Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Bà Phu Nhân Xinh Đẹp

05/11/201321:00(Xem: 33788)
11. Bà Phu Nhân Xinh Đẹp
mot_cuoc_doi_bia_3



Phu Nhân Xinh Đẹp





Đức Phật trở lại Veḷuvanārāma khi trời đang còn tiết xuân trong lành và mát mẻ. Thoáng nhìn quang cảnh đó đây, ngài biết là có một vài dấu hiệu sa sút về chất lượng, phẩm hạnh của một số đông tỳ-khưu sau khi vắng ngài cũng như thiếu vắng những bậc thượng thủ A-la-hán.

Tuy nhiên, công việc chấn chỉnh nội bộ cũng không có gì cần được nhắc đến vì tôn giả Sāriputta và Ānanda đã lo việc ấy. Còn đức Phật thì hầu như phải thường xuyên thuyết pháp vào mỗi buổi chiều vì hai hàng cư sĩ rất khát khao học hỏi. Kết quả thật đáng ngạc nhiên là rất nhiều nam cư sĩ, nữ cư sĩ đắc quả Nhập Lưu. Đặc biệt có một trưởng giả tên là Visākha đắc quả Bất Lai!

Cuối buổi giảng, đức Phật nói với đại chúng:

- Hôm nay Như Lai rất vui mừng vì khá nhiều người đã bước vào dòng bất tử; lại còn có người đạt được quả vị bất thối... Từ đây, lộ trình của họ là lộ trình của an lạc và hạnh phúc, không bao giờ còn rơi đọa vào bốn con đường đau khổ nữa!

Sau lời tuyên bố của đức Phật, số cư sĩ ấy chợt đứng dậy, đến đảnh lễ gần bên chân đức Phật với niềm vui tươi mới, có kẻ sụt sùi nước mắt. Riêng trưởng giả Visākha thì muốn xin xuất gia.

- Chưa phải lúc, này Visākha! Đức Phật nói - Đúng thời, Như Lai sẽ để cho ông tròn sở nguyện. Hiện tại, ông có pháp học vững chắc, tròn đủ tín, giới, văn, thí, tuệ - nên trong hình tướng cư sĩ, ông còn đem đến lợi ích rất nhiều cho gia đình, bà con quyến thuộc cũng như bè bạn gần xa.

Về nhà, trưởng giả Visākha lặng lẽ bước lên lầu, tìm chỗ yên tĩnh tọa thiền. Đến giờ cơm chiều, phu nhân xinh đẹp của ông là bà Dhammadinnā dịu dàng đến bên, đặt tay lên vai, âu yếm nói:

- Đến giờ cơm rồi, thưa phu quân! Đợi giấc tối, giấc khuya hãy tiếp tục công phu.

Xả thiền, trưởng giả Visākha nhẹ nhàng nắm tay bà đặt ra ngoài rồi ân cần nói:

- Bắt đầu từ hôm nay, ta hoàn toàn không muốn nắm bàn tay xinh đẹp của nàng nữa; xin nàng hãy thông cảm cho ta.

- Chàng ghê sợ bàn tay của thiếp sao?

- Không phải vậy! Rồi ta sẽ nói chuyện với nàng sau.

Yên lặng một lát, bà Dhammadinnā nói:

- Thôi, bây giờ đi rửa mặt, rửa tay rồi xuống dùng cơm; cả nhà đang đợi.

- Cũng không cần thiết phải ăn nữa! Ăn một bữa là đủ nuôi sống cái thân rồi.

Lại yên lặng.

- Hay thiếp đã có làm việc gì sai trái, có lỗi với chàng?

- Không, không có! Trưởng giả Visākha lắc đầu - Nàng là người đàn bà tài sắc vẹn toàn; và còn hơn thế nữa, còn cả giới hạnh và đức độ mà người ở gái xấu tính nhất cũng kính yêu và cảm mến.

- Đừng nói lời rào đón hoa hương ngọt mật như vậy nữa - Bà Dhammadinnā giận dỗi - Hay là chàng chán thiếp rồi, chán cái thân xác núc ních đã chảy tràn những thịt và mỡ và nơi nào cũng đầy dẫy những xú uế và bất tịnh này?

Trưởng giả quay sang nhìn bà vợ yêu quý, thổ lộ, tâm sự:

- Nàng đừng nói hơi quá như vậy nó làm rơi mất nghĩa tình tốt đẹp bấy nay. Ta không có lỗi mà nàng cũng không có lỗi. Ta nói thật cho nàng nghe. Số là sáng nay nghe được pháp từ đức Đạo Sư, tâm trí ta đã chìm vào rất sâu với giáo pháp. Nói rõ hơn là ta hiện đang sống, hiện đang thở với giáo pháp ấy. Trạng thái tinh thần của ta hiện nay chỉ khế hợp với cái gì thanh lương, cao sáng, tĩnh lặng. Ở đấy, nó không còn có chỗ cho những tình cảm vợ chồng, nhu cầu bản năng thân xác cũng như những cái gì thuộc dục lạc ngũ trần...

Bà Dhammadinnā yên tĩnh, chăm chú lắng nghe.

Trưởng giả Visākha tiếp tục:

- Vậy, cái duyên tơ tóc mặn nồng của chúng ta từ nay nên gác lại. Tài sản mấy trăm triệu đồng tiền vàng - ta để lại hầu hết cho nàng, cứ tùy nghi sử dụng. Ta chỉ cần một phần năm tài sản ấy để nuôi thân và bố thí, cúng dường cho đến khi đủ duyên xuất gia mà thôi. Nàng có thể cai quản gia sản, tùy ý. Nàng có thể lấy hết mang về nhà cha mẹ, cũng tùy ý. Nàng có thể lấy một tấm chồng khác, cũng tùy ý luôn! Thú thật với nàng là nàng còn trẻ, còn đẹp; hơn thế nữa, cái nữ tính đằm thắm, dịu dàng của nàng còn lôi cuốn, hấp dẫn biết bao nhiêu bậc vương tôn, công tử trên đời này! Đừng vì tự ái vẩn vơ mà nói những lời làm trái tim của ta đau xót...

Bà Dhammadinnā chợt cất giọng ráo hoảnh:

- Chàng nói đã xong chưa?

- Xong rồi!

- Vậy thì cho thiếp được phát biểu chính kiến, được chăng?

- Sẵn sàng!

- Vậy thì sau khi liễu ngộ giáo pháp, sống từng hơi thở với giáo pháp chàng cảm thấy người vợ đầu gối tay ấp của mình, gia sản mấy trăm triệu đồng tiền vàng của mình, đều là vật ngoại thân, là thứ không nên dính mắc, quyến niệm; nói rõ hơn là đáng viễn ly, quăng bỏ, có phải thế chăng?

Trưởng giả Visākha nhìn sâu vào mắt bà:

- Về gia sản thì đúng vậy!

Bà Dhammadinnā cất giọng cứng cỏi:

- Đáng quăng bỏ có nghĩa là cái mà chàng đã bỏ đi, đã mửa ra thì xin nói thẳng, thiếp cũng cương quyết không nhận những vật mà chàng đã bỏ đi, không nuốt những vật mà chàng đã mửa ra!

Trưởng giả Visākha sững sờ:

- Ý nàng như thế nào?

- Chàng hãy cho thiếp được xuất gia!

Trưởng giả Visākha tưởng tai mình nghe lầm:

- Nàng nói sao?

- Chàng quăng bỏ được thì thiếp cũng quăng bỏ được! Hãy cho thiếp xuất gia.

Trưởng giả Visākha lặng người vì hoan hỷ! Cái hoan hỷ nó chảy rần rần như mọc ốc cả người, nghẹn ngào chưa nói được lời nào thì bà Dhammadinnā có vẻ trầm tư, xa vắng rồi cất giọng thủ thỉ:

- Đã lâu lắm rồi, thưa phu quân! Kể từ khi gá nghĩa, se duyên cùng chàng, thiếp sống rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì có được người chồng tốt: tốt tướng, tốt nết, tốt bởi tâm đại lượng, tốt trong thái độ khu xử và tốt cả những ngôn lời nhã nhặn, lịch thiệp, dịu dàng... Chẳng có người đàn bà nào gặp được phúc duyên trọn hảo, tuyệt mỹ như thế. Tuy nhiên, có một cái cảm giác, ồ không, là một cảm thức lúc nào nó cũng chờn vờn, mơ hồ như sương như khói; rằng là, đây là kiếp sống ăn gởi, ở nhờ, tạm bợ và phù du. Có cái gì đó không chắc thật, không vững bền. Dường như là phải có một thế giới khác, một cảnh giới khác, nó rất thân thuộc, lại nằm sâu đâu đó trong ký ức xa xăm! Có một tiếng gọi. Có một tiếng gọi đò từ bên kia sông vẳng lại. Có một cánh tay đưa vẫy đâu đó ở cuối con đường, bên kia dốc núi! Đã có nhiều đêm, nhiều đêm thiếp đã thao thức, thao thức một cõi về vĩnh cửu nào đó, mà thiếp không dám thổ lộ với ai, kể cả chàng, thưa phu quân!

- Đúng, rất đúng! Chính ta trước đây, đôi lúc cũng có cảm giác như vậy, cảm thức mơ hồ như vậy!

- Hay là nhiều kiếp trước đây, đâu từ xa xăm, chúng ta đã từng sống đời xuất gia phạm hạnh? Và những cảm thức kia là những nhắc nhở để trở về, đừng có lang thang, phiêu dạt nữa?

- Cảm ân phu nhân! Và chợt như mới phát hiện, trưởng giả Visākha nhận xét - Thật là kỳ lạ! Sống đã lâu với nàng, mà cho đến hôm nay, ta mới phát giác là nàng nói hay quá. Hay ở ngôn ngữ, hay ở cung bậc, nhịp độ và hay ở âm thanh truyền cảm nữa! Đúng là nàng phải xuất gia mới tỏ lộ hết đạo hạnh, trí tuệ và tài năng!

Bà Dhammadinnā vui mừng nói:

- Cảm ân phu quân!

Ngay ngày hôm sau thôi, trưởng giả Visākha hoan hỷ đưa vị phu nhân xinh đẹp của mình, bà Dhammadinnā đến Ni viện trên cái kiệu vàng. Đức vua Seniya Bimbisāra hay tin chuyện hy hữu nên đã cùng bà chánh hậu Videhi và hoàng tử A-xà-thế cùng đến dự lễ.

Đức Thế Tôn đã biết chuyện này nên đã cùng các vị trưởng lão sang chứng minh và cho bà thọ cụ túc giới trước khá đông đủ Tăng ni hai viện. Trưởng giả Visākha làm thí chủ buổi lễ; và sau đó, đặt bát cúng dường Tăng ni lưỡng viện suốt một tuần lễ. Cũng suốt một tuần lễ ấy, đức Phật và các vị trưởng lão thay nhau thuyết pháp, đôi ngày lấn sang cả đêm vì nhu cầu nghe pháp quá đông. Rải rác trong thời gian ấy, khá đông các công nương, các cô tiểu thư, các cô gái đủ mọi thành phần trong xã hội xin xuất gia tỳ-khưu-ni. Trong số họ, sau này, có nhiều bậc trượng ni làm nơi y chỉ vững chắc cho Ni chúng!

Chuyện bà phu nhân xinh đẹp đột ngột quăng bỏ tài sản, không nuốt vật đã mửa ra là mấy trăm triệu đồng tiền vàng để xin xuất gia, trong lúc ông chồng, trưởng giả Visākha, được đức Phật ngầm xác chứng đắc quả Bất Lai lại chưa được đức Phật cho phép đi theo giáo hội, được Tăng ni bàn tán thảo luận nơi này và nơi khác.

Hôm kia, có mặt đầy đủ Tăng ni hai viện, hai hàng cư sĩ áo trắng, cả đức vua Bimbisāra, đức Phật thấy là phải thời, nên vén mở bức màn quá khứ:

“- Bà Dhammadinnā từ thời Phật Padumuttara là một cô ở gái nghèo hèn, hôm ấy đi múc nước, trông thấy tướng hảo thanh tịnh của trưởng lão Sujāta - đại đệ tử của đức Phật - phát tâm hoan hỷ cúng dường một chiếc bánh ngọt. Thấy căn duyên sau này của cô gái, trưởng lão đã ngồi xuống và thọ dụng chiếc bánh ngay tại chỗ. Cô vô cùng sung sướng, thỉnh ngài về nhà và đặt thêm vật thực cúng dường nữa. Ông bà chủ thấy tính hạnh của cô gái, rất vừa lòng nên đã chọn nhận cô làm con dâu trong gia đình. Sau đó, cô thường cùng với cả gia đình đi nghe đức Phật Padumuttara thuyết pháp. Trong một lần cúng dường lớn đến đức Phật và chư tăngi, lúc ngài đang tuyên dương một vị tỳ-khưu-ni tối thắng đệ nhất về hạnh thuyết pháp, hoan hỷ quá, cô thầm nguyện sau này mình cũng sẽ được như vậy. Biết tâm tư của cô gái, đức Phật Padumuttara đã thọ ký cho cô sẽ thành đạt nguyện vọng ấy vào thời đức Phật Sākya Gotama, chính là Như Lai hiện nay. Vào thời đức Phật Kassapa, cô gái sinh vào gia đình hoàng tộc, tại Bāraṇāsī, công chúa con vua Kikī, tên là Sudhamma. Họ có bảy chị em. Cô trưởng công chúa thuở trước, bây giờ là tỳ-khưu-ni Khemā. Cô công chúa út, chính là cô bé Visākhā, tại Bhaddiya, mới bảy tuổi đã đắc quả Nhập Lưu. Còn cô công chúa thứ sáu, chính là tỳ-khưu-ni Dhammadinnā mà sau này, theo với ước nguyện cũ đã được đức Phật Padumuttara thọ ký, sẽ trở thành một vị tỳ-khưu-ni tối thắng đệ nhất về hạnh thuyết pháp trong hàng Ni chúng”.

Thuyết đến ngang đây, đức Phật mỉm cười:

- Này, tỳ-khưu Dhammadinnā! Cô có nhớ ước nguyện cũ khi quỳ bên chân đức Phật Padumuttara không?

Vị tân tỳ-khưu-ni cúi đầu, đáp lí nhí:

- Dạ, đệ tử do quá khứ che ám nên không nhớ gì, không biết gì cả, bạch đức Tôn Sư!

- Là hạnh đệ nhất về thuyết pháp đấy! Vậy hãy cố gắng mà nghe pháp, suy tư pháp, chiêm nghiệm pháp - kết hợp với công phu nghiêm túc hành trì, tu tập rồi đến lúc cô sẽ thỏa được ước nguyện.

- Tâu vâng, bạch đức Thế Tôn!

Chợt đức Phật hỏi giữa hội trường:

- Tỳ-khưu-ni Khemā, con gái của Như Lai đâu rồi!

Đại chúng hoảng kinh, vì khi đức Phật gọi con trai hay con gái là ngài đã xác chứng vị ấy đã đắc quả A-la-hán rồi. Nên khi tỳ-khưu-ni Khemā bước ra, ai cũng chăm chú nhìn. Trước đây, bà nổi tiếng về sắc đẹp; bây giờ, dẫu mặc y hoại sắc, phá tướng nhưng nét kiều diễm, duyên dáng xưa vẫn không phai mờ. Trong mắt một số người, thì bây giờ, cái đẹp ấy được phủ bên ngoài một lớp đức hạnh và trí tuệ nữa, nên đã vượt xa phàm sắc thế tình, thiêng liêng và mỹ toàn hơn!

Riêng đức vua Bimbisāra thì cảm giác một hạnh phúc tràn đầy, chất ngất!

Đức Phật hỏi:

- Vào thời đức Phật Kassapa, cô là trưởng công chúa, con của đức vua Kikī, cô đã nhớ chưa?

- Bạch, đệ tử nhớ rồi!

- Vị tân tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, cũng là công chúa, em gái thứ sáu của cô, cô vẫn còn nhớ chứ?

- Bạch, đệ tử nhớ. Đệ tử còn nhớ cô em gái út mà bây giờ là cô bé Visākhā nữa. Ngoài ra, đệ tử còn biết rằng, bốn cô em còn lại, trước sau cũng tao ngộ chánh pháp.

- Như Lai xác nhận như vậy! Và như để tuyên dương công hạnh của tỳ-khưu-ni Khemā, đức Phật hỏi tiếp - Mấy năm nay, con gái tu tập ra sao?

- Bạch Thế Tôn! Có lẽ do duyên phúc cổ xưa dày dặn nên sau khi xuất gia xong, đệ tử tìm cách thích ứng ngay với hoàn cảnh mới, đời sống mới. Hãy thôi đi thượng vị loại cứng loại mềm. Hãy thôi đi xiêm lụa mịn màng, thơm tho với chất liệu và đo may tuyệt hảo. Hãy thôi đi giường nệm, gối kê, gối đỡ êm ái, cao sang. Hãy thôi đi tới lui xe ngựa kẻ hầu người đón, kẻ quạt, người nâng! Hãy thôi đi vào ra kiểu cách, quý phái tự khoe, tự hào về sắc đẹp của mình! Từ rày, ăn, mặc, ngủ gì cũng được, gì cũng xong! Tuy ban đầu thật là khó khăn, vất vả; nhưng cứ cố gắng, cố gắng, cứ tâm niệm mãi, riết rồi cũng quen, cũng vô vi, vô sự như ai! Khi đã thích ứng được rồi thì có được niềm vui tinh thần vô cùng lớn lao! Niềm vui này nó rất nhẹ nhàng, rất thanh khiết, nó lâng lâng hỷ lạc cả ngày! Hôm kia, vào khoảng tháng thứ bảy sau khi xuất gia, đệ tử nhìn ngọn đèn dầu lạc với tim và bấc, nó cháy sáng như thế nào rồi dần dần lụi tắt như thế nào. Dựa trên nền tảng có điều kiện, sinh diệt ấy; đệ tử quán tưởng cái thân được kết hợp hữu vi này. Từ đó, đệ tử đi sâu vào cảm thọ, tâm hành... thì thấy chúng cũng rỗng không, sinh diệt, vô tự tính. Khi thấy rõ danh sắc sinh diệt quá nhanh đệ tử bắt đầu nhàm chán các dục, các ái - chứng nghiệm sâu xa các trạng thái vắng lặng, tịch tịnh, thanh bình của tâm trí. Ôi! Quả thật là hạnh phúc! Rồi cũng từ đấy, đệ tử dễ dàng đi sâu vào định, vào tuệ, vào tuệ phân tích cùng các thắng trí! Thế là việc lớn, đệ tử đã làm xong, gánh nặng tử sinh đệ tử đã đặt xuống, bạch đức Thế Tôn!

Chợt đức Phật nói với tôn giả Sāriputta:

- Con gái của Như Lai đã nói lên sự tu tập của mình, định, tuệ, tuệ phân tích và các thắng trí, vậy ông có cách gì để cho đại chúng được thấy, được biết là con gái của Như Lai đã thuần thục trong các định, tuệ, đắc tứ vô ngại giải và tự mình thành thục, thông suốt cả Abhidhamma (A-tỳ-đàm)?

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Thế rồi, bậc Tướng quân Chánh pháp bước ra, mỉm cười, nhẹ nhàng đặt ba câu hỏi về sắc, ba câu hỏi về danh, ba câu hỏi về uẩn, ba câu hỏi về xứ, ba câu hỏi về giới, ba câu hỏi về tâm, ba câu hỏi về tâm sở, ba câu hỏi về sắc pháp, ba câu hỏi về Niết-bàn. Câu hỏi nào cũng ngắn gọn nhưng trọng lượng cả ngàn cân. Câu hỏi nào cũng hàm tàng kiến thức về giáo pháp nhưng nghiêng trọng ở kinh nghiệm, thực nghiệm tu chứng nội tâm. Cả pháp đường yên lặng phăng phắc. Một con ruồi bay cũng nghe được tiếng vo ve. Rồi tuần tự, trầm tĩnh và chín chắn, tỳ-khưu-ni Khemā lần lượt trả lời, giải minh; không bập bẹ, không phều phào, không ấp úng, không gián đoạn mà nó lưu loát, gãy gọn, sáng sủa, liền lạc. Nó trôi chảy như lượng nước của trăm con sông dài. Cũng không chỉ có vậy, nó như nước chảy ra tự nguồn, cái nguồn suối trong vắt được tích lũy đâu tự ngàn xưa. Như sợi dây đàn căng đúng độ, chỉ cần một va động nhẹ là phát ra âm thanh tuyệt hảo... Tỳ-khưu-ni Khemā đã trả lời xong tất thảy mọi câu hỏi.

Tôn giả Sāriputta sau khi khảo nghiệm, đưa ra kết quả:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử không hỏi về thắng trí vì biết vị tỳ-khưu-ni ưu hạng này đã có đủ sáu thông. Còn về Tứ vô ngại giải và thông suốt Abhidhamma, đệ tử dám tuyên bố là trong hàng Ni chúng chưa có người thứ hai!

Đức Phật tán thán:

- Đúng là vậy! Quả là hy hữu thay! Này con gái! Lời nguyện xưa, khi quỳ bên chân đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara, cô đã thành tựu rồi đấy. Trước hội chúng Tăng ni và cư sĩ hai hàng, hôm nay, Như Lai tuyên bố, tỳ-khưu-ni Khemā là bậc đệ nhất, tối thắng về trí tuệ trong hàng Ni chúng!

Không có vinh hạnh nào hơn, vinh quang nào hơn - khi lời tuyên bố ấy được nói ra từ đức Chánh Đẳng Giác!

Đức vua Seniya Bimbisāra chợt thực hiện một hành động rất đẹp, là sau lời tuyên bố của đức Phật, ông đã bước ra từ chỗ ngồi danh dự, đến đảnh lễ đức Phật với năm vóc sát đất. Rồi ông cũng làm như thế trước tỳ-khưu-ni Khemā với thái độ vô cùng tôn kính, chậm rãi nói rằng:

- Trước đây, nàng là bà hoàng, là bậc quý phi vô cùng trân quý của trẫm, nhưng nay thì khác rồi! Nay thì nàng đã là bậc xuất gia phạm hạnh, còn là bậc đệ nhất về trí tuệ qua xác chứng của đức Tôn Sư và bậc Tướng quân Chánh pháp! Vậy, từ rày về sau, trẫm với tâm phục, khẩu phục xin làm bổn phận của một đệ tử, một thiện nam ngoan ngoãn và thuần thành nhất!

Cả giảng đường lớn rộng rộ lên lời tán thán, ca ngợi không ngớt, lâu sau mới yên lặng được.

Đức Phật nói lời cuối cùng, khép lại buổi giảng:

- Vậy là đã rõ, ở đây cũng là duyên xưa lối cũ nữa! Nhân, duyên và quả ấy thật là sâu thẳm, thật là nhiệm mầu. Hãy ngẫm mà xem! Thế ra, đôi khi chỉ một cành hoa, một tí bột hương, một miếng cơm, một muỗng canh, một cái bánh ngọt, một cây kim, một sợi chỉ, một ngọn đèn, một hình bóng y vàng thoáng qua, một khung cảnh thanh tịnh của am môn, một lời kinh, một câu pháp, một tình, một nghĩa... đã gieo ươm ở đâu đó, trong chợt thoáng nào đó, trong một kiếp phù du trôi nổi bọt bèo nào đó mà chúng có mất đi đâu! Tất thảy, tất thảy hằng sa vạn tượng, khi một nhân đã gieo, một duyên hỗ trợ, đã gặp gỡ, đã gắn kết... thì nó sẽ trùng trùng duyên khởi, duyên sở duyên... để trước sau, sớm muộn cũng tao ngộ chánh pháp, đặt được bàn chân bất tử trong giáo pháp của chư Chánh Đẳng Giác! Các người hãy ghi tâm, khắc cốt lời của Như Lai hôm nay.

Cả pháp đường vang lên “Sādhu, lành thay!”.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2013(Xem: 17929)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
02/11/2013(Xem: 6365)
Trước đây, tôi bắt đầu cuộc thảo luận này bằng cách nói về phương thức mà các pháp tồn tại chỉ đơn thuần do tâm quy ước và tiếp tục giải thích rõ các pháp chỉ mang tính quy ước là không đủ để chúng tồn tại, bởi vì một vật nào đó chỉ đơn thuần bị quy ước thì không có nghĩa nó tồn tại. Tôi tiếp tục trình bày về ba phạm trù cần thiết đối với một pháp tồn tại: nền tảng hợp lý, không có tổn hại xuất phát từ tâm vững chải của người khác và không có tổn hại xuất phát từ trí tuệ nhận thức tánh không.
31/10/2013(Xem: 18445)
Trên bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình. Sự biến cải đó gọi là thiền định.
30/10/2013(Xem: 39064)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 62452)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/10/2013(Xem: 29941)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 40968)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
06/10/2013(Xem: 9307)
Con người chỉ là một loài động vật. Nhưng lại là một loài động vật hơn hẳn tất cả các loài khác trên mặt đất này. Các loài thú thường thì có loài phải sống tập đoàn, có loài chỉ sống riêng lẻ, trừ những lúc cần gặp nhau để giao phối, rồi lại trở về cuộc sống riêng biệt. Loài người, trái lại, có thể sống quây quần bên nhau nhưng lại có những riêng tư --nhiều khi đó lại là những riêng tư không thể chia sẻ với ai được, sống để bụng chết mang theo:
18/09/2013(Xem: 14035)
Bản luận này ngoài các bài tựa ra còn có 26 chương. 25 chương đầu trình bày cụ thể triết lý căn bản giáo lý Phật giáo, giải thích hiện tượng vũ trụ nhân sinh quy về bản thể Chân như tuyệt đối. Chương thứ 26 trình bày vai trò của pháp tu Tịnh độ; và có phải đây là mục đích Luận chủ giúp người đọc trước hết nhận thức rõ ràng vấn đề và sau đó tìm về một pháp tu thích hợp? Mong những ai có dịp đọc trọn tác phẩm này có thể tìm được câu trả lời cho chính mình!
26/06/2013(Xem: 11795)
Đạt được cơ sở con người, cơ sở đó giống như một cái bình thật quý và hiếm hoi, giúp ta có thể giải thoát tất cả kẻ khác và cho cả chính ta ra khỏi đại dương của Luân hồi, cơ sở con người đó giúp ta biết lắng nghe, suy nghĩ và thiền định, cả ngày lẫn đêm không ngưng nghỉ, đấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]