Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dẫn Nhập

22/06/201620:04(Xem: 5686)
Dẫn Nhập

tu than
THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of 
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017
 

Chương Dẫn nhập
Nguyên tác: Đại Sư Philip Kapleau

Việt dịch: TT Thích Nguyên Tạng


Có rất nhiều nghiên cứu loại văn học về sự chết và hấp hối cũng như một khối lượng lớn những cuốn sách và những bài báo viết về những điều này. Trong thập niên vừa qua, số lượng của chúng tăng vọt đều gồm cả những cuốn sách viết về tự tử vốn gây tranh luận, những lời kể về kinh nghiệm cận tử, và những bài báo viết về cách thi hành ý nguyện lúc sống của những người hấp hối. Khối lượng thông tin lớn lao này đáp ứng nhu cầu sâu xa của con người, nhu cầu có lời giải đáp cho những câu hỏi vĩnh cửu "Tôi đã từ đâu tới khi được sinh ra và sẽ đi đâu khi chết? Đời sống và cái chết của tôi có ý nghĩa gì?”

Là con người thì ai cũng có những điều thắc mắc này phản chiếu sự nghi ngờ lớn nhất của chúng ta, sự xa lạ sâu xa nhất của chúng ta với Tự Ngã. Không có những lời giải đáp thích đáng thỏa mãn, thì trong tâm vẫn còn mối thắc mắc day dứt làm hỏng cả những kinh nghiệm ngọt ngào nhất của đời sống. Vì đối với quảng đại quần chúng, vẫn có một niềm tin rằng sự chết là tai họa lớn nhất của con người, và sự hấp hối là cuộc chiến đấu cuối cùng đầy đau đớn chống lại sự diệt vong. Cùng lúc đó tính chất bí ẩn của sự chết vốn được coi là sự kết thúc của cuộc đời, làm cho loài người kinh sợ từ khi họ có ý thức về đời sống.

Tại sao lại có thêm một cuốn sách nữa về sự chết và hấp hối? Và cuốn sách này khác những cuốn khác ở chỗ nào? Giá trị của những cuốn sách nhiều vô số này là đã uốn nắn thái độ xây dựng và từ bi của xã hội đối với người bệnh sắp chết; đã rọi sáng cho lối nghĩ của chúng ta về cuộc đời và cái chết của chính mình, nhưng phần lớn những cuốn sách này thiếu phương diện tâm linh, tức thái độ có tính cách tôn giáo đối với sự sống và sự chết, cũng như sự hướng dẫn thực dụng về điều có thể được gọi là nghệ thuật và tôn giáo của sự chết.

Một sự định hướng tâm linh về sự chết bao gồm một số điều, trong đó có sự hiểu và thực tâm chấp nhận nguyên nhân và tính liên tục của sự sống. Điều này cũng hàm ý công nhận giá trị của nghi thức tang lễ mà khi được thi hành với sự thành tâm, sẽ giúp cho sự chuyển tiếp được thuận lợi từ kiếp này sang kiếp tới ở tương lai. Nhiều người cảm thấy tang lễ ngày nay là một sự kiện đơn sơ, vội vã, không có ý nghĩa tâm linh đích thực, kể cả khi được cử hành bởi tu sĩ, một nghi lễ bề ngoài mà người ta không nhận thấy sự thật của sự chết, sự mất mát và sự đau buồn.

Giáo sư xã hội học Robert Fulton và những người khác đã ghi nhận rằng, trong thế hệ vừa qua một sự thế tục hóa lớn lao cái chết đã diễn ra, bây giờ người ta chết một cách "khổ hạnh" trong những bệnh viện vô trùng thay vì chết một cách "mỹ thuật" ở tại nhà của họ. Y sĩ đã thay thế giáo sĩ, y sĩ là thầy pháp của thời nay với quyền lực kéo dài sự sống, y sĩ là người hộ tống mới của chúng ta đi khỏi cõi đầy nước mắt này. Chúng ta trả giá cao cho sự thay đổi giá trị này.

Trong cuốn sách của Bác Sĩ Tâm Thần và Tâm Lý, người Thụy Sĩ, Carl Jung  “Người hiện đại đi tìm linh hồn”( “Modern Man in Search of a Soul”, Carl Jung  1875-1962), đã nói về cái giá trị đó: "Trong số tất cả những bệnh nhân của tôi ở nửa sau của cuộc đời, tức là trên 35 tuổi, không có một người nào có vấn đề trong phương cách cuối cùng không phải là tìm một nhãn quan tôn giáo về đời sống. Có thể nói rằng mỗi người trong số họ cảm thấy bệnh tật vì mình đã mất cái mà các tôn giáo của mọi thời đại đã ban cho các tín đồ, và không có người nào trong số họ đã thực sự khỏi bệnh mà không lấy lại nhân sinh quan tôn giáo của mình".

Một lối tiếp cận tâm linh tới người hấp hối không cần phải có những giáo điều, tín điều hay những nguyên tắc đạo đức tuyệt đối, giống như không khí mà chúng ta thở, lối tiếp cận tâm linh này không phân cách với đời sống. "Tử Thư Ai Cập" (Egyptian Book of the Death) của thời xưa và "Tử Thư Tây Tạng" (Tibetan Book of the Death) có sau đó, và "Nghệ Thuật Chết" (The Art of Dying) của Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ cung cấp sự hướng dẫn thực tiễn đó. Nhưng những cuốn sách cổ này có điểm bất lợi là trình bày những dữ kiện bí ẩn với những từ ngữ quá khó hiểu hay kỳ lạ đối với người đọc ngày nay.

Một nghệ thuật chết được dùng trong thời đại chúng ta có thể tiến xa trong việc giải tỏa bầu không khí được phi phân hóa của cái chết bệnh viện vốn đã trở thành dấu hiệu bi thảm của thời đại này. Việc thực hành y khóa biểu tỏ tính chất thông cảm sâu xa vốn có của mình, nhưng sự thông cảm đó mỗi lúc mỗi đi lạc ra ngoài đường lối khi nghệ thuật và tôn giáo của sự chết bị chìm đắm trong khoa học kéo dài sự sống với bất cứ giá nào.

Nói về sự tai hại của việc kéo dài sự sống của khoa học ngày nay, trong phần đề tựa của mình cho cuốn " Tử Thư Tây Tạng" (Tibetan Book of the Death) , W.Y. Evans-Wentz đã viết: "Chết trong bệnh viện, có thể khi đang chịu ảnh hưởng của nha phiến, hoặc đang chịu sự kích thích của một loại thuốc nào đó được chích vào cơ thể, để làm cho người hấp hối bám vào sự sống càng lâu càng tốt, thì như vậy chỉ là một cái chết không đáng mong ước, giống như cái chết vì bị chấn động bởi bom đạn của người lính trên chiến địa. Kết quả bình thường của việc sinh đẻ có thể hỏng vì sự sai lầm của người hộ sinh, cũng giống như vậy, kết quả bình thường của tiến trình chết có thể bị hỏng vì sự sai lầm của người cứu chữa".

Những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng khi trạng thái tâm trí của người bệnh hấp hối không bị can thiệp bởi thuốc an thần hay bởi một loại y dược nào khác, tức là khi họ hoàn toàn tỉnh táo và có thể đáp ứng môi trường với ý thức trọn vẹn, cảm xúc chính yếu của họ là an tĩnh, không lo sợ, và càng an tĩnh hơn nếu họ đã có niềm tin vững chắc rằng sự sống là liên tục chứ không chấm dứt vào lúc chết.

 

Nói cho công bằng với y khoa thì việc ngăn cản tiến trình chết bằng những chất hóa học mạnh và những phương tiện khác phản chiếu một mô thức văn hóa vốn không chỉ xem mọi sự đau đớn là không cần thiết, mà còn xem sự chết là kẻ địch lớn tối hậu để ngăn cản và chế ngự với bất cứ giá nào. Sự chết vốn phải được chào đón như một sự kiện tự nhiên không thể tránh được, trở thành Tử Thần Cầm Lưỡi Hái Khắc Nghiệt, và chết trở thành điều đáng sợ nhất. Nếu con người ngày nay muốn tự “làm chủ” sự qua đời của mình và không bị lừa bịp với cái chết của chính mình, họ phải dành lại quyền lực của mình như một cá nhân hành động một cách tự trị, và khi hành động cụ thể sáng suốt trong tâm trí, phải dàn dựng sự kiện qua đời của chính mình, chống lại sự khống chế của thế lực gia đình và những thế lực khác áp đặt lên họ. Nhận xét sự bất lực của cá nhân về việc này trong thế giới đương đại, Sử gia người Pháp Phillip Aries viết: "Cái chết trong bệnh viện không còn là dịp tang lễ mà người hấp hối đứng đầu giữa những thân nhân và bạn bè của mình. Cái chết là một hiện tượng kỹ thuật xuất hiện với sự ngừng cứu chữa được quyết định bởi y sĩ và nhân viên bệnh viện. Sự thật là trong đa số trường hợp người hấp hối đã bất tỉnh rồi. Cái chết đã được mổ xẻ, được cắt thành từng miếng nhỏ bởi một loạt những bước nhỏ, mà rốt cuộc người ta không thể biết bước nào là cái chết thực sự; là bước mà trong đó ý thức đã bị mất; hay là bước mà trong đó hơi thở đã ngừng ".


Ngày nay cái chết trong bệnh viện trung bình ở Mỹ còn kém đàng hoàng hơn và kém chặt chẽ hơn hai mươi, ba mươi năm trước (1975) khi cuốn sách của Aries được xuất bản. Và chính sự chăm sóc của bệnh viện cũng trở nên phi nhân hơn. Một phần của điều này là do các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện phải làm việc trong những điều kiện nặng nề. Mới đây, một tạp chí quốc gia viết: "Lo ngại, trầm uất và cô đơn là những nhân tố chính trong đời sống của các bác sĩ, và bây giờ đây là một trong những bí mật được giữ lơi lỏng nhất của thế giới". Nhưng còn có những nguyên nhân khác, một trong những nguyên nhân này là thái độ chung của Tây Phương cố gắng gây ảnh hưởng tới những sự kiện thay vì để cho chúng đi theo con đường tự nhiên của chúng. Thái độ này được thu tóm trong câu nói: "Đừng ngồi yên một chỗ, hãy làm một điều gì đi chứ!". (Don't just sit there, do something!".

 

Minh họa cho thái độ này là kinh nghiệm của một bác sĩ bạn của tôi. Một hôm khi ông ta đang làm việc trong một bệnh viện lớn, một bà cao tuổi trong tình trạng hôn mê được đưa vào phòng cấp cứu nơi ông đang trực. Bà ta đang hấp hối vì một căn bệnh hiểm nghèo. Khi bác sĩ đang khám cho bà ta, một bác sĩ trưởng xuất hiện, nhìn qua bà ta rồi ra lệnh cho bác sĩ đưa ngay bà ta tới phòng chuyên khoa. Ông bác sĩ bạn tôi nói: "Khoan. Chúng ta biết bà ta đang hấp hối. Hãy để tôi ngồi với bà ta, nắm tay và cố gắng an ủi cho tới khi bà ta chết, có thể không hơn một hay hai tiếng đồng hồ nữa". Ngó bạn tôi với ánh mắt hung dữ, vị bác sĩ trưởng phản đối: "Tại sao lại lạnh lùng và vô tâm như vậy, Bác sĩ ?", rồi gọi một y tá đưa bà ta tới phòng chuyên khoa. Vị bác sĩ bạn tôi bình luận: "Tôi nghĩ ông ta là người không biết thông cảm, và ông ta cũng đã nghĩ tôi là người như vậy. Nhận thức của người ta rất khác nhau".

 

Nhưng cũng có những tín hiệu tốt. Phong trào bệnh xá đang tăng trưởng, và đây là những nhà y tế chăm sóc những người bệnh thời kỳ cuối một cách riêng tư hơn và thông cảm hơn, và phong trào "ý nguyện lúc sống" là những dấu hiệu đầy hy vọng của sự thay đổi thái độ đối với sự chết và hấp hối. Thêm nữa, sự thay đổi trong những môn học của một số trường y khoa ở Hoa Kỳ và những nước khác đang tập trung không chỉ vào việc chăm sóc người hấp hối, mà còn vào việc dành cho họ sự hỗ trợ về tình cảm nữa. Việc tái xác định giá trị của thuyết nhân quả và thuyết luân hồi đã có những bước tiến lớn ở Tây Phương trong những năm gần đây, nhưng sự chấp nhận thành tâm của giới khoa học thì có vẻ vẫn còn xa. Tuy nhiên nhiều người tin vào luân hồi và nhân quả đã tìm kiếm những tài liệu của Đông Phương và Tây Phương để biết thêm về chu trình sống và chết. Những người này đã bắt đầu phá bỏ những hàng rào, những sự kiêng kỵ trí thức mà những người được coi là có đầu óc khoa học đã dựng lên vì họ cho rằng không có bằng chứng.

Có lẽ chướng ngại chính yếu cho sự chấp nhận rộng rãi thuyết sự sống sau khi thể xác đã chết là sự khác biệt về quan điểm triết lý giữa văn hóa Đông Phương và văn hóa Tây Phương. Giáo sư P.J. Saher viết: "Thái độ của triết lý Tây Phương là điều gì không được chứng minh thì phải bị coi là sai lầm. Thái độ của triết lý Đông Phương là điều gì không được chứng minh thì có thể được chấp nhận là sự thật cho tới khi được chứng minh là sai lầm". Và cũng có nhiều bằng chứng để thuyết phục bất cứ suy nghĩ hợp lý nào về giá trị của thuyết luân hồi.

Không giống như thần học Tây Phương, Phật Giáo và huyền học Đông Phương dạy rằng: Sống và chết là hai sự kiện liên tiếp trong một chu trình liên tục trong mọi phương diện của thiên nhiên. Phật Giáo nói rằng sự sống và sự chết của sinh vật chỉ là phương diện được trông thấy của một dòng bất tận những nguyên nhân và hệ quả, với đời sống thế gian và đời sống ngoài thế gian liên tiếp nhau.

Quan điểm Đông Phương xem thuyết "Một đời sống một cái chết" là vô lý. Thuyết Duy vật là một niềm tin cho rằng trong số tất cả mọi vật trong vũ trụ, sự sống vận hành trong hư không. Thuyết này muốn chúng ta tin rằng hiện tượng sự sống độc đáo này phát sinh không từ đâu cả, và biến đi không dấu vết. Đa số những người tin theo thuyết này tự xem mình là người "duy lý", nhưng trong vấn đề sự sống và sự chết này họ lại chối bỏ nguyên lý sự bảo tồn của vật chất và năng lượng, một trong những luật chính yếu của vật lý học, khi nguyên lý này được ứng dụng cho năng lượng tâm linh của tâm thức hay thần thức.

 

Nói về luật nhân quả mà không biết về luân hồi thì như vậy là không trọn vẹn và thiếu sót giống như một cái kéo chỉ có một lưỡi kéo. Vì vậy nhiều tài liệu mới, đa số là của Tây Phương, về nhân quả cũng như luân hồi, đã được cho vào cuốn sách này để giúp người đọc hiểu rõ hơn về hai đề mục quan trọng mà tế nhị này.

Phần thứ hai, "Hấp Hối", ngoài việc cung cấp sự hướng dẫn tâm linh cần yếu cho người hấp hối và gia đình, còn bao gồm những điều chỉ dẫn chi tiết về cách làm một tang lễ có ý nghĩa và cách làm giảm sự đau buồn của các thân nhân trong thời gian để tang. Thêm nữa, tôi đã cố gắng trình bày rõ ràng hơn về một pháp môn có thể được gọi là “Pháp hấp hối hàng ngày” và tôi cũng cung cấp những pháp thực hành đơn giản để đạt trạng thái này. Những “cái chết” hàng ngày này là sự hòa nhập trọn vẹn tới điểm vượt lên trên bản ngã và qua luyện tập có thể được làm cho hoàn hảo và trở thành chứng nghiệm tâm linh thực sự. Nhưng nếu không có sự tạm thời dẹp bỏ tự ngã thì những “cái chết” như vậy không thể diễn ra. Và vì vậy tôi thấy cần phải xét nhiều về tính chất và nguồn gốc của tự ngã, hay cái ta, và vai trò của nó trong sự hấp hối và sự chết, vì rốt cuộc, cũng giống như một đời sống hạnh phúc hay đau khổ, một cái chết an lạc hay sợ hãi tùy thuộc vào sự phụ tùng hoặc sự nổi trội của cái ta vị kỷ. Trong phần " Hấp Hối" tôi cũng nói về sự tự tử và sự gây chết cho người bị bệnh nặng, vốn là hai đề tài càng ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các nhà xã hội học, tâm lý học và các nhà lãnh đạo tôn giáo, do sự gia tăng nhiều của những cái chết tự ý trong những người già cũng như trong giới trẻ.

 

Tôi cũng nói về pháp Thiền quán sự chết, trong đó hành giả suy ngẫm về sự hiện diện khắp nơi của sự sống và sự chết. Người đọc cũng thấy có năm tiểu sử sơ lược của những người đã đối diện sự chết một cách vô úy và thanh thản.

 

Trong phần phụ lục tôi cung cấp thông tin về ý nguyện lúc sống và phong trào bệnh xá dành cho người hấp hối, những điều nên làm và không nên làm trong việc an ủi những thân nhân của người quá cố, một bản danh sách những điều cần phải làm khi có người qua đời và những điều hướng dẫn về căn bản Thiền quán.


Cuốn "Thiền quán về Sống và Chết" này được chia thành bốn phần chính là Sự Chết, Hấp Hối, Nghiệp Quả và Tái Sinh, nhưng sự thật là sinh lực không thể bị chia thành những phần khác nhau. Sự phân chia này thực sự trình bày những sự chuyển động hay những sự biểu lộ của cái được gọi là "Thần thức". Đây là bốn thành phần của một toàn phần lớn và là chính toàn phần đó. Khi đời sống được sống một cách thực sự và không bị ý niệm hóa thì những ý tưởng như sống, chết, tái sinh sẽ tan biến.

 

Mục đích chính của cuốn sách này có thể được tóm tắt như sau: Giúp người đọc học cách sống một cách trọn vẹn với sự sống ở mọi thời điểm và chết một cách an lạc với sự chết. (The basic aim of this book can be summed up in these words: To help the reader learn to live fully with life at every moment and die serenely with death). Nhưng sự giao tiếp một cách khẳng định như vậy với sự sống và sự chết chỉ khả hữu khi người ta nhận thấy sự chết chấm dứt đời sống, cũng giống như sự sống sửa soạn con đường dẫn tới sự chết, và biết rằng do đó sự chết có giá trị và có lý do của nó. Sự chấp nhận này còn làm cho người ta sẵn sàng đối diện sự chết một cách can đảm và nhận những gì sự chết ban cho mình một cách khôn ngoan: Đó là cách thức thay thế cái thể xác cũ mòn, đau đớn với một thể xác mới, và hơn nữa đây là cơ hội độc nhất trong đời để chứng nghiệm tính chất thật của sự sống. Vì vậy mà Triết gia Hy Lạp Socrates phản đối ý kiến cho rằng sự chết là điều xấu nhất trong mọi điều xấu, và Pliny Earle (1809-1892) đã viết:

"Vậy, chết là cái gì,
Để được coi là cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta?
Chết là liệng bỏ tất cả những gì trần tục,
Tất cả những cặn bã mà con người thừa hưởng,
Và lại tiến tới mặc bộ áo của sự sống bất tử
".

Người ta sống, rồi người ta chết nhưng ngọn lửa sự sống vốn là sinh lực trong vạn hữu và ẩn ở dưới toàn thể tạo vật thì không đến mà cũng không đi. Ngọn lửa này cháy sáng mãi mãi, không có lúc bắt đầu, không có lúc chấm dứt. Cháy sáng với tâm thức giác ngộ này, người ta có thể chết một cách an lạc hay như sắp bước vào một cuộc phiêu lưu hấp dẫn. Một cái chết như vậy có nguyên nhân là một đời sống dành cho việc thực hiện những tiềm năng về thể xác, tâm trí, đạo đức và tâm linh của một con người.

Tôi hy vọng rằng cuốn sách này nếu được đọc kỹ sẽ có thể giúp cho người hấp hối đạt được sự chết dễ dàng và còn giải thoát người đó khỏi sự trói buộc đau đớn vào luân hồi sinh tử. Và nó cũng có thể làm cho người sống hiểu rằng sự chết cũng phù du như đời sống vậy.

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2024(Xem: 1095)
Tỉnh Thức Đối Diện với Bệnh tật và Cái Chết_Tỳ Kheo Analayo_Bình Anson dịch
06/06/2023(Xem: 6329)
Bất cứ trong một tôn giáo, một triết học nào, phần nhân sinh quan vẫn là quan trọng. Chúng ta theo một tôn giáo mà không biết quan niệm nhân sinh trong tôn giáo ấy như thế nào, thực là một khuyết điểm lớn lao. Ở đây, chúng ta chỉ riêng bàn về phần nhân sinh quan Phật giáo để tìm hiểu Phật giáo quan niệm về đời sống con người như thế nào ?
21/05/2023(Xem: 1305)
Con người thường sợ cái chết nên làm mọi cách để níu kéo sự sống, níu kéo bằng tiền bạc, bằng thuốc men, thức ăn, bằng các hoạt động thể chất. Việc giữ gìn, duy trì sự sống là một điều cơ bản mà bất cứ ai sống trên đời này cũng phải làm để mong mình sống lâu, sống thọ chứ không ai mong mình chết sớm, hay nói đúng hơn là ai cũng sợ cái chết bởi không có một loài động vật có máu huyết nào lại không sợ chết, nhưng sợ chết, không muốn chết thì con người vẫn không thể thoát được cái chết, cho nên thay vì sợ hãi thì chúng ta hãy tập đối diện với quy luật sinh tử như thế nào để vừa giữ được tinh thần lạc quan, vừa duy trì được sự sống của mình một cách trọn vẹn nhất.
22/03/2022(Xem: 3083)
Tôi không ngạc nhiên lắm khi biết dù tác phẩm Chết và Tái sinh ( Death & Rebirth ) đó TT Thích Nguyên Tạng soạn dịch ấn bản lần đầu tiên vào năm 2001 và được tái bản đến 9 lần rồi mà vẫn không đủ cung cấp, cho nên sắp tới Tu Viện Quảng Đức cho tái bản lần thứ 10 để cống hiến bạn đọc gần xa. May mắn thay trong thư viện tí hon của tôi có tác phẩm này được tái bản lần thứ bảy vào mùa Vu Lan báo Hiếu 2007 mà lời ngỏ của tác giả đã đánh động đến con tim của người đọc …qua câu chuyện Luật Sư Brendan Keilar sinh sống tại Melbourne / Australia đã bị bắn chết thật kinh hoàng khi tuổi mới 43 để trả giá cho hành động rất ngưỡng phục ( vì đã can thiệp cứu người).
02/12/2021(Xem: 16179)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
01/08/2021(Xem: 9827)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
26/06/2021(Xem: 12078)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
01/11/2020(Xem: 16629)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
09/09/2020(Xem: 6805)
Hỏi: Thưa Thầy, luân hồi thật sự được hiểu thế nào trong Phật Giáo, hay vấn đề này bị nhầm lẫn với thuyết tái sinh trong Bà La Môn Giáo và một số tín ngưỡng Tây Phương, vì từ Hán Việt “tái sinh” tiếng Pháp viết là "réincarnation” là sự lặp lại về đơn vị gốc, ví dụ: Người giàu nghèo sang hèn v.v… cứ thế trở lại nguyên gốc. Còn tiếng Phạn saṃsāra là luân hồi là lang thang, trôi nổi. Nếu dùng bật lửa đốt cháy cây nến, điều kiện tạo lửa từ bật lửa sẽ gồm đá đánh lửa, hộp nhựa đựng khí gas, ống thông nhau, ống dẫn ga, bánh xe tạo lực ma sát vào đá lửa, vô số phân tử hóa học trong khí gas, môi trường xung quanh v.v… Trong khi các duyên bắt lửa của ngọn nến chỉ có 2 yếu tố cơ bản gồm thân đèn làm bằng sáp và tim làm bằng vải… Vậy ngọn lửa từ bật lửa có quan hệ gì với ngọn lửa của cây nến? Như thế luân hồi không phải là sự tái sinh nguyên bản mà là tâm lang thang trôi lăn chìm nổi vì tham sân si, không biết tàm quý để rồi chúng sanh cứ mãi bị cái vòng xoay đó làm cho đau khổ?
08/06/2020(Xem: 6795)
Thần đồng 9 tuổi tốt nghiệp đại học, chuẩn bị học tiến sĩ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567