Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Vài nét về Bồ-Đề đạo tràng - Thích Phước Chí dịch

16/05/201317:19(Xem: 2720)
1. Vài nét về Bồ-Đề đạo tràng - Thích Phước Chí dịch


Tuyển tập

Phật Thành Đạo

Nhiều tác giả
--- o0o --- 

Phần IV

Bồ Đề Đạo Tràng lịch sử và chiêm bái

--- o0o ---

VÀI NÉT VỀ BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Tiến sĩ D.C. Ahir
Thích Phước Chí dịch

Ngày nay, ngôi tháp Đại Giác đã một lần nữa sống lại với sự viếng thăm của hàng triệu khách hành hương chiêm bái trên toàn thế giới. Thanh thế của Thánh địa được lớn mạnh như thuở vàng son của Phật giáo. Con số các chùa chiền tự viện của những nước Phật giáo trên thế giới tăng lên rõ rệt tại Bồ-đề Đạo Tràng.

Khi thái tử Sĩ-đạt-ta từ bỏ tất cả những dục lạc thế gian, rời bỏ hoàng cung đi tìm chân lý, ngài đã có định hướng rõ ràng. Sau khi rời khỏi kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, thái tử trở thành người hành khất và Ngài đã đi bộ suốt đoạn đường 643km (400 dặm) đến Rajagaha, nơi mà sau đó nổi tiếng là quê hương của những nhà triết học và những nhà tư tưởng lớn. Tại đó, Ngài đã lưu trú khá lâu trong tu viện của đạo sư Alara Kalama. Không thỏa mãn với giáo lý ở đây, Ngài đã tìm đến đạo sư Uddaka Ramamputta và thực hành thiền định. Chính bản thân Ngài cũng đã chứng đạt thiền định như vị thầy, nhưng Ngài chóng nhận ra rằng đây không phải là chân lý tối thượng.

Để tìm cầu chân lý tuyệt đối an tĩnh tâm hồn, Bồ-tát đã đi đến cánh rừng Uravela Vana, cách đó khoảng 64 km (40 dặm), cùng với năm vị đạo sĩ mà Ngài đã từng gặp tại Ragajaha, bắt đầu thực hành phương pháp khổ hạnh. Bồ-tát đã thực hành những phương pháp tự hành xác khắc nghiệt nhất trong sáu năm trời, nhưng vẫn không đạt được những gì mà Ngài mong mỏi. Nhận thấy sự vô ích của lối tu hành xác, Bồ-tát đã từ bỏ con đường tu hành khổ hạnh và nhận bát cơm của nàng Sujata, con gái của vị trưởng làng bên cạnh, Senani. Việc làm này của Sĩ-đạt-ta đã khiến cho năm người bạn tu hành khổ hạnh đã từ bỏ Ngài. Rồi từ đó, Bồ-tát đã một mình một bóng đi tìm chân lý.

Hồi phục lại sức khỏe sau khi dùng bát cơm của nàng Sujata, Bồ-tát nhận ra các phương pháp thực hành trước đây đều là sai lệch. Xác định mục đích, Ngài vượt sông đến một cội Bồ-đề, phía tây của sông Ni-liên-thuyền (Neranjara), hiện nay là sông Nilajan hay Lilajan về phía nam khoảng 10 km của thành phố Gaya thuộc bang Bihar. Ngài ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề và phát nguyện không đứng dậy nếu không chứng đắc được chân lý tối thượng. Vào đêm trước khi Ngài chứng đắc Phật quả, Ma vương đã dùng những kỹ nữ xinh đẹp ca múa quyến rũ bằng nhiều cách để cản trở sự nỗ lực của Ngài. Nhưng mọi sự cản trở của Ma vương đều thất bại. Chúng biến mất trong sự bực tức. Sự kiện này được tôn giả A? vaghosha viết như sau:

"Suốt đêm ấy, vào canh thứ nhất Bồ-tát chứng được Túc Mạng Minh, vào canh thứ hai Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh và vào canh cuối Ngài thấu hiểu đươc chân lý duyên sinh. Khi mặt trời mọc, Ngài đạt được toàn giác."

Trong tất cả những thánh tích liên quan đến Đức Phật Gautama, Bồ-đề Đạo Tràng là nơi quan trọng nhất. Chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian để thấy rõ lịch sử truyền thống của thánh địa này với những hình ảnh khổ hạnh và chứng đắc quả giác ngộ viên mãn của Đức Phật.

Vào năm 259 trước TL, đại đế A-dục đã đến viếng thăm và đảnh lễ Bồ-đề Đạo Tràng, và sau đó Bồ-đề Đạo Tràng đã thu hút hàng triệu tín đồ trở về chiêm bái không ngừng nghỉ suốt hơn 1500 năm. Rajendralal Mitra đã viết như sau:

"Không chỉ những hoàng gia từ các vùng của Ấn Độ mà còn những quốc gia khác thi nhau làm cho Bồ-đề Đạo Tràng ngày càng phát triển và tươi đẹp. Mỗi một nơi mà Đức Phật dừng chân hay thọ thức ăn, mỗi một ao nước mà Đức Phật đã tắm hay giặt giũ, mỗi một góc đường mà Ngài đã đi qua, hay những nơi mà ngài đã tu tập khổ hạnh, thiền định, đã một lần tạc vào đá và không có điều gì có thể làm mờ nhạt những dòng lịch sử kỷ niệm kỳ diệu này."

Vua A-dục đã cho xây dựng một ngôi đền thờ đầu tiên tại thánh địa này. Sự mô tả ngôi đền của vua A-dục và những đền thờ khác tại Bồ-đề Đạo Tràng trong những năm 250 trước TL đã được tìm thấy trên một bản khắc phát hiện tại tháp Bharhut ở Madhya Pradesh. Bản khắc cho thấy phía trước cội Bồ-đề là tòa Kim Cang với một chiếc lọng bên trên và những vòng hoa; tất cả nằm trong một đại sảnh. Xung quanh cội Bồ-đề là một vòng rào với cửa ra vào ở phía đông.

Ngôi tháp Đại Giác hùng vĩ đã được xây dựng vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch. Nó được xây dựng trên nền tháp cũ của ngôi tháp A-dục và tòa Kim Cang vẫn giữ đúng vị trí nguyên thủy nơi Đức Phật ngồi chứng đắc chân lý. Niên đại của ngôi tháp được xác định bằng sự phát hiện ra những đồng tiền vàng trong số những di vật được chôn trước tòa Kim Cang cùng với một số những đồng tiền mang nhiều chứng tích của vua Huvishka. Ông Cunningham, người đã phát hiện ra nơi thánh tích này vào năm 1871, đã tìm thấy ba tầng đất khác nhau ở nền tháp tại phòng chính của tầng trệt. Lớp trên là lớp đá hoa cương, lớp giữa là lớp đá cát và lớp dưới là lớp thạch cao. Bên trong phòng nầy là một ngai vàng bằng đá Basan, mặt bằng đá xanh đặt trên một sàng đá hoa cương. Di chuyển sàng nầy, ông phát hiện một ngai vàng thứ hai ở phía sau ngai vàng đầu tiên cách bốn lớp thạch cao. Tiếp tục di chuyển những lớp thạch cao nầy ông phát hiện một quả cầu tròn cứng bằng đất sét, bên trong chứa những di vật:

- Hai đồng tiền vàng trên một lá vàng bề mặt có đóng dấu của vua Kuvishka được kết nhau bằng một chiếc vòng.

- Năm đồng tiền bạc: Những đồng tiền có lỗ với hình người và bên cạnh là nhiều mảnh vỡ không hình dạng.

- 145 viên ngọc nhỏ đã bị đen qua thời gian.

Lại di chuyển toàn bộ lớp thạch cao trên mặt, ông bắt đầu phát hiện ngai vàng thứ ba phủ đầy cát đá ở phía sau ngai vàng thứ hai cũng cách bốn lớp thạch cao đúng như nó được khắc trong một bản khắc ở tháp Bharhut và với những hình ảnh giác ngộ của Đức Phật Thích-ca (Bhagavato Sakamunino bodho).

Những bia đá thuộc triều đại Gupta và Scythian cũng đều ghi lại cách kiến trúc của ngô? tháp Đại Giác là thuộc về triều đại Huvishka, vị vua thứ hai của triều đại Kushana, sau vua Ca-nị-sắc-ca (Kanishka).

Tượng Phật mạ vàng khổng lồ với ấn xúc địa ở bên trong phòng chính của tháp Đại Giác được tạc vào khoảng năm 380 sau Tây lịch. Tượng Phật đặc biệt nầy tượng trưng cho sự kiện giác ngộ vĩ đại của Đức Phật.

Theo những bia đá được tìm thấy tại Bồ-đề Đạo Tràng, một tu viện lớn với những đỉnh tháp được bao quanh bởi một tường rào cao 9-12m (30-40 feet), được vua Megha Varna xây dựng. Vua này thuộc triều đại Siri Meghavana của Tích Lan vào năm 388 Tây lịch.

Người Miến đã trùng tu tháp Đại Giác vào khoảng năm 450 Tây lịch. Vào năm 600 sau Tây lịch vua Brahmin của xứ Bengal, người rất thù nghịch với Phật giáo, đã chặt và đốt phá cội Bồ-đề. Hai mươi năm sau, năm 620 vị vua mộ đạo Phật, Raja Purna Varma đã phục sinh lại cội Bồ-đề và xây dựng một tường rào cao 7m (24 feet) để bảo vệ. Từ đó cội Bồ-đề không còn bị phá hủy.

Trước thế kỷ thứ 7, không có sách vở nào gọi ngôi tháp tại Bồ-đề Đạo Tràng là tháp Đại Giác (Mahabodhi). Trên bia đá của vua A-dục đã đề cập tên ngôi tháp là tháp Đại Định (Sambodhi). Ngài Pháp Hiển đã đến đây vào năm 409 TL nhưng tiếc thay Ngài không đề cập đến tên ngôi tháp này trong bút ký của ngài. Tuy nhiên, hai thế kỷ sau, tức thế kỷ thứ 7, Ngài Huyền Tráng đã đến đây, thì lúc ấy ngôi tháp được gọi là tháp Đại Giác (Mahabodhi). Từ đó về sau tháp Đại Giác đã được đề cập trên một số bia đá phát hiện tại Bồ-đề Đạo Tràng. Tên Tháp Đại Giác được đề cập lần cuối vào cuối thế kỷ 14.

Ngài Pháp Hiển, nhà chiêm bái đầu tiên của người Trung quốc, nói rằng: "Những ngôi chùa được xây dựng khắp tất cả những nơi mà Đức Phật đã thực hành khổ hạnh và bảy tuần thất sau khi Ngài giác ngộ." Hơn nữa, Ngài còn nói: "Nơi Đức Phật chứng đắc được Phật quả, có 3 tu viện mỗi nơi đều có tăng sĩ cư trú và nhận được sự cúng dường rất đầy đủ của Phật tử. Những nơi chính mà Đức Phật đã đi qua khi Ngài còn tại thế và những nơi thánh địa khác đều thực hành một nguyện ước chung của Phật giáo, thái độ cư xử hết sức nghiêm trang khi đi vào những nơi thánh địa và kéo dài đến ngày nay." (ngày mà Ngài Pháp Hiển viếng thăm).

Ngài Huyền Tráng, nhà chiêm bái thứ hai của Trung quốc, đến đây vào năm 637 Tây lịch đã thấy ngôi tháp Đại Giác và những sân bãi rộng rãi xung quanh với 21 ngôi tháp, 3 hồ nước (Buddha, Sakra, Muchilinda) và 6 tu viện bao gồm cả tu viện người Tích Lan với hơn 1000 tăng sĩ. Ngài viết:

"Đi từ phía tây nam của ngọn đồi Pragbodhi chúng ta đến cội Bồ-đề. Cội Bồ-đề được bao quanh bởi một lớp rào bằng gạch cao và chắc chắn. Chiều dài từ đông sang tây, chiều ngang từ nam sang bắc. Đi vòng quanh khoảng 500 bước chân. Những loại cây quí hiếm và những tàng cây đầy hoa che mát như một tấm thảm hoa trên đất. Cổng chính ở phía đông, đối diện với dòng sông Ni-liên-thiền. Cổng phía nam mở ra là một vườn hoa. Hướng tây đã bị phong tỏa. Cổng phía bắc mở về hướng Tăng già lam (Sangharsama). Trong vòng rào bao bọc có vô số những di tích nối liền nhau. Nơi nầy với những ngôi tháp thì nơi khác với những tu viện." "Khoảng giữa của khuôn viên được rào quanh là cội Bồ-đề và tòa Kim Cang, nơi Đức Phật chứng đắc Phật quả, còn được gọi là Bồ-đề Đạo Tràng (Bodhi manda)." " Cội Bồ-đề bên cạnh Kim Cang tòa như loại cây đa (Pippala). Ngày xưa, khi Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cây nầy, cao hằng chục mét. Mặc dù bị chặt phá nhiều lần nhưng cội Bồ-đề vẫn cao từ 12- 15 mét (40-50 feet). Đức Phật đã thiền định dưới cội cây nầy mà chứng đắc trí tuệ tối thượng và do đó cây nầy còn được gọi là cây trí tuệ (Samyak Sambodhi). Hướng đông cội Bồ-đề là một tu viện cao khoảng 48-51 mét (160-170 feet). Quanh mặt nền có hơn 20 bước đi. Sàn nhà bằng đá xanh, tất cả những bục thờ đều có những hình ảnh khác nhau về Đức Phật. Bốn phía của tòa nhà đều có những hoa văn nghệ thuật độc đáo với hình ảnh của chư thiên và những chuỗi trân châu. Tất cả được bao quanh bởi những cây A-mặc-la (Amalaka). Bên phải và trái của cổng ra vào có những hóc tường, bên trái với tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, bên phải là tượng Bồ-tát Đại Thế Chí được mạ bạc cao khoảng 3 mét (10 feet)."

Vua Meghavarna của Tích Lan đã xây dựng một tu viện và được Ngài Huyền Tráng mô tả như sau:

"Bên ngoài cổng, hướng bắc cội Bồ-đề là tu viện Mahabodhi Sangharama, do vua nước Tích Lan xây dựng. Tu viện nầy có 6 phòng lớn và những ngọn tháp có thể quan sát cả 3 tầng nhà. Tăng sĩ của tu viện nầy hơn cả ngàn người, họ nghiên cứu đại thừa thuộc trường phái Thượng Toạ (Sthavira). Họ nghiên cứu cẩn thận Luật tạng và phẩm hạnh rất thanh cao."

Gần ba thế kỷ sau khi ngài Huyền Tráng viếng thăm, Bồ-đề Đạo Tràng hầu như không có sửa đổi gì nhiều và cũng không có sự mở mang phát triển gì thêm. Chỉ vào năm 1010, vua Mahipala, vị vua nổi tiếng của triều đại Pala ở Bengal đã có vài thay đổi nhỏ. Vào những năm 1070, người Miến đã có có trùng tu và phục hồi lớn lại ngôi tháp Đại Giác.

Vị vua Phật giáo Ấn Độ cuối cùng đã trang hoàng lại ngôi tháp Đại Giác là vua Raja Asoka-Balla ở núi Siwalik của bang Punjab. Trên bia đá của ông có ghi rằng: "Trong thời giáo pháp suy tàn có sự ủng hộ của vua Asoka-Balla của xứ Sapadalaksa."

Với sự giúp đỡ của ông và một vị trưởng làng tại đó tên là Purusottama Simha, ngôi tháp được phục hồi và vài tác phẩm nghệ thuật được sửa chữa dưới sự giám sát của một vị tăng tên là Dharmaraksita. Một bia đá khác ghi vào năm 51 của triều đại Lakshamanasena ở Bengal Hya vào năm 1157 của vua Asoka-Balla được tìm thấy tại Bồ-đề Đạo Tràng ghi:

"Sự tôn kính Đức Phật, vị đại sa-môn, người đã dạy những gì là cội nguồn của dòng suối đức hạnh và những gì làm cản trở đức hạnh. Đây là món quà thể hiện tinh thần mộ đạo của vua Asoka-Balla, một người ủng hộ trường phái đại thừa và là một phật tử thuần thành của Phật giáo. Tất cả những công đức và trí tuệ mà tôi làm được xin nguyện hồi hướng công đức đầu tiên về cho Phụ-Mẫu và sau đó là cho tất cả chúng sanh."

Vào thời kỳ vua Asoka-Balla, công việc lễ nghi tại già-lam này do một vị thượng tọa người Tích Lan đảm trách. Hơn nữa, trên cùng bia đá vua Asoka-Balla ghi rằng:

"Hơn thế nữa tại tháp Đại Giác, hằng ngày việc thờ phụng và dâng cúng nhang đèn được một vị Tăng sĩ đứng đầu Phật giáo Tích Lan đảm trách. Chỉ khi nào mặt trời và mặt trăng kia mất đi thì công việc này mới không còn."

Dharmasvamin, một vị chiêm bái người Tây Tạng, đảnh lễ thánh tích vào năm 1234, đã tìm thấy một thiền viện hoang phế. Ngài viết:

"Còn lại chỉ 4 vị tăng sĩ. Một vị nói: Thật là bất hạnh tất cả tăng sĩ đã bỏ trốn vì sự khủng bố của quân đội Turushka. Họ đã phong tỏa cổng chính ở phía trước Tháp Đại Giác bằng gạch và thạch cao. Gần đó, họ xây một tượng khác để thay thế."

Khi Phật giáo suy tàn tại ấn Độ, người Miến đã đến và cứu ngôi tháp Đại Giác thoát khỏi bàn tay phá hoại. Họ sửa chữa lại ngôi tháp Đại giác ít nhất 3 lần suốt từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15. Lần sửa chữa sau cùng là những năm 1472-1492.

Từ đó về sau, Bồ-đề Đạo Tràng đã bị quên lãng và ngôi tháp Đại Giác ngày càng hoang phế. Với điều kiện thuận lợi về vị trí, ông Gosain Giri thuộc Ấn Độ giáo đã xây dựng môt ngôi đền Hindu tại Bồ-đề Đạo Tràng năm 1590. Sự có mặt của ngôi đền này đã làm cho Bồ-đề Đạo Tràng rơi vào tay những người không phải phật tử và giai đoạn phi Phật giáo bắt đầu.

Vào năm 1811 tiến sĩ Buchanan Hamilton, một nhà khảo cổ học nổi tiếng, đến viếng thăm Bồ-đề Đạo Tràng, đã phát hiện ra ngôi tháp Đại Giác trong tình trạng hoàn toàn đổ nát. Ông ghi lại trong bút ký như sau:

"Việc thờ cúng tại Bồ-đề Đạo Tràng do người Ấn giáo đảm nhiệm. Cách đó không lâu, họ xây dựng một cầu thang ở một phía của nền tháp để có một lối đi khác với lối đi chính vào tháp và một biểu tượng căm thù đức Phật."

Năm mươi năm sau, năm 1861, ông Cunningham đã gặp giáo hội Ấn giáo Mahant và những môn đồ tổ chức những nghi lễ phi Phật giáo tại tháp Đại Giác. Hơn thế nữa, mặc dù tổ chức này tuyên bố tháp Đại Giác và vùng đất quanh đấy là của riêng họ nhưng họ chưa từng bao giờ sửa sang lại ngôi tháp lich sử này.

Năm 1875, Vua Mindan Min của Miến Điện đã can thiệp và được sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ và giáo hội Ấn giáo Mahant đã sửa sang lại ngôi tháp Đại Giác bị hoang phế nhiều năm. Nhưng kỳ sửa chữa đầu tiên của người Miến diễn ra không đúng theo truyền thống nên chính phủ Ấn Độ đã quyết định bổ nhiệm ông J.D Beglar vào năm 1880 trùng tu lại hoàn toàn ngôi tháp. Ông Cunningham và tiến sĩ Rajendra Lal Mitra cũng được cử làm cố vấn trong việc trùng tu. Công việc khôi phục đã được tiến hành dựa trên nền móng cũ của ngôi già-lam nhỏ ngày xưa. Toàn bộ được trù tính và kế hoạch khôi phục như là ngôi tháp đã tồn tại từ thời trung cổ và kế hoạch này có thể thực hiện được. Sự khôi phục và cải tiến lại ngôi tháp hiện nay hầu hết chính xác từ bản mô phỏng của ngôi đền nguyên thủy. Công việc này rất phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nặng nề về kinh tế. Nhưng nó đã hoàn thành nhờ sự tận tình hiếm có và sự hy sinh của ông Cunningham, ông R.L Mitra và ông Beglar.

Ngay sau khi được khôi phục, ngôi tháp Đại Giác và vùng đất xung quanh vẫn tiếp tục thuộc về giáo hội Ấn giáo Mahant.

Ông Edwin Arnold, tác giả nổi tiếng trên thế giới với tác phẩm "Ánh Sáng Phương Đông" (The Light of Asia) đã diễn tả thái độ thờ ơ và nhẫn tâm trước sự bảo quản thánh địa và việc làm của giáo hội Mahant. Sau đó ông đã công bố sự kiện này trên tạp chí Daily Telegraphở Lodon mà ông là chủ bút. Ông thống thiết kêu gọi:

"Quả thật, Phật giáo thế giới hầu như đã quên đi Thánh địa này và chỉ có biết đến những trung tâm tín ngưỡng như Mecca, Jerusalem của những tôn giáo phương đông. Khi tôi lưu lại Bồ-đề Đạo tràng cách đây mấy năm, tôi thật sự đau lòng khi thấy hàng ngàn những di sản cổ quí giá, những tảng đá có khắc chữ Sanskrit nằm ngổn ngang chồng đống quanh đây."

Sự vận động giành lấy lại quyền điều hành tại khu vực Tháp Đại Giác bắt đầu vào tháng 1 năm 1891 khi Anagarika Dharmapala đến đảnh lễ thánh địa này. Do sự lãng quên mà nơi Đức Phật giác ngộ đã suy tàn đổ nát và rơi vào tay người Ấn giáo. Sau đó, ông kiên quyết từng bước ngăn chặn những việc làm của ngoại đạo tại thánh địa này. Với tầm nhìn xa, bước đầu tiên, Ngài Dharmapala đã sáng lập ra "Hội Đại Giác Ngộ, Bồ-đề Đạo Tràng" (The Buddha Gaya Mahabodhi Society) vào ngày 31 tháng 5 năm 1891. Sau đó, ông đã thuyết phục 4 vị tăng từ Tích Lan đến tại Bồ-đề Đạo Tràng vào tháng 7 năm 1891 và ở tại nhà nghỉ người Miến xây dựng trước đó vài năm. Bốn vị đó là: (i) Thượng tọa Dunuarla Chandajati, (ii) Thượng tọa Matale Sumangala, (iii) Thượng tọa Anuradhapura Pemmananda, và (iv) Thượng tọa Galle Sudassana

Giáo hội Ấn giáo vẫn sở hữu toàn bộ khu vực Bồ-đề Đạo Tràng và họ phản đối về sự có mặt của những tăng sĩ người Miến. Vào tháng 2 năm 1893 hai vị tăng sĩ đã bị những người Ấn giáo đánh đập một cách tàn nhẫn. Hai năm sau, năm 1895 khi Dharmapala đang làm lễ an vị tượng Phật được người Nhật cúng, ở tầng trên của ngôi đền, thì ngài đã bị những người Ấn giáo tấn công và ngăn cản. Tượng Phật đành phải được an vị nơi nhà nghỉ người Miến. Sau đó, giáo hội Ấn giáo tại Bồ-đề Đạo Tràng và vài tổ chức Ấn giáo khác đặc biệt là hiệp hội Ấn-Anh ở London cố gắng dời tượng Phật đi nơi khác nhưng chính phủ không đồng ý.

Năm 1906, họ yêu cầu trục xuất những vị tăng sĩ Phật giáo ra khỏi khu vực Bồ-đề Đạo Tràng. Tín đồ Phật tử cũng yêu cầu và công khai tuyên bố quyền điều hành tại khu vực tháp Đại Giác. Cuộc xung đột vẫn kéo dài cho đến sau khi Ấn Độ độc lập, chính phủ tại Bihar ban đạo luật quản lý khu vực Bồ-đề Đạo Tràng năm 1949. Năm 1952, chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban quản trị và giao cho ủy ban này điều hành quản lý khu vực Bồ-đề Đạo Tràng và những di sản khác. Ủy ban này gồm có 8 thành viên, 4 vị Ấn giáo và 4 vị Phật giáo với một vị quận trưởng Gaya làm chủ tịch. Chắc chắn rằng người Ấn giáo luôn nắm giữ những vị trí cao trong ủy ban do những điều khoản đặc biệt trong bản giao ước. Phần 3 của bản giao ước viết: "Vị quận trưởng của khu vực này do chính phủ bổ nhiệm sẽ mặc nhiên trở thành chủ tịch của ủy ban (trong giai đoạn vị này không theo Ấn giáo)"

Năm 1956, lễ tưởng niệm Phật Đản lần thứ 2500 (Buddha Jayanti) được Phật giáo quốc tế tổ chức. Chính phủ Ấn Độ đự tính tái tạo hồi phục lại những thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. Bồ-đề Đạo Tràng phải cần thời gian dài để sửa chữa lại ngôi tháp Đại Giác và nới rộng các hàng rào. Vài khu vực quanh đền thờ được sử dụng. Vài ngôi nhà nhỏ được dời đi và xung quanh được quét dọn sạch sẽ. Một con đường được mở rộng xung quanh đền thờ. Một viện bảo tàng nhỏ và những bia đá khắc nằm rải rác quanh ngôi đền được cất giữ và tái tạo. Những tiện nghi về điện nước và chỗ trọ cho khách hành hương được xây dựng.

Những năm gần đây, quang cảnh xung quannh ngôi tháp Đại Giác được ủy ban quản lý cải thiện. Như một lối đi vào từ phía đông với một khoảng trống thích hợp, một đường đá lát quanh tháp và bức tường thêm vào cảnh yên bình của ngôi tháp. Ngày nay, khách chiêm bái có thể cầu nguyện, lễ lạy đấng Đại Giác trong khung cảnh yên tĩnh và môi trường thanh tịnh. Sau đây chúng tôi xin điểm lược các di tích quan trọng tại Bồ-đề Đạo Tràng:

1. Ngôi Tháp Đại Giác

Ngôi đại tháp đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52m (170 feet), mỗi một cạnh vuông là 15m (50 feet). Ngọn của tháp có hình chóp nhọn vươn cao. Cổng vào ngày nay cũng như nguyên thủy nằm ở phía đông. Mỗi 4 mặt của ngôi tháp với những tầng tháp nhỏ và có nhiều góc tường để đặt tượng. Mặt chính có cửa sổ (nhọn ở trên) được mở ra để ánh sáng vào phòng chính. Tầng thứ nhất của ngôi tháp có những tháp nhỏ ở mỗi bốn góc như là những mô hình thu nhỏ của tháp chính. Ngôi tháp được xây dựng bằng gạch nung và được tô bằng một lớp thạch cao. Phía trước lối đi chính có một cổng vào được khắc chạm tinh xảo. Phía trước cổng vào có một ngôi tháp nhỏ bằng đá xây với tỉ lệ rất cân xứng. Căn phòng chính của ngôi đền nằm ở tầng trệt. Cửa ra vào được làm bằng đá.

Tượng Phật lớn mạ vàng với ấn xúc địa tượng trưng cho sự kiện giác ngộ vĩ đại của Đức Phật, được đặt tại phòng chính của ngôi tháp. Tầng trên có hai cầu thang bằng đá. Chúng ta có thể đi kinh hành vòng quanh ngôi tháp. Tại 4 góc của tầng này có 4 ngọn tháp nhỏ làm tăng thêm vẻ cân xứng tuyệt vời của toàn bộ cấu trúc. Hai ngọn tháp ở phía tây có điện thờ nhỏ với những hình tượng của Bồ-tát. Hai ngọn tháp còn lại ở phía đông với hai cầu thang và bên trong có hai tượng Phật to. Lan can dọc theo hành lan với vô số tháp nhỏ được khắc chạm hết sức tinh xảo, những trháp ở phía đông rất đẹp. Bên dưới ngọn tháp chính ở tầng thứ nhất là một chánh điện rộng với một hình tượng Bồ-tát đặt trên một bệ thờ. Bên ngoài ngôi tháp với vô số góc tường khắc chạm hình tượng Đức Phật và những loài vật. Hóc tường chính ở vách phía tây có một tượng Phật rất đẹp hiếm có được mạ vàng do người Tây Tạng. Có thể nhìn thấy ngôi tháp đẹp nhất từ phía bắc.

2. Cội Bồ-đề (Bodhi Tree)

Cội cây thiêng mà thái tử Sĩ-đạt-ta đã ngồi và chứng đắc chân lý nằm ở phía tây của ngôi tháp Đại Giác. Lần viếng thăm cội Bồ-đề của vua A-dục được biết do những bia đá của Ngài và cũng được mô tả trên mặt cổng vào ở động Sanchi. Vua Sasanka, vị vua theo đạo Ấn đã chặt phá cội Bồ-đề vào thế kỷ thứ 6 TL nhưng may mắn thay một cây khác đã mọc lên ngay cội cây xưa. Cội cây này là cội cây mà Ngài Huyền Tráng đã gặp vào năm 637 Tây lịch Trong quá trình khai quật vào năm 1870, cây Bồ-đề cũ đã ngã và một cây con được ông Cunningham trồng ngay vị trí nguyên thủy của nó. Đây là cội Bồ-đề mà chúng ta thấy ngày nay.

3. Tòa Kim Cang (Vajrasana)

Tòa Kim Cang nằm giữa tháp Đại Giác và cội Bồ-đề, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi và đạt giác ngộ.

Ngày nay, nơi thiêng liêng này được lát một phiến đá đỏ, bề dài khoảng 2,28m (7 feet 6 inches), bề ngang khoảng 1,29m (4 feet 3 inches), chiều cao khoảng 0,914m (3 feet).

Tòa Kim Cang đã được phát hiện trong giai đoạn sửa chữa vào năm 1881.

4. Bảy tuần thất của Đức Phật

Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã tắm ở hồ nước Sakra. Ngày nay, hai hồ nước vẫn còn. Một hồ nằm ở làng Pipal Pati thuộc về phía nam của Buddha Pokhara, một hồ khác nằm ở làng Tikahigha thuộc hướng đông của làng Pipal Pati. Có thể hồ Sakra và hồ Muchilinda khác nhau.

Tuần thứ nhất

Sau khi tắm ở hồ Sakra, Đức Phật ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề trong 7 ngày và cảm nhận an lạc của Niết-bàn.

Tuần thứ hai

Đức Phật trải qua tuần lễ thứ hai trong việc đi kinh hành qua lại cội Bồ-đề. Đoạn đường mà đức Phật đi kinh hành cũng được như là "quãng đường thiêng" nằm ở hướng bắc của tháp Đại Giác. Dấu chân của Đức Phật được mô tả hết sức tỉ mỉ như một hoa sen trên một bục nề, chiều dài khoảng 16m (53 feet), chiều ngang khoảng 1,1m (3 feet 6 inches), chiều cao khoảng 0,914m (3 feet).

Tuần thứ ba

Ngọn tháp Animesalocana, bên trong sân tháp Đại Giác, đánh dấu nơi Đức Phật đứng suốt tuần lễ thứ ba nhìn về cội Bồ-đề bày tỏ lòng biết ơn cội cây đã cho Ngài nơi nương náu.

Tuần thứ tư

Ngôi đền nhỏ Ratanaghara (không có mái che), nơi Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ tư trong thiền định cũng ở trong sân thuộc về hướng bắc quãng đường mà đức Phật đi kinh hành.

Tuần thứ năm

Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ năm dưới cây Ni-Câu-Đà (Ajapala Nigrodha), nơi nàng Sujata đã dâng cho Ngài bát cháu sữa. Vị trí thực tế của cây này chưa được xác định nhưng có thể nó nằm tại một đền thờ Ấn giáo thuộc làng Bakraur, bên bờ phía đông sông Ni-liên-thuyền gần bên cạnh đền nàng Sujata.

Tuần thứ sáu

Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ sáu gần bên hồ Muchilinda nơi Muchilinda, con rắn chúa đã che chở cho Đức Phật khi trời mưa. Làng Mocharin cách về hướng nam của tháp Đại Giác khoảng 1,6km (1 dặm), hiển nhiên bắt nguồn từ tên Muchilinda.

Tuần thứ bảy

Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ bảy dưới cây Rajyatana, nơi mà Ngài đã giáo hóa 2 vị đệ tử thương buôn đầu tiên đến từ Utkala, nay là bang Orissa. Tên hai vị đó là Tapussa (Đế-lê-phú-bà) và Balluka (Bạt-lê-ca)

Vị trí cây Rajyatana vẫn chưa được xác định. Từ đây, Đức Phật trở lại cội Bồ-đề và suy nghĩ cách đến Vườn Nai ở Sarnath (Isipatana) để truyền đạt chân lý giác ngộ cho năm đạo sĩ đồng tu với Ngài trước kia.

5. Những di tích khác

Những di tích quan trọng khác tại Bồ-đề như:

  • Một vòng rào bằng đá quanh tháp mà hiện chỉ còn vài khúc còn nguyên vẹn.
  • Vô số những tháp nhỏ quanh tháp Đại Giác và ở trong sân tháp.
  • Tháp Panca Pandava màu trắng nằm bên trái của lối đi vào tháp Đại Giác với năm tượng Bồ-tát.
  • Một dãy tu viện Phật giáo ở hướng tây nam tháp Đại Giác.
  • Một hồ nước rộng ở phía nam tháp chính.
  • Trụ đá vua A-dục ngay lối vào hồ nước.
  • Sông Ni-liên-thuyền mà Bồ-tát đã vượt qua trên đường đi đến cội Bồ-đề nằm ở phía đông tháp Đại Giác.

Trước khi giác ngộ đức Phật đã ở bên kia sông Ni-Liên-Thiền, nay thuộc khu vực làng Bakraur. Do đó, trong ngôi làng này phải còn lại những di tích như: Cây Ajapala Nigrodha (Ni-câu-đà), hình ảnh nàng Sujata dâng cúng bát cháo sữa và căn nhà xưa của Sujata. Một vị trí lịch sử khác tại làng Bakraur, nơi mà vẫn còn lưu lại những vết tích ngày xưa là khu rừng khổ hạnh (khổ hạnh lâm). Đó là ngôi đồi Pragbodhi, nơi mà đức Phật đã rời bỏ 5 người bạn đồng tu khổ hạnh trước khi thiền định dưới cội Bồ-đề. Ngài đã cư trú trong một hang động (động Dungeswari) một thời gian. Ngọn đồi nay là Dhongra, cách làng Bakraur khoảng 1,6km (1 dặm) về hướng đông bắc và chạy dọc theo dòng sông Ni-Liên-Thiền.

Thánh địa Bồ-đề với những di tích khắc chạm, nghệ thuật chạm trổ trên tòa Kim Cang và vài trụ đá trên quãng đường mà Đức Phật đã từng đi kinh hành, vòng rào bằng đá hoa cương. Đa số những di tích mang những nét nghệ thuật chạm trổ có thể từ những năm của thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Nó mang cả hai chủ đề tôn giáo và thiên văn.

Những chủ đề về tôn giáo như:

- Sự giáng sinh của Đức Phật tại vườn Lâm-tỳ-ni.

- Bốn hình ảnh khác nhau tượng trưng cho sự kiện giác ngộ của Đức Phật.

- Sáu hình ảnh khác nhau tượng trưng cho sự kiện chuyển pháp luân đầu tiên tại Sarnath.

- Tám hình ảnh khác nhau tượng trưng cho sự kiện nhập Niết-bàn của Đức Phật tại Câu-thi-na (Kushinagar).

Bốn sự kiện trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế được mô tả như sau:

-Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) đã mua vườn xoài tại thành Xá-vệ để dâng cúng Đức Phật.

-Vị vua trời Sakra đã cử Panchasika yết kiến Đức Phật để thỉnh Ngài viếng thăm cung trời (Kinh Sakkapanchatrong Trường Bộ Kinh)

-Lòng tôn kính Đức Phật của một vị vua rắn.

-Đức Phật và một vị nông dân ở thành Xá-Vệ.

- Mười tám kinh Bổn Sanh(Những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật cũng được mô tả.)

Những quan niệm về thiên văn bao gồm:

- Mặt trời (Surya)

- Mười hai dấu hiệu hoàng đạo của thái dương hệ (Rasi-Chakra)

- Chòm sao hình lưỡi liềm (Nakshataras)

6. Những ngôi chùa hiện nay

Ngày nay, ngôi tháp Đại Giác đã một lần nữa sống lại với sự viếng thăm của hàng triệu khách hành hương chiêm bái trên toàn thế giới. Thanh thế của Thánh địa được lớn mạnh như thuở vàng son của Phật giáo. Con số các chùa chiền tự viện của những nước Phật giáo trên thế giới tăng lên rõ rệt tại Bồ-đề Đạo Tràng. Trong số đó quan trọng nhất là:

Chùa Phật giáo Tây Tạng

Ngôi chùa này nằm ở phía đông của ngôi tháp và được xây dựng với hình thức của Phật giáo Tây Tạng. Chánh điện nằm ở lầu một với nhiều hình tượng đầy màu sắc. Nhiều tạng kinh điển và những pháp khí khác được lưu giữ với một bánh xe chuyển pháp thật lớn.

Chùa Phật giáo Trung Quốc

Ngôi chùa này được xây dựng với lối kiến trúc của Phật giáo Trung Quốc, nằm về phía tây nam của tháp Đại Giác.

Chùa Phật giáo Thái Lan

Chùa Thái và cũng là viện bảo tàng khảo cổ, nằm về hướng tây của tháp. Chùa được chính phủ hoàng gia Thái Lan xây dựng vào năm 1957 và trùng tu vào năm 1970-1972. Chùa được xây dựng theo hình thức Phật giáo Thái Lan giống như những chùa đá hoa ở Bangkok. Ngôi chùa này có một tượng Phật khổng lồ bằng vàng ở chánh điện, hoàn toàn gây ấn tượng và cuốn hút khách hành hương từ nhiều nơi đến chiêm ngưỡng.

Chùa Phật giáo Nhật Bản

Chùa Nhật Bản rất đẹp nằm không xa chùa Thái Lan về tay phải. Chùa được Hiệp hội Liên hữu quốc tế Nhật Bản xây dựng và khánh thành vào ngày 8 tháng 12 năm 1973. Ngoài ra còn có một ngôi chùa Nhật Bản thứ hai nằm sát bên ngôi chùa Nhật Bản thứ nhất. Ngôi chùa này mang một vẻ đẹp khác, được Hội Daijokoyo xây dựng và khánh thành vào ngày 13 tháng 2 năm 1983.

Tu viện Phật giáo Miến Điện

Phật giáo Miến Điện cũng đã xây dựng một tu viện theo kiến trúc của Phật giáo Miến Điện tại khu vực Bồ-đề Đạo tràng.

***

[Dịch từ nguyên tác tiếng Anh của D.C. Ahir., Buddhist Shrines in India. (Delhi: B.R. Publihing Corporation, 1986), pp. 7-21.]

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tuyển tập này.

--- o0o ---

Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/12/2014(Xem: 18451)
Bộ tranh cuộc đời Đức Phật Buddha life story
19/01/2014(Xem: 8586)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào? Vv.v… Tiếng Pãli : bodhi. Dịch là Tri, Đạo, Giác, Trí. Nói theo nghĩa rộng Bồ Đề là Trí Tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết Bàn. Tức là Trí Giác Ngộ mà Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn đã đạt được ở qủa vị của các Ngài. Trong các loại Bồ Đề nầy, Bồ Đề của Phật là rốt ráo tột bậc, nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh biến trí, Vô thượng chính chân đạo, Vô thượng Bồ Đề. Sau khi thành Phật, Đức Thích Ca có giải rằng ngài có đủ ba thể Bồ Đề: 1- Ứng Hóa Phật Bồ Đề: tức là thể Bồ Đề hiện lại trong đời Ngài làm Thái Tử Tất Đạt Đa mà tu hành.
16/12/2013(Xem: 26671)
Viết xong cuộc đời ngài Tôi bần thần, dã dượi Sinh lực tổn hao Như thân cây không còn nhựa luyện Như sức ngựa đường dài Hoàn tất cuộc lữ trình lên đến đỉnh đồi cao Ôi! Tôi đã chạy đuổi chiêm bao Muốn vói bắt mảnh trăng trời nguyên thuỷ
08/12/2013(Xem: 5652)
Con người sở dĩ có một vị trí đặc biệt trong các chủng loại động vật, là nhờ có một nhận thức về tư duy và có một tâm thức về linh học. Từ khi con người hiện hữu trên tinh cầu, vấn đề nhận thức được hoàn thiện từ sơ cơ cho đến tinh tường là nhờ trao đổi thông tin, giao tiếp và xử lý nhiều vấn nạn.
26/10/2013(Xem: 62424)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/06/2013(Xem: 8682)
Ý Nghĩa Phật Thành Đạo
18/05/2013(Xem: 7187)
Trong kinh điển Pāli không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả(26)của H.W. Schumann, là một luận điểm võ đoán, nếu không nói là chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử. Gần mười năm trước, lần đầu tiên tiếp cận tác phẩm Đức Phật lịch sử(1)của H.W. Schumann qua bản dịch của cô Trần Phương Lan, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự kính phục về độ uyên bác của tác phẩm cũng như sự dấn thân khoa học của bản thân tác giả. Lời giới thiệu tác phẩm của HT.Thích Thiện Châu trong bản dịch tiếng Việt cũng đồng quan điểm này, khi ngài cho rằng: H.W. Schumann đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của Đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Độ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H.W. Schumann về Đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về Đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào
10/04/2013(Xem: 9290)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
08/04/2013(Xem: 8651)
Cùng với thời gian vô cùng tận, không gian vô biên tế, cái đẹp cũng tồn tại với một ý nghĩa rất bao la mà con người khó có thể khám phá cho thật tường tận bằng tri thức của mình. Cuộc đời đức Phật là cả một lịch sử hùng tráng hướng đến tìm kiếm cái đẹp và xây dựng lý tưởng cái đẹp trong cuộc đời. Giáo lí được Ngài thiết lập là một hệ thống mỹ học thể nghiệm nội tại, có ý nghĩa vô cùng phong phú đối với đời sống nhân sinh.
08/04/2013(Xem: 5854)
Có một cuộc hành trình hùng tráng và vi diệu đã được thực hiện trong chính thế gian này mà lịch sử nhân loại đã đón chào và ghi nhận như một niềm tự hào về tư tưởng. Đây là một bản thiêng hùng ca hơn cả những sử thi huyền thoại vì mang giá trị thật hoàn toàn chứ không hề vẽ tô một chút sắc màu hư cấu. Đó chính là cuộc hành trình đi tìm nguồn sáng tâm linh của đức Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]