Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhu Cầu vì Hòa Bình và Ân Cần

22/01/201807:04(Xem: 9474)
Nhu Cầu vì Hòa Bình và Ân Cần



dalailama-sydney 

NHU CẦU VÌ HÒA BÌNH VÀ ÂN CẦN

 

Nguyên bản: The Need for Peace and Kindness

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma

Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D.

Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / December 24, 2017

 

 

LỜI MỞ ĐẦU CỦA TIẾN SĨ JEFFREY HOPKINS

 

Tôi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng lần đầu tiên vào năm 1972. Chỉ ba ngày sau khi tôi đến Dharamsala ở miền bắc Ấn, ngài đã bắt đầu khóa thuyết giảng 16 ngày,  bốn đến sáu tiếng mỗi ngày về những giai đoạn của con đường Giác Ngộ. Tôi đã bắt đầu học Tạng ngữ và thực tập Phật giáo Tây Tạng vào năm 1962, và những vị thầy của tôi, đặc biệt chỉ bảo về những sự phức tạp của các luận điển Tây Tạng, đã chuẩn bị cho tôi việc học hỏi với những học giả du già Tây Tạng tị nạn ở Ấn Độ. Nhưng thật tình mà  nói, tôi không nghĩ rằng một vị tái sanh được chỉ định nắm quyền sinh ra ở đông bắc Tây Tạng năm 1935 và được nhìn nhận qua những sự tiên đoán, các giấc mộng, những biến cố cực kỳ phi thường, và các thử nghiệm như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vào lúc 2 tuổi – có thể đảm đương nhiệm vụ quan trọng như vậy.

 

Tuy nhiên tôi đã kinh ngạc.

 

Ngài đã nói về một biên độ rộng của những đề tài liên quan đến con đường Giác Ngộ, chiếm được tâm hồn và trái tim tôi với những khái niệm, rộng và hẹp, phân loại những vấn đề từ lâu chưa được giải quyết, mở rộng đến những người khác và đưa tôi vào những lãnh vực thấu hiểu mới.

 

Bằng Tạng ngữ Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với một tốc độ tường tận và minh bạch khiến tôi không thể bị xao lãng. Một lần, ngài hào hứng đặc biệt trong khi đang diễn tả những quán chiếu về việc phát sinh lòng bi mẫn. Giọng của ngài vang lên đến một cấp độ mà ngài nói đùa như “giọng-dê”, trong ấy tôi đã nghe niềm say mê đầy cảm hứng của thi ca. Trong loạt thuyết giảng ấy ngài trình bày phạm vi lãnh hội của những thực tập đưa đến Giác Ngộ, với chiều sâu của triết lý, vốn dĩ là những đề tài thường thường kề cận nhau mà người khác để trong trạng thái cách li. Cùng giọng của cả thi ca và triết lý được trình bày trong quyển sách này, đôi khi chạm vào trái tim với những tường thuật xúc động về thân phận của sự sống và các phẩm chất tốt đẹp của lòng vị tha, và vào những lúc khác là các phân biệt cẩn thận về những thực tập thậm thâm như thiền quán về tánh không, vốn phục vụ như việc nuôi dưỡng qua năm tháng cho quán chiếu.

 

Lúc 5 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt được đưa về Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, nơi ngài phải trải qua việc rèn luyện theo chương trình trọn vẹn của tu viện. Qua sự xâm chiếm miền Đông Tây Tạng của Trung Cộng năm 1950, ngài bất ngờ lãnh trách nhiệm chấp chánh thế quyền trung ương lúc 16 tuổi. Mặc dù cố gắng để hợp tác với những kẻ xâm lược, nhưng ngài phải đối diện với hiểm họa cá nhân đang đe dọa và đào thoát đến Ấn Độ năm 1959. Trong lưu vong, ngài đã thành công trong việc tái lập lại trên diện rộng những trung tâm văn hóa Tây Tạng. Ngài đã du hành một cách rộng rãi gần như khắp thế giới, mang theo thông điệp – không chỉ cho những người Phật tử và tín đồ của những tôn giáo khác, mà cho mọi người – về tầm quan trọng của ân cần tử tế với chính kết cấu của xã hội. Trong việc công nhận về những nổ lực không mệt mõi của ngài nhân danh đồng bào Tây Tạng và tất cả mọi dân tộc, ngài đã được trao giải Nobel hòa bình năm 1989.

 

Đức Thánh Thiện đã xuất bản nhiều quyển sách, một số cho những độc giả phổ thông và một số khác cho những người đặc biệt thích thú với Phật giáo. Trong quyển sách này, ngài đã trình bày một truyền thống thực tập tâm linh lâu đời ở Tây Tạng và về kinh nghiệm của chính ngài để cống hiến những ý kiến về vấn đề thực tập một con đường tâm linh như thế nào sẽ đưa đến sự trong sáng tinh thần và việc chuyển hóa cảm xúc. Trong cách này, ngài cho thấy đời sống có thể hiện thực một cách đầy đủ ý nghĩa như thế nào.

 

Qua ba mươi năm mà tôi đã biết ngài và trong mười năm phục vụ như thông dịch viên trưởng của ngài trong những chuyến thuyết giảng ở Hoa Kỳ, Canada, Indonesia, Singapore, Malaysia, Úc Đại Lợi, Anh quốc, và Thụy Sĩ, tôi đã chứng kiến hóa thân của ngài trong những thực tập này với chính thâm tâm thị hiện của ngài. Thật quan trọng để cho chúng ta nhận ra con người tuệ giác tròn đầy, từ bi, hài hước và kỳ diệu này phát xuất từ nền văn hóa Tây Tạng. Chúng ta cần đánh giá rằng văn hóa như một trong những kỳ quan vĩ đại của thế giới.

 

Jeffrey Hopkins, Ph. D.

Giáo sư Tây Tạng học,

Đại học Virginia, Hoa Kỳ

 

 

 


GIỚI THIỆU: NHU CẦU VÌ HÒA BÌNH VÀ ÂN CẦN

 

 

Tôi đã du hành qua nhiều nơi khắp thế giới, và bất cứ khi nào tôi nói chuyện với mọi người, thì tôi luôn luôn có cảm giác rằng tôi là một thành viên trong gia đình của họ. Mặc dù chúng ta có thể mới gặp lần đầu, nhưng tôi xem mọi người như bạn. Thật sự chúng ta đã biết nhau, một cách sâu sắc, như những con người mà chúng ta cùng chia sẻ những mục tiêu căn bản như nhau: Tất cả chúng ta đều tìm cầu hạnh phúc và không muốn khổ đau.

 

HAI CÁCH ĐỂ HẠNH PHÚC

 

Có hai cách để tạo dựng hạnh phúc. Thứ nhất là bên ngoài. Bằng việc có được chỗ ở tốt đẹp hơn, áo quần tốt đẹp hơn, và những người bạn tốt đẹp hơn thì chúng ta có thể thấy được một tiêu chẩn nào đó của hạnh phúc và hài lòng. Thứ hai là qua phát triển tinh thần, vốn có thể mang lại hạnh phúc nội tại. Tuy nhiên, hai sự tiếp cận này không thể phát triển một cách như nhau. Hạnh phúc bên ngoài không thể tồn tại lâu dài mà không có bộ phận tương ứng của nó. Nếu điều gì đó đang vắng mặt trong nhận thức của ta – nếu điều gì đó tâm hồn ta đang thấy thiếu – thế thì mặc cho quanh ta là những thứ xa hoa nhất, thì ta cũng không thể hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu ta có hòa bình trong tâm hồn, thì ta có thể thấy hạnh phúc ngay cả dưới những hoàn cảnh khó khăn nhất.

 

Tiến bộ vật chất không thôi đôi khi giải quyết một vấn đề nhưng lại tạo ra một rắc rối khác. Thí dụ, những người nào đó có thể có được giàu sang, một nền giáo dục tốt, và vị trí xã hội cao, nhưng hạnh phúc lãng tránh họ. Họ dùng thuốc ngủ và uống rượu quá nhiều. Đôi khi là thiếu thốn thứ gì đó khiến họ không thể hài lòng, vì thế những người này nương tựa vào ma túy hay rượu chè. Trái lại, một số người ít tiền bạc để lo lắng nhưng hưởng thụ hòa bình nhiều hơn. Họ ngủ ngon về đêm. Mặc cho nghèo trong ý nghĩa vật chất, nhưng họ toại nguyện và hạnh phúc. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ của một thái độ tinh thần tốt. Sự tiến bộ vật chất không thôi sẽ không thể giải quyết toàn bộ vấn nạn khổ đau của nhân loại.

 

Trong quyển sách này, tôi cống hiến với quý vị, những độc giả, các kỷ năng từ những truyền thống Tây Tạng, nếu thực hành hằng ngày, thì sẽ đưa đến hòa bình tinh thần. Khi quý vị tĩnh lặng tâm hồn và trái tim, thì sự khuấy động và lo lắng của quý vị sẽ tự nhiên lắng đọng, và quý vị sẽ hạnh phúc hơn. Các mối quan hệ của quý vị với những người khác sẽ phản chiếu những sự thay đổi này. Và như những con người tốt đẹp hơn, quý vị sẽ là những công dân tốt đẹp hơn của đất nước quý vị, và cuối cùng là những công dân tốt đẹp hơn của thế giới.

 

ÂN CẦN TỬ TẾ

 

Tất cả chúng ta bất lực khi được sanh ra. Không có lòng ân cần của cha mẹ thì chúng ta không thể sống còn, kém thành công hơn nhiều. Khi trẻ con lớn lên trong sợ hãi liên tục, không ai tựa nương, chúng đau khổ cả đời. Vì tâm hồn trẻ nhỏ rất yếu đuối, thế nên nhu cầu cho lòng ân cần của chúng đặc biệt rõ ràng.

 

Người trưởng thành cũng cần lòng ân cần. Nếu người nào đó chào đón tôi với một nụ cười dễ thương, và biểu lộ một thái độ thân hữu chân thành, tôi sẽ cảm kích rất nhiều. Cho dù tôi có thể không biết người đó hay thấu hiểu ngôn ngữ của họ, nhưng họ làm cho trái tim tôi vui sướng tức thời. Trái lại, nếu lòng ân cần thiếu vắng, thì ngay cả với người nào đó trong nền văn hóa của tôi, người mà tôi đã biết trong nhiều năm, tôi cũng cảm thấy được. Ân cần và yêu thương, một cảm nhận thật sự của tình anh chị em, những thứ này là rất quý giá. Chúng tạo thành cộng đồng hiện thực và vì vậy là rất quan trọng trong xã hội.

 

TIỀM NĂNG CON NGƯỜI

 

Mỗi chúng ta có cảm nhận tất yếu về tự ngã, “cái tôi”. Chúng ta cũng chia sẻ những mục tiêu căn bản: Chúng ta muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Thú vật và côn trùng cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, nhưng chúng không có năng lực đặc biệt để nghĩ đến việc đạt được hạnh phúc sâu hơn và vượt thắng khổ đau như thế nào. Như những con người, được ban cho khả năng tư duy, chúng ta có tiềm năng này, và chúng ta phải sử dụng nó.

 

Trong mọi cấp độ - như những cá nhân, và như những thành viên của một gia đình, một cộng đồng, một quốc gia, và một hành tinh – những kẻ gây rối hiểm độc mà chúng ta đối diện là sân hận và vị kỷ. Loại vị kỷ mà tôi liên hệ ở đây không chỉ là một cảm nhận của cái tôi, nhưng là một sự phóng đại của tính tự cho mình là trung tâm. Không ai tuyên bố cảm thấy hạnh phúc trong khi sân hận. Khi nào mà sân hận vẫn còn khống chế tính khí của chúng ta, thì không thể có sự hạnh phúc tồn tại lâu dài.  Để đạt được hòa bình, tĩnh lặng, và tình thân hữu thật sự, chúng ta phải giảm thiểu tối đa sân hận và trau dồi lòng ân cần cùng một trái tim nhiệt tình. Điều này có thể đạt được qua những sự thực tập mà tôi sẽ diễn tả trong quyển sách này.

 

Việc phát triển một trái tim nhiệt tình của chính chúng ta cũng có thể chuyển hóa những người khác. Khi chúng ta trở thành những con người dễ thương hơn, thì những người láng giềng, bạn bè, cha mẹ, người phối ngẫu, và con trẻ sẽ trải nghiệm ít sân hận hơn. Họ sẽ trở thành nhiệt tình hơn, yêu thương hơn và hòa hiệp hơn. Chính không khí trở thành hạnh phúc hơn sẽ thúc đẩy sức khỏe tốt hơn, có lẻ ngay cả sống lâu hơn.

 

Quý vị có thể giàu sang, quyền lực và học vấn tốt, nhưng nếu không có những cảm nhận lành mạnh của lòng ân cần và yêu thương thì sẽ không có hòa bình trong chính quý vị, không có hòa bình trong gia đình quý vị - ngay cả con cái của quý vị cũng đau khổ. Lòng ân cần là thiết yếu cho hòa bình tinh thần. Khi quý vị thấy những trang sách sắp đến, phương pháp trung tâm cho việc đạt được một đời sống hạnh phúc hơn là rèn luyện tâm thức quý vị trong sự thực tập hàng ngày vốn làm suy yếu những thái độ tiêu cực và làm mạnh những thứ tích cực.

 

Câu hỏi lớn là chúng ta có thể thực tập ân cần và hòa bình hay không. Nhiều vấn nạn đã xuất phát từ các thái độ như đặt chúng ta lên trước bằng mọi giá. Tôi biết từ kinh nghiệm của chính tôi là có thể thay đổi những thái độ này và cải thiện tâm thức con người. Dù nó không màu sắc, không hình thể, và đôi khi yếu đuối, nhưng tâm thức con người có thể trở thành mạnh hơn sắt thép. Để rèn luyện tâm thức, quý vị phải tập nhẫn nại và quyết chí, nó tạo hình cho sắt thép ấy. Nếu quý vị thực tập cải thiện tâm thức với một ý chí mạnh mẽ và khoan dung, bằng việc cố gắng, cố gắng, cố gắng, thì bất chấp bao nhiêu khó khăn mà quý vị có thể chạm trán vào lúc đầu, nhưng rồi thì quý vị sẽ thành công. Với sự nhẫn nại, và thực tập, cùng thời gian, sự thay đổi sẽ đến.

 

Đừng bỏ dở. Nếu quý vị bi quan vào lúc khởi đầu, thì quý vị không thể thành công. Nếu hy vọng và quyết tâm, quý vị sẽ luôn luôn thấy một mức độ nào đó của thành công. Giành được huy chương vàng không thành vấn đề. Quý vị sẽ phải cố gắng tột cùng.

 

LỆ THUỘC HỔ TƯƠNG

 

Phần lớn thế giới bây giờ được nối kết với nhau bởi một mạng lưới truyền thông điện tử và thông tin tức thời. Trong thế kỷ 21, nền kinh tế toàn cầu của chúng ta đã làm cho các quốc gia và người dân của chúng lệ thuộc nặng nề vào nhau. Thời xa xưa, sự trao đổi giữa các quốc gia không cần thiết. Ngày nay, thật không thể duy trì sự cô lập, thế nên nếu các quốc gia không có sự tôn trọng hổ tương, thì các vấn nạn phải sinh ra. Mặc dù có những dấu hiệu nghiêm trọng của rắc rối giữa các quốc gia giàu nghèo, và giữa những nhóm người giàu nghèo trong các quốc gia, thì những rạn nứt kinh tế này có thể được chửa trị bằng một cảm nhận mạnh mẽ hơn của sự lệ thuộc hổ tương và trách nhiệm toàn cầu. Người dân trong nước này phải xem người dân trong nước khác như anh chị em, những người cũng xứng đáng phát triển quê hương của họ.

 

Mặc cho mọi nổ lực tốt nhất của các lãnh tụ thế giới, các khủng hoảng cứ bùng lên. Chiến tranh giết hại người dân vô tội; người già và trẻ con chết liên tục không ngừng. Nhiều chiến binh đang đánh nhau ở đấy không phải do ý muốn của họ, nổi khổ đau thật sự mà các chiến binh vô tội này đang trải nghiệm là rất đau buồn. Việc buôn bán vũ khí – hàng nghìn và hàng nghìn loại vũ khí và đạn dược được sản xuất trong những nhà máy như đổ dầu vào lửa bạo động, nhưng nguy hiểm hơn súng ống hay bom đạn là sự thù hận, thiếu vắng yêu thương, và thiếu vắng sự tôn trọng các quyền lợi của người khác. Khi mà thù hận vẫn còn lưu trú trong tâm thức con người, thì nền hòa bình thật sự là không thể có.

 

Chúng ta phải làm mọi cách để chấm dứt chiến tranh, và để thoát khỏi thế giới của vũ khí hạt nhân. Lần đầu tiên khi tôi viếng Hiroshima, nơi trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống, khi tôi thấy ngay hiện trường và nghe các câu chuyện của những người sống sót, trái tim tôi xúc động sâu sắc. Bao nhiêu người đã chết ngay trong thời khắc ấy! Bao nhiêu người nữa bị thương tật! Bao nhiêu đau đớn và thê lương mà chiến tranh nguyên tử đã tạo ra! Tuy thế, hãy nhìn vào biết bao tiền của được dành cho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thật sốc, đáng hổ thẹn vô cùng.

 

Những tiến bộ trong khoa học và kỷ thuật đã làm lợi lạc vô vàn cho nhân loại, nhưng không phải là không có giá của nó. Trong khi chúng ta hưởng thụ sự phát triển của máy bay phản lực, thí dụ thế, vốn làm cho chúng ta có thể du lịch một cách dễ dàng trên thế giới, thì những vũ khí tàn phá kinh khủng cũng được tạo ra. Bất chấp quê hương của họ xinh đẹp và xa xôi như thế nào đi nữa, nhiều người vẫn sống trong sợ hãi liên tục của một hiểm họa thật sự: hàng nghìn và hàng nghìn đầu đạn hạt nhân đang chờ tấn công. Nhưng nút bấm phải được một người nào đó nhấn tay vào, và vì thế quyết định của con người là trách nhiệm tối hậu.

 

Cách duy nhất để đạt đến nền hòa bình trường cửu là qua sự tin tưởng, tôn trọng hổ tương, yêu thương và ân cần. Cách duy nhất. Những cố gắng bằng sức mạnh toàn cầu để chiếm ưu thế qua chạy đua vũ trang – cho dù nguyên tử, hóa học, sinh học, và quy ước – là phản tác dụng. Làm thế nào một thế giới đầy thù oán và sân hận đạt được nền hòa bình thật sự? Hòa bình bên ngoài không thể có được nếu không có hòa bình nội tại. Thật cao quý để hành động cho những giải pháp bên ngoài, nhưng chúng không thể được thực hiện một cách đầy đủ khi người ta vẫn còn thù oán và sân hận trong tâm thức họ. Đây là nơi sự thay đổi sâu sắc phải được bắt đầu. Cá biệt thì chúng ta phải hành động để thay đổi những nhận thức căn bản mà những cảm nhận chúng ta lệ thuộc. Chúng ta chỉ có thể làm như vậy qua rèn luyện, bằng việc dấn thân vào việc thực tập với mục tiêu định hướng lại dần dần cung cách chúng ta nhận thức chính mình và người khác.

 

Tình trạng tuyệt vọng của thế giới chúng ta kêu gọi chúng ta hành động. Mỗi chúng ta có trách nhiệm cố gắng để hổ trợ ở cấp độ sâu xa hơn cho cộng đồng nhân loại chung của chúng ta. Bất hạnh thay, nhân loại thường bị hy sinh quá nhiều trong việc bảo vệ lý tưởng. Điều này chắc chắn là sai lầm. Những hệ thống chính trị phải thật sự làm lợi ích cho con người, nhưng, như tiền bạc, chúng có thể điều khiển chúng ta thay vì hoạt động cho chúng ta. Bất kỳ lúc nào, với trái tim nhiệt tình và nhẫn nại chúng ta cũng có thể quan tâm đến những quan điểm của người khác, và trao đổi ý kiến trong những thảo luận trầm tĩnh, thì chúng ta sẽ tìm ra những điểm đồng thuận. Đó là trách nhiệm của chúng ta – vì lòng từ ái và bi mẫn cho con người – để tìm sự hòa hiệp giữa các quốc gia, các lý tưởng, các nền văn hóa, các nhóm chủng tộc, và kinh tế cùng những hệ thống chính trị. Khi chúng ta thật sự nhận ra tính duy nhất của toàn thể nhân loại, thì động cơ của chúng ta để tìm hòa bình sẽ phát triền mạnh mẽ hơn. Trong cảm nhận sâu xa nhất, chúng ta thật sự là những anh chị em của nhau, cho nên chúng ta phải chia sẻ đau khổ của nhau. Sự tôn trọng, tin tưởng và quan tâm hổ tương cho sự cát tường của nhau là hy vọng tuyệt vời nhất cho một nền hòa bình bền lâu.

 

Dĩ nhiên, các lãnh tụ quốc gia có một trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực này, nhưng mỗi cá nhân cũng phải phát huy sáng kiến, bất chấp niềm tin tôn giáo. Quả thật như là con người, bằng việc tìm cầu để thành đạt hạnh phúc và tránh khổ đau, chúng ta là những công dân của hành tinh này. Tất cả chúng ta có trách nhiệm cho việc tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Để có được một thái độ thân hữu, một trái tim nhiệt tình, tôn trọng cho các quyền của người khác, và quan tâm cho lợi ích của họ thì chúng ta phải rèn luyện tâm thức. Trong quyển sách này, tôi sẽ trình bày một loạt những thực tập được vạch ra từ các truyền thống Tây Tạng sẽ rất hữu ích cho việc hoàn thành những mục tiêu này. Đối tượng chủ yếu của sự thực tập hàng ngày là để trau dồi một thái độ của yêu thương và tĩnh lặng – một thể trạng của tâm thức đặc biệt quan trọng trong xã hội con người ngày nay vì năng lực của nó mang lại một sự  hòa hiệp chân thật giữa các quốc gia, chủng tộc và dân tộc từ những hệ thống tôn giáo, chính trị và kinh tế khác biệt.

 

TẠO DỰNG HÒA HIỆP

 

Hòa hiệp và hữu nghị vốn cần thiết trong gia đình, quốc gia, và thế giới của chúng ta chỉ có thể đạt được qua yêu thương và ân cần tử tế. Bằng việc hổ trợ nhau, với sự quan tâm và tôn trọng, chúng ta có thể giải quyết nhiều vấn nạn một cách dễ dàng. Hòa hiệp không thể xuất phát từ đỉnh điểm của mất lòng tin, lừa dối, bắt nạt và tinh thần ganh đua không thiện cảm. Thành công qua hăm dọa và bạo động là thắng thế tạm thời; thành quả tầm thường của nó chỉ có thể tạo thêm những rắc rối mới. Đó là tại sao chỉ trong vài thập niên sau thảm họa vô vàn của Thế chiến thứ I, Thế chiến thứ II đã nổ ra và hàng triệu người nữa đã chết. Nếu chúng ta thẩm tra lịch sử lâu dài của thù oán và sân hận, thì rõ ràng chúng ta thấy nhu cầu để tìm ra một phương cách tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ có thể giải quyết các vấn nạn của chúng ta qua những phương tiện hòa bình chân thật – không chỉ những lời nói hòa bình mà là một nền hòa bình từ tâm hồn và trái tim. Trong cách này, chúng ta sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn.

 

Điều này có thể chứ? Đánh đấm, lừa dối, và bắt nạt đã cột chúng ta vào trong hoàn cảnh hiện tại; bây giờ chúng ta cần sự rèn luyện trong những sự thực tập mới để tìm lối ra. Dường như nó phi thực tế và lý tưởng hóa, nhưng chúng ta không có sự thay thế cho yêu thương, việc nhìn nhận giá trị nhân bản và tính duy nhất của nhân loại. Đây là cách duy nhất để đạt được niềm hạnh phúc miên viễn.

 

Tôi đã du hành từ quốc gia này qua quốc gia khác với ý nghĩa duy nhất này. Tôi đã rèn luyện tâm thức trong nhiều thập niên, vì thế khi tôi gặp gở mọi người từ những nền văn hóa khác nhau thì không có rào cản nào. Tôi tự tin rằng mặc cho những nền văn hóa khác nhau cùng những hệ thống chính trị kinh tế khác nhau, nhưng một cách căn bản tất cả chúng ta là giống nhau. Càng gặp gở nhiều người hơn sự tự tin của tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn về tính duy nhất của nhân loại, được đặt nền tảng trong sự thấu hiểu và tôn trọng, là một căn bản thực tế và có thể thành tựu được cho tư cách của chúng ta. Bất cứ nơi nào tôi đến, đây là điều mà tôi nói đến. Tôi tin rằng từ ái và bi mẫn -  một cảm nhận chân thành về tình anh chị em – là tôn giáo phổ quát. Bất chấp ta là Phật tử hay Ki tô hữu, Hồi giáo hay Ấn giáo, cho dù chúng ta hoàn toàn không thực tập tôn giáo gì cả thì vấn đề quan trọng là cảm nhận đồng nhất với nhân loại của chúng ta.

 

Quý vị có đồng ý không? Quý vị có nghĩ là điều này vô nghĩa không? Tôi không phải là một Thánh Vương (God King) như một số người gọi tôi. Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo. Những gì tôi đang nói là từ sự thực tập của tôi, rất giới hạn. Nhưng tôi thật sự cố gắng để thực hiện những ý tưởng này trong đời sống hàng ngày của tôi, một cách đặc biệt khi tôi đối diện với những rắc rối. Dĩ nhiên đôi khi tôi thất bại. Đôi khi tôi bực tức. Có khi tôi sử dụng những lời thô tháo, nhưng khi xảy ra như vậy, lập tức tôi nghĩ “Ô, như vậy là sai rồi.” Tôi cảm nhận điều này vì tôi đã tiếp thu những sự thực tập yêu thương và tuệ trí làm cốt lõi cho quyển sách này. Những sự thực tập hàng ngày này là rất hữu ích và rất giá trị trong đời sống của tôi. Do vậy, vì biết rằng quý vị và tôi có tâm hồn và trái tim như nhau, cho nên tôi chia sẻ chúng với quý vị.

 

***

 

Khi tôi mới 15, Hồng Quân đánh chiếm miền Đông Tây Tạng, và chỉ trong một năm chính quyền Tây Tạng quyết định tôi nên trực tiếp điều khiển công việc của quốc gia. Đó là một thời điểm khó khăn khi chúng tôi nhìn sự tự do của chúng tôi bị xói mòn, và trong năm 1959, tôi bị buộc phải đào thoát khỏi thủ đô dưới sự che chở của màn đêm. Trong lưu vong ở Ấn Độ, chúng tôi đối diện với các rắc rối hàng ngày từ nhu cầu điều hòa với khí hậu khác biệt quá lớn đến nhu cầu tái thiết lập những cơ cấu văn hóa. Sự thực tập tâm linh đã cho tôi một triển vọng để có thể giữ sự tìm kiếm cho những giải pháp mà không đánh mất quan điểm về sự kiện rằng tất cả chúng ta là những con người bị hướng dẫn lạc lối bởi những ý kiến sai lầm và được hợp nhất bởi những mối quan hệ chung, sẳn sàng cho sự cải thiện.

 

Điều này đã dạy tôi rằng những nhận thức của yêu thương, tĩnh lặng, và tuệ giác là quan trọng với đời sống hàng ngày và phải được trau dồi trong sự thực tập hàng ngày. Rắc rối bắt buộc phải xảy ra, cho nên việc trau dồi thái độ đúng đắn là cần thiết. Sân hận làm suy giảm năng lực phân biệt đúng và sai, và năng lực này là một trong những cống hiến cao cấp nhất của loài người. Nếu nó bị đánh mất thì chúng ta cũng không còn. Đôi khi cũng cần phản ứng một cách mạnh mẽ, nhưng điều này  nên được thực hiện mà không có sân hận. Sân hận là không cần thiết. Nó vô giá trị.

 

Tôi gọi từ bi yêu thương là nguyên liệu chính của địa cầu. Loài người muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hòa bình tinh thần là nhu cầu căn bản cho toàn thể nhân loại. Đối với những chính trị gia, kỷ , khoa học gia, người nội trợ, bác sĩ, giáo viên, luật sư – cho tất cả mọi người trong mỗi nỗ lực – một động cơ lành mạnh, yêu thương là nền tảng của sự lớn mạnh tâm linh.

 

TỔNG QUAN CỦA QUYỂN SÁCH

 

Trong những chương tiếp theo, tôi sẽ diễn tả những kỷ năng Phật giáo đặc thù cho việc đạt đến hòa bình tinh thần và một năng lực lớn hơn cho từ bi yêu thương trong phạm vi của hành động để vượt thắng những gì mà Đạo Phật xem như các khái niệm sai lầm về vấn đề sự sống và sự vật tồn tại như thế nào. Trong thuật ngữ Phật giáo, đây là con đường đến Giác Ngộ. Tuy nhiên, bất cứ người nào cũng có thể hiện thực những bước đặc thù đối với việc tự cải thiện khi họ thấy thích hợp.

 

Tôi đã bố cục quyển sách này làm sáu phần. Bắt đầu bằng Những Căn Bản, với câu chuyện về Đức Phật như một sự hướng dẫn cho cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, sống trọn vẹn: ở đây tôi giới thiệu ba khía cạnh của sự thực tập tâm linh – đạo đức, thiền định và tuệ trí – vốn là chủ đề chính của quyển sách. Trong phần thứ hai, Thực Hành Đạo Đức, tôi diễn tả hai loại đạo đức: tái định hướng những hành vi của thân thể và lời nói để không làm tổn hại người khác, và việc trau dồi quan tâm sâu sắc hơn cho người khác. Trong phần thứ ba, Thực Tập Thiền Định, tôi diễn tả vấn đề thành tựu tập trung tinh thần như thế nào và khôi phục tĩnh lặng trong những hoàn cảnh căng thẳng như thế nào. Điều này được tiếp theo bởi Thực Hành Tuệ Trí, trình bày chủ đề khó nhưng bổ ích của duyên khởi và tánh không. Ở đây, chúng ta đi sâu hơn vào tư duy Phật giáo khi chúng ta quan tâm đến sự khác biệt giữa tâm thức và bản chất tối hậu của nó. Trong phần thứ tư này, tôi hy vọng giảng giải bất cứ khái niệm nào mà Phật giáo vì một lý do nào đấy cho là hư vô và bi quan bằng việc diễn tả tính tương hợp giữa hiện tướng và thực tại.

 

Những sự thảo luận này về đạo đức, thiền định và tuệ trí diễn ra nhẹ nhàng trong phần thứ năm, Mật Tông tantra, trình bày một sự thực tập du già đặc biệt phối hợp ba thứ này. Tôi cũng thảo luận vấn đề tham muốn có thể được sử dụng trong con đường tâm linh như thế nào bởi những hành giả lão luyện.

 

Phần kết luận, Những Bước Trên Đường Đi, trình bày tổng quan về con đường thực tập từ lúc bắt đầu thẳng đến sự Giác Ngộ, một thể trạng nơi tâm thức và thân thể phát triển trọn vẹn để phụng sự người khác.

 

Từ lúc bắt đầu đến kết thúc, sự tập trung của chúng ta ở trong sự phát triển một trái tim và tâm thức thuần thiện qua một thái độ đạo đức và một sự thấu hiểu về thực tại, được tăng cường bởi sự tập trung. Hãy nghĩ về đạo đức, thiền định và tuệ trí như một như một bản đồ cho sự Giác Ngộ, nhắc nhở chúng ta về mục tiêu cao nhất của sự thực tập – một sự chuyển hóa thái độ đối với hòa bình, yêu thương, tập trung tĩnh lặng, và tuệ trí. Việc thấu hiểu bản đồ, tự nó là một phần của con đường, vạch ra cho chúng ta hướng đến mục tiêu. Tôi hy vọng rằng, những phần của quyển sách này có thể hữu dụng, nhưng nếu không thì cũng tốt thôi!

 

Trích từ quyển How to Practice the Way to a Meaningful Life

Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, December 26, 2017

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2012(Xem: 16682)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
19/07/2012(Xem: 11721)
Trí tuệ Phật giáo là một khả năng, một phẩm tính của tâm thức, tượng trưng cho một sự hiểu biết, nhưng là một sự hiểu biết chuyên biệt, được định hướng rõ rệt...
09/07/2012(Xem: 6911)
Giáo pháp về mười hai chi duyên khởi là chung cho tất cả các truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, sự diễn dịch về mười hai chi, những tiến trình của chúng, và đặc biệt sự giải thích về chi thứ nhất, vô minh, học phái Trung Quán giải thích có sai biệt nhiều hơn khi so sánh với các giải thích trong các học phái triết học khác.
15/06/2012(Xem: 6300)
Trong kinh điển Phật giáo , có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc thiếu thực tế . Đức Phật thấy rõ , những người đặt các câu hỏi như thế thì hoặc chính bản thân họ không hiểu , hoặc họ chỉ nhằm khoe khoang kiến thức qua những tưởng tượng hay ức đoán ; và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Đức Phật . Vì thế mà Đức Phật chỉ im lặng .
05/06/2012(Xem: 35786)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
31/05/2012(Xem: 7415)
Áo nghĩa thư (Upaniṣad) còn được biết với một tên gọi khác nữa, đó là Vedānta, vì nó được xem là phần tột cùng của Phệ-đà... Thích Nhuận Châu dịch
26/05/2012(Xem: 4334)
Giáo dục Phật giáo là lý tưởng hoàn thiện xã hội và con người. Lý tưởng này vẫn được truyền thừa qua nhiều thế hệ nhằm đem lại hài hoà, thịnh vượng và hạnh phúc cho con người, xã hội. Đức Phật chẳng những là một triết gia lỗi lạc, một đạo sư chuẩn mực mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại. Giáo dục làm thăng tiến tâm thức và phát triển xã hội. Vai trò của Phật giáo rất quan trọng trong giáo dục, vì Phật giáo chủ trương hoàn thiện tâm thức, và xã hội. Con người có khả năng nhận thức và lý luận. Tâm con người là phương tiện cơ bản để sinh tồn, và phương tiện để đạt được tri thức. Con người không thể sống chỉ cần những nhu cầu vật chất đơn giản mà còn cần sự tiến triển tinh thần. Sự tiến triển tinh thần này gọi là tiếp thu tri thức hay giáo dục. Nếu không có khả năng giáo dục và được giáo dục nhân loại không có được những thành tựu như ngày nay. Giáo dục đem lại 4 điều lợi ích cho con người: 1) Có được tri thức cần thiết cho sự sinh tồn. 2) Phát triển khả năng của con người.
11/05/2012(Xem: 12512)
Vô ngã là hình thức đối nghịch với cái ngã. Cái ngã thì sanh lão bệnh tử, biến dị, khổ ưu, vô thường. Trái lại vô ngã được quan niệm như là bất sanh bất diệt...
17/04/2012(Xem: 5919)
Tôi là một người tha hương đang sống nhờ ở đậu trên xứ người. Tôi có thể nói được tiếng nước người, thích ứng được vào cuộc sống nước người, và đi lại bình thường như một người bình thường trên đất nước người. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, vẫn có một cái gì đó không bình thường, một thứ tiếng gì đó không vỡ nghĩa, một nỗi đau nào đó không rõ tên, như những đợt sóng ngầm, bất kỳ lúc nào, có thể bất thần dâng lên như mưa lũ gió cuồng, xô tôi vào thế giới của hụt hẫng và mộng mị.
15/04/2012(Xem: 14779)
Đối với Đức Phật thì tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình thành, không có một ngoại lệ nào cả, vì thế chúng không hàm chứa bất cứ một thực thể cố định hay bất biến nào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]