Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Kim Sắc Đồng Tử Nhân Duyên (Việt dịch: HT Thích Như Điển; Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh)

16/06/202305:39(Xem: 9279)
Kinh Kim Sắc Đồng Tử Nhân Duyên (Việt dịch: HT Thích Như Điển; Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh)

phat thanh dao
KINH
KIM SẮC ĐỒNG TỬ NHÂN DUYÊN
 
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 14. Kinh văn số 550 gồm 12 quyển. Chữ Hán từ trang 865 đến trang 894, gồm tất cả 29 trang. Do Ngài Duy Tịnh dịch chung (từ chữ Phạn sang chữ Hán) với nhiều người vào đời nhà Tống. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thuộc tập 57, Bộ Kinh Tập IV từ trang 557 đến trang 672, gồm 115 trang tiếng Việt.  Do Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000. Không thấy đề tên người dịch ra Việt ngữ.

Việt dịch: HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh

 

 


Trên 20 năm ròng rã, kể từ năm 2003 đến nay, khi tôi đã về ngôi Phương Trượng của Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc, tôi đã dành đa phần cho việc đọc Đại Tạng Kinh cũng như trì tụng các Kinh văn từ tập số 1 cho đến tập thứ 57, và phần sau từ tập 187 đến tập 202 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, tôi thấy lợi lạc vô cùng vì mình có được nhân duyên ngập chìm trong biển Pháp qua lời Phật dạy và chư Tổ truyền thừa khắp Đông, Tây, Nam, Bắc rải rác đó đây trong hàng trăm ngàn trang sách và hàng triệu triệu chữ nhảy múa trước mắt, trong tâm suốt năm nầy qua tháng nọ. Quả là một phước báu và một nhân duyên hy hữu của riêng mình khi tiếp xúc được với nguồn mạch tinh khôi của Phật Pháp như vậy, nên hạnh phúc vô cùng.

 

Hôm nay trong mùa An Cư Kiết Hạ năm 2023 tôi đọc xong bản Kinh gồm 12 tập này, lòng thấy hân hoan, nên xin tóm tắt lại những điểm chính trong 12 quyển nầy để những vị nào không có nhiều thời gian thì có thể xem qua, để củng cố niềm tin của mình về nhân duyên với Phật Pháp và việc bố thí cúng dường chư Phật được lợi ích như thế nào. Nếu chỉ xem đề tài của Kinh, chúng ta ai cũng có thể hiểu rằng đây là một bản Kinh nói về nhân duyên của Đồng Tử có màu vàng, nhưng tại sao lại có màu vàng? Câu trả lời phải đọc qua hơn 115 trang tiếng Việt ấy mới thẩm thấu hết được giá trị của bài Kinh nầy.

 

Những nhân vật chính trong Kinh là: Tôn Giả A Nan, thương chủ Nhật Chiếu, Thiên Tử trên cõi trời Đao Lợi, vợ thương chủ Nhật Chiếu, nàng kỷ nữ Ca Thi Tôn Na Lợi, đại thần Dũng Lệ, Vua A Xà Thế, những người gái hầu và nhân vật chính là Kim Sắc Đồng Tử.

 

Câu chuyện được kể rằng: Có một vị Thiên Tử trên cõi trời Đao Lợi phước báo ở cõi trời sắp hết và muốn gá thai vào một nhà giàu có là thương chủ Nhật Chiếu ở thành Vương Xá xứ Ấn Độ. Hai Ông bà muộn con nên đã cầu đảo khắp nơi mà chưa có kết quả nào, nhưng rồi sau một thời gian cầu khẩn chí thành thì vợ của thương chủ cũng có tin vui báo cho chồng biết là mình đã mang Thánh thai. Khi nghe như vậy thương chủ Nhật Chiếu rất vui mừng và cho gia nhân sửa soạn áo quần, cơm gạo để làm phước bố thí cúng dường. Sau đó vợ của thương chủ sinh ra một Đồng Tử khôi ngô tuấn tú, đặc biệt là có áo vàng ròng tự nhiên che thân và nếu cởi lớp áo nầy ra thì tự nhiên có áo vàng khác thay vào; thân Đồng tử thơm như mùi Chiên Đàn; miệng của Đồng tử tỏa ra mùi hương của hoa Ưu Bát.

 

Khi Đồng Tử lớn lên tướng hảo trang nghiêm, ai ai cũng quý mến. Vào một ngày nọ, trong khi thương chủ Nhật Chiếu bận đi buôn bán ở xa, Đồng Tử Kim Sắc xin mẹ được xuất gia tu Phật, nhưng người Mẹ bảo rằng: Cha con không có ở nhà, Mẹ không thể tự quyết định việc nầy được nên con phải chờ Cha con về để xin phép vậy.

 

Trong thành Vương Xá có một nàng kỷ nữ sắc nước hương trời tên là Ca Thi Tôn Na Lợi. Cô nầy được Đại Thần Dũng Lệ của Vua A Xà Thế mến tài, mến sắc, say đắm dung nhan, ngày đêm quyến luyến không rời, nhưng khi Tôn Na Lợi gặp được Đồng Tử một lần đã đem lòng yêu mến khôn nguôi, nên đã tìm cách lẽn vào trong vườn nhà của Đồng Tử, mặc dầu Đồng Tử đã khép cửa lại rất kỹ càng. Đại Thần Dũng Lệ thấy nhiều ngày kỷ nữ Tôn Na Lợi không đến hầu cận nên sinh nghi. Khi biết rằng nàng đang say đắm Đồng Tử Kim Sắc và đã lén vào vườn nhà của thương chủ Nhật Chiếu, Đại Thần Dũng Lệ bực tức, cáu giận và đã cho gia nhân tùy tùng lục xét vườn nhà của Đồng Tử, nàng Tôn Na Lợi sợ quá chạy trốn và va vào bức tường thành, nằm ngất lịm ở đó, rồi bị rắn độc cắn vào chân tay, nên càng mê man hơn nữa, chẳng biết đâu mà lường. Khi nàng bị ngất xỉu như vậy, ai ai cũng nghĩ rằng nàng đã chết nên đem ra bãi tha ma để chuẩn bị thiêu nàng và truy hô rằng chính Đồng Tử Kim Sắc đã giết nàng. Đây chính là vấn đề mấu chốt của câu chuyện. Chuyện đến tai Vua A Xà Thế, vì Đại Thần Dũng Lệ là chỗ tin cậy của vua xưa nay, nên Đại Thần nói gì, nhà vua cũng tin theo như vậy. Trong khi đó, Đại Thần Dũng Lệ sai bốn tên đao phủ đến bắt Đồng Tử Kim Sắc và lấy lệnh vua kết tội rằng, Đồng Tử đã giết Tôn Na Lợi nên phải bị xử trảm tại rừng tha ma và sau đó sẽ được thiêu chung với nàng Tôn Na Lợi.

 

Vào lúc đó Mẹ của Đồng Tử được người Thầy báo tin là Đồng Tử sẽ bị xử trảm. Bà than lên rằng: Đây là đứa con yêu quý của tôi, trong đời khó có và ít gặp. Trong khi cha nó đi buôn bán ở xa chưa về thì nhà cửa bị nạn như vậy, biết làm sao đây? Đến một ngày nọ thương chủ Nhật Chiếu trở lại quê xưa và khi nghe hung tin về Đồng Tử như vậy, Ông như người dở sống dở chết, tìm đủ mọi cách để đi cứu con mình. Việc đầu tiên là Ông đến gặp Đại Thần Dũng Lệ, nhưng Đại Thần vẫn y án, vì nghĩ rằng chính Đồng Tử Kim Sắc đã giết nàng. Nhân dân trong thành Vương Xá cũng thương xót Đồng Tử, nên đề nghị rằng phải tâu lên vua A Xà Thế mới mong giảm được án oan nầy. Nhưng cuối cùng thì Đồng Tử vẫn bị bốn tay đao phủ dẫn ra bãi tha ma, trong tiếng kêu gào của dân chúng thành Vương Xá. Vợ chồng thương chủ Nhật Chiếu cũng như những người hầu đã trách rằng: “A Xà Thế là vị vua độc ác, đã giết cha để cướp ngôi vua; bây giờ nhận không biết bao nhiêu là của báu do gia đình thương chủ Nhật Chiếu dâng tặng mà chẳng đoái hoài đến mạng sống đứa con yêu quý của họ. Như vậy chánh pháp đã chìm mất đi đâu rồi chăng?”.

 

Sau khi thương chủ Nhật Chiếu than khóc buồn rầu lo lắng như vậy, liền phát sinh trí sáng suốt nghĩ rằng: Nay ta có kêu gào cũng uổng công; ta từng nghe rằng Đức Thế Tôn có lòng thương bao la vi diệu, lại có sự cảm ứng, nếu như người nào đó trong cơn hoạn nạn chí thành tha thiết nhớ nghĩ đến Ngài, với thần lực của Ngài có thể giúp cho qua được khỏi nạn khổ. Ngay như việc Ương Quật muốn giết Mẹ để lấy ngón tay của mẹ mình mà Phật cũng biết, nên đã hiện ra cứu nạn và chính sau nầy Ương Quật đã xuất gia trở thành vị A La Hán, khiến cho Vua Ba Tư Nặc cũng không ngờ. Vậy thì nay con ta bị nạn như vậy ta cứ thành tâm cầu khẩn, Đức Phật sẽ chứng tri cho lòng thành của ta vậy. Thương chủ Nhật Chiếu hỏi một vị Ưu bà tắc rằng: Bây giờ thì Đức Phật đã vào Niết Bàn rồi, Ngài đã giao giáo pháp ấy cho ai? Vị Ưu bà tắc trả lời rằng: Đức Thế Tôn đã giao cho Ngài Ma Ha Ca Diếp, nhưng ở thời điểm nầy thì Ngài Ma Ha Ca Diếp cũng đã viên tịch và giáo pháp ấy Ngài Ca Diếp đã trao lại cho Ngài A Nan. A Nan đang giữ gìn tạng pháp ấy.

 

Thương chủ Nhật Chiếu chí thành niệm đến Ngài A Nan và Ngài A Nan đã dùng thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy Đồng Tử Kim Sắc ấy xưa đã trồng căn lành, nay nghiệp đã chín mùi, song bị nạn hiểm làm cho khổ não, trói buộc. Sau khi thấy được nguyên nhân rồi Ngài phân thân bay đến cung điện của Vua A Xà Thế và ẩn thân bên cánh cửa, đờn chỉ móng tay. Nhà vua đang vui chơi cùng thể nữ, nghe tiếng vang dội của Ngài A Nan nên bảo các người chung quanh rằng: Hãy mau thả Đồng Tử ra và ai chạy nhanh được đến rừng thây chết để báo tin nầy thì ta sẽ trọng thưởng.

 

Trong khi chờ xử trảm, Đồng Tử Kim Sắc cũng nhớ nghĩ đến những hạnh nguyện của các bậc Như Lai trong quá khứ đã thệ nguyện cứu vớt chúng sanh ở các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và tự nhủ: Ta trong giờ phút nầy, chưa gây ra tội giết người, nhưng bị quy vào tội nầy, chắc là do nhân đời trước đã làm gì đó nên ngày nay mới ra nông nổi nầy, các bậc Như Lai chắc chắn hiểu rõ được nguyên nhân sâu xa ấy. Nếu Đức Thế Tôn đã vào Niết Bàn thì đã có Ngài Ma Ha Ca Diếp, nhưng nay Ngài Ca Diếp cũng đã viên tịch, nên ta phải dâng niệm chí thành nầy đến Ngài A Nan vậy. Khi Ngài A Nan rõ biết nguyên nhân đời nầy cũng như đời trước của Đồng Tử Kim Sắc, nên đã cùng với 500 vị A La Hán vận dụng thần lực, rồi bay vút lên không trung, đi về hướng rừng thây chết. Vua A Xà Thế thấy hiện tượng lạ ấy nên nghĩ rằng chắc Ngài A Nan và 500 vị A La Hán sẽ hiện điềm lành cũng như thuyết pháp, nên đã cho xa giá đến rừng bỏ thây chết.

 

Lúc nầy các vị quan điều khiển đao phủ có ý tức giận là tại sao chưa trói Đồng Tử Kim Sắc vào giá để xử trảm mà còn chần chờ gì nữa. Trong khi đó Đồng Tử Kim Sắc luôn thầm cầu nguyện đến Ngài A Nan và chính Ngài A Nan cũng an ủi chàng rằng: Chính con là người đã tạo ra không biết bao nhiêu phước báu trong tiền kiếp. Ta sẽ dùng Pháp của các bậc có oai đức lớn đứng đầu trong hàng Thanh Văn nói ra, ta nay sẽ làm cho con được mãn nguyện, ta sẽ chấm dứt nỗi lo sợ chết và tất cả những nỗi lo trong kiếp luân hồi của con. Khi nghe được lời giáo huấn ấy của Ngài A Nan, Đồng Tử Kim Sắc rất vui mừng như được sống lại, thân tâm an ổn lạ thường. Tôn giả A Nan dùng thần lực ngay trên giá chém, đặt một bánh xe như mặt trăng sáng, ánh sáng trong suốt, giữa vòng tròn lại hiện ra đài hoa sen xinh đẹp, rộng lớn. Do thần lực của Ngài A Nan, Đồng Tử tự nhiên đến ngồi kiết già trên đài sen ấy. Đồng Tử thấy trong hư không có vô số Thánh Hiền đồng cất tiếng “Lạ thay! Lạ thay!” Khi nghe lời giáo huấn của Ngài A Nan, Đồng Tử Kim Sắc dùng trí Kim Cang phá tan thân kiến, cao như nhiều ngọn núi và chứng quả Tu Đà Hoàn.

 

Lúc bấy giờ Vua A Xà Thế và đoàn tùy tùng cùng trăm ngàn đại thần đến, thấy nơi Đồng Tử có ánh sáng và các tướng đặc biệt hiện ra, ngồi trên đài sen, sáng như ánh trăng rằm giữa trời mùa thu trong suốt. Nhà vua rất ngạc nhiên và hướng đến Ngài A Nan, toàn thân phủ phục sát đất kính lễ khen ngợi và chính Vua A Xà Thế đã đến vòng sắt trói người kia, cởi trói cho Đồng Tử Kim Sắc, đưa hai tay tiếp đón Đồng Tử, tâm nhà vua hoan hỷ giống như vừa đón nhận được đứa con yêu quý vậy.

 

Khi được cứu rồi Đồng Tử Kim Sắc suy nghĩ rằng: Nếu hôm nay ta đem sự thật lúc trước để báo cho vua nghe, hóa ra ta lại tạo nghiệp ác với Đại Thần Dũng Lệ và tự suy nghĩ tiếp rằng: Hãy tự xét kỹ về nghiệp của đời trước và chắc chắn ta đã tạo ra các nghiệp chẳng tốt, nay đã thành thục, mới có quả báo rõ ràng như thế nầy. Do vậy nghiệp nhân của đời trước không thể không có quả báo. Nay ta thật không có lỗi mà bị người khác muốn giết hại, nên khiến trừ bỏ đi, không so đo hơn thua nữa. Kế tiếp Ngài A Nan bảo Đồng Tử rằng:

 

Nầy Đồng Tử! Nàng Ca Thi Tôn Na Lợi trước bị rắn độc cắn vào chân, ông hãy dùng năng lực gia trì chân thật, làm cho mau được bình phục như cũ và cũng là điều làm cho đại chúng ở đây đều sẽ phát sinh lòng tin thanh tịnh.

 

Khi Đồng Tử nghĩ đến năng lực gia trì chân thật xong, nọc độc trong thân của nàng Ca Thi Tôn Na Lợi đã được tiêu trừ và thân thể trở lại như cũ. Lúc bấy giờ Tôn Na Lợi tỉnh lại thấy chung quanh mình có cả Ngài A Nan và Thánh chúng cùng Vua A Xà Thế và trăm ngàn quyến thuộc vây quanh khiến đồng nữ  hoang mang sợ sệt nghĩ rằng: Cảnh này ta đang nằm mộng mà thấy sao? Tâm ta bị mê loạn hay sao? Nghiệp mình làm nay đã đưa đến như vậy hay sao? Nhưng sau khi nghe Ngài A Nan giáo huấn, nàng đã rõ ngọn ngành nên chí tâm tin kính, trừ bỏ ân oán với Đại Thần Dũng Lệ và đến trước Ngài A Nan đảnh lễ, cầu mong rằng nếu sự suy nghĩ của nàng là chân thật thì thân người nữ của nàng hôm nay sẽ chuyển thành người nam. Khi nói lời ấy rồi với tâm chân thật và nhờ lực gia trì của Ngài A Nan, nàng đã chuyển thân gái thành thân nam. Ai ai cũng ngỡ ngàng và bảo rằng: Nàng Tôn Na Lợi chỉ mang một tấm vải đem dâng cúng cho Ngài A Nan mà được lợi lạc như vậy. Đó là một hạnh nguyện cao cả và to lớn thay,

 

Sau khi mãn nguyện qua sự cung kính thành tâm và sự gia trì của Ngài A Nan cùng Thánh Chúng, Đồng Tử Tôn Na Lợi phát nguyện xuất gia ở trong pháp thanh tịnh để thọ giới Tỳ kheo và đã được Ngài A Nan nhận lời. Tôn Giả A Nan truyền dạy pháp xuất gia cho đồng tử Tôn Na Lợi, dứt sạch các phiền não, chứng được quả vị A La Hán.

 

Trước đây thương chủ Nhật Chiếu và vợ lo âu sầu muộn bao nhiêu thì bây giờ ông bà thấy con của mình có đức tướng trang nghiêm ngồi cạnh bên Ngài A Nan, nên vô cùng vui mừng, đồng thời cũng kinh ngạc khi thấy con mình như ánh sáng của sao La Hầu. Thương chủ với tâm kính tín thâm sâu đến trước Ngài A Nan quỳ gối sát đất, chắp tay cung kính say sưa nhìn ngắm, lòng rất vui mừng và cung kính đảnh lễ Ngài A Nan. Sau đó Đồng Tử xin phép cha mẹ được xuất gia theo giáo pháp của chư Phật và được cha mẹ cũng như Ngài A Nan nhận lời. Với đầu tròn áo vuông làm thân tu sĩ, thọ giới Tỳ kheo, khi Đồng Tử cởi chiếc áo ra thì tự nhiên chiếc áo vàng khác lại được mặc vào và cứ như thế làm việc bố thí cho mọi người.

Kim Sắc Tỳ kheo dùng thần lực bay lên hư không đến thành Vương Xá, đi hết các nẻo đường và cứ liên tục cởi áo vàng đang mặc trên người ra, chất thành đống và kêu gọi người trong thành đến tùy ý lấy, theo nhu cầu của mỗi người. Mọi người vui mừng được áo tốt, nhưng cũng muốn biết là Tỳ kheo Kim Sắc do tu nhân gì mà được quả lành như vậy? Sau khi Tỳ kheo Kim Sắc giải thích cho hội chúng nghe về công đức của sự bố thí, làm cho họ phát sanh tâm tin kính. Sau khi thực hiện sự bố thí làm phước xong Tỳ kheo Kim Sắc dùng thần lực bay lên trên hư không trở về rừng bỏ thây chết hướng đến Ngài A Nan và chúng Tỳ kheo đảnh lễ dưới chân, rồi  lui ngồi một bên.

 

Vua A Xà Thế khi biết được Đại Thần Dũng Lệ có tâm không đoan chánh muốn vu oan vụ giết hại Ca Thi Tôn Na Lợi cho Đồng Tử Kim Sắc, nên tỏ ra giận dữ và muốn mọi người truy đuổi, bắt sống để đánh đập trừng trị tội vu oan kia. Khi Đại Thần Dũng Lệ bị hành hạ máu chảy thịt tan, Ông liền nghĩ đến lòng từ bi của Ngài A Nan và mong Ngài A Nan cứu giúp. Ngài A Nan hiện thân và bảo mọi người hãy dừng tay. Khi mọi người vâng lời dừng tay, Vua A Xà Thế nhìn qua Ngài A Nan thưa rằng: Nếu Ngài thấy rằng Đại Thần Dũng Lệ có thể ở trong giáo pháp của Ngài được trọn đời làm Tỳ kheo cận sự thì ta sẽ cho thả hắn ra. Lúc bấy giờ Tôn Giả A Nan bảo Tỳ kheo Kim Sắc rằng: Ông hãy dùng lực gia trì chân thật làm cho mọi đau đớn trên thân thể của Đại Thần Dũng Lệ đều tiêu tan hết, trở lại nhẹ nhàng như trước. Bấy giờ Đại Thần Dũng Lệ mới phát tín tâm đến trước Ngài A Nan và bạch rằng: Con xin được xuất gia trong giáo pháp thanh tịnh của Tôn Giả, thọ giới Cụ túc, được tướng Tỳ kheo, ở chỗ Tôn Giả thệ nguyện tu phạm hạnh.

 

Ngài A Nan tuyền giới Tỳ kheo cho Đại Thần Dũng Lệ và chỉ trong chốc lát Đại Thần Dũng Lệ dứt sạch các phiền não, chứng quả A La Hán. Sau đó Ngài A Nan thuyết pháp cho đại chúng nghe và vợ chồng thương chủ cũng chứng ngộ được chân lý.

 

Sau khi Vua A xà Thế thấy được những công hạnh và thần lực của Tôn Giả A Nan, tín tâm của nhà vua  càng dũng mãnh hơn nữa và nghĩ rằng: Mặc dầu Đức Thế Tôn đã nhập diệt, chánh pháp Ngài đã trao truyền lại cho Ngài Ma Ha Ca Diếp và bây giờ Ngài Ca Diếp đã viên tịch, nhưng chánh pháp ấy vẫn còn được Tôn Giả A Nan bảo hộ giữ gìn, đó cũng là do lòng thương bao la sinh ra của Đức Đại Bi Thế Tôn. Sau khi khen ngợi Tôn Giả A Nan xong, Vua A Xà Thế phát sinh tín tâm tối thượng, liền hướng về phía trước, toàn thân sát đất, đảnh lễ dưới chân Tôn Giả A Nan và bắt đầu thưa hỏi:

 

Bạch Ngài: Thương chủ Nhật Chiếu và vợ đã tu nhân gì ở đời trước mà được phước báo đặc biệt tốt đẹp như vậy? Được nhà cửa rộng lớn, giàu có, của cải dồi dào, ở trong pháp Phật được chứng ngộ chân lý?

 

Tỳ Kheo Ca Thi Tôn Na Lợi và Tỳ Kheo Dũng Lệ do tu nhân gì trong đời trước, mà đời nay được giàu có, tích chứa nhiều của báu, sinh trong dòng họ cao quý, được xuất gia tu đạo trong pháp Phật, đoạn các phiền não chứng quả A La Hán?

 

Tỳ Kheo Kim Sắc xưa tu nhân gì mà nay được phước báo đặc biệt tốt đẹp, sinh trong dòng họ cao quý, giàu có, lại được thân tướng trang nghiêm, có ánh sáng sắc vàng, thường tỏa chiếu, được mọi người thích ngắm nhìn, yêu mến, y phục tốt đẹp tự nhiên mặc lên thân…và chứng được quả A La Hán? Nguyện xin Tôn Giả giải thích cho con.

 

Đại Vương hãy lắng nghe: Trong đời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi gồm đủ mười Tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy trú ở thành Mãn Độ Ma Đế.

 

Trong thành có một thương chủ tên là Diệu Nhĩ giàu có chẳng khác gì Tỳ Thiên Vương và sau khi Ông ta lấy vợ, chẳng bao lâu người vợ mang thai; còn Ông thì đi sang xứ khác cùng với những thương nhân để tìm kiếm thêm và buôn bán những đồ vật quý giá khác, nhưng cuối cùng cũng chẳng gặt hái được gì nhiều mà còn bị cướp bóc nữa. Trong khi đó người vợ mang thai ở nhà sinh ra được một người con, nhưng da dẻ thô cứng, đen đúa dung mạo xấu xí, đủ tám tướng xấu. Thật là đáng chán ghét, thân miệng tỏa ra mùi hôi thối, bay tỏa lan xa, khiến cho mọi người gờm chán. Khi đồng tử vừa sinh ra thì có nạn hạn hán, cháy lớn, khiến cho nhà cửa tiêu tan, tài sản vật dụng không còn một thứ gì cả. Vợ của thương chủ Diệu Nhĩ bồng con đi trốn nạn. Bấy giờ nô tỳ cũng chẳng còn ai, chỉ còn một người nữ trung kiên quyết theo giúp đỡ cho vợ của thương chủ Diệu Nhĩ. Ngày nầy qua ngày nọ tìm đâu cũng không ra vật gì để lót bụng, nên người nữ tỳ đề nghị đi làm mướn cho người trong làng. Đồng tử càng ngày càng lớn mà sức lao động của một người không đủ, nên mẹ của Đồng Tử cũng tìm cách đi làm thêm để nuôi cả ba miệng ăn. Nhưng ác hại thay cơm vẫn không đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc, thân thể dơ bẩn, đầy rận rệp hôi hám, làm người thấp hèn chịu khổ cực để đi làm thuê. Vì sao phước đức lại tan chảy nhanh như vậy. Sự giàu có chẳng bao lâu, nay các nghiệp báo khác nhau lại ập đến?

 

Vợ của thương chủ Diệu Nhĩ bây giờ gọi đứa con vào và bảo: Bây giờ con đã lớn hãy cùng mẹ đi xin ăn thôi, chứ trong nhà không còn gì cả, ngoại trừ cái bát để xin ăn. Nhưng oái oăm thay! Cái bát cũng bị đứa bé làm vỡ, đồng thời bị lũ trẻ quanh làng ghê tởm, vì hôi hám và ghẻ lỡ đầy mình. Khi người mẹ thấy con mình khổ nhọc như vậy cũng lấy làm thương, nhưng chẳng biết làm sao hơn. Con bà bị đánh đập thì bà ôm sát vào lòng và nhớ nghĩ đến những đứa con của Bà La Môn thì giàu sang, ăn mặc đẹp đẽ, còn con bà lại như vậy, nên rất tủi thân.

 

Trong khi đó thương chủ Diệu Nhĩ cũng thất bại khi đi xa và bây giờ muốn trở về nhà cũng không có gì mang về, thậm chí phải tìm cách xin bánh đậu xanh để lót dạ; người đi đường cho Ông 2 cái, nhưng Ông nghĩ rằng nên cất lại một bánh, rồi bẻ cái bánh kia ra chia cho đứa ở nhỏ cùng ăn. Thương chủ nghe bà con làng xóm cho biết bây giờ nhà cửa của ông không còn gì cả; Ông rất đau lòng khi gặp lại vợ con cùng  người tớ gái và biết rằng nhà cửa bị thiêu hủy hết nên bây giờ tất cả đều sống nhờ vào việc xin ăn, nhưng vẫn không đủ. Khi trông thấy nhà cửa của cải, vợ con, tôi tớ như vậy, thương chủ Diệu Nhĩ liền nghĩ đến thân phận của mình trong hiện tại so với thời xưa, thật chẳng còn bút mực nào tả được nữa, Ông chợt nghĩ rằng:

 

Chỉ có Đức Phật Thế Tôn là cao quý hơn hết, không một pháp nhỏ nào mà không biết, không thấy, tất cả đều hiểu rõ. Chư Phật Thế Tôn, pháp là như thế, có đầy đủ các tướng tốt, hào quang sáng rỡ như mặt trời chiếu khắp, lại như ngọc báu ma ni sáng sạch, giống như ngọc trong suốt không có tỳ vết, đầy đủ các đức tốt như hoa sen nở. Xưa kia Đức Phật đã xả thí tất cả từ đầu mắt, tay chân thực hành Bồ Tát hạnh để cứu độ chúng sanh, kể cả xe ngựa vợ con tôi tớ. Phật không bỏ sót một ai khi có lòng nhớ nghĩ đến Ngài. Lúc bấy giờ Đức Phật Tỳ Bà Thi quan sát trong thế gian thấy thương chủ Diệu Nhĩ khổ sở như vậy nên Ngài phát lòng thương lớn, đắp y mang bát đi vào thành Mãn Độ Ma lần lượt khất thực. Sau khi khất thực trong thành, Ngài cùng chúng Tăng an tọa và phóng ra ánh sáng quang minh chói lọi soi đến vườn nhà của Diệu Nhĩ, khiến cho tất cả phục hồi trở lại và còn đẹp hơn xưa. Lúc ấy thương chủ Diệu Nhĩ mới nghĩ rằng: Ta còn một cái bánh đậu xanh, nay muốn dâng cúng cho Đức Phật Tỳ Bà Thi, Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ông nói: Vì con nghèo hèn không có gì khác, kính mong Ngài nhận cho vật cúng thanh tịnh nầy để mong kết duyên đời sau được cứu giúp khỏi sự khốn khổ nầy.

 

Người vợ thương chủ cũng rất hoan hỷ cho việc cúng dường thanh tịnh của chồng mình. Sau khi cúng dường phẩm vật nhỏ kia, thương chủ Diệu Nhĩ lễ bái Đức Như Lai Tỳ Bà Thi. Nhờ thần lực của Phật, Diệu Nhĩ sức khỏe trở lại như xưa và mọi ước nguyện đều được viên mãn. Khi thương chủ trở lại căn nhà xưa, những thương nhơn trong thành cũng đã gom góp của cải vàng bạc để hỗ trợ cho Diệu Nhĩ một cách thanh tịnh trong sạch, Diệu Nhĩ quay lại bảo với vợ rằng: Bà thấy đó, nhờ vào sự phát tâm thanh tịnh mà hạt giống sạch về lòng ban cho nầy có thể phát sinh thêm mầm thiện. Người vợ Diệu Nhĩ cũng rất hoan hỷ và hướng về Đức Phật Tỳ Bà Thi để đảnh lễ.

 

Lúc bấy giờ Đồng tử xấu xí, con của thương chủ Diệu Nhĩ tìm lại vườn xưa và nghĩ rằng tại sao ta lại nghèo cùng xấu xí như vậy, chỉ có cái chết mới có thể giải quyết được mọi việc mà thôi. Nói đoạn, leo lên cây cao rồi buông mình xuống đất, khiến cho thân thể nát nhừ.

 

Khi ấy Đức Phật Tỳ Bà Thi dùng đạo nhãn để quan sát thấy thảm cảnh như vậy, nên phát lòng thương rộng lớn, dùng thần thông đến ngôi vườn ấy, đem ánh sáng của lòng yêu thương do trăm kiếp tích tập lại chiếu đến thân Đồng Tử xấu xí kia. Khi Đồng Tử được ánh sáng chiếu đến, mọi đau đớn về thân thể của Đồng Tử đều tiêu tan hết, đói khát cũng tiêu trừ. Tất cả được nhẹ nhàng an ổn. Khi thấy ánh quang minh chói lọi nơi kim thân của Đức Phật Tỳ Bà Thi, Đồng Tử phát lòng tin an vui chân thật, liền cởi tấm áo màu vàng đang mặc trên thân vừa đủ một thước đem dâng cho Đức Phật Tỳ Bà Thi và phát lòng tin cao tột đặt lên chỗ Phật và cầm một cành hoa Ca Lan Nị Ca cùng dâng cúng Phật. Nhờ năng lực của Đức Phật Tỳ Bà Thi mà tấm áo dâng lên đắp vừa vẹn thân của Phật và cành hoa được cúng kia hóa thành tán lọng lớn như bánh xe che ở trên Phật.

 

Nhờ sự cúng dường thanh tịnh như vậy, Đồng Tử lúc bấy giờ những tướng mạo xấu xí không còn nữa, trở thành những tướng đẹp đoan nghiêm. Lại có đồ trang sức như các Thiên Tử trên các cõi trời, vàng vòng xuyến nhẫn đeo khắp đầy mình. Sau đó Đức Phật Tỳ Bà Thi trở lại nơi đồng trống để ở.

 

Lúc đó thương chủ Diệu Nhĩ mới hỏi vợ rằng: Con của ta đâu rồi? Khi đến khu vườn nhà cũ, thấy Đồng Tử tướng mạo trang nghiêm, sáng sủa như một Thiên Tử và Ông ngạc nhiên thốt lên rằng: Người có phước đức đầy đủ mới sinh ra được một đứa con như thế nầy. Sau đó cha con nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Thương chủ vẫn nghi ngờ và bảo rằng: Con ta tướng mạo xấu xí, nhưng sao nay ngươi lại đẹp đẽ như vậy? Hỏi xong mới suy nghĩ lại rằng: Chính Đức Thế Tôn Tỳ Bà Thi có đầy đủ phước báu đã hóa hiện ra, nên mới được như vậy và Ông quyết tâm cung thỉnh Đức Như Lai Tỳ Bà Thi cùng Thánh Chúng đến nhà Ông để dùng bữa cúng dường thanh tịnh. Đức Phật đã nhận lời bằng cách yên lặng.

 

Khi vị Ưu bà tắc là người giữ ruộng nghe công đức của chư Phật bất khả tư nghì như vậy bèn nghĩ rằng: Thương chủ Diệu Nhĩ chỉ đem một cái bánh đậu xanh cúng dường cho Đức Phật Tỳ Bà Thi, là gieo trồng ruộng cúng dường trong sáng cao tột. Trong khoảng sát na thương chủ đã xa lìa được sự nghèo khổ. Nhờ thần lực của Phật, dầu cho đem một vật thật nhỏ, nhưng với tâm thanh tịnh cúng dường mà nguyện lực đã được thành tựu. Do nhân duyên cao đẹp như vậy, nên được châu báu như ý. Khi người giữ ruộng tán thán ca ngợi Đức Phật Tỳ Bà Thi như thế rồi, Ngài đã dùng thần lực hiện ra trước mặt người ấy. Người làm ruộng sinh tâm cung kính và mang thức ăn trong sạch dâng cúng vào bình bát của Đức Phật Tỳ Bà Thi, rồi đảnh lễ dưới chân Phật và đã được Phật thọ ký cho.  Nhà vua đương thời thấy công đức của người giữ ruộng như vậy, nên bảo rằng hãy cùng ta đi về cung và ta sẽ cho nhà ngươi một nửa ngôi vua. Người làm ruộng thưa: Đó không phải là chí nguyện của thần mong muốn, mà việc mong muốn của thần là được xuất gia học đạo, tu phạm hạnh trong sạch.

 

Bấy giờ Tôn giả An Nan mới bảo với Vua A Xà Thế rằng:

 

Nhà vua có tướng tốt đẹp kia đang ở trong giáo pháp của Đức Phật Tỳ Bà Thi đâu phải người nào khác. Đó chính là Tỳ kheo Kim Sắc. Nhà vua ấy khi xưa gặp Phật Tỳ Bà Thi Như Lai, bởi nghèo khổ  nên cởi tấm áo nhỏ trên thân, đem cúng dường Phật, cúng dường rồi phát lời thệ nguyện lớn. Sau khi phát nguyện xong, do nghiệp thiện ấy mà khi sinh ra trời mưa xuống các hoa tốt đẹp, cho đến ngày nay cũng còn đầy đủ phước đức lớn, thân có áo tốt đẹp, cởi ra rồi, liền có trở lại, đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm như thế.

 

Thương chủ Diệu Nhĩ lúc xưa, chính là thương chủ Nhật Chiếu bây giờ. Vợ của thương chủ Diệu Nhĩ ngày xưa cũng chính là vợ của thương chủ Nhật Chiếu bây giờ. Người nữ giúp việc xưa kia ấy chính là Kỷ nữ  Ca Thi Tôn Na Lợi bây giờ. Người gia đồng khi ấy chính là Đại Thần Dũng Lệ ngày nay.

 

Vua A Xà Thế nghe vậy rất hoan hỷ và còn hỏi thêm Ngài A Nan rằng:

Thưa Tôn Giả: Tỳ Kheo Kim Sắc kia tại sao vì nghiệp gì mà vốn không có tội lỗi, lại bị người ta vu oan, gán cho tội lỗi ô nhiễm, phải bị treo vào cái giá bằng sắt, sắp bỏ mạng? Lại tạo duyên thiện gì mà được xuất gia chứng được quả A La Hán?

 

Ngài A Nan trả lời rằng: Ở một thuở quá khứ xa xưa có Đức Phật Diệu Nguyệt ra đời, trong nước ấy có một chùa Tăng và trong chúng Tăng có một vị Tỳ kheo thuyết pháp giỏi, nên được các Bà La Môn, Trưởng giả ở trong thành đến nghe pháp và cúng dường rất hậu hỷ. Sau đó có Tỳ kheo tên là Vô Thắng đến ở chùa nầy và đặc biệt thuyết pháp còn hay hơn vị Tỳ kheo kia nữa và lời giảng của vị Tỳ kheo Vô Thắng nầy khi giảng pháp gồm đầu, giữa và cuối giọng nói khéo, ý nghĩa sâu xa, tướng phạm hạnh hoàn toàn trong sạch. Trong khi mọi người cung cấp đầy đủ việc cúng dường cho Tỳ kheo Vô Thắng, thì ngưng cung cấp cho vị Tỳ kheo kia.

 

Vị Tỳ kheo nầy mới nghĩ rằng mình bây giờ bị đối xử tệ bạc, nếu để Tỳ Kheo Vô Thắng nầy ở mãi đây thì ta sẽ không còn ảnh hưởng trong quần chúng và không còn được nhận sự cúng dường nữa, nên mới tìm cách bôi nhọ Tỳ kheo Vô Thắng bằng cách là đi nhờ một người nữ Bà La Môn, bày cho cô ta đi lại giả vờ có nhân duyên hai người yêu thương nhau, để vu khống Tỳ kheo Vô Thắng. Vào một ngày nọ người nữ Bà La Môn kia bỗng dưng xông vào phòng chúng Tăng đang hội họp và vu oan cho Tỳ kheo Vô Thắng đã phạm tội quấy rối nữ nhân.

 

Khi nghe việc nầy Tỳ kheo Vô Thắng mới nghĩ rằng: Ta với Thầy ấy không có sơ hở lỗi lầm gì, mà tại sao Thầy ấy lại sanh tâm ganh tỵ vu oan như vậy?

 

Khi nghe như thế Tỳ kheo thuyết pháp kia càng sân giận, càng nói ra những lời xấu ác quở trách: “Ông có tội nầy, sau sẽ thọ lấy sự đau khổ, bị trói vào giá sắt”

 

Nghe nói như vậy Tỳ kheo Vô Thắng tự suy nghĩ rằng: “Việc làm như vậy là phá hoại pháp tu hành”. Nghĩ vậy rồi liền thu dọn y bát dụng cụ rời khỏi chùa, đi đến một gốc cây trú nghỉ.

 

Tỳ Kheo Vô Thắng dẫu cho có được năn nỉ bởi các Tỳ kheo khác, nhưng không chịu về lại chùa. Trong khi đó Tỳ kheo thuyết pháp kia tự thấy mình có lỗi nên đến trước Tỳ kheo Vô Thắng xin sám hối và tự quở trách mình thậm tệ. Các Bà La Môn, Trưởng giả đều thấy Tỳ kheo thuyết pháp đến quỳ trước Tỳ kheo Vô Thắng sám hối như thế nầy: “Bạch Tôn giả, nay tôi biết lỗi, nguyện xin Tôn giả tha thứ cho. Tôi như đứa trẻ, như người ngu si, không hiểu biết, vì tham lam những đồ vật cúng dường, nên đã tạo nghiệp bất thiện, đem việc không thực mà nói lời bất thiện để chê bai Tôn giả, tội lỗi rất nặng. Tội lỗi rất nặng! Nguyện xin Tôn giả thương xót tha thứ cho”.

 

Tỳ kheo Vô Thắng đáp: “Này Đại Đức! Tôi đã tha thứ cho Ông rồi. Nay tôi chỉ vì nhàm chán chỗ ồn ào, nên trú ở bên gốc cây, ngồi kiết già, thân ngay thẳng, nhớ nghĩ chân chánh, tu hạnh tịch tĩnh”. Sau khi suy nghĩ chín chắn thanh tịnh, nhàm chán thế gian, Tỳ Kheo Vô Thắng bay lên không trung như ngỗng chúa, trắng tinh trong sạch. Tất cả đại chúng đều nhìn theo, kính phục phát sinh lòng tin cao cả trong sáng. Ở trên hư không Tỳ Kheo Vô Thắng hiện đủ thần thông biến hóa.

 

Khi đó Tỳ kheo thuyết pháp hối hận, ngã quỵ dưới đất và tự trách mình tại sao lại đối xử với bậc Thánh như vậy. Lúc đó Đức Phật Diệu Nguyệt Như Lai cảm thấy xót thương Tỳ kheo thuyết pháp ấy, nên lấy tay xoa đầu an ủi để khỏi phải thổ huyết. Tỳ Kheo thuyết pháp cảm thấy an ổn. liền đứng dậy trước Phật hết lòng cầu xin sám hối. Sau khi chỉ dạy cho bốn chúng rồi, Đức Phật Diệu Nguyệt trở về lại chỗ ở của mình.

 

Ngài A Nan lúc ấy bảo với vua A Xà Thế rằng: Tỳ kheo thuyết pháp ấy đâu phải người nào lạ; nay chính là Tỳ kheo Kim Sắc, xưa kia đối với Tỳ kheo Vô Thắng là một vị Thánh Tăng, mà đã phát ra lời nói ác, lừa dối, chê bai và do nghiệp báo ấy nên 500 đời bị đọa vào những địa ngục lớn, trong mỗi địa ngục chịu đủ các thứ khổ đau. Có lúc làm ngạ quỷ, có lúc làm súc sanh. Khi các quả báo hết, sinh vào loài người, trong mỗi kiếp phải chịu tội lỗi, bị người vu khống ghét cho tội nhiễm duyên, bị treo trên giá chém, chịu lấy khổ rất đau đớn; cho đến đời nầy quả báo nghiệp ác mới dứt. Cuối cùng là bị Đại Thần Dũng Lệ vu oan tội giết người, bị trói trên giá chém, ta dùng thần lực cứu độ làm cho thoát khổ.

 

Người nầy trong thời Đức Diệu Nguyệt Như Lai nhờ phước lành, nên được xuất gia và nhờ đó trong đời nầy được xuất gia thanh tịnh, dứt các phiền não, nên đã chứng được quả A La Hán. Khi Ngài A Nan thuyết xong bài pháp nầy có nhiều người đã chứng được nhiều quả vị khác nhau trong tứ quả.

 

Sau việc nầy thương chủ Nhật Chiếu quỳ xuống thưa thỉnh Ngài A Nan và Thánh Chúng là ngày mai về nhà mình để được cúng dường.  Ngài A Nan nhận lời và thương chủ Nhật Chiếu về nhà cho gia nhân bày biện các thức ăn thơm ngon để dâng lên Ngài A Nan và Thánh Chúng. Lúc đó Tỳ kheo Kim Sắc thay mặt cha mình dâng lời thưa thỉnh và tự ý cởi ba y màu vàng ròng đang mặc trên thân mình, lần lượt dâng cúng lên Tôn giả A Nan và vô số Đại húng, y cởi ra rồi, liền có cái mặc lại, liên tục không hết.

 

Thương chủ Nhật Chiếu lúc bấy giờ chắp hai tay bạch với Tôn giả A Nan rằng: Hôm nay con được thấy các việc đặc biệt cao đẹp như vầy, chẳng phải cha, chẳng phải mẹ, chẳng phải vua, chẳng phải trời, chẳng phải bạn bè thân thuộc, chẳng phải Sa Môn Bà La Môn mà có thể làm được! Chỉ có Tôn giả với lòng thương lớn, khéo cứu giúp con. Như con ngày xưa do lòng yêu thương vợ con mà nước mắt khóc than như biển. Tôn giả đã dùng thần lực làm khô cạn nguồn gốc yêu thương ấy.

 

Lời bình:

 

Đọc qua 12 quyển với 115 trang tiếng Việt trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập thứ 57 thuộc Kinh Văn số 550 dịch từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo), tôi cảm nhận được việc thiện ác, nhân quả rất có lớp lang, nên cố gắng ghi lại tóm lược chỉ trong mấy trang đánh máy (quý vị nào có nhân duyên thì nên đọc hết càng hay) và có vài lời nhận xét như sau:

 

Thương chủ Diệu Nhĩ ở vào thời Đức Phật Tỳ Bà Thi cách đây 91 kiếp về trước, dẫu cho đói khát, nhưng sau khi nghe Phật thuyết pháp, với tâm niệm thanh tịnh cúng dường cho Ngài chỉ một cái bánh đậu xanh, mà trong thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được phước báu vô lượng, của cải giàu có như Thiên Vương.

 

Đồng Tử xấu xí con của thương chủ Diệu Nhĩ cùng trong thời Đức Phật Nhiên Đăng đã cúng dường một thước vải và một cành bông mà kiếp nầy đã nhận được vải vàng che thân, cúng dường hay biếu tặng cho ai cũng không bao giờ hết; ở trong một kiếp khác vào thời Đức Phật Diệu Nguyệt có phước báu được xuất gia làm Tỳ kheo giảng pháp, nhưng lại có tâm đố kỵ đối với Thánh Tăng Vô Thắng, chỉ vì lợi dưỡng riêng cho mìn, nên đã phải bị trói vào thanh sắt ở bãi tha ma, mặc dầu đã được Ngài Vô Thắng không bắt lỗi mà còn tha tội cho. Tuy vậy vẫn phải trải qua quả hàm oan và trong đời nầy đã bị Đại Thần Dũng Lệ vu oan việc liên hệ với Kỷ nữ Ca Thi Tôn Na Lợi.

 

Ca Thi Tôn Na Lợi cũng chính là người tỳ nữ trong kiếp trước đã lo cho vợ của thương chủ xấu xí nghèo đói kia và ở kiếp nầy được đầu thai làm Kỷ nữ nhan sắc. Còn Đại Thần Dũng Lệ chính là người gia đồng khi xưa vậy.

 

Nhân quả thật là trùng trùng như vậy, nhưng cuối cùng ở đây chúng ta phải xác định hai điều căn bản là:

  1. Phải có niềm tin mãnh liệt vào các bậc giác ngộ để được nhờ thần lực gia trì của các Ngài để chúng ta sớm thoát khỏi cảnh khổ.
  2. Hãy siêng năng phát tâm bố thí, cứu đời, giúp người. Đây là cái nhân chân chính để chúng ta có thể thực hành Bồ Tát hạnh và cuối cùng là chứng thành Phật quả.

 

Viết xong vào lúc 18:00 ngày 9 tháng 6 năm 2023 tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác, Hannover Đức Quốc trong mùa An Cư Kiết Hạ năm Quý Mão, kỷ niệm 60 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng & Lê Văn Duyệt Sài Gòn và Ngài đã để lại cho hậu thế một quả tim bất diệt, thiêu đến 4.000 độ C vẫn không cháy.


Thích Như Điển

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]