Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Vá áo chép kinh

05/09/201103:08(Xem: 3537)
07. Vá áo chép kinh

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

Vá áo chép kinh

Trong thời gian ở Houston dự Lễ Hội Quan Âm lần thứ bẩy, chúng tôi cố thu xếp thì giờ ghé thăm tư gia cư sỹ Liên Hoa-Diệu Tịnh.

Ngôi nhà khang trang bên bờ hồ mà ngay từ cửa vào, khách đến thăm đã cảm nhận được tâm hồn của chủ nhân, những tâm hồn đẹp đẽ, đem sáng tạo mỹ thuật vinh danh Đạo Pháp. Nơi đây, tôi từng được chủ nhân ưu đãi, dành một phòng riêng mỗi lần đến Houston. Nhưng lần này, tôi được tháp tùng sư phụ, sư huynh, sư tỷ nên mấy thầy trò lấy phòng ở khách sạn, gần chùa Việt Nam để ban vận chuyển của chùa tiện đưa đón trong thời gian Lễ Hội.

Cuộc hội ngộ bất ngờ chiều chủ nhật đã thành buổi thiền trà đầy đạo vị vì có sự hiện diện của Thượng Tọa Thích Tâm Hòa. Thầy có giọng ngâm truyền cảm, lại thuộc rất nhiều thơ, từ những bài ngắn, thể năm chữ của thầy Tuệ Sỹ đến những bài dài, thể tám chữ của thi sỹ Vũ Hoàng Chương, thầy đều thoải mái, cất giọng ngâm dễ dàng.

Trong không khí thơ nhạc và hương trà ngát thơm, bất ngờ, thầy đọc hai câu đối của thầy Tuệ Sỹ mà trước khi đọc, thầy đã nói là “Hay lắm!”. Tôi sửng sốt khi thầy đọc trơn tru hai câu đối khá dài, bằng cả chữ Hán lẫn chữ nôm.

Câu thứ nhất: Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn. Dịch nôm: Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nang, vá áo chép kinh đất khách.

Câu thứ hai: Đức hành thế khoác tham phương, tỷ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu. Dịch nôm: Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha.

Thầy đọc lần đầu, tôi như kẻ phàm phu nghe chim thuyết pháp, nghe không kịp, mà cũng chẳng hiểu gì cả! Duy chỉ bốn chữ “Vá áo chép kinh” bỗng dội vào cái đầu u tối của tôi, rồi chợt lóe như lằn chớp, sáng rực hình ảnh Trưởng lão A-Na-Luật ngồi vá áo khi cả ba chiếc y của ngài đều cũ rách tả tơi!

Trong tăng đoàn của Đức Thế Tôn thời xưa, chắc không thiếu các vị tỳ-kheo từng phải ngồi vá áo nhưng không hiểu sao, chỉ hình ảnh ngài A-Na-Luật bật lên khi thầy Tâm Hòa vừa đọc tới 4 chữ “Vá áo chép kinh”?

Lẽ dĩ nhiên, tôi nào biết dung mạo Trưởng lão A-Na-Luật ra sao, nên hình ảnh vị tăng ngồi vá áo, tuy tâm tôi khởi danh xưng ngài A-Na-Luật mà hình ảnh lại là hình ảnh tác giả hai câu đối, là thầy Tuệ Sỹ, là vị tu-sỹ đã đóng một triện son đậm nét trên trang sử Phật Giáo Việt Nam bằng sự im-lặng-sấm-sét trong cơn biến động lịch sử của dân tộc.

Tôi đã xin thầy Tâm Hòa viết cho hai câu đối này để bây giờ, ngồi trong Cốc Thảnh Thơi, từng chữ đang như từng bài pháp cho tôi niềm hạnh phúc vô biên.

Tôi lại khóc.

Thảnh thơi và sung sướng mà khóc.

Tôi khóc vì quá may mắn, có cơ duyên được nghe những lời nhắc nhở đầy Từ Bi, Trí Tuệ này.

“Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn”.

Thời gian như bóng câu qua cửa, bao trạng huống thịnh suy hưng phế dập dồn, mờ mịt quê xưa nghìn trùng cách biệt.

Chiếc lá thuyền nang, vá áo chép kinh đất khách”.

Từ thuở lênh đênh trên con thuyền mong manh tựa lá, lìa xa quê, trôi giạt xứ người, xin hãy an bần giữ đạo.

Có lẽ những gì thiết tha nhất mà thầy Tuệ Sỹ muốn nhắn gửi huynh đệ của thầy là ở nơi xứ lạ quê người, hãy nhớ “biết đủ” theo lời Phật dạy và giữ đạo tâm bền vững. “Vá áo” có phải là tượng trưng cho sự an bần và “Chép kinh” là nhắc nhở một lòng giữ đạo?

Xưa, có lần Đức Thế Tôn hỏi tôn-giả Tu-Bồ-Đề:

- Bậc A-La-Hán có nghĩ tưởng là mình đã đạt đạo A-La-Hán không?

Ý ông thế nào?

Tôn giả Tu-Bồ-Đề cung kính thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, con không nghĩ tưởng như vậy, con mới là bậc A-La-Hán.

Nhớ lại giai thoại này giúp tôi hiểu phần nào niềm ưu ái băn khoăn mà thầy Tuệ Sỹ gửi gấm trong câu thứ hai:

“Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha”.

Dù đường tu có đạt tới đâu, cũng chỉ mong manh tựa sương, tựa nắng; sương mới đó rồi tan, nắng mới đó rồi nhạt, trăng lồng bóng nước, nào phải thật là trăng!

Ngay những bậc A-La-Hán còn chưa dám nhận là A-La-Hán, thế mới thực đắc A-La-Hán.

Đường tu thậm thâm vi tế như thế, nên xin hãy giữ tâm an trụ trong chánh định, chớ vì xứ người dư thừa phương tiện mà đắm chìm tự mãn, quên đi cội nguồn đất tổ vời vợi phương xa. Có lẽ, chữ “Quê cha” ở đây, vừa có nghĩa là Quê Hương đời-thường, vừa ẩn nghĩa thâm sâu là Giác Ngộ, là Giải Thoát, là mục đích tối hậu trên đường cầu Đạo.

Ngồi bán già rất lâu trước bàn thờ Phật, vận dụng cái đầu u tối làm việc, tôi chỉ hiểu lờ mờ hai câu đối trên như vậy. Lòng bỗng khởi niềm mơ ước viển vông “Phải chi được đảnh lễ thầy Tuệ Sỹ, xin thầy chỉ giáo tận tường từ nghĩa cạn tới lý sâu thì thật là hạnh phúc!”

Tôi biết được một điều, là những gì thầy Tuệ Sỹ viết, phải nhìn từ nhiều lăng kính khác nhau mới mong thấy được phần nào tâm tư thầy gửi gấm. Nên những khi may mắn có được gì của thầy, từ dịch thuật kinh điển tới thơ văn, tôi thường lò dò tìm các vị thiện trí thức để xin chỉ dạy. Nhưng cơ hội này chẳng phải dễ, vì những vị tôi đặt niềm tin, lại thường luôn bôn ba hoằng pháp đó đây, gặp được quý ngài chỉ là tình cờ hy hữu!

Như buổi thiền trà đầy đạo vị mà Mẹ Hiền Quán Thế Âm đã vừa cho chúng tôi cơ hội.

Đa tạ Thầy Tuệ Sỹ, vị Thầy tôi chưa một lần được diện kiến nhưng Thầy đã là người dẫn dắt tôi từ những bước đầu chập chững tìm về cửa Đạo. Thầy là niềm an ủi khi tôi gặp nghịch duyên do thế nhân lọc lừa, dối trá.

Thầy là bóng mát khi lòng tôi khô cạn niềm tin.

Chỉ cần nghĩ tới hạnh nguyện Bồ Tát của Thầy là bao nhiêu thất vọng trước thế nhân ác hiểm đều chuyển thành bụi mưa xuân làm xanh tươi đồng cỏ. Những phút giây ấy, tôi lại thấy niềm ước mơ được diện kiến Thầy là không cần thiết. Vì những gì tôi cảm nhận được trên bước đường Thầy đi, đã là quá đủ.

Cây tùng sừng sững, lặng thinh nhưng mạnh mẽ giữa sa mạc nắng cháy, chẳng là niềm khích lệ vô biên cho bao lữ hành đang nổi chìm trong gió cát ư?

Và tôi thấy triết gia D.W.Jerrold rất sâu sắc khi ông ta nói rằng: “Tôn giáo và lòng kính ngưỡng ở trong tim chứ không ở hai đầu gối”.

NAM MÔ TÁT ĐÀ BÀ LUÂN BỒ TÁT (*)

(Cốc Thảnh Thơi- Tháng Tư 2008)

(*) Vị Bồ Tát vì Đạo, quên mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 3774)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
16/10/2010(Xem: 3036)
Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em
16/10/2010(Xem: 2856)
Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ.
16/10/2010(Xem: 2706)
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm...
15/10/2010(Xem: 3094)
Một danh tướng về già muốn tặng thanh kiếm báu của mình cho một tướng quân ở xa. Ông giao trọng trách đó cho một gia nhân, cũng là một tay kiếm xuất chúng. Cẩn thận như vậy, ông vẫn không yên lòng, nghĩ rằng kiếm sĩ này chưa chắc đã đủ chín chắn để giữ kiếm không bị cướp dọc đường. Thanh kiếm không những quý về chất thép mà còn quý vì chuôi kiếm có nạm vàng và ngọc vua ban.
13/10/2010(Xem: 2505)
Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn...
13/10/2010(Xem: 4081)
Vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba. Lưu Hiểu Ba, sinh năm 1955 tại thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, là nhà tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh trong biến cố Thiên An Môn năm 1989 và sau đó liên tục bị sách nhiễu, quản chế tại gia và tù tội. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, ông đã bị bắt vì cùng một số nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc công bố Hiến Chương 2008 đòi xóa bỏ chế độ cai trị độc đảng để tiến tới một xã hội dân chủ cho Trung Quốc. Hiến Chương 2008 cho đến nay đã có hơn 8,500 người tham gia ký tên. Vì Hiến Chương 2008, Lưu Hiểu Ba đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 11 năm tù. Hiện ông vẫn còn ngồi tù ở Liễu Ninh, Trung Quốc.
11/10/2010(Xem: 3110)
Không ngờ tôi lại có được duyên lành đi chung với Thầy Trụ Trì Chùa Tâm Giác một đoạn đường khá xa. Tôi vẫn thường hay đến chùa, vãn hay gặp Thầy nhưng lúc nào Thầy cũng „Phật sự đa đoan“ nên tôi có rất ít thì giờ gần gũi và tiếp xúc với Thầy nhiều. Chuyến đi này thật hữu ích cho tôi vô cùng, tôi đã nghe và thấm nhuần được rất nhiều điều về Giáo lý Phật Đà - một niềm tin mà tôi luôn luôn tôn thờ và say mê khi vừa mới lớn cho đến tận bây giờ và cũng nhờ Thầy mà đoạn đường đi về 260 km không còn xa vời vợi nữa.
07/10/2010(Xem: 3241)
Hiện nay, truyền thuyết Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài được lưu truyền dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác như kể chuyện, ca dao, truyền kỳ, kịch, khúc nghệ, âm nhạc, v.v
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]