Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần II - Chương Hai - Bài Giảng Về Thế Giới

13/12/202409:50(Xem: 280)
Phần II - Chương Hai - Bài Giảng Về Thế Giới
Buddha-painting

 

 

Các bài giảng liên quan đến thế giới

 

(bài 9)

 

Tiếp theo dưới đây là một bài giảng của Đức Phật nêu lên nguồn gốc của thế giới và sự chấm dứt của thế giới :

 

 

Bài giảng về thế giới

Loka Sutta - SN 12.44

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikhu,

Bhikkhu Bodhi và Piya Tan)

 

Tại một nơi gần thị trấn Sāvatthī (Xá-vệ)… Đấng Thế Tôn nói với các tỳ-kheo : « Ta sẽ giảng cho các tỳ-kheo về nguồn gốc của thế giới và sự chấm dứt của thế giới. Vậy hãy chăm chú lắng nghe. Ta sẽ giảng ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại: « Vâng, thưa Thế Tôn ».

 

Đấng Thế Tôn giảng như  sau : «Vậy nguồn gốc của thế giới là gì? Tri-thức-thị-giác (eye-consciousness / sự nhận thức của mắt) phát sinh lệ thuộc vào mắt và hình tướng. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy (tri-thức-thị-giác, mắt, hình tướng) gọi là sự tiếp xúc (contact). Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự cảm nhận (feeling). Sự cảm nhận tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự thèm khát (craving). Sự thèm khát tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự bám víu (clinging). Sự bám víu tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự trở thành (becoming / sự hình thành). Sự trở thành tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự sinh (birth). Sự sinh tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự già nua và cái chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng. Đấy là cội nguồn của thế giới (không những chúng ta tạo ra một thế giới riêng cho mình xuyên qua lục giác của mình mà còn tham gia vào sự vận hành của thế giới đưa mình vào một chuỗi dài níu kéo của sự hình thành đưa đến sự già nua và cái chết).       

 

« Tri-thức-thính-giác (ear-consciousness / khả năng nhận thức của thính giác) phát sinh lệ thuộc vào tai và âm thanh. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc... (phần tiếp theo lập lại như trên đây, thế nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng). Tri-thức-khứu-giác (tongue-consciousness) phát sinh lệ thuộc vào mũi và mùi. Sự gặp nhau giữa ba thứ gọi là sự tiếp xúc... Tri-thức-vị-giác phát sinh lệ thuộc vào lưỡi và vị. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc... Tri-thức-xúc-giác phát sinh lệ thuộc và các cảm nhận của thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc... Tri-thức-trí-năng (intellect-consciouness / sự nhận thức / ý thức về chức năng nhận biết) phát sinh lệ thuộc vào trí năng (intellect / khả năng nhận biết) và các đặc tính tâm thần (mental qualities / các ‘thể tính’ hay các ‘thể dạng’ tâm thần, chẳng hạn như ý nghĩ, xúc cảm, ý định…). Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy (tri-thức-trí-năng, trí-năng, ý nghĩ) gọi là sự tiếp xúc... (thí dụ trong trường hợp một người bị bệnh alzheimer thì sự tiếp xúc giữa ba thứ ấy sẽ bị rối loạn, không tạo ra được trí-thức-trí-năng, tức là sự nhận thức). Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự cảm nhận. Sự cảm nhận tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự thèm khát. Sự thèm khát tạo điều kiện cần thiết tạo ra sự bám víu. Sự bám víu tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự trở thành. Sự trở thành tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự sinh. Sự sinh tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự già nua và cái chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng. Đấy là cội nguồn của thế giới.

 

"Vậy, sự chấm dứt của thế giới là gì ? Tri-thức-thị-giác phát sinh tùy thuộc vào mắt và hình tướng. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự cảm nhận. Sự cảm nhận tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự thèm khát. Đến đây [trên dòng diễn tiến đó], nếu chận đứng và làm tan biến được sự thèm khát, thì sẽ tạo được sự chấm dứt bám víu. Sự chấm dứt bám víu sẽ đưa đến sự chấm dứt trở thành. Sự chấm dứt trở thành sẽ đưa đến sự chấm dứt sự sinh. Sự chấm dứt sự sinh sẽ đưa đến sự chấm dứt sự già-nua-và-cái-chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng. Đấy là sự chấm dứt của toàn bộ cái khối khốn quẫn và khổ đau. Và đấy cũng là sự chấm dứt của thế giới (cái thế giới tạo ra bởi lục giác của chính mình).     

 

« Tri-thức-thính-giác phát sinh tùy thuộc vào tai và âm thanh. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc… (đoạn cuối của câu này được cắt bớt để tránh sự dài dòng). Tri-thức-khứu-giác phát sinh tùy thuộc vào mũi và mùi. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc... Tri-thức-vị-giác phát sinh tùy thuộc vào lưỡi và vị. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc… Tri-thức-xúc-giác phát sinh tùy thuộc vào thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể. Sự gặp nhau giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc... Tri-thức-trí-năng phát sinh tùy thuộc vào trí năng và các đặc tính tâm thần (các ‘thể tính tâm thần’ hay các ‘thể dạng tâm thần’ là các ý nghĩ, tác ý, xúc cảm…hiện lên trong tâm thức). Sự gặp nhau ba giữa thứ ấy gọi là sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc sẽ đưa đến sự cảm nhận. Sự cảm nhận sẽ đưa đến sự thèm khát. Đến đây [trên dòng diễn tiến đó] nếu chận đứng và làm tan biến được sự thèm khát thì sẽ tạo được sự chấm dứt bám víu. Sự chấm dứt bám víu sẽ đưa đến sự chấm dứt trở thành. Sự chấm dứt trở thành sẽ đưa đến sự chấm dứt sự sinh. Sự chấm dứt sự sinh sẽ đưa đến sự chấm dứt già nua và cái chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, đớn đau và tuyệt vọng. Đấy là sự chấm dứt toàn bộ cái khối khốn quẫn và khổ đau. Và đấy cũng là sự chấm dứt của thế giới.

 

Vài lời ghi chú

 

Các cảm nhận của lục giác tạo ra sự diễn tiến của các thể dạng tâm thần, đưa đến các sự thèm khát và bám víu. Sự bám víu sẽ đưa đến sự sinh và cái chết, cùng các thứ khổ đau khác. Sự nối kết và diễn tiến này rất chủ yếu, được nêu lên trong rất nhiều bài giảng. Bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh như sau:

 

Chương 12: Tương Ưng Nhân Duyên

V: Phẩm Gia Chủ: Gahapativagga

12.44. Thế Giới: Loka

 

Trú ở Sāvatthī.

 

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế giới. Hãy nghe…

 

I

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới tập khởi?

 

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Đây là thế giới tập khởi.

 

Do duyên lỗ tai và các tiếng…

 

Do duyên lỗ mũi và các hương…

 

Do duyên lưỡi và các vị…

 

Do duyên thân và các xúc…

 

Do duyên ý với các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ… Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tập khởi của thế giới.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới đoạn diệt?

 

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt… Đây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Đây là thế giới đoạn diệt.

 

Do duyên lỗ tai và các tiếng…

 

Do duyên lỗ mũi và các hương…

 

Do duyên lưỡi và các vị…

 

Do duyên thân và các xúc…

 

Do duyên ý và các pháp, ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt… Đây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới đoạn diệt.

 

                                          (Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

 

Tiếp theo dưới đây là một bài giảng khác trong Saṃyutta nikāya / Tương Ưng Bộ Kinh, nêu lên ba khía cạnh đặc thù của thế giới. Xin nhắc lại, thế giới trong trường hợp này là thế giới nội tâm của mỗi cá thể do mình tạo ra cho mình. Bài giảng này như sau :

 

 

Bài giảng vể ba đặc tính trong thế giới

Loka Sutta - SN 3.23

 

(Dựa theo hai bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu

và Bhikkhu Sujato)

 

Tại một nơi gần thị trấn Sāvatthī… Vua Pasenadi của nước Kosala ngồi sang một bên và cất lời hỏi Đấng Thế Tôn như sau:

 

« Thưa Ngài, có bao nhiêu đặc tính của thế giới khi dấy lên sẽ gây ra những điều tồi tệ (harm), khổ đau (suffering) và bất an (discomfort) cho con người ? »

 

« Này Đại Vương, có ba thứ đặc tính của thế giới, khi dấy lên sẽ gây ra những điều tồi tệ, khổ đau và bất an cho con người. Vậy ba thứ ấy là gì ? Này Đại Vương, đấy là tham lam (greed / thèm khát) hận thù (aversion / thù ghét, ác cảm), o giác (delusion / ảo tưởng, mê lầm). Khi ba thứ ấy dấy lên thì sẽ gây ra mọi thứ tai hại, khổ đau và bất an cho con người ».

 

Đấy là những lời mà Đấng Thế Tôn đã nói. Sau khi nói lên những lời ấy thì Đấng Thế Tôn còn giảng thêm :

 

«Tham lam, hận thù, ảo tưởng,

Khi dấy lên với một người nào đó,

Thì sẽ tàn phá người ấy,

Từ bên trong tâm thức mình,

Tương tự như một cội cây,

Tự làm hư thối hoa quả của chính nó ». 

 

Sau đây là bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh :

 

Chương 3: Tương Ưng Kosala

III: Phẩm Thứ Ba

3.23. Thế Gian

Ở tại Sāvatthī.

 

Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

 

—Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú?

 

—Thưa Đại vương, có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.

 

Thế nào là ba? Thưa Đại vương, tham là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Đại vương, sân là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Đại vương, si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.

 

Thưa Đại vương, ba pháp này ở đời, khi khởi lên đem lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.

 

Tham, sân, si ba pháp,

Là ác tâm cho người,

Chúng di hại tự ngã,

Chúng tác thành tự ngã,

Như vỏ và lõi cây,

Tự tác thành trái cây.

 

Tiếp theo dưới đây là một bài giảng khác về thế giới trong Saṃyutta Nikāya / Tương Ưng Bộ Kinh, nêu lên tính cách cực đoan của hai quan điểm ‘hiện hữũ và ‘phi hiện hữu’:

 

 

Bài giảng dành cho một nhà vũ trụ học

Lokāyatika Sutta - SN 12.48

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi,

Bhikkhu Sujato và Piya Tan)

 

Tại một nơi gần kinh thành Sāvatthī… Một hôm có một vị vũ trụ học bà-la-môn tìm gặp Đấng Thế Tôn. Khi gặp Ngài thì trao đổi với Ngài vài lời chúc tụng xã giao. Sau khi trao đổi với Đấng thế Tôn vài lời chúc tụng thân thiện và xã giao thì vị này ngồi sang một bên, sau đó cất lời tham vấn Đấng Thế Tôn như sau :

 

« Vậy, thưa Thầy Gotama (Cồ-đàm / tức là Đức Phật), có phải tất cả mọi thứ (chữ này trong tiếng Pali là sabba, chữ này có nghĩa là ‘tất cả mọi thứ’, ‘tất cả mọi hiện tượng’ / everything, nhưng cũng có nghĩa là một tổng thể / the all) đều [nhất loạt] hiện hữu hay chăng ? »

 

« Này bạn bà-la-môn, ‘Tất cả mọi thứ đều ‘hiện-hữu’ là [quan điểm] vũ trụ học của người xưa (senior / các vị tiền bối, thủ cựu, lỗi thời) ». 

 

« Vậy thì, thưa Thầy Cotama, có phải tất cả mọi thứ (mọi hiện tượng) đều [nhất loạt] ‘không-hiện-hữu’ hay chăng ? »

 

« Này bạn bà-la-môn, ‘Tất cả mọi thứ không-hiện-hữu’ là [quan điểm] thứ hai của khoa vũ trụ học ».

 

« Vậy thì có phải tất cả mọi thứ đều thuộc chung trong một Tổng thể (Oneness / Unity / một sự đơn thuần, duy nhất và độc nhất) hay chăng ? »

 

« ‘Tất cả mọi thứ đều thuộc chung trong một Tổng thể’ là [quan điểm] thứ ba của khoa vũ trụ học ». 

 

« Vậy thì có phải tất cả mọi thứ đều mang tính cách đa dạng (plurality / khác biệt với nhau) hay chăng ?

 

« Này bạn bà-la-môn, ‘Tất cả mọi thứ đều mang tính cách đa dạng’ là [quan điểm] thứ tư của khoa vũ trụ học. Thoát ra khỏi cả hai thái cực đó (hiện-hữu / không-hiện-hữu, tổng thể / đa dạng…) Tathāgata (Như Lai) thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp) bằng con đường Trung đạo :

 

(Con đường đó như sau :)

 

« Sự u mê (vô minh, lầm lẫn, thiếu sáng suốt) tạo điều kiện cần thiết đưa đến sự tạo tác (fabrication / tạo dựng, hình dung, tưởng tượng. Vì thiếu sáng suốt nên tâm thức tạo dựng ra đủ mọi thứ chuyện).

 

« Sự tạo tác tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra tri thức (consciousness).

 

« Tri thức tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra danh xưng và hình tướng.

 

« Danh xưng và hình tướng tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sáu lãnh vực giác cảm (ngũ giác và tâm thần)

 

« Sáu lãnh vực giác cảm tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự tiếp xúc (contact / sự tiếp xúc giữa lục giác và các đối tượng cảm nhận của chúng).

 

« Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự cảm nhận (feeling).

 

« Sự cảm nhận tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự thèm khát (craving).

 

« Sự thèm khát tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự bám víu (clinging)

 

« Sự bám víu tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự trở thành (becoming)

 

« Sự trở thành tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự sinh.

 

« Sự sinh tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự già nua và cái chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng. Đấy là nguyên nhân làm phát sinh ra toàn thể cái khối lo buồn và khổ đau này (mở rộng hơn thì cái khối khổ đau của từng mỗi cá thể đều dự phần tạo ra cái khối khổ đau của toàn thể nhân loại, mở rộng hơn nữa là của sự sống nói chung) ».

 

« Thế nhưng, sự tan biến và chấm dứt hoàn toàn của sự u mê (vô minh) sẽ đưa đến sự chấm dứt của mọi sự tạo tác (mọi sự tạo dựng, mọi sự hình dung trong tâm thức).

 

« Sự chấm dứt tạo tác sẽ đưa đến sự chấm dứt tri thức.

 

« Sự chấm dứt tri thức sẽ đưa đến sự chấm dứt danh xưng và hình tướng.

 

« Sự chấm dứt danh xưng và hình tướng sẽ đưa đến sự chấm dứt sáu lãnh vực giác cảm.

 

« Sự chấm dứt sáu lãnh vực giác cảm sẽ đưa đến sự chấm dứt tiếp xúc.

 

«Sự chấm dứt tiếp xúc sẽ đưa đến sự chấm dứt cảm nhận.

 

« Sự chấm dứt cảm nhận sẽ đưa đến sự chấm dứt thèm khát.

 

« Sự chấm dứt thèm khát sẽ đưa đến sự chấm dứt bám víu.

 

« Sự chấm dứt bám víu sẽ đưa đến sự chấm dứt trở thành.

 

« Sự chấm dứt trở thành sẽ đưa đến sự chấm dứt sự sinh.

 

« Sự chấm dứt sự sinh sẽ đưa đến sự chấm dứt của sự già nua và cái chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, khổ đau, khốn quẫn và tuyệt vọng.

 

 « Đấy cũng là sự chấm dứt của toàn thể cái khối lo buồn và khổ đau này ».

 

« Tuyệt vời thay, thưa Thầy Gotama ! Tuyệt vời thay ! Tương tự như một vật bị đổ xuống được dựng lên, khám phá ra một vật bị dấu kín, chỉ đường cho một người đi lạc, thắp lên một ngọn đèn trong tối giúp những ai có mắt trông thấy được các vật thể [chung quanh mình]. Cũng tương tự như vậy, Thầy Gotama – qua nhiều phương cách lý luận – đã giúp cho Dhamma trở nên sáng tỏ. Tôi xin được bước theo Thầy Goatama để nương tựa nơi Thầy (quy y với Thầy), kể từ hôm nay cho đến hết cuộc đời tôi ».

 

Vài lời ghi chú

 

Theo sự giải thích của nhà sư Thanissaro thì khoa vũ trụ học vào các thời kỳ cổ đại chỉ đơn giản là cách quan sát thiên nhiên qua sự vận hành ở các cấp bậc sơ đẳng và căn bản nhất, và từ đó thiết đặt ra các nguyên tắc áp dụng cho sự sống nói chung. Nhận xét này thật hết sức đúng với trường hợp của triết gia Lão Tử, khi vị này nhìn vào vào vũ trụ và nhận thấy mọi hiện tượng trong thiên nhiên không ai tác động đến chúng mà tự chúng hình thành và hiển hiện. Lão Tử dựa vào sự quan sát đó để hình dung ra cả một nguyên lý triết học gọi là Vô vi (無為), có nghĩa là không cần làm gì cả. Ý niệm này được rút tỉa từ một câu phát biểu rất nổi tiếng của Ông là : Vô vi nhi vô bất vi’ (無為而無不為), câu này có nghĩa là ‘Không cần làm gì cả nhưng không có gì là không [tự nó]làm được [cho nó]’, chữ ‘vi’ (為) có nghĩa là tạo ra, làm ra. Vì vậy, Lão Tử chủ trương thái độ ‘chẳng làm gì cả’ (vô vi), chỉ nên sống nhàn nhã, bất động và ẩn dật, mọi sự sẽ tự nó tạo ra cho nó.

 

Trái lại xã hội và nền khoa học ngày nay thì lại chủ trương một sự phấn đấu thật hăng say, nhằm khắc phục và chủ động các hiện tượng trong thiên nhiên. Đối với sự sống thì các nhà khoa học hình dung và phân tích các nguyên tắc tiến hóa sinh học để tìm hiểu vị trí của con người trong sự sống trên hành tinh này. Đối với không gian thì họ chế tạo các viễn vọng kính thật lớn, đưa các vệ tinh thật xa, sử dụng toán học và vật lý học để tìm hiểu sự vận hành của vũ trụ. Vậy tầm nhìn của Đức Phật về thế giới và vũ trụ là gì ?    

 

Đức Phật đứng ra ngoài – nhưng cũng có thể nói là đứng lên trên – tất cả các quan điểm, cùng các đường hướng trên đây. Tầm nhìn và cung cách hành xử của Đức Phật gọi là ‘Con đường Trung đạo’. Con đường đó không nhằm vào mục đích khẳng định vũ trụ và các hiện tượng trong vũ trụ ‘hiện-hữu’ hay ‘không-hiện-hữu’, mang tính cách ‘tổng-thể’ hay ‘đa-dạng’, cũng không tìm hiểu vũ trụ và các hiện tượng trong vũ trụ bằng các con số, bằng cách đo đạt, bằng các sự hiểu biết về vật lý học, v.v.  Bởi vì tất cả các nỗ lực đó dù đưa đến bất cứ một sự hiểu biết nào, một giả thuyết nào, một quan điểm nào thì tất cả đều mang tính cách cực đoan và giai đoạn. Các sự hiểu biết đó, các giả thuyết đó, các quan điểm đó, sớm muộn sẽ bị đánh đổ bởi các sự hiểu biết khác, các giả thuyết khác, các quan điểm khác.

 

Con đường Trung đạo của Đức Phật không chủ trương thái độ vô vi của Lão Tử, cũng không chủ trương sự hăng say của khoa học ngày nay, mà hướng vào một sự tập trung tâm thần thật mạnh, thật thăng bằng, tạo ra cho mình một sự quán thấy minh bạch về sự liên hệ và tương tác giữa thế giới vật lý bên ngoài và thế giới nội tâm của mỗi cá thể. Sự quán thấy đó sẽ giúp cho mỗi cá thể chủ động và biến cải tâm thức mình, giúp mình đứng ra ngoài sự vận hành của cả hai thế giới đó, và đấy gọi là sự giải thoát.  

 

 Tóm lại con đường Trung  đạo không có nghĩa là nửa này nửa kia, mà là thái độ không đòi hỏi và đánh giá mọi sự phải là như thế này, hoặc là như thế kia. Con đường đó đứng lên trên tất cả mọi quan điểm, hướng thẳng vào bên trong tâm thức, xóa bỏ sự u mê và lầm lẫn của tâm thức, biến tâm thức trở thành một bầu không gian thật trong sáng, tinh khiết, an vui và vô tận. 

 

Đức Phật mô tả và thuyết giảng về con đường đó, về sự vận hành của vũ trụ bên ngoài và thế giới nội tâm của của mỗi cá thể, dựa vào một nguyên lý toàn cầu vô cùng rộng lớn, do chính Ngài khám phá ra. Nguyên lý đó gọi là ‘Nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng’ (Paṭiccasamuppāda), kinh sách Hán ngữ gọi là ‘Lý duyên khởi’. Nguyên lý đó chi phối sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, không có một ngoại lệ nào cả. Các triết gia và khoa học gia ngày nay trong tất cả mọi ngành đều khâm phục sự khám phá đó của Đức Phật. Nguyên lý này cũng sẽ là chủ đề của quyển sách thứ hai trong loạt năm quyển sách này.  

 

Các bài giảng của Đức Phật luôn cụ thể, trực tiếp và thiết thực, nhất là có thể mang ra ứng dụng và thực hiện được, do vậy không nên chỉ biết ‘tìm hiểu’ hay ‘nghiên cứu’ giáo huấn của Đức Phật, ít nhất là trên phương diện lý thuyết, mà phải đặt nặng việc thực hành. Sau khi giải thích cho vị vũ trụ học bà-la-môn là các thắc mắc của vị ấy cũng chỉ đơn thuần là các quan điểm mà thôi, thì Đức Phật nêu lên một chuỗi níu kéo khởi đầu là sự u mê đưa đến sự già nua và cái chết, và sau đó là một chuỗi níu kéo theo chiều ngược lại, nhằm cắt đứt và tháo gỡ chuỗi níu kéo thường thấy – bắt đầu bằng sự u mê – để mang lại sự giải thoát cho một cá thể. Đấy là nội dung của bài giảng. Thế nhưng dường như một số dịch giả không nhận thấy được sự liên hệ giữa các thắc mắc mang tính cách lý thuyết và cực đoan của vị vũ trụ học và các chuỗi níu kéo trong tâm thức mang tính cách thực hành nêu lên trong bài giảng của Đức Phật, do đó các dịch giả này đã cắt bớt phân đoạn nói đến các chuỗi níu kéo trên đây, khiến bài giảng của Đức Phật không được đầy đủ.

 

Dưới đây là bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh :

 

Chương 12: Tương Ưng Nhân Duyên

V: Phẩm Gia Chủ: Gahapativagga

12.48. Thuận Thế Phái: Lokāyatika

 

Trú ở Sāvatthī.

 

Rồi một Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế đi đến Thế Tôn…

 

Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:

 

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?

 

—Này Bà-la-môn, tất cả đều có, là chấp kiến thứ nhất của thế gian.

 

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?

 

—Tất cả đều không có, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ hai của thế gian.

 

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là một?

 

—Tất cả đều là một, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ ba của thế gian.

 

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là nhiều?

 

—Tất cả đều là nhiều, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ tư của thế gian.

 

Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo.

 

Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức… Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Khi nghe nói vậy, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:

 

—Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!… con xin trọn đời quy ngưỡng.

 

                                 (Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

Tiếp tục dưới đây chúng sẽ trích dẫn một bài giảng khác trong Saṃyutta Nikāya / Tương Ưng Bộ Kinh :

 

 

Bài giảng cho vị Kaccāna Gotta

Kaccānagotta Sutta – SN 12.5

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi, Bikkhu Sujato, Suddhāso Bhikkhu,  Maurice O’Connell Walshe, David J. Kalupahana, Piya Tan, và bản dịch tiếng Pháp của Rémy)

 

Bài giảng nêu lên một vài ý niệm khá gần với Bài giảng cho một vị vũ trụ học bà-la-môn trên đây, thế nhưng chi tiết và khúc triết hơn. Hơn nữa bài giảng này là dành cho một trong các vị đệ tử uyên bác nhất của Đức Phật là Kaccāna Gotta. Chữ Kaccāna là tên gọi của một gia tộc quyền quý, chữ Gotta có nghĩa là Gia tộc hay Dòng dõi.

 

Bài giảng giải thích thế nào là một quan điểm đúng đắn (sammādiṭṭhi / chữ này là một từ ghép : sammā+diṭṭhi, chữ sammā có nghĩa là đúng đắn, chữ diṭṭhi có nghĩa là quan điểm). Trong phần giới thiệu bản dịch bài giảng này, nhà sư Thanissaro Bhikkhu cho biết là ‘quan điểm đúng đắn’ mang một ý nghĩa rất rộng, vượt lên trên cả Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Bốn Sự Thật Cao Quý là những gì phải thấu triệt một cách minh bạch, trong khi đó ‘quan điểm đúng đắn’ là một sự hiểu biết vượt lên trên tất cả những gì hiển hiện và cả những gì tan biến, kể cả sự hiển hiện và sự biến mất của ‘Con đường’. Sự hiểu biết đúng đắn phải tạo được cho mình một sự thanh thản, bình lặng và thăng bằng tuyệt đối, hầu giúp mình buông bỏ tất cả mọi sự hình dung và tạo dựng, mang lại cho mình sự giải thoát tối thượng. Bài giảng này như sau :    

 

Trong dịp khi Đấng Thế Tôn đang ngụ tại một nơi gần kinh thành Sāvatthī..., Ngài Kaccāna Gotta tìm gặp Ngài, khi gặp được Ngài thì gập người vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì vị Kaccāna cất lời hỏi Đấng Thế Tôn như sau : « Thưa Thế Tôn, người ta thường nói : 'Quan điểm đúng, quan điểm đúng '. Vậy, thưa Thế Tôn, thế nào gọi là quan điểm đúng ? »   

 

"Này Kaccāna, phần lớn những gì trong thế giới này nhất thiết xoay quanh một sự nghịch lý mang tính cách lưỡng cực phân tách hai ý niệm : hiện-hữu (existence) và  phi-hiện-hữu (non-existence). Thế nhưng đối với một người khi trông thấy được (chữ ‘trông thấy được’ trong tiếng Pali cũng có nghĩa là ‘hiểu được’) sự hiển hiện của thế giới cũng chỉ là như thế (nhà sư Thanissaro Bhikkhu giải thích thêm là chữ hiển hiện trong kinh điển Pali cũng có nghĩa là ‘nguyên nhân hiển hiện’ / cause of arising), thì sẽ  không có một ý niệm nào [gọi là] phi-hiện-hữu liên quan đến thế giới, hiện lên với người ấy cả. [Cũng vậy], đối với một người trông thấy được sự chấm dứt của thế giới cũng chỉ là như thế, thì sẽ không có một ý niệm nào [gọi là] hiện-hữu liên quan đến thế giới, hiện lên với người ấy cả (ý nghĩa của các câu trên đây là đối với một người có một sự hiểu biết đúng đắn thì sẽ nhận thấy sự hiển hiện và tan biết của thế giới cũng ‘chỉ là như thế’, không có một quyền lực siêu nhiên nào quyết định việc đó, các hiện tượng liên kết với nhau, cùng tác động và cùng chuyển động với nhau, người ấy không thắc mắc gì cả về sự hiện-hữu hay không-hiện-hữu của thế giới và cả sự vận hành của các hiện tượng trong thế giới).

 

« Này Kaccāna, hầu hết những gì trong thế giới đều bị đóng khung (bondage / trói chặt) trong một hệ thống [tư duy] gồm các sự nối kết, bám víu, và thành kiến (biaises / các định kiến, các giáo điều / dogmas). Thế nhưng nếu một người nào đó [tạo được cho mình một sự hiểu biết đúng đắn ] thì sẽ không tham gia, cũng không bám chặt vào hệ thống [tư duy] và các thành kiến mang tính cách giáo điều đó, và người ấy sẽ không nói lên : ‘Cái này là tôi’. Người ấy khẳng định một cách chắc chắn – không một chút nghi ngờ, không một chút do dự – là tất cả những gì hiển hiện đều là khổ đau (dukkha), và tất cả những gì chấm dứt (tan biến) đều là khổ đau. Sự hiểu biết đó là của cá nhân mình (do mình tự chứng nghiệm được, tự thực hiện được cho mình). Này Kaccāna, các điều ấy cho thấy như thế nào là một quan điểm đúng đắn.

 

« [Nếu: cho rằng] 'Mọi sự đều hiện-hữu': [Thì đấy] là một hình thức cực đoan. '[Nếu cho rằng] ‘Mọi sự không-hiện- hữu’: [Thì đấy] là một hình thức cực đoan thứ hai. Nhằm tránh cả hai thái cực đó, Tathāgata (Như Lai) thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp) bằng Con đường ở giữa (Trung đạo) (1) : 

 

(1)- (Thế giới và mọi hiện tượng trong thế giới chuyển động là như vậy : hiện-hữu, không-hiện-hữu, không-hiện-hữu nhưng cũng không-phải-là-không-hiện-hữu. Các hiện tượng liên kết với nhau, cùng biến dạng và cùng chuyển động với nhau. Tầm nhìn vượt lên trên mọi sự khẳng định đó phản ảnh con đường Trung đạo)

 

1- U mê (vô minh) tạo điều kiện cần thiết phát sinh ra sự tạo tác (các sự tạo dựng và hình dung trong tâm thần).

 

2- Sự tạo tác tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra tri thức.

 

3- Tri thức tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra danh xưng và hình tướng.

 

4- Danh xưng và hình tướng tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sáu lãnh vực giác cảm.

 

5- Sáu lãnh vực giác cảm tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự tiếp xúc.

 

6- Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự cảm nhận.

 

7- Sự cảm nhận tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự thèm khát.

 

8- Sự thèm khát tạo điều kiện cần thiết  làm phát sinh ra sự bám víu.

 

9- Sự bám víu tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự trở thành (bhava / becoming / hình thành)

 

10- Sự trở thành tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự sinh.

 

11- Sự sinh tạo điều kiện cần thiết làm phát sinh ra sự già nua và cái chết,

cùng các sự lo buồn, ta thán, đớn đau, cùng quẫn và tuyệt vọng.

 

12- Đấy là nguyên nhân làm phát sinh ra toàn thể cái khối cùng quẫn và khổ đau này [của mình].

 

1- Đến đây, sự tan biến và chấm dứt u mê sẽ đưa đến sự chấm dứt tạo tác (các sự tạo dựng trong tâm thần).

 

2- Sự chấm dứt tạo tác sẽ đưa đến sự chấm dứt tri thức.

 

3- Sự chấm dứt tri thức sẽ đưa đến sự chấm dứt danh xưng và hình tướng.

 

4- Sự chấm dứt danh xưng và hình tướng sẽ đưa đến sự chấm dứt sáu lãnh vực giác cảm.

 

5- Sự chấm dứt sáu lãnh vực giác cảm sẽ đưa đến sự chấm dứt tiếp xúc.

 

6- Sự chấm dứt tiếp xúc sẽ đưa đến sự chấm dứt cảm nhận.

 

7- Sự chấm dứt cảm nhận sẽ đưa đến sự chấm dứt thèm khát.

 

8- Sự chấm dứt thèm khát sẽ đưa đến sự chấm dứt bám víu.

 

9- Sự chấm dứt bám víu sẽ đưa đến sự chấm dứt trở thành.

 

10- Sự chấm dứt trở thành sẽ đưa đến sự chấm dứt sự sinh.

 

11- Sự chấm dứt sự sinh sẽ đưa đến sự chấm dứt già nua và cái chết, cùng các thứ lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng.

 

12- Và đấy cũng là sự chấm dứt của toàn bộ cái khối khốn quẫn và khổ đau này [của mình].

 

Vài lời ghi chú

 

Bài giảng thật minh bạch, không những nêu lên sự hiển hiện của các hiện tượng mà còn nêu lên các nguyên nhân làm phát sinh và làm tan biến các hiện tượng đó.  Trong trường hợp trên đây thì các hiện tượng và các nguyên nhân làm phát sinh ra chúng, tất cả đều nằm bên trong tâm thức của một cá thể. Sự quán thấy đúng đắn và sâu sắc đó tiếng Pali gọi là Pariñña (comprehension, discernment , insight, exact knowledge), chữ này, qua một khía cạnh nào đó, cũng có thể hiểu như là chữ ‘trí tuệ’ trong kinh sách Hán ngữ. Có một bài giảng rất ngắn của Đức Phật giải thích về sự hiểu biết này. Vậy xin chuyển ngữ bài giảng này để bổ túc cho Bài giảng cho vị Kaccāna Gotta trên đây :

 

 

Bài giảng về sự quán thấy
Pariñña Sutta - SN 22.23

 

(Dựa theo hai bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu và Bhikkhu Bodhi)

 

Tại một nơi gần thị trấn Sāvatthī… « Này các tỳ-kheo, ta sẽ giảng cho các tỳ-kheo về các hiện tượng cần phải hiểu biết, và cả sự hiểu biết [là gì]. Vậy hãy chú tâm lắng nghe. Ta sẽ giảng ».

 

Các tỳ kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ». 

 

Thế Tôn thuyết giảng như sau : « Vậy, các hiện tượng nào cần phải hiểu biết ? Hình tướng (form) là hiện tượng cần phải hiểu biết. Sự cảm nhận (feeling) là hiện tượng cần phải hiểu biết. Sự tạo tác (fabrication) là hiện tượng cần phải hiểu biết. Tri thức (consciousness) là hiện tượng cần phải hiểu biết (câu này đã được rút ngắn, không kê ra đầy đủ các thể dạng vận hành của tâm thức). Đấy là các hiện tượng cần phải hiểu biết.

 

« Vậy sự hiểu biết là gì ? [Đấy là] sự chấm dứt của đam mê, sự chấm dứt của thù hận, sự chấm dứt của ảo giác : Đấy là những gì gọi là sự hiểu biết (sự hiểu biết trong Phật giáo không phải chỉ đơn giản là một sự ‘hiểu biết’ mà là một sự ‘quán thấy’ sâu xa, ý thức được sự hiển hiện của một hiện tượng và cả sự biến mất của nó. Sự hiểu biết trong lãnh vực tu tập là một sự hiểu biết tích cực, thiết thực và ích lợi)».

 

Tiếp theo dưới đây chúng ta sẽ trích dẫn một bài giảng khá thú vị trong Samyutta Nikāya / Tương Ưng Bộ Kinh :

         

 

Bài giảng về cuộc du hành

đến chốn tận cùng của Thế giới

Lokantagamana Sutta SN 35.116

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu,

Bhikkhu Bodhi, Bikkhu Sujato và Piya Tan)

 

Lokantagamana tựa bài giảng là một từ ghép (Lokanta+ gamana), chữ lokanta có nghĩa là chốn tận cùng của thế giới, chữ gamana có nghĩa là du hành. Bài giảng mang cùng một cấu trúc với Bài giảng về viên mật ngọt / Madhupindika – MN 18 đã được trích dẫn trước đây trong bài số 6, thế nhưng nội dung thì khác hẳn. Bài giảng này như sau :

 

« Này các tỳ kheo, ta bảo rằng không thể nào hiểu biết được, trông thấy được, hoặc [thân hành] đến được chốn tận cùng của thế giới (của vũ trụ), bằng phương cách du hành (bằng các phương tiện di chuyển). Thế nhưng, ta cũng bảo rằng không thể nào làm cho khổ đau phải chấm dứt khi chưa đạt đến chốn tận cùng của thế giới (thế giới ở đây là thế giới bên trong nội tâm của mỗi cá thể, đó là cái thế giới khổ đau do mỗi cá thể tự tạo ra cho mình. Đối với thế giới nội tâm đó thì không thể thoát ra khỏi nó đó bằng các phương pháp hướng ra bên ngoài) ».

 

Sau khi nói lên câu ấy thì Đấng Thế Tôn rời khỏi ghế và bước vào nơi trú ngụ. Lúc Đấng Thế Tôn vừa vắng mặt, thì các tỳ-kheo bàn bạc với nhau : ‘Này các bạn, Đấng Thế Tôn nói lên một câu thật ngắn gọn nhưng không giải thích chi tiết, sau đó thì rời khỏi ghế và bước vào nơi trú ngụ. Vậy có ai [trong số chúng ta] có thể giải thích chi tiết ý nghĩa trong câu phát biểu ngắn gọn mà Đấng Thế Tôn vừa mới nêu lên hay chăng ?’. Họ đưa ra ý kiến : ‘Ngài Ānanda, là người được Đấng Thế Tôn khen ngợi và được các bạn đồng tu uyên bác trọng vọng trong cuộc sống thánh thiện, vì vậy Ngài Ānanda là người có đủ khả năng bình giải chi tiết về câu phát biểu ngắn gọn mà Đấng Thế Tôn vừa nêu lên, nhưng không giải thích chi tiết về ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy tìm Ngài Ānanda để nhờ vị này giải thích cho chúng ta ý nghĩa trong câu phát biểu ấy’.

 

Các tỳ-kheo bèn tìm Ngài Ānanda, khi gặp Ngài thì cùng trao đổi với Ngài vài câu chào hỏi và sau đó thì ngồi sang một bên và thuật lại những gì vừa xảy ra và nói thêm : ‘Xin Ngài Ānanda hãy giải thích cho chúng tôi về câu phát biểu đó [của Đấng Thế Tôn]’.

 

Ngài Ānanda đáp lại như sau :

 

« Này các bạn, điều đó chẳng khác gì như một người cần đến một lõi cây, tìm kiếm lõi cây, nhưng không nghĩ rằng lõi cây là ở nơi gốc và nơi thân của một cội cây to lớn, mà cứ đi tìm lõi cây nơi cành lá. Đối với các bạn cũng vậy, lúc vị Thầy còn đang trước mặt mình thì các bạn lại không nghĩ đến việc đó, không nghĩ rằng là mình phải nêu lên thắc mắc của mình với Đấng Thế Tôn. Các bạn nên hiểu rằng Ngài là vị Giác Ngộ ; Ngài trông thấy [tất cả], Ngài là Vị trông thấy ; Ngài hiểu biết [tất cả], Ngài là Vị hiểu biết ; Ngài là Dhamma (Đạo Pháp, Giáo lý) ; Ngài là Vị Thánh thiện. Ngài là vị Thầy ; Ngài là Vị diễn giả  ; Ngài là Vị tuyên cáo, Ngài là Vị thuyết giảng ; Ngài là Vị nêu lên con đường Bất tử, Ngài là Vị đế vương Dhamma, Ngài là Tathāgata (Như Lai). Trước đây khi Ngài còn đang ở đó chính là lúc thích nghi nhất để các bạn nêu lên các thắc mắc của mình với Đấng Thế Tôn, và Ngài giải thích như thế nào thì các bạn cũng phải ghi nhớ đúng như thế ».

 

« Thưa bạn Ānanda, quả là như vậy, Thế Tôn trông thấy tất cả, Ngài là Vị trông thấy ; Thế Tôn hiểu biết tất cả, Ngài là Vị hiểu biết ; […] (lập lại như trên đây) ; Ngài là Tathāgata (Như Lai). Thật vậy, trước đây là lúc thích nghi nhất để chúng tôi nêu các thắc mắc của chúng tôi với Đấng Thế Tôn, và Ngài giải thích như thế nào thì chúng tôi sẽ phải ghi nhớ đúng là như vậy. Thế nhưng, Ngài Ānanda là người được vị Thầy khen ngợi, được các vị đồng tu trọng vọng trong cuộc sống thánh thiện, vì thế Ngài Ānanda tất có đủ khả năng để diễn giải ý nghĩa trong những lời phát biểu ngắn gọn của Đấng Thế Tôn. Vì vậy, nếu không làm phiền đến Ngài, thì xin Ngài hãy giải thích cho chúng tôi về lời phát biểu ngắn gọn ấy của Đấng Thế Tôn.

 

« Vậy, các bạn hãy lắng nghe, tôi sẽ giảng ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa bạn Ānanda».

 

« Này các bạn, Đấng Thế Tôn nêu lên câu tuyên bố ngắn gọn ấy nhưng không giải thích chi tiết, sau đó thì rời khỏi ghế và bước vào nơi lưu trú. Câu tuyên bố ấy như sau : ‘Này các tỳ-kheo, ta bảo rằng chốn tận cùng của vũ trụ (loka / thế giới) không thể biết được, không trông thấy được, cũng không đạt đến được bằng phương tiện du hành. Tuy nhiên, này các tỳ-kheo, ta cũng bảo rằng nếu không đạt được chốn tận cùng của vũ trụ (thế giới) thì sẽ không thể nào làm cho khổ đau chấm dứt được’. Theo tôi thì câu phát biểu khái quát ấy có nghĩa là : ‘Đối với thế giới thì chúng ta là người [đứng ra] nhận biết (percever) thế giới, là người hình dung (conceiver) ra thế giới – và đấy là thế giới được gọi là thế giới của những người Đệ tử Cao quý (thế giới hiểu biết bởi những người tu tập được học hỏi và thấu triệt được Dhamma. Cái thế giới đó là cái thế giới mà họ cảm nhận được xuyên qua lục giác của mình). Này các bạn, vậy thì cái thế giới mà chúng ta đang cảm nhận được nó, hình dung được nó là gì ? Đối với thế giới đó, thì mắt giúp cho một người nào đó cảm nhận (nhận biết) được thế giới, hình dung ra thế giới. Đối với thế giới, thì tai…, mũi…, lưỡi…, thân thể…, tâm thần… (các câu này đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng), giúp một người nào đó cảm nhận (nhận biết) được thế giới, hình dung ra thế giới. Đấy là thế giới được gọi là thế giới của những người Đệ tử Cao quý (đối với những người tu hành thì thế giới / vũ trụ là kết quả phát sinh từ các sự cảm nhận của lục giác và sự hình dung của tâm thần là cơ quan giác cảm thứ sáu. Do vậy, cái thế giới ấy, hay cái vũ trụ ấy, là sản phẩm tạo ra bởi mỗi cá thể, và cũng là nguồn gốc mang lại khổ đau cho từng mỗi cá thể ấy. Chúng ta không thể du hành bằng cách hướng vào không gian bên ngoài để vượt thoát cái thế giới nằm bên trong tâm thức mình do mình tạo dựng ra nó. Cái vũ trụ nội tâm cũng như cái vũ trụ trong không gian bên ngoài, cả hai cùng vô tận như nhau, không thể đạt đến được chốn tận cùng của cả hai vũ trụ ấy bằng  phương tiện du hành).

 

« Này các bạn, Đấng Thế Tôn trước khi rời khỏi ghế quay vào nơi trú ngụ có nêu lên một câu ngắn gọn nhưng không giải thích chi tiết về ý nghĩa. Câu này như sau : ‘Này các tỳ-kheo, ta bảo rằng chốn tận cùng của thế giới không thể biết được, không trông thấy được, cũng không đạt đến được, bằng phương tiện du hành. Tuy nhiên ta, cũng bảo rằng nếu không đạt được chốn tận cùng của thế giới thì không thể nào làm cho khổ đau chấm dứt được’. Theo ý tôi thì ý nghĩa chi tiết trong câu phát biểu ngắn gọn của Đấng Thế Tôn là như trên đây (vừa được giải thích trên đây). Vậy, nếu muốn thì các bạn nên tìm Đấng Thế Tôn để hỏi lại về cách giải thích ấy [của tôi]. Dù Đấng Thế Tôn giải thích như thế nào thì các bạn cũng phải ghi nhớ đúng như thế ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa bạn », sau đó thì họ cùng nhau rời khỏi ghế, tìm Đấng Thế Tôn. Sau khi vái chào Đấng Thế Tôn thì họ ngồi sang một bên và thuật lại với Đấng Thế Tôn những gì xảy ra sau khi Ngài vừa bước vào nơi trú ngụ. Sau đó họ nói thêm : « Thưa Thế Tôn, chúng tôi tìm Ngài Ānanda để nhờ giải thích ý nghĩa trong câu phát biểu đó của Thế Tôn. Ngài Ānanda giải thích cho chúng tôi về ý nghĩa đó bằng cách như thế này, bằng các thuật ngữ như thế này, bằng các câu như thế này ». 

 

« Này các tỳ-kheo, Ānanda là một vị thông thái, có một trí tuệ rộng lớn. Nếu các tỳ kheo hỏi ta về ý nghĩa trong câu phát biểu ấy, thì ta cũng sẽ giải thích đúng với cách mà Ānanda giải thích. Ý nghĩa trong câu phát biểu của ta cũng đúng là như vậy, các tỳ-kheo hãy ghi nhớ đúng là như vậy ».

 

Vài lới ghi chú

 

Như đã được ghi chú trên đây, thế giới và kể cả vũ trụ là sản phẩm của mình, do mình tạo ra xuyên qua các sự cảm nhận của sáu cơ quan giác cảm của mình. Cái vũ trụ đó, cái thế giới đó nằm bên trong tâm thức mình, khuấy động tâm thức mình, tạo ra những chuỗi dài níu kéo từ sự u mê tâm thần đưa đến sự sinh, sự già nua và cái chết. Chúng ta không thể thoát ra khỏi cái thế giới đang chuyển động đó trong tâm thức mình bằng cách du hành đến chốn tận cùng của thế giới đó. Đối với vũ trụ bên ngoài thì cũng vậy, chúng ta không thể đạt được chốn tận cùng của nó bằng phương tiện du hành. Nói một cách khác là chúng ta không thể làm dừng lại sự chuyển động bằng sự chuyển động. Chúng ta chỉ có thể làm dừng lại một sự chuyển động bằng sự yên lặng, bằng sự tắt nghỉ, bằng sự tĩnh lặng mà thôi. Sự yên lặng đó, sự tắt nghỉ đó, sự tĩnh lặng đó tùy thuộc vào khả năng và sức mạnh của tâm thức của từng mỗi cá thể, nhưng cũng là những gì có thể thực hiện được. Và sự thực hiện đó cũng là chủ đích của phép luyện tập thiền định.

 

Ngoài ra bài giảng còn kín đáo nêu có một chi tiết khác, tuy là chi tiết thế nhưng đáng cho chúng ta lưu ý. Đó là sự cố gắng tìm hiểu giáo lý của các vị tỳ-kheo : không hiểu một lời giảng nào đó của Đấng Thế Tôn thì phải cùng nhau bàn thảo, hoặc tìm một người uyên bác hơn mình để giải thích cho mình. Đồng thời bài giảng cũng cho biết là trong Tăng đoàn cũng có những người uyên bác – trong trường hợp này là vị Ānanda – thấu triệt được giáo lý của Đức Phật để giảng lại cho những người đồng tu với mình. Đấy là cách mà Đức Phật cố tình giữ sự yên lặng để các tỳ-kheo phải tự cố gắng học hỏi. Sự yên lặng đó đồng thời cũng là cách kín đáo đào tạo các vị uyên bác sẵn sàng giảng dạy cho những người đồng tu với mình và để tiếp tục quảng bá Giáo huấn của Ngài sau này.

 

Qua một góc nhìn khác nữa thì Giáo huấn của Đức Phật không phải chỉ là một mớ lý thuyết không tưởng mà là một cái gì đó rất sinh động, thực dụng và có thể thực hiện được. Thiết nghĩ đấy cũng là một bài học cho chúng ta ngày nay, ngoài các việc tụng niệm, lễ lạc và các cung cách giữ gìn đạo đức thông thường, đôi khi chúng ta cũng nên tìm hiểu Giáo huấn sâu sắc của Đức Phật một cách thiết thực và nghiêm chỉnh hơn.

 

Tiếp tục dưới dây chúng ta sẽ trích dẫn các bài giảng khác. Chúng ta có thể nghĩ rằng bài giảng Dhammacakkappavattana Sutta / Kinh Chuyển Pháp Luân dành cho năm vị đồng tu với mình trước kia, là bài giảng đầu tiên mở màn cho toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật sau khi Ngài vừa đạt được Giác ngộ. Thế nhưng thật ra cũng có một số bài giảng khác – ít nhất thì cũng là các bài giảng nêu lên các cảm nghĩ đầu tiên của Ngài – khi Ngài vừa đạt được Giác ngộ dưới cội Bồ-đề nơi khu rừng Uruvelā, trước cả bài giảng Dhammacakkappavattana Sutta / Kinh Chuyển Pháp Luân nói đến trên đây.  Do đó xin mạn phép trích dẫn hai bài giảng trong số các bài giảng này. Dưới đây là bài thứ nhất :

 

 

Bài giảng về sự quán thấy thế giới

Loka Sutta - Ud 3:10

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Ānandajoti, và bản dịch tiếng Pháp của Rémy)

 

Bái giảng này được trích dẫn từ tập Udāna / Tự thuyết kinh, trong Khudhaka Nikāya / Tiểu Bộ Kinh. Bài giảng nêu lên sự quán thấy của Đức Phật về bản chất của thế giới :

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn còn đang ngụ nơi [khu rừng] Uruvelā (Âu-lâu-tần-loa) bên bờ sông Nerañjarā (Ni-liên-thiền), dưới bóng râm của một cội cây Bồ-đề. Ngài ngồi liên tiếp suốt bảy ngày liền dưới gốc cội cây này và đạt được niềm phúc hạnh của sự giải thoát. Sau bảy ngày đó, và sau khi xuất khỏi thể dạng tập trung tâm thần (xuất thiền) thì Ngài quán nhìn vào thế giới qua đôi mắt của một Đấng Giác Ngộ. Ngài trông thấy vô số chúng sinh đang bị thiêu đốt bởi các các ngọn lửa bùng lên từ các cơn sốt của đam mê (rāga), hận thù (dosa) và ảo giác (moha).  

 

Lúc vừa quán thấy được sự nóng bỏng đó [trong thế giớ] Ngài thốt lên :

 

« Thế giới này đang bốc cháy !

 

Các ngọn lửa bốc lên từ sự tiếp xúc,

(sự tiếp xúc giữa lục giác và các đối tượng cảm nhận của chúng trong thế giới, đưa đến các sự diễn đạt và tạo dựng trong tâm thần của một cá thể)

 

[Thế nhưng] thế giới vẫn cứ gọi cơn bệnh ấy (các cơn sốt ấy, các ngọn lửa nóng bỏng ấy) là ‘Tôi’.

 

Dù cho rằng mình là gì (được tạo dựng trên căn bản nào),

 

Thì thế giới cũng sẽ không sao tránh khỏi đổi thay (vô thường),

 

[Thế nhưng] đổi thay thì tự nó cũng là một hình thức trở thành.

 

Thế giới luôn vướng mắc vào sự trở thành,

 

Khốn khổ vì sự trở thành,

 

Thế nhưng thế giới vẫn cứ cảm thấy vui sướng trong sự trở thành.

 

Bất cứ nơi nào có sự vui sướng thì nơi ấy [sớm muộn] cũng sẽ xảy ra sự sợ hãi.

 

Và sợ hãi thì [tự nó] cũng là khổ đau.

 

Sống cuộc sống thánh thiện,

 

Là cách buông bỏ sự trở thành.

 

Nếu bất cứ một vị tu hành nào hay một vị bà-la-môn nào,

 

Bảo rằng sự vượt thoát khỏi sự trở-thành là nhờ vào sự trở-thành,

 

Thì tất cả các vị ấy sẽ không sao thoát ra khỏi sự trở thành.

 

Ta khẳng định về lời nói ấy [của ta]. 

 

Bất cứ một vị tu hành nào hay một vị bà-la-môn nào,

 

Bảo rằng vượt thoát khỏi sự trở-thành là nhờ vào sự không-trở-thành,

 

Thì tất cả các vị ấy sẽ không sao thoát khỏi sự trở-thành

(cố gắng ‘không-trở-thành’ tự nó và bởi chính nó cũng là một sự ‘trở thành’) 

 

Sở dĩ xảy ra khổ đau,

 

Là vì sự chiếm hữu.

 

Chỉ khi nào mọi sự bám víu (chiếm hữu) đều thật sự chấm dứt,

 

Thì sẽ không còn xảy ra bất cứ một sự khổ đau nào.

 

Hãy nhìn vào thế giới này [thì sẽ thấy]:

 

Chúng sinh khổ đau vì u mê dầy đặc,

 

Khiến mình không sao thoát ra khỏi sự đam mê về những gì đang trở thành.

 

Tất cả mọi cấp bậc của sự trở thành,

 

Dù trong bối cảnh nào hay bằng phương cách nào,

 

Thì tất cả [các sự trở thành đó] đều là khổ đau vì sự đổi thay [của chúng].

 

Khi trông thấy được điều đó – sự trở thành là [khổ đau] như thế nào –  

 

Thì một người nào đó, với một sự nhận định đúng đắn,

 

Sẽ buông bỏ sự thèm khát được trở thành,

 

Người ấy cũng không vui sướng với sự không-trở-thành.

 

Sự chấm dứt hoàn toàn của sự thèm khát,

 

Sẽ đưa đến sự suy giảm và chấm dứt [của sự trở thành],

 

Không lưu lại một chút tàn dư nào :

 

Đấy chính là sự Giải thoát.

 

Đối với một người tu hành khi đã vượt thoát được mọi sự bám víu,

 

Thì sẽ không còn một sự trở thành nào khác [xảy ra với mình] trong tương lai.

 

Khắc phục được Ma vương (Māra),

 

Đạt được sự chiến thắng,

 

Kết thúc được trận chiến,

 

Vị tu hành ấy vượt lên trên sự trở thành.

 

Tất cả cũng chỉ là như vậy.

 

Vài lời ghi chú

 

Tuyệt vời thay những lời nhận định về thế giới này của một vị Phật sau khi vừa đạt được Giác ngộ. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta cất tiếng khóc khi lọt lòng mẹ, phản ảnh sự khổ đau của sự trở thành. Thế nhưng khi lớn lên thì chúng ta lại bám víu vào sự trở thành, ăn mừng ngày ‘sinh nhật’ đánh dấu ngày trở thành của mình, xem sự trở thành đó là ‘Tôi’,  là cái ‘Tôi’ của tôi. Những người chung quanh cũng thường xem sự trở thành đó của mình khi lọt lòng mẹ là một niềm phúc hạnh, nhưng không hề ý thức được sự trở thành của họ, sự hiện hữu của chính họ, và cả cái thế giới trong tâm thức họ cũng đang bốc cháy.

 

Tầm nhìn đó của một Đấng Giác Ngộ về sự bốc cháy của thế giới cách nay đã hơn hai-mươi-lăm thế kỷ, thế nhưng ngày nay, dường như thế giới vẫn còn đang bốc cháy. Ngọn lửa của đam mê, hận thù và ảo giác vẫn còn tiếp tục bùng cháy trên khắp hành tinh nhỏ bé này trong vũ trụ, vẫn còn hừng hực trong tâm thức của từng mỗi cá thể trong chúng ta.

 

Bản dịch bài giảng này của HT Thích Minh Châu dù được đưa lên mạng thế nhưng khá khó tìm, bởi vì cách đánh số khác hơn với các cách thường thấy. Do vậy xin trích dẫn bản dịch này dưới đây hầu độc giả có thể xem thêm nếu cần :

 

Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Hứng Ngữ)

Udàna

Chương 1-3

chương Một - Phẩm Bồ Đề

 

(X) (Ud 32)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới thành Chánh giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết già, hưởng thọ giải thoát lạc. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày ấy, từ định ấy xuất khởi, nhìn đời với Phật nhãn, thấy các chúng sanh bị thiêu đốt với nhiều loại thiêu đốt, bị nhiệt não bởi nhiều loại nhiệt não, bởi tham, bởi sân, bởi si.

Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

10. Đời này bị thiêu đốt,
Chi phần bởi cảm xúc,
Tự mình nói rõ lên,
Chứng bệnh của chính mình,
Bởi vì nó nghĩ đến,
Do đó bị đổi khác,
Bị đổi khác vi hữu,
Bị lệ thuộc vì hữu,
Đời này hữu chi phối,
Lại hoan hỷ với hữu,
Khi nào có hoan hỷ,
Ở đấy có sợ hãi,
Với ai có sợ hãi,
Đấy tức là đau khổ,
Chính do đoạn diệt hữu,
Phạm hạnh này được sống.

Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.

Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.

Do duyên sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn diệt tất cả sanh y, khổ không có hiện hữu.

11. Hãy xem đời rộng này,
Bị vô minh chi phối,
Các sanh loại được sanh,
Ưa thích được sanh khởi,
Không thoát được sanh hữu.
Với ai đốt sanh hữu,
Tất cả mọi thời, xứ,
Tất cả sanh hữu này,
Vô thường khổ biến hoại,
Như vậy, thấy như thật,
Với chơn chánh trí tuệ,
Hữu ái được đoạn tận,
Phi hữu ái hoan hỷ
Đoạn diệt ái hoàn toàn,
Ly tham, diệt, hoàn toàn,
Như vậy là Niết Bàn,
Tỷ-kheo ấy mát lạnh,
Không chấp thủ tái sanh,
Nhiếp phục được ma vương,
Trận chiến đã chiến thắng,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Vượt qua mọi sanh hữu
.

Tiếp theo dưới đây là bài giảng thứ hai nêu lên các cảm nghĩ của Đức Phật sau khi vừa đạt được Giác ngộ :

 

Bài giảng về sự tôn kính

Garava Sutta - SN 6.2

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Piya Tan, và bản dịch tiếng Pháp của Rémy)

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn vừa đạt được Giác ngộ, Ngài còn đang ngụ tại [khu rừng] Uruvelā, bên bờ sông Narañjarā, dưới bóng râm của một cội cây đa (cội Bồ-đề). Ngài sống một mình, lẻ loi và ẩn dật, và ý nghĩ sau đây hiện lên trong tâm trí Ngài : ‘Con người sẽ cảm thấy khổ đau nếu không có ai để mình tôn vinh và trọng vọng. Hiện nay, tôi nào có thấy một kẻ tu hành nào, một vị bà-la-môn nào để tôi bước theo, tôn vinh và trọng vọng ?’

 

Và ý nghĩ sau đây đã hiện lên với Ngài : ‘Tôi mong tìm thấy một vị tu hành hay một vị bà-la-môn nào khác để tôi tôn vinh, trọng vọng và bước theo, hầu giúp tôi hoàn thiện đạo đức cho cấu hợp (khandha / kinh sách Hán ngữ gọi là ‘uẩn’, là một khái niệm quan trọng trong Phật giáo : con người là một sự cấu hợp gồm năm thành phần / ‘ngũ uẩn’ : thân xác / rūpa, sự cảm nhận / vedanā, sự nhận thức / sañña, các tạo tác tâm thần / sankhāra và tri thức / viññāna) đạo đức chưa được hoàn hảo này của tôi. Thế nhưng trong thế giới này, gồm các Thiên nhân, Ma vương, Phạm thiên và cả toàn thể thế hệ con người đang hiện hữu, trong đó gồm có các vị bà-la-môn, vua chú và cả những con người bình dị, tôi không thấy có vị tu hành nào hay vị bà-la-môn nào hoàn hảo hơn tôi về đạo đức để tôi bước theo, tôn vinh và trọng vọng.

 

« Tôi mong tìm thấy một vị tu hành hay một vị bà-la-môn nào khác để tôn vinh, trọng vọng và bước theo, hầu giúp tôi cải thiện cấu hợp của khả năng nhận định chưa được hoàn hảo này của tôi. Thế nhưng trong thế giới này, gồm các Thiên nhân, Ma vương, Phạm thiên và cả thế hệ con người đang hiện hữu, trong đó gồm có các vị bà-la-môn, vua chúa và cả những con người bình dị, tôi không thấy có vị tu hành nào hay vị bà-la-môn nào hoàn hảo hơn tôi về khả năng nhận định (discernment / khả năng nhận xét chính xác và sáng suốt) để tôi bước theo, tôn vinh và trọng vọng.

 

« Tôi mong tìm thấy một vị tu hành hay một vị bà-la-môn nào khác để tôn vinh, trọng vọng và bước theo, hầu giúp tôi cải thiện cấu hợp của sự giải thoát chưa được hoàn hảo này của tôi. Thế nhưng trong thế giới này, gồm các Thiên nhân, Ma vương, Phạm thiên và cả thế hệ con người đang hiện hữu, trong đó gồm có các vị bà-la-môn, vua chúa và cả những con người bình dị, tôi không thấy có vị tu hành nào hay vị bà-la-môn nào hoàn hảo hơn tôi trên phương diện giải thoát để tôi bước theo, tôn vinh và trọng vọng.

 

« Tôi mong tìm thấy một vị tu hành hay một vị bà-la-môn nào khác để tôn vinh, trọng vọng và bước theo, hầu giúp tôi cải thiện cấu hợp về khả năng hiểu biết và quán thấy chưa được hoàn hảo này của tôi. Thế nhưng trong thế giới này, gồm các Thiên nhân, Ma vương, Phạm thiên và cả thế hệ con người đang hiện hữu, trong đó gồm có các vị bà-la-môn, vua chúa và cả những con người bình dị, tôi không thấy có vị tu hành nào hay vị bà-la-môn nào hoàn hảo hơn tôi về khả năng hiểu biết và quán thấy để tôi bước theo, tôn vinh và trọng vọng.

 

« Vì vậy, tại sao tôi lại không bước theo chính con đường Dhamma đã từng giúp tôi đạt được sự tỉnh thức hoàn hảo để tôn vinh và trọng vọng ? ».

 

Khi Đấng Thế Tôn vừa ý thức được đường hướng nhận thức tâm thần đó bên trong tâm thức mình – tương tự như một người khỏe mạnh duỗi ra hay gập lại cánh tay của mình – thì vị Phạm thiên Sahampathi (Brahmā Sahampati, một vị Trời trên cõi Trời) vụt biến mất trên cõi Phạm thiên (cõi của các vị Trời) và tức khắc hiện ra sau đó trước mặt Đấng Thế Tôn. Vị Phạm thiên Sahampathi kéo áo khoác ngoài ngay ngắn trên vai, chắp hai tay trước ngực, vái chào Đấng Thế Tôn và nói với Đấng Thế Tôn như sau : ‘Quả đúng là như vậy, thưa Thế Tôn !  Quả đúng là như vậy, thưa vị Thành đạt ! (vị Phạm thiên Sahampathi nhận thấy ý định của Đấng Thế Tôn hướng vào Dhamma, tôn vinh và trọng vọng Dhamma là chính đáng). Những ai từng là các vị Arahant (các vị Phật) trong quá khứ, từng tự mình đạt được sự Giác ngộ đích thật trong quá khứ – tất cả đều bước theo, tôn vinh và trọng vọng Dhamma. Những ai [sau này]sẽ là các vị Arahant, tự mình đạt được sự Giác ngộ đích thật trong tương lai – tất cả sẽ đều bước theo, tôn vinh và trọng vọng Dhamma. Và Đấng Thế Tôn là vị Arahant trong hiện tại, là một Vị tự mình đạt được sự Giác ngộ đích thật – đang tự mình bước theo, tôn vinh và trọng vọng Dhamma ».

 

Trên đên là những lời do vị Brahmā Sahampathi nêu lên, và sau đó thì vị này nói thêm :

 

Các vị Phật trong quá khứ, các vị Phật trong tương lai,

 

Và cả vị Phật trong hiện tại,

 

Tất cả đều là các vị làm vơi bớt nỗi lo buồn của bao khẻ khác,

 

Các vị ấy từng bước theo, sẽ bước theo,

 

Và cả vị Phật trong hiện tại cũng đang bước theo Dhamma đích thật,  

 

Để cùng nhau tôn vinh Dhamma đích thật. 

 

Điều đó, đối với toàn thể các vị Phật, là một quy luật tự nhiên.

 

Bất cứ ai mong cầu tạo được những điều tốt đẹp cho mình,

 

Ước vọng thực hiện được sự cao quý cho mình,

 

Thì phải kính trọng Dhamma đích thật,

 

Phải ghi nhớ những lời ‘Giáo huấn’ của chư Phật.

 

Vài lời ghi chú

 

Bài giảng nêu lên sự khiêm tốn của Đức Phật và cả sự do dự của Ngài trước khi quyết định quảng bá Dhamma đích thật. Quyết định đó đã được một vị Trời cổ vũ. Dhamma đích thật vượt lên trên tất cả các vị Phật trong quá khứ và cả trong tương lai. Vị Gotama (Cồ Đàm) chỉ là một vị Phật trong hiện tại, một vị Phật lịch sử. 

 

‘Bất cứ ai mong cầu tạo được những điều tốt đẹp cho mình, thực hiện được sự cao quý cho mình thì phải kính trọng Dhamma đích thật, phải ghi nhớ những lời Giáo huấn của chư Phật’. Thế nhưng trong quá khứ và cả trong hiện tại chúng ta dường như thường bày vẽ ra thêm quá nhiều điều có thể là trái ngược lại với Dhamma đích thật.

 

                                                              Bures-Sur-Yvette, 12.12.24

                                                                        Hoang Phong

 

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/08/2012(Xem: 9138)
Đây là bài nói chuyện của Tỳ Kheo Bodhi trong chương trình Google Techtalks vào ngày 3 /11/2010. Trong phần mở đầu, Tỳ Kheo Bodhi nói rằng Ngài biết anh bạn Quản lý chương trình Techtalks là người thích hài hước, nên Ngài phải chọn một nhan đề mang tính hài hước cho bài nói chuyện này là:“ Cần Có Hai Người Để Nhảy Điệu Tango ”,( vì Ngài e ngại bài nói chuyện của Ngài sẽ tẻ nhạt đối với thính giả). Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc, thì đề tài của buổi nói chuyện này sẽ là: “Tương Lai Nhân Loại và Tương Lai Phật Giáo ”.
02/08/2012(Xem: 16714)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
19/07/2012(Xem: 11817)
Trí tuệ Phật giáo là một khả năng, một phẩm tính của tâm thức, tượng trưng cho một sự hiểu biết, nhưng là một sự hiểu biết chuyên biệt, được định hướng rõ rệt...
09/07/2012(Xem: 6920)
Giáo pháp về mười hai chi duyên khởi là chung cho tất cả các truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, sự diễn dịch về mười hai chi, những tiến trình của chúng, và đặc biệt sự giải thích về chi thứ nhất, vô minh, học phái Trung Quán giải thích có sai biệt nhiều hơn khi so sánh với các giải thích trong các học phái triết học khác.
15/06/2012(Xem: 6317)
Trong kinh điển Phật giáo , có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc thiếu thực tế . Đức Phật thấy rõ , những người đặt các câu hỏi như thế thì hoặc chính bản thân họ không hiểu , hoặc họ chỉ nhằm khoe khoang kiến thức qua những tưởng tượng hay ức đoán ; và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Đức Phật . Vì thế mà Đức Phật chỉ im lặng .
05/06/2012(Xem: 36032)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
31/05/2012(Xem: 7417)
Áo nghĩa thư (Upaniṣad) còn được biết với một tên gọi khác nữa, đó là Vedānta, vì nó được xem là phần tột cùng của Phệ-đà... Thích Nhuận Châu dịch
26/05/2012(Xem: 4339)
Giáo dục Phật giáo là lý tưởng hoàn thiện xã hội và con người. Lý tưởng này vẫn được truyền thừa qua nhiều thế hệ nhằm đem lại hài hoà, thịnh vượng và hạnh phúc cho con người, xã hội. Đức Phật chẳng những là một triết gia lỗi lạc, một đạo sư chuẩn mực mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại. Giáo dục làm thăng tiến tâm thức và phát triển xã hội. Vai trò của Phật giáo rất quan trọng trong giáo dục, vì Phật giáo chủ trương hoàn thiện tâm thức, và xã hội. Con người có khả năng nhận thức và lý luận. Tâm con người là phương tiện cơ bản để sinh tồn, và phương tiện để đạt được tri thức. Con người không thể sống chỉ cần những nhu cầu vật chất đơn giản mà còn cần sự tiến triển tinh thần. Sự tiến triển tinh thần này gọi là tiếp thu tri thức hay giáo dục. Nếu không có khả năng giáo dục và được giáo dục nhân loại không có được những thành tựu như ngày nay. Giáo dục đem lại 4 điều lợi ích cho con người: 1) Có được tri thức cần thiết cho sự sinh tồn. 2) Phát triển khả năng của con người.
11/05/2012(Xem: 12571)
Vô ngã là hình thức đối nghịch với cái ngã. Cái ngã thì sanh lão bệnh tử, biến dị, khổ ưu, vô thường. Trái lại vô ngã được quan niệm như là bất sanh bất diệt...
17/04/2012(Xem: 5923)
Tôi là một người tha hương đang sống nhờ ở đậu trên xứ người. Tôi có thể nói được tiếng nước người, thích ứng được vào cuộc sống nước người, và đi lại bình thường như một người bình thường trên đất nước người. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, vẫn có một cái gì đó không bình thường, một thứ tiếng gì đó không vỡ nghĩa, một nỗi đau nào đó không rõ tên, như những đợt sóng ngầm, bất kỳ lúc nào, có thể bất thần dâng lên như mưa lũ gió cuồng, xô tôi vào thế giới của hụt hẫng và mộng mị.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]