Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 07

06/11/201320:37(Xem: 7532)
Phần 07

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 5
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 07

Kiếp luân hồi

Bát nê hồ

Phá táo đoạ

Ryonen

Một lễ trai tăng lạ thường

Kiếp luân hồi

Quan Thái Phó Dương Hựu, tự Thái Tử, là một danh thần triều Tấn. Thuở ông còn bé, thường bảo bà vú nuôi lấy cái vòng cho mình chơi. Bà ấy nói: “Cậu không có cái vòng nào cả, biết lấy ở đâu bây giờ?”. Dương Hựu đáp: “Lúc trước tôi chơi đùa, làm rớt nó ở trong bộng cây dâu nơi góc tường phía đông”. Bà vú lại bảo: “Thế thì cậu tự tìm lấy đi”. Hựu nói: “Đây không phải là nhà trước, tôi không biết chỗ”. Sau, Dương Hựu ra cổng chơi, trông ngóng bốn phương, rồi đi thẳng về phía Đông, bà vú cũng đi theo. Khi đến nhà họ Lý, Hựu liền rẽ sang tường phía Đông, tìm dưới một gốc cây lấy được cái vòng, Lý thị thấy thế, vừa sợ vừa thương nói: “Đây là món đồ chơi yêu quí của con tôi thuở trước. Nó vương bệnh rồi chết hồi bảy tuổi. Sau khi nó mất, tôi mãi tìm chiếc vòng ấy, nhưng không gặp. Nay cậu đã bắt được, xin trả lại cho tôi”. Dương Hựu không nói gì, cầm chiếc vòng chạy đi. Lý thị theo hỏi, bà vú liền thuật lại những lời của Hựu đã nói khi trước. Lý thị mừng thương lẫn lộn, muốn trở lại xin Hựu làm con, người trong xóm cùng nhau giảng giải cho, sau mới thôi. Lớn lên, Dương Hựu thường mang bệnh nhức đầu. Thầy thuốc muốn chữa trị, Hựu nói: “Khi tôi mới sanh ra ba ngày, đầu day về phương Bắc, bị gió thổi vào, trong ý chắc về sau sẽ do đó thành bệnh đã sâu, không thể điều trị nữa”.

Sau Dương Hựu làm quan Đô Đốc, trấn nhậm ở đất Tương Dương, thường cúng vào chùa Võ Đương rất hậu. Có người hỏi duyên cớ, ông lẳng lặng không đáp. Đến lúc già, nhân khi sám hối, ông mới bày tỏ việc nhân quả rằng:: “Thân trước của tôi có nhiều tội, nhờ cất ngôi chùa này mà được khỏi. Vì thế, tôi mới có ý ân cần với chùa Vỏ Đương hơn các chùa khác”.

* * *

Đời Tề, vua Võ Đế đến viếng thiền sư Tăng Trù, sư ngồi yên trên thiền sàng, không ra đón rước. Các học trò đều khuyên thầy nên tiếp giá. Thiền sư đáp: “Thưở xưa vua Ưu Điền đem lòng ác đến thảo am, muốn hại Tôn giả Tân Đầu Lô, Tôn giả xuống giường đi bảy bước nghinh tiếp. Bảy ngày sau, vua Ưu Điền mất ngôi, bị nước láng giềng bắt xiềng chân, cầm tù đến mười hai năm. Nay ta tuy kém đức, nhưng cũng gắng học đòi theo người xưa, muốn cho vua được phước”. Có kẻ đem lời gièm pha đến tai vua; Võ Đế rất căm giận, định hôm nào vào chùa, để ý xem, nếu Thiền sư không cung kính, sẽ bắt đem giết đi.

Ngài Tăng Trù biết việc ấy, đợi khi vua đến thăm viếng, liền ra khỏi chùa đón mười dặm. Vua lấy làm lạ, hỏi duyên cớ, Ngài đáp: “Bần Tăng sợ huyết nơi thân làm nhơ uế cảnh Già Lam, nên đi xa đón trước để chịu chém”. Võ Đế nghe qua sợ hãi, xin sám hối và bảo quan cận thần là Dương Tuân rằng: “Trầm không sáng suốt, thiếu chút nữa lỗi lầm làm hại Thánh Sư!”.

Về đến chùa, ngài Tăng Trù tâu với vua rằng: “Bệ hạ tiền thân là La Sát, đời nay ưa chém giết là thói quen từ kiếp trước chớ không chi lạ”. Vua hỏi: “Làm sao biết được?”. Thiền sư lấy cái chậu đổ nước vào, đứng niệm chú, rồi xin vua đến xem. Quả nhiên, trông vào chậu nước, Võ Đế thấy thân mình là La Sát, lại có một bầy quỷ nhỏ theo sau. Vua cả kinh, từ đó dứt tuyệt rượu thịt, trọn ngày lạy Phật, tham thiền, sự hành đạo tinh tấn mạnh mẽ dường như gió cuốn.

* * *

Đời Đường, Vi Cao làm quan Thái Úy Trung Thơ Lịnh. Thuở mới sanh người, cha trai Tăng để cầu phước cho con. Khi chúng Tăng thọ trai xong, bà nhũ mẫu bồng đứa nhỏ đến, cầu xin chú nguyện. Có một vị Tăng đứng dậy bảo chúng rằng: “Đứa bé này đời trước là Gia Cát Võ Hầu, ngày sau sẽ có sự chánh trị tốt đẹp ở miền đất Thục”. Nói xong, vị Tăng ấy biến mất.

Về sau, Vi Cao ra làm quan, những điều tiết, nghĩa, công danh, đại khái cùng với Gia Cát Võ Hầu đều giống hệt nhau. Cai trị đất Thục hai mươi mốt năm. Vi Cao được vua phong đến tước Nam Khang Quận Vương, dân chúng đều cảm đức, Quận Vương rất mến đạo Thích. Khi tượng Phật đá ở Gia Châu mới tạc thành, ngài tự thân viết lời kỷ niệm…

Đời Đường, Sa Môn Viên Trạch ở chùa Huệ Lâm, xứ Đông Đô cùng với ẩn sĩ Lý Nguyên kết bạn rất thân thiện, chùa Huệ Lâm vốn là nhà cũ của Lý Nguyên. Từ khi Lý Trảng, cha của Nguyên, bị An Lộc Sơn làm hại, Nguyên không ra làm quan, thường ở trong chùa, cùng Sư Viên Trạch đàm đạo suốt ngày và lấy đó làm vui thú.

Một hôm, hai người cùng rủ nhau đến núi Nga My để xem cảnh đẹp. Viên Trạch muốn đi theo ngã Tà Cốc đến Trường An, Lý Nguyên lại bàn nên đi dọc con đường từ Kinh Châu thẳng đến và lại nói rằng: “Tôi từ lâu đã chán nẻo lợi danh, chẳng còn muốn trông thấy cảnh phồn hoa chốn kinh sư nữa.” Không biết làm sao, Viên Trạch đành phải chiều theo bạn, cùng đi ngã Kinh Châu.

Khi thuyền đến Nam Phố, Viên Trạch trông thấy một người đàn bà quảy đôi thùng xuống bến gánh nước, liền sa nước mắt nói: “Sỡ dĩ tôi không muốn đi đường này, chỉ vì thế!” Nguyên kinh sợ, hỏi duyên cớ? Trạch đáp: “Người đàn bà kia có mang đã ba năm, chờ tôi đến làm con. Nếu tôi không gặp thì thôi, nay đã gặp rồi, quyết không thể trốn tránh được. Vậy, ba ngày sau, nếu không quên nghĩa tri giao, xin ngài tìm đến thăm, tôi sẽ dùng một nụ cười để làm tin. Và, mười ba năm nữa, xin hẹn cùng ngài gặp gỡ nơi đất Hàng Châu, ngoài chùa Thiên Trúc”. Nguyên nghe nói, bùi ngùi cảm động, sai nấu nước cho bạn tắm rửa. Chiều lại, Sư Viên Trạch liền nở nụ cười, chàng bèn đem việc ấy thuật lại cho gia quyến người sản phụ kia nghe. Lo việc mai tang cho bạn xong, Nguyên liền trở về chùa.

Mười ba năm sau, Lý Nguyên đúng kỳ đến nơi ước hẹn, thấy một tên mục đồng gõ vào sừng trâu ca rằng:

Ba sanh trên đá vương hồn cũ.

Nào lúc ngâm thi dưới nguyệt tròn?

Thẹn với người xưa xa đến viếng!

Thân này tuy khác tánh linh còn…

Lý Nguyên nghe tiếng ca, hỏi: “Trạch công có được mạnh khỏe chăng?”. Mục đồng đáp: “Lý Quân thật là người tín sĩ! Nhưng tôi duyên trần chưa dứt không thể gần nhau. Nếu ngài cố gắng tu hành, sau sẽ có phen gặp gỡ”. Nói xong lại ca rằng:

Nỗi riêng sau trước sự tơi bời.

Muốn tỏ nguồn cơn, đứt ruột thôi!

Ngô, Việt nước non tìm đã khắp.

Cùng đường trở bước nẻo xa vời!

Ca xong, liền biến mất. Lý Nguyên lại trở về chùa Huệ Lâm, đến niên hiệu Trường Khánh năm đầu, Nguyên được tám mươi tuổi, vua Mục Tôn hạ chiếu phong cho làm quan Gián Nghị đại phu, không nhận. Chưa được bao lâu Nguyên qua đời.

Ta còn để lại gì không.

Kìa non đá lở nọ sông cát bồi.

Lang thang từ độ luân hồi.

U minh nẻo trước xa khơi dặm về.

Trông ra bến thảm bờ mê.

Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương.

Ta van cát bụi trên đường,

Dù dơ dù sạch, đừng vương gót này.

Bát nê hồ

Gần bên song Ni Liên Thuyền là một dãy rừng rậm: rừng Ưu Lâu Tần Loa hùng vĩ và hiểm trở. Bên kia sông là một cánh truông, thỉnh thoảng nổi lên những hòn đảo nứa bao quanh đôi xóm làng lẻ tẻ, hay những thân cây dừa lửa khẳng khiu cao vút lên trời. Rồi đến một dãy đồi, liên tiếp một dãy núi chập chùng chạy thẳng về phía chân trời thoai thoải, mờ xanh để rồi tan đi trong màu mây trắng trôi bồng bềnh. Về đêm ở xa xa ngọn thác bạc reo lên vang hòa lẫn với tiếng song rạt rào làm thành một điệu nhạc lạnh lung và thần bí. Khi mặt trời đã lên, sự sống bắt đầu bừng dậy, điệu nhạc ấy nhỏ dần rồi lẫn đi trong tiếng bửa đá cong canh của bác thợ làm bia, hay tiếng tù và dài dặc của anh thợ săn ở mé rừng. Tai lắng nghe, cũng chỉ còn có mơ hồ, như tiếng vọng còn lại của giấc mơ đẹp đêm qua. Ở đây sự sống đơn giản đã thoát hẳn cái phức tạp của xã hội phồn hoa. Nơi này người ta thường gọi là làng Senani, lấy tên một chàng trẻ tuổi, mạnh như hùm đã có ơn rất nhiều với dân làng trong việc phòng thú dữ và nạn cháy nhà. Vợ chàng, nàng Soujata thường vẫn đem lá thuốc đi cứu giúp người tật bệnh khốn khổ quanh vùng.

Nhà của đôi vợ chồng trẻ tuổi ấy ở men rừng, nhìn ra phía sông, một ngôi nhà dỏm dáng lợp bằng lá kè, nằm gọn ở giữa một miếng vườn không rộng lắm, nhưng rất xinh. Đang còn là mùa xuân, mà ngọn nắng đã nghe gay gắy lắm. Rừng cây đã đồi lá, màu lục thẫm ở tầng dưới, tầng trên là màu phơn phớt của lá tơ. Vườn nhà chàng Senani đã đủ sắc hoa. Những đóa hoa sặc sỡ chen trong những luống cải xanh dịu đã trổ nhồng vàng hoe. Bên hiên nhà là một giàn dưa leo, trái xanh mướt và tròn trĩnh trông phơi phới như những đứa bé mập mạnh. Từng đôi bướm vàng đuổi nhau bay loạng choạng như say nắng và những đọt bí đất mon men bò ra ngoài lối đi, Sương đêm còn đọng trắng trên long tơ trông như những đọt nhung óng mượt. Sau vườn, thằng Taro đang cho bò và dê ăn cỏ, những con dê trắng và nâu nhảy tung tăng và kêu be be…

Đời vẫn bình yên, qua những ngày không mơ ước.

Senani ở nhà chừng đôi ba ngày lại phải vào rừng đẵn cây để xuống chợ bán gỗ. Cứ một chuyến đi như thế, là phải vắng nhà mấy ngày. Những lúc ấy Soujata không đi đâu hết, nàng ở nhà quanh quấn với con và dệt vải. Tiếng kẽo kẹt của bàn đạp đều với tiếng thoi đưa, điệp cùng tiếng chim bồ câu gù trong chuồng.

Soujata ngừng tay đưa thoi nhìn ra trời. Ánh nắng lấp lánh chiếu thành từng đám trên đất.

- Ồ trưa rồi nhỉ! Bóng mái hiên đã gần đến gốc hòe rồi kìa. Hôm nay Senani về mình phải khuấy nê hồn rõ ngon để dành cho chàng mới được. Sáng nay, mụ Sarah lấy mật vừa cho một chai tốt lạ…!

Nàng thấy lòng mình thắm lại mỗi lần nàng nghĩ đến chồng đến con và sắp làm cho những kẻ nàng mến yêu được sung sướng. Soujata vươn vai đứng dậy. Nhà chỉ còn có một mình nàng: con Radha từ sáng, sau khi lấy sữa cho chủ xong đã vào rừng hái lá bổi và thằng Taro vẫn còn quanh quẩn với đàn bò. Một lát thì nồi nê hồ đã đặt lên hỏa lò. Mùi thật thơm phức cùng với mùi sữa và mùi bột gạo mới bay lên ngọt lịm. Tay nàng vẫn dẻo dai khuấy đều.

Nhưng không biết sao, nồi nê hồ bỗng nhiên sùi sùi nổi bọt trào xuống lửa khét lẹt. Nàng thổi hết sức nhưng bọt vẫn không chìm, đành phải nhắc nồi xuống. Thường thường khuấy nê hồ bọt có nổi lê như thế đâu! Sự lo sợ bâng quơ bỗng nhiên nổi lên và lớn dần trong đầu óc kém lý luận của người thiếu phụ. Một linh tính rờn rợn trong lòng. Nàng sợ một điềm gỡ xảy đến cho gia đình nàng. Nàng vùng đứng dậy đến bên nôi con, yên lặng nhìn. Con nàng đang ngủ, đôi môi còn trắng sữa, phụng phịu trề ra tưởng như giấc ngủ đã thình lình đến đè nặng trên mí mắt nó, giữa lúc nó còn đang dở làm nũng, hay cho ta đoán trước hễ nó thức giấc là nó khóc ngay. Hơi thở đứa bé vẫn đều đều, thỉnh thoảng lại tớt lên qua giấc mơ. Nàng đã bao lần khẩn thành cầu nguyện thần Lục Mịch để có được con nhái nóng hổi ấy…Thế mà…con nàng có làm sao không? Sao nàng nóng ruột thế?

Hỡi các vị thần linh! Nếu tôi có xúc phạm đến các ngài điều gì, xin cứ trừng phạt tôi mà để cho con tôi ăn chơi.

Để con nằm yên, nàng lại đến bên lò, đặt nồi nê hồ lên khuấy, được một lát bọt lại sùi sùi nổi lên, nàng lại thổi, nhưng vẫn không được. Cháo đã lền, nàng nhắc nồi xuống nhìn ra sân. Lòng nàng vẫn bồn chồn một cách lạ lung. Cái nồi nê hồ sùi bọt kỳ dị ấy vẫn làm cho nàng lo sợ vơ vẩn mãi:

- Ư nhỉ? Bóng mát hiên đã quá gốc hoè rồi…sao mà Senani chưa về?

Thường thường, vào giờ này thì từ ngoài sông hòa với tiếng sóng vỗ mạnh giọng hò quen thuộc của chàng đã nghe lanh lảnh:

Lá rừng xanh xanh.

Nước sông quanh quanh

Hồ khoan!

Dòng đời êm như mộng thắm

Tuổi đời tươi như hoa xuân

Hồ khoan!

Nhưng giờ đây lắng tai, nàng chỉ nghe tiếng sóng rạt rào vỗ. Nàng tưởng tượng đến những cảnh hãi hùng nhất. Chồng nàng đang nằm sõng soài trên vũng máu cạnh một con hổ đang giỡn mồi, chồng nàng bị trăn đuổi. Tiếng chim bồ câu trong chuồng không gợn nên cho lòng nàng những ý nghĩ êm ái nữa, đó là những tiếng rên thảm thiết và ghê rợn. Rồi sự tưởng tượng mãnh liệt ấy cứ ám ảnh lấy tâm hồn yếu đuối của nàng, mãi cho đến khi không thể chịu được nữa nàng úp mặt trong đôi bàn tay nghẹn ngào gọi…Senani…Senani…

Nếu vì lo sự sinh sống cho gia đình mà Senani có mệnh hệ nào, thì bảo lòng nàng sao yên được? Hạnh phúc chỉ đến với những tâm hồn bình dị, cho nên bên cạnh người chồng độ lượng và tận tâm ấy, Soujata đã hoàn toàn an phận, không đòi hỏi, không tham vọng điều gì hơn. Nàng yêu cái hiện tại của nàng lắm, cũng như tất cả những gì có liên hệ đến những người thân bằng một tấm tình thương đằm thắm và chân thành…Trong cảnh sống đạm bạc nàng tự thấy giàu có hơn nhiền người lắm rồi. Nàng hết lòng làm tròn bổn phận vì chồng vì con. Nhưng hôm nay, sau mãi chàng vẫn chưa về? Có tiếng rèm trúc reo mạnh, Soujata ngẩng đầu lên tưởng là chồng về. Nhưng không con Radha vừa đặt giỏ lá bổi xuống, vừa thở hổn hển nói:

Thưa cô…thưa cô…hôm nay con vào rừng sâu hơn, con thấy…thưa cô, con thấy…

Soujata hoảng hốt không kịp nghĩ ngợi, đứng phắt dậy lắc mạnh vai con bé rối rít:

Làm sao rồi…Senani…Senani, chồng ta đã…

Nàng chỉ nói được có thế rồi oà lên khóc. Đức bé trong nôi kinh hãi khóc thét lên. Radha không hiểu gì đã xảy ra, gỡ tay chủ, nói thẳng một mạch:

- Không! Cô hãy để con nói hết đã! Con thấy có thần núi hiện ra dưới gốc cây Bồ Đề…

Soujata để nguyên đôi mắt nhòa lệ lắng tai nghe con bé tả hình dáng uy nghi của vị thần vừa xuất hiện, nét mặt tươi dần lên. Nàng thong thả bảo:

- Em hãy ra vườn ngắt cho cô ít hoa và quả để cùng cô đi tạ thần. Từ ngày sinh co bé, chưa có dịp nào lễ tạ cả. Thảo nào nãy giờ cô cứ thấy nóng ruột mà không hiểu vì sao. Có lẽ thần báo cho cô biết đấy.

Rồi nhớ sực ra con đang khóc, nàng chạy vội lại nôi đứa bé, vừa ẵm nó lên vừa nói nựng:

- Mẹ tôi hư lắm, tôi khóc méo xệch cả miện thế này, mà mẹ tôi vẫn không đến với tôi…À iơ, nào nào…thôi bú đi, đừng hờn tôi nữa công chúa!

Nàng nhìn con nàng bú, sung sướng với cảm giác mình đang trút cả sinh lực vào người nó. Nàng siết chặt con vào ngực nàng như muốn cho nó nghe tiếng trái tim nàng vì nó mà đập mạnh. Đứa bé ngẩng lên nhìn mẹ rồi lại vội vàng chắp sữa một lát, con Radha đã vào, đầu đội mâm hoa quả đầy, Soujata múc một bát nê hồ rồi sửa xiêm áo nàng theo con bé thoăn thoắt vào rừng.

…Tiếng lục lạc rung rinh theo nhịp bước.

Cây mỗi lúc một dày, rừng đã vào khá sâu. Nhìn theo lối của con Radha nàng thấy dưới một cây Bồ Đề rườm rà lá và rễ phụ, một vị thần uy nghi đang ngồi tĩnh tọa trên một phiến đá phẳng. Nàng cúi đầu rón rén lại gần và quỳ xuống:

- Kính lạy Ngài, từ ngày gia đình con được Ngài ban cho hòn ngọc quý, con chưa có dịp nào để lễ tạ gọi là kính tỏ tấm lòng tri ân của chúng con. Hôm nay, con xin đem tất cả tâm thành cúng dường Ngài chúc lễ vật nhỏ mọn… Và đây, kính lạy Ngài của báu Ngài đã ban cho con, mà con quý hơn hết thảy vàng bạc ngọc ngà. Lạy Ngài tế độ cho nó.

Ra hiệu cho con Radha đặt mâm hoa quả xuống, nàng để bát nê hồ trên phiến đá. Soujata im lặng cúi đầu và giấu mặt trong đôi tay tưởng khi thần thọ trai xong ngẩng đầu lên thì thần đã biến mất. Nhưng không, một giọng nói dịu hiền đã làm nàng ngẩng lên kinh ngạc:

- Ta không phải là một vị thần nào cả, ta chỉ một người như trăm ngàn người khác mà thôi. Trước kia ta là một Thái Tử, Thái tử Thích Ca Tất Đạt Đa, ở thành Ca Tì La Vệ. Trong sự sung sướng, ta bỗng nhiên nhận ra cái tạm bợ, cái mong manh của kiếp người. Giàu sang, tài hoa, danh vọng, những của báu mà người đời ham thích, giành giựt nhau, vẫn không sao kéo lại được dòng thời gian, tránh cho con người những cảnh buồn tê tái: sinh rồi già, bệnh rồi chết. Cùng đắm chìm trong đau khổ, sao không biết thương lấy nhau, sao còn ganh ghét nhau, cấu xé nhau không ngừng…

Soujata vẫn đứng yên, uống say sưa những lời vàng ngọc của người tìm đạo. Đức Thích Ca dang tay ra đón đứa bé trên tay mẹ nó, rồi thong thả tiếp:

- Ròng rã sáu năm ta lìa ngôi Thái tử xa gia đình để tìm ánh sáng cứu khổ cho quần sinh. Tình thương nhân loại đã thay trong ta những tình thương riêng rẽ…Ròng rã sáu năm nay đã dày đọa thân ta một đoàn ca nữ đã vô tình cho ta biết một sự thật trong câu hát tầm thường…

“Dây đàn quá căng, cũng như dây đàn quá chùng, đều không rung lên được nhạc, cho chúng tôi một cây đàn đã lựa vừa đường tơ”. Trưa nay bát cháo sữa của ngươi đã đem lại cho ta đã hành hạ thân ta thì khác nào ta hướng âm thanh trên những đường tơ săn quá! Ta thành thật cảm ơn ngươi!...

Soujata vội thoái thác, giọng nàng rung lên vì cảm động:

- Kính lạy Ngài, con đâu dám nhận lời cảm ơn ấy! Trong mực sống tầm thường của con, gặp Ngài được một lần để được nghe lời Ngài dạy bảo đã là một ân huệ tối cao rồi…Điều con mong ước là làm sao cho gia đình con được mãi mãi yên vui…Con đem lòng thương gieo khắp cho người chung quanh, con không tham vọng những gì không phải của con, con không tham vọng những gì không phải của con, con không làm cho kẻ khác những điều mà con không muốn người ta làm cho con.

Đức Thích Ca lại phán, giọng Ngài vẫn hiền dịu như bao giờ:

- Thế chưa đủ là đức hạnh hay sao? Ngươi hãy giữ lấy những hòn ngọc quý của tâm hồn ngươi! Không có một vị thần linh nào có thể tác phúc hay gây họa cho ngươi được. Ngươi thật tâm tận tụy với gia đình, ngươi sẽ thấy đời ngươi sáng sủa tươi đẹp. Người xung quanh sẽ vui sẻ tìm gần ngươi vì ngươi không ích kỷ bó chặt tình thương lại một chỗ. Ngươi chung thủy lòng ngươi kiên nhẫn, và biết chịu đựng, cho nên trong mọi khổ đau người ta vẫn không tàn ác. Người ta đau khổ vì người ta chỉ biết thương mà không biết cho, vì người ta ích kỷ. Nếu tất cả đều giàu lòng thương, nếu tất cả đều biết quên mình đi một ít, thì lửa phiền não sẽ không nung đốt tâm can con người, thì hận binh đao sẽ không còn nữa trên muôn ngàn bãi chiến…Người ta chỉ biết sung sướng mà quên rằng mình đã làm cho kẻ khác khổ đau, trên ngọc ngà gấm vóc người ta quên bẵng hàng ngàn nô lệ đang phơi mình ra lửa nắng để kéo từng đợt cày! Thôi ngươi về đi, ta cầu chúc gia đình ngươi yên vui mãi…cho đứa bé này mọi sự an lành. Ngươi về để còn hoàn thành bổn phận trong một hiện kiếp. Ta đi đây…ngươi sẽ kiên nhẫn chịu đựng những thử thách của cuộc sống, ta sẽ kiên nhẫn với bao nhiêu ma chướng để tìm cho ra ánh đạo.

Đức Thích Ca nhìn đứa bé trên tay rất lâu, bàn tay tế độ đặt nhẹ trên trán nó, tưởng như Ngài đã truyền vào người nó một ý chí vững bền, một trí nghĩ sáng suốt, và một tình thương khôn cùng. Đứa bé ngước nhìn lên, đưa cả bàn tay vào miệng rồi ngơ ngác nhoẻn miệng cười…Soujata đỡ lấy con lẳng lặng cúi đầu. Đức Thích Ca đứng dậy từ biệt.

- Đến ngày ta tìm ra được đạo, Ta sẽ không quên ơn ngươi hôm nay…

Soujata cúi mình bước lui ba bước trong lúc đức Thích Ca trở gót quay đi. Màu vàng của chiếc áo cà sa khuất dần trong lá rừng mỗi lúc một thêm dày. Nàng cùng con ở ra về. Nàng nghe lòng mình lắng xuống và yên ổn hơn trong một ý nghĩa dìu dịu.

- Bát nê hồ của ta hôm nay vừa có một ích lợi lớn…

Đến nhà, nàng nhẹ nhàng dựng tấm liếp lên đi vào. Những tia nắng xuyên qua kẽ phên chiếu lên nền làm thành những hình thuẫn, chập chờn bên khung cửi. Nàng đặt con vào nôi, bảo con Radha ru nó ngủ, rồi đi soạn cơm trưa. Ngoài khơi, từ sông Ni Liên Thuyền rồng bỗng vọng lên tiếng hát mỗi lúc một gần:

Hồ khoan!

Lá rừng xanh xanh

Nước sông quanh quanh.

Nàng nhắm mắt lại, cố tưởng ra quãng đường từ chồng nàng đến nhà mỗi lúc một ngắn hơn theo nhịp của tiếng hát.

Khi nàng hé mắt ra thì Sanani đã gần đến nhà rồi. Tấm thân cao lớn in bật trên màu lá rừng lục thẫm, và cuộn dây mây song khổng lồ đeo nặng trên vai, tiệp hẳn với màu da rám nắng. Nàng chớp nhanh mắt và nói rất nhỏ qua hơi thở:

- Senani đã về!

Tâm Liên

Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly

Trí Phật sáng ngời như trăng sáng

Phật ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Phật không đâu không từ bi

Phá táo đọa

Xưa, có một thiền Tăng vô danh, đi hành khất trên đường du phương, Sư có đi ngang qua một cái miếu thờ thần Táo, được cư dân đồn đại là rất hiển linh.

Tò mò Sư đến trước miếu thờ thần Táo thầm xem xét. Thấy miếu thờ chỉ có ba viên gạch bắc sơ sài, Sư ngạc nhiên tự hỏi:

- Ủa! Chỉ ba viên gạch nung kê thành cái bếp, hiển linh từ đâu ra nhỉ?

Sư vừa dứt lời, ba viên gạch liền nát vụn, miễu thờ cũng sụp đổ, sợ cư dân nói mình phá miễu, Sư vội vàng rảo bước.

Đi một quãng, sư gặp một cụ gìà mặc áo xanh quỳ bên vệ đường, kính cẩn thưa:

- Xin tạ ơn thầy đã vì con mà thuyết pháp vô sanh.

Vị Tăng ngạc nhiên:

- Tôi đã gặp cụ khi nào?

Ông lão mỉm cười:

- Thưa, con nguyên là một vị Táo thần ở ngôi miếu thờ khi nãy. Đã từ lâu con ngu mê tưởng rằng ba viên gạch nung là thân của mình, nên cứ phải lẩn quẩn loanh quanh ở ngôi miếu mà ban phúc giáng họa. Ai đến cũng kính lễ bái ba viên gạch ấy thì con vừa lòng hãnh diện; gặp kẻ khinh rẻ ba viên gạch thì con nổi trận lôi đình. Hôm nay nhờ câu nói của thầy con tỏ ngộ lý vô sanh, thoát kiếp thần Táo, ba lạy này gọi là đền ơn tri ngộ.

Lễ xong, cụ già biến mất. Từ đó người ta gọi vị Tăng này là Phá Táo Đoạ tức là người đã giúp cho ông Táo hóa kiếp vậy.

Như Thủy

Tất cả các pháp đều do tâm tạo.

Ryonen

Ryonen là một thiếu nữ xuất thân từ một gia đình vương giả. Nàng được thân quyến cho phép xuất gia vào năm hai mươi lăm tuổi và hãy còn rất đẹp.

Sắc đẹp của Ryonen gây ra nhiều rắc rối. Không một thiền sư nào dám nhận nàng vào tu viện, vì một lý do duy nhất đó là dung nhan của nàng Ryonen sẽ gây xáo trộn cho đồ chúng họ.

Ryonen liền lấy bàn ủi nóng xóa đi cái chướng ngại cuối cùng ấy, nàng đã viết lên chiếc gương soi những dòng chữ đánh dấu sự thành công của mình:

“Ngày xưa ta đốt hương trầm

Ướp xông những chiếc quần hồng, áo xoa.

Muốn làm khất sĩ Ta Bà

Chính tay ta đốt mặt hoa của mình”.

Về sau, Ryonen trở thành một thiền sư Ni đắc đạo, Sư Ni tịch vào năm sáu mươi sáu tuổi.

Có vô số thiền sư Ni, khỏi đốt mặt cũng không gây rắc rối cho ai, ngoài chính mình.

Như Thủy

Sống trong cái chết bao lần khóc

Ngẫm lại cơn mê thấy trận cười.

Một lễ trai tăng lạ thường

Ngày xưa, một hôm đức Phật ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá, có một bà Bà La Môn sắm sanh một lễ trai Tăng đặc biệt và nhờ chồng bà đi thỉnh bốn vị Thánh Tăng đến thọ thực. Lúc chồng bà vào Kỳ Viên tịnh xá, ở nhà bà vui thích hân hoan dọn sẵn bốn cái ghế xinh đẹp quý giá, chờ rước khách quý của bà.

Khi thấy ông chồng của bà trở về với bốn ông Sa Di bảy tuối, bà tỏ vẻ hết sức bất bình.

Bốn ông Sa Di tên là: Samkicca, Pandita, Sopaka, và Revata, là bốn vị A La Hán mà bà thí chủ nào có biết được.

Bà căm giận quá lẽ, ra vô vùng vằng, miệng lầm bầm như muốn nổ trên lò than. Bà không chịu mời bốn vị Sa Di ấy an tọa trên ghế tốt quý giá của bà, lại chỉ cho bốn ông ngồi trên bốn ghế đẩu thấp, rồi bà xoay lại rầy ông chồng, tại sao lại dắt về làm chi bốn đứa chẻ con không đáng tuổi cháu của bà, và sai ông chồng mau đi thỉnh cho được một vị Thánh Tăng cao niên. Ông chồng lật đật chạy vào chùa Kỳ Viên gặp Trưởng lão Xá Lợi Phất, liền thỉnh ngài Xá Lợi Phất, ngài Xá Lợi Phất đến nơi mới hay rằng bốn vị Sa Di A La Hán chưa thọ thực chi cả. Ngài bỏ ra về, vì ngài biết số lượng thực phẩm chỉ vừa đủ cho bốn phần ăn thôi.

Không hiểu tại sao Trưởng lão Xá Lợi Phất ra về, bà thí chủ sai chồng chạy lại lần nữa vào chùa Kỳ Viên thỉnh cho được Thánh Tăng khác, và chuyến này ông chồng bà trở về với Trưởng lão Mục Kiền Liên. Đến nơi, Trưởng lão Mục Kiền Liên cũng xem xét như Trưởng lão Xá Lợi Phất khi nãy, rồi cũng ôm bát trở về.

Bây giờ bà thí chủ càng nổi sân thêm lên, thốt rằng: Vì sao các vị Trưởng lão Thánh Tăng không chấp nhận cúng dường của mình! Vậy thì ông lại mấy chỗ mấy thầy Bà La Môn khổ hạnh rước về cho tôi một vị Trưởng lão. Bà đã nhất định gom tài thí lại làm một, để chỉ dâng cúng một vị Thánh Nhân, hơn là bố thí cho bốn trẻ con; nên lúc ấy bà cũng không cho bốn ông Sa Di thọ thực. Bốn ông này từ sáng sớm chưa được dung một món chi, vẫn ngồi đó mà chịu đói. Nhưng đã là bậc A La Hán bốn ông Sa Di không xao xuyến, lại tỏ vẻ bình tĩnh nhẫn nại. Vì đức cao cả của bốn vị A La Hán bảy tuổi, trời Đế Thích Sakka chủ thấy nóng nảy, ngồi không yên được trên ngai vàng. Điều này thường xảy ra, khi có bậc tiên nhân đương lâm nạn, trời Đế Thích Sakka thường biết như vậy, trong nhiều trưởng hợp đã qua. Ngài liền dùng thiên nhãn xem xét, thấy bốn vị A La Hán đương ngồi chịu đói với đầy nhẫn nại trong nhà bà Bà La Môn. Ngài nhất định lập công bồi đức.

Ra khỏi cung trời, xuống hạ giới Ngài biến ra một vị Bà La Môn thật già, đến ngồi một chỗ trống trải nơi cư ngụ của các vị tu sĩ khổ hạnh.

Chồng bà thí chủ vừa đến, chợt thấy vị Trưởng lão đi ngay lại thỉnh ông về nhà. Ông Bà La Môn biết vợ sẽ hài long.

Thật vậy, vừa thấy vị tu sĩ lụm khụm bước vào, bá rất vui mừng lật đật lấy nệm trên hai chiếc ghế đẹp,chồng lại làm một và cung kính mời: “Bạch đức cao thượng, xin thỉnh Ngài an tọa nơi đây”.

Thay vì ngồi đó, trời Sakka khép nép, bái chào bốn vị Sa Di và ngồi bẹp dước đất, gần bên bốn ghế đẩu của bốn ông Sa Di.

Tư cách ấy làm cho bà thí chủ ngơ ngác và hết sức bất bình. Bà quở ông chồng! Lần này ông thỉnh về một người đáng tuổi cha của ông, nhưng ông này lại quá cung kính bốn trẻ con, chưa đáng làm cháu chắt của ông, chịu sao cho nổi!

- Tôi không cần ông này nữa! Phải mau mau tống khứ ông này ra khỏi nhà tức khắc.

Ông chồng nghe lời vợ, chạy lại nắm vai, kéo tay, ôm xếch eo ếch, hết sức bình sinh, lôi sệch ông ra, nhưng không làm sao cho ông ấy nhúc nhích, xê dịch được.

Thấy vậy, bà vợ - một người sức lực, - chạy lại tiếp chồng: “Ông cứ lôi ông ta đi! Ông nắm một cánh tay, tôi nắm một cánh tay, chúng mình lôi ông một lượt không nổi sao?”.

Vừa kéo tay, vừa đẩy sau lưng ông già, quyết lôi ông ra khỏi cửa. Nhưng họ kinh ngạc khủng khiếp, ông già vẫn ngồi dính cứng một chỗ, hai tay quơ qua lắc lại; Chừng ấy hai ông bà chết đứng, không biết làm gì nữa.

Đức Đế Thích Sakka chậm rãi cho hai ông bà biết, ông là ai, rồi biến mất. Lúc ấy, hai vợ chồng mới suy nghĩ: Đức Đế Thích Sakka, chúa cả chư Thiên, còn đảnh lễ bốn ông Sa Di với tất cả sự cung kính. Bốn ông này chắc hẳn là bậc đạo đức cao trọng.

Nghĩ vậy rồi, hối hả dọn vật thực ra cúng dường cho bốn vị Thánh Tăng bảy tuổi với đức tin trong sạch, nhờ đó mà hai ông bà gieo được phước báu cao thượng.

Thọ thực xong rồi, bốn vị Thánh Tăng từ giã gia chủ một cách phi thường: Một vị đằng vân xuyên qua nóc nhà, một vị xuyên qua mái trước, một vị xuyên qua mái sau, vị thứ tư độn thổ mà đi.

Các Ngài muốn làm như thế, để cho đức tin của hai vợ chồng Bà La Môn tăng trưởng thêm lên.

Khi các Ngài về tới Kỳ Viên tịnh xá, có một vài thầy Tỳ Kheo xúm lại hỏi thăm. Bốn ông Sa Di thuật lại đầu đuôi cho các Tỳ Kheo nghe.

Các thầy này mới hỏi: Vậy chớ bốn ông có giận vợ chồng lão Bà La Môn ấy không? Các thầy Tỳ Kheo này còn là phàm Tăng, không thể tin được lời thành thật của bốn ông Sa Di trẻ con, mới đem câu chuyện thưa lại với Đức Phật và cho rằng bốn ông Sa Di phạm tội nói dối. Đức Thế Tôn mới trả lời rằng: “Những bậc nào đã diệt tận ái dục rồi, chẳng bao giờ dùng dịch ý đối chọi với dịch ý”.

Rồi Ngài ngâm kệ ngôn:

“Ai là người nhã nhặn và nhất thiết giữa kẻ cừu địch, ôn hòa giữa kẻ hung bạo, không cố chấp giữa kẻ cố chấp, người ấy Như Lai gọi là bậc Sa Môn”.

Nghe bài kệ ấy, các thầy Tỳ Kheo, đắc được quả Tu Đà Hoàn.

Bác sĩ A Nan Đà

Sa Di mười bốn hay giảng kinh.

Tuổi như sư vậy chỉ mang bình

Sa Di thuyết pháp Sa Môn thính.

Chẳng tại tuổi cao tại tánh linh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/07/2021(Xem: 5236)
Buổi trưa hè miền Trung, cái nắng nóng làm như ông Trời gôm hết lửa đổ xuống trần gian thiêu rụi vạn vật, không ai chịu nổi. Tất cả đều rúc hết vào nhà, đóng cửa trốn ông Trời, tranh thủ thời gian đó nghỉ ngơi. Hầu hết tìm giấc ngủ trưa để quên đi thời tiết khắc nghiệt. Chỉ riêng bốn đứa...tứ tặc gồm Nam, Thanh Du, Hiền và Bích Nga lang thang trên đường phố. Chúng la cà từ Ngã Tư Chính trung tâm phố đi lần về trường trung học Hùng Vương chỉ cách đó không xa, khoảng 15 phút đi bộ, nơi bốn đứa cùng học chung lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) dù Thanh Du và Hiền 12 tuổi đều hơn Nam và Bích Nga một tuổi.
24/07/2021(Xem: 3579)
Vừa trút xong gánh nặng với 94 đứa học trò trong học kỳ mùa Xuân, tôi viết đôi dòng tản mạn ngày 30/4 của 46 năm trước khi buổi sáng ngày này tướng DVM tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài-Gòn. Má tôi là Liên Gia Trưởng nên nhà được phát cây Carbine M2 và sau đó có thêm cây Shotgun. Thỉnh thoảng tôi vẫn đem hai cây súng ra lau chùi bôi nhớt cho không bị rỉ sét. Mỗi lần như vậy Má tôi vẫn nhắc chừng: - “Cẩn thận, súng đạn vô tình nghe con!”. Tôi trả lời cho Má tôi yên tâm: - “Má đừng lo, con làm quen rồi!”. Năm 72, cao điểm của chiến tranh Việt Nam qua mùa Hè Đỏ Lửa ở Cổ thành Quảng-Trị. Không biết các trường trung học ở Đô thành Sài Gòn thế nào, nhưng ở trường Trung-Thu của chúng tôi, từ lớp 10 trở lên đều được huấn luyện quân sự học đường. Có đi tập bắn ở xạ trường Phú Lâm, và tôi có trong toán biểu diễn bịt mắt tháo ráp vũ khí trong vòng 1 phút. Buổi lễ có lập khán đài rất trịnh trọng và nhiều quan chức lớn bên Bộ Tư Lệnh CSQG đến dự. Nếu tôi không lầm, có ông Chuẩ
23/07/2021(Xem: 6431)
Mục đích ra đời của đức Phật là để cứu khổ độ sanh. Nghĩa là để hóa độ mọi loài bỏ ác làm lành, cải tà quy chánh hầu đưa họ từ mê tới ngộ, từ khổ đến vui. Gần 2000 năm, từ ngày đạo Phật truyền vào Việt Nam, chưa bao giờ có một số đông đảo Phật Giáo đồ phải xa lìa quê hương yêu dấu, bỏ nước ra đi như sau ngày 30-41975! Từ đó đến nay đã 24 năm dài, do đó, những trẻ em cùng tị nạn một lượt với cha mẹ hoặc sinh trưởng trên đất khách quê người đa số đều không thể nói, đọc, và viết tiếng Việt Nam một cách đúng đắn, trôi chảy. “Mười năm trồng cây, 100 năm trồng người,” tuội trẻ là tương lai của đất nước, rường cột của quốc gia, chúng ta không thể nào không lo xa, không vun bồi. Vì thế, chúng tôi không quản tài hèn trí cạn mạnh dạn viết và ấn hành bộ Phật Giáo của Nhi Đồng để bồi bổ vào chỗ thiếu thốn do thời thế tạo nên trên đây.
20/07/2021(Xem: 27040)
Chủ đề: 2 vị Thiền Sư: 1/Thiền Ông Đạo Giả (902 - 979) (Đời thứ 11, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) 2/Thiền sư Sùng Phạm (1004 - 1087) (Đời thứ 11, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 258 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 20/07/2021 (11/06/Tân Sửu) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Website: https://quangduc.com Tel: 03. 9357 3544 Email: [email protected]
22/06/2021(Xem: 3669)
Sáng nay tham dự buổi livestream tiếng chuông khuya do TT Thích Nguyên Tạng thỉnh chuông . Nhìn dung mạo trang nghiêm của Thầy con chợt liên tưởng đến Ngài ...Phương Trượng chùa Viên Giác HT Thích Như Điển , một danh tăng đức độ cao vời được Thầy Nguyên Tạng rất kính quý và đã cùng Thầy đồng hành trong những chuyến hoằng pháp Âu, Mỹ Châu nhiều năm qua , gần đây nhất vào tháng 6/ 2019 khoá tu học tại Bắc Âu mà con được hân hạnh tường thuật lại qua hình ảnh Thầy gửi về và được may mắn kính mừng sinh nhật Ngài vào 28/6 năm ấy . Năm tháng trôi qua theo vòng quay trái đất liên tục và đây có lẽ là lần thứ ba con được vinh hạnh viết lên những lời tán dương này đến Ngài để cúng dường và kính mừng sinh nhật lần thứ 72 dù chưa được hân hạnh diện kiến . Tuy đã được Ngài hứa rằng ...” sẽ có cơ hội “ khi nào lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tu Viện Quảng Đức vào tháng 10/2020 được tổ chức . Nhưng than ôi ....đại dịch Covid 19 kinh hoàng đã xuất hiện và thời gian để tổ chức không
12/06/2021(Xem: 11472)
LỜI GIỚI THIỆU Trong sách quốc văn giáo khoa thư ngày trước đã kể mẫu chuyện như sau: Có một người đi du lịch nhiều nơi. Khi trở về nhà, kẻ quen người lạ, hàng xóm láng giềng đến thăm, hỏi rằng: - Ông đi du lịch nhiều nơi, vậy nơi nào theo ông đẹp hơn cả? Người kia không ngần ngại đáp ngay: - Chỉ có quê hương tôi là đẹp hơn cả! Mọi người không khỏi ngạc nhiên, nhưng càng ngạc nhiên mà càng suy gẫm thì mới thấy có lý. Ai đã du lịch nhiều nơi, ai đã sống lang thang phiêu bạt ở nước ngoài mới có dịp cảm thấy thấm thía "quê hương tôi là đẹp hơn cả", đẹp từ cọng rau, tấc đất, đẹp với những kỷ niệm vui buồn, đẹp cho tình người chưa trọn, đẹp vì nghĩa đạo phải hy sinh…
10/06/2021(Xem: 14416)
NGỎ Từ khi vào chùa với tuổi để chỏm, Bổn sư thế độ đã trao cho tôi bản kinh "Phật thuyết A-di-đà" bằng chữ Hán, bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập và dạy phải học thuộc lòng, rồi theo đại chúng đi thực tập tụng kinh vào mỗi buổi chiều. Học và tụng thuộc lòng ngâm nga vào mỗi buổi chiều, mà chẳng hiểu gì, nhưng tôi lại rất thích. Thích không phải vì hiểu mà thích là vì được tụng kinh, lời kinh của Phật. Thích không phải vì hiểu, mà thích vì niềm tin xuất gia của mình được đặt trọn vẹn vào thời kinh mình đang tụng ấy. Và mỗi khi tụng, lại thấy gốc rễ tâm linh của mình lớn lên. Nó lớn lên mỗi khi mình tụng và nó lớn lên mỗi ngày, đến nỗi thấy cái gì ở trong chùa cũng đẹp, cũng thánh thiện và thấy ai đến chùa cũng đều phát xuất từ tâm hồn thánh thiện.
10/06/2021(Xem: 4422)
Mỗi lần đến chùa Vạn Phước, dù không chú ý, Phật tử ai ai cũng thấy Thầy Từ An, phó Trụ Trì chùa, mỗi ngày, ngoài những thời kinh, khóa tu, rảnh rỗi Thầy ra sân chùa cặm cụi nhổ cỏ gấu hết cây này đến cây kia, hết chỗ này đến chỗ nọ. Cứ xoay vần như thế ngày này qua tháng khác, năm này sang năm kia rồi khi cỏ gấu mọc lại, Thầy lại tiếp tục nhổ như một hạnh nguyện. Đặc biệt nữa, cứ mỗi lần nhổ xong một cây cỏ gấu, Thầy thường lẩm nhẩm: “Nhổ này một cây phiền não..., nhổ này một cây phiền não...“. Nhưng Thầy nhổ không bao giờ hết, vì cỏ gấu vốn là một loại cỏ dại, đã là cỏ thì rất khó tiêu diệt. Nếu xịt thuốc chỉ cháy lá hoa ở phần trên, rễ vẫn còn ở phần dưới, thậm chí có nhổ tận gốc nhưng chỉ cần sót lại một chút thân, rễ, một thời gian sau cỏ vẫn mọc lại như thường; chỉ trừ duy nhất tráng xi măng lót gạch, cỏ không còn đất sống may ra mới dứt sạch.
06/06/2021(Xem: 4963)
Truyện ngắn: Ngỡ Ngàng Hòa Thượng Thích Như Điển Lời Đầu Tập sách nhỏ nầy được đến tay Quý Vị trong hoàn cảnh thật eo hẹp, ngay cả thời giờ cũng như số trang sách. Nó không là một quyển sách trọn vẹn như nhiều người mong muốn; mà đây là một trong những mẫu chuyện ngắn của Tác giả sẽ lần lượt giới thiệu với tất cả quý độc giả trong thời gian sắp tới. Câu chuyện của một người tu - nhập thế - họ sống trong xã hội đầy chông gai và thử thách, cố vươn lên để làm tròn nhiệm vụ. Mẫu chuyện nầy mặc dầu mang nhiều màu sắc về tình cảm cá nhân nhưng đó cũng là tình cảm của một con người biết sống và biết dung hòa mọi thế đứng trong cuộc đời của một người tu sĩ trẻ.
01/06/2021(Xem: 31417)
Loạt bài giảng về Chư Vị Thiền Sư Việt Nam (do TT Thích Nguyên Tạng giảng trong mùa dịch Covid-19) Thiền Sư Khương Tăng Hội (Thiền Sư VN, giảng ngày 3/6/2021) Thiền Sư Thích Đạo Thiền (Thiền Sư VN, giảng ngày 5/6/2021) Thiền Sư Thích Huệ Thắng (Thiền Sư VN, giảng ngày 8/6/2021) Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Sơ Tổ Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Việt Nam Thiền Sư Pháp Hiền, Đời thứ 1, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Thiền Sư Thanh Biện, Đời thứ 4, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Thiền Sư Định Không, Đời thứ 8, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Thiền Sư Vô Ngôn Thông, Sơ Tổ Thiền Phái Vô Ngôn Thông ở Việt Nam Thiền Sư Cảm Thành, Đời thứ 1, Thiền Phái Vô Ngôn Thông Thiền Sư Thiện Hội, Đời thứ 2, Thiền Phái Vô Ngôn Thông Trưởng lão La Quí, Đời thứ 10, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Thiền sư Pháp Thuận, Đời thứ 10, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Thiền sư Vân Phong, Đời thứ 3, Thiền Phái Vô Ngôn Thông Thiền Sư Khuông Việt, Đời thứ 4, Thiền Phái Vô Ngôn Thông Thiền sư Ma Ha Ma Ya, Đời thứ 10, Thiền P
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]