Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Chuyện Nho Nhỏ

19/11/201407:46(Xem: 9708)
Những Chuyện Nho Nhỏ
red_rose_100

 



Có một số người học Phật thích tìm kiếm, thu thập những tư tưởng cao siêu, từ đó đem ra lý giải, phân tích rất hay nhưng phần hạ thủ công phu, tu tập cụ thể như thế nào lại không nghe nói tới! Họ đã quên rằng, kiến thức ấy chỉ là âm bản, chỉ là khái niệm, không phải là cái thực. Cái thực ấy phải tự mình chứng nghiệm. Cái mà mình chứng nghiệm mới là cái thực của mình. 




 

Vậy nên, sau khi đọc kinh sách hoặc nghe pháp từ các vị sư, thầy, chúng ta phải “lấy ý quên lời” rồi chiêm nghiệm tinh tuỷ giáo pháp ở chính kinh nghiệm bản thân, trong đời sống tương giao căn-trần-thức. Có những điều về Phật học chúng ta có thể giảng nói rất rành rẽ nhưng nó chưa phải là cái thực, chỉ khi mình chứng nghiệm rồi mới thấy biết nó một cách cụ thể, sống động hơn. Bài viết này tôi muốn chia sẻ với những người tu Phật về lãnh vực này, những chuyện nho nhỏ thôi mà theo tôi, nó mới chính là “pháp thực”.

I- Bài thứ nhất: Rắn độc cắn.
Tôi nhớ khoảng tháng 10 năm 1991, khi ấy Rừng Thiền HKST còn hoang sơ, tôi ở trong một cốc tranh nho nhỏ. Hôm ấy mưa lũ, lạnh; tôi có công việc ở chùa ngoài, vào núi muộn, phải lội qua những đám ruộng, những khe nước ngập ngang ngực (tôi không biết bơi!). Chạng vạng tối tôi mới về đến “chùa”; thay y áo rồi bỏ mùng, đắp chăn, nằm nghe mưa gió ầm ào ở bên ngoài. 

 

Cái cốc tranh bằng bốn cọc tre xiêu vẹo với mấy tấm phên sơ sài cứ mãi rung rinh, lung lay không biết nó sẽ sụp đổ lúc nào. Ngay hoàn cảnh ấy, tôi với cảm giác bất an, cảm nhận thấm thía sự nhỏ nhoi, bất lực của thân phận con người trước sự cuồng nộ vô chừng, vô đỗi của thiên nhiên.

Thuở ấy tôi tập được thói quen, là khi ngủ, chỉ ngủ bằng một tư thế từ đầu hôm cho đến sáng. Đêm ấy, tôi ngủ với một con mèo con lạnh xo ro tội nghiệp. Chừng gần sáng, nghe tiếng mèo kêu, tôi tỉnh dậy, nghĩ chắc là con mèo muốn đi “vệ sinh” nên tôi nghiêng người, trở mình, vén mùng thả con mèo ra ngoài. Ngay khi ấy, tôi nghe dưới lưng bàn chân một cảm giác đau buốt như bị con gì cắn (1). Tôi bật ngồi dậy, lấy đèn pin tù mù - do gần hết pin - soi tìm nhưng không thấy gì cả. Lúc ấy trời đã tạnh mưa, tôi rời giường, chống cây gậy tre lò dò đi xuống ngôi nhà ở (cái láng) của một số công nhân hợp đồng trồng rừng. 

Sau một hồi đánh thức dậy, tôi nhờ họ đốt đèn lên, đưa lưng bàn chân phải cho họ xem và kể chuyện bị con gì cắn không biết! Có một thanh niên vốn hay đi đào vàng, đi trầm, do lũi rừng nhiều nên có kinh nghiệm, nhìn dấu vết thương trên lưng bàn chân của tôi, cậu nhăn trán nói: “Dấu 2 vết răng như thế này là thầy bị rắn hổ cắn rồi”. Nói thế xong, cậu thanh niên cúi xuống, lấy miệng hút nhiều lần, nhổ ra, sau đó, xé ngay tấm vải cột chặt vào cổ chân, cốt ngăn độc lên tim. 

Tuy thế, cậu ta thẫn thờ nhìn vết thương không sưng tấy lắm, nói tiếp: “Nếu là rắn lục xanh, rắn lục lửa thì vết thương sưng tấy, đau nhức, sưng phù ngay nhưng không chết người; còn đây là rắn hổ độc, sưng ít, nhưng rất nguy hiểm”.Nói thế xong, cậu ta bảo tôi nhai một nhúm thuốc lào, nuốt nước rồi đắp bã thuốc lên vết thương. Đấy là cách chữa trị duy nhất, vì không còn đường lui tới khi nước lũ đã dâng ngập đến sát chân núi.

Lát sau, tôi cảm nghe cơ thể bắt đầu khác lạ. Bây giờ viết lại tôi có thể kể ra những hiện tượng đó như sau: Cơ thế bắt đầu tiết mồ hôi nhờn. Mắt bắt đầu trông lờ mờ. Tai cảm giác nghe rất xa xăm. Muốn nôn mữa. Cơ thể rã rời dường như không còn tí hơi sức nào... Không nói ra nhưng tôi biết là nọc độc đã vào tới trung khu thần kinh rồi nó mới tác động toàn bộ lên cơ thể như vậy.

- Gánh thầy ra làng, tìm thuốc!
- Ra xóm lấy ghe chở thầy xuống bệnh viện Kim Long!
Mọi người bấn loạn, xôn xao góp ý. Nhìn những khuôn mặt thất sắc, lo âu của họ, tôi trấn tỉnh, cố gắng mỉm cười: - Vô ích thôi, độc đã đi vào trung khu thần kinh rồi. Cứu chi cũng không kịp nữa. Thầy chấp nhận cái chết mà. Đừng sợ hãi.

Tôi nhờ lấy một tờ giấy và cây bút để viết dặn dò vài điều trước khi chết. Đại khái là kiếm chỗ sau đồi, đào hố chôn, không để lâu mà làm gì. Đừng làm phiền nhiều người. Dặn dò thư ký và thủ quỹ công trình chi tiêu như thế nào để hoàn thành công trình cầu Bạch Yến. Thế thôi. Chẳng còn gì để bận lòng.

Tuy nhiên, khi viết thế xong, tôi lại nghĩ: “Vô lý! Chết gì không chết lại chết vì một con rắn độc! Cầu Bạch Yến chưa làm xong. Rừng Thiền còn mênh mông công việc. Không thể chết khi ‘ước nguyện’ chưa thành! Mình phải sống! Cương quyết là mình không thể chết!”

Khi ấy, ý chí muốn sống bốc lên cao chót vót, như có một sức mạnh tiếp năng lực, tôi với chiếc gậy, chống và bước đi. Chỉ vài bước là gục ngã vì cơ thể không chịu sự sai khiến của ý chí. Cậu thanh niên đến giúp, tôi nói, “không”, hãy để tự ý thầy làm! Tôi tựa gậy đứng lại được, rồi lại bước đi. Lại gục ngã, lại đứng dậy. Cứ thế, cứ thế, tôi chống chọi sự “gục ngã” bằng tất cả sức mạnh bình sinh của ý chí. Cứ ngã, cứ đứng lên hoài như vậy. Cho đến khi đi được thì chừng đâu khoảng hai tiếng đồng hồ thì tôi vã mồ hôi ra, người nhẹ hẫng. Tôi cất cao lời chiến thắng:

- Thầy sống rồi! Mồ hôi vã ra là dấu hiệu nọc độc cũng theo đó mà đi ra. Thầy khoẻ lại rồi!

Một tuần sau, lũ rút, tôi ra chùa ngoài, mời bác sĩ quen lên xem. Vị ấy nói: “Thầy thoát chết một cách kỳ diệu, bây giờ chỉ cần tiêm thuốc chống ‘hoại tử’ mà thôi!”

Kỳ lạ là sau khi bị rắn cắn, suốt mấy năm dài tôi không hề bị cảm cúm hoặc bất cứ bệnh thời khí nào. Dường như nọc độc của rắn còn ẩn trong máu huyết, sống chung với máu huyết đã tạo nên sự “miễn dịch” cho cơ thể hay sao ấy!?

Kể lại chuyện trên, cốt ý tôi chỉ muốn nói rằng, bao nhiêu năm tu Phật, bây giờ tôi mới hiểu nghĩa “dục ái, luyến ái đeo níu các kiếp sống” là gì! Nó chính là “ý chí muốn sống”, “dục vọng muốn tồn tại” cảnh giới này hay cảnh giới khác. Ý chí đó, dục vọng đó rất mạnh mẽ, nó kéo theo toàn bộ các tâm sở. Nó là sức mạnh tăng thượng, điều khiển cơ chế vận hành thân tâm, đưa ta đi tới đâu theo ý muốn. 

Và dĩ nhiên, ý chí đó, dục vọng đó phải được nuôi dưỡng không ngừng nghỉ, nó liên tục, bền bỉ, làm cho các sát-na tâm tư tác (cetanā) sanh và diệt trên cùng một đối tượng, trong trường hợp của tôi là suốt hai tiếng đồng hồ, là tỉ tỉ tỉ... “ước muốn tồn tại”! Nó tạo nên một năng lực không gì cưỡng nổi. Ngược lại, nếu tâm thức tôi yếu ớt, dã dượi, bạc nhược thì nó sẽ như ngọn đèn tàn, cạn dầu, lụn bấc, nó sẽ tắt và tôi sẽ chết, đi theo dòng nghiệp.

Trong các kiếp sống sinh tử, do “dục vọng muốn sống. muốn tồn tại” ấy, “ý chí cường lực” ấy, mà nó đẩy chúng ta đi từ cảnh giới này sang cảnh giới khác.

Ghi chú:

(1) Tôi đoán chừng là vì ngoài trời mưa lạnh nên con rắn hổ đã tìm vào nhà và ẩn trong chăn. Do cả đêm nằm ngủ tôi chỉ giữ một tư thế, gần sáng, do mèo kêu, tôi trở mình, nghiêng người, giở mùng bỏ mèo ra ngoài. Chính khi cử động ấy, con rắn cảm giác bị tấn công nên nó liền phản ứng.

II- Bài thứ hai: Trặc ngón chân trỏ.
Cách đây nửa tháng, vào buổi chiều, khoảng 17, 18 giờ, ngày 30/10/2014, tôi đang ngồi “chò hõ” (chồm hổm) trên sàn nhà để đọc vài trang trong một quyển sách, tìm kiếm tư liệu cho một bài nghiên cứu. Ngước nhìn phía trước, cách chừng hơn thước, có một quyển sách khác, tôi với tay trái để lấy. Vì nó hơi xa nên tôi đã nhướn người quá đà làm cho mười ngón chân bị cụp, “quỵp” xuống. Do chân trái làm điểm tựa nên “một cảm giác thốn đau đã xẩy ra ở đấy”. Trở lại tư thế khi lấy được sách, tôi lần trang, đọc và không để ý đến nó nữa.

Khi xong việc, khoảng 21 giờ, cảm giác đau bây giờ nó mới phát lộ triệu chứng: Cái cụm 5 ngón chân trái hơi sưng sưng. Tôi cũng kệ, nằm bật đèn đọc sách. Hơi khuya, tôi nằm thở một chút rồi ngủ. Sáng ngày, cái bàn chân trái sưng to, vừa bỏ chân xuống giường là nó nhức đau, do máu tụ xuống chỗ đó. Thử giở chân lên cao thì nó bớt đau. Do tôi chưa hề bị như thế lần nào nên không rõ “vấn đề” gì xẩy ra nơi mấy ngón chân. Không phải gãy xương vì gãy xương thì đau chịu chi thấu! Có lẽ trật khớp chăng, tôi cũng không rõ.

Thế là sau đó, tôi chịu đựng cơn đau, nhức buốt suốt ba bốn ngày mặc dầu đã sử dụng đủ loại pháp đối trị như xoa bóp bằng thuốc đặc trị bong gân, trặc khớp của thầy võ, ngâm chân nước nóng có muối, hành hương; uống thuốc Tây kháng viêm... Tôi định đi chụp X quang xem thử bị cái gì ở trong đó, nhưng một đứa cháu là thầy “mằn” kinh nghiệm 30 năm lên xem và nói: “Ôn bị trật khớp một chút thôi, cháu sẽ trả lại vị trí cũ!” Tôi nói: “Nghe nói là đau lắm!” “Đau, dĩ nhiên rồi, nhưng chỉ mấy giây thôi!”

Tôi đồng ý! Nó lấy tay xem xét mấy ngón chân và bắt trúng chỗ ngón trỏ, nói là tìm ra chỗ rồi! Xong, nó thò mấy ngón tay phải lật qua lật lại! Trời đất, nó nói mấy giây mà tôi chịu đựng cơn đau gần một phút! Kinh khiếp! Tôi chịu trận, trân mình lên, răng cắn chặt, mồ hôi túa ra, nước mắt tự động chảy! Cuối cùng, dường như có nghe một cái “rắc” nho nhỏ, nó nói, xong rồi! Tôi thở phào, người nhẹ nhõm! Nó nói, vậy là ít hôm nữa sẽ lành thôi!

Quả thật vậy, đau nhức không còn nhưng chân còn sưng tấy, từ đây, tôi thường ngâm chân bằng nước nóng, muối và hành hương; và sau đó đắp “nha đam” cho nó mát. Hiện tại thì đi lui, đi tới nhè nhẹ được rồi!

Mấy ngày ngồi ngẫm ngợi! Lạ! Quái dị là cơn đau! Dường như mấy chục năm qua tôi không bị đau gì cả. Lục phủ ngũ tạng, tim mạch, áp huyết, đường, mỡ gì gì đó, xem ra, nó “im re”. Đây là lần thứ hai tôi đau nhức kể từ độ bị rắn độc cắn, cách đây gần 25 năm. Rắn độc cắn thì nọc độc nó đi ngay, đi thẳng vào máu huyết, tan ra trong máu huyết, nên không đau nhức bằng trặc khớp lần này. Nói thì hơi quá nhưng sự thật tôi đã học được rất nhiều điều từ việc nho nhỏ này, tôi muốn chia sẻ với mọi người.

Thứ nhất, là đau, cơn đau. Tôi đau chút ít thôi, chưa được một phút. Trong chùa tôi có một vị sư, đau quanh năm, nhức buốt quanh năm, đủ thứ bệnh. “Thầy biết không – có một vị sư kể lại – Sư ĐT luôn vật vả, đau đớn, mỗi lần uống thuốc, uống luôn cả ‘nạm’ (nắm), thấy mà ớn!” Tôi nghĩ: Mình mới đau một chút mà cảm giác chịu đựng không nổi, huống chi người ta đau nhức quanh năm suốt tháng. Trước đây, sư ấy thường bị tôi la rầy, lúc nào cũng “xìu xìu, ểng ểng”! Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thương, tự dưng môt sự cảm thông bao la tràn ngập tâm hồn. Tôi chạnh nghĩ đến bao nhiêu người trên đời này bị đau đớn, bệnh khổ hành hạ, gấp trăm lần mình? Từ ý nghĩ này, các trạng thái tâm như tha thứ, cảm thông, tâm từ, tâm bi tuy không cố ý mà tự dưng chúng tự động khởi phát. 

Còn nữa, mình đau như thế nào, chúng sanh cũng đau như thế. Những hình ảnh thuở nhỏ hoang nghịch như bẻ chân châu chấu, bẻ càng cua hoặc bắn chim, câu cá, mổ giết gà, vịt... đúng là vô tri, vô trí, vô cảm một thời! Lạy Phật, nhờ tu Phật, chúng ta đã tránh được tội giết hại, đánh đập, hành hạ chúng sanh không thương xót, cách này hay cách khác.

Thứ hai, pháp nó đến! Nhân, duyên, quả gì đó nó đến rất lặng thầm, rất tình cờ! Bao nhiêu năm, do có tu tập chánh niệm, tỉnh giác, tôi thường đi lui đi tới, lên xuống nhiều bậc đá, luôn với sự cẩn trọng, chậm rãi nên rất khó “bất cẩn” vấp cái này, cái khác. Mình ngồi đọc sách mà! Hoá ra, “nó đến” dù mình đang làm việc nhẹ ở trong phòng, nó đến một cách không ngờ tới! 

Vậy thì sống giữa cuộc đời, với mọi tương giao, mình chẳng lường được cái gì; vả có thể cả hoạn nạn, tai ương, bệnh tật... chưa biết sẽ xẩy ra lúc nào! Như đánh quần vợt, dường như mình luôn sẵn sàng đón đợi cú banh, chẳng biết nó sẽ rơi vào hướng nào! Câu kệ thơ của thiền sư Viên Minh chợt hiện ra:

“ Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe, quan sát rõ,
Đến đi, pháp lặng thầm!”

Đúng là pháp đến nó lặng thầm thiệt!
Lại còn điều kỳ lạ nữa, không giải thích được, là trước đó 3 ngày, từ Lào về, tôi mua một cây gậy tre có tên là “trúc kim cương”! Mua gậy là điềm triệu cho cái ngón chân trặc này hay sao chứ? Không biết! Và còn biết bao nhiêu điều về nhân duyên quả xẩy ra trên đời này, cho chính mình, quả thật là tôi không biết gì hết, không dám biết gì hết!

Thứ ba, cái đau, cần phải có cái đau để xem thử cái tâm của mình như thế nào! Phải thật sự chiêm nghiệm nó! Những người tu tập minh sát thường nói rất giỏi, rất hay: “Xem cơn đau chỉ là cơn đau, nó chỉ là một cảm thọ thôi! Thọ có sanh thì thọ ấy có diệt!”  Mà tôi, chính tôi cũng thường giảng cho thiền sinh như vậy! Bây giờ, khi cơn đau đến, do đau nhẹ, suốt mấy ngày, tôi mỉm cười với nó nên cái đau chỉ ở nơi chân chứ không ảnh hưởng gì đến cái tâm của mình cả. 

Nhưng khi “thợ mằn” lắc cái khớp lại thì nó lại khác! Nó đau kinh khiếp! Tôi trân mình chịu đựng chứ không mỉm cười nổi! Thế đấy! Vậy thì rõ ràng có những cái đau khác nhau! Có những cái đau mình “niệm” được, “niệm” là nó đi. Nhưng có những cái đau mình “niệm” nó không đi! Mình bất lực hoặc trân người chịu đựng! Tôi thấm thía câu kinh văn: “Sắc không phải là tôi, là tự ngã của tôi; và thọ... cũng vậy, không phải là tôi, tự ngã của tôi!” Chẳng “làm chủ” được cái gì cả!

Thứ tư, chuyện “rướn” người để lấy quyển sách! Rướn người là quá sức của cái thân! Cái gì quá sức là trật rồi! Lý trung đạo của nhà Phật không chỉ điều chỉnh tâm, điều chỉnh trí, tu tập, uống ăn, ngủ nghỉ mà còn cả tứ oai nghi nữa! Đừng như cái đồng hồ quả lắc, cứ rơi vào cực này rồi cực khác. Biết bao thảm hoạ trên cuộc đời vì những cái cực nầy! Từ rày, tôi phải lấy cái giáo nghĩa của trung đạo để áp dụng “tất tần tật” trong cuộc đời tu tập của mình, thân cũng như tâm.

Thứ năm, có thân thì có bệnh, có thân là có đau! Biết bao nhiêu năm tôi đã tự hào, ngã mạn mình không bệnh, không đau! Một câu trong 10 điều tâm niệm hiện ra: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật. Người không bệnh tật ắt dục vọng dễ sanh!” Lại nhớ lần đầu tiên khi tôn giả Mahā Kassapa vừa gặp đức Phật, ngài đã bị đức Phật giáo giới về 3 cái ngã mạn của ngài, thay cho hình thức thọ giới tỳ-khưu: Ngã mạn về thọ sanh, dòng tộc (jātimāna), ngã mạn về kiến thức, hiểu biết (ñāṇadiṭṭhimāna), ngã mạn về sắc thân xinh đẹp (kāyamāna). 

Trong liên tưởng ấy, tôi thấy mình bị “ngã mạn về sức khoẻ, ngã mạn vì vô bệnh!” chi phối trong nhiều năm nay mà không hề biết! Vô minh là vậy. Hễ thấy ai đau, ai bệnh thì tôi tự mỉm cười hoặc chê trách, chế nhạo họ, coi thường họ: Nào là ăn chi cho nhiều, ăn nhiều thì toàn bộ cơ thể làm việc mệt! Ai bảo ăn cho nhiều mỡ nhiều béo vào bây giờ sinh ra đủ thứ bệnh! Nào là ai bảo sinh hoạt vô chừng, vô đỗi làm chi! Nào là không biết tu thiền giữ tâm yên tĩnh, khí huyết, âm dương thuỷ hoả điều hoà. Người có tu tập không bao giờ bị bệnh cả! Điều tôi nói dù nó là đúng, không sai, nhưng không nên vậy, đừng nên tự hào, ngã mạn một đỗi đường, một giai đoạn đời người, vì có thân thì có bệnh, đó là sự thật ngàn đời!


Thật là thấm thía! Thế thì “cái đau cái bệnh” là tốt, vì nó đang điều chỉnh lại cái gì đó ở nơi ta đã vận hành sai trật! Nó đúng trong mọi trường hợp. Về phương diện tu tập hướng thượng, nó làm yên lặng bớt một số kiết sử khi ta biết chiêm nghiệm để học bài giác ngộ!

Thật là tuyệt vời! Chỉ cái ngón chân đau, “chuyện nhỏ như con thỏ” mà tôi học được nhiều bài học lợi lạc cho bản thân trên đường tu tập của mình. Vậy thì theo tôi, sau khi đọc kinh sách, chỉ cần nhớ cái tinh yếu, còn nên quên tất cả. Hãy bỏ quên tất cả để học “pháp thực” ngay nơi sự tương quan căn trần thức, một “hạt bụi” phát sanh cũng được nhìn ngắm và quan sát một cách cẩn cẩn, nghiêm túc thì lợi lạc cho việc “giác ngộ, giải thoát” cho mình biết là chừng nào!

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/04/2023(Xem: 3750)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 3493)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 6484)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 3761)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 5700)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
31/01/2023(Xem: 6401)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
07/01/2023(Xem: 5401)
Phương pháp phát triển cá nhân mà nhà sư Sangharakshita nói đến trong bài này là phép thiền định của Phật giáo, một phép luyện tập nhằm biến cải một con người bình dị trở thành một con người đạo đức, sáng suốt và cao quý hơn, và ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa còn có thể giúp con người đạo đức, sáng suốt và cao quý ấy thoát ra khỏi thế giới hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và khổ đau này.
23/12/2022(Xem: 13904)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
14/12/2022(Xem: 2111)
Đạo đức và Luân lý chẳng những là nền tảng của mọi tôn giáo, mà còn là nền tảng của mọi xã hội loài người. Một xã hội sẽ không hoạt động hoặc phát triển nếu không có Đạo đức và Luân lý; nó sẽ không chịu nổi sự hỗn loạn và bạo lực. Đạo đức và Luân lý cũng đóng vai trò là hệ thống giá trị mà từ đó luật pháp và công lý được hình thành, cùng với các định nghĩa của chúng ta về đúng và sai. Một hệ thống Đạo đức và Luân lý không chỉ tạo ra hòa bình và trật tự trên thế giới này, nó còn cung cấp một mục đích trong cuộc sống. Sống có Đạo đức và Luân lý cho chúng ta cảm giác thành một ơn gọi cao hơn có thể mang bản chất tâm linh, cho phép chúng ta trải nghiệm sự siêu việt vượt qua những cám dỗ vật chất trần tục.
02/11/2022(Xem: 18426)
Đức Phật thuyết giảng giáo nghĩa Đại thừa vì tám lý do, được nêu lên ở trong bài kệ của Đại thừa trang nghiêm kinh luận: "Bất ký diệc đồng hành Bất hành diệc thành tựu Thể, phi thể, năng trị Văn dị bát nhân thành". Bài kệ này nêu lên tám lý do, tám bằng chứng kinh điển Đại thừa là do đức Phật nói chứ không phải là ai khác. Hàng Thanh văn không đủ khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Hàng Duyên giác không có khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Bồ tát cũng chưa đủ sự toàn giác để nói kinh điển Đại thừa. Còn đối với ngoại đạo thì đương nhiên không thể nói được một từ nào ở trong kinh điển Đại thừa. Có nhiều vị cố chấp, thiên kiến nói rằng kinh điển Đại thừa do ngoại đạo tuyên thuyết; nói như vậy là hồ đồ, không có luận cứ. Tu tập đến cỡ như hàng Thanh văn, hàng Duyên giác mà còn không nói được kinh điển Đại thừa thì làm gì cái đám ngoại đạo chấp ngã, chấp trước, chấp danh, chấp lợi mà nói được kinh điển Đại thừa. Cho nên nói kinh điển Đại thừa do ngoại đạo nói, đó
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567