Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng hát giữa Rừng Thông

30/09/201310:12(Xem: 11512)
Tiếng hát giữa Rừng Thông

rung-thong-da-lat


TIẾNG HÁT GIỮA RỪNG THÔNG

Thân tặng Ban kinh nhạc Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng chùa Linh Sơn Đà Lạt

TỊNH MINH





Vừa qua Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam Cơ Sở II có tổ chức cho Tăng Ni sinh và giảng viên một chuyến tham quan Đà Lạt. Tôi được hân hạnh cùng đi và cùng dự buổi trình diễn kinh nhạc do Ban kinh nhạc Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng trình diễn tại chùa Linh Sơn Đà Lạt. Buổi trình diễn đã để lại trong lòng thính giả nhiều ấn tượng thú vị, sâu sắc. Tôi xin nêu ra đây vài cảm tưởng và nhận xét về nội dung buổi trình diễn để độc giả có thể hiểu được phần nào lời ca, tiếng nhạc và tấm lòng của người con Phật xứ rừng thông.

Mở đầu buổi trình diễn là bài hợp xướng “Tình Mẹ” với âm điệu trầm bổng du dương, khi khoan thai, lúc lắng đọng; khi vi vu như tiếng thông reo dặt dìu theo gió, lúc rỉ rả như giọt nước nguồn tí tách qua khe; tất cả đều nói lên tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với ân đức sinh thành của ông bà cha mẹ. Lời ca, điệu nhạc gợi cho khán thính giả thấy rõ hình ảnh nghiêm nghị, cương trực của người cha suốt đời tần tảo vì con, và bóng dáng hiền hòa âu yếm của người mẹ qua chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm.

Bài ca “Mục-kiền-liên” với giọng hát trầm hùng, tha thiết đã gợi cho người nghe thấy rõ hơn vai trò của con cái đối với cha mẹ hiện tiền cũng như phụ mẫu đã mất. Xa hơn nữa, lời ca, điệu nhạc và phong thái diễn xuất của toàn Ban kinh nhạc còn gợi cho ta thấy rõ vai trò của Phật tử đối với Đạo pháp, dân tộc và tổ quốc Việt Nam như thế nào: Hãy yêu thương, thông cảm và chung sức chung lòng xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp như mẹ hiền thương yêu và chăm sóc cho con.

Sau đó, với nhạc khúc “Duyên sanh”, toàn Ban kinh nhạc đã làm nổi bật được nguyên lý vô thường, khổ, không và vô ngã của các pháp. Bài hát vừa mang đậm chất thi ca trữ tình, vừa lồng màu sắc triết lý sâu sắc với những âm luyến láy như: “A ha!… Ư hư!… I hi!…” rất duyên dáng, rất sinh động; hàm ý rằng Phật tử không nên nuối tiếc quá khứ, vọng tưởng tương lai, mà hãy vui vẻ, tích cực với hiện tại, với đương niệm; hãy nhìn các pháp đúng như sự thật của nó. Tinh thần “Thiền tông” và ý chí “Đại thừa Bồ tát khai phương tiện” đã được quyện vào lời ca tiếng hát với nhịp tang, tiếng mõ rất hài hòa, thâm thúy. Bài hát còn ngụ ý nếu Phật tử ý thức:

“Các pháp do duyên sanh,

Lại cũng do duyên diệt,

Thầy ta là Đức Phật,

Thường thuyết giảng như vậy.

Thì tâm hồn dễ dàng “Nhậm vận thạnh suy vô bố úy”, dễ dàng hoan hỷ với mọi tình huống xảy ra trên trái đất gồ ghề, lởm chởm này.

Ban kinh nhạc tiếp tục chương trình với bài hát:

“Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha,

Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bãi thanh ba”.

Tiếng hát cứ mỗi lúc một vang dội, lan xa, tưởng chừng như vang khắp cả núi rừng Đà Lạt.

Bài hát được tiếp nối qua lời Việt với âm điệu rất gợi hình, thơ mộng:

“Song song ngỗng một đôi,

Ngửa mặt trông ven trời,

Lông trắng không thấm nước,

Sóng xanh chân hồng bơi”.

“Lông trắng không thấm nuớc”, chính ý nhạc này đã gợi cho ta hình dung ra cuộc hội ngộ “kỳ phùng địch thủ” giữa Sứ thần Lý Giác và Pháp sư Đỗ Thuận.

Năm Thiên Phước thứ 7 (986), nhà Tống sai Sứ thần Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Lê Đại Hành. Vua nhờ Pháp sư cải trang làm chú lái đò để đón sứ thần. Thuyền ra giữa dòng sông, chợt thấy hai con ngỗng đang bơi song song, Lý Giác cất giọng ngâm:

“Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha”

Lý Giác tức cảnh sinh tình được hai câu rồi nghẽn ý, đảo mắt nhìn quanh!… Pháp sư Đỗ Thuận mỉm cười, tiếp lời nối vận theo nhịp chèo khoan khoan quậy sóng:

“Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bãi thanh ba”

Lý Giác giật mình, đưa mắt nhìn Pháp sư tỏ vẻ thán phục.

Có lẽ nhờ lời ca điệu nhạc phụ họa mà khán thính giả đã thấy được bản sắc hiếu chiến, xâm lược của Sứ thần nhà Tống. Hai câu: “Song song ngỗng một đôi, ngửa mặt trông ven trời” hàm ý vừa ca ngợi vẻ đẹp thanh bình của non nước phương Nam, vừa bộc lộ thái độ kiêu căng, ngạo mạn của một tên sứ thần dạn dày kinh nghiệm: Xem kìa! Dân An Nam tuy thông minh, đẹp đẽ và khỏe mạnh nhưng đang ngóng cổ trông chờ ân huệ của thiên triều Trung Quốc ta đó! Pháp sư, bằng lời lẽ nhu hòa nhưng không kém phần đanh thép, đáp: “Lông trắng không thấm nước, sóng xanh chân hồng bơi”. Nhà sư An Nam muốn nhắc khẽ Sứ thần Trung Quốc rằng đất nước chúng tôi xinh đẹp, và chúng tôi muốn chung sống an hòa, hạnh phúc như đôi ngỗng đang bơi bên nhau trên dòng sông êm ả kia! Nhưng Ngài thấy đấy: “Lông trắng không thấm nước, sóng xanh chân hồng bơi”. Đất nước An Nam tuy bị đô hộ nhưng không phải vì thế mà dân chúng bị nhuốm màu, biến chất. Dân An Nam vốn có bản sắc văn hóa và ngôn ngữ riêng của họ: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Họ đang sinh hoạt trong trạng thái động mà tịnh, tịnh mà động đó, thưa Ngài!

Lời ca điệu nhạc cứ thế mà tiếp tục vang vọng sang bài: “Mừng Đản Sinh” với nội dung rút từ kinh Pháp Cú:

“Vui thay Phật đản sinh!

Vui thay Pháp thuyết minh!

Vui thay Tăng hòa hợp!

Vui thay Giới tu hành.”

(PC. 194)

Đến bài: “Xuất gia” thì âm thanh và tiết tấu vô cùng vui nhộn: tiếng trống, tiếng chuông, tiếng tang, tiếng mõ, tiếng sáo, tiếng đàn, lời ca, nhịp phách … tất cả quyện vào nhau tạo thành một hòa điệu hân hoan, nô nức, khiến khán thính giả cảm thấy cả vũ trụ đang kết hoa, giăng đèn, xông trầm, đốt hương chào đón Thái tử Tất-đạt-đa từ giã hoàng cung, đi tìm chân lý: “Ngoài nền trời sao sáng làn hương bay theo gió reo …”, hay cảm thấy hình bóng của Thái tử đang rạp người trên lưng ngựa Kiền-trắc với hai tay giục cương và đôi môi cất tiếng hát: “Thôi em ơi ta thề lìa ngôi báu tìm chân lý, nguyện từ nay dấn thân trong cát bụi tìm Đạo thiêng”. Cái tài hoa của các nhà văn nghệ sĩ, nhạc sĩ v.v… là chọn đúng âm thanh, màu sắc, tiết tấu … cho từng trường hợp. Nếu chúng ta hát bài “Xuất gia” với nhịp điệu hơi nhanh một tí thì tiết tấu và lời ca rất phù hợp với tiếng vó ngựa đang phi: “càrụp… càrụp… càrụp…” Cái đẹp, cái thơ mộng và hùng tráng là ở chỗ đó. Và cũng chỉ có tiếng hát tập thể như Ban kinh nhạc đồng diễn thì ta mới dễ dàng nhận ra điểm thú vị nói trên.

Sau cùng, toàn ban hát bài “Bát Nhã Hội” với tiếng chuông trống Bát nhã hùng dũng ngân vang, phù hợp với bài kệ: “Bát nhã hội (3 lần), thỉnh Phật thượng đường, đại chúng đồng văn, bát nhã âm, phổ nguyện pháp giới, đẳng hữu tình, đồng nhập bát nhã, ba la mật môn …(đổ hồi). Sau ba hồi chuông trống Bát nhã, ban nhạc lại chuyển tông với nhịp điệu 5 tiếng trống: “Thùng-thùng … thùng-thùng-thùng”. Âm thanh dồn dập, nô nức với lời hát vang vang khiến ta có cảm tưởng như tất cả mọi người đều “ Đồng- nhập … Bát-nhã-hội”, tức là đều ngộ đạt trí tuệ siêu việt; tất cả đều giải thoát; tất cả đều chứng quả A la hán. Phải chăng đó là mỹ ý của toàn Ban kinh nhạc khi kết thúc buổi trình diễn.

Đây có lẽ là lá cờ đầu trong phong trào vận dụng lời thơ ý kinh vào âm nhạc. Việc làm này không phải dễ dàng thành tựu. Phải có tinh thần văn nghệ và ý thức trách nhiệm cao độ với Đạo pháp, nhất là cần có những trái tim từ hòa, bàn tay vun xới cho phong trào ngày thêm phát huy, vững mạnh.

(Đã đăng trong tuần báo Giác Ngộ, mùa Vu Lan 1988)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/06/2013(Xem: 8722)
Ý Nghĩa Phật Thành Đạo
17/06/2013(Xem: 11195)
Từ Bi và Nhân Cách, Nguyên tác Anh Ngữ: His Holiness Dalai Lama , Việt dịch: Thích Nguyên Tạng, Diễn đọc: Tâm Kiến Chánh
13/06/2013(Xem: 16088)
Chủ đề: Niêm Hoa Vi Tiếu Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng
23/04/2013(Xem: 9700)
Thiền Lâm Bảo Huấn đây chính là phần Ngữ lục. Nội dung của sách Bảo Huấn được chia thành 4 quyển, gồm gần 300 thiên. Mỗi thiên đều là những lời vàng ngọc để răn dạy về cách tu tâm xử thế, đều là những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì, hoằng đạo của các bậc Thạc đức danh Tăng. Mỗi ý tưởng mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc để kẻ hậu học noi theo, đều là những tấm gương chói lọi sáng ngời để soi chung cho hậu thế. Thế nên những người nột tử có chí hướng kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ nghiệp đều phải học hỏi và bắt chước.
11/04/2013(Xem: 35922)
Mùa an cư năm nay hai chú Sa Di Viên Từ và Minh Hạnh được phân công cúang cháo thí thực buổi chiều; nhiều Phật tử thắc mắc tại sao phải cúng cháo mà không cúng cơm hay cúng món gì khác; nên bài viết ngắn này hy vọng sẽ giải thích đôi điều về lễ nghi đặc biệt này.
09/04/2013(Xem: 27649)
Audio: Bồ Tát Chuẩn Đề, bài giảng của TT Nguyên Tạng tại Chùa Phước Long, Connecticut, Hoa Kỳ, do HT Thích Minh Đức trụ trì
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]