NH – Hoàng Thị Doãn
Không ngờ tôi lại có được duyên lành đi chung với Thầy Trụ Trì Chùa Tâm Giác một đoạn đường khá xa. Tôi vẫn thường hay đến chùa, vãn hay gặp Thầy nhưng lúc nào Thầy cũng „Phật sự đa đoan“ nên tôi có rất ít thì giờ gần gũi và tiếp xúc với Thầy nhiều. Chuyến đi này thật hữu ích cho tôi vô cùng, tôi đã nghe và thấm nhuần được rất nhiều điều về Giáo lý Phật Đà - một niềm tin mà tôi luôn luôn tôn thờ và say mê khi vừa mới lớn cho đến tận bây giờ và cũng nhờ Thầy mà đoạn đường đi về 260 km không còn xa vời vợi nữa.
Tôi đã chuẩn bị sẵn những việc cần làm cho ngày hôm sau, ngờ đâu đêm đó dù đã muộn nhưng Thanh Tùng còn điện thoại yêu cầu tôi ngày mai đi Regensburg hộ niệm một đám tang người bạn của Thanh Tùng: Cô Trần Thị Thuý Bình.
Thông thường tôi rất ngại đi xa nhất là chỉ đi về trong một ngày nhưng Thanh Tùng cho biết Ban Hộ Niệm của chùa ngày mai không có ai đi được, chỉ có Thanh Tùng và Thầy Trụ Trì mà thôi. Nghe vậy, tôi nhận lời và hăng hái ra đi vì tôi muốn có dịp đi chung với Thầy, đồng thời xưa nay tôi vẫn thích làm những công tác từ thiện.
Dù biết đã khuya nhưng tôi cũng liều rủ thêm Kim Dung đang nhân dịp nghỉ phép cùng đi luôn cho đông người hơn một chút và Kim Dung đã nhận lời. Thế là ngày mai, ngoài Trọng làm tài xế, tôi sẽ cùng đi, cùng gần kề nhũng người mà tôi đã từng gắn bó yêu thương.
Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi đã đến điểm hẹn, xe Trọng đã chờ sẵn và chúng tôi trực chỉ lên chùa đón Thầy. Khi chúng tôi đến nơi, mọi việc chưa chuẩn bị xong vì tang gia đơn chiếc quá, chỉ có anh Trần Minh Nghĩa, chồng của Thuý Bình, bé Đào con gái của Thuý Bình mới lên 9 và mẹ của Thuý Bình từ Việt Nam sang thăm con trong 3 tháng.
Rồi dần dần bạn bè thân quen đến khá đông, thật cảm động vì gặp ngày làm việc mà số người hiện diện có đến 100 người. Qua sự hướng dẫn của Thầy, tang lễ được cử hành theo nghi thức Phật giáo trong bầu không khí thật trang nghiêm ấm cúng vô cùng. Kim Dung và tôi phụ trách chuông mõ, Thanh Tùng lo phụ giúp việc bên ngoài. Khi Thầy nhiễu quanh quan tài niệm danh hiệu „ Nam Mô A Di Đà Phật“, các đồng hương đều đi theo tạo thành một vòng tròn thân ái, thể hiện lòng thương mến dành cho người quá cố và lòng tôi cũng xúc động rưng rưng.
Sau đó là lời phân ưu đạo tình của Thầy đối với gia đình đượm đầy chân lý cao cả nhiệm mầu của đạo Phật về kiếp người sống chết mong manh. Tiếp theo là anh Thắng đại diện cho hãng Lirr, anh Dũng đại diện thân hữu của anh chị Nghĩa Bình, anh quang đại diện cho tất cả bạn bè từng chung sống với nhau ở Đông Đức và sau cùng là anh Hưng đại diện cho tang quyến cảm niệm công đức Thầy và tất cả những người hiện diện. Cuối cùng là phần niệm hương gĩa biệt của từng người với tất cả đau buồn và thương xót dành cho Thuý Bình và tang quyến.
Còn tôi, lúc mới nhìn di ảnh của em, thấy em còn quá trẻ, còn xinh đẹp mà đã lìa bỏ cõi trần nhất là khi thấy hình ảnh của người Mẹ đã rơi những giọt lệ tre già khóc măng làm cho mắt tôi hai giọt lệ cũng muốn ứa trào! Đã đành, suy nghĩ cho cùng, mọi sự đều sắc sắc không không giữa trùng trùng duyên khởi nhưng sụ mất mát này vẫn là một nỗi tiếc nhớ đớn đau to lớn nhất cho gia đình anh Nghĩa. Nhìn bé Đào còn nhỏ qua, ai cũng xót xa ái ngại và lòng tôi cũng chùng xuống nhưng tôi đành an ủi rằng bé Đào cũng còn hạnh phúc hơn tôi được 8 năm vì mới lên một, tôi đã mất Mẹ rồi; tôi chưa được thấu hiểu lòng yêu thương của Mẹ dành cho mình như thế nào!
Thật tội nghiệp cho bé Đào quá, rồi cũng như tôi, tuổi thơ của bé Đào đã chít vành khăn trang quá sớm để cuộc đời sẽ lận đận lao đao, nước mắt nhiều hơn nụ cười và hành trang vào đời sẽ quá ư đơn độc, cánh cửa hồn nhiên vô tư của tuổi thơ khép lại từ đây! Tôi quá xót xa cho bé Đào vì như Thầy Nhất Hạnh từng viết: “Lớn đến cách mấy mà mất Mẹ thì cũng như không lớn, cũng thấy bơ vơ lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi“.
Qua làn nước mắt, tôi thấy gương mặt hiền hoà của Thuý Bình lung linh giữa nhang khói, giữa những lời kinh tiếng kệ, tiếng chuông tiếng mõ, giữa thực và ảo, tôi bàng hoàng không tin là em đã vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời này một cách mau lẹ như vậy khi tuổi đời còn xanh.
Dù chưa hề quen em, nhưng tôi vẫn cầu xin em hãy thật sự an nghỉ. Những giọt lệ của những người hiện diện hôm nay sẽ tiễn đưa em bước qua hết mọi hệ luỵ ưu phiền, mọi đau thương khắc khoải để trở về miền miên viễn. Sẽ không bao giờ còn thấy lại được em nhưng tôi tin rằng giữa bao sóng gió gập ghềnh trắc trở của cuộc đời, em đã và mãi mãi có một chỗ êm ái trong trái tim của chồng em; và dù quen biết nhiều hay ít, quen sơ hay quen thân, em đã để lại trong lòng những người tiễn đưa một nỗi buồn sâu xa nhất.
Là Phật tử, tôi thường tự an ủi rằng con người nằm trong chu kỳ sinh diệt của vạn vật, sự mất mát là khởi đầu cho sự tái tạo như mùa Đông ảm đạm rồi sẽ qua đi để mùa Xuân tươi thắm lại trở về. Tôi tin vào vòng luân hồi nhân quả của sự sống và sự chết giống như những bông hoa tàn rụng rồi lại hé nở. Dưới ánh mặt trời những buổi sớm mai chỉ khác nhau trên tờ lịch nhưng mọi sớm mai chỉ là sự nhắc lại hôm qua và cả những hôm sau./.