Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14

18/03/201201:08(Xem: 10098)
Chương 14

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Nhớ năm xưa khi tôi chưa xuất gia, cứ đến ngày Phật Đản, tôi và các em nhỏ thường theo ba mẹ đến chùa Tỉnh hội dự đại lễ, xem văn nghệ, rồi đi xem đoàn xe hoa của các công sở, hay các đơn vị quân đội đủ mọi binh chủng trong toàn thành phố, rước kiệu Phật đi khắp các đường lớn. Cờ Phật giáo giăng đầy các ngã đường. Lễ đài và tôn tượng đức Phật Thích Ca Đản Sanh được dựng lên khắp nơi. Mỗi căn nhà có người theo Phật đều có giăng cờ, treo đèn. Ra đường là thấy ngợp cả rừng cờ năm màu của Phật giáo. Chuyện trang hoàng cờ xí đèn hoa để mừng ngày Phật Đản ấy chỉ là hình thức thôi, nhưng dẫu sao cũng là hình thức cần thiết khiến người con Phật cảm thấy ấm lòng vì có cơ hội để biểu lộ được phần nào niềm kính tín của mình đối với một bậc thầy, một người cha cao cả của nhân loại. Niềm kính tín đó được giữ gìn, tiếp nối từ nhiều đời, trở thành tập tục truyền thống của một dân tộc vốn có số lượng Phật tử đông đảo trên bảy mươi phần trăm dân số cả nước.

Mấy năm tôi mới xuất gia, đất nước thuộc chế độ Đệ nhị Cộng hòa, lễ hội Phật Đản cũng không vì hoàn cảnh chiến tranh mà bị ngưng trệ hay bỏ qua được. Cả người theo Phật lẫn những người không theo Phật đều thích đến chùa hay ra các đường phố lớn để chờ đón đoàn xe hoa rước Phật. Trên các đường hướng về chùa Tỉnh hội, người ta phải chen nhau nhích từng bước một qua khoảnh sân rộng để được đến gần lễ đài chính và khu vực chính điện. Còn đường Hoàng Hôn, đường Bình Minh và con đường Kim Thân Phật Tổ qua viện Hải Đức thì gần như ngập tràn những người là người. Cả ngọn đồi Trại Thủy lúc ấy là một đồi người.

Vậy mà từ ngày người cộng sản chiếm miền Nam, những lễ hội Phật Đản cũng như Chúa Giáng Sinh trong cả nước đều bị trực tiếp hoặc gián tiếp ngăn cấm. Trực tiếp bằng cách nói thẳng với các nhà chùa, nhà thờ là không được tổ chức lớn; gián tiếp thì cho công an đến các chùa, các nhà thờ vào dịp lễ lớn, lấy cớ giữ gìn an ninh trật tự cho ngày lễ nhưng thực ra là để ngăn cản người đến dự lễ; hoặc tinh vi hơn, tổ chức họp các tổ dân phố, tổ chức những ngày lễ gì đó chẳng mấy quan trọng của Đảng hay của địa phương, tổ chức ngày lao động “dâng Bác, dâng Đảng”, đúng ngay ngày lễ Phật Đản và Giáng Sinh để làm giảm bớt số lượng tín đồ tham dự. Nhà nước cố tình can thiệp và có lệnh cấm tụ tập đông người như vậy thì dân làm sao dám đi dự lễ hội. Nhà nước kỳ thị tôn giáo thì dân làm sao dám xưng mình là phật-tử hay tín đồ Thiên Chúa giáo. Vào ngày lễ Phật Đản, các vị sư tăng, sư ni cũng phải e dè không dám giăng cờ xí, không dám tổ chức lớn; có vị còn yêu cầu phật-tử thay nhau đến chùa trong nhiều ngày, đừng đến dồn một ngày quá đông sẽ bị công an dòm ngó, bắt bớ. Chùa còn không dám giăng cờ treo đèn thì ở các tư gia, các ngã đường, làm gì còn có chuyện trang hoàng cúng dường Phật Đản.

Như vậy đó, từ năm 1975 đến 1978 là bốn ngày Phật Đản tiêu điều. Người ta chỉ thấy ở chùa Tỉnh hội giăng hai dây đèn màu kèm theo hai dây cờ Phật giáo chạy dọc theo mái cong của chùa tạo thành hình một chiếc thuyền đơn sơ một nét. Ở viện Hải Đức còn kém hơn: cũng một dây đèn màu, một dây cờ vải, tạo thành hình một đường thẳng vẹt với chiều dài khiêm tốn theo bề ngang của ngôi chánh điện cổ. Về hình thức, đại lễ Phật Đản chỉ khác với ngày thường ở hai sợi dây đèn và cờ đó mà thôi. Còn về nội dung, tức là phần hành lễ, ở viện cử hành vào giờ công phu, bốn giờ khuya. Cử hành vào giờ đó thì phật-tử tham dự cao lắm là mười người mà là những người ở quanh xóm chùa chứ chẳng ở đâu xa. Rồi buổi trưa mười hai giờ có thêm một lễ trai tăng cúng Phật. Sau giờ thọ trai, chư tăng đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi cử hành lễ. Sau lễ ấy, cửa chính điện mở suốt ngày để Phật tử nào muốn vào lễ bái thì vào. Bên chùa Tỉnh hội, cơ sở trung ương của Giáo hội tỉnh, cũng chỉ tổ chức được lễ Phật Đản như thế là cùng. Trừ những năm còn nhỏ tuổi chưa xuất gia, tôi vốn không ham thích gì đám đông lễ hội. Vậy mà khi cái lễ hội truyền thống không được tổ chức, tôi lại cảm thấy buồn, thấy thiếu vắng thế nào đó trong lòng. Nhất là năm nay, việc cử hành lễ Phật Đản ở viện Hải Đức lại bị công an thành phố có lệnh cấm với văn bản hẳn hoi chứ không phải chỉ ra lệnh bằng miệng như mấy năm trước: cấm tụ tập đông người, chỉ được treo đèn kết hoa trong khuôn viên chánh điện, về việc an cư kiết hạ của chư tăng thì “chờ sự duyệt xét của cấp trên”(chẳng nêu rõ là cấp trên nào) mới được tổ chức. Thông thường thì lễ an cư kiết hạ của chư tăng được tổ chức ba tháng hè, từ ngày rằm tháng tư (tức ngày lễ Phật Đản) đến ngày rằm tháng bảy (tức lễ Vu Lan). Trong ba tháng đó, chư tăng tập trung một chỗ để cùng tu tập và trao đổi kinh nghiệm hành đạo, không ra khỏi chùa ngoại trừ khi có việc gấp nhưng phải có sự đồng thuận của đại chúng.

Những ngày trước lễ Phật Đản, nghe tin viện Hải Đức phải chờ công an duyệt xét việc an cư kiết hạ, tăng chúng và Phật tử Nha Trang xôn xao cả lên. Các thầy trẻ bày tỏ sự bất mãn ra mặt với ban giám đốc, đặc biệt là đối với thầy bổn sư của tôi, vì ai cũng cho rằng thầy tôi ngoài chức giám sự thay mặt viện trưởng coi sóc mọi sinh hoạt của viện, còn là một chủ hộ chịu hoàn toàn trách nhiệm viện trước chính quyền về sự ngăn cấm an cư kiết hạ, một truyền thống lâu đời nhất của Phật giáo (lâu hơn cả lễ Phật Đản vì tục an cư kiết hạ có từ thời Phật còn tại thế). Nói thì nói vậy, chứ thực ra, đứng vào địa vị của thầy tôi, sẽ không vị thầy trẻ nào dám phản đối chính quyền một câu vào thời điểm căng thẳng đó. Thầy tôi im lặng chịu đựng sự chê trách nặng nề của chư tăng. Có vị cho rằng thầy tôi nhu nhược, hèn nhát. Tôi không dám có ý kiến gì trong việc bình phẩm thầy tôi, nhưng cũng như các thầy trẻ khác, tôi rất bất mãn về chuyện nhà nước can thiệp vào chuyện sinh hoạt nội bộ của chư tăng.

Một thầy trẻ lên tiếng trong buổi họp chúng được tổ chức trước lễ Phật Đản vài ngày:

“Chỉ tại mình xin nên họ mới thấy là họ có quyền cho phép. Mình đừng xin xỏ gì cả thì đâu có xảy ra chuyện cấm đoán hay chờ duyệt xét! Tổ chức lễ Phật Đản là tập tục lâu đời, họ hạn chế hay cấm đoán đã là quá quắt lắm rồi, nhưng cũng có thể nhân nhượng được đi, vì lễ Phật Đản có liên hệ đến số đông quần chúng ngoài viện, có thể nại cớ không muốn tụ tập đông người; còn an cư kiết hạ là chuyện nội bộ, chuyện thường lệ của viện, đã có từ lâu đời, thời nào cũng vậy, sao phải xin phép chứ?”

Thầy tôi giải thích:

“Có thầy Phước Châu biết mà, họ đã có lệnh trước đó là muốn tổ chức bất cứ lễ gì cũng đều phải làm đơn xin phép nhà nước trước, có sự chấp thuận của chính quyền hẳn hoi rồi mới được cử hành. Mình đâu có thể lặng thinh tự ý hành lễ được. Còn chuyện an cư kiết hạ tôi đâu có xin phép, họ tự đưa ra lệnh cấm theo đơn xin phép tổ chức lễ Phật Đản mà thôi. Hơn nữa, họ nói để chờ họ duyệt xét chứ có nói là cấm an cư kiết hạ đâu. Có thể sẽ có thông báo trước hoặc trễ lắm là vào ngày Phật Đản.”

Dù thầy tôi giải thích như vậy, cũng không ngăn được những lời gièm pha to nhỏ sau buổi họp. Giữa tăng chúng và ban giám đốc tự dưng lại có một khoảng cách rất khó chịu vì chuyện ấy.

Buổi sáng trước lễ Phật Đản một ngày, tôi có công tác dọn vệ sinh quanh thiền thất của Thượng tọa Thiện Siêu, viện trưởng. Tôi đang ngồi nhổ cỏ thì Thượng tọa từ thiền thất bước ra, xăn tay áo cùng ngồi xuống, nhổ cỏ giúp tôi. Mùa an cư kiết hạ năm 1976, vào những ngày tôi mới từ Hội An trở về, Thượng tọa có gọi tôi lên thiền thất, dạy tôi đôi điều về việc tu tập, rồi cho tôi tiền mua thuốc trị bệnh. Hôm sau, có lẽ do Thượng tọa giới thiệu sao đó mà đích thân Hòa thượng Từ Quang xuống phòng khách của viện, cho người gọi tôi đến, huấn thị đôi điều rồi cũng cho tôi tiền mua thuốc trị bệnh. Tôi lạy hòa thượng, không dám nhận thì ngài dạy:

“Sách xưa nói ‘trên cho dưới không được chối từ mới gọi là kính’. Chú bệnh thì phải lo chạy chữa. Thân không bệnh tật thì tham dục dễ sanh, nhưng cứ bệnh tật hoài thì làm sao an ổn mà tu tập được. Cầm đi,” rồi hòa thượng nắm lấy bàn tay tôi, dúi tiền vào, trở về thiền thất.

Cái ân tình của các bậc cao tăng dành cho, tôi đâu dễ quên được. Lúc ấy, tôi đứng nhìn theo vóc hạc của vị hòa thượng già mà muốn rơi lệ. Cử chỉ nắm tay dúi tiền ấy, sao mà tình cảm lạ! Cái tình đó bao la và cảm động đến độ nó khiến tôi e sợ sẽ không làm được gì nên chuyện trong đời tu của mình để đáp ứng niềm kỳ vọng của các ngài.

Thoắt cái đã hai năm trôi qua. Bây giờ, cũng đã đến mùa an cư, Hòa thượng Từ Quang bệnh nặng ở Phú Yên, không vào Nha Trang được, mà chuyện an cư năm nay lại gặp ngăn trở, tôi cảm nghe bùi ngùi và ấm ức thế nào đó trong lòng.

Thượng tọa viện trưởng lặng lẽ nhổ cỏ, không nói gì. Tôi có cảm tưởng là ngài cũng buồn bã về chuyện chính quyền ngăn cấm an cư kiết hạ. Một lúc lâu, ngài hỏi tôi:

“Con nay khỏe hẳn chưa? Hết bệnh chưa?”

“Bạch thượng tọa, con đã khỏe,” tôi đáp.

Ngài im một lúc rồi bắt chuyện vui vẻ:

“Nhổ cỏ cũng là một pháp môn tu đó, chú có thấy vậy không? Người ta nói nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Câu ấy cũng ứng dụng được vào chuyện tu hành, dẹp trừ phiền não. Cỏ cũng giống như phiền não, nhất là loại cỏ cú như vầy có ai chăm bón đâu mà chúng cứ sinh sản, tràn lấn khắp đất vườn. Phải chịu khó nhổ từng cọng, và phải nhổ tận gốc, không thể lấy đất đá chèn lấp hay chôn sâu xuống là yên chuyện. Chôn xuống nó càng bén rễ nhanh mà thôi.”

Tôi nghe vậy thì giật thót người, tưởng như ngài đã đọc được tâm niệm của mình. Tôi không nói gì, chỉ im lặng khắc ghi lời dạy đơn sơ mà quí giá ấy. Lời ngài giống như một lời cảnh cáo cho việc tu tập của suốt đời tôi.

Đúng ngày Phật Đản, tin tức chính xác về sự duyệt xét vấn đề an cư đã được thầy quản chúng thay mặt thầy tôi, thông báo cho cả viện: công an thành phố có văn thư ra lệnh cấm tổ chức an cư kiết hạ trong năm nay vì tình hình an ninh chính trị của cả nước. Tin này làm cho đại chúng thêm bất mãn, và thầy tôi càng bị châm biếm, gièm pha nhiều hơn. Không khí trong viện thật căng thẳng. Dù vậy, lễ Phật Đản vẫn được viện quyết định tổ chức đơn giản vào buổi trưa, sau đó tăng chúng của viện mặc nhiên tự giác tĩnh tu trong ba tháng hè mà không cần hình thức kiết giới hay các nghi lễ thường lệ hàng ngày của mùa an cư.

Suốt buổi sáng hôm ấy, tôi đến đâu cũng nghe những lời xầm xì, bàn tán về thầy tôi. Nhiều thầy trẻ đã gọi thầy tôi bằng hai chữ rất gọn: “chủ hộ”, thay vì gọi là “thầy giám sự”, “thầy trụ trì”hoặc gọi bằng đạo hiệu. Gọi một vị cao tăng như vậy chứng tỏ lòng họ không còn chút kính trọng nào nữa. “Chủ hộ”là từ mới có tại miền Nam sau năm 1975 để chỉ một người làm chủ cái hộ khẩu (tức là tờ khai gia đình). Điều này làm tôi buồn lòng không ít. Buồn không phải chỉ vì thầy tôi bị xúc phạm mà còn vì sự bất kính với các bậc trưởng thượng chứng tỏ cái tôn ty trật tự của nhà thiền đã bị lung lay khá nhiều theo hoàn cảnh mới của đất nước. Khi những người cán bộ cộng sản ngang tuổi tôi nạt nộ, xỉ vả và gọi một vị hòa thượng già hay một cụ già đáng tuổi ông cố của mình bằng một tiếng “anh”thì đã có dấu hiệu của sự suy đồi văn hóa rồi. Và một khi trong mắt người cán bộ cộng sản, nhà chùa hay nhà thờ chỉ là những căn nhà (hộ), còn vị các sư trụ trì hay cha xứ chỉ là những “anh”chủ nhà chịu sự giám sát và cai quản của mình thì tôn giáo, biểu tượng của đạo đức quốc gia, đã không còn nền móng vững chắc để nuôi dưỡng và bảo vệ cái chân thiện mỹ của dân tộc nữa. Không rõ do đâu, từ sách vở hay từ lời dạy của một nhân vật nào mà tôi lại ý thức rất sớm về hiện tượng trên và chính điều đó làm tôi giật mình, cảm thấy mình và đồng bào đang ngồi trên một chiếc xe hư thắng bị tuột dốc mà người lái thì lại say sưa trong giấy mơ đầy huyền hoặc… Tự dưng trong tôi nẩy sinh một ước muốn, một thôi thúc. Tôi muốn làm một cái gì đó để đánh thức anh tài xế, hay ít ra, cũng phải tìm được một cách thế nào đó để chận đứng chiếc xe lại. Ccái thôi thúc ấy khiến lòng tôi nóng như lửa bỏng. Nhưng rồi tự xét lại mình, tôi biết, dù đã mười chín tuổi, tôi cũng chỉ là một chú tiểu ngây ngô bất tài. Ở viện này, tôi chỉ lớn hơn ba chú tiểu là Đăng, Thắng và Lịch. Tôi biết làm gì đây, biết đóng góp gì đây? Và có ai thấy cần thiết phải tiếp nhận sự đóng góp nhỏ nhoi của tôi không?

Nơi chiếc bàn nhỏ ở hiên phòng khách, thầy tôi đang ngồi với một chồng sổ sách trước mặt, nhưng mắt thầy lại buồn bã, nhìn xa xăm ở đâu. Tôi không rõ những lời đàm tiếu của các thầy trẻ kia có đến tai thầy không. Tôi hy vọng là nếu có, thầy cũng không cần quan tâm. Tôi bước nhẹ đến gần chỗ thầy ngồi. Thầy ngước lên gục gặc đầu, rồi nhìn xa, hướng chân mây. Một lúc thì thầy nói:

“Nếu thầy nhớ không lầm thì cách đây chừng bảy hay tám năm, lúc đó con mới xuất gia thì phải… Ừ, khoảng năm một chín bảy mươi. Lúc đó viện còn là viện Trung Đẳng Phật học, Hòa thượng Trí Thủ còn làm giám viện. Hòa thượng từ Sài Gòn về thăm viện nửa tháng. Con còn nhớ không?”

“Dạ nhớ, bạch thầy,” tôi đáp.

Thầy tôi gật gù nói:

“Hòa thượng cho gọi riêng con đến đảnh lễ tại phòng khách này, nhớ không?”

“Dạ nhớ. Hòa thượng còn bảo con thắp nhang bàn thờ Tổ,” tôi nói.

“Đúng rồi. Con biết tại sao sại bảo con đi thắp nhang bàn thờ Tổ không? Hòa thượng muốn nhìn tướng, muốn xem xét xem oai nghi của con đó. Khi con lui ra, Hòa thượng bảo sao con biết không? Bảo thầy cho con theo Hòa thượng vào Sài Gòn, ở gần hòa thượng làm thị giả mà tu học tại tu viện Quảng Hương Già Lam. Tu viện đó do Hòa thượng lập nên, đông tăng chúng lắm. Các thầy các chú ở tu viện đều được đi học. Lúc ấy, thầy thấy con còn nhỏ, nên đã xin phép Hòa thượng là sẽ cho con vào hầu Hòa thượng khi nào con trưởng thành. Vậy mà bây giờ… không được nữa.”

Tôi nghe nói chuyện đi xa, nhất là vào Sài Gòn, thì tự dưng toàn thân rúng động lên, như thể ở miền đất phía Nam xa xôi ấy có cái gì đó rất thân thiết, rất cuốn hút, đang chờ đợi tôi. Nhưng, không hiểu sao thầy tôi lại nói là không được nữa. Tôi nóng lòng hỏi:

“Bạch thầy, sao không được ạ?”

“Vì… vì cái gì đâu! Hòa thượng vẫn ở trong đó, nhưng cái chính quyền này, đi đâu cũng phải xin giấy thông hành, ở đâu cũng phải có hộ khẩu. Làm sao con đi được chứ! Tháng trước, thầy Thiện Vinh đi đâu vắng ba đêm, vậy mà họ gọi cả thầy lẫn thầy ấy xuống đồn công an thành phố vấn cung, làm tự kiểm suốt cả tuần. Rồi họ cho người thay nhau lên viện kiểm tra, dò xét… Họ còn hăm dọa bắt giam nếu có ai đi vắng cách đêm mà không xin phép họ trước. Đâu phải mình sợ họ, mình chỉ sợ phiền những người khác trong viện thôi.”

“À, con tưởng lý do nào khác chứ lý do đó thì…”

Tôi nói chưa dứt câu thì thầy tôi cắt ngang:

“Thôi, khỏi bàn nữa. Có thể sau nầy sẽ có lúc người ta dễ dãi hơn về vấn đề đi lại, cư trú, lúc đó hãy tính.”

Câu chuyện ngang đó thì ngưng. Nhưng tôi nghĩ, rõ ràng là thầy tôi không phải chỉ muốn nói với tôi ngần ấy. Hình như thầy còn cố tình gợi ý cho tôi đi xa. Trước đây tôi từng có ý nghĩ là thầy tôi không muốn tôi ở gần thầy. Bây giờ ý nghĩ đó quay trở lại. Tôi đoán đâu có sai. Thầy tôi muốn tôi đi xa. Mà tôi cũng vậy, tôi muốn lên đường. Nơi đây, đối với tôi bây giờ, dù vẫn đẹp, vẫn thơ mộng, nhưng tù túng quá.

Tôi định quay bước đi thì thầy gọi tôi lại nói:

“Con có tiếc là trước kia không được thầy cho theo Hòa thượng vào Sài Gòn không?”

“Dạ không. Ở đâu con cũng tu học được,” tôi thưa.

“Dĩ nhiên ở đâu cũng tu học được nhưng có chỗ thích hợp cho mình vào giai đoạn này, có chỗ thích hợp cho mình vào giai đoạn kia. Con có biết tại sao lúc đó thầy chưa muốn cho con đi không?”

“Dạ không,” tôi đáp.

“Vì lúc đó con mới xuất gia, chưa được trui luyện chút nào cả, vào Sài Gòn con sẽ bị tập nhiễm theo hoàn cảnh xô bồ trong đó để rồi hư thân như nhiều thầy trẻ khác.”

Tôi cúi đầu thầm cám ơn thầy, và tôi cũng tự xấu hổ biết rằng cho đên bây giờ, dù đã qua tám năm tu học, tôi vẫn chẳng được gọi là có trui luyện chút nào. Tôi đâu quên rằng tôi đã bị lạc hướng một thời gian để mơ mòng hình bóng Như Như đến nỗi tán loạn tâm ý, không thiền định được. Thầy tôi đâu biết rằng nếu bây giờ có điều kiện vào Sài Gòn, tôi cũng sẽ lên đường với một tâm chí chưa được thuần thục không hơn gì những ngày chập chững mới vào tu cả. Tôi vừa mới nghĩ như vậy thì thầy tôi lại tiếp:

“Không phải thầy nói bây giờ con đủ bản lãnh, không còn sợ ngoại cảnh lôi kéo nữa. Ai cũng có chỗ yếu của mình, nhưng nếu biết rõ đó là chỗ yếu thì chính đó là mạnh… Thực ra, điều thầy muốn nói với con, không phải ở chỗ yếu hay mạnh,” thầy tôi ngưng một lúc, rồi tiếp, giọng trầm xuống, “yếu với mạnh không quan trọng; quan trọng là còn. Mà theo cách thầy nhìn, chỉ có phương Nam mới thích hợp với con mà thôi. Tiếc thay! Cái nhỏ bó cái lớn! Ồ, chuông báo giờ hành lễ rồi à? Thôi đi.”

Tôi quay trở về phòng mà cứ thắc mắc câu cuối của thầy: “Tiếc thay! Cái nhỏ bó cái lớn!”

Không có cách gì để thông báo cho Phật tử biết là công an ngăn cấm việc tụ tập đông người nên vào giờ cử hành lễ Phật Đản chính thức, ở viện cũng có khá đông người tham dự. Trong buổi lễ, đang đứng chắp tay hướng về Phật, tự dưng tôi cảm giác rằng có một người nào đó đang nhìn tôi từ phía sau; và cái nhìn ấy phải kèm theo một nhu cầu tha thiết lắm mới khiến toàn thân tôi rùng lên, ớn lạnh… Tôi không dám quay nhìn. Xong lễ, tôi cúi mặt, vội vàng trở về phòng, thay y áo. Vừa thay xong chưa kịp nghỉ ngơi, đã có tiếng gõ cửa, ban đầu hơi gấp; nhưng sau đó thì từng chập ba tiếng như e dè, hồi hộp. Tôi đến bên cửa, hỏi nhỏ:

“Ai vậy?”

Bên ngoài không có tiếng đáp, hoặc một tiếng thốt lên nho nhỏ đã bị loãng đi trong tiếng người rộn rịp quanh thềm chánh điện. Tôi mở cửa: trước mặt tôi là Như Như. Trong một thoáng ngỡ ngàng chưa biết phải nói gì, tôi thấy đôi mắt tươm lệ của nàng ngước nhìn tôi, vừa mừng rỡ, vừa hờn trách. Giọng nàng rung rung, chỉ thốt lên được một tiếng:

“Khang…”

Tôi đứng im nhìn sững nàng một lúc lâu, rồi mới sực ý thức rằng cái hình bóng mà tôi ngỡ đã chôn đi với thời gian đang hiện hữu sờ sờ trước mắt và không chỉ hiện hữu như một hình bóng trong tâm tưởng, mà là một con người bằng xương bằng thịt, sinh động, kiều diễm một cách sáng ngời và rực rỡ trong chiếc áo dài trắng tinh tuyền và làn tóc óng như mây buông trên bờ vai nhỏ… Tôi run lên lẩy bẩy, vụng về nói:

“Như Như mới đến chơi?”

“Hôm nay lễ Phật Đản mà. Em thấy Khang tụng kinh lúc nãy nên sau lễ, em theo Khang đến phòng này. Đây là phòng riêng của Khang đó hở?”

“Ừ, phòng riêng. Như Như vào đi,” tôi nói rồi mở toang cả hai cánh cửa lớn ra.

Như Như bước vào, đưa mắt nhìn quanh phòng một lượt. Tôi kéo chiếc ghế dựa duy nhất trong phòng đến cho nàng, rồi tôi ngồi xuống ở đi-văng. Như Như vén nhẹ vạt áo dài sau, nhưng vẫn tần ngần chưa chịu ngồi, nàng nhìn dáo dác ra ngoài cửa như tìm kiếm hay ngó chừng ai. Tôi nhớ sực đến thực tế rằng nàng từng bị gia đình cấm ngặt chuyện giao tiếp với tôi. Tôi hỏi:

“Như Như đi với ai vậy?”

“Với một đứa bạn học. Em bảo nó ngồi chờ ở ngoài… Ôi may mắn sao nó lại rủ em đi chùa này để rồi tình cờ gặp lại anh…” nàng nói đến đó thì nước mắt chảy thành hai dòng, giọng đổi thổn thức, “Khang ơi… có phải anh từ Hội An mới về không? Hay là lâu nay anh ở đây? Anh tránh mặt em, anh không thương em… phải không?”

Tôi ấp úng không biết trả lời sao. Ban nãy tôi hãy còn lo ngại những người qua lại trước thềm chánh điện sẽ nghe thấy hoặc dòm ngó chúng tôi; bây giờ, nghe tiếng nức nở của Như Như, tôi không kềm được thương cảm, đứng dậy, bước đến gần nàng, đưa ngón tay trỏ trái lên, chậm nhẹ những giọt nước mắt của nàng. Khuôn mặt nàng đã gầy đi khá nhiều so với những lần gặp gỡ trước đây. Trong một phút se lòng nghĩ đến nỗi đau khổ mấy tháng nay của nàng, tôi lại quên đi tất cả những lý tưởng, những hoài bão, những cao vọng ngất trời của một kẻ xuất trần, đặt nhẹ tay mình lên vai nàng, vỗ về trong im lặng. Nàng quay mặt qua, áp má nàng lên tay tôi, kềm tay tôi giữa má và vai nàng. Nước mắt nàng nhỏ từng giọt, từng giọt xuống lưng bàn tay tôi. Một lúc lâu, nghe chừng nàng đã nguôi nguây, tôi nâng má nàng lên, rút tay về. Tôi trở lại chỗ đi-văng, nói dối:

“Có đi xa đó chứ. Đi Hội An. Mới về lại hơn tuần nay. Dì Nữ không nói vói Như Như à?”

“Dì Nữ hả? Dì đâu nói chi. Trước đây lúc thì nói anh ra Huế, lúc thì nói anh ra Hội An. Chẳng biết đâu là thực. Dì ấy đâu có nói thẳng với em, chỉ nói với mẹ thôi, nhưng cố ý cho em nghe để em không mong gặp anh nữa. Bây giờ… gặp lại anh, em không để anh bỏ đi lặng lẽ không lời giã từ như vậy nữa đâu… Anh ác lắm,” nàng lại khóc, “anh nói thực đi, Khang à, đâu phải anh không thương em. Em biết mà. Nếu anh không thương em, anh đâu cần phải làm như vậy…” nàng nghẹn ngào một lúc rồi nói tiếp, “mà nếu anh thương em, anh cũng đâu cần phải làm như vậy chứ. Thương nhau đâu có tội lỗi gì đâu! Em nghĩ chỉ có làm khổ nhau thì mới là điều tội lỗi thôi.”

“Ừ… anh có lỗi với Như Như. Nhưng anh không biết làm gì khác. Không lý anh lại tránh cái lỗi này để chọn một cái lỗi khác to lớn hơn,” tôi nói.

Nghe tôi xưng “anh” đầu tiên kể từ ngày quen nhau, mặt nàng bỗng đỏ ửng lên, và miệng nàng nở một nụ cười duyên dáng, nói ngay:

“Em biết từ nay sẽ không có gì ngăn cản hai đứa mình được nữa đâu.”

“Sao vậy?” tôi hỏi.

Nàng nhún vai nói:

“Đâu có ai ngăn cản được sự thật. Người ta thường nói vậy mà. Nếu em thực tình, anh cũng thực tình, thì không gì ngăn trở được nữa.”

Nàng nói câu đó với giọng tự tin và lạc quan lắm. Tội nghiệp Như Như! Nàng không biết rằng từ cửa chùa, tôi được giáo dục cho một cách nhìn cuộc đời qua đó, tất cả những gì gọi là giả trá hay ngay cả những gì gọi là chân thực, cũng đều là những hư-thực được diễn ra trong một giấc mộng. Cho dù có những lúc tôi mê mờ quên mất cái căn nguyên huyễn mộng ấy, nhưng trước sau gì rồi sự vật cũng trở về với bản chất nguyên ủy của chúng.

Có dáng người con gái khe khẽ bước tới gần phòng tôi mà không dám lên tiếng, cũng không dám bước vào. Từ trong phòng nhìn ra, tôi không thấy mặt người ấy vì bị cái trống lớn che khuất. Nhưng tôi cũng đoán được người ấy là bạn của Như Như. Tôi nói nhỏ:

“Có lẽ bạn Như Như muốn về đó.”

Như Như vén lại tóc mai, lau vội chút nước mắt sắp sửa ráo ở khóe mắt, quay nhìn ra ngoài:

“Đúng rồi, con Giang bạn học cùng lớp của em đó. Nó giới thiệu em đi chùa này chứ em đâu có biết. Khang chờ em ra nói chuyện với nó một chút nha.”

Nàng ra ngoài. Hai người bàn nói gì đó một lúc khá lâu Như Như mới quay trở vào.

“Em phải về. Con bạn em có việc phải về nhà trước hai giờ rưỡi. Em muốn ở lại chơi với anh đến chiều vì em chưa nói hết được những gì em muốn nói, nhưng bỏ nó về một mình thấy kỳ quá. Mai mốt em lên thăm anh, ở chơi lâu hơn, bù lại những ngày không gặp anh… À, em đã được nghỉ hè rồi. Em sẽ tìm cách đến đây với anh thường xuyên hơn. Chắc anh không đi đâu hở? Ủa, em quên hỏi lại anh cho chắc: anh sẽ ở đây luôn chứ không đi Hội An nữa, phải không? Hay là anh ghi địa chỉ chùa ở Hội An cho em đi… lỡ mai này anh có bỏ đi nữa thì em cũng biết ngõ mà tìm.”

“Thôi, ghi làm chi. Có đi Hội An nữa đâu mà ghi,” tôi nói, nhưng nàng cứ nài ép, cuối cùng tôi phải ghi địa chỉ chùa Long Tuyền xuống.

Khi tôi trao nàng mẩu giấy ghi địa chỉ, nàng nắm lấy tay tôi, cầm một lúc rồi hơi nhón chân lên, nói một câu thật nhỏ giọng vào tai tôi:

“Em nhớ Khang ghê vậy đó,” rồi nàng quay đi, nhưng đến cửa thì quay lại nói, “còn điều này nữa, em muốn dặn Khang: nếu gặp dì Nữ, Khang đừng nói em có đến đây nghe. Giả đò như em chưa biết Khang ở đây, vậy tốt hơn. Em về.”

Từ cửa sổ lặng lẽ nhìn theo, tôi thấy nàng và cô bạn học vượt qua đám đông, đi xuống bậc tam cấp ở phía trước chánh điện, rồi khuất sau bức vách đá nơi trụ cờ. Tà áo trắng của nàng thướt tha trong làn gió nhẹ. Lòng tôi lại rộn rã, không yên. Tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng… Người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng… [i]Ôi, bao nhiêu pháp quán tưởng, bao nhiêu công phu thiền định, cũng tiêu tan theo tà áo lụa mỏng manh ấy. Dù cố gắng mấy, tôi vẫn không sao tẩy xóa được nàng bằng pháp quán bất tịnh. Pháp quán ấy đối với tôi bây giờ, chẳng qua chỉ là lấy tính chất dơ nhớp phủ lên, hoặc gán ghép cho cái trong sạch. Nó không còn công hiệu nữa. Nàng đã hiện diện trước mắt tôi, ngự trị trong lòng tôi, một cách thanh khiết, băng trinh và cao đẹp. Tôi khép cửa, bâng khuâng đứng lặng một mình trong phòng hồi lâu, bỗng xúc cảm ngâm lên một đoạn thơ của thầy Tuệ Sỹ:

“Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”

Ô

Thật là uổng công tôi xa lánh nàng nửa năm trời, trở về viện để tìm không khí u tịch mà tịnh dưỡng thân tâm, gần gũi thầy bổn sư là bậc cao đức… Cuối cùng, chỉ một lần gặp gỡ trở lại, nàng đã đánh quỵ tôi bằng nước mắt, bằng nụ cười và niềm hy vọng hồn nhiên của nàng. Quả thật, tình yêu giống như cây rừng cỏ dại—tôi từng ví như vậy—càng chôn sâu, càng bén rễ. Không có thứ đất cát hay gió bão nào có thể chôn lấp được.

Lần gặp gỡ ấy, vì chung quanh thềm chánh điện còn có nhiều người khác dòm ngó, lại có bạn của Như Như đứng ngoài chờ đợi, tôi và nàng chỉ trao đổi với nhau trong một khoảng cách ngượng ngập và trong một thời gian gấp rú; hoàn cảnh ấy, thời gian ấy, chưa đủ cho chúng tôi bắt nhịp trở lại với nhau để cảm thông và để có thể nói hết cho nhau được những gì mình muốn nói. Cho nên, từ lúc nàng về, tôi rơi trở lại vào trạng thái ngơ ngẩn, khật khùng của những ngày tháng trước đây lúc còn ở chùa Linh Phong. Có thể nói tôi đã suy sụp như một người bênh nan y, không chú tâm vào được chuyện gì khác; đôi lúc tôi tưởng tôi không còn đủ sức để chờ đợi nàng thêm nữa. Tôi muốn mặc áo vào, tự động xuống nhà nàng. Nhưng rồi tôi cũng cố gắng kềm lòng. Giữ lời hứa với nàng là không để cho gia đình nàng biết. Và tôi cứ ngồi thừ trong phòng hoặc quanh quẩn trước thềm chánh điện để chờ đợi nàng. Từng giờ, từng ngày trôi qua. Dù nàng đã hứa là vài hôm nữa sẽ đến thăm, tôi vẫn cứ ngóng nhìn, chờ đợi nàng nagy từ buổi tối cùng ngày và liên tục trong những ngày kế tiếp.

Tôi không ngờ là phải một tuần sau, vào giờ chỉ tịnh buổi trưa, nàng mới đến. Ngày ấy là ngày thường, quanh khu vực chánh điện và tháp chuông trống vắng vẻ, không người qua lại. Tăng chúng của viện đang nghỉ trưa.

Đã một tuần trống vắng trôi qua! Một tuần ấy, đối với tôi là cả một thời gian dài đằng đẵng với bao nhung nhớ quắt quay hệ lụy. Cho nên, vừa nghe tiếng gõ cửa, tôi biết ngay đó là nàng. Mở cửa ra, trông thấy nàng, tôi run lên lẩy bẩy… Nàng im lặng bước một bước đến gần tôi hơn, ngước nhìn tôi với một chút ngập ngừng, rồi nàng ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng quàng hai tay quanh dáng nhỏ của nàng. Chúng tôi ôm lấy nhau lần đầu tiên. Không âm thanh nào cần thiết nào được cất lên. Không sự giải thích hay mô tả cần thiết nào được mở ra. Chỉ có tiếng đập của hai trái tim va vào nhau, nghe như những bước chân lãng mạn của một cặp tình nhân nắm tay nhau trốn chạy đến một miền đất xa lạ nào đó không còn bóng dáng của con người và những ước lệ xã hội..

Tôi quên mất là bao nhiêu phút trôi qua. Chỉ nhớ là một lúc lâu, tôi giật mình nhớ sực là chúng tôi ôm nhau như vậy rất nguy hiểm vì cánh cửa phòng của tôi không đóng. Nếu lỡ có người nào đó bắt gặp thì thật là xấu hổ không những cho cá nhân chúng tôi mà còn cho cả viện nữa. Tôi gỡ nhẹ tay nàng, bước đến cửa, mở hẳn hai cánh ra. Như Như lúc đó mới hoàn hồn, đặt một tay lên ngực, lúng búng nói:

“Khang ơi, em phải về ngay bây giờ. Ở nhà đã biết là hôm Phật Đản em đi với Giang đến đây, gặp anh. Có một người nào đó cũng đi chùa này vào hôm ấy, nói lại với dì Nữ… Em bị la mắng dữ lắm… Ôi, em chẳng biết phải làm sao. Thừa lúc ở nhà ngủ trưa, em lẻn đến đây với anh một chút thôi để anh khỏi trông. Anh cho em địa chỉ ở đây đi, để em viết cho anh, được không? Không hả? Sao vậy? Anh sợ quý thầy khác bắt được thư em, phải không? Trời ơi, tại sao em không được tự do như những đứa bạn em chứ? Ồ, có lẽ… chỉ tại vì anh không phải như những người con trai khác. Vì anh không muốn hoàn tục. Anh luôn luôn muốn trở thành một thầy tu tốt, có danh vọng… phải không?”

“Không, Như Như à, đừng nói mỉa mai anh như vậy. Chỉ vì anh không muốn hoàn tục, thế thôi. Chẳng phải vì danh vọng hay cái gì khác.”

“Nhưng, em biết là anh yêu em mà, phải không? Anh nói đi, nói thực em nghe đi, anh có yêu em không?”

Tôi lắp bắp nói nhỏ:

“Có.”

“Vậy mà anh vẫn không biết được anh phải làm gì sao? Em đang khổ sở với sự cấm cản, la trách của gia đình đây, anh không biết sao?”

Tôi buồn bã quay nhìn ra cửa sổ, nói:

“Anh biết, bởi vậy đã có lần anh nói với em: chúng ta chỉ bồng bột thôi… Chúng ta không nên… Chúng ta không thể… Và anh đã phải phấn đấu với chính anh để dẹp bỏ cái điều không thể ấy.”

“Nhưng anh đâu có dẹp bỏ được. Anh lánh mặt em, hơn nửa năm rồi, mà cuối cùng thì sao? Dì Nữ đã nói cho em nghe hết sự thực về chuyện mấy ngày trước. Và dì còn lấy điều đó để xỉ vả em, cho rằng anh đã quyết tâm quên em mà em không biết xấu hổ, cứ đâm đầu vào… Ôi, đáng lẽ nghe được chuyện ấy, em nhục nhã không bước ra khỏi nhà nữa, nhưng không được… Vì em không sao chịu đựng nổi sự thiếu vắng anh. Khang à, dù anh có đánh giá em thế nào đi nữa, em vẫn muốn nói với anh rằng… em muốn gặp anh, muốn nhìn thấy anh mỗi ngày. Em khùng quá hả! Em thực tình không biết phải làm sao. Thôi, thì gặp anh được lúc nào, em vui lúc ấy.”

“Như Như à… nếu mình có thể coi nhau như anh em, có lẽ sẽ dễ chịu hơn.”

“Đó là cách giải quyết của anh đó à? Cho dù chuyện ấy có thể làm được đi, nhưng gia đình em, và những người khác, cũng không bao giờ chấp nhận được cái ‘tình anh em’ đó của hai đứa mình. Anh chỉ giỏi tìm cách né tránh sự việc thôi chứ không trực tiếp giải quyết được nó.”

Lời nàng nói làm tôi giật mình, tự thấy xấu hổ. Nàng đã đúng. Tôi không ngờ nàng nhỏ tuổi hơn tôi mà đã có nhận xét sắc bén như vậy. Tôi chỉ biết né tránh, chẳng có chút sáng suốt, đởm lược hay bản lĩnh nào để giải quyết được êm thấm chuyện tình cảm của hai chúng tôi. Yêu vẫn yêu, tu vẫn tu. Đàng nào cũng hết lòng, đàng nào cũng muốn thành tựu. Mà hai lãnh vực đó chỉ có thể song hành với nhau được trong một vài tông phái Phật giáo ở Nhật Bổn hay Tây Tạng, chứ không thể nào được chấp nhận trong hai tông phái Phật giáo chính thống ở Việt Nam này. Tự dưng trong một phút bốc đồng vì cái quyền lợi tình cảm ích kỷ, nhỏ bé của riêng mình, tôi muốn điên tiết, muốn gào thét to lên với mọi người rằng: Tại sao? Tại sao Phật giáo Việt Nam không giống Phật giáo Nhật Bản hay Tây Tạng? Tại sao thầy tu không được yêu đương! Tại sao tôi không thể yêu một người rất đáng yêu! Tại sao bắt tôi phải chọn lựa chỉ một cái trong hai cái mà tôi rất mê thích!

Thấy tôi buồn bã, Như Như đổi giọng:

“Khang, anh giận em hở? Em xin lỗi nha. Em nói chọc anh vậy thôi, chứ em không có ý bắt anh phải như vầy như kia. Em biết anh là người tu từ nhỏ, anh đâu có giống những người thanh niên khác. Ở chùa đâu có ai dạy anh chuyện giải quyết vấn đề tình cảm và anh cũng đâu có kinh nghiệm gì để giải quyết. Em hiểu anh. Thực ra, như có lần em đã nói với anh, em muốn anh lúc nào cũng như vầy, trang nghiêm, hiền lành, thật thà, khờ khờ khạo khạo…” nàng cười khúc khích một lúc rồi tiếp, “anh là một ông thầy tu đẹp, dễ thương. Em thích nhìn anh như vậy. Em đâu có đòi hỏi anh phải hoàn tục hay phải… cưới em… Chỉ tại mọi người cấm cản em, không cho em gặp anh, không cho em tiếp xúc anh, nên em mới nghĩ đến những phương cách xa hơn để có thể có được anh mỗi ngày mà thôi.”

Nàng bước đến gần, đưa một tay lên, vuốt ngực tôi. Tôi gỡ tay nàng, nói:

“Không sao. Anh không giận Như Như đâu. Anh chỉ buồn là mình quá nhu nhược…”

“Tức là không đủ mạnh để cắt đứt tình cảm với em, phải không?”

“Không phải vậy. Nhu nhược là không đủ can đảm chọn lựa. Như Như có biết không… có khi anh thấy anh say mê em như từng say mê con đường giải thoát vậy. Khốn nỗi, hai thứ đam mê ấy lại tách làm hai hướng đối nghịch.”

Như Như ngước nhìn sâu vào mắt tôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên nàng thực sự hiểu được sự dằn vặt của tôi. Nàng chỉ có mỗi con đường yêu đương để bước, bị trở ngại thì có thể tìm con đường khác. Khó khăn của nàng, đau khổ của nàng, còn có thể lấy thời gian mà rửa sạch được. Còn tôi, cả hai cách chọn lựa đều có thể kéo theo suốt đời mình nỗi dằn vặt âm ỉ ở tận cùng cái chiều sâu mang mang hun hút của tiềm thức, của vô thức hay bất cứ ngõ ngách u u minh minh nào đó của tâm hồn…

Bỗng Như Như giật mình, nhìn đồng hồ, nói mau:

“Thôi, Khang ơi, em phải về kẻo nhà biết được là chết! Ủa, cái cầu thang gì vậy?”

“Cầu thang leo lên gác đó mà.”

“Có ai ở trên đó không?” Như Như hỏi giọng ái ngại.

“Dĩ nhiên là không. Phòng này của anh thì trên gác đó cũng của anh, đâu có ai ở được.”

“Em lên coi một chút được không?”

“Thôi, khi nào coi cũng đâu có muộn. Bây giờ về kẻo bị la.”

“Anh nói cũng đúng. À này, em hỏi anh một câu, anh trả lời thực nha. Suýt nữa em lại quên chuyện quan trọng nhất mà hôm nay em muốn nói.”

“Ừ, nói đi.”

“Nhưng anh đừng có hiểu lầm em nghe.”

“Thì nói đi, chưa nói sao hiểu lầm hay hiểu đúng được.”

“Em muốn đến đây, ở lại chơi tại phòng anh một ngày một đêm được không?”

Tôi nghe vậy thì run bấn người lên, lúng búng nói:

“Ơ… như vậy kỳ quá… mà nguy hiểm nữa. Lỡ ai biết được…”

“Hồi nãy đến đây, em biết ngay là có thể được. Phòng anh nằm riêng biệt như vầy, có ai biết em đến đâu.”

“Nhưng… trong giới luật có nói…”

“Đó, anh hiểu lầm em rồi. Bộ anh nghĩ em bậy bạ lắm hả? Em có xúi anh phạm giới luật gì đâu mà anh nói chuyện giới luật. Em muốn đến chơi với anh như em đã từng đi với con Giang bạn em ra Ninh Hòa ở lại đêm nhà nội nó vậy. Em chỉ muốn được gần anh, nói chuyện với anh, tâm sự với anh suốt ngày suốt đêm cho thỏa. Em đâu còn cách nào khác đâu. Anh chiều em đi mà. Ừ đi, ừ nhanh để em về kẻo trễ.”

“Ừ. Nhưng… bao giờ? Anh sợ quá! Hay để suy nghĩ lại đi,” tôi vẫn chưa đủ can đảm để chấp nhận cái đề nghị hấp dẫn đó của nàng.

“Không, phải quyết định ngay bây giờ, vì cuối tuần này, con Giang lại đi Ninh Hòa. Hôm qua nó có tới rủ em, đã được ba mẹ chấp nhận rồi. Bây giờ anh đồng ý thì em sẽ qua nói riêng với nó là em không đi. Nhưng nói với gia đình thì em nói là em đi với nó… Anh hiểu không?”

“Không. Nói gì lòng vòng mà nói nhanh quá, chưa hiểu kịp.”

“Trời ơi, thiệt tình anh đó. Nói tóm lại là em được gia đình cho đi Ninh Hòa chơi nhưng em không đi Ninh Hòa, em lén đến đây với anh, ở chơi một đêm, đến chiều tối hôm sau, em về. Hiểu chưa, ông anh khờ?”

“Hiểu rồi. Nhưng…”

“Không có nhưn nhị nữa. Này nhé, đúng bảy giờ tối ngày thứ sáu, em đến đây. Anh mở cửa sẵn cho em, đừng để em gọi hay gõ cửa lâu nha.”

“Ừ. Nhưng, Như Như à... về nhà em cũng phải suy nghĩ kỹ lại xem em có nên làm vậy không. Anh sợ…”

“Anh có tin em không?”

“Tin.”

“Anh có khinh em không?”

“Không.”

“Vậy là được rồi. Mục đích của em là được gần anh, nói chuyện với anh suốt ngày suốt đêm. Anh đừng nghĩ cái gì xa hơn để rồi sợ hãi. Anh nói muốn coi em như em gái thì hãy coi như em gái xem nào. Còn em, em tự hiểu em muốn gì mà. Em đâu có sợ, sao anh phải sợ chứ? Nhớ nghe, tối thứ sáu, bảy giờ. Hôm nay là thứ ba, còn một, hai, ba ngày nữa. Bây giờ em phải về. À, nếu tám giờ mà chưa thấy em đến thì biết là có trở ngại, đừng đợi em nữa. Em sẽ đến vào dịp khác.”

Nói rồi, nàng nhón lên hôn tôi nơi má. Tôi đỏ mặt cúi đầu gằm xuống. Nàng cười khúc khích rồi quay đi. Tôi bỗng nhớ sực một điều, gọi nàng lại hỏi:

“Gặp trường hợp ở đây có trở ngại thì sao?”

“Em lên, thấy trở ngại thì em về, đến nhà một đứa bạn gái khác, hoặc về nhà nói là hủy chuyến đi Ninh Hòa. Vậy nha. Em về đây.”

Tiễn nàng một đoạn, tôi đứng lại ở thềm chánh điện. Nhìn theo dáng nàng vội vàng xuống núi, tôi thấy tội nghiệp cho nàng, và tôi vừa cười vừa lẩm bẩm: “Người nhỏ nhắn, hiền lành như vậy mà tính toán ứng biến sao lanh quá!” Và tôi cũng cảm thấy ái ngại thay cho nàng. Nàng đâu phải hạng gái hư thân mất nết. Đối với tôi, tâm hồn nàng, cả con người nàng, sạch như băng tuyết. Vậy mà nàng đã phải sắp đặt mọi chuyện, dối cha mẹ, gạt bạn bè, để được gần tôi, chỉ để nói chuyện, và để đỡ nhớ. Điều này là do đâu và vì ai? Phải chăng do gia đình, do ước lệ xã hội? Hay chỉ vì do tôi, một kẻ xuất gia tham lam, chưa đủ nội lực và bản lãnh để quyết định chọn lựa một trong hai mối đam mê điên cuồng của mình?

Khi tôi quay vào phòng, nghĩ lại chuyện nàng sẽ đến vào tối thứ sáu, bỗng thấy toàn thân rung lên. Một nỗi rạo rực rất phàm tục, bốc dậy phừng phừng.


[i]Lời trong bài Tình Nhớ, nhạc Trịnh Công Sơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2021(Xem: 27114)
308. Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203) Đời 12, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 308 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 0911/2021 (05/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Tu Viện Quảng Đức 85-105 Lynch Road Fawkner, VIC 3060 Australia Tel: 03. 9357 3544; 0481 169 631
08/11/2021(Xem: 3361)
Mấy em tôi gọi điện thoại qua mét, giọng bực bội: “ Chị nói với Ba. Ổng bệnh vậy mà cứ lén hút thuốc hoài.” Ba tôi đã trên chín mươi và đang bị ung thư gan. Ai cũng nói ung thư gan sẽ đi rất nhanh. Ba tôi đã chuẩn bị tinh thần. Má tôi và chị em tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cả rồi nhưng ba vẫn kiên cường trụ được hơn ba năm dù lâu lâu phải cấp cứu. Bản thân tôi đã hơn ba lần bay về để tiễn biệt ba. Tụi nó mét tôi vì nghĩ rằng tôi là chị lớn, lại là người cung cấp tài chánh cho ông cụ mấy chục năm nay. Chúng tin là tôi có uy tín với ông nhất. Tôi hỏi lại:” Lén hút là sao?”
06/11/2021(Xem: 12831)
Kinh Hoa Nghiêm là tên gọi tắt của bộ ‘Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh’ do Ngài Long Thọ Bồ tát viết ra vào thế kỷ thứ 2, tức khoảng 600 năm sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Hoa Nghiêm (Avatamsaka) có nghĩa là đóa hoa tuyệt đẹp, thanh khiết. Phần Hán tự đã được dịch ra từ thế kỷ thứ 5, dưới ba hệ thống Bát Nhã (40 quyển), Giác Hiền (60 quyển) và Nan Đà (80 quyển) . Nhập-Pháp-Giới (Gandavyuha) là phẩm thứ 39 trong số 40 phẩm, cũng là phẩm dài nhất, tiêu biểu cho giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm nói riêng và Phật giáo Đại thừa nói chung, diễn tả con đường cầu đạo của ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 52 vị Thiện Tri Thức dưới nhiều hình tướng, khởi đầu là ngài Văn Thù Sư Lợi, chư Thiên, Dạ thần, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Đức Phật Di Lặc..., và cuối cùng là Ngài Phổ Hiền.
05/11/2021(Xem: 22310)
307. Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 - 1190), Đời thứ 11, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 307 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 06/11/2021 (02/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
04/11/2021(Xem: 3771)
Sau khi lên ngôi không lâu, Tào Phi tìm cách trừ khử mọi mối nguy hiểm với ngai vàng của ông. Trong số đó có em trai ruột – Tào Thực cũng trở thành mục tiêu. Tào Thực nổi tiếng với tài thơ văn xuất chúng hơn người. Tài năng này của ông được các sử liệu công nhận và cả trong các tác phẩm văn học đề cập đến ông. Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tào Phi khi mới lên ngôi vua, trước mặt quần thần đã ép Tào Thực nội trong bảy bước chân phải làm một bài thơ về đề tài huynh đệ, và trong thơ không được có 2 từ huynh đệ, nếu không được sẽ xử chết.
04/11/2021(Xem: 27095)
306. Thiền Sư Tịnh Giới (? - 1207) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 306 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 04/11/2021 (30/09/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
02/11/2021(Xem: 28081)
305. Thiền Sư Minh Trí (? - 1196) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 305 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 02/11/2021 (28/09/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃
01/11/2021(Xem: 4828)
Lời dẫn 2021: Cuộc đời Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc nơi đây dịch theo nhiều tài liệu, nhưng phần chính là từ học giả John Stevens. Ngài Bạch Ân ngộ đạo là từ tham công án, dạy pháp cũng là qua công án. Do vậy, đọc tiểu sử của ngài sẽ có lợi cho người học Thiền theo công án.
30/10/2021(Xem: 27719)
304. Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 304 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 30/10/2021 (25/09/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Tu Viện Quảng Đức 85-105 Lynch Road Fawkner, VIC 3060 Australia Tel: 03. 9357 3544; 0481 169
29/10/2021(Xem: 3225)
Hoa đang hay đã nở có nghĩa là hoa cũng sắp tàn. Điều nầy cũng có nghĩa là người còn đang sống, cũng sắp có ngày ly biệt. Đây là định luật chung của đất trời, vạn vật qua 4 giai đoạn là thành, trụ, hoại và diệt. Nếu ai trong chúng ta không chấp nhận những nguyên tắc nầy thì người ấy sẽ khổ suốt đời. Vì không chấp nhận một thực thể, một hiện tượng trong cuộc sống vốn dĩ là như thế. Bởi lẽ cái gì có đến thì phải có đi, có còn thì phải có mất. Không có gì vĩnh cửu, mãi mãi tồn tại trên cuộc đời nầy, ngoại trừ chân lý.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]