Vòng Luân Hồi
Vòng Ngoài Của Bánh Xe
Nguồn:Tỳ kheo Khantipalo - Phạm Kinh Khánh dịch
Sợi Xích Mười Hai Khoen
Bây giờ, chúng ta hãy mô tả Vòng Ngoài, cái niềng của bánh xe, tượng trưng mười hai giai đoạn của Thập Nhị Nhân Duyên, hay pháp Tùy-Thuộc-Phát-Sanh. Đó là những giai đoạn, những vòng khoen nối liền toàn thể chúng sanh vào trạng thái luôn luôn trở thành và đau khổ.
Có một tập tục cổ truyền vững chắc giải thích vòng Thập Nhị Nhân Duyên bằng cách phân làm ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại là thời gian duy nhất thật sự có, và hiện tại do quá khứ xây đắp, uốn nắn. Chính trong hiện tại chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý, để trổ quả trong tương lai. Trong mười hai "giai đoạn nối liền" (hay nidàna, vòng khoen), quanh tròn vòng bánh xe, có đầy đủ những gì xảy ra trong đời sống và đó là giải đáp cho tất cả những câu hỏi liên quan đến kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, giáo lý Tùy-Thuộc-Phát-Sanh, trung tâm điểm của Giáo Pháp và Giới Luật, không phải là một đề tài để biện luận mà phải được khảo sát và nhận thức trong chính bản thân mình và ở người khác, và cuối cùng có thể tri giác trong tâm của chính mình, vì ở đó tất cả những Chân Lý của Giáo Pháp trở nên rõ ràng minh bạch sau thời gian thực hành. Nhưng, những ai không thực hành Giáo Pháp thì được gọi là những người "nâng đỡ thế gian". Các người này để cho vô minh quay tròn bánh xe, lần đến già, đến chết. Đức Thế Tôn hằng khuyên nhủ và nhắc nhở chúng ta không nên làm "người nâng đỡ thế gian", trái lại, hãy thực hành Giáo Pháp nhằm dập tắt tham ái, sân hận, si mê và do đó chấm dứt vô minh, chấm dứt sanh, già, bệnh, chết.
Giờ đây, chúng ta hãy sơ lược duyệt qua mười hai vòng khoen của sợi dây xích ấy.
Vòng Khoen Đầu Tiên: Vô minh (Avijjà)
Danh từ Pàli "Avijjà" là " không hiểu biết trọn vẹn", đầy đủ, chớ không có nghĩa là "không hiểu biết gì cả". Sự "không hiểu biết" ở đây rõ ràng đặc biệt, không liên quan đến đường lối hiểu biết hay đề tài được hiểu biết theo nghĩa thông thường. Không hiểu biết ở đây là không hiểu biết Tứ Diệu Đế. Vô minh là không trông thấy rõ ràng Tứ Diệu Đế trong tâm mình và trong đời sống của chính mình. Trong những kiếp sống quá khứ chúng ta không màng tìm thấy dukkha, khổ (1). do đó chúng ta không thể tiêu trừ nguồn gốc của khổ (2), ái dục, và ái dục thúc đẩy ta cố tìm sống nữa, sống thêm, thêm nhiều kiếp nữa, tìm thêm khoái lạc, tìm khoái lạc thêm nữa. Sự chấm dứt đau khổ (3) mà có lẽ trong quá khứ chúng ta đã có thấy thoáng qua nhưng không nhận thức được, bây giờ ta lại đến đây, trong kiếp sinh tồn hiện tại – dĩ nhiên là đang mang nặng niềm đau khổ. Và trong quá khứ chúng ta không biết đặt chân trên con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ (4) và chúng ta không khám phá ra lối vào Dòng Suối (Nhập Lưu). Hiện thời chúng ta đang trả cái giá đã để lãng quên, cái giá dễ duôi trong quá khứ. Và sự không hiểu biết, hay vô minh, này không phải là một loại nguyên nhân đầu tiên trong quá khứ, bởi vì chính trong hiện tại của nó vẫn còn nằm trong tâm ta. Tuy nhiên, cũng như chúng ta sẽ thấy, do vô minh ấy chúng ta đã chuyển động bánh xe quay tròn, mang lại cho ta hết sanh rồi lão và tử, triền miên như thế, cùng với những hình thức đau khổ (dukkha). Những cái "tự ngã " của tôi trong quá khứ, vốn lăn trôi theo luồng sinh lực liên tục của tôi từ vô lượng tiền kiếp, đã không kiểm soát được ái dục của nó và như vậy, không thể cắt dứt cội rễ của vô minh. Trái lại, chúng nó còn tạo thêm nghiệp mới mà trong hiện tại tôi đang thọ lãnh hậu quả.
Bức họa giúp ta thấu hiểu điểm này. Một thiếu phụ mù (danh từ avijjà thuộc về giống cái) tay cầm cây gậy, tìm đường đi xuyên qua một khu rừng cằn cỗi dẫy đầy những lóng xương. Hình như bức họa đầu tiên vẽ một con lạc đà cái già và mù, lầm lủi bước chân theo người dẫn đường. Lạc đà là một loại thú quen thuộc với những cuộc hành trình dài đẵng và mệt nhọc, xuyên qua những vùng đất xa lạ. Người dẫn nó chính là ái dục. Dầu muốn dùng hình ảnh nào để diễn tả vô minh, bức họa cũng gợi cho ta tánh chất vô thủy (không có một khởi điểm) và tối tăm của nó. Chúng ta là những người mù đã kéo lê bước chân, thênh thang từ quá khứ đi vào hiện tại – và sẽ hướng về một tương lai như thế nào?
Tùy thuộc nơi sự hiện hữu của vô minh trong tâm, đã có hành động có tác ý, hay nghiệp, hay abhisankhàra, đã được tạo nên trong những kiếp quá khứ.
Vòng Khoen Thứ Nhì: Hành (Sankhàra, hành động có tác ý)
Hành động có ý chứa đựng một năng lực tiềm ẩn sẽ trổ quả trong tương lai – hoặc ở phần sau của kiếp hiện tại, hoặc xa hơn nữa, vào một lúc nào trong tương lai. Nhưng khả năng trổ quả vẫn luôn luôn còn đó, dầu phải trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp đi nữa. Vào lúc nào cơ duyên cần thiết được hội đủ thì nghiệp quá khứ ắt trổ sanh. Bây giờ, do vô minh hay sự không hiểu biết Tứ Diệu Đế, chúng ta đã tạo nghiệp trong những kiếp sống quá khứ. Tới đây, chúng ta là những người "nâng đỡ thế gian" và như vậy, đã tạo nghiệp, tốt hay xấu, thiện hay ác, chúng ta duy trì cuộc sinh tồn liên tục trên thế gian.
Những chúng sanh như thế ấy, những người còn bị màn vô minh gây trở ngại trong tâm, cũng giống như các anh thợ đồ gốm. Anh thợ đồ gốm để hết tâm trong công việc tạo nên những món đồ tốt đẹp như lọ, bình v.v… (thiện nghiệp) và đôi khi anh cũng thiếu thận trọng, dễ duôi làm bể một món đồ hay, bằng cách này hay bằng cách nọ, anh lỡ để hư hỏng một món khác (bất thiện nghiệp). Và anh để cho bùn đất dính dơ tay chân, mình mẩy, cũng như tánh cách trong sạch của tâm đôi khi bị bùn dơ của nghiệp làm lu mờ. So sánh chúng sanh tạo nghiệp với anh thợ đồ gốm là thích đáng, vì danh từ "sankhàra" có nghĩa là "tạo nên", "uốn nắn", "tạo nên một hình thể", "cấu hợp" và do đó thường được phiên dịch là "vật cấu tạo", "pháp hữu vi". Nơi đây, trong pháp Nhị Thập Nhân Duyên, sankhàra là hành, tức những hành động có tác ý.
Tùy thuộc nơi sự hiện hữu của những hành động có tác ý trong quá khứ, phát sanh tâm thức gọi là "tâm-nối-liền". Và thức này là nền tảng của kiếp sống hiện tại.
Vòng Khoen Thứ Ba: Thức (Viññàna)
Phẩm chất của thức, hay thức-nối-liền, có thể rất khác nhau, tùy nghiệp đã tạo ra trong kiếp quá khứ. Trong trường hợp của những ai đang đọc quyển sách này, cái tâm "nhảy" vào kiếp sống mới lúc bắt đầu thọ thai là một loại tâm-nối-liền có tánh chất người, phát sanh như là kết quả của một cuộc sống nghiêm túc thọ trì năm giới, nền tảng của một kiếp sống quá khứ có "tánh cách người". Nên ghi nhận rằng thức-nối-liền là một tâm quả, nghĩa là một loại tâm phát sanh do một nhân quá khứ, là hậu quả của một nhân quá khứ, chớ không phải cái gì mà ta có thể kiểm soát. Nếu không tạo nghiệp nào thích ứng để tái sanh vào cảnh người thì lúc chết sắp đến ta không thể muốn: "Bây giờ ta lại tái sanh vào cảnh người một lần nữa! ". Thời gian mà ta có thể muốn là lúc đang có cơ hội thực hành Giáo Pháp. Mặc dầu thức-tái-sanh trong kiếp sống này đã qua, chính trong hiện tại, ngay giờ phút này, chúng ta có thể thực hành Giáo Pháp để tạo thức-tái-sanh thuận lợi trong tương lai một cách chắc chắn hơn – nói như vậy là nếu ta muốn còn tiếp tục đi nữa trong vòng luân hồi.
Thức-nối-liền là thành phần thứ ba, cần thiết để cấu tạo bào thai. Bởi vì, dầu có tinh trùng trong lòng mẹ đúng vào thời kỳ sanh sản, mà không có một "chúng sanh" tái sanh vào đúng nơi và đúng lúc thì không có bào thai. Trong bức họa có hình con khỉ, tượng trưng cho tâm hay thức, nhảy từ cây này, kiếp sống cũ, chuyền sang một cây khác, kiếp sống mới. Cây cũ đã khô cằn, nhưng cây mới mang nhiều trái. Trái này có thể là quả lành hay quả dữ. Trong bức vẽ của Tây Tạng có một con khỉ đang ăn trái, tức đang thọ hưởng hậu quả của những hành động quá khứ.
Tùy thuộc nơi thức-nối-liền, phát sanh danh-sắc.
Vòng Khoen Thứ Tư: Danh-sắc (Nàma-rùpa)
Danh từ Rùpa (Sắc) đôi khi được dịch là thân thì không mấy chính xác, nhưng cho ta một ý niệm tổng quát. Danh từ Rùpa bao gồm nhiều ý nghĩa hơn là một cái thân. Nàma (Danh) gồm có cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), những sinh hoạt tâm linh (hành) và thức. Danh và sắc là hai sự liên tục tương ứng trong ấy không có cái gì là vững bền, thường còn, không biến đổi. Trong cuộc sống thông thường, một cách ước định, ta nói "tâm của tôi", hay "thân của tôi". Dường như có một ý niệm nào về quyền sở hữu, phảng phất đâu đó trong hậu cảnh, nhưng bậc thiện trí thấu hiểu rằng có những định luật chi phối cả hai phần danh và sắc. Cả hai, những trạng thái tâm và phần vật chất, luôn luôn chuyển biến. Và chúng ta không thể ra lịnh, bảo tâm đừng bợn nhơ, ô nhiễm, hay bảo thân phải ngưng trưởng thành, già nua và chết.
Tuy nhiên ta có thể uốn nắn tâm theo ý muốn, thay vì để nó bềnh bồng trôi giạt trải qua suốt kiếp sinh tồn, mặc cho lý vô thường đổi thay danh và sắc, hai yếu tố vốn không bền vững. Do đó, trong bức vẽ, tâm được trình bày đang làm công việc chèo chống con thuyền tâm-vật-lý (tức chúng sanh) trên dòng sông ái dục. Trong khi ấy, sắc hay cơ thể vật chất, chỉ là khách đi thuyền, thụ động. Bức họa Tây Tạng vẽ chiếc thuyền con đang vượt qua một dòng nước xoáy, trên thuyền có ba (hay bốn???) người khách, Có lẽ những người khách này tượng trưng các uẩn.
Với sự hiện hữu của danh sắc, phát sanh lục căn.
Vòng Khoen Thứ Năm: Lục căn (Salàyatana)
Căn nhà có sáu cửa sổ là biểu tượng thông thường cho vòng khoen này. Sáu cửa, hay lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đó là những căn cứ để thâu nhận tin tức khác nhau từ bên ngoài. Và những tin tức này gồm sáu loại (lục trần) đối tượng của sáu căn là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ngoài lục căn và lục trần, chúng ta không hay biết gì khác. Tất cả những gì chúng ta thọ cảm đều giới hạn trong phạm vi của giác quan và đối tượng của giác quan – tâm được xem là giác quan thứ sáu. Năm giác quan bên ngoài, chỉ thâu nhận ngoại cảnh trong hiện tại. Nhưng giác quan thứ sáu, tâm, là nơi mà tin tức bên ngoài được thâu thập, biến chế. Những tin tức này có thể trải dài từ những hồi ức trong quá khứ đến những ước vọng, những lo âu trong tương lai, cũng như những tư tưởng đủ loại có liên quan đến hiện tại. Thêm vào đó, tâm có thể thâu nhận tin tức từ những cảnh giới ngoài phạm vi mà các giác quan khác có thể hay biết, thí dụ như các cảnh Trời, cảnh ngạ quỷ và cảnh địa ngục. Một cái tâm phát triển đầy đủ đến mức định (samàdhi) có thể nhận thấy cảnh giới khác và chúng sanh ở các cảnh giới ấy.
Đã có lục căn, tức có xúc.
Vòng Khoen Thứ Sáu: Xúc (Phassa)
Đó là sự tiếp xúc giữa lục căn và lục trần. Thí dụ, khi những điều kiện cần thiết đã hội đủ: có con mắt, có một hình sắc để thấy, tức có đối tượng của nhãn quan, có ánh sáng, cùng lúc ấy mắt đang hoạt động và người đang tỉnh táo, hướng cái nhìn vào đối tượng, ắt có xúc. Và trong trường hợp này là nhãn xúc: hình sắc của đối tượng (nhãn trần), đập vào sự nhạy thấy của nhãn căn. Cùng thế ấy, có những xúc khác đối với mũi, lưỡi, tai, thân, ý. Tượng trưng thông thường của vòng khoen này là người đàn ông và người đàn bà ôm nhau. Khi xúc phát sanh, tức nhiên có thọ cảm.
Vòng Khoen Thứ Bảy: Thọ (Vedanà)
Khi có sự tiếp xúc bằng nhiều cách khác nhau với lục căn tức có cảm giác, hay thọ, phát sanh. Thọ là phản ứng có tánh cách cảm xúc. Có ba loại thọ: thọ lạc, tức những cảm xúc vui thích, hạnh phúc, thọ khổ, những cảm xúc đau đớn hay khổ não, và thọ vô ký, tức cảm xúc không vui, không buồn, không sướng, không khổ. Loại thọ đầu tiên lúc nào cũng được vui vẻ đón nhận, đó là nên tảng của hạnh phúc. Loại thứ nhì, không ai muốn có, là nền tảng của dukkha, đau khổ. Trong khi ấy, cảm giác thứ ba là loại thọ vô ký, không nhưộm màu hạnh phúc hay đau khổ, mà ta thọ cảm rất thường trong đời sống, nhưng ít khi để ý đến. Tất cả những thọ cảm đều tạm bợ, phù du, có tánh chất đổi thay, bởi vì không có trạng thái tâm, hay tâm sở, nào có thể liên tục tồn tại một cách quân bình. Dầu những hạnh phúc mà ta cho là ở mức độ cao nhất cũng chỉ tồn tại nhất thời, rồi phải nhường chỗ lại cho một cái gì khác. Vậy, mặc dầu là hạnh phúc căn cứ trên những cảm giác vui thích, bản chất của nó là vô thường tạm bợ và vì thế, chính nó là dukkha, đau khổ, bởi vì làm thế nào hạnh phúc thật sự, không biến đổi có thể căn cứ trên cái biến đổi, phù du, không bền vững? Vậy, hình ảnh của người bị mũi tên bắn vào mắt đã diễn tả điểm này một cách mạnh mẽ.
Khi thọ phát sanh, (thường) ái dục cũng phát sanh.
Vòng Khoen Thứ Tám: Ái dục (Taņhà)
Đến đây, dòng diễn tiến liên tục do nghiệp quá khứ làm nguyên nhân thúc đẩy. Nhưng, chính ái dục dẫn đầu trong việc tạo nghiệp mới ở hiện tại. Trong hiện tại, và chỉ trong hiện tại, ta mới có thể thực hành Giáo Pháp. Điều cần thiết ở đây là tâm chú niệm (sati), vì nếu không có niệm thì không Giáo Pháp nào có thể thực hành. Và trong lúc không thực hành Giáo Pháp, chúng ta sẽ bị sức mạnh của thói quen quá khứ lôi cuốn đi. Cùng lúc ấy, ái dục và vô minh tiếp tục tăng trưởng bên trong chúng ta. Khi giữ tâm chú niệm, ta có khả năng và phương tiện để hiểu biết "đây là cảm giác vui thích", "đây là cảm giác đau khổ", "đây là cảm giác không đau khổ cũng không vui thích". Tự quán chiếu và ghi nhận như thế về những thọ cảm sẽ giúp ta thấu hiểu và hay biết lúc nào có tham, sân, si liên hợp với những cảm giác ấy. Với sự thấu hiểu và hay biết như thế, ta có thể phá vỡ bánh xe sanh-tử và thoát ra khỏi vòng luân hồi. Nhưng nếu không thực hành Giáo Pháp, chắc chắn những thọ cảm kia sẽ tiếp tục dẫn dắt ta đến các ái dục khác và quay cuồng ta theo bánh xe đầy dẫy đau thương, như Ngài Nàgàrjuna dạy:
"Ái dục chỉ ngọt ngào ở lớp mặt,
Bên trong thì khô cứng đắng cay –
Làm cho người ta thất vọng như trái kimpa.
Chúa của những bậc chiến thắng dạy như vậy.
Những vòng khoen như thế ấy từ chối –
Nó trói buộc thế gian
Vào bên trong vòng rào của ngục tù luân hồi." (L.K. 23)
"Nếu quần áo hay tóc tai bạn bốc cháy
Ắt bạn vội vã dập tắt lửa,
Hãy nhanh chóng dập tắt lửa ái dục –
Chính ái dục vận chuyển bánh xe quay cuồng vô cùng tận
Ái dục là nguồn cội của khổ đau.
Không còn cách nào làm hơn nữa!" (L.K. 104)
Danh từ taņhà, ái dục (Bắc Phạn là trisnà) có nghĩa là khát khao. Nới rộng ra, danh từ này bao hàm ý niệm "khát khao những thọ cảm". Vì lý do ấy, ái dục được tượng trưng bằng một người say rượu, thấm chất men, ngất nghểu ngả nghiêng, và trong bức vẽ của tôi có thêm vào ba chai rượu – ái dục đeo níu theo Dục Giới, ái dục đeo níu theo Sắc Giới và ái dục đeo níu theo Vô Sắc Giới.
Nơi nào có ái là có thủ.
Vòng Khoen Thứ Chín: Thủ (Upàdàna)
Thủ là tăng cường và nới rộng ái dục. Và ái dục hướng về bốn mục tiêu: thọ hưởng dục lạc, có những quan kiến đi ra ngoài Giáo Pháp, những nghi thức tôn giáo lầm lạc thiên về van vái nguyện cầu, và bám níu vào ý niệm có một linh hồn trường cửu. Khi bốn khuynh hướng này trở thành những năng lực hùng mạnh trong tâm của ai thì người ấy không thể thỏa thích trong Giáo Pháp. Bởi vì tất cả năng lực của họ đã chuyển về chiều hướng ngược lại với Giáo Pháp, xuôi về chiều hướng của dukkha, đau khổ. Phản ứng chung là tăng gia nỗ lực để tìm an vui và hạnh phúc giữa những gì đã được ấp ủ bám níu vào. Do đó trong cả hai bức họa đều có vẽ một người cố vươn mình lên để hái thêm trái, mặc dầu cái giỏ của mình đã đầy.
Vòng Khoen Thứ Mười: Hữu (Bhàva)
Nơi nào có Thủ ắt có Hữu. Với tâm bị ái dục và sức cố bám (thủ) đun lên sôi sục, con người càng tận lực cố gắng để tìm bảo đảm thêm, bằng nhiều lối sống khác nhau do đó, chất chứa, đổ thêm nhiên liệu, vào ngọn lửa đau khổ. Một người thường không biết gì đến dukkha, đau khổ, thì mong muốn nuôi dưỡng ngọn lửa ấy. Nhưng lối hành động của người Phật tử là không châm thêm nhiên liệu, để cho ngọn lửa lụn dần, bằng cách chấm dứt tiến trình của Ái và Thủ, và như vậy là tận diệt vô minh từ gốc rễ. Nếu còn muốn ở nán lại trong vòng luân hồi, ta phải chuyên cần tinh tấn và làm thế nào cho sự "trở thành của ta" hướng về chiều hướng chân chánh. Nên nhớ rằng từng giây từng phút, từng khoảnh khắc, chính cái nghiệp của ta uốn nắn "sự trở thành" ấy. Và chiều hướng chân chánh là nhắm về sự trong sạch, theo con đường trắng của sự thực hành Giáo Pháp. Điều này sẽ giúp đỡ ta trong mọi trạng huống mà ta trở thành – hay không trở thành – đến lúc kiếp sống này chấm dứt, khi mà các nẻo đường dẫn đến những cảnh giới khác nhau sẽ rộng mở trước mặt ta. Và ta sẽ trở thành cái gì, tùy theo pháp hành của ta, và tùy theo chập tư tưởng cuối cùng của ta như thế nào.
Một cách thích đáng, Hữu được tượng trưng bằng người thiếu phụ có mang.
Trước sự hiện diện của Hữu, một kiếp sống mới phát sanh.
Vòng Khoen Thứ Mười Một: Sanh (Jàti)
Cũng như mọi người đều có thể tưởng tượng, sự sanh được diễn tả bằng cảnh bà mẹ đang lâm bồn, một công việc đau đớn.. Đây cũng là cơ hội để nhắc nhở rằng dukkha, đau khổ, là điều mà không có kiếp sống nào có thể tránh khỏi. Dầu tương lai sẽ như thế nào, nếu ta không thể ngưng được vòng quay tròn của bánh xe luân hồi ngay trong kiếp sống này thì chắc chắn sẽ có một kiếp tương lai. Và cái tương lai ấy sẽ phát sanh do những điều kiện của nghiệp hiện tại. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng bởi vì sẽ còn sống nữa trong tương lai, hãy để chừng ấy sẽ thực hành Giáo Pháp. Không có gì bảo đảm rằng trong tương lai kiếp sống ấy sẽ còn giống như kiếp này. Vả chăng, ở tương lai ấy ta cũng sẽ sống trong hiện tại và sẽ hẹn một kiếp sau khác nữa. Vậy, chờ đợi không ích gì! Ngài Nàgàrjuna dạy rằng tốt hơn ta hãy tận diệt lấy ta:
"Nơi nào có sanh, tức nhiên
Có sợ, có già nua và khốn khổ,
Bịnh hoạn, ham muốn và hoại diệt,
Đó cũng là một khối các đau khổ khác.
Khi sự sống không còn đến nữa
Tất cả các vòng khoen khác cũng chấm dứt." (L.K. 111)
Lẽ dĩ nhiên, nơi nào có sanh ắt có lão tử.
Vòng Khoen Thứ Mười Hai: Lão và tử (Jarà-maraņna)
Do cái vốn vô minh và ái dục đầy đủ bên trong, ta có thể chắc rằng sau kiếp sống này sẽ còn nhiều kiếp sống khác. Nhưng cùng với sanh cũng còn nhiều cảnh tử biệt. Sự sanh sẽ thỏa mãn lòng tham. Cái chết sẽ đem lại bất toại nguyện. Nhưng không thể có cái này mà không có cái kia. Có sanh phải có tử. Tuy nhiên, đó là con đường buông lung lơ đễnh. Con đường của Giáo Pháp sẽ đưa đến trạng thái Bất Diệt, vượt ra ngoài sanh và tử, vượt ra khỏi mọi khổ đau.
Bức họa Tây Tạng vẽ một cụ già khiêng trên vai cái thây chết đã được băng bó cẩn thận, đem đến bãi tha ma. Bức họa của tôi thì trình bày ông lão nhìn vào một quan tài trong đó có người chết. Lời khuyên dạy của Đức Nàgàrjuna là:
"Như vậy, hãy chuyên cần tinh tấn:
Bất luận lúc nào, hãy cố gắng đi sâu vào
Trung tâm của Tứ Diệu Đế,
Bởi vì cho đến những người tại gia cư sĩ
Cũng sẽ vượt qua cơn ngập lụt (tinh thần)
Bằng cách thông suốt Bốn Chân Lý ấy. " (L.K. 115)
* * *
Đó là những nét đại cương, sơ lược diễn tả tác hành của bánh xe mà chúng ta đã cố bám vào để tự làm khổ mình và tổn hại kẻ khác. Chính chúng ta là người tạo nên bánh xe ấy. Chính chúng ta vận chuyển nó. Nhưng nếu muốn, và nếu gia công vào công trình ấy, cũng chính chúng ta là người có thể làm cho bánh xe ấy dừng lại.
Con Quỷ
Cả hai bức họa đều vẽ Bánh Xe nằm trọn vẹn trong nanh vuốt của một con quỷ đáng sợ. Trong bức vẽ của tôi, tên của con quỷ ấy được khắc rõ ràng trên mão của nó để người khác khỏi lẫn lộn với loài quỷ khác. Nó không phải là con quỷ tầm thường, bởi vì tên nó là Vô Thường. Và cái mão chỉ rằng oai quyền của nó bao trùm toàn thể vũ trụ, bất luận cảnh giới nào của thế gian. Nó cắn xé nghiến ngấu tất cả. Và tất cả, từ địa ngục đến cảnh Trời, đều vỏn vẹn nằm trong bàn tay đầy móng vuốt của nó. Cái mão trên đầu nó được trang trí bằng năm sọ người, tượng trưng đặc tánh vô thường của ngũ uẩn, tức năm nhóm thành phần cấu tạo chúng sanh. Mắt, tai, miệng của nó đều phun lửa để diễn tả lời dạy của Đức Thế Tôn trong thời Pháp thứ ba của Ngài, trong đó có đoạn "mắt nổi lửa" v.v… Phía trên hai mắt của ác quỷ còn có con mắt thứ ba, ngụ ý rằng đối với hạng điên cuồng, lý vô thường là kẻ thù nghịch. Nhưng với bậc thiện trí, chính luật vô thường có mang đầy đủ đồ trang sức như vòng tai và các thứ, cố làm ra đẹp, nhưng không thể được. Cùng thứ ấy, thế gian này cố gắng bộc lộ, chưng bày ra ngoài vẻ đẹp của mình, nhưng càng nhìn kỹ ta càng thấy vẻ đẹp ấy phai tàn. Trong vài bức họa Tây Tạng, dưới bánh xe có một lớp da cọp để trang trí cho quỷ Vô Thường, tượng trưng cái gì đáng ghê sợ. Trong bức vẽ của tôi, đuôi con quỷ khoanh tròn lui tới vô cùng tận. Cùng thế ấy, chúng ta đã được sanh ra, đã có sống, rồi chết, rồi sanh trở lại, mãi mãi vô cùng tận, trong vòng xoay tròn của bánh xe luân hồi. Đôi khi trong hành động của chúng ta là thiện, lắm lúc là bất thiện, và chúng ta đã gặt hái quả lành hay dữ của tất cả những hành động ấy.
Một Vài Nét Khác
Toàn thể bánh xe sôi sục trong nóng bức và bị bao trùm giữa ngọn lửa của tham, sân, si, như Đức Thế Tôn nhiều lần nhắc nhở trong các bài Pháp của Ngài.
Trong cả hai bức họa, bên góc mặt, phía trên, có hình Đức Thế Tôn đứng bên kia bờ ngụ ý là Niết Bàn. Người Tây Tạng vẽ Đức Phật chỉ tay lên mặt trăng, trên đó có con thỏ, tượng trưng cho sự khước từ, con đường thực hành Giáo Pháp và con đường thoát ra ngoài bánh xe. Trong bức vẽ của tôi, Đức Thế Tôn đang giảng giải bản chất của vòng luân hồi và khuyên dạy chúng ta nên thận trọng. Phía sau Ngài có vầng hào quang, tượng trưng cho sự siêu thoát tinh thần và trí tuệ oai nghi hùng dũng mà Ngài đã thành tựu. Ta có thể diễn tả bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cuối cùng, trí tuệ và tình trạng siêu thoát ấy đã vượt ra ngoài giới hạn của những gì mà ta có thể hiểu biết. Phía trên cùng, vào góc trái của bức họa Tây Tạng, có hình Avalokitesvara (Đức Quán Thế Âm), hiện thân lòng bi mẫn, xem như con đường và mục tiêu của những ai có chú nguyện noi theo con đường của Bồ Tát.
Bức vẽ của tôi trình bày Con Đường của Giáo Pháp, tượng trưng bằng tám hoa sen dẫn đến bánh xe Pháp Bảo. Tám hoa sen là tám chi của con Đường cao thượng, Bát Chánh Đạo. Hai chi đầu, chánh kiến và chánh tư duy là phần Tuệ. Ba chi kế, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, là phần Giới, và ba chi sau cùng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, là phần Định, tức phần thực hành thiền định. Ngay trung tâm của bánh xe Pháp Bảo là suññata – hư không – một danh từ khác để diễn tả Niết Bàn. Chung quanh đó là mười tai hoa sen, tượng trưng cho mười pháp Ba La Mật (parami), rất cần thiết để hoàn mãn thành tựu. Mười pháp ấy là: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, quyết định, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, tâm từ, và tâm xả. Từ trục của bánh xe tủa ra tám cây căm, tượng trưng pháp hành của chư vị A La Hán, những người hoàn toàn tuyệt hảo. Con đường tám nẻo này, thay vì vừa đủ tốt đẹp, trở thành tuyệt hảo. Bên trong vành bánh xe có ba mươi bảy viên ngọc, tượng trưng ba mươi bảy yếu tố có khả năng đưa đến Giác Ngộ (ba mươi bảy bồ đề tâm). Vòng ngoài vành có bốn nhóm, mỗi nhóm gồm ba viên ngọc, tượng trưng Tứ Diệu Đế, và trong mỗi Đế, ba lối nhìn thấy của Đức Thế Tôn khi Ngài chứng ngộ.
Kết luận
Bức họa này khuyên dạy và nhắc nhở chúng ta nhiều điểm trong Giáo Pháp đúng theo ý muốn của chư vị Pháp Sư thời xưa. Nếu chúng ta thường xuyên suy niệm về các điểm này, nó sẽ giúp ta thông suốt bản chất thật sự của vòng luân hồi. Nương theo sự trợ giúp ấy, và nhờ công phu thực hành của chính ta, một ngày kia chúng ta sẽ nhận chân được pháp Tùy-Thuộc-Phát-Sanh bên trong mình. Khi đã trải qua suốt các giai đoạn ấy, chúng ta sẽ có thể hưởng tất cả hương vị dồi dào của Giáo Pháp, không phải xuyên qua sách vở hay mhưng cuộc thảo luận, cũng không phải nhờ người khác giải thích…
Đức Thế Tôn dạy:
"Người nào thấy pháp Tùy-Thuộc-Phát-Sanh, thấy Giáo Pháp.
Người nào thấy Giáo Pháp, thấy pháp Tùy-Thuộc-Phát-Sanh."
Ghi chú:
(¹) Đây là một trong mười tám chi nhánh của hệ phái Hinayàna (Tiểu Thừa) mà ngày nay đã không còn.
(²) Bốn lục địa này không có trong bức họa kèm theo sách và trong những bức họa Tây Tạng (Tibetan) hiện đại. Bốn lục địa là những lục địa nằm vào hướng đông, hướng tây, hướng bắc và hướng nam của xứ Ấn Độ, trong bản đồ thời xưa.
(³) Trong các bức họa thời hiện đại, luôn luôn là con gà trống.
(4) Bản dịch do Đại Đức Tỳ Khưu Pàsàdiko, được trích từ chương mở đầu sách Sahasodgata Avadàna, Divyyàvadàna 21, Mithila Edition, trang 185.
(5) Dasa kusala kammapatha, mười phương cách tạo thiện nghiệp (thập thiện nghiệp).
(6) Dasa Puñña kiriya vatthu, những hành động có tác dụng thanh lọc tâm.
(7) "The Letter of Kindheartedness" do tác giả Àcariya Nàgàrjuna, trong quyển "Wisdom Gone Beyond", Social Service Association Press of Thailand, Phya Thai Road, BangKok, Siam.
(8) Xem "Sixty Songs of Milerapa", được nhà xuất bản BPS, Kandy, ấn hành theo loại Wheel, số 95-97.
Hình vẽ bánh xe, của Tỳ kheo Khantipalo
-ooOoo-
Hình vẽ bánh xe, của Tây Tạng