Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðạo đức học Phật giáo

07/12/201015:25(Xem: 3705)
Ðạo đức học Phật giáo

Đạo đức học Phật giáo

Dù có thể đôi khi ta nghe trong giới Phật tử có nói đến, nhưng một cách căn bản và tổng quát, đạo đức học Phật giáo không sử dụng thuật ngữ chuyên biệt để nói tới tốt hoặc xấu, phải hoặc trái, thậm chí cũng ít khi dùng tới hai chữ thiện và ác.

Tiêu chuẩn xác định

Phật giáo chỉ nói tới tư tưởng và hành động như là:

1/ Công đức (kusala). Nhiều từ điển Phật học dùng chữ Thiện để dịch chữ kusala, nhưng như thế chỉ có tính qui ước và đại chúng. Kusala có nghĩa là một trạng thái lành mạnh, có khả năng hành động tinh tiến, đặt căn bản trên từ bi, quảng đại và trí huệ.

2/ Không công đức (akusala). Dùng chữ Ác mà dịch, thì cũng chỉ có tính qui ước cho tiện dụng. Ngược với kusala, akusala là không lành mạnh, không có khả năng hành động tinh tiến, gây hại cho karma. Akusala được dùng để chỉ mọi hành động dựa trên cơ sở độc hại, mang trong chính chúng mầm móng gây khổ não về sau. Gốc rễ của akusala là dục vọng, hận thù và mù quáng lầm lạc (tham, sân, si) hay còn gọi là ảo giác.

Lý do của lối xếp loại ấy là một hành động, nếu được phân tích khách quan, có thể có các thông giải hoàn toàn khác nhau tùy vào tình huống thể hiện nó. Hành động công đức, lành mạnh, tinh tiến là hành động tạo được công quả, có khả năng mang lại hoặc làm tăng thêm hạnh phúc hoặc góp phần đưa mình và kẻ khác tiến bước trên con đường đạo. Hành động không công đức hay không lành mạnh thì chẳng những không dẫn tới hạnh phúc lại còn gây thêm chướng ngại cho con đường đạo.

Oan Thị Kính

Dí dao vào ngực của một người nào đó có những hàm ý rất khác nhau, tùy thuộc người sử dụng dao là bác sĩ phẫu thuật hay là kẻ cướp trấn lột.

Hành động giao hợp nam nữ lại có những hàm ý đa đoan hơn, tùy thuộc các đương sự là bạn của nhau, hoàn toàn không quen biết nhau, đã kết hôn với nhau chưa, thậm chí dù là vợ chồng, cả hai có đồng thuận cùng làm chuyện ấy vào lúc đó hay không.

Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có kể chuyện nàng Thị Kính trước khi làm tiểu Kính Tâm rồi qua đời được Phật Thiên Tôn phán truyền thành Phật Quan Âm. Thị Kính từng có chồng là Thiện Sĩ, tuấn tú nhưng ở cằm có cây râu mọc ngược. Chồng thiu thiu ngủ, nàng đưa dao nhíp lên định cắt râu cho chồng, nhưng bị Thiện Sĩ thức giấc, túm chặt cổ tay và la lên rằng vợ toan giết mình. Vào cửa thiền rồi, tiểu ni Kính Tâm lại còn phải chịu nổi oan ‘có con’ với Thị Mầu, mãi tới sau khi chết mới được giải oan.

Kiểu thức uyển chuyển

Do đó, đạo đức học Phật giáo cứu xét bối cảnh của hành động và động cơ của những người can dự. Chủ trương ấy làm nổi bật một nội hàm nữa của nguyên lý căn bản về sự tương liên nối kết. Các sự vật sự việc không tốt hoặc xấu trong tự thân chúng, nhưng chúng bị đánh giá là tốt hay xấu, phải hay trái chỉ vì cách chúng liên hệ tới người can dự.

Hành động đương nhiên có hệ quả, như chúng ta đã xem xét nguyên tắc này trong phần nói về Nghiệp. Cũng thế, hành động xảy ra do bởi các điều kiện hiện hành. Hành động không thể hiện hữu một cách riêng biệt, cô lập khỏi các điều kiện hoặc các hệ quả.

Như thế, thêm lần nữa, chúng ta thấy triết học Phật giáo không có những khối thiết chế cố định mà chỉ có những mẫu thức uyển chuyển của những tương liên nối kết, trong việc đánh giá bất cứ cái gì xét theo quan điểm đạo đức. Tuy nói như thế nhưng thực tế Phật giáo vẫn có sẵn một tập hợp lớn lao những lời giáo huấn và lề luật để hướng dẫn người đi theo đạo.

Năm giới

Nói chung, lời giáo huấn của Phật giáo không là những lề luật cố định mà là những nguyên tắc tu tập. Chúng minh họa các phẩm tính được kỳ vọng nơi người đã giác ngộ, như một điển hình cho chúng sinh. Từ đó, lập thành bản hướng dẫn cho người đang đi tìm giác ngộ. Người theo đạo Phật tại gia có năm giới phải giữ, được đặt ra theo thể phủ định, làm thành những điều phải tránh.

1. Nguyện không sát sinh (không làm điều tổn sinh, không giết hại sinh vật);

2. Nguyện không lấy của không cho (không trộm cắp);

3. Nguyện không tà dâm (không quan hệ tính dục với người không phải là vợ hay chồng của mình);

4. Nguyện không nói dối;

5. Nguyện không uống các chất làm say não, loạn tâm.

Mỗi nguyên tắc tu tập ấy mở tới một phản hồi tích cực:

1. Triển khai lòng từ bi, nhân ái tử tế đối với mọi sinh linh;

2. Triển khai lòng quảng đại;

3. Triển khai sự an tĩnh, mộc mạc và hoan hỉ;

4. Triển khai ngôn từ chân thật, dịu dàng, tích cực;

5. Triển khai sự chú tâm hoàn hảo.

Tự nguyện, lạc quan và tích cực

Phật giáo nhằm tới việc lập quân bình cho đạo đức, chiêm nghiệm và trí huệ trên con đường tâm linh của mình. Người theo đạo Phật không thể hiện đạo đức như phương tiện để đạt tới cứu cánh. Họ biến các hành động công đức thành một yêu cầu thiết yếu cho kẻ sẽ thành tựu sự giác ngộ. Nói đúng hơn, vì mọi sự đều phát sinh trong tùy thuộc vào các điều kiện, người Phật giáo cho rằng căn bản đạo đức là điều kiện làm cho các đặc điểm khác của con đường đạo có khả năng phát sinh.

Điểm nổi bật thú vị so với các tôn giáo độc thần là ngũ giới của Phật giáo không có tính cách như các điều răn được ban cho bởi một thần linh ngoại tại đi kèm với lời hăm dọa rằng nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. Ngũ giới đơn giản chỉ là bản tóm lược của Đức Phật về một kiểu sống để cho từ trong con người nổi lên từ bi và trí huệ. Tuy có sẵn những lời chỉ dẫn ấy nhưng người Phật tử có tự do quyết định cách áp dụng nào tốt nhất cho hoàn cảnh cá nhân của mình, trong sự thừa nhận rằng mỗi khoảnh khắc và mỗi biến cố của mỗi người là cá biệt.

Dĩ nhiên, cần phải nhìn đạo đức học Phật giáo dưới ánh sáng của lý thuyết về nghiệp báo. Những dự tính tự nguyện tự chúng quyết định các trạng thái tương lai — và chính ý định mới đáng kể chứ chưa phải là hành vi thể hiện dự tính ấy — cho dù hệ quả nghiệp báo có khả năng nghiêm trọng hơn một khi ý định ấy đã được thực hiện.

So với triết Tây:

Ở đây, có điểm tương đồng với lời giảng của Đức Giêsu khi ngài lập luận rằng các thái độ dâm đãng hay hận thù cũng như các hành vi tiếp theo của ngoại tình và giết người đều bị trừng phạt. Điểm đáng chú ý là Đức Phật và Đức Giêsu đều nói tới hệ quả nghiêm trọng của ý định. Ý định cũng đủ tạo nghiệp. Như thế, ý định cũng là ‘hành động’, như trong cây thơ mở đầu Kinh Pháp Cú. Trong khi đó, luật pháp thế tục thường chỉ trừng phạt người có hành động cụ thể, hoàn toàn không xét tới người chỉ mới có ‘ý định’ trong đầu.

Lý do của Đức Phật và Đức Giêsu là vì cả hai đều tiếp cận vấn đề đạo đức chủ yếu từ quan điểm mang tính cứu độ luận (soteriology). Nói cách khác, cả hai chủ yếu quan tâm tới hậu quả mà một hành động có thể gây ra cho cuộc sống tâm linh của đương sự. Cả hai vị nhìn vấn đề theo quan điểm đạo đức nội tâm của con người, không theo quan điểm duy trì trật tự bên ngoài xã hội.

Cuộc sống tu viện

Đa số người Phật giáo đi theo Phật Pháp trong khi tiếp tục cuộc sống gia đình. Ngược lại, suốt mấy ngàn năm nay, chế độ tu viện luôn luôn đóng vai trò tích cực trong Phật giáo. Có nhiều bản mô tả Phật giáo như một tôn giáo thế giới lại nhấn mạnh ở điểm cho rằng dường như Phật tử tại gia chỉ là một hình thức mở đầu hoặc thấp hơn của Phật giáo.

Thuở xưa, theo truyền thống Ấn độ thời đó, Đức Phật từ giã gia đình, đi vào cuộc sống hành giả lang thang tìm kiếm chân lý. Có ít nhất năm môn đệ đầu tiên của ngài cũng xuất thân từ các nhóm tu khổ hạnh ấy. Phật giáo cũng giống với nhiều phong trào tôn giáo, thí dụ Kitô giáo từ xưa tới nay, chính các thành viên tăng lữ làm việc ‘toàn thời gian’ truyền bá lời giảng, truyền khẩu giáo pháp và các truyền thống thành văn về sau. Trong Tam tạng thì Luật tạng là bộ kinh điển hoàn thành cùng một kỳ kết tập với Kinh tạng. Bên cạnh đó, có vô vàn kinh sách Phật giáo liên quan tới giới luật dành cho những người chọn con đường xuất gia tu trì, và sự kiện ấy phản ánh tính chất tập trung của cộng đồng tăng ni dối với việc giao truyền lời giảng, hoặc dùng thuật ngữ Phật giáo là các tăng già và hoằng pháp.

Mặt khác, trong lời giảng của Đức Phật, được kết tập thành Kinh tạng, ngài cũng thường xuyên dạy người thế tục. Tại Việt Nam, trước đây cũng có truyền thống một số nam nữ cư sĩ, tới một độ tuổi nào đó, sau khi cảm thấy yên ổn chuyện gia đình và con cái, thì đem thân nương náu cảnh chùa. Dù sinh hoạt tu viện làm cho việc đi theo con đường đạo thuận tiện hơn bằng cách cung cấp một cấu trúc ngăn nắp cho cuộc sống tu trì và bằng cách tránh những xao lãng hiển nhiên, chế độ tu viện không là đối tượng quan tâm của chúng ta trong cuốn sách bàn về các khái niệm căn bản có tính triết học của Phật giáo này. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trong các sách về Phật học hoặc trên các trang web Phật giáo.

Về mặt căn bản, nền tảng Phật Pháp cũng vẫn là một, dù người đi theo là tăng, ni hay cư sĩ. Cũng thế, về khía cạnh đạo đức học, các lề luật tu trì của giới tăng già được trình bày thêm vào những giáo huấn căn bản của người tại gia. Và chính những giáo huấn đó minh họa việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức cơ bản và chủ yếu của Phật Pháp.

Giới luật của Sa môn

Như đã nói, nền tảng vẫn là Năm giới. Người nam mới xuất gia đang ở thời lỳ tập sự được gọi là Sa-di. Nữ được gọi là Sa-di-ni. Tu hành tới thọ Tỳ kheo — thành viên chính thức và là cấp bậc cơ bản của tăng đoàn — thì tăng giữ 250 giới, ni giữ 348 giới.

Giai đoạn Sa-di và Sa-di-ni chỉ giữ 10 giới, gồm 5 giới của Phật tử tại gia cộng thêm 5 giới của người xuất gia. Ngoại trừ giới tà dâm của cư sĩ đổi thành giới không dâm dục, 5 giới thêm gồm:

1. Không xức dầu thơm, không đeo vòng trang sức, không ghim hoa trên đầu;

2. Không ca hát nhảy múa hay đi xem ca hát nhảy múa;

3. Không ngồi ghế cao, không nằm giường rộng thường dành cho hai người.

4. Không ăn trái bữa, chỉ ăn đúng thời;

5. Không giữ tiền bạc, vàng ngọc châu báu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/05/2012(Xem: 11184)
Vô ngã là hình thức đối nghịch với cái ngã. Cái ngã thì sanh lão bệnh tử, biến dị, khổ ưu, vô thường. Trái lại vô ngã được quan niệm như là bất sanh bất diệt...
17/04/2012(Xem: 5209)
Tôi là một người tha hương đang sống nhờ ở đậu trên xứ người. Tôi có thể nói được tiếng nước người, thích ứng được vào cuộc sống nước người, và đi lại bình thường như một người bình thường trên đất nước người. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, vẫn có một cái gì đó không bình thường, một thứ tiếng gì đó không vỡ nghĩa, một nỗi đau nào đó không rõ tên, như những đợt sóng ngầm, bất kỳ lúc nào, có thể bất thần dâng lên như mưa lũ gió cuồng, xô tôi vào thế giới của hụt hẫng và mộng mị.
15/04/2012(Xem: 12954)
Đối với Đức Phật thì tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình thành, không có một ngoại lệ nào cả, vì thế chúng không hàm chứa bất cứ một thực thể cố định hay bất biến nào.
19/03/2012(Xem: 6499)
Nỗi khổ đau suốt trăm năm trong cõi người ta vẫn hoài đè nặng lên kiếp người như một người mang đôi gánh nặng trĩu trên vai và đi mãi trên con đường dài vô tận, không khi nào đặt xuống được. Nhưng ngàn xưa vẫn chưa có bậc xuất thế nào tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử nên trong tiền kiếp Đức Phật cũng đã từng xông pha lăn lộn trong cuộc đời đầy cát bụi và đã trải qua biết bao khổ đau, thương tâm cũng như nghịch cảnh để tìm ra người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn và dựng lên những tấm bi kịch thường diễn ra trên sân khấu cuộc đời.
04/03/2012(Xem: 46058)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
18/02/2012(Xem: 16660)
Những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhân loại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, phải chăng là do sân hận gây nên? Sân hận là một trong ba nguyên nhân căn bản làm con người khổ đau. Trong kinh, Phật mệnh danh là ba độc: Tham, Sân, Si.
14/02/2012(Xem: 3091)
Chúng tôi cho rằng, một người khi quyết định thực hành Đạo Phật thì trước hết là nghĩ đến viễn ly. Có phát tâm viễn ly mới thật sự là một hành giả Phật Giáo. Nếu không phát tâm viễn ly thì chúng ta thực hành Đạo Phật để làm gì? Dĩ nhiên ngày nay, người ta đã áp dụng những phương pháp thực hành của Đạo Phật trong tâm lý trị liệu, thiền quán để nâng cao sức khỏe, nhưng ngay cả việc thực tập Phật Pháp để được tái sinh trong cõi người lẫn cõi trời đều không phải là cứu kính của Phật Giáo, đó chỉ là những phương tiện nhất thời, hay đó không phải là Phật Pháp chân thật, không phải là mục tiêu tối hậu của Đạo Phật
08/02/2012(Xem: 3527)
Đạo Phật là đạo khế lý và khế cơ, cho nên khi du nhập vào quốc độ nào cũng có thể vừa giữ được nội dung cốt lỗi căn nguyên của mình vừa khế hợp với tâm tình và sắc thái đặc dị của quốc độ ấy. Đây có thể nói là đặc tính ưu việt của đạo Phật mà quá trình hiện hữu sinh động trên hai mươi lăm thế kỷ qua là niềm xác tín kiên định.
17/01/2012(Xem: 7475)
Vô tận trong lòng bàn tay, Sự dị biệt giữa tôn giáo và khoa học được đánh dấu khởi đầu từ luận đề của Galilée và từ đó đã khiến nhiều người cho là hai thế giới này không thể nào gặp nhau được. Einstein khi đối chiếu Phật Giáo với các tôn giáo khác đã cho là: nếu có một tôn giáo có thể đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của khoa học, thì chính đó là Phật giáo. Einstein muốn nói tới tính cách thuần lý và thực tiển của Phật Giáo, khi ông so sánh thấy các tôn giáo khác chỉ dựa trên kinh điển và giáo điều. Đúng như điều Einstein cảm nhận, Ph
15/01/2012(Xem: 8757)
Sự thể hiện đích thực về đờisống của người Phật tử không phải là ngôn ngữ, kiến thức mà là hành động. Tọathiền là quan trọng; giữ tâm điềm tĩnh, lắng dịu và nghiêm túc trong quá trìnhhành thiền là cần thiết, nhưng đấy không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhiệm vụ khó khăn nhất ấy là đem tâm nghiêm túc ấy vào trong đời sống thường nhật... Phật giáo nhận thấy rằng tất cả mọi người và mọi chúng sanh đều phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù thân và tâm của mọi người khác nhau nhưng mọi người vẫn tương quan với nhau.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567