Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lâm chung, những điều nên biết

08/04/201320:05(Xem: 13906)
Lâm chung, những điều nên biết

Lâm Chung, Những Điều Nên Biết

A. Lâm chung những điều cần biết

Pháp sư Thế Liễu

Nguồn: Thích Nguyên Liên soạn dịch


Tựa



Đức Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở cuộc đời. Đó là khai bày hiển thị tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh để chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật ấy. Nhưng khai bày hiển thị tri kiến Phật để chúng sanh ngộ nhập tức phải có phương tiện. Phương tiện đó chính là ba tạng kinh điển mười hai phần giáo tám vạn bốn ngàn pháp môn tu. Cứu cánh tất cả các phương tiện đều đi về một mục đích đó là khai bày hiển thị tri kiến Phật khiến cho chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật.

Kinh Pháp Hoa nói “Ta dùng sức trí tuệ, biết lòng thích chúng sanh, phương tiện nói các pháp, đều khiến được hoan hỷ”. Lại nói: “Nay Ta vui không sợ, ở trong các Bồ tát, chánh thức bỏ phương tiện, chỉ nói đạo Vô thượng”. Phương tiện nói các pháp đó là phương tiện, chính thức xả bỏ phương tiện đó là chỉ bày pháp chân thật. Khai mở cửa phương tiện hiển bày tướng chân thật vì vậy kinh Pháp hoa được tôn xưng là vua trong các bộ kinh.

Pháp môn Tịnh độ được gọi là pháp môn phương tiện đứng đầu trong các phương tiện, liễu nghĩa nhất trong các kinh liễu nghĩa, viên đốn nhất trong các kinh viên đốn. Đại sư Ngẫu ích nói: “Chư Phật thương xót chúng sanh tùy theo căn cơ giáo hóa, tuy rằng cội gốc không hai nhưng phương tiện có nhiều cửa. Xét trong tất cả các môn phương tiện, về mặt rất thẳng tắt rất nhanh chóng cho đến chỗ tròn đầy, thì không có pháp môn nào vượt qua pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.” Thế mới biết pháp môn Tịnh độ thật là cùng một vị với kinh Pháp hoa tức phương tiện cũng chính là chân thật. Đại sư Ấn quang thường dạy: “Chúng sanh trong chín cõi nếu xa lìa pháp môn này thì trên không lấy gì để thành Phật đạo; mười phương chư Phật nếu bỏ pháp môn này thì dưới không lấy gì để hóa độ chúng sanh”. Công dụng của pháp môn Tịnh độ như thế cho nên mười phương chư Phật đều khen ngợi chín cõi chúng sanh đều quy về, ngàn kinh đều nói rõ vạn luận đều tuyên bày.

Còn về phần tu học pháp môn Tịnh độ điều cốt yếu nhất là ở chỗ tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật nhưng đến khi lâm chung việc đó vô cùng khẩn yếu. Xưa kia Đại sư Ấn quang từng viết một cuốn sách tựa đề “Lâm chung bờ bến” lưu thông xa gần lợi ích rất lớn. Nay các pháp sư Tây chấn, Thế liễu... vì muốn phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi giới nam phụ, lão ấu nên đã tuyển chọn lại trong cuốn “Lâm chung bờ bến” viết thành cuốn “Lâm chung những điều cần biết”. Văn tuy đơn giản nhưng ý tứ đầy đủ nếu có thể nghiên cứu kỹ lưỡng cuốn sách này, rồi nương theo phương pháp trong đó chỉ dạy mà thực hành thì người chết nhất định sẽ được vãng sanh Tây phương Cực lạc lợi ích của nó thật là lớn lao.

Về ý nghĩa pháp môn Tịnh độ mặc dù thiên kinh vạn luận đã trình bày rõ ràng không còn chỗ nào thiếu, nhưng vẫn còn có người hiểu lầm nên không thể không thêm đôi lời giải thích.

Hoặc có người cho rằng niệm Phật là niệm Thật tướng của Phật không phải niệm sáu chữ Hồng danh đây quả thực là đại sai lầm. Bởi vì ý nghĩa của chữ thật tướng là lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp lặng yên soi tỏ không hai, thân và cõi không hai tánh giác và sự tu không hai Chân thân và Ứng thân không hai, không có pháp nào là không thật tướng há có thể lìa sáu chữ hồng danh mà tìm cầu thật tướng bên ngoài hay sao? Vì vậy hồng danh vừa cử lên, pháp giới đều rỗng suốt, sáu chữ cứ trì mãi thì diệu thể toàn sáng. Với quan niệm về thật tướng sai lầm như thế vì hồng danh đã là hai thì theo cái thấy này không thể biết được thật tướng .

Hoặc có người cho rằng phải niệm Tỳ Lô Giá Na không nên niệm A Di Đà Phật. Tỳ Lô Giá Na là Pháp thân Phật, A Di Đà là Ứng thân của Phật đây cũng là một nhận thức sai lầm! Vì Pháp thân, Báo thân và Ứng thân tuy ba mà một tuy một mà ba, tức Tỳ Lô là Di Đà, Di Đà là Tỳ Lô sai lầm lại chia làm hai như vậy thì theo cái thấy đó cũng không thể biết được Tỳ Lô.

Hoặc có người cho rằng nên cầu sanh về cõi Thường tịnh quang không nên cầu sanh thế giới Tây phương Cực lạc đây cũng là nhận thức sai lầm! Bởi vì bốn cõi Tịch quang, Thật báo, Phương tiện, Đồng cư tên tuy có bốn nhưng thể của nó chỉ là một. Chúng sanh nào chưa đoạn Kiến tư hoặc thì sanh ở cõi Phương tiện, đoạn được từng phần Vô minh hoặc thì sanh về cõi Thật báo, đoạn hết Vô minh hoặc thì sanh về cõi Tịch quang.

Vả lại cõi Thường tịch quang không phải sanh cũng không phải không sanh há có thể cầu sanh được sao? Đã hoàn toàn không có công hạnh sát, đoạn, chứng theo cấp bực mà tiến tu, vọng chấp Tịch quang phá bỏ Cực lạc lại không biết cõi Cực lạc đồng cư là ở ngay cõi Tịch quang nên vọng lấy Tịch quang thêm nơi Cực lạc, cũng theo cái thấy đó không thể biết được Tịch quang.

Hoặc có người cho rằng tâm là quốc độ tâm tịnh thì quốc độ tịnh, chỉ nên cầu sanh cõi Cực lạc nơi tự tâm hà tất phải cầu sanh Cực lạc nơi cõi khác, đây cũng là một nhận thức sai lầm! Bởi vì tâm tức là pháp giới, cõi Cực lạc tuy ở ngoài mười vạn ức quốc độ vốn cũng chưa ra ngoài pháp giới này, tức chưa từng lìa nơi tự tâm. Nay đem duyên sáu trần làm tự tâm mà muốn nạp thế giới Cực lạc ở trong vọng tâm duyên bởi sáu trần để cầu sanh Tịnh độ há không phải sai lầm sao! Phàm những thứ mê hoặc sai lầm này nguyên do là đều mới chỉ nghe danh từ không truy cứu nghĩa lý, chạy theo những sự sai lầm không biết làm chướng ngại, há chẳng phải là những người thiếu nhận thức hiểu biết lắm sao. Người có trí tuệ chắc chắn không có những nhận thức sai lầm mê hoặc như thế.

Các sự nhận thức sai lầm trên đều là bệnh mà con người thời nay dễ mắc phải ưa thích những điều kinh dị cao xa rốt cùng đều là vọng cầu không thật, cho nên chúng ta không thể ngồi yên mà để tiếp tục có những người sai phạm. Rất mong những bậc thức giả nên suy xét điều này.

Đến như ý nghĩa trợ niệm lúc lâm chung cùng với phương pháp trợ niệm, trong sách này trình bày rất rõ ràng cho nên không cần luận bàn thêm.

Tháng 10 năm giáp ngọ

Tại Hoằng hóa xã tỉnh Thượng hải

Pháp sư Diệu chân đề tựa

Lời nói đầu



Việc đau buồn và thống khổ nhất trong cuộc đời này không gì hơn cái chết. Đối với cái chết không một người nào mà không biết cũng không có bất kỳ một người nào tránh khỏi. Nhưng nếu chỉ biết được cái chết là bi ai thống khổ mà không biết đi tìm cầu tu học Phật pháp vĩnh viễn thoát khỏi cái chết, đây không phải uổng công buồn khổ hoàn toàn không có chút ích lợi sao?

Tuy nhiên, dù có thể tìm được pháp môn nhưng không khế cơ có tu nhưng không chứng mà vẫn ở trong sáu nẽo luân hồi, đây há cũng không phải là uổng công bi ai thống khổ không có chút lợi ích hay sao? Cho nên đức Thích Ca Thế Tôn của chúng ta hơn ba ngàn năm về trước ở trong kinh Đại tập đã từng nói: “Thời kỳ Mạt pháp vạn vạn người nếu nương vào sức tự lực tu hành Giới định tuệ, thì hiếm có được một người có thể diệt trừ hết phiền não hoặc nghiệp chứng đắc đạo quả Thánh vị, chỉ có nương vào pháp môn tín, nguyện, niệm Phật và sức thệ nguyện của Phật A Di Đà cầu sanh Tây phương thì mới có thể thoát khỏi sanh tử”.

Lại vị tổ thứ mười ba của Liên tông là Ấn Quang đại sư ở chùa Linh nham ( Tô châu) dạy: “Chín cõi chúng sanh nếu lìa pháp môn niệm Phật thì trên không thể lấy gì để thành Phật đạo, mười phương chư Phật nếu bỏ pháp môn niệm Phật thì dưới không thể lấy gì hóa độ chúng sanh”. Nên biết, Phật tổ vô cùng bi tâm thương xót chúng sanh trong thời Mạt pháp căn lành mỏng manh trí tuệ kém cỏi không biết thời cơ, dùng sai pháp môn có tu không đắc uổng phí tâm lực luống mất một đời cho nên vì đây mà nói!

Nên biết pháp môn Tịnh độ tín, nguyện, niệm Phật nhiếp khắp mọi căn cơ, không luận là hàng Tăng tục, nam nữ, già trẻ, thông minh, ngu dốt cho đến kẻ mới phát tâm tội nặng hay nhẹ... Các loại người này nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, thành khẩn niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Tây phương suốt đời không thối chuyển, thì đến lúc lâm chung nhất định được Phật hộ niệm tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực lạc.

Ngay cả những hạng người xưa nay chưa biết tín, nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây phương nhưng đến lúc lâm chung gặp được thiện hữu khai thị, khiến cho người đó phát lòng tin, phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, những người thân quyến lại không ưu sầu khóc lóc gây ra trở ngại thay vào đó như pháp niệm Phật trợ niệm, người này nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh độ. Nên biết, muốn được vãng sanh Tịnh độ tuy rằng phải tự thân làm chủ một niệm sau cùng nhưng cũng cần sự trợ niệm như pháp. Than ôi! khổ nỗi phương pháp trợ niệm lúc lâm chung này đối với người cư sĩ tại gia chưa được phổ biến rõ ràng.

Lúc gặp người lâm chung những người trong gia quyến thường thường không biết niệm Phật trợ niệm, để tiễn đưa thần thức người chết đi trên con đường Thánh vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc, vĩnh viễn được hưởng sự an vui mà ngược lại bi ai khóc lóc làm cho thần thức người chết đọa lạc vào Địa ngục, hoặc đọa vào các đường ác Ngạ quỷ, Súc sanh ở mãi trong chốn đau khổ.

Nhân đây pháp sư Tây chấn vì lòng từ bi tha thiết thương xót người cư sĩ tại gia thế tục phần nhiều chưa nghiên cứu Phật học, không biết phương pháp trợ niệm khi có người lâm chung. Ngài có diệu dụng điểm sắt hóa thành vàng, cho nên ở trong các nơi tuyên truyền xiển dương những việc lợi hại lúc lâm chung cùng tổ chức các đoàn trợ niệm lâm chung, học tập phương pháp trợ niệm để gây nhân tịnh nghiệp cho người lúc lâm chung, trở thành đại sự nhân duyên vãng sanh Tịnh độ.

Lại nhân vì hai quyển “Lâm chung bờ bến” và “Rốt cùng của nhân sanh” văn nghĩa quá sâu xa không dễ học tập, vì thế cho nên pháp sư Tây chấn... đã ba lần khuyên tôi chọn lấy những lời căn bản dạy về lúc lâm chung của cổ đức, dùng văn tự bạch thoại để soạn thuật lại ngõ hầu làm tư liệu cho người thời nay dễ dàng học tập.

Tôi khổ não vì ít học tuy nghiên cứu nhiều bản để soạn thuật cũng chỉ là miễn cưỡng, rất sợ văn nghĩa sai lệch làm thác loạn Phật pháp làm chúng sanh hiểu lầm, tuy có tâm lành ngược lại tạo thêm tội lỗi. Nhân đây, trước đem bản thảo trình lên các vị đại đức cao tăng nổi danh trong nước giám định rồi sau đó mới dám ấn hành. Nguyện xin khắp nơi đều là bạn hữu liên trì! Nếu có người nào đọc quyển sách này ngưỡng mong đừng chê văn từ nông cạn.

Ví như có thể nương theo thật nghĩa trong đây mà thực hành thì mọi người đều được vãng sanh, tức đều ra được khỏi Ta bà mãi mãi tạ từ khổ não sanh tử thảy đều tiến lên cảnh giới an dưỡng vĩnh viễn hưởng thụ niềm vui kỳ diệu của Niết bàn.

Phật lịch 2495 mùa thu ngày Phật hoan hỷ.

Tịnh xá Hương lâm nhất hạnh

Hậu học Thế liễu kính ghi.

Pháp sư Diệu chân giám định

Thích Thế liễu biên soạn



I. LUẬN VỀ NGƯỜI NIỆM PHẬT, LÂM CHUNG ĐƯỢC VÃNG SANH HAY KHÔNG ĐƯỢC VÃNG SANH?



Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại vườn Kỳ thọ cấp cô độc nước Xá vệ tuyên thuyết kinh A Di Đà. Ngài tán thán y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc đồng thời khuyến khích chúng sanh phát nguyện cầu sanh về thế giới đó. Trong kinh dạy:

“Như Ta ngày nay tán thán sự lợi ích bất khả tư nghì công đức của Phật A Di Đà. Thế giới đông phương có đức Phật A Súc... thế giới nam phương có đức Phật Nhật Nguyệt Đăng... thế giới tây phương có đức Phật Vô Lượng Thọ... thế giới bắc phương có đức Phật Diệm Kiêm... thế giới hạ phương có đức Phật Sư Tử...thế giới thượng phương có đức Phật Phạm Âm... Các Ngài đồng hiện tướng lưỡi rộng dài, nói ra lời thành thật: Tất cả chúng sanh hãy nên tin theo kinh Xưng tán bất khả tư nghì công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm này”.

Vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc là một nhân duyên lớn hết thảy chư Phật trong sáu phương đồng thanh khen ngợi, phàm có bất kỳ chúng sanh nào khởi tín, phát nguyện, chuyên trì danh hiệu Phật cầu sanh thế giới Tây phương Cực lạc quyết định được vãng sanh, lý sự hiển nhiên chớ nên sanh tâm nghi ngờ.

Hỏi: Người phát tâm niệm Phật nếu nói hết thảy đều được vãng sanh Tây phương, thế sao tôi thấy có rất nhiều vị xuất gia cũng như tại gia, hàng ngày cũng siêng năng niệm Phật nhưng đến lúc lâm chung phần nhiều chết một cách mờ mịt chẳng được mấy người chắc thật vãng sanh. Vấn đề này như thế nào?

Đáp: Do vì thời điểm lâm chung của những người này nhân và duyên chưa được đầy đủ. Nếu lúc lâm chung nhân và duyên của họ đầy đủ quyết định mười người vãng sanh cả mười, trăm người vãng sanh cả trăm, ngàn người vãng sanh cả ngàn.

Hỏi: Thế nào là nhân và duyên?

Đáp: Người niệm Phật thường ngày có lòng tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương đến lúc lâm chung cũng giữ lòng tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật như lúc bình thường, tâm niệm này chính là nhân tự lực. Nếu như vị đó thường ngày chưa có lòng tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tây phương nhưng đến lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khai thị khiến họ sanh khởi lòng tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương. Tâm tín sâu, nguyện thiết, cầu sanh Tây phương đó cũng là nhân tự lực.

Đức A Di Đà Phật vị giáo chủ của thế giới Tây phương Cực lạc và vạn đức Hồng danh của Ngài, có năng lực tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Cực lạc đây là duyên tha lực.

Hỏi: Người niệm Phật đến lúc lâm chung nếu nhân duyên đầy đủ quyết định được vãng sanh đạo lý này như thế nào?.

Đáp: Người niệm Phật đến lúc lâm chung có lòng tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương, Phật sở niệm là duyên tha lực tâm năng niệm là nhân tự lực. Ngay lúc tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật này là dùng tâm năng niệm để niệm Phật sở niệm, Phật sở niệm là do tâm năng niệm mà hiển bày, tâm năng niệm nhờ Phật sở niệm mà thanh tịnh.

Thời điểm lâm chung là giai đoạn giữa tự lực và tha lực có sự cảm ứng lẫn nhau. Giữa nhân và duyên cùng hòa hợp, do vậy người niệm Phật quyết định được vãng sanh Tây phương đạo lý này là chắc thật.

Hỏi: Thế nào là nhân và duyên không đầy đủ khiến người niệm Phật lúc lâm chung không thể vãng sanh Cực lạc?

Đáp: Người niệm Phật lúc bình thường công phu tín nguyện niệm Phật chưa được thuần thục, đến lúc lâm chung tuy có tâm tín nguyện cầu sanh Tây phương (có nhân), nhưng vì bệnh nặng các sự phiền não khủng bố khiến tâm niệm Phật không thể phát khởi, lại chẳng có thiện tri thức an ủi khai thị cùng trợ duyên niệm Phật ( không duyên), lại gặp cảnh bà con không biết Phật pháp thêm vào sự bi ai khóc lóc gây các món chướng ngại. Trong tâm của người lâm chung lúc này vốn rất nhiều đau khổ muốn bà con không nên khóc lóc mà nên trợ duyên niệm Phật sớm được vãng sanh, nhưng họ không thể mở miệng ra nói được. Tâm người bệnh lúc này đã thống khổ lại càng thêm thống khổ.

Đến khi mạng chung người này đáng lẽ được vãng sanh Tây phương thế giới thanh tịnh trang nghiêm của Phật A Di Đà vĩnh viễn thọ hưởng khoái lạc cho đến ngày viên thành Phật đạo. Nhưng bị chính bà con gây chướng ngại để rồi không biết phải đọa lạc vào cảnh giới khổ đau nào. Đây là mối quan hệ có nhân không duyên không thể vãng sanh Tây phương Cực lạc được.

Lại có hạng người niệm Phật lúc bình thường tâm tín nguyện niệm Phật chưa được kiên cố, đến khi lâm chung gặp được sự trợ duyên rất tốt như được thiện tri thức trợ lực niệm Phật ( có duyên), lại bà con không khóc lóc gây các sự chướng ngại. Ngặt nỗi, người niệm Phật này tâm vốn điên đảo tham luyến tình ái thế gian chí đến đắm trước vợ con, tài sản... không chịu phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương (không nhân). Đến khi lâm chung tâm niệm sau cùng người đó bèn chạy theo tình ái dục niệm đọa lạc vào cảnh giới sanh tử luân hồi. Đây là mối quan hệ không nhân có duyên không thể vãng sanh Tây phương.

Lại có hạng người niệm Phật lúc bình thường chỉ chuyên cầu nhà cửa an vui mạng sống dài lâu, đến khi lâm chung chỉ lo sợ chết. Người đó khi bệnh chưa nặng tuy cũng có niệm Phật nhưng chỉ mong cầu bệnh mau thuyên giảm không phát tâm cầu sanh Tây phương. Đến lúc bệnh nặng thống khổ phát hiện lúc đó không thể niệm Phật chỉ có kêu trời kêu đất gọi vợ gọi chồng.

Nếu lại gặp bà con không tin Tam bảo hoặc tuy có tin Tam bảo nhưng chưa hiểu rõ nghĩa lý kinh điển, lúc đó bà con không những không khai thị và trợ niệm (vô nhân) lại còn khóc lóc bi ai tạo ra các chướng ngại khiến cho người bệnh vô cùng thống khổ và phiền não. Ví như người té giếng lại bị đôi thêm đá nên sự thống khổ lại càng nhiều. Người đó tâm niệm mạng chung sau cùng sẽ tùy theo nghiệp nhân phiền não ác độc ra đi quyết đọa lạc trong tam đồ ác đạo, đây là mối quan hệ không nhân không duyên không thể vãng sanh Tây phương.

Trên đây là chúng tôi trình bày sơ lược ba hạng người niệm Phật lúc lâm chung, hoặc có nhân tự lực nhưng không duyên tha lực hoặc có duyên tha lực nhưng không nhân tự lực hoặc không đạt được nhân tự lực và duyên tha lực. Ba trường hợp này đều không có sự cảm ứng nhân duyên không hòa hợp nên không thể vãng sanh.

Hỏi: Người niệm Phật lúc lâm chung thế nào nhân duyên đầy đủ được vãng sanh Tây phương?

Đáp: Nếu như hạng người đại căn cơ khi bình thường họ đã có lòng tin sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật, người này tín nguyện đã chân thiết công phu niệm Phật đã thuần thục, đến khi lâm chung họ tự nhiên tín nguyện niệm Phật như lúc bình thường, trong tâm không có tơ hào động tướng, tịnh tướng, khổ tướng, lạc tướng, thuận tướng, nghịch tướng mỗi mỗi tâm niệm đều an trú vào câu hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” (đây là Như lai quả hải thật tướng chánh định). Trong kinh A Di Đà dạy: “Một lòng không loạn liền được vãng sanh” là cảnh giới này ( tâm niệm Phật là nhân tự lực năng cảm, Phật hiệu là duyên tha lực sở cảm) đây là mối quan hệ nhân và duyên đầy đủ.

Lại có hạng người căn tánh thuộc loại tầm thường tuy hàng ngày lòng tín sâu, nguyện thiết, công phu niệm Phật chưa được thuần thục nhưng đến lúc lâm chung tâm tín nguyện cầu sanh so với thường ngày lại càng chí thành tha thiết. Không luận bệnh khổ như thế nào phiền não phát hiện ra sao, tâm tín nguyện cầu sanh Tây phương của họ trước sau như một. Giai đoạn này câu Phật hiệu rất khó đề khởi bà con thiện hữu đều là những người có hiểu biết Phật pháp biết rõ các sự lợi hại lúc lâm chung nên không bi ai khóc lóc, lại thêm có thiện tri thức khai thị trợ duyên niệm Phật. Tâm người bệnh lúc này mỗi niệm mỗi niệm đều an trú vào hồng danh A Di Đà Phật đến lúc mạng chung tâm niệm niệm Phật sau cùng ( nhân tự lực) duyên theo Phật sở niệm ( duyên tha lực) mà vãng sanh đây là mối quan hệ nhân duyên đầy đủ.

Lại có hạng người lúc bình thường không có lòng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương nhưng khi lâm chung gặp được thiện tri thức khai thị, hoặc nói các việc trang nghiêm của thế giới Cực lạc khiến người bệnh tâm sanh hoan hỷ ưa thích cầu sanh. Lại nói bốn mươi tám đại nguyện tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh của đức Phật A Di Đà khiến người bệnh tâm sanh chánh tín phát lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương. Lúc đó người bệnh nghe được lời khai thị của thiện tri thức tâm sanh hoan hỷ tín thọ niệm Phật quyết tâm cầu nguyện vãng sanh. Các người bà con đều tuân theo sự chỉ đạo của thiện tri thức không gây chướng ngại bi ai khóc lóc. Người đó lúc mạng chung niệm niệm đều niệm Phật tâm trạng như trẻ thơ nhớ mẹ hiền vô cùng khẩn thiết. Người này mạng chung, nương từ lực của Phật vãng sanh đây là mối quan hệ nhân duyên đầy đủ.

Trên đây, là chúng tôi trình bày sơ lược ba hạng người niệm Phật lúc lâm chung có đầy đủ nhân tự lực và duyên tha lực đạt được sự cảm ứng nhân duyên hòa hợp quyết định vãng sanh Tây phương.

Hỏi: Người khi bình thường không biết tín, nguyện, niệm Phật, đến lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khai thị nghe rồi sanh tâm hoan hỷ cầu sanh Tây phương, thêm nữa bà con không gây chướng ngại mà còn trợ duyên niệm Phật, người này mạng chung cũng được vãng sanh, sự tình này sao lại dễ dàng như thế?

Đáp: Trong sáu hạng người tôi đã trình bày để biện luận người niệm Phật cầu sanh Tây phương, sự tình dễ dàng hay không dễ dàng tôi đã nói rõ ràng thế mà ông vẫn còn hoài nghi sao?

Ông nên nhớ hạng người khi bình thường chưa có lòng tín, nguyện, niệm Phật cầu sanh đây là bởi duyên không biết. Đến khi lâm chung nhờ thiện tri thức khai thị người này nghe rồi sanh tâm hoan hỷ đó chính là biểu hiện người này đời trước đã gieo trồng căn lành. Người như thế đem so với hạng người phổ thông bình thường thì cách xa lắm vậy.Lâm chung tâm tín nguyện niệm Phật cầu sanh là nhân thắng thiện tri thức khai thị cùng bà con trợ duyên niệm Phật là duyên cường, lại có sức từ bi tiếp dẫn của Phật A Di Đà, đây là nhân duyên hòa hợp người đó mạng chung nhất định sẽ được vãng sanh làm sao còn sự nghi ngờ?

Hỏi: Chúng tôi rất muốn trợ duyên niệm Phật cho người bà con lúc lâm chung khiến họ mau được vãng sanh. Giả sử lúc có người bà con sắp mạng chung thiện hữu mời chưa kịp đến, chúng tôi là người tại gia đối với đạo lý Phật pháp hiểu chưa thấu đáo, tuy rất cần khai thị nhưng phương thức khai thị mình không biết phương pháp trợ niệm mình lại không hiểu. Nay Ngài có biết kinh sách nào chỉ bày phương pháp trợ niệm văn tự rõ ràng dễ đọc dễ hiễu để chúng tôi thỉnh về nghiên cứu như thế há không tốt hơn hay sao?

Đáp: Các vị nếu đã có tâm chân thật muốn thực hành đạo lớn hiếu thuận, thân ái, từ ái muốn những người bà con của mình vĩnh viễn thoát ly sanh tử luân hồi, vãng sanh đến Tây phương Phật quốc trang nghiêm thanh tịnh hưởng thọ đầy đủ mọi khoái lạc cho đến ngày thành Phật rộng độ các loài chúng sanh. Để đạt ước nguyện như thế các vị chỉ cần y theo ý nghĩa các tiết trong quyển sách này mà thiết thật chấp hành, thì người bà con của các vị lúc lâm chung nhất định sẽ được vãng sanh thế giới Cực lạc.

II.NGƯỜI BÀ CON CẦN CHÚ Ý NHỮNG ĐIỂM SAU



1. Cha mẹ là người có công ân sanh thành dưỡng dục chúng ta phận làm con cần phải hiếu thuận, đối với anh chị em, vợ chồng chúng ta cần phải thân ái, đối với con cháu, dâu rễ chúng ta cần nên t�� ái. Thế nào là hiếu thuận, là thân ái, là từ ái? Thế nào là không hiếu thuận, không thân ái, không từ ái?

Đối với các đạo lý này các vị cần triệt để thấu triệt. Nếu chúng ta làm qua loa nhất định sẽ khiến cho tâm hiếu thuận, thân ái, từ ái trở thành sự tình đại ngỗ nghịch, đại tàn hại. Quý vị mỗi người muốn tránh khỏi sự tình nguy hiểm này thì đối với chỗ tôi sắp giảng dưới đây cần để tâm nghiên cứu.

2. Con người đến khi lâm chung là giai đoạn tối hậu của một đời người, chúng ta người bà con nên hết mình trong khoảng thời gian chốc lát này. Đối với người hấp hối chúng ta nên chân thành biểu hiện tâm hiếu thuận, thân ái, từ ái, giờ giờ phút phút nên quan tâm thăm hỏi. Bất luận sự tình như thế nào chúng ta mỗi mỗi đều nên tùy thuận theo ý muốn của người bệnh không nên làm cho tâm họ phiền não.

3. Thời điểm người bệnh sắp mạng chung nhất định nên thỉnh các vị niệm Phật đến trợ niệm. Các vị trợ niệm khi đã đến nhà rồi bà con nên nghe theo lời chỉ dạy của họ một chút cũng không trái ý. Cần hiểu các vị niệm Phật trợ niệm lúc này là người chịu trách nhiệm cứu độ thần thức của người bà con chúng ta để được vãng sanh Cực lạc. Vì thế, toàn gia quyến thuộc mỗi người đều nên nhớ tưởng ân đức hết lòng tiếp đãi các vị đó. Giả sử các vị trợ niệm do bận nơi khác hoặc chưa đến kịp, lúc này các người bà con nên như pháp đứng ra trợ duyên niệm Phật cho người bệnh công đức cũng đều giống nhau.

Có điều chúng ta cần tuân thủ theo phương pháp trợ niệm để tiến hành không nên đem phương pháp trợ niệm để cải biên, như thế mới có thể làm cho người bệnh được vãng sanh. Đồng thời cả nhà đều nên phát nguyện ăn chay tuyệt đối không được sát sanh phải vì người bệnh mà tu phước. Đến lúc bệnh quá nặng là thời điểm rất cần người trợ niệm. Vào thời điểm này chúng ta phải một lòng niệm Phật trợ giúp họ vãng sanh Tây phương. Chớ không nên một mặt khóc lóc bi ai một mặt kêu gọi lương y... điều này chỉ làm cho người bệnh tăng thêm sự thống khổ trở ngại việc vãng sanh đây là trên nỗi khổ chồng thêm nỗi khổ. Mong các vị bà con hiểu rõ điều này để không làm hại người thân của mình.

4. Con người đến lúc lâm chung là thời điểm phân phàm rẽ Thánh là thời điểm phân chia cảnh giới Tây phương Thánh đạo cùng cảnh giới lành thiên, nhân, A tu la và cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Các vị bà con lúc này trợ niệm bệnh nhân niệm Phật đó chính là trợ giúp bệnh nhân vãng sanh Tây phương thánh đạo hưởng thọ vô lượng sự an lạc. Giả sử đối với bệnh nhân mà bi ai khóc lóc đó chính là đẩy thần thức bệnh nhân đọa vào trong ba cảnh khổ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh chịu vô lượng sự thống khổ. Nên biết, người bà con đối với bệnh nhân lúc này là lúc thể hiện tình nghĩa rõ ràng là hiếu thuận hay không hiếu thuận là thân ái hay không thân ái là từ ái hay không từ ái.

5. Chúng ta cần tin tưởng vào những lời Phật dạy trong kinh điển, như kinh dạy người nào đọa lạc vào ba cảnh Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì phải chịu vô lượng sự thống khổ ngôn ngữ văn tự không thể diễn tả hết được thời gian thọ khổ cũng vô cùng vô tận. Nói sự thống khổ ở cảnh giới Địa ngục, chúng sanh ở cõi này một ngày một đêm phải trải qua vạn lần chết đi sống lại. Nỗi khổ của cảnh giới Ngạ quỷ, chúng sanh ở cõi này trong trăm ngàn vạn kiếp danh từ cơm nước còn chưa từng nghe huống gì là được ăn uống. Nỗi thống khổ của cảnh giới Súc sanh, chúng sanh trong cõi này phải chịu cảnh nước sôi lửa bỏng bị nhai nuốt vào trong bụng người. Nếu như chúng ta đọa lạc vào một trong ba cảnh khổ này thời gian tối thiểu cũng năm ngàn đại kiếp. Một đại kiếp thời gian bằng mười ba ức bốn ngàn ba trăm tám mươi bốn vạn năm ở cõi người. Nếu đã trải qua thời gian năm đại kiếp sau khi thọ khổ xong mới được xuất ly thời gian như thế là ngắn hay sao?

Nếu được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc hàng ngày được nghe đức Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp; cùng Bồ tát Quan âm, Thế chí làm bạn lành. Mắt thấy các cảnh đều là cảnh diệu sắc trang nghiêm tai nghe các tiếng đều là tiếng tốt vi diệu... sự hưởng thọ mọi khoái lạc như thế ngôn ngữ văn tự không thể diễn bày. Mỗi khi đã vãng sanh đầy đủ thần thông đạo lực rồi nương bi nguyện trở lại Ta bà hóa độ bà con cần đến là đến cần đi là đi đến đi đều tự tại. Đồng thời chỉ trong một đời mà có thể thành Phật.

Do vậy chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa này, bởi cảnh giới Tây phương sự khoái lạc như thế vô cùng vô tận. Ai là người không chịu phát tâm niệm Phật trợ niệm cho người bà con của mình mau được vãng sanh Tây phương hưởng thọ vô lượng khoái lạc? Ở cảnh giới Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, sự thống khổ như thế vô cùng vô tận. Ai là người đang tâm ác độc đối với người bà con của mình bi ai khóc lóc chính là đẩy họ vào trong cảnh giới Địa ngục. Ngạ quỷ, Súc sanh để thọ các khổ báo hay sao? Chúng ta mỗi người đều phải hiểu rõ: Phàm con người lúc lâm chung hoặc vãng sanh Tây phương hoặc đọa lạc vào tam đồ ác đạo trách nhiệm này phần lớn là do người bà con tạo ra.

6. Nếu người bệnh lúc bình thường có tâm tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương lúc này chúng ta là người bà con nên đối trước người bệnh giảng giải: “Chúng ta làm người nhưng không thể làm người dài lâu. Phật dạy có sáu cảnh giới luân hồi sanh tử trong đó ba cảnh Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh là ba cảnh khổ lại rất dễ đọa lạc. Nhưng ở cảnh giới Tây phương do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ có vô lượng sự an vui. Trong cảnh giới Tây phương chẳng có nỗi khổ Tam đồ cũng chẳng có sáu cảnh luân hồi sanh tử.

Dân chúng cảnh giới Tây phương là do liên hoa hóa sanh ngồi trên tòa sen rất mềm mại, hương thơm tinh khiết cánh hoa to lớn rất đẹp và rực ánh sáng. Dân chúng cảnh Tây phương chỗ ở đều là lầu đài bằng trân bảo cung điện cao lớn lộng lẫy. Dân chúng cảnh Tây phương nghĩ tưởng thức ăn thì có các món sơn hào hải vị hiện ra, cần áo mặc thì có các y phục thượng hạng lại hiện đến. Dân chúng cảnh Tây phương chỗ thọ hưởng khoái lạc ngôn ngữ văn tự không bao giờ diễn bày hết. Nay ông phát tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà tâm nguyện tha thiết cầu sanh Tây phương, đến lúc lâm chung Phật A Di Đà tay bưng đài sen to lớn hiện thân trước mặt ông để nghinh đón ông vãng sanh Tây phương. Mỗi khi đã được vãng sanh lúc đó sự thọ hưởng khoái lạc không cùng tận. Ông nên phát tâm niệm Phật quyết định được vãng sanh Tây phương”.

Là người bà con chúng ta mỗi ngày nên đối trước bệnh nhân nói ba lần như thế. Cách thức nói không được quá nhanh nên nói một cách từ tốn rõ ràng. Cần biết tâm lý người bệnh lúc này họ rất dễ khởi phiền não và cũng rất sợ cảnh phiền não. Còn như người bệnh đã phát khởi tín tâm dốc lòng niệm Phật rồi chúng ta không cần tiếp tục khuyến đạo khai thị nữa. Từ đó về sau chỉ khuyên họ nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh là đủ.

7. Người bệnh nếu còn các việc nhà hoặc các việc quan trọng mà ngày thường chưa kịp nói, người bà con nhân lúc người bệnh bệnh tình chưa nặng còn nói được nên hỏi họ rõ ràng. Nếu như người bệnh tâm thức đã hôn mê không thể nói được, lúc này người bà con không nên đối trước người bệnh nói các việc thế sự tránh làm loạn chánh niệm của người bệnh ( chánh niệm chính là niệm Phật) . Nếu khi tâm thức người bệnh còn sáng suốt người bà con nên đối trước bệnh nhân nói lời sau: “Tất cả mọi công việc gia đình chúng tôi sẽ thay ông đảm đương tất cả mọi chuyện gia đình ông không nên để tâm lo lắng. Giờ đây ông chỉ nên một lòng niệm Phật A Di Đà để cầu nguyện vãng sanh mà thôi”.

Nói lời khai thị đó chỉ nói một lần từ đó về sau chỉ khuyến khích người bệnh một lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Đồng thời người trợ niệm dùng ngón tay của mình chỉ rõ hướng tây đối người bệnh lại nói: “Cảnh giới Tây phương hiện đang ở trước mặt ông, ông nên một lòng niệm Phật trong tâm ông nên nghĩ tưởng mình đã vãng sanh Tây phương”. Làm người bà con mỗi ngày đối trước người bệnh khuyên răn vài ba lần như thế. Giả sử tâm thức người bệnh đã đến lúc hôn muội bây giờ không cần nói lời khuyến khích nữa mà chỉ nên chuyên tâm niệm Phật lớn tiếng mà thôi.

8. Nếu có các vị thân thích bạn bè đến thăm hỏi người bệnh, chúng ta nên mời các vị đó sang phòng bên để tiếp đãi đồng thời nói với khách rằng: “Cuộc đời con người giai đoạn lâm chung là giai đoạn quan trọng nhất. Do đó các vị đến trợ duyên người bệnh niệm Phật trong giai đoạn này có sự lợi ích rất lớn. Còn đối trước người bệnh khóc lóc bi ai thì sự chướng ngại vô cùng”. Chúng ta nói với khách câu này một mặt là tránh được tâm nghi ngờ của khách, một mặt là tránh được cảnh người khách đứng trước bệnh nhân bi ai sầu não gây chướng ngại cho người bệnh. Lại khuyến khích người khách phát tâm trợ giúp người bệnh niệm Phật, nếu khách làm được như thế mới thật sự là người có tâm từ bi đối với người bệnh.

9. Nếu như người bệnh nghiệp chướng phát hiện hoặc không hoan hỷ với người vì mình niệm Phật, nghe thấy người bà con niệm Phật tâm lại sanh mệt mỏi, hoặc thấy các oan hồn hiện ra để đòi mạng sống... Các việc như thế xảy ra vốn là do nghiệp chướng của người bệnh phát hiện chướng ngại cho việc vãng sanh. Lúc đó chúng ta nên vì họ đối trước Tam bảo chí thành khẩn thiết niệm Phật sám hối khiến nghiệp chướng của họ tiêu trừ sớm được vãng sanh Cực lạc.

Như năm ngoái có một vị cư sĩ, thân mẫu của vị này bệnh nặng sắp chết, vị cư sĩ bèn mời những người trợ niệm đến nhà vì thân mẫu mà niệm Phật. Thân mẫu của vị đó nghe mọi người niệm Phật trong tâm càng phiền muộn bảo các vị trợ niệm đừng niệm Phật nữa. Do vị cư sĩ này là đệ tử của tôi biết rõ trường hợp mẹ mình là do nghiệp chướng phát hiện bèn thay mẹ đối trước Tam bảo tụng kinh Địa tạng, vị cư sĩ này cũng rất chí thành khẩn thiết vì mẹ sám hối. Sau đó, cư sĩ lại cùng các vị trợ niệm vì mẹ mà niệm Phật thân mẫu của cư sĩ trở lại sanh tâm hoan hỷ kết quả được vãng sanh Tây phương.

Trên đây là nói việc tụng kinh Địa tạng có thể tiêu trừ được nghiệp chướng, giả sử không tụng được kinh Địa tạng thì niệm danh hiệu Địa tạng Bồ tát vẫn có thể được. Lại có một vị cư sĩ nọ thân phụ của vị này bệnh nặng sắp chết thấy một cô gái dắt một con chó đến đòi mạng. Vị cư sĩ bèn thay cha niệm Phật sám hối giây lát không thấy cô gái và con chó nữa. Sau đó thân phụ cuả cư sĩ thấy hai vị Tăng đối trước nói rằng “Đời trước ông đã từng gây chướng ngại vãng sanh cho chúng tôi nay chúng tôi cũng sẽ gây chướng ngại vãng sanh của ông”. Vị cư sĩ lại một lần nữa vì cha niệm Phật sám hối đồng thời khấn vái: “Hãy để cho cha tôi vãng sanh sau này tôi sẽ đến trợ niệm cho hai vị vãng sanh Tây phương để tạ lỗi gây chướng ngại vãng sanh của hai vị trong quá khứ”. Nhân đây không thấy hai vị Tăng này đến nữa.

Sau cùng thân phụ cư sĩ lại thấy một vị lão Tăng đối trước người bệnh nói: “Oán nghiệp của ông nay đã tiêu trừ qua khỏi tam thất thì có thể vãng sanh, sen vị của ông là đệ ngũ cấp”. Đồng thời vị lão tăng lại nói: “Sở dĩ tam thất vãng sanh là do con ông biết đạo”. Các vị đừng hiểu tam thất là ba tuần trợ niệm nhiều ngày như thế sẽ mệt mỏi, các vị hiểu như thế là không đúng. Nguyên là chỉ qua khỏi hai mươi mốt giờ vị này sẽ vãng sanh, đệ ngũ cấp chính là Trung phẩm trung sanh. Nương đây để biết làm người bà con vì người bệnh niệm Phật sám hối, hoặc tụng kinh Địa tạng hay niệm danh hiệu Bồ tát Địa tạng đối với người bệnh có sự lợi ích rất lớn.

10. Người bệnh đến lúc sắp tắt hơi thở người trợ niệm nếu là nhiều thì nên cùng với người bà con hướng về bàn Phật, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm chí thành khẩn thiết mong cầu Phật từ bi tiếp dẫn thần thức người chết mau được vãng sanh Tây phương. Còn bằng người trợ niệm ít thì cùng với người bà con đến gần người bệnh trợ lực niệm Phật. Có điều người bà con không nên đứng đối diện để người bệnh thấy. Chúng ta nên nhớ thời điểm người sắp tắt hơi thở, nếu thấy bà con tất khó tránh việc sanh tâm bi ai trìu mến làm chướng ngại chánh niệm. Người bà con có thể ngồi bên trái bên phải hoặc ngồi sau lưng người bệnh.

Về âm điệu tiếng niệm Phật chớ bi ai tương tự như khóc lóc, nếu âm điệu niệm Phật bi sầu như thế người bệnh nghe nhất định sẽ sanh tâm sầu khổ bi luyến. Nếu người bệnh có tâm niệm sầu khổ sẽ mất chánh niệm cảnh giới Tây phương không do đâu mà hiển bày. Vì thế lúc này chúng ta cần phải đặc biệt cẩn thận đặc biệt chú ý tuyệt đối cấm bi ai sầu khổ chỉ nên lớn tiếng niệm Phật, mỗi câu mỗi câu Phật hiệu phân minh mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng. Lúc đang niệm Phật người trợ niệm nên quán tưởng đức Phật A Di Đà phóng hào quang cứu độ gia hộ người chết thân tâm an lạc chánh niệm phân minh sớm được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.

11. Người chết sau khi đã chấm dứt hơi thở trước lúc thân thể chưa lạnh hẳn ở giai đoạn trung gian này, chúng ta là người bà con càng đặc biệt chú ý không để cho mèo chuột... đụng đến. Nên biết người chết tuy hơi thở đã chấm dứt nhưng cơ thể vẫn còn hơi nóng, nếu có vật nào xúc chạm vào cơ thể người chết sẽ rất thống khổ. Có đôi người nghĩ muốn thăm dò thân thể người chết xem hơi nóng đang còn ở chỗ nào để xác định cảnh giới tái sanh. Việc này đối với người chết hoàn toàn có hại không một chút lợi ích gì.

Nếu sau mười giờ đồng hồ như muốn thăm dò thân thể người chết đã lạnh hẳn hay chưa cũng nên mời một vị có công đức tu hành tương đương dùng tay nhẹ nhàng thăm dò. Ở thời gian này người bà con nên thảy đều nên nghe theo lời chỉ giáo của các vị trợ niệm để tránh sự tác hại cho người chết. Nếu không có các vị trợ niệm chúng ta nên y theo phương thức trợ niệm để thực hành. Đến như các vị trợ niệm cũng cần nghe theo lời chỉ giáo của vị lãnh đạo không được tự tiện thăm dò hơi nóng thân thể người chết.

Chúng ta nhất nhất không nên nghe theo những lời nói mê tín vô căn cứ của một số người thế tục, bọn họ nói: “Người mới chết nhân lúc thân thể còn ấm xương thịt mềm mại, thời điểm này mà tắm rửa mặc quần áo là rất tốt”. Lại nói: “Người chết rồi nên dời sang chỗ khác kẻo không sẽ bị thần giường quở trách”. Lại nói: “Con cháu cần phải khóc lóc nếu không hung tin sẽ không đi hết”. Những lời nói mê tín như thế truyền tụng đến ngày nay khiến chúng ta làm tổn hại cho người chết vô lượng vô biên oan uổng thọ đại khổ não đọa lạc trong cảnh ba ác đạo Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Xưa vua A kỳ đạt bình sanh tin tưởng Tam bảo kiến tạo chùa tháp công đức vô lượng, đến khi mạng chung đang lúc sắp dứt hơi thở, người thị vệ đứng hầu quạt trong tay rơi vào mặt nhà vua, lúc đó vua vô cùng thống khổ nổi tâm sân hận đầu thai làm thân rắn. Nhân nhờ vua Kỳ đạt bình sanh c�� công đức kính trọng Phật pháp kiến tạo chùa tháp nên sau gặp được vị Tăng đối trước rắn thuyết pháp. Rắn nhờ duyên nghe lại công đức Phật pháp của mình ba ngày sau chết thần thức sanh lên cõi trời.

Lại xưa có hai vợ chồng rất đỗi thương yêu lẫn nhau, bình sanh đồng tin Tam bảo phụng trì trai giới. Ngày nọ người chồng bệnh chết người vợ vô cùng bi ai khóc lóc. Thân thể người chồng tuy đã chết nhưng thần thức vẫn chưa rời, nghe âm thanh bi ai của người vợ tâm sanh khởi ý niệm trìu mến, nhân đây thần thức đi theo ý niệm trìu mến đắm nhiễm này lạc vào trong cơ thể người vợ làm con sâu bò trong mũi. Vì chồng chết người vợ khóc lóc bi thảm nước mắt nước mũi giàn dụa, bấy giờ trong mũi rơi ra một con trùng người vợ xấu hổ định dùng chân đạp nát may có một vị Tăng khuyên can: “Chớ đạp nát thân chồng chị”. Người vợ hỏi duyên cớ, vị Tăng đáp: “Chồng chị lúc còn sống giữ gìn trai giới đáng lẽ được sanh thiên nhưng vì chị khóc lóc bi thảm quá khiến nội tâm khởi dậy lòng thương yêu thần thức theo tâm niệm thương yêu đó mà nhập vào người chị làm con sâu trong lỗ mũi”. Người vợ nghe rồi lấy làm hối hận cầu xin vị Tăng thuyết pháp cho trùng. Con trùng nhờ nghe pháp mà thoát được thân trùng thần thức tái sanh lên cõi trời.

Hai câu chuyện trên đều từ trong kinh nói ra là có nguồn gốc còn những sách vở của thế tục hư truyền mê tín là chẳng có căn cứ, chúng ta cần biết rõ một số loại sách mê tín để tránh gây cho vong nhân sau này gặp phải cảnh oan uổng thọ đại khổ não, đọa lạc trong cảnh ác đạo Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Vì vậy sau khi người chết chấm dứt hơi thở trước khi toàn thân chưa lạnh hẳn chúng ta là người bà con, nhất định chấm dứt việc khóc lóc khổ não và xúc chạm thân thể người chết để tránh tai họa người chết không được vãng sanh.

Tóm lại, người bà con phải nên nghe theo lời chỉ giáo của các vị trợ niệm, nếu như không có các vị trợ niệm người bà con nên cẩn thận thăm dò thân thể người chết, đợi khi toàn thân lạnh hẳn mới tiến hành thủ tục tắm rửa thay quần áo.

III. HỎI ĐÁP VẤN ĐỀ TRỢ NIỆM



Hỏi: Hai chữ trợ niệm có ý nghĩa gì ?

Đáp: Trợ là trợ giúp niệm là chánh niệm. Trợ niệm có nghĩa là trợ giúp cho người lâm chung có chánh niệm hiện tiền.

Hỏi: Thế nào là chánh niệm?

Đáp: Chánh niệm còn gọi là tịnh niệm. Chánh niệm hay tịnh niệm đều là tâm niệm niệm Phật. Nhân vì tâm niệm Phật không cùng sáu trần duyên hợp, vì tâm này duyên thanh tịnh do đó gọi là tịnh niệm. Tịnh niệm chính là chánh nhân tịnh nghiệp để vãng sanh Tây phương. Ý nghĩa tịnh niệm và chánh niệm đại để tương đồng.

Hỏi: Vì sao khi lâm chung phải nhờ sự trợ niệm của người khác?

Đáp: Con người đến lúc lâm chung là thời điểm tứ đại phân ly, các nỗi khổ chồng chất tay chân quờ quạng; thí như con cua rơi vào nước sôi thống khổ như thế nào thì người khi lâm chung cũng có sự thống khổ như thế.

Người bình thường công phu niệm Phật nếu chưa thuần thục đến khi lâm chung ai mà không cần người khác trợ niệm? Bình thường công phu niệm Phật có sáu bảy phần nhưng đến khi lâm chung cũng khó có tác dụng được hai ba phần. Huống gì hạng người hoàn toàn chưa có công phu niệm Phật đến lúc lâm chung làm sao lại không cần người khác trợ niệm? Nên biết con người vào thời điểm này tự thân họ một chút cũng đã khó làm chủ được hoàn toàn là nương theo người khác trợ giúp họ làm chủ trong giai đoạn hoang mang này.

Hỏi: Người bệnh đã chết rồi mà vẫn trợ duyên họ niệm Phật làm sao có tác dụng?

Đáp: Người bệnh vừa mới chấm dứt hơi thở tuy đã chết rồi nhưng thần thức vẫn chưa lìa thể xác, đời sau họ tái sanh vào cảnh giới lành hay dữ vẫn chưa quyết định, thời điểm này chúng ta trợ giúp họ niệm Phật có tác dụng rất thù thắng. Nên biết con người lúc lâm chung là thời điểm phân phàm rẽ Thánh. Chúng ta luân hồi từ vô thỉ đến nay đã tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ là vô lượng vô biên, trong tâm niệm niệm thiện ác phát hiện nối tiếp không bao giờ gián đoạn. Tâm thức con người phần nhiều đều niệm ác còn niệm lành thì rất ít.

Con người đến lúc lâm chung một niệm sau cùng nếu là niệm ác thì trong tâm ác này sẽ hiển hiện ra cảnh giới Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Khi mạng chung với tâm niệm như thế thần thức sẽ duyên theo cảnh ác đọa vào ba ác đạo. Nếu niệm sau cùng là niệm thiện thì trong tâm thiện này sẽ hiển hiện ra cảnh giới trời, người. Khi mạng chung với tâm niệm như thế thần thức sẽ duyên theo cảnh lành sanh vào cảnh giới lành. Còn bằng niệm sau cùng là niệm Phật trong tâm niệm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh sẽ hiển hiện cảnh giới Tây phương Cực lạc và đức Phật A Di Đà cùng chúng Hiền Thánh hiện thân trước mặt đưa tay tiếp dẫn. Khi mạng chung với tâm niệm như thế thần thức sẽ duyên theo hồng danh Phật A Di Đà mà vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc.

Nên biết con người lúc mạng chung vấn đề trợ niệm chính là làm cho một tâm niệm sau cùng của họ là niệm Phật. Một niệm sau cùng của họ nếu niệm Phật Phật A Di Đà ở trong tâm niệm Phật của người sắp chết sẽ hiện thân tiếp dẫn. Người chết đó chính là ở trong tâm niệm Phật của họ nương theo Phật mà vãng sanh. Mỗi khi sanh về Tây phương thì việc sanh tử luân hồi của thế giới Ta bà này hoàn toàn đoạn trừ, thọ hưởng mọi khoái lạc của thế giới Tây phương lâu dài vô tận. Vì thế việc trợ giúp người sắp chết niệm Phật có sự lợi ích to lớn vô cùng thù thắng như thế.!

IV.THUYẾT LÂM CHUNG MỘT NIỆM VÃNG SANH



Hỏi: Thế giới Cực lạc cách thế giới Ta bà này mười vạn ức cõi Phật, người niệm Phật lâm chung chỉ có một niệm làm sao có thể vãng sanh được?

Đáp : Sở dĩ người niệm Phật lâm chung chỉ một niệm được vãng sanh, một mặt là nương nhờ Phật lực đó chính là bốn mươi tám đại nguyện đại từ đại bi của Phật A Di Đà tiếp độ hết thảy chúng sanh nào tín, nguyện, niệm Phật. Phật lực trợ duyên chúng sanh vãng sanh là bất khả tư nghì. Một mặt là nhờ tâm lực đó là tâm niệm hiện tiền của mỗi chúng ta. Tâm niệm hiện tiền có ba nghĩa.

1. Tâm thể: Là bản thể của một niệm này cùng với chư Phật tương đồng chẳng có hào ly sai biệt. Chẳng qua tâm chư Phật là thường ngộ không mê bội trần hiệp giác, tâm thanh tịnh đó có đầy đủ vô lượng vô biên công đức trí tuệ. Tâm chúng ta thường mê không ngộ bội giác hiệp trần, tâm uế nhiễm này có vô lượng vô biên hoặc nghiệp phiền não. Giả sử mỗi người chúng ta đều phát tâm niệm Phật A Di Đà chính lúc đang niệm Phật ngay đó là phản mê quy ngộ bội trần hiệp giác thì vô lượng hoặc nghiệp phiền não sẽ hoàn toàn thanh tịnh vô lượng công đức trí tuệ sẽ hiển bày.

Tâm niệm Phật như thế đương thể đồng một dạng như tâm chư Phật. Do đó cổ đức nói: “Mỗi niệm tương ứng với mỗi niệm Phật, niệm niệm tương ứng với niệm niệm Phật”. Đây là Thánh nhân cùng phàm phu cùng một tâm thể chư Phật cùng với chúng sanh đồng một nguồn tâm. Niệm Phật quyết định sẽ thành Phật ví như nấu gạo quyết sẽ thành cơm vấn đề này là tất yếu.

2. Tâm lượng: Tâm lượng một niệm này là rộng lớn vô biên. Kinh dạy: “Tâm bao trùm thái hư, lượng đồng với sa giới”. Đây chính là nói tâm lượng của chúng sanh rộng lớn vô lượng vô biên. Sự rộng lớn của tâm như thế nào?

Trong kinh nói: “Trong mỗi thái hư có bất khả thuyết Phật sát vi trần số thế giới chủng. Trung ương có thế gi���i chủng tên là Phổ chiếu thập phương xí nhiên bảo quang minh, thế giới chủng này có hai mươi tầng thế giới, thế giới Ta bà chúng ta hiện nay ở cùng thế giới Cực lạc ngoài mười vạn ức Phật độ đồng ở tầng thứ mười ba của thế giới chủng Phổ chiếu thập phương xí nhiên bảo quang minh này”. Chỉ trong một thế giới chủng mà đã có sự rộng lớn như thế huống gì là Phật sát vi trần số thế giới chủng ư?

Số thế giới chủng Phật là vô lượng vô biên thì có thể thấy tâm lượng một niệm của mỗi chúng ta,vốn thật rộng lớn vô lượng. Vì vậy nói tâm bao trùm thái hư lượng đồng với hằng sa giới. Nếu ông có thể rõ tâm lượng một niệm của bản thân mình, thì đối với người niệm Phật lâm chung một niệm vãng sanh thế giới Cực lạc tự nhiên sẽ không còn sanh tâm nghi ngờ gì nữa.

3. Tâm cụ: Một niệm này vốn đầy đủ mười pháp giới là Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, Thiên, Nhân, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Mười pháp giới này lại là cảnh do một niệm tạo thành. Một niệm của chúng ta nếu tạo mười nghiệp ác đó chính là tạo ra ba cảnh ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Một niệm của chúng ta nếu niệm Phật A Di Đà đó chính là tạo ra cảnh giới Tịnh độ của chư Phật.

Trong kinh nói: “Tâm này là Phật tâm này làm Phật. Tâm này là chúng sanh tâm này làm chúng sanh”. Vì vậy, một niệm của mỗi chúng ta nếu là niệm Phật đó chính là làm Phật. Tâm niệm niệm Phật này đương thể chính là Phật. Nên biết mỗi người chúng ta đều có tâm thể này xưa nay vốn đầy đủ công đức trí tuệ, một niệm nếu là niệm Phật đó chính là Phật. Đây là đạo lý tâm cụ.

Về đạo lý tâm tạo, giả sử mỗi cá nhân chúng ta ai cũng đều hiểu rõ ý nghĩa này, như thế đối với lý niệm Phật sẽ thành Phật tự nhiên không còn sanh tâm nghi ngờ. Tâm thể, tâm lượng, tâm cụ trên đây tuy nói ba kỳ thật chỉ là một không thể phân ly. Một niệm của mỗi chúng ta có diệu dụng vô cùng như thế vì vậy nói tâm lực là bất khả tư nghì.

Mặt khác nữa là nhờ pháp lực, pháp lực chính là tín, nguyện, hạnh cảm ứng đạo giao bất khả tư nghì. Người nào tín sâu, nguyện thiết, chí thành niệm hồng danh A Di Đà Phật thì Phật lực, pháp lực và tâm lực ba lực bất khả tư nghì này đều dung nhiếp vào trong một câu hồng danh A Di Đà Phật. Nhân có ba lực dung nhiếp vào trong một niệm vì thế lâm chung một niệm liền được vãng sanh. Cổ nhân nói : “Nhiếp ba lực vào trong một lực, thâu thành công vào trong một niệm”, chính là đạo lý này .

V. NGƯỜI TRỢ NIỆM CẦN NHỚ NHỮNG ĐIỂM SAU



1. Phát tâm trợ niệm người khác niệm Phật vãng sanh Tây phương chính là thay thế đức Như lai đảm nhận trách nhiệm lớn cứu độ chúng sanh liễu sanh thoát tử. Chúng ta đã tự nhận trách nhiệm lớn giáo hóa chúng sanh nhất định cần phải đem tâm chân thật mà làm, không được phô diễn hình thức bên ngoài làm sai lạc nhân duyên lớn liễu sanh thoát tử của người khác. Cẩn thận! Cẩn thận!

2. Người trợ niệm khi đến nhà người bệnh để trợ niệm trước nhất mời bà con thân thuộc lại nói rõ cho họ biết: “Phàm con người đến lúc lâm chung là giờ phút quyết định cho sự siêu thăng hay đọa lạc, trách nhiệm này tùy thuộc vào toàn gia người bệnh. Các vị là người bà con muốn làm cho người bệnh siêu thăng tránh sự đọa lạc, mỗi mỗi nên nghe theo sự chỉ đạo của những người trợ niệm không được trái lời”. Đây là sự bảo chứng cho người lâm chung quyết định vãng sanh thế giới Cực lạc.

3. Người trợ niệm vào trong phòng người bệnh thái độ đối với người bệnh phải hết sức thương yêu thành khẩn, lời nói phải từ tốn nhẹ nhàng sao cho bệnh nhân nghe hiểu rõ ràng để trong tâm người bệnh không có sự hoài nghi. Trước hết người trợ niệm nên tán thán những công đức trong đời người bệnh tạo được khiến bệnh nhân sanh tâm hoan hỷ; kế lại nói những cảnh thù thắng vi diệu của thế giới Cực lạc khiến người bệnh sanh tâm an ổn và khởi lòng chánh tín cầu sanh Tây phương. Người trợ niệm nên quán sát bản thân họ xem họ như người bà con của mình. Bởi vì người bệnh tuy không phải là thân tộc trong hiện đời nhưng hoặc một đời, hai đời, ba đời trước cũng là bà con trong quá khứ, không thể cho rằng chúng ta với họ không liên quan tình huyết thống. Người trợ niệm nếu có thể xem người bệnh như là người bà con thì tâm trợ niệm niệm Phật lúc này mới có được sự chí thành khẩn thiết vô cùng.

4. Trong phòng bệnh ngoại trừ người khai thị ra còn lại tất cả mọi người không được phép đến bên người bệnh hỏi chuyện cũng không được ở trong phòng bệnh nói chuyện tạp, nếu người bệnh nghe thấy sẽ phân tâm khiến mất chánh niệm. Nếu có người bà con lối xóm muốn đến rờ rẫm thăm hỏi người bệnh, người trợ niệm nên ngăn họ: “Ông đến đây là để trợ niệm cho người bệnh niệm Phật phải không ? Nếu như vậy thì ông nên nghe theo lời chỉ đạo của người trợ niệm, hầu tránh phát sanh sự chướng ngại cho người bịnh”.

Còn bằng họ không phải đến để trợ giúp người bệnh niệm Phật, lúc đó tùy thời đối quyến thuộc bảo họ mời những người này sang phòng khác để tiếp đãi, hầu tránh cho người bệnh gặp mặt phát sanh tình ái dục niệm chướng ngại chánh niệm. Đây là trách nhiệm của người trợ niệm không nên ngại khó hay vị tình mà không làm. Nếu chúng ta để cho họ gặp người bệnh thì làm cho duyên tình ái phát sanh chướng ngại chánh niệm, khiến cho người chết không được vãng sanh và cũng không hợp với tông chỉ trợ niệm.

5. Niệm Phật bốn chữ hay sáu chữ, hoặc nhanh chậm cao thấp nhất định cần phải hỏi qua ý người bệnh. Nếu lúc đó người bệnh không mở miệng trả lời được thì tiếng niệm Phật không nên quá nhanh, nếu nhanh quá nghe không rõ ràng; cũng không nên quá chậm nếu chậm quá tiếng niệm Phật sẽ rời rạc làm cho người bệnh dễ rơi vào hôn trầm; cũng không nên quá cao nếu cao quá người trợ niệm cũng khó niệm được lâu; cũng không nên quá thấp nếu thấp quá người bệnh sẽ nghe không được rõ ràng. Vì thế tiếng niệm Phật không nhanh không chậm không cao không thấp, mỗi câu mỗi câu trong trẻo mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng khiến người bệnh mỗi câu mỗi câu đều lọt vào tai, mỗi chữ mỗi chữ đều sanh tâm khoái lạc. Người trợ niệm niệm Phật được như thế mới đúng cách thức trợ niệm.

Người trợ niệm nên nhớ không được tùy tiện theo ý mình, thích nhanh niệm nhanh thích chậm niệm chậm, ưa cao niệm cao ưa thấp niệm thấp, nếu niệm Phật như thế tuy có tâm trợ niệm nhưng người bệnh khó đạt được sự lợi ích. Nên nhớ lúc trợ niệm là thời điểm người bệnh khí lực rất yếu bản thân họ niệm Phật không nổi hoàn toàn nương nhờ vào câu hồng danh Nam mô A Di Đà Phật do người khác niệm. Tiếng niệm Phật nếu rõ ràng trong suốt khiến tâm người bệnh duyên theo tiếng niệm Phật, mỗi niệm mỗi niệm đều quy hướng về câu hồng danh A Di Đà Phật.

Người trợ niệm nên quán sát hết thảy sự tình làm sao đừng để cho tâm người bệnh dao động khiến họ đạt được chánh niệm niệm niệm tương tục, một niệm sau cùng khi mạng chung sẽ tùy theo chỗ niệm Phật mà được vãng sanh Tây phương. Bởi vì, người trợ niệm là người thay thế đức Như lai đảm nhận trách nhiệm cứu độ chúng sanh liễu sanh thoát tử kia mà.

6. Trợ niệm qua một thời gian dài người bệnh đột nhiên tinh thần có sự phân minh, sảng khoái lại có thể nói chuyện hoặc thở dài cho đến tay chân cử động... Lúc đó người trợ niệm nên đặc biệt chú ý không để cho bất cứ một ai đến thăm hỏi rờ rẫm. Nên nhớ, kể từ thời điểm xảy ra tình huống này của người bệnh thì không quá hai giờ đồng hồ sau bệnh nhân sẽ chấm dứt hơi thở. Ví như cây đèn dầu đang cạn dần ánh lửa đang từ từ tối dần, đến lúc đèn hết dầu lúc đó ánh lửa đột nhiên lóe sáng khoảnh khắc rồi tắt. Tất cả mọi người đến lúc chấm dứt hơi thở phần nhiều đều rơi vào tình trạng này.

Thường thường hay xảy ra cảnh người trợ niệm niệm Phật lâu ngày, đến lúc người bệnh đột nhiên tỉnh táo hoặc nói chuyện, thở dài... các tình huống như thế xảy ra khi đó người trợ niệm chẳng có kinh nghiệm hay kiến thức tương đương, lại làm cho người bệnh buồn phiền hoặc đình chỉ sự trợ niệm. Vì vậy đối với cảnh xảy ra như thế người trợ niệm cần nên nhận biết để làm cho người mạng chung được sự lợi ích.

Người trợ niệm đến nếu gặp người vừa mới chấm dứt hơi thở hoặc trải qua một, hai, ba giờ đồng hồ, bấy giờ người trợ niệm không nên thăm dò hơi nóng người chết. Người trợ niệm nên nhớ thời điểm này là thời điểm vô cùng quan trọng khẩn thiết. Tốt nhất người trợ niệm trước nên lớn tiếng khai thị qua một lần sau đó mới niệm Phật. Nhân vì người sau khi mới chấm dứt hơi thở không luận bà con có than khóc hay không tâm người chết thảy đều có sự sầu não. Nếu người trợ niệm lớn tiếng khai thị tâm người chết có sự rõ biết. Do hiểu được lời khai thị tâm người chết có chỗ ( tiếng niệm Phật) để quy hướng, thứ nữa còn biết phát nguyện cầu sanh Tây phương ( tâm hoan hỷ nghe Phật hiệu, sẽ phát nguyện cầu sanh Tây phương).

Người trợ niệm khai thị cần phải lớn tiếng lời nói phải rõ ràng : “Ông trong quá khứ đã gieo trồng các nghiệp lành cũng như đã tạo các nghiệp ác, giờ phút này không nên nghĩ tưởng đến. Con cháu, tài sản trong nhà tất cả ông đều nên buông bỏ một chút cũng không để nơi tâm. Lúc này ông chỉ một lòng niệm hồng danh Phật A Di Đà phát nguyện cầu sanh Tây phương. Chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên để tâm nghe tiếng niệm Phật của chúng tôi, mỗi niệm mỗi niệm nương tựa hồng danh A Di Đà Phật để cầu sanh Tây phương” ( từ câu Ông nên để tâm lắng nghe... để cầu sanh Tây phương nên nói hai lần ).

Sau khi người chủ trợ niệm nói lời khai thị xong rồi người trợ niệm tùy theo đó mà niệm Phật. Âm thanh Phật hiệu lúc này cần phải lớn tiếng. Nếu người chết lúc sanh tiền có tâm tín, nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây phương quyết định sẽ được vãng sanh, nếu khi sanh tiền không có tâm tín, nguyện cầu sanh, lúc lâm chung nghe Phật hiệu cũng đạt được công đức bất khả tư nghì. Kinh Địa tạng nói : “Người sắp mạng chung nghe được danh hiệu một vị Phật sẽ tiêu diệt được tội ngũ vô gián”. Vì thế công đức trợ niệm người khác lúc lâm chung thật không sao kể xiết.

VI. NHÂN QUẢ TỐI THẮNG CỦA NGƯỜI TRỢ NIỆM.



Có nhân tức có quả có quả tức có nhân. Chúng ta nếu phát tâm trợ niệm người khác niệm Phật cầu sanh Tây phương, như thế tương lai chúng ta đến lúc lâm chung tự nhiên cũng sẽ có người phát tâm đến trợ niệm chúng ta niệm Phật vãng sanh Tây phương. Người khác nhờ chúng ta trợ niệm được vãng sanh tương lai họ sẽ theo hầu đức Phật A Di Đà đồng đến tiếp dẫn dùng thần lực gia hộ chúng ta, khiến chúng ta lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền vãng sanh thế giới Cực lạc. Do vậy, chúng ta thường trợ niệm người khác vãng sanh đối với vấn đề lợi hại lúc lâm chung thật rất rõ ràng. Sau này đến thời điểm lâm chung, chúng ta cũng sẽ nhất định vận dụng kinh nghiệm quá khứ khiến tất cả đều như pháp. Do đó sẽ không có các sự tình phát sanh ngoài ý muốn quyết định được vãng sanh Tây phương.

Nên biết, đức Như lai sở dĩ xuất hiện ở thế gian là vì độ thoát tất cả chúng sanh khiến các chúng sanh đều thành Phật. Đức Như lai thuyết pháp bốn mươi chín năm là vì sự kiện này; đức A Di Đà phát bốn mươi tám đại nguyện trang nghiêm Tịnh độ cũng vì sự kiện này. Tất cả mọi con đường chung giáo lý là đều nương vào sức tự lực tu hành, người tu cần phải đoạn trừ phiền não mới có thể thoát ly sanh tử đây là pháp môn khó hành.

Còn pháp Tịnh độ là nương nhờ nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà mà được vãng sanh thế giới Tây phương, không cần đoạn trừ phiền não mà được ra khỏi sanh tử, tu hành chỉ trong một đời mà viên thành Phật đạo đây là pháp môn dễ hành.

Chúng ta hiện nay trợ duyên người khác niệm Phật vãng sanh Tây phương đó là thay thế đức Như lai gánh vác trách nhiệm cứu độ chúng sanh, khiến họ nhờ sự trợ niệm mà được vãng sanh. Từ pháp môn dễ hành này chúng ta nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà rất mau ra khỏi sanh tử sớm viên thành Phật đạo thành tựu công đức cao vời. Công đức cao vời này là nhân để chúng ta thành Phật, dùng nhân thành Phật cảm quả thành Phật đây là điều tất yếu vậy.

VII. PHÒNG NGƯỜI BỆNH CẦN PHẢI SẠCH SẼ



Trong phòng người bệnh cần quét dọn sạch sẽ tất cả những vật nào không cần thiết nên dọn ra ngoài, chỉ để phòng trống không một mặt là tránh sự chật chội gây chướng ngại người bệnh, kế nữa là tránh sự va chạm cho người trợ niệm ra vào. Tâm người bệnh khi còn thanh tỉnh, người trợ niệm chỉ dạy họ nằm nghiên hông phải khuôn mặt quay về hướng tây và trong tâm nghĩ rằng mình đã vãng sanh Tây phương. Giả sử người bệnh vì bệnh khổ bức bách tâm không an định, như thế thì nên để người bệnh tùy nghi. Còn bằng người bệnh đã biết cách làm thế nào để tâm an định, làm thế nào để dễ phát khởi chánh định, lúc đó nên tùy thuận theo ý của người bệnh.

Trước giường bệnh nên an trí Thánh tượng Tây phương tam Thánh hoặc tượng độc tôn Phật A Di Đà; bàn Phật nên dâng hương hoa... Tượng Phật nên thiết trí hướng mặt đối người bệnh khiến người bệnh khởi tâm kính ngưỡng. Giả sử người bệnh có đại tiểu tiện xú uế, vị trợ niệm nên bảo người nhà lau quét sạch sẽ. Người bệnh đến lúc sắp chấm dứt hơi thở nơi thân có đại tiểu tiện xú uế, lúc đó cũng không cần lau rửa, chỉ lo phát tâm trợ niệm niệm Phật. Giả sử có mùi xú uế, người trợ niệm nên nghĩ rằng mình đang thay thế đức Như lai đảm nhận trách nhiệm cứu độ chúng sanh ra khỏi sanh tử, há vì một vài duyên ô uế như thế mà bỏ đi trách nhiệm lớn lao đó sao.

Huống gì thân thể của chúng ta khi lâm chung là thân thể của phần đoạn sanh tử, ai dám bảo đảm thân thể của mình lúc này đều không có xú uế sao? Nếu ai cũng nghĩ như thế thì tự nhiên tâm mỗi người sẽ không có lo ngại xú uế. Đối với việc xú uế trên thân thể bệnh nhân nhất định cần đợi đến khi toàn thân lạnh hẳn mới lau rửa. Vẫn biết trước chỗ thờ Thánh tượng không được để mùi xú uế xông lên, nhưng vì sự chánh niệm của người bệnh khi sắp chấm dứt hơi thở thì dù có ô uế cũng không nên lau quét, sợ gây chướng ngại đại sự vãng sanh cho người bệnh. Thời điểm này không nên quét dọn là việc bất đắc dĩ tuy có mùi xú uế xông lên Thánh tượng, nhưng cũng không có tội lỗi.

VIII. PHÁ TRỪ CÁC MỐI NGHI GÂY CHƯỚNG NGẠI CHO VIỆC VÃNG SANH.



Nếu bệnh tình của người bệnh quá nặng người trợ niệm nên răn nhắc người bệnh: “Giờ phút này ông còn có các sự tình gì nghi ngờ nữa không?”. Giả sử người bệnh tâm còn nghi ngờ, người trợ niệm nhân lúc khai thị nên phá trừ các mối nghi cho họ hầu tránh sự chướng ngại cho việc vãng sanh Cực lạc. Nếu người bệnh không còn có sự tình nghi ngờ lúc đó chỉ hỏi qua một lượt rồi về sau khỏi cần hỏi lại, tránh cho bệnh nhân phân tâm khiến mất chánh niệm! Cần chú ý! Chú ý!

Người bệnh nếu còn nghi ngờ nói : “Bản thân tôi tuy đã ph��t tâm ni���m Phật nhưng thời gian chưa được bao lâu, sợ rằng tội nghiệp quá nặng thế giới Tây phương e có được vãng sanh hay không?”. Lúc đó người trợ niệm đến trước người bệnh nói : “Ông đã phát tâm niệm Phật sớm hay muộn đều không e ngại. Điều quan trọng nhất là từ khi ông phát tâm niệm Phật cho đến khi lâm chung tâm không thối chuyển là được. Dù ngay lúc ông sắp lâm chung, sau khi được thiện tri thức khai thị mới hiểu được mà phát tâm niệm Phật cũng có thể vãng sanh.

Trong kinh Phật dạy: “Người nào khi sanh tiền thường tạo các nghiệp ác cực trọng nhưng đến khi lâm chung gặp được thiện tri thức khai thị mới biết được mà phát tâm niệm Phật, người đó cũng được vãng sanh Tây phương”. Lại trong kinh cũng có nói : “Niệm một câu A Di Đà Phật có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”. Vì thế ông nay dù phát tâm niệm Phật chưa được bao lâu hoặc ác nghiệp đã tạo quá nặng, ông không nên sanh tâm lo sợ chỉ cần một lòng niệm Phật quyết chí cầu sanh Tây phương, đến lúc mạng chung nhất định sẽ thấy đức A Di Đà Phật hiện thân tiếp dẫn, vãng sanh Tây phương không nghi ngờ”.

Nếu như người bệnh còn có tâm niệm luyến ái bà con tài sản, lúc đó người trợ niệm đối trước họ có lời khai thị : “Chúng ta làm người trong cuộc đời này sự khốn khổ là tràn đầy. Già là khổ, bệnh là khổ và chết là khổ, những nỗi khốn khổ này nói ra không bao giờ hết. Còn chúng sanh ở thế giới Tây phương thì sự khoái lạc vô tận vĩnh viễn không bao giờ có nỗi khổ, già, bệnh, chết. Những sự khoái lạc này nói ra cũng không bao giờ cùng tận. Nay ông nên phát nguyện cầu sanh Tây phương lại nên cầu cho những người bà con của ông cũng được vãng sanh đồng thọ hưởng khoái lạc. Nếu ông còn tâm niệm luyến ái bà con cùng tài sản là sẽ gây chướng ngại cho việc ông vãng sanh, nên mau buông bỏ tất cả những ý niệm đó khiến bản thân ông trước được vãng sanh.

Một khi ông đã vãng sanh lúc đó sẽ có vô lượng thần thông đạo lực, nương bi nguyện trở lại Ta bà hóa độ hết thảy những người bà còn quyến thuộc của ông đều được vãng sanh, đồng làm pháp quyến của Phật A Di Đà vĩnh viễn hưởng thọ khoái lạc. Từ nay trở đi nếu ông còn tâm đắm trước bà con và tài sản, lúc đó ông nên răn trách bản thân : “Thế giới Ta bà có vô lượng nỗi thống khổ còn thế giới Cực lạc có vô lượng sự an vui, cớ sao ta vì duyên điên đảo đắm trước quyến thuộc và tài sản gây chướng ngại khiến bản thân không được vãng sanh, lại nhận lầm bà con đời đời kiếp kiếp nên không có người nào được độ”. Nếu ông tự răn trách bản thân như thế thì có thể nhất tâm niệm Phật, dõng mãnh cầu nguyện vãng sanh Tây phương”.

Người bệnh nếu vẫn còn tâm nghi ngờ “Bản thân tôi đã niệm Phật tại sao không thấy Phật đến rước”. Lại có tâm hoài nghi : “Tôi sắp đến lúc lâm chung không biết đức A Di Đà có đến tiếp dẫn tôi hay không?”. Lúc đó người trợ niệm nên đối trước người bệnh khai thị : “Hiện nay việc thấy Phật hay không thấy Phật đều chẳng quan hệ. Giả sử hiện nay ông chưa thấy Phật nhất định đến lúc lâm chung ông sẽ thấy. Điều quan trọng là lúc này một câu hồng danh A Di Đà Phật ông nên niệm niệm hiện tiền là được. Đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà tự nhiên trong tâm niệm Phật của ông sẽ hiện thân ra tiếp dẫn. Ông cũng sẽ ở trong tâm niệm Phật đó theo Phật mà vãng sanh Tây phương.

Bây giờ ông cần phải chú tâm niệm Phật nhất thiết không nên sanh tâm nghi ngờ. Giả sử nếu có tâm nghi ngờ thì tâm ông lúc này cùng với tâm của đức Phật A Di Đà có sự ngăn ngại, gây chướng ngại bản thân không thể vãng sanh. Ông nếu không có tâm nghi ngờ một lòng niệm Phật tâm ông sẽ cùng với tâm Phật A Di Đà có sự cảm ứng nhất định sẽ được vãng sanh, một hào ly cũng không sanh tâm nghi ngờ. Nên biết người niệm Phật lâm chung thấy Phật hiện thân tiếp dẫn là có sớm có muộn. Sớm hoặc thấy trước một hai ngày hoặc thấy trước vài ba giờ đồng hồ hoặc thấy trước vài ba phút. Chậm là sau khi người bệnh chấm dứt mạng căn, một sát na sau cùng ( thời điểm thần thức rời khỏi thể xác ) Phật mới ứng niệm hiện tiền cũng là lúc người bệnh thấy Phật và vãng sanh Tây phương”.

Nếu người bệnh ở ban ngày hay ban đêm hoặc ở trong định niệm Phật, hoặc trong giấc mộng như thấy các hình tướng quái ác, nghe các âm thanh ác khiến tâm kinh sợ làm chướng ngại vãng sanh. Lúc này người trợ niệm nên đối trước người bệnh khai thị : “Những hình tướng quái ác những âm thanh ác đó vốn là những oan gia mà nhiều đời nhiều kiếp trước đã bị ông bức hại. Nay chúng biết ông phát tâm niệm Phật quyết định sẽ vãng sanh Tây phương, vì thế nó hiện ra các cảnh giới hung ác này làm cho tâm ông run sợ gây chướng ngại khiến ông không thể niệm Phật vãng sanh. Tâm ông không nên run sợ không cần nhìn họ, không nên nghe họ mà chỉ chuyên tâm chú ý vào nột câu hồng danh A Di Đà Phật, niệm niệm khẩn thiết chí thành, không nên có một niệm nào gián đoạn. Lúc đó oan gia đời trước hiện ra ma quỷ oán trách không có chỗ nương cậy tự nhiên họ sẽ tiêu diệt.

Hoặc nhân thấy các vong nhân trong giòng tộc như thấy ông, bà, cha, mẹ... đến đòi tiếp dẫn ông. Ông nên biết những vong nhân này đều là do quỷ thần biến hóa, từ trong ba cảnh ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh hiện ra lừa gạt ông vào trong ba cảnh ác đạo đồng chịu khổ. Ông không được đi theo họ bản thân chỉ một câu hồng danh A Di Đà Phật niệm niệm không gián đoạn, thì những vong nhân ông, bà, cha, mẹ biến hóa ra quỷ thần đó sẽ tự nhiên tiêu diệt.

Hoặc như thấy các vị trời, thần nào đến đòi tiếp dẫn ông sanh thiên hoặc làm thần, tâm ông một hào ly cũng không nên bị họ làm giao động. Chỉ có đức Phật A Di Đà ở phương tây hoặc Bồ tát Quán thế âm, Bồ tát Đại thế chí đến tiếp dẫn như thế ông mới đi. Nên biết đức A Di Đà Phật cũng là do tâm niệm Phật của ông mà cảm ra. Tâm ông nếu mỗi niệm mỗi niệm đều niệm Phật thì đức Phật A Di Đà ở phương tây cũng là ở trong tâm thanh tịnh niệm Phật của ông hiện ra tiếp dẫn, còn ông cũng ở trong tâm thanh tịnh niệm Phật mà theo Phật vãng sanh. Nên chú ý! Chú ý!”

IX. NHỮNG LỜI KHAI THỊ LÚC LÂM CHUNG



Ông nên biết phàm con người ở thế gian không luận sự tình như thế nào, đều phải gánh chịu hai việc bệnh khổ và tử vong là điều không ai tránh khỏi. Nay thân ông đang bệnh nhưng tâm ông không quá bi sầu thống khổ mà nên chuyên tâm trì niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà, niệm niệm ông nên duyên theo tiếng niệm Phật mong cầu vãng sanh Tây phương, như thế ngay đây bệnh khổ sẽ không làm ảnh hưởng.

Chúng ta là người niệm Phật không luận sự tình như thế nào, đến lúc lâm chung tất cả mọi việc đều nên buông xả, trong tâm chỉ có một câu hồng danh A Di Đà Phật rõ rõ ràng ràng, niệm niệm đều chấp trì câu A Di Đà Phật. Ông nên tự nhủ : “Giờ đây tôi chỉ có một câu A Di Đà Phật dù ba ngày, năm ngày hoặc bảy ngày vãng sanh cũng tốt, trước sau chí nguyện của tôi không bao giờ dời đổi”. Ông nếu làm theo lời tôi thì câu Phật hiệu đó sẽ bảo chứng cho ông quyết được vãng sanh Tây phương. Nhất định ông không nên nghe theo những lời chỉ vẻ của hạng người không có trí thức, có chút bệnh khổ rồi kêu chồng kêu vợ, cầu trời, tiên, quỷ thần bảo hộ đây là điều sai lầm lớn. Nên biết chúng ta người niệm Phật, khi lâm chung không luận là có bệnh khổ hay không bệnh khổ đều nên thành khẩn cầu đức Phật A Di Đà sớm đến tiếp dẫn. Còn trời, tiên, quỷ thần ngay bản thân họ vẫn còn sanh tử luân hồi trong lục đạo làm sao có đủ sức mạnh đến cứu bạt được ông thoát ly sanh tử luân hồi.

Chỉ có đức A Di Đà Phật từ bi, Ngài có bốn mươi tám đại nguyện cùng thần thông đạo lực vô lượng, mới có thể cứu độ được ông vĩnh viễn thoát ly sanh tử luân hồi. Ông nếu còn tư tưởng mong cầu thiên, tiên, quỷ thần bảo hộ thì mau buông bỏ, một lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương. Nếu như thọ mạng của ông chưa hết, nhờ công đức niệm Phật này sẽ tiêu trừ nghiệp chướng bệnh sẽ thuyên giảm. Còn bằng thọ mạng của ông đã hết cũng nhờ công đức niệm Phật này quyết định được vãng sanh. Giả sử ông chỉ cầu lành bệnh không cầu sanh Tây phương, như vậy nếu thọ mạng của ông chưa hết sẽ không được vãng sanh, bệnh của ông cũng khó lành, chẳng những bệnh của ông khó lành mà còn tăng thêm sự thống khổ. Chúng ta làm người trong thế giới Ta bà này phải chịu vô vàn sự khổ não, nếu như được vãng sanh Tây phương thì sự hưởng thọ khoái lạc là vô cùng vô tận.

Giả sử ông có tâm mong cầu chư thiên tiên bảo hộ mạng sống như thế ông còn có tâm sợ chết, nếu như ông có tâm sợ chết thì tâm ông đã cùng với bản nguyện đức Phật A Di Đà có sự ngăn ngại cảnh giới Tây phương sẽ không hiện tiền, lúc đó sẽ vĩnh viễn lặn hụp trong biển khổ sanh tử luân hồi chẳng có thời gian trông mong giải thoát. Nếu ông còn tâm sợ chết nay nên tự răn trách : “Tôi đã phát tâm niệm Phật vì sao còn tâm ngu si sợ chết, khiến bản thân chướng ngại không được vãng sanh Tây phương? Từ nay về sau tôi nguyện khẩn thiết chí thành một lòng niệm Phật cầu nguyện Phật từ bi sớm đến tiếp dẫn”.

Nên biết lúc lâm chung bệnh khổ phát hiện là do ác nghiệp của ông nhiều đời nhiều kiếp đã tạo mà cảm thành, hoặc những oan gia do nhiều kiếp đến nay đã bị ông bức hại họ kéo đến để đòi lại nợ xưa. Vì thế có nhiều bệnh khổ phát hiện khiến tâm ông sanh phiền não làm chướng ngại không thể an tâm niệm Phật. Nếu ông hiểu rõ được nghĩa ý này như thế tâm ông sẽ không bị phiền não xoay chuyển, niệm Phật mới có thể tăng thêm lòng chí thành khẩn thiết, niệm niệm không rối loạn tâm an trụ vào câu hồng danh A Di Đà Phật, quyết được vãng sanh thế giới Cực lạc”.

X. GIẢI THÍCH NHỮNG MỐI NGHI VỀ BỆNH KHỔ LÚC LÂM CHUNG



Người niệm Phật đến lúc lâm chung nếu có các bệnh nặng phát hiện, không nên sanh tâm nghi ngờ cũng không nên kinh sợ. Trước đây, pháp sư Huyền Trang lúc lâm chung cũng có bệnh nặng huống gì chúng ta là hàng cụ phược phàm phu làm sao tránh khỏi bệnh khổ. Nên biết những bệnh khổ này là do ác nghiệp đời trước của ông cảm ra, bây giờ nếu ông không dõng mãnh niệm Phật thì ác nghiệp này sẽ chiêu cảm quả báo đời sau. May ông có căn lành biết niệm Phật nên một số ác nghiệp nương vào từ lực của Phật A Di Đà, chuyển sang quả báo nhẹ một vài bệnh khổ trong kiếp hiện tại. Bệnh khổ này chỉ là tạm thời sau khi chịu xong rồi ngay đó ông sẽ được vãng sanh Cực lạc.

Ông nên dõng mãnh đề khởi một câu A Di Đà Phật, niệm niệm chuyên chú vào câu Phật hiệu không nên có một niệm bệnh khổ xen vào.Ông nên biết thời điểm lâm chung là sự phân ranh đời sau ông thát sanh về cảnh giới Tây phương hay đọa lạc vào Địa ngục. Tâm ông nếu giờ phút này duyên theo bệnh khổ phiền não đó là đang đọa lạc vào cảnh giới Địa ngục, nếu duyên theo danh hiệu A Di Đà Phật đó là vãng sanh thế giới Cực lạc. Nên cẩn thận! Cẩn thận!

Lúc này hơi thở của ông nếu quá ngắn, bốn chữ A Di Đà Phật niệm không nổi thì chỉ niệm một chữ Phật là được. Tâm ông duyên theo chữ Phật nghĩ tưởng mình đã vãng sanh. Nếu vì các bệnh khổ quá bức bách thậm chí một chữ Phật niệm cũng không nổi, lúc đó tâm ông nên tưởng trước mặt mình rõ rõ ràng ràng có đức Phật A Di Đà hiện thân đưa tay tiếp dẫn. Tâm ông mỗi niệm mỗi niệm nghĩ rằng mình đã vãng sanh Cực lạc, khi lâm chung thần thức quyết định nương theo tâm nguyện cầu sanh đó mà được vãng sanh.

Cổ đức có dạy : “Người nào khi lâm chung không thể quán tưởng hay niệm Phật được, thì chỉ cần khởi ý biết có Phật, người đó mạng chung quyết được vãng sanh, trong kinh Pháp cổ đã dạy như vậy”.

( Giải thích sơ lược câu nói trên của cổ đức ).

Người nào khi sanh tiền tu pháp quán tưởng nhưng chưa thành tựu Quán tưởng tam muội, hoặc tu pháp trì danh nhưng chưa thành tựu công phu nhất tâm bất loạn. Một mai khi lâm chung do bệnh nặng bức bách thân tâm không được an định cho đến có vô lượng sự chướng ngại, lúc đó quán tưởng không thành trì danh cũng không được. Người đó nếu có thể nghĩ tưởng trước mặt mình có Phật A Di Đà từ bi duỗi tay tiếp dẫn, niệm niệm nghĩ rằng mình đã vãng sanh. Một niệm sau cùng với tâm mong cầu vãng sanh, tâm này sẽ duyên theo niệm mong cầu mà vãng sanh Tây phương. Đây là lời nói chân thật xuất phát từ trong kinh Pháp cổ chính đích thân Phật tuyên thuyết.

XI. PHƯƠNG PHÁP TRỢ NIỆM



Đối với việc trợ niệm trước hết người chủ lễ phải nên quán sát bệnh tình người bệnh như thế nào. Nếu như bệnh đang nhẹ chưa hệ trọng lắm, lúc đó khởi đầu tán bài Liên trì hải hội, tụng một biến kinh Di Đà ba biến Vãng sanh thần chú ( tốt nhất là hai mươi mốt biến ) ; kệ tán Phật ( A Di Đà Phật thân kim sắc... ) tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật, niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật khoảng mười câu rồi chuyển sang niệm bốn chữ hồng danh A Di Đà Phật. Nếu như bệnh nặng hệ trọng ( chuẩn bị lâm chung ) thì khởi đầu niệm bốn chữ hồng danh A Di Đà Phật. Pháp khí sử dụng trợ niệm chỉ nên dùng khánh âm thanh mõ qúa trầm không nên dùng.

Người trợ niệm ban ngày chia thành hai ban, ban đêm chia thành ba ban, số người mỗi ban tối thiểu là hai người hạn định một giờ đồng hồ đổi ban. Phương pháp trợ niệm ban ngày ban một niệm Phật lớn tiếng ban hai mặc niệm qua một giờ đồng hồ đổi lại ban hai niệm lớn tiếng ban một mặc niệm, cũng niệm một giờ đồng hồ rồi đổi ban. Ban đêm, ban một niệm lớn tiếng ban hai và ban ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, niệm một giờ đồng hồ đổi lại ban hai niệm Phật lớn tiếng, ban một và ban ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, lại niệm một giờ đồng hồ đổi lại ban ba niệm Phật lớn tiếng, ban một và ban hai mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi.

Như thế cứ luân phiên thay ban nên không luận là ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng đều có thể trợ niệm lâu dài. Các ban trợ niệm luân phiên theo thứ tự, bắt đầu là ban một tiếp theo là ban hai và ban ba kế lại bắt đầu là ban một, như thế hết các ban rồi lại từ đầu khiến cho ngày đêm âm thanh Phật hiệu tương tục. Mỗi ngày ba bữa cơm ăn nước uống đều phân chia người khác phục vụ. Ngưới trợ niệm nếu sau khi dùng cơm xong thời gian tiếp ban chưa đến có thể mọi người trong ban thay nhau nghỉ ngơi đôi chút để phục hồi tinh thần.

Trước khi trợ niệm người chủ lễ nhất định cần đối trước bệnh nhân khai thị :’’ Ông nên biết giờ phút này mọi người đang niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên cùng mọi người đồng niệm. Nếu như sức khỏe quá suy nhược không thể niệm theo, ông nên lưu tâm chú ý lắng nghe mọi người niệm Phật thì cũng như ông đang niệm. Có điều tai ông nghe câu Phật hiệu phải rõ một câu nghe một chữ rõ một chữ, tai nghe rõ rõ ràng ràng, trong tâm nên biết ghi nhớ rõ rõ ràng ràng. Ông nên toàn tâm toàn ý hướng về âm thanh danh hiệu Phật A Di Đà”. Sau khi nói lời khai thị đó xong m��i cử hành nghi thức niệm Phật trợ niệm.

Nếu như người bệnh có lúc rơi vào trạng thái hôn mê không còn hay biết, lúc đó người trợ niệm nên dùng khánh kê sát tai người bệnh đánh một vài tiếng, đồng thời âm thanh Phật hiệu phải lớn hơn khiến cho tâm người bệnh lần lần thoát khỏi sự hôn mê.

Người bệnh sắp đến lúc chấm dứt hơi thở với người trợ niệm nếu là số nhiều, tốt nhất là cùng bà con đối trước Tam bảo, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm, đồng thời trong tâm mỗi người đều quán tưởng đức Phật A Di Đà hiện đang phóng ánh sáng lớn tiếp độ người chết, người chết đang ở trong hào quang của Phật chắp tay trang nghiêm mà vãng sanh Tịnh độ. Sau khi đã chấm dứt hơi thở độ mười phút người trợ niệm nên chia thành hai ban, mỗi ban luân phiên niệm Phật khoảng nửa giờ đống hồ, bắt đầu từ thời điểm này trở đi nhất định cần phải niệm Phật lớn tiếng. Rồi cứ tuần tự đổi ban niệm Phật như trước.

Lúc người bệnh chuẩn bị chấm dứt hơi thở người trợ niệm cần đặc biệt chú ý. Nếu khuôn mặt người bệnh ra mồ hôi hoặc hiện tướng sầu khổ, hoặc đầu, thân, tay chân cử động. Các tướng trạng đó là biểu hiện của bệnh khổ hành hạ. Hoặc người bệnh đôi lúc rơi vào trạng thái hôn mê không hay biết. Nếu có các tình huống như thế phát hiện thì biết bởi người bệnh khi sanh tiền công phu niệm Phật chỉ là tầm thường, rất khó làm chủ chánh niệm. Lúc đó người trợ niệm nên đến gần người bệnh răn nhắc : “Cảnh giới Tây phương hiện đang ở trước mặt ông, ông nên cố gắng trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà để được vãng sanh Cực lạc”. Lại để ý thân sắc người bệnh nếu vẫn tương tự như trước, người trợ niệm nên nhắc lại lời đó một lần nữa, tối đa không quá ba lần sau đó chỉ niệm Phật lớn tiếng trợ niệm mà thôi.

Người bệnh sau khi đã chấm dứt hơi thở trước khi thân thể chưa lạnh hẳn, ở trong giai đoạn trung gian này những vị trong ban trợ niệm cần hết sức chú ý, tuyệt đối cấm thăm dò hơi nóng và bà con khóc lóc chỉ nên phát tâm niệm Phật lớn tiếng trợ niệm. Cần phải trải qua mười hoặc mười hai giờ đồng hồ mới có thể mời một vị có sức tu hành tương đương và kinh nghiệm dùng tay nhẹ nhàng thăm dò hơi nóng thân thể người chết, cho đến khi toàn thân lạnh hẳn việc trợ niệm mới tạm dừng. Lúc đó người trợ niệm hướng về trước Phật, thay mặt người chết hồi hướng công đức niệm Phật, cầu nguyện người chết được vãng sanh Tịnh độ.

Nếu toàn thân người chết vẫn chưa lạnh hẳn thì không luận một ngày, hai ngày, ba ngày mọi người đều nên phát tâm niệm Phật lớn tiếng. Cá nhân mỗi người trợ niệm đều nên nghĩ, đây là lúc chúng ta thay thế đức Như lai cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Mọi người không nên vì chút thời gian này mà sanh tâm nhọc nhằn biếng nhác khiến cho người chết lạc lối không được vãng sanh Tây phương. Chúng ta mỗi người cần phát tâm dõng mãnh, niệm Phật lớn tiếng trợ niệm cho đến khi người chết toàn thân lạnh hẳn mới tạm đình chỉ việc trợ niệm. Chúng ta nếu trợ niệm với tâm như thế mới chân chánh phát Bồ đế tâm hành Bồ tát đạo biểu hiện sự tu hành một cách thực tế.

XII. THỜI GIAN TẮM RỬA THAY QUẦN ÁO



Người chết sau khi toàn thân lạnh hẳn qua hai giờ đồng hồ mới có thể tắm rửa và thay y phục. Nếu các đốt tay chân cong cứng thì dùng vải cũ nhún nước nóng háp vào chỗ cong, khoảng vài ba phút tay chân sẽ mềm mại. Hai mắt nếu chưa nhắm cũng dùng vải nhún nước nóng háp vào mắt, khoảng vài ba phút sẽ nhắm lại.

Đối với việc mặc y phục cho người chết, tốt nhất là khi sống họ mặc y phục gì thì nên liệm y phục đó. Áo quần liệm không phải sang trọng và mặc nhiều là tốt. Nên biết, nếu có lòng thương người chết điều tốt nhất là làm cho họ vãng sanh Tây phương hưởng thọ mọi sự khoái lạc. Chỉ có việc làm cho người chết vãng sanh mới thực được tính là hiếu thuận, là thân ái, là từ ái. Nếu chỉ lo trang điểm hình thức chỉ cầu ngưới khác tán thán, nhất định phải mặc đồ tẩm liệm cho sang trọng, quan tài cho đắt tiền, phát tang rầm rộ, ăn uống linh đình... mà hoàn toàn không đoái hoài đến sự lợi ích chân thật của người chết, đây quả thật là đại sai lầm.

XIII. PHƯƠNG PHÁP TIẾN VONG



Sau khi người chết đã vãng sanh Tây phương, đối với việc tang lễ cúng tế vong linh nên lấy việc cúng chay niệm Phật làm chính ( cấm sát sanh, rượu thịt, cử ngũ tân ). Nếu muốn làm công đức tốt nhất nên thỉnh vài ba vị Tăng Ni đến trợ giúp niệm Phật. Số ngày nhiều hay ít nên xem qua tình hình kinh tế gia đình để quyết định. Đối với việc niệm Phật cúng tế vong linh trong bà con nhiều người tham dự là rất tốt, nhân vì người bà con có mối quan hệ huyết thống, do đó tâm niệm Phật so với người ngoài sẽ tha thiết chí thành hơn. Với việc niệm Phật không luận người xuất gia hay tại gia nếu ai có tâm khẩn thiết chí thành sẽ đạt được công đức to lớn. Công đức sau mỗi thời niệm Phật đều đối trước bàn linh thay mặt cho người chết hồi hướng vãng sanh Tây phương. Giả sử người chết đã vãng sanh nhờ công đức niệm Phật này có thể tăng cao phẩm vị Liên hoa, bằng như chưa được vãng sanh cũng có thể nương nhờ công đức này mà sớm vãng sanh Cực lạc.

Người thế tục phần nhiều đều cho các việc tụng kinh, lễ sám, chẩn tế là kỳ đặc còn niệm Phật là chuyện tầm thường, một số người có quan điểm như thế là không thông hiểu Phật pháp. Công đức của câu niệm Phật kinh Quán vô lượng thọ có nói : “Niệm một câu Phật hiệu có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”, như thế ai là người dám cho công đức niệm Phật là tầm thường. Lại trong phần Hạ phẩm hạ sanh của kinh này nói : “Nghe được tên gọi tựa đề mười hai bộ kinh có thể tiêu trừ một ngàn ức kiếp ác nghiệp cực nặng, niệm một câu A Di Đà Phật có thể tiêu trừ năm trăm vạn đại kiếp sanh tử trọng tội”. Lại nói: “Chỉ cần nghe một câu A Di Đà Phật có thể tiêu trừ vô lượng đại kiếp sanh tử trọng tội”. Lời dẫn trong kinh là có căn cứ chúng ta có thể biết được công đức niệm Phật là bất khả tư nghì.

Việc thỉnh các pháp sư đến tụng kinh, lễ sám, chẩn tế nếu có tâm chí thành thì công đức rất lớn, đáng tiếc người ngày nay tâm chí thành rất ít. Đại sư Ấn Quang nói : “Các vị Tăng hiện nay khi làm pháp sự, phần nhiều đều là phô diễn bên ngoài không đúng như pháp, chỉ đặt nặng hình thức đạo tràng dễ xem, thành ra việc làm chỉ là hư sáo. Giả sử chuyên tâm niệm Phật mọi người ai cũng có thể niệm được, công đức càng rộng lớn lại thiết thực. Nếu như đem công đức niệm Phật hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đồng sanh Tây phương thì công đức lại càng tăng thêm rộng lớn, đối với người chết đạt được sự lợi ich vô cùng vô tận”.

Người chết sau khi đã vãng sanh Tây phương, bà con trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật giữ năm giới thì người còn kẻ mất cả hai đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

XIV. HỎI ĐÁP VỀ THÂN TRUNG ẤM



Hỏi : Con người sau khi chết nếu bà con trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức để hồi hướng cho người chết, người chết có được sự lợi ích như thế nào?

Đáp : Người chết xác thực đã vãng sanh Tây phương, bà con trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức để hồi hướng cho người chết, một mặt có thể làm cho người chết tăng cao phẩm vị Liên hoa, một mặt bà con đạt được phước đức vô lượng. Giả sử người chết chưa được vãng sanh như vậy tuy đã chết nhưng còn chưa quyết định đi đầu thai nơi nào thì ở vào giai đoạn thân trung ấm. Thời gian này nếu người bà con vì họ niệm Phật làm mọi công đức, khai phát thiện căn Tịnh độ cho họ khiến họ đang ở thời kỳ trung ấm được sanh lòng tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương. Chỉ cần người bà con trợ giúp cho họ đầy đủ ba món tư lương tín, nguyện, hạnh, quyết định họ sẽ nương nhờ từ lực của Phật mà sớm được vãng sanh.

Hỏi : Ý nghĩa thân trung ấm như thế nào?

Đáp : Con người chết rồi sau khi thần thức lìa khỏi thể xác trước lúc chưa đi đầu thai, ví như người từ trong nhà bước ra ngoài nhưng chưa vào nhà khác vẫn còn ở trung gian, đây là chỉ ý nghĩa thân trung ấm. Người nào có tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật khi mới chết ngay đó liền vãng sanh Tây phương, hoặc người có căn lành sâu dày thì trực chỉ sanh về cõi trời, hoặc kẻ tạo ác nghiệp nặng liền đọa vào Địa ngục Vô gián, ba hạng người này là không trải qua gian đoạn thân trung ấm. Hạng người phổ thông bình thường đã không phải cực thiện cũng không phải cực ác đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Thời gian thân trung ấm thọ sanh có nhanh chậm không đồng. Nhanh thì trong khoảng khảy móng tay liền đầu thai vào một trong sáu đạo luân hồi, chậm thì khoảng bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày.

Hỏi : Duyên cớ gì con người sau khi chết không đi đầu thai mà phải rơi vào giai đoạn thân trung ấm, trải qua bốn mươi chín ngày mới đi đầu thai?

Đap : Bởi do người chết trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đã tạo các nghiệp thiện ác lẫn lộn. Trong vọng tâm vô minh nghiệp thức đó, một niệm lành một niệm ác cứ sanh rồi diệt diệt rồi lại sanh khiến nghiệp thiện ác liên tục không phân định. Nếu như trụ vào nghiệp thiện, tâm này thuần thiện thì do trong tâm thiện phát hiện ra cảnh giới lành Thiên,Nhân, A tu la tâm thức này tùy theo nghiệp lành đó mà đi đầu thai. Nhưng vì, trong tâm thiện cũng có duyên thượng phẩm thiện, trung phẩm thiện, hạ phẩm thiện mới cảm thành ba cõi Thiên, Nhân, A tu la không đồng nhau.

Nếu như trụ vào nghiệp ác, tâm này thuần ác do trong tâm ác phát hiện ra ba cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, trong tâm thức này tùy theo cảnh giới ác đó mà đi đầu thai. Nhưng vì trong tâm ác cũng có duyên thượng phẩm ác, trung phẩm ác, hạ phẩm ác mới cảm thành ba cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không đồng. Nên biết, bởi có mối quan hệ tâm và cảnh tương đồng như thế,vì vậy người bà con ở trong thời gian bốn mươi chín ngày cần ăn chay niệm Phật thay hương linh tu tạo công đức, khiến người chết nương nhờ công đức đó mà tiêu trừ tội ác tăng trưởng phước lành, vãng sanh Tây phương hoặc siêu thăng trong cảnh giới Thiên đạo hay Nhân đạo.

Bằng như người bà con trong thời gian này không phát tâm ăn chay niệm Phật mà gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu ăn thịt như thế túc nghiệp ( nghiệp đời trước ) người chết nếu là nghiệp lành sẽ chuyển thành nghiệp ác; như túc nghiệp người chết nếu là nghiệp ác thì nghiệp ác lại thêm tăng trưởng. Nên biết nghiệp ác nếu tăng thêm sẽ thành thượng phẩm ác, nghiệp đó nhất định khiến cho người chết đọa lạc vào Địa ngục vĩnh viễn chịu vô lượng sự thống khổ.

Hỏi : Nếu kinh tế gia đình khó khăn, mà bảo họ trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức, e rằng cuộc sống của họ khó có thể duy trì được?

Đáp : Trong tất cả mọi công đức để hồi hướng cho người chết thì công đức niệm Phật là lớn nhất, nếu như gia đình kinh tế khó khăn lúc này không cần thỉnh Tăng Ni đến làm lễ, chỉ cần toàn gia quyến phát tâm ăn chay niệm Phật là đủ. Thời gian niệm Phật, quy định sáng sớm niệm Phật xong đối trước bàn thờ người chết hồi hướng rồi dùng cơm sáng. Buổi trưa niệm Phật trước hay sau bữa cơm tùy theo công việc bản thân sao cho thích hợp mà sắp xếp. Buổi chiều sau bữa cơm mới niệm Phật, niệm xong đối trước bàn vong mà hồi hướng, mỗi ngày quy định ba thời niệm Phật ba lần hồi hướng, thời gian còn lại khi làm công việc cũng nên cố gắng mặc niệm niệm Phật.

Phương pháp niệm Phật siêu độ người chết như thế, đối với cuộc sống kinh tế gia đình sẽ không bị ảnh hưởng. Phương pháp này vừa đơn giản nhưng lại tiện lợi hoàn toàn không chướng ngại cuộc sống mà công đức rất lớn. Gia đình lại có thể bình an thanh khiết, bà con mỗi người đều được phước đức mà người chết cũng được sự lợi ích vô cùng. Đây là phương pháp thù thắng làm cho cả hai người sống lẫn kẻ chết đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

XV. DẪN ĐOẠN CĂN BẢN TRONG KINH ĐỊA TẠNG PHẨM “TỒN VONG LỢI ÍCH” THỨ BẢY LÀM PHẦN KẾT



Trưởng giả Đại biện chắp tay cung kính hỏi Bồ tát Địa tạng : “Kính bạch Đại sĩ! Chúng sanh ở cõi Nam diêm phù đề này sau khi mạng chung, quyến thuộc lớn nhỏ vì người chết mà tu tạo các công đức cho đến thiết trai cúng dường, tạo nhân lành đó thì người chết kia có được sự lợi ích và giải thoát chăng?”

Ngài Địa tạng đáp : “Thưa trưởng giả! Các chúng sanh ở hiện tại và vị lai trong ngày lâm chung, nếu họ được nghe danh hiệu của một vị Phật, một vị Bồ tát, hoặc một vị Bích chi Phật thì không luận là kẻ có tội hay không có tội đều được giải thoát ( vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc ).

( Lại nói ) : Quỷ dữ vô thường không hẹn mà đến, lúc đó thần hồn mờ mịt chưa biết tội phước, trong bảy tuần thất như si như điếc, hoặc ở các ty để luận nghiệp quả,sau khi thẩm định tùy nghiệp mà thọ sanh. Giữa lúc tội phước chưa được ngã ngũ thì người chết kia ngàn muôn sầu khổ, huống gì đọa lạc vào chốn ác thú Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Kẻ mạng chung này khi chưa thọ sanh, thì trong bảy tuần thất lúc nào cũng mong ngóng bà con quyến thuộc tạo phước lực để nhờ cứu vớt. Qua bảy tuần thất rồi theo nghiệp chiêu báo. Nếu như người chết là kẻ có tội thì qua trăm năm hay ngàn năm ( thường ở trong ba ác đạo Địa ngục, Ngạ quỷ,Súc sanh chịu mọi khổ báo ) không ngày giải thoát. Nếu người này mắc tội ngũ vô gián tức đọa vào Địa ngục lớn đến ngàn kiếp vạn kiếp, chịu mãi các sự thống khổ ( một đại kiếp tính theo số năm cõi người là 1 344 000 000 năm ).

( Lại nói ): Nếu người bà con có thể vì người chết trong bảy tuần thất, rộng tu các công đức ( ăn chay niệm Phật, trì giới cúng dường Tam bảo...) thì làm cho các chúng sanh này vĩnh viễn thoát ly ác thú ( Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh ) được sanh Nhân, Thiên hưởng thọ các sự diệu lạc, bà con hiện tại cũng được sự lợi ích vô lượng.

Hai câu hỏi đáp



Hỏi : Có người bình thường tín, nguyện, niệm Phật, nhưng khi lâm chung trúng gió cấm khẩu thần thức hôn mê, lúc đó có người khác vì họ niệm Phật trợ niệm có tác dụng hay không? Nếu có tác dụng thì thần thức người đó đã hôn mê không còn hiểu biết làm sao tác dụng? Nếu không tác dụng như thế công đức một đời tín, nguyện, niệm Phật của họ há trở nên vô nghĩa sao?

Đáp : Công đức niệm Phật là bất khả tư nghì. Như có người bình thường tín, nguyện, niệm Phật nhưng khi lâm chung trúng gió cấm khẩu thần thức hôn mê, nếu được thiện tri thức vì họ trợ niệm thì người đó sẽ đạt được sự lợi ích bất khả tư nghì. Hoặc như người đó thần thức trước khi chưa lìa thể xác, trở lại tỉnh táo có thể nghe được tiếng niệm Phật thì có thể phát khởi tâm tín, nguyện, niệm Phật như lúc bình thường, khi mạng chung sẽ nương nhờ Phật lực tiếp dẫn mà được vãng sanh thế giới Cực lạc, vấn đề này là tất nhiên.

Giả sử người đó hôn mê đến chết thần thức lìa khỏi thể xác, nhân vì nghiệp đời này đời trước chưa phân định nên phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Nếu được bà con hay thiện tri thức niệm Phật trợ niệm, người chết lúc đó có thể nhớ lại và phát khởi tâm tín, nguyện, niệm Phật, nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh. Nếu không được như thế chỉ được thiện tri thức tạo thắng duyên trợ niệm, giả sử không được vãng sanh cũng có thể tăng trưởng căn lành Tịnh độ sau này. Như trong kinh có đoạn : “ Vào thời Phật tại thế có một ông lão giữa đường gặp cọp, ông leo lên cây, do quá kinh sợ mà buộc miệng kêu một chữ Phật, nhờ công đức đó cảm quả báo đời sau gặp Phật được hóa độ”. Huống gì người cả một đời tín, nguyện, niệm Phật ư? Quan sát như thế đủ chứng minh công đức niệm Phật tuyệt đối là không vô ích.

Hỏi : Người điếc khi lâm chung tuy được người khác trợ niệm, nhưng họ không thể nghe tiếng niệm Phật thì sự trợ niệm đâu có tác dụng?

Đáp : Người điếc là do nhĩ căn đời trước tạo nghiệp nên cảm thành quả báo. Họ tuy không nghe tiếng niệm Phật nhưng khi lâm chung có người vì họ trợ niệm vẫn được vãng sanh. Vì sao? Bởi người điếc tuy nhĩ căn bị khuyết nhưng tánh nghe không mất. Chỉ cần tâm họ tỉnh táo tín nguyện kiên cố, lúc mạng chung sẽ cảm Phật hiện thân đến tiếp dẫn. Lại được thiện tri thức vì họ trợ niệm do tâm lực của chúng sanh là bất khả tư nghì, công đức của hồng danh A Di Đà Phật là bất khả tư nghì quyết định người đó sẽ vãng sanh Tây phương, như thuyền trống thuận gió xuôi buồm, xe nhẹ chạy trên đường vắng.

Hoặc khi người đó lâm chung thân đời trước đã chết thân đời sau chưa sanh, lúc đó chỉ có thức thứ tám là có tác dụng, người này sanh tiền vì nghiệp chướng nhĩ căn tuy không có nhưng không phải là không có nhĩ thức, đến đây quả báo trước đã trả hết thì thức thứ tám tự có khả năng nghe hiểu biết như lúc bình thường .

Lời bạt



Kinh nói: “Xa lìa ba đường ác, được thân người là khó”. Chúng ta tuy được thân người nhưng mạng sống khó bảo đảm trăm năm. Nghĩa là tứ đại giả hợp thành sắc thân rốt cùng tán diệt. Chỉ có một niệm thần thức là tùy nghiệp thọ sanh. Như người mắc nợ kẻ nào mạnh kéo trước. Giả sử đời này có sức thiện nghiệp sâu lại kiêm tu Giới, Định, Tuệ, sau khi chết thác sanh thiên đạo thọ mạng vạn kiếp, nhưng đến khi hưởng hết phước trời vẫn bị đọa lạc rốt cùng không thể giải thoát.

Đức Phật diệt độ đã lâu cách Thánh hiền càng xa, người tu hành phần nhiều nghiệp chướng sâu nặng căn cơ chậm lụt, tuy có diệu lý thiền giáo nhưng thử hỏi có được mấy người thích tu. Bởi sự tu hành cạn cợt như thế mà hy vọng liễu sanh thoát tử siêu phàm nhập Thánh là điều làm sao có được.

Do đó trong kinh Đại tập đức Phật có dạy: “Đời Mạt pháp ức ức người tu hành nhưng ít có ai đắc đạo, chỉ nhờ nương vào pháp môn niệm Phật mà được thoát luân hồi”. Quán sát câu kinh trên chúng ta có thể biết được, đức Thích ca Như lai trước đây ba ngàn năm đã thấy trước mọi việc, nên bi tâm triệt để thương xót chúng sanh mà ở trong giáo pháp Tam thừa riêng thuyết một môn Tịnh độ đặc biệt bao trùm ba căn, dạy khắp loài chúng sanh phát tâm tu tập. Hoặc chuyên tu diệu quán hoặc chấp trì danh hiệu rồi tùy theo sức mình tu tạo công đức phát nguyện hồi hướng Tây phương, khi lâm chung nương nhờ Phật lực tiếp dẫn mà được vãng sanh Cưc lạc. Ở nơi Liên hoa hóa sanh thọ mạng vô cùng từ đây lần lần tiến tu vĩnh viễn không còn thoái chuyển thẳng đến khi thành Phật mới thôi.

Như thế pháp môn này vừa thẳng đường mà an ổn thù thắng mà vi diệu, xứng danh là phương tiện trong các phương tiện đường tắt trong các đường tắt . Từ xưa đến nay số người niệm Phật được vãng sanh dù trải qua nhiều kiếp cũng khó có thể tính hết được.

Tuy nhiên, hoặc có người niệm Phật nhưng chưa được vãng sanh do vì nhân duyên chưa đầy đủ cùng các nhận thức sai lầm khiến họ mê mờ mất chánh niệm cùng Phật ngăn cách mà không được vãng sanh, chứ không phải là do Phật không đến tiếp dẫn. Những nguyên nhân đó có thể như sau.

Hoặc do bình sanh tuy phát tâm niệm Phật nhưng chỉ vọng cầu phước báu không biết phát nguyện cầu sanh Tây phương; hoặc do bình sanh tuy có tín nguyện nhưng không chân thiết niệm Phật không có liên tục; hoặc do khi lâm chung thiếu thiện hữu trợ niệm như pháp hộ trì; hoặc có thiện hữu trợ niệm nhưng bị kẻ khác luận bàn chuyện tạp khiến trong lòng phiền chán bất an; hoặc do bà con bi ai khóc lóc khiến tình ái dục niệm phát khởi trói buộc khó mở khó bỏ.

Hoặc do lúc mới chết bà con mời thầy tính thuốc vọng cầu sống lại khiến cảm phải sự thống khổ vô vàn; hoặc do hơi thở vừa tuyệt thần thức chưa rời người sống xoa rờ va chạm thăm dò nóng lạnh; hoặc do sau khi toàn thân mới lạnh đã vội tắm rửa thay quần áo vuốt tay vuốt chân... Bởi do nhân và duyên chưa đầy đủ cùng các nhận thức sai lầm trên, khiến người chết mất chánh niệm mà không được vãng sanh. Vì thế người niệm Phật cần phải biết và tránh những điều này.

Trước đây có quyển “Lâm chung bờ bến” đã chỉ bày rõ ràng, có điều văn chương trác tuyệt ý tứ sâu xa khiến cho kẻ ít học khó bề lãnh hội. Năm ngoái ở Ôn châu các pháp sư Tây chấn...thỉnh cầu pháp sư Thế liễu dùng văn bạch thoại nương vào quyển “Lâm chung bờ bến” biên soạn lại sách này, ý nghĩa rất đầy đủ.

Sau khi biên soạn xong lại thỉnh cầu Hòa thượng Diệu chân ở Hoằng hóa xã giám định và đề tựa. Ấn hành lần đầu gồm hai mươi ngàn bản không bao lâu đã hết, rất nhiều người thỉnh về đọc. Nay dự trù tái bản bèn mời tôi viết lời bạt. Tôi thẹn mình văn chương quê mùa đâu dám múa bút, bèn đem những câu chuyện đích thân mấy năm qua đã thấy đã nghe lược thuật đôi điều mượn đó để chứng minh, chỉ mong người đọc sách này tin chắc không nghi người người truyền nhau tất tránh được những việc làm sai lầm về sau.

Tôi nghe có một vị cư sĩ trước làm quan ở Tô châu, sau phát tâm xuất gia trụ am nhỏ gần Linh nham. Người vợ vị đó cũng rất thâm tín Tam bảo thường đến cúng dường khuyến vị đó trở về nhà: “Ông đã xuất gia tức là Bồ tát thì nên độ chúng sanh chứ không nên tu một mình. Ông nếu trở về nhà tu tất cả mọi nhu cầu cuộc sống tôi nguyện sẽ phụng sự”. Nhân người vợ khuyến dụ nhiều lần khiến ý chí khó giữ vững, phần nữa quanh tịnh thất có nhiều sự nhiễu loạn thường cảm thấy bất an. Ông ta nghĩ nếu trở về nhà được người vợ lo toan, tất dễ an tâm niệm Phật bèn nghe theo lời vợ.

Ngày nọ vị này kêu vợ lại bảo : “Đức Phật A Di Đà đã hiện thân đến tiếp dẫn tôi tôi sắp vãng sanh thế giới Cực lạc”. Người vợ nghe thế liền khóc lóc lễ bái mà nói: “Bồ tát, nay ông bỏ tôi mà đi tôi biết nương vào đâu mà sống”. Nhân bị tình ái lôi kéo khó thể thoát được khiến vị đó mê mờ mất chánh niệm tuôn rơi dòng lệ. Lại nhìn trước không thấy Phật A Di Đà nữa, chuyện này chính tôi nghe cư sĩ Hồ tùng mậu kể lại.

Lại nghe pháp sư Thường thanh ở chùa Hộ quan kể, thân phụ pháp sư là người trường trai lâu năm. Tuy hằng ngày niệm Phật nhưng chỉ vọng cầu giàu sang chứ không chịu cầu vãng sanh Tây phương. Năm Thanh chín tuổi thân phụ tạ thế, gia đình tắm rửa thay quần áo chuẩn bị liệm vào quan tài. Ngày sau người chị gái đến đứng kề bên em mình mà khóc lóc, Thanh thấy hai mắt của th��n phụ tuôn dòng lệ.

Quán sát hai câu chuyện trên, chúng ta có thể biết được người sắp chết hay mới chết toàn thân chưa lạnh hẳn thần thức chưa rời thể xác, bà con chớ nên khóc lóc để tránh tình cảm lôi kéo khiến họ mê mờ mất chánh niệm không được vãng sanh. Giả sử nhẫn không nỗi cũng nên tránh xa đừng đến gần mà khóc. Bởi nhân duyên vãng sanh trăm ngàn vạn kiếp khó mong có được vô cùng trọng yếu. Làm người bà con nếu biết phát tâm vì họ niệm Phật, giúp họ vãng sanh lìa khổ đắc lạc, đây thật sự là hiếu đạo xuất thế, hiếu thế gian không thể sánh bằng.

Với việc hỏa táng sau khi chết sách này chưa có đề cập. Nhân việc hỏa táng người tại gia hay xuất gia đều có sử dụng. Trong các Tòng lâm lớn thông thường sau khi chết bảy ngày mới cử hành pháp hỏa táng. Ngoài ra các chùa am nhỏ số ngày không nhất định, thậm chí có nơi buổi sáng mới chết buổi chiều đã đem hỏa táng. Vấn đề hỏa táng này chúng ta cần phải hiểu rõ ngõ hầu tránh những sự sai lạc. Tôi xin phân biệt như sau.

Người chết cũng có tánh chất thời tiết nóng thời tiết lạnh khác nhau, như gặp thời tiết lạnh trong thời gian bảy ngày cơ thể vẫn chưa biến đổi, nếu chưa quá bảy ngày mà đã hỏa táng sợ rằng người đó vẫn còn thống khổ. Như gặp thời tiết nóng mới trải qua một ngày các lỗ chân lông đã rỉ máu e đợi qua bảy ngày không thể để được. Căn cứ vào đó mùa nóng người chết tuy chưa qua bảy ngày cũng không có sự thống khổ.

Tôi nhớ lúc mới xuất gia ở Long phụng nham, Quảng xương tỉnh Giang tây có Viên minh Thượng nhân buổi sáng tháng tư năm đó viên tịch, Tăng chúng sau khi tắm rửa thay y phục đỡ Ngài dựa vào ghế. Lúc đó đệ tử là Thánh kim xem lịch thưa với chúng : “Hôm nay là ngày hỏa táng thầy tôi rất tốt”. Rồi sau giờ ngọ trai bèn di quan đến lò thiêu cử hành pháp hỏa táng. Lúc đó tôi có việc sang chùa Đại thừa mấy hôm sau mới trở về, nghe chư Tăng kể lại khi hỏa táng thấy hai cánh tay của Thượng nhân bỗng từ từ đưa lên cao.

Sau tôi trú chùa Thừa ân ở Nam xương, vào rằm tháng tám năm đó có một vị Tỳ kheo viên tịch. Giám viện chùa là pháp sư Hiền mậu dùng gỗ đóng quan tài liệm Tỳ kheo và cử chúng luân phiên niệm Phật. Ngày mai sau buổi tiểu thực bèn di quan ra khu đất trống ngoài chùa để hỏa táng. Tôi theo đại chúng nhưng chỉ đưa ra khỏi cổng chùa rồi trở về. Sau nghe sư Giám viện kể ngay khi hỏa táng thấy hai tay của vị Tỳ kheo này xô mạnh bên hông quan tài hai bên hông đồng lúc buông ra.

Quán sát hai câu chuyện trên chúng ta có thể biết, nếu không phải mùa nóng người chết chưa qua bảy ngày vẫn còn sự thống khổ. Do vậy chẳng những không được vãng sanh mà e họ sanh tâm sân hận tất đọa vào Địa ngục. Phàm con người có chút tâm từ bi thấy cảnh đó ai mà chẳng thương xót.

Lại khi tôi ở núi Bách trượng gặp một vị Tỳ kheo tên Đức Nhã, vị này tự kể lại câu chuyện sau. Năm ngoái vị đó ở Lê xương bệnh nặng chết đi một lúc, chư tăng đã tắm rửa thay quần áo đặt tạm trên giường và luân phiên niệm Phật. Sáng mai bỗng nhiên tỉnh lại.

Tôi hỏi: “Thầy có thấy cảnh giới gì không?”. Vị đó đáp : “Tôi thấy có một người đang đi sang sông, tôi cố ý đi theo bỗng nhiên nghe tiếng quát: Về đi, đừng qua sông nữa” Tôi giật mình mà tỉnh dậy, bấy giờ chư Tăng đang niệm Phật thấy tôi hồi dương, ai nấy đều sanh tâm hoan hỷ hỏi rằng : “Ông đã chết một ngày rồi ông có biết không?”.

Lại khi tôi ở núi Phổ đà nghe pháp sư Duy sùng ( mọi người thường gọi là Quỷ vương ) ở núi Liên hoa tỉnh Giang tây, tháng mười năm đó chết đi sáu ngày. Ban đầu để ở liêu Như ý ba ngày sau đó đưa đến lò thiêu ba ngày, vào nửa đêm thứ sáu bỗng hồi dương không ai hay biết. Sáng hôm sau các pháp sư Thông huệ... đến hỏa táng, lúc sắp châm lửa bỗng nghe tiếng nói : “Tôi chưa chết các vị đừng thiêu tôi”. Pháp sư Thông huệ thất kinh : “Quỷ vương ông đừng dọa người khác”. Duy Sùng đáp : “Sư Thông huệ tôi thật chưa chết mà không thể thiêu được” . Mọi người nhân đó bèn mở cửa lò đem về chùa điều dưỡng không bao lâu trở lại khỏe mạnh.

Bảy năm sau vào tháng sáu Duy sùng đến triều bái Phổ đà, sẵn lúc ông ta lên núi tôi tìm đến hỏi thăm. Đem chuyện đó ra hỏi ông ta đáp : “Chuyện đó hoàn toàn là có thật”. Tôi hỏi : “Ông có thấy gì không?” . Ông ta đáp: “Tôi thấy một cánh cửa lớn có rất nhiều người đi vào, tôi cũng theo họ cùng vào. Bấy giờ người giữ cửa ngăn lại không cho vào. Tôi bổng nhiên tỉnh giấc thấy rõ hai bên vai vô cùng lạnh, đưa tay sờ quanh đều thấy là ván gỗ, nhìn xuống thấy đầy than củi, mới biết mình đang ở trong lò thiêu. May nhờ chư Tăng đem về điều dưỡng mới được khỏe mạnh”.

Quan sát hai câu chuyện trên chúng ta có thể biết được, người chết trong vòng bảy ngày vẫn có thể từ Âm ty trở về. Sau nghe từ khi Duy sùng hồi dương sống thêm được mười mấy năm nữa, nếu như hỏa táng sớm ông ta có sống lại cũng không được. Việc này nên cẩn thận!

Tóm lại, nội dung toàn bộ quyển sách này dành thuật lại phương pháp trợ niệm con người lúc lâm chung không luận Tăng hay tục đều cần phải biết. Do đó quyển sách có tên là “Lâm chung những điều cần biết”. Quả thật tên đặt đúng nội dung chủ trương của quyển sách. Cầu mong mọi người sau khi đọc cuốn sách này phát tâm niệm Phật, sớm thoát ly Ta bà mau sanh về Cực lạc. Được như thế thì thật không phụ công của pháp sư Thế liễu một phen vì tâm đại từ bi mà biên soạn.

Ngày vía Địa tạng năm Ất mùi Phật lịch 2496

Linh nham chúc phạn Tăng hiệu Liễu nhiên viết lời bạt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2024(Xem: 499)
Quý Phật tử (bất bộ phái: theo Nam Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy, theo Bắc Tông, hay Tịnh Độ Tông, Mật Tông vv) với lòng tin chân thành, nhất tâm hướng về Như Lai và Pháp của Như Lai, không một chút phân vân, không một chút nghi ngờ về Như Lai và Pháp của Như Lai, thời sẽ vui như hội trăng rằm quanh năm vì Chân Pháp của Thế Tôn là Pháp Quang, vượt xa ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tỏa rạng khắp nơi, làm cho khai ngộ, mang lại niềm hỷ lạc cho bất kể hữu tình nào với tâm hân hoan tín thọ, và pháp thọ. Trong kho tàng Pháp Bảo đồ sộ của bậc Thiện Thệ, Bát Trai Giới thanh tịnh dù chỉ trong một ngày một đêm, sẽ mang lại công đức không thể luận bàn cho bất kể Quý Pháp hữu nào hân hoan tín thọ, vì với công đức chân thật này, sẽ tái sanh lên cõi trời, một trong sáu tầng trời dục giới, hoặc sẽ tái sanh về Tây Phương Cực Lạc tùy theo tâm nguyện của họ.
22/08/2024(Xem: 1239)
Khi thấy Đức A Di Đà Phật xuất hiện, Cụ Ông 80 tuổi, vào hai đêm trước ngày ra đi, mặc dù bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, vẫn mỉm cười niệm Nam Mô A Di Đà Phật; ngay trước giờ xả bỏ báo thân, Cụ Ông, lại một lần nữa, thấy Đức A Di Đà Phật hiện ra; và sau đó tỉnh táo, sáng suốt ra đi an lành. Tâm Tịnh và Hoa Chí cùng con cháu của Cụ có duyên lành hỗ trợ Cụ Niệm Phật suốt tám ngày và tám đêm, khai thị, khuyến khích, làm cho Cụ phấn chấn, đặc biệt, Tâm Tịnh đã tận mắt chứng kiến sự ra đi nhẹ nhàng của Cụ vào lúc 9.40 sáng ngày 11 tháng 07 Quý Mão (2023). Để kỷ niệm một năm giỗ đầu của Cụ, và như một lời hứa khả với quý đạo hữu Tịnh Độ, Tâm Tịnh xin hân hoan tường thuật lại những gì mắt thấy, tai nghe trong suốt thời gian trợ duyên Niệm Phật cùng với Cụ cho đến thời khắc ra đi, kể cả thời gian ban đầu khi nhập viện và thời gian hộ niệm sau khi tắt thở. Từ những gì diễn ra trong những ngày cùng Cụ Niệm Phật, có thể đúc kết thành 14 chỉ dấu sau đây, làm cơ sở cho niềm tin rằng Th
21/01/2024(Xem: 1907)
Tỉnh Thức Đối Diện với Bệnh tật và Cái Chết_Tỳ Kheo Analayo_Bình Anson dịch
06/06/2023(Xem: 7161)
Bất cứ trong một tôn giáo, một triết học nào, phần nhân sinh quan vẫn là quan trọng. Chúng ta theo một tôn giáo mà không biết quan niệm nhân sinh trong tôn giáo ấy như thế nào, thực là một khuyết điểm lớn lao. Ở đây, chúng ta chỉ riêng bàn về phần nhân sinh quan Phật giáo để tìm hiểu Phật giáo quan niệm về đời sống con người như thế nào ?
21/05/2023(Xem: 2060)
Con người thường sợ cái chết nên làm mọi cách để níu kéo sự sống, níu kéo bằng tiền bạc, bằng thuốc men, thức ăn, bằng các hoạt động thể chất. Việc giữ gìn, duy trì sự sống là một điều cơ bản mà bất cứ ai sống trên đời này cũng phải làm để mong mình sống lâu, sống thọ chứ không ai mong mình chết sớm, hay nói đúng hơn là ai cũng sợ cái chết bởi không có một loài động vật có máu huyết nào lại không sợ chết, nhưng sợ chết, không muốn chết thì con người vẫn không thể thoát được cái chết, cho nên thay vì sợ hãi thì chúng ta hãy tập đối diện với quy luật sinh tử như thế nào để vừa giữ được tinh thần lạc quan, vừa duy trì được sự sống của mình một cách trọn vẹn nhất.
22/03/2022(Xem: 3704)
Tôi không ngạc nhiên lắm khi biết dù tác phẩm Chết và Tái sinh ( Death & Rebirth ) đó TT Thích Nguyên Tạng soạn dịch ấn bản lần đầu tiên vào năm 2001 và được tái bản đến 9 lần rồi mà vẫn không đủ cung cấp, cho nên sắp tới Tu Viện Quảng Đức cho tái bản lần thứ 10 để cống hiến bạn đọc gần xa. May mắn thay trong thư viện tí hon của tôi có tác phẩm này được tái bản lần thứ bảy vào mùa Vu Lan báo Hiếu 2007 mà lời ngỏ của tác giả đã đánh động đến con tim của người đọc …qua câu chuyện Luật Sư Brendan Keilar sinh sống tại Melbourne / Australia đã bị bắn chết thật kinh hoàng khi tuổi mới 43 để trả giá cho hành động rất ngưỡng phục ( vì đã can thiệp cứu người).
02/12/2021(Xem: 20290)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
01/08/2021(Xem: 13049)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
26/06/2021(Xem: 15993)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
01/11/2020(Xem: 20158)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]