Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Giới hạn của ngôn từ

06/10/201318:55(Xem: 5025)
2. Giới hạn của ngôn từ
hoa_sen (14)

Khoa Học Phương Tây và Triết Học Phương Đông
Bài 2: Giới hạn của ngôn từ và văn tự

Kiều Tiến Dũng



Có những điều cả ngàn lời cũng không đủ, nhưng cũng lại có những điều một chữ cũng là quá dư thừa.

Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 và cũng là vị tổ cuối cùng sau Phật Thích Ca của Thiền Tông Ấn Độ. Khi qua Trung Hoa Đạt Ma được vua nhà Lương mời vào tiếp kiến. Nhưng thấy vị vua này không lãnh hội được Phật Giáo mà chỉ cầu cạnh công đức qua việc xây chùa và thỉnh kinh, nên ông đã bỏ đi đến chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách đá diện bích chín năm trời. Về sau, Đạt Ma trở thành Sơ Tổ, vị tổ đầu tiên, của Thiền Tông Trung Quốc. Ông còn được người đời cho là tác giả của hai bộ kỳ thư võ thuật tên là Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh, nay đã thất truyền.

(Kim Dung cũng đã dựa vào Dịch Cân Kinh để cứu Lệnh Hồ Xung khỏi chết trong cơn bệnh hiểm nghèo, hầu Lệnh Hồ Đại Ca có thể tiếp tục Tiếu Ngạo Giang Hồ.)

Chuyện kể rằng Bồ Đề Đạt Ma đến lúc có ý muốn hồi hương, trước khi về Thiên Trúc, ông đã gọi các đệ tử đến để mỗi người một trình bày sở đắc của mình.

Đệ tử Đạo Phó thưa: "Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự." Đạt Ma đáp: "Ông được lớp da của tôi rồi."

Ni cô Tổng Trì nói: "Chỗ giải của tôi như cái mừng vui khi thấy được nước Phật, thấy được một lần, sau đó không thấy lại được nữa." Đạt Ma nói: "Bà được phần thịt của tôi rồi."

Đệ tử Đạo Dục, một đệ tử khác, bạch rằng: "Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của tôi là không một pháp nào có thể đạt được." Đạt Ma đáp: "Ông được bộ xương của tôi rồi."

Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả. Huệ Khả chấp tay lễ bái Đạt Ma rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Đạt Ma bảo: "Ngươi đã được phần tuỷ của ta." Rồi ông trao chánh pháp cho Huệ Khả để vị này trở thành vị tổ đời thứ hai của Thiền Tông Trung Hoa.

Có những điều cả ngàn lời cũng không đủ, nhưng cũng lại có những điều một chữ cũng là quá dư thừa.

**
Cái im lặng của Huệ Khả thật đúng ý của Đạt Ma về pháp tu của Thiền tông, khác hẳn với các pháp tu khác trong đạo Phật, như được thâu gọn trong bốn câu kệ:

"Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật"

Tức là:

Chẳng cần lập văn tự
Truyền đạo ngoài giáo lý
Chỉ thẳng vào tâm người
Thấy tánh ắt thành Phật
Đạt Ma Tổ Sư đã nhận ra rằng tới chỗ cứu cánh thì không còn văn tự, ngôn ngữ nào, kể cả kinh điển, có thể tỏ bầy được.

**
Đó là vì ngôn từ của loài người trong bất kỳ một văn hóa nào cũng đều có những giới hạn không thể vượt qua được trong các cố gắng để diễn đạt trọn vẹn những gì tuyệt đối, cũng như trong việc giải thích một số kinh nghiệm sống.
Lấy ví dụ của những bài đồng dao với câu cú ngây ngô, thật ra lại chứa đựng nhiều chân lý. Chẳng hạn như bài đồng dao: “Kỳ Nhông là ông Kỳ Đà, Kỳ Đà là cha Tắc Ké, Tắc Ké là mẹ Kỳ Nhông,” tuy ngây ngô nhưng nó đã nói lên được cái vòng lẫn quẩn của ngôn ngữ.
Đó là bản chất của mọi ngôn ngữ do loài người đặt ra, dù đã được bồi đắp qua bao thế hệ. Vì để định nghĩa một từ ngữ, chúng ta lại phải dựa vào những từ ngữ sẵn có khác. Nhưng các từ ngữ sẵn có khác cũng lại cần các từ ngữ khác nữa. Cứ thế mà lan rộng ra cho đến khi ta phải quay trở lại cái từ ngữ ban đầu --do đó tạo ra cái vòng định nghĩa lẫn quẩn.

Còn không thì đến một lúc nào đó ta phải chấp nhận hay đồng ý cái ý nghĩa của một từ ngữ nào đó, không cần định nghĩa nữa mà chỉ dựa vào những kinh nghiệm chung mọi người đều có thể chia xẻ được. Nhưng với các kinh nghiệm dù mọi người đều phải trải qua thì chúng nhiều khi lại mang các ý nghĩa khác nhau đối với mỗi một người. Thí dụ như cái đau tinh thần tuy cũng là cái đau nhưng đâu có cái đau nào lại giống cái đau nào. Hay có những kinh nghiệm không phải ai đấy cùng đều đã sống qua, như trong ví dụ làm sao định nghĩa được tình yêu cho những kẻ chưa biết yêu và chưa được yêu.

Lúc đó, ngôn ngữ chỉ có thể diễn đạt phần nào sự việc một cách tiệm tiến, nhưng lại không được trọn vẹn.

**
Đấy cũng là cái giới hạn trong hội họa. Hội họa là một phần nới rộng
của ngôn ngữ trong việc mô tả cái cảnh sắc, và diễn đạt những ý tưởng, những cảm xúc của con người. Nhưng khi vẽ mặt trước của một vật ba chiều lên trên một trang giấy hai chiều thì ta không thể diễn đạt được cái mặt khuất phía đằng sau của vật thể đó. Chúng ta đã phải hy sinh phần nào sự thật trong sự diễn tả đó.

“À,” có người sẽ nói, “nhưng ta đã có nghệ thuật điêu khắc để trình bày các vật thể ba chiều đó.” Vâng, nhưng làm sao ta có thể trưng bày được cái mặt bề trong của chúng, khi ta chỉ có thể nặn ra được cái hình tượng bề ngoài?

Trong một cố gắng để phần nào vượt qua cái giới hạn này, trường phái tranh lập thể (cubism) được ra đời --tiêu biểu và nổi tiếng nhất là những bức tranh của họa sĩ Pablo Picasso.

Lấy ví dụ bức tranh tuyệt tác mang tên Người Đàn Bà Đang Khóc, The Weeping Woman, do Picasso vẽ vào năm 1937. Thọat nhìn thì đấy là một tranh vẽ quái dị, không cân xứng với những gì đôi mắt ta thường thấy ở hình thể của một con người. Đó là vì Picasso đã trình bày mặt trước lẫn mặt sau của gương mặt của một người đàn bà đang khóc lên trên không gian của một khung vải hai chiều. Cái kiểu “chấp vá” này của những bức tranh lập thể đã đem lại cho chúng ta một cái nhìn mới, mặc dù đó không phù hợp với cái nhìn ta có được qua cái nhãn quan thường ngày của mình.

Do đó, tranh lập thể cũng phải chịu những giới hạn và không thể diễn tả được trọn vẹn cái thực thể ngoài kia.

**
Về điểm này, một bức tranh lập thể có thể được đem so sánh với một bản nhạc hòa tấu.

Âm nhạc cũng lại là một sự nới rộng theo một chiều hướng khác của ngôn ngữ trong việc ghi nhận lại âm thanh, và diễn đạt ý tưởng và cảm xúc của con người. Từ những nốt nhạc cao thấp, dù đó là âm giai ngũ cung hay âm giai tám bực, ta có thể nối chúng lại với nhau, cùng xen kẻ với các khoảng lặng thinh, để tạo thành nhừng giai điệu với những tiết tấu nhanh chậm khác nhau. Các nhịp điệu nhanh chậm so với nhịp tim bình thường của ta lại có khả năng tạo cho ta các cảm xúc khác nhau. Các nhịp dồn dập thường gây những cảm xúc vui nhộn ở người nghe; còn các nhịp chậm hơn nhịp tim bình thường lại làm cho tâm hồn ta lắng xuống, tạo cơ hội cho những nỗi buồn vu vơ chen lấn vào.

Như thế vẫn còn chưa đủ. Tương tự như một bức tranh lập thể, một bài nhạc hòa tấu lại còn đem các nốt nhạc chồng chất lên nhau qua những hợp âm, và các giai điệu quấn quít đuổi theo nhau trong các bè nhạc của các giọng hát hay nhạc khí khác nhau.

Nhưng ở một mặt khác âm nhạc cũng lại bị cái giới hạn là nó không thể diễn tả trung thực được những mầu sắc như nghệ thuật hội họa. Âm nhạc chỉ có thể truyền đạt được phần nào cái thực thể âm thanh ngoài kia. Phần nào là vì tai của chúng ta chỉ có thể cảm nhận được các rung động không khí trong khoảng tần số từ 20 Hz cho đến khoảng 20 KHz.

**
Ngôn ngữ, hội họa, điêu khắc, âm nhạc thì đã vậy, đã phải bị giới hạn ngay trong bản chất của chúng trong việc trình bày một thực thể. Mặt khác, toán học cũng được coi là một ngôn ngữ, dù đó là ngôn ngữ của thiên nhiên. Như thế thì toán học có bị một giới hạn cố hữu nào không?

Lúc đầu người ta cho là không, nhưng đó chỉ là dựa vào trực giác mà thôi. Toán học phải cần có chứng minh bằng lý luận, không thể chỉ có trực giác không thôi.

Đối tượng thông thường của toán học là những con số hữu hạn lẫn vô hạn, những đường cong hình thể, những khái niệm trừu tượng, và nhất là những liên hệ tương quan giữa chúng với nhau.

Bắt đầu từ các tiền đề được chấp nhận không cần chứng minh, người ta dùng lý luận suy diễn để đi từng bước một vững chải đến các định lý và hệ quả. Với những tiền đề khác nhau, ta có những hệ thống toán khác nhau. Như với tiền đề “từ một điểm ở ngoài một đường thẳng ta chỉ có thể vẽ một đường song song với đường thẳng đó mà thôi” thì ta có cái gọi là Hình Học Euclide. Nhưng nếu ta cho rằng từ điểm đó ta không thể có được đường song song nào thì đó lại là tiền đề của Hình Học Riemann. Còn Hình Học Lobatchewsky thì lại cho rằng ta không phải chỉ có một mà có vô số đường song song.

Các hệ hình học này đều đúng trong phạm vi của nó, mặc dù chúng có những áp dụng khác nhau. Chẳng qua là vì từ những điểm khởi đầu khác nhau thì hệ quả sẽ xa biệt vậy thôi.

**
Thông thường ta phải nhờ vào trực giác của mình để đi tìm một vài mệnh đề trong muôn vàn các mệnh đề để rồi chứng minh coi nó là đúng hay sai.

Tuy vậy, cho đến cuối thế kỷ 19 người ta vẫn hy vọng rằng toán học thật sự là một hệ thống máy móc không cần trực giác. Chỉ cần cho vào đó những tiền đề rồi chờ bộ máy lý luận vận hành là ta sẽ có được những sự thật, những định lý. Và ta cũng sẽ biết đâu là điều không thật, một khi luận lý toán học cho ta biết điều đó là sai.

Nhưng như vậy thì toán học cũng chẳng khác gì một bộ máy làm sausage --bỏ thịt vào một đầu, đầu kia sẽ có sausage để ăn barbeque!
Với cái mơ ước là loài người sẽ cơ giới hóa được toán học, nhà toán học lỗi lạc David Hilbert đã khởi xướng cái thách thức để tìm ra được một tập hợp những tiên đề thích hợp và không mâu thuẩn với nhau, và một phương thức máy móc để có thể đi từ các tiên đề này đến tất cả các định lý và hệ quả trong toán học. Nếu được như thế con người sẽ không cần phải bỏ công chứng minh cho từng định lý, hệ quả một — toán học nói chung sẽ không còn gì để khám phá nữa!

Nhưng rồi đến đầu thế kỷ 20 cả thế giới đã phải sững sờ và kinh ngạc với cái khám phá của một chàng thanh niên người Áo trẻ tuổi tên gọi Kurt Gödel.

**
Gödel đã chứng minh được là số học (và nói chung là toán học) tự nó không bao giờ được trọn vẹn qua cái “Định lý của sự không trọn vẹn của toán học” (Incompleteness Theorem). Nói một cách nôm na là có những mệnh đề, giả thuyết mà không một phương thức toán học máy móc nào có thể khẳng định được đây là các mệnh đề đúng (để nâng cấp các mệnh đề này lên bậc định lý) hay khẳng định được đó là các mệnh đề sai.

Để minh họa phần nào cái định lý tuyệt vời này, chúng ta hãy bỏ một phút suy nghĩ về câu văn sau đây: “Đây là một mệnh đề sai.”

Cái mệnh đề trong ngoặc kép trên đúng hay sai? Nếu nó đúng thì những gì nó nói phải là đúng; nhưng chính nó lại nói nó là sai cơ mà! Ngược lại, nếu nó sai thì những gì nó nói là không đúng; nhưng chính nó lại nói nó là sai, do đó nó phải đúng!

Cứ thế ta phải vướng mắc trong cái vòng lẫn quẩn; không thể khẳng định được một câu văn đơn giản đó là điều đúng hay sai! Đây là cái giới hạn luôn hiện hữu của chính toán học --chẳng khác gì cái giới hạn vốn có trong ngôn ngữ thông thường của loài người.

Gödel đã dùng chính toán học làm đề tài cho toán học. Qua việc tự mình nhìn lại mình, Gödel đã chứng minh được cái giới hạn của toán học!

Một thí dụ khác, định lý này đã minh họa là có những thế cờ xếp sẵn trên bàn cờ, tuy trông rất đơn giản nhưng chúng ta sẽ không bao giờ chứng minh được là từng bước từng bước một ta có thể đi đến các thế cờ xếp sẵn này từ các quân cờ được dàn quân một cách nguyên tắc từ lúc khởi đầu hay không!

Có những sự thật toán học mà chính toán học cũng không thể khẳng định được. Và có những sự không thật mà chính toán học cũng không phủ định được. Có những điều tuy nằm trong phạm vi của toán học mà chính nó lại không diễn tả được.

Một hệ quả sâu xa và quan trọng khác của định lý Gödel này là không một hệ thống máy móc, cơ hóa nào có thể thay thế được hay bao trùm được cái thiên hình vạn dạng, cái uyển chuyển trong sự sáng tạo của con người — dù đó là sự sáng tạo trong toán học hay trong nghệ thuật! Và như thế sáng tạo mãi mãi sẽ là vô hạn định.

**
Chính những cái giới hạn vốn phải có này dù là trong ngôn ngữ hay trong toán học cũng là những cái giới hạn mà vật lý và khoa học phải thừa hưởng trong việc nghiên cứu và xác định cái sự thật khách quan ngoài kia. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong bài kế tiếp.

**
Triết học đông phương cũng không thoát khỏi cái giới hạn của ngôn ngữ đó. Kinh Kim Cang của nhà Phật có câu:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”
(Kinh Kim Cang)

Tức là:

Nếu do sắc mà thấy ta
Do âm thanh mà cầu ta
Thì người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.

Chữ Như Lai ở đây là chỉ pháp thân Phật, chính là tánh giác sẵn có nơi mọi chúng sanh. Nếu chạy theo để cầu cái Phật có thể diễn tả được bằng sắc tướng và thanh âm, thì đó là đi cầu cái Phật không thật. Nên Kinh đã khẳng định đó là việc: “hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Vì cái Phật, cái giác ngộ chân chính, không có hình dạng, không có tên gọi, chẳng khác gì cái Đạo của Đạo Đức Kinh:

“Đạo khả đạo, vô thường đạo
Danh khả danh, vô thường danh”

Phải chăng đây là vì cái giới hạn của ngôn ngữ nói chung nên cái Đạo mà định nghĩa được bằng ngôn từ thì đó không phải là cái Đạo thật; cái Tên có thể gọi được thì đó không phải là cái Tên vĩnh cửu.

Cũng vì vậy nên Đạo Đức Kinh còn nhấn mạnh thêm rằng:

“Tri giả bất bác, bác giả bất tri”

Người biết được chân lý thì không nói, không phải vì không muốn nói mà phải chăng là vì không thể nói lên được bằng ngôn từ của loài người. Và những gì ta có thể nói được, gọi được thì đấy không phải là sự thật tuyệt đối --nên đành phải mang tiếng “bất tri” là vậy.

**
Có những kinh nghiệm ta phải sống qua mới cảm được, nhưng chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả cho hết được. Nói chi đến vấn đề giác ngộ, đạo lý, toán học, khoa học cho xa xôi, chính ngay cái tình yêu nam nữ hầu như trong chúng ta ai ai cũng đã từng trải qua, nhưng có ai đã định nghĩa được yêu là gì chưa? Hay là ta chỉ có thể nói lên những khía cạnh riêng lẻ, vụn vặt của nó --qua cái nhịp tim đập nhanh, qua cái mất hồn trong nắng nhạt, trong mây nhè nhẹ, với gió hiu hiu?

Những đứa bé chưa đến tuổi yêu thì chưa biết yêu là gì đã đành, nhưng ngay cả những ai đang yêu cũng không thể nào nói hết được cái tình cảm đó với người mình yêu cho trọn vẹn qua ngôn từ hạn hẹp của loài người. Nên cuối cùng cũng đã phải đành chịu thua:

“Anh yêu em,
Anh chỉ nói thế thôi
Nói thế thôi cũng đủ rồi
Vì tình từ tim mà ngôn ngữ từ môi”
(Vô danh)

Có những điều cả ngàn lời cũng không đủ, nhưng cũng lại có những điều một chữ cũng đã quá thừa.

Kiều Tiến Dũng
Tháng 6, 2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2013(Xem: 18236)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
02/11/2013(Xem: 6391)
Trước đây, tôi bắt đầu cuộc thảo luận này bằng cách nói về phương thức mà các pháp tồn tại chỉ đơn thuần do tâm quy ước và tiếp tục giải thích rõ các pháp chỉ mang tính quy ước là không đủ để chúng tồn tại, bởi vì một vật nào đó chỉ đơn thuần bị quy ước thì không có nghĩa nó tồn tại. Tôi tiếp tục trình bày về ba phạm trù cần thiết đối với một pháp tồn tại: nền tảng hợp lý, không có tổn hại xuất phát từ tâm vững chải của người khác và không có tổn hại xuất phát từ trí tuệ nhận thức tánh không.
31/10/2013(Xem: 18564)
Trên bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình. Sự biến cải đó gọi là thiền định.
30/10/2013(Xem: 39743)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 63472)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/10/2013(Xem: 30426)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 41500)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
06/10/2013(Xem: 9360)
Con người chỉ là một loài động vật. Nhưng lại là một loài động vật hơn hẳn tất cả các loài khác trên mặt đất này. Các loài thú thường thì có loài phải sống tập đoàn, có loài chỉ sống riêng lẻ, trừ những lúc cần gặp nhau để giao phối, rồi lại trở về cuộc sống riêng biệt. Loài người, trái lại, có thể sống quây quần bên nhau nhưng lại có những riêng tư --nhiều khi đó lại là những riêng tư không thể chia sẻ với ai được, sống để bụng chết mang theo:
18/09/2013(Xem: 14136)
Bản luận này ngoài các bài tựa ra còn có 26 chương. 25 chương đầu trình bày cụ thể triết lý căn bản giáo lý Phật giáo, giải thích hiện tượng vũ trụ nhân sinh quy về bản thể Chân như tuyệt đối. Chương thứ 26 trình bày vai trò của pháp tu Tịnh độ; và có phải đây là mục đích Luận chủ giúp người đọc trước hết nhận thức rõ ràng vấn đề và sau đó tìm về một pháp tu thích hợp? Mong những ai có dịp đọc trọn tác phẩm này có thể tìm được câu trả lời cho chính mình!
26/06/2013(Xem: 12062)
Đạt được cơ sở con người, cơ sở đó giống như một cái bình thật quý và hiếm hoi, giúp ta có thể giải thoát tất cả kẻ khác và cho cả chính ta ra khỏi đại dương của Luân hồi, cơ sở con người đó giúp ta biết lắng nghe, suy nghĩ và thiền định, cả ngày lẫn đêm không ngưng nghỉ, đấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]