Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8

18/03/201201:08(Xem: 10125)
Chương 8

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG TÁM

Từ mấy tháng trước, khi được biết là tôi đã bình phục hoàn toàn, thầy quản chúng cắt đặt công tác cho tôi làm hàng ngày. Công tác của mỗi tăng sĩ ở viện bây giờ không giống như hồi trước năm 1975 nữa. Trước kia, tăng sĩ khắp các tỉnh đều phải lo tham dự các lớp học của nội điển và ngoại điển nên có làm công tác thì mỗi người cũng chỉ nhận một công tác nhỏ mất từ mười lăm đến ba mươi phút là cao. Nay viện Hải Đức cũng như các Phật học viện khác trên toàn quốc phải bị giải tán, chúng tôi làm việc nhiều hơn. Chẳng phải đây là dấu hiệu hưởng ứng gì cái cụm từ “lao động tốt” của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chỉ có nghĩa đơn giản là tùy theo thời thế để ứng xử. Khi chúng tôi tập trung thời giờ để lo tu học thì có những bậc thầy, những bậc đàn anh của chúng tôi gánh vác hoàn toàn vấn đề kinh tế. Nay chúng tôi không đi học nữa thì phải đưa vai ra, chia sẻ gánh nặng kinh tế ấy với các bậc thầy và đàn anh kia. Vậy thôi.

Nguồn tài chánh căn bản của viện Hải Đức là từ xưởng vị trai Lá Bồ Đề do Thượng Tọa Thích Đỗng Minh làm giám đốc. Xưởng là tài sản của giáo hội, đặc biệt là được gầy dựng nên để hỗ trợ tài chánh cho các sinh hoạt đòi hỏi nhiều tốn kém của viện Hải Đức. Ngoài các sản phẩm vị trai được đồng bào khắp Nha Trang và các tỉnh miền Trung ủng hộ, xưởng còn sản xuất Hương Giải thoát, Đèn cầy Giác ngộ, Trà Đạo hạnh, Dấm Bình minh, Thuốc tẩy Phiền não… Nhưng chủ yếu vẫn là vị trai, tức là xì-dầu (sau năm 1975, người ta cứ gọi chung là nước tương hay nước chấm, chẳng có gì phân biệt giữa loại xì-dầu nấu bánh (bã) đậu phọng qua công thức chưng nấu và trung hòa bằng hóa chất cùng thứ nước tương đậu nành với công thức thủ công cổ truyền). Ngoài xưởng vị trai, viện Hải Đức còn có nhà in và nhà sách Hoa Sen do thầy Đức Chơn trông coi. Nhà in gần như ngưng hoạt động dưới chế độ mới (chỉ có thể in những thứ vặt vãnh chứ không in được kinh sách như xưa) nhưng hiệu sách vẫn còn phát hành các loại kinh, tượng, pháp khí… Sau năm 1975, xưởng vị trai còn mở thêm các ngành sản xuất muối rang, đậu hủ (khuôn đậu), chao, đậu nhận, tương đậu nành, xà phòng bột, xà phòng thỏi, dệt chiếu, đan giỏ, chằm nón lá, cấy nấm rơm và nấm mèo, làm meo nấm, sản xuất rau tươi… Để tránh việc bị nhà nước nại lý do này lý do nọ mà trưng thu xưởng này, Thượng tọa giám đốc khôn khéo thống kê toàn bộ trị giá tài sản của xưởng rồi chia tài sản này thành mấy trăm cổ phần, toàn bộ tăng ni Nha Trang và các công nhân phật-tử kỳ cựu của xưởng mỗi người đều được hưởng một cổ phần ấy. Và cũng từ đó, những tăng ni và phật-tử nào có cổ phần đều trở thành công nhân của xưởng vị trai Lá Bồ Đề. Công nhân ở đây cũng được chia thành nhiều hạng: có hạng làm năm ngày, có hạng làm ba ngày, hay chỉ một ngày rưỡi trong tuần. Tùy theo số giờ làm việc mà được hưởng lương. Đó là khoảng thời gian đầu tiên trong đời tôi làm việc có lương. Lương ít thôi, chừng vài trăm bạc một tháng, nhưng số lương đó hoàn toàn để tiêu riêng chứ không bị ảnh hưởng gì bởi vấn đề gạo cơm, điện nước nên kể ra cũng khá nhiều đối với tôi.

Thời gian đầu, chưa làm việc trực tiếp ở xưởng, tôi được cắt làm vườn và làm rẫy với thầy Minh Chiếu trong khuôn viên viện Hải Đức. Hàng ngày, chúng tôi dọn cỏ, trồng cây, phát hoang những khoảnh đất ở triền núi để trồng bắp đậu, cũng như trồng rau cải ở một khoảnh đất màu mỡ dưới chân núi, gần chùa Phước Điền. Có khi chúng tôi phụ thầy Huệ An, vác củi từ dưới núi lên nhà bếp. Tóm lại, thầy Minh Chiếu và tôi được cắt cử như là hai người thường trực làm việc trong viện, bất cứ việc gì ở viện cần đến. Có lúc chúng tôi phải làm việc từ sáng đến chiều tối, liên tục trong nhiều ngày, nhưng cũng có khi chúng tôi được rảnh tay, nghỉ ngơi luôn ba bốn ngày, hoặc chỉ làm rất ít giờ. Đâu được vài tháng thì bên xưởng vị trai cần thêm người, gọi tôi qua làm. Làm ở xưởng thì mất công mỗi ngày phải có mặt đúng giờ để nhận công tác, nhưng được cái là tăng ni thay phiên nhau nên mỗi người chỉ làm ba ngày trong tuần, những ngày còn lại được nghỉ hoàn toàn. Ở xưởng, tôi và các chú sa-di trẻ được cắt làm những việc linh tinh, tức là ngành nào cần thì chúng tôi đến phụ giúp. Có khi chúng tôi làm xà-phòng, có khi rang muối bọt, có khi làm đậu hủ, có khi chỉ làm có công việc bỗ củi mà thôi. Với sự điều hành có phương pháp khoa học của Thượng tọa giám đốc, công nhân ở xưởng thay phiên nhau tham gia đủ các ngành sản xuất trước khi được vào chuyên môn. Thành thử, công việc nào chúng tôi cũng có thể làm được, hoặc ít nhất cũng hiểu được việc để làm khi cần thiết. Một vài tháng làm việc linh tinh không cố định, tôi được Thượng tọa giám đốc gọi vào văn phòng, cắt cho việc làm sổ sách cùng với ban thư ký tại đây. Ban thư ký lúc đó có cả thầy Thông Chánh. Công việc của tôi là công việc nhàn nhất trong những việc của hãng, kể cả những việc của toàn ban thư ký văn phòng. Tất cả tiền chi thu hàng ngày được hai đến bốn sư cô thay phiên nhau đảm trách. Cuối ngày các sư cô tính lại toàn bộ rồi đưa qua cho tôi kiểm tra lại để ghi báo cáo tổng kết vào sổ của tôi. Cuối tháng cộng sổ bốn tuần lại, báo cáo tổng kết thu chi cho ban giám đốc (cũng không cần tôi phải báo cáo nữa: tôi chỉ việc đưa cuốn sổ đó cho thầy Thông Chánh rồi thầy ấy lo chuyện họp hành, báo cáo).

Hãng vị trai dưới sự điều hành của Thượng tọa giám đốc, càng lúc càng phát triển lớn mạnh, trong khi đó, một cơ sở kinh tài khác của viện thì lại bị mất luôn cả quyền sở hữu chủ: đó là nhà in và nhà sách Hoa Sen. Quý thầy bị người ta chiếm đoạt luôn nhà in mà chẳng biết làm gì. Vì hiền lành, vì từ bi, nên cứ lặng thinh chịu để cho qua chuyện.

Nhà in Hoa Sen tọa lạc trên đường phố Độc Lập, được thành lập từ những năm đầu thập niên sáu mươi để hỗ trợ tài chánh và các công tác ấn hành kinh sách cho viện Hải Đức. Trước kia nhà in được giao cho thầy Đức Chơn quản lý. Sau năm 1975, thầy Đức Chơn hãy còn đảm trách một thời gian rồi giao lại cho viện để vào Sài Gòn. Viện cử thầy Thanh Hương thay thế. Thầy Thanh Hương đang quản lý nhà in thì gặp nghịch cảnh, phải hoàn tục, bỏ nhà in lại cho cô phật-tử tên Thu coi sóc tạm. Cô Thu chỉ là một người được nhà in thuê đứng bán cho tiệm. Cô có phải phật-tử hay không và do ai giới thiệu đến làm cho nhà in thì tôi không rõ. Chỉ thấy lúc cô ngang nhiên trở thành bà chủ nhà in và tiệm sách Hoa Sen rồi thì hình như cô không muốn có bóng dáng tu sĩ lai vãng đến tiệm nữa, dù là để mua thỉnh kinh sách. Cô tiếp tăng ni một cách không vui vẻ và bán với giá cắt cổ, cao hơn cả các hiệu sách bên ngoài. Có lẽ viện cũng có tìm cách bảo trì nhà in Hoa Sen nhưng vấn đề quản lý nhà in vốn đã bị lỏng lẻo hành chánh và tài chánh từ thời trước năm 1975, nên chi với sự cố tình chiếm đoạt của cô Thu, viện đành lặng thinh mà chịu mất luôn nhà in này. Nhà in Hoa Sen mấy chục năm của viện nay trở thành nhà in của cô Thu.

Sở dĩ tôi phải nhắc những chuyện chẳng mấy đẹp đó nơi đây là để mô tả cặn kẽ cái bối cảnh vô cùng điên đảo của xã hội mới đã phát sinh bao nhiêu chuyện lộng hành, khó tin, ảnh hưởng đến đời sống của những nhà tu trên núi như chúng tôi. Tại sao những chuyện ấy chỉ dồn dập xảy ra trong vòng những năm đầu của chính quyền mới? Tịnh nghiệp đường trở thành nhà ông Điệp, nhà in Hoa Sen trở thành nhà in cô Thu… rồi dãy “nhà mới”của chư tăng trở thành đồn công an hay đồn lính! Rõ ràng là chỉ ở trong thời đại mà các vấn đề đạo đức căn bản của con người không còn được tôn trọng nữa thì sự cướp đoạt trắng trợn có thể xảy ra như chuyện thường tình.

Tôi còn được biết bao nhiêu người dân ở dưới ngọn đồi này, trên khắp đất nước này, cũng đã chịu, đang chịu những thiệt thòi vật chất còn to lớn hơn những mất mát của viện rất nhiều. Nhưng dù thế nào thì trong tôi cũng dậy lên một nỗi buồn. Nỗi buồn đó không giống như nỗi đau của những người dân thế tục–có lẽ một phần vì bản thân tôi không có tài sản vật chất để bị mất cũng như tôi đã được nhà chùa trang bị trước tinh thần vô chấp để đón nhận một cách bình thản về những còn-mất, được-thua, thịnh-suy của cuộc đời. Đó không phải là nỗi đau buồn về sự mất mát tài sản. Đó không phải là niềm nuối tiếc muốn níu kéo hay hồi phục lại những gì đã bị chiếm đoạt. Đó là nỗi băn khoăn, âu lo về một viễn ảnh đen tối đang trùm phủ lên toàn đất nước quê hương…

Ô

Sáng chủ nhật không đi làm, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn xuống núi tự dưng thấy vừa buồn vừa băn khoăn chi lạ. Có lẽ chuyện thầy Tuệ Sỹ bỏ viện mà đi từ hai ngày trước hãy còn làm tôi xúc động đồng thời khơi dậy trong tôi một ý tưởng, một hình ảnh đẹp của một trang sử xa xưa nào đó. Khi thực tế xã hội đã tự chứng minh một cách không thể chối cãi rằng nó đang ở trong một tình trạng hoàn toàn rối loạn, dẫn đến bao khổ đau và bế tắc cho con người, thì đó chính là lúc kẻ sĩ phải lên đường. Lịch sử cho thấy trong những lúc vận nước lâm nguy, bao thiền sư đã tạm cởi áo ca-sa khoác chiến bào để dấn thân ra trận cứu đời; khi đất nước yên bình, các thiền sư mới cởi bỏ chiến bào, trở về với thiền môn để tiếp tục cuộc sống an bần giải thoát. Điển hình nhất là Tuệ Trung Thượng Sỹ đời nhà Trần. Trong thiền môn, ông thắp sáng ngọn đèn giác ngộ, xông ướp hương thơm đạo hạnh, làm thiền tăng bình dị tháng ngày thong dong tiêu sái; khi giặc Nguyên đem quân xâm lấn, ông rời cửa thiền thân chinh ra trận, thể hiện cái thao lược uy dũng của một danh tướng Đại Việt, khiến cho quân Nguyên phải kinh hồn bạt vía. Phải chăng trong vận hành tình cờ nào đó của lịch sử, sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ đã vẽ lại hình ảnh cao đẹp truyền thống ấy?

Không ai biết thầy ấy đi đâu. Thầy cũng thường đóng cửa nhập thất, không tiếp xúc ai nên khi thầy bỏ đi, cũng khó mà biết được thầy đi vào lúc nào. Cả viện xôn xao, rồi thành phố Nha Trang xôn xao. Nhưng quay quắt nhất vẫn là các anh công an có bổn phận kiểm soát mọi sinh hoạt giao tiếp và đi lại hàng ngày của thành phần tu sĩ trên viện Hải Đức–đặc biệt là đối với thầy Tuệ Sỹ, một thiên tài lỗi lạc và uy tín của Phật giáo cả nước. Công an cho gọi thầy quản chúng và cả thầy bổn sư của tôi (đang là chủ hộ của viện) xuống đồn công an thành phố để hỏi cung, tự kiểm, khai báo, liên tục mấy ngày. Họ cũng thường xuyên lên viện, lục xét, thăm dò, kiểm soát, bất kể giờ giấc. Cho đến gần nửa tháng sau, khi viện nhận được một lá thư của thầy Tuệ Sỹ từ Thái Lan gởi về, mới biết là thầy đã ra khỏi nước, và từ đó, công an mới thôi không bắt thầy chủ hộ xuống đồn vấn cung nữa. Họ luôn giữ lá thư của thầy Tuệ Sỹ làm tư liệu, kết tội thầy “phản quốc, trốn ra nước ngoài”.

Tưởng rằng xong chuyện thầy Tuệ Sỹ là yên, nào ngờ lại có tin của một đạo hữu thân tín của viện cho biết nhà nước sắp mở chiến dịch “bài trừ văn hóa đồi trụy” hay “bài trừ văn hóa Mỹ-Ngụy”… Chiến dịch này, lúc ở Hội An, tôi có nghe chú Nguyện nói đến nhưng bây giờ mới thực sự biết là nó sắp xảy ra tại Nha Trang. Trong một bữa cơm, thầy tôi nhắc cho toàn thể viện biết rằng mọi sách vở nào xét thấy không thích hợp với chủ trương của nhà nước thì mỗi người tự động đem xé, đốt. Sách của thư viện trước đây do thầy Tuệ Sỹ trông coi thì bây giờ các thầy Minh Thông, Chơn Trí chịu trách nhiệm. Nghe đâu rằng ban văn hóa của thành phố cùng với công an khu vực sẽ lên viện lục xét tất cả các sách vở báo chí hiện có trong viện, không phải chỉ trong thư viện mà trong từng phòng riêng của mỗi người.

Nghe chuyện, một vài thầy có nêu ý kiến với thầy quản chúng rằng:

“Mình đâu cần phải đốt xé sách báo trước. Cứ để họ lên đây kiểm soát, thấy sách nào muốn tịch thu thì cứ tịch thu, sách nào thông qua thì để lại. Tội gì phải đốt xé khi mình chưa biết chắc là họ muốn loại bỏ thứ sách nào. Biết cái nào là đồi trụy theo mắt nhìn của họ?”

Nhưng lệnh của viện vẫn đưa ra là chỉ giữ lại kinh điển và sách biên khảo về Phật học, hoặc sách do nhà nước xã hội chủ nghĩa xuất bản nếu có, còn ngoài ra, tất cả sách báo thế tục được in từ thời chế độ cũ đều đem đốt hết và phải đốt trước khi họ đến chứ không phải đợi họ chỉ cho thứ nào là đồi trụy rồi mới đốt. Bởi vì, theo lời thầy quản chúng nhấn mạnh, “lệnh cấm cất giữ sách báo văn hóa đồi trụy đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới đặt ra, cho nên, ai còn chất chứa thì coi như có tội, bị bắt ngay, chứ không phải chỉ đơn giản là tịch thu sách”.

Chưa có cái tin nào khiến tôi thấy nổi gai ốc như vậy. Tôi mường tượng cảnh một đoàn thanh niên cộng sản hăng hái đi hết nhà này đến nhà khác, hốt sách báo đem ra đầu đường, chất đống lên mà đốt, hoặc lên mặt răn dạy, chất vấn, hạch tội những người vì yêu sách mà còn cất giấu sách trong nhà… Chưa có cảnh tượng nào man rợ và phản giáo dục bằng cảnh tượng đó. Phải chăng vết cũ của bạo chúa Tần Thỉ Hoàng hơn hai nghìn năm xưa bây giờ lại được tái diễn bởi những con người thời đại vốn thường tự xưng là minh tiến bộ?

Cho nên khi Thượng tọa Thiện Siêu, vị viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, cùng hai thầy thị giả thực hiện việc lựa chọn sách để đem đốt, tôi không đủ can đảm đến thư viện để phụ giúp một tay dù có lời yêu cầu. Tôi né tránh, bỏ qua chùa Tỉnh hội ngồi chơi với mấy chú bên đó. Thượng tọa viện trưởng gọi chú Phượng và chú tiểu tên Đăng lên thư viện, vác mấy bao bố sách, đem xuống nhà bếp, thảy từng cuốn vào cái lò to lớn vốn có khả năng nuốt trửng một lượt nhiều khúc củi to bự như bắp vế; hết đợt này, lại đến đợt khác, mỗi đợt hai bao. Bao nhiêu công trình tim óc của các triết gia, tư tưởng gia, sử gia, học giả, văn thi hào… trên thế giới từ ngàn năm xưa đổ lại, đã thành tro bụi trong vòng một giờ đồng hồ. Chú Phượng kể lại tôi nghe như vậy và khi nghe kể, lòng tôi bỗng thấy rưng rưng thế nào đó. Số sách của tôi bỏ lại ở Hội An cho chú Tửu, tôi đâu có tiếc, vì chú Tửu cũng yêu quí sách, tưng tiu sách, mê đọc sách như tôi vậy. Đàng này, sách không phải của tôi, nhưng tôi lại đau xót vô cùng. Suốt mấy ngày kế tiếp, hình ảnh những cuốn sách bốc lửa cứ lảng vảng trong đầu óc tôi. Những ngọn lửa ấy cũng đốt cháy luôn cả tâm tư tôi, và hình như còn làm bừng lên trong tôi một thứ lửa nào đó khiến cho dòng máu nóng trong cơ thể tôi sôi lên sùng sục. Đã có lúc trong phòng riêng, đang ngồi im nơi bàn viết, tôi bỗng thấy hai bàn tay mình nắm chặt lại như muốn bóp nát một cái gì. Và chỉ ngay sau đó, tôi giật mình như tỉnh một giấc mộng. Tôi biết từ ngày về Nha Trang, hay có thể nói rằng, từ ngày đất nước thay đổi chế độ, tâm tính tôi cũng đã thay đổi khá nhiều. Cái tính mềm mỏng, nhẹ dạ như con gái mà đã nhiều lần tôi bị thầy bổn sư rầy la, bây giờ hình như đã chuyển dần thành một vực lửa, hừng hực bên trong, dễ sinh bực bội, bất mãn… Tôi lấy tay vuốt lấy mặt mình, rót một ly nước lạnh, vừa niệm Phật, vừa uống vào một hớp thật đầy.

Kể cũng buồn thật. Không ai lại muốn thay đổi tánh tình như vậy, nhất là thay đổi từ chỗ ngoan ngoãn, hiền lành sang cứng đầu, hung dữ… Một ông thầy tu mà dữ dằn, sân hận nhiều thì dù có độ lượng cách mấy cũng không ai có thể tha thứ, chấp nhận được. Có thể trong mắt người khác tôi vẫn còn hiền, chưa hại gì ai, chưa làm ai bực mình khó chịu, nhưng chính tôi mới thấy trong tôi một tiềm lực kinh khiếp, cơ hồ nếu nó được tự do bùng vỡ thì sẽ không ai chịu nổi. Cũng may, tôi có thể niệm một câu danh hiệu Phật là đã trấn áp được tiềm lực dữ dội đó.

Chưa đầy tuần lễ sau, đúng vào ngày chủ nhật, công an phối hợp với ban văn hóa thành phố liên tục lên viện lục xét, kiểm kê sách báo… Tôi vắng mặt lúc đó. Khi về, nghe kể lại là họ đã lục xét khắp các phòng, tịch thu một số sách của thư viện (các sách biên khảo văn học mà quí thầy tưởng là sẽ vô hại!), một số sách từ các phòng cá nhân. Phòng tôi đã không bị lục xét, có lẽ vì không ai nghĩ đó là một căn phòng. Nhưng nếu họ có vào phòng tôi chăng nữa thì cũng không tìm thấy được gì ngoài mấy cuốn tự điển–tôi đã bắt chước chú Hải, một sư huynh của tôi, tẩu tán hết sách của mình bằng cách bao sách trong bịch ni-lông, giấu trên hàng máng xối dọc theo hông chánh điện.

Tôi tự hỏi, khi việc đọc và cất giữ sách vở bị xem như tội lỗi thì phải chăng những việc đồi bại phi luân nhất sẽ trở thành những điều cần khích lệ? Rồi đây, trên đất nước này, trong cuộc sống này, đâu sẽ là ranh giới giữa chân và giả, giữa thiện và ác, giữa đẹp và xấu?

Ô

Trước khi xuất gia tôi có vài người bạn học chung lớp nhưng cũng chẳng thân mấy nên từ khi về lại Nha Trang, tôi đã không hề gặp lại bất cứ người nào; mà cũng chẳng người bạn nào của tôi biết tôi đã về lại Nha Trang để đến thăm. Như vậy, có thể nói là khi xuất gia, không những tôi đã hầu như cắt đứt mối liên hệ thân thuộc với gia đình mà còn cắt đứt luôn tình bằng hữu với những người bạn thế tục cũ.

Cúi đầu sống theo qui tắc của viện, tôi đã quên luôn rằng mình hãy còn những người bạn ở ngoài đời, phía dưới chân núi. Khi chúng tôi còn học chung lớp với nhau, chúng tôi là những con chim non chỉ biết ca hát, và học theo những gì người lớn chỉ dạy, hướng dẫn. Bây giờ, chúng tôi bắt đầu trưởng thành, muốn góp công sức mình cho đời thì đất nước đang ở trong một hoàn cảnh mới. Hoàn cảnh đó không cần đến sự góp sức của chúng tôi, nếu có chăng thì chỉ cần sự ngoan ngoãn tuân phục mà thôi. Nhiều năm xa cách Nha Trang, tôi nào biết các bạn cũ của tôi bây giờ thế nào. Họ đang tiếp tục học ở một trường đại học nào đó hay đã lăn vào cuộc sống lao động–vốn là điều vinh quang chói lọi một cách giả trá, mai mỉa của chế độ–để kiếm sống, để tồn tại? Họ đang là những anh cán bộ, công an, bộ đội như thầy Thiện Phước, chú Sáng, chú Tân hay đang là những người thuộc con em thành phần bị chính quyền loại trừ ra khỏi cuốn sổ đỏ chói của đời sống?

Thắc mắc của tôi được giải đáp phần nào vào một buổi trưa, khi chú Đăng cho biết là có một anh thanh niên vào hỏi tìm tôi. Không gặp tôi, anh thanh niên đó đã đi vòng vòng quanh viện rồi ngồi chơi ở bậc tam cấp gần nhà bếp. Theo lời chú Đăng, tôi đến gặp anh thì biết đó là Đức–hồi nhỏ Đức có cái tật là cứ vài phút lại tự lắc cái cổ qua bên trái một cái, rồi qua bên phải một cái, xương kêu răng rắc, (giống như cách người lớn tập thể dục trong động tác vặn xương cổ), nên có đứa gọi nghịch là Đức cổ; sau này cái tật đó không biết do đâu mà hết, nhưng rồi Đức lại được mang biệt danh là Đức trọc, vì thường hay nổi hứng cạo trọc mà sự cạo trọc của anh ta hoàn toàn không có ý nghĩa gì dính dáng với sự cạo trọc của mấy sư tăng ở chùa. Đức là một người bạn học cũ của tôi ở trường trung học Võ Tánh. Tôi không bao giờ gọi Đức bằng bí danh Đức trọccả, nhưng chính Đức lại thích được bạn bè gọi như thế (có lẽ vì cái biệt danh đó cũng thay Đức nói lên được phần nào thái độ ngạo nghễ, bất cần của anh đối với cuộc đời).

Đức ăn mặc xốc xếch, áo sơ mi đứt gần hết nút, dơ bẩn; quần ka ki xanh đã chuyển sang một màu không thể gọi tên, còn hai lai quần thì rách tươm để lộ đôi ban chân dơ hầy bám đầy bụi đất. Mặt mày anh lem luốc, bơ phờ, mệt mỏi. Đầu tóc anh thì rối bù và trông dơ đến nỗi tôi có cảm tưởng là phải có chí bò lúc nhúc trên ấy. Người nào từng quen biết anh chắc đều có cảm nghĩ rằng đây là lúc tốt nhất để anh cạo trọc, vậy mà lúc này anh không cạo. Đứng trước mặt tôi là một Đức có tóc ổ quạ chứ không phải là Đức trọc. Dù sao, tôi cũng nhận ra anh dễ dàng là do khuôn mặt xương xương với cái mũi cao và đầy đặn như một dãy núi hùng vĩ nổi bật giữa hai hồ mắt lớn nép dưới hai gò xương mày cao với đôi hàng lông mày dày rậm. Tôi đã nhận ra Đức dễ dàng hơn là Đức nhận ra tôi, điều này không thể trách Đức được, vì đã hơn sáu năm trước, hai đứa chúng tôi gặp lại nhau có một lần lúc tôi còn là chú tiểu có để cái chỏm trên đầu. Bây giờ cái chỏm của tôi đã mất trong khi Đức thì vẫn vậy.

“Đức phải không?”

“A, Khang, Đức đây,” Đức vui mừng đứng dậy bắt tay tôi.

Tôi rủ Đức đến phòng tôi ngồi trò chuyện. Đức không nói gì nhiều về bản thân của anh ta từ khi chúng tôi chia tay nhau năm 1972 khi Đức đến viện Hải Đức thăm tôi và sau đó tôi đi Hội An. Nhưng từ Đức, tôi cũng biết thêm chút ít về tình trạng của một số các bạn học cũ của mình. Trả lời dăm ba câu hỏi của tôi xong, Đức mệt mỏi nằm xuống cái đi-văng của tôi rồi ngủ. Hình như Đức vừa bị một cú xốc nào đó chưa hoàn hồn. Anh tìm đến tôi không phải để giải bày mà để được yên tĩnh. Tôi tôn trọng anh, để anh nằm đó một mình, khép cửa nhè nhẹ rồi đi ăn trưa. Ăn xong, tôi bưng một mâm cơm vào phòng cho Đức. Thức dậy, Đức ăn, xong lại ngủ. Đến chiều thì Đức từ giã. Vài ngày sau, Đức lại trở lên viện tìm gặp tôi. Cũng như lần trước, Đức chẳng có gì để nói với tôi, chỉ đến rồi mệt mỏi nằm xuống ngủ. Khi thức dậy, Đức kể tôi nghe là Đức có tham gia một nhóm hoạt động chính trị, đa phần là giáo sư với sự hưởng ứng của sinh viên và học sinh lớp mười hai. Tổ chức bị tan vỡ, hầu như các thành viên đều bị bắt. Đức không cho biết là do đâu mà Đức thoát. Tôi nghe chuyện đó thì bỗng dưng niềm hào khí trong lòng cất lên. Tự dưng ngay lúc ấy, tôi bỗng có niềm tin rằng công việc mà Đức và những người trong nhóm anh đã làm chính là công việc lâu nay tôi băn khoăn, có nghĩ, có tìm kiếm mà vẫn mơ hồ chưa nhận ra được nó là cái gì. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tôi thực tình hỏi Đức:

“Vậy bây giờ còn nhóm nào khác đang hoạt động nữa không?”

Câu hỏi của tôi có lẽ là quá ngây thơ đối với Đức. Trong chế độ mới, hai người thanh niên không nên hỏi nhau một câu như thế, cho dù đó là bạn bè, huống chi tôi và Đức là bạn bè không được thân lắm, lại xa cách nhau nhiều năm. Dù sao, Đức cũng tin tôi là thực lòng chứ không phải hỏi Đức để rồi đi báo cáo công an bố ráp. Đức nói:

“Dĩ nhiên là còn, nhưng Khang à, Khang đừng dính vô mấy vụ đó làm chi. Ý tôi nói… mấy tổ chức đó chẳng có gì đáng kể lắm đâu.”

Dù nói vậy, lúc ra về, Đức lại tặng tôi cuốn Quân Vương(The Prince) của Machiavelli. Đức không nói là tặng tôi, chỉ lặng lẽ bỏ lại trên bàn tôi. Ban đầu tôi tưởng là Đức bỏ quên, nhưng sau đó, thấy Đức không bao giờ trở lại nữa, tôi đoán là Đức tặng tôi.

Tôi không rõ Đức có muốn nói gì hay nhắn nhủ gì với tôi qua cuốn sách gối đầu giường của các chính trị gia Tây phương này không. Buổi tối cùng ngày, tôi có đọc Lời Giới Thiệucủa Raymond Aron trong cuốn Quân Vươngmà Đức tặng (sau này tìm đọc lại tôi mới nhớ đó là bản dịch của Phan Huy Chiêm, chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp Le Prince). Cuốn sách quả thật là khô khan, khó nuốt đối với tôi. Đọc xong lời giới thiệu rồi là tôi cất nó vào kệ sách, hầu như không bao giờ đụng tới nữa. Khoan bàn đến vấn đề nội dung cuốn sách (vì tôi có đọc đâu mà bàn!), chỉ nói đến cái tựa sách và thể loại của nó cũng đủ thấy rằng tâm hồn đơn sơ của tôi lúc ấy đã không có một chút cảm hứng nào để đọc. Nếu lúc ấy, Đức mang cho tôi một cuốn thơ thì hẳn là tôi đọc say mê hơn. Dù tôi có nhiệt huyết muốn làm một cái gì đó, hay tham gia một tổ chức nào đó để đóng góp cho quê hương, tâm tư tôi vẫn chưa sẵn sàng để đọc loại sách chính trị khô khan đó. Cũng có thể là tôi chưa liên kết được sự quan hệ giữa cuốn sách Quân Vương với thái độ và hành động chính trị của những người chí sĩ muốn làm cách mạng. Trong ý thức, hay trong cảm xúc mơ hồ của mình, tôi chỉ thấy rằng nếu có tổ chức nào vì thương yêu dân tộc đứng lên chống lại chính quyền, tôi sẽ sẵn sàng đi theo họ cho dù tôi chưa trang bị cho mình bất cứ tư tưởng, ý niệm, hay kiến thức gì về chính trị.

Và do vì Đức không bao giờ trở lại, ý niệm sơ khai về một cuộc đấu tranh cũng như nhiệt huyết cách mạngcủa tôi dần dần lắng dịu. Tuy thế, tôi cũng loáng thoáng thấy rằng, trong tôi đã có những thay đổi lớn từ khi đất nước đổi thay chế độ. Từ đời sống êm đềm của một chú tiểu, một học sinh, chỉ biết tu học và suốt ngày trau luyện tâm chí mình bằng những tiếng kệ câu kinh và sự thiền định, bây giờ tôi đã có thể nghĩ đến chuyện dấn thân vào một tổ chức chính trị nào đó để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Việc dấn thân như thế, tôi xem như là nghĩa vụ dẹp trừ những điều xấu ác, cũng như xưa nay, tôi cũng đã từng học theo các nhà sư đi trước, cầm chổi quét sạch lá vàng và rác rưởi rơi rụng đầy ở sân chùa mỗi sáng.

Ô

Có tin mới từ Sài Gòn mang ra: thầy Tuệ Sỹ bị bắt giam ở trại giam trên đường Phan Đăng Lưu, một trại giam khét tiếng của Sở công an thành phố Sài Gòn (tên mới là thành phố Hồ Chí Minh). Điều này có nghĩa rằng lá thư trước đây từ Thái Lan gửi về với thủ bút của thầy ấy chỉ là ngụy tạo. Thư ấy gửi về với mục đích đánh lạc hướng mấy anh công an đang chằm hăm theo dõi thầy ấy mà thôi. Trong Sài Gòn, thầy Tuệ Sỹ đã kết hợp với một số người khác, thành lập một tổ chức chính trị gì đó, rồi bị bắt. Tin đưa về không được chi tiết lắm. Thượng tọa Đỗng Minh, giám đốc hãng vị trai trên đường từ Sài Gòn về Nha Trang cũng đã bị công an Hàm Tân bắt giữ một thời gian. Từ trại tù ra, có lẽ chính Thượng tọa giám đốc là người mang theo cả tin tức về thầy Tuệ Sỹ thì phải. Cũng theo lời Thượng tọa giám đốc, tình hình các chùa trong Sài Gòn có vẻ căng thẳng lắm. Chuyện mấy thầy tu bị bắt bỏ tù không phải là lạ gì trên đất nước này. Nhưng đây là chuyện lúc đó làm xúc động tôi nhiều nhất. Có lẽ một phần vì Thượng tọa giám đốc, và nhất là thầy Tuệ Sỹ, đều là những người khá gần gũi với tôi, ít nhất cũng trong liên hệ sống chung dưới một mái viện và làm việc chung nơi hãng vị trai.

Mà sự kiện thầy Tuệ Sỹ vào Sài Gòn hoạt động chính trị ở một khía cạnh khác, đã làm tăng thêm niềm tin tưởng trong tôi rằng, ý tưởng tham gia một tổ chức chính trị nào đó của tôi trước đây rõ ràng là điều hợp lý, có chính nghĩa. Đâu phải là đến lứa tuổi thanh niên thì con người bỗng bồng bột nẩy sinh những ý niệm hơn thua, muốn thi thố tài năng và sức lực của mình! Có một nguyên nhân, không, ở đây khoan hãy nói đến nguyên nhân, cứ nhìn và nói về những gì cụ thể: cái hậu quả thống khổ cùng cực mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu là một thực trạng bất toàn, cần phải được điều chỉnh, thay đổi hoặc phải xóa bỏ đi.

Tôi suy nghĩ đến điều đó, nhưng rồi tôi lại cúi đầu xuống, tiếp tục sống an phận với sinh hoạt thường nhật của viện, vì trước mắt, tôi có còn con đường nào khác đâu. Tổ chức nào đó của nhóm giáo sư sinh viên mà Đức có tham gia, đã bị tan rã. Thầy Tuệ Sỹ mới xuống núi chưa đầy một năm đã bị bắt. Hình như chưa đến lúc, hoặc vì những tổ chức chính trị ấy chưa đủ tầm vóc để tập trung sự hưởng ứng của nhiều người.

Không khí các chùa Nha Trang và đặc biệt ở viện Hải Đức càng lúc càng trở nên buồn tẻ, ngột ngạt. Công an đã rút khỏi dãy nhà mới, nhưng giao lại cho bộ đội lên trú đóng. Mấy anh bộ đội thì dễ chịu hơn, không thèm để ý gì đến chuyện trong chùa viện như mấy anh công an trước đó. Dù sao, sự hiện diện của họ cũng không khác chi mấy về bản chất: vẫn là một hình thức của sự chiếm đoạt ngang ngược, chẳng đem lại niềm vui tươi thoải mái gì cho không khí thơ mộng của ngọn đồi này cả. Tôi chỉ còn biết tự khuây khỏa lòng mình bằng cách thường lui tới chùa Diên Thọ ở Diên Khánh, cách viện Hải Đức non mười cây số.

Từ viện ra đến đường lộ chính mất chừng năm phút, đứng đón xe lam đi Thành, chạy khoảng nửa giờ là đến chùa Diên Thọ. Nhưng thường thì tôi đi xe đạp, thấy thú vị hơn.

Chùa Diên Thọ được coi là ngôi chùa trung ương của quận giáo hội Diên Khánh. Người ta quen gọi là chùa Quận hội, hay gọi tắt là chùa Quận. Chùa này do thầy tôi trụ trì, nhưng người trực tiếp trông coi là chú Quyết, một sư huynh của tôi. Đầu tiên, tôi theo thầy tôi đến chùa Diên Thọ để lo phụ giúp chú Quyết sửa soạn cho ba ngày Tết; rồi về sau, thầy tôi còn nhiều lần gọi tôi đi theo để phụ thầy làm lễ sám hối mỗi nửa tháng cho Phật tử ở quận Diên Khánh, cho nên càng lúc tôi càng thân với chú Quyết nhiều hơn. Nhiều khi không đợi tới dịp lễ, tôi tự động đạp xe lên Diên Khánh ở chơi với chú Quyết vài hôm.

Nhưng ở chùa Diên Thọ, vui nhất vẫn là vào mấy ngày Tết. Ngoài chú Quyết và tôi, còn có chú Hải, chú Phượng, hai sư huynh khác của tôi, từ viện Hải Đức lên chơi nữa. Chỉ có dịp này huynh đệ đồng môn chúng tôi mới có cơ hội tụng kinh, trò chuyện, trao đổi và tìm hiểu nhau nhiều hơn. Ở vùng quê như quận Diên Khánh, không khí ngôi chùa không bị căng thẳng như các chùa Nha Trang. Chùa cũng có sân rộng, cây cao bóng mát, nên tôi thích thú vô cùng.

Chú Quyết là người rất giỏi dang, một mình chú lo chu tất mọi công việc trong chùa từ trong ra đến ngoài. Huynh đệ chúng tôi có đến đó thì cũng chỉ phụ giúp thêm mà thôi. Tuy nhiên, trong số môn đồ của thầy, tôi là đệ tử rành nghi thức tụng niệm hơn cả (theo nghi lễ Huế, tức là phải biết cả các điệu tán xắp, tán rơi, tán trạo, thỉnh…), nên mỗi khi chùa Diên Thọ có lễ lớn hoặc cần cúng quải gì thầy tôi cũng gọi tôi đi theo. Không biết với dụng ý thăm dò tâm ý hay vì lý do nào khác, đã có lần thầy cười cười nói với tôi:

“Sau này con thay thầy làm trụ trì chùa Diên Thọ này được đó.”

Thực ra tôi chưa lúc nào nghĩ đến chuyện trụ trì một ngôi chùa, dù là chỉ dự phóng cho tương lai. Các tăng sĩ trẻ tuổi như tôi hình như cũng đều như vậy. Chúng tôi xuất gia là để tìm cái gì khác chứ không phải cưu mang cái mộng làm trụ trì hay tu viện trưởng… Nói vậy không có nghĩa là xem nhẹ trách vụ của trụ trì hay tu viện trưởng như cái gì tầm thường, nhưng vì đó là những trách vụ khá nhiều ràng buộc mà tôi tự biết tâm chí cũng như sở thích của mình không thể thích hợp. Huống chi, thầy tôi có vẻ chỉ nhìn nơi khả năng ứng phó đạo tràng–tức là năng khiếu về nghi lễ, thường là bao gồm luôn cả khả năng quản lý một tự viện–của tôi so với các sư huynh để mớm thử đề nghị đó. Đó là điều chẳng có gì đáng hãnh diện. Nếu chỉ căn cứ vào khả năng ứng phó đạo tràng để đề nghị tôi trụ trì thì chẳng khác nào ngầm ý rằng tôi có khả năng làm một ông thầy làng, một ông thầy cúng! Những ông thầy đám ở nhà quê đâu có thiếu khả năng đó. Có thể tôi đã hiểu sai thiện ý của thầy tôi, nhưng dù sao thì chuyện trụ trì cũng không phải là điều thích hợp đối với tâm chí tôi lúc đó. Tôi đáp:

“Dạ… còn chú Quyết, chú Hải, chú Phượng… Hơn nữa, con sợ con không thể trụ mãi một chỗ…”

“Bộ muốn làm đạo sĩ hành cước lang thang sao?”

Tôi cười không đáp. Tôi nghĩ là thầy tôi phải biết rằng tôi đâu có cái mộng làm vị thầy trụ trì một ngôi chùa. Và làm sao tôi có thể quên được giấc mộng khôn nguôi của chính thầy tôi đã ảnh hưởng đến tôi từ lúc nhỏ qua câu thơ bất hủ của thi sĩ Huyền Không mà thầy tôi treo ở vách gần bàn viết: “Gót đạo sĩ bốn phương trời rảo bước…”Thầy tôi đã một đời dính mắc vào các trách vụ ứng phó đạo tràng, quản lý tự viện, phải chôn chân một chỗ, không gỡ ra được, thầy đâu muốn tôi phải tiếp nối bước chân thầy theo ngả ấy. Hay là trong mắt thầy, chỉ có con đường ràng buộc đó mới có thể giữ được chân tôi với nẻo đạo? Tôi băn khoăn suy nghĩ, có niềm tin rằng xưa nay thầy với tôi thường căn cứ vào tâm tính của mỗi đệ tử để chỉ dạy, có thể thầy đã nhìn thấy trước là tôi chỉ có thể thành công hay ít nhất là giữ được đạo trong cương vị một ông trụ trì, tu viện trưởng, ở trụ một chỗ để tiếp dẫn đồ chúng… Tôi đang còn nghi hoặc trong lòng nên không nói gì. Thầy tôi tiếp:

“Coi bộ trong chế độ này mình cũng khó lòng thực hiện chuyến du hóa bốn phương đó nghe. Ai ở đâu ở yên một chỗ chứ có đi đâu được. Cái hộ khẩu giữ chân người ta lại mà. À, nếu ở đây mà cho con vô được hộ khẩu thì tốt đó chứ. Sống ở đây thoải mái hơn Nha Trang, phải không? Để thầy hỏi xem người ta có lo hộ khẩu cho con ở đây được không.”

Tôi thưa ngay:

“Bạch thầy không cần đâu. Con ở viện cũng quen rồi. Với lại, con cũng đã lo được hộ khẩu bên chùa Linh Phong.”

Thầy lặng thinh rồi bỏ qua chuyện đó, không bao giờ nhắc tới vấn đề lo hộ khẩu ở chùa Diên Thọ hay tương lai trụ trì gì nữa. Vậy có thể tôi đã hiểu sai ý thầy. Và bây giờ, cái tâm sinh chuyện của tôi lại nẩy sinh cảm giác là hình như thầy tôi không muốn tôi ở viện. Tôi ôn lại thời gian còn làm chú tiểu, đã có lần thầy đưa tôi qua chùa Linh Phong, rồi cho tôi đi học xa tận Hội An; bây giờ, thầy lại đề nghị tôi rời viện để lên Diên Khánh… Tôi không rõ thầy có chủ ý gì. Phải chăng trong sự xét đoán của thầy, tôi là đứa đệ tử cần phải xa thầy thật xa mới có thể nên người được?

Cái nghi vấn đó chưa kịp phai nhạt trong ý thức tôi thì một hôm, sau bữa cơm chiều ở viện, thầy bỗng gọi tôi vào phòng riêng của thầy, nói:

“Khi sáng thầy Trừng Hùng có qua đây thưa chuyện với thầy. Thầy ấy nói tình hình bây giờ căng thẳng quá, công an có đến xét chùa tối qua, họ hỏi con và yêu cầu thầy Trừng Hùng phải gọi con về ở bên đó thường xuyên chứ không thể kéo dài tình trạng vắng mặt hoài được. Nếu con muốn ở đây thì cũng phải xin phép công an bên đó, nếu không… thầy Trừng Hùng đòi gạch tên con khỏi sổ hộ khẩu. Thầy cho con biết vậy, con coi có thể tính được làm sao không?”

Tôi thưa ngay:

“Dạ không sao, bạch thầy, Thầy Trừng Hùng muốn vậy thì con phải qua đó.”

“Ừ, qua cho nó khỏe chứ không thôi lại bị rắc rối với chính quyền rồi lại bị thầy Trừng Hùng gạch mất tên trong hộ khẩu nữa. Con cứ qua đó, khi nào có việc gì cần thì về đây. Phòng và đồ đạc của con thì cứ để lại, khi nào thích thì về nghỉ ngơi. Đem theo cái gì cần thiết thôi. Bên đó bên này cũng gần chứ có xa xôi gì. Chạy qua chạy về cho vui.”

“Dạ,” tôi đáp, bụng nghĩ thầm, “bây giờ mới thiệt đúng là oan gia đường hẹp, chạy trời không khỏi nắng… cuối cùng cũng quay trở lại với thầy Trừng Hùng đây!”

Ngay hôm sau, tôi thu tóm mùng màn, áo quần và dăm ba cuốn sách của mình để qua chùa Linh Phong. Ống sáo và cây đàn ghi-ta, tôi để lại trong phòng riêng vì trước đây có nghe chú Đức nói rằng thầy Trừng Hùng đã đập bể ống sáo của chú ấy. Mặc dù ở viện tôi cũng không dám công khai đàn hay thổi sáo trước mặt thầy tôi hay các vị thượng tọa khác, nhưng có phòng riêng để cất mấy nhạc cụ đó thì vẫn tốt hơn là mang qua nộp cho thầy Trừng Hùng.

Thu xếp xong hành lý, tôi ngồi lại một lúc trong căn phòng nhỏ của mình. Cảm thấy một điều gì đó vừa buồn nhẹ mà cũng vừa phấn khởi. Buồn vì xa khung cảnh đẹp đẽ của viện Hải Đức; phấn khởi vì chợt thấy chuyến đi qua chùa Linh Phong lần này không chừng lại là một nhân duyên tốt để tôi bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống giới hạnh nghiêm túc mà gần một năm nay tôi có vẻ lơ là buông thả. Tôi mím môi tự dặn lòng: “Kể từ nay, phải lấy lại những gì đã mất.”

Rồi tôi vui vẻ lên đường. Lần này tôi chỉ đi một mình, không có thầy Thông Chánh đưa tiễn hay dẫn dắt giới thiệu, vì như đã nói, giữa tôi và thầy Thông Chánh không còn mối liên hệ thân mật như xưa nữa.

Chú Đức thấy tôi qua thì vui lắm, vỗ vai tôi, nói:

“Cha, đỡ quá, từ nay đi cúng có chú tiếp hơi, không thấy mệt nữa.”

Tôi chỉ cười. Câu chào vui của chú ấy cũng nói lên được phần nào sinh hoạt thường nhật của chùa Linh Phong rồi. Khi tôi vào phòng khách để bái thầy Trừng Hùng, thầy dặn dò:

“Thầy mi gởi mi cho tao trông coi. Từ nay mọi sinh hoạt cứ theo mấy chú ở đây mà làm. Có ba đứa thôi, thay phiên nhau tụng kinh, thỉnh chuông, quét tước dọn dẹp, nấu cơm nấu nước. Ăn uống thì ở đây kham khổ lắm, tu hành mà, có chi ăn nấy, không sướng như bên viện đâu. Ngủ nghỉ thì cũng có giường riêng như bất cứ chùa nào, nhưng không có phòng riêng như bên viện Hải Đức. Ba chú ở chung dãy nhà Đông bên kia. Đúng giờ thì lên giường, đúng giờ thì thức dậy công phu khuya… Chịu được thì ở, không được thì nói cho biết để tao tính.”

Tôi thưa:

“Dạ được chớ. Sinh hoạt chùa nào cũng như nhau. Có khác chăng là khác ở cảnh chùa rộng chùa hẹp mà thôi.”

“Hẹp, dĩ nhiên là chùa này hẹp hơn bên viện rồi đó. Sao, ở hẹp không được hả? Muốn chỗ trời cao, biển rộng để vẫy vùng cho thỏa thích hả?”

Tôi lặng thinh, tự nhủ: “Đây là khóa học nhẫn nhục thứ hai, cũng diễn ra trong cùng ngôi trường nhỏ năm xưa. Nhưng lần này, ta phải quyết tâm làm cho được nhiệm vụ của mình; nhiệm vụ đó không những là phải tự thắng mà còn phải cảm hóa luôn cả ông thầy thủ cựu khó tính này nữa!”

Tự nhắc mình như vậy, tôi thấy trong lòng có nhiều hứng thú hơn. Tôi thay đổi thái độ ngay lập tức, mỉm cười, rồi lễ phép thưa với thầy Trừng Hùng:

“Con đến đây để cùng với mấy chú nương thầy tu học. Đâu có dám đòi hỏi chỗ rộng, chê chỗ hẹp. Thầy dạy sao, con theo vậy. Cái gì không đúng thì xin thầy chỉ bảo cho.”

Nghe tôi thưa như vậy, thầy Trừng Hùng mới dịu xuống, bảo chú Đức đưa tôi qua dãy nhà Đông để cất đồ đạc. Qua đến nhà Đông, chú Đức quay lại nói với tôi:

“Sao khi không đang ở bên đó mà lại chui đầu vào đây? Tôi đang tính chuyện… bỏ đây thì chú lại đến!”

“Chú tính đi chùa khác à? Vậy chuyện hộ khẩu làm sao?”

“Suỵt, coi chừng thầy ấy biết. Nếu mình lo được hộ khẩu chỗ khác thì mới bỏ đây được. Bây giờ cứ tạm thời ở đây thôi. Nhưng nói thực là ở đây ngán lắm, ê ẩm lắm! Tôi sợ chú ở viện quen rồi, chịu không nổi ở đây đâu.”

“Dữ vậy sao. Tôi cũng chịu cực chịu khổ giỏi lắm chứ bộ chú tưởng… Hơn nữa, nhìn qua thấy chùa bây giờ cũng thay đổi nhiều lắm, có nhiều tiến bộ lắm. Chắc không đến nỗi nào. Chùa có điện nước, phòng ốc cho tăng chúng… vậy là thoải mái hơn mấy chùa quê quá rồi.”

“Vấn đề không phải ở chỗ chịu được cực khổ hoặc có tiện nghi tối thiểu hay không mà là… thôi, khỏi cần phải nói, để một vài ngày rồi tự khắc chú biết. Ủa, tôi nhớ chú kể là hồi xưa chú có ở đây mà?”

“Có. Nhưng bây giờ quên hết rồi. À, nhớ chứ. Nhớ là hình như thầy Trừng Hùng hơi khó tính.”

Chú Đức bật cười lên một tràng:

“Nhớ vậy là quá đủ rồi. Có chừng đó thôi chứ mấy. Nhưng bao nhiêu chuyện khác cũng sinh ra từ đó mà thôi.”

“Tôi biết chứ. Gặp thầy ấy mấy lần lúc lo chuyện hộ khẩu là biết rồi. Nhưng tôi vẫn hy vọng là tụi mình nói vô nói ra, góp ý kiến, nhiều lần, có thể thầy ấy sẽ thay đổi dần.”

“Chú nói thiệt hay nói chơi vậy? Thay đổi thầy ấy? Đừng có hòng. Thấy ấy chỉ muốn thay đổi tụi mình thôi. Trong mắt thầy ấy, tụi mình vẫn là những chú tiểu.”

“Cũng được, làm chú tiểu hoài sướng chứ!”

“Nhưng chú tiểu thì phải… thôi, nói ra mệt lắm. Bây giờ phải xuống bếp nấu cơm cái đã. Bữa nay phiên tôi. Mai phiên chú Thể. Có chú nữa thì thêm một phiên há. Chú làm bếp nấu cơm được chứ hả?”

“Được. Chỉ sợ là không khéo thôi. Nấu món gì đơn giản thì không sợ.”

“Đây thì nấu đơn giản rồi, chẳng có gì rườm rà hết. Này nhé, nêm thức ăn thì thường chỉ bỏ muối hay chút đường, không bao giờ dùng bột ngọt. Chiên hay xào thì đổ chút xíu dầu cho có lệ vậy thôi, đúng ra phải nói là chiên xào thức ăn bằng nước chứ không phải bằng dầu. Thiệt đó, đổ chút nước cho khỏi cháy chảo, rồi nêm muối. Vậy là xong.”

“Gì kỳ vậy! À, tại chùa nghèo không có tiền mua dầu, bột ngọt chứ gì. Thì từ mấy năm nay mấy thứ đó khan hiếm lắm mà.”

“Không phải, dầu ăn, bột ngọt, dù thầy ấy chưa bao giờ bỏ tiền ra mua nhưng bá tánh đem cúng từ lâu nay dồn chứa lại cũng đầy cả kho ở dưới đó chứ. Nhưng thầy Trừng Hùng không cho xài. Chỉ khi nào có lễ lược, Phật tử dưới núi lên nấu nướng, lúc đó thầy mới lấy cái lọ nhỏ, chắt ra chút dầu ăn, rồi xé một tờ giấy nhỏ để sớt ra chút bột ngọt.”

“Khiếp! Tiết kiệm dữ vậy!”

“Cho nên mấy bà phật-tử phụ trách nấu nướng lúc nào cũng mua thêm dầu, bột ngọt đem theo để khỏi phiền thầy trụ trì phải mất công san sớt. Nhiều người không biết, tưởng chùa không có dầu và bột ngọt nên cúng cả thùng dầu bự, bột ngọt thì cúng cả ký lô, nhưng rồi thầy ấy cũng đâu cho xài.”

“Nhưng những thứ đó để trong kho hả? Để tôi lấy xài coi thầy ấy nói sao!”

“Xì, chú tưởng chú mới dám nói còn tôi thì lặng thinh lâu nay đó hả? Còn lâu. Nói thiệt, ăn chay mà không có dầu ăn với bột ngọt thấy ngán quá trời. Tôi có cằn nhằn cái vụ đó hoài đó chứ, nhưng thầy ấy nói thầy bệnh bao tử không ăn dầu, không ăn bột ngọt được. Vậy chú nói làm sao? Không lý cứ nấu đại theo ý mình để thầy nhịn ăn? Mà nấu đại cũng khó, vì dầu ăn thỉnh thoảng mình còn lấy ra nấu khi thầy ấy đi vắng, vì có nguyên một thùng bự nằm trong kho. Chứ bột ngọt thì thầy ấy đem cất vào tủ riêng, khóa lại, làm sao mà lấy. Cái tủ đựng ba cái đồ quý của thầy ấy đó mà.”

“Kỳ cục! Thầy ấy bệnh chứ có phải tăng chúng bệnh đâu mà bắt tăng chúng ăn theo, kiêng cữ dầu, bột ngọt!”

“Thì tôi cũng nói như vậy đó. Nhưng có thay đổi gì được đâu. Thầy ấy bây giờ là trụ trì mà, lại là chủ hộ nữa, mình cãi cho lắm rồi thầy đuổi thôi chứ có ích gì. Tôi và chú Thể đều bị thầy ấy hăm đuổi mấy lần rồi đó chứ.”

“Thiệt tình…”

Vừa lúc đó, thầy Trừng Hùng từ nhà Tây bước qua, nói:

“Chiều nay tao không ăn cơm chùa. Phải đi cúng đám, đến tối mới về tới. Mấy đứa bay lo nấu cơm ăn với nhau, khỏi để phần. Thằng Khang cũng luân phiên với mấy đứa kia nấu cơm nghe chưa.”

Nói rồi thầy ấy xuống núi. Chú Đức kéo tôi qua phía bếp:

“Chiều nay thầy ấy đi vắng để tôi đãi chú ăn bánh xèo!”

“Chú biết đúc bánh xèo sao?”

“Biết chứ, dễ thôi chứ khó gì. Chút nữa chạy ra chợ mua bột gạo, đậu hủ chiên, nấm rơm, giá, boa-rô là mình có một bữa bánh xèo ngon rồi. Tôi đãi ăn mừng chú đến chùa mới… à không, trở về mái chùa xưa!”

“Để học bài học nhẫn nhục…”

“Bài học nhẫn nhục hả? Hy vọng chú học được đó, chứ tôi thì học chẳng nổi rồi, phải bỏ ngang một ngày gần đây, chú đến thay thế tôi há.”

Giọng chú Đức có vẻ cay đắng. Tôi thấy tội nghiệp thay cho chú. Một tăng sĩ trẻ của giáo hội đang học tại Phật học viện đầy hứa hẹn, trong xã hội mới, phải chui đầu vào cái xó xỉnh này để học lại những bài học vỡ lòng của tuổi để chóp năm xưa! Thương cho chú ấy tức là cũng tự thương cho thân phận mình. Tôi thấy buồn vô hạn, nhưng tôi cũng tự dặn lòng, tôi phải vượt qua tất cả những thử thách nào đang giăng ra trước mắt. Dù có trường lớp hay không, con đường của người xuất gia vẫn là tìm cầu giải thoát giác ngộ. Hoàn cảnh xã hội đổi thay nhưng mục đích đó vẫn vậy, cái mục đích tối hậu đó dường như chẳng dính nhập gì đến các chương trình của trường lớp. Biết đâu chung sống với vị thầy thủ cựu một cách thái quá này mà có thể tìm được cái mình muốn tìm!

“À, chú Đức, tôi quên hỏi chú… cầu tiêu ở đâu. Tôi có ở đây một thời gian hồi nhỏ rồi mà tự dưng quên mất là cầu tiêu nằm chỗ nào.”

“Cầu tiêu đó hả?... Ha ha, cầu tiêu? Danh từ gì mà nghe lạ quá, hình như tôi mới nghe lần đầu, ở đây chưa hề xài danh từ đó. Nó là cái gì vậy?”

“Đừng có giỡn nữa. Tôi hỏi thiệt đó, nhà cầu đâu, phía sau bếp hả? A, nhớ rồi, hồi tôi ở đây… hình như là phải vác cuốc ra sau núi… Không, có chứ, có một con đường mòn chạy ngoằn ngoèo dẫn tới một cái hầm với miếng ván bắc ngang… Chao ôi, lại gặp cái địa ngục đó dài dài nữa rồi!”

Chú Đức cười phá ra, cười tràn cả nước mắt. Chùa Linh Phong từ nhiều năm rồi vẫn chưa xây được cái cầu tiêu. Và nhà tắm cũng không nốt. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử (gần hai trăm năm từ thời lập chùa) mà rồi chùa Linh Phong vẫn nhất quyết là không xây cầu tiêu và buồng tắm! Vậy là phải tắm ban đêm, đứng sau bìa núi, dội nước lạnh và run trước gió. Chú Đức nói thầy Trừng Hùng là vị trụ trì có thừa tiền để lo chuyện xây cất nhà tiêu và buồng tắm nhất, nhưng thầy đã không làm mà cũng chẳng đưa ra lý do gì về quyết định đó. Và như vậy, nhiều năm nay, từ thầy trụ trì đến tăng chúng, cho đến khách thập phương, đều phải đi ra ngoài núi, nơi có một cái hầm lớn có miếng ván bắc ngang. Nhắm mắt thì sợ lọt xuống hầm, mà mở mắt thì dĩ nhiên là phải thấy, ôi, cả một cái địa ngục nhầy nhụa với hằng hà sa số sinh linh đang ngoi ngóp, quằn quại!...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2021(Xem: 27114)
308. Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203) Đời 12, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 308 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 0911/2021 (05/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Tu Viện Quảng Đức 85-105 Lynch Road Fawkner, VIC 3060 Australia Tel: 03. 9357 3544; 0481 169 631
08/11/2021(Xem: 3361)
Mấy em tôi gọi điện thoại qua mét, giọng bực bội: “ Chị nói với Ba. Ổng bệnh vậy mà cứ lén hút thuốc hoài.” Ba tôi đã trên chín mươi và đang bị ung thư gan. Ai cũng nói ung thư gan sẽ đi rất nhanh. Ba tôi đã chuẩn bị tinh thần. Má tôi và chị em tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cả rồi nhưng ba vẫn kiên cường trụ được hơn ba năm dù lâu lâu phải cấp cứu. Bản thân tôi đã hơn ba lần bay về để tiễn biệt ba. Tụi nó mét tôi vì nghĩ rằng tôi là chị lớn, lại là người cung cấp tài chánh cho ông cụ mấy chục năm nay. Chúng tin là tôi có uy tín với ông nhất. Tôi hỏi lại:” Lén hút là sao?”
06/11/2021(Xem: 12831)
Kinh Hoa Nghiêm là tên gọi tắt của bộ ‘Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh’ do Ngài Long Thọ Bồ tát viết ra vào thế kỷ thứ 2, tức khoảng 600 năm sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Hoa Nghiêm (Avatamsaka) có nghĩa là đóa hoa tuyệt đẹp, thanh khiết. Phần Hán tự đã được dịch ra từ thế kỷ thứ 5, dưới ba hệ thống Bát Nhã (40 quyển), Giác Hiền (60 quyển) và Nan Đà (80 quyển) . Nhập-Pháp-Giới (Gandavyuha) là phẩm thứ 39 trong số 40 phẩm, cũng là phẩm dài nhất, tiêu biểu cho giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm nói riêng và Phật giáo Đại thừa nói chung, diễn tả con đường cầu đạo của ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 52 vị Thiện Tri Thức dưới nhiều hình tướng, khởi đầu là ngài Văn Thù Sư Lợi, chư Thiên, Dạ thần, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Đức Phật Di Lặc..., và cuối cùng là Ngài Phổ Hiền.
05/11/2021(Xem: 22310)
307. Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 - 1190), Đời thứ 11, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 307 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 06/11/2021 (02/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
04/11/2021(Xem: 3771)
Sau khi lên ngôi không lâu, Tào Phi tìm cách trừ khử mọi mối nguy hiểm với ngai vàng của ông. Trong số đó có em trai ruột – Tào Thực cũng trở thành mục tiêu. Tào Thực nổi tiếng với tài thơ văn xuất chúng hơn người. Tài năng này của ông được các sử liệu công nhận và cả trong các tác phẩm văn học đề cập đến ông. Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tào Phi khi mới lên ngôi vua, trước mặt quần thần đã ép Tào Thực nội trong bảy bước chân phải làm một bài thơ về đề tài huynh đệ, và trong thơ không được có 2 từ huynh đệ, nếu không được sẽ xử chết.
04/11/2021(Xem: 27095)
306. Thiền Sư Tịnh Giới (? - 1207) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 306 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 04/11/2021 (30/09/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
02/11/2021(Xem: 28081)
305. Thiền Sư Minh Trí (? - 1196) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 305 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 02/11/2021 (28/09/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃
01/11/2021(Xem: 4828)
Lời dẫn 2021: Cuộc đời Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc nơi đây dịch theo nhiều tài liệu, nhưng phần chính là từ học giả John Stevens. Ngài Bạch Ân ngộ đạo là từ tham công án, dạy pháp cũng là qua công án. Do vậy, đọc tiểu sử của ngài sẽ có lợi cho người học Thiền theo công án.
30/10/2021(Xem: 27720)
304. Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 304 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 30/10/2021 (25/09/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Tu Viện Quảng Đức 85-105 Lynch Road Fawkner, VIC 3060 Australia Tel: 03. 9357 3544; 0481 169
29/10/2021(Xem: 3225)
Hoa đang hay đã nở có nghĩa là hoa cũng sắp tàn. Điều nầy cũng có nghĩa là người còn đang sống, cũng sắp có ngày ly biệt. Đây là định luật chung của đất trời, vạn vật qua 4 giai đoạn là thành, trụ, hoại và diệt. Nếu ai trong chúng ta không chấp nhận những nguyên tắc nầy thì người ấy sẽ khổ suốt đời. Vì không chấp nhận một thực thể, một hiện tượng trong cuộc sống vốn dĩ là như thế. Bởi lẽ cái gì có đến thì phải có đi, có còn thì phải có mất. Không có gì vĩnh cửu, mãi mãi tồn tại trên cuộc đời nầy, ngoại trừ chân lý.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]