Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XXV: Tỳ kheo

15/04/201311:12(Xem: 18970)
Phẩm XXV: Tỳ kheo

Kinh Pháp Cú

Phẩm XXV: Tỳ kheo

1. Giữ Gìn Ngũ Căn

Lành thay phòng hộ mắt...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài trú tại Kỳ Viên, liên quan đến năm thầy Tỳ-kheo.

Khi Phật ở tại Kỳ Viên có năm thầy Tỳ-kheo, mỗi thầy tự điều phục một trong năm giác quan. Một hôm, các thầy gặp nhau bàn cãi. Thầy thì nói:

- Chỉ có giác quan của tôi khó điều phục.

Thầy khác cũng nói:

- Chỉ có tôi là người tự chế ngự giác quan khó nhất.

Rốt cuộc các thầy cùng nhau đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, mỗi người trong chúng con tự chế ngự một giác quan, và cứ tưởng giác quan mình chế ngự khó hơn hết. Hôm nay chúng con xin Ngài xác định người nào trong chúng con điều phục giác quan khó nhất.

Ðức Phật thận trọng tránh không cho biết thầy Tỳ-kheo nào kém hơn các huynh đệ mình. Ngài dạy:

- Này các Tỳ-kheo, tất cả các căn đều khó canh phòng. Nhưng không phải đây là lần đầu các ông thất bại trong việc canh phòng ngũ căn. Trong một kiếp quá khứ, các ông cũng thất bại trong việc kềm chế ngũ căn. Vì các ông không nghe lời khuyên của bậc thiện tri thức nên đã bị hại.

Chuyện quá khứ:

1A. Thành Hoa Thị

Theo lời yêu cầu của năm thầy Tỳ-kheo, đức Phật kể rằng trong một kiếp quá khứ, Ngài là vị lãnh đạo năm ông quan cận thần đi đến thành Hoa Thị để nhận ngôi báu, sau khi toàn thể hoàng tộc vua bị quỷ Dạ xoa hại sạch. Trên đường đi, bọn quỷ Dạ xoa quyến rũ họ bằng đủ mọi âm thanh, hình ảnh, mùi hương, thức ăn ngon và gái đẹp. Bồ tát lúc ấy khôn ngoan không để bị đắm trước và căn dặn năm ông quan chớ bị để quyến rũ. Nhưng họ đều bỏ rơi khí giới đầu hàng trước sức cám dỗ của Dạ xoa, và rốt cuộc bị ám hại. Chỉ riêng Ngài kềm chế được mình, không mềm lòng trước cạm bẫy, không màng đến con quỷ Dạ xoa với vẻ đẹp sắc nước hương trời đeo theo Ngài bén gót, và thẳng tiến an toàn đến thành Hoa Thị, trở thành một vị quốc vương.

Khi nhận lễ đăng quang, ngồi trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng, nhìn lại vẻ uy nghiêm và sự vinh hiển của mình, Ngài tự mình: "Người ta nên sử dụng sức mạnh của ý chí mình". Ngài nói kệ:

Kiên trì tuân phục Hiền Trí,
Lòng can đảm chẳng lung lay,
Khỏi bị Dạ xoa khống chế,
Vì ta không sợ không lo.
Qua cơn hiểm nguy gian khó,
Ðến nơi ta được an toàn.

Phật kết luận: "Năm ông quan thuở ấy là các ông, người đến được thành Hoa Thị an toàn và làm vua chính là Ta".

Ngài nói thêm:

- Một Tỳ-kheo cần phải canh phòng cẩn mật tất cả các căn, vì chủ thu hút căn mới thoát được khổ não.

Ngài nói kệ:

(360) Lành thay, phòng hộ mắt!
Lành thay, phòng hộ tai!
Lành thay, phòng hộ mũi!
Lành thay, phòng hộ lưỡi!

(361) Lành thay, phòng hộ thân!
Lành thay, phòng hộ lời!
LÀnh thay, phòng hộ ý!
Lành thay, phòng tất cả!
Tỳ- kheo phòng tất cả,
Thoát được mọi khổ đau.

2. Thầy Tỳ Kheo Giết Ngỗng

Người chế ngự tay chân...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo giết ngỗng.

Thuở ấy, tại Xá-vệ có hai thanh niên xuất gia, cùng ở trong tăng đoàn và trở thành bạn thân, thường đi chung với nhau. Một ngày nọ, hai thầy ra bờ sông Aciravati tắm, và lên bờ đứng phơi nắng nói chuyện chơi. Lúc ấy có hai con ngỗng bay ngang. Thầy Tỳ-kheo trẻ bèn nhặt hòn đá cuội nói:

- Tôi sẽ chọi trúng mắt một con ngỗng.

Thầy Tỳ-kheo kia nói:

- Huynh chọi không trúng đâu.

- Rồi huynh coi, tôi sẽ chọi trúng cả hai mắt nó.

- Huynh chẳng làm được.

- Vậy thì huynh coi đây.

Thầy thứ nhất lượm hòn đá ném theo con ngỗng. Nghe tiếng viên đá bay rít trên không trung, con ngỗng quay đầu lại nhìn. Thầy thứ hai nhặt tiếp hòn đá và ném ngay mắt con ngỗng. Hòn đá chọi nhằm mắt bên này, xuyên qua mắt bên kia của ngỗng. Nó kêu lên đau đớn, lộn nhào xuống đất và rơi dưới chân hai thầy Tỳ-kheo.

Một số thầy Tỳ-kheo khác đứng gần đấy thấy vậy bèn nói:

- Này các huynh, sau khi từ bỏ thế gian vào cửa Phật, các huynh đã làm việc không đúng khi sát hại sinh vật như thế.

Các Tỳ-kheo bèn đem hai thầy đến chỗ đức Phật. Phật hỏi thầy Tỳ-kheo giết ngỗng:

- Có phải ông đã sát sanh?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Phật quở:

- Này Tỳ-kheo, sao đã xuất gia từ bỏ gia đình theo Ta để cầu đạo giải thoát mà ông lại làm như thế? Người trí thời Phật chưa ra đời, dù sống ở thế gian, cũng còn e dè thận trọng từng việc nhỏ nhặt. Các ông đã xuất gia theo Phật, lại không lo dè dặt chút nào vậy.

Rồi Ngài kể chuyện tiền thân.

Chuyện quá khứ:

2A. Chuyện Tiền Thân Kuradhamma.

Vào thuở lâu xa, dưới triều vua Dhananjaya của vương quốc Kuru, Ngài là thái tử con vua. Ðến tuổi trưởng thành, thái học tử học nghề bắn tên tại thành Hoa Thị. Khi thành nghề, thái tử trở về vương quốc, được vua cha phong làm phó vương. Khi vua cha băng hà, thái tử lên nối ngôi. Nhà vua nghiêm trì năm giới cấm và tuân theo mười đức của một vị vua. Ngay cả những người trong hoàng cung như hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàng đệ, phó vương, thầy tử tế, quan cận thần, người đánh xe, quan chưởng khố, quan coi kho, người canh cổng và cả thứ phi nữa, mười một người đều giữ ngũ giới nghiêm túc.

Lúc ấy, tại thành Dantapura của vương quốc Kalinga, trời hạn hán nhiều năm không một giọt mưa. Dân chúng ở vương quốc này biết nhà vua xứ Kuru có một thớt tượng tên Anjanasannibha thật đầy đủ ân đức. Họ tin rằng xin được Anjanasannibha về nước, chắc sẽ mưa. Vì thế, vua Kalinga cho gởi các vị Bà-la-môn sang Kuru để xin thớt tượng ấy. Họ sang yết kiến vua xứ Kuru và trình bày lời yêu cầu, xưng tụng đức hạnh của nhà vua. Nhưng dù có tượng Anjanasannibha, trong xứ kalinga vẫn không có mưa. Vua kalinga thầm nghĩ: Vua Kuru đã giữ năm giới nên trong nước thường được mưa. Vua bèn ra lệnh cho các thầy Bà-la-môn và các quan cận thần sang Kuru khắc năm giới cấm lên một dĩa vàng về nước.

Khi những người này sang Kuru một lần nữa, cả triều đình từ vua trở xuống đều tự do, chối rằng:

- Chúng tôi không giữ được năm giới cấm toàn vẹn.

- Các vị đã không làm điều gì xâm phạm đến năm giới cấm đâu.

Họ năn nỉ mãi, cuối cùng nhà vua Kuru dạy họ năm giới. Khi mang về vương quốc Kalinga cũng tuân giữ thành kính năm điều cấm, và lập tức trời mưa. Trong nước lại thịnh vượng, ấm no.

Ðức Phật kết luận: "Lúc ấy thứ phi là Liên Hoa Sắc, người canh cổng là Punna, người giữ ngựa là Kaccàna, quan giữ kho là Kolita, quan chưởng khố là Xá-lợi-phất, người đánh xe là A-na-luật, thầy Bà-la-môn là Trưởng Lão Ca-diếp, hoàng đệ phó vương là Nan Ðà, hoàng hậu là mẹ của La-hầu-la, hoàng thái hậu là bà Ma-da và vua Kuru là Ta".

Ðức Phật nói tiếp:

- Này các Tỳ-kheo, người trí thời xưa, dù một lỗi nhỏ họ cũng cảm thấy ái ngại. Còn các ông, đã xuất gia vào đạo của Phật đà lại chấp nhận một lỗi lơn là sát hại sanh vật. Một Tỳ-kheo phải hằng kiểm soát được tay chân, và ngôn ngữ của mình.

Ngài nói kệ:

(363) Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định,
Ðộc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi Tỳ-kheo.

3. Thầy Tỳ Kheo Không Giữ Gìn Mồm Miệng

Tỳ-kheo chế ngự miệng...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang trú tại Kỳ Viên, liên quan đến Kokàlika. Trong bài kinh Kokàlika, câu chuyện bắt đầu với dòng chữ: "Lúc bấy giờ thầy Tỳ-kheo Kokãlika đến gần đức Ðạo Sư", ý nghĩa câu chuyện được giải thích trong tập chú giải liên quan đến bài kinh.

Thuở Phật còn ở Kỳ Viên, có thầy Tỳ-kheo tên Kokàlika vì đã phỉ báng hai đại đệ tử Phật là Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên nên bị đọa địa ngục. Câu chuyện bắt đầu khi các vị Tỳ-kheo tụ họp ở Pháp đường, bàn tán:

- Trời ơi! Thầy Tỳ-kheo Kokàlika bị trầm luân vĩnh kiếp vì đã không giữ gìn miệng mồm. Ngay khi thầy chửi rủa hai vị Tôn giả lãnh chúng, đã bị đất chôn xuống địa ngục.

Lúc ấy đức Phật đến và hỏi:

- Các ông tụ họp ở đây bàn tán chuyện gì?

Khi các thầy thuật lại, Phật bảo:

Không phải lần đầu Kokàlika bị đọa vì không giữ gìn khẩu nghiệp. Trong quá khứ cũng đã xảy ra chuyện ấy.

Các Tỳ-kheo muốn nghe Phật thuật lại câu chuyện. Phật kể:

Chuyện quá khứ:

3A. Con Rùa Ham Nói

Hồi xưa, có con rùa kia ở tại cái hồ nước trên vùng núi Hy Mã. Một ngày nọ có đôi ngỗng đi lang thang tìm thức ăn, gặp rùa ta và vài ngày sau chúng kết tình thân hữu. Có lần ngỗng khoe với rùa:

- Bác ạ, chúng tôi ở trên ngọn Cittakuta, trong một động vàng. Thật là một nơi ở thích thú. Bác có muốn đi với chúng tôi không?

- Làm sao tôi có thể đi đến đó?

- Nếu bác chịu ngậm miệng trong lúc chúng tôi đưa đi, thì bác sẽ đến nơi.

- Ðược rồi, tôi sẽ ngậm chắc miệng mồm. Hãy mang tôi đi với.

- Tốt lắm.

Ðôi ngỗng bảo bác rùa ngậm một cây gậy, và hai con tha hai đầu gậy, bay lên không trung.

Vài đứa bé ở thôn xóm dưới đất thấy rùa bay qua với ngỗng, bèn la lên:

- Bay ơi, ra xem hai con ngỗng mang con rùa trên cây gậy.

Rùa nghĩ thầm: Tụi nhóc con du đãng này, bạn ta tha ta đi đâu thì có dính dánh gì tới tụi bây mà phải la lối!

Ngay khi nó vừa mở miệng định nói ra ý nghĩ ấy, vì cặp ngỗng bay mau, nó liền rơi xuống đất và bể làm hai mảnh ngay trong sân của một hoàng cung ở Ba-la-nại.

Rùa tự hại vì ham nói chuyện,
Gậy ngậm rồi miệng vẫn thày lay,
Rớt liền xuống đất tan thây,
Người khôn ngoan thấy gương đây giữ mình.
Lựa lời nói đúng lúc đúng chỗ,
Xem gương rùa chịu khổ thiệt thân.

Ðức Phật kết luận:

- Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo phải kiểm soát lời nói, sống lặng thinh, không tự kiêu và thoát khỏi phiền não.

Phật nói kệ:

(363) Tỳ-kheo chế ngự miệng,
Vừa lời, không cống cao.
Khi trình bày pháp nghĩa,
Lời lẽ dịu ngọt ngào.

4. Bằng Sự Tinh Tấn Làm Vinh Dự Cho Phật

Vị Tỳ-kheo thích pháp....

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài trú tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Dhammarama.

Khi đức Phật tuyên bố "Còn bốn tháng nữa, Ta sẽ vào Niết-bàn", hằng ngàn vị Tỳ-kheo bỏ hết thì giờ để hầu cận Ngài. Những vị chưa chứng Sơ quả thì khóc lóc, những vị chứng A-la-hán cũng cảm động sâu xa, tất cả đều tụ năm họp ba, bàn tán: "Chúng tan nên làm gì?"

Riêng có một vị Tỳ-kheo tên Dhammarama (Trú Pháp Hỷ) thì không như vậy. Thầy tự nghĩ: "Ðức Thế Tôn đã tuyên bố bốn tháng nữa nhập Niết-bàn, mà ta chưa thoát khỏi ràng buộc của tham ái. Ngày nào Ngài còn tại thế, ta sẽ cố gắng chứng A-la-hán". Và thầy tự sống một mình, tư duy, quán tưởng, ôn lại những lời dạy của Phật, chẳng màng trả lời những câu hỏi tò mò của các Tỳ-kheo khác, mà cũng chẳng lui tới hầu hạ Phật.

Các Tỳ-kheo mách đức Như Lai:

- Bạch Thế Tôn, thầy Dhammarama không có lòng thương kính Thế Tôn. Khi nghe chúng con báo tin "Phật sắp nhập Niết-bàn, chúng ta sẽ làm gì?", thầy chẳng nói, chẳng hoạt động chung với chúng con.

Ðức Phật gọi Tỳ-kheo Dhammarama đến hỏi. Thầy thưa thật ý định của mình muốn cố gắng chứng quả A-la-hán. Nghe xong, Phật ngợi khen thầy:

- Lành thay! Lành thay!

Và Ngài bảo các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, mỗi vị nên bày tỏ sự kính mến Ta như Dhammarama đã làm. Chẳng phải dùng hương hoa, hoặc những thứ cúng dường mà tôn kính ta. Chỉ cò người thực hành theo giáo lý mới thật sự tôn kính Ta.

Ngài nói kệ:

(364) Vị Tỳ-kheo thích pháp,
Mến pháp, suy tư pháp,
Tâm tư niệm chánh pháp,
Không rời bỏ chánh pháp.

Nghe xong, thầy Trú Pháp Hỷ liền chứng quả A-la-hán, hội chúng cũng được lợi lạc.

5. Thầy Tỳ Kheo Lạc Bầy

Không khinh điều mình được ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài trú tại Trúc Lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo lạc bầy.

Khi đức Phật ở tại Trúc Lâm, có một thầy Tỳ-kheo kết bạn thân với một thầy Tỳ-kheo ly khai Tăng đoàn, thuộc nhóm Ðề-bà-đạt-đa. Một ngày kia, đi khất thực về, gặp thầy Tỳ-kheo bạn, thầy nọ hỏi thăm:

- Huynh đi đâu thế?

- Tôi đi thất thực về.

- Có được ai cúng dường không?

- Có.

- Nơi chỗ tôi ở, có nhiều vật thực và tặng phẩm giá trị, Hãy đến chỗ tôi vài hôm.

Thầy Tỳ-kheo nhận lời, lưu lại nhóm của Ðề-bà-đạt-đa vài ngày, và sau đó trở về với Tăng đoàn. Các vị Tỳ-kheo trong Tăng đoàn đến mách Phật:

- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo kia đã thọ lãnh vật thực, tặng phẩm của nhóm Ðề-bà-đạt-đa, thầy ấy đã theo Ðề-bà-đạt-đa rồi:

Ðức Phật cho gọi ông thầy nọ đến và hỏi:

- Có phải họ mách thầy như vậy là đúng?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con ở trong nhóm Tỳ-kheo của Ðề-bà-đạt-đa vài ngày, nhưng con không hợp với quan điểm của Ðề-bà-đạt-đa.

- Ta thừa nhận rằng ông không theo tà kiến, nhưng ông không có lập trường nhất định nên hay bị lung lạc bởi ý kiến người khác. Trong thuở quá khứ ông cũng đã làm như vậy.

Theo lời các vị Tỳ-kheo yêu cầu, Phật bèn kể chuyện con Voi Damsel-face:

Voi Damsel-face rất ngoan, nhưng khi đi đường nghe một nhóm trộm cướp du đãng nói chuyện thô lỗ với nhau, nó cũng đâm ra hung hăng, bất trị và chạy bậy, giết người. Rồi sau đo, nghe các vị Bà-la-môn luận đạo, nó trở lại ngoan ngoãn. Voi Damsel-face thuở ấy là thầy Tỳ-kheo dễ tin hôm nay.

Ðức Phật kết luận:

- Là một Tỳ-kheo, nên hài lòng với những gì mình nhận được, và không ham muốn những gì người khác có. Nếu ham muốn như vậy chẳng bao giờ đắc Thiền định, Trí tuệ, hoặc Thánh quả. Nếu hài lòng với những gì đang có, ông sẽ có tất cả.

Ngài nói kệ:

(365) Không khinh điều mình được,
Không ganh người khác được,
Tỳ-kheo ganh tỵ người
Không sao chứng thiền định.

(366) Tỳ-kheo dầu được ít,
Không khinh điều mình được,
Sống thanh tịnh không nhác,
Chư thiên khen vị này.

6. Người Bà La Môn Cúng Dường Năm Lần Thành Quả Ðầu Tiên

Hoàn toàn, đối danh sắc ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến người Bà-la-môn cúng dường năm lần thành quả đầu tiên.

Khi Phật ở Kỳ Viên, có một người Bà-la-môn làm ruộng. Lúc lúa chín, ông cúng dường những bông lúa cắt đầu tiên ngoài đồng. Lúa đem về đập, ông cúng dường những hạt lúa đập xong trước tiên. Khi cất lúa vào bồ, ông lại cúng dường phần lúa đổ trong bồ đầu tiên. Khi dược nấu thành cơm, ông cúng dường bát cơm đầ tiên bới trong nồi. Khi dọn ra dĩa, ông lại cúng dường những hạt cơm đầu tiên múc ra dĩa. Cúng dường năm lần như vậy cho người nào hiện diện lúc ấy, ông không hề nếm một miếng cho đến lúc cúng xong, do đó được gọi là"người cúng năm ần thành quả đầu tiên".

Ðức Phật quan sát căn cơ biết hai vợ chồng ông có thể chứng A-na-hàm bèn đi đến nhà ông khất thực. Lúc ấy, ông Bà-la-môn ngồi ăn cơm trong nhà, xây lưng ra ngoài cửa, do đó không thấy đức Thế Tôn. Bà vợ ông ta đang dọn ăn cho chồng, thấy đức Phật bèn nghĩ thầm:

- Chồng ta sau khi cúng dường năm lần, bây giờ đang ăn cơm. Nếu thấy Sa-môn Cồ-đàm, ông sẽ cúng hết phần cơm của mình, mà ta thì không thể nấu cơm cho ông được nữa.

Nghĩ vậy bà bèn đứng sau lưng chồng, muốn che hình ảnh đức Phật không cho chồng thấy, tưởng như lấy tay che được mặt trăng tròn. Bà đứng vậy rồi liếc mắt trông chừng Thế Tôn, tự nói thầm: "Ông đã đi hay chưa?" Ðức Thế Tôn vẫn đứng yên một chỗ. Bà vợ ráng không thốt thành tiếng: "Ông đi đi chứ", sợ chồng mình nghe được. Nhưng một lát sau, bà bước lui và nói thật khẽ: "Ông đi đi".

- Ta không đi.

Ðức Phật khởi nghĩ như thế và lắc đầu. Khi đức Phật, bậc Ðạo sư của trời người, nghĩ thầm: "Ta không đi" và lắc đầu, bà vợ ông Bà-la-môn không nén nổi, bật cười lớn. Ðức Phật liền phóng một đạo hào quang, hiện hình Ngài trong nhà. Người Bà-la-môn đang ngồi quay lưng về phía Phật, vừa nghe tiếng cười của vợ, thì cũng thấy cả đạo hào quang sáu sắc và hình ảnh Phật. Bởi vì chư Phật, dù ở làng mạc hay rừng sâu, không bao giờ đi khỏi khi chưa hiện thân trước những người có cơ duyên đắc đạo. Người Bà-la-môn trông thấy Phật rồi, ông lật đật rầy vợ:

- Bà này hại tôi! Khi Thái tử đứng trước nhà ta, sao bà không báo trước cho tôi biết? Bà có lỗi lớn đa nghe!

Và ông mang đĩa cơm đang ăn dở, đem ra trước Phật nói:

- Thưa Sa-môn Cù-đàm, sau khi cúng dường năm thành quả đầu tiên, tôi dùng bữa trưa. Ðây là phần cơm của tôi, tôi chia làm hai, và ăn một nửa, Ngài có thể nhận phần cơm này không?

Thay vì trả lời:

- Ta không nhận cơm ông ăn dư.

Ðức Phật nói:

- Này Bà-la-môn, dù là phần còn lại hay đầu tiên cũng được, chúng ta cũng giống như quỷ thần, sống bằng những thức ăn bố thí.

Ngài nói kệ:

Dù phần đầu, phần giữa, phần dư,
Người khất thực đều vui lòng nhận,
Không phiền hà, trách móc dư thừa,
Người khôn ấy chính bậc chánh trí.

Ông Bà-la-môn nghe Phật nói như vậy trong lòng rất vui mừng, liền xưng tụng:

- Thái tử thật kỳ diệu, Ngài ở địa vị vua của thế gian, thay vì nói "Ta không ăn cơm thừa của ông", lại nói như trên.

Và vẫn đứng ở cửa, ông hỏi tiếp:

- Thưa Ngài, Ngài gọi các đệ tử là "Tỳ-kheo". Vậy những điều gì làm nên một Tỳ-kheo?

Ðức Phật nghĩ thầm: "Ta sẽ giảng cho người này bằng cách nào đây để được lợi ích nhất? Vào thời Phật Ca-diếp, Ngài giảng cho hai ông bà này nghe về Thân và Tâm, nay ta cũng sẽ giảng cho ông như vậy".

Ngài bảo:

- Này Bà-la-môn, một vị Tỳ-kheo là người không bị ràng buộc, cột trói bởi những gì thuộc về Danh (Tâm) hay Sắc (Thân).

Ngài nói kệ:

(367) Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp ta, của ta,
Không chấp, không sầu não,
Thật xứng danh Tỳ-kheo.

7. Ðảng Cướp Ði Tu

Tỳ-kheo trú từ bi ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một nhóm lớn Tỳ-kheo.

Khi Thượng tọa Kaccana ở trên một ngọn núi gần thành phố Kuraraghara trong nước Avanti, có một Phật tử tên Sona Kutikanna sau khi thấm nhuần chân lý do Ngài giảng dạy, bèn xin xuất gia. Ngài hai lần từ chối.

- Sona, thật là một điều khó khăn khi sống đời tịnh hạnh, phải cư trú đơn độc, ẩm thực đơn độc.

Nhưng Sona quyết chí xuất gia nên xin đến lần thứ ba, và được phép gia nhập Tăng đoàn. Vì chư Tăng ở miền nam rất hiếm, thầy ở lại đó ba năm làm tròn bổn phận của một tăng sĩ. Và sau đó thầy xin phép sư phụ lên đường về Kỳ Viên, với ước mong được gặp đức Thế Tôn. Ðược sư phụ cho phép và kèm theo lời dặn dò, thầy đến Kỳ Viên, đảnh lễ Phật, được đức Phật đón tiếp thân mật và cho phép vào hương thất của Ngài một mình.

Thầy Sona đi kinh hành ngoài trời hầu như suốt đêm, gần sáng mới vào hương thất nằm nghỉ một chút. Khi bình minh đến, đức Phật bảo thầy hãy tụng bài kinh "Mười sáu đoạn".

Thầy đọc xong, đức Phật cám ơn và ngợi khen "Hay thay! Hay thay!" Chư thiên, trời, rồng, Dạ xoa cho tới cõi trời Phạm thiên đều ca ngợi thầy vang rền. Lúc ấy, tại nhà mẹ thầy ở Avanti cách đấy một trăm hai mươi dặm, vị thần cư ngụ trong nhà cũng ngợi khen nhiệt liệt. Bà mẹ thầy hỏi:

- Ai đang ca tụng vậy?

- Dạ tôi đây, thưa chị.

- Ông là ai?

- Tôi là vị thần cư ngụ tại nhà chị đây.

- Từ trước tôi chẳng được nghe ông ca ngợi, sao hôm nay ông làm thế?

- Không phải tôi ca ngợi bà chị đâu?

- Vậy ông ca ngợi ai?

- Trưởng lão Kutikanna Sona, con trai chị đấy.

- Con tôi đã làm được gì?

- Hôm nay Tôn giả ở trong hương thất đức Như Lai, tụng kinh cho Ngài, và được Ngài hài lòng ngợi khen, do đó tôi cũng ngợi khen. Chư thiên các tầng trời từ cõi Ta-bà đến cõi Phạm thiên nghe lời ngợi khen của đức Tối Thắng, cũng ca ngợi Tôn giả.

- Này, có thật ông nói rằng con tôi đọc kinh cho đức Thế Tôn? Hay đức Thế Tôn đọc cho con tôi nghe?

- Con chị đọc cho đức Thế Tôn nghe đó chứ.

Vị thần nói thế làm bà cảm thấy thâm tâm hoan hỷ, nghĩ thầm:

- Nếu con ta đã đọc kinh cho đức Thế Tôn tại hương thất của Ngài, chắc cũng sẽ đọc kinh cho ta nghe được. Khi nào con ta trở về, ta sẽ yêu cầu được nghe giáo lý.

Khi được đức Thế Tôn khen ngợi, Trưởng lão Sona nghĩ thầm, "Ðây chính là lúc mình bạch lên đức Phật lời thầy mình đã đặn dò". Tôn giả bèn thỉnh cầu đức Phật ban cho năm ân huệ, điều đầu tiên là xin gia nhập nhóm năm thầy Tỳ-kheo đang ẩn cư trong rừng, trong nhóm này có một thầy rành thông Luật tạng. Tôn giả lưu lại bên đức Thế Tôn ít ngày nữa rồi bái biệt, rời Kỳ Viên trở về với thầy Tế độ. Ngày hôm sau, Tôn giả theo thầy đi khất thực, đến trước cửa nhà thân mẫu. Thấy con, bà hết sức vui mừng, hỏi han, săn sóc chu đáo, và nói:

- Này con, nghe đâu con được vào hương thất đức Thế Tôn một mình và đọc kinh cho Ngài nghe phải không?

- Thưa tín nữ, ai nói việc ấy?

- Con à, vị thần cư ngụ tại nhà ta lớn tiếng khen ngợi, mẹ bèn hỏi "Ai khen ngợi đó". Thần trả lời "Tôi đây", rồi thần bảo mẹ như vầy như vầy. Sau khi nghe thần nói, mẹ nghĩ: "Nếu con ta đã đọc kinh cho đức Thế Tôn thì nó sẽ đọc cho ta nghe được". Con à, con đã đọc kinh cho đức Thế Tôn thì con đọc cho mẹ nghe được chứ! Vào ngày ấy tháng ấy mẹ sẽ chuẩn bị mọi thứ để nghe con thuyết giảng pháp nhé!

Thầy nhận lời. Sau đó bà cúng dường chư Tăng trọng thể, cho xây cất một Pháp đường rộng lớn, đem tất cả gia quyến đi nghe Tôn giả Sona thuyết pháp, chỉ chừa lại một người tớ gái trông nhà.

Lúc ấy, một đảng cướp chín trăm tên luôn luôn tìm cách lẻn vào nhà bà. Nhưng thật khó mà vào được vì toàn thể ngôi nhà có bảy lớp tường bao bọc, mỗi cửa thảy đều có chó dữ canh chừng. Những đường mương dẫn nước đều đổ đầy chì. Ban ngày chúng nóng chảy thành chất nước sền sệt, ban đêm thì đông cứng lại. Gần các mương ấy người ta đóng từng hàng cọc sắt kiên cố. Do đó trộm cướp khó có thể vào nhà.

Nhưng vào ngày đặc biệt đó, biết rằng bà đi nghe giảng pháp, chúng đào một địa đạo xuyên qua đường mương bằng chì và hàng cọc sắt, vào tận trong nhà. Chúng để tên đầu đảng canh chừng nữ chủ, bàn bạc rằng nếu thấy bà chủ trở về khi biết có cướp vào nhà thì tên đầu đảng phải giết bà lập tức.

Hắn bèn đi đến nhà giảng pháp, đứng kế bên bà chủ nhà. Còn bọn cướp vào nhà được rồi thắp đèn sáng lên và mở cưa kho tiền đồng. Người tớ gái trông thấy chúng bèn chạy tìm nữ chủ báo tin:

- Thưa phu nhân, bọn cướp vào nhà và đang mở kho tiền đồng.

- Thây kệ chúng! Muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Ta đang nghe thuyết pháp, đừng làm rộn ta. Hãy về đi.

Khi bọn cướp hốt sạch kho tiền đồng, chúng bèn ăn sang kho tiền bạc. Cô tớ gái lại chạy báo tin cho chủ nhân. Bà cũng trả lời như trên và tiếp tục nghe giảng pháp. Bọn cướp lại hốt hết kho tiền bạc, sang mở kho tiền vàng. Cô tới gái nóng ruột chạy đến báo tin lần thứ ba, bà cũng nói:

- Con đã làm rộn ta hai lần rồi. Ta đã bảo cứ để bọn cướp mang đi những gì chúng muốn, ta đang nghe pháp, đừng làm ồn, vậy mà con không nghe. Nếu còn nói nữa ta sẽ phạt con đích đáng đó. Hãy về nhà đi!

Tên đầu đảng nãy giờ ở cạnh bà canh chừng, nghe thấy vậy bèn nghĩ thầm: "Nếu chúng ta lấy tài sản của một người như bà này, trời Ðế Thích sẽ đánh vỡ đầu chúng ta". Hắn trở về ra lệnh cho đồng bọn trả tất cả tài sản cho bà. Bọn cướp lại để tiền đồng, tiền bạc, tiền vàng đầy vào kho như cũ. Người ta nói rằng kẻ nào sống chân thật thì được chính sự chân thật ấy bảo vệ, thật chí lý thay! Bậc Tối Thắng từng nói:

Chân thật che chở người ngay,

Người chân thật sống ngày ngày đều vui.

Người ngay sẽ được lợi thôi,

Khổ đau phiền não chẳng lôi bao giờ.

Bọn cướp kéo đến giảng đường nghe pháp. Ðến sáng, Tôn giả mới chấm dứt thời thuyết pháp và bước xuống tòa. Lúc đó, tên đầu đảng quỳ dưới chân bà Phật tử mẹ Tôn giả:

- Xin phu nhân tha thứ cho tôi.

- Chuyện gì vậy, đạo hữu?

- Tôi ghét bà, và đứng gần với ý định sẽ giết bà.

- Không sao. Tôi tha thứ cho anh.

Tất cả bọn cướp cũng đều đến bày tỏ sự ăn năn, bà đều tha thứ hết. Họ thưa:

- Thưa phu nhân, xin bà cho chúng tôi được vào Tăng đoàn của vị giảng sư con trai bà.

Bà bèn đến bảo vị giảng sư:

- Này con, những vị hảo hán đây cảm động vì lòng tử tế của mẹ và bài thuyết giảng của con, muốn gia nhập Tăng đoàn. Con hãy độ họ.

- Rất tốt.

Vị giảng sư cho cắt hết những chiếc váy chúng mặc lót bên trong, còn áo ngoài thì cho nhuộm màu vàng đất, rồi truyền giới cho chúng.

Khi bọn họ đã hoàn tất nhiệm vụ của một Tăng sĩ giáo đoàn, thầy cho mỗi người một đề mục thiền quán. Chín trăm thầy Sa-môn nhận chín trăm đề mục, lên trên một ngọn núi và mỗi người ngồi dưới một cội cây thiền định.

Lúc ấy, đức Thế Tôn ở tại giảng đường Kỳ Viên, cách đó một trăm hai mươi dặm, quán sát các thầy để chọn bài pháp thích hợp căn cơ. Ngài hiện đến trước các thầy, nói kệ:

(368) Tỳ-kheo trú từ bi,
Tín thành giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Cách hạnh an tịnh lạc.

(369) Tỳ-kheo, tát thuyền này,
Thuyền không, nhẹ đi mau,
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết-bàn.

(370) Ðoạn năm, từ bỏ năm,
Tu tập năm tối thượng,
Tỳ-kheo vượt năm ái,
Xứng danh "vượt bộc lưu".

(371) Tỳ-kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng,
Bị đốt, chớ than khổ!

(372) Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ,
Người có thiền, có tuệ,
Nhất định gần Niết-bàn.

(373) Bước vào ngôi nhà trống,
Tỳ-kheo tâm an tịnh,
Thọ hưởng vui siêu nhân,
Tịnh quán theo chánh pháp.

(374) Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Ðược hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc Bất tử biết.

(375) Ðây Tỳ-kheo có trí,
Tu tập pháp căn bản,
Hộ căn, biết vừa đủ,
Gìn giữ căn bản giới,
Thường gần gũi bạn lành,
Sống thanh tịnh tinh cần.

(376) Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang,
Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau.

8. Cỏ Úa, Hoa Phai

Như hoa Vassikà ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài ở tại Kỳ Viên, liên quan đến năm trăm vị Tỳ-kheo.

Chuyện kể rằng, các thầy Tỳ-kheo này sau khi khi được đức Thế Tôn cho đề mục thiền định rồi, liền lui vào rừng sâu và bắt đầu hành thiền. Ðang ngồi thiền, các thầy trông thấy những bông lài mới nở tươi tắn chỉ sáng nay thôi, chiều đã úa tàn rũ cánh gục đầu. Các thầy tự nghĩ: "Chúng ta phải diệt trừ được thâm sân si trước khi những đóa hoa lìa cành". Và các thầy càng nỗ lực chuyên chú vào việc hành thiền, như vừa được tiếp thêm sức mạnh mới. Ðức Thế Tôn quán sát các thầy Tỳ-kheo ấy và dạy rằng:

- Này các Tỳ-kheo, cũng như đóa hoa kia thoát khỏi cành, một vị Tỳ-kheo cần phải gắng sức thoát khỏi mối khổ sanh tử.

Vẫn ở tại hương thất, Ngài phóng một đạo hào quang và nói kệ cho các thầy Tỳ-kheo:

(377) Như hoa Vassikà,
Quăng bỏ cánh úa tàn,
Cũng vậy vị Tỳ-kheo,
Hãy giải thoát tham sân.

Nghe xong, tất cả năm trăm thầy Tỳ-kheo đều đắc quả A-la-hán.

9. Vị Sa Môn Nhàn Tịnh

Thân tịnh, lời an tịnh ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Santakaya.

Tỳ-kheo Santakaya là một vị Sa-môn không bao giời mắc lỗi khiếm nhã trong cách đi đứng và mọi oai nghi cử chỉ. Thầy không bao giờ ngáp lớn hoặc dang tay đưa chân thô tháo, luôn luôn có vẻ điềm tĩnh, trang nhã. Chuyện kể rằng thầy vốn được sanh ra từ bụng một con sư tử. Loài sư tử mỗi khi kiếm được mồi, chúng thường vào trong những động vàng bạc châu báu, mã não và nằm ở đấy bảy ngày trên một lớp bột vàng trộn với bột hoàng thạch. Ngày thứ bảy, khi trỗi dậy, chúng quan sát chỗ nằm, nếu thấy có dấu vết di chuyển của đuôi, tai, hoặc bốn chân làm bụi bột tung tóe, chúng liền tự bảo: "Thế này là chưa xứng với dòng dõi của mình". Và ở lại nhịn đói thêm bảy ngày nữa, giữ gìn cẩn thận hơn. Cho đến khi không thấy bụi bột dấy lên, chúng tự nói "Ðây mới xứng với dòng dõi của ta". Chúng mới rời ổ, ngáp và duỗi tay chân, quan sát tứ phía, rống lên ba tiếng và đi tìm mồi. Ðược sanh từ bụng một con sư tử như thế nên thầy luôn có vẻ điềm tĩnh.

Tư cách trang nhã của thầy khiến các thầy khác chú ý và đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, chúng con không hề thấy Sa-môn nào như thầy Santakaya. Khi thầy đi đứng, không bao giờ thầy lúc lắc tay chân, không hề ngáp và quơ tay, đá giò....

Ðức Phật bảo:

- Này các Tỳ-kheo, một vị Sa-môn nên như Trưởng lão Santakaya, an tịnh trong khi đi đứng, trong lời nói, tư tưởng.

Ngài nói kệ:

(378) Thân tịnh, lời an tịnh,
An tịnh, khéo thiền tịnh,
Tỳ-kheo bỏ thế vật,
Xứng danh "bậc tịch tịnh".

10. Vị Sa Môn Và Chiếc Khố Rách

Tự mình chỉ trích mình ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Nangalakula.

Thuở ấy, có một người nghèo khổ chuyên đi làm thuê. Một ngày kia có vị Sa-môn thấy anh đang đi trên đường, trên người chỉ đóng chiếc khố rách, vai vác cái cày. Vị Sa-môn hỏi:

- Nếu anh chỉ kiếm sống bằng cách ấy, sao không đi tu cho khỏe?

- Bạch Ngài, ai mà chịu cho con, một người làm thuê đi tu?

- Nếu anh muốn, ta sẽ độ cho.

- Thật là tốt phước cho con. Nếu Ngài độ con xuất gia, con xin làm Sa-môn.

Vị Sa-môn đem người cày thuê về tinh xá Kỳ Hoàn tự tay tắm rửa cho y. Vị Sa-môn bảo chú Sa-di mới hãy treo chiếc khố rách với cái cày trên một nhánh cây gần tịnh thất. Từ đó thầy có tên là Nangalakula, Tôn giả "Thợ Cày".

Sau một thời gian sống trong tu viện, với những thực phẩm cúng dường sung túc, Tôn giả "Thợ Cày" trở nên bất mãn. Không chống chọi nổi sự dày vò, thầy nhủ thầm: "Ta không muốn đắp chiếc y vàng do đàn việt cúng nữa". Thầy đến dưới gốc cây, và tự sỉ nhục mình: "Mi thật xấu xa, không thành tâm chút nào. Bộ mi muốn mặc chiếc khố rách này, trở về thế tục để làm thuê hay sao?" Sau khi tự cảnh tỉnh mình, thầy lại trở về tu viện, hăng hái tu hành. Vài hôm sau, cơn bất bình lại kéo đến. Thầy cũng ra gốc cây nhìn chiếc khố rách và tự khiển trách như trước. Cứ thế, mỗi khi buồn bực, thầy đến gốc cây để lại lấy ý chí.

Các vị Sa-môn để ý thầy thường lui tới gốc cây, bèn hỏi:

- Này huynh Thợ Cày, huynh đến đó làm gì thế?

- Thưa chư vị, tôi đến viếng vị giáo thọ của tôi.

Vài hôm sau, thầy chứng A-la-hán. Các vị Sa-môn thấy thầy không đến gốc cây bèn hỏi đùa:

- Này huynh, lâu nay không thấy huynh lui tới đường này, chắc huynh không đến vị giáo thọ nữa?

- Thưa vâng, khi tôi còn vướng bận thế gian, tôi thường lui tới đường này. Nhưng nay tôi chẳng còn liên hệ gì với thế gian nữa, tôi không cần phải đi.

Các vị Sa-môn nghe thế đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thầy ấy nói điều không thật, thầy ấy vọng ngữ.

Ðức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, thầy ấy nói đúng. Thầy ấy đã tự khuyên răn mình và đã đạt được Thánh quả.

Ngài nói kệ:

(379) Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỳ-kheo tự phòng hộ,
Chánh niệm, trú an lạc.
(380) Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền.

11. Người Thấy Chánh Pháp Là Thấy Ta

Tỳ-kheo nhiều hân hoan....

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Trưởng lão Vakkali.

Tại thành Xá-vệ, có một thanh niên dòng Bà-la-môn. Một ngày nọ, chàng thấy đức Như Lai đi và thành khất thực. Trông tướng hảo uy nghiêm của đức Phật, chàng rất yêu thích, và chán ghét hình ảnh của mình, chàng nghĩ thầm: "Ta sẽ tình cách để được nhìn đức Như Lai suốt ngày". Chàng bèn theo Phật xuất gia và ở trong Tăng đoàn. Thầy Sa-môn này cứ luôn luôn tìm chỗ đứng có thể chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, chẳng màng đến kinh kệ và thiền định. Ðức Như Lai biết vậy, và đợi cho trí tuệ của thầy thuần thục, Ngài không nói một lời. Ngày nọ, đức Phật nghĩ:

"Bây giờ trí tuệ của thầy ấy đã thuần thục". Ngài bèn bảo:

- Này Vakkali, đâu có gì thích thú khi ngắm một hợp thể bất tịnh gọi là thân Ta? Này Vakkali, ngườii nào thấy pháp là thấy Ta.

Nhưng mặc lời khuyên của đức Như Lai, thầy Vakkali vẫn không thể rời tia mắt khỏi đức Phật, hoặc lìa khỏi chỗ Phật ngồi. Cuối cùng đức Phật nghĩ:

"Thầy Sa-môn này sẽ không bao giờ tỉnh ngộ, trừ phi gặp một cơn xúc động lớn". Lúc ấy, mùa an cư đã đến, đức Như Lai tìm nơi an cư. Ngài về thành Vương Xá, đuổi thầy Vakkali trở lại Trúc Lâm. Và suốt ba mùa trăng, Vakkali không được thấy Phật, không được nghe Ngài nói. Buồn quá, thầy sinh ra ý tưởng muốn tự tử. Thầy bèn leo lên ngọn Linh Thứu và định nhảy xuống chết.

Ðức Thế Tôn biết thầy quá đau khổ và chán đời, Ngài nghĩ thầm: "Nếu thầy Vakkali không được sự an ủi của ta, thấy sẽ làm hỏng cả dịp chứng quả Thánh". Lập tức Ngài bèn hiện thân trước thầy Vakkali, lúc đó đang toan đâm đầu xuống núi. Vừa thấy đức Như Lai, thầy liên cảm thấy yêu đời, nỗi buồn khổ tiêu tan. Và như rót đầy nước vào một đáy hồ khô cạn, đức Như Lai đã làm tuôn dậy mối hoan hỷ trong lòng thầy. Ngài nói kệ:

(381) Tỳ-kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc.

Ðức Như Lai đưa tay về phía thầy Vakkali và bảo:

Ðến đây Vakkali!
Nhìn Như Lai chớ sợ.
Ta sẽ đưa tay đỡ
Như kéo voi sa lầy

Vakkali, đến đây!
Nhìn Như Lai chớ sợ.
Ta giúp ngươi giải thoát,
Như gỡ được mặt trời,
Ra khỏi cơn nhật thực.

Ðến đây, Vakkali
Nhìn Như Lai chớ sợ.
Ta sẽ giải thoát người,
Như gỡ vầng trăn tỏ
Cho khỏi bị nguyệt thực.

Thầy Vakkali nghĩ thầm: "Ta vừa thấy được đấng Thập Lực, và Ngài bảo ta hãy đến bên Ngài!" Lòng thầy tràn ngập hân hoan. "Ta làm sao đến được?", thầy tự nghĩ thế. Ðứng trên đỉnh núi cao, dù chẳng thấy có đường đi, thầy tung mình nhảy vào không trung đến trước mặt đấng Thập Lực ngay khi vừa nghe những chữ đầu của câu Pháp Cú. Và trong lúc đang bay, suy niệm bài kệ của đức Thế Tôn, thầy chế ngự được cơn hoan lạc và chứng A-la-hán cùng một lúc với các thần thông. Và đầy lòng cảm thán đức Như Lai, thầy hạ xuống đất, đảnh lễ đức Phật. Thế Tôn xếp thầy đệ nhất trong hàng đệ tử có lòng tin chân thật.

12. Vị Sa Môn Và Long Vương

Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi.....

Thế Tôn dạt những lời này khi Ngài đang ở tại Pubbarama, liên quan đến Sa-di Sumana

Chuyện quá khứ:

12A. Chàng Annabhhàra Nghèo Khổ Và Quan Chưởng Khố Sumana Giàu Có

Vào thời Phật Padumuttara, có một thanh niên gặp Phật vào lúc Ngài đang ở giữa tứ chúng tuyên bố một thầy Tỳ-kheo nọ là Thiên nhãn đệ nhất. Lòng mong muốn đạt đến địa vị ấy, chàng thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo đến nhà thọ thực suốt bảy ngày, rồi phát nguyện: "Bạch Thế Tôn, con nguyện xin được thành Thiên nhãn đệ nhất dưới thời một vị Phật tại thế".

Ðức Phật Padumuttara quán sát rồi thọ ký:

- Một trăm ngàn kiếp nữa, dưới thời Phật Thích Ca, người thanh niên này sẽ được Thiên nhãn đệ nhất, mang tên A-na-luật.

Sau khi được thọ ký, mỗi ngày chàng đều cảm thấy như sẽ được đắc thần thông vào ngày mai. Phật nhập Niết-bàn rồi, chàng hỏi các thầy Tỳ-kheo phải tu hành như thế nào để đắc Thiên nhãn thông. Chàng cho thắp đuốc thành vòng tròn bảy hải lý quang ngôi tháp vàng thờ Phật, lấy ánh sáng tôn vinh Ngài. Hết kiếp ấy, chàng thọ sanh lên cõi trời. Sau nhiều kiếp tái sanh suốt một trăm ngàn kiếp, chàng đầu thai vào một nhà nghèo ở Ba-la-nại. Chàng khuân vác cỏ mướn cho quan chưởng khố Sumana nên có tên là annabhàra, người khuân vác cỏ ăn. Quan chưởng khố Sumana thường cúng dường bố thí rộng rãi tại đôi thị này.

Một hôm, đức Phật Ðộc Giác Uparittha xuất diệt tận định, và tự quán sát: "Hôm nay ta sẽ độ ai?" Một tư tưởng liền đến trong đầu Ngài: "Hôm nay ta sẽ độ annabhara", và ngài tiếp tục quán sát: "Lúc này Annabhara đang mang cỏ cắt trong rừng về". Ngài bèn lấy y bát, dùng thần thông bay đến trước mặt Annabhara. Chàng thấy bát trống trong tay Ngài, bèn thưa:

- Bạch Ngài, Ngài chưa được cúng dường ư?

- Ta đang khất thực, hỡi chàng trai tốt phước.

- Vậy thì, bạch Ngài, xin Ngài đợi giây lát.

Ném bó cỏ, chàng vội vã về nhà hỏi vợ:

- Mình ơi, có để dành phần ăn cho tôi không?

- Dạ có ạ.

Annabhara lại vội quay về gặp vị Phật Ðộc Giác, đỡ lấy bát của Ngài. Chàng nghĩ thầm: "Lâu nay mỗi lần muốn cúng dường, mình không có gì để cúng. Còn khi có vật thực để cúng, mình lại chẳng gặp được vị nào. Hôm nay mình có được cả hai, thật may mắn làm sao!". Chàng về đến nhà, múc cơm vào bình bát, mang đến cúng dường đức Phật, phát nguyện:

- Bạch Ngài, xin cho con được thoát khỏi cuộc sống đọa đày hiện nay của con. Xin cho con đừng bao giờ phải nghe tiếng "không có".

Vị Phật Ðộc giác liền hồi hướng công đức cho chàng:

- Này thiện nam tử, sẽ được vậy.

Vị thần trú trong chiếc lọng của quan chưởng khố Sumana kêu lên:

- Ôi đức Phật Uparittha được cúng dường món vật thực cao quý biết bao!

Và thần ba lần tán thán Annabhara.

Quan chưởng khố hỏi:

- Lâu nay ông không thấy ta bố thí sao?

Thần đáp:

- Chẳng phải tôi tán thán ông cúng dường đâu. Tôi đang ca ngợi chàng Annabhara cúng dường Phật Uparittha đấy.

- Hay thay! Ta đã cúng dường biết bao nhiêu từ trước đến giờ thần chẳng ca ngợi. Còn chàng Annabhara làm mướn cho ta chỉ cúng một bữa ăn lại được khen. Ta sẽ trả giá mua phần cúng dường này về phần ta.

Quan chưởng khố cho gọi Annabhara đến hỏi:

- Hôm nay, anh có cúng dường ai không?

- Thưa ông chủ có ạ. Tôi đã cúng dường phần cơm tôi cho Phật Ðộc Giác Uparittha.

- Anh cầm đồng xu này và nhường cho tôi phần cúng dường ấy nhé!

- Thưa ông, không được đâu.

Quan chưởng khố tăng giá lên một ngàn đồng, Annabhara vẫn không chịu. Ông bèn nói:

- Thôi được rồi, nếu anh không nhường phần cúng dường ấy thì hãy lấy một ngàn đồng này và hồi hướng cho tôi phần phước vậy.

- Xin ông hãy để tôi hỏi ý kiến Ngài rồi quyết định ạ.

Chàng chạy đến gặp đức Phật Ðộc Giác.

- Bạch Ngài, quan chưởng khố trao con một ngàn đồng và yêu cầu hồi hướng công đức cho ông ấy. Con phải làm sao?

Ðức Phật dùng thí dụ đáp:

- Như trong làng kia có một trăm nhà, một người chỉ thắp một ngọn đèn nhà mình rồi các nhà khác đến đó châm đèn mang về. Vậy ánh sáng đó phải của ngọn đèn dầu đầu tiên không?

- Bạch Ngài trong trường hợp ấy ánh sáng của cây đèn đầu tiên đã gia tăng lên.

- Thiện nam tử, việc cúng dường của anh cũng thế. Dù một môi cháo, một muỗng cơm, khi ta hồi hướng phước đức do công cúng dường ấy qua những người khác, phước sẽ gia tăng theo số người được hồi hướng. Ðây anh chỉ cúng dường một phần ăn. Nhưng khi anh hồi hướng quan chưởng khố phước đức ấy thì nó tăng lên gấp đôi, một thuộc về anh và một thuộc quan chưởng khố.

- Bạch Ngài, quý hóa quá.

Annabhàra từ giã vị Phật Ðộc Giác đến gặp quan chưởng khố:

- Thưa ông, xin ông hãy nhận phần phước đức cúng dường của tôi.

- Ðây anh cầm lấy tiền.

- Tôi không bán đâu ạ. Tôi tặng ông phần phước đức ấy là từ lòng tin của tôi thôi.

- Vậy cũng tốt. Về phần tôi, tôi cảm phục nhân cách cao quý của anh lắm. Anh bạn, hãy nhận số tiền này đi. Từ nay anh khỏi cần cực nhọc làm thuê mướn cho tôi nữa. Anh hãy cất một căn nhà nơi đường phố lớn mà ở. Lúc nào cần thức gì, anh cứ lại kho tôi lấy.

Aáy là quả hiện báo do cúng dường bữa ăn cho một vị xuất định diệt thọ tưởng. Nhà Vua nghe chuyện cũng cho gọi Annabhàra đến, xin chàng một phần phước đức, ban thưởng chàng rất hậu và cho làm chức chưởng khố.

Bây giờ Annabhàra là bạn hữu của quan chưởng khố Sumana. Chàng tiếp tục làm việc phước thiện cho đến khi mãn kiếp, được thọ sanh lên cõi trời. Qua nhiều lần tái sinh trong cõi trời và người, chàng thọ sanh vào một gia dình hoàng tộc dòng Thích Ca, hoàng thân Amitodana, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, dưới thời đức Phật hiện tại. Sau mười tháng cưu mang, phu nhân Amitodana mới sinh chàng, đặt tên A-na-luật. Tôn giả là em út vương tử Mahanam, anh em chú bác của Phật. Tôn giả được nuôi dưỡng trong sự chăm sóc cưng chiều, là vị vương tử có phước báo rất lớn.

Chuyện hiện tại:

12B. A-Na-Luật Xuất Gia

Một hôm sáu vị vương tôn chơi đánh bạc ăn bánh, A-na-luật thua, nhờ người đi xin bánh nơi thân mẫu. Phu nhân sắp đầy bánh vào một đĩa vàng lớn đem đến. Các vương tôn ăn bánh xong chơi tiếp. A-na-luật thua, lại xin bánh. Phu nhân ba lần cho mang bánh tới, lần thứ tư bà nhắn: "Không có bánh nữa". Chưa bao giờ nghe chữ "không có" nên nghe mẫu thân nhắn, chàng tưởng tượng: "Chắc có thứ bánh gọi là "không có" bèn bảo người hầu:

- Ði xin ít bánh "không có" Phu nhân nghe vậy bèn nghĩ: "Con ta chưa hề nghe tiếng "không có". Ta làm sao giảng cho nó hiểu đây?".

Phu nhân rửa sạch một chiếc bát vàng, lấy chiếc bát vàng khác úp lên, rồi b���o người hầu đem đi nói:

- Ðây, con trao cái này cho cậu.

Lúc ấy, chư thiên cõi trời giữ thành tự nghĩ: "Trong kiếp trước, chủ nhân chúng ta là Annabhàra đã cúng dường phần thức ăn mình cho vị Phật Ðộc Giác Uparittha, và phát nguyện: "Xin đừng bao giờ nghe tiếng "không có". Chúng ta biết hết đầu đuôi câu chuyện mà có thái độ thờ ơ, coi chừng đầu nứt thành bảy miếng. Nghĩ vậy, chư thiên bèn cho vào chiếc tô ấy đầy những chiếc bánh chư thiên vẫn dùng. Người hầu mang tô đến, đặt trước mặt sáu vị vương tôn và mở ra. Mùi bánh thơm ngào ngạt khắp cả kinh thành. Hơn thế, mỗi miếng bánh được cho vào miệng liền gây cảm giác khoan khoái cho đủ cả bảy ngàn dây thần kinh vị giác.

Vương tử A-na-luật nghĩ thầm: "Ðúng là lâu nay mẹ không thương mình, chưa bao giờ mẹ làm cho mình ăn thứ bánh "không có" này.

Chàng đến gặp mẹ, hỏi:

- Mẹ ơi, mẹ không thương con phải không?

- Kìa con, nói gì vậy? Mẹ cưng con hơn mắt mẹ, quý con hơn tim mẹ mà.

- Mẹ thân yêu ơi, nếu mẹ thương quý con, sao trước giờ mẹ không cho con ăn thứ bánh "không có" này?

Phu nhân hỏi người hầu:

- Này con, trong chiếc bát có gì không?

- Thưa phu nhân, có. Trong bát đầy những chiếc bánh con chưa từng thấy bao giờ.

Phu nhân suy nghĩ: "Con ta thường làm việc thiện. Chắc chư thiên đã cho bánh của các vị".

Vương tử A-na-luật lại bảo:

- Mẹ thân yêu ơi, con chưa bao giờ được ăn thứ bánh ấy. Từ rày mẹ chỉ chiên bánh này cho con ăn thôi nhé.

Về sau mỗi khi cậu đòi "cho con ăn bánh", phu nhân lại rửa sạch một chiếc bát vàng, lấy chiếc bát vàng khác úp lên cho mang đến, và chư thiên lại sắp đầy bánh của cõi trời vào bát. Cậu cứ thế sống trong sự chăm chút nâng niu của gia đình, chẳng bao giờ biết đến nghĩa chữ "không có", và ăn toàn bánh chư thiên.

Khi nhiều vị vương tôn công tử thuộc hoàng tộc Thích-ca nối tiếp nhau lần lượt xuất gia, nhập vào Tăng đoàn đức Thế Tôn, ngài Mahanam đến gặp cậu em A-na-luật bảo:

- Này em, gia đình ta chưa có ai xuất gia làm Sa-môn. Hai anh em mình phải có một người xuất gia theo Phật mới được.

Cậu đáp:

- Từ trước tới giờ em quen sống được chăm sóc chu đáo. Em không thể xuất gia làm Sa-môn được đâu anh.

- Thế thì em coi sóc ruộng vườn đi, anh sẽ xuất gia.

- Coi sóc ruộng vườn là làm sao?

Cậu không biết đến cả chuyện thực phẩm từ đâu có, làm sao biết việc trông nom ruộng vườn?

Có lần ba vương tử A-na-luật, Bạt-đề và Kiếp-tân-na bàn tán về vấn đề: "Cơm từ đâu có?". Kiếp-tân-na nói trước:

- Cơm lấy từ kho ra.

(Kiếp-tân-na từng thấy người ta đem gạo chất vào kho nên tưởng rằng cơm từ kho mà có).

Bạt-dề bảo Kiếp-tân-na:

- Cậu chẳng biết gì cả. Cơm lấy từ trong nồi cơm. (Một hôm Bạt-đề thấy cơm được bới từ nồi nấu cơm ra nên bảo cơm từ nồi mà có).

A-na-luật bảo hai vương tử:

- Các cậu đều không biết gì. Cơm lấy từ chiếc liễn vàng có quai nạm ngọc kia. (Cậu chưa từng thấy người ta giã gạo hay nấu cơm, chỉ thấy cơm sau khi đã được múc từ nồi nấu ra, đặt trước mặt cậu trong chiếc liễn vàng).

Như vậy, làm sao vị vương tôn có phước báo lớn này lại rành chuyện ruộng vườn?

Vương tử Mahanam bảo:

- Này A-na-luật, anh sẽ cho em hay một gia chủ phải làm gì nhé! Trước hết em cho cày ruộng..

Ông bắt đầu giảng giải cho em nghe các thứ công việc. Nghe anh liệt kê một dọc nhiệm vụ công tác mà một vị chủ nhân phải đảm đương, cậu nói:

- Em chẳng làm xong vai trò chủ nhân ấy đâu.

Em xin phép mẫu thân xuất gia làm Sa-môn. Cùng với năm ông hoàng khác của dòng Thích Ca, cậu từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ, trước hết đến vườn xoài Anupiya gặp Phật xin xuất gia. Tôn giả tu hành tinh tấn và sau một thời gian chứng Tam minh. Tôn giả có thể dùng Thiên nhãn thấy suốt ba ngàn đại thiên thế giới dễ dàng như ngắm trái cây trong lòng bàn tay. Ngồi trên đơn, Tôn giả ngâm kệ:

Ta biết hết đời ta những kiếp trước
Ta đã đắc thiên nhãn, đắc thần thông.
Tam thông ta đạt, và ta thấu triệt.
Giáo pháp nhiệm mầu của đức Thế Tôn.

Rồi Tôn giả suy nghĩ: "Ta đã làm những gì để được như vậy?". Liền khi ấy, Tôn giả biết: "Vào thời Phật Padumuttara, ta đã có lời phát nguyện. Sau thời gian luân hồi qua lại, ta được tái sanh ở Ba-la-nại vào thời nọ và sống bằng nghề làm mướn cho quan chưởng khố Sumana. Tên ta là Annabhàra".

Tôn giả ngâm kệ tiếp:

Trong một kiếp ta là người cắt cỏ
Tên Annabhàra, kẻ làm mướn nghèo cùng
Ta đã cúng dường bữa cơm thật khiêm nhường
Cho vị Phật Uparittha danh tiếng.

Bỗng Tôn giả chợt nghĩ: "Quan chưởng khố Sumana bây giờ ở đâu? Ông đã tặng ta tiền đổi lấy phần cơm ta cúng dường Phật Uparittha, và nhận phần phước đức cúng dường ấy". Tôn giả liền thấy được quan chưởng khố ngay: "Nơi rừng Vinjha, tại một chân núi ở thị trấn Munda, có Phật tử tên là Mahà Munda. Con trai lớn của ông tên là Mahà Sumana, còn người con trai thứ tên là Culla Sumana, chính là quan chưởng khố Sumana tái sinh".

Thấy được quan chưởng khố rồi, Tôn giả nghĩ tiếp: "Ta có nên đến đấy không?" Tôn giả quán sát và thấy rằng khi Tôn giả vừa gặp, Culla Sumana tuy mới bảy tuổi cũng sẽ xuất gia và đắc quả A-la-hán rất nhanh. Quán sát xong xuôi, vì mùa mưa sắp đến, Tôn giả dùng thần thông bay đến cổng làng.

Chuyện hiện tại:

12C. Sa-Di Sumana Và Long Vương

Trong một kiếp quá khứ, Phật tử Mahà Munda là bạn thân của Tôn giả A-na-luật. Do đó, đến giờ khất thực, thấy Tôn giả đắp y, ông bảo người con trai lớn là Mahà Sumana:

- Này con, Trưởng lão A-na-luật tôn quý của cha đã đến. Nếu thấy chưa có ai cầm bát Ngài, con hãy ra đỡ bát đem vào đây, cha sẽ sửa soạn chỗ ngồi cho Ngài.

Mahà Sumana vâng lời. Phật tử Munda tiếp rước cúng dường hết sức chu đáo, và thỉnh Tôn giả ở lại an cư mùa mưa. Ngài nhã nhặn nhận lời. Suốt ba tháng an cư, vị Phật tử thuần thành chăm sóc Tôn giả cung kính tận tình như chỉ mới một ngày vậy.

Ðến buổi đại lễ Pavàranà, ông đem đường mật, dầu ăn, gạo.v.v.. đặt dưới chân Tôn giả, thưa:

- Bạch Ngài, xin Ngài nhận những phẩm vật này.

- Thôi đủ rồi, đạo hữu, tôi chẳng dùng các thứ này mấy.

- Bạch Ngài, đây là phần thường cúng dường cho các vị an cư. Thỉnh Ngài nhận cho con.

- Thôi đủ rồi, đạo hữu ạ.

- Bạch Ngài, sao Ngài không nhận?

- Tôi không có Sa-di thị giả.

- Bạch Ngài, vậy xin cho con trai tôi, Mahà Sumana, làm Sa-di thị giả Ngài.

- Này đạo hữu, Mahà Sumana chắc không được.

- Vậy xin Ngài nhận Culla Sumana vào Tăng đoàn.

- Tốt lắm.

Tôn giả nhận lời rồi, cho Culla Sumana xuất gia. Chưa bao lâu cậu đã đắc quả A-la-hán. Tôn giả ở lại thêm nửa tháng rồi nghĩ: "Ta sẽ về thăm đức Thế Tôn". Từ biệt gia quyến ông Mahà Munda, Tôn giả bay đến vùng Hy Mã, và đáp xuống ở Arannakutika.

Tôn giả vốn tính rất năng động nên sau một đêm kinh hành vào giấc đầu hôm và giấc khuya, Tôn giả bị chứng khó tiêu. Chú Sa-di để ý thấy thầy tái xanh, hốc hác, bèn thưa hỏi:

- Bạch thầy, thầy bị bệnh sao ạ?

- Ta bị khó tiêu.

- Bạch thầy, có bao giờ thầy bị bệnh này chưa?

- Có.

- Bạch thầy, lấy thuốc gì chữa?

- Này chú, nếu ta uống nước hồ Anotatta thì ổn ngay.

- Vậy con sẽ đi kiếm nước ấy.

- Này Sa-di, chú có làm được không?

- Bạch thầy, được ạ!

- Thế thì long vương Pannaka đang ở hồ Anotatta biết ta. Hãy cho vị ấy biết là chú đến xin một bình nước làm thuốc.

- Vâng ạ.

Chú Sa-di đảnh lễ thầy, bay lên không trung đến hồ Anotatta cách đó năm trăm hải lý.

Hôm ấy long vương đang định mở hội vui chơi dưới nước, có ca vụ giúp vui. Do đó thấy chú Sa-di đến gần, long vương nổi giận, nói thầm: "Tên Sa-di trọc đầu kia đi lung tung chân bắn cả bụi đất lên đầu ta. Chắc hẳn kiểu này là đi lấy nước ở hồ Anotatta về uống đây. Ðược, ta sẽ chẳng cho hắn một giọt nào tất". Long vương bèn nằm xuống, giương vây ra che kín hết cái hồ rộng đến năm mươi hải lý, như ta lấy chiếc dĩa lớn đậy lên cái ấm. Chú Sa-di quan sát thấy cung cách Long Vương, bèn nghĩ: "Ngài đang giận". Chú nói kệ:

Hãy nghe, hỡi Long vương!
Kẻ sức mạnh phi thường
Và sức nóng kinh khiếp,
Ta vượt bao dặm đường
Ðến xin người chút nước
Vì chữa bệnh thầy ta.

Long vương đáp:

- Nơi phía đông có dòng sông hùng mạnh,

Tuôn chảy ra biển cả, gọi sông Hằng,
Ðến đấy đi, đến lấy nước mà uống!

Chú Sa-di nghe, nghĩ thầm: "Con rồng này không muốn cho ta nước. Vậy phải dùng vũ lực, hiện đại thần thông lấy nước mới được". Chú bảo Long vương:

- Ðại vương, thầy tôi dạy phải lấy nước hồ Anotatta chứ không lấy ở đâu khác. Giờ tôi phải lấy nước này thôi. Ðại vương đi đi, chớ kiếm cách cản trở tôi mãi.

Chú nói kệ:

Chỉ nước hồ này tôi mới lấy
Chỉ nước hồ đây tôi mới cần
Nếu đủ quyền năng và sức mạnh
Tự điều phục đi, hỡi rồng thần!

Long vương đáp:

Sa-di! Lời ngươi ta tán thán.
Nếu ngươi đủ sức, đủ trưởng thành,
Thì nước hồ ta, ngươi cứ lấy,
Trổ tài cho xứng bực hùng anh.

Sumana trả lời:

- Ðại vương, vậy thì tôi lấy nước đây.

Long vương thách:

- Ngươi lấy được cứ lấy.

- Ðược lắm. Quyết định chắc chắn một lời thôi đấy.

Chú buộc long vương phải nói ba lần như trên. Rồi chú tự nghĩ: "Ta cần phải biểu dương sức mạnh giáo pháp Phật-đà ngay trong chuyện lấy nước này". Chú bay lên trời gặp chư thiên. Chư thiên đảnh lễ chú, thưa:

- Bạch Ngài, Ngài cần gì?

- Sắp có trận chiến xảy ra giữa tôi và long vương Pannaka, ngự ở hồ Anotatta. Mời chư vị đến xem ai thắng bại.

Cứ thế, chú đi mời Tứ Thiên Vương, Ðế Thích, Suyyama, Santusita, Paranimmita-Vasavatì, và nói như trên. Rồi chú đi xa hơn, đến tận chín cõi trời Phạm Thiên. Chín vị Phạm thiên đều đến đảnh lễ chú và thưa:

- Bạch Ngài, Ngài cần gì?

Chú lại nói như trên. Như vậy, chú qua hết các thế giới chỉ trong chốc lát, viếng tất cả cõi trời, trừ ra cõi Vô Tưởng và cõi Vô Sắc Ðại Phạm, và chú cũng nói những lời ấy. Tất cả chư Thiên tụ hội trên hồ Anotatta, đông kín đặc bầu trời y như khi ta đổ bột chì vào trong đấu vậy. Xong xuôi, chú Sa-di mới đứng trên không bảo long vương:

Hãy nghe, hỡi Long vương!
Kẻ sức mạnh phi thường,
Và sức nóng kinh khiếp,
Ta vượt bao dặm đường
Ðến xin ngươi chút nước
Về chữa bệnh thầy ta.

Long vương đáp:

Sa-di! Lời ngươi ta tán thán

Nếu ngươi đủ sức, đủ trưởng thành

Thì nước hồ ta, ngươi cứ lấy,

Trổ tài cho xứng bực hùng anh.

Buộc long vương phải nói ba lần như vậy xong, chú Sa-di liền hiện thân thành Phạm thiên cao mười hai hải lý, từ trên không bay xuống đạp lên vây long vương, ép đầu hắn xuống, rồi dùng hết sức bình sinh đè lên người long vương. Giống như người có sức mạnh đạp tấm da ướt, chú Sa-di vừa đạp lên chiếc vây long vương, nó liền cuộn từ khúc cỡ bằng cái muỗng và tuột đi. Từ mỗi chỗ khúc cuộn tuột đi đó, bắn lên những vòi nước cao bằng thân cây thốt nốt. Chú chỉ việc đứng trên không trung đưa bình ra hứng.

Chư thiên trầm trồ tán thán. Quá hổ thẹn và căm giận chú Sa-di, mắt long vương quắc lên, đỏ như dâu chín, lòng tự nghĩ: "Gã này rủ rê chư thiên đến rồi đạp lên vây ta để làm nhục. Ta sẽ tóm hắn, cho tay hắn vào mồm ta và bóp nhừ tim hắn ra. Hoặc ta sẽ túm chân hắn ném xuống sông Hằng". Long vương giở hết tốc lực đuổi theo chú Sa-di, nhưng vẫn không kịp.

Sumana về đến nơi liền đặt bình nước vào thay thầy chú, thưa:

- Bạch thầy, mời thầy dùng nước.

Lúc ấy, long vương vừa đuổi theo đến nơi, vội thưa Tôn giả:

- Bạch Ngài, vị Sa-di của Ngài đã lấy nước mà tôi không cho. Xin Ngài chớ uống.

- Này Sa-di, đúng như vậy không?

- Bạch thầy, mời thầy cứ việc dùng. Nước này là chính long vương đã cho con đấy ạ.

Tôn giả biết chú Sa-di đắc quả A-la-hán không thể nói lời vọng ngữ nên liền uống. Ðược vài ngụm, Tôn giả thấy dễ chịu.

Long vương bạch:

- Bạch Ngài, vị Sa-di của Ngài đã gọi chư Thiên đến và làm nhục tôi trước mặt họ. Tôi định xé tim chú ấy ra, hoặc túm chân ném chú xuống sông Hằng.

- Ðại vương, vị Sa-di này có đại thần thông, Ðại vương không đánh lại đâu. Vậy hãy sám hối mà đi về.

Không cần ai nói long vương cũng biết dư chú Sa-di có đại thần thông, rượt theo chú chẳng qua vì quá mất mặt mà thôi. Do đó long vương vâng lời Tôn giả, sám hối chú Sa-di và kết bạn với chú. Long vương nói:

- Từ rày trở đi khi nào cần nước hồ Anotatta, Ngài khỏi phải nhọc mình đi lại. Xin nhắn một tiếng, tôi sẽ đích thân mang đến.

Rồi long vương từ biệt.

Tôn giả A-na-luật đem chú Sa-di theo về. Ðức Thế Tôn biết Tôn giả đang trên đường đến gặp Ngài, bèn ở lại lâu đài Mẹ Migara chờ. Các thầy Tỳ-kheo thấy Tôn giả đến đều ra đón, đỡ y bát cho Tôn giả. Vài thầy xoa đầu, nhéo tai Sumana, đùa:

- Sa-di ơi, chú không thấy tu hành cực khổ sao?

Ðức Phật thấy vậy nghĩ: "Các Sa-môn này đùa cợt chú Sa-di thật là lầm lớn. Các ông ấy tự do cầm nắm người chú như ta tóm cổ một con rắn độc, không biết chú có đại thần thông. Hôm nay ta nên cho họ biết tài đức của Sa-di Sumana".

Trưởng lão A-na-luật đến đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Ðức Thế Tôn thân mật hỏi Tôn giả, rồi quay sang bảo ngài A-nan:

- Này A-nan, ta muốn lấy nước hồ Anotatta để rửa chân. Ông hãy đưa bình đựng nước cho các Sa-di đi lấy nước!

Tôn giả A-nan cho gọi hết năm trăm vị Sa-di của tinh xá, trong đó có Sumana nhỏ tuổi nhất. Tôn giả bảo chú Sa-di lớn nhất:

- Này Sa-di, đức Thế Tôn muốn rửa chân bằng nước hồ Anotatta. Hãy mang bình đi lấy nước nghe.

- Bạch Ngài, con không làm việc ấy được.

Chú Sa-di lớn tuổi nhất không muốn đi liền thưa vậy. Tôn giả lần lượt hỏi các Sa-di khác, chú nào cũng từ chối. Thế không có vị Sa-di nào đắc quả A-la-hán sao? Tất nhiên là có, nhưng sở dĩ các vị từ chối vì biết: "Lẵng hoa này chẳng phải kết dành cho chúng ta. Chính là vì Sa-di Sumana đấy". Còn những vị chưa đắc quả Tu-đà-hoàn thì từ chối vì họ biết không đủ sức đảm đương công tác ấy.

Cuối cùng đến phiên Sumana. Tôn giả A-nan lặp lại:

- Này Sa-di, đức Thế Tôn muốn rửa chân bằng nước hồ Anotatta, và biểu chú đem bình đi lấy nước.

- Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn muốn con đi lấy nước, con sẽ đi.

Chú đảnh lễ Phật, thưa:

- Bạch Thế Tôn, con được biết Ngài muốn con đi lấy nước hồ Anotatta.

- Ðúng thế, Sumana.

Chú chọn trong đám bình hũ bằng vàng của tinh xá do bà Visàkhà đặt làm để cúng dường, một chiếc hũ lớn bằng sáu mươi bình nước thường. Chú tự bảo: "Mình chẳng cần quảy nó lên vai làm chi". Chú xách hũ lủng lẳng nơi tay, bay vút lên không, nhắm hướng vùng Hy Mã thẳng tiến.

Chú Sa-di còn ở xa, long vương đã thấy vội ra đón, đỡ chiếc hũ đặt lên vai mình và nói:

- Bạch Ngài, chừng nào Ngài còn có con hầu hạ trong cõi giới này, Ngài đâu cần nhọc sức tự mình đi? Nếu cần nước, sao Ngài không tin cho con hay?

Ðổ nước đầy hũ rồi tự vác lên vai, long vương thưa:

- Xin Ngài đi trước, con sẽ đích thân mang hũ nước.

- Ðại vương đừng đi. Ðức Thế Tôn biểu tôi đi đấy.

Chú buộc long vương phải quay lại, và đưa tay cầm miệng hũ, chú bay lên biến mất dạng vào không trung.

Ðức Phật thấy chú về, bảo các thầy Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, các ông hãy xem vẻ trang nhã của chú Sa-di. Chú bay trong không trung thanh thoát như một con ngỗng chúa.

Sumana đặt hũ nước xuống, đảnh lễ Phật. Phật hỏi:

- Sumana, con bao nhiêu tuổi?

- Bạch Thế Tôn, con được bảy tuổi.

- Vậy thì Sumana, hôm nay con được thọ giới Tỳ-kheo.

Và đức Phật truyền giới cụ túc cho Sumana. Trong Tăng đoàn tương truyền chỉ có hai vị Sa-di bảy tuổi được thọ cụ túc giới: Sumana và Sopàka.

Sumana được thọ giới Tỳ-kheo rồi, các thầy Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

- Chư huynh đệ, thật là một việc tốt đẹp biết bao! Vị Sa-di này thần thông thật là siêu việt. Chúng ta chưa từng thấy thần thông cao tuyệt như thế.

Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi:

- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn luận việc gì?

Khi nghe các thầy bạch lý do, Ngài bảo:

- Này các Tỳ-kheo, sự chứng đắc ấy ngay cả một Tỳ-kheo nhỏ tuổi vẫn có thể đạt được trong giáo pháp ta, nếu người ấy tinh tấn.

Ngài nói kệ:

(382) Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi,
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]