Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 05: Giới Đàn Tăng

19/02/201918:18(Xem: 3352)
Phần 05: Giới Đàn Tăng

GIỚI ĐÀN TĂNG 

Soạn dịch: H.T THÍCH THIỆN HÒA

(Nguyên bản chữ Hán)

PHẦN 5

PHÉP CHO NGOẠI ĐẠO CÙNG Ở

---

 

            Khi bấy giờ có người ngoại đạo tên là Bồ Tát, khéo hay luận bàn. Ông Xá Lợi Phất lấy nghĩa thâm nạn hỏi, ngoại đạo không thể đáp được, liền nghĩ rằng: Sa môn Thích tử, rất là thông minh trí tuệ, tôi nay thà theo ông Xá Lợi Phất xuất gia học đạo, liền đến trong Tăng già lam, xa thấy ông Bạt Nan Đà, lại sanh niệm nghĩ rằng: Ông Xá Lợi Phất ít người quen biết còn trí tuệ đến thế, huống nữa người có nhiều người quen biết, trí tuệ há chẳng nhiều ư? Liền đến chỗ ông Bạt Nan Đà cầu xin xuất gia cho thọ giới Cụ Túc, sau một thời gian khác hỏi nghĩa Thầy, mà Thầy không thể đáp, cho là Thầy ngu tối mà không hiểu biết, vẫn trở về ngoại đạo. các Tỳ Kheo thấy thế bạch Phật – Phật nói: Từ nay trở đi cho ngoại đạo ở trong chúng Tăng 4 tháng, cho cạo tóc, cho mặc áo Ca sa (Man y) thọ Tam quy Thập giới, Tăng nên bạch nhị Yết ma cho đó. Nếu người ngoại đạo kia không giữ pháp bạch y của ngoại đạo, không gần gủi ngoại đạo, không tụng kinh điển ngoại đạo, nói lỗi ngoại đạo họ không giận tức, tùy thuận Tỳ Kheo, có thể làm cho Tỳ Kheo vui mừng, mới cho thọ giới Cụ Túc; nếu thọ giới rồi, trở về vào ngoại đạo, sau trở lại cầu xin xuất gia, thì không nên cho xuất gia, vì là ngoại đạo phá hoại pháp vậy. Khi cho ngoại đạo ở trong chúng Tăng 4 tháng, nên bạch nhị Yết ma, trải to62a đánh kiền chùy họp Tăng các nghi thỉnh rước cũng như Thọ giới Nghi phạm… đợi kia ba lần xin rồi, khiến lui ra, người làm Yết ma nên bạch như thế này:

 

            Đại đức Tăng nghe, ngoại đạo (A) kia nay theo chúng Tăng xin cùng ở trong Tăng 4 tháng, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận nghe, Tăng nay cho (A) kia 4 tháng cùng ở, bạch như thế, (liền nên hỏi rằng): Tác bạch có thành không?

            - Chúng đều đáp rằng : “Thành”.

 

Lại nói rằng: Đại đức Tăng nghe, ngoại đạo (A) kia nay theo chúng Tăng xin cùng ở trong Tăng 4 tháng, Tăng nay cho (A) kia 4 tháng cùng ở, các Trưởng lão nào bằng lòng Tăng cho (A) kia 4 tháng cùng ở, thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói.

Liền nên hỏi rằng: Yết ma có thành không?

- Chúng đều đáp rằng: “Thành”.

 

Lại bạch rằng: Tăng đã bằng lòng cho ngoại đạo (A) 4 tháng cùng ở xong, Tăng bằng lòng thì im lặng, việc ấy như thế mà suốt biết.

            Người làm phép Yết ma cạo tóc, nên bạch như thế này:

 

            Đại đức Tăng nghe, ngoại đạo (A) kia muốn cầu Tỳ Kheo (B) cạo tóc, nếu Tăng phải thời mà đến Tăng thuận nghe, Cho (A) cạo tóc, bạch như thế, (liền nên hỏi rằng): Tác bạch có thành không?

            - Chúng đều đáp rằng : “Thành”.

            (Xem phép cạo tóc ở sau… )

 

PHÉP CẦU XIN Y CHỈ

---

 

            Trong bản luật nói: Có Tỳ Kheo mới thọ giới, Hòa thượng mạng chung, không người dạy bảo, nên không giữ oai nghi làm các việc phi pháp. Các Tỳ Kheo bạch Phật, Phật cho lập A xà lê (quý phạm sư), đệ tử thờ A xà lê tưởng như cha: A xà lê xem đệ tử tưởng như con, lần lượt vâng thờ cũng như phép Hòa thượng.  Nên làm lễ ba lễ, quỳ dài chấp tay cầu xin như thế này:

 

            Đại đức một lòng nghĩ, con là (B) nay cầu Đại đức làm Thầy y chỉ, xin Đại đức cho con làm y chỉ, con nương theo Đại đức mà ở. (Như thế ba lần bạch).

           

            Thầy nên bảo rằng: “Khả nhĩ” (đượccho ông y chỉ. Ông chớ có buông lung.

            - Người cầu đáp rằng:  Y giáo phụng hành.

 

            Bực Thầy làm y chỉ phải là bực đức cao lạp cả có tài trí, Tỳ Kheo 10 tuổi hạ lạp sắp lên, thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, tín tâm có biết hổ thẹn, không lười nhác, không quên mất, không phá Tăng v.v… mới có thể thọ người y chỉ;  hoặc không không như thế, Phật không hứa cho. Tỳ Kheo mới thụ giới, có thể 10 ngày không y chỉ mà ở.

            Trong luật Căn bản Bách nhất Yết ma nói: Ngài Ưu Bà Ly bạch Phật rằng: Thế Tôn nói 5 pháp thành tựu, 5 hạ đã đủ, được lìa y chỉ, dạo đi trong nhân gian: Một là biết tội phạm, hai al2 biết chẳng phạm, ba là biết tội khinh, bốn là biết tội trọng, năm là biết đối với kinh Biệt giải thoát khéo biết phép thông, tắc (Thiện pháp vô sanh là thông; tác pháp sanh diệt là tắc) và hay tụng trì. Nếu có người đủ 4 tuổi hạ, quen tập 5 pháp, được lìa y chỉ không? Phật nói: Chẳng được lấy 5 pháp thành tựu làm định lượng.

Hỏi:  Nếu Tỳ Kheo khéo hiểu biết Tam tạng, chứng hội Tam minh, đã trừ được tam cấu (tam độc) vừa được ba hạ, người ấy cũng cần y chỉ nơi Thầy không? Phật nói: Không do nơi chưa được hay đã được, chưa chứng hay đã chứng, chưa ngộ hay đã ngộ mà được lìa y chỉ, song do thuận theo pháp Phật đã chế. Bởi thế cần phải đủ 5 pháp được thành tựu mới được lìa Thầy mà đi.

 

Lại nói:  Như Thế Tôn nói: Nếu đủ 10 tuổi hạ, 5 pháp thành tựu được lìa y chỉ, cho đến được chứa nuôi Sa Di. Nếu người thọ Cụ Túc giới rồi, tuổi đời được 80, tuổi hạ 60 với kinh Biệt giải thoát từng đọc tụng, mà không rõ nghĩa kinh, đây phải định liệu như thế nào? Phật nói: Tuy 60 tuổi hạ cũng cần phải y chỉ.

 

Hỏi:  Nên y chỉ người nào? Phật nói: Nên y chỉ người già. Nếu không có người già, người trẻ cũng được.

 

Hỏi:  Sự lễ bái đối với Thầy trẻ, phải liệu như thế nào?

Phật nói:  Chỉ trừ lễ bái, còn ra cung giúp, chấp lao phục dịch mỗi mỗi như Sa Di… đều nên làm, người ấy gọi là Tỳ Kheo già mà trẻ (Lão tiểu Tỳ Kheo).

 

Trong luật Thập Tụng:  Nếu người thọ giới nhiều năm mà không biết pháp của Tỳ Kheo, cần phải suốt đời y chỉ nơi Thầy mà ở, nếu 5, 6 đêm không y chỉ thì không phạm. Nếu có Thấy tốt y chỉ, cho đến một đêm không y chỉ thì phạm tội Đột kiết la.

 

Trong luật Tăng Kỳ nói:  Nếu Tỳ Kheo không hiểu biết pháp, không hiểu biết luật, không thể tự lập, không thể lập tha được nên suốt đời y chỉ mà ở. Nếu đủ 10 tuổi hạ, khéo biết pháp, khéo biết luật, có thể tự lập, có thể lập tha, Tỳ kheo như thế được thọ người y chỉ.

Trong bộ Căn bản Ni Đà Na nói: Người chưa đủ 5 tuổi hạ đi khất thực, chốn chỗ đến, cần phải y chỉ. Nếu có tâm cầu Thầy y chỉ, được được 5 hôm, nếu không tâm cầu, rời một đêm cũng chẳng được; ở trong Tăng thọ dụng (giường, chiếu…) các thức uống ăn đều không nên thọ.

 

Trong bộ Căn bản Tạp sự nói: Thầy y chỉ, Thầy dạy học hai Thầy nên cung hầu, ví như cả hai Thầy đều bịnh, có sức thì trong nom hai thầy, nếu không sức thì cùng giúp một Thầy y chỉ. Nếu không Thầy dạy học, tùy chỗ mà được ở, nếu không Thầy y chỉ, không nên nương ở. (Đây là thầy y chỉ cần hơn Thầy dạy học).

 

Nếu tiền an cư, Thầy y chỉ chết, nên lại tìm vị có đức mà y chỉ. Nếu không có, thì đến chỗ khác tìm Thầy y chỉ mà hậu an cư. Nếu hậu an cư, Thầy y chỉ chết, ở trong khoảng hai tháng (Một tháng trăng sáng là 15 ngày, tháng trời tối là 15 ngày) cùng nhau kiểm soát cẩn thận mà ở, quá hai tháng nên đến chốn khác cầu Thầy y chỉ, không được quá trưởng tịnh tuần thứ hai(quá ngày 15-5).

 

Trong kinh Tỳ Ni Mẫu nói:  Thọ y chỉ xong, xin phép 7 ngày ra ngoài giới, đủ 7 ngày trở về đến trong chùa, không mất y chỉ.

 

Trong luật Ngũ Phận nói:  Không cho y chỉ Tăng bốn phương và y nơi tháp mà ở, y như thế, phạm tội Đột kiết la. Cho y chỉ nơi Thượng tọa và Tỳ Kheo y như pháp, có thể dạy ảo, nếu không thọ y chỉ quá 6 hôm phạm tội Đột kiết la.

 

Trong Bổn luật nói:  (đệ) Chẳng được chẳng lựa chọn mà thọ y chỉ và () cho y chỉ không nên sai sứ thọ y chỉ, và cho y chỉ. Nếu như Thầy bịnh, hoặc đi trông nom người bịnh, cho Tỳ Kheo mới thọ giới không y chỉ được ở. Nếu người ưa ở chỗ nhàn tịnh vắng lặng, y chỉ chỗ khác, cần ngay trong ngày được qua về.

 

NGHI THỨC THẾ PHÁT

(cạo tóc)

---

 

            - Trước niệm hương… xướng 3 lễ.

            - Lư hương sạ nhiệt   v.v…

            - Nam mô Đại Bi v.v…

            - Nam mô Thập phương thường trụ v.v…

            (Cho người xin xạo tóc ra sau, ngồi xuống hòa tăng).

           

Thượng tọa hỏi: Tăng họp chưa?

Đáp : Tăng đã họp.

Hỏi :  Hòa hợp không?

Đáp :  Hòa hợp.

Hỏi :  Người chưa thọ giới Cụ Túc ra chưa?

Đáp : Người chưa thọ giớ Cụ Túc đã ra.

Hỏi :  Tăng nay hòa hợp để làm gì?

Đáp :  Thế phát Yết ma.

Đại đức Tăng nghe, (A) muốn cầu Tỳ Kheo (P) thế phát, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận nghe, Tăng nay cho (A) thế phát, bạch như thế, (liền nên hỏi rằng): Tác bạch có thành không?

            - Chúng đều đáp rằng : “Thành”.

            (Bạch rồi, lại gọi (A) đến lễ Tăng 3 lễ quỳ bạch):

 

            Bạch trên Thượng tọa, chư Đại đức Tăng, con pháp danh M.P trần duyên đã dứt, trước con có xin Thượng tọa xuất gia. Thượng tọa đã hoan hỷ.

            Nay đủ duyên lành, xin Thượng tọa, chư Đại đức Tăng tác pháp Yết ma thế phát cho con.

           

Hòa thượng bảo:  “Được” thế phát xuất gia rất là quý báu, công đức rất lớn, xuất gia một ngày, công đức bằng tu tại gia một năm.

Bảo hồ quỳ chấp tay lóng nghe : (Thầy vì khai đạo nói pháp quán đảnh thế phát).

 

Gã Thiện nam, (Thiện nữ) ngươi từ vô lượng kiếp đã sâu trồng căn lành, nên nay được theo Phật xuất gia mà tu hạnh Bồ Đề, song hạnh ấy quyết do nhờ giới mà sanh. Giới đức huân tu, nước định lóng lặng, Bát Nhã Thánh trí nhơn đây mà phát. Do trí đây chiếu phá chủng tử, vô minh sanh tử vị lai từ đây mà dứt. Tôi nay rưới nước cam lồ trên đảnh môn, khiến cho thân tâm ông được thanh tịnh, phiền não tiêu trừ, bèn thành pháp khí.

(Hòa thượng cầm cành hoa nhúng trong chén nước thấm trên mái tóc giới tử xướng):

 

            Thiện tai, Thiện nam tử!

            Năng liễu thế vô thường

            Khí tục thú nê hoàn,

            Công đức nan tư nghì.

Nam mô Thanh Lương Địa Bồ Tát Ma ha tát.                                                               (3 lần).

 

Hòa thượng lại dạy rằng:

Gã Thiện nam, (Thiện nữ) ! Tóc trên đầu của ngươi, từ kiếp vô thỉ đến nay do sanh tử phiền não kiết tập mà thành, không thể tự dứt trừ, chỉ nhờ Tăng mới có thể trừ được, tôi nay chỉ vì ngươi mà cạo bỏ cho.

 

Đáp :  A Di Đà Phật.

Đáp rồi, Hòa thượng lấy dao cạo ba lát trên đảnh, song sau mới bảo người cạo.

 

Xướng kệ:

            Hủy hình thủ chí tiết,

            Cát ái từ sở thân,

            Xuất gia hoằng Thánh đạo,

            Thệ độ nhất thiết nhân.

Nam mô Ly Cấu Địa Bồ Tát Ma ha tát.                                                                          (3 lần).

 

Lại đọc kệ:

                        Thế trừ tu phát (nữ, ái phát),

                        Đương nguyện chúng sanh,

                        Viễn ly phiền não,

                        Cứu cánh tịch diệt.

            Án tất điện đô mạng đa ra, bát đà da ta bà ha.                                                              (7 lần).

 

            Lại bảo:

Gã Thiện nam, (Thiện nữ) ! , ngươi nay đã cạo tóc rồi, bởi vì có nhân lành đời trước mà được tướng đầu tròn, dần dần ra khỏi trần lao, vượt khỏi lưới ái, y Phật mà ở, thường cúng dường Tam Bảo, siêng tu tam nghiệp, làm các việc phúc. Thầy bạn có dạy bảo, không được chống trái; đối với thượng, trung, hạ tọa, tâm thường cung kính, chớ bàn nói việc dở xấu của người; nam, nữ có phân biệt, Tăng, tục có phần, không phải bực Hiền chớ làm bạn, không phải bực Thánh chớ tôn. Như thế là đóng ba đường ác, mở muôn cửa lành, dụng tâm như vậy mới thật là đệ tử của Phật.

 

Cho người cạo tóc lễ ba lễ, thoái ban.

Cho ra sau cạo tóc xong, lễ cầu thọ Sa Di, nếu có đàn.

Kiết toát hồi hướng:

- Thế phát công đức thù thắng hạnh v.v…

- Tam tự quy y…

 

Điển lễ:

- Thỉnh chư Tôn hồi nghệ trượng đường.

 

PHÉP TỲ KHEO NI NUÔI CHÚNG

---

 

            Khi bấy giờ các Tỳ Kheo Ni si mê, độ người không biết dạy bảo, không giữ oai nghi, các Tỳ Kheo Ni bạch Phật, Phật quở trách rồi bảo các Tỳ Kheo: Từ nay trở đi cho Ni muốn độ người trao giới Cụ Túc, nên đến trong Tăng 3 lần xin phép độ người. Tăng nên xem xét vị Ni ấy có thể giáo hóa và dưỡng dục được không; nếu không thể được, nên bảo rằng, thôi đừng độ người. Nếu người có trí tuệ có thể kham năng được, Tăng nên bạch nhị Yết ma cho phép độ người.

           

Khi ấy Tỳ Kheo Ni tân học nghe đức Thế Tôn cho phép độ người, Ni kia liền xin phép độ người, Phật quở trách rồi kiết giới.

 

            Nếu tỳ Kheo Ni chưa đủ 12 tuổi hạ mà trao giới Cụ Túc cho người, phạm oti65 Đọa; cho người y chỉ, nuôi Thức Xoa ma Na Ni, Sa Di NI, đều phạm tội Đột kiết la. Nếu đầy 12 tuổi hạ, Tăng không cho, liền trao giới Cụ Túc cho người, cho đến nuôi Sa Di Ni, phạm tội cũng như thế.

 

            Trong luật tăng Kỳ: Ni nuôi đệ tử cách một thời mưa (cách năm); nếu Ni có phúc đức, có dạy bảo học giới, tuy mỗi năm nuôi chúng đệ tử không tội.

 

            Trong luật Thập Tụng:  Nếu xin Yết ma nuôi chúng, nuôi đệ tử, mà không giáo hóa thuyết pháp, Tăng nên làm Yết ma ngăn đừng nuôi chúng nữa.

 

            Nếu Tăng cho làm Yết ma rồi, mà còn nuôi chúng, nuôi một người, bị một tội Đọa.

            Nếu Tỳ Kheo Ni đủ 12 tuổi hạ, có thể dạy bảo, muốn xin phép nuôi chúng, độ Sa Di Ni, cần phải mỗi mỗi riêng xin. Vì sao? Vì mỗi năm độ đệ tử phạm tội, nên riêng xin cách một năm mới độ, tuy mỗi năm nuôi đệ tử, có thể khỏi lỗi này cho nên cần phải xin riêng. Nếu khi xin, tất cả các pháp nghi đều đồng trong Đại Tăng, chỉ trong một văn Yết ma. Dưới chữ Đại đức chỉ thêm một chữ Ni là khác.

 

            Muốn độ người, cần phải xin phép nuôi chúng. Nên trước lễ thỉnh Đại chúng rồi mới đánh kiền chùy, tập Tăng chúng vấn hòa, việc làm như thường nên đáp rằng: “Yết ma cho nuôi chúng”.

 

            Như thế đáp rồi, Ni cầu xin nên làm lễ ba lễ, quỳ dài chấp tay nên bạch như thế này:

            Đại đức Ni nghe, tôi Tỳ Kheo Ni (A) cầu chúng Tăng xin độ người trao cho giới Cụ Túc, xin Tăng cho tôi Tỳ Kheo Ni (A), độ người trao giới Cụ Túc, xin Tăng thương xót cho.

           

(Như thế ba lần xin rồi, chúng Tăng nên xem xét người ấy nếu không thể dạy bảo… thì không cho độ, nếu có thể dạy bảo v.v… người Yết ma nên bạch như thế này):

Đại đức Ni nghe, Tỳ Kheo Ni (A) này, nay theo chúng Tăng xin độ người, trao cho giới Cụ Túc, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận nghe, Tăng nay cho Tỳ Kheo Ni (A) độ người trao cho giới Cụ Túc, bạch như thế, (liền nên hỏi rằng): Tác bạch có thành không?

            - Chúng đều đáp rằng : “Thành”.

Lại nói: Đại đức Ni nghe, Tỳ Kheo Ni (A) nay theo chúng Tăng xin phép độ người, trao cho giới Cụ Túc, Tăng nay cho Tỳ Kheo Ni (A) độ người trao cho giới Cụ Túc, các Trưởng lão nào bằng lòng Tăng cho Tỳ Kheo Ni (A) độ người trao cho giới Cụ Túc, thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói.

Liền nên hỏi rằng: Yết ma có thành không?

- Chúng đều đáp rằng: “Thành”.

 

Lại bạch rằng: Tăng đã bằng lòng cho Tỳ Kheo Ni (A) độ người trao cho giới Cụ Túc xong, Tăng bằng lòng thì im lặng, việc ấy như thế mà suốt biết.

 

            (Được làm phép Yết ma như thế rồi, độ người xuất gia, trao giới Sa Di, giới Cụ Túc, cho người y chỉ, mới gọi là như pháp).

            Sơ bộ Căn Bản, bộ Thập Tụng, hai bộ Yết ma, đều nói rằng: “Đại đức Ni”. Trong Tứ Phận, Ngũ Phận, hai bộ Yết ma, hoặc kêu là Đại tỷ (chị cả) hoặc gọi là “A di”. ().

 

            Phụ nữ xuất gia cắt hẳn ân ái, học pháp xuất thế, có thể làm trượng phu trong hàng Nữ lưu, đức hạnh kiêm ưu, huống nữa người thọ Đại giới, liệt vào háng Á Tăng (Tăng thứ hai) không nên như thế tục gọi chị và dì, nên gọi Đại đức Ni là tốt.

PHÉP NI CHÚNG TRAO GIỚI

CHO THỨC XOA MA NA NI

---

 

            Trong Bản Luật nói: Các Tỳ Kheo Ni độ đàn bà trẻ, con gái nhỏ tuổi, trao cho giới Cụ Túc, khi thọ giới rồi không biết người nam có tâm nhiễm ô, hay tâm không nhiễm ô, liền cùng với người nam tâm nhiễm ô cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng cười cợt. Các Ni nghe, bạch Phật. Phật quở trách rồi bảo các Tỳ Kheo Ni:  Nếu ở trong chùa cho cạo tóc xuất gia, nên bạch cho tất cả Tăng biết, song sau mới cho cạo tóc xuất gia, trao cho 10 giới. Nếu đồng nữ 18, cho 2 năm học giới, để tuổi đầy 20; người gái đã lấy chồng 10 năm, 10 năm là tính ngày sau khi không ăn ở với chồng, hoặc chồng chết, chồng để, để chồng v.v… cầu xin xuất gia, trải qua 10 năm mới cho thọ Thức Xoa, cho 2 năm học giới, để cho đủ 12 năm rồi trao cho giới Cụ Túc, đều phạm tội Đọa.

 

            - Hỏi:  Lũ đồng tử 17 xin xuất gia không kham ăn một bửa. Lúc nửa đêm khóc lóc đòi ăn. Thế Tôn nghe biết mà cố hỏi… bảo các Tỳ Kheo: Tuổi chưa đầy 20, không kham chịu lạnh, nóng, đói, khát, dải gió,muỗi mòng, không nhịn chịu được lời nói xấu, thân bị khổ đau, không chịu được, không thể giữ giới ngày ăn một bửa, thì không nên trao giới Cụ Túc. Tuổi đầy 20, kham chịu các việc như trên, nên trao cho Đại giới; phần tháng thiếu 20, còn không cho thọ giới, đồng nữ cũng thế, tại sao riêng cho người nữ tuổi mới 12, có lực lượng gì chịu các việc như trên mà trao cho giới Cụ Túc?

 

            - Đáp:  Nói rằng, đồng nữ 12, là nói về năm sanh, còn người nữ có chồng 12 năm, là chỉ về phần năm sau khi thôi chồng, chớ không phải là năm sanh. Do trong Bản luật người dịch câu văn không đủ vậy.

 

            - Hỏi:  Đã như thế, đồng nữ 18 tuổi, 2 năm học giới, nguyên vì đủ tuổi (20) còn người nữ đã có chồng, sau khi thôi chồng 5, 6, 7, 8 năm đều có thể thọ Cụ Túc giới, cần gì nhứt định phải đủ 10 năm, 2 năm học giới?

 

- Đáp:  Đồng nữ 18 tuổi chưa trải qua sánh đôi, khiến đủ tuổi 20, kham chịu được đói lạnh mọi việc thì cho thọ Cụ Túc giới; người nữ có chồng không luận năm sanh lớn nhỏ, cần phải đủ 10 năm. Vì sao? Vì trước đã trải qua sánh đôi, sợ kia dâm tâm khó dứt (ngựa quen đường cũ), cho nên cần phải đủ 10 năm, lại cho học giới 2 năm, để cho chí kia bền chắc, rồi mớ cho thọ Cụ Túc giới. Như thế Như Lai tùy người tùy phương tiện chế giới, cho nên không nhứt định.

 

- Hỏi: Ví như đồng nữ 7 tuổi trở lên, hoặc người đã có chồng 3 hoặc 5 năm, cầu xin xuất gia, nếu không cho, thời kia không thể đợi lâu được; nếu cho, thì không những học giới 2 năm. Còn người đã thôi chồng quá sau 10 năm, cho đến trải qua 20 năm mới xuất gia, cũng khiến cho 2 năm học giới, đâu chẳng là phần năm quá nhiều, như thể trao pháp làm sao vâng làm được?

 

- Đáp:  Nếu đồng nữ 7 tuổi trở lên 15, và người nữ sau khi thôi chồng 3 hoặc 5 năm cầu xin xuất gia, nên bạch chúng rồi, trước trao cho giới Sa Di Ni, đều giữ đủ số năm mới trao cho giới Thức Xoa Ma Na Ni, giữ đủ 2 năm sẽ trao cho Đại giới.

 

- Nếu người nữ đã thôi chồng quá 10 năm, cho đến trải qua 20 năm, cũng phải trao cho giới Thức Xoa Ma Na Ni, khiến cho học giới 2 năm, nếu không đủ 10 năm thời không được, nhiều năm thời không ngại.

Như vừa đủ 10 năm, cầu xin xuất gia, cũng trước trao cho 10 giới, khiến cho học giới tướng và hiểu rõ oai nghi, liền trao cho Thức Xoa Ma Na Ni không thể đợi lâu.

 

- Hỏi:  Sa Di Ni vốn thọ 10 giới, nay thời bỏ 4 học 6 là gì?

 

- Đáp:  Không phải bỏ 4 học 6. Thức Xoa Ma Na Ni còn phải tập 296 hạnh pháp Tỳ Kheo Ni cho thanh tịnh.

 

Nói rằng học 6 phép là thế nào?

- Nhơn có kẻ sau khi thọ Thức Xoa Ma Na Ni giới, chưa nhờ Thầy dạy bảo, phạm 6 giới này, cho nên tùy theo chỗ phạm mà Phật chế phép học, chẳng những học 6 phép vậy.

Trong luật Thập Tụng nói: Giữ 6 phép tịnh tâm, hai năm tịnh thân, cho nên phải như thế mà thọ học.

Trong đây phép trao giới, trải tòa họp Tăng, thỉnh rước các nghi, ở trong Thọ giới Nghi phạm có nói rõ. 

Đợi hỏi đáp xong, nên bạch như thế này:

Đại đức Ni Tăng nghe v.v… như trong giới đàn Ni, về khoản truyền Thức Xoa có đủ.

 

PHÉP TỰ TỨ CỦA NI CHÚNG

Các việc làm khi gần mãn hạ.

Ngày 14 lễ cầu sám hối.

---

 

            Phép sám hối:  Trước khi tự tứ, thỉnh vị Thượng tọa lên tòa rồi, chúng đều lễ ba lễ, chia ban mà đứng, Vị thứ nhứt trong chúng, ra ban lễ một lễ, quỳ dài phát lồ (xưng tội).

 

            Thấy mình có tội thì bạch: Bạch Đại đức, con là… trong 3 tháng an cư, con nhận thấy có phạm tội… xin Đại đức định tội, con xin sám hối cho thanh tịnh.

            Đợi Thượng tọa định rồi lễ… mà lui ra.

 

            Nếu thấy mình không phạm, nên bạch: Bạch Đại đức, con ở trong các tội nặng đều không có phạm, còn tất cả oai nghi vi tế, sợ có chỗ lỗi lầm, mà không tự hay biết, cầu xin Đại đức từ bi chỉ thị cho, để cho tiện sám hối.

 

            Thượng tọa bảo: Trong ba tháng an cư, theo tôi thấy mỗi khi lên chùa tụng kinh, cô… các oai nghi vi tế, mà không tự biết, có khi tôi gặp, có khi tôi không gặp, kể như không lỗi gì, nhưng trong tâm niệm và hành động, tôi không có theo một bên mà biết được. Với sự nghi có tội, vậy thì cô thành tâm sám hối cho thanh tịnh.

 

            Thượng tọa bảo rồi, lễ ba lễ, đứng một bên. Đợi khi tất cả tác pháp rồi, lễ tạ ba lễ trở về phòng.

PHÉP NI SAI NGƯỜI TỰ TỨ

ĐẾN TRONG ĐẠI TĂNG

---

 

            Phật nói: Tỳ Kheo Ni, hạ an cư xong, cho sai một Tỳ Kheo Ni, vì Tăng bên Ni, đến trong Đại Tăng bạch tự tứ, Ni không đủ năm người, đến ngày tự tứ, Tỳ Kheo Ni nên đến chỗ Tỳ Kheo Tăng, lễ bái hỏi han. Nếu chúng đủ năm người, nên đánh kiền chùy, họp Tăng vấn hòa. Khoảng 5 giờ sáng 15-7 họp Tăng của Ni, sai sứ cầu giáo giới tự tứ.

 

            Lên chùa xướng lễ Phật ba lễ xong, chia ngồi hai bên hòa Tăng.

 

            Người làm Yết ma hỏi:  Tăng họp chưa?

            Duy na đáp:  Tăng đã họp.

            - Hòa hợp không?

            - Hòa hợp.

            - Người chưa thọ đại giới ra chưa?

 

            (Nếu có người chưa thọ đại giới, bảo ra ngoài chúng, lìa chỗ thấy nghe, nên đáp rằng):

            - Người chưa thọ đại giới đã ra.

 

            (Nếu không, liền đáp rằng):

            - Trong đây không có người chưa thọ đại giới.

            - Có các Tỳ Kheo Ni đến thuyết dục và thanh tịnh không?

 

            (Nếu có, vị Duy na đáp rằng):

            - Có người thuyết dục và thanh tịnh.

           

            (Nếu không, nên đáp rằng):

            - Trong đây không có Tỳ Kheo Ni thuyết dục và thanh tịnh.

            - Tăng nay hòa hợp để làm gì?

            - Sai người cầu giáo giới tự tứ yết ma.

 

            (Người làm Yết ma nói):

Đại đức Ni Tăng nghe, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận nghe, Tăng sai Tỳ Kheo Ni… vì Tỳ Kheo Ni Tăng, đến trong Đại Tăng, nói ba việc tự tứ:  Thấy, nghe, nghi, bạch như thế, (liền nên hỏi rằng):Tác bạch có thành không?

            - Chúng đều đáp rằng : “Thành”.

            Lại nói: Đại đức Ni Tăng nghe, Tăng sai Tỳ Kheo Ni… vì Tỳ kheo Ni Tăng, đến trong Đại Tăng, nói ba việc tự tứ:  Thấy, nghe, nghi.

Các Đại đức Ni Tăng nào bằng lòng Tăng sai Tỳ Kheo Ni… vì Tỳ kheo Ni Tăng, đến trong Đại Tăng, nói ba việc tự tứ:  Thấy, nghe, nghi, thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói.

Liền nên hỏi rằng: Yết ma có thành không?

- Chúng đều đáp rằng: “Thành”.

 

Lại bạch rằng: Tăng đã bằng lòng sai Tỳ Kheo Ni… vì Tỳ kheo Ni Tăng, đến trong Đại Tăng, nói ba việc tự tứ:  Thấy, nghe, nghi xong, Tăng bằng lòng thì im lặng, việc ấy như thế mà suốt biết.

 

Hòa tan sai nhơn xong, Kiết toát hồi hướng. Tam tự quy y, ra.

 

Như thế sai rồi, nên bảo hai người làm bạn cùng đi. Khoảng 6 giờ rưỡi sáng, đến chùa Tăng, cho kịp trước 8 giờ. Khi đến, vào Tăng phòng thấy Duy na, sửa đủ oai nghi, lễ ba lễ rồi, quỳ chấp tay bạch rằng:

“Bạch Đại đức ở chùa…, Tỳ Kheo Ni an cư xong đến lễ Tỳ Kheo Tăng, cầu giáo giới tự tứ, xin Đại đức (Duy navì chúng con bạch Tăng, thương xót cho chúng con, xin thương xót cho chúng con”.

 

(Người thọ chúc (dặnđáp rằng): “Thiện” – Tự nói:  “Nhĩ”.

 

(Khoảng này còn thưa bạch nhiều chuyện, đây xin lược bớt).

Người thọ sai, đợi Tăng lên chùa lễ Phật hòa Tăng tự tứ :

- Trong đây có Tỳ Kheo Ni đến thỉnh giáo giới tự tứ.

Duy na ra mới vào, sửa đủ oai nghi ra trước hướng vào, bạch:

 

(Trước lễ Tăng ba lễ, quỳ chấp tay bạch rằng):

Bạch Thượng tọa, Đại đức Tăng, ở chùa (A) NI chúng hạ an cư xong, sai con Tỳ Kheo Ni… vì Tỳ Kheo Ni chúng nói ba việc tự tứ: tội thấy, nghe, nghi, Đại đức tăng từ mẫn bảo chúng con, chúng con nếu thấy tội, nên như pháp mà sám hối.                                                  (Bạch 3 lần).

 

(Giây lâu trong Đại Tăng,Thượng tọa Tăng nên bảo rằng):

Đại chúng trên dưới đều im lặng, thật vì Ni chúng, trong siêng tu ba nghiệp, ngoài không ba việc: thấy, nghe, nghi, cho nên không thấy có phạm tội, song tuy là như thế, nhưng truyền bảo cô, về bảo Ni chúng như pháp tự tứ, cẩn thận đừng có buông lung.

 

Ni đáp rằng:  - Y giáo phụng hành.

 

(Vị Tăng sai, liền lễ tạ mà lui. Khi trở về đến chùa Ni, đánh kiền chùy họp Ni chúng rồi, nên y lời giáo sắc, tuyên nói, khi nói xong, hòa tăng như phép mà tự tứ).

NGÀY RẰM TỰ TỨ

---

 

            Sáng mai tiểu thực xong, bốn vị chức sự đại diện lễ cầu trên Đại đức Ni làm phép tự tứ xong. Cô Duy na bạch: Bạch chư Đại đức Ni, đúng 9 giờ con xin kích hiệu, thỉnh  chư Đại đức Ni, tề tựu trai đường, để lên chùa tác pháp tự tứ.

 

            Khi đã lên chùa, lễ tụng như thường, (như ngày Bố tát) ngồi hai bên (ngồi ngang nhau, tuổi hạ nhiều hơn thì ngồi trên) Cô Duy na kiểm số chúng, bao nhiêu Tỳ Kheo Ni, bao nhiêu Thức Xoa, bao nhiêu Sa Di Ni, bạch:

            Bạch  trên chư Đại đức Ni, con thông kiểm số chúng, Tỳ Kheo Ni có… vị, Thức Xoa có… vị, Sa Di Ni có… vị. Xin chư Đại đức Ni chứng minh cho.

            Đại đức Ni bảo: Lẽ theo phép thì phải hành trù (chai thẻ) nhưng bạch như thế là thay cho phép hành trù rồi.

 

           (Nên bạch vị Yết ma, sai người có 5 đức tự tứ)

           - Vị Tăng sai:bước ra trước đứng hướng vào, lễ 1 lễ quỳ bạch:

           Bạch chư Đại Tỳ kheo Ni, hồi sớm mai này, Tăng sai tôi Tỳ Kheo Ni (Như…) đến Đại Tăng cầu giáo giới tự tứ.  Tăng giáo sắt cho Ni chúng như pháp mà tự tứ, cẩn thận đừng có buông lung, xin chư Đại đức Ni liễu tri cho.                                                              (Lễ 1 lễ trở về chỗ ngồi).

         

 (Cho Sa Di ra ngoài chỗ mắt thấy tai không nghe. Họp Ni vấn hòa).

Người làm Yết ma hỏi:  Ni họp chưa?

            Duy na đáp:  Ni đã họp.

            - Hòa hợp không?

            - Hòa hợp.

            - Người chưa thọ đại giới ra chưa?

 

(Nếu không, liền đáp rằng):

            - Trong đây không có người chưa thọ đại giới.

            - Có các Tỳ Kheo Ni khiếm diện, có thuyết dục và thanh tịnh không?

 

            (Nếu có người thuyết dục thì nên đáp rằng):

            - Có người thuyết dục và thanh tịnh.

           

            (Nếu không người thuyết dục, nên đáp rằng):

            - Trong đây không có Tỳ Kheo Ni thuyết dục và thanh tịnh.

            - Ni nay hòa hợp để làm gì?

            - Tự tứ yết ma.

 

            (Tiền phương tiện xong)

            Tiếp: - Chư Đại đức Ni nghe, ngày nay Ni chúng tự tứ, nếu Ni phải tự tứ, nếu Ni phải thời mà đến, Ni thuận nghe, hào hợp tự tứ, bạch như thế, tác bạch có thành không?

             - Chúng đều đáp rằng: : “Thành”.

         

Hòa hợp chúng rồi, sai người tự tứ.

             Nếu  chúng chỉ có năm người, thì sai một người, chúng đông, thì sai hai ba vị, không được sai bốn, vì đủ số chúng vậy.

 

            - Đại đức Ni sai:  Xin thỉnh Đại đức (A) thụ tự tứ.

            A từ, nói:  Ngã bất kham năng. Xin thỉnh Đại đức B, Đại đức C. Hai vị có thể vì Ni chúng làm người thụ tự tứ không?

            - Đáp:  “Dạ được”.

           

(Nếu vị nào từ, xin thỉnh vị khác).            

            Phép sai, nên bạch như thế này:

            - Đại đức Ni nghe, ngày nay Ni chúng tự tứ, nếu Ni phải tự tứ, nếu Ni phải thời mà đến, Ni thuận nghe, Ni sai Tỳ Kheo Ni B… C… hai vị làm người thụ tự tứ, bạch như thế, tác bạch có thành không?

             - Chúng đều đáp rằng: “Thành”.

 

Lại hỏi:  Đại đức Ni nghe, Ni sai Tỳ Kheo Ni B… C… hai vị làm người thụ tự tứ, các Trưởng lão nào bằng lòng Ni sai Tỳ Kheo Ni B… C… hai vị làm người thụ tự tứ, thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói.

Liền nên hỏi rằng: Yết ma có thành không?

- Chúng đều đáp rằng: “Thành”.

 

Lại bạch rằng: Ni đã bằng lòng sai Tỳ Kheo Ni B… C… hai vị làm người thụ tự tứ xong, Ni nào bằng lòng thì im lặng, việc ấy như thế mà suốt biết.

 

Tỳ Kheo Ni chịu sai, vâng lệnh Tăng sai, ra quỳ giữa chấp tay bạch:

Đại đức Ni nghe, ngày nay chúng Ni tự tứ, nếu Ni phải thời mà đến, Ni thuận nghe, Ni hòa hợp tự tứ, bạch như thế, (Liền nên hỏi rằng): Tác bạch có thành không?

             - Chúng đều đáp rằng: “Thành”.

 

(Bạch xong, đứng dậy lễ một lễ, trở về chỗ cũ, cho Sa Di vào).

            - Phép tự tứ xem bài 32.

             

            Khi bạch tự tứ, cầu Đại đức Ni ở trong ba tháng an cư, hoặc có chỗ phạm mà không hay biết, đối với tội thấy, nghe, nghi, tha hồ để cho Ni bày chỉ lỗi mình như pháp mà sám hối.

            Đoạn này hôm qua cả chúng đã xưng tội sám hối rồi, nên hôm nay nơi văn bạch tự tứ cầu chỉ lỗi, nên Đại đức Ni chỉ đáp là:  “Thiện” (tốt) mà không còn chỉ lỗi nữa.

 

PHÉP GỞI DỤC

---

 

            Đến ngày chúng Tăng bố tát, không thể cùng lên chùa được, vì duyên sự bệnh, hoặc Tam Bảo sự duyên gấp.

 

            Trước một vài giờ, mặc y tề chỉnh đến chỗ một vị Tỳ Kheo Ni thanh tịnh, có thể truyền dục được, xin bạch có duyên sự…

           

            Lễ một lễ quỳ chấp tay bạch:  Bạch Đại đức một lòng nghĩ, tôi Tỳ Kheo Ni (A) việc Tăng như pháp, tôi xin gởi dục và thanh tịnh.                                                                                     (1 lần).

 

            Người thọ dục đáp:  -  “Thiện”.

            Tự nói rằng:  -  “Nhĩ”.

            Đáp rồi lễ một lễ mà lui ra.

           

            Người thọ dục là bậc Thượng tọa, nên như trước quỳ mà bạch, nếu người thọ dục là bậc hạ tọa, lễ một lễ đứng dậy bạch, rồi lễ một lễ mà lui ra.

 

            Nếu người tự tứ gởi dục nên nói:  Gởi dục tự tứ.

            Khi làm Yết ma khác, nên nói rằng:  Gởi dục Yết ma, không được một bề nói gởi dục thanh tịnh.

THỌ DỤC RỒI CHUYỂN TRAO

GỞI DỤC CHO VỊ KHÁC

---

 

            Nếu Tỳ Kheo Ni đã thọ dục, thoạt có duyên sự đưa đến, không thể đến trong Tăng được, cho chuyển trao gởi cho Tỳ Kheo Ni khác, nên nói: Đại đức một lòng nghĩ, tôi Tỳ Kheo Ni là… gởi thọ dục thanh tịnh của Tỳ Kheo Ni (A) Tỳ Kheo Ni (A) và tôi việc Tăng như pháp, gởi dục và thanh tịnh.

                                    (1 lần, lễ 1 lễ).

THỌ DỤC RỒI CHUYỂN TRAO

GỞI DỤC CHO VỊ KHÁC

---

 

Tỳ Kheo Ni đã thọ dục, mang dục đến trong Tăng ngồi vấn hòa, người yết ma hỏi đến câu: Có các Tỳ Kheo Ni đến thuyết dục và thanh tịnh không?

- Đáp rằng:  -  “Có”.

 

Vị thọ dục đứng dậy ra lễ 1 lễ quỳ bạch:

Đại đức Ni nghe, tôi thọ dục và thanh tịnh của Tỳ Kheo Ni (A) việc Tăng như pháp, tôi xin gởi dục và thanh tịnh.                                                                                                             (1 lần).    

 

Đại đức đáp:  “Thiện”., tự nói rằng:  “Nhĩ”.

(Một lạy đứng dậy trở lại tòa trước mà ngồi).  

 

ĐI BÁI TUẾ

---

 

            Ngày 16, 17 đi chúc khánh tuế quý Sư Cụ.

 

            Đứng bạch:

            Nam mô A Di Đà Phật.

            Bạch Sư Cụ, chúng con có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch.      (Lễ 1 lễ, quỳ bạch).

            Nam mô A Di Đà Phật.

            Bạch Sư Cụ, hôm nay tam nguyệt an cư đã viên mãn, ấy là ngày chư Phật hoan hỷ, theo xuất thế gian, thì đã thêm một tuổi phúc, con rất khát ngưỡng công đức Sư Cụ, gia tâm hội hỷ, về đây xin thành t6am bái yết, cầu chúc khánh tuế Sư Cụ. Xin Sư Cụ thùy từ ai nạp cho chúng con được trượng thừa công đức.

 

            Thượng tọa:

           

            Sư Cụ bảo:  A Di Đà Phật, các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, y theo luật, mỗi năm đến mùa hạ kiết túc an cư, do công lao lễ bái trì tụng tu kỹ trong ba tháng mà được một tuổi hạ (Gọi là hạ lạp) như thế gian cuối năm ngày tết đi chúc mừng ông bà thêm được một tuổi.

            Quý cô đã không quên lời Phật Tổ chỉ dạy, về đây bái yết, chúc tuế tôi (thầytôi cũng xin chúc mừng quý cô được thêm một tuổi phúc.

            Mỗi năm, nếu giữ được như thế là càng tăng thêm phúc tuệ. Vậy quý cô lễ Tổ chứng minh cho.

 

A DI ĐÀ PHẬT

 

            Trên Sư Cụ đã thùy từ chứng minh cho rồi, chúng con xin đầu thành đảnh lễ cúng dường.                                                                                                                                  (Lễ 3 lễ, lui).

 

NI CHÚNG SẮP ĐẾN NGÀY

AN CƯ

---

 

            Ngày 13-4 qua Đại tăng xin cầu thỉnh.

                                                                                                                                                (Thuận cho).

 

            Phép tác bạch. -  Ba vị Tỳ Kheo Ni thỉnh Hòa thượng đến trước trai đường, Đại đức Ni xin đại bạch:

 

            A Di Đà Phật, bạch Hòa thượng, chúng con có duyên sự, đầu thành đảnh lễ cúi xin tác bạch:

 

            Đồng lễ 1 lễ, đứng dậy rồi quỳ xuống.

 

            Bạch:  A Di Đà Phật.

            Bạch Hòa thượng, nay đến ngày an cư, Ni chùa (H.N) đã câu hội về đông đủ, cầu xin Hòa thượng bố thí về sự an cư pháp như thế nào, để cho Ni chúng, chúng con được trượng thừa công đức.

 

 

            - Hòa thượng:  “À phải”. Phàm là đệ tử của Phật, mỗi năm đến mùa Hạ cần phải họp chúng an cư, y như lời Phật dạy, cùng nhau sách tấn sự tu học, nếu không an cư phải bị tội. Chư Ni chúng đã không quên thì cứ theo lệ thường như pháp mà làm.

 

            (Hòa thượng bảo cho rồi):

 

            - Đại đức Ni:  A Di Đà Phật., về sự an cư pháp, trên Hòa thượng đã hoan hỷ bố thí cho rồi, chúng con xin đầu thành tác lễ cúng dường.

(Lễ 3 lễ ra).

THỈNH TAM GIỚI SƯ

THẤT TÔN CHỨNG SƯ

---

 

1.      Hòa thượng sư                                                                                   (10 tuổi hạ trở lên).

2.      Yết ma sư                                                                                            (10 tuổi hạ trở lên).

3.      Giáo thọ sư                                                                                          (10 tuổi hạ trở lên).

(Nếu giới tử đông, thỉnh 2 Giáo thọ).

 

7 vị Tôn chứng sư                                                                                      (5 tuổi hạ trở lên).

 

Trong 7 vị, vị nào quen việc, thì thỉnh làm Điển lễ.

 

Trừ ra chỗ biên địa, ít Tăng, mới thỉnh Tam sư Nhị chứng. Thiếu 1 sư, thiếu tuổi hạ, hay giới tử hồ nghi trong 10 Giới sư có 1 vị nào không thanh tịnh thì đàn giới không thành.

 

- Tam giới sư Ni, phải là 12 tuổi hạ trở lên mới hợp pháp.

CÓ CÁC NẠN SỰ DUYÊN

KHÔNG CHO THỌ GIỚI

---

 

            - Giết cha.  Xưa có một người thiếu niên ngoại đạo giết cha mà muốn xuất gia đầu Phật. Đức Phật không cho người này nhập hàng Tỳ Kheo Phật tử.

 

            - Giết mẹ.  Xưa có một người thiếu niên ngoại đạo cố ý giết mẹ, giết rồi nó buồn rầu đau đớn, rất ăn năn. Thoạt nhớ lại muốn xuất gia làm Tỳ Kheo. Liền đến Giáo hội cầu xin – Các trưởng lão gạn hỏi – Chàng ta khai thật và thưa lên ý định của mình. Các Tỳ Kheo lên bạch với Phật.

 

            - Phật dạy:  Kẻ giết mẹ không đáng làm đệ tử ta trong Giáo hội, nên cấm không thâu nhận kẻ ấy.

 

            - Giết A La Hán.  Lúc bấy giờ có các Tỳ Kheo từ bên thành Cầu Tát La (Kosala) đi về ngang ngôi tịnh thất bỏ hoang. Một vị Tỳ Kheo chỉ cái lều cỏ ấy nói: Ở đây, hồi trước có một vị Tỳ Kheo ẩn cư tu đắc quả A La Hán, ông bị bọn cướp giết chết.

 

            Một người trong mấy vị Tỳ Kheo nói lên: Tôi dư biết, vì khi bấy giờ tôi là một tay trong bọn đó. Mấy Tỳ Kheo nghe, về bạch Phật – Phật liền bảo trục xuất vị Tỳ Kheo ấy, cấm không cho thấu nhận và không truyền giới xuất gia cho những kẻ ám sát bậc La hán (hoặc Đại sư).

           

            - Ám sát Phật.  Khi bấy giờ Sư Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) nghịch với Phật và tách ra Giáo hội, ngài Tôn giả Ưu Ba Ly đứng lên giữa Giáo hội cung kính bạch hỏi Phật: Bạch Thế Tôn ! Nếu có kẻ ám sát một đức Phật, có được thâu vào Giáo hội không? – Phật bảo: Không được thâu nhận và có vị Tỳ Kheo nào phạm tội ấy cũng bị trục xuất.

 

            - Mắc nợ người.  Lúc bấy giờ còn tại thế, có một người mắc nợ nhiều lắm, bị chủ nợ đòi thúc hối, không biết làm sao, bèn lén đưa mình vào chùa xin thọ giới xuất gia, mong cho yên ổn kiếp sống thừa.

 

            Chẳng may, một hôm đang đi khất thực, chủ nợ bắt gặp chụp lấy. Hai đàng cãi cọ nhau, lối xóm ra khuyên can: chủ nợ nên thả Sư kia đi…

 

            Các Tỳ Kheo bạch chuyện này lên đức Phật – Phật dạy: Từ nay trở đi không cho thâu vào hàng Tỳ Kheo những kẻ còn mắc nợ ở thế gian.

 

            - Đầy tớ người.  Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ngự qua thành Vương Xá nước Ma Kiệt Đề của vua Tần Bà Sa La. Vua truyền ra khắp nơi, ai muốn xuất gia thọ pháp để thoát khỏi trầm luân khổ hải, thì vua cho thong thả mà tu hành.

 

            Nghe được thánh chỉ, một đứa đầy tớ (mọi chung thân) liền đến lạy các Sư xin nhập đạo. Chúng Tăng vui lòng thế phát và mặc ca sa cho. Một hôm vị sư mới này đi khất thực bị chủ nhìn biết và bắt lại.  Sư la lên: “Buông tôi ra”. Thiên hạ tựu đến đông, hỏi thăm tự sự. Người chủ khai rằng: Chú này là đầy tớ của tôi. – Tôi lả Tỳ Kheo mà.

 

            Mấy người chức việc khuyên người chủ thả đi, đừng thưa kiện mà bị thất, vì có chiếu chỉ của nhà vua khuyến khích tu hành. Người chủ liền thả ra.

 

            Các Sư bạch chuyện này lên Phật – Ngài truyền ghi vào giới bổn, cấm tự hậu không được thâu vào Giáo hội kẻ tớ của người.

            - Người làm quan.  Khi bấy giờ Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ. Ông Đại tướng của vua Ba Tư Nặc đi đến Giáo hội Già lam, xin thọ giới xuất gia, được các Sư thâu nhận vào Giáo hội.

 

            Về sau, có giặc loạn nổi lên trong nước, vua sai quân đi dẹp giặc, song bị thua. Sai một đạo binh khác cũng thua. Vua bối rối, nhớ lại ông Đại tướng của mình, liền hỏi bá quan – Người ta đáp: Ông ấy đã nhập đạo làm Tỳ Kheo rồi.

 

            Vua tuy mộ Giáo hội lắm, song kỳ này rất phiền các sư, Phật hay ra, Ngài truyền cho chư Tăng không được thâu vào đạo những quan chức của nhà vua.

PHỤC LỤC:

NGHI TRUYỀN THỌ THẬP THIỆN

---

 

- Cung thỉnh chư Giới sư tề nghệ Tổ đường.

● Nhứt tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch đại chư vị Tổ sư, tam bái.

- Cung thỉnh chư Tôn phân lập lưỡng ban.

- Giới tử thoái ban.

            - Cung thỉnh chư Giới sư tề nghệ Phật tiền.

            - Cung thỉnh Giới sư niệm hương.

● Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô Tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương Phật Đà Da.                                                                                                                       (1 lễ).

● Nhất tâm đảnh lễ, Nam môTận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương Đạt Ma Da.                                                                                                                                       (1 lễ).

● Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô Tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương Tăng già da.                                                                                                                        (1 lễ).    

- Cung thỉnh chư Giới Sư thăng tòa.

- Cầu giới tử tựu ban.

- Giới tử thứ đệ tấn ban.

● Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô Tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo.                                      (1 lễ).

 ● Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô Ta bà Giáo chủ Điều ngự BỔn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Long Hoa Giáo chủ Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền BồTát, Kỳ Viên Hội Thượng Phật Bồ Tát.                                                                                    (1 lễ).

 

TÁN LƯ HƯƠNG

 

            Lư hương sạ nhiệt…

            Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma ha tát.                                                                   (3 lần).

            Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.                                                                         (3 lần).

 

KHAI LUẬT KỆ

           

Vô thượng thậm thâm Tỳ Ni pháp,

            Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,

            Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

            Nguyện giải Như Lai Tỳ Ni nghĩa.

Nam mô Khai Bảo Tạng Bồ Tát Ma ha tát.                                                                    (3 lần).

 

GIỚI SƯ KHAI ĐẠO

 

- Này các Thiện nam và Thiện nữ !

Phật dạy: Muốn lên bờ giác, phải dùng thuyền bố thí làm đầu, muốn công đức tròn đầy, phải phát Bồ đề tâm trước nhất. Muốn thoát khỏi bến mê, phải quyết chí cần cầu tịnh giới.

Giới như chiếc thuyền bè đưa người qua biển khổ. Giới như ngọn đèn sáng lớn, chiếu phá các chỗ tối tăm. Giới là con đường lớn, đưa đến cõi nhơn thiên, là cửa ngõ duy nhất vào cung điện Niết Bàn.

Nếu có chúng sanh nào muốn dứt trừ khổ não, thì phải thọ Tam quy Ngũ giới và vâng giữ mười thiện nghiệp nói rộng về Tam quy Ngũ giới ấy, thì trong đời hiện tại, ba nghiệp được an vui, đến ngày vị lai giống Phật hằng còn.

Mười thiện pháp bao gồm ba tu tịnh giới sau đây:

- Thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới, người con Phật phải nguyện bỏ các điều ác.

- Thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới, người con Phật phải làm các việc lành.

- Thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới, người con Phật phải ích lợi chúng sanh.

Này các Thiện nam và Thiện nữ ! Các người đã thọ ba pháp quy y và năm điều giới cấm thì phải giữ cho thanh tịnh, đừng để các ác nghiệp của thân miệng ý làm tổn hại cho mình, cho chúng sanh. Nếu có sai phạm thì phát lộ sám hối, không được che giấu. Sau khi sám hối thanh tịnh, các vị phải chí thành hướng về ngôi Tam bảo và nói theo tôi:

- Đệ tử chúng con là…  xin suốt đời Quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng, đức Thích Ca Mâu Ni Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác là đấng Thế Tôn của chúng con.                                  (3 lần).

Đây là năm điều giới cấm:

- Thứ nhất không được sát sanh.

- Thứ hai không được trộm cắp.

- Thứ ba không được tà dâm.

- Thứ tư không được nói dối.

- Thứ năm không được uống rượu.

            Các người phải vâng giữ suốt đời chớ nên trái phạm.

            Trong đây các vị đối với ba pháp quy y và năm điều giới cấm có được thanh tịnh không?

            Mô Phật – Thanh tịnh.

            Lành thay ! Lành thay !

            Ba pháp quy y và năm điều giới cấm được thanh tịnh, các vị hãy cung kính hướng về mười phương Tam bảo mà sám hối những tội lỗi sau đây:

            - Đệ tử chúng con từ vô thỉ cho đến ngày nay, gây ra bao ác nghiệp thuộc về thân: Một là sát sanh, hai là trộm cắp, ba là tà dâm, nay xin chí thành cầu xin sám hối, để cho thân nghiệp được thanh tịnh.

            - Đệ tử chúng con từ vô thỉ cho đến ngày nay, gây ra bốn ác nghiệp thuộc về miệng: một là nói dối, hai là nói hai lưỡi, ba là nói thêu dệt, bốn là nói thô ác, nay chí thành cầu xin sám hối cho ý nghiệp được thanh tịnh.

            - Đệ tử chúng con từ vô thỉ cho đến ngày nay, gây ra ba ác nghiệp thuộc về ý: một là tham lam bỏn xẻn, hai là sân hận thù oán, ba là tà kiến cố chấp, nay chí thành cầu xin sám hối cho ý nghiệp được thanh tịnh.

           

            Con xưa đã tạo bao ác nghiệp,

            Đều bởi vô thỉ tham, sân, si,

            Từ thân, miệng, ý mà sinh ra,

            Tất cả con nay xin sám hối.

            Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma ha tát.                                                                       (3 lần).                                                    

 

            - Chí tâm đảnh lễ Thập phương thường trụ Tam Bảo Thế Tôn.                                  (3 lạy).                                                    

            - Các Phật tử ! Các vị đã chí thành sám hối những tội lỗi từ vô thỉ đến nay thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đã thanh tịnh, nên chư Ni sẽ truyền thọ cho các vị mười pháp thiện nghiệp.

            - Các Phật tử ! Các vị nên biết rằng trong giờ phút này, thiên Long bát bộ và Hộ Pháp thiện Thần đầy khắp hư không, rất vui mừng tán thán rằng: Nơi cảnh giới Ta bà có những người đang tránh xa mười ác nghiệp để bước lên mười thiện nghiệp, đang vượt qua các ác đạo, để đến cảnh giới phước lạc nhơn thiên.

            - Các vị nên biết rằng hết thảy chư Phật, chư Đại Bồ tát trong mười phương vô tận thế giới đang phóng rất vô lượng ánh sáng, đại trí, đại bi, đại nguyện, vô lượng Ba la mật, vui mừng tán thán rằng: Hiện tại trong cõi Diêm Phù Đề có các Phật tử vừa gieo trồng Bồ đề tâm giới, phát nguyện tu học các hạnh Ba la mật của Bồ tát, sẽ được sanh vào dòng họ của Như Lai. Vậy các vị hày trân trọng mà lãnh thọ.

            - Các Phật tử ! Các vị  hãy nhất tâm thanh tịnh, hướng về mười phương chư Phật, chư Đại Bồ tát, trong mười phương vô tận thế giới, nói theo tôi để thọ trì mười điều thiện nghiệp.

           

            Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không giết hại chúng sanh, mà còn đem sự sống đến mọi loài. Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không giết hại chúng sanh, mà còn đem sự sống đến muôn loài.

                Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không trộm cắp, mà còn đem của bố thí cho kẻ khác. Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không trộm cắp, mà còn đem của bố thí cho mọi loài.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không tà dâm, mà còn đem tịnh hạnh đến cho mọi người.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không tà dâm, mà còn đem tịnh hạnh đến cho mọi người.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không nói dối, mà còn nói đúng sự thật.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không nói dối, mà còn nói đúng sự thật.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không nói hai lưỡi, mà còn nói những lời hòa hợp tương thân.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không nói hai lưởi, mà còn nói những lời hòa hợp tương thân.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không nói thêu dệt, mà còn nói lời lợi ích cho mọi người.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không nói thêu dệt, mà còn nói lời lợi ích cho mọi người.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không nói lời thô ác, mà còn nói lời dịu dàng từ ái.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không nói lời thô ác, mà còn nói lời dịu dàng từ ái.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không tham lam bỏn xẻn, mà thực hành bố thí.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không tham lam bỏn xẻn, mà còn thực hành bố thí.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không sân hận, mà còn thực hành từ bi.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không sân hận thù oán, mà còn thực hành tâm hạnh từ bi.

Ÿ  Như chư Phật, Bồ tát vĩnh viễn không tà kiến cố chấp, mà còn tu hành chánh kiến, trí huệ.  Con… nguyện từ nay cho đến trọn đời, không tà kiến cố chấp, mà còn tu hành chánh kiến trí tuệ.

 

- Các Phật tử ! Các vị  đã phát nguyện thọ trì và tu tập mười thiện nghiệp, thiện căn công đức từ đây sẽ phát sanh. Bồ đề tâm giới nhơn đây sẽ thành tựu, rộng đều khắp hết tất cả chúng sanh, quảng tu các học xứ của Bồ Tát, viên thành đạo quả Vô thượng Bồ đề.

Vậy các vị hãy siêng năng tinh tấn, cẩn thận đừng có buông lung.

- Giới tử đồng thanh:  Y giáo phụng hành.                                                                        (3 lần).

 

● Chí tâm đảnh lễ Thập phương thường trụ Tam bảo Thế Tôn.                                 (3 lạy).

            - Thọ giới công đức thù thắng hạnh…

            - Tam tự quy y…

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]