuổi mấy con quạ đen to gấp ba lần. Không chỉ đuổi khỏi cây bạch đàn, mà đuổi thật xa, tít trên không trung, nhào lộn ngoạn mục, đuổi khỏi khu vực, đuổi khuất tận dãy phố bên kia đường. Thế mới biết, quạ tuy thân to lớn, bộ dạng dữ dằn, tiếng kêu rùng rợn ma quái so với các loài chim hiền lành khác, mà khi lâm trận thì lại không có chút dũng khí hay tinh thần chiến đấu nào. Quạ chỉ giỏi tấn công nhữn
24/06/2015(Xem: 26384)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567