Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tính thích nghi của Phật giáo - Thích Lệ Thọ

16/05/201317:07(Xem: 2547)
4. Tính thích nghi của Phật giáo - Thích Lệ Thọ


Tuyển tập

Phật Thành Đạo

Nhiều tác giả
--- o0o --- 

Phần III

Phật giáo và các vấn đề hiện tại

--- o0o ---

TÍNH THÍCH NGHI CỦA PHẬT GIÁO

Thích Lệ Thọ

Trong tương lai gần, đất nước Việt Nam sẽ đi vào công nghiệp hóa thì chắc chắn cách ứng dụng giáo lý cũng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế như thay đổi giờ công phu, tụng niệm và những buổi lễ chính, để Phật Tử dễ dàng tham dự, đồng thời không gây trở ngại về giờ giấc cho những khu dân cư chung quanh. Những buổi thuyết giảng không chỉ ở giảng đường mà còn được phát trên đài phát thanh hay đài truyền hình, để đáp ứng cho những người không có điều kiện đi nghe giảng. Chuyển tải toàn bộ kinh điển từ âm Hán-Việt sang thuần Việt, để trong những buổi lễ mặc dù là "tán, tụng" theo nghi thức của tôn giáo, nhưng tất cả mọi người đều có thể hiểu trọn vẹn lời Phật dạy . . .

Cũng vào mùa Đông giá buốc như năm nay, khi đêm về mọi người quay quần bên bếp than hồng để sởi ấm, hoặc thả hồn vào những chiếc nệm ấm chăn êm; thì giữa cánh rừng già heo hút bóng người và trong những đêm trường cô liêu tịch tịnh kia, lại có một người đang dành hết thời gian của mình để tìm phương giải thoát, mà lắm lúc đã quên đi cả bản thân. Nghị lực phi thường, đã mang lại cho Ngài một kết quả như sự mong đợi,"giải thoát nỗi trầm thống của kiếp nhân sinh" mà Ngài đã luôn trăn trở. Từ đó, ngài mở ra cho nhân loại một hướng đi mới, với lời tuyên bố vô tiền khoáng hậu: "Không nên tin vào những gì do kinh sách, không nên tin vào những tập quán lưu truyền đã tạo nên thành kiến, không nên tin vào những điều được lập đi, lập lại và những bút tích của thánh nhân…" Lời nói ấy đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho mọi tầng lớp đương thời đang đi vào ngõ cụt của tâm hồn. Trải qua hơn 25 thế kỷ, chân lý ấy vẫn ngời sáng và tỏ ra rất thiết thực cho cuộc sống hiện đại.

Trước đây, người ta quan niệm rằng, triết lý Phật giáo nói riêng và các học thuyết Đông phương nói chung, chỉ có thể ứng dụng cho chính mình. Như Rudyard Kipling đã viết trong cuốn Huyền học Đông Tây:

"Đông là Đông Tây là Tây,
gặp gỡ đừng mong sẽ có ngày…"

Nhưng đầu thế kỷ XIX, hai nền triết học Á-Âu đã có sự giao thoa, và thật sự trở thành người bạn đồng hành ở nửa thế kỷ thứ XX, khi nền khoa học đi vào đỉnh cao của sự khám phá, thì họ mới cảm nhận rằng "Khoa học càng ngày càng phù hợp vói ‘cái nhìn’ của các bậc đại giác phương Đông." Tiến sĩ Fritjof Capra, tác giả quyển sách The Tao of Physics, là một trong những số đó. Điều ấy cho chúng ta thấy rằng, lời tuyên bố của đức Phật như sự khai phóng cho lối tư duy không còn bị lệ thuộc bất cứ một học thuyết, một đường lối, hay một đấng thiêng liêng nào có thể ràng buộc hay ngự trị, mà tất cả đều do tâm thức làm chủ và dẫn đến sự chi phối toàn bộ đời sống của từng cá nhân. Ngài đã nắm rõ nguyên tắc vận hành của vạn hữu vũ trụ, như một người đang đứng trên đỉnh núi cao nhìn dòng sông đang lưu chuyển. Nên Ngài tuyên bố dõng dạc: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" mà trước đó chưa ai dám khẳng định. Vấn đề trên, Giáo sư T.R.V. Murti đã nhận định: "Không nơi nào Đức Phật công nhận sự hàm ơn của Ngài đối với tư tưởng Áo Nghĩa Thư(Upanisad) hay đối với bất kỳ vị thầy nào khác về quan điểm triết học riêng biệt, đặc thù của Ngài. Mặc dù Brahma, vị Trời Phạm Thiên được đề cập đến nhiều lần trong kinh điển, nhưng Brahma (Thực thể tuyệt đối) thì không bao giờ được Đức Phật đề cập đến. Đức Phật luôn tự xem mình như người khai sinh một truyền thống mới, như người mở ra một con đường mới mà trước đây chưa từng có. Người ta đã duyệt lại các suy đoán triết học tiền và đồng thời với thời đại đức Phật được ghi lại trong các kinh Phạm Võng(Brahmajala Sutta) và Kinh Sa-môn Quả(Samannapphala Sutta) v.v... Tất cả những hệ thống tín điều và triết lý mang tính cách thần quyền đều bị bác bỏ vì tính chất giáo điều, phi khoa học, không đồng nhất và trở nên trở ngại cho đời sống tâm linh của chúng. Vì vậy, Giáo sư Eliot cũng đã nhận định:

"Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đức Phật đã tuyên bố và mở ra một con đường giải thoát mà mỗi người có thể đạt được cho mình ngay trong đời này, tại thế gian này bằng nỗ lực của bản thân mà không cần một sự giúp đỡ tối thiểu nào từ các vị thần hay một vị Thượng đế. Ngài đã kiên quyết chủ trương và áp dụng mạnh mẽ chủ thuyết về sự tự lực, tự tin, sự thanh tịnh, sự giác ngộ, bình ổn nội tâm, và lòng đại từ đại bi. Ngài khẩn thiết nhấn mạnh chú trọng đến sự phát triển trí tuệ, vì không có trí tuệ thì không làm sao chứng nghiệm tâm linh, và an lạc giải thoát ngay trong đời sống thường nhật mà ngôn ngữ thế gian không làm sao đáp ứng được" (Buddhism and Hinduism).

Chính vì thế, người ta đã gọi giáo lý giải thoát của Ngài là triết học Phật giáo, vì đã trải qua chừng ấy thời gian mà lời dạy vẫn còn sống động và thiết thực cho những ai đang khao khát nguồn hạnh phúc an lạc ngay trong đời sống hiện tại.

Những nhận định thẩm quyền trên là niềm khích lệ lớn lao cho Tăng đoàn đang làm nhiệm vụ hoằng truyền chánh pháp, và những người Phật tử sẽ tăng thêm niềm vinh hạnh, vì mình là thành viên của một tôn giáo không chấp nhận lòng tin mù quán, không có sự cưỡng bức, trải qua hơn 2500 năm không đổ một giọt máu nào vì nhân danh đức Phật. Nên Aldoux Husley nhận định: "Trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ riêng đạo Phật đi con đường của mình mà không cần đàn áp, kiểm duyệt hay thẩm tra ai cả."

Mặc dù là thế, nhưng những nhà truyền giáo Phật giáo của thế kỷ thứ XXI không thể sống trong vầng hào quang đó mãi, mà phải tự thăng hoa chính mình vào mọi lúc mọi nơi, như chính những lời dạy của đức Phật, để mang lại thiết thực nhiều hơn nữa cho nhân sinh nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng trong nhiều lĩnh vực mới, như văn hóa, kinh tế và môi trường v.v. . . Bởi lẽ, trong tương lai gần, đất nước Việt Nam sẽ đi vào công nghiệp hóa thì chắc chắn cách ứng dụng giáo lý cũng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế, như thay đổi giờ công phu, tụng niệm và những buổi lễ chính, để Phật Tử dễ dàng tham dự, đồng thời không gây trở ngại về giờ giấc cho những khu dân cư chung quanh. Những buổi thuyết giảng không chỉ ở giảng đường mà còn được phát trên đài phát thanh hay đài truyền hình, để đáp ứng cho những người không có điều kiện đi nghe giảng. Chuyển tải toàn bộ kinh điển từ âm Hán-Việt sang thuần Việt, để trong những buổi lễ mặc dù là "tán, tụng" theo nghi thức của tôn giáo, nhưng tất cả mọi người đều có thể hiểu trọn vẹn lời Phật dạy . . .

Đó là một việc làm ắt có và đủ, mang tính thích nghi trong nền tảng triết lý Phật giáo, bằng nhiều hình thái, màu sắc và ngôn từ của thời đại, nhưng nội dung trước sau vẫn là một, để hòa nhập trào lưu toàn cầu hóa của xu hướng ngày nay, mà Phật giáo Việt Nam không thể đứng ngoài sự chuyển động đó. Song song với các vấn đề trên, chúng ta còn phải vận dụng mọi sự thành tựu của nền khoa học, mà đặc biệt là trên mạng điện toán, để nối vòng tay lớn cho trái đất hẹp lại. Người hoằng pháp hiện đại nên chuẩn bị và hướng đến một tương lai, trong đó không còn sự hận thù, tranh chấp, phân biệt màu da, chủng tộc, giới tính và tôn giáo. Đó không chỉ là niềm ước mơ lớn của nhân loại trong thiên niên kỷ mới mà còn là mục tiêu của các nhà truyền bá Phật giáo.

Theo sự nhận định của Thượng Tọa Huyền Diệu và thống kê của Thượng Tọa Thiện Bảo, tòa soạn báo Giác Ngộ, hiện nay chỉ mới có vài chục trang báo Phật giáo bằng tiếng Việt trên mạng điện toán. Có thể nói đây là một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu tìm hiểu và thực hành chánh pháp của người Phật tử và các tầng lớp trí thức xã hội khác muốn tìm hiểu Phật giáo một cách nghiêm túc. Trong khi đó, Phật giáo Thái Lan có trên 200 trang nhà điện toán, và hiện nay họ đang tăng cường thêm nhiều mạng nữa. Với đà phát triển chung của nhân loại, đến cuối năm 2001 thì số lượng sử dụng máy điện toán sẽ lên đến 1 tỷ 200 triệu, theo báo The Times of India, 19/11/00. Như vậy, có thể nói rằng, đây là một thách thức lớn đối với ngành Hoằng pháp của nhiều nước Phật giáo trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khi lĩnh vực mới có nhu cầu đáp ứng món ăn tinh thần, để quân bình giữa đời sống vật chất và tâm linh. Vì lĩnh vực trí tuệ này rất gần gũi với nền tảng triết lý Phật giáo, có thể nói rằng nó sẽ hỗ tương cho nhau khi Phật giáo muốn minh họa hay dẫn chứng mà ngôn ngữ đời thường không thể diễn đạt cho con người hiểu thấu một vấn đề, như câu "nhất thiết duy tâm tạo" thì những phần mềm của chiếc máy vi tính có thể đáp ứng được phần nào. Ngược lại, phải chăng nghành điện toán đã ứng dụng những học thuyết của Phật giáo về nhân duyên-cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt; về vạn pháp giai không-bản chất của mọi sự vật hiện tượng là không; hay tất cả là một, một là tất cả, để từ đó họ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực cho chiếc máy vi tính có khả năng làm nhiều công việc trong cùng một lúc, và mang tất cả sơn hà đại địa vào chứa trong một ổ đĩa cứng, như các Thiền sư thường nói Tam thiên đại thiên nằm trong một hạt cải. Như vậy, Phật giáo và khoa học sẽ là người bạn đồng hành của nhân loại để đi vào kỷ nguyên mới, nhằm mang lại hạnh phúc an lạc và giải thoát cho nhân sinh, như bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua.

Nhân ngày đại lễ Phật Thành đạo năm 2001, và cũng là trong những ngày đầu của một năm mới, đầy sự hứa hẹn của sự thành tựu của nền khoa học trên nhiều phương diện, để phục vụ cho con người về phương diện vật chất, người viết mạo muội nói lên một vài cảm nhận qua bài kinh của đức Phật thuyết cho dân Kalama, để được dịp trao đổi cùng các bậc thức giả, nhằm mang lại món ăn tinh thần cho nhân loại trên nền tảng triết lý Bình đẳng, Vô ngã và Vị tha của Phật giáo, đang hướng con người tiến về "chân thiện mỹ" qua nhiều hình thức mới, để tinh thần Phật giáo mãi mãi sống động và càng ngày càng lớn mạnh trong lòng mọi người. Phật giáo trong thiên niên kỷ mới phải là Phật giáo như sự mong đợi của khoa học gia, Albert Einstain, người đã nhận định một cách hùng hồn và chính xác:

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn thiên nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy."

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tuyển tập này.

--- o0o ---

Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 7229)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
08/04/2013(Xem: 8160)
Cùng với thời gian vô cùng tận, không gian vô biên tế, cái đẹp cũng tồn tại với một ý nghĩa rất bao la mà con người khó có thể khám phá cho thật tường tận bằng tri thức của mình. Cuộc đời đức Phật là cả một lịch sử hùng tráng hướng đến tìm kiếm cái đẹp và xây dựng lý tưởng cái đẹp trong cuộc đời. Giáo lí được Ngài thiết lập là một hệ thống mỹ học thể nghiệm nội tại, có ý nghĩa vô cùng phong phú đối với đời sống nhân sinh.
08/04/2013(Xem: 5482)
Có một cuộc hành trình hùng tráng và vi diệu đã được thực hiện trong chính thế gian này mà lịch sử nhân loại đã đón chào và ghi nhận như một niềm tự hào về tư tưởng. Đây là một bản thiêng hùng ca hơn cả những sử thi huyền thoại vì mang giá trị thật hoàn toàn chứ không hề vẽ tô một chút sắc màu hư cấu. Đó chính là cuộc hành trình đi tìm nguồn sáng tâm linh của đức Phật.
08/04/2013(Xem: 4653)
Chẳng biết tự bao giờ, bài thơ ấy đã in sâu vào trong tâm khảm của tôi. Mỗi lần nhắc lại, tôi không sao tránh khỏi niềm cảm xúc trào dâng. Nửa thương cho người xưa, nửa buồn cho thân mình cũng nhiều nghiệp chướng, tại gia cha mẹ chia lìa, anh em phân tán, xuất gia quá đỗi muộn màng ! Vì sao ?
08/04/2013(Xem: 10749)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 4116)
Hướng về cuộc hành trình vi diệu của Đức Phật để chúng ta dũng tiến trên con thuyền thực nghiệm tâm linh. Nó sẽ đưa chúng ta vượt qua những lượn sóng ngại khó, cầu an, bỏ lại phía sau những chiếc đảo hoang danh lợi, sớm cập bến bờ chinh phục nội tâm.
08/04/2013(Xem: 4745)
Ngày Phật Thành đạo năm nay, chúng ta được về Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo, để ôn lại ngày lịch sử thiêng liêng ấy, và cùng thảo luận chuyên về về đức Phật và ngày thành đạo của Ngài. Nhân đây tôi cũng xin được nói lên vài suy nghĩ của mình về đức Phật lịch sử và đức Phật tôn giáo.
08/04/2013(Xem: 4650)
Các biến cố quan trọng trong những năm tháng cho đến khi Ngài Sakya Gotama Siddhatta (Thích Ca Cồ Đàm Sĩ đạt đa) thành đạo tựu viên mãn Phật quả để được gọi là Sakya Buddha được ghi chép đa dạng bỡi những trường phái khác nhau . . .
08/04/2013(Xem: 3898)
Ngày Thành Đạo chính là giờ phút huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, ngày mà cách đây hơn 25 thế kỷ, trong núi Tượng Đầu chim hòa nhạc, hoa quyện hương, nắng dệt tơ vàng cùng với nỗi hân hoan của muôn ngàn vũ trụ cung nghinh Đức Thế Tôn lúc đạo quả viên thành.
08/04/2013(Xem: 3686)
Nếu trong giờ phút Đản Sanh của Thái tử Tất-đạt-đa đã xảy ra những sự lạ khác thường như quả đất rung động, nhạc trời chúc tụng, bao nhiêu kỳ hoa dị thảo trong vườn Lâm-tỳ-ni khoe sắc đua màu, hương thơm ngào ngạt khắp nơi, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567